Khảo Luận Về Kitô Học: Đức Kitô Trong Tư Thế Là Con Người (5/2)

0
859


KHẢO LUẬN TRƯỜNG THIÊN VỀ ĐỨC KITÔ

Tác giả: Lm. F.Gómez Ngô Minh, SJ.

***

***

CHƯƠNG V

ÐỨC KITÔ TRONG TƯ THẾ LÀ CON NGƯỜI

 

 

III. ĐỨC GIÊSU THEO PHÚC ÂM

Ngày nay, có nhiều phương tiện học hỏi hơn thời trước. Các khoa chú giải và sử học, thần học kinh thánh và các khoa nhân văn đều cùng nhau góp phần vào nỗ lực tìm kiếm sự thật về con người Giêsu Nadarét, và gia công lý giải ý nghĩa về Ngài cho loài người nói chung, và cho chính bản thân người tầm cứu nói riêng. [22]

A. GIA PHẢ

Nói về con người, thời tân đại thường nhấn mạnh đến sử tính. Ðã là con người, tất Ðức Giêsu phải sống trong lịch sử, nghĩa là không những Ngài “giống như chúng ta,” mà còn “thuộc về dòng tộc,” là “đồng bào” của chúng ta nữa, tức là một cá nhân trong loài người, mang di truyền của tổ tiên, là “sản phẩm” của cuộc biến hóa từ “bụi vũ trụ” cho đến bây giờ, như chúng ta. Những bản gia phả trong hai Phúc Âm Mt và Lc, giúp cho hiểu được một phần nào về điểm này. [23]

Mt 1:1-17 và Lc 3:23-38 ghi lại hai gia phả khác nhau của Ðức Giêsu. Cả hai đều cho thấy Ðức Giêsu là một người đồng loại của chúng ta: Mt muốn nói Ðức Giêsu là người Do thái, còn Lc thì muốn đơn thuần chứng tỏ Ngài là con người.

Hai danh sách các tổ tiên Ðức Giêsu trong Mt và Lc không trùng nhau, chỉ đồng ý với nhau về quãng giữa Abraham và Ðavít, và về Dơrúpbaven. Có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích sự khác biệt vừa nói; nhưng giả thuyết nào sẽ thuyết phục được độc giả? Có kẻ chủ trương Mt trình bày gia phả của Giacóp là cha ruột của Giuse; còn Lc thì lần bước theo tổ tiên của Hely là cha theo luật (về mặt pháp lý) của Giuse. Kẻ khác lại cho rằng Mt cố minh chứng về dòng dõi triều đại Ðavít; còn Lc thì chỉ kể ông cha con cháu ra theo liên hệ ruột thịt gia đình. Có tác giả còn cho rằng Mt ghi lại gia phả của Giuse, còn Lc thì của Maria; v.v. Trong văn hóa Do thái, nhiều gia đình cẩn trọng gìn giữ gia phả, đặc biệt là những gia đình trong dòng tư tế (x. Er 2: 59-62), và các danh sách có thể khác nhau (thử so sánh 1Sb 7: 6-12 với 8:1-40); vì thế, có thể là Mt và Lc đã dùng hai truyền thống khác nhau về dòng tộc Ðavít. Theo Eusêbiô († 325), hồi đầu thế kỷ thứ nhất, xã hội Do thái còn biết đến các “con cháu” Ðavít ở giữa họ. [24] Trong văn thể gia phả, từ ngữ “sinh ra,” hoặc “là con của” không mang ý nghĩa chỉ về con ruột, nhưng là người thừa kế theo luật. Ðiều quan trọng ở đây là ý nghĩa hay sứ điệp gia phả muốn nói lên. Vậy, qua gia phả, các tác giả đã muốn nói lên điều gì về Ðức Giêsu?

1. Mátthêu 1:1-17

Mt bắt đầu với “Gia phả” (Bíblos genéseos) của Ðức Giêsu Kitô, con cháu Ðavít, con cháu Abraham. [25] Ở cuối chuỗi tên ấy, xuất hiện “Ðấng Kitô,” không phải đơn thuần như một thần linh từ trời xuống, song như là con cháu của một gia đình trần thế, cụ thể. Vì là “con của Ðavít” nên Ðức Giêsu là “Ðấng Kitô”; vì là “con của Abraham,” nên Ngài thừa kế lời hứa (x. Gl 3:16). Vậy, Mt muốn chứng tỏ Ðức Giêsu là Ðấng được hứa theo hai dòng dõi: theo dòng dõi của Abraham (x. St 15) và theo dòng dõi của Ðavít (x. 2Sm 7).

Nếu so sánh Mt 1:1 với St 5:1, thì sẽ thấy ngay rằng Mt muốn chứng tỏ Ðức Giêsu là con người thật, là Ađam mới. Mt dùng lối “chơi số” theo kiểu thời xưa để giãi tỏ hàm ý của mình: để chứng tỏ Ðức Giêsu là con người toàn vẹn, cao trọng còn hơn Ađam, Mt đã xếp danh sách thành ba loạt tên, mỗi loạt có 14 tên, hoặc sáu loạt với 7 tên mỗi loạt; mà đối với dân Do thái, số 7 là con số hoàn hảo. Như thế là muốn nói Ađam đã được tạo dựng trong ngày thứ 6, tức trong một con số (tình trạng) bất toàn; trái lại, Ðức Giêsu mở đầu ngày thứ 7, tức là cuộc tạo dựng mới, con người mới. Nói cách khác, Ðức Giêsu khai mở thời viên mãn: các con số 3x7x2 chỉ về thời gian “siêu (3) hoàn hảo (7) gấp bội (2).” Kiểu chơi số như thế không còn có ý nghĩa trong thời này.

Mt muốn chứng minh Ðức Giêsu là con của Ðavít. [26] Vì vậy, tác giả xếp đặt 3 loạt tên gọi, mỗi loạt 14 tên, dù đã phải bỏ một ít tên trong lịch sử Ítraen. Theo truyền thống Do thái, giữa Abraham và Ðavít, đã có 14 thế hệ; có lẽ vì thế, Mt xếp đặt để hai loạt (giai đoạn) khác cũng gồm có 14 thế hệ cho bằng nhau. Mặt khác, theo số học Do thái, 14 là con số tượng trưng cho Ðavít, bởi họ thường dùng chữ để viết số, và bởi “Ðavít” viết bằng tiếng Hipri là DVD (họ không ghi nguyên âm); mà: D=4, V= 6, D=4, thế nên, DVD=14.

Một đặc tính kỳ lạ của gia phả Mt là sự kiện nêu lên bốn tên phụ nữ; người Do thái chỉ ghi tên của tổ tiên phía nam giới. [27] Bốn phụ nữ ấy là Tama (x. St 38:29), Rakháp (x. Gs 2:1), Rút (x. R 4:17) và “vợ Urigia” là BátSeva (x. 2Sm 11:3tt). Mt muốn nói lên điều gì? Các phụ nữ này có điểm gì chung? Tama, Rakháp và BátSeva là những người tội lỗi; Rakháp, Rut và BátSeva là dân ngoại. Dường như chỉ có một điểm chung là họ đã dự vào dòng dõi Ðức Kitô cách “bất thường,” “bất ngờ,” và điều đó cho thấy là đường lối của Thiên Chúa thì khác với kế hoạch của con người. Thiên Chúa hoạt động một cách tự do, nhưng không. Như vậy, Mt chuẩn bị cho độc giả hiểu về Ðức Maria: ngài cũng dự vào dòng dõi Ðức Kitô cách “bất thường.”

Ý định của Mt là thế nào đi nữa, thì gia phả cũng cho thấy rõ một sự kiện: không thuộc duy chỉ dòng máu Do thái, Ðức Giêsu còn thuộc về mọi dòng dõi. Hơn nữa, tổ tiên Ngài không chỉ gồm những vị thánh thiện, mà cả những người tội lỗi nữa; Ngài chia sẻ gia nghiệp rắc rối và đen tối nhất của con người. Kết luận: Ðức Kitô là một con người hoàn chỉnh, thuộc dân Do thái, mang lời hứa của Thiên Chúa, và thừa kế hậu quả của tội lỗi. Ngài thâu tóm lịch sử của Ítraen với các nghịch lý của nó.

