Khảo Luận Về Kitô Học: Đức Kitô Trong Tư Thế Là Con Người (5/4)

0
744


KHẢO LUẬN TRƯỜNG THIÊN VỀ ĐỨC KITÔ

Tác giả: Lm. F.Gómez Ngô Minh, SJ.

***

***

CHƯƠNG V

ÐỨC KITÔ TRONG TƯ THẾ LÀ CON NGƯỜI

 

VIII. ÐỨC GIÊSU CÔNG DÂN DO THÁI

A. Ðức Giêsu: Người Do Thái

Hiện nay, người ta viết nhiều về chủ đề này. [73] Có lẽ phần nào, người kitô đã quên đi một điều hiển nhiên về Ðấng sáng lập Kitô giáo: Ngài là một người Do thái. Nghĩa là Ngài thuộc về một chủng tộc, một tôn giáo, một nền văn hóa cụ thể; Ngài nói tiếng Aram và lý luận theo phạm trù Sêmít, v.v. Ðó là những điều kiện tiên quyết và là những giới hạn tất yếu của một cuộc Nhập thể đích thực.

Theo dư luận Do thái thời ấy – đặc biệt là giữa những người đạo đức – Ðức Giêsu tỏ ra hơi bài ngoại. Thí dụ khi người đàn bà Liban, ở thành Tyrô, đến gặp Ngài, Ðức Giêsu gọi bà là “chó” như dân Do thái quen gọi dân ngoại (x. Mc 7:24-30). [74] Tương tự như vậy, Ðức Giêsu gọi vua Hêrôđê là “con cáo” (x. Lc 13:32); ông ta là người lai và là tay sai của đế quốc Rôma. Khi phái gửi các môn đồ đi rao giảng, Ngài truyền chỉ họ “đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari” (Mt 10:5). Cách chung, thái độ của Ngài đối với những người ngoại quốc xem ra khá tiêu cực: họ quá lo lắng kiếm tìm những nhu cầu vật chất của thế gian này (x. Mt 6:32), còn các lãnh tụ của họ thì chuyên chế tai ngược (x. Mt 20:25). Lẽ ra Ngài cũng phải ý thức là đồng bào mình đâu có tốt gì hơn.

Phản ứng như thế tỏ ra Ðức Giêsu là người đã hội nhập văn hóa Do thái thật sự; nhưng kinh nghiệm đã dạy cho Ngài biết vượt quá những thành kiến ấy: Ngài đã nhượng bộ trước thái độ tin tưởng kiên nhẫn của bà người xứ Liban và chữa lành cho con gái bà. Ngài ca ngợi lòng tin của viên sĩ quan thuộc quân chiếm đóng của đế quốc Rôma (x. Mt 8:10), và đặt người xứ Samari nhân hậu làm mẫu gương tiêu biểu cho dân Chúa (x. Lc 10:37).

B. Đức Giêsu Với Đời Sống Chính Trị Nước Nhà

Vấn đề đáng lưu ý, vì có tính cách thực tiễn. Tìm hiểu Ðức Giêsu từ quan điểm chính trị có thể giúp phát hiện một số quan niệm mới về Ðức Kitô và về cuộc sống kitô giáo. Quả thế, Phúc Âm cho thấy các “nhà chính trị” đóng một vai quan trọng trong cuộc đời Ðức Giêsu: Philatô, Hêrôđê, phái Sađốc, v.v. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác đối với khuynh hướng tìm cách để đặt vào trong Phúc Âm những vấn đề của chúng ta trong thời nay, chứ không phải là vấn đề của thời Ðức Giêsu. Trong lãnh vực này, thường gặp thấy nguy hiểm tự chọn lấy một khẩu hiệu làm tiền đề để mà diễn dịch điều được gọi là “sự thật thực tiễn,” một “sự thật” chỉ đơn thuần phản ánh quan điểm hạn hẹp của một chủ nghĩa.

1. Bối Cảnh Chính Trị Xã Hội Xứ Paléttin Hồi Thế Kỷ I

Từ nhiều thế kỷ, dân nước Do thái đã mất độc lập. Thế kỷ 6 trước c.n., toàn dân phải bị lưu đày qua Babylon (586-539); sau đó nước họ đã trở thành thuộc địa của Batư cho đến năm 333, tức là khi họ bắt đầu bị sáp nhập vào đế quốc Hy lạp. Trong thế kỷ 2 trước c.n., “Giuđê” hưởng được một thời gian độc lập mong manh cho đến năm 63 (trước c.n.), là lúc tướng Pômpêiô đánh chiếm và sáp nhập Giuđê vào đế quốc Rôma. Nhưng Rôma tỏ ra tôn trọng phong tục Do thái, nhất là trong lãnh vực tự do tôn giáo. Dưới triều Hêrôđê Cả (37-34 tr. c.n.), đất nước khá thịnh vượng và ổn định. Sau Hêrôđê, nước chia làm ba phần đất (vẫn ở dưới quyền thống trị của Rôma), và vào năm 6, Giuđê và Samari trở thành “Tỉnh thuộc Rôma.” Như vậy, Ðức Giêsu sinh ra dưới thời hoàng đế Augúttô (x. Lc 2:1) và đã chịu tử nạn dưới thời hoàng đế Tibêriô (x. Lc 3:1; 23:2). [75]

Ða số các dân tộc trong đế quốc Rôma tỏ ra khá thỏa mãn với tình trạng sinh sống, như cá nhân Phaolô chẳng hạn (x. Cv 22:28). Nhưng dân Do thái thì ra mặt chống lại tình trạng đô hộ ấy, đặc biệt là vì lý do tôn giáo: dân Thiên Chúa không thể chịu được ách đô hộ của dân ngoại. Vì thế, vấn đề nộp thuế cho Xêda (x. Mc 12:13-17tt) là một vấn đề thuộc lãnh vực cả chính trị lẫn tôn giáo.

