LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ – CHƯƠNG CHÍN

0
807

LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ

Phan Tấn Thành

———————

Chương Chín

CÁC TU ĐOÀN

———————

Trong bộ giáo luật hiện hành, các “Tu đoàn tông đồ” được xếp sau các dòng tu và các tu hội đời, lý do bởi vì nhiều tu đoàn không có lời khấn. Xét theo thời gian xuất hiện, thì các tu đoàn được giáo luật nhìn nhận trước cả các hội dòng. Tuy nhiên trước khi vào vấn đề chúng ta cần phải xác định từ ngữ.

Như chúng tôi đã hơn một lần lưu ý, việc dịch thuật các từ ngữ latinh sang tiếng Việt không lúc nào cũng chính xác; thế nhưng có nhiều trường hợp mà chính trong tiếng latinh ngôn ngữ cũng không lờ mờ. Vào lúc duyệt lại bộ giáo luật 1983, uỷ ban soạn thảo đã mất nhiều thời gian để tìm ra một danh xưng thích hợp cho hình thức tu trì này. Bộ giáo luật cũ gọi là “Hội những người sống chung không có lời khấn” (Societates in communi viventium sine votis). Danh xưng này bị chỉ trích vì hai lý do chính: thứ nhất, vì tính cách tiêu cực của nó: căn cước phải được xác định cách khẳng định (nó là gì) chứ không phải bằng cách phủ định (Akhông có lời khấn”); thứ hai, bởi vì không nêu bật được sự khác biệt với các hội đoàn nói chung. Nhiều danh xưng khác được đề nghị, chẳng hạn như: Instituta vitae apostolicae consociatae, Instituta apostolica, Societates ecclesiasticae, Societates apostolicae, Instituta apostolica non religiosa. Sau nhiều cuộc tranh cãi, danh xưng được chọn là Societas vitae apostolicae, tuy không được hết mọi người ưng ý.

Thật ra, ngay các tu đoàn này cũng mang nhiều danh hiệu khác nhau: Sodalitium, Societas apostolica, Oratorium, Congregatio saecularis, một phần cũng bởi vì nhằm các mục tiêu khác nhau, được xếp gọn vào hai loại chính: loại thứ nhất là sống cộng đoàn để cổ võ sự trọn lành, tuy không giữ lời khấn; loại thứ hai gồm các “hội thừa sai” đi truyền giáo.

Theo nguyên ngữ, danh từ “societas” chỉ có nghĩa là một “hội” (gồm những hội viên) để làm bất cứ việc gì, từ một hội thể thao cho đến một công ty thương mại. “Societas vitae apostolicae” có thể dịch là “hội đời sống tông đồ”, nhưng sợ sẽ bị lẫn với các hiệp hội tông đồ (thí dụ Dòng Ba Đaminh), vì thế chúng tôi xin đề nghị dịch là “tu đoàn” để nói lên tích cách tu trì của họ.

Cũng nên biết là không chỉ các tu đoàn mà kể cả vài dòng tu lớn cũng tự gọi là “societas”, chẳng hạn như Dòng Tên (Societas Iesu), Dòng Don Bosco (Societas S. Francisci Salesiani, SDB), Dòng Ngôi Lời (Societas Verbi Divini).

Mục 1. Lịch sử

Như vừa nói, xét về nguồn gốc và mục tiêu, các tu đoàn được phân làm hai loại. Chúng ta hãy theo dõi lịch sử của mỗi nhóm: Tu đoàn trọn lành và Tu đoàn thừa sai.

I. Các tu đoàn trọn lành

Trong lịch sử Giáo hội, chúng ta đã thấy nhiều cộng đoàn giáo sĩ sống chung với nhau ngay từ thời các giáo phụ. Đến thời Trung cổ, nhiều công đồng đã ra nghị quyết bó buộc các giáo sĩ sống chung dựa theo một bản luật và giữ ba lời khấn. Đó là nguồn gốc của các dòng giáo sĩ tu trì (“tăng sĩ”). Vào thời cận đại, chiều hướng này lại xuất hiện nơi các dòng “giáo sĩ kỷ luật” mà chúng ta đã nghiên cứu ở chương trước đây.

