Vũ Văn An
Hai thập niên 1970 và 1980 là các thập niên phong phú của Kitô học. Năm 1974, ra đời cuốn Jesus The Christ của Đức HY Walter Kaspers. Cùng thời gian này, nhiều công trình Kitô học của Giáo Sư Jean Galot thuộc Đại Học Gregorian cũng đã được công bố. Năm 1981, Giáo Sư Bruno Forte cho ra đời tác phẩm Gesù di Nazaret, storia di Dio, Dio della storia được dịch ra nhiều ngôn ngữ (4 năm sau, ngài cho xuất bản cuốn Trinità come storia. Saggio sul Dio cristiano). Năm 1982, Đức HY Kaspers cho xuất bản cuốn The God of Jesus Christ, nhấn mạnh tới chiều kích Ba Ngôi của Kitô học. Năm 1988, Marcello Bordoni cho công bố cuốn Gesù di Nazaret. Presenza, memoria, attesa (và gần 10 năm sau, ông cho ra đời cuốn La cristologia nell”orizonte dello Spirito để duyệt lại cuốn trước).
Song song với các cố gắng cá nhân ấy, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế cũng cho công bố nhiều tài liệu quan trọng về Kitô Học suốt trong thời gian này. Ngoài tài liệu Some Questions Concerning Christology (1979), vốn được coi như đánh dấu việc kết thúc “thập niên Kitô học” của nền thần học Công Giáo hậu công đồng, ta còn thấy Christology, Anthropology (1981) và La coscienza che Gesù aveva di se stesso e della sua missione (1986). Thập niên 1990 cũng thấy xuất hiện hai tài liệu quan trọng đề cập tới mối liên hệ giữa Kitô học và việc cứu độ phổ quát: một tài liệu mang tên On Certain Questions Concerning The Theology Of Redemption (1995), tài liệu kia mang tên Christianity and Religions (1996), nhắc lại tính độc nhất của Chúa Giêsu Kitô. Tài liệu vừa kể có tính quyết định đối với việc khai triển đúng đắn cuộc đối thoại với các tôn giáo khác. Trong cùng ngữ cảnh này, tuyên bố Dominus Jesus, do Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố trong Năm Thánh 2000 đã đưa ra lời tuyên xưng đức tin long trọng vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng là sự thật giải phóng và cứu rỗi chúng ta.
Về phần huấn quyền, ngay từ đầu triều đại của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã cho thấy nhiều đặc điểm nổi bật về Kitô học/tam vị học qua một loạt các thông điệp quan trọng Redemptor Hominis (1979) chuyên nói về Chúa Con, rồi Dives in Misericordia (1980) chuyên nói về Chúa Cha, và Dominum et Vivificantem(1986), nói về Chúa Thánh Thần. Cũng một cấu trúc Kitô học/tam vị học ấy đã tái xuất hiện một cách có ý nghĩa trong tông thư chuẩn bị năm đại thánh Tertio Millennio Adveniente (1994). Có thể nói rằng trọn bộ giáo huấn của triều đại Gioan Phaolô II đã xoay quanh cùng một nguyên tắc thần học căn bản đó: qua suy nghĩ của nó về nhân học như đã được trình bày trong các thông điệp và tông thư trên cũng như trong Laborem exercens (1981) về giá trị lao công nhân bản, trong tông thư về phụ nữ Mulieris dignitatem (1988), trong Veritatis Splendor (1993) và Evangelium Vitae (1995) về các vấn đề luân lý, trong Sollicitudo rei socialis (1988) và Centesimus annus(1991) về các vấn đề xã hội. Cùng một nguyên tắc nền tảng đó đã làm căn bản cho giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II về giáo hội học, vốn được trình bày dưới cái nhìn về tính duy nhất của Chúa Cứu Thế và sự hiệp thông Ba Ngôi trong Redemptoris Missio (1991) và Slavorum Apostoli (1985) về Kitô Giáo Đông Phương, và Ut unum sint (1995) về đại kết. Redemptoris Mater (1987) là suy niệm đặc biệt có ý nghĩa về Mẹ Chúa Cứu Thế, trong đó, nhiều khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm Chúa Kitô đã được tôn kính qua các ảnh tượng về ngài. Vì nơi Đức Mẹ, mọi sự đều qui chiếu về công trình của Chúa Ba Ngôi và vinh quang của Người, và về việc phục vụ sứ mệnh của Chúa Con, Đấng đã mặc lấy xác phàm trong lòng trinh khiết của ngài.