Xã hội Do thái thời ấy đã bị chi phối nặng bởi các vấn đề chính trị. Một hiện tượng thường thấy là các cuộc nổi dậy. [76] Theo Luca, Ðức Giêsu sinh ra nhằm vào lúc tiến hành một cuộc kiểm tra dân số. Hồi năm 6 tr. c.n., một cuộc kiểm tra như thế đã làm dấy lên một vụ nổi dậy; quân Rôma đè bẹp cuộc nổi dậy, và 2.000 người Do thái bị đóng đinh thập tự. Hồi Ðức Giêsu ở tuổi thanh niên, ông Giuđa xứ Galilê cũng đã nổi loạn: ông bị bắt và xử tử trên thập giá. Quân du kích vẫn tiếp tục hoạt động lẻ tẻ, và trong các năm 46-48, hai em của Giuđa là Giacôbê và Simon, cũng bị xử hình thập giá dưới quyền tổng trấn Tibêriô Alêxănđê, cháu của triết gia Philô Alêxănđê. Các nhóm nổi dậy này được gọi là sicarii, có nghĩa là thích khách, quân giết người hay ám sát; chắc hẳn Ðức Giêsu đã biết đến những  cuộc khủng bố của các nhóm này (x. Lc 13:1). Trong cuôc nổi dậy cuối cùng (năm 66-74), quân Rôma đã đến đánh dẹp và chiếm Giêrusalem, phá hủy Ðền thờ và phân tán dân Do thái ra những vùng nước ngoài.

Trong bầu khí căng thẳng ấy, nhiều thủ lãnh đã xuất hiện, và có người đã tự cho mình là Mêsia. Nổi tiếng nhất là Thêuđa (x. Cv 5:36) hoặc “tên Ai cập” đọc thấy trong Cv 21:38, v.v. Hình như Ga 10:8 muốn ám chỉ đến những trường hợp tương tự: “mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp.”

Trên chính trường Do thái, yếu tố sôi bỏng nhất là tôn giáo. Có một số đảng phái khác nhau; lịch sử có đề cập đến ít là năm tổ chức sau đây: phái Sađốc, thường gồm những người giàu có và quyền thế, là phái hợp tác với Rôma; các nhóm Biệt phái (tức Pharisêu) thường gồm những người yêu nước thương dân, thuộc giới bình dân hay dân nghèo, thiên về chế độ thần quyền; nhưng các cấp lãnh đạo lại thường hợp tác với Rôma; cộng đoàn Étxênô là một nhóm sùng đạo, sống chung với nhau tại tu viện Cumran (gần Biển Chết), và tách biệt khỏi dân chúng; họ trông chờ Thiên Chúa can thiệp để giải phóng Ítraen; phe Hêrôđê có lẽ là một nhánh của phái Sađốc; và cuối cùng là các phái Nhiệt tâm (Zelót) gồm các thành phần khủng bố, theo khuynh hướng thần quyền. Cũng nên lưu ý là trong xứ Paléttin, có miền và dân Samari (lai Do thái), còn trong vùng Galilê cũng như trong vùng dọc theo bờ biển, thì có một tỷ lệ lớn không phải là người Do thái. [77]

Tầng lớp xã hội chia làm hai giai cấp: quý phái (giàu có và quyền thế) và quần chúng. Hai tầng lớp xã hội này sống ngày càng xa cách nhau kể từ thời Hêrôđê Cả và hai nạn đói: nạn đầu xảy ra trong thời Hêrôđê, và nạn thứ hai dưới triều hoàng đế Clauđiô (x. Cv 11:28). Thuế má phải trả nặng. Còn có tình trạng nô lệ: nếu là người Do thái thì chủ nhân phải trả tự do sau sáu năm, nếu là người dân ngoại thì có thể bị giữ suốt đời. Giáo sĩ được tổ chức thành một đẳng cấp: gia tộc của Aaron, thường thuộc phái Sađốc; cách chung gồm những người giàu, tuy nhiên cũng có những người nghèo. Rôma quy định chế độ hành chánh: trên chóp đỉnh là tổng trấn; dưới đó thì có một “chế độ tự lập” do thượng tế – thường thì do Rôma bổ nhiệm – làm chủ tịch. Valêrius Gratus, thống đốc của Syri (Paléttin là một miền của tỉnh Syri), đã bổ nhiệm bốn thượng tế; người thứ tư là Caipha.

2. Ðức Giêsu Phản Ứng Thế Nào

Sở dĩ dân chúng chấp nhận Ðức Giêsu là tiên tri (x. Mc 6:14; 8:27, v.v.), chính là vì Ngài đã cư xử theo cung cách các vị tiên tri trong truyền thống Do thái. Ðiều có nghĩa là người ta đã thấy Ngài dấn thân vào thế sự giữa xã hội. Ðã có học giả chủ trương là Ngài đã từng tham gia phong trào Nhiệt tâm; [78] tuy nhiên, hiện nay, khoa chú giải nhất trí nói rằng Ðức Giêsu đã chẳng gây rối loạn chính trị gì cả, và còn hơn nữa, Ngài chống lại việc dùng bạo lực. [79] Ðức Giêsu và phái Nhiệt tâm quan niệm hoàn toàn khác nhau về “Nước Thiên Chúa”: phái Nhiệt tâm chủ trương dùng bạo lực để tái lập chế độ thần quyền theo kiểu Cựu Ước, còn Ðức Giêsu thì một mực chủ trương giữ thái độ quảng đại, khoan dung, hiền hậu.