2. Luca 3:23-38

Ngược chiều so với Mt, Luca trình bày gia phả của Ðức Giêsu từ dưới lên trên, tức từ ông Giuse cho tới Ađam. Giữa câu 22: “Con là Con Cha” và câu 38: “Con Thiên Chúa,” đoạn viết về gia phả – một thể loại văn học gọi là “bao hàm” (inclusion), tức là được lồng vào giữa hai câu nói về “Con” – thuần túy là một danh mục, và danh mục đó chính là nội dung của đoạn văn. [28] Xem ra Luca muốn nói lên rằng Ðức Giêsu là con người và Ađam (= người) là con Thiên Chúa, nghĩa là người và Thiên Chúa không mâu thuẫn với nhau.

Số thế hệ trong Lc không rõ ràng cho lắm; các bản cổ ghi lại 77, 76 hay 72 thế hệ; thường thì người ta theo bản văn Hy lạp với 77 thế hệ. Con số này mang ý nghĩa tương tự như Mt: 77 = song thất, chỉ về thời gian viên mãn. Có truyền thống cho rằng Ðấng Mêsia sẽ xuất hiện trong tuần thứ mười một của thế giới (x. 4Er 14:11-12); mà 11 “tuần” thì có 77 “ngày” và một “ngày” tượng trưng cho một thế hệ; thế nên, thế hệ thứ 77 là thời viên mãn. Như vậy, Ðức Giêsu sinh ra vào hồi viên mãn của lịch sử.

Dù sao, điều đáng chú ý ở đây là Lc nhấn mạnh đến sự kiện Ðức Giêsu là con người toàn vẹn, hoàn chỉnh: là con cháu của lịch sử nhân loại. Ngài là Con Thiên Chúa chính tự trong bản chất là con người; hai “tử tính” này hòa hợp với nhau; nhưng tử tính loài người của Ngài đâm rễ từ trong tử tính Thiên Chúa. Và vì Ngài là “con-người-từ-tất-cả” nên mới có thể là “con-người-cho-tất-cả,” là con người toàn diện.

B. ÐỨC GIÊSU ÐƯỢC THỤ THAI VÀ SINH RA

Ðây là vấn đề tế nhị. Trong Kinh Tin Kính, Giáo hội tuyên xưng: “Bởi phép Chúa Thánh Thần, Ngài đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.” Nhưng mặt khác, văn hóa thời nay tỏ ra không mấy sẵn sàng để tin vào những chuyện có vẻ thần thoại, thường đem trộn lẫn vào trong quy trình vận hành tự nhiên, những dữ liệu siêu nhiên. Giữa một thế giới chạy theo trào lưu tục hóa, phép lạ không còn chỗ để đứngï; giữa một môi trường văn hóa đề cao chủ nghĩa khoái lạc và phiếm tính dục, giá trị của trinh khiết chẳng còn được mấy ai quý trọng. Hơn nữa, ngay cả thần học cũng lớn tiếng cao rao giá trị của tình dục và việc thụ thai thuần túy tự nhiên…

 Mặt khác, Kitô học lại nhấn mạnh đến sự việc Ðức Giêsu là con người như chúng ta. Vậy, nếu Ngài được thụ thai cách phi thường thì làm như Ngài không phải là con người thật, không trọn vẹn là người. Gia phả Phúc Âm cho thấy Ngài sinh ra từ dòng dõi loài người, là con cháu của những tổ tiên lịch sử và cụ thể. Nhưng nếu Ngài thiếu đi người cha tự nhiên, thì dây liên hệ với quá khứ, với dòng tộc cũng sẽ bị gián đoạn đi: Ngài không phải hoàn toàn từ trong bản chất con người mà ra, nhưng là từ bên ngoài mà đến ở giữa nhân loại. Thực vậy, thần học công nhận Ðức Giêsu cũng có phần khác với chúng ta. Ðiều căn bản cần lưu ý ở đây là đức tin của Giáo hội dựa vào mạc khải của Thiên Chúa, chứ không phải là dựa vào một mệnh đề tiên thiên hoặc một kết luận rút ra từ một tín điều khác.

1. Chứng Từ Của Kinh Thánh

Giáo lý về Ðức Giêsu được người mẹ trinh khiết thụ thai, dựa trên chương một của các Phúc Âm Mt và Lc; ngoài ra, còn có truyền thống và đức tin thường tồn của Giáo hội ngay từ buổi sơ khai. Ðành là các bản văn của Tân Ước không thuyết phục được những độc giả mang thành sẵn kiến hoặc muốn giải thích một cách khác. Tuy nhiên, các bản văn ấy quả có sức thuyết phục, hợp lý, đầy đủ và vững chắc đối với đức tin cổ truyền. [29] Các chương Mt 1–2 trình thuật sự kiện kia từ quan điểm của Giuse; còn Lc 1–2 thì theo thái độ và phản ứng của Maria.

Mt 1:18: “Sau đây là gốc tích Ðức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh thần.”

Trong câu này, Mt cho thấy rõ hai điểm: thứ nhất, Ðức Giêsu là ai? – Là Ðức Kitô con của Ðavít và Con của Thiên Chúa; thứ hai, bằng cách nào? – “Con của Ðavít” là nhờ ông Giuse, “con của Ðavít” (x. Mt 1:20, và cả câu 16); “Con của Thiên Chúa” là nhờ Thần Khí (x. Mt 1:18.20). Hơn nữa, Mt nhấn mạnh rằng ông Giuse không phải là cha tự nhiên của Ðức Giêsu (x. Mt:18-24): sứ điệp này được thiên thần loan báo (x. Mt 1:20-21), đã xảy ra theo kế hoạch của Thiên Chúa (x. Mt 1:23), mà Giuse đã chấp nhận (x. Mt 1:25). Maria thụ thai khi còn đồng trinh. Mt trích dẫn Is 7:14 “…Trinh nữ sẽ thụ thai…” theo bản dịch LXX bằng tiếng Hy lạp, dù bản tiếng Hypri dùng từ almah có nghĩa là “thiếu nữ,” nhưng Mt đã cố ý nêu bật tình trạng và vai trò của Maria: đồng trinh mà là mẹ. Mt trình thuật dựa theo truyện Môsê Cựu Ước kể lại: Xh 4:19 viết là “hãy đem vợ và con cái đi,” còn Mt 2:13 thì bằng một câu tương tự, đã ghi là “hãy đem hài nhi và mẹ Người đi,” với mục đích làm nổi bật vai trò độc đáo của Maria. [30]

Lc 1:34: “Bà Maria thưa với sứ thần: ‘Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?’” Trong câu Lc 1:27, hai lần Luca nhắc đến sự việc Maria là “một trinh nữ.” Rồi tác giả còn ám chỉ tới Is 7:14 (dù không trưng dẫn) và cho thấy Hài Nhi (Giêsu) cao cả hơn Gioan Tẩy Giả. Gioan được thụ thai cách lạ lùng (cha mẹ không con và đã cao niên); nhưng trường hợp của Giêsu thì còn lạ lùng hơn nữa (mẹ đồng trinh). Như trong câu Lc 1:18, lời hỏi “làm sao” của Dacaria ngầm chỉ đến “trở ngại” nói lên trong câu Lc 1:7 (vợ chồng hiếm hoi), thì cũng vậy, trong câu Lc 1:34 lời hỏi “làm sao” của Maria ngầm chỉ đến “trở ngại” là giữ mình đồng trinh. Như vậy, Luca cũng muốn cho thấy rằng Ðức Giêsu là “con cháu Ðavít” nhờ Giuse (x. Lc 1:27), và “Con Thiên Chúa” nhờ Thần khí (x. Lc 1:35). [31]

Tư tưởng của Mt và Lc phản ánh quan niệm của Giáo hội sơ khai về Ðức Kitô, như đọc thấy trong Rm 1:3-4 chẳng hạn; chỉ khác là trong Mt và Lc Thần Khí tác động từ lúc thụ thai. Ðại đa số nhà chú giải nhận là Mt và Lc quả đã nói rõ là Ðức Giêsu được thụ thai do một người mẹ đồng trinh.

Một số học giả cũng cho rằng giáo lý này còn được củng cố bởi một số bản văn khác, như: Gl 4:4, Ga 1:13, 6:41-2 và Mc 6: 3; [32] nhưng phần đông không cho là các bản văn nầy có quan hệ với vấn đề.

