KITÔ GIÁO TẠI ĐÔNG NAM Á

0
8883

Đề tài này gồm ba phần:

1/ Lược qua những “đợt” Kitô giáo đặt chân lên Đông Nam Á (Tóm tắt một bài viết của John Roxborogh).

2/ Phân tích hoạt động của giáo hội Công giáo và Tin lành tại mỗi quốc gia (Dịch bài viết của Chansamone Saiyasak).

3/ Tình hình Giáo hội Công giáo tại mỗi quốc gia (Thống kê do Tu sĩ Gioan Nguyễn Long Quân OP sưu tầm).

Chữ viết tắt: ĐNA = Đông Nam Á

—————————–

I. Những đợt truyền giáo tại ĐNA

John Roxborogh[1]

ĐNA là nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hóa (Trung Hoa ở phía Bắc và Đông, Ân độ ở phía Tây và Nam; Islam ở các đảo từ thế kỷ XIII. Kitô giáo đến đây qua hành trình thương mại, di dân, thuộc địa, truyền giáo. Vào lúc đầu, Kitô giáo được truyền bá từ phương Tây, nhưng ngày nay, chính những người tín hữu bản xứ đã thông truyền đức tin của mình cho đồng bào. Vì lý do gì người ta theo đạo Kitô và thay đổi cả một quan điểm cổ truyền về vũ trụ và xã hội? Thật là khó nói: vì lý do an toàn bản thân? Vì khát khao tìm kiếm chân lý? Do ảnh hưởng của chính sách thực dân?

Không thể phủ nhận ảnh hưởng của các lực lượng đế quốc đối với việc truyền bá Kitô giáo; tuy nhiên, nhưng không phải tất cả các quốc gia bị chiếm làm thuộc địa thì đương nhiên trở lại đạo! Đôi khi tỉ số những người nhập đạo còn lên cao hơn sau khi quốc gia đã giành được độc lập! Ngoài ra, không phải các nước Phương Tây đều theo đuổi một chính sách thuộc địa và truyền giáo giống nhau: Tây ban nha và Bồ đào nha (thế kỷ XVI), Hà Lan (thế kỷ XVII), rồi đến lượt Pháp, Anh, Hoa kỳ. Các đế quốc nhắm ích lợi kinh tế, và đôi khi họ lợi dụng các nhà truyền giáo để thực hiện mục tiêu của họ. Mặt khác, chúng ta cũng không bỏ qua những xung đột giữa Bồ đào nha và Bộ Truyền giáo (được sự ủng hộ của Pháp) trong thế kỷ XVII.

Chúng ta hãy ôn lại những nét đặc trưng của các đợt truyền giáo khác nhau tại ĐNA.

1. Thương mại và du lịch: Giáo hội Nestoriô và Công giáo thời Trung cổ

Sự hiện diện sớm nhất của Kitô giáo ở ĐNA xem ra  giáo hội Nestoriô.[2] Có những bằng chứng vào thế kỷ VII cho thấy một địa phận Nestoriô trải dài từ bờ biển Tây bắc của bán đảo Mã Lai, và kéo dài đến Java và nam Sumatra hồi thế kỷ XIV. Sang thế kỷ XV, có những bá cáo của các thương gia Nestoriô tại vùng vừa kể và tại Pegu (Myanmar) và Ayutia (Thailan) cũng như tại Melaka. Ngoài ra cũng có những cuộc tiếp xúc hạn chế của các nhà du hành Công giáo từ Trung quốc trở về, chẳng hạn như Marco Polo năm 1292, Orderic Pordenone vào đầu thế kỷ XIV và của Gioan Marignolli năm 1346. Tuy nhiên, các thương gia và du hành không quan tâm đến việc thiết lập cộng đoàn tín hữu.

Mặc dù sự hiện diện của giáo hội Nestoriô không để lại ảnh hưởng sâu đậm, nhưng cũng cho thấy rằng Kitô giáo không hẳn là một đạo “mới đến” hoặc “gốc Tây phương” ở vùng đất ĐNA.

2. Những người xâm lăng và những nhà thừa sai: nguồn gốc của các cộng đồng Kitô hữu dưới ảnh hưởng Bồ đào nha và Tây ban nha

Vào thế kỷ XVI, Công giáo Tây phương trở thành hình thức Kitô giáo chính yếu tại ĐNA. Với dòng thời gian, các tuyên úy đi theo đoàn quân viễn chinh hoặc các thương gia đã nhường chỗ cho những thừa sai đầy nhiệt huyết.

Những cộng đồng Kitô hữu đầu tiên tại ĐNA được thành hình từ gia nhân của đoàn quân viễn chinh: vợ con và đầy tớ. Các thừa sai cố gắng tiến xa hơn, đến với các dân địa phương, nhưng phần lớn những người trở lại thuộc về đạo vật linh hoặc Ấn giáo hơn là Islam hoặc Phật giáo. Các cộng đồng “truyền giáo” này thường được tách biệt các cộng đồng gốc Âu.

Sau khi chiếm được thành phố Goa năm 1510, người Bồ tiến về phía Đông. Năm 1511, họ chiếm được Malacca, và thành phố này trở thành tòa giám mục vào năm 1558. Năm 1522, họ thiết lập một đồn trên đảo Ternate, và thánh lễ đầu tiên được cử hành bởi các tu sĩ Phan-sinh. Ternate trở thành pháo đài để chống lại Islam. Năm 1558 họ bắt giam quốc vương Hairum. Những cuộc căng thẳng tăng thêm sau khi ông này bị người Bồ sát hại (năm 1570). Người dân đã nổi dậy, và đuổi người Bồ khỏi nơi này vào năm 1575.

Có những cuộc trở lại đạo được thúc đẩy bởi động lực chính trị. Chẳng hạn như tại Halmahera, người Bồ coi việc gia nhập đạo  như phương thế để làm giảm uy thế của quốc vương Islam; còn người địa phương trở lại để được hưởng độc lập[3]. Những đòi hỏi để được rửa tội rất đơn giản: chỉ cần học thuộc kinh Lạy Cha và kinh Tin kính. Số người bỏ đạo cũng không thua gì số người nhập đạo. Năm 1613, trong khoảng bốn ngàn giáo dân tại Halmahera, đa số trở về đạo cổ truyền hoặc chuyển sang Islam. Khi đoàn truyền giáo Tin lành đặt chân lên đây vào năm 1866 thì không còn vết tích gì của Kitô giáo nữa.

Tại Ambon, tình hình tương đối khả quan hơn. Thánh Phanxicô Xavier đã gặp được vài làng Công giáo khi đặt chân đến đây năm 1546. Con số tín hữu tiếp tục gia tăng từ năm 1576 cho đến năm 1607, khi người Hà lan chiếm đóng nơi này.

Tại Malacca, vào năm 1600 dân số Công giáo lên đến 7400, phần lớn nhờ những cuộc kết hôn, hoặc những cuộc trở lại của những người Ấn và người Hoa[4]. Từ năm 1641, người Hà lan cấm đạo Công giáo, nhưng cũng không bắt buộc phải cải đạo.

Dù sao, người Bồ chuyển hướng hoạt động về Macao (được chuyển nhượng cho họ từ năm 1557), và Trung Hoa, Nhật bản.

Tóm lại, thành quả của công cuộc truyền giáo người Bồ không phải nhờ thế lực của đế quốc cho bằng lòng nhiệt thành của Phanxicô Xavier[5] và các đồng bạn. Vào đầu thế kỷ XVII, con số Kitô hữu ở ĐNA (không kể Philippines) ước chừng từ 25 đến 60 ngàn, mạnh nhất là ở Ambon, rồi đến Solor, Timor, Flores. Ở mạn Bắc ĐNA, có vài cộng đồng gắn liền với các thương gia tại Miến và Thái, và cũng có vài lần thử vào Campuchia.

Tại Philippines[6], người Tây-ban-nha đã bắt đầu có vài cuộc tiếp xúc vào năm 1521, với vài người trở lại đạo. Từ năm 1565, họ đặt nền đô hộ tại nước này, và định cư tại Cebu và Manila. Các thừa sai đầu tiên thuộc dòng thánh Âu-tinh, và sau đó các dòng khác cũng đến truyền giáo. Số người được rửa tội tăng nhanh: cho đến năm 1622, số tín hữu đã lên đến nửa triệu. Các tân tòng đến từ đạo vật linh phía Bắc, chứ không phải từ đạo Islam phía Nam.

3. Sống sót và bành trướng trong thế kỷ XVII và XVIII

Cộng đoàn Công giáo tại Việt Nam được thành hình tại Đà Nẵng năm 1615, do những người trốn tránh cuộc bách hại bên Nhật. Năm 1624, cha Alexandre de Rhodes[7] SJ (1591-1660) đã thực hiện cuộc truyền giáo dựa theo kinh nghiệm của các cha Mateo Ricci (1552-1610) bên Trung Hoa và Roberto de Nobili (1577-1656) bên Ấn độ. Khi ngài qua đời, số tín hữu đã lên tới 300.000 người; một chủng viện đã được thiết lập vào năm 1666, cùng với việc thiết lập một dòng nữ tu Mến Thánh giá (1670). Tuy nhiên, sự thành công của cuộc truyền giáo cũng sớm gây ra những phản ứng tiêu cực về phía chính quyền, với những đợt bách hại từ năm 1698, và đã trở thành lý do cho sự can thiệp của nước Pháp vào thế kỷ XIX.

Trong thế kỷ XVII, quyền lực Bồ đào nha tiếp tục suy yếu, khiến cho các cộng đồng Kitô hữu do họ thiết lập bị phân tán. Năm 1665, tại Campuchia, người ta gặp thấy 400 người Bồ tị nạn. Năm 1781, các linh mục buộc phải rời Thái lan đã gặp thấy tại Kedah (Tây Bắc Mã-lai) một nhóm Công giáo tại đây.

Ở Philippines, người Tây ban nha tiếp tục củng cố vị trí chính trị và tôn giáo; tuy nhiên số phận của các thừa sai bị lệ thuộc vào các quan chức địa phương, và khó lòng đoán được ý định của họ.

Tại những lãnh thổ chiếm được từ tay người Bồ đào nha, chính quyền Hà lan du nhập đạo Tin lành, nhưng họ không tỏ ra nhiệt tình lắm. Trước sự suy sụp của người Bồ, Tòa Thánh đã thiết đã thiết lập Bộ Truyền bá đức tin để lo việc truyền giáo (năm 1622), và sau đó là Hội Truyền giáo Paris (MEP). Tại Thái lan, vào thập niên 60 của thế kỷ XVII, đã có khoảng hai ngàn tín hữu, và một đại chủng viện được mở. Những nỗ lực truyền giáo tại Miến điện đã đưa đến nhiều cuộc tử đạo; tuy vậy vào năm 1790, đã có vài ngàn người Công giáo tại thủ đô Rangoon.

Malacca vẫn được duy trì như là giáo phận, tuy giám mục cư trú ở Timor hoặc Flores. Lần bổ nhiệm cuối cùng là năm 1747, sau đó để trống tòa cho đến năm 1888.

Người Hà-lan thiết lập Công ty Đông Ấn (Dutch East India Company, Vereenigde Oostindische Compagnie, VOC) năm 1602, để “duy trì đức tin”, nhưng họ không quan tâm lắm đến việc truyền giáo ra ngoài cộng đồng Hà Lan. Vào năm 1799, sự hiện diện của Hà Lan được củng cố ở Molucca và Java, Khoảng 30.000 người Công giáo bị cưỡng bách phải chuyển sang Tin Lành. Khi người Anh đến chiếm đóng vùng này vào cuối thế kỷ XVIII, Kitô giáo mang cả hai hình dạng: Tin Lành và Công giáo.

Ở Việt Nam, vào năm 1678, mặc dù Tòa Thánh không chấp nhận truyền chức cho giám mục bản xứ, nhưng những nền móng cho việc đào tạo linh mục địa phương đã được thiết lập qua việc mở những đại chủng viện.

