LỊCH SỬ GIÁO HỘI HỌC – THỜI CÁC GIÁO PHỤ

0
2040

Phan Tấn Thành

Trong tiến trình nghiên cứu thần học, việc học hỏi đề tài trong Kinh Thánh được nối tiếp với việc tìm hiểu Thánh Truyền, để theo dõi sự tiến triển của đạo lý trải qua các thời đại. Riêng đối với môn học của chúng ta, câu hỏi chính yếu được đặt ra là: Hội thánh đã biểu lộ khuôn mặt của mình như thế nào trải qua dòng lịch sử? Những suy tư về Hội thánh (Giáo hội học) chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những hoàn cảnh ấy. Như sẽ thấy, mãi cho đến thời thánh Tôma Aquinô, Giáo hội không được bàn trong một khảo luận riêng biệt. Những lý do gì đã thúc đẩy sự ra đời của môn Giáo hội học? Đề tài của chương này có nhiều điểm trùng hợp với “Lịch sử Giáo hội” cũng như “lịch sử truyền giáo” và “lịch sử thần học”.

Chúng ta áp dụng lối phân chia lịch sử (dựa theo bối cảnh châu Âu) thành bốn giai đoạn: 1/ Thời các giáo phụ. 2/ Trung đại. 3/ Cận đại. 4/ Thế kỷ XX. Ở mỗi giai đoạn, chúng ta sẽ nói sơ qua khung cảnh lịch sử, rồi từ đó tìm hiểu những cách thức biểu lộ căn tính của Hội thánh.

THỜI CÁC GIÁO PHỤ

——————————-

Thời Trung Đại – Cận Đại

Thế kỷ XX

——————————

       A. Khung cảnh lịch sử
      Thời các giáo phụ, tiếp nối thời các thánh tông đồ, kéo dài hơn kém 7 thế kỷ. Một biến cố quan trọng nhất làm thay đổi bộ mặt Hội thánh đã xảy ra vào đầu thế kỷ IV. Khi vừa mới ra đời, Kitô giáo chẳng những là một thiểu số mà còn bị chính quyền đàn áp vì bi coi là bất hợp pháp ( religio illicita). Thế nhưng với sắc chỉ năm 313 của hoàng đế Constantinô, Kitô giáo không những được tự do hành đạo mà dần dần trở thành quốc giáo (dưới thời hoàng đế Theođôsiô năm 370). Từ đó mối tương quan giữa Hội thánh và thế giới cũng thay đổi: trước đây, Đế quốc Rôma bị đồng hóa với Satan biểu tượng của Sự Dữ (xem sách Khải huyền), bây giờ Rôma trở thành đồng minh của Kitô giáo. Trước tình thế này, có hai phản ứng đối nghịch: a) một ý kiến cho rằng Đế quốc Rôma Kitô giáo là sự thành hình của vương quốc Thiên Chúa; b) ý kiến đối ngược cho rằng Hội thánh đã bắt tay với thế gian, làm giảm sự gắn bó với Chúa Kitô. Nhiều sử gia cho rằng ý kiến này là nguồn gốc của đời đan tu: vì muốn sống triệt để những yêu sách Tin mừng, họ khước từ “thế gian”, vào sa mạc để gặp gỡ Thiên Chúa.

       Ngoài mối tương quan với thế giới, Hội thánh phải đương đầu với nhiều khó khăn trong nội bộ: các người phạm tội có còn thuộc về Hội thánh nữa không? Các nhóm lạc giáo, ly khai thì sao? Đó là những cơ hội để suy tư về bản tính và sứ mạng của Hội thánh.

       B. Các diễn ngữ
       Các giáo phụ thường dùng các hình ảnh của Kinh thánh, đặc biệt là: dân Thiên Chúa, thân thể Chúa Kitô, hiền thê của Chúa Kitô. Các hình ảnh khác là: ngôi nhà hoặc đền thờ của Thiên Chúa, đàn chiên, vườn nho, vườn ngự uyển, chiếc áo không có đường chỉ. Ngoài ra, ta còn gặp thấy những diễn ngữ: Ecclesia ab Adam; Ecclesia ab Abel. Những hình ảnh này muốn nói lên vị trí của Hội thánh trong lịch sử cứu độ, trong tương quan với Thiên Chúa[1]. Một hình ảnh rất thân thương là “Ecclesia mater”: Hội thánh là mẹ bởi vì đã sinh hạ chúng ta nhờ bí tích Rửa tôi, đã nuôi dưỡng chúng ta bằng lời giảng dạy và các hoạt động mục vụ[2].