Tiếp đó còn có vấn đề: Mt và Lc thuật lại như vậy, nhưng có thực sự xảy ra như vậy hay không? Sau khi phân tích tỉ mỉ hai đoạn văn trên đây của Mt và Lc, và ý kiến của nhiều học giả, một nhà chú giải đã đưa ra kết luận này: về phương diện thuần túy chú giải, không tuyệt đối chứng minh được việc đồng trinh thụ thai là một dữ kiện lịch sử; tuy nhiên, những lý do thuận thì mạnh hơn là những lý do nghịch, nghĩa là chấp nhận sự kiện ấy thì hợp lý hơn là phủ nhận. [33] Về phương diện đức tin của Giáo hội, thì nên ý thức rõ rằng ý kiến của các học giả– nay thế này, mai thế khác – không phải là tiêu chí của đức tin; mạc khải như Giáo hội đã đón nhận và bảo toàn: đó mới là tiêu chí của đức tin. Chẳng thế mà Raymon E. Brown viết: “Lòng tin về sự việc Ðức Maria thụ thai mà vẫn còn đồng trinh sẽ không hiện rõ, nếu chỉ đơn thuần đọc các bản văn của Mt và Lc mà không ý thức rằng Mt và Lc viết các bản trình thuật ấy là để giãi trình niềm tin mình [Giáo hội] đã có sẵn đối với sự việc [Ðức Maria] thụ thai mà vẫn đồng trinh. Ðối với giáo lý chính thực của Giáo hội, thì phải nhìn nhận là Thần Khí đã dẫn dắt Hội thánh và các đại diện thẩm quyền, tới chỗ am hiểu mầu nhiệm Ðức Kitô.” [34]

2. Lập Trường Nghịch Với Giáo Lý Công Giáo

Nói chung, đa số học giả và thần học gia Tin lành (J. Robinson, W. Pannenberg, v.v.) khước từ giáo lý này, dù K. Barth đã gọi sự việc “Ðồng trinh sinh con” là “đại biểu tượng của lòng nhân hậu Thiên Chúa.” Họ cho ông Giuse là cha đẻ của Ðức Giêsu. Trong “làng” thần học công giáo cũng có tình trạng bất đồng ý kiến. Ðại đa số giữ vững học thuyết cổ truyền, trong khi một thiểu số – khá ồn ào và tự xưng là cấp tiến – còn nghi ngờ hoặc bỏ rơi giáo lý này. Khi Sách Giáo Lý Hà Lan ra đời (năm 1966), độc giả đã nhận ra ngay lập trường nước đôi trong điểm trình bày như thế này: việc Ðức Giêsu sinh ra được coi như “vô cùng lớn hơn sự sinh ra của bất cứ người nào,” nhưng lại không đề cập gì đến “Ðức Mẹ đồng trinh.” Bộ Giáo Lý Ðức Tin đã lập tức lên tiếng về điểm trên đây (24-7-66), nhưng Giáo phẩm Hà lan trả lời (25-3-67) cho rằng việc đồng trinh thụ thai là một giữa những “vấn đề đang tranh luận.” Hans Kušng cũng gọi việc này là “huyền thoại,” và quả quyết: “không ai có thể bị buộc phải tin một chuyện sinh lý như việc thụ thai mà vẫn đồng trinh.” [35] Ở Hoa kỳ, R. McBrien cũng cho rằng giáo lý này không phải là tín điều. [36]

Dựa vào lý do nào mà phủ nhận? – Trước hết có chủ hướng tiên thiên phủ nhận phép lạ – nhất là “phép lạ này” [thụ thai mà vẫn đồng trinh], bởi, theo J. Robinson, nghe ra quá chướng tai đối với người tân thời – và cho là Thiên Chúa không can thiệp vào trong lịch sử loài người.

Một chủ hướng khác: đó là chủ trương giải thích những bản văn theo một cách khác. Họ nhận Giuse không phải là cha đẻ của Ðức Giêsu; nhưng họ cho Ngài là “con hoang” do ngoại tình hoặc do cưỡng dâm hay do một cách nào khác. [37] Ðó là truyền thuyết xuất hiện hồi thế kỷ 2, trong giới Do thái bài kitô (sách Talmud). Họ cho là Mt và Lc biết rõ chuyện tai tiếng này và đã ra sức che đậy. Kể ra một vài chỗ trong Phúc Âm cũng có thể gợi lên ý tưởng “kỳ lạ” kia: Mc 6:3 gọi Ðức Giêsu là “con của Maria,” mà Mt 13: 55 đã đổi thành “con bác thợ.” Ga 6:41-42 cũng đọc thấy những lời xầm xì, và trong Ga 8:41, khi người Do thái bảo: “Chúng tôi đâu phải là con hoang…” thì cũng có thể giả thiết: “Không như ông…” Tên các phụ nữ kể ra trong gia phả cũng có thể hiểu như là để “bào chữa” cho trường hợp của bà Maria; v.v. Chỉ có điều là các giả thuyết trên đây không có được một chút căn bản lịch sử nào cả. [38]

Có những người khác lại cho Giuse là cha tự nhiên của Ðức Giêsu, [39] nhưng đồng thời chủ trương rằng “việc thụ thai đồng trinh” có ý nghĩa thần học đáng kể và phải được giải thích theo nghĩa bóng: Mt và Lc muốn cho độc giả hiểu Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, tức “bởi Chúa Thánh Thần;” còn câu “bởi đức Maria đồng trinh” thì không muốn nói là phải hiểu theo nghĩa đen. [40]

Vấn đề những ý kiến trên đây phải đối diện là trực tiếp hay gián tiếp, họ phủ nhận quyền năng và tự do của Thiên Chúa. Ngoài ra, các giả thuyết không lý giải nổi các bản văn của Mt và Lc. Một học giả đã thú nhận: “Phải thành thực nhìn nhận là cho đến nay, không ai đã có thể khám phá ra được bất cứ một bằng chứng nào khả dĩ phủ nhận sự việc thụ thai đồng trinh, để cho rằng việc đó đã không xảy ra.” [41]

3. Ðức Tin Của Giáo Hội

Từ buổi sơ khai, Giáo hội đã minh nhiên tuyên xưng đức tin đối với sự việc Ðức Maria đã cưu mang và sinh hạ Ðức Kitô mà vẫn đồng trinh. Sở dĩ Mt và Lc đã trình thuật như vậy thì chính là vì công đoàn kitô đã tin như vậy. Kinh Thánh là kết quả phát sinh từ niềm tin của Hội Thánh, chứ không phải là nguyên nhân của niềm tin ấy.

Kinh tin kính của công đồng Nixêa-Conxtăntinốp (năm 381) long trọng tuyên xưng: “Bởi phép Chúa Thánh Thần, [Con Một Thiên Chúa] đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người” (DS 150). Từ đó, phụng vụ đã công khai, minh nhiên và thường xuyên tuyên bố đức tin ấy trong các cộng đoàn Tạ ơn, trên khắp thế giới. Tín quy của Êphêsô (năm 431) và công đồng Constăntinốp II (năm 553) đồng thanh ghi tín điều này vào sổ các sắc chỉ kết án [những kitô hữu không chịu tin nhận] (anathematismus). Về mặt giáo luật, giáo lý này chưa được định tín cách minh nhiên vì cho đến thời cận kim, chưa hề bị lạc giáo nào phủ nhận. Bây giờ vấn đề mới được đặt ra: có phải đó là một tín điều chính thức (dogma) hay không? – Ða số thần học gia công giáo đều trả lời: “Có” [42] – Một nhóm trả lời: “Không.” [43] Chắc chắn đó là từ xưa đến nay, giáo lý chính thức của Giáo hội công giáo (và của cả Giáo hội Chính thống nữa). Có lẽ Inhaxiô Antiôkia († 107) đã biết Ðức Maria thuở sinh thời và đã từng truyền dạy về giáo lý này. [44] Sau đó, truyền thống và các giáo phụ đồng thanh tán tụng “Ðức Maria đồng trinh.”