 Thế thì Ðức Giêsu có những nét nào giống phái Nhiệt tâm? Trước hết, trong kinh tin kính có câu tuyên xưng về Ngài: “Chịu đóng đinh vào thập gia dướiù thời Phongxiô Philatô…” Ngài đã bị binh sĩ Rôma bắt (x. Ga 18:3.12), và xử án với hai tội phạm (x. Lc 22:37). Philatô ghi bản án tội phạm: “Giêsu Nadarét vua dân Do thái;” đã là vua, tất phải nổi loạn chống Rôma; ít là Philatô đã chiều theo lời tố của giới cầm quyền Do thái mà suy ra như thế.

Ắt là Ðức Giêsu có những môn đồ thuộc phái Nhiệt tâm, chẳng hạn như Simon Kenana, tức Simon quá khích (x. Lc 6:15; Cv 1:13; Mc 3:18 và Mt 10:4 gọi ông là kananaion, dạng phiên âm một từ Aram và bị dịch sai, nên cho ông là “người Canaan”). Có người nghĩ rằng tên gọi [Giuđa] Ítcariốt là do từ Latinh sicarius, đọc trại ra; từ này có nghĩa là người mang dao găm (tức thuộc phái Nhiệt tâm). Hai “con của thiên lôi” (boanerghes) có thể mang ý nghĩa chỉ về đám dân chuyên nghiệp bạo lực (x. Mc 3:17). Và cả đến Simon Bariona (x. Mt 16:17) cũng có thể là bởi một từ trong tiếng Accađia mà ra, có nghĩa là “rối loạn.”

Nhiều năm sau, khi nói về Ðức Giêsu, thầy Gamalien đã lẫn lộn Ngài với hai người quá khích là Thêuđa và Giuđa (x. Cv 5: 37). Quả thế, trong khi nói năng, Ðức Giêsu đã dùng ngôn từ tựa như phái Nhiệt tâm: gọi Hêrođê là “con cáo” (x. Lc 13:32); bảo phải mua gươm (x. Lc 22:36); “vác thập tự” (x. Mc 8:34tt) như kẻ bị kết án; có thể cách nói này là khẩu hiệu của phái Nhiệt tâm thời đó.

Ðã mấy lần, Ðức Giêsu cũng đã lui vào sa mạc; đó là chiến thuật của phong trào Nhiệt tâm. Rồi Ngài cũng đã tạo ra phong trào đám đông. Ðối với não trạng thần quyền Do thái, lãnh tụ tôn giáo là người có cả quyền chính trị nữa; chẳng thế mà sau phép lạ bánh hóa nhiều, dân chúng muốn tôn Ngài làm vua (x. Ga 6:15). Thực ra thì các môn đệ mong nắm được chính quyền, như thấy rõ qua lời xin của hai anh em con Dêbêđê (x. Mc 10: 35tt); dường như cả nhóm đều ước mơ như vậy (x. Cv 1:6). Vậy, có thể kết luận như thế này: dân Do thái có cảm tưởng là Ðức Giêsu đã giữ quan hệ rất gần với phong trào Nhiệt tâm.

Là người ái quốc, chắc hẳn Ðức Giêsu cũng thông cảm với đồng bào quá khích: họ thành thực và dùng những phương cách có vẻ “hữu hiệu,” nhưng Ðức Giêsu không thể chấp nhận được. Ðành là Ðức Giêsu cảm nhận ra rõ ơn gọi thiên sai của mình; nhưng vấn đề là phải hành động thế nào cho đúng với sứ mạng thiên sai: dùng bạo lực và nắm chính quyền? Ðức Giêsu nhận ra đó là phương cách của Satan (x. Mt 4:10; 16:23). Lúc cuối đời (x. Mt 21), Ngài đã công khai tiến vào Giêrusalem như là Ðấng Mêsia, rồi hăng say thẳng tay đuổi các kẻ buôn bán ra khỏi Ðền Thờ: phương cách hữu hiệu!? Giờ lấy quyết định đã điểm: Ngài phải nhận cho ra phận mệnh của mình giữa hai loại thiên sai: một đàng là kiểu quá khích, cần có hai gươm (x. Lc 22:38), và mười hai đạo binh thiên thần (x. Mt 26:53), trốn lên núi và khởi đầu cuộc cách mạng bạo lực; đàng khác là mẫu dạng thiên sai của Con Người, của Tôi tớ Giavê, chịu vâng phục cho đến cùng (x. Mt 26:54; Ga 18:11). Ðức Giêsu đã chọn mẫu dạng thiên sai thứ hai. Ðoạn trình thuật về Barabba (x. Mt 27:19tt) giải thích cho điểm này: đám đông chọn tha cho kẻ quá khích và kết án Ðức Giêsu phải bị đóng đinh thập giá.