4. Từ thế kỷ XIX đến đệ nhị thế chiến

Thế kỷ XIX chứng kiến một đợt sóng truyền giáo mới, về phía Công giáo cũng như Tin lành. Nhưng đây cũng là thế kỷ của các chế độ thuộc địa: người Anh ở Miến điện, Mã lai, và một thời gian ở Indonesia; người Hà-lan ở Indonesia; người Pháp tại Đông Dương; người Hoa kỳ thay thế Tây ban nha từ năm 1898. Tuy nhiên, các vùng truyền giáo không đương nhiên gắn liền với chính quyền thuộc địa. Tuy Mã lai là thuộc địa của Anh, nhưng các thừa sai Công giáo người Pháp và Bồ vẫn tranh tụng về việc giảng đạo cho người Mã lai và người Hoa. Tại Miến dưới quyền của Anh, các đoàn truyền giáo Tin lành là phái Baptist người Hoa kỳ. Các phái Methodist người Mỹ cũng bành trướng hoạt động ở Mã lai, Philippines, Miến và Sumatra. Tại các thuộc địa Pháp ở Đông dương, phái Tin Lành Christian and Missionary Alliance gốc Mỹ được phép hoạt động tại Việt Nam năm 1911 và tại Cambodia năm 1923.

Vì thế mối liên hệ giữa Kitô giáo với chính phủ thuộc địa hơi phức tạp, do những phong trào di dân.  Chẳng hạn như nhiều cộng đồng công giáo tại Thái, Mã lai, Indonesia thành hình bởi những đoàn công nhân từ Ấn độ đến làm việc. Một cách tương tự như vậy, những cộng đồng Kitô hữu hiện nay ở Mã lai và Singapore là con cháu của những người đến từ miền nam Trung quốc. Đối lại, chính sách của các nhà cầm quyền thuộc địa cũng co giãn. Người Anh cho phép tự do tôn giáo tại Singapore, Mã lai và Penang. Tại Indonesia, người Hà-lan tìm cách kiểm soát tôn giáo nhắm lợi ích kinh tế và chính trị. Giáo hội và Nhà nước gắn chặt với nhau, với hậu quả là Kitô giáo bị đồng hóa với chế độ thực dân. Những nhà truyền giáo học nổi tiếng như Kraemer, Bavinck, Verkuy đã báo động điều này, cách riêng khi nhìn đến tiến trình giành độc lập.

Nói chung, công cuộc truyền giáo trước đệ nhị thế chiến mang một nét son ở chỗ được gắn liền với sự giáo dục, y tế, phát triển kinh tế cũng như những tư tưởng dân chủ. Mặt khác, những người trở lại đạo phần lớn đến từ các tôn giáo sơ khai hoặc vật linh; còn nơi nào mà Islam và Phật giáo được đồng hóa với căn cước quốc gia (tựa như Miến điện, Thái lan, Mã lai và một phần Indonesia) thì ít người trở lại. Các người Hoa kiều họp thành một khối riêng: những người sống ngoài nước mà theo lòng đạo đức bình dân thì dễ theo đạo hơn là những người đã thấm nhuần đạo Phật.

Thập niên 20-30 của thế kỷ XX đã chứng kiến nhiều đoàn truyền giáo mới, với những tư tưởng thần học khác nhau. Cũng vào thời kỳ này, phong trào đại kết chớm nở ở châu Âu, và đã đưa đến những sự hợp tác hoặc liên kết giữa các phái Tin Lành tại Thái lan và Mã lai.

Một hoàn cảnh bất ngờ đã làm thay đổi bộ mặt của công cuộc truyền giáo, đó là đệ nhị thế chiến. Quân đội Nhật chiếm đóng ĐNA từ năm 1941 đến 1945, với chiêu bài “Á châu cho người châu Á”. Nhiều cộng đồng Kitô hữu trở thành bơ vơ bởi vì các vị lãnh đạo gốc Âu Mỹ đã bị trục xuất. Mặt khác, về phía Tin lành, nhiều hội nghị đã được tổ chức và các giáo hội địa phương tuyên bố độc lập khỏi giáo hội mẹ (chẳng hạn giáo hội Methodist ở Mã lai). Đây là một thời gian thanh luyện, giúp cho các giáo hội địa phương được tự trị cũng như liên kết với nhau.

5. Phong trào giành độc lập

Sau đệ nhị thế chiến, bắt đầu phong trào giành độc lập. Indonesia là nước đầu tiên tuyên bố độc lập vào tháng 8 năm 1945, chỉ hai ngày sau khi Nhật đầu hàng, nhưng phải chờ đến năm 1950 mới trở thành Cộng hòa khi Hà lan trao trả các thuộc địa ở miền Đông. Miến điện được độc lập năm 1948. Việc tuyên bố độc lập tại Mã lai bị hoãn lại đến năm 1957, do những cuộc chiến tranh với Cộng sản. Sabah và Sarawak được độc lập khởi nước Anh năm 1963 và gia nhập Mã lai cùng với Singapore, nhưng hai năm sau, Singapore tách rời thành một cộng hòa độc lập. Brunei được hoàn toàn độc lập vào năm 1983. Những thuộc địa của Pháp tại Đông dương còn phải trải qua nhiều cuộc chiến trước khi được trả độc lập vào năm 1954.

Sự độc lập khỏi ngoại bang không đương nhiên mang lại hòa bình! Các quốc gia tại ĐNA còn phải đương đầu với những vấn đề chủng tộc, tôn giáo. Kitô giáo lắm lần bị đồng hóa với tôn giáo ngoại lai, gắn liền với các nước thực dân.

Vấn đề còn phức tạp hơn nữa khi trong những phong trào tham gia tranh đấu có đảng Cộng sản, vào thời điểm mà Cộng sản đã làm bá chủ ở Trung hoa và Triều tiên. Quốc gia độc lập không đồng nghĩa với tự do tôn giáo. Đảng Cộng sản bị thất thế ở Mã lai và Indonesia, nhưng lại nắm quyền tại Việt Nam, khiến cho tình hình chính trị vùng ĐNA bất ổn trong bối cảnh của cuộc chiến tranh lạnh trên thế giới.

6. Thời kỳ kiến thiết quốc gia

Trong một quốc gia đa chủng tộc và đa ngôn ngữ, Kitô giáo có thể góp phần quan trọng cho sự thống nhất, xét vì đức tin có sức mạnh liên kết vượt lên trên biên cương các quốc gia và chủng tộc. Tuy nhiên, thực tế thì không như vậy. Các cộng đồng Kitô hữu đôi khi thuộc các hệ phái khác nhau, hoặc những chủng tộc khác nhau, đó là chưa kể từ những nguồn gốc khác nhau (người địa phương và người di dân). Ngôn ngữ dùng trong các buổi cử hành cũng không phải là chuyện đơn giản, khi mà các giáo hội chủ trương hội nhập vào các nền văn hóa. Chúng ta đừng nên quên rằng tiếng Anh vẫn còn được sử dụng như ngôn ngữ chính thức tại một số quốc gia có quá nhiều ngôn ngữ, và không ai muốn nhìn nhận cho một ngôn ngữ nào trở thành “quốc ngữ”, như trường hợp của Ấn độ, Philippines, Mã lai. Người ta nhận xét rằng những cộng đồng dùng “tiếng ngoại” thì có tầm nhìn đại kết rộng hơn, và thậm chí quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của đất nước. Dù sao, cũng còn rất nhiều vấn đề liên quan đến mối liên hệ giữa một tôn giáo với căn tính dân tộc (chẳng hạn Phật giáo tại Thái lan và Myanmar), khiến cho không những việc trở lại đạo Kitô trở nên khó khăn, mà cả việc hội nhập văn hóa cũng không đơn giản (chẳng hạn như: không thể tách rời nghệ thuật của dân tộc khỏi nghệ thuật của tôn giáo chính của dân tộc).

Tác giả cung cấp thư tịch dồi dào về Christianity in South East Asia, do chính ông thiết kế: http://roxborogh.com/sea/default.htm, gồm những tiết mục như sau: 1/ Text, References and SEA studies. 2/ Books for Review. 3/ Topical Bibliography. 4/ Introduction, historiography and methodology. 4/ Telling the story: a tale of two centuries. 5/ Religious Contexts, Common Experiences and Recurring Issues. 6/ Institutions and Identity.

——————————-

II. Kitô giáo tại các quốc gia Đông Nam Á

Chansamone Saiyasak[8]

Tác giả phân tích sự hiện diện của Kitô giáo về phía Công giáo và Tin Lành tại các quốc gia: 1/ Thái Lan. 2/ Myanmar. 3/ Việt Nam.  4/ Lào. 5/ Cămpuchia. 6/ Philippines. 7/ Mã Lai. 8/ Brunei. 9/ Singapore. 10/ Indonesia. 11/ Đông Timor. Chúng tôi giữ nguyên danh xưng tiếng Anh của các giáo hội Tin Lành. Các chú thích bổ túc là của người dịch.

 —————-

Dẫn nhập. Kitô giáo tại ĐNA

Ngày nay ĐNA bao gồm các quốc gia:  Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Philippines, Mã Lai, Brunei, Singapore, Indonesia, và Đông Timor. Ngoại trừ  Đông Timor và Philippines, đối với dư luận, Kitô giáo là một tôn giáo thiểu số được du nhập từ bên ngoài. Kitô giáo bắt đầu có tiếng vang ở ĐNA kể từ hậu bán thế kỷ XIX. Tuy vậy, sự đóng góp của Kitô giáo vào việc hiện đại hóa các quốc gia ĐNA rất đáng kể nhờ các cơ sở giáo dục, y tế và công tác xã hội.

Mặc dầu Kitô giáo đã xuất hiện tại ĐNA từ thế kỷ VII, nhưng mãi đến thế kỷ XVI, tôn giáo này mới bắt đầu gây tác động, khi bắt đầu bành trướng cùng với những làn sóng thương mại, di dân cũng như chính sách thuộc địa của châu Âu. Mãi đến hậu bán thế kỷ XX, khi mà hầu hết các quốc gia ở ĐNA đã giành độc lập, các giáo hội mới được thoát được khuôn mặt thuộc địa châu Âu để xuất hiện dưới một căn cước Á châu dưới quyền lãnh đạo của người bản xứ, và khám phá sứ mạng mới của mình giữa các tôn giáo và văn hóa khác. Vào cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI, Kitô giáo đã biểu lộ những đường hướng mới tại ĐNA: những phong trào giáo hội tự trị, tương quan với các tôn giáo khác, ý thức trách nhiệm của Giáo hội đối với cuộc truyền giáo tại địa phương cũng như ảnh hưởng của Giáo hội đối với xã hội và văn hóa.

Khả năng thích nghi với bối cảnh văn hóa địa phương và đáp ứng những nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào sẽ là những yếu tố then chốt cho tương lai. Hiện nay, tại một số vùng ở ĐNA, ảnh hưởng của Kitô giáo đã gây ra cuộc bách hại các Kitô hữu và hiện tượng này sẽ còn tiếp diễn.

  1. THÁI LAN

Thái Lan không hề bị xâm lược bởi các lực lượng thực dân châu Âu, nhưng là một quốc gia với tỉ lệ Kitô giáo thấp nhất trong toàn thể ĐNA. Năm 2008, Kitô giáo chỉ đếm được 0.98%  trên dân số 65 triệu người  (0.52 %  Tin Lành, và 0.46% Công Giáo).

Kitô giáo chính thức đến Thái Lan vào hồi thế kỷ XVI (năm 1567) nhờ đạo Công giáo[9]. Công cuộc truyền giáo thời buổi nguyên sơ được đánh dấu bởi những hoàn cảnh chính trị bên ngoài và những sự chia rẽ giữa các thừa sai Công giáo. Mặc dù vậy, trong thế kỷ XVII, các người Công giáo đã gây ảnh hưởng đáng kể trong triều đình Thái Lan và phát triển dưới thời vua  Narai. Tuy nhiên, các thừa sai đã không thu hút được nhiều người Thái trở lại vì lý do những cuộc bách hại, khiến cho công cuộc truyền giáo bị khựng lại trong một thế kỷ rưỡi.

