Khảo Luận Về Kitô Học: Đức Giêsu Là Thiên Chúa (6)

0
4819


KHẢO LUẬN TRƯỜNG THIÊN VỀ ĐỨC KITÔ

Tác giả: Lm. F.Gómez Ngô Minh, SJ.

***

***

CHƯƠNG VI

ÐỨC GIÊSU LÀ THIÊN CHÚA

 

“Biến cố Con Thiên Chúa nhập thể – biến cố độc nhất vô nhị – không hàm ý nói rằng Ðức Giêsu Kitô một phần là Thiên Chúa một phần là con người, cũng không muốn nói Ngài là kết quả của sự pha trộn giữa hai bản tính, thần linh và nhân loại. Ngài thật sự đã làm người mà vẫn thật sự là Thiên Chúa. Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật.”

Với chủ đề này, thần học chạm tới tột đỉnh của mầu nhiệm Ðức Kitô. Suy về vấn đề này là trí tuệ loài người thấy choáng váng; mà phải thấy choáng váng, hụt hơi như thế, nếu không thì e rằng vấn đề sẽ bị hiểu lầm hay không được hiểu ra gì hết. Qua vấn đề này, câu hỏi cơ bản của Kitô học được trả lời với câu giải đáp chung cục. Tất cả những câu trả lời khác đều nhằm tới điểm này, và qua điểm này, các câu trả lời kia được xác nhận trong giá trị tích cực của chúng. Không một câu trả lời nào có thể vượt xa hơn câu trả lời này; bởi chẳng có gì sâu xa hơn, cao trọng hơn “thiên tính” của Ðức Kitô.

Ðây là điểm sinh tử của cuộc tranh luận kitô học trong mọi thời, hiện nay, cũng như thời trước và mai ngày. Vấn đề thiên tính của Ðức Kitô là thách đố chính và lớn nhất của đức tin kitô giáo. Trong đền Hồi giáo tại Giêrusalem, Omar, có khắc câu sau đây để cảnh cáo người kitô: “Ðức Giêsu chỉ đơn thuần là con của bà Maria, một con người giữa các con người khác.” Thời nay, nêu cao thiện cảm, nhiều tác giả (mácxít hoặc đã từng là mácxít, Do thái hoặc trước kia là kitô) đã nhìn Ðức Giêsu với cặp mắt thương hại, vì còn đâu cái lý tưởng (“Nước Trời,” “Ðấng Cứu thế,” công trình cứu độ loài người v.v.) mà họ cho là ảo ảnh ấy: tốt lắm, hay nhất, nhưng tiếc thay Ðức Kitô rốt cuộc chỉ là một người phàm! Ấy thế mà hãnh diện, người kitô tuyên xưng là sự thật, là thực tại cụ thể điều người khác cho là mộng tưởng: Ðức Giêsu là Thiên Chúa! Không phải không có lý để tin như vậy. Chương viết này sẽ trình những lý do cho thấy tại sao Giáo hội cung kính đón nhận và tuyên xưng chân lý ấy với trọn niềm tin của mình.

I. CHỨNG TỪ CỦA TÂN ƯỚC

Bắt tay tầm cứu Kinh Thánh để tìm bằng cứ về thiên tính của Ðức Kitô thì trước tiên, cần lưu ý đến tính chất của Tân Ước. Ðể “chứng minh” Ðức Giêsu là Thiên Chúa, thì không thể dựa vào Tân Ước, coi đó là lời Chúa, mà tiến hành; bởi lẽ nếu Ðức Giêsu không phải là Thiên Chúa, thì Tân Ước cũng chẳng phải là Lời Chúa, chẳng có giá trị chuẩn tắc, cũng chẳng có sức gây uy tín đối với và chinh phục được một ai cả. Dù sao, thần học hằng lưu ý nhắc nhở rằng đức tin không phải là kết luận rút ra từ một tràng lý luận, từ những chuỗi luận cứ chắc nịch, mà chính là ơn Thiên Chúa ban nhưng không.

Tân Ước cung ứng những dữ kiện nào? — Thưa: lời chứng của Giáo hội, tiến trình của niềm tin vào Ðức Kitô trong những thế hệ đầu của Kitô giáo, cùng những lý lẽ các môn đệ nêu ra nhằm minh giải niềm tin của mình. Tân Ước ghi lại những sự kiện và biến cố, những lời nói và việc làm, v.v. trí tuệ có thể và đã dùng làm tiền đề diễn dịch để từ đó rút ra bằng cứ khả dĩ minh chứng Ðức Kitô là Thiên Chúa. Về mặt lịch sử, người không kitô có thể nghĩ là Giáo hội đã “thần hóa” Ðức Giêsu; nhưng có thể hỏi lại là “tại sao lại Ðức Giêsu, mà không phải một nhân vật nào khác?” Thực thế, hồi ấy, đã có nhiều “mêsia” xem ra quan trọng hơn Ðức Giêsu Nadarét, nhưng chẳng còn ai nhớ đến họ. Như Bar Kokhba chẳng hạn, là người đã tự xưng là “thiên sai,” và là một nhân vật oai hùng đến độ hoàng đế Hađrianô đã phải nói: “Nếu Thượng đế không đánh chết hắn đi, thì không một người nào dám sờ đến y.” Nhưng, hắn đã bị giết và dân chúng chẳng ai còn nhớ đến. Trong khi đó, Ðức Giêsu vẫn sống mạnh trong tâm hồn ưu ái của hàng triệu triệu người. Tại sao? M. Manchovec, một nhà triết cộng sản, đã bỡ ngỡ đặt câu hỏi: “Tiên báo về nhiều điều, mà nếu không xảy ra, thì làm sao tiên tri ấy đã có thể trở thành khởi điểm của tôn giáo lớn nhất thế giới?” Suy nghĩ đến mấy đi nữa thì trí khôn loài người cũng chẳng biết nói gì hơn; duy chỉ đức tin mới có thể tra lời.

Niềm tin vào Ðức Kitô bắt nguồn từ trong biến cố phục sinh. Nếu Ðức Kitô đã sống lại thật, thì đức tin kitô giáo mới có lý; nếu không, thì – như thánh Phaolô nhận định – lòng tin ấy chỉ là chuyện trống rỗng, hão huyền (x. 1Cr 15:12-19).

Phải nhận là quá trình của đức tin này phức tạp, không phải vì các môn đệ đầu tiên không tin, song là vì họ đã không thể hiểu ra và trình bày cho rõ về niềm tin của mình. Do vậy, những công thức dùng trong thời sơ khai, cho thấy là còn vụng về, do dự và thiếu sót. Nếu dựa theo ánh sáng giáo lý đã đạt đến mức trưởng thành mà nhìn, thì sẽ nhận ra ngay là các thành ngữ ấy vừa có phần xác đáng mà cũng vừa có phần sai lệch; chính vì thế nên đã có thể bị lạm dụng và giải thích theo quan điểm lạc giáo. Công thức ban sơ “Ðức Giêsu là Chúa” là hạt giống sẽ mọc lên thành lời minh nhiên và công khai tuyên tín: “Ðức Kitô là Thiên Chúa.” Nhưng phải chờ cho đến năm 325, tiến trình khúc khuỷu và cam go ấy mới đạt đến mức thành tựu với công đồng Nixêa.

Các kitô hữu đầu tiên đều là người Do thái; thế nên, họ tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Về tín điều số một này, không ai có thể nghi ngờ, cũng như không ai dám thêm bớt gì vào trong điều răn thứ nhất (Ðnl 5:7). Ðối với họ, cũng đối với Ðức Giêsu, danh từ “Thiên Chúa” (qeoùV) có nghĩa là Giavê, và tuyệt đối không được quy áp cho một ai khác. Họ tiếp tục tham dự phụng vụ tại Ðền thờ, và coi mình là tín hữu Do thái sùng đạo; vì lẽ đó họ không thể gọi Ðức Giêsu là “Thiên Chúa.” Ðối với họ, gọi như thế xem ra như là lộng ngôn. Tuy nhiên, thái độ của họ đối với Ðức Kitô chính là thái độ họ có đối với Giavê: họ tin ở Ngài, phụng thờ Ngài, cầu nguyện lên Ngài, làm chứng về Ngài, chịu chết vì Ngài… Trong kinh nghiệm tôn giáo này, họ được soi dẫn để nhận ra rằng danh xưng “Thiên Chúa” thì phức tạp hơn là họ tưởng, và có thể bao hàm cả Cha lẫn Con.

Các cộng đồng kitô gốc dân ngoại đã phải đối phó với một vấn đề ngược lại: dân ngoại thường dùng từ qeoùV để gọi những nhân vật thuộc giới “thần linh.” Tùy dân tộc, tùy văn hóa, loại tốt hay xấu, họ biết đến nhiều thứ “thiên chúa” như thế (x. 1Cr 8:5-6). Nhưng, Ðức Kitô đâu phải là một trong các nhân vật ấy; Ngài thuộc về một giới khác. Từ “thiên chúa” phải được thanh luyện với một nội dung ý nghĩa tân tạo thì mới có thể áp dụng cho trường hợp của Ðức Kitô được. Ðiều ấy đã xảy ra.

a. Tân Ước gọi Ðức Giêsu là “Thiên Chúa”

Trong Tân Ước, từ theós, (“thiên chúa”) thường có nghĩa là Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, một số bản văn cũng quy áp từ theós cho Ðức Kitô. Là kết quả của quá trình triển phát nói trên, các công thức này được đọc thấy trong các tác phẩm biên soạn hồi hạ bán thế kỷ 1. Cả đến các nhà phê bình tiêu cực nhất cũng nhìn nhận ba câu: Ga 1:1; 20:28, và Dt 1:9, gọi Ðức Giêsu là “Thiên Chúa. Tất nhiên, còn có nhiều câu khác cũng gọi như vậy.”

