Khảo Luận Về Kitô Học: Đức Kitô Trong Tư Thế Là Con Người (5/3)

0
601


KHẢO LUẬN TRƯỜNG THIÊN VỀ ĐỨC KITÔ

Tác giả: Lm. F.Gómez Ngô Minh, SJ.

***

***

CHƯƠNG V

ÐỨC KITÔ TRONG TƯ THẾ LÀ CON NGƯỜI

 

IV. ÐỨC GIÊSU CHỊU CÁM DỖ

Nhập đề

— Trong Tân Ước, đọc thấy có hai đường hướng suy tư về Ðức Kitô. 1) Một là đào sâu chiều kích tiên nghiệm và nêu bật tính cách thiên sai và thần linh của Ngài; cách kiểu này xuất hiện rõ nhất trong các ca vịnh, các công thức tuyên tín và các tước hiệu chỉ về Ðức Giêsu. Phương pháp dùng đến là lấy “ánh sáng phục sinh” mà soi chiếu trên cuộc đời Ngài để từ đó “khám phá” nơi các biến cố trong cuộc đời ấy, hoạt động của Thiên Chúa (thần tính của Ðức Giêsu). 2) Hai là giải đáp vấn đề: tại sao không thấy được yếu tố siêu nghiệm (transcendent element) trong đời sống của Ðức Giêsu? – Thưa vì thần tính “tự hủy,” ẩn giấu mình đi. Trong đường hướng suy tư này, các vụ cám dỗ được coi như là chìa khóa để ngẫm đọc lịch sử Ðức Giêsu (x. Dt 4:15).

Thoạt đầu ắt phải hỏi: làm sao Ðức Kitô có thể bị cám dỗ? Ðã nhận lấy thân phận người phàm, tất Ðức Giêsu cũng nhận lấy cả những gì “anh em” mình phải sống qua, như tình trạng yếu đuối, bất lực, vô tri, bị đe dọa. Cám dỗ là một thứ đe dọa. Nhưng, nếu không thể phạm tội, thì xem ra các vụ cám dỗ chỉ có tính cách giả tạo? Liên quan đến vấn nạn này, Kitô học ngày nay minh giải rằng Ðức Giêsu không biết, không ý thức là mình bất khả phạm tội, và tâm lý Ngài hoạt động như tâm lý người thường, vì thế, Ðức Giêsu có thể cảm thấy cám dỗ như bất cứ ai khác.

Các Phúc Âm nhất lãm thuật lại việc Ðức Giêsu chịu cám dỗ. Mc 1:12-13 chỉ nói: “Thần Khí liền đẩy Ngài vào hoang địa. Ngài ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ.” Mt và Lc kể lại giống nhau về sự việc, chỉ khác về thứ tự các đợt cám dỗ: đợt thứ hai trong Mt là đợt thứ ba trong Lc, và ngược lại. Khoa chú giải nghĩ là thứ tự của Mt thì tốt hơn. Ðể mô tả biến cố, Phúc Âm không đi theo sát những gì đã xảy ra, nhưng chỉ muốn giới trình chủ đề thần học về một sự kiện tiêu biểu trong cuộc đời của Ðức Giêsu. Thực ra, nhiều lần trong đời, Ngài cũng đã phải đứng trước những cám dỗ, những thách đố làm phép lạ để dễ dàng nắm chắc được thành công trong bước đường thi hành sứ mạng, bằng cách: cho một dấu lạ từ trời (x. Mt 12:38tt); nhảy xuống khỏi thập giá (x. Mt 27:42tt); dùng đường lối quảng bá tuyên truyền (x. Ga 7:31tt); đoạt nắm chính quyền cho dễ bề hoạt động (x. Ga 6:15); và tránh bỏ con đường thập giá như các môn đồ đề nghị để làm vừa lòng họ (x. Mc 8:33: phản ứng mạnh và quở trách Phêrô, gọi ông là Satan! Mt 16:23).

Ðoạn trình thuật có chủ ý sư phạm: đã sống đời người thì ai cũng đều bị hoặc có thể bị cám dỗ (x. Mt 6:13; 1Pr 5:8); thế nên phải biết noi gương của Ðấng đã thắng được Satan; nhưng đặc biệt và đồng thời cũng có chủ ý kitô học: cần phải đọc Phúc Âm trong nhãn giới của sự kiện chịu cám dỗ. Trong dịp chịu phép rửa từ tay Gioan Tẩy giả, Ðức Giêsu được gọi là “Con Thiên Chúa.” Sự kiện bị cám dỗ như thế lý giải cho tiếng phán từ trời sau khi chịu phép rửa, tức là cho hiểu được: cụ thể mà nói Con Thiên Chúa nghĩa là gì. Ðoạn trình thuật về cám dỗ cũng giải thích về vai trò của Thần Khí trong cuộc đời Ðức Kitô (cũng như trongg cuộc đời của mỗi kitô hữu): Thần Khí xuống trên Ngài lúc chịu phép rửa, rồi dẫn Ngài vào hoang địa “để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 3:16-4:1).