Đạo Tin Lành vào Thái Lan vào thế kỷ XIX (năm 1828) qua hội truyền giáo London (London Missionary Society). Tuy nhiên, công cuộc truyền giáo của Tin Lành chỉ bắt đầu cách đều đặn nhờ những phái đoàn Baptists (1833) và Presbyterians (1834). Vị đại diện Tông Tòa của Công giáo, Đức cha Pallegoix, và nhà truyền giáo Tin lành Dan B. Bradley đều mở rộng tương quan với Hoàng thân Mongkut, sau này sẽ lên ngôi vua, mang hiệu là Rama IV. Công cuộc y tế của Bác sĩ Bradley và quyển từ điển Thái-Latinh-Pháp-Anh của giám mục Pallegoix đã cho thấy vai trò của Kitô giáo trong xã hội Thái[10]. Mặc dù người Thái nhìn nhận những đóng góp của Kitô giáo đối với việc hiện đại hóa đất nước qua công trình giáo dục và y tế, nhưng họ tỏ vẻ thờ ơ với đạo Kitô. Những người trở lại đầu tiên đến từ người Hoa và các sắc tộc thiểu số.  Mãi đến 30 năm sau khi đạo Tin Lành vào Thái Lan, mới có người Thái đầu tiên trở lại đạo (1859).

Phong trào thiết lập một Giáo hội đại kết quốc gia bắt đầu năm 1920 với hai sứ vụ của phái Presbyterian được kết hợp thành American Presbyterian Mission in Siam (APM). Năm 1930

The National Christian Council of Siam được thành lập, rồi đến lượt The Church of Christ in

Thailand (CCT) vào năm 1934. Năm 1945, nhiều tổ chức truyền giáo mới đặt chân lên Thái Lan. Sự gia tăng các tổ chức truyền giáo không liên kết với CCT dẫn đến việc thành lập

 The Evangelical Fellowship of Thailand (EFT) năm 1969. Đang khí đó, APM được sát nhập vào CCT và việc lãnh đạo Giáo hội được trao cho người bản xứ. Thời kỳ kể từ năm 1970 đánh dấu một giai đoạn canh tân tinh thần cho các giáo hội Thái, trong đó các nhà lãnh đạo người Thái và các thừa sai nước ngoài hợp lực với nhau để tổ chức Đại Hội quốc gia lần thứ nhất, dẫn tới việc thành lập  The Thailand Church Growth Committee vào năm sau. Năm 1971, Liên minh các giáo hội Baptist hợp nhau thành The Thailand Baptist Churches Association (TBCA). Từ năm 1978 trở đi, các giáo hội đã tăng trưởng đáng kể nhờ các giáo hội Pentecostal và các phong trào đặc sủng.

Mặc dù Kitô giáo đã hiện diện trên đất Thái non hai thế kỷ và đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Thái Lan thiết lập quan hệ thương mại với Tây phương và chuyển sang quốc gia hiện đại, nhưng Thái Lan vẫn khép cửa với Kitô giáo. Những tín hữu Tin lành phần lớn thuộc các nhóm sắc tộc ở miền Bắc Thái Lan và hậu duệ của những người di dân Hoa kiều. Bộ tộc Isan ở miền Bắc đầu tiên trở lại Công gíao hầu hết là những người nô lệ, những thành phần bị gạt bỏ và các gia đình nghèo.  Ông Erik Cohen, một nhà xã hội học thời đanh, giáo sư Đại Học Do thái ở Jerusalem, đã giải thích sự thất bại của việc loan báo Tin mừng tại Thái Lan do những nhân tố sau. Kitô giáo đã không thu hút người Thái trở lại đạo có thể giải thích một phần do sự khác biệt cơ bản về giữa vũ trụ quan căn bản của Kitô giáo và của Phật giáo Nam tông, một phần vì sự trổi vượt của Phật giáo trong căn tính và lối sống của người Thái, một phần cũng tại thái độ của các nhà truyền giáo Công giáo và Tin lành không thỏa hiệp với những niềm tin và phong tục của “người ngoại đạo” bản xứ mà họ muốn thuyết phục vào đạo[11].

 Năm 1988, ngoại trừ Giáo hội Cơ đốc Phục lâm, ba tổ chức chính (CCT, EFT, TBCA) đã liên kết với nhau thành một tổ chức The Thailand Protestant Churches Coordinating Committee để điều phối sự hợp tác giữa các Giáo hội Tin Lành, nhằm thiết lập một nhà thờ trong mỗi quận khắp nước Thái Lan vào năm 2010. Hiện nay giữa các Giáo hội Tin Lành đã có nhiều nỗ lực hợp tác với nhau trong công cuộc loan báo Tin mừng tại Thái Lan, tuy nhiên phải chờ một thời gian lâu dài mới nhận được đáp ứng về phía người bản xứ.

2. MYANMAR

Myanmar (trước đây gọi là Birmany Miến điện) vốn là một xứ thuộc địa của Anh quốc, đã giành độc lập vào năm 1948. Kitô giáo được du nhập vào Myanmar từ thế kỷ XVI (1554) nhờ các thừa sai Công giáo. Mặc dù vào lúc đầu, Kitô giáo đã được đón tiếp nồng hậu, nhưng chiến tranh và những cuộc bách hại sau đó đã gây ra nhiều khó khăn. Tuy nhiên, người Công giáo đã thiết lập được nhiều cứ điểm truyền giáo vào đầu thế kỷ XIX (1806). Hiện nay, 90% các tín đồ Công giáo là những người miền núi, chiếm 1,3% dân số.

Các giáo hội Tin lành đến Myanmar vào đầu thế kỷ XIX (1807) do các đoàn Baptists người Anh, đến từ Ấn độ, nhưng sau đó họ được thay thế bởi đoàn Baptists người Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Adoniram Judson đến vào năm 1813. Mặc dù chú trọng đến việc loan báo Tin mừng, nhưng các nhóm Tin lành được nổi tiếng nhờ các công tác giáo dục và xã hội dưới thời thuộc địa Anh quốc.

Tuy rất ít người bản xứ theo Phật giáo trở lại đạo, nhưng các nhóm Tin Lành cũng như các thừa sai Công giáo đã thu gặt nhiều kết quả nơi các sắc tộc ở miền núi. Sáu năm sau khi đặt chân đến Myanmar (1819), ông Judson đã rửa tội người sắc tộc tiên khởi. Ông đề cao truyền thống của người Miến tuy vẫn duy trì chân lý đức tin Kitô giáo. Các nhóm Tin lành cũng thiết lập các trường học và bệnh viện.

Ba cuộc chiến tranh giữa người Anh và người Miến đã tạo cơ hội để các nhóm Tin lành tiến sâu vào các nhóm sắc tộc Karens (1827), Chins (1845), Kachins (1876). Hầu như sự bành trướng của Kitô giáo diễn ra tại những vùng sắc tộc thuộc tín ngưỡng vật linh dưới quyền bảo hộ của người Anh, hơn là tại những vùng theo Phật giáo dưới quyền kiểm soát của chính phủ Miến. Những người di dân từ Ấn độ và Trung hoa đã làm gia tăng số các tin hữu.

Năm 1865, The Burma Baptist Convention được thành lập, quy tụ tất cá mọi giáo đoàn Baptist thuộc mọi ngôn ngữ tại Miến. Năm 1914, một phong trào đại kết tại Myanmar thành hình qua tổ chức Christian Council for Burma, trực thuộc National Christian Council bên Ấn độ. Sau khi Myanmar giành được độc lập khỏi nước Anh, các nhóm Tin Lành được tổ chức thành  Myanmar Burma Christian Council và làm hội viên của  Christian Conference of Asia (CCA).

Năm 1965, tất cả các trường học, bệnh viện, trung tâm huấn luyện của Kitô giáo bị quốc hữu hóa và tất cả các thừa sai ngoại quốc bị trục xuất. Tuy nhiên, thay vì bị tan rã, Giáo hội không những tồn tại mà còn phát triển và trở thành truyền giáo.

Cũng giống như ở Thái Lan, người Miến đồng hóa Phật giáo với dân tộc. Các Kitô hữu tại Myanmar phải tranh đấu để được quyền tự do tín ngưỡng và hành đạo. Vì thế, tương lai của Giáo hội ở Myanmar tùy thuộc vào khả năng sử dụng nguồn lực của mình để đào sâu cản tính Kitô giáo trên đất Miến cũng như để siết chặt mối liên kết với các giáo hội Kitô trên toàn cầu. Hiện nay, các Kitô hữu gồm 8.70% dân số, trong đó người Tin lành chiếm tới 7.38%.

3. VIỆT NAM

Mặc dầu Kitô giáo được các thừa sai Công giáo mang đến Việt Nam từ thế kỷ XVI qua cửa ngỏ của các nước Á châu khác, nhưng bước khai nguyên của Giáo hội Công giáo được gắn với cha Alexandre de Rhodes, tu sĩ Dòng Tên gốc Pháp. Sau khi tới Việt Nam năm 1624, cha đã rửa tội cho 121.000 người bản xứ sau 16 năm truyền giáo. Cha đã hoàn tất một cuốn sách giáo lý dễ hiểu, lập một trường đào tạo thầy giảng, chuyển tiếng Việt sang ký tự latinh, xúc tiến việc thiết lập hàng phẩm trật Công giáo. Hội Thừa sai Paris (Missions etrangeres de Paris MEP) vào Việt Nam năm 1662. Cả các thừa sai Dòng Tên và MEP đều nỗ lực vào việc đào tạo các lãnh đạo địa phương. Từ thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XIX, đạo Công giáo phải đương đầu với nhiều khó khăn bắt nguồn từ nhiều nhân tố. Nhân tố thứ nhất là tình hình chính trị bấp bênh do sự tranh chấp giữa hai dòng tộc phân chỉa đất nước thành hai miền. Các thừa sai thường bị nghi ngờ làm gián điệp cho phía bên kia. Nhân tố thứ hai là chế độ bảo trợ (padroado) đặt nước Việt Nam dưới quyền của hoàng triều Bồ đào nha, bắt buộc các thừa sai phải được xin phép họ để được đặt chân vào Việt Nam. Cuộc tranh chấp giữa các thừa sai ở dưới quyền bảo trợ Bồ đào nha và các thừa sai gốc Pháp đã gây ra nhiều thiệt hại cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

Nhân tố thứ ba liên quan đến cuộc tranh luận về việc thờ cúng tổ tiên, khiến cho các một thừa sai cao cấp người Pháp bị phạt vạ tuyệt thông vì đã cho phép thực hành việc thờ cúng tổ tiên.  Tuy nhiên, vào năm 1964, Giáo hội Công giáo đã xét lại vấn đề và giải thích rằng đó là những lễ nghi bày tỏ lòng tôn kính, vì thế được phép thực hành.

Nhân tố thứ bốn liên quan đến những cuộc bách hại bởi chính quyền. Người ta ước tính rằng 130.000 tín hữu Công giáo đã bi giết vì đức tin từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.

Cuộc bách hại đầu tiên bộc phát do thái độ nghi kỵ của nhà cầm quyền Việt Nam đối với Kitô giáo. Họ tỏ ra lo ngại vì thấy sự suy giảm lòng tôn kính với tổ tiên và đạo hiếu, và họ lo sợ rằng Kitô giáo trở thành một chiêu bài để người châu Âu xâm chiếm Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn bách hại kế tiếp phần lớn nhắm đến việc bành trướng thế lực của người Pháp.

Người Pháp chiếm đóng Nam kỳ trong hậu bán thế kỷ XIX, bảo đảm tự do tôn giáo. Nhờ đó đó, nhiều đoàn thừa sai Công giáo đặt chân đến đây và Giáo hội gia tăng nhanh chóng. Tuy vậy, Kitô giáo bị coi như là một tôn giáo của người Pháp nhằm củng cố sự đô hộ chính trị tại đây. Năm 1945, Việt Nam tuyên bố độc lập, nhưng cuộc chiến giữa Pháp và Cộng sản vẫn tiếp tục, đưa tới việc phân đôi đất nước một lần nữa giữa Bắc Việt (Cộng sản) và Nam Việt (thân Tây phương) vào năm 1954. Hậu quả là gần đến 46% (700.000) các giáo dân và giáo sĩ bỏ miền Bắc chạy vào Nam để tìm chỗ an toàn.