Trong sự đóng góp bao la của suy tư thần học và của huấn quyền cho Kitô học từ Công Đồng Vatican II tới nay, ta có thể biện phân nhiều trào lưu quan trọng cho thấy những sách giáo khoa tiền công đồng về Verbo Incarnato (Ngôi Lời Nhập Thể) đã bị vượt qua như thế nào bởi việc khám phá ra Thánh Kinh làm nền cho cái hiểu của ta về đức tin, về tính liên quan cứu thế học của sứ điệp Chúa Kitô và về tính trung tâm của Người giúp ta hiểu chính xác mọi khía cạnh khác của thần học và của thực hành Kitô Giáo. Các khai triển Kitô học trong các thập niên vừa qua có thể được gom vào 3 tựa đề sau đây: a) chúng có tính Ba Ngôi nhiều hơn; b) chúng có tính lịch sử rõ ràng hơn; c) chúng có tính vượt qua hơn về mục tiêu khi tuyên xưng tính độc đáo duy nhất của Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại đối với sự cứu rỗi thế giới.
A. MỘT KITÔ HỌC TAM VỊ: VIỆC MẠC KHẢI THIÊN CHÚA NƠI CHÚA GIÊSU KITÔ
Căn cứ vào các biến cố trần gian của Chúa Giêsu Nadarét, ta có thể thấy được lịch sử Thiên Chúa đi với con người diễn ra như thế nào, nhất là trong sự kiện phục sinh, lúc Người tỏ mình ra như là Thiên Chúa của lịch sử, là Đấng Cứu Chuộc con người trong mọi khía cạnh của họ. Trọn cuộc sống dương gian của Chúa Giêsu, hiểu như lịch sử Chúa Con cư ngụ giữa chúng ta, đều có sự can dự của toàn thể Ba Ngôi, đều bao hàm mối liên hệ với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Phục sinh chứng tỏ rằng hai chủ thể trong “lịch sử” thần linh không từng nhập thể, tức Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, không phải là những khách bàng quan đối với cuộc đời và hoạt động của Ngôi Lời nhập thể: các vị cùng sống các biến cố đó với Người, mỗi vị tùy theo mối liên hệ chuyên biệt từng khiến các vị thành các ngôi biệt lập. Do đó, từ biến cố Vượt Qua trở đi, ta có thể nói rằng lịch sử của Chúa Giêsu đã mạc khải cho ta lịch sử Ba Ngôi của Thiên Chúa, cho người phàm chúng ta thoáng nhìn ra sự hiện hữu và việc tự hiến cho nhau của Ba Vị trong nhiều mối tương quan giữa các vị với nhau và giữa các vị với thế giới.
Trong Chúa Giêsu, ta vừa thấy khuôn mặt Ba Ngôi của Thiên Chúa và mối tương quan của Người với thế giới, vừa cùng một lúc thấy sự biểu lộ cũng như trao ban Thần Khí hợp nhất Ba Ngôi và sự giao hòa Thiên Chúa với con người. Như thế, ta bắt đầu hiểu lý do tại sao bất cứ nền thần học nào bỏ qua mối liên kết giữa Kitô học và mầu nhiệm Tam Vị Nhất Thể, một điều thường hay gặp trong các sách giáo khoa tiền công đồng do bản chất phân mảnh trong cái nhìn bao quát của chúng, đều một đàng tạo ra thứ Kitô trườu tượng, khô cằn và chỉ có trong ý niệm, và đàng khác, tạo ra thứ học thuyết đầy suy lý về Ba Ngôi, ít qui chiếu vào mạc khải cụ thể của Thiên Chúa tam vị nhất thể trong nhiệm cục cứu độ. Việc khám phá ra chiều kích Ba Ngôi trong câu truyện về Chúa Giêsu này đã mở ra một phương cách hiểu đức tin có thể dẫn ta tới việc khám ra những tầng sâu thẳm nhất của Thiên Chúa và giúp ta có được một ý niệm chân thực về Người rất khác với cái hiểu chỉ có tính tri thức, là cái hiểu hoàn toàn vô ích đối với ta khi phải chạm trán với cái phi lý của Thập Giá và Phục Sinh.
