Chúa Nhật – Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô

0
596

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IXh 24,3-8
3 Ông Mô-sê xuống thuật lại cho dân mọi lời của ĐỨC CHÚA và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: “Mọi lời ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.”

4 Ông Mô-sê chép lại mọi lời của ĐỨC CHÚA. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en.

5 Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế ĐỨC CHÚA. 6 Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. 7 Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” 8 Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em, dựa trên những lời này.”

2/ Bài đọc IIHr 9,11-15
11 Nhưng Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. 12 Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. 13 Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, 14 thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. 15 Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.

3/ Phúc ÂmMc 14,12-16.22-26
12 Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. 14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu? 15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.” 16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua. 22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” 23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. 24 Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. 25 Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.” 26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu hy sinh Mình và Máu Người cho chúng ta được sống. 

            Mỗi năm, tại các quốc gia trên thế giới, người ta thường có một ngày đặc biệt (Memorial Day) để tưởng nhớ các chiến sĩ đã bỏ mình vì chính nghĩa. Đây là những con người đã hy sinh bản thân bằng cách đổ máu, để bảo vệ tổ quốc và dân lành khỏi kẻ thù. Ngày Lễ Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay, chúng ta cũng dành để tưởng niệm Đức Kitô, không những đã hy sinh thân mình và đổ máu cứu con người khỏi chết, cho con người được sống đời đời, mà còn muốn ở với con người mọi ngày cho đến tận thế, qua việc thiết lập Bí-tích Thánh Thể. Ngài có thể làm những chuyện này vì Ngài có uy quyền và Ngài yêu thương con người.

            Các Bài Đọc hôm nay tường thuật tình yêu Thiên Chúa qua các việc Ngài làm để cứu chuộc con người. Trong Bài Đọc I, vì con người không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, nên để được tha tội, con người cần dâng các súc vật. Máu của các súc vật đổ ra để cho con người khỏi chết và được sống. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái so sánh lễ vượt qua và giao ước Sinai được thực hiện qua ông Moses, với lễ vượt qua và giao ước mới, được thực hiện qua Đức Kitô. Ngài là Bánh Không Men và Chiên Vượt Qua của giao ước mới, sẵn sàng hy sinh để chết thay cho con người, và làm cho họ được sống muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai các môn đệ vào thành Jerusalem để chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Đang khi dùng bữa, Ngài đã thiết lập Bí-tích Thánh Thể, để hiến Mình và Máu cho con người được sống cả đời này và đời sau. Ngài cũng truyền cho các môn đệ phải làm những điều đó thường xuyên để tưởng nhớ đến Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Giao ước Sinai được chứng thực bằng máu của chiên bò.

1.1/ Thiên Chúa thiết lập giao ước trên núi Sinai với dân người: Trước khi tiến vào Đất Hứa, Thiên Chúa muốn thiết lập với dân người một giao ước. Vì con người không thể chịu nổi khi Thiên Chúa muốn nói với họ; nên họ đã xin Thiên Chúa nói với họ qua ông Moses. Sau khi đã nhận chỉ thị của Thiên Chúa, ông Moses xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.” Giao ước là một thỏa thuận của hai bên chính thức ký kết một số điều để bảo vệ nhau. Theo giao ước Sinai, Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ dân, và dân hứa sẽ thi hành mọi điều luật của Ngài.

            “Ông Moses chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Israel. Rồi ông sai các thanh niên trong dân Israel dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. Ông Moses lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.””

1.2/ Giao ước được ký kết bằng máu chiên bò: “Bấy giờ, ông Moses lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.”” Người Do-thái quan niệm: “máu là sự sống.” Khi giao ước được ký kết bằng máu, họ lấy sự sống mà thề với Thiên Chúa là họ sẽ giữ Lề Luật của Ngài; nhưng họ đã vi phạm giao ước nhiều lần sau khi đã ký kết với Thiên Chúa. Để được tha thứ, Thiên Chúa truyền cho họ phải sát tế các súc vật để lấy máu làm của lễ hy sinh đền tội cho họ, như Sách Levi viết: “vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi, trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống. Vì thế, Ta đã bảo con cái Israel: Không một ai trong các ngươi được ăn huyết, ngoại kiều sống giữa các ngươi cũng không được ăn huyết.” (Lev 17:11-12).

2/ Bài đọc II: Người đã vào cung thánh không phải với máu súc vật, nhưng với Máu của Mình.

2.1/ Máu của giao ước cũ và máu của giao ước mới: Máu của giao ước cũ chỉ là hình ảnh và phải được kiện toàn bằng Máu của giao ước mới. Tác giả Thư Do-thái đã so sánh một cách chi tiết hai giao ước cũ và mới, rồi đưa đến kết luận như sau: Giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ: “Nhưng Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.” Đức Kitô là Thượng Tế cao trọng hơn tất cả các thượng tế, vì các lý do sau:

            (1) Ngài không phải dâng lễ đền tội cho mình vì Ngài không có tội; trong khi các thượng tế khác phải dâng lễ đền tội cho mình trước khi dâng lễ đền tội cho người khác.

            (2) Ngài tự nguyện hy sinh chính Mình để làm của lễ đền tội cho con người, và chỉ cần một lần là đủ. Từ nay, con người không cần phải dâng lễ vật chiên bò mỗi khi phạm tội nữa.