Tuy nhiên, một khuynh hướng khác cũng muốn cỗ vũ sự hợp tác giữa hàng giáo sĩ trong việc thi hành tác vụ, nhưng không bị ràng buộc bởi các bản luật và lời khấn dòng. Một nguồn gốc xa xưa của sáng kiến này có thể tìm thấy nơi các “Tu đoàn sống chung” (Fratres vitae communis) do cha Gerard Groote (1340-1384) lập ở Hà-lan hồi thế kỷ XIV. Tuy nhiên, nguồn gốc gần gũi là các Oratorio ra đời bên Ý hồi thế kỷ XV.

Vào lúc đầu các Oratorio ám chỉ những hội đoàn đạo đức gồm các giáo sĩ và giáo dân tụ họp với nhau để cầu nguyện, học hỏi và giúp đỡ những người túng thiếu, nổi tiếng nhất là Oratorio del Divino Amore ở Genova, Oratorio dell=Eterna Sapienza ở Milano, Oratorio di San Girolamo della Carita ở Rôma. Nhiều vị sáng lập các dòng giáo sĩ kỷ luật đã xuất thân từ các Oratorio đó (chẳng hạn thánh Gaetano, thánh Antonio Maria Zaccaria).

  1. Oratorium S. Philippi

Thánh Philippê Neri (1515-1595) đã lập ra một Oratorio dành riêng cho các giáo sĩ: họ sống chung với nhau để cùng cầu nguyện, học hỏi, làm việc mục vụ, nhưng không tuyên khấn. Các hội viên vẫn giữ quyền sở hữu tài sản, và chỉ đóng góp chút đỉnh cần thiết cho việc điều hành công việc chung. Dự án được đức Gregoriô XIII phê chuẩn (bulla Copiosus in misericordia, ngày 15/7/1575), và Hiến pháp được đức Phaolô V châu phê (ngày 14/2/1612). Nên biết là mỗi cộng đoàn là một đơn vị biệt lập, chứ không có quyền bính cấp cao.

  1. L=Oratoire de France

Một tu đoàn các linh mục được thiết lập vào năm 1611 tại Paris do cha Pierre de Bérulle (1575-1629) mang danh là Congrégation de l=Oratoire de Jésus-Christ Notre-Seigneur. Tổ chức này được đức Phaolô V châu phê năm 1613. Tuy cũng theo đuổi một mục tiêu như thánh Philippê Neri, nhưng các cộng đoàn bên Pháp được liên kết với nhau với một quyền bính trung ương, và các phần tử có thể được thuyên chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác.

  1. Những tu đoàn linh mục tại Pháp

Các dòng Giáo sĩ kỷ luật ra đời ở Italia trong thế kỷ XVI; còn thế kỷ là thời thịnh hành của phần lớn các tu đoàn linh mục bên Pháp. Về thần học tâm linh, thế kỷ XVII được mệnh danh là thời của “trường phái Pháp quốc” hay “trường phái Bérulle” (xc. tập II trang 291-302). Từ trường phái này phát xuất nhiều vị sáng lập những tu đoàn chuyên về việc đào tạo linh mục, đó là:

Congrégation de la Mission do thánh Vinh-sơn Phaolô (1581-1660) lập ngày17/4/1625, gần trường Saint-Lazare ở Paris, vì thế được gọi là dòng Lazaristes. Mục đích của tu đoàn là hun nóng đức tin của giáo dân nhờ việc giảng tuần đại phúc (missions), huấn luyện hàng giáo sĩ, trợ giúp các nữ tử Bác Ái. Tu đoàn được đức Urbanô VIII (bulla Salvatoris nostri 12/1/1633) châu phê.

Compagnie des Prêtres de Saint-Sulpice, được cha Jean-Jacques Olier (1608-1657) thành lập năm 1641 như là một chủng viện tại Vaurigard (gần Paris) nhằm đào tạo các linh mục. Các thành viên được giữ quyền sở hữu tài sản nhưng tiêu dùng trong tinh thần khó nghèo.

Congrégation des prêtres de Jésus et Marie được thành lập năm 1643 tại Cean do thánh Jean Eudes (1601-1680), nguyên là một thành viên của dòng Oratoire. Mục tiêu cũng tương tự như dòng Lazaristes.