       Việc sử dụng và giải thích các hình ảnh này phần nào tùy thuộc vào hoàn cảnh thời gian và văn hóa, hoặc những vấn đề nảy lên trong đời sống Hội thánh, tóm lại vào ba khuynh hướng.

       1/ Khuynh hướng Tiểu Á, tượng trưng nơi thánh Irênêô (Adversus haereses), phát triển suy tư chung quanh vấn đề chân lý: Hội thánh như là “chỗ ở của chân lý” (dựa theo 1Tm 3,15).

a) Hội thánh là nơi thực hiện những lời hứa và sấm ngôn về Đấng Cứu thế:
– Hội Thánh là vườn ngự uyển, nơi trồng cây hằng sống, tức là thập giá.
– Hội Thánh là cây đèn mang ánh sáng là Đức Kitô.
– Hội Thánh là bà Eva, trinh nữ, hiền thê và mẹ. (Hội thánh ví như bà Eva được tác thành từ cạnh sườn ông Adam mới).

b) Hội Thánh cũng là nơi mà ta khám phá ra chân lý, nhờ sự truyền thông chân lý liên tục qua việc kế tục các thánh tông đồ cùng với ân huệ Thánh Linh.

       2/ Khuynh hướng La-tinh, tượng trưng nơi hai giáo phụ Bắc Phi là Cyprianô và Tertullianô, thường chú trọng đến khía cạnh định chế và phẩm trật của Hội Thánh.

       Thánh Cyprianô là nhà thần học của sự hợp nhất trong Hội Thánh. Hội Thánh tập trung quanh giám mục; giám mục được liên kết chặt chẽ với tập đoàn giám mục nhờ sự gắn bó với “tòa Phêrô” chủ tọa Hội Thánh chính sở, nguồn gốc của sự hợp nhất của các giám mục. Hội Thánh duy nhất này là “đoàn dân được quy tụ bởi sự duy nhất của Cha và Con và Thánh Linh”, “đoàn dân chung quanh giám mục, như đoàn chiên vây quanh mục tử” (Ep. 66,8,5), “Ngoài Hội thánh, không có ơn cứu độ” (Ep.73,21), “ Không ai có Thiên Chúa là cha nếu không có Hội Thánh làm mẹ” (Ep.73,21).

       3/ Khuynh hướng Alexandria, tượng trưng nơi Origène, chịu ảnh hưởng của thuyết Platon, phát triển suy tư về “mẫu mực”: Hội Thánh là nơi phục hồi hình ảnh lý tưởng của thân thể Chúa Kitô hiển vinh.

       C. Những vấn đề
       Nhiều suy tư thần học được chín muồi trong bối cảnh những cuộc tranh luận nội bộ, đưa đến những lối nhìn đôi khi khác biệt giữa các giáo phụ. Chúng ta hãy điểm qua vài vấn đề chính:

       1/ Các phần tử của Hội thánh

       Hội thánh là một đàn chiên bé nhỏ của Chúa Kitô, gồm bởi những tín hữu nhiệt thành, hay mở rộng cho đến mọi người, bất kỳ thánh thiện hay tội lỗi? Câu hỏi này được đặt ra do nhiều hoàn cảnh: trong thời kỳ bắt đạo, có những tín hữu đã dâng hương tế thần vì sợ chết; những người chối đạo có còn là thành phần Hội thánh nữa không? Đến thời thanh bình, có những vụ trở lại các ồ ạt, thiếu chuẩn bị chu đáo: nên áp dụng kỷ luật khai tâm khắt khe như trước đây hay là nên nới rộng?