Ðâu phải sứ điệp và hành động của Ðức Giêsu là thuần túy tôn giáo; đâu có thể nào không kéo theo hậu quả chính trị. Rao giảng về Nước Thiên Chúa là loan báo một tình trạng xã hội và chính trị như Ítraen hằng mong chờ. Chính Ngài cũng như dân chúng đều tin là Thiên Chúa sẽ can thiệp vào trong lịch sử để cứu vớt dân Người. Khi nghe Ngài công bố: “Thời kỳ đã mãn và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1:15), tất các nhà cầm quyền đương thời (tổng trấn và thuộc cấp) phải cảnh giác, báo động; còn đám “dân đen” thì đua nhau chuẩn bị sẵn sàng để hưởng cảnh giải phóng trong công bằng và thái hòa. Ðức Giêsu xử sự như người hoàn toàn tự do, không bị ràng buộc bởi những uy thế và truyền thống (x. Mt 6:14; Mc 8:27, v.v.). Là Thầy, Ðức Giêsu bảo vệ lớp dân nghèo khổ và dạy cho biết họ là số một trong Nước Thiên Chúa. Ngài đặt lại vấn đề về những thói lệ của tôn giáo chính thức, liên quan đến ‘thanh sạch và ô uế’ (x. Mc 7:14tt), đến ngày sabát (x. Mc 2:23tt) và Ðền thờ (x. Mc 11: 15tt), v.v. Ngài lên tiếng chỉ trích những thế lực nắm quyền hành vì họ không sống cho xứng đáng (x. Mt 23:1tt; Mc 8:14tt; Lc 12: 37tt). Ngài nhấn mạnh để giải thích cho hiểu rằng tôn giáo đích thực không hệ tại ở những nghi thức và tính chất chính thống (dù nó có đóng giữ một tầm quan trọng: x. Mc 12:34), song là ở nơi thái độ công bình, nơi lòng nhân từ, thương xót đối với tha nhân (như xưa Isaia đã nói: x. Is 1:11-17)… Giáo lý này xem ra nguy hiểm đối với giới cầm quyền, bởi bị kể như là có ngầm chứa mầm mống xúi dục lật đổ hiện trạng xã hội tôn giáo (x. Ga 11:47-50): đảo lộn quan hệ giữa bề trên và bề dưới, giữa vợ và chồng (cách riêng là vì Ðức Giêsu tỏ ra kính trọng phụ nữ, và thay đổi luật Do thái liên quan đến vấn đề ly dị: x. Mc 10: 1tt). Ngài bị coi là làm nhơ nhuốc tôn giáo tinh tuyền do việc giao hảo với người Samari, với phường thu thuế và“bọn dân đen không biết Lề luật, là quân bị nguyền rủa” (x. Ga 7:49).

3. Ðức Giêsu Và Nhà Nước: Vấn Ðề Nộp Thuế

Thời ấy, Paléttin là thành phần trong đế quốc Rôma. Dù có quyền tự lập khá rộng tại địa phương, nhưng giới cầm quyền Do thái vẫn còn phải chịu sự giám sát của người Rôma; còn quyền tối cao thì nằm trong tay hoàng đế. Tình trạng này đặt ra một vấn đề lớn đối với người sùng đạo. Khi nộp thuế, họ có cảm tưởng là làm một việc phạm đến Giavê, bởi Người là Vua duy nhất và có quyền tối cao trong Ítraen. Về phương diện chính trị, đó là vấn đề sôi bỏng nhất trong xã hội Do thái.

Mc 12:13-17tt là đoạn trình thuật về vấn đề nộp thuế cho Xêda. Câu hỏi của phái Sađốc (gồm có cả Biệt phái và phe Hêrôđê) có tính cách thách thức, “gài bẫy.” Họ tự nhủ: là người chân thật, tất Ngài phải trả lời thành thực. Tự nó, vấn nạn là một câu lưỡng đạo: “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” Nếu trả lời là “có” thì rõ ràng Ðức Giêsu là kẻ phản quốc, đối nghịch với phong trào Nhiệt tâm; mà nếu nói là “không” thì sẽ bị tố là phản động trước tòa án Rôma. Thế nên, Ðức Giêsu đã trả lời trong một cách khác, theo lối lưỡng ý: “Của Xêda, hãy trả về Xêda, của Thiên Chúa, hãy trả về Thiên Chúa.” Người Rôma có thể giải thích theo nguyên lý luật pháp gọi là suum cuique, của ai thì trả cho nấy; còn người Do thái quá khích thì có thể hiểu: không có gì là của Xêda cả, vì tất cả là của Giavê.

Như vậy, Ðức Giêsu muốn nói gì? Ngài yêu cầu họ cho xem một đồng tiền. Hình ảnh và danh hiệu là của Xêda; thế nên, Xêda hiện có quyền bính, có trách vụ và có quyền thu thuế; vậy thì “hãy trả” (apóđote) hoặc ít ra là có thể nộp thuế. Nhưng Ðức Giêsu nói thêm một lời không gồm hàm trong câu hỏi của họ: “Hãy trả về Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa!” Ðây là điều chính yếu, còn vấn đề chính trị chỉ là phụ thuộc. Xêda và Thiên Chúa đâu phải là hai quyền bính song song: cả Xêda nữa cũng thuộc về Thiên Chúa. Ðó là lời minh nhiên bác bỏ chủ nghĩa chuyên quyền của các Nhà nước; tuyệt đối không bao giờ công dân được phép nhường quyền của Thiên Chúa (lương tâm) cho Nhà nước. Thần học đã dựa vào trình thuật phúc âm về vụ nộp thuế trên đây để khai triển học thuyết về vấn đề phân quyền giữa các lãnh vực tôn giáo và chính trị, đưa đến chế độ phận lập giữa Giáo hội và Nhà nước.

