LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ – CHƯƠNG TÁM

0
526

LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ

Phan Tấn Thành

———————

Phần III. THỜI CẬN ĐẠI

Trong giai đoạn này, chúng ta sẽ tìm hiểu những hình thức tu trì từ thế kỷ XVI đến nay. Đối với lịch sử Giáo hội, đây là thời kỳ ly khai bên Tây phương do phong trào Cải cách Lutherô. Đối với lịch sử đời tu trì, đây là thời kỳ của các dòng hoạt động tông đồ.

Thực ra, các dòng hành khất đã hướng tới hoạt động tông đồ rồi; tuy vậy, họ còn duy trì kỷ luật của các dòng đan tu (tựa như: nguyện kinh chung, chay tịnh); Các dòng tông đồ cận đại có một quan niệm khác về cầu nguyện và các việc đạo đức.

Mặt khác, trong các hình thức tu trì hiện đại, chúng ta cũng thấy có sự đa dạng. Trước hết các giáo sĩ kỷ luật cũng khấn trọng giống như các đan sĩ và dòng hành khất; các hội dòng thì chỉ khấn đơn; các tu đoàn thì khấn tư. Sau cùng các tu hội đời thì “tu” ở giữa “đời” chứ không có tu viện. Đó là bốn hình thức tu trì chính sẽ được lần lượt trình bày trong bốn chương của Giai đoạn Ba, với sự đảo lộn thứ tự giữa các tu đoàn và các hội dòng bởi vì muốn tôn trọng thứ tự thời gian.

Chương Tám

CÁC GIÁO SĨ KỶ LUẬT

———————

CÁC GIÁO SĨ KỶ LUẬT

Trong các chương trước đây, khi bàn về các hình thức tu trì, chúng tôi luôn lưu ý về cách sử dụng từ ngữ, không những bởi vì chưa có sự thống nhất trong việc dịch thuật các thuật ngữ ngoại quốc, mà ngay cả ý nghĩa của các thuật ngữ trong nguyên gốc Latinh cũng biến đổi theo dòng thời gian.

I. Từ ngữ

Các “giáo sĩ kỷ luật” dịch từ tiếng latinh clerici regularis, theo nguyên ngữ có nghĩa là các giáo sĩ (clerici) sống theo một bản luật (regula). Theo dòng thời gian, thuật ngữ clerici regulares đã thay đổi ý nghĩa:

– Hồi thế kỷ VIII-IX, nó được áp dụng cho các giáo sĩ sống chung và tuyên giữ một bản luật, quen gọi là các “canonici regulares” (tạm dịch là “tăng sĩ”, nói ở chương Năm).

– Từ thời Trung cổ, clerici regulares được hiểu rộng hơn nữa, bao gồm tất cả các “giáo sĩ dòng” (đan sĩ, tăng sĩ, khất sĩ), đối lại với clerici saeculares (quen dịch là “giáo sĩ triều”; nếu muốn dịch sát chữ thì phải gọi là “giáo sĩ đời”).

– Vào thế kỷ XVI (1524-1617), clerici regulares ám chỉ một số dòng được thành lập tại Ý nhắm chấn hưng đời sống giáo sĩ, trong đó nổi tiếng nhất là Dòng Tên.

  1. Bối cảnh

Các dòng “giáo sĩ kỷ luật” ra đời trong bối cảnh cải cách Giáo hội và đời tu. Sự cải cách và canh tân là một yêu sách của đời sống Kitô hữu: tất cả mọi người đều được kêu gọi cải hoán liên lỉ, sửa đổi tư tưởng, tâm tình, hành động cho phù hợp với Tin mừng, dựa theo những tiêu chuẩn của “sự khôn ngoan theo Thập giá” chứ không phải là những tiêu chuẩn của thế gian.

Bên cạnh lời gọi cải hoán nội tâm dành cho từng tín hữu, còn có những tiếng kêu gào cải hoán nhắm tới toàn thể cộng đoàn Giáo hội. Riêng đối với các tu sĩ là những người đã gia nhập “hàng ngũ trọn lành”, việc cải hoán vẫn không phải là chuyện thừa thãi, bởi vì ít cộng đoàn nào duy trì lâu bền ngọn lửa hăng say của thuở ban đầu. Trên thực tế, chúng ta đã thấy nhiều đợt cải tổ giáo sĩ và tu sĩ được đề ra vào hồi thế kỷ IX (thời hoàng đế Charlemagne), thế kỷ X-XI (thời giáo hoàng Gregoriô VII và các công đồng Laterano). Việc cải tổ dòng tu không chỉ có nghĩa là canh tân các dòng hiện hữu, nhưng đôi khi còn kèm theo sự ra đời những hình thức mới, như chúng ta đã có dịp chứng kiến nơi các cuộc cải tổ Cluny, Citeaux và cách riêng nơi Dòng Đaminh và Phanxicô.