Ý nghĩa thần học của giáo lý này quả là quan trọng. Nói là một biểu tượng thì đúng, vì “Ðức Trinh Nữ” đã trở nên nguồn linh hứng cho hàng triệu triệu nguời suốt dòng lịch sử; nhưng nếu biểu tượng không phải là một thực tại, thì không có nghĩa lý gì đối với mầu nhiệm Nhập thể cả. Việc thụ thai Ngôi Lời là một khía cạnh của mầu nhiệm, chứ không phải là một vấn đề đơn thuần phụ khoa; bởi đem phụ khoa để giải thích mầu nhiệm là chuyện phi lý, chẳng khác chi dùng hóa học để giải thích sự việc phục sinh! Trước hết, ý nghĩa này phải quy chiếu về Ðức Giêsu. Ðược sinh bởi một phụ nữ, Ðức Giêsu là con người đích thực; được sinh bởi một trinh nữ, Ngài còn là một hữu thể cao hơn. Tính chất “hơn” này không đơn thuần là tính vô tội, vì tính chất này có thể lý giải bằng cách khác (thí dụ: Giêrêmia, Gr 1:5, hoặc Gioan Tẩy Giả, Lc 1:41t); cũng không phải đơn thuần để cho thấy nguồn gốc của Ngài là bởi Thiên Chúa nói chung, như trường hợp của Isaac, Samuen, v.v., mà là để cho thấy một điều gì cá biệt nơi bản thân Ðức Giêsu. Mt nêu bật tên gọi  Giêsu, và danh hiệu Emmanuen (Mt 1:21-23); Lc gọi Ngài: “Con Ðấng Tối Cao” và “vua muôn thuở” (Lc 1:32-33). Ðức Giêsu không có cha thụ tạo. Ánh sáng của thần học về Ba Ngôi giúp hiểu sâu xa hơn: nếu quan hệ phụ tính–tử tính (paternitas–filiatio) cấu thành ngôi vị, thì bản ngã Ðức Giêsu không thể có một cha nào khác ngoài Chúa Cha. Như vậy, công thức “sinh bởi Trinh nữ” nêu rõ cá biệt tính của Ðức Giêsu trong quan hệ với Thiên Chúa cũng như trong tư cách là con người.

Mầu nhiệm này cũng làm biểu tượng cho tính cách tự do và tính chất nhưng không của ơn cứu độ. Ðấng Cứu Thế không đến từ một tạo vật nào, song là từ tình thương của Chúa Cha nhờ Thần Khí; loài người không thể tự mình sinh sản ra Vị Cứu Tinh cho mình được. Cuối cùng, trong vấn đề này, tín hữu kitô nhận ra rõ là Chúa Cha, Chúa Con và Thần Khí đã cùng chung nhau nắm tay thực hiện kế hoạch cứu độ loài người.

4. Lịch Sử

Kitô giáo cho thấy rằng công cuộc cứu độ đã xảy ra trong thời gian và không gian. Ngôi Lời nhập thể đã tự khép mình vào trong những chiều kích giới hạn của một tạo vật. Lc 2:1tt kể rõ về bối cảnh chính trị của thời Ðức Kitô tiến hành công trình cứu độ: dưới thời hoàng đế Rôma là Âugustô, khi Quiriniô làm tổng trấn xứ Syria, trong thời kiểm tra. Thế thì, Ðức Giêsu đã sinh ra vào năm nào? Mt và Lc nói là vào thời vua Hêrôđê. Theo sử gia Giôsêphô, Hêrôđê chết vào năm 750 kỷ nguyên Rôma, tức là năm 4 trước công nguyên. Theo Mt 2:16, Ðức Giêsu sinh ra ít là 2 năm trước đó (6 năm trước c.n.), đúng với dữ kiện do Lc 3: 1.23 kể lại: vào năm 15 dưới triều hoàng đế Tibêriô, Ðức Giêsu trạc 30 tuổi. [45]

Theo truyền thống, Ðức Giêsu sinh ra ở Bêlem, như Mt và Lc đã ghi lại. Các học giả không đồng ý về nguyên quán của Ðức Giêsu. Xem ra Mc 6:1.4 muốn nói rằng Nadarét là quê quán của Ngài. Có người nghĩ là Ngài sinh ra ở Capharnaum. Dù sao, những chi tiết này chẳng có gì để dẫn chứng chắc chắn. Lịch sử – có nền tảng vững chắc hơn –  đã nói đến đời sống và nghề nghiệp của Ngài ở Nadarét: người ta gọi Ngài là“con bác thợ” (Mt 13:55tt), hoặc như thường lệ, là “thợ mộc.” [46]

Về phương diện Kitô học, những chi tiết này được coi là đủ để xác định nhân tính đích thực của Con Thiên Chúa nhập thể. Hậu quả là Ðức Kitô bị giới hạn bởi tính chất lịch sử này, như mọi người khác; Ngài chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội, văn hóa, ngôn ngữ, gia đình, địa phương, v.v…

C. ÐỨC GIÊSU LỚN LÊN

Như mọi người phàm, con người Ðức Giêsu cũng tiến phát theo quy trình triển nở thông thường, nghĩa là phải trải qua giai đoạn thơ ấu, thiếu niên, thanh niên, trưởng thành, về thể lý cũng như tâm trí, như một công dân Giuđê hoặc như là một tín đồ Do thái. Thánh Luca chép rằng: “Ðức Giêsu ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2: 52).

— Câu này quan trọng. Trước tiên, Lc cho biết Ðức Giêsu “lớn lên” (proeùkopten): đó là điều hiển nhiên đối với chúng ta ngày nay; nhưng xưa kia, sau khi công đồng Nixêa định tín Ngài là “Thiên Chúa,” thì đối với các nhà trí thức kitô, đó là điều khó hiểu: nếu là Thiên Chúa, thì làm sao còn có thể nói đến chuyện lớn lên! [47] Họ tưởng rằng cậu bé Giêsu (cả đến thai nhi Giêsu) cũng đã có đầy đủ kiến thức, hơn cả những học giả lão thành. Ðó là cách quan niệm của nhất tính thuyết.

Ðã là con người, một sinh vật sống trong không-thời gian, tất Ðức Giêsu cũng phải phát triển về mặt thể xác cũng như về mặt tâm lý. Kinh nghiệm làm cho trí óc thành thục; việc học tập giúp cho thu thập được khôn ngoan cổ truyền; thử thách đem lại cơ hội để trưởng thành, v.v. Phải trải qua tiến trình lớn lên không phải là điều bất toàn; đó là điều kiện sống của người phàm. Tóm lại, về mặt kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống làm người, trong nghề nghiệp, v.v. Ngài cũng phải học hỏi, tập tành… từ số không, như bất cứ ai khác.
Tính tò mò thường đặt nhiều câu hỏi ngớ ngẩn, nếu không nói là phi lý. Về thể lý, Ðức Giêsu cũng nẩy nở, cảm thấy khổ đau, buồn vui,… như chúng ta. Ngài cao hay lùn? Khăn liệm thành Tôrinô (nếu thực sự là thật) cho thấy người liệm (Ngài) cao độ 1 mét 80, khá mạnh khỏe đối với thời đó. Có đẹp trai không? Thánh Tôma Aquinô nghĩ là Ngài có “dáng vóc xinh đẹp trung bình” [48] Dĩ nhiên là không ai biết rõ.

Cũng có người hỏi: Ngài thuận tay phải hay tay trái? Có kẻ trả lời: Thuận cả hai tay! Tất nhiên là không ai biết được; ý kiến đưa ra tùy vào thành kiến có sẵn. Những ai mến chuộng hình ảnh “Tôi tớ Giavê” (theo Is 53:2), thì hình dung Ðức Giêsu như là một người xấu mã, đầy khuyết tật: “yếu đuối và lóng cóng” (Irênêô), “nhỏ người và vô duyên” (Origênê), “xấu nhất trong loài người” (Cyrillô Alêxanđria); còn những ai coi Ngài như là Con vua Ðavít (x. Tv 45:2), thì hình dung Ngài đẹp trai, thông minh, không tì ố. Thánh Âugutinô thú nhận: “chúng ta chẳng biết gì về điểm này.”