Sự kiện Ðức Giêsu chịu phép rửa từ tay Gioan là một biến cố lịch sử chắc chắn. [61] Rồi một sự việc lạ thường đã xẩy ra, mà thần học gọi là thần hiển. Các nhà thần học cắt nghĩa khác nhau về việc này. Kẻ thì cho đó là một kinh nghiệm tâm lý của riêng Ðức Giêsu (như O. Cullmann); người thì nghĩ đó là một “hiện tượng” mà Gioan cũng đã cảm nhận, và có lẽ cả những người chung quanh cũng cảm nhận, ít là một phần nào. Dù sao, đã có tiếng từ trời tuyên phán rằng: “Ðây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3:17). Ở đây, ý nghĩa của từ “Con” không được xác định rõ ràng cho lắm, hoặc có thể nói là “nước đôi”; vì một đàng đó là câu trích dẫn từ Isaia 42:1, và câu này dùng từ paĩs, một từ có hai nghĩa: “trẻ con” hay “tôi tớ,” và đàng khác, Phúc Âm lại dùng từ huiós, cũng có nghĩa là “con.” Hơn nữa, “con của Thiên Chúa” cũng có thể là tên gọi của các vua, của Ðấng Thiên Sai, của các thiên thần, v.v. Vậy, “Con” ở trong câu trên đây, trước tiên, không mang ý nghĩa bản thể học, chỉ mang ý nghĩa chỉ về chức năng. Tính cách nước đôi này là khung cảnh để tìm hiểu về những cám dỗ Ðức Giêsu đã chịu.

Biến cố Ðức Giêsu chịu phép rửa cho thấy Ngài muốn sống mối liên đới với thân phận những người tội lỗi, sẵn sàng đồng hành với người tội lỗi để cứu rỗi người có tội, bởi con người Giêsu là “Con Thiên Chúa.” Ítraen là “Con Thiên Chúa”; Ðức Giêsu là “Ítraen mới” cần phải – theo lời tiên tri Gioan – sám hối và chịu phép rửa để nói lên lòng hoán cải. Ðức Giêsu chịu phép rửa vì muốn mang lấy phận mệnh của dân mình, dân mà Thiên Chúa đã muốn dùng đến tác vụ của Gioan để kêu gọi sám hối.

Còn Ðức Giêsu trong hoang địa thì được so sánh với Ítraen, “con Thiên Chúa” (Hs 11:1). Cả hai đều được dẫn vào sa mạc để chịu thử thách; Ítraen sa ngã, còn Ðức Giêsu thì đứng vững. “Bốn mươi ngày” mang ý nghĩa biểu tượng, tương ứng với 40 năm Ítraen ở trong hoang địa, hay là 40 ngày Môsê ăn chay trên núi Xinai (x. Xh 34:28; Ðnl 9:9.18), hoặc tiên tri Elia đi lên núi Khôrếp ẩn thân (1V 19:4-8). Trình thuật về cám dỗ hàm dung ý nghĩa thiên sai, tức là quy chiếu về sứ mạng của Ðức Giêsu và của Giáo hội. Luca so sánh Ðức Giêsu với Ađam, và đưa ra một bài học có tính cách cá nhân. Ađam bị cám dỗ kiếm cách để trở thành “giống như Thiên Chúa” (St 3:5); còn Ðức Giêsu thì đã giống như Thiên Chúa, nhưng lại không muốn khăng khăng giữ kỹ địa vị của mình (x. Pl 2:6), và đã sống như người phàm. Ðối với Ítraen, ơn tuyển chọn giả thiết là phải chịu thử thách; thì đối với Ðức Giêsu, ơn tử hệ cũng giả thiết như vậy. Vì thế, việc nêu lên sự kiện Ðức Giêsu chịu cám dỗ trước hết không phải là để làm “bài học” cho độc giả, nhưng là để cho thấy rõ “lối sống” của Người Con (cũng như sau này của Giáo hội). Bị cám dỗ là điều không thể tránh được trong quan hệ của con người với Thiên Chúa. Nhưng, do sự việc đã chịu thử lửa và đã thắng cuộc, Ðức Giêsu trở nên mẫu mực cho chúng ta. Cuối cùng, cũng nên lưu ý: các đợt Ðức Giêsu chịu cám dỗ như được Phúc Âm trình thuật, không liên hệ đến phạm vi luân lý, đạo đức học, mà là đến lãnh vực đức tin. [62]

1. ĐỢT CÁM DỖ THỨ NHẤT

“Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt 4:3). Giả thiết Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, nên quỷ cám dỗ mới đề nghị một phương cách thần hiệu như thế – xứng với địa vị Con Thiên Chúa – để giải quyết vụ đói. Theo Satan, đã là Con Thiên Chúa thì phải sống cách xứng hợp với địa vị ấy, đâu cần phải chịu thiếu thốn gì, nhất là khi cần giữ sức để làm việc Chúa; có đặc quyền, thì phải sử dụng cho mình trước đi đã chứ: Con Thiên Chúa thì khác với người thường mà!

Theo Ðức Giêsu thì khác: Con Thiên Chúa phải nhâïn lấy toàn bộ thân phận người thường, không có chuyện sống kiểu ngoại lệ. Ngài đói như Ítraen xưa kia (x. Xh 16:1tt), và Thiên Chúa muốn Ngài ăn; nhưng lấy bánh đâu ra, bằng cách nào? Satan đáp: sẵn có đặc ân, đặc quyền của vị thiên sai, thì cứ dùng mà giải quyết vấn đề. Ðức Giêsu trả lời với câu Ðnl 8:3, muốn nói bánh là tốt, nhưng còn phải sống “nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” Con người sống nhờ lời của Chúa, không những vâng theo mọi mệnh lệnh của Người, mà còn phải thi hành những định luật tự nhiên Người đặt ở trong vạn vật, chẳng hạn như phải làm mới có mà ăn; chứ không phải chỉ ngồi chờ phép lạ. Trông cậy vào Chúa thì được, nhưng không được ỷ lại vào Người.

Cám dỗ này khởi xuất từ sự việc Ðức Giêsu đói, như  Ítraen xưa kia trong sa mạc (x. Xh 16:1-4). Ítraen bị thử thách và đã thất bại (x. Ðnl 8:2-3); Ðức Giêsu thành công vì biết cậy trông vô điều kiện, vào Thiên Chúa quan phòng. Ðã là Con-Mêsia, Ðức Giêsu không cần phải lo về của ăn (sau này Ngài sẽ cho dân chúng ăn); nhưng trong việc xây dựng Nước Thiên Chúa, còn có một điều quan trọng hơn bội phần, đó là phải biết đặt Lời Thiên Chúa vào hàng ưu tiên tuyệt đối.