Nên biết là cũng trong trường phái tâm linh Pháp quốc, còn hai vị thánh sáng lập nữa, đó là thánh Jean Baptiste de la Salle và thánh Louis Marie Grignion de Montfort, nhưng tổ chức của các ngài thuộc “hội dòng” sẽ được bàn trong chương tới.

  1. Những tu đoàn khác

Bên cạnh tu đoàn linh mục, thánh Vinh-sơn Paulo còn lập dòng Nữ tử Bác ái. Ngài rất muốn cho các chị trở thành nữ tu, chứ không phải chỉ sống chung như các tu đoàn giáo sĩ. Tuy nhiên vì kỷ luật thời đó buộc các nữ tu phải sống trong nội vi, vì thế các nữ tử Bác ái chỉ có lời khấn tư được lặp lại từng năm.

Ngoài các tu đoàn giáo sĩ được thành lập bên Pháp vào thế kỷ XVII, vài tu đoàn nữa cũng được lập bên Italia vào thế kỷ XIX, đó là: Società dell=Apostolato Cattolico của thánh Vincenzo Pallotti lập tại Roma (1835) và Missionari del Preziosissimo Sangue của thánh Gaspar Del Bufalo (1815) tại Giano (tỉnh Perugia, Italia).

II. Các tu đoàn thừa sai

Nguồn gốc của các “Tu đoàn trọn lành” nhắm đến việc thánh hoá bản thân, cách riêng là hàng giáo sĩ; còn mục tiêu chính của nhóm tu đoàn thứ hai là công cuộc truyền giáo.

Tổ chức kỳ cựu nhất của nhóm này là Hội Thừa sai Paris (Société des Missions-Etrangères de Paris, MEP), được thành lập năm 1660 và được Toà thánh châu phê ngày 11/8/1664.

Phần lớn các tu đoàn truyền giáo ra đời vào thế kỷ XIX-XX, thường mang tính cách quốc gia.

Société des Missions Africaines (SMA) lập tại Lyon năm 1856 do đức cha Melchior Marie Joseph de Marion Brésillac (+1859) và được tiếp tục do cha Augustin Planque (+1907).

Missionaires d=Afrique (M.Afr.) hay cũng gọi là Pères Blancs lập tại Alger năm 1868, do đức cha Charles de Lavigeries (1825-1892) giám mục sở tại.

Instituto Espanol de San Francisco Javier para Misiones Extranjeros lập năm 1899 tại Burgos, Tây-ban-nha.

St. Joseph=s Missionary Society of Mill Hill (gần London) lập năm 1866 do cha Herbert Vaughan (+1903)

The Catholic Foreign Mission Society of the USA (Maryknoll) lập tại Washington năm 1911, do các cha James A. Walsh (+1936) và Thomas F. Price (+1919).

Missionary Society of St Columban (Columban Fathers) lập năm 1917 ở Galway (Ai-len).

Scarborough Foreign Mission Society, Canada (1918).

Société des missions étrangères de la province de Québec (1921).

Pontificium Institutum pro Missionibus Exteris (PIME), được thành lập năm 1926 do sự sát nhập của hai tổ chức: Istituto per le Missioni Estere di Milano (1850) và Pontificio Seminario dei ss. Apostoli Pietro e Paolo (1874).

Missionary Society of St Patrick, Kiltegan (1932).

– Ngoài ra, còn các tu đoàn thừa sai tương tự ở Portugual (1930), Thuỵ sĩ (1921), Columbia (1939), Mexico (1949).

– Tại Việt Nam, vào năm 1971, Hội đồng Giám mục miền Nam đã thành lập Hội Thừa sai Việt Nam, với quy chế được chuẩn y ngày 23/8/1972 để thử nghiệm trong vòng 3 năm. Tiếc rằng hoạt động đã bị ngưng trệ do biến cố 30/4/1975 (xc. Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2004, trang 354-356).