— Tâm trí ra sao? Có kẻ cho rằng Ðức Giêsu có tâm trí bất sung; chẳng thế mà (đại) gia đình Ngài tỏ ra lo lắng (?): “Thân nhân đi bắt Ngài, vì họ nói rằng Ngài đã mất trí” (Mc 3:21; x. Ga 5:5), và dân chúng cho là Ngài “bị quỷ ám” (Ga 7:20; 8:48. 52); họ nói: “Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi” (Ga 10:20). Ắt là Gioan viết câu ấy có ý mỉa mai; nhưng cái gì trong Ðức Giêsu làm cho người ta phản ứng như thế? Có kẻ đã thử phân tâm Ðức Giêsu và nêu ý kiến nói là có lẽ Ngài bị loạn tâm hưng trầm (manic-depressive) hay một dạng tâm thần phân lập (schizoid). Có lẽ là đúng ở chỗ Ngài không phải là một người như người thường, nên người ta không nhận ra được. [49]

Quả thế, các vị thánh, các tiên tri, các người thiên tài đâu phải là người bình thường. Mặt khác, những kinh nghiệm thiêng liêng gây ảnh hưởng trên toàn bộ con người, nhất là trên thần kinh hệ. Không có gì là lạ nếu đôi khi hệ thống tâm lý của Ðức Giêsu rung động khác thường vì tác động mạnh mẽ phi thường của Thần Khí trong Ngài. Thêm vào đó, Ngài thường đòi hỏi cho mình và nơi những người muốn theo Ngài, những điều mà “lẽ thường” cho là “điên rồ.”

Về tính tình, Ðức Giêsu không phải là người buồn bã, vì trẻ con sẽ không kéo nhau đến với những kẻ như vậy; đằng này, chúng tỏ ra thích Ðức Giêsu. Ngài cũng phải có những nét dễ thương để có thể thu hút phụ nữ theo Ngài. Thái độ của Ngài hẳn không giống dung dạng của một thầy yoghi, hoặc là trơ trơ, vô cảm kiểu loại người khắc kỷ (Stoa). K. Barth kể là có một tác giả Ðức, Hollaz, cho rằng Ðức Giêsu không cười ồ bao giờ, vì Ngài tự chủ không để xúc cảm tỏ lộ. Vô lý! Trong lãnh vực này, Ðức Giêsu hêït như chúng ta: Ngài cũng vui buồn, cũng cười cũng khóc, thường thì bình tĩnh nhưng đôi lúc cũng bực tức. Có lúc bỡ ngỡ không biết quay về phía nào, Ngài cũng đã phải mò mẫn tìm cho ra con đường hành động, “vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta…” (Dt 4:15).

— Ðức Giêsu có cảm xúc như một con người bình thường:

Nộ khí: Ðức Giêsu đã có thể tức giận khi có lý do cân xứng. Mc 1:43 chép rằng Ðức Giêsu “nghiêm giọng đuổi người hủi” sau khi chữa lành cho anh ta. Ở hội đường Capharnaum, “Ðức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá” (Mc 3:5). Sau đó Ngài trách Phêrô nặng lời, gọi ông là “Satan!” (Mc 8:33), v.v. Khi có lý do hợp lẽ, tức giận không phải là tội lỗi, nên Ðức Giêsu đã có thể nghiệm thấy những xúc cảm loại này (x. Mt 11:20tt; 23:13tt; Ga 2:15, v.v.).

Nỗi buồn: Ðức Giêsu đã nhận lấy “chữ mệnh” của thân phận loài người, tất phải sống qua cảnh “bể dâu” như Nguyễn Du đã từng gợi lên, với “những điều trông thấy mà đau đớn lòng…” Mc 14:34 ghi lại lời Ngài thốt lên lúc ở trong vườn Ghếtsêmani nói rằng: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được.” Và mấy hôm trước đó, Ngài đã khóc thương cho số phận thành Giêrusalem (x. Lc 19:41). Ngài lấy làm buồn, tưởng như thất vọng khi thấy người thanh niên giàu có không đủ can đảm để theo Ngài (x. Mc 10: 21), cũng như khi thấy nhiều môn đồ bỏ Ngài tiếp theo sau bài giảng về Mình Máu trong bí tích Thánh Thể (x. Ga 6:67). Ở Bêtania, thấy những người bà con bạn hữu khóc cái chết của Ladarô, “Ðức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến… Ðức Giêsu liền khóc” (Ga 11:33.35). Những trường hợp như thế tỏ cho thấy Ðức Giêsu cảm nhận mọi sự như chúng ta.

Niềm vui: Cuộc đời cũng cống hiến cho những dịp vui sướng. Ngài vui khi có dịp gặp các trẻ nhỏ (x. Mc 10:16), khi gặp một người tốt (x. Mc 10:21). Ngài cảm thấy đặc biệt hạnh phúc vì Chúa Cha mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho các môn đồ (x. Mt 11:25tt). Niềm vui căn bản Ngài hằng cảm nhận sâu xa, phát nguyên từ tình yêu của Chúa Cha, tình yêu mà Ngài chia sẻ cho các môn đệ (x. Ga 15:11), để họ “được hưởng trọn vẹn niềm vui” của Ngài (x. Ga17:13).

Ðức Giêsu biết hài hước, biết đùa. [50] Gần đây nhiều học giả đã nêu bật khía cạnh này trong tâm tính Ðức Giêsu. Nếu dân chúng “thích thú nghe Ngài” (Mc 12:37) thì chính là vì lời Ngài gây hứng thú, làm cho thoải mái, mang lại hân hoan. Rất nhạy cảm, các trẻ nhỏ nhận ra ngay những nét như thế trong thái độ và tính tình dễ thương; vì thế, chúng thích đến bên Ngài (x. Mc 10:14). [51] Ngài thích dùng những câu nước đôi, như  “phải sinh ra lần thứ hai…” (Ga 3:41), hoặc “tôi sẽ cho nước sống…” (Ga 4: 10); hẳn là Ngài đã cuời thầm trong bụng khi bảo bà xứ Samari: “Chị hãy đi gọi chồng chị, rồi trở lại đây” (Ga 4:16), hoặc lúc Phêrô bước đi trên mặt nước hồ (x. Mt 14:29). Ở Cana, lúc người ta chỉ cần thêm một ít rượu, thì Ngài đã cho cả đến sáu chum bự, đầy ấp rượu ngọn! (Ga 2:6); Phêrô tưởng mình đã rộng bụng khá, bởi sẵn sàng tha thứ tới 7 lần, nhưng Ðức Giêsu trả lời nhẹ: phải tha thứ “đến bảy mươi lần bảy! (Mt 18:21-22). Rồi còn bao nhiêu lời pha trò dí dỏm và đầy ý vị khác nữa! [52]

Tình bạn: Sống mà không có bạn thì mất đi nửa đời người. Ðức Giêsu đã có nhiều bạn. Phúc Âm Gioan thuật là “Ðức Giêsu quý mến cô Mácta cùng hai em là Maria và Ladarô;” Ngài gọi họ là bạn mình (x. Ga 11:5.11.36). Quan hệ với các môn đệ là một quan hệ của tình bạn (x. Ga 15:15). Lòng Ngài rộng mở cho mọi người, sẵn sàng kết thân với bất cứ ai có thiện tâm thiện chí, đặc biệt là với những ai bị xã hội gạt ra bên lề. Kẻ thù mỉa mai cho là Ngài “kết bạn kết bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11:19). Dân chúng nhiệt thành theo Ngài, bởi thấy Ngài lấy lòng nhân ái mà đối xử với họ.

Nói về dục vọng, các giáo phụ thường cho rằng Ðức Giêsu cảm thấy những khuynh hướng vô thức, nhưng Ngài biết thế nào là làm chủ mình. Thánh Hiêrônimô nghĩ là Ðức Giêsu có dục vọng và tình dục thể xác, nhưng vẫn vô tội.

Tâm trạng Ðức Giêsu hẳn không giống như những kẻ trơ trơ vô tình; trái lại, Ngài là một người năng nổ hoạt bát, dễ cảm xúc trước những lo âu và bối rối hằng đe dọa con người; nhưng đồng thời đó cũng là căn rễ làm cho tâm lý triển phát và phong phú thêm lên.

— Ngôi Lời mặc lấy phận mệnh dòng dõi Ađam

Điều này tức là chấp nhận sống qua một cuộc sống vất vả, cực nhọc, “bị kết án,” và phải nhẫn nhục chịu đựng cùng can trường phấn đấu mới sống còn và phát triển được (x. St 3:17tt). Cả thành công lẫn thất bại đều là điều kiện để con người đạt đến mức thành tựu chính con người mình: Ðức Giêsu đã dấn bước vào cuộc hành trình gian khổ của con người.