Việc khám phá ra chiều kích Ba Ngôi của Ngôi Lời nhập thể cho ta thấy Ngôi Lời liên hệ ra sao với Cõi Im Lặng lúc khởi nguyên, với hố thẳm từ đó Người xuất hiện từ muôn thuở và nơi đó Người mãi mãi hiện hữu đến muôn đời: Thiên Chúa trở thành hữu hình đối với Thiên Chúa vô hình, Chúa Con hiện hữu với Chúa Cha. Như Thánh Inhaxiô thành Antiôkia từng nói: “Người tự tỏ mình ra qua Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Lời phát xuất từ Cõi Im Lặng” (ad Mag. 8,2). Lời mạc khải, tức Chúa Kitô, phải “được vượt qua” (transcended) không theo nghĩa bị loại bỏ hay đặt trong ngoặc, vì nếu như thế, làm sao ta đạt tới những tầng sâu nhất của Thiên Chúa, nhưng theo nghĩa: là chân lý và sự sống vì là đường (xem Ga 14,6), là cửa ngõ đưa ta vào Mầu Nhiệm đời đời, là ánh sáng bước vào bóng tối để nhờ ánh sáng ấy ta thấy được ánh sáng (xem Ga 1:9; Tv 36:10). Nhờ biện chứng pháp Ba Ngôi của Lời và Im Lặng, của duy nhất và dấu ẩn, trong biến cố mạc khải, mà sự siêu việt thần linh không bị ký thác cho nội tại tính của thế giới và hình thức lịch sử của việc Thiên Chúa tự tỏ mình ra vẫn qui chiếu ta tới những phong phú khôn cùng của mầu nhiệm thánh.
Nguyên nghĩa La Tinh của “revelatio” (mạc khải, mà trong Hy Ngữ gọi là apokalupsis) cho ta thấy một cấu trúc biện chứng: tiền từ “re” vừa chỉ cùng một việc nào đó, vừa chỉ điều ngược lại. Động từ “Revelare” (mạc khải), do đó, là hành vi đi từ trạng thái bị che phủ qua trạng thái được mở màn, hay hành vi mở màn một điều trước đó bị che phủ, nhưng không bao giờ hoàn toàn loại trừ được sự che phủ này, thậm chí cũng không loại được khả thể trở nên bị che phủ nặng hơn. Ý nghĩa biện chứng này không có trong hạn từ Đức Ngữ “Offenbarung” và “offenbaren”, là hạn từ chỉ tập chú vào hành vi mở màn, hoàn toàn trong sáng. Khi cho rằng mạc khải là việc Thiên Chúa tự thông đạt chính bản chất mình một cách rõ ràng và hoàn toàn cho ta, Hegel đã phản ảnh nghĩa này của “Offenbarung”. Chỉ nền Kitô học nào biết đặt căn bản trên “re-velatio Dei”, hiểu theo nghĩa biện chứng, mới chuyên chở được bản chất Ba Ngôi của mạc khải: do đó, ta phải dứt khoát hơn trong việc hướng về một Kitô học có tính “thần học” nhiều hơn, và do đó, cũng có tính Ba Ngôi nhiều hơn ngõ hầu học cách nghe thấy trong Lời chính Sự Im Lặng mà từ đó Lời đã phát sinh và vén mở, và nhờ thế nghe được mạc khải của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong Lời.
Thánh Gioan Thánh Giá từng viết rằng “Chúa Cha phán ra một lời, đó chính là Con của Người và tiếp tục nhắc lại lời ấy trong cõi im lặng đời đời; bởi thế, ta phải lắng nghe lời này trong im lặng” (Sentences, số 21). Tiếp nhận lời bằng cách nghe nó trong cõi im lặng của Thiên Chúa chính là lưu lại trong đền thánh tôn thờ Người, để ta được Thiên Chúa im lặng thương yêu và cuốn hút qua việc suy niệm hết sức nhất thiết về Lời: “Không ai đến được với Chúa Cha nếu không qua Thầy” (Ga 14:6). Ở đây, ta hiểu rằng: việc cảm nghiệm được Thiên Chúa hằng sống của mạc khải Thánh Kinh, và do đó một đời sống thiêng liêng biết lắng nghe trong cầu nguyện, là nguồn gốc sâu xa biết chừng nào đối với một Kitô học biết hướng về đức tin.