— Phúc Âm Gioan thiết trình một dạng thể kitô học “cao” nhất: hiện rõ ngay từ câu mở đầu cho đến đoạn cuối của phần kết. Thực ra, tác phẩm này là một bản tuyên xưng Ðức Kitô là Thiên Chúa, lồng gọn vào trong trình thuật nằm giữa lời tuyên tín mở đầu (x. Ga 1:1) và lời tuyên tín kết thúc (x. Ga 20:28): toàn bộ nội dung của phần trình thuật bao hàm ý nghĩa những gì niềm tin ấy muốn nói lên.

“Lúc khởi nguyên đã có Lời, và Lời ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1). Câu mở đầu long trọng này gồm có ba tiết. Tiết một xác định (Ngôi) Lời thường xuyên hằng hữu ở trong quá khứ: từ hõn (thời quá khứ chưa hoàn thành của động từ eimí: “là,” “có,”) chỉ về một hoạt động vô hạn, vô định. Tiết hai miêu tả Lời pròs tòn theón, tức ở bên cạnh và quy chiếu hoặc hướng về Thiên Chúa. Tiết ba khẳng định theòs ẽn ho lógos, tức “lời là thần;” từ theòs này là thuộc từ của câu, không có mạo từ để phân biệt với hò theós; thế là: “Thiên Chúa” với mạo từ chỉ về Chúa Cha; còn Lời thì có tính chất Thiên Chúa, và sau này Gioan sẽ gọi là Con. Ðầu tiên là ý nghĩa chỉ về một chức năng của Lời, tức vai trò của Lời nhằm về chúng ta: Lời làm cho loài người chúng ta những gì chính Thiên Chúa làm; hoặc nói cách khác: chúng ta nhận ra Thiên Chúa là thế nào đối với con người chúng ta, thì Lời cũng là thể ấy; những gì chúng ta quy chiếu về Thiên Chúa, thì cũng phải quy chiếu về Lời, v.v. Vậy “Lời” là ai? Câu Ga 1:14 trả lời: “Lời đã trở nên xác phàm.” Lời-thành-thịt này mà Gioan đã nhìn thấy, chính là đối tượng của Phúc Âm thứ tư, là Chúa Giêsu Kitô: Ngài hiện hữu trước khi sinh ra làm người. Sau này, thần học sẽ khẳng định thêm là: Ngôi Lời ấy là Thiên Chúa không chỉ theo ý nghĩa chức năng, mà còn theo cả ý nghĩa hữu thể học. Trong văn cảnh Phúc Âm Gioan, và ám chỉ đến Ga 8:52, Walter Kasper kết luận: “Không ai có thể nghi ngờ được là khi khẳng định Lời tiên hữu, Phúc Âm Gioan muốn nói về thực trạng tiên hữu theo ý nghĩa hữu thể học.”

Chúa Cha cũng như Ngôi Lời đều được gọi là “Thiên Chúa,” nhưng rõ là hai chủ thể khác nhau; Ga 1:18 nói rõ hai Ðấng ấy là “Cha” và “Con.” Mặt khác, Thiên Chúa thì chỉ có một, vì thế, cả hai phải chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Mầu nhiệm cơ bản này, Gioan đã giải thích theo nhiều cách: cả hai cùng có chung một sự sống (x. Ga 5:26), một niềm vinh quang (x. Ga17:5. 24); sách Khải huyền còn cho biết cả hai cùng có chung một ngai duy nhất (x. Kh 22:3), cũng như cùng có chung hết thảy mọi sự (x. Ga 17:10); và cuối cùng, cả hai chỉ là một (x. Ga 10:30). Các câu trưng dẫn trên đây nằm trong bối cảnh những cuộc tranh luận giữa người Do thái và các kitô hữu thời đầu (x. Ga 10:24. 33); người Do thái cho việc khẳng định như thế là lộng ngôn (x. Ga 19:7); thế mà Gioan (tức Giáo hội) không thay đổi gì hết trong cách tuyên xưng đức tin; chính vì thế mà phải hiểu các câu ấy theo nghĩa đen, tức theo nghĩa hữu thể học.

Lời tuyên xưng của tông đồ Tôma: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”(Ga 20:28), là lời rõ nhất trong Tân Ước khẳng định thiên tính của Ðức Kitô. Quả thật, Gioan đã cố ý ghi lời ấy để củng cố niềm tin của các kitô hữu còn tỏ ra lừng khừng do dự, thậm chí có thể nói là cuốn Tin Mừng này chỉ nhằm vào một mục đích đó thôi: tin vào Ðức Giêsu, là con người mà cũng vừa là Thiên Chúa (x. Ga 20:31; 1Ga 5:10).

— Bản văn Dt 1:8-9 là đoạn trích dẫn Tv 45:6-7. Thiên Chúa nói với Con của Người: “Ôi Thiên Chúa, ngôi báu Ngài sẽ trường tồn vạn kỷ!” Trong Thánh vịnh, từ “Thiên Chúa” được quy áp cho nhà vua, vì thế, tự nó không mang một ý nghĩa gì đặc biệt. Như đã lưu ý, Cựu Ước cũng quy áp tước hiệu “thiên chúa” cho các thiên thần (x. Tv 8:5), cho các thủ lãnh Ítraen (x. Tv 58:1), cho nhà Ðavít (x. Dcr 12:8) và cho một số vĩ nhân trong Ítraen, như Môsê (x. Xh 4:16; 7:1), Samuen (x. 1Sm 28:13), cũng như cho đấng Thiên sai (x. Is 9:5).

Tuy nhiên, thư Do thái đã đặc biệt nêu bật bản thân Ðức Kitô, coi Ngài cao cả hơn các thiên thần, hơn Môsê, hơn bất cứ ai. Trong văn mạch ấy, tác giả khẳng định Ngài là Người Con tiên hữu (x. Dt 1:2-3), và cho biết là Thiên Chúa đã phán bảo các thiên thần phải “thờ lạy” Ngài (x. Dt 1:6). Tác giả quy áp cho Ðức Kitô những gì Cựu Ước dành riêng cho Ðức Giavê: “đặt nền trái đất” và kết thúc lịch sử (x. Dt 1:10-13). Vì vậy, ở đây từ “Thiên Chúa” mang một ý nghĩa đặc thù, chính thực, tức là chỉ về Thiên Chúa Tạo hóa và thống trị.

— Ngoài các câu nêu trên đây, còn một số đoạn khác cũng có thể hiểu – một cách rất hợp lý – như là ngụ ý nói rằng Ðức Kitô là “Thiên Chúa.” Ðó là các đoạn Ga 1:18, Rm 9:5, Tt 2:13, 1Ga 5:20 và 2Pr 1:1. Trừ một số thủ bản, các bản văn về Ga 1: 18 đều ghi: “Con Một là Thiên Chúa.” Liên quan đến Rm 9:5, một vấn đề nổi tiếng về văn phạm đã được đặt ra để tìm xem từ “Thiên Chúa” có chỉ về Ðức Kitô hay không; truyền thống công giáo (Vulgata) quy áp từ theós ấy cho Ðức Kitô. Tt 2:13 thường được dịch ra “Ðức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Ðấng cứu độ chúng ta,” nhưng cũng có thể đọc là “Thiên Chúa vĩ đại và Ðức Kitô Giêsu.” Ý nghĩa song đôi tương tự như thế cũng gặp thấy ở trong các câu 1Ga 5:20 và 2Pr 1:1, dù văn phạm thiên về nghĩa quy áp từ “Thiên Chúa” cho danh xưng “Ðức Giêsu Kitô.”

Trong một số bản văn khác nữa, xem ra Ðức Giêsu được gọi là “Thiên Chúa”; tuy nhiên, không thể xác định cho chắc chắn được vì các thủ bản không cho thấy rõ; các bản văn đó là: Cv 20:28, Gl 2:20, Cl 2:2, 1Tx 1:12.

b. Tân Ước trình tả Ðức Giêsu trong tư cách là Thiên Chúa

Nếu tầm cứu Tân Ước như là một nguồn liệu lịch sử, thì có thể thu tập được những yếu tố khả dĩ thiết cấu nên một bằng cứ kiên vững cho việc minh chứng Ðức Giêsu là Thiên Chúa, miễn là phải ý thức rằng nội dung các văn bản đã được biến cố phục sinh xác chuẩn. Các tác giả của bốn Phúc Âm giới trình cách thức Ðức Giêsu hiểu về mình, và cho thấy các công việc Ngài làm quả đã chứng tỏ Ngài là thế; dạng “Kitô học gián tiếp” ấy có thể được kể như là một bằng chứng về thiên tính của Ðức Giêsu.
Sau đây là những yếu tố chủ chốt và cấu thành của bằng chứng:

– Ðức Giêsu xác định là lời mình có uy thế như (hoặc trên) Luật của Thiên Chúa (x. Mt 5: 22.28.32, v.v.), như thế là Ngài đặt mình vào trong lãnh vực “thần linh.”

– Ðức Giêsu nói rõ là mình quan trọng hơn Ðền thờ (x. Mt 12:6), tức là đặt mình ở bình diện của Ðấng ngự trong Ðền thờ (x. Mt 23:21; Dt 3:5-6).

– Xác quyết lời mình nói thì vững chắc hơn trời đất (x. Mc 13:31ss), là cho thấy chính mình là chủ của trời và đất.

– Hễ đã minh chứng mình có quyền tha tội, tất là tự đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa (x. Mc 2:7tt).

– Hễ đã tự đặt mình làm tiêu chí cho việc quyết định số phận đời đời, và làm thẩm phán cánh chung của muôn loài, tất phải tự mình có quyền như chính Thiên Chúa (x. Mt 7:23; 10:15.32-33; 25:31tt.).

– Ðòi hỏi người khác phải tuyệt đối tuân phục mình và sẵn sàng hy sinh cả đến mạng sống vì mình (x. Mt 5:11; 10:37-39; 12:30; 16:24-25,v.v.) là ngầm chỉ mình là Ðấng Tuyệt đối.