Mặt khác, sự canh tân Giáo hội và Dòng tu không chỉ nhằm sửa sang những lệch lạc nhưng còn nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới của thời đại. Chúng ta đã thấy điều này nơi các dòng hành khất hồi thế kỷ XII-XIII: vào thời đó, trong Giáo hội nảy lên nhiều phong trào kêu gọi trở về với nếp sống đơn sơ của Phúc âm; đồng thời, xã hội châu Âu đang chuyển mình từ nông thôn lên thành thị, từ chế độ phong kiến sang chế độ công xã.

Những nhận xét vừa rồi cũng có thể áp dụng cho xã hội châu Âu vào thế kỷ XV-XVI, nghĩa là thời chuyển tiếp từ thời Trung cổ sang thời Cận đại. Về triết học, có sự chuyển hướng từ viễn tượng đức tin (lấy Thiên Chúa làm mốc) sang lý trí (lấy con người làm mốc); về chính trị, đây là thời độc lập của thế quyền khỏi chính quyền. Ngay trong cách thức sống đạo, người ta cũng nhận thấy sự chuyển hướng: từ những chân lý khách quan (đạo lý đức tin, phụng vụ) chuyển sang cảm nghiệm cá nhân (suy gẫm, lòng đạo đức bình dân).

Cách riêng, đối với lịch sử Kitô giáo, giai đoạn này được đánh dấu bởi phong trào Cải cách của Martin Lutherô, đưa đến sự rạn nứt trong các Giáo hội bên Tây phương, bị phân hoá thành Giáo hội Công giáo, Lutherô, Calvinô, Anh giáo và hàng trăm chi phái khác. Nên nhớ rằng Lutherô nguyên là một tu sĩ dòng Âu-tinh, nhưng sau đó ông chống lại đời sống tu trì bởi vì đi ngược với học thuyết về công-chính-hoá. Theo ông, các tu sĩ tìm cách nên trở nên trọn lành dựa theo công sức riêng tư thay vì cậy dựa vào ân sủng. Trên thực tế, phái Tin Lành bành trướng tới đâu thì các nhà dòng bị đóng cửa tới đó. Sự bài trừ đời sống tu trì không chỉ bắt nguồn từ lý do thần học mà thôi, nhưng còn vì lý do kinh tế nữa: tài sản của các dòng tu sẽ bị sung công làm giàu cho ngân khố quốc gia.

Chính trong bối cảnh này mà dòng “giáo sĩ kỷ luật” ra đời, cũng như các “tu đoàn giáo sĩ” (sẽ được bàn trong chương Chín)[1].

Mục 1. Lịch sử

Lịch sử các dòng “Giáo sĩ kỷ luật” thường được chia làm ba giai đoạn: khởi đầu, phát triển, hậu Trentô

I. Khởi đầu

Những dòng đầu tiên bắt nguồn từ phong trào cải tổ hàng giáo sĩ đã được nhen nhúm từ thế kỷ XIV. Các giáo sĩ thời đó bị tố cáo là hám quyền, hám tiền, xao lãng trách nhiệm, dốt nát, bê bối. Đối lại, các dòng “giáo sĩ kỷ luật” chủ trương: khấn hứa sẽ không đảm nhận chức tước, không lấy bổng lộc, tận tâm với chức vụ, trau dồi kiến thức, tuân thủ kỷ luật đạo đức (cầu nguyện, tĩnh tâm).

Những dòng sau đây đã được thành lập trong chiều hướng đó:

1/ Ordo Clericorum Regularium vulgo Theatinorum, được thành lập năm 1524 do thánh Gaetano da Thiene (1480-1547), quen gọi là dòng Theatini, tức là tên hiệu tòa của vị bề trên tiên khởi Gian Pietro Carafa (1476-1559) được cử làm giám mục Theatinus (giáo phận Theata tức là Chieti, Italia). Carafa sau đó đắc cử làm giáo hoàng Phaolô IV (1555-59). Dòng được Toà thánh châu phê ngày 24/6/1524. Các thành viên đều là giáo sĩ, chuyên tâm vào việc cầu nguyện, học hành, giảng thuyết.