Bởi thế, tách Kitô học ra khỏi đời sống thiêng liêng là tước khỏi nó sự cần thiết phải nghe lời mạc khải trong cõi Im Lặng nền tảng kia, cõi Im Lặng mà lời đã từ đó phát sinh và giúp ta vươn tới. Việc tái khám phá sự hợp nhất giữa tư duy Kitô học và đức tin sống động của tín hữu này, một sự hợp nhất vượt thắng sự khô cằn đã được đưa vào thần học từ thời duy lý cho tới những năm gần đây, ngầm cho hiểu một cuộc trở về với ngữ cảnh giải thích có tính nguyên khởi và cơ cấu (constitutive) của việc suy tư đức tin.
Ở đây, ta cũng thấy sự cần thiết phải định vị suy tư Kitô học bên trong việc thông truyền Lời một cách sống động của Giáo Hội, một sự thông truyền mà từ chứng tá này qua chứng tá nọ, từ vâng lời này qua vâng lời nọ, đã bảo đảm việc thông truyền nước hằng sống cho ta. Bất cứ khi nào Kitô học tự tách mình ra khỏi truyền thống đức tin sống động của Giáo Hội, nhất là khỏi các điều đã được công bố thành tín điều, thì nhất thiết nó sẽ rơi vào thoái hóa, hoài nghi và mâu thuẫn, là những điều không thể chấp nhận được. Việc này không phải là việc của thần học, là khoa bị giới hạn bởi các định nghĩa tín lý, một khoa phục vụ sức sinh động của đức tin người tín hữu, một khoa có nhiệm vụ giải thích niềm hy vọng của họ, một khoa đặt căn bản trên sự thật của đức tin. Tuy nhiên, thay vì chỉ máy móc lặp lại những điều đã trở thành quá khứ từ lâu, Thánh Truyền thực là sự sống thông truyền sự sống. Mạc khải Thiên Chúa nơi Chúa Kitô nâng đỡ dân lữ hành của đức tin, một dân được mời gọi lưu truyền ký ức vĩnh cửu cho mọi thế hệ. Ký ức này được gắn liền với bản văn Thánh Kinh và với ngữ cảnh công bố và thực hành của tín hữu, trong đó Chúa Thánh Thần hành động để đem Giáo Hội tới sự viên mãn của chân lý thần linh. Một Kitô học hướng về đức tin không những có căn bản Thánh Kinh và được nuôi dưỡng bằng đời sống thiêng liêng, mà nó còn có tinh thần Giáo Hội và thận trọng xa lánh các khai thác chủ quan nhờ biết qui chiếu vào tính khách quan của đức tin đã được Giáo Hội tiếp nhận và lưu truyền.
B. MỘT KITÔ HỌC LỊCH SỬ: LIÊN TỤC TÍNH GIỮA CHÚA GIÊSU LỊCH SỬ VÀ CHÚA KITÔ ĐỨC TIN
Khuynh hướng thứ hai xuất hiện trong Kitô học từ thời Công Đồng Vatican II cho tới nay là nền Kitô học lịch sử. Thực vậy, trong suy tư Kitô học, việc trở về nguồn do Công Đồng mời gọi đã khiến người ta quan tâm nhiều hơn tới lịch sử cụ thể của Chúa Giêsu Kitô, như đã được các Tin Mừng thuật lại. Họ cũng chú tâm nhiều hơn điều được gọi là “mầu nhiệm” của đời Người, một mầu nhiệm mà phương pháp phê bình lịch sử có thể đem ta tới. Trong nhân tính chân thực và trọn vẹn của Người, Chúa Giêsu Kitô chính là sự mạc khải về Thiên Chúa, do đó, tầm quan trọng của việc vươn tới mầu nhiệm sâu sắc này nằm ngay trong các dấu tích của Chúa Giêsu lịch sử. Đây không phải là một cố gắng nhằm vẽ lại một bức tranh tỉ mỉ với thật nhiều chi tiết về Chúa Giêsu, phản ảnh được mọi quan tâm và mẫn cảm ít nhiều sâu sắc của