Như đã lưu ý trước đây, thái độ ứng xử như thế thì chỉ có thể hoặc là của chính Thiên Chúa, hoặc là của người mang chứng hoang tưởng tự đại. Mà người mang chứng hoang tưởng tự đại, thì không thể tạo nên được những công trình như lịch sử đã thấy.

Kitô học gián tiếp xuất hiện trong nhiều cách: Ðức Giêsu giảng dạy “có thẩm quyền” (x. Mc 1:27), khác hẳn các tiên tri khác; các ngôn sứ thường nói: “Chúa phán,” còn Ðức Giêsu thì nói: “Ta bảo rằng…” (Mt 5:22.28, v.v.), không phân biệt lời của Thiên Chúa với lời của mình (x. Mc 1:22.27; 2:10,v.v.). Trong cách kêu gọi các môn đồ, Ngài tiến hành theo một lề lối khác hẳn các rabbi đương thời. Thường thì các môn sinh xin thầy thâu nạp mình; còn Ðức Giêsu thì đích thân chọn lựa những ai mình muốn (x. Mc 3:13). Và hơn nữa, Ngài lại còn ra lệnh: “Hãy theo Ta” (Mc 1:17), như là bằng một lời sáng tạo để biến họ thành môn đồ (x. Mc 3:18; 3:14). Khác với các rabbi, Ngài không giải thích Luật, nhưng lập nên Luật: lời Ngài là Luật. Ðúng hơn: các môn đồ không học một thứ giáo lý, nhưng là “ở với Ngài” (x. Mc 3:14), chia sẻ sứ mệnh của Ngài (x. Mc 3:14; 6:7tt) và làm chứng về Ngài (x. Mt 10:32-33). Cuối cùng, môn đồ của Ngài không bao giờ “tốt nghiệp” để thành “thầy,” vì chỉ có một Thầy, và mãi mãi họ sẽ là môn đồ (x. Mt 23:8).

Một cách gián tiếp, tức là qua việc quy áp cho Ngài những thuộc ngữ Kinh Thánh dành riêng cho Ðức Giavê, các tác giả của Tân Ước [Phúc Âm] muốn ngầm chỉ Ðức Giêsu là Thiên Chúa. Trước tiên là tước hiệu “Chúa” như sẽ bàn tới sau. Tiếp đó là thành ngữ sách Khải huyền ghi lại trong lời của Ðức Kitô: “Ta là Anpha và Ômêga, là Ðầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22:13), và đó cũng chính là lời của Thiên Chúa (x. Kh 1:8; 21: 6); vậy, cả hai cũng đều vĩnh cửu, cũng đều là nguồn gốc và là cùng đích của mọi sự.

Ngưòi Do thái thường ca ngợi Thiên Chúa bằng những lời kinh tán tụng (doxology), như chẳng hạn Tv 41:14; 72:18t, hoặc Rm 1:25; Pl 4:20, v.v. Thế mà, đôi lúc, các tông đồ cũng dùng các công thức ấy cho Ðức Kitô; chẳng hạn như trong Rm 9:5. Trong sách Khải huyền, Con Chiên được tán tụng hệt như Thiên Chúa (x. Kh 5:9t.12), hoặc cùng với Thiên Chúa qua một lời tán tụng chung: “Xin kính dâng Ðấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự” (Xh 5:13). Có chỗ lại lấy tên Ðức Kitô mà ghép với thánh Danh Thiên Chúa thành một công thức duy nhất, như công thức rửa tội (x. Mt 28:19), hoặc là lời chúc phúc ở trong 2Cr 13:14. Như thế có nghĩa là “ba vị” ấy (Thiên Chúa, Ðức Kitô và Thánh Thần) ngang hàng như nhau.

Hơn nữa, vai trò Cựu Ước dành riêng cho Giavê, cũng được Tân Ước quy áp cho Ðức Kitô. Ðó là vai trò tha tội như đã bàn sơ trước đây. Tôn giáo Ítraen xác tín rằng chỉ một mình Giavê mới có quyền tha tội. Vậy mà, không những tha tội (x. Mt 9:6tt), Ðức Kitô còn là Ðấng làm chủ quyền tha tội, bởi Ngài chia sẻ quyền ấy cho các tông đồ (x. Ga 20:23). Cũng như Giavê đã tác tạo vũ trụ (x. St 1:1tt), thì Ngôi Lời cũng vậy (x. Ga 1:3); Ðức Kitô là Ðấng tạo thành mọi sự (x. 1Cr 8:6; Cl 1:16; Dt 1:2.10).

Mười sáu lần, Tân Ước gọi Ðức Kitô là Ðấng Cứu độ. Cựu Ước không bao giờ quy áp tước hiệu này cho bất cứ một ai, cả đến Mêsia cũng không, bởi duy chỉ một mình Giavê mới là Vị Cứu độ. Vậy mà, ngay từ lúc mới sinh ra, Ðức Giêsu đã được gọi bằng tước hiệu “Ðấng Cứu độ” (Lc 2:11: cùng với tước hiệu Chúa và Kitô), và truyền thống kitô cũng thường gọi Ngài là như thế, đặc biệt là để khẳng định đối lại với thói tục thời ấy quen gọi hoàng đế Rôma và các thần linh trong tôn giáo Hy lạp (x. Pl 3:20-21; Tt 2:13; 3: 6; 2Tm 1:10), là những vị “cứu tinh.” Theo Phúc Âm, không chỉ là Ðấng mang lại ơn cứu độ, Ðức Giêsu còn là sự cứu độ; Ngài vào nhà Dakêu là “ơn cứu độ đến cho nhà ấy” (Lc 19:9).

Trong văn mạch ấy, thành ngữ “Tôi là” (egwø eimiù) mang trọn được tầm trọng yếu đặc thù (x. Ga 8:24.28.58; 13:19). Các nhà chú giải nhận ra rằng tác giả (Gioan) đã chủ ý dùng thành ngữ ấy để tỏ rõ Ðức Kitô là Thiên Chúa. Cựu Ước (LXX) phiên dịch danh hiệu Yhwh bằng egò eimí (như trong Is 45:18). Trình thuật Ðức Giêsu dùng đến danh xưng ấy, là Gioan muốn cho thấy Ngài rập khuôn theo cung cách xưng hô của Giavê (x. Is 43:10.25; 52:6-LXX): “Trước khi Abraham trở thành, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (Ga 8:58). Ngay cả khi Gioan dùng thành ngữ này với ý nghĩa “thường” (= chính tôi đây), thì cũng vẫn có ý ám chỉ đến thiên tính, đặc biệt là ở trong vườn Ghếtsêmani (x. Ga 18: 6): nghe Ngài nói “Chính tôi đây,” các quân lính đến bắt đều té ngã! Ðộc giả cũng có thể nhận ra giáo lý này ở trong các Phúc Âm nhất lãm; thí dụ Mc 6:45-52 muốn nói: sự việc Ðức Giêsu bước đi trên mặt hồ là một cuộc hiển linh; Ngài nói: “egò eimí, đừng sợ,” như Thiên Chúa đã nói ở trong Cựu Ước (x. St 26:24; Is 43:5,v.v.). Khi kể “Ngài định vượt các ông…” là Mc muốn ám chỉ tới các sự việc đã xảy đến với Môsê (x. Xh 33:19.22; 34:5-7) và với Êlia (1V 19:11), để cho thấy là Ðức Giêsu ứng xử như chính Giavê. Lời Ngài tuyên xưng trước Caipha (x. Mc 14:62) cũng mang một ý nghĩa tương tự.

Về các phép lạ, thì cần khẳng định ngay rằng phép lạ không phải là nguyên nhân của đức tin, song là kết quả hoặc là cơ hội. Thông thường, quan niệm bình dân nghĩ là nếu Ðức Giêsu làm phép lạ, thế tất Ngài là Thiên Chúa. Không phải! Các tiên tri, các thánh nhân cũng đã làm phép lạ. Quan niệm xưa còn cho rằng ngay cả những kẻ sống giả hình cũng có thể làm phép lạ (x. Mt 7:22), và cả đến kẻ thù của Ðức Kitô cũng thế (x. Mc 13: 22). Trong đời Ðức Giêsu, phép lạ được coi như là những dấu chỉ cho thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa hiện diện ở nơi Ngài. Sự kiện chắc chắn là Ðức Giêsu làm phép lạ, như trừ quỷ, chữa lành bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại, cọng với một số việc khác, nhất là việc hóa bánh ra nhiều. Ắt là những sự việc ấy phải làm cho suy nghĩ: người có ác ý hoặc mang nặng óc hoài nghi thì có thể quy gán các việc ấy cho quỷ (x. Mc 13:22), hay coi đó chỉ là trò ma thuật; người thiện chí thì có thể nhờ đó mà được thu hút về với niềm tin vào Ðức Kitô. Còn Ðức Giêsu thì coi những việc là ấy là dấu chỉ về sự việc vương quyền Thiên Chúa đã đến hồi khai mạc nơi chính Ngài (x. Mt 12:28tt; Lc 11: 20). Sau “phép lạ” phục sinh, các kitô hữu tin là Thiên Chúa đã hoạt động nơi con người Giêsu, và chính Ngài có quyền làm các việc ấy.

Một cách trực tiếp hơn, tức là qua các tước hiệu, các tác giả Tân Ước đã cho thấy Ðức Giêsu là Thiên Chúa. Ở đây, chỉ xin bàn thêm về hai tước hiệu sau đây:

— Con Thiên Chúa.– Xin xem lại đoạn viết về “Con Thiên Chúa” trong chương trước. Có thể thế hệ kitô đầu tiên đã không hiểu cho rõ lắm về ý nghĩa của tước hiệu; nhưng chẳng bao lâu sau, Giáo hội đã nhận thức được Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa theo nghĩa đen, ngay từ khi mới được thụ thai. Mc 1:1 và 15:39 quả là những công thức đức tin. Ngôn từ đôi lúc không được rõ cho lắm, chẳng hạn như trong câu Mc 1:11, là câu có thể hiểu theo nghĩa của thuyết “dưỡng tử”; nhưng dần dần những công thức đã trở nên chính xác hơn, có sức minh bạch nói lên ý nghĩa siêu nghiệm về bản thân Ðức Giêsu.