Ðức Giêsu đã nộp thuế cho Ðền thờ (x. Mt 17:24tt); hình như cả cho Rôma nữa, bởi nếu không thì sẽ bị tố cáo ngay trước tòa Philatô. Sau này, các kitô hữu cũng được coi như là những công dân tốt (x. Rm 13:1tt; 1Pr 2:13-15). Lúc sinh tiền, Ðức Giêsu đã tránh xa mọi thứ quyền bính. Không sợ phê bình, Ngài tỏ ra mỉa mai đối với giới cầm quyền (x. Lc 22:25). Ðối với Hêrôđê, Ngài có thái độ khinh rẻ, hoặc ít là không đếm xỉa đến (x. 13:12; 23: 8-12). Ðối với Philatô, Ngài tỏ ra tế nhị hơn: giữ thái độ tử tế và trả lời đầy đủ. Nơi con người Philatô, Phúc Âm cho thấy rõ tính chất nước đôi của quyền bính chính trị: có thể thực thi công lý, nhưng cũng có thể – và thường là như vậy – dung túng những hành động bất công, ngang trái và tội lỗi. Quyền bính chính trị giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ. Như Philatô, Nhà nước phải lo tìm biết về và bảo toàn cho sự thật; nhưng trong thực tế, hình như Nhà nước không tìm thấy được, hoặc coi đó chỉ là vấn đề trừu tượng, không thực tiễn (x. Ga 18:38). Khi sự thật đã xuất hiện (Ðức Giêsu), quyền bính chính trị cũng vẫn nhắm mắt bám chặt tư lợi để mù quáng giết chết công lý và sự thật. Làm vậy là quyền bính chính trị giết chết “con người” (x. Ga 19:5) và phản bội chính sứ mạng cùng lý do tồn tại của mình.

4. Kết luận:

— Lãnh vực chính trị không gồm hàm những giá trị tuyệt đối, mà chỉ là tương đối; vì thế, coi Ðức Giêsu là một lãnh tụ chính trị là tuyệt đối hóa chính trị. [80]

— Vấn đề ưu tiên: “Ngày nay, trong Giáo hội có một chính sách ‘theo thời’ với hậu quả là sứ mệnh đổi mới tâm hồn bị bỏ quên; thái độ này ảnh hưởng đặc biệt mạnh nơi những ai thường khoe là ‘không khuôn rập theo lề thói’” (O. Cullmann).

— Ðức Giêsu không chú tâm nhiều đến cảnh áp bức chính trị, nhưng là đến tình trạng áp bức nơi chính bản thân của mỗi cá nhân. Thực ra, đế quốc ngoại lai và tình trạng chuyên chế nội địa có khác nhau gì mấy đâu. Cuộc giải phóng thật sự nằm ở nơi khác.

— Quyền bính áp bức đã trả tự do cho Baraba, trong khi đó  lại đóng đinh Ðức Giêsu. Caipha đã nhận định đúng: Ðức Giêsu nguy hiểm hơn, bởi có sức dấy lên một cuộc cách mạng sâu rộng hơn, vì thế chính quyền cần phải trừ diệt Ngài (x. Ga 11: 50).

— Ðức Giêsu ý thức rõ thái độ của mình có thể làm cho dân chúng hiểu lầm sứ điệp, ơn gọi và công trình của mình; nhưng Ngài vẫn không thay đổi, không cải chính. Một Ðấng Mêsia chính trị thì chỉ gây hại thêm cho dân Do thái, cho muôn dân.

IX. ÐỨC GIÊSU VÀ SỰ NGHÈO KHÓ

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương đặc biệt đối với người nghèo hèn, bất lục, khổ đau. [81] Thánh vịnh là những tiếng vọng lại của bao nhiêu lời kêu cầu dân đen thốt lên (x. Tv 9:10.13.38; 12:6; 70:6, v.v.). Các tiên tri cũng đã khai triển một dạng “linh đạo” của dân nghèo (x. Is 57:15; Xp 2:3, v.v.), mà trong thế kỷ 1, đan viện Cumran đã cố sống theo. Cả một trào lưu tư tưởng đã hiểu ra rằng “Ðấng phải đến” sẽ đến trong thân phận một người nghèo khổ (x. Tv 22; Is 53:4; Dcr 9:9), đến để cứu vớt bần dân khốn cùng (x. Tv 72:4.12-14). Niềm chờ mong ấy đã được ứng nghiệm nơi Ðức Giêsu.

Ngài là người nghèo, xuất thân từ một gia đình bình dị, đã phải nằm trong máng cỏ lúc mới sinh ra (x. Lc 2:7); chi tiết này tất phải mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi đã được gợi lên nổi bật trong một văn cảnh đượm đầy sinh khí siêu nhiên và thần tính. Ngài lớn lên trong một thôn ấp nhỏ hèn hẻo lánh (x. Ga 1:46), và sống đời làm thợ (x. Mt 13:35). Hẳn là Ngài đã không sống trong cảnh bần cùng, vì có nghề, có nhà và không phải là người nô lệ. Nhưng, trong cuộc đời làm rabbi (thầy), Ngài sống nhờ vào của bố thí (x. Lc 8:3), sống cảnh màn trời chiếu đất, “không có chỗ tựa đầu” (Mt 8:20).

Ðức Giêsu phục vụ người nghèo. [82] Sứ điệp của Ngài nhằm trước hết vào dân nghèo (x. Mt 11:4-5; Lc 4:18); Ngài giảng cho họ các mối phúc (Mt 5: 3tt); và trong đời rao giảng, Ngài đã tìm dịp tạo tình bạn với giai cấp gọi là “tội lỗi,” tức với những người bị xã hội đuổi ra ngoài lề; chẳng hạn như hạng thu thuế, người Samari, hạng gái điếm, người phong cùi, v.v. (x. Mc 2:16tt); và Ngài đã trở thành bạn của họ (x. Mt 8:19). [83] “Nghèo khó” không chỉ có nghĩa là thiếu phương tiện vật chất, mà còn có nghĩa là thiếu điều kiện để sống tự do, an vui, hạnh phúc, v.v. Ðó là tình trạng của những người khốn khổ, buồn rầu, sống cảnh nô lệ, tù tội, v.v. (x. Is 61:1-3). “Nghèo” là những nạn nhân của các hệ thống xã hội: bị bóc lột về mặt kinh tế, bị áp bức bởi các thứ chủ nghĩa, bị văn hóa hay tôn giáo ruồng bỏ. Chính Ðức Giêsu cũng đã bị coi là kẻ mang tiếng xấu (x. Mt 11:19), “bị liệt vào hàng phạm pháp” (Lc 22:37). Ðại gia đình Ngài tưởng Ngài đã mất trí (x. Mc 3:21), còn giới quyền thế thì cho Ngài là kẻ bịp bợm (x. Mt 27:63). Ấy là thứ người mà dân sùng đạo Do thái nghĩ tới khi nghe nói đến ông Giêsu; ấy là môi trường Ngài đã chọn để sinh hoạt.

