Lịch Sử Và Ý Nghĩa Của Việc Cử Hành Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

0
826


Tu sĩ Giuse Nguyễn Trị An, OP.

 

 

Trong Phụng Vụ, các thánh thường được tưởng nhớ và tôn kính vào chính ngày các vị qua đời, được hiểu là mừng Sinh Nhật thiên quốc, ngày các vị hưởng vinh phúc quê trời sau khi đã hoàn thành cuộc lữ hành dương thế. Nhưng, thánh Gioan Tẩy Giả là trường hợp đặc biệt, được kính nhớ Sinh Nhật trần thế (như Đức Maria), vì có vị trí rất quan trọng trong lịch sử cứu độ.

1. Truyền thống Giáo hội

Thánh Gioan Tẩy Giả là vị tiền hô của Thiên Chúa, thuộc về giai đoạn cựu ước, nhưng cũng được tôn kính như những vị thánh vĩ đại đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo. Đức Giêsu, như Tin Mừng thuật lại, đã có những lời rất mực tôn vinh thánh Gioan: “Trong số những phàm nhân lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11).

Từ thời xa xưa, ở cả Đông phương cũng như Tây phương, việc tôn kính thánh Gioan Tẩy Giả đã rất phổ biến. Bằng chứng là có tới 15 ngôi Thánh Đường được xây dựng để tôn kính thánh nhân trong thành phố Constantinople và có nhiều ngày lễ khác nhau để tôn kính ngài: ngày 24 tháng 06, kính Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả; ngày 29 tháng 08, lễ Thánh Gioan bị trảm quyết; ngày 23 tháng 09, kính thánh Gioan Tẩy Giả được thụ thai trong lòng mẹ, để tưởng niệm biến cố một thiên thần đã loan báo việc thụ thai hài nhi Gioan (tuy nhiên, ngày lễ kính này không được đón nhận bên Giáo Hội Latinh); ngoài ra, cũng có thể đề cập đến một dịp lễ nữa là ngày kính Chúa Giêsu chịu Phép Rửa của ông Gioan Tẩy Giả tại sông Giorđan (bên Đông phương thường tổ chức vào ngày 07 tháng 01, còn bên Tây phương tổ chức vào cuối mùa Giáng Sinh).

Ở nhiều nơi, người ta tin rằng thánh nhân được tẩy sạch tội nguyên tổ ngay từ trong lòng mẹ và trường hợp này hơi khác với Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, là tín điều được Giáo Hội công bố chính thức. Đức Maria được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, được gìn giữ sạch mọi vết nhơ tội lỗi ngay từ khi thành hình trong lòng bà Thánh Anna. Còn Gioan Tẩy Giả được “tẩy sạch” tội nguyên tổ khi mới sáu tháng tuổi, vẫn còn trong lòng mẹ, và chào đời mà không nhiễm tội truyền. Nền tảng Kinh Thánh cho niềm tin này là biến cố Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabét: vừa nghe tiếng Mẹ Thiên Chúa chào hỏi, thì hài nhi Gioan trong lòng bà Êlisabét nhảy lên vì vui sướng (x. Lc 1,45). Thế nên, người ta tổ chức mừng lễ Sinh Nhật của thánh Gioan một cách long trọng, xem ngài là vị ngôn sứ vĩ đại, được sinh ra vẹn sạch, tinh tuyền. Tuy nhiên, ngày nay, Giáo huấn chính thức của Hội Thánh không đề cập đến điều này. Chúng ta chỉ có thể khẳng định chắc chắn là thánh Gioan được đầy Thần Khí từ khi còn trong lòng mẫu thân (x. Lc 1,15) và ngài được trao phó sứ mạng quan trọng, dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Giáo Hội mừng lễ kính Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả sáu tháng trước ngày lễ Chúa Giáng Sinh, vì thánh nhân là người anh họ, lớn hơn Đức Giêsu sáu tháng tuổi. Lễ Giáng Sinh được thiết lập vào ngày 25 tháng 12, khoảng thế kỷ V. Tiếp đó, lễ Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả cũng được ấn định ngày 24 tháng 06, dù rằng từ thế kỷ IV, nhiều nơi đã tổ chức lễ này.

Ở đây nảy sinh một câu hỏi: tại sao Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả không phải là ngày 25 tháng 06 mà lại là ngày 24 tháng 06? Người ta thường cho rằng, Giáo Hội muốn Kitô hoá một ngày lễ ngoại giáo nào đó của dân địa phương và biến nó thành truyền thống của Kitô giáo, rồi mặc cho nó một ý nghĩa thần học. Nhưng trường hợp này không phải như vậy, mặc dù có đa dạng các hoạt động trong ngày lễ tuỳ thói quen địa phương. Để hiểu lý do quyết định chọn ngày 24 tháng 06, chúng ta phải trở về cách thức đếm ngày, tính lịch của người Rôma xưa kia. Lúc đó, người ta xác định ngày hiện tại, bằng cách đếm ngược kể từ ngày đầu tiên của tháng sắp tới. Nếu lễ Giáng Sinh là tám ngày trước ngày đầu tiên của năm mới (Octavo Kalendas Januarii), thì lễ Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả phải là tám ngày trước ngày đầu tiên của tháng 07. Thế nhưng, vì tháng 06 chỉ có ba mươi ngày, nên tám ngày trước khi bước sang tháng 07 phải là ngày 24 tháng 06.