thời hiện đại. Đây cũng không phải là một cố gắng nhằm phân tích nhân cách của Người về phương diện tâm lý, một cuộc phân tích nhất thiết có tính võ đoán hoàn toàn vì ta chỉ có được rất ít các chi tiết lịch sử cụ thể. Đúng hơn, đây là một cố gắng nhằm thăm dò chiều kích nhân bản chứa trong “mysteria vitae Jesu” (mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu), và qua đó, ta gặp được sự mạc khải về chính Thiên Chúa hằng sống, nhờ đọc được “sơ truyền” (kerygma) trong lịch sử và lịch sử trong “sơ truyền”, từ đó nắm được trọn vẹn sự liên tục phong phú giữa Chúa Giêsu lịch sử và Chúa Kitô Phục Sinh mà Tân Ước vốn làm chứng cho. Cố gắng này hệ ở việc tái dựng lại lịch sử trong đó Chúa Giêsu tự ý thức về mình và quyền tự do của Người, trong tư cách một con người biết cảm nhận tính hữu hạn mà chính Người từng sống thực qua đau khổ và cái chết, trong niềm tin vững chắc, dựa vào ánh sáng Phục Sinh, rằng mọi sự xuất phát từ nhân tính chân thực và trọn vẹn của Đấng Cứu Thế cũng xuất phát từ chính sự mạc khải về thần tính của Người.
Khuôn mặt nhân bản của Thiên Chúa được trình bày với ta nơi Chúa Giêsu Nadarét. Các cử chỉ của Người, mọi khía cạnh trong thân phận nhân bản của Người, mọi khoảnh khắc được Người sống trên trần gian đều là một tỏ hiện của Thiên Chúa giữa con người và do đó đều quan trọng đối với đức tin và suy tư Kitô Giáo. Ta có thể tìm thấy khía cạnh sâu sắc nhất của nghịch lý Kitô Giáo nơi tình yêu nồng nàn của Đấng Cứu Thế đối với nhân loại, được tỏ hiện nơi rất nhiều vị thánh. Việc tập chú vào “Dominus humanissimus” (Chúa nhân bản nhất) này, một tập chú hầu như chỉ duy có lòng đạo Kitô Giáo mới duy trì được, dường như đã trở thành kỳ dị đối với nền thần học của nhiều thế kỷ qua. Khởi đầu với Suarez, vấn đề “các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu” đã biến mất khỏi các khảo luận “De Verbo Incarnato” (Về Ngôi Lời Nhận Thể). Nơi Chúa Giêsu thành Nadarét, Thiên Chúa không còn cạnh tranh với con người nữa: trái lại, thể nhân bản đã hoàn toàn được cuốn hút và nâng giá trong lịch sử Con Người, trong đó, nó trở thành cỗ xe hữu hiệu, “bí tích” nhiệm mầu, đưa Chúa Con trường cửu đi vào trần gian. Từ đó, ta dễ hiểu: sẽ thực sự thiếu tinh thần Kitô Giáo xiết bao khi bất cứ hình thức thần học và đạo đức nào dám làm ngơ biến cố lịch sử cụ thể của Đấng Cứu Thế, làm ngơ tính hiện thực và các gương mù vốn làm đặc điểm cho biến cố này. Trong ngữ cảnh ấy, học thuyết truyền thống về tính nguyên nhân trong nhân tính Chúa Kitô có một tầm ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Thánh Tôma đã dành cho cuộc hiện sinh cụ thể của Chúa Giêsu Nadarét một chú tâm thần học hết sức phong phú: “Mọi sự do thân xác Chúa Kitô thực hiện đều dành cho ơn cứu rỗi của ta nhờ thần tính kết hợp với thân xác ấy” (Compendium Theologiae 239). Các hành động của Chúa Giêsu có thể được ví như các dụ ngôn sống động cho thấy các hành động của Thiên Chúa.