Hoa Kỳ tham gia vào cuộc chiến tranh từ năm 1964 cho đến năm 1975. Sau khi Cộng sản đã nắm chính quyền vào năm 1975, những người Công giáo ở miền Nam gặp nhiều thách đố. Tất cả các cơ sở giáo dục và xã hội bị quốc hữu hóa, các tổ chức tôn giáo bị giải tán, những người lãnh đạo phải vào trại cải tạo, các hoạt động tôn giáo bị hạn chế. Tuy nhiên kể từ năm 1988, chính sách của Nhà Nước đối với Kitô giáo đã cởi mở hơn.

Về ảnh hưởng của Tin lành tại Việt Nam, sau hai phen cố gắng, giáo hội Tin Lành vào Việt Nam và bắt đầu hoạt động ở miền Trung năm 1911, qua tổ chức Christian and Missionary Alliance (C&MA).  Mười sáu năm sau (1927), họ đã nhận được hơn 4,000 thành viên cùng với thành lập một Trung tâm huấn luyện Kinh thánh và Hội thánh Tin lành Việt nam (The  Evangelical Church of Vietnam (ECVN).  Như là đoàn truyền giáo duy nhất của Tin lành ở Việt Nam, C&MA đã thi hành chính sách tự lập ngay từ lúc đầu, với kết quả là tất cả các Hội thánh Tin lành đểu tự lập vào cuối đệ nhị thế chiến.

Năm 1954, những người di cư từ miền Bắc trốn Cộng sản đã được gia nhập vào Hội thánh Tin Lành ECVN miền Nam. Sự hòa đồng và hợp tác giữa ECVN với chính phủ miền Nam thân Hoa kỳ đã tạo ra nhiều cơ hội thuận tiện để hoạt động. Khi người Hoa kỳ tham gia vào cuộc chiến tranh, nhiều nhóm Tin Lành mới đã đến miền Nam để đáp ứng nhu cầu xã hội và thể chất. Ngay cả ECVN, lúc đầu chỉ chú trọng đến nhu cầu tinh thần nhưng cũng đã bắt đầu nhiều dự án xã hội. Họ cũng cộng tác vào công tác giáo dục. Giữa muôn vàn đau khổ, Giáo hội vẫn tiến triển. Một nhóm Tin Lành tại Việt Nam đã báo cáo có đến 150.000 thành viên vào năm 1975. Con số lên đến ước chừng 2.1 triệu vào năm 2002.

Năm 1975, tất cả các nhà truyền giáo ngoại quốc và nhiều tín hữu buộc phải lìa bỏ Việt Nam, trong khi ít là 500 vị lãnh đạo Hội thánh bản quốc bị sát hại hoặc giam ở các trại cải tạo. Chính mươi phần trăm các nhà thờ của người sắc tộc và 100 nhà thờ của người Kinh bị đóng cửa. Bất chấp nghịch cảnh, Hội thánh vẫn sinh động và gia tăng.

Ngày nay, với một chính quyền kiểm soát toàn thể các hoạt động tôn giáo, những giáo hội thiểu số của các sắc tộc không được đăng ký vẫn chịu nhiều bách hại. Tuy nhiên, người ta vẫn nhận thấy sự tăng trưởng rất rõ, đặc biệt tại các nhóm sắc tộc. Các nhà thờ vẫn sầm uất với 8.16% dân số là Kitô hữu, trong đó 1.7% là Tin Lành và 6.46% là Công giáo.

4. LÀO

Nước Lào giành được độc lập khỏi chế độ bảo hộ Pháp năm 1953. Vị thừa sai Công giáo đặt chân lên Vientiane vào năm 1642 nhưng chỉ ở lại cho đến năm 1647 do sự chống đối quyết liệt của tăng giới Phật giáo. Về sau, vào năm 1885, các thừa sai MEP đến nước Lào và đã thuyết phục một số người theo đạo. Một sứ vụ được thiết lập vào năm 1899[12]. Linh mục đầu tiên được thụ phong vào năm 1963 và giám mục tiên khởi được thụ phong vào năm 1974. Giáo hội Công giáo được Nhà nước công nhận, gòm 45.000 tín hữu (0.7% dân số), trong đó người Việt chiếm một số lớn.

 Tin lành đến nước Lào từ phía Bắc (Luang Prabang) qua ngỏ Bắc Thái Lan (Chiangmai) do nhà truyền giáo lưu động Daniel McGilvary thuộc phái Presbyterian Hoa kỳ vào năm  1872. Kết quả là 500 người sắc tộc Khmu trở lại đạo. Những nhà truyền giáo Tin Lành đầu tiên thường trú là Gabriel Contesse và Maurice Willy thuộc Huynh đoàn Thụy sĩ, đến Lào năm 1902 qua trung gian của Missionaire Evangélique. Công việc của họ là dịch Kinh thánh và phân phát ở vùng Hạ Lào (Savannakhet). Năm 1932, một nhà truyền giáo khác, Fritz Adetat, cũng thuộc về Huynh đoàn Thụy sĩ, đã hoàn thất bản dịch toàn bộ Cựu ước sang tiếng Lào.

Các nhà truyền giáo Tin Lành thường trú ở phía Bắc chỉ bắt đầu vào năm 1929 khi G. Edward Roffe, thuộc phái C&MA, tiến sâu vào các nhóm sắc tộc. Ông Roffe hoạt động ở miền Nam với tộc Khmu đã là phần tử của giáo hội Presbyterian nhưng sau đó lại đi nhóm

 C&MA. Bất chấp sự chống đối của chính quyền bảo hộ người Pháp và giáo hội Công giáo, các thừa sai Tin Lành đã gặt được nhiều cuộc trở lại tập thể vào năm 1950 khi Ted Adrianoff thuyết phục được pháp sư Mua Yia người Hmong. Hai tháng sau đó, Mua Yia và Nai Kheng (một học viên Kinh thánh người Khmu)  đã đưa hơn 1000 người vào đạo, phần lớn thuộc tộc Hmong. Ba năm sau, năm 1953, phái C&MA đã đưa một cộng đồng 5000 người trở lại đạo ở phía Bắc Lào. Trong khi đó, phái Thụy sĩ ở phía Nam chỉ được 452 tín hữu sau nửa thế kỷ hoạt động.

Sau đệ nhị thế chiến, nhiều tổ chức truyền giáo đã vào nước Lào. Năm 1956, phái  C&MA

đã thành lập Hội thánh Tin Lành nước Lào (Lao Evangelical Church LEC),  một giáo hội quốc gia tiên khởi tại Lào, thay mặt cho các giáo hội ở Bắc Lào. Vì khác quan điểm Giáo hội học, các giáo hội thuộc phái Thụy sĩ không gia nhập LEC cho đến cuối thập niên 80. LEC được chính quyền Lào  công nhận như là hiệp hội  vào năm 1960 và sau đó gia nhập Christian Conference of Asia (CCA) vào năm 1967.

Phái C&MA và Huynh đoàn Thụy sĩ đã rút lui trước khi Cộng sản lên nắm quyền vào năm 1975.  Sau biến cố này, khoảng chừng 5.000 Kitô hữu Lào và 90% những nhà lãnh đạo đã chạy sáng Thái Lan. Các tài sản của Giáo hội bị chiếm đoạt và việc giáo dục tôn giáo bị bãi bỏ.  Trong thời gian từ 1975 đến 1990, Giáo hội Lào hầu như không liên lạc gì với thế giới. Các sinh hoạt tôn giáo bị hạn chế và các tín hữu bị quấy nhiễu. Các nhà thờ nổi tiếng của Công giáo và Tin lành ở ba tỉnh miền Bắc đã bị đóng cửa, và các Kitô bị cưỡng bách phải từ bỏ đức tin. Các lễ nghi phụng tự diễn ra cách lén lút.

Năm 1983, World ConcernLaos Christian Service bắt đầu hoạt động ở Lào. Từ năm 1990 chính sách tôn giáo của Nhà Nước cởi mở hơn, cho phép các người Tin lành được liên lạc với các tổ chức quốc tế, kể cả với CCA.

Hiến pháp 1991 bảo đảm quyền tự do tôn giáo và Nghị định 92 (2002) hợp thức hóa việc truyền đạo của người Lào, nhưng các quyền lợi tùy thuộc vào sự phê chuẩn của Nhà Nước. Năm 1993, tương quan của LEC với chính quyền đã khả quan hơn, nhưng đến cuối năm 1994 lại trở nên căng thẳng khi chính quyền đóng cửa một số nhà thờ và ép các tín hữu phải chối bỏ niềm tin. Ít nhất 40 nhà thờ bị phá hủy hoặc trở thành trường học hay công sở. Từ năm 1975, không nhà truyền giáo nào bị trục xuất được phép trở lại đất Lào.

Đừng kể Cơ Đốc Phục Lâm, LEC là tổ chức Tin Lành được chính thức nhìn nhận, và có khoảng 100.000 tín hữu (1.6% dân số). Những phái Tin Lành không được nhìn nhận là

 Methodist, Church of Christ, Assembly of God, Lutheran, và Baptist.  Để hạn chế hoạt động của các nhóm Tin lành không được nhìn nhận, Thông tư số 1 ban hành vào tháng 3 năm 2004 bắt buộc các nhóm Tin Lành phải gia nhập LEC hoặc Cơ Đốc Phục Lâm.

LEC trở nên thành viên của Evangelical Fellowship of Asia (EFA) và vào năm 2008 là hội viên của World Council of Churches (WCC).  Giữa những gian truân và bách hại, Giáo Hội đang trải nghiệm một sự tăng trưởng đáng kể trên toàn quốc. Ngày nay, các người Công giáo cùng với Tin Lành họp thành khoảng chừng 2,3% dân số.

5. CAMPUCHIA

Campuchia (hoặc Cambodia) tuyên bố độc lập khỏi quyền bảo hộ của Pháp vào năm 1953. Kitô giáo vào Campuchia nhờ một thừa sai Công giáo đến từ Malacca (Malaysia) hồi thế kỷ XVI (năm 1555)[13], nhưng không được người dân đón nhận do sự chống đối mạnh mẽ của Phật giáo.

Cuộc truyền giáo bền vững của đạo Công giáo chỉ bắt đầu vào thế kỷ XVII. Các tín đố Công giáo từ Nhật bản và Indonesia đến đây định cư để tránh những cuộc bách hại ở quê nhà cũng như người Việt di dân đến lập nghiệp ở Phnom Penh. Hầu hết các phần tử của Giáo hội Công giáo tại Campuchia gồm bởi người nước ngoài, bởi vì người bản xứ tỏ ra thờ ơ đối với Kitô giáo.

Những nỗ lực truyền giáo cho người Khmer bắt đầu từ hậu bán thế kỷ XVIII. Năm 1770, một thừa sai người Pháp đã phác thảo một kế hoạch giảng Tin mừng và sách giáo lý bằng tiếng Khmer. Tuy nhiên, cuộc xâm lăng của người Pháp đã làm đình trệ công cuộc giảng đạo cho người Khmer. Vì thế hầu như sau ba thế kỷ kể từ khi đến Việt Nam và non hai trăm năm hoạt động của MEP, vào năm 1842, Giáo hội công giáo chỉ được 222 tín hữu, tính cả những người ngoại quốc (Việt, Hoa, Pháp, vv).

Năm 1863, người Pháp thiết lập chế độ bảo hộ tại Campuchia, và kế đó, cho phép người Việt di dân, đa số là Công giáo, được lập nghiệp ở đây. Sự hiện diện của đông đảo người ngoại quốc đã làm lu mờ việc loan báo Tin mừng cho người Khmer. Linh mục bản xứ đầu tiên được thụ phong năm 1957 và giám mục phó được chịu chức năm 1975.

Vì bị người Pháp ngăn chặn cho nên mãi đến năm 1922, các phái Tin Lành mới đặt chân lên Campuchia nhờ C&MA . Cũng giống như đối với Công giáo, sứ điệp của phái Tin Lành được tiếp nhận cách tẻ lạnh. Tuy vậy, hoạt động của Tin Lành năng động hơn Công giáo. Trường Thánh Kinh đầu tiên được mở vào năm 1925, Tân ước được dịch và xuất bản năm 1934, và toàn bộ Kinh thánh được xuất bản năm 1954. Tuy nhiên, năm 1965, công tác của phái Tin Lành bị cắt đứt khi chính quyền chống Mỹ do hoàng thân Sihanouk lãnh đạo đã trục xuất tất cả các thừa sai Tin Lành, khiến cho hàng ngàn tín hữu bị bỏ rơi.