Trong Gioan, đức tin vào thiên tính của Ðức Kitô quả đã đạt đến mức thành tựu; tuy nhiên, vẫn còn có những công thức làm như mở đường cho lối giải thích theo “hạ phục thuyết” (subordinationism), tức là coi như Ðức Kitô “kém thua” Chúa Cha (x. Ga 14:28) và vì thế mà phải vâng phục Người (x. Ga 4:34; 8: 29; 14:31). Lý do là vì Ðức Giêsu cũng là con người (tạo vật), và trong kế hoạch cứu độ, Ngài giữ vai trò Tôi tớ Giavê. Nhưng trên bình diện hữu thể, Gioan nói rõ Cha và Con là một (x. Ga 10:30), và trong sứ mệnh, Con chia sẻ cùng một nguồn hiểu biết như Cha (x. Ga 10:15), cùng một hoạt động như Cha (x. Ga 5: 14.19.20) để cứu độ loài người (x. Ga 5:25t).

Trong Tân Ước, xuất hiện nhiều lần nhất là tước hiệu “Con Thiên Chúa”: 20 lần trong văn bộ Phaolô và 25 lần trong văn bộ Gioan (10 lần trong Ga và 15 lần trong 1Ga). Còn Phúc Âm nhất lãm thì cho thấy tước hiệu ấy xuất hiện trong những bối cảnh long trọng (x. Mt 3:17; 17:5tt, v.v.) của dạng “Kitô học cao.” Ý nghĩa của lời khẳng quyết “Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa” thì khác hẳn với quan niệm triết lý Hy lạp cho rằng con người thuộc “dòng giống các thần linh” (x. Cv 17:28-29), cũng như khác với quan niệm Cựu Ước cho rằng người công chính là “con của Giavê” vì sinh ra từ Ítraen là hiền thê của Giavê (x. Hs 2:21;Ga 8: 41), và cũng chẳng chỉ về Ðấng Thiên sai (x. Tv 2:7). Tử hệ của Ðức Giêsu với Chúa Cha là một quan hệ độc nhất, không chia sẻ được với ai cả, bởi mang tính chất thần linh, thuộc lãnh vực nội tại Thiên Chúa, phi thời gian, và được thể hiện ở trên bình diện hữu thể. Việc được thể hiện ở trên bình diện hữu thể như thế là điều kiện thiết yếu đối với vai trò trung gian Ngài đóng giữ do bởi sứ mạng mạc khải và cứu độ (x. Dt 1:2-3; 2Cr 4:4; Ga 1:18; 1Ga 1:2). Vì Ðức Kitô là Con, nên Ngài là trung gian khởi nguyên và chung cục (a và w), là nguyên lý của vũ trụ biến hóa (theo ý nghĩa siêu nghiệm) như đọc thấy ở trong Dt 1:2; 1Cr 8:6; 15:28; Ga 1:3; Cl 1:16). Là Con ở trong lịch sử, Ðức Giêsu hướng trọn con người mình về với Chúa Cha: từ Cha mà ra và sẽ trở về với Cha; làm cho loài người biết Cha và dẫn dắt loài người đến với Cha (x. Dt 1:3; 1Ga 1:3; đặc biệt là Ga 1:14; 5: 19tt; 6:37t.44.57; 8:28; 10:17.30; 14:13,v.v.). Ðức Giêsu là Con của Cha qua một tử hệ thâm sâu và khắng khít hơn tử hệ của bất cứ người con nào đối với cha mình (x. Ga 10:30.38; 16:15). Hơn là một ý niệm, tử hệ tính đối với Thiên Chúa là một thực tại Ðức Giêsu cảm nhận qua kinh nghiệm về quan hệ thân thuộc thắm thiết và tình tương ái giữa hai “vị” ngang nhau, như thấy được, chẳng hạn, qua Mt 11:27; Lc 10:22; Ga 10:15. Ngẫm đọc các bản văn này, một nhà thần học đã nhận định rằng: “Theo tôi, trong toàn bộ Tân Ước, câu viết này là lời khẳng định rõ nhất về ‘thiên tính’ của Ðức Giêsu.” Tính chất hỗ tương Cha-Con gắn chặt niềm tin vào một Vị với niềm tin đối với Vị kia, không thể nào tách rời khỏi nhau được: điều chúng ta tin đối với Cha thì cũng phải tin đối với Con; đó là điểm chủ đạo các thư của Gioan (x. 1Ga 2:22-24; 5:10-12; 2Ga 9); thế nên, nếu Cha là Thiên Chúa, lẽ tất Con cũng thế. Nhưng, đó là mầu nhiệm; vì vậy, không phải cũng như không thể là hoàn toàn thích đáng để biểu đạt nội dung mầu nhiệm, các từ “Cha” và “Con” cần phải được hiểu theo nghĩa loại suy. Dùng phạm trù triết học, công đồng Nixêa đã định tín bản chất của tử hệ này với công thức: “đồng bản tính với Ðức Chúa Cha.”

— Chúa.– “Chúa” là danh tước hữu hiệu nhất giúp Giáo hội đi từ Ðức Giêsu mang thân phận hay chết, để tiến đến với Ðức Kitô thiên tính, bất diệt. Gọi Ðức Kitô bằng danh tước “Chúa” là phản ứng tự phát do cuộc gặp gỡ với Ðấng Phục sinh khơi dậy. “Ðức Giêsu là Chúa” (Cv 2:36) là công thức tuyên xưng đầu tiên và là – theo Tân Ước – công thức làm chuẩn tiêu cho đức tin kitô (x. Rm 10:9; 1Cr 12:3; Cl 2:6; Pl 2:11, v.v.).

Trong tiếng Hy lạp, từ kýrios có nghĩa là ông, chủ, chúa, tùy hoàn cảnh. Trong Phúc âm, từ kýrios có thể là cách xưng hô đối với một người: “thưa ông” (Mt 21:30), hoặc “kính thưa thầy” (Mt 8:25; 17:15, v.v.), và thường là người danh giá (x. Mt 8:25); có thể là chủ ruộng (x. Mc 12:9) hoặc ông chủ của nô lệ (x. Lc 12: 42tt); cũng có thể chỉ về người nắm quyền bính chính trị (x. Mt 27:63), những người tự coi mình như là thần linh (x. Cv 25:26) như đã từng thấy trong thời trước ở Tiểu Á và Rôma (từ thời Caligula); cuối cùng, kýrios cũng là tên gọi thần linh trong các tôn giáo lương dân (x. 1Cr 8:5). Còn Tân Ước thì quy áp danh tước Kýrios cho Thiên Chúa (x. Mt 5:33; 11:25, v.v.) cũng như cho Ðức Giêsu (x. Ga 13:13-14, v.v.).

“Chúa” là tước hiệu Cựu Ước dành để chỉ về Giavê (x. Ðnl 10:17; Tv 136:3,v.v.). Bản Cựu Ước tiếng Hy lạp (LXX) phiên dịch danh hiệu Yhwh ra Kýrios (Chúa). Mặt khác, như đã thấy, dân ngoại gọi các thần linh của họ là “chúa”; các hoàng đế Rôma (nhất là từ Nêrô trở về trước) cũng được gọi là “chúa,” ngụ ý là họ thuộc giới thần linh. Giữa bối cảnh ấy, phải có đầu óc cách mạng lắm mới dám gọi Ðức Kitô là “Chúa”: ngoài Ðức Kitô ra, Giáo hội không coi một ai có quyền tuyệt đối, cũng như không vâng phục bất cứ một thứ quyền bính tuyệt đối nào (x. 1Cr 8:5-6). Nơi mà Kitô giáo khởi sự dùng đến tước hiệu này là Paléttin, như thấy được ở trong kinh nguyện Maranatha (Xin Chúa hãy đến); các tín hữu gốc Hy lạp cũng dùng kinh ấy trong tiếng Aram (x. 1Cr 16:22) hoặc trong tiếng Hy lạp (x. Kh 22:20). Khi gọi Ðức Kitô là Chúa, họ muốn tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa.

Thế mới rõ tại sao, lúc sinh thời, Ðức Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa, còn Giáo hội hậu phục sinh thì lại rao giảng về Chúa Kitô. Cốt lõi nội dung của sứ điệp các tông đồ là “Ðức Giêsu Kitô là Chúa” (x. 2Cr 4:5). Thánh Phaolô chào thăm các cộng đoàn với lời cầu chúc: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an” (Rm 1:7; x. 1Cr 1:3, v.v.): như thế có nghĩa là ngài đặt Ðức Kitô trên cùng một bình diện với Thiên Chúa. Và trong 1Cr 8:6, vị tông đồ còn nhắc lại tín điều cơ bản của Cựu Ước, gọi là Shema (x. Ðnl 6:4-5) và lồng thêm vào đó câu này: “một Chúa là Ðức Giêsu Kitô,” như là để làm nên Shema của kitô giáo. Phaolô cũng trích dẫn những đoạn Cựu Ước gọi Thiên Chúa là “Chúa,” để quy áp cho Ðức Kitô. “Chúa” là “danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu,” đòi hỏi “muôn vật cả trên trời lẫn dưới đất và trong nơi âm phủ, đều phải quỳ xuống bái lạy” (Ph 2:9-10), hệt như khi đến trước nhan Ðức Giavê, theo chứng từ của tiên tri (x. Is 45:23). Vậy, được gọi bằng danh hiệu ấy tức là được coi như ngang hàng với Giavê.