Vì khó nghèo và vương quốc liên hệ mật thiết với nhau, Ðức Giêsu yêu cầu các môn đệ (và tất cả những ai muốn theo Ngài) từ bỏ của cải giống như Ngài (x. Mt 8:19-22tt), và họ đã làm như vậy (x. Mt 4:20.22; Lc 5:11). Phêrô thưa: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mc 10:28). Sứ mạng rao giảng Nước Trời đòi hỏi phải ra đi như một kẻ ăn xin, đặt trọn niềm cậy trông vào nơi một mình Thiên Chúa (x. Mc 6:8tt).

Giáo thuyết của Ðức Giêsu về của cải.– Phúc Âm giải thích rõ vế vấn đề này: của cải bóp ngạt lời Chúa (x. Mc 4:19; Mt 13: 22) và bóp chết ngay từ trong trứng nước, lý tưởng thiêng liêng cao đẹp nhất (trường hợp người thanh niên giàu có: Mc 10:17tt). Ðức Giêsu khuyên đừng quá lo lắng về những của cải cõi trần này (x. Mt 6:25tt), nhưng hãy lo mà tích trữ cho “kho tàng trên trời” (Mt 6:19-20). Ngài nêu cho thấy hai thực kiện cơ bản: 1) kho tàng của mình ở đâu thì lòng của mình ở đó; 2) con người chỉ có thể để tâm vào một kho tàng mà thôi, hoặc là ở dưới đất hay là ở trên trời (x. Mc 10:21; Lc 12:33-4). Chọn đúng hay lầm kho tàng là vấn đề sống chết… đời đời. Tuy nhiên, con người vẫn có thể xử sự theo đường ngu muội để chỉ biết tích lũy tiền của ở đời này mà không lo gì đến đời sau (x. Lc 12:20); và khi thấy được sự thật, thì e rằng đã quá muộn màng, không còn thay đổi gì được phận mệnh đời đời (x. Lc 16:19tt). [84] Mặt khác, ở đời này, nếu chỉ lo tham lam của cải, thì của cải trở thành ông chủ khắc nghiệt để biến con người thành tên nô lệ khốn cùng… (x. Mt 6: 24). Giáo lý quả nghiêm khắc, nhưng là để gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh trước một mối nguy thật sự to lớn.

Thái độ của Ðức Giêsu đối với người giàu.– Ngài tỏ ra tế nhị hơn. Không mang mặc cảm gì, nên Ðức Giêsu cũng chẳng ghét bỏ ai. Khi thanh niên giàu có đến gặp Ngài, Phúc Âm lưu ý là Ðức Giêsu đã “đem lòng yêu mến” anh ta (x. Mc 10:21), vì anh không bị của cải làm cho hư đi, chỉ có điều là anh ta còn thiếu một điều kiện gì khác nữa… Khi đến thành Giêrikhô, Ngài đã ghé vào thăm nhà của Giakêu, là người đã từng nhân danh thực dân Rôma để bóc lột đồng bào mà làm giàu; và không nhất thiết ông ta phải bỏ nghề sau khi đã cải thiện (x. Lc 19:1tt). Tình bạn của Ngài đối với Ladarô, cũng như đối với hai chị em Mácta và Maria, là thí dụ cảm động nhất trong Phúc Âm; gia đình này khá giả lại có quan hệ với giới cao cấp thế lực tại Giêrusalem (x. Ga 11:31). Ngài vẫn để họ sống sung túc và phụ giúp mình trong công việc mục vụ (x. Lc 8:3). Ðức Giêsu cũng không tránh xa giới làm chính trị, như  Nicôđêmô (x. Ga 3:1t) và Giuse Arimathê; ông này đã trở thành môn đồ Ngài (x. Lc 23: 50; Ga 19:38). Ngài cự tuyệt mọi thái độ quá khích. Tuy nhiên, Ngài vẫn nuôi hy vọng để tin rằng những người ấy rồi cũng sẽ trở nên dân hèn mọn, sẽ thắng “thế gian” để rốt cuộc, sẽ bước theo Ngài và bền tâm phụng sự cho đến cùng như Maria (x. Ga 12:3) và hai ông thượng nghị sĩ (x. Ga 19:38).

Ðức Giêsu tránh tham dự vào sinh hoạt chính trị hoặc các hoạt động cho công bằng xã hội; bởi các lãnh vực ấy thuộc thẩm quyền của “Xêda” (Nhà nước), của các tòa án tư pháp, tức là không thuộc sứ mạng của Ngài: xử kiện và nhúng tay vào công việc thế tục chẳng phải là vai trò của Ngài (x. Lc 12:13); bởi mục đích sứ mạng của Ngài thì cao cả và siêu việt hơn. Có lần Ngài đã khuyên: nên nhường quyền lợi về sở hữu để tránh gây thêm nhiều chuyện lôi thôi (x. Lc 12:14-15; Mt 5:40-42; Lc 6: 30).

Cộng đồng kitô sơ khai đã sống linh đạo khó nghèo này với một tinh thần an hòa lạ lùng, như Luca miêu tả ở trong Công vụ Tông đồ (2:4tt; 4:32tt). Về sau và cho đến nay, đời tu trì cố gắng tiếp tục noi theo gương sống khó nghèo của Ðức Giêsu và các tông đồ.