Năm 1970, sau khi một chính phủ thân Mỹ được thiết lập, các thừa sai nước ngoài đã trở về vào lúc bắt dầu cuộc chiến tranh với Khmer Đỏ. Giáo hội tăng trưởng mau lẹ, các nhà thờ Tin Lành đã tăng lên gần gấp mười lần trong năm năm. Năm 1975, khi đảng Khmer Đỏ nắm chính quyền dưới sự lãnh đạo của Pol Pot, tất cả thừa sai một lần nữa phải rời xứ sở. Nhiều nhà thờ bị tàn phá, và những cuộc bách hại tàn nhẫn đã khiến cho 90% các tín hữu và mục sư bị sát hại hoặc trốn sang Thái Lan. Một số người ngoại đạo đi tị nạn đã trở lại đạo Tin Lành trong các trại di cư, và sau đó được định cử tại Hoa kỳ, Pháp, Australia, và New Zealand. Chỉ còn khoảng 10.000 Kitô hữu và 10 mục sư người bản xứ ở lại. Quân Khmer Đỏ đã hành quyết hay bỏ đó phỏng chừng 2,5 triệu người Campuchia. Năm 1979, quân đội Việt Nam xâm chiếm Campuchia, sau đó chỉ còn 1000 tín hữu và 3 mục sư Tin Lành người bản xứ còn ở lại, và họ thực hành đạo cách lén lút vì những cuộc bách hại.

Năm 1990, quân đội Việt Nam triệt thoái, nhường quyền kiểm soát cho chính quyền Campuchia. Một cuộc bầu cử được tổ chức vào năm 1993. Tự do tín ngưỡng được vãn hồi, và các nhà thờ lại được mở. Năm 1991, các đoàn truyền giáo trở lại Campuchia và tổ chức lại công việc.  Kể từ năm 1996, Tin Lành tiến mạnh, và đã kết nạp được 200.000 tín hữu vào năm 2004, phân phối trong 2000 cộng đồng của Evangelical Church of Cambodia. Người Công giáo chỉ được 20.000 tín hữu (0.15% dân số), phần lớn là gốc Việt.

Năm 1994, Cambodian Christian Evangelical Alliance  được thành lập và được chính phủ nhìn nhận, quy tụ các Hội thánh Tin lành Khmer tự lập trên lãnh thổ Campuchia và một vài hệ phái ở  nước ngoài. Về sau một cơ quan mang tên là Evangelical Fellowship of Cambodia nhằm phục vụ các cộng đoàn Tin lành ở ngoại quốc.

Năm 1995 Khmer Baptist Convention được tổ chức, và năm 1998 một cơ quan đại kết mang danh là Kampuchea Christian Council (KCC) được thành lập, quy tụ các giáo hội và các tổ chức Kitô giáo, và sau đó trở thành hội viên của Christian Conference of Asia (CCA).

6. PHILIPPINES

Nước  Philippines tự hào là quốc giả với tỉ lệ Kitô hữu cao thứ hai ở ĐNA (tỉ lệ cao thứ nhất là  Đông Timor). Philippines được độc lập khỏi Tây ban nha vào năm 1898 và khỏi Hoa kỳ năm 1946.

Kitô giáo bắt đầu tiếp xúc với Philippines qua đoàn thám hiểm người Tây ban do ông Magellan dẫn đầu vào năm 1521. Vào lúc đầu chỉ được mấy ngàn người Cebu trở lại đạo Công giáo; công cuộc truyền giáo trở nên quy mô hơn kể từ khi một linh mục dòng Âu-tinh đặt chân đến nước này vào năm 1565.  Quân đội Tây ban nha xâm chiếm Manila năm 1571, và cho phép các dòng tu được hoạt động: Phan-sinh (1578), Tên (1581), Đa-minh (1587), Au-tinh (1606). Nhờ chủ trương truyền đạo cho người bản xứ, cho nên con số người theo đạo rất đông đảo. Sự kiện trở lại đạo có thể giải thích do sự hòa hợp giữa đời sống tâm linh của người bản địa với đạo Công giáo, cũng như những vũ trụ quan giống nhau; ngoài ra việc loan báo Tin mừng rất để ý đến khung cảnh văn hóa.

Mặc dù những người Islam và những người theo đạo vật linh vẫn chống lại việc trở lại đạo Công giáo, nhưng vào đầu thế kỷ XVII (1620) đã có một nửa dân số được rửa tội. Vào đầu thế kỷ XVIII, tất cả những cư dân ở ven biển và bình nguyên đã theo đạo Công giáo, ngoại trừ miền nam vẫn còn chịu ảnh hưởng của Islam.

Trong hậu bán thế kỷ XIX, các Kitô hữu người Phi nổi dậy chống lại các dòng tu, chủ yếu nhằm phản đối các tu sĩ ngoại quốc đã không nhìn nhận cho hàng giáo sĩ bản quốc giữ vai trò lãnh đạo Giáo hội, cũng như chống lại vị trí độc tôn của các dòng tu về quyền hành và tài sản, và chống lại việc các người bản xứ không được đối xử bình quyền với người Tây ban nha. Các dòng tu bị trục xuất và các tài sản bị sung công. Tiếp đó, năm 1902, ông Grêgorio Aglipay đã tổ chức Giáo Hội Độc lập Philippine (Philippine Independent Church PIC)  và đã thu hút nhiều người Công giáo. Tuy nhiên, các tài sản của Giáo hội Công giáo bị PIC nắm giữ đã được trao trả lại cho hàng giáo phẩm, và sau đó PIC cũng trở về với Giáo hội Công giáo. Năm 1905, lần đầu tiên, một giám mục bản quốc được tấn phong.

Sau cuộc chiến tranh giữa Hoa kỳ với Tây ban nha, các đoàn Tin Lành đặt chân lên Philippines.  Đoàn đầu tiên là các phái Presbyterians và Methodists (1898), tiếp theo là Baptists và Christian & Missionary Alliance (1900); Episcopalians, United Brethren,

Disciples of Christ (1901); Congregationalists (1902); và Cơ Đốc Phục Lâm (1906).

Vì là những giáo phái Tin Lành và đi theo chính quyền đô hộ Hoa kỳ, cho nên các sứ vụ đầu tiên của Tin lành chỉ thu hút những thành phần trí thức và khá giả. Trong suốt thời gian Hoa kỳ chiếm đóng Philippines, các giáo hội Tin Lành vấp phải sự chống đối của những phong trào yêu nước và bài Tây phương. Các giáo hội Tin Lành gắn chặt với chính quyền Hoa kỳ đã phải đương dầu với một sự rạn nứt bắt nguồn từ phong trào yêu nước. Năm 1913, một phong trào Tin lành bản địa độc lập với bản sắc ái quốc của người Phi được tổ chức và đạt tới cao đỉnh với việc ông Felix Manalo thiết lập Iglesia ni Christo (Church of Christ, INC). Tổ chức INC thu hút những tầng lớp hạ lưu, và chất vấn các giáo hội – Công giáo cũng như Tin lành – do người nước ngoài lãnh đạo. Từ đó, các sứ vụ Tin lành chuyển giao dần dần vai trò lãnh đạo cho người địa phương tuy vẫn duy trì một mức độ hợp tác nào đó. Năm 1901  Evangelical Union of the Philippine Islands xúc tiến một sự hợp tác giữa các phái Tin lành, và tổ chức các giáo hội trên toàn quốc. Điều này dẫn đến việc thiết lập Hội thánh Tin lành đầu tiên, United Evangelical Church, liên kết các phái Presbyterians, Congregationalists, và United Brethren. Từ chỗ liên hiệp, nhiều nỗ lực hợp tác lần lượt ra đời: National Christian Council (1929), Philippine Federation Churches (1938), Philippine Federation of Christian Churches (1948), và một cơ quan đại kết  National Council of Churches in the Philippines (1963). Khoảng 20 năm sau đó các tổ chức United Evangelical Church, Philippine Methodist Church, và Evangelical Church in the Philippines sát nhập thành United Church of Christ in the Philippines (1948).

Sau khi đệ nhị thế chiến kết thúc (1945), nhiều đoàn truyền giáo mới của Tin lành tiếp tục vào đất Phi, phần lớn thuộc khuynh hướng bảo thủ. Họ đã làm thay đổi không ít bộ mặt của đạo Tin lành ở Philippines qua việc thiết lập Philippine Council of Fundamentalists, đối lại với những nhóm khác họp thành Philippine Council of Evangelical Churches in 1956.

Những phong trào đại kết và đặc sủng đã gây nhiều ảnh hưởng tích cực cho Kitô giáo tại nước này. Phong trào đại kết, được khởi xướng bởi các nhà lãnh đạo từ phía Công giáo lẫn phỉa Tin lành, đã nhận được sự ủng hộ của các phần tử đôi bên và đã tạo ra nhiều tương quan tốt đẹp. Phong trào đặc sủng cũng thâm nhập các giáo hội Công giáo và Tin lành, góp phần hiểu biết và hợp tác cũng như xóa bỏ những dị biệt giữa các hệ phái.

Mặc dù vào lúc đầu, các giáo hội Công giáo và Tin lành đểu đặt nặng công tác rao giảng Tin mừng, giáo dục, y tế, nhưng dần dần công cuộc y tế đã giảm, và các giáo hội dấn thân hơn vào công bằng xã hội.

Ngày nay, Kitô giáo ở Philippines gồm 81% Công giáo và 8% Tin lành.

7. MALAYSIA

Malaysia được độc lập khỏi sự đô hộ của nước Anh vào năm 1957.  Kitô giáo đã đến đây từ thế kỷ VII nhờ phái Nestorian, tuy nhiên chỉ thực sự gây ảnh hưởng kể từ khi các nước Bồ đào nha, Hà lan và Anh thiết lập chế độ thuộc địa tại đây. Kitô giáo đặt nền tại Malaysia nhờ các thừa sai đạo Công giáo vào thế kỷ XVI (năm 1511) khi họ đi theo quân đội Bồ đào nha chiếm đóng Malacca, bắt buộc đạo Islam phải chuyển hướng sang Aceh, Indonesia, and Brunei.

10 năm sau, người công giáo đã có nhà thờ đầu tiên (năm 1521), trở thành cứ điểm truyền bá Tin mừng trong vùng ĐNA[14].  Sự phát triển của đạo Công giáo hầu như tùy thuộc vào quân đội Bồ đào nha. Tuy nhiên, những nhóm đông người trở lại là ở các tỉnh Sarawak và Sabah.

Những người Tin lành đầu tiên đến Malaysia vào thế kỷ XVII (1641) sau khi quân Hà Lan đã thắng người Bồ đào nha và chiếm đóng nước này. Lúc đầu Tin lành chỉ giới hạn công tác phục vụ cho các người Âu. Sau 100 năm hiện diện, ngôi nhà thờ Tin lành đầu tiên dành cho người Âu được cất tại Malaysia vào năm 1753.

Việc truyền giáo cho người Mã-lai chỉ bắt đầu từ khi người Anh nắm quyền vào năm 1795. Sau khi thất bại trong ý định xâm nhập vào Trung hoa, London Missionary Society

(LMS) đặt chân lên Malaysia vào năm 1814, hoạt động giữa những người Hoa nói tiếng Mã-lai, và đã mở trường Anh-Hoa năm 1815 nhằm đào tạo các nhà truyền giáo cho Trung quốc.

Việc truyền bá Kitô giáo bị hạn chế bởi hiệp ước giữa Anh với các quốc vương Mã-lai năm 1874, theo đó người Mã lai được đồng hóa với Islam. Vì thế, chính quyền Anh không cho phép truyền đạo cho người Mã lai, ngoại trừ ở Penang và Singapore. Kể cả ngày nay trong các cộng đồng nói tiếng Mã lai, hầu hết các thành viên đều là người gốc Hoa, Ấn, Ấn Âu.

Tuy nhiên, Kitô giáo đã phát triển nơi các sắc tộc ở Sarawak, nơi mà Anh giáo được sự ủng hộ của James Brook, toàn quyền tiểu quốc Sarawak trong suốt 40 năm.