2. ÐỢT CÁM DỖ THỨ HAI

“Gieo mình xuống đi!” Ðây là cuộc thử lửa đối với sứ mệnh thiên sai. Ðức Giêsu đi vào hoang địa không phải để tìm lời mạc khải (Ngài đã nghe lời ấy ở sông Giođan), không phải để học tập Lề Luật (như Cumran), cũng không phải để chuẩn bị chiến tranh giải phóng (như phái Nhiệt thành), song là để chịu thử thách. Cả ba nỗ lực này đều lo về Nước Trời: Nước cánh chung (Cumran), quốc gia Do thái (Nhiệt thành); còn Ðức Giêsu thì sao?

Satan đề nghị Ðức Giêsu làm một cái gì thật là “thiên sai” để nêu rõ bằng chứng về sự việc mình đã được ủy nhiệm. Nói chung và nhất là thời ấy, dân Do thái chờ Ðấng Mêsia từ trời xuống. Thế nên, hay nhất là cứ cho họ “dấu lạ từ trời” ấy (x. Mc 8:11); bởi dấu này sẽ làm cho dân Do thái nhận ra bản thân cùng sứ mạng của Ðức Giêsu, cũng như nhận ra Thiên Chúa là Cha của Ngài!

Ðể phản công, Ðức Giêsu trích dẫn Ðnl 6:16: “Anh em đừng thách thức Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, như anh em đã thách thức ở Maxa.” Câu chuyện bi đát này được kể lại trong các đoạn Xh 17:1-7 và Ds 20:1-13. Ý là phải thường xuyên cậy trông vào Chúa quan phòng; còn cứ khăng khăng đòi hỏi cho có bằng chứng phi thường là tỏ ra “cứng lòng tin” và làm mếch lòng Chúa (x. Tv 95:8-11). Nhượng bộ là mất niềm tin (x. Ga 8:48), không còn tuyệt đối cậy trông vào Cha-Abba của mình; là làm như đã thấy rồi, thành công đã được đảm bảo, không còn cần phải tin nữa; là phải trả giá cao: không còn giống như anh em mình (x. Dt 2:17; 5:7-10). Ðức Giêsu đã chọn đứng về phía liều mạng sống mình, như chúng ta.

Ðiểm tế nhị trong đợt cám dỗ này là: Ðức Giêsu không dấn thân vào cuộc xây dựng cái vương quốc Cumran (và cả Gioan Tẩy Giả) mong chờ, một vương quốc cánh chung huyền bí, sẽ đến vào hồi thế mạt. Quan niệm của Ngài về Vương Quốc có phần giống như cách hiểu của phái Nhiệt thành, tức là hiện diện ngay ở dưới đất và trong hiện tại (nơi Ngài). Vì thế, Satan đề nghị dùng đến những phương tiện mục vụ thần hiệu để mau chóng đạt đến mục tiêu (tựa như thái độ diễn tả trong câu Mt 27:42: “rồi chúng tôi sẽ tin”). Ðứng trong thế lưỡng đạo, thì cần phải chọn một trong hai kiểu làm thiên sai: hoặc là tạo cho có uy tín lớn hoặc là sống ẩn danh; hoặc là phải lừng danh, nổi tiếng là giàu có, thông thái, v.v. hoặc là chỉ làm người nghèo nàn, thấp bé, thất bại, v.v.? Vì là Ðấng lãnh đạo của niềm tin chúng ta (x. Dt 12:2), nên Ngài đã chọn con đường thứ hai. Vậy thì kỳ tích nào sẽ góp phần làm nên công cuộc cứu độ? Phô trương vẻ huy hoàng lộng lẫy của tài trí, … hay khiêm tốn đặt trọn niềm cậy trông vào chỉ một mình Thiên Chúa? Ítraen đã phạm tội vì tự phụ mình là dân Thiên Chúa; Ðức Giêsu âm thầm dấu kín mình là Con chí ái của Thiên Chúa.

Các đợt cám dỗ một và hai cho thấy Satan hiểu sai về Thiên Chúa và con người.

3. ÐỢT CÁM DỖ THỨ BA

Ðợt cám dỗ này nguy hại nhất, triệt để nhất; không còn “đối thoại” nữa, Ðức Giêsu quát thẳng: “Satan kia, xéo đi!” và nhắc lại điều răn thứ nhất (x. Mt 4:10).

Theo quan niệm thông thường trong loài người, chính quyền là phương tiện hữu hiệu nhất để đổi thay một xã hội thành tốt hay ra xấu, dựa theo học thuyết của một chủ nghĩa hay quan điểm của một lãnh tụ. Muốn xây dựng “Nước Thiên Chúa” thì quyền bính cũng cần thiết để kiến lập một xã hội công bình và huynh đệ. Tuy nhiên, quyền bính dễ trở thành ngẫu tượng. Ðối với người thường, quyền bính hẳn là thuộc tính của Thượng Ðế (Thiên Chúa “toàn năng”). Trong tham vọng “trở nên giống như Thiên Chúa,” ai có quyền, nhất là cực quyền – như là hoàng đế, như là đảng phái, v.v. – thì tự phụ coi mình như là “ông Trời con” và đòi người khác phải tuyệt đối phục tùng mình: ấy là ngẫu tượng! Tự nó, quyền bính là tốt – như ở nơi Thiên Chúa chẳng hạn. Sau Phục sinh, Ðức Giêsu nhận được toàn quyền (x. Mt 28: 18) và “muôn dân làm cơ nghiệp” (Tv 2:8), nhưng là do Chúa Cha ban. Vậy, do bởi bản tính, người Con có quyền bính của mình. Thế thì nắm quyền bính có gì là xấu đâu?