Mặt khác, ta cũng có thể một hình thức “tu đoàn truyền giáo” nơi tổ chức “Hội các thầy giảng” được cha Đắc Lộ thành lập ngay từ khi bắt đầu công cuộc truyền giáo. Sang thế kỷ XX, hội các thầy giảng được biến đổi thành “hội dòng tu huynh” như sẽ nói trong chương tới.

Mục 2. Linh đạo

Dựa theo nguồn gốc các tu đoàn tông đồ, chúng ta có thể đưa ra ba nhận xét tinh thần của đời tu: 1/ ý nghĩa sự cam kết tu trì; 2/ linh đạo các linh mục; 3/ chiều kích truyền giáo của đời tận hiến.

I. Ý nghĩa sự cam kết tu trì

Nếu nhìn từ bên ngoài thì thực khó phân biệt ai là thành viên của Dòng tu, hay của hội dòng hoặc tu đoàn, bởi vì tất cả đều đi tu, tất cả đều sống trong cộng đoàn và mặc tu phục. Phải chăng sự khác biệt giữa ba hạng là do giáo luật đặt ra? Đúng thế, sự phân biệt này là do giáo luật đặt ra dựa theo bản tính của lời cam kết: các “dòng” thì khấn trọng; các “hội dòng thì khấn đơn, các “tu đoàn” thì không có lời khấn. Tuy nhiên, nếu nghĩ kỹ hơn, ta cũng có thể tìm ra một câu trả lời khác: sự phân biệt các thứ cam kết phản ánh sự tiến triển trong quan niệm về những yếu tố cấu thành đời tu trì.

Vào thời xa xưa, xem ra người ta đồng hoá nhà tu hành với nhà khổ hạnh. Nói khác đi, bản chất của đời tu trì được đánh giá qua các hành vi khổ chế (asceta; quan điểm này cũng thấy nơi nhiều tôn giáo khác). Các cuộc cải cách giáo luật thời Tiền Trung đại chú trọng đến việc tuân hành một bản luật (regula), vì thế các tu sĩ được mang danh là “regulares”. Với thần học kinh viện, bản chất của hàng ngũ trọn lành nằm ở chỗ tuyên khấn vâng lời, khiết tịnh, khó nghèo. Tuy nhiên, vào thời cận đại, các phong trào cải cách nhận thấy rằng “lời khấn không làm nên thầy tu”, bởi vì sự tuyên khấn chưa đủ để biến đổi cuộc sống của họ.

Có lẽ vì vậy mà nơi các phong trào cải cách, chúng ta thấy có hai khuynh hướng:

– a) một khuynh hướng chủ trương trở về nếp sống khắc khổ nhiệm nhặt, điển hình nơi nhánh “khổ tu”, “không đi giày”;

– b) một khuynh hướng khác thì muốn nhấn mạnh hơn đến thực chất hơn là hình thức giáo luật. Khuynh hướng thứ hai này biểu lộ nơi các tu đoàn. Họ nhìn nhận giá trị của đời sống chung, việc cầu nguyện học hành, thi hành sứ vụ. Các phần tử tình nguyện thực hành các điều đó, nhưng không tuyên khấn.

Đó mới là khái niệm tổng quát. Thần học và giáo luật còn phân biệt nhiều hình thức cam kết của các phần tử: lời khấn (votum), lời thề (juramentum), lời hứa (promissio). Hiến pháp của các tu đoàn lại còn sáng chế ra nhiều hình thức khác nữa: admissio, incorporatio, consecratio. Định nghĩa các từ ngữ trong tiếng latinh đã khó rồi, còn nói chi đến việc dịch thuật? Nhưng câu hỏi quan trọng nhất vẫn là: liệu các phần tử có hiểu nổi ý nghĩa của sự cam kết hay không?

Dù sao, thiết tưởng sự phân biệt của thánh Tôma giữa sự “trọn lành” và “hàng ngũ trọn lành” vẫn đáng cho chúng ta suy nghĩ: “hàng ngũ trọn lành” ám chỉ những điều kiện mà giáo luật đặt ra để đạt đến sự trọn lành; nhưng điều kiện này mới chỉ là phương tiện mà thôi chứ chưa phải là đích điểm. Các lời khấn (hoặc những dây cam kết khác) chỉ là phương tiện: những người đã cam kết tuân giữ thì chưa đương nhiên đạt được sự trọn lành. Có lẽ vì vậy mà có người tìm cách đạt đến sự trọn lành qua phương thế khác.