       Có ít là hai chủ trương đối lập: một chủ trương khắt khe vì mong muốn một Hội Thánh thánh thiện (nhóm Đônatô); một chủ trương khoan dung, chấp nhận cả những thành phần yếu đuối trong Hội Thánh. Thánh Cyprianô xem ra đi nước đôi. Đối với các người ly giáo, ngài tỏ ra cứng rắn, bởi vì nó đụng đến “chân lý của Hội Thánh” là sự hợp nhất. Còn đối với người sa ngã (lapsi), ngài tỏ ra khoan dung, vì cho rằng chuyện này thuộc về điều kiện lữ hành của Hội Thánh. Hội Thánh không phải là cộng đoàn các thánh nhân, nhưng là dân tộc của những người tội lỗi.

       Về thân phận tội lỗi của các phần tử Hội thánh, dĩ nhiên các giáo phụ không ngừng rao giảng sự hoán cải thống hối, nhưng cũng chấp nhận nó như điều kiện của tình trạng lữ hành. Các ngài đã dùng những điển tích Cựu ước để khai triển đề tài Casta meretrix[3]. Hội thánh vừa thánh thiện vừa tội lỗi.

       2/ Hội thánh địa phương và Hội thánh phổ quát

       Trong Tân ước, danh từ ecclesia có khi ám chỉ một cộng đoàn các tín hữu tại một địa phương, thậm chí cộng đoàn đang họp nhau tại một gia đình (theo nghĩa này ecclesia có thể dùng ở số nhiều), có khi ám chỉ toàn thể các môn đệ của Chúa Kitô, họp nên một thân thể duy nhất (theo nghĩa này, chỉ có một ecclesia).

       Sang thời các giáo phụ, khi các cộng đoàn đã được tổ chức theo hệ trật, đôi khi một câu hỏi được đặt ra là: Hội thánh được thực hiện trọn vẹn ở đâu: tại mỗi cộng đoàn cử hành Thánh lễ, hay là nơi cộng đoàn tất cả tín hữu dưới sự cai quản của một nguyên thủ? Có hai lối nhìn, đôi khi nơi cùng một tác giả.

a) Theo lối nhìn “địa phương” (T. Inhaxiô, T. Cyprianô), Hội thánh được thể hiện nơi cộng đoàn Thánh Thể dưới sự chủ tọa của giám mục. Thánh Thể là yếu tố tạo nên sự hợp nhất. T. Cyprianô đã viết những câu bất hủ: “Hội Thánh là đoàn dân hợp nhất với giám mục, và đoàn chiên gắn bó với mục tử của mình. Cần biết rằng giám mục ở trong Hội Thánh và Hội Thánh ở trong giám mục, và hễ ai không đi với giám mục thì không ở trong Hội thánh” ( 66,8).

b) Theo lối nhìn “phổ quát”, Hội thánh là “catholica” và “caritas”, dưới quyền chủ sự của giám mục Rôma (T. Inhaxiô); Hội thánh là “apostolica”, được xây trên sự kế nhiệm các thánh tông đồ (T. Irênêo); giám mục đoàn là một, duy nhất và bất khả phân, và mỗi giám mục đều tham gia vào đoàn ấy (T. Cyprianô).

       Sự hợp nhất của Hội Thánh trở thành mối bận tâm chính yếu của các giáo phụ, đứng trước sự đe doạ của các nhóm ly giáo. Sự hợp nhất của Hội Thánh được duy trì nhờ sự hợp nhất của đoàn giám mục và sự kết hợp với người kế vị thánh Phêrô. Chính trong bối cảnh này mà đặc tính “catholica” được các giáo phụ khai triển (chẳng hạn như T. Inhaxiô, T. Irênêô, Tertullianô, Origène, T. Cyprianô, T. Augustinô)

       Sự liên kết giữa các giáo hội địa phương được diễn tả qua nhiều hình thức: các hội nghị giữa các giám mục trong một tỉnh, một vùng, hoặc ở cấp cao hơn; các cử chỉ liên đới và bác ái giữa các giáo đoàn[4].

       D. Đông phương và Tây phương
       Thời các giáo phụ đã chứng kiến sự phát triển của hai truyền thống thần học nói chung và Giáo hội học nói riêng: truyền thống Đông phương và truyền thống Tây phương[5].