Ðợt cám dỗ này hết sức tinh vi: để xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa thì cần đến thứ quyền bính nào? Quyền ra lệnh hay quyền vâng phục? Quyền chỉ huy hay quyền phục vụ? Quyền bính của sức mạnh (tài năng, tiền của, thế lực) hay quyền bính của tình thương? Cốt lõi của cuộc thử lửa là ở tại điểm này: đã thuộc phạm vi Thiên Chúa thật, thì làm sao sống  thân phận con người thật được? Vốn dĩ là Thiên Chúa, Ngài bỏ mình để mặc lấy thân phận tôi đòi (x. Pl 2:6); bây giờ, đã là con người, Ngài còn phải bỏ quyền bính (biểu tượng cho Thiên Chúa) để quyết tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi. Nếu Ngài nắm quyền bính, thì khó mà phục vụ anh chị em cho tốt được, khó mà được loài người yêu mến, tức là khó mà thi hành sứ mạng cho chu toàn được. Quyền lực không sinh được tình yêu, và vì thế không thể dẫn tới Thiên Chúa, tức không thể cứu rỗi: quyền lực không giải phóng được con người. Thiên Chúa hằng tôn trọng phẩm giá con người, tức không muốn có liên hệ chủ tớ với chúng ta; vậy, nếu dùng đến quyền bính thì con người sẽ trở thành ‘tôi tớ,’ mất hẳn tự do. Thiên Chúa biết rõ là có sử dụng tự do, thì điều  con người làm mới đáng được gọi là hành động con người, mới xứng đáng với phẩm giá con người. Cường quyền có thể cưỡng chế đổi mới, cả cải thiện nữa, nhưng nào có ích gì cho ai; vả, Satan ít khi đứng xa quyền bình trần thế. Con người mới chỉ sinh ra từ tình thương.

Muốn hiểu quan hệ giữa quyền bính và việc thờ ngẫu tượng thì cần phải lưu ý đến hoàn cảnh trong xứ Paléttin thời ấy. Dân Do thái coi các thần linh của Rôma là quỷ (x. 1Cr 10:20); thế nhưng, những ai muốn tham gia vào đời sống chính trị của đế quốc thì phải theo đạo Rôma, ít là bề ngoài. Hơn nữa, hoàng đế Rôma được coi như là thần linh và được gọi là “chúa.” Mặt khác, Ðức Giêsu là người ái quốc. Thấy dân nước mình bị đô hộ và biết rõ mình là vị thiên sai, thì xem ra việc dùng đến sức mạnh là giải pháp hợp lẽ nhất để giải phóng đất nước và kiến lập Vương Quốc của Thiên Chúa. Tại sao lại không chịu dung hòa chút ít giữa quyền bính và uy linh Thiên Chúa? Ðức Giêsu phản ứng, nói là: “Không! Cứu cánh không thể bào chữa cho phương tiện.”

Phúc thay cho chúng ta, Ðức Giêsu đã thắng cuộc: Thiên Chúa kính trọng quyền tự do của loài người, vì thế, không bao giờ ép uổng ai vâng phục Người, không ép buộc kẻ lạc giáo trở lại, không cưỡng bức đổi thay cơ cấu xã hội, v.v. Và con người vẫn có thể dùng quyền, miễn là đừng quên nó nguy hiểm vì có tiềm chứa một yếu tố quỷ quái.

Trong vườn Ghêtsêmani, Ðức Giêsu phải đối diện với thách đố dùng đến gươm giáo hoặc lực lượng thiên quốc (x. Mt 26:51-54). Khi ấy, Ngài tỏ rõ cho thấy quyền bính cứu độ là gì: không phải là đấu tranh, là kháng chiến, song là thí mạng sống mình cho tha nhân.

Ðức Giêsu bị cám dỗ; chúng ta và Giáo hội cũng vậy. Mục tiêu của việc cám dỗ không phải để cho thấy là ai, là gì; nhưng là phải làm thế nào để thực hiện sứ mệnh. Tương quan giữa Thiên Chúa và loài người là một mối tương quan trong tự do; Thiên Chúa không chọn con đường quyền bính để cho Con Một mình bước vào, hoặc cho Nước Người đến. Lôi kéo, bức bách không phải là đường lối của Thiên Chúa; hống hách, ra oai, thị uy là đi ngược hẳn với Phúc Âm.

V. TÔN GIÁO CỦA ÐỨC GIÊSU

Ðức Giêsu là người Do thái và đã sống đời sống tôn giáo của dân nước mình, như cha mẹ và đồng bào chung quanh. Ngài sống đạo thiên về lề lối biệt phái, vì thế, Ngài nghiêm túc giữ những ngày lễ, viếng Ðền Thờ theo Luật (x. Ga 7:2tt); Ngài nộp thuế tôn giáo (x. Mt 17:24tt), tôn trọng phong tục và quyền bính của giáo sĩ (x. Mt 8:4; Lc 17:14), cũng như công nhận quyền giáo huấn chính thức (x. Mt 23:2-3) và thường tham dự một cách chủ động vào các nghi thức phụng tự tại hội đường (x. Lc 4:16t; Mc 1:21). [63]

VI. NIỀM TIN CỦA ÐỨC GIÊSU

Gọi là “tín hữu,” người có tín ngưỡng, tôn giáo. Vấn đề thần học đặt ra là hỏi xem Ðức Giêsu đã từng có đức tin hay không? Thần học cổ truyền đã quả quyết là Ðức Giêsu không có đức tin, vì hằng hưởng “phúc kiến,” tức là hằng thấy Thiên Chúa như các phúc nhân. Thánh Tôma Aquinô giải thích: “Khi thực thể Thiên Chúa không ẩn giấu đối với con mắt, thì lúc đó không còn có chỗ cho đức tin. Từ lúc thụ thai, Ðức Kitô đã được hưởng kiến chính bản thể Thiên Chúa… Thế nên, Ngài không thể có đức tin.” [64] Ðức tin thuộc phận mệnh tín hữu lữ khách (viator), chưa vào “quê Trời,” chưa được hưởng kiến; mà ngay lúc sinh tiền Ðức Giêsu đã là“kiến nhân,” không còn là tín hữu lữ khách: đã thấy thì đâu còn chỗ cho đức tin.