2/ Ordo Clericorum Regularium a Somascha

Do thánh Hiêrônimô Miani (1486-1537) thành lập tại Somasca (gần Bergamo, bắc Ý) vào năm 1534, ban đầu như là hiệp hội giúp đỡ người nghèo (Compagnia dei servi dei poveri) và được Toà thánh phê chuẩn năm 1540; sau đó được xếp vào Dòng giáo sĩ kỷ luật (năm 1568), hướng tầm hoạt động vào việc phục vụ các cô nhi và thiếu nữ lầm lạc.

3/ Congregatio Clericorum Regularium S. Pauli

Do thánh Anton Maria Zaccaria (+1539) thành lập tại Milano vào năm 1533 và được châu phê năm 1535. Các giáo sĩ (được gọi là Barnabiti, vì phục vụ tại nhà thờ kính thánh Barnabê) dấn thân vào việc rao giảng Chúa Giêsu chiụ đóng đinh, cổ đông việc chầu Mình Thánh 40 giờ, linh hướng và giảng tĩnh tâm. Với sự trợ giúp của Giacomo Antonio Morigia (+1546), Bartolomeo Ferrari (+1544), nữ bá tước Ludovica Torrelli (1499-1569), Battista da Crema O.P. (k.1460-1530), thánh Zaccaria còn thành lập một ngành nữ (Angeliche), và một ngành dành cho các đôi hôn nhân.

II. Phát triển

Nổi bật nhất trong nhóm “giáo sĩ kỷ luật” là Dòng Tên Chúa Giêsu (Societas Iesu), do thánh Inhaxio (Inigo) Lopez de Loyola (1491-1556) thành lập. Chúng tôi đã có dịp trình bày tiểu sử và linh đạo của thánh nhân trong tập II (trang 269-274), vì thế ở đây chúng tôi chỉ giới hạn vào những điểm liên quan đến đời sống tu trì.

Dự án thành lập dòng tu của thánh Inhaxiô được đức thánh cha Phaolô III châu phê ngày 27/9/1540 (bulla Regimini militantis ecclesiae) như là một Dòng Giáo sĩ kỷ luật. Công cuộc lập pháp vẫn còn tiếp tục cho đến đời cha tổng quyền Claudio Acquaviva (1581-1615). Trong số những điểm thay đổi nếp sống tu trì ta có thể kể:

– Bỏ đọc chung kinh Thần vụ chung. Điều này đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi, bởi vì hồi đó, việc nguyện kinh chung được xếp vào những yếu tố căn bản của đời tu. Đức thánh cha Phaolô IV đã truyền các tu sĩ phải thêm nghĩa vụ đó vào hiến pháp, nhưng vị kế nhiệm (Piô IV) đã rút lại.

– Các sinh viên và trợ sĩ (Coadiutores) chỉ tuyên khấn đơn (chứ không khấn trọng). Đức Grêgoriô XIII đã chấp thuận đặc ân đó.

– Các tu sĩ khấn vâng phục Đức Thánh Cha trong bất cứ điều gì liên hệ đến sự cứu rỗi các linh hồn và đạo lý. Lời khấn này được giải thích theo chiều hướng truyền giáo, nghĩa là sẵn sàng thi hành sứ vụ ở bất cứ nơi nào mà Toà thánh uỷ thác.

– Bãi bỏ cơ cấu “tu nghị” (capitulum): các chức vụ không do tu nghị bầu cử nhưng được cắt đặt từ cấp trên. Chỉ có Bề trên tổng quyền (Praepositus generalis) được bầu lên do tổng tu nghị, nhưng sẽ giữ chức vụ mãn đời.

Hoạt động của Dòng Tên bao trùm sứ vụ phổ quát, cách riêng trong các lãnh vực: đào tạo các linh mục (chủng viện), đào tạo các tín hữu (huấn giáo, trường học), truyền giáo cho dân ngoại (bao gồm cả những nhóm lạc giáo, ly giáo).

III. Sau công đồng Trentô

Những dòng kể trên được thành lập với mục đích cải tổ hàng giáo sĩ, dọn đường cho kế hoạch cải cách của công đồng Trentô, được phác họa qua sắc lệnh De regularibus et monialibus, ban hành vào tháng 12 năm 1563 (sessio XXV). Một tháng trước đó, công đồng đã trả lời cho Lutherô rằng hôn nhân là một bí tích thánh thiện, nhưng sự trinh khiết vì nước trời thì cao trọng hơn (sessio XXIV, De sacramento matrimonii, canon 10).