Ðức Kitô không chỉ là Chúa của không gian (Tạo hóa) mà còn là của thời gian, của lịch sử nữa. Thành ngữ “ngày của Giavê” (Chúa) trong Cựu Ước, đã trở thành, trong Tân Ước, “ngày của Chúa” (Ðức Kitô), tức là ngày quang lâm (x. 1Tx 5:2), “ngày của Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (1Cr 1:8; 5:5; 2Cr 1:14; Pl 1:6.10; 2:16). Phêrô coi “ngày của Chúa” (2Pr 3:10) là “ngày của Thiên Chúa” (2Pr 3:12): ngày Thiên Chúa kết thúc lịch sử là ngày Ðức Kitô phán xét nhân loại.

Danh hiệu ấy là nguồn suối ơn cứu độ, vì “ai kêu cầu danh Ðức Chúa sẽ được cứu rỗi” (Cv 2:21; Rm 10:13): trong Cựu Ước, đó là Danh Giavê, nhưng bây giờ Danh ấy chính là Chúa Giêsu (x. Cv 4:12). Vì vậy, Chúa Giêsu được thờ phượng (x. Ga 9:38) như chính Thiên Chúa. Bởi hệt như Thiên Chúa, Ðức Giêsu bây giờ là “Chúa các chúa và Vua các vua” (x. Kh 17:14; 19:16), tức là Chúa tể tối cao: “Chúa của mọi người” (Cv 10:36), “Chúa kẻ sống và Chúa kẻ chết,” nghĩa là Chúa của cả đời này lẫn đời sau. Ðức tin kitô giáo tuyên xưng Ngài là “Ðầu mọi quyền lực thần thiêng” (Cl 2:10.15), dù là quỷ thần, thiên thần hoặc các vua chúa hay bất cứ một thứ quyền lực nào; chính vì niềm tin này mà Giáo hội đã và đang bị bách hại.

Thêm vào đó, Phaolô quan niệm Chúa Kitô như một thực tại thần bí, bao hàm nhiều chiều kích phổ quát, tương tự như một khoảng không gian sống động, trong đó người kitô cư ngụ, tức “ở trong trong Chúa” (Rm 6:23; 8:39; 16:2.8.11.22, v.v.), “mặc lấy Chúa Kitô” như bao da mới (x. Rm 13:14; Gl 2:27), đến nỗi “có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa; vậy, dù sống dù chết, thì cũng vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14:18). Kitô hữu trở nên một với Chúa như chi thể với đầu của thân mình (x. Cl 1:18). Tắt một lời, đối với kitô hữu, Thiên Chúa xuất hiện ở trong Ðức Kitô, hoạt động qua Ðức Kitô, và Ðức Kitô chính là Thiên Chúa.

Ðặc biệt, Phaolô trình bày thiên tính Ðức Kitô qua các công thức tam vị (trinitarian formulas), khi đặt Ðức Kitô và Thần Khí ngang hàng với Chúa Cha, trên cùng một bình diện tán tụng và thờ phượng (x. 1Cr 6:11; 12:4-6; 2Cr 13:14), như Giáo hội quen làm trong phụng vụ (x. Mt 28:19). Xem ra công thức tuyên xưng của Tôma (x. Ga 20:28) cũng phát nguyên từ phụng vụ.

Dù có khẳng định và diễn tả rõ Ðức Kitô là Thiên Chúa, thì đối với nhiều độc giả, xem ra Tân Ước cũng vẫn còn giữ thái độ nước đôi. Lý do là vì các tác giả đã muốn cẩn trọng giữ lại những công thức và cách quan niệm trong thời đầu – ngày nay, coi như là đã “lỗi thời” – hoặc, vì xa lạ với phương pháp lịch sử, độc giả quên đặt các văn bản ấy vào trong bối cảnh cụ thể của thời tiền phục sinh. Trong các truyền thống cổ xưa những thời trước nữa, gặp thấy nhiều câu làm cho cả các giáo phụ cũng phải bối rối; chẳng hạn như câu Mc 10:18: làm như Ðức Giêsu phủ nhận mình là Thiên Chúa; hoặc câu Mc 15:34 Ngài thốt lên từ trên thập giá: làm như Ngài bị Thiên Chúa bỏ rơi. Ga 20:17 cũng làm cho các nhà chú giải phải lúng túng: Ðức Kitô Phục sinh nói về “Thiên Chúa của Thầy” (x. thêm Ep 1:17). Các truyền thống do dự, không dám gọi rõ Ðức Kitô là “Thiên Chúa” vì sợ phạm đến tín điều số một trong Cựu Ước. “Thiên Chúa” chỉ có một, là Ðức Giavê, Cha của Ðức Giêsu Kitô; Tân Ước cố gắng phân biệt Cha và Ðức Kitô (x. 1Cr 15:24.28; Mc 13:32; Ga 14:28, v.v.). Chính vì vậy mà nếu chỉ tìm hiểu theo kiểu thuần túy lý luận, thì dễ mà đi đến chỗ giải thích Tân Ước theo chiều hướng lạc giáo, như các thuyết dưỡng tử, hạ phục, hoặc Ariô đã làm.

II. MỨC ĐỘ TRƯỞNG THÀNH CỦA NIỀM TIN VÀO THIÊN TÍNH ĐỨC KITÔ

Tân Ước hàm tích tất cả những yếu tố dệt nên đức tin kitô, nhưng thường khi những yếu tố ấy chỉ được giới trình như là dữ liệu còn ở trong thái trạng nguyên khai, chưa được xử lý, và còn cần phải được “chế biến” để vén mở cho thấy rõ giáo lý chính thực tinh thuần. Từ cuối thế kỷ 1, Giáo hội bị hầu như không ngớt, vướng vào những vụ tranh luận dai dẳng cho đến thời công đồng Conxtantinốp (năm 681).

Thử sơ tóm quá trình triển phát của đức tin vào thiên tính Ðức Kitô trong những thế kỷ đầu tiên ấy.

Yếu tố quyết định giúp cho Giáo hội nhận rõ thiên tính của Ðức Kitô là đời sống phung vụ. Tân Ước đã tiên phong minh nhiên và phổ biến dùng đến các công thức có tính cách phụng vụ để tuyên xưng đức tin vào Ðức Kitô. Ðó hoặc là những “tụng ngôn” (aretology), hoặc là những câu hoan hô, những bài thánh ca hay là những lời tuyên xưng (Ga 20:28, lời tuyên xưng của Tôma, là một thí dụ, ít nhất xem ra là thế). Khởi điểm là kinh nghiệm của các tân tòng (tức là hầu hết các kitô hữu thời đầu) về sự việc được Ðức Kitô giải phóng, về sự hiện hiện của Ngài trong các cộng đoàn kitô qua tác động của Thần Khí, đặc biệt là trong “bữa tiệc Tạ ơn”: bản thân Chúa (Kitô) đoàn kết các tín hữu, sinh động thánh hóa dân Ngài; vì vậy, đem hết lòng, họ tha thiết dâng lên Ngài lời nguyện cầu mà, trong tôn giáo nhất thần, chỉ được dâng lên cho duy một mình Thượng đế, cho Giavê mà thôi. Trong Cv 7:59, Têphanô cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con.” Phaolô cũng dâng lời cầu lên Chúa Kitô (x. 2Cr 12:8; Ep 5:19), như Ngài đã chỉ dạy (x. Ga 14:14). Cộng đoàn tiên khởi tất không xa lạ với lời kêu mời thân thuộc Maranatha! (“Xin Chúa hãy đến”); và hồi thế kỷ 2, trong thư viết cho hoàng đế Trajanô, Pliniô “Trẻ” thuật rằng các kitô hữu “hát những ca vịnh dâng lên Ðức Kitô như thể là dâng lên cho một thần linh.” Niềm tin vào thiên tính của Ðức Kitô không phải là kết quả của những chuỗi lý luận triết thần phức tạp cầu kỳ, song là thành quả phát sinh từ kinh nghiệm cứu độ trong Hội thánh.

Tuy nhiên, khi người kitô gặp gỡ với văn hóa Hy lạp, triết lý bắt đầu “gây sự” với nhiều vấn nạn đặt ra. Tân Ước cùng lúc giữ vững niềm tin độc thần giáo Do thái và lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô. Trí tuệ đặt câu hỏi: làm sao dung hòa cho ổn được hai sự kiện, một bên, Giavê là Thiên Chúa duy nhất, và bên kia, Ðức Kitô là Chúa tể càn khôn? Nếu Thiên Chúa là Ðấng tuyệt đối, thì còn chỗ đâu cho Ðức Kitô làm Chúa phổ quát? Và trong chính Ðức Kitô, thực thể tiên hữu và thực thể sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ, có phải là một, hay là hai, hoặc là thế nào? Vân vân và vân vân.

Thánh Inhaxiô Antiôkia († 107) dạy rõ về giáo lý Ðức Kitô là người thật, hoàn chỉnh, và là Thiên Chúa thật, trọn vẹn. Nhưng thánh nhân đã phải trải qua một cuộc bút chiến quyết liệt với ảo thân thuyết và ngộ giáo. Triết gia Giuxtinô (bị xử trảm năm vào 165) đã soạn một cuốn biện giáo cho dân ngoại và người Do thái dùng; ông cũng đã rộng rãi đối thoại với nền triết học Hy lạp, và bắc cầu nối kết ý niệm lógos của trường phái Platô với ý nghĩa lógos theo Gioan. Ông cho lógos theo ý nghĩa của Gioan, là chính Ðức Kitô. Khó là ở chỗ trường phái triết học ấy quan niệm lógos như là một hữu thể trung gian giữa Thiên Chúa và vũ trụ; vì thế, nếu không lý giải cho đủ, thì làm như Ðức Kitô phần nào “kém thua Thiên Chúa.”