Nhưng ngày nay, Kitô học biện luận tinh vi hơn. [65] Có rất ít thần học gia còn bảo vệ luận đề về việc lúc sinh tiền, Ðức Giêsu đã được hưởng phúc kiến; bởi chủ trương như thế xem ra đi ngược lại với tín điều của công đồng Canxêđôn: Ðức Giêsu là con người hoàn chỉnh, và thiên tính với nhân tính không lẫn trộn với nhau (x. DS 302). Ngài sống cuộc đời như chúng ta, và cũng bị thử thách, cám dỗ như chúng ta (x. Dt 2:17-18); sự kiện này giả thiết là Ngài cũng sống trong tình trạng u tối của đức tin, của lữ khách, chứ không phải là trong ánh sáng phúc kiến.

Ðể tránh ngộ nhận, thì nên có một ý niệm rõ ràng về đức tin. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dẫn giải rằng: “Tin trước hết là sống mối gắn bó cá nhân con người mình với Thiên Chúa, đồng thời, cũng là tự nguyện chấp nhận toàn bộ chân lý Thiên Chúa đã mạc khải: Bởi bao gồm cả hai yếu tố nói trên, đức tin Kitô giáo khác hẳn với việc tin tưởng vào một người phàm” (số 150). Như thánh Tôma Aquinô phân tích, đức tin gồm hàm một yếu tố tri thức và một yếu tố ý chí, được biểu đạt qua ba thành ngữ Latinh: credere Deum, credere Deo, credere in Deum, [66] tức là tin Thiên Chúa hiện hữu, tin những gì Thiên Chúa dạy, và tin vào Thiên Chúa. Ðối tượng của đức tin (fides quae) thuộc phạm vi trí tuệ, là khía cạnh khách quan; lòng tin (fides qua) là thái độ của ý chí, là khía cạnh chủ quan: nếu tin vào Thiên Chúa, tất phải chầp nhận điều Người mạc khải. Về phần khách quan, xin xem Rm 10:8-10; về phần chủ quan, xin xem Rm 1:5; 16:26. Ðó là giáo lý của công đồng Vaticanô I (x. DS 3008). Yếu tố then chốt là thái độ của tâm hồn biết phó thác con người mình cho Thiên Chúa, là lời “vâng” (amen) vô điều kiện thưa lên với Chúa quan phòng.

Ðành là nếu Ðức Giêsu đã hưởng phúc kiến, tất không có đức tin; nhưng cũng sẽ không thể chịu khổ đau, không thể bị thử thách được; và nếu thế, thì không đúng với những gì Tân Ước khẳng định rõ (x. Mc 1:12-3; 14:32-42; Lc 22:8; Dt 2:18; 5:15). Mặt khác, Ðức Giêsu ý thức mình là ai, biết đủ về sứ mạng của mình; [67] cần lưu ý tới hai yếu tố này để có thể xác định đúng về đức tin của Ngài.

Tân Ước nhiều lần dùng đến từ “tin” (241 lần, theo dạng động từ; 243 lần, theo dạng danh từ), nhưng không bao giờ nói đến việc “Ðức Giêsu tin.” Khi Phúc Âm hình thành, các tác giả tin vào Ðức Kitô, và giả thiết là độc giả cũng tin như thế. Thành ngữ “đức tin của Ðức Giêsu” (Kh 14:12) có nghĩa là đức tin của các kitô hữu vào Ðức Giêsu. Tân Ước nói đến “đức tin của Giêsu Kitô,” và như thế trong 8 lần; nhưng hầu hết các nhà chú giải đều cho rằng thành ngữ ấy mang ý nghĩa chỉ về nội dung đức tin của chúng ta vào Ðức Kitô, dù cũng ám chỉ một phần nào đến thái độ tin tưởng của Ngài. [68] Ðáng kể hơn cả là các câu Dt 5:8 (“Ngài đã phải… học được thế nào là vâng phục”), Dt 12:2 (“Ðức Giêsu khai mở và kiện toàn đức tin”), và đoạn Dt 5:7-8 trình thuật sự việc Ðức Giêsu rên xiết cầu nguyện. Hẳn là tác giả muốn độc giả bắt chước Ðức Giêsu, chính trong thái độ tin tưởng ấy.

Thực vậy, Phúc Âm cho thấy Ðức Giêsu cư xử như một tín hữu theo đúng nghĩa của từ này. Ðức Giêsu không bao giờ đòi hỏi các môn đồ làm một điều mà Ngài đã không làm trước. Các môn đồ không thể chữa lành người bị động kinh là vì kém lòng tin; Ngài bảo: “Ðối với người có lòng tin, thì mọi sự đều có thể” và Ngài đích thân chữa lành bệnh nhân, tức cho thấy là mình có lòng tin ấy (x. Mc 9:23tt). Giữa cơn bão, khi các môn đồ tỏ ra thiếu lòng tin, Ðức Giêsu ngăm đe gió, và biển đã trở nên lặng như tờ (x. Mt 8:23tt). Ðức Giêsu là tín hữu tiêu biểu nhất.