Sau công đồng Trentô, một vài dòng Giáo sĩ kỷ luật được thành lập hoặc phê chuẩn:

Ordo Clericorum Regularium Ministrantium Infirmis, do thánh Camillô de Lellis (1550-1614) thành lập vào năm 1584 để săn sóc bệnh nhân, và được đức Grêgôriô XIV châu phê như một dòng Giáo sĩ kỷ luật vào năm 1591. Nên biết là một dòng tương tự phục vụ các bệnh viện do thánh Gioan Thiên Chúa (1495-1550) lập năm 1537 thì lại được đức Urbanô VIII xếp vào các dòng hành khất vào năm 1624, có lẽ tại vì các phần tử không thuộc hàng giáo sĩ.

Ordo Clericorum Regularium Matris Dei, do thánh Gioan Leonardi (1541-1609) thành lập tại Lucca năm 1574, được phê chuẩn năm 1595 và được nhận vào các dòng giáo sĩ kỷ luật vào năm 1621.

Ordo Clericorum Regularium Matris Dei, được lập ở Napoli vào năm 1588 bởi ba linh mục Giovanni Agostino Adorno, Fabrizio Caracciolo và thánh Francesco Caracciolo; được châu phê năm 1588 và được nhận là dòng Giáo sĩ kỷ luật vào năm 1591.

Ordo Clericorum Regularium Pauperum Matris Dei Scholarum Piarum, do thánh Giuse Calasanziô (+1648) lập từ năm 1597 tại Rôma, và sau nhiều biến chuyển, được phê chuẩn như dòng giáo sĩ kỷ luật ngày 18/11/1621.

Mục 2. Linh đạo

Trong số các dòng Giáo sĩ kỷ luật, ta thấy có ba dòng đặc trách một công tác mục vụ chuyên biệt: bệnh viện (Camilliani), giáo dục thiếu niên (Somaschi), học đường (Piaristi); các dòng khác thi hành các tác vụ linh mục (giảng dạy, bí tích, truyền giáo).

Những dòng này ra đời trong bối cảnh của phong trào Cải cách thế kỷ XIV-XV. (Cũng nên nhớ là phong trào Cải cách đã tác dụng cả đến các dòng đan tu và dòng hành khất đã được bàn trong các chương trước đây). Trong số các dòng giáo sĩ kỷ luật, Dòng Tên nổi bật hơn cả, không những trong thời kỳ đang bàn nhưng còn qua nhiều thế hệ kế tiếp, xét về cơ cấu tổ chức cùng như về linh đạo.

I. Cách tổ chức

Để phản ứng lại những lạm dụng của các dòng đan sĩ và hành khất, Dòng Tên tỏ ra dị ứng đối với các cơ chế cổ truyền:

– Về từ vựng. Những từ ngữ monasterium, conventus, abbas, prior, monachi, fratres được thay thế bằng các từ: superior, domus.

– Về kỷ luật: không có tu phục riêng (các tu sĩ Dòng Tên mặc y phục giống như các giáo sĩ khác); không hát kinh nhật tụng (mỗi người nguyện riêng).

– Về tổ chức: không dùng các bản luật cổ; các vị sáng lập viết luật (hoặc hiến pháp mới).

– Về điều hành: giảm bớt vai trò của tổng hội và các cuộc bầu cử.

– Về linh đạo: hoạt động tông đồ được coi như quan trọng ngang hàng với việc thánh hoá bản thân.

II. Đời sống tâm linh

Như đã nói trên đây, các cuộc cải cách trong dòng tu một đàng nhằm bài trừ những lệch lạc, nhưng đàng khác tìm cách đáp ứng với những yêu sách của thời đại. Điều này cũng được áp dụng cho các dòng Giáo sĩ kỷ luật. Chúng tôi đã đề cập đến những biện pháp bài trừ những lệch lạc, bây giờ chúng ta hãy xét đến những “con đẻ thời đại”.

1/ Một đặc trưng của lịch sử tâm linh thời cận đại là hướng về cảm nghiệm nội tâm. Điều này có thể nhận thấy nơi hiện tượng xuất bản những sách “Tự thuật” của thánh Inhaxiô cũng như của thánh Teresa Avila (khác với những giai đoạn trước đó, khi mà tiểu sử hoặc hạnh tích các tổ phụ là do các đệ tử viết ra, chứ không do chính đương sự kể lại).