X. ÐỨC GIÊSU VỚI KINH NGHIỆM CÔ ÐƠN

Ðã là con người, tất không thể tránh được mà sống qua kinh nghiệm cô đơn. Theo triết học, “cái tôi” hay bản ngã của mỗi người đều mang tính độc nhất và bất khả thông. Cá tính càng phong phú và sâu sắc, thì lãnh vực truyền thông càng thu hẹp, tức phải sống cô đơn nhiều hơn. Diễn đạt theo cách loại suy, Kinh Thánh cho thấy nỗi cô đơn của Thiên Chúa là nỗi cô đơn tuyệt đối: “không có thần nào khác trước nhan Ta” như đọc thấy trong điều răn thứ nhất (Xh 20:3).

Ðộc nhất tính của bản ngã Ðức Giêsu cao hơn bất cứ người nào khác; thế nên, nếu có ai mang nhiều nhất những nỗi niềm riêng tư mà không thể chia sẻ với người khác được, thì đó chính là Ngài. Chính Ngài cũng không thể không ngạc nhiên trước mầu nhiệm về bản thân của mình: Ngài ý thức về sự kiện trong con người mình có một kẻ nào đó không thuộc vào bất cứ loại hữu thể nào Ngài biết; Ngài nghe lời gọi mà không tiếng nào đã nói lên; làm sao diễn tả được mình là ai cho người khác hiểu được. Chìm sâu vào nội tâm trong cầu nguyện, Ngài đã nhận ra tiếng gọi ấy là của Cha. Có lẽ cái “bí mật” khoa chú giải phát hiện được ở trong Phúc Âm Máccô, chỉ là thái độ, phản ứng của Ðức Giêsu trước mầu nhiệm về chính mình mà Ngài cố truyền đạt.

 Khi phải đối diện với một cuộc chọn lựa quyết định số phận, con người mới nhận thấy rõ là chẳng có ai thay thế mình được, chính mình phải đơn độc chọn lựa lấy. Vì vậy, Ðức Giêsu đã phải một mình – hoặc đúng hơn, cùng với Chúa Cha – tự quyết định lấy. Ngài quyết định rời Nadarét, đến gặp Gioan Tẩy Giả để chịu phép rửa, và đi sâu vào hoang địa… Có thể hình dung là Ngài do dự ngập ngừng, bước đi trong tăm tối… Trong quãng đời công khai, Ngài cũng phải một mình quyết định về những vấn đề khó khăn quan trọng. Muốn tống trừ ý tưởng về thiên sai chính trị, Ngài đã “đi lên núi một mình” (Ga 6:15); trước khi tuyển chọn các tông đồ, Ngài cũng đã “đi lên núi cầu nguyện” suốt đêm (x. Lc 6:12). Khi nhất quyết nhận lấy phận mệnh của Tôi tớ Giavê và đi lên Giêrusalem, nổi tiếng trong việc “giết hại các ngôn sứ” (Lc 13:34), thì dù các môn đệ có “sợ hãi” (Mc 10: 32), biết là nguy hiểm đang chờ (x. Ga 11:16), Ngài cũng vẫn can đảm tiến bước (x. Lc 9:51). Lẻ loi một mình tại vườn Ghếtsamani, bên nhóm môn đồ ngủ mê, Ngài đã quyết một lòng “uống chén” Cha trao (x. Mc 14:32tt); rồi đối diện với bạo lực, Ngài quyết không dùng gươm mà kháng cự (x. Mt 26:52). Nhìn kỹ lại đời Ngài, “thì không thể đi đến một kết luận nào khác hơn là: trong mọi kinh nghiệm sống qua, trong mọi ý tưởng và cảm xúc, trong mọi ước muốn và quyết định, trong mọi lời nói và việc làm, Ðức Giêsu đã phải sống cảnh đơn độc suốt đời.” [85]

Vậy, Ðức Giêsu đã phải sống qua cảnh cô độc của một ngưòi chẳng những không được người khác hiểu mà còn bị hiểu lầm nữa. Làm như không còn chịu nổi, có lần Ngài đã thốt ra: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các ngươi cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các ngươi cho tới bao giờ nữa?” (Mc 9:19). Thật bi thiết! Quê quán từ khước Ngài (x. Lc 4:18-19), người nhà nghi Ngài điên (x. Mc 3:21) và không chịu tin Ngài (x. Ga 7:5), nhóm môn đồ không nắm được lời Ngài dạy (x. Mc 6:52; 8:17; 15:16), đến độ Ngài đã phải gọi họ là “những kẻ tối dạ” (Lc 24:25). Ðức Giêsu đã không dè trước kết quả rồi sẽ tiêu cực đến như vậy: Ngài lấy làm ngạc nhiên (x. Mc 6:6). Cả đến sau khi sống lại, Ngài vẫn còn trách các ông cứng lòng tin (x. Mc 16:14). Ngoài Chúa Cha ra, Ngài có cảm tưởng không một ai hiểu mình (x. Mt 11:27): cô đơn là thế.

Hơn nữa, Ðức Giêsu còn cảm thấy bị bỏ rơi. Không thiếu chi biến cố đã dồn Ngài đến chỗ cảm nhận như vậy: nhiều môn đồ không chấp nhận giáo lý Ngài dạy và bỏ đi (x. Ga 6:66); cao trào hứng khởi của đám đông dân chúng Galilê tàn lụi dần, để Ngài đối phó trơ trọi một mình với bao nhiêu đối phương; các người lãnh đạo tôn giáo dân Ngài, bày mưu tính kế để hại Ngài (x. Mc 3:6), rồi cuối cùngï đã kết án (x. Mt 26:66) và nộp Ngài cho dân ngoại vô đạo hành hình (x. Mt 27:2); dân Ngài chối bỏ Ngài, các bạn chí thiết bỏ Ngài mà trốn chạy (x. Mt 26:56); đến người Ngài chọn làm “thừa kế,” Simon Phêrô, cũng chối Ngài (x. Mt 26:69tt); tiếp tục trơ trọi một mình, Ðức Giêsu đã phải đối phó với thần chết; đắng cay hơn nữa, đắng cay cao độ nhất là khi cảm thấy như bị chính Cha mình bỏ rơi (x. Mt 27:46).