Cầu nguyện là dấu tỏ rõ nhất của lòng tin chính thật. Ðức Giêsu dạy các môn đồ phải cầu nguyện không ngừng (x. Lc 18:1; 21:36), điều mà Ngài hằng làm như Phúc Âm cho thấy rõ. Ngài cầu nguyện trong hoang địa, và cầu nguyện dài ngày (x. Mc 1:35; Lc 5:16). Trong thời gian giảng dạy, Ngài thường đi riêng ra nơi thanh vắng mà cầu nguyện (x. Mt 14:23); có khi Ngài thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa (x. Lc 6: 12). Ngài tham dự các nghi thức phụng vụ nơi hội đường; nhưng cũng khuyên vào phòng riêng, đóng cửa lại mà cầu nguyện với Cha trên trời (x. Mt 6:5-7); hẳn đó là thói quen của Ngài. Ðức Giêsu cầu nguyện trước bữa ăn hoặc trước khi làm phép lạ, và những lúc thấy lòng hân hoan vì ân huệ lạ lùng Chúa Cha ban xuống (x. Lc 10:21). Vì thấy Ngài cầu nguyện với một thái độ và cung cách đặc thù, các môn đồ đã xin Ngài dạy cho biết cầu nguyện (x. Lc 11:1); tuy nhiên, Ðức Giêsu không bao giờ cầu nguyện chung với các môn đệ. Như các rabbi đương thời, Ðức Giêsu cũng đọc kinh cầu nguyện nơi công cọng (x. Mt 19:13). Cầu nguyện là phương cách chống lại cơn cám dỗ (x. Lc 22:40. 46); vì bị cám dỗ, nên Ngài cũng phải cầu nguyện, như thư Do thái ngầm chỉ (x. Dt 5:7). Thí dụ cụ thể và đặc biệt hơn cả là đêm cầu nguyện trong vườn Ghếtsêmani (x. Mc 14:33tt). [69]

Trong cầu nguyện, Ðức Giêsu đã sâu xa cảm nghiệm được Thiên Chúa là Cha mình: Abba! Hẳn là kinh nghiệm này khác với cảm nghiệm của người thường, và đôi khi, qua đó, Ngài đã có thể hưởng được ánh vinh phúc (như lúc biến hình trên núi); nhưng, thường thì Ngài gặp gỡ với Cha qua bức màn của đức tin. Cầu nguyện biểu hiện lòng tin chân thành; Ðức Giêsu bảo: khi cầu nguyện “anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11:24). Trong vườn Cây dầu và trên thập giá là những lúc Ngài cầu nguyện mà lòng đầy sầu muộn thiêng liêng (desolation). Hẳn là Ngài đã cầu cho nhân loại nói chung, cho các môn đệ nói riêng (x. Ga 17), và cho cả những kẻ giết mình (x. Lc 23:34).

Lòng tin ấy cũng đã chuyển biến và lớn lên. Những năm sống ở Nadarét, Ðức Giêsu sống đạo như một tín đồ Do thái sốt sắng, tham dự phụng vụ tại hội đường, và dùng Thánh vịnh mà đọc kinh cầu nguyện. Còn về cuộc đời công khai của Ngài, các học giả phân biệt hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, được gọi là giai đoạn “khủng hoảng ở Galilê,” Ðức Giêsu nhấn mạnh đến sự việc vương quyền (quốc) Thiên Chúa đã đến gần kề; Ngài cảm thấy Thiên Chúa trung thành trong các kỳ công (phép lạ) Ngài thực hiện, trong việc các đám đông hớn hở nghe lời giảng của Ngài, trong việc để Ngài chia sẻ quyền năng (exousia) với các môn đồ. Thần dữ xem ra đang chạy trốn. Ngài cầu nguyện trong hân hoan, an ủi, như đọc thấy được ở trong các đoạn trình thuật Mt 11:25f, Lc 10:21t. Trong giai đoạn hai, Ðức Giêsu ẩn tránh đám đông, đến độ phải đi ra xứ ngoài (Xêdarê Philípphê, Tyrô…). Ðời sống nội tâm quy về Chúa Cha như là nguồn cội duy nhất đáng tin tưởng; thập giá bắt đầu ló dạng nơi chân trời. Bấy giờ, Ðức Giêsu dồn hết nỗ lực vào việc đào luyện nhóm môn đệ và báo cho họ phải sẵn sàng để vác thập giá. Kinh nghiệm thiêng liêng được nội hiện. Ðức Giêsu cảm thấy cô đơn và lo âu cho tương lai, dù Ngài không mảy may đặt vấn đề về lòng trung tín của Chúa Cha. Lòng tin được thanh lọc qua thử thách. Quyền lực tội lỗi làm như đang xông lên đe dọa Ngài. Như thế mới rõ là lòng tin của Ðức Giêsu đạt đến tột đỉnh trên thập giá, lúc mà tối tăm có vẻ như đã chung kết thắng cuộc. Ðức Giêsu đã sống qua kinh nghiệm niềm tin như chúng ta.

Những nhận xét trên đây liên quan đến fides qua, tức thái độ tin tưởng vào Thiên Chúa. Còn về fides quae, tức là nội dung các chân lý mạc khải cần phải chấp nhận, thì thần học công giáo không nhất trí. Ðã ý thức mình là Con Thiên Chúa, và nhận được những kiến thức thiên phú, thì Ngài không thể chỉ có đức tin theo nghĩa thông thường. [70] Ngài không còn có thể tin Thiên Chúa hiện hữu, tin mình là Ðấng Cứu Thế, v.v., vì Ngài đã biết rõ các điều đó. Nhưng đối với những gì mang lịch sử tính trong đức tin Do thái giáo – chẳng hạn như công thức tuyên xưng trong đoạn Ðnl 26:5-9 – thì Ngài sống đức tin như các tín hữu Do thái khác. Còn về tương lai – Ðức Giêsu đã biết, đoán biết và chờ mong những gì  – thì thần học còn đang trong vòng tranh luận. Khi dựa theo đức tin của chúng ta để bàn về đức tin của Ðức Giêsu, là chúng ta dùng đến phép loại suy, bởi không thể hiểu đức tin Ngài theo nghĩa thông thường dù đó là đức tin thật. Do đức tin thật này mà Ðức Giêsu là gương mẫu về đức tin cho các tín hữu kitô.