Việc càng ngày càng chú ý tới nhân tính của Đấng Cứu Chuộc cũng bao hàm một nhậy cảm mới đối với các đòi hỏi bước chân theo Người: thuật lại cuộc đời của Chúa Giêsu lịch sử cũng chủ yếu bao hàm việc để ta dấn thân “mô phỏng” theo Người, lấy Nước Trời làm chọn lựa căn bản, tự ý chọn chỗ thấp hèn, chọn yêu Chúa Cha đến quên chính bản thân mình. Bước chân theo Chúa Kitô không phải là vấn đề lặp lại một mẫu mực. Vì nếu đúng như thế, thì điều đó hẳn vượt quá khả năng ta. Tuy nhiên, điều ấy có thể thực hiện được, và chỉ thực hiện được nhờ Chúa Thánh Thần. Đối với Lời, Thần Khí giống như sự im lặng được thừa nhận nhờ sự hùng biện của chứng tá, một chứng tá thường hay im lặng (Ga 15:26). Thánh Inhaxiô từng viết rằng: “Bất cứ ai thực sự nắm được lời lẽ của Chúa Giêsu cũng thấy được sự im lặng của Người, để Người được nhìn nhận” (Ad Eph. 15, 1-2). Hành động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử, vốn được biện phân của đức tin nhìn nhận và tiếp nhận, trước nhất được biểu lộ nơi đức ái, tức sức mạnh yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa mà nhờ đó, cộng đồng Kitô hữu chấp nhận các dấu chỉ của thời đại, thực hành tình liên đới cụ thể với người lân cận cụ thể, phục vụ họ để thăng tiến họ và giải thoát họ khỏi mọi điều xúc phạm tới phẩm giá làm con Thiên Chúa của họ. Trên nẻo đường này, con mắt đức tin mở ra để thấy sự hiện diện đầy huyền nhiệm của Chúa giữa muôn vàn trạng huống nhân bản khác nhau. Chúa Kitô nấp mình nơi người nghèo, người đói, người khát, người sa cơ, người đau khổ, trẻ em bị lạm dụng, phụ nữ bị trù dập, những người thấp bé (xem Mt 25:31 tt). Ai đáp ứng trước cái đói và cái khát của những người này bằng một tình yêu vô vị lợi và có tính giải thoát thực đã trở thành một Tin Mừng sống động mà Lời được Thần Khí ghi chép, không trên những phiến đá mà trên các trái tim ta (xem 2Cor 3:3).
Như thế, sự hiện diện của Chúa Giêsu với nỗi đau nỗi cực của thời nay đã trở thành hữu hình nhờ những người biết nhân danh Người mà yêu thương: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35). Tình yêu Thiên Chúa được tỏ hiện qua tình yêu người lân cận: “ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4:20). Trong một tình yêu như thế, Chúa Giêsu hiện diện trong Thần Khí của Người để nói các lời ban sự sống đời đời của Người. Trong Thần Khí, người lân cận của ta là bí tích của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu: nơi Người tới chính là điểm hẹn cứu rỗi của ta (xem Mt 25:31 tt). Một Kitô học không được đo bằng đức ái và công lý sẽ bị bóp méo và có nguy cơ rơi vào đủ loại ý thức hệ. “Các Kitô học hành động” (Christologies of praxis, tức Kitô Học Giải Phóng, Kitô học chính trị) rõ ràng cho thấy cả các nguy cơ lẫn các tiềm năng tích cực, nên đã có người tiếp nhận chúng và khai triển chúng, giải thích chúng và sống chúng như thể đó là hành động của Chúa Thánh Thần trong hiệp thông Giáo Hội. Xem ra ta cần tới một Kitô học có tính “đấu tranh” hơn, nhất là trên bình diện đức ái và công lý đối với mọi người mà vẫn tôn trọng sáng tạo của Thiên Chúa, để ta định vị các suy tư của ta cách chính xác hơn về việc bước chân theo Chúa Giêsu Nadarét với ơn phù trợ của Thần Khí.