Thần học thời xưa đã nêu vấn đề sau đây: Ðức Giêsu có sinh ra trong “ân trạng nguyên thủy” (justitia originalis) như Ađam ở địa đàng hay không, hay là đã mặc lấy “bản tính sa đọa” như chúng ta? Thần học kinh viện thường cho rằng Ðức Giêsu đã sinh ra trong “tình trạng địa đàng” vì Ngài vô tội. Cần phải phân biệt cho rõ hơn:

Tội lỗi quy chiếu về bản ngã; tình trạng sa đọa quy chiếu về bản tính. Nói rằng Ðức Giêsu vô tội là muốn nói Ngài hưởng tình trạng “công chính nguyên thủy” như Ađam trước khi sa ngã (và còn phong phú hơn nữa), với hệ quả là tự do của Ngài chẳng bị thoái hóa thành dục vọng không nén được. Nhưng một khi đã thành “con người lịch sử,” Ngôi Lời mặc lấy bản tính lịch sử của loài người, tức là một bản tính chịu sức ép nặng nề của tội lỗi. Bởi tình trạng có tính cách nước đôi như thế, nên Tôma Aquinô đã tỏ ra lưỡng lự giữa hai ý kiến: Ðức Giêsu mặc lấy bản tính nhân loại tiếp nối bản tính sa đọa của Ađam; [53] tuy nhiên, “Ngài mặc lấy một bản tính nhân loại vô tội, tức là vẹn tuyền như lúc còn trong tình trạng trước khi có tội.” [54]

Tân Ước tỏ ra rất thẳng thắn trong vấn đề này: “Ngài đã phải nên giống như anh em mình về mọi phương diện” (Dt 2:17), “chỉ trừ tội lỗi” (Dt 4:15). Cụ thể hơn nữa, thư Rôma xác quyết: “Ngài mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta” (Rm 8:3). Trong vấn đề này, Phaolô đã nhấn mạnh đến lý do cứu độ: “Ðấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài” (2Cr 5:21). Bằng một ngôn ngữ riêng, thư Galát cũng trình bày chân lý như thế: “Ðức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Ngài trở nên đồ bị nguyền rủa” (Gl 3:13); hoặc chỉ đơn thuần ghi là: “sinh làm con phụ nữ, và sống dưới Lề Luật” (Gl 4:4). Bị nguyền rủa dưới Luật chính là tình trạng yếu đuối của bản tính chúng ta, với bao nhiêu là khuyết điểm bẩm sinh, khiến con người trở thành con mồi cho bệnh tật và khổ đau, cho những khuynh hướng lệch lạc suy đồi và sự chết.

Ðức Giêsu Lớn Lên Trên Ðường Ðạo Ðức

Một quan niệm bán-nhất-tính-luận về Ðức Giêsu đã đâm rễ thật sâu trong não trạng đa số dân kitô; vì thế, khi nghe nói rằng Ðức Kitô “tiến triển, tiến bộ” – nhất là về phương diện luân lý – thì họ cho là bất xứng, chướng tai: làm sao Thiên Chúa có thể trở nên tốt hơn được? Tuy nhiên, đã làm người, thì làm sao mà không thể tiến bộ được!

1. Vô Tội

Theo cảm nghĩ và dư luận quần chúng thời ấy, không hẳn Ðức Giêsu đã được coi là một người “Thánh.” Còn dân sùng đạo trong xã hội Do thái thì coi Ngài như “một tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11:19). Quả thế, Ngài đã bị gạt ra ngoài lề và đuổi khỏi hội đường. [55]

Tuy nhiên, vẫn có một cái gì ở trong Ngài có sức hấp dẫn dân chúng và nhiều người bạn. Trong một bản dịch bằng tiếng Ả rập của sử gia Giôsêphô có câu: “Khi ấy xuất hiện một người khôn ngoan tên là Giêsu. Ông cư xử tốt lành, và người ta cho ông là người đạo đức.” Công vụ Tông đồ chỉ đơn thuần ghi lại: “Ði tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10:38). Chắc hẳn dân chúng ghi lòng tạc dạ như thế về con người của Ngài.

Về điểm này Tân Ước đồng thanh trình thuật hệt như nhau. Tuyệt đối không đọc thấy trong các văn bản một câu một chữ nào phảng phất giọng điệu bào chữa, bênh vực cho Ðức Giêsu; các nhân chứng chỉ đơn giản khẳng định: Ngài không có tội. Chỉ mình Gioan kể lại sự kiện Ðức Giêsu nói lên một câu làm như để ứng đáp một lời tố cáo: “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?” (Ga 8:46), hoặc câu Ngài nói có ý ám chỉ đến quỷ dữ hoành hành trong thế gian: “Ðầu mục thế gian sẽ tới, nhưng nó không có quyền gì trên tôi” (Ga 14:30). Văn bộ Gioan ghi lại truyền thống nói về sự việc Ðức Giêsu đã có ý thức như vậy. Các truyền thống khác cũng đồng ý về điều đó. Phaolô viết: Ðức Giêsu “chẳng biết tội là gì” (2Cr 5:21). Phêrô cũng nói là: “Ngài không hề phạm tội: chẳng ai nghe miệng Ngài nói một lời gian dối” (1Pr 2:22). Về điểm này, đáng lưu ý nhất là thư Do thái: sau khi quả quyết Ðức Giêsu giống hệt mọi người chúng ta, tác giả tiếp tục giải thích về một hướng khác, nói là Ngài “thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (Dt 7:26). Bởi cũng đã sống qua hết mọi khốn khổ loài người, Ngài cảm thông sâu xa với thân phận người phàm; tuy nhiên, Ngài vô tội (x. Dt 4:15; 9:14; 1Pr 1:19). Giáo hội sơ khai hiểu rõ là “Ðức Giêsu đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi, và nơi Ngài không có tội lỗi” (1Ga 3:5).

Về điểm này, truyền thống công giáo cũng hoàn toàn nhất trí: Công đồng Canxêđôn (năm 451) đã trích dẫn Dt 4:15 (x. DS 301). Công đồng Tôlêđô, nhóm họp tại Tây ban nha (năm 675) tuyên tín rằng: “Chúng tôi tin… Ngôi Hai đã mặc lấy từ Ðức thánh Trinh Nữ Maria vô nhiễm, con người thật, vô tội… để giải phóng loài người” (DS 533). Công đồng Conxtăntinốp II (năm 680-681) đã trích dẫn lời của Grêgôriô Nadiăndô nói là: “Vì ý muốn của Ngài là ý muốn của Ðấng Cứu Thế, nên không hề trái nghịch với Thiên Chúa, thậm chí còn được trọn vẹn thần hóa nữa” (DS 556). Công đồng chung Phirenxê (Firenze,1439-1445) khẳng định rằng Ðức Giêsu Kitô “được thụ thai, sinh ra và chết vô tội” (DS 1347). [56]

Ðã rõ là thế, nhưng thần học còn muốn đào sâu để biết: tình trạng vô tội này mang tính “luân lý” hay tính “siêu hình học.” Nói cách khác: đó là một tình trạng cứ sự (de facto) hay tất yếu cứ lý (de jure), tức nhất thiết phải là như vậy? Nếu nói đó chỉ là một tình trạng cứ sự mà thôi, thì có nghĩa là: thực sự Ngài không phạm tội, nhưng đã có thể phạm tội; nếu nói là tình trạng cứ lý, thì có nghĩa là Ngài không thể phạm tội. Nói chung, đa số các thần học gia tin lành (Tillich, Robinson,…) [57] giữ lập trường cho rằng trong thực tế, Ðức Giêsu không phạm tội, tuy nhiên, trên nguyên tắc, Ngài đã có thể phạm tội; lý do là vì Ngài có tự do, và tự do được các tác giả này định nghĩa là khả năng chọn lựa giữa thiện và ác; vậy, theo họ, nếu Ðức Giêsu đã không phạm tội thì chỉ là vì Ngài không muốn.