VII. THIÊN CHÚA CỦA ÐỨC GIÊSU

Thành ngữ “Thiên Chúa của Ðức Giêsu” có thể được hiểu là quan niệm của Ðức Kitô về Thiên Chúa theo mạc khải, tức là “Thiên Chúa theo Kitô giáo.” [71] Ở đây, có thể mang ý nghĩa chỉ về Thiên Chúa Ðức Giêsu tôn thờ, hoặc chỉ về quan niệm về Thiên Chúa đọc thấy trong lời nói và việc làm của Ngài. [72] Cách chung, có thể nói là Ðức Giêsu thâu tóm toàn bộ kinh nghiệm của Ítraen về Thiên Chúa. Trong nhãn quan tiên tri, Thiên Chúa xuất hiện như là Ðấng bảo trợ dân nghèo, bênh vực kẻ yếu thế, minh oan cho người bị áp bức, xử tệ; như là Ðấng công bằng giữa thế giới đầy dẫy những xung đột, bất công. Trong truyền thống khải huyền, Thiên Chúa được giới trình như là Ðấng dủ lòng thương tái tạo mọi sự; như là Chúa tể càn khôn trong lịch sử, và là Ðấng Thẩm phán của hết mọi loại. Trong văn chương khôn ngoan, Thiên Chúa xuất hiện như là Ðấng quan phòng, dung thứ cho cả người công chính lẫn kẻ bất lương, cho đến giờ phút cuối cùng lúc Ngài sẽ phán xét tất cả. Trong kinh nghiệm thiêng liêng bi thảm, Thiên Chúa là Ðấng lặng thinh, vắng bóng.

Không dạy một bài tổng hợp về Thiên Chúa, Ðức Giêsu tỏ cho thấy mình có kinh nghiệm đa dạng về Ðấng Ítraen tôn thờ. Cựu Ước âm vang dội lại ở trong Phúc Âm.

Trước tiên, Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng trời đất, muôn vật và loài người, làm cho vũ trụ có trật tự, và đó là quy phạm phải tuân giữ ((x. Mc 10:6; 13:19). Người là Chúa của sự sống và sự chết (x. Mt 18:23tt), nắm trong tay vận mệnh của mỗi người (x. Mt 10:28). Khôn ngoan xác thịt không thể hiểu thấu lòng nhân hậu và đường lối cứu độ của Người, nhưng Người đã mạc khải mầu nhiệm ấy cho những kẻ bé mọn đơn sơ (x. Mt 11:25tt). Tôn thờ Người là bổn phận tuyệt đối, chẳng có gì miễn trừ được (x. Mt 4:10; Lc 4:8). Ðức Giêsu đã giải thích rõ cho mọi người hiểu điều răn thứ nhất là “điều răn quan trọng nhất, và là điều răn thứ nhất (số một)” (Mt 22:38).

Hơn nữa, Thiên Chúa thì cao cả, trổi vượt hẳn mọi tôn giáo, mọi thứ phụng tự (x. Mc 7:1tt); không ai được dùng Thánh Danh Người nhằm trục lợi hoặc để đạt mục đích riêng tư (x. Mt 5:33t; 23:16t). Lễ vật nào rồi cũng chẳng xứng với Người; dù sao thì Người cũng chẳng cần gì; vì thế, Người chỉ muốn được thấy thái độ chân thành nội tâm, bởi, sau khi con người đã chu toàn mọi nhiệm vụ, thì vẫn phải thú nhận mình chỉ là tôi tớ vô dụng (x. Lc 17:7tt).

Một mặt khác, Thiên Chúa là Cha nhân từ, đầy lòng thương xót (thấy rõ qua các dụ ngôn). Người săn sóc, chăm lo cho con cái, âu yếm đến nỗi để tâm đếm cả từng sợi tóc trên đầu (x. Mt 10:30; Lc 21:18). Như một người mẹ, Người đem hết lòng từ mẫu để lo lắng trước hết cho những kẻ nhỏ bé, yếu hèn nhất (x. Mt 18:5tt). Thiên Chúa của Ðức Giêsu là một “Thiên-Chúa-cho-con-người,” như bị ám ảnh bởi con người, đến độ Người làm như để vinh quang, việc phục vụ, tình yêu của Người tùy thuộc vào con người: Ðức Giêsu giải thích điềư răn thứ nhất qua dụ ngôn người xứ Samari nhân hậu (x. Lc 10:25tt). Những người được coi là “chuyên khảo” về điều răn thứ nhất, tức là các giáo sĩ, đã bị lên án, vì họ quên rằng trong đời sống hằng ngày, con người cụ thể được đặt vào hàng ưu tiên (x. 1Ga 4:20). Thiên Chúa “nhường” quyền cho con cái Người. Trong tôn giáo của Ðức Giêsu, quy tắc căn bản là “Thiên Chúa muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9:13; 12:7), vì Con Người có quyền trên cả ngày sabát (x. Mt 12:8). Kết luận là Thiên Chúa từ chối giao hảo với những ai không giao hảo với tha nhân, và không chấp nhận việc phụng tự của những ai không biết làm hòa với tha nhân (x. Mt 5:23-4; 6:14). Thiên Chúa sẽ đối xử với chúng ta theo cách thức chúng ta đối xử với nhau (x. Mt 7:1tt).