Trong những vùng khác của Malaysia, hoạt động giáo dục tại các học đường của phái Methodists cũng có ảnh hưởng đáng kể. Nhìn chung, Giáo hội chỉ giới hạn vào cộng đồng những ngoại kiều, và không đầu tư vào việc đào tạo các người bản xứ để làm việc cho Giáo hội.

Sau đệ nhị thế chiến (1941-45) và quân Nhật rút lui, Giáo hội chú tâm đến việc làm nổi bật bản sắc Á châu và những mục tiêu đại kết. Mặc dù trong quá khứ, phái Presbyterians và Anglicans đã hợp tác với nhau, nhưng sự khác biệt đã đưa họ đến chỗ lựa chọn giữa hai phe: một phe ủng hộ và một phe chống lại phong trào đại kết. Năm 1975, National Councils of Churches of Malaysia (NCCM) ra đời. Những cố gắng mở rộng hợp tác đã đưa đến sự thành hình của Christian Federation of Malaysia (CFM) vào năm 1985, bao gồm cả Giáo hội Công giáo, NCCM,  và National Evangelical Church Fellowship. Vì được chính thức đăng ký và nhìn nhận, cho nên CFM giữ vai trò trung gian để nhân danh các Kitô hữu đối thoại với chính quyền.

Phong trào canh tân đặc sủng vào thập niên 90 của thế kỷ trước đã tác động đến Giáo hội, đẩy mạnh việc loan báo Tin mừng.  Việc truyền giáo đã được dành vị trí ưu tiên và trở thành cơ hội hợp tác giữa Giáo hội công giáo với các hệ phái Tin lành. Hơn nữa, các giáo hội của các sắc tộc tại Sarawak và Sabah đã lãnh nhận vai trò chủ động hơn trong việc điều hành Giáo hội Malaysia,

Hiện nay, Kitô giáo, phần lớn gồm những người gốc Hoa và một số nhỏ gốc Ấn, chiếm khoảng 8.6% dân số, trong đó gần một nửa là Công giáo và một nửa là Tin lành, tập trung ở Sarawak và Sabah.

8. BRUNEI

Brunei được độc lập khỏi nước Anh vào năm 1984.

Brunei là một quốc gia Islam, và bắt buộc tất cả mọi người bản xứ phải theo đạo Islam.

Mặc dù Kitô giáo đã đến Brunei từ thế kỷ XVI (1521) theo đoàn thám hiểm của ông Magellan, nhưng mãi nhiều thế kỷ sau, đạo Công giáo được thiết lập. Tuy vậy, năm 1991, hầu hết các linh mục và nữ tu Công giáo đã bị trục xuất. Ngày nay, phần lớn những người Công giáo tại Brunei là người Hoa, Ấn, và gốc Âu; chỉ có một nhóm nhỏ người bản xứ theo Công giáo và phải hứng chịu nhiều bách hại.

Các nhà truyền giáo Tin lành đầu tiên thuộc Anh giáo, đặt chân lên Brunei vào khoảng giữa thế kỷ XIX (năm 1846). Ngày nay, tại Brunei có vài giáo hội thuộc Anh giáo và các giáo hội tự trị. Họ phải gặp nhau lén lút để cử hành phụng vụ. Không có tài liệu nào nói đến sự hiện diện của các thừa sai Công giáo hay Tin lành.

Chính quyền bắt buộc phải dạy Islam tại các trường công lập và nghiêm cấm truyền bá bất cứ tôn giáo nào khác. Việc nhập cảng các sách báo tôn giáo, các sách Kinh thánh, việc cử hành lễ Chúa Giáng sinh đều bị xem là trái nghịch với luật pháp.

Hiện nay, Kitô giáo chiếm khoảng 8% dân số, gồm một nửa Công giáo và một nửa Tin lành, hầu hết là những người Hoa kiều di dân.

9. SINGAPORE

Singapore được độc lập khỏi  quyền đô hộ của nước Anh vào năm 1959, và độc lập khỏi Malaysia năm 1965.

Người Công giáo cất một ngôi nhà nguyện đầu tiên tại đây vào năm 1831, tiếp đó là Giáo hội Armeni năm 1835. Các thừa tai đầu tiên của Tin lành vào nước này không lâu sau khi nước Anh thiết lập chế độ bảo hộ năm 1819.  London Missionary Society (LMS), Board of CommissionersChurch Missionary Society là những hội truyền giáo tiên khởi, rồi đến Anh Giáo qua  East British Indian Company cũng đến Singapore  năm 1819,  và 18 năm sau đã xây cất ngôi thánh đường đầu tiên.

Vào lúc đầu, các nhóm Tin Lành phục vụ ưu tiên người Âu, và về sau mới quay sang người Á. Đến cuối thế kỷ XIX  người ta ghi nhận sự hiện diện của Anh giáo, Presbyterian,

Christian Brethren, và Methodist. Các  phái Tin lành cũng như Công giáo đã mở trường học để đào tạo những người lãnh đạo cho giáo hội và cho quốc gia.

Vào đầu thế kỷ XX, một vài nhóm Tin lành khác đến Singapore và bắt đầu mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều vùng. Sang giữa thế kỷ, người ta đã chứng kiến sự xuất hiện của những tổ chức giáo hội địa phương và họ đã dấn thân vào việc truyền giáo. Các giáo hội Tin lành từ mẫu quốc cũng như những nhóm bản xứ đều đã mở ra những trường thần học.

Năm 1974,  National Council of Churches of Singapore được thành lập bao gồm hầu hết các giáo hội ngoài Công giáo. Giai đoạn giữa năm 1970 và 1980 đã chứng kiến phong trào canh tân đặc sủng hoạt động giữa các hệ phái Tin lành cổ điển và sự ra đời của những giáo hội đặc sủng biệt lập. Đang khi các phái Tin lành thuộc nước ngoài và giáo hội Công giáo tăng trưởng đều đặn, thì các giáo phái trẻ tiến triển rất nhanh. Năm 1980, Evangelical Fellowship of Singapore được thành lập, gồm những giáo hội và tổ chức giáo hội, và Singapore Center for Evangelism and Mission được thành hình để đáp ứng nhu cầu truyền giáo trong nước cũng như ở hải ngoại.

Năm 1990, hơn 30% người dân có trình độ đại học là những Kitô hữu. Điều này cho thấy ảnh hưởng của Kitô giáo ở giới cao cấp. Một số lớn những người chuyên môn cũng là Kitô hữu. Hơn nữa, tỷ lệ các dân biểu theo Kitô giáo cao hơn là tỷ lệ chung của dân số.

Ngày nay, các Kitô hữu chiếm 15% dân số, phần lớn là gốc Hoa, trong đó 33% là Công giáo và 67% là Tin lành.

10. INDONESIA

Indonesia tuyên bố độc lập khỏi Hà Lan năm 1945 và đã tổ chức bầu cử quốc hội năm 1999. Indonesia là quốc gia theo Islam đông nhất thế giới.

Mặc dù Giáo hội Đông phương đã đặt cơ sở tại Sumatra và Java từ thế kỷ VII đến XV, nhưng đã bị chôn vùi khi Islam nổi lên.

Đạo Công giáo được người Bồ đào nha đưa vào Indonesia hồi thế kỷ XVI, nhưng công trình đã bị lu mờ sau khi nước này bị người Hà lan chiếm đóng vào thế kỷ XVII (1605). Người Hà lan dẹp bỏ đạo Công giáo và yểm trợ đạo Tin Lành. Vào lúc đầu Công ty Dutch East Indies Company thiết lập Hội thánh Tin lành để phục vụ các sĩ quan và nhân viên Hà lan. Tuy chính quyền Hà lan đã thất bại trong việc bành trướng Kitô giáo nhưng họ cũng không cho phép các nhóm Tin lành khác đến hoạt động. Các phái Tin lành khác chỉ được vào Indonesia sau khi người Anh nắm quyền vào năm 1811, từ đó việc truyền giáo tăng mạnh và các giáo hội phát triển. Phần lớn những cuộc trở lại đạo ở miền Đông Java là kết quả của lòng nhiệt thành của nhiều giáo dân, trong đó phải kể đến  F. L. Coolen và J. Emde. Chủ trương của Coolen là phải cổ vũ một Kitô giáo bản địa. Học thuyết này được  thực hiện bởi L. Nommensen (thuộc  Rhenish Missionary Society) qua việc thiết lập một giáo hội địa phương mang những sắc thái và phong tục của dân Java. Tuy nhiên, khi thấy khuynh hướng bản địa hóa Kitô hữu lớn mạnh, các thành phần gốc châu Âu của Giáo hội Indonesia đặt vấn đề, đặc biệt từ năm 1927 trở đi. H. Kraemer, một nhà thần học Tin lành nổi tiếng, đã chống lại một Giáo hội mang màu sắc Tây phương.

Cuộc độc lập khỏi Hà lan năm 1945 đã mang lại nhiều sự thay đổi. Phái Tin lành đã ủng hộ và tranh đấu cho nền độc lập, và họ thành lập National Council of Churches in Indonesia vào năm 1950. Từ khi độc lập, luật pháp Indonesia đòi hỏi các công dân phải chọn theo bốn đạo: Islam, Tin lành, Công giáo, hoặc Ấn và Phật giáo.

Việc truyền bá Kitô giáo gặp nhiều trở ngại: nhiều vùng không cho phép các thừa sai đặt chân đến, nhiều ngôn ngữ khác nhau, địa vị độc tôn của Islam hầu như khắp nơi, sự gắn kết Kitô giáo với lực lượng Hà lan thống trị. Với sự bủng dậy của chủ nghĩa ái quốc và việc tranh đấu giành độc lập, thiểu số Kitô hữu bị xem như là thù địch của quốc gia. Bất chấp những khó khăn vừa kể, Giáo hội vẫn tăng trưởng, cách riêng nơi các sắc tộc thiểu số ở ngoài đảo Java, nơi mà dân cư vẫn theo đạo vật linh và không chịu ảnh hưởng của Islam. Trong giai đoạn giữa các năm 1965 và 1970, có 2.5 triệu người đã xin nhập đạo cả đoàn đông; đó là thành quả của công cuộc giảng đạo do những người tín hữu bản xứ. Các tín đồ Tin lành chiếm 11,3 % dấn số, và công giáo chỉ được 2.7%. Việc truyền đạo của Kitô giáo ở Indonesia bị hạn chế do sự kiểm soát của Islam, vốn thù nghịch với các tôn giáo khác. Cuộc bách hại các Kitô hữu do Islam chủ xướng vào những năm từ 1960 đến 1990 đã đưa đến sự triệt hạ khoảng độ 500 ngôi nhà thờ.  Dầu vậy Kitô giáo vẫn tồn tại, nhở những mạng lưới liên kết với nước ngoài. Dù sao, không thể nào bỏ qua những nhân tố bất lợi, tựa như các vấn đề kinh tế xã hội, sự thù nghịch của Islam đối với các Kitô hữu, tương quan giữa các Kitô hữu với các tôn giáo bạn và với chính quyền, cũng như khoảng cách địa lý dẫn đến cô lập, sự đa dạng của ngôn ngữ; những yếu tố này không có dấu hiệu giảm bớt.

11. ĐÔNG TIMOR

Đông Timor, nguyên là một  thuộc địa của nước Bồ đào nha và đã từng bị Indonesia chiếm đóng, đã được quốc tế nhìn nhận như một quốc gia có chủ quyền vào năm 2002.

Mặc dù đạo Công giáo đã có những cuộc tiếp xúc lẻ tẻ với Đong Timor từ hồi thế kỷ XVI (1515) cho đến thế kỷ XVII nhờ những thương gia Bồ đào nha, nhưng Kitô giáo chỉ ảnh hưởng liên tục kể từ năm 1642 khi Đông Timor bị người Bồ đào nha chiếm làm thuộc địa.

Năm 1975 đánh dấu sự kết thúc quyền kiểm soát của Bồ đào nha và sự bắt đầu chế độ quân sự của Indonesia. Vào lúc ấy, khoảng 30% dân số theo đạo Công giáo. Đến cuối năm 1999, khoảng 99% dân cư trở lại đạo Công giáo do chính sách của Indonesia bắt buộc các tín ngưỡng  vật linh phải theo một tôn giáo.