Còn thần học công giáo thì bao giờ cũng hiểu rằng Ðức Kitô không có thể phạm tội. Lý do là vì tội quy chiếu về bản ngã (ngôi vị). Nếu Ðức Giêsu phạm tội tức là phá hại mối quan hệ giữa mình và Ngôi Cha; trong khi đó chính mối quan hệ này cấu tạo nên bản ngã Ðức Giêsu (Ngôi Hai); thế nên, sẽ là một mâu thuẫn nội tại – tức không thể nào có được – sự việc Ðức Giêsu có một hành vi trái nghịch với Chúa Cha, bởi đó là hành vi trái nghịch với chính mình và phá hủy chính mình Ngài. Ðức Giêsu là con người thật; nhưng tội lỗi không thuộc về bản tính con người; trái lại, con người hoàn hảo là con người đức hạnh. Nhưng làm sao Ðức Giêsu có tự do thật, nếu không có thể phạm tội? Vấn đề ở đây là phải xác định cho rõ về khái niệm “tự do.” Thường chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng thánh Âugutinô về tội lỗi và ân sủng, nên khi quan niệm về “tự do,” anh em tin lành cho đó là khả năng chọn lựa; thực ra, đó chỉ là một dạng tự do, một cách biểu hiện của tự do. Sâu xa hơn, tự do là khả năng tự quyết, tự mình quyết định lấy, chứ không do ảnh hưởng của một sự thúc đẩy, của một xung năng nào khác, hoặc từ ngoài hoặc từ trong chính mình. Ba Ngôi trong Thiên Chúa tất hoàn toàn tự do, mà vẫn không có thể phạm tội: đành là thế; nhưng còn có trường hợp khác: các phúc nhân trên trời cũng hoàn toàn tự do, mà vẫn không phạm tội được nữa. Thực ra, tự do là khả năng chọn lựa điều tốt; và một khi đã nhận rõ cái gì là tốt thì không thể không chọn điều tốt để đi chọn cái xấu. Lý tưởng của người tự do là quy hướng về với “chân, thiện, mỹ” (Thiên Chúa), quyết tâm đến độ không gì có thể lung lạc làm cho tách ngả ra một lối khác được.

2. Ðức Giêsu có tiến bộ về đức hạnh hay không?

— Thiết tưởng là có. Khả năng phát triển và tiến bộ là lẽ tất của con người lịch sử; mỗi người đều có thể trở nên “tốt hơn” lên hay “kém thua” đi. Thư Do thái viết khá rõ về điểm này: sau khi khẳng định “là việc thích đáng Ðức Giêsu trở thành vị lãnh đạo thập toàn” (Dt 2:10), qua đoạn 5:8-9, bức thư trình bày rõ hơn về tiến trình ấy: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục,” và như thế mới đạt “tới mức thập toàn… (teleiotheis).” Còn gì rõ hơn để nói lên cách thức sống của con người? Cả đến Con Thiên Chúa cũng phải biết tiến bộ. Và chỉ khi vào tới thiên đàng Ngài mới thành tựu trọn vẹn (teteleiomenon) cho đến muôn đời (x. Dt 7:28). Như thần học gia K. Rahner nhận định: “Có thể bình thản mà nói Ðức Giêsu đã tiến bộ về mặt thiêng liêng, và cả về mặt tôn giáo nữa.”

Có thể quan niệm đà tiến bộ ấy như là một quá trình tự chủ ngày càng chu đáo hơn, trong nỗ lực thích nghi với hoàn cảnh, với từng giai đoạn của tuổi đời; sự thánh thiện cũng phải triển phát để đạt đến mức trưởng thành.

Những yếu tố góp phần vào đà phát triển này nơi Ðức Giêsu và nơi chúng ta thì giống nhau. Tân Ước nêu bật ba yếu tố chủ yếu: chịu khổ đặc biệt từ các kẻ thù, những nhóm đối lập, những thất bại, lo âu, v.v.; cầu nguyện, là yếu tố quan trọng nhất, bởi qua đó, Ðức Giêsu cảm nhận được con người mình gặp gỡ với Cha mình, và nhận được những đặc ân thần nghiệm Thánh Linh ban, như ơn tiên tri chẳng hạn; bị cám dỗ, là bẩm phần của thân phận loài người. [58] Ðức Giêsu chịu những cám dỗ từ bên trong, như khi xác thịt kháng cự lại lý tưởng của lý trí, như khi phải chống lại khuynh hướng lười biếng, xa tránh những khó khăn, v.v. hoặc là những cám dỗ từ bên ngoài, như khi dân chúng dục thúc Ngài nắm lấy quyền bính chính trị (x. Ga 6:15); như khi các môn đồ làm Ngài khó chịu (x. Ga 6:60), khi Phêrô kéo Ngài đi con đường khác với ý định Chúa Cha (x. Mt 16:23); đại gia đình của Ngài cũng là một cớ cám dỗ (x. Ga 7:3-4); cuối cùng, hễ có dịp là ma quỷ gây chuyện với Ngài (x. Mc 1:13tt; Lc 4: 13). Vì thế, lắm lúc, Ðức Giêsu cảm thấy buồn chán, cô đơn và nản lòng; do vậy, Ngài tỏ ra biết ơn các môn đệ: “Anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan” (Lc 22:28).

Về tình dục thì sao? Trong những thời gian rất dài, lãnh vực này là điều cấm kị; kết quả là chân dung Ðức Giêsu giới trình Ngài như là vô tính, khó mà nên mẫu gương cho những ai muốn noi theo. Thế nhưng, làm sao có thể quên đi được rằng giới tính tình dục là một chiều kích cơ bản trong bản tính loài người. [59] Từ thái cực này đi qua đến thái cực khác: không còn là cấm kị thì vấn đề lại trở thành đề tài thời nay lạm dụng để châm biếm, để cố bôi nhọ, bêu xấu cả đến Ðấng Cứu Thế.

Trước hết phải hỏi: Ðức Giêsu có lập gia đình hay không? —Không. Tân Ước chẳng nói gì trực tiếp, nhưng bằng cớ mạnh nhất là 1Cr 9:5: Phaolô nói đến sự việc nhiều tông đồ có vợ, còn ngài thì không; nếu Ðức Giêsu đã có thì hẳn Phaolô đã phải đề cập đến. Phúc Âm không nói gì về chuyện vợ, con, v.v., và các truyền thống cổ xưa cũng không. Tuy nhiên, Ðức Giêsu không sống như một ẩn tu; thế nên, nếu Ngài đã chọn sống độc thân, thì chính là vì sứ mệnh, nghĩa là “vì Nước Trời” (x. Mt 19:12): lý tưởng mà Ngài nêu cao. Trái với thói tục trong xã hội Do thái, Ðức Giêsu có một số bạn nữ giới: [60] không những có Mácta và em là Maria ở Bêtania, mà còn có Maria Mácđala và nhóm các phụ nữ theo Ngài cho đến Núi Sọ và bên mồ. Ðã là một thanh niên tươi khỏe và cởi mở, ắt là phải cảm thấy sức thu hút hấp dẫn của nữ giới. Tuy nhiên, không có chuyện Ngài dung túng thái độ buông lơi. Các học giả đều thấy rằng lối sống của Ðức Giêsu hoàn toàn ăn khớp với giáo lý Ngài dạy; bởi Ngài làm trước rồi sau đó mới dạy người khác làm như vậy. Trong lãnh vực này, Ngài không chỉ kết án ly dị và ngoại tình không thôi, mà còn lên án cả những cái nhìn dâm ô và ý xấu nữa (x. Mt 5: 27tt). Mặt khác, tâm lý Ngài để lộ một tình trạng thoải mái, không bóng dáng một ức chế nào. Lương tâm Ngài tỏ ra bình an thanh thoát, không phảng phất một chút gì gọi là mặc cảm tội lỗi. Tuyệt đối không thấy ở nơi Ngài một thái độ khó chịu, một ưu tư lắng lo nào liên quan đến tính dục và giới tính; mà trái lại, chỉ thấy một trạng thái quân bình, hài hòa của một người trưởng thành trong tự chủ.


[22] Thư tịch phong phú vô kể. Ngoài những tác phẩm kể trên, xin xem Meier, J. P., A Marginal Jew (3 cuốn), New York: Doubleday 1991-6; Evans, C. A. và Porter, S. E. (eds), The Historical Jesus, Shefield 1995; Hengel, M., Studies in Early Christology, Edinburgh: Clark 1995; Wright, N.T., The Original Jesus, Grand Rapids: Eerdmans 1996.