C. MỘT KITÔ HỌC PHỤC SINH: TÍNH ĐỘC ĐÁO CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ VÀ VIỆC CỨU RỖI THẾ GIAN
Khuynh hướng thứ ba cần ghi nhận trong Kitô học từng được khai triển từ thời Công Đồng Vatican II là khuynh hướng liên quan tới việc đối thoại và trao đổi qua lại với các tôn giáo khác: có thể gọi nó là Kitô học Phục Sinh, một Kitô học làm chứng cho tính độc đáo duy nhất của Chúa Giêsu Kitô đối với mọi đường lối có thể dẫn người ta tới mầu nhiệm thần linh và tới ơn cứu rỗi đời đời cho con người. Đức tin Tân Ước không do dự coi “biến cố Chúa Kitô” là cứ điểm (locus) để ta gặp gỡ sự viên mãn của việc Thiên Chúa tự thông đạt mình ra: Chúa Giêsu không những nói các lời lẽ của Thiên Chúa, mà Người còn chính là Lời của Thiên Chúa, Lời trường cửu đã trở nên xác phàm, tự thông đạt mình và giúp ta bước vào cảm nghiệm đầy sinh khí của sự sống thần linh trong hồng ân Chúa Thánh Thần. Với xác tín này, Kitô Giáo ý thức được rằng mình là người đem sứ điệp phổ quát tới cho mọi người. Cũng dưới ánh sáng này, các môn đệ của Chúa Kitô đặt ra các điều kiện để biện phân khả năng có thể có việc Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong các tôn giáo khác và để đối thoại với các tôn giáo này.
Redemptoris Missio (1990) viết rằng: “Thiên Chúa, Đấng muốn truyền đạt tính viên mãn trong mạc khải và tình yêu của mình cho mọi dân tộc, đã mời gọi họ tới với Người trong Chúa Kitô. Người quả hiện diện bằng nhiều cách không những với các cá nhân, mà còn cả với trọn các dân tộc qua các gia sản tâm linh của họ, mà các tôn giáo là những biểu thức đặc biệt và cốt yếu, dù chúng vẫn có những thiếu sót, những bất cập và cả sai lầm nữa” (số 55). Bởi thế, các tôn giáo khác không phải chỉ nói lên tính tự siêu việt của con người hướng tới Mầu Nhiệm thánh, mà còn là các cứ điểm khả hữu để Thiên Chúa tự truyền đạt mình: thông điệp này còn nói mạnh hơn nữa khi cho rằng những người “vốn không có khả thể biết hay tiếp nhận mạc khải của Tin Mừng và gia nhập Giáo Hội” vì “họ sống trong các điều kiện xã hội và văn hóa vốn cản trở việc ấy, hay vì từ lâu họ vốn đã được giáo dục trong các truyền thống tôn giáo khác” cũng vẫn có thể được Chúa Kitô cứu rỗi “nhờ ơn thánh, qua mối liên hệ mầu nhiệm với Giáo Hội, tuy không dẫn họ tới việc làm thành viên chính thức của Giáo Hội, nhưng vẫn soi dẫn cuộc sống bên trong và bên ngoài của họ. Ơn thánh này xuất phát từ Chúa Kitô. Nó là hoa trái sự hy sinh của Người và được Chúa Thánh Thần thông ban: nó giúp họ khả thể vươn tới ơn cứu rỗi nhờ việc tự ý hợp tác của từng người” (số 10). Thông điệp còn cho hay: “sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần không chỉ tác động trên các cá nhân, mà còn trên cả xã hội, lịch sử, trên các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo, … Chúa Thánh Thần là Đấng gieo vãi “các hạt giống Lời Chúa” mà người ta có thể tìm thấy nơi các tôn giáo và văn hóa đa dạng. Người cũng là Đấng chuẩn bị để đem chúng tới chỗ trổ bông đầy đủ nơi Chúa Kitô (số 28).
Dưới ánh sáng đó, ta có quyền chủ trương rằng các tôn giáo không phải là Kitô Giáo đều chứa đựng một số yếu tố đích thực của việc Thiên Chúa tự truyền đạt mình ra. Biện phân được các yếu tố đó là việc các môn đệ Chúa Kitô có thể làm được, nhờ họ biết qui chiếu chúng vào mạc khải từng đã được thực hiện nơi Người: như thế, ta bắt đầu hiểu được lý do tại sao ta không được có những đánh giá hoàn toàn tiêu cực đối với các tôn giáo không phải là Kitô Giáo cũng như các bản văn thánh của họ, một đánh giá đôi khi phát sinh từ chủ trương quá khích tuyệt đối đồng hóa Giáo Hội với Nước Trời (như Karl Barth chẳng hạn).