Công Đồng Agde, năm 506, đã xếp lễ Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả vào một trong số những lễ trọng nhất trong năm Phụng Vụ, một ngày mà tất cả các tín hữu phải tham dự Thánh lễ và kiêng làm việc của người nô lệ. Lễ này quan trọng đến độ, cũng như lễ Chúa Giáng Sinh, có ba thánh lễ được tổ chức để mừng trọng thể:

(1) thánh lễ trong buổi canh thức suốt đêm khuya, để nhớ lại sứ mạng tiền hô của thánh Gioan Tẩy Giả.

(2) thánh lễ vào lúc rạng đông tưởng nhớ thánh Gioan làm phép rửa cho dân chúng tại sông Giorđan.

(3) thánh lễ chính ngày, tôn vinh đời sống thánh thiện và đức hạnh của vị Tiền Hô.

Ngoài ra, theo một truyền thống được khởi xướng từ thánh Sabas, người ta cử hành Giờ Kinh Sách gấp đôi so với những ngày thường, tương tự như dịp lễ Chúa Giáng Sinh.

(1) Giờ Kinh Sách vào lúc mặt trời lặn chuẩn bị canh thức mừng lễ, để nhớ về thời kỳ Lề Luật và các Ngôn sứ từ thời Cựu Ước xa xưa đến thời thánh Gioan Tẩy Giả. Người ta đọc kinh cầu nguyện nhưng không hát Halleluia.

(2) Giờ Kinh Sách trong đêm khuya canh thức mừng lễ, với ý nghĩa khai mở thời đại mới, thời đại ân sủng của Đấng Cứu Chuộc mà thánh Gioan loan báo. Người ta hát nguyện với những lời tung hô Halleluia vui mừng.

Năm 1022, Hội đồng Seligenstadt, ở Đức, đã nhắc đến một cuộc chay tịnh và kiêng khem suốt hai tuần (14 ngày), để chuẩn bị tâm hồn mừng lễ kính thánh Gioan Tẩy Giả. Thế nhưng, điều này chưa bao giờ được thẩm quyền Rôma chấp thuận và không được thực hành phổ biến trong toàn Giáo Hội.

Truyền thống thường cho rằng thánh Gioan Tẩy Giả là bổn mạng của những người thợ may, bởi vì ngài đã tự chế áo quần cho riêng mình khi còn sống ẩn dật trong sa mạc. Truyền thống khác cho rằng thánh Gioan Tẩy Giả là bổn mạng của những người chăn chiên, bởi vì ngài đã nói về “Chiên Thiên Chúa”. Cũng có địa phương cho rằng thánh nhân là bổn mạng của những người thợ xây, vì đã cất tiếng loan báo: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi. Mọi thung lũng hãy lấp cho đầy, mọi núi đồi hãy bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6). Ngoài ra, một vài trường phái tâm linh còn xem thánh Gioan Tẩy Giả là vị Bổn mạng của các đan sĩ sống trong sa mạc.

Toàn châu Âu, từ bán đảo Scandinavi tới Tây Ban Nha, từ vùng Ailen tới Liên bang Nga, các hoạt động trong ngày mừng Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả được gắn liền với truyền thuyết cổ xưa về một lễ hội mùa hè vĩ đại trước thời Kitô Giáo. Người ta đốt lửa trên triền núi và đỉnh đồi vào đêm trước ngày đại lễ Sinh Nhật thánh Gioan. Những “ngọn lửa của Thánh Gioan” cháy sáng dọc theo vịnh Nauy, rực lên trên các đỉnh cao chót vót của dãy Alpơ và toả rạng trên các sườn dốc của Pyrenees. Đây là một biểu tượng rất cổ về hơi ấm và ánh sáng mặt trời, mà người thời xưa đốt lên chào đón mùa hè đã tới.

Trong nhiều vùng địa phương, có nhiều hoạt động và truyền thống mừng lễ Sinh Nhật thánh Gioan đa dạng khác nhau. Nhưng, điều đáng chú ý là trong những vùng Công Giáo ở châu Âu, sự nối kết giữa một lễ hội về tự nhiên trong dân chúng với đại lễ kính thánh Gioan Tẩy Giả đã tạo nên một truyền thống tổ chức mừng lễ rất đáng quý, vẫn còn đến hôm nay. Người ta tập họp xung quanh đám lửa, mặc trang phục truyền thống theo quốc gia mình và hát những ca khúc cổ truyền. Khi ngọn lửa bốc cháy, một người đại diện cất lên bài thơ trình bày ý nghĩa của ngày lễ. Thế rồi, họ cầu nguyện với thánh Gioan Tẩy Giả, xin ngài chuyển cầu để có một mùa hè đầy ân phúc và may lành trong các gia đình cũng như trong khắp vùng quê hương.