Dưới thời thống trị của Indonesia, Đông Timor cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, và trong thời gian ấy, khoảng 200.000 người bị sát hại. Nhở ảnh hưởng sâu đậm đối với xã hội, Giáo hội công giáo là cơ quan độc lập duy nhất tố giác sự tàn bạo của quân đội Indonesia. Sự dấn thân của Giáo hội Công giáo vào xã hội Đông Timor vân tiếp tục sau khi nước này đã được độc lập khỏi Indonesia, cách riêng trong cuộc đương đầu với chính quyền vào năm 2005 liên quan đến việc giáo dục tôn giáo tại các trường học cũng như vấn đề xét xử những tội ác của người Indonesia đối với dân Đông Timor.

Vị thừa sai Tin lành đầu tiên đặt chân lên Đông Timor vào thế kỷ XVII (1614) là M. van Broeck, tuyên úy quân đội Hà lan. Sau khi người Bồ đào nha tái chiếm nước này và cai trị cho đến năm 1975, Tin lành tiến triển chậm chạp. Sự hiện diện của Tin lành chỉ bắt đầu vào giữa thập niên 40 của thế kỷ trước, như là một giáo hội của quân chiếm đóng. Năm 1979, cơ quan Protestant Church in East Timor (PCET) được hình thành như là một cơ quan điều phối các Kitô hữu ở Đông Timor. Chinh quyền Indonesia liên lạc với PCET trong thời kỳ chiếm đóng Đông Timor. Sau khi nước này được độc lập khỏi Indonesia vào năm 1999, nhiều giáo sĩ bị giết, bị trục xuất hoặc di cư sang Tây Timor, và các tín đồ cũng phải rời bỏ xứ sở. Nhiều nhà thờ Tin lành bị phá hủy. Con số các phần tử Tin lành đã giảm sút bởi vì một nửa giáo hội, trước đây gồm các quân nhân và công chức, đã rời bỏ xứ sở.

Hội thánh Tin lành Đông Timor gia nhập Word Council of Churches  năm 1991 cũng như Christian Church of Asia World Alliance of Reformed Churches. Các tín đồ đã gia tăng từ khi Đông Timor được quốc tế công nhận như một quốc gia có chủ quyền vào năm 2002. Một thống kê của Ngân hàng quốc tế vào năm 2005 cho biết 98% dân số Đông Timor theo Công giáo, 1% theo Tin lành, và dưới 1% theo Islam.

———————

III. Hiện tình Hội thánh Công giáo tại ĐNA

 Trong hai phần vừa rồi, chúng ta tìm hiểu hoạt động của các Giáo hội Công giáo cũng như Tin Lành. Trong phần thứ ba, chúng ta chỉ giới hạn vào sự hiện diện của Giáo hội Công giáo, qua các thống kê: tỉ lệ các tín hữu so với tổng số dân, dựa theo mỗi giáo phận. Chúng ta sẽ thấy tỉ lệ này thay đổi không những theo mỗi quốc gia mà còn theo từng giáo phận (Chỉ cần so sánh giữa Bắc Ninh và Xuân Lộc tại Việt Nam thì đủ rõ). Ngoài ra cũng cần lưu ý đến nguồn gốc của các tín hữu nữa, (chẳng hạn như phần lớn các tín hữu ở Campuchia và Lào là những người gốc Việt), mà những con số này không lên được.

Các quốc gia được xếp theo thứ tự ABC. Các số liệu thống kê được lấy từ website http://www.catholic-hierarchy.org, dựa theo Niên giám Tòa Thánh 2015. Riêng các số liệu của Giáo hội Việt Nam được trích từ Niên giám của Giáo hội Công giáo Việt Nam, năm 2016.

1. BRUNEI

Brunei được tách rời khỏi giáo phận Miri (Indonesia) ngày 21/11/1997 như là Phủ doãn tông tòa, và được nâng lên Đại diện tông tòa ngày 20/10/2004, gồm 3 giáo xứ. Brunei là thành phần của Hội đồng giám mục Mã-lai – Singapore – Brunei.

Phần lớn tín hữu công giáo là người di dân gốc Hoa, Ấn và Âu.

Đại diện

Tông tòa

Năm thống kê Số tín hữu Tổng

số dân

Tỉ lệ Linh mục triều Linh mục dòng Tổng số

linh mục

Tu sĩ nam Tu sĩ nữ Giáo xứ
Brunei 2014 19,386 438,000 4.4% 3   3     3

2. CAMBODIA

Giáo hội được phân thành 3 giáo khu: Đại diện tông tòa Phnom-Penh, Phủ doãn tông tòa Battambang, và Phủ doãn tông tòa Kompong-Cham. Campuchia họp với Lào thành một Hội đồng giám mục, và có liên lạc ngoại giao với Tòa Thánh từ  25/3/1994. Địa chỉ website: www.catholiccambodia.org

Giáo phận Năm thống kê Số tín hữu Tổng

số dân

Tỉ lệ Linh mục triều Linh mục dòng Tổng số

linh mục

Tu sĩ nam Tu sĩ nữ Giáo xứ
Battambang 2014 4,602 4,011,000 0.1% 4 9 13 15 31 27
Kompong-Cham 2014 3,000 5,771,000 0.1% 1 11 12 13 9 24
Phnom-Penh 2014 14,510 6,699,000 0.2% 1 40 41 74 75 7

3. INDONESIA

Giáo hội Công giáo được chia thành 37 giáo phận, được phân phối trong 10 giáo tỉnh, cùng với một Hạt Tuyên úy quân đội

Ende, với các giáo phận: DenpasarLarantukaMaumereRuteng;

– Giacarta, với các giáo phận: BandungBogor;

Kupang, với các giáo phận: AtambuaWeetebula;

Makassar, với các giáo phận: AmboinaManado;

Medan, với các giáo phận: PadangSibolga;

Merauke, với các giáo phận: AgatsJayapuraManokwari-SorongTimika;

Palembang, với các giáo phận: Pangkal-PinangTanjungkarang;

Pontianak, với các giáo phận: KetapangSanggauSintang;

Samarinda, với các giáo phận: BanjarmasinPalangkarayaTanjung Selor;

Semarang, với các giáo phận: MalangPurwokertoSurabaya.

Địa chỉ: www.kawali.org

Giáo phận Năm thống kê Số tín hữu Tổng

số dân

Tỉ lệ Linh mục triều Linh mục dòng Tổng số

linh mục

Tu sĩ nam Tu sĩ nữ Giáo xứ

TỔNG GIÁO PHẬN ENDE

Denpasar 2013 40,843 8,485,396 0.5% 32 17 49 22 97 22
Larantuka 2013 254,958 322,530 79.0% 107 33 140 175 271 48
Maumere 2013 271,176 306,269 88.5% 60 109 169 894 330 35
Ruteng 2014 777,390 875,142 88.8% 147 92 239 237 421 81
TGP Ende 2013 450,000 509,000 88.4% 112 81 193 192 201 58

TỔNG GIÁO PHẬN JAKARTA

Bandung 2012 87,247 27,018,000 0.3% 34 72 106 139 153 23
Bogor 2012 83,406 16,283,000 0.5% 51 19 70 44 161 21
TGP Jakarta 2013 481,655 12,751,000 3.8% 65 280 345      

TỔNG GIÁO PHẬN KUPANG

Atambua 2012 553,712 561,000 98.7% 130 54 184 119 265 56
Weetebula 2014 174,708 837,349 20.9% 40 59 99 124 68 25
TGP Kupang 2011 217,000 1,396,000 15.5% 87 16 103 126 343 26

TỔNG GIÁO PHẬN MAKASSAR

Amboina 2015 119,665 2,968,666 4.0% 57 40 97 52 256 47
Manado 2013 135,857 6,062,706 2.2% 91 47 138 190 437 59
TGP Makassar 2013 160,176 11,617,000 1.4% 87 14 101 131 104 44

TỔNG GIÁO PHẬN MEDAN

Padang 2013 106,247 9,061,000 1.2% 29 21 50 24 61 22
Sibolga 2014 187,185 2,536,217 7.4% 29 42 71 84 206 23
TGP Medan 2013 549,175 17,812,709 3.1% 40 200 240 411 807 52

TỔNG GIÁO PHẬN MERAUKE

Agats 2012 55,319 98,732 56.0% 10 8 18 13 10 12
Jayapura 2013 85,795 932,000 9.2% 13 35 48 98 58 27
Manokwari-Sorong 2007 64,489 651,958 9.9% 22 23 45 5 48 56
Timika 2014 108,133 1,054,780 10.3% 13 22 35 27 51 30
TGP Merauke 2011 226,200 345,600 65.5% 9 30 39 42 90 29

TỔNG GIÁO PHẬN PALEMBANG

Pangkal-Pinang 2010 49,100 2,335,000 2.1% 49 12 61 18 70 14
Tanjungkarang 2014 75,052 9,586,492 0.8% 41 16 57 25 246 21
TGP Palembang 2013 73,265 12,588,884 0.6% 31 53 84 69 333 26

TỔNG GIÁO PHẬN PONTIANAK

Ketapang 2013 115,905 605,000 19.2% 22 11 33 27 74 20
Sanggau 2014 339,077 629,436 53.9% 24 36 60 85 57 23
Sintang 2014 249,118 960,109 25.9% 41 27 68 35 73 36
TGP Pontianak 2013 561,402 3,770,789 14.9% 16 73 89 159 344 25

TỔNG GIÁO PHẬN SAMARINDA

Banjarmasin 2012 17,051 3,680,000 0.5% 7 18 25 25 82 9
Palangkaraya 2013 74,017 2,304,097 3.2% 18 34 52 45 119 22
Tanjung Selor 2014 51,582 944,148 5.5% 5 18 23 30 33 15
TGP Samarinda 2014 116,559 3,014,261 3.9% 18 30 48 33 79 25

TỔNG GIÁO PHẬN SEMARANG

Malang 2013 86,685 16,342,128 0.5% 27 129 156 399 446 29
Purwokerto 2014 58,942 17,464,103 0.3% 35 43 78 94 225 25
Surabaya 2014 169,717 3,794,000 4.5% 89 73 162 107 326 42
TGP Semarang 2012 499,200 20,812,000 2.4% 174 209 383 737 1,177 98

HẠT ĐẠI DIỆN QUÂN ĐỘI

Indonesia, Military 2013       6   6      

 

4. LÀO

Giáo hội Công giáo hiện diện với bốn Đại diện tông tòa: Luang PrabangPakséSavannakhetVientiane.

Hàng giáo mục Lào và Campuchia họp thành một Hội đồng giám mục

Đại diện

Tông tòa

Năm thống kê Số tín hữu Tổng

số dân

Tỉ lệ Linh mục triều Linh mục dòng Tổng số

linh mục

Tu sĩ nam Tu sĩ nữ Giáo xứ
Luang Prabang 2014 2,693 1,692,000 0.2% 1 0 1 0 0 8
Paksé 2016 15,120 1,345,560 1.1% 6 1 7 9 16  
Savannakhet 2014 12,317 1,325,000 0.9% 6 2 8 3 46 43
Vientiane 2014 14,947 2,216,558 0.7% 1 4 5 4 20 23

 

5. MALAYSIA

Giáo Hội Công giáo được tổ chức thành 9 giáo phận, được phân phối trong ba giáo tỉnh

Kuala Lumpur, gồm các giáo phận: Melaka-Johor, Penang

Kuching, gồm các giáo phận: Miri, Sibu

Kota Kinabalu, gồm các giáo phận: Keningau, Sandakan

Phần lớn các cộng đồng Công giáo tập trung ở phía Đông (đảo Borneo, Sabah và Sarawah).