[23] Johnson, M. D., The Purpose of the Biblical Genealogies with Special Reference to the Settings of the Genealogies of Jesus, Cambridge Univ. 1969.

[24] Historia Ecclesiastica 1.7.14.

[25] Xem Léon-Dufour, X., “Livre de la génèse de Jésus-Christ,” trong Études d’évangile, Paris: Seuil 1965, tt. 47-63; Da Spinetoli, O., “Les généalogies de Jésus et leur signification (Mt 1; Lc 3)” Assemblées du Seigneur 9 (1974) 6-19; Brown, R.E., The Birth of the Messiah, New York: Doubleday 1993, trg. 57-95.

[26] Masson, J., Jésus, Fils de David dans les généalogies de St. Mt et de St. Lc, Paris: Téqui 1982; Jones, J. M., “Subverting the Textuality of Davidic Messianism: Matthew’s Presentation of the Genealogy and Davidic Title,” Cath. Bibl. Quart. 56 (1994) 256-272.

[27] Heil, J. P., “The Narrative Roles of the Women in Matthew’s Genealogy,” Biblica 72 (1991) 538-545.

[28] Văn thể này được gọi là inclusio, inclusion (bao hàm). Trong Kinh Thánh có nhiều trường hợp như thế; thí dụ: Kn 13:1-2—15:14-19; Mt 1:1—1:17; Mt 1: 23—28:20; Lc 1:5tt (Ðền Thờ)—24:53; Ga 1:1—20:28, 1:28—10:40; v.v.
[29] Có rất nhiều sách viết về chủ đề; ở đây chỉ ghi ra một số tác phẩm quan trọng: Boslooper, T., The Virgin Birth, Philadelphia: Westminster 1962; Léon-Dufour, X:, “L’annonce à Joseph,” trong Études d’Évangile, Paris: Seuil 1965, 65-81; Stramare, T., “Giuseppe, ‘Uomo Giusto’ in Mt 1,18-25,” Rivista Biblica 21 (1973) 287-300; Brown, R. E., The Virginal Conception & Bodily Resurrection of Jesus, New York: Paulist Press 1973; idem, The Birth of the Messiah, Geoffrey Chapman 1993; Fuller, R. H., “The Conception/Birth of Jesus as a Christological Moment,” Jour.Stud.of the N.T. 1 (1978)37-52; de Freitas Ferreira, J, Conceição Virginal de Jesus, Roma: Gregor. Univ. 1980; Hendrickx, H., Infancy Narratives, London: Chapman 1984; Munõoz Iglesias, S., Los Evangelios de la Infancia, (5 cuốn), Madrid: BAC 1983-1990; Feuillet, A., “Le Sauveur messianique et sa Mère dans les récits de l’enfance de Saint Mattieu et de Saint Luc,” Divinitas 34 (1990) 17-52; 103-150 ; Porella, S.M., “Il parto verginale de Maria nel dibattito teologico contemporaneo (1962-1994),”  Marianum 146 (1994) 95-213.

[30] George, A., Marie dans le Nouveau Testament, Paris 1981, tt. 106-107.

[31] Kilgallen, J. J., “The Conception of Jesus (Luke 1,35),” Biblica 78 (1997) 225-246.

[32] De la Potterie, Ig., “L’annuncio a Maria,” trong Vaggagini, C. (ed), La Madre del Signore, Bologna 1982, 55-73; idem, “Kecharitomene en Luc 1,28. Étude philologique, exégétique et théologique,” Biblica 68 (1987) 357-382; 480-508.

[33] Brown, R. E., The Birth… tr. 698; Fitzmyer, J. A., The Gospel According to Luke (I-IX), Garden City: Doubleday 1981, tr. 338.

[34] Ibid. tr. 704.

[35] Kušng, H., On Being a Christian, 1976, tr. 457.

[36] McBrien, R., Catholicism, Minneapolis: Winston 1980. Trong lần tái bản năm 1981, đã phải cải chính ý kiến.

[37] Thí dụ Spong, J. S. (giám mục Anh giáo Mỹ), Born of a Woman, San Francisco: Harper 1992.

[38] Xin xem Raymond Brown, The Birth… “Appendix V: The charge of illegitimacy,” tt. 534-542.

[39] Thí dụ Parrinder, G., Son of Joseph: The Parentage of Jesus, Edinburgh: Clark 1992; về phương diện Do thái, xin xem Cohn-Sherbok, D., The Jewish Messiah, Edinburgh: T&T Clark 1998.

[40] Schillebeecks, E., Jesus: An Experiment in Christology, London: Collins 1979, tt. 554-555; Kušng, H., Credo, London: SCM Press 1993, tr. 44.

[41] Cranfield, C. E. B., “Some Reflections on the Subject of the Virgin Birth,” Scottish Journ.of Theol. 41 (1988) 177-189.

[42] Kenny, J. P., “Was Mary in Fact a Virgin?,” Australasian Cath. Record 56 (1979) 282-300.

[43] Monika Hellwig, “The Dogmatic Implications of the Birth of the Messiah,” Emmanuel 84 (1978) 21-24; xin xem H. Kung, loc. cit.

[44] Xin xem Ad Ephes. 19.1; Trall. 9.1.

[45] Xin xem Vũ Xuân Huyên, J., “Lý lịch Ðức Giêsu Kitô,” HTTH số 6 (1993) 5-53; một nhà nghiên cứu Ý chủ trương Ðức Giêsu sinh ra đúng năm 1, vì  theo thiên văn học thì Giôsêphô sai lầm, và Ðionisius Exiguus có lý; xin xem Giorgio Fedalto, Quando festeggiare il Duemila?, ed. Paoline 1998.

[46]   Xem Furfey, P.H., “Jesus as Tekton,” Cath.Bibl.Quart. 17 (1955) 324-335.

[47] Xem Renié, J. E., “‘Et Jesus proficiebat sapientia et aetate et gratia apud Deum et homines’ (Lc 2,52),” trong Metzinger A., (ed) Miscelanea Bibl. et Orient. A. Miller Oblata, Roma 1951, tt. 340-350.

[48] Summa theologica, 3.33.2.ad 2.

[49] Xin xem Joy, C. R., The psychiatric study of Jesus, Boston: Beacon Press 1958; và Cramer, R. L., The Psychology of Jesus & Mental Health, Bangalore: St.Paul Public. 1980.

[50] Cormier, Humor of Jesus, Alba House 1977; Jonsson, J., Humour and Irony in the New Testament: Illuminated by Parallels in Talmud and Midrash, Leiden 1985 (đặc biệt tt. 166-199, về Ðức Giêsu); Phipps, W.E., The Wisdom and Wit of Rabbi Jesus, Louisville: Westminster 1993.

[51] Weber, H.-R., Jesus and the Children, John Knox Press 1979.

[52] Xin xem thêm Samra, C., The Joyful Christ. The Healing Power of Humor, 1986; Buckner, R., The Joy of Jesus: Humor in the Gospels, Morehouse P.  Co. 1994.

[53] Summa Theologiae, 3.4.6.

[54] Ibid., 3.14.3.

[55] Xin xem Malina, B. J., Calling Jesus Names, Sonoma: Polebridge Publ. 1980.

[56] Xin xem truyền thống công giáo trong Richard, P., “Impeccabilité” trong Dict. Théol. Cathol. Vii, 1923, 1266-1280; Michel, A., ibid. viii, 1290-1312. Adnès, P. “Impeccabilité” trong Dict. de Spirit. Vii, 1971, 1614-1619.

[57] Robinson, J. A. T., The Human Face of God, Philadelphia: Westminster 1973, tt. 68-98.

[58] Xin xem Thánh Tôma Aquinô, Summa Theol., III.41.

[59] Phipps, W. E., The sexuality of Jesus, Cleveland: The Pilgrim Press 1996.

[60] Brennan H., Jesus the Christ, Mystic: 23 Publ. 1991, Ch. V “Advocate for Women” tt. 99-121; Ricci, Carla, Mary Magdalene and Many Others: Women Who Followed Jesus, Minneapolis: Fortress 1994; Karris, R. J. O.f.m, “Women and Discipleship in Luke,” Cath.Bibl.Quart. 56 (1994) 1-20.