Thánh Irênêo thành Lyon († 200), một thần học gia xuất sắc, đã thành công trong nỗ lực xây dựng một hệ thống tổng hợp lớn rộng về mạc khải, với ý thức cẩn trọng bảo toàn duy nhất tính của Thiên Chúa cũng như của kế hoạch cứu độ trong Ðức Kitô, bằng cách dùng đến ý niệm anakephalaiosis (recapitulation, “thâu họp vạn vật dưới một Ðầu là Ðức Kitô”). Nhưng tác phẩm lại mang tựa đề Chống lại các lạc giáo (Adversus Haereses), bởi đã có nhiều giả thuyết sai lạc lan mạnh trong thời đó. Dựa theo Kinh Thánh hơn là dựa vào một nền triết học nào, tác giả phối kết hài hòa giữa công trình tạo dựng và công cuộc cứu chuộc, giữa vật chất và tinh thần. Mầu nhiệm Nhập thể, tức Ngôi Lời thành người, được coi như là chóp đỉnh của công cuộc tạo dựng; qua mầu nhiệm ấy, Ðức Kitô tổng hợp tất cả ở nơi Ngài.

III. NHỮNG DẠNG LẠC GIÁO KHÁC NHAU

Lạc giáo là chân lý nửa vời, là sản phẩm không phải của ác ý, song là của trí khôn thụ tạo đấu chọi với mầu nhiệm. Trong Kitô học, mọi chân lý đều có hai mặt; bởi thế, đó cũng là môi trường trong đó, mọi thứ giả thuyết nửa vời nhung nhúc sinh sôi nẩy nở.

— Do thái-kitô giáo (Judaeo-Christianity) là một danh xưng đa nghĩa. Lúc đầu, đó là danh xưng chỉ về người Do thái theo Ðức Kitô; thực ra, cộng đoàn kitô hay Giáo hội thời sơ khai, đều gồm toàn các kitô hữu do thái-kitô như thế: họ vẫn giữ Luật Môsê và không nghĩ đến một tôn giáo mới, khác với Do thái giáo. Dù Phêrô có đón nhận dân ngoại mà không bắt buộc phải cắt bì (x. Cv 10) và dù công đồng Giêrusalem có chuẩn y quy tắc này, thì một nhóm kitô hữu gốc biệt phái (pharisêu) – kitô hữu chủ trương giữ Luật Do thái (gọi là những người chủ động việc Do thái hóa: Judaizers) – ra mặt chống đối lập trường thần học của Phaolô (như thấy ở trong thư Galát chẳng hạn). Từ nhóm này phát sinh vài ba phe phái, nhưng rồi cũng bị phân tán: phần thì bị trục xuất khỏi hội đường Do thái (khoảng năm 90), phần thì vì từ chối chấp nhận Kitô học cao của Phaolô và Gioan, nên không còn hiệp nhất với Giáo hội. Có một nhóm gọi là phái “người nghèo” (Ebionites): những người thuộc phái này nhìn nhận Ðức Giêsu là Mêsia, tuy nhiên không nhận Ngài là Con Thiên Chúa theo nghĩa hữu thể; sách Kerygmata Petrou (Phúc âm theo Phêrô) là của phái này. Họ đã chia thành một số phe phái khác nhau, và biến mất dần đi hồi thế kỷ 2.

— Thần học Logos sơ khai.– Muốn hội nhập văn hóa, Kitô giáo bắt đầu dùng đến phạm trù Hy lạp, đặc biệt là ý niệm lógos. Thời ấy, có nhiều quan niệm khác nhau về Lógos; tuy nhiên, theo quan niệm chung, thì lógos được hiểu như là”lý trí,” “ý niệm,” “lời,” “tư tưởng,” “lý càn khôn,” v.v. Cựu Ước (LXX) dùng từ lógos để chỉ về lời sáng tạo của Thiên Chúa (x. St 1), cũng như lời mạc khải của Người. Sau này, lógos đã được văn chương khôn ngoan nhân cách hóa (x. Kn, Cn, Gv và nhất là Hc) và được dùng để chỉ về Khôn ngoan của Thiên Chúa. Gioan hiểu Lógos ấy chính là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể. Nhiều nhà tư tưởng kitô thời đầu đã cố dung hòa quan niệm về lógos của hai phía: phía Kinh Thánh và phía triết ly Hy lạp, làm sao để đi tới chỗ quan niệm Ðức Kitô như là ý nghĩa của ơn cứu độ, và đồng thời như là lý càn khôn, nguyên lý khả tri (intelligibility principle/principe d’intelligibilité) của vũ trụ. Quan niệm như thế có thể phù hợp với cách hiểu của Gioan, nhưng cũng có thể kéo theo nhiều nguy hiểm. Lý luận tế nhị hơn sẽ hỏi: Lógos kia là ai hay là gì vậy? Là chính bản thân Ðức Giêsu hay là một “cái gì” nơi Ngài? Quan hệ giữa lógos với Ðức Giêsu, với Ðức Kitô là như thế nào? Những nền triết lý khác nhau sẽ suy diễn ra những hệ luận khác nhau.

— Ngộ giáo.– Ngộ giáo xuất hiện hồi thế kỷ thứ nhất, nhưng không được rõ về nguồn gốc. Không phải là một tôn giáo, cũng không phải là một hệ thống triết học, ngộ giáo là một phong trào tư tưởng hỗn hợp, bao gồm nhiều yếu tố Ðông phương, Hy lạp, Do thái và Kitô giáo rất khác nhau, cũng như nhiều trường phái mâu thuẫn với nhau, nhưng đều cùng có chung một nguyên tắc liên hiệp là chủ thuyết nhị nguyên. Thuyết này cho rằng vật chất và tinh thần đối nghịch với nhau, và tự bản chất, vật chất là xấu. Thế nên, vũ trụ vật chất này đã được dựng nên bở “thiên chúa xấ” hoặc bởi một “tiểu thần” hóa công, được đồng nhất hóa với Thượng đế của Cựu Ước (Giavê), và được coi là đối nghịch với “Cha của Ðức Kitô.” Còn nơi con người, thì thể xác đối nghịch với linh hồn. Nhân loại được chia ra làm ba hạng người: người vật chất, người hồn vía, và người tinh thần. Chỉ loại thứ ba này mới có thể được rỗi; và sự cứu rỗi cốt tại ở việc thoát ly khỏi thể xác (vật chất). Họ chờ mong một Vị Cứu tinh đến soi sáng giúp cho con người họ “giác ngộ.” Những ai đã giác ngộ thì dù có làm gì đi nữa, cũng không còn có thể phạm tội. Do vậy, trong phong trào ngộ giáo, có những phe phái phóng đãng, mà cũng có phe phái rất khắc khổ. Những nhân vật tiếng tắm nhất của phái này là Basiliđes, Valentinus và Marcion. Sau thế kỷ 3, ngộ giáo biến mất dần. Phong trào này đã gây ra nhiều vấn đề khó khăn cho Kitô giáo.

Vấn đề nên đặc biệt lưu ý là ảo thân luận. Ðó là lạc giáo thứ nhất và đáng kể nhất phát sinh từ ngộ giáo. Nếu vật chất là xấu, thì Thiên Chúa tốt không thể nào trở thành con người thật được. Ngôi Lời là Thiên Chúa, thế nên, Ngài chỉ làm ra vẻ như là con người mà thôi. Ðặc biệt là họ không thể chịu nổi sự việc Ngôi Lời chịu đóng đinh. Thiên Chúa tuyệt đối siêu việt, bất biến, thì không thể có chuyện Người trở thành con người. Vì vậy, thân xác của Ðức Kitô (và cuộc đời trần thế của Ngài) chỉ là ảo ảnh, là hình bóng biểu kiến bên ngoài, chứ không phải là có thật. Nếu vậy thì mầu nhiệm kitô giáo sẽ bị phá hủy tận căn; vì thế, 1-2Ga đã quyết liệt lên tiếng cảnh cáo, và Giáo hội thời đầu đã phải dày công chiến đấu chống lại quan niệm sai lệch ấy. Cũng nên lưu ý điểm này: Giáo hội quan tâm là quan tâm đối với các vấn đề – không phải là siêu hình học, song là – cứu độ học, như thánh Irênêô viết: “Nếu con người không thắng kẻ thù, thì kẻ thù cũng chẳng thực sự thua; mặt khác, nếu Thiên Chúa không ban ơn cứu độ, thì loài người chúng ta cũng chẳng thường xuyên nhận được ơn này.” Tư tưởng ảo thân thuyết sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng trên nhiều quan niệm về Ðức Kitô, theo chiều hướng giảm thiểu tầm trọng yếu của nhân tính Ngài.

— Một số trào lưu tư tưởng khác thì chưa nhận rõ được thiên tính của Ðức Kitô, và cố đặt Ngài vào một địa vị rất cao, nhưng dĩ nhiên là vẫn kém thua Thiên Chúa. Một phần nào, đó là quan niệm của Giuxtinô tử đạo. Clêmentê († 215), người sáng lập trường giáo lý thành Alêxănđria, đã dựa theo triết học Platô để giải thích mầu nhiệm Ðức Kitô, và cho rằng Ngôi Lời đã “chỉ giáo” chẳng những cho các tiên tri không thôi, mà còn cho cả các hiền nhân thời xưa nữa; nhưng, nhân tính của Ðức Giêsu thì không được tác giả lưu ý đến bao nhiêu. Origênê († 235), một nhà thần học lớn nhất sau Clêmentê, trong thời đại ấy, cũng đã không đánh giá ‘xác thịt’ cho đúng mức, bởi chịu ảnh hưởng quá sâu đậm của triết học Platô; đối với ông, Ngôi Lời kết liên với nhân tính qua linh hồn, chứ không qua thể xác. Ngôi Lời là hình ảnh của Thiên Chúa, chứ không phải đích thực là Thiên Chúa. Dạng triết học ấy cho là có “những mức độ” trong thiên tính; đó là nguồn gốc phát sinh nhiều dạng lạc giáo trong lãnh vực Tam Vị học và Kitô học. Xin được toát lược như sau:

Nghĩa tử thuyết.– Hậu quả của lạc thuyết tam vị gọi là độc nhất thần vị (monarchianism). Lạc thuyết này cho rằng Ngôi Lời hoặc chỉ là một khía cạnh của Thiên Chúa, hoặc không phải là Thiên Chúa. Vì thế, Ðức Giêsu chỉ là một vị được Thiên Chúa đón nhận làm “Con nuôi.” Phe thì cho Ngài là một thiên thần, phe khác lại nghĩ Ðức Giêsu đã trở thành Ðức Kitô lúc chịu phép rửa, hoặc lúc sống lại. Dưới những hình dạng khác nhau, lạc giáo này xuất hiện trong các học thuyết của Phaolô Samosata († 270), Marcello Ancira († 375), v.v. Phaolô Samosata sai lạc trong hai điểm: một, Ðức Giêsu là người được Thiên Chúa nhận làm con nuôi; và hai, Lời (Lógos) cư ngụ trong Ðức Giêsu như là trong một đền thờ, tuy nhiên Lógos không phải là ngôi vị, mà chỉ là một thuộc tính của Thiên Chúa. Lạc thuyết này đã bị công đồng Antiôkia Êlipanđô (năm 268) lên án. Trong thế kỷ 8, lạc giáo này lại xuất hiện một lần nữa qua chủ hướng của Êlipanđô († 802), tổng giám mục thành Tôlêđô, Tây ban nha, cho rằng Ðức Kitô là con Thiên Chúa theo thần tính, nhưng theo nhân tính, thì Ngài chỉ là nghĩa tử. Sau cùng, đến lượt Abêlarđô († 1142): ông này phủ nhận Ngôi Lời hiệp nhất với nhân tính theo bản thể, tức là Lời đã không trở thành con người; thuyết của ông đã bị công đồng Sens (năm 1140) kết án.

— Ario: Lạc giáo mạnh nhất trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo là chủ thuyết Ariô (arianism). Ariô sinh trưởng tại Liby và thụ phong linh mục tại Alêxănđria. Do ảnh hưởng của Origênê và bởi cứ khăng khăng bám sát văn tự để giải thích Kinh Thánh, nên ông đi đến chỗ nhận thức sai lệch về Ðức Kitô. Các học giả hiện đại không hiểu rõ chính Ariô đã thực sự chủ trương những gì, bởi cái ngày nay gọi là lạc giáo Ariô (Arianism), là kết quả các quan điểm của nhiều nhân vật khác nhau. Dựa theo Cn 8:22-31 – có câu viết: “Ðức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất” – học thuyết ấy lý luận rằng nếu Thiên Chúa đã dựng nên hết thảy mọi sự, tất Lời cũng đã được dựng nên, là tạo vật. Khẩu hiệu họ đề ra là: “Ðã một thời không có Lời.” Nhưng Lời là tạo vật cao siêu hơn cả, là trung gian giữa Thiên Chúa và thế gian, như một đấng “Thiên Chúa đệ nhị cấp” (deúteros theós) đáng được thờ phụng, nhưng không phải là Thiên Chúa thật theo trọn nghĩa, mà cũng không phải là người thật. Bởi Lời là Con, nên đã được “sinh ra,” và theo Ariô, “bất sinh” (không phải là được “sinh ra”) đồng nghĩa với “vĩnh hằng”; mà chỉ có Cha mới là “bất sinh” (agennetos, ingenitus), nên mới “vĩnh hằng”; còn Con đã được “sinh ra” thì không thể vĩnh hằng được; vậy, Con không phải là Thiên Chúa thật. Alêxănđrô, giám mục thành Alêxănđria, đã viết thư cho các giám mục, kết án Ariô; công nghị giám mục Ai cập và Liby (năm 320) cũng kết án như thế. Nhưng Ariô trốn sang với bạn là Eusêbiô, giám mục Xêdarêa († 340). Tranh luận xảy ra sôi nổi, gây nhiều chia rẽ trong Giáo hội.

Vừa thống nhất xong đế quốc Rôma (năm 324), nhưng rất lấy làm buồn vì tình trạng chia rẽ tôn giáo, hoàng đế Conxtăntinô Cả đã phái Ôsiô thành Córđôba, mang thư cho Alêxăndrô và Ariô, yêu cầu họ làm hòa với nhau, nhưng thất bại. Vì vậy, hoàng đế đã triệu tập một công đồng chung tại Nixêa vào năm 325.

IV. CÔNG ĐỒNG CHUNG NIXÊA

Nixêa là một thành phố bên Tiểu Á, ngày nay là làng Isnik ở Thổ nhĩ kỳ. Chừng 250 giám mục, hầu hết từ Ðông phương, đã họp nhau để bàn về hòa bình và hiệp nhất trong Giáo hội đang bị đe dọa bởi luận chiến do Ariô gây nên. Chính hoàng đế đã đọc diễn văn khai mạc.

Chủ chốt và quyết định là vấn đề thiên tính của Ðức Kitô và những thuật ngữ cần phải dùng để trình bày giáo lý này. Bên phía Tây phương (nói tiếng Latinh), Téctullianô († 220) đã đề xuất một công thức có giá trị gần như quyết định, nói rằng: nơi Ðức Kitô có một “bản ngã” (persona) và hai “bản thể” (substantia). Bên phía Ðông phương (nói tiếng Hy lạp), Phaolô Samôsata giữ quan điểm cho Lời là “đồng bản tính” (homoousios) với Chúa Cha, nghĩa là, theo ông, cả hai là một “bản ngã” nhưng là hai “bản tính.” Bởi thiếu phạm trù chuyên môn và vì ngôn từ không mang cùng một ý nghĩa ở mọi nơi và đối với mọi phía, nên cuộc tranh luận kéo dài không ngừng. Nhóm thì phủ nhận Ðức Kitô là Thiên Chúa, nhưng lại không đồng ý với nhau trong việc trả lời Ngài là ai; nhóm thì nhìn nhận Ðức Kitô là Thiên Chúa, nhưng lại quan niệm khác nhau về cách Ngôi Lời hiệp nhất với nhân tính: dường như – có người nghĩ – Ðức Giêsu không cần có linh hồn, vì đã có Lời thay thế. Cuộc tranh luận đã cho thấy một điều, đó là Tân Ước không thể trực tiếp giải đáp vấn nạn ấy được. Ai có quyền (và ơn) để giải thích Kinh Thánh hầu tìm ra cho được ý nghĩa đích thực nhằm giải quyết vấn đề? Các nghị phụ trả lời: Hội thánh.

Và Công Ðồng đã ban bố công thức tuyên tín như Sau:

“Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Cha toàn năng, Ðấng tạo thành muôn vật hữu hình và vô hình; và một Chúa duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Con một sinh bởi Chúa Cha, nghĩa là bởi bản thể của Chúa Cha, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể (homoousion) với Chúa Cha, nhờ người mà muôn vật trên trời dưới đất được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã xuống thế, trở nên xác thịt và con người, chịu khổ hình và sống lại ngày thứ ba. Người lên trời và sẽ lại đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Và [chúng tôi tin kính] Thánh Thần.

Giáo hội Công giáo kết án [=tuyệt thông] những ai nói rằng ‘đã một thời Ngài không có’ và ‘trước khi sinh ra, Ngài không có’ và ‘Ngài được tạo thành từ không không’ hoặc từ một bản thể khác hay từ một bản tính khác, hoặc nói rằng Con Thiên Chúa là tạo vật, hay là một thần linh hay thay đổi hoặc biến dạng ra thành khác” (DS 125-126).

Tất cả các giám mục đều ký tên, trừ ra 3; ba vị này đã bị phế truất và lưu đày theo lệnh hoàng đế.

Nhận định: văn kiện là một bản tuyên tín, chứ không phải là bài giáo khoa. Dùng số nhiều “Chúng tôi” là nhân danh toàn thể Hội thánh. Các nghị phụ ý thức là mình đã làm một điều gì mới: nghị quyết ai có quyền chính thức giải thích Kinh Thánh; cụ thể mà nói, vấn đề công đồng bàn thảo và nghị quyết là mối quan hệ giữa Ðức Giêsu và Chúa Cha. Không có điểm khởi đầu đối với bản ngã Ðức Giêsu, tức Ngài không phải là tạo vật, mà là Con Một “đồng bản tính” với Chúa Cha. Thay vì “Lời,” Nixêa đã dùng từ “Con.” Ðiều mới lạ hơn cả là công đồng đã dấn thân vào nỗ lực hội nhập văn hóa qua việc dùng phạm trù Hy lạp: ‘omoouùsioV, có nghĩa là “cùng một bản thể, hoặc bản tính,” để khẳng định Ðức Kitô là Thiên Chúa thật, tức vĩnh hằng và bất biến. Ðể có thể dùng những phạm trù như thế, thì trước đó, cần phải tinh luyện làm cho chúng có được khả năng diễn đạt mầu nhiệm trong một mức độ nào đó. Ngôn ngữ công đồng dùng là ngôn ngữ hữu thể (ontological), bởi vấn đề cần minh định là một vấn đề hữu thể; tuy nhiên, cũng mang tính chất chú giải (hermeneutical), xét vì đó là “chìa khóa” để giải thích Kinh Thánh: dù có thể hiểu Tân Ước theo nhiều cách, thì những cách nghịch với Nixêa đều không đúng, không chính thức và không chính thực. Về phương diện tín lý, từ homooúsios (đồng bản tính) nếu không nghịch đối thì cũng khác hẳn với từ homoioúsios (giống như). Nếu chia toàn bộ hữu thể làm hai: Tạo hóa và tạo vật, thì Ðức Kitô thuộc phía Tạo hóa. Các giáo phụ cũng nhấn mạnh đến lý do và ý định mục vụ: nếu không ngang hàng với Chúa Cha, thì Ðức Giêsu không thể làm cho ta biết Cha và dẫn ta đến với Cha, tức không thể ban ơn nghĩa tử. Bản tuyên tín Nixêa là kinh tin kính đầu tiên, và là mẫu mực cho các kinh tin kính sau này.