            (3) Các Thượng Tế mỗi năm chỉ được vào trong Nơi Cực Thánh của Đền Thờ (nơi Thiên Chúa hiện diện) một lần trong Ngày Xá Tội, Đức Kitô vào một cung thánh hoàn hảo hơn trên trời, và Ngài luôn luôn ngự bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu cho con người. Khi chịu chết, Đức Kitô đã xé tan bức màn ngăn cách giữa hai nơi thánh và cực thánh trong Đền Thờ; vì thế, tất cả mọi người đều có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa qua Đức Kitô bất cứ lúc nào.

            (4) Máu của Đức Kitô không thể so sánh với máu của chiên bò: “Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.” Thứ nhất, Máu của Đức Kitô đổ ra là máu tình nguyện, “làm theo ý Thiên Chúa;” chứ không phải máu của các súc vật bị bắt phải đền tội. Thứ hai, Máu của Đức Kitô là Máu của Con Thiên Chúa. Sau cùng, Máu của Đức Kitô đổ ra không những có sức thanh tẩy tội lỗi, còn có sức thánh hóa và thông ban cho con người sức sống thần linh.

2.2/ Công dụng của máu:

            (1) Thanh tẩy: Máu của thân thể luân chuyển để lọc bỏ các chất dơ trong các phần của thân thể. Máu của giao ước cũ là máu của súc vật đổ ra để thanh tẩy tội lỗi cho con người. Máu của giao ước mới thanh tẩy tội lỗi cho con người một lần là đủ: “Bởi vậy, Người là trung gian của một giao ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ. “

            (2) Nuôi sống: Máu là biểu tượng của sự sống vì máu luân chuyển và nuôi dưỡng mọi phần của thân thể. Máu các súc vật đổ ra để chết thay cho con người. Máu Đức Kitô đổ ra để chết thay cho con người và khôi phục lại sự sống đời đời cho con người: “Máu Đức Kitô đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.”

            (3) Liên kết: Máu liên kết các phần của thân thể với nhau. Trong Cựu Ước, ngày lễ Xá Tội (Yon Kippur) được mệnh danh là “at-one-ment = trở thành một,” để liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Trong Tân Ước, máu của Đức Kitô liên kết chúng ta, những chi thể của một thân thể là Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu.

3/ Phúc Âm: “Đây là máu Thầy, máu giao ước mới, đổ ra vì muôn người.”

3.1/ Lễ Vượt Qua của Đức Kitô: có bối cảnh lịch sử từ Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Trong biến cố Vượt Qua này, Thiên Chúa giải thoát dân tộc Do-thái khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập, và đem họ vào vùng Đất Hứa tràn trề sữa và mật. Chúa Giêsu cũng ví Cuộc Thương Khó của Người như một vượt qua: “khi biết đã đến giờ Người sắp sửa từ giã cuộc đời này để về với Thiên Chúa” (Jn 13:1). Trong Lễ Vượt Qua cũ, bánh không men và chiên vượt qua là hai thứ không thể thiếu để mừng lễ: máu chiên dùng để bôi trên cửa nhà, để thiên thần vượt qua mà không vào sát hại như sát hại các con đầu lòng của người Ai-cập.

3.2/ Chúa Giêsu thiết lập Bí-tích Thánh Thể: Trong Lễ Vượt Qua mới, bánh không men chính là Mình Chúa Giêsu, như trình thuật kể: “Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Chiên Vượt qua mới là máu của Đức Kitô: “Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra vì muôn người.”

            Trong Cuộc Vượt Qua mới, Đức Kitô cũng giải thoát con người khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết bằng chính Mình và Máu của Ngài. Sau khi ăn Lễ Vượt Qua, người Do-thái phải lên đường bắt đầu cuộc hành trình qua Biển Đỏ. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng thế, sau khi đã thiết lập Bí-tích Thánh Thể, Chúa Giêsu và các môn đệ hát thánh vịnh, Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Olive để cầu nguyện và chịu thử thách.

            Cuộc sống của mỗi người cũng thế, sau khi đã lãnh nhận thần lương của Bí-tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải vào cuộc đời để đương đầu với những khó khăn và thử thách hằng ngày của cuộc sống như: bệnh tật; học hành và công ăn việc làm; bất đồng, hiểu lầm, chia rẽ, và hận thù đến từ các mối liên hệ với tha nhân, cộng thêm vào những lo lắng tương lai… Chính sự sống thần linh nhận được từ Bí-tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta có đủ sức mạnh và nghị lực, để vượt qua tất cả các khó khăn này. Nếu không năng lãnh nhận thần lương, làm sao chúng ta tìm được sức mạnh để vượt qua các khó khăn của cuộc sống?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            – Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích tình yêu. Vì yêu nên Đức Kitô đã lập ra để ở lại với con người mỗi ngày cho đến tận thế. Chúng ta cần năng lãnh nhận Bí-tích này để xin Ngài gia tăng tình yêu cho chúng ta.

            – Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích đem lại sự sống. Chúng ta không chỉ sống cách thể lý; nhưng phải sống đời sống thiêng liêng. Bí-tích Thánh Thể cung cấp sức mạnh tinh thần, để chúng ta có nghị lực vui sống và vượt qua các khó khăn mỗi ngày.

            – Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích hiệp nhất. Bí-tích này liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Để có thể chung sống hài hòa, chúng ta cần năng lãnh nhận Bí-tích này.

Nguồn: https://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2774:ch-nht-l-minh-mau-chua-nm-b&catid=25&Itemid=27

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here