Nhưng mặt khác, ta cũng không nên chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên bừa bãi nơi một số nền thần học về tôn giáo: các nền thần học này đã hoàn toàn bác bỏ đặc tính tuyệt đối của Kitô Giáo, và làm ngơ các thiếu sót cũng như chống đối của các tôn giáo khác, đến nỗi, họ bỏ cả ý niệm thượng đẳng và bản chất dứt khoát của Chúa Kitô, và tiến tới chỗ thừa nhận các đường lối khác cũng có giá trị độc lập trong việc đưa người ta tới sự sống thần linh. Đó là chủ trương của các thần học gia như John Hick và Paul F. Knitter. Giữa các chủ trương trái ngược nhau ấy, ta cần một biện phân để một đàng không xao lãng việc tuyên xưng ơn thánh và cái trái khoáy độc đáo của Tin Mừng, một đàng biết thừa nhận hành động của Chúa Thánh Thần luôn hướng về Lời, bất cứ ở đâu: “Bao lâu Chúa Thánh Thần hành động trong tâm hồn con người và trong lịch sử các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo, Người đều đảm nhận vai trò chuẩn bị tin mừng, một chuẩn bị chỉ có thể qui chiếu về Chúa Kitô, Ngôi Lời thành xác phàm nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần” (Redemptoris Missio, số 29).
Thừa nhận sự kiện trên không hề giảm thiểu trách nhiệm truyền giáo của các môn đệ Chúa Kitô, đúng hơn, nó càng thúc đẩy trách nhiệm này hơn nữa, vì nếu không có tính độc đáo của Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người làm tiêu chuẩn, Kitô hữu không thể biện phân và lượng định được giá trị chứa đựng trong các tôn giáo khác cũng như trong các bản văn thánh của họ, thậm chí cả các kinh nghiệm tôn giáo của họ nữa. “Dù Giáo Hội sẵn sàng thừa nhận có những điều chân thật và thánh thiện trong các truyền thống Phật Giáo, Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo, vì chúng quả là chân lý soi sáng cho mọi người, nhưng điều này không hề làm giảm nhiệm vụ và quyết tâm của Giáo Hội trong việc công bố Chúa Giêsu Kitô là đường, là sự thật và là sự sống” (Redemptoris Missio, số 55). Bởi thế, việc đối thoại với các tôn giáo khác “phải được diễn tiến và thể hiện trong niềm xác tín rằng Giáo Hội là phương tiện thông thường của ơn cứu độ và chỉ có Giáo Hội mới có được sự viên mãn trong các phương tiệ cứu rỗi” (đã dẫn).
Nói tóm lại, một Kitô học có tính thần học hơn, một Kitô học có tính lịch sử hơn và một Kitô học có khả năng hơn trong việc tổng hợp hai chiều kích này trong khi vẫn tuyên xưng tính độc đáo của Chúa Giêsu Kitô, một tính độc đáo, một mặt đòi ta phải khẩn trương công bố Tin Mừng, một mặt lại đòi ta phải đối thoại với người khác, bất kể họ là ai và họ từ đâu phát xuất. Xem ra đó là ba điều đã xuất hiện trong Kitô học thời hậu Công Đồng: nền Kitô học này phản ảnh đòi hỏi trường cửu phải tin vào Chúa Giêsu Kitô, một đức tin biết nhìn nhận sự kết hợp nhân thần nơi Người, mà không lẫn lộn hay pha phôi, không phân chia hay tách biệt (Công Đồng Canxeđoan 451). Đây là một suy tư trong đức tin nhằm kết hợp lòng trung thành với trời và lòng trung thành với đất, lòng trung thành với thế giới hiện tại và lòng trung thành với thế giới mai hậu, như từng đã diễn ra nơi Người, Đấng đích thân là Giao Ước. Hợp nhất với toàn thể Giáo Hội, thần học gia kêu cầu Người để “lời” (logos) của đức tin phê phán được hợp nhất với “tiếng ca” (hymnos) của đức tin thờ lạy, là đức tin vừa nghe, vừa cử hành, vừa công bố và sống Mầu Nhiệm đã được mạc khải trong Người, là Lời đến giữa chúng ta, và trong tay Người, ta phó thác trọn đời ta để bước chân theo Người.
(Viết theo Đức TGM Bruno Forte, Christology To-day, Developments Since Vatican II and Emerging Trends, Hội Luận Liên Mạng về Kitô học, tháng 9 năm 2001, do Bộ Giáo Sĩ tổ chức).