Như vậy, trơ trọi chẳng khác chi hạt lúa nằm trong lòng đất, Ðức Giêsu sinh nên ơn cứu độ cho muôn dân (x. Ga 12:25). Từ đấy, điều đó đã trở thành định luật phổ quát cho hiệu lực siêu nhiên.

Ở đời này, chẳng có gì tuyệt đối chỉ có một phía. Vậy thì, nếu Ðức Giêsu đã phải chịu cảnh cô độc, thì trái lại, Ngài cũng đã hưởng nếm tình bạn của các môn đệ, làm dịu bớt đi cảnh huống cô đơn: Ngài đã nói lên lòng biết ơn đối với tình bạn ấy (x. Lc 22:28). Nhưng bạn đồng hành kiên trung duy nhất là Chúa Cha: “anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình; nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha hằng ở với Thầy” (Ga 16:32). Dùng ngôn ngữ riêng của mình, Gioan lý giải điểm này bằng cách ghi lại lời Ðức Giêsu khẳng định rằng Ðấng sai phái Ngài luôn luôn ở với Ngài (x. Ga 8:16). Phúc Âm nhất lãm ngầm chỉ một phần nào, về sự kiện ấy, khi trình thuật những lần Ngài cầu nguyện một mình (x. Mc 1:35; Lc 5:16; Mt 14:23). Cầu nguyện như thế không phải để trốn chạy thực tế, nhưng là để tâm sự với Chúa Cha; bởi hễ càng cảm thấy cô độc, không thể tránh được, thì Ngài càng cảm thấy thiết bách hơn, nhu cầu thông hiệp với Cha; Gioan gọi đó là “lương thực” của Ngài (x. Ga 4:32). Trong những giờ phút cuối đời, khi cảnh cô đơn trở nên khốc liệt nhất, thống thiết chạy đến bên Cha, Ngài khẩn cầu, và đã được ủi an một phần (x. Mc 14:32tt); nhưng rồi, cảm giác đơn độc vẫn tăng dần mãi lên cho đến chết.
 


[73] Vermes, G., Jesus the Jew, Philadelphia: Fortress 1973; Hagner D. A., The Jewish Reclamation of Jesus: An Analysis and Critique of the Modern Jewish Study of Jesus, Grand Rapids 1984; Charlesworth, J. H. (ed), Jesus’ Jewishness, New York: Crossroad 1991; Witherington, B., The Jesus Quest: The Third Search for the Jew of Nazareth, Downers Grove, Ill. 1995.

[74] Xin xem Rhoads, David, “Jesus and the Syrophoenician Woman: A Narrative Critical Study,” Journ. of the Amer. Acad. of Relig. 62 (1994), 343-375.

[75] Paul, A., Le monde des Juifs à l’heure de Jésus – Histoire politique, Paris: Desclée 1981.

[76] Rhoads, D. M., Israel in Revolution: 6-74 C.E., Philadelphia: Fortress 1976; Guevara, H., La resistencia judía contra Roma en la época de Jesús, Meitingen 1981.

[77] Xin xem Hengel, M., Judaism and Hellenism, Philadelphia: Fortress 1974.

[78] Xin xem Brandon, S. G. F., Jesus and the Zealots, Manchester U. P. 1967; ngược lại là Cullmann, O., Jesus and the Revolutionaries, New York: Haper & Row 1970.

[79] Josa, G., Gesù e i movimenti di liberazione della Palestina, Brescia: Paideia 1980; Segundo, J. L., The Historical Jesus of the Synoptics, (vol.II), Orbis 1985, “Jesus and the political dimension,” tt. 71-85; Witherington, B.,  The Christology of Jesus, Minneapolis: Fortress 1990, “Jesus, Revolutionaries, and the Romans,” tt. 81-118; Kealy, S., Jesus and Politics, Liturgical Press 1990; Yoder, J.H., The Politics of Jesus, Grand Rapids 19942.

[80] Duquoc, Ch., Christologie, II. tr. 466 ; xin xem O’Donovan, O., The Desire of the Nations, Cambridge 1996.

[81] Xin xem George, A., “Pauvre” trong Dict. de la Bibl. Suppl. VII, 1966, 387-406.

[82] Guillet, J. “Pauvreté de Jésus-Christ,” Christus 24 (1959) 438-450; idem, Jésus Christ hier et aujourd’hui, Paris: Desclée de Brouwer 1963, tt. 95-107.

[83] Ai là những “kẻ tội lỗi,” xin xem Sanders, E.P., Jesus and Judaism, Philadelphia: Fortress 1985, tt. 174-211.

[84] Seccombe, D. P., Possessions and the Poor in Luke-Acts, Linz 1982; Stegemann. W., The Gospel and the Poor, Philadelphia: Fortress 1984; González, J.L., Faith and Wealth: A History of Early Christian Ideas on the Origin, Significance and Use of Money, San Francisco 1990.

[85] Malatesta, E., “Jesus and Loneliness,” The Way 1976, tr. 250; Nogosek, R. J., Nine Portraits of Jesus, Denville: Dimension Books 1987, “His Solitude” tt. 41-47.