Trong việc cầu nguyện cũng vậy. Trước đây, các đan sĩ cùng lắm là phân biệt bốn chặng của lectio divina (đọc, gẫm, đối thoại, chiêm ngắm), hoặc bốn mục tiêu của việc cầu nguyện (thờ lạy, tạ ơn, đền tạ, cầu xin), chứ không dạy phương pháp cầu nguyện. Vào thời Cận đại, các tác giả bắt đầu vạch ra những phương pháp suy gẫm, phân tích từng hành vi (chuẩn bị tâm hồn, đọc sách, suy gẫm bằng cách vận dụng lý trí và ý chí, vv). Việc suy gẫm được coi như tiêu chuẩn đo lường đời sống cầu nguyện (nhưng phụng vụ lại bị coi nhẹ).

Mặt khác, có lẽ vì dị ứng đối với những lệch lạc của vài phong trào huyền bí đương thời (alumbrados, quietismus), cho nên các tu sĩ không được khuyến khích đi tìm sự kết hiệp huyền bí. Sự suy niệm nhằm giúp con người sửa mình cải thiện để đi phục vụ Nước Chúa, chứ không phải để tiến tới sự chiêm ngắm kết hiệp (xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 272).

2/ Có thể nói được là với dòng Tên, mục tiêu của đời tu trì được chuyển sang hoạt động. Trước đây, các đan sĩ đặt mục tiêu cho đời tận hiến là “đi tìm Chúa”, “chiêm ngưỡng Chúa”. Dòng Tên đánh dấu một khúc quặt khi hướng nỗ lực về hoạt động tông đồ. Điều này được diễn tả qua công thức contemplativus in actione: chiêm niệm trong hoạt động.

Thực ra cần phải hiểu chính xác sự chuyển hướng này. Khi nói đến “hoạt động” như là một mục tiêu của đời tu, chắc chắn thánh Inhaxiô không hề muốn biến nhà dòng thành hợp tác xã lao động sản xuất. Ở đây “hoạt động” được hiểu về việc “hoạt động tông đồ”, cộng tác vào việc phụng sự Nước Chúa. Công thức “chiêm niệm trong hoạt động” không có nghĩa là chiêm niệm bằng cách hoạt động (chiêm niệm đường phố), nhưng phải hiểu rằng: cần tìm thấy Chúa hiện diện trong hết mọi hoàn cảnh và công tác. Người tu sĩ không thể chỉ giới hạn việc cầu nguyện chiêm niệm vào những giây phút ở nhà nguyện; nhưng sau khi đã tiếp xúc thân mật với Chúa trong giờ cầu nguyện, họ hãy tiếp tục cuộc đàm đạo với Chúa qua những công việc phục vụ Chúa.

3/ Về đường lối quản trị, Dòng Tên mở đầu khuynh hướng trung ương tập quyền trong hiến pháp các dòng tu: mọi quyền bính mệnh lệnh đều phát xuất từ cơ quan trung ương. Các hình thức bầu cử hoặc tu nghị xem như biến mất. Các sử gia đã đưa nhiều lý do để giải thích biện pháp này:

– a) Phản ứng lại những cuộc tranh cãi bất tận  ở các tu nghị đưa đến tình trạng chia rẽ, tê liệt trong các Dòng cổ truyền.

– b) Tập trung quyền lực để dễ điều động nhân sự vào công cuộc truyền giáo.

– c) Thánh Inhaxiô xuất thân từ binh nghiệp cho nên cũng muốn tổ chức nhà dòng như một đạo quân.

– d) Đi xa hơn nữa, có người nghĩ rằng chẳng qua thánh Inhaxiô cũng là “con đẻ của thời thế”. Ngoài kinh nghiệm đời quân ngũ, ngài sống vào thời đại mà chế độ quân chủ chuyên chế đang thịnh hành tại châu Au, với khuynh hướng tập trung quyền bính, khác xa thời Trung cổ (địa phương phân quyền). Trong Giáo hội cũng vậy: quyền bính tập trung vào giáo triều Rôma. Vai trò của công đồng bị lu mờ. Từ khi bế mạc công đồng Trentô (năm 1563) phải chờ đến 300 năm sau thì mới khai mạc công đồng Vaticanô I (1869), đang khi vào thời Trung cổ, có 3 công đồng họp trong thế kỷ XI (Lateranô I, II, III) và 3 công đồng trong thế kỷ XIII (Lateranô IV, Lyon I và II).

Nói khác đi, đây không phải là lần đầu tiên ta thấy ảnh hưởng của yếu tố “văn hóa” trong cách diễn tả đời sống tận hiến.

——————————————–

[1] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 263-268.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here