II. Linh đạo các linh mục

Các tu đoàn được thành lập bên Pháp đều có tương quan cách nào đó với linh đạo thánh hoá linh mục theo quan điểm của cha Pierre de Bérulle. Vào thời đó, dư luận thường nghĩ rằng các linh mục dòng thì thánh thiện hơn các linh mục giáo phận, bởi vì các linh mục dòng có lời khấn nên trọn lành. Trên thực tế, nhiều khi các cha dòng chẳng thánh thiện gì; còn các cha giáo phận thì lại sao lãng với việc nên thánh.

Để phản ứng lại tình trạng đó, cha Bérulle chủ trương rằng các linh mục có bổn phận nên thánh do chính chức thánh của mình. “Tất cả các linh mục (ordre sacerdotal) đều là tu sĩ của dòng Chúa Giêsu” (ordre de Jésus-Christ)”[1]. Câu nói này có vẻ mang tính cách tranh biện để trả lời cho các linh mục dòng hãnh diện về vị thánh sáng lập (dòng thánh Biển-đức, thánh Đa-minh, thánh Phan-sinh, thánh Inhaxiô, vv). Tuy nhiên, điểm then chốt của linh đạo linh mục theo cha Bérulle nằm ở chỗ linh mục được đồng hoá với Đức Kitô Linh mục và Hiến lễ (Sacerdos et Victima). Các linh mục cần hoà hợp tâm tình giống như Đức Kitô, nghĩa là tâm tình thờ lạy và hiến tế. Các tu đoàn linh mục (hoặc công cuộc huấn luyện linh mục) sẽ cố gắng diễn tả tinh thần đó ra thực hành.

III. Hội thừa sai

Một số lớn tu đoàn được thành lập nhằm thực hiện công cuộc truyền giáo, mở đầu với Hội Thừa sai Paris.

Thực ra, các đan sĩ đã góp phần rất lớn trong công cuộc truyền bá Tin mừng tại châu Au. Đó là lý do vì sao thánh Biển-đức đã được đức Phaolô VI tôn làm bổn mạng châu Âu (năm 1964). Tuy nhiên, việc truyền giáo không nằm trong bản tính của ơn gọi đan sĩ. Vào thời Trung cổ, hai dòng Đa-minh và Phan-sinh đã chia tay đi giảng Tin mừng sang Á châu, đến tận Mông cổ và Ấn độ; nhưng công cuộc truyền giáo không bao hàm toàn thể sứ vụ của họ. Điều này cũng có thể nói về Dòng Tên vào thời cận đại.

Sang thế kỷ XVII, chúng ta thấy có những tu đoàn mang danh là “truyền giáo” (mission), với hai ý nghĩa khác nhau:

1/ Tu đoàn của thánh Vinh-sơn mang tên là Congrégation de la Mission nhắm tới việc rao giảng Tin mừng cho những vùng quê, hâm nóng đức tin của họ, quen gọi là “giảng Đại Phúc” (mission populaire), được bàn ở điều 770 của bộ giáo luật hiện hành.

2/ Theo tôn chỉ của Hội thừa sai Paris (Missions étrangères de Paris), “truyền giáo” được hiểu về việc giảng Tin mừng cho người ngoại đạo ở vùng xa xôi (missio ad gentes). Đó cũng là mục tiêu của nhiều Tu đoàn truyền giáo ra đời trong thế kỷ XIX-XX. Ơn gọi truyền giáo của các tu đoàn này được giới thiệu trong thông điệp Redemptoris Missio số 65-66, và trong tông huấn Vita consecrata số 78.

Tuy nhiên cũng nên biết là ngoài các tu đoàn thừa sai (phần lớn là các giáo sĩ), còn có những hội dòng nam nữ (Congregationes) được thành lập để chuyên lo việc truyền giáo, chẳng hạn như dòng Oblats de Marie Immaculée (OMI), Societas Verbi Domini (SVD).

——————————–

[1] Cf. R. Deville, L=école francaise de spiritualité, Desclée Paris, 1987, p.41.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here