       1/ Nói chung, khuynh hướng bên Đông mang tính “huyền bí”: Hội Thánh là sự thể hiện trong thời gian của mầu nhiệm thiên hóa được khai mào nhờ cuộc Nhập thể của Đức Kitô; nguyên ủy của sự thiên hóa là Thánh Linh; cơ cấu bí tích và phẩm trật được coi như bộ mặt hữu hình của mầu nhiệm.

       2/ Truyền thống La-tinh nghiêng về khía cạnh “định chế” của Hội thánh, mà tác giả nổi bật nhất là thánh Augustinô. Những điểm chính trong học thuyết của ngài sẽ trở thành gia sản của Giáo hội học Tây phương. Để diễn tả bản chất Hội thánh, ngài sử dụng các thuật ngữ: Christus totus, corpus Christi, populus Dei, civitas Dei.

       – Chritus totus. Chúa Kitô muốn tăng thêm các chi thể trong thời gian nhờ Giáo hội. Hội thánh là Chúa Kitô sung mãn, họp bởi đầu và các chi thể (Christus integer, caput et membra). Chúa Kitô cùng với Giáo hội họp thành “một thực thể duy nhất, một linh hồn duy nhất, một con người duy nhất, một kẻ công chính duy nhất. Chúa Kitô kết hợp với Giáo hội nhờ đức mến”. Tác nhân của sự kết hợp này là Thánh Linh.

       – Chiều kích hữu hình của Giáo hội. Sự hợp nhất được cấu thành và được biểu lộ qua các cơ cấu bí tích (đặc biệt là Thánh tẩy và Thánh thể), cơ cấu phục vụ và phẩm trật (bí tích Truyền chức).

       – Sự hợp nhất phổ cập. Hội Thánh được đặt làm kẻ phục vụ dự án phổ cập của Thiên Chúa là quy tụ tất cả nhân loại nên một: “civitas Dei” là kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa muốn quy tụ tất cả những người công chính từ khi tạo dựng “ab Abel” cho đến tận thế.

       – Tính cách lữ hành. Hội thánh trên thế giới còn ở trong trạng thái lữ hành, là một cộng đoàn mang dấu tích của ân sủng và tội lỗi, những thánh nhân và những tội nhân. Các thuật ngữ “corpus Christi” và “civitas Dei” diễn tả tình trạng hai mặt của Hội Thánh: một bên là Hội thánh trên trời thánh thiện, thần linh, cánh chung; bên kia là Hội Thánh dưới thế trần, “lữ hành giữa những cuộc bách hại của thế gian và những sự an ủi của Thiên Chúa”[6].

————————–

[1] Về các hình ảnh của Hội Thánh nơi các giáo phụ, cha Hugo Rahner (L’ecclesiologia dei Padri, Paoline Roma 1971) giải thích ý nghĩa súc tích của bốn hình ảnh chính: 1) Hội Thánh như lòng mẹ cưu mang Đức Kitô trong cuộc đời dương thế. 2) Hội Thánh ví như trinh nữ đặt trên mặt trăng hướng về hôn phu là Đức Kitô, mặt trời. 3) Hội Thánh như mạch nước hằng sống vọt ra từ vết thương cạnh sườn Đức Kitô. 4) Hội Thánh như chiếc tàu cứu độ, nhờ thập giá, đã lên đường đi tới bến vĩnh cửu.

[2] Nên lưu ý đến sự khác biệt giữa hai thuật ngữ “Mater Ecclesia” (hoặc “Ecclesia Mater”) và “Mater Ecclesiae”. Thuật ngữ thứ nhất có nghĩa là “Mẹ Giáo hội” (Hội thánh là Mẹ); thuật ngữ thứ hai có nghĩa là “Mẹ của Giáo hội” áp dụng cho Đức Maria (tước hiệu này mới thành hình).

[3] Hans Urs von Balthasar, Sponsa Verbi, Morcelliana Brescia 1966 (“casta meretrix”: p.189-283).

[4] Về tổ chức Giáo hội vào thời các giáo phụ, x. Về nguồn II (2013), trang 161-180.

[5] Về quan niệm Giáo hội theo các giáo phụ Đông phương và Tây phương, x. Về nguồn II (2013), trang 209-215. 238-243.

[6] T. Augustinô, De civitate Dei, XVIII,51, được trích ở số 8 của hiến chế Lumen gentium

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here