Tất cả những truyền thống ấy đã nói lên lòng sùng mộ và tôn kính của dân chúng đối với vị Tiền Hô của Thiên Chúa. Giáo Hội tuyên phong ngài là vị ngôn sứ vĩ đại, được tràn đầy Thần Khí và có vai trò lớn lao trong chương trình cứu độ. Ngày sinh của thánh nhân là dịp vui mừng trọng đại, là ngày báo hiệu thời viên mãn đã đến, thời Thiên Chúa viếng thăm dân Người.

2. Ý nghĩa việc cử hành

Trong Phụng Vụ phổ quát hiện nay, lễ thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết thuộc bậc Lễ Nhớ, còn lễ Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả thuộc bậc Lễ Trọng. Giáo Hội cử hành lễ Sinh Nhật thánh Gioan còn trọng thể và lớn hơn cả lễ Sinh Nhật Đức Maria, vì thực tế, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ chỉ thuộc bậc Lễ Kính (ngày 08 tháng 09) và xuất hiện muộn thời. Việc kính nhớ trọng thể ngày sinh của thánh Gioan như thế đã có từ rất xa xưa. Trong một bài giảng, Giáo phụ Augustinô nói như sau: “Hội Thánh coi sinh nhật thánh Gioan như một ngày thiêng thánh. Không vị nào trong các bậc cha ông được chúng ta mừng sinh nhật trọng thể như thế. Chúng ta mừng sinh nhật thánh Gioan và mừng sinh nhật Đức Kitô, đó là điều không thể bỏ qua”.

Chúng ta không có đủ tài liệu để xác định ngày thánh Gioan Tẩy Giả chào đời và Phụng Vụ cũng không chủ đích đi tìm ngày sinh của thánh nhân. Đúng hơn, Giáo Hội muốn kính nhớ trọng thể biến cố thánh nhân được sinh ra, vì biến cố ấy có nhiều ý nghĩa lớn lao:

– Xét như lời ngôn sứ, nó vừa xác thực những điều Thiên thần đã loan báo cho Dacaria và Đức Maria, vừa tiên báo và chuẩn bị cho ngày chào đời của Đấng Cứu Thế.

– Xét trong dòng lịch sử cứu độ, nó là giao thời giữa Cựu Ước và Tân Ước, khép lại kỷ nguyên cũ của lề luật, mở ra kỷ nguyên mới của ân sủng: thời kỳ Thiên Chúa thực hiện những gì Người đã loan báo từ xưa.

Nói chung, biến cố Gioan Tẩy Giả chào đời liên kết chặt chẽ với biến cố Ngôi Hai giáng sinh làm người, nhắc nhớ tình thương và chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Điều này đã được Giáo Hội tuyên nhận qua lời nguyện chính yếu trong các cử hành Phụng Vụ ngày lễ này: “Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Gioan Tẩy Giả đến chuẩn bị cho dân Chúa sẵn sàng đón Đức Kitô. Xin rộng ban cho các tín hữu đầy tràn niềm vui của Chúa Thánh Thần, xin dẫn họ bước vào con đường cứu độ và bình an.” Rõ ràng, lời nguyện này không trực tiếp đề cập việc hài nhi Gioan chào đời, nhưng nhấn mạnh đến sứ mạng tiền hô, dọn đường cho Chúa đến. Như vậy, có thể nói, ý nghĩa của việc Gioan Tẩy Giả chào đời chỉ được sáng tỏ nhờ ánh sáng của mầu nhiệm Con Thiên Chúa giáng sinh mà thôi.

Vì thế, lễ Sinh Nhật thánh Gioan không đơn thuần là một ngày hội tưng bừng trong mùa hè như truyền thống ở một số địa phương, nhưng quan trọng hơn thế, Giáo hội muốn nhắc nhớ người tín hữu về tình thương cứu độ của Thiên Chúa, qua việc tôn kính vị Tiền Hô, vị ngôn sứ vĩ đại này. Đồng thời, Giáo hội cũng mời gọi chúng ta khi kính nhớ thánh Gioan Tẩy Giả trong ngày hôm nay, hãy khắc cốt ghi tâm những sứ điệp quan trọng mà thánh nhân loan báo, để bước đi trên con đường cứu độ và bình an.

***************

 

Tài liệu tham khảo:

Fink, Peter E., S.J.. “John the Baptist, Feasts of” in The New Dictionary of Sacramental Worship. Collegeville, Minnesota, The Liturgical Press, 1990, , pp. 633-634.

Adam, A.. The Liturgical Year. Minnesota, The Liturgical Press, 1981, pp. 232-235.

Souvay, C.. “John the Baptist” in Catholic Encyclopedia, vol. 8. New York, Robert Appleton Company, 1910.

Weiser, Francis X., S.J.. Handbook of Christian Feasts and Customs . New York Harcourt, Brace and Company, 1958.