Cụ thể mà nói, quy phạm tuyệt đối là lòng yêu thương đối với tha nhân: Thiên Chúa ẩn giấu đằng sau hay phía bên kia bộ mặt của mỗi người. Trả lời thanh niên kia hỏi về “những gì phải làm để được sự sống đời đời,” Ðức Giêsu làm như “quên” mất đi ba điều răn đầu để chỉ nói đến những bổn phận đối với người khác (x. Mc 10:19tt). Cũng vậy, khi Ngài khiển trách các người biệt phái và thông luật, Ðức Giêsu chỉ nêu lên những tội phạm đến con người (x. Lc 11:39tt); và trong cuộc phán xét chung, các công tác phục vụ nhằm ứng đáp nhu cầu người khác, sẽ được dùng làm quy tắc quyết định số phận đời đời của mỗi người (x. Mt 25:34tt).

Ðức Giêsu đã ban điều răn duy nhất của Ngài là yêu thương nhau (x. Ga 15:12); từ đó, hình như Thiên Chúa đã đặt tha nhân thay mặt Người trong việc phục vụ, trong thái độ tôn kính, yêu thương, v.v. một cách thật gắn bó như hình với bóng (x. 1Ga 4: 20). Vì thế, Kitô giáo thâu tóm toàn bộ Lề Luật vào trong quy tắc duy nhất: yêu thương đồng loại như chính mình (x. Rm 13: 8-10; Gl 5:14).

Phúc Âm Gioan vén mở cho thấy: muốn biết Thiên Chúa, thì chỉ cần nhìn vào Ðức Giêsu. Ngài là chân dung của Thiên Chúa (x. Ga 14:9), Ngài nói lời của Thiên Chúa (x. Ga 14:10), Ngài làm việc của Thiên Chúa (x. Ga 4:34; 5:36; 10:37, v.v.). Thực ra, Thiên Chúa và Ðức Giêsu chỉ là một (x. Ga 10:30.38).

Thiên Chúa của Ðức Giêsu là Thiên Chúa thật, nhưng trong một cách thể nghịch lý: tuyệt đối dù có đi vào lịch sử tương đối qua các cuộc hiển linh; toàn năng dù xem ra bất lực trước sự tình loài người; đáng được yêu mến tuyệt đối vô điều kiện mà vẫn đón nhận tình yêu vụ lợi của con người. Người là niềm hy vọng của chúng ta dù đôi lúc làm như bỏ ta thất vọng; Chúa tể càn khôn mà vẫn để cho loài người nắm giữ quyền năng trên vũ trụ; quan tòa chung quyết mà Người lại không ngừng tha thứ. Cuối cùng, bất chấp thập tự, Thiên Chúa là Cha của Ðức Giêsu Kitô. Người ban mọi sự, nhưng lại xin mọi sự; dựng nên chúng ta để sống tự do, nhưng lại đòi ta vâng phục ý Người để sống. Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.


[61] Xin xem Perrot, Ch., Jésus et l’histoire, Paris 19932, tt. 95-136.

[62] Xin xem Gerhardsson, B., The Testing of God’s Son (Matt 4:1-11&Par). An Analysis of an Early Christian Midrash, Lun: Gleerup 1966; Dupont, J., Les tentations de Jésus au désert, Bruges 1968; Calloud, J., Les tentations de Jésus au désert. L’analyse structurale du récit, Lyon 1973; Le Du, J., La tentation de Jésus dans l’économie des désirs, Paris 1977; Panier, L., Récit et commentaires de la tentation de Jésus au désert. Approche sémiotique, Paris 1984; Rey, B., Les tentations et le choix de Jésus, Paris: Cerf 1986; Best, E., The Temptation and the Passion: the Markan Soteriology, Cambridge U.P. 1990; Garrett, S. R., The Temptations of Jesus in Mark’s Gospel, Grand Rapids: Eerdmans 1998.

[63] Charlesworth, J.H., Jesus within Judaism, Garden City 1988; Vermes, G., The Religion of Jesus the Jew, London: SCM 1993.

[64] Summa III.7.3 resp. Về quan điểm cổ truyền, xin xem Bertrand de Margerie, trong Esprit et Vie, 30 Juin 1980.

[65] Về đề tài này xin xem Balthasar, H. U. von, La foi du Christ, Pais 1968 ; Sobrino, J., Christology at the Crossroads, London: SCM Press 1978, 79-145; Rahner, K., và Thusing, W., A New Christology, London 1980, 143-154; Guillet, J., La Foi de Jésus-Christ, Paris: Desclée 1980; Hays, R. B., The Faith of Jesus Christ, Chico: Scholars Press 1983; O’Collins, G. và Kendall D., “The Faith of Jesus,” Theol. Stud. 53 (1992) 403-423 .

[66] Xin xem Summa Theologica 2a-2ae. 2. 2.

[67] Chúng tôi sẽ trình bày sau về những điểm này.

[68] Hooker, M. D., “Pistis Christou,” N.T.Studies 35 (1989) 321-342; Vanoye, A., “PistiV Cristou = fede in Cristo o affidabilità di Cristo?” Biblica 80 (1999) 1-21.

[69] Xin xem Marchel, W., Abba, Père! La prière du Christ et des chrétiens, Rome 1963; Monloubou, L., La prière selon saint Luc, Paris: Lectio divina 89, 1976.

[70] Xin xem Galot, J., Who is Christ?, Chicago: Franciscan Herald 1981, tt. 354-6, 380, 382.

[71] Chẳng hạn như cuốn Walter Kasper, The God of Jesus Christ, New York: Crossroad 1991.

[72] Dupont, J., “Le Dieu de Jésus,”  Nouv.Rev.Théol. 109 (1987) 321-344; Sobrino, J., Jesus the Liberator, London: Burns&Oates 1994, tt. 135-159; xin  xem Vermes. G, The Religion...