Giáo phận Năm thống kê Số tín hữu Tổng

số dân

Tỉ lệ Linh mục triều Linh mục dòng Tổng số

linh mục

Tu sĩ nam Tu sĩ nữ Giáo xứ

TỔNG GIÁO PHẬN KOTA KINABALU

Keningau 2013 122,479 434,723 28.2% 17 2 19 15 52 11
Sandakan 2014 52,008 1,271,388 4.1% 9   9 1 12 4
TGP Kota Kinabalu 2013 200,902 3,972,000 5.1% 34   34 6 102 17

TỔNG GIÁO PHẬN KUALA LUMPUR

Melaka-Johor 2013 38,970 3,643,000 1.1% 31 6 37 11 44 47
Penang 2013 66,415 6,053,000 1.1% 35 7 42 11 82 28
TGP Kuala Lumpur 2013 185,617 10,811,000 1.7% 42 10 52 27 102 35

TỔNG GIÁO PHẬN KUCHING

Miri 2013 130,000 900,000 14.4% 16   16 3 16 12
Sibu 2014 100,000 810,000 12.3% 11 10 21 18 14 12
TGP Kuching 2013 188,725 1,199,000 15.7% 23 10 33 16 70 12

 

 6. MYANMAR

Giáo hội Công giáo Myanmar gồm 16 giáo phận được chia thành 3 giáo tỉnh:

Yangon, gồm các giáo phận: Hpa-an, Mawlamyine, Pathein, Pyay

Mandalay, gồm các giáo phận: Banmaw, Hakha, Kalay, Lashio, Myitkyina

Taunggyi, gồm các giáo phận: Kengtung, Loikaw, Pekhon, Taungngu

Địa chỉ: www.catholicmyanmar.org

Giáo phận Năm thống kê Số tín hữu Tổng

số dân

Tỉ lệ Linh mục triều Linh mục dòng Tổng số

linh mục

Tu sĩ nam Tu sĩ nữ Giáo xứ

TỔNG GIÁO PHẬN MANDALAY

Banmaw 2012 30,829 341,693 9.0% 21   21 6 55 13
Hakha 2013 32,395 721,527 4.5% 50 2 52 4 83 38
Kalay 2013 54,753 912,152 6.0% 40 2 42 2 74 24
Lashio 2013 26,897 2,488,000 1.1% 33 8 41 13 126 18
Myitkyina 2013 86,608 1,108,000 7.8% 37 2 39 6 96 19
TGP Mandalay 2013 20,143 9,436,000 0.2% 42 22 64 56 118 32

TỔNG GIÁO PHẬN TAUNGGYI

Kengtung 2013 62,600 2,283,500 2.7% 33   33   128 20
Loikaw 2013 74,868 346,000 21.6% 75 18 93 37 198 35
Pekhon 2013 46,730 269,500 17.3% 43   43 5 48 14
Taungngu 2014 42,605 3,412,605 1.2% 58   58 3 120 22
TGP Taunggyi 2014 6,730 1,697,000 0.4% 36 3 39 38 67 13

TỔNG GIÁO PHẬN YANGON

Hpa-an 2013 9,106 1,208,000 0.8% 24   24 4 34 12
Mawlamyine 2013 9,657 2,956,000 0.3% 20   20 8 38 11
Pathein 2013 78,500 5,842,000 1.3% 80   80 58 134 34
Pyay 2014 25,810 9,889,000 0.3% 39 1 40 5 105 20
TGP Yangon 2014 68,686 14,763,000 0.5% 78 25 103 65 371 41

 

7. PHILIPPINES

Đây là quốc gia đông dân cư Công giáo nhất tại ĐNA. Giáo hội được tổ chức thành 16 giáo tỉnh, gồm 74 giáo phận; ngoài ra còn 7 đại diện tông tòa, 4 giám chức biệt hạt, 1 hạt tuyên úy quân đội.

Vì con số quá nhiều, cho nên chúng tôi không liệt kê chi tiết tất cả các giáo phận. Chỉ nên ghi nhận rằng, theo thống kê dân số quốc gia năm 2010, trên tổng số dân là 107 triệu, thì các Kitô hữu chiếm 92.6% (Công giáo: 81%; Tin lành: 7.3%; Iglesiani Cristo: 2.3%), số còn lại là Islam (5.1%) và các tôn giáo vật linh (2.3%).

8. SINGAPORE

Singapore là một tổng giáo phận được tách rời khỏi Malaysia và trực thuộc Tòa Thánh. Tuy nhiên, Singapore cùng với Brunei, họp thành một Hội đồng giám mục chung với Malaysia. Địa chỉ: www.catholic.sg

Giáo phận Năm thống kê Số tín hữu Tổng

số dân

Tỉ lệ Linh mục triều Linh mục dòng Tổng số

linh mục

Tu sĩ nam Tu sĩ nữ Giáo xứ
TGP Singapore 2014 152,922 5,399,200 2.8% 65 80 145 126 176 28

 

9. THAILAND

Thái Lan gồm 10 giáo phận được phân phối trong 2 giáo tỉnh:

– Bangkok gồm các giáo phận:  ChanthaburiChiang MaiNakhon SawanRatchaburi,  Surat Thani;

Thare và Nonseng gồm các giáo phận: Nakhon RatchasimaUbon RatchathaniUdon Thani.

Website của Hội đồng giám mục: www.cbct.net

Giáo phận Năm thống kê Số tín hữu Tổng

số dân

Tỉ lệ Linh mục triều Linh mục dòng Tổng số

linh mục

Tu sĩ nam Tu sĩ nữ Giáo xứ

TỔNG GIÁO PHẬN BANGKOK

Chanthaburi 2013 42,952 4,663,709 0.9% 74 18 92 155 191 40
Chiang Mai 2013 63,273 5,826,928 1.1% 27 58 85 102 151 45
Nakhon Sawan 2013 16,229 8,599,000 0.2% 31 5 36 10 69 31
Ratchaburi 2014 15,719 2,358,247 0.7% 48 17 65 24 108 30
Surat Thani 2014 7,780 9,717,595 0.1% 13 34 47 66 111 39
TGP Bangkok 2015 118,654 13,513,698 0.9% 135 103 238 247 423 55

TỔNG GIÁO PHẬN THARE AND NONSENG

Nakhon Ratchasima 2013 6,205 5,449,468 0.1% 24 5 29 8 28 34
Ubon Ratchathani 2014 25,905 8,010,073 0.3% 31 9 40 12 135 60
Udon Thani 2014 18,204 5,377,000 0.3% 16 29 45 32 100 69
TGP Thare and Nonseng 2014 47,600 3,182,000 1.5% 70 2 72 4 127 77

 

10. TIMOR-LESTE

Đông Timor gồm có 3 giáo phận trực thuộc Tòa Thánh: DiliBaucauMaliana

Giáo phận Năm thống kê Số tín hữu Tổng

số dân

Tỉ lệ Linh mục triều Linh mục dòng Tổng số

linh mục

Tu sĩ nam Tu sĩ nữ Giáo xứ
Baucau 2012 351,000 366,000 95.9% 27 34 61 162 96 18
Díli 2013 561,135 591,425 94.9% 57 71 128 90 331 28
Maliana 2013 232,883 239,289 97.3% 15 22 37 45 125 10

 

11. VIỆT NAM

Giáo hội Công giáo được tổ chức thành 26 giáo phận trong 3 giáo tỉnh[15]:

Giáo phận Năm thống kê Số tín hữu Tổng

số dân

Tỉ lệ Linh mục triều Linh mục dòng Tổng số

linh mục

Tu sĩ nam Tu sĩ nữ Giáo xứ

TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI

Bắc Ninh 2016 134,846 8,597,500 1.6% 77 20 97 23 252 18
Bùi Chu 2016 399,403 1,224,050 32.6% 204 11 215   918 159
Hải Phòng 2016 134,846 5,150,000 2.6% 73 4 77 6 95 92
Hưng Hóa 2016 241,705 7,000,000 3.5% 82 15 97   325 114
Lạng Sơn-Cao Bằng 2016 6,227 1,767,308 0.4% 17 8 25   37 24
Phát Diệm 2016 151,038 1,019,560 14.8% 85 16 101 85 271 79
Thái Bình 2016 133,156 2,949,000 4.5% 97 19 116 38 187 108
Thanh Hóa 2016 147,167 3,496,100 4.2%     112 3 300 61
Vinh 2016 538,075 5,191,147 10.4% 226 21 247 14 1,193 201
TGP Hà Nội 2016 315,764 8,533,735 3.7% 131 9 140 51 452 149

TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

Ban Mê Thuột 2016 434,722 2,954,111 14.7% 140 29 169 84 565 100
Đà Nẵng 2016 70,342 2,348,070 3.0% 82 22 104 8 248 54
Kontum 2015 381,899 1,833,200 20.8% 77 64 141 90 521 116
Nha Trang 2016 210,649 1,850,727 11.4%     223 73 803 106
Qui Nhơn 2016 72,396 3,693,070 2% 99 15 113 1 257 60
TGP Huế 2016 69,380 1,750,700 4% 133 23 156 189 1174 83

TỔNG GIÁO PHẬN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Bà Rịa 2016 265,742 1,059,500 25.1% 116 78 194 282 635 73
Cần Thơ 2015 183,517 5,598,951 3.3% 214 12 226 422 148
Đà Lạt 2016 372,853 1,365,000 27.3% 175 145 320 208 1,033 98
Long Xuyên 2015 250,000 4,174,409 6% 254 36 290 48 367 216
Mỹ Tho 2015 133,248 4,194,184 3.2% 135 2 137 2 198 133
Phan Thiết 2016 179,303 1,207,389 14.9% 142 30 172 208 644 93
Phú Cường 2016 144,222 3,317,618 4.3% 133 26 159 1035 106
Vĩnh Long 2016 202,881 3,976,522 5.1% 188 21 209 761 211
Xuân Lộc 2016 961,186 3,237,787 29.7% 431 153 584 280 1,968 276
TGP TPHCM 2016 686,200 7,955,000 8.6% 356 498 854 1,300 5,229 202

 

————————————

[1] Tác giả là mục sư Presbyterian, nguyên giáo sư đại học Otago (New Zealand) và Kuala Lumpur. Nguyên tác: “Contextualisation and re-contextualisation: Regional patterns in the history of Southeast Asian Christianity”, in Asia Journal of Theology 9 (1) April 1995, 30-46.

[2] J.C. England, “Christian communities in South East and North East Asia – an outline of the evidence in seven countries before 1500 AD,” East Asia Pastoral Review, 1988 (2), pp.144-152. B. Colless, “Persian merchants and missionaries in medieval Malaya,” Journal of the Malaysian Branch of the Royal Asiatic Society, 42(2), 1969, pp.10-47.

[3]   J. Haire, The character and theological struggle of the Church in Halmahera, Indonesia, 1941­

1979, Peter Lang, Frankfurt, 1981, p.107.

[4]    L.F. Thomaz, “The Indian merchant communities in Malacca under the Portuguese rule,” in

Teotonio R de Souza Indo-Portuguese History. Old issues new questions, Concept Publishing, New Delhi, 1984, p.65.

[5]    G. Schurhammer, Francis Xavier, his life, his times. Vols. 3 and 4, Jesuit Historical Institute,

Rome, 1980, 1982.

[6]    Peter G. Gowing,  Islands under the Cross. The story of the Church in the Philippines, National

Council of Churches, Manila, 1967.

[7]  Linda Yarr, The indigenization of Christianity in pre-colonial Vietnam, Paper presented to a

conference on the indigenization of Christianity in Southeast Asia, Cebu, 1986.

[8] Tác giả là giáo sư tại đại học Olivet (San Francisco). Nguồn: Christianity in South-East Asia https://www.academia.edu/4781739/Southeast_Asia_Christianity

[9] Hai tu sĩ dòng Đaminh người Bồ: Geronimo da Cruz và Sebastiano da Cantù, đến kinh đô để giúp các thương gia đã có mặt tại đây từ năm 1553.

[10] Đức cha Jean Baptiste Pallegoix (1805-1862), MEP, đại diện tông tòa từ 1841 đến 186, tác giả từ điển Thái- Latinh – Pháp – Anh, Dictionarium linguae Thaĭ sive Sa̱mensis interpretatione Latina, Gallica et Anglica illustratum (Thai: สัพพะ พะจะนะ พาสา ไท); Paris 1854.

[11] Erik Cohen, Indigenous Responses to Western Christianity, ed. Steve Kaplan [New York: New York University Press, 1995], 36.

[12] Phủ đại diện tông tòa Lào được thiết lập năm 1899.

[13] Cha Gaspar da Cruz đến Campuchia năm 1554, kế đó là cha Silvestro d’Azevedo năm 1584. Cả hai thuộc dòng Đaminh người Bồ đào nha.

[14] Giáo phận Malacca được thành lập năm 1558.

[15] x. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo hội Công Giáo Việt Nam – Niên giám 2016 (Hà Nội: Tôn giáo, 2016).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here