“Ðức Giêsu Là Thiên Chúa” Nghĩa Là Gì?

Quen thuộc với lời tuyên xưng “Ðức Giêsu là Thiên Chúa” đến độ hầu như chúng ta không còn nghĩ đến ý nghĩa thâm sâu của câu ấy. Thực ra, “Thiên Chúa” là mầu nhiệm của các mầu nhiệm, là Thực thể (Ðấng) Tuyệt đối, vượt quá mọi hiểu biết loài người, không một khái niệm, không một trí lực nào chứa đựng cho được. Trước mầu nhiệm ấy, thần học đã quen giữ thái độ lặng thinh đến độ làm như xô đẩy mầu nhiệm qua phía tiêu cực, vô ngôn (apophatic theology). Trước khi đạt được đến mức độ tuyên xưng Ðức Kitô là “Thiên Chúa,” Giáo hội đã phải gia công gầy nên một nội dung mới cho ý niệm Thượng đế: ngược với các tín ngưỡng và tôn giáo đa thần, Kitô giáo khẳng định duy nhất chỉ có một Thiên Chúa; khác với Do thái giáo, Kitô giáo nêu cao lòng tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi; cho cả hai phía – đa thần giáo và Do thái giáo – thần học phải ra sức minh giải chân lý “Một Thiên Chúa Ba Ngôi,” là mầu nhiệm tối cao trong mạc khải kitô. Ðồng thanh, các kinh tin kính cùng tuyên xưng “Một Thiên Chúa [duy nhất]…” và Ba Ngôi ngang nhau trong mọi khả năng, mọi phẩm tính, v.v. như: toàn năng, có sức năng tạo dựng, vĩnh hằng, phi khổ lụy, toàn tri, hiện diện khắp mọi nơi, v.v. Những thuộc tính này xuất xứ từ Kinh Thánh và triết lý Hy lạp; việc dùng đến triết lý Hy lạp rồi sẽ có dịp gây chuyện sau này. Thánh Anxenmô, ông tổ thần học kinh viện, đã định nghĩa Thiên Chúa là “thực thể (điều) lớn hơn tất cả những gì trí khôn có thể nghĩ ra” (id quo maius cogitari nequit). Vì thế, lời nào nói về Thiên Chúa cũng đều là bất toàn. Phúc thay: Thiên Chúa đã đoái thương mạc khải cho chúng ta biết được một số điều về Người; dẫu là ít, nhưng đó là những chân lý rất cao cả. “Thiên tính” là thực thể làm cho Thiên Chúa là Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa được diễn tả một cách trừu tượng; tuy nhiên, cần phải lưu ý là “thiên tính” là danh từ biểu đạt một thực tại cụ thể (chính Thiên Chúa), khác với danh từ “nhân tính,” bởi danh từ này biểu đạt một ý niệm thực sự trừu tượng (bản tính mọi người có chung). Nói đến “thiên tính” của Ðức Kitô là nói đến cấu tố siêu việt nhất nơi bản thân Ngài, nói đến điều mà chính Ngài đã từng xác nhận về mình; là đặt tên cho chiều kích tuyệt đối của mọi thuộc tính định cách Ngài; và cuối cùng, nói đến “thiên tính” của Ðức Kitô là nói đến cơ sở của căn tính Ngài. “Thiên tính” làm cho tất cả các tước hiệu khác có được đầy đủ ý nghĩa và hiệu lực; nhờ “thiên tính,” các chức năng của Ngài tiến hành chu tất. Tóm lại, “thiên tính” định căn cho bản thân Ðức Kitô, làm cho Ngài là chính Ngài.

Trong Giáo hội, vấn đề này được đăït ra trên nhiều bình diện khác nhau. Các giáo phụ xác tín rằng nếu cuộc tranh luận về Ðức Kitô có thực sự mang một tầm trọng yếu đáng kể, thì chính là vì nó liên hệ trực tiếp với ý nghĩa cứu độ: “thiên tính” làm cho Ðức Giêsu có khả năng cứu độ loài người. Cuộc đối thoại với văn hóa Hy lạp vừa manh nha, là ngay lập tức, vấn đề bàn thảo mang lấy tính cách siêu hình học: “thiên tính” là bản thể chung (‘omoousiùa) của Cha và Con [và Thần khí], là thực thể phi tạo, vĩnh hằng, làm căn nguyên của mọi sự khác. Hiện nay, “Thiên Chúa” trở thành vấn đề đa dạng, bởi mang những dạng thái khác nhau tùy theo văn hóa, lập trường và quan điểm triết học hay tôn giáo của người tầm cứu. Vì vậy, điều thiết yếu hàng đầu là phải trả lời cho rõ bao nhiêu có thể: đối với tôi, “Thiên Chúa” là ai?

H. Kušng nhận định rằng: “Toàn bộ vấn đề đặt ra để tìm hiểu về những gì đã xảy ra nơi và qua Ðức Giêsu, nằm trọn ở nơi sự kiện này là đối với các tín hữu, chính Thiên Chúa – như là bạn của con người – đã hiện diện, làm việc, nói năng, hoạt động, cùng đã thực sự mạc khải chính mình ra trong Ðức Giêsu ấy, là Ðấng đã đến ở giữa loài người…” Ngày nay, thần học dùng phạm trù “hiện diện” (category of presence) để minh giải quan hệ giữa Thiên Chúa và Ðức Giêsu: Thiên Chúa hiện diện nơi Ðức Giêsu cách tuyệt đối. Thần học Trung cổ dùng phạm trù siêu hình học và nói rằng: Thiên Chúa hiện diện nơi Ðức Giêsu theo bản thể (substantially present), hoặc theo đồng nhất tính (by identity), tức Ngài là Thiên Chúa.

Tuy nhiên, vấn đề ngôn ngữ vẫn còn: có được phép nói “Ðức Giêsu là Thiên Chúa” hay không? Từ “là” có nghĩa gì đây? Khi nói: “nó là Minh,” thì từ “là” là “=” tức “nó” = “Minh”. Hoặc nói: “Minh là người” thì có nghĩa là “toàn thể Minh” là người, và “người” là từ trừu tượng chỉ về bản tính suy ra từ nhiều cá nhân. Nhưng khi nói “Ðức Giêsu là Thiên Chúa” thì 1) không có nghĩa “Ðức Giêsu” = “Thiên Chúa”, vì nơi “Thiên Chúa” còn có hai Ngôi Vị (Cha và Thánh Thần) không phải là Giêsu; 2) nơi “Giêsu” cũng còn có một thực thể (nhân tính) không phải là Thiên Chúa; 3) “Thiên Chúa” không phải là một từ hay danh xưng trừu tượng chỉ về một bản thể suy ra từ “ba” Thiên Chúa. Vì những khó khăn ngôn ngữ gặp thấy như thế trong cách diễn đạt, nên có người cố tránh nói “Ðức Giêsu là Thiên Chúa” và đề nghị nên nói là “Thiên Chúa là Ðức Giêsu,” tương tự (cách bất toàn) như nói “Minh là chủ tịch.” Còn nếu nói rằng: “Ðức Giêsu là Thiên Chúa và là người,” thì lại mắc phải lối hiểu nước đôi, vì 1) “Thiên Chúa” chỉ về một hữu thể cụ thể, còn “người” thì chỉ về một bản tính trừu tượng; 2) kéo theo nguy hiểm chia tách Ðức Giêsu làm hai. Có lẽ cho đúng hơn, thì nên nói “Ðức Giêsu là Thiên Chúa làm người.” Dù sao, cách nói nào rồi cũng đều bất toàn, cần phải được giải thích. Lý do là vì chủ thể (Ðức Giêsu) là một hữu thể phức hợp, gồm yếu tố phi tạo và yếu tố thụ tạo. Thần học chỉ biết nói là: bản ngã tuyệt đối của Ðức Giêsu là Thiên Chúa.

Như đã trình bày, ý niệm “Thiên Chúa” đặt ra nhiều vấn đề. Bởi lẽ, danh hiệu và ý niệm ấy đã sẵn có mặt ở trong hầu hết mọi nền văn hóa và mọi ngôn ngữ, nhưng ý nghĩa của danh hiệu thì lại rất mờ ảo, không có gì rõ ràng, khiến thần học kitô giáo đã phải ngập ngừng, không thể đem dùng ngay được mà trước đó, không thanh luyện, bổ túc và xác định ý nghĩa. Ðó cũng là trường hợp của từ “thần.” Thật ra, chúng ta chỉ đích thực biết được Thiên Chúa nơi Ðức Kitô và qua lời mạc khải của Ngài. Ðã là “Thiên Chúa cho chúng ta,” tất cuộc đời Ðức Giêsu phải là một cuộc mạc khải, miêu trình Thiên Chúa cho con người, đúng như ý Người muốn cho con người biết về Người. Tất cả đều đáng nghi ngờ, những chân dung miêu trình về Thiên Chúa trong một cách kiểu khác. Càng biết Ðức Giêsu, thì càng biết về Thiên Chúa. Có điều là muốn biết Ngài, thì nhất thiết phải vâng giữ và sống theo lời Ngài (x. Ga 8:31-32; 14:21.23).

Trở lại với Nixêa: nhiều tác giả phê bình công đồng bởi đã dùng đến phạm trù không có trong Kinh Thánh, và đã “hy hóa” giáo lý kitô; hẳn là vì thời hậu công đồng Nixêa, từ homoousios đã thành cớ gây ra nhiều vấn đề rắc rối. Tuy nhiên, phải nhận là trong bối cảnh thời ấy, công đồng quả đã có công lớn. Trước hết, cần lưu ý là trước đó, chủ thuyết Ariô (arianism) đã sâu đậm hy hóa giáo thuyết kitô, biến Kitô giáo thành một thứ vũ trụ quan, một dạng đạo đức học. Dù từ homoousios đã được ngộ giáo Valentinô dùng, thì ý nghĩa của từ ấy theo công đồng cũng khác hẳn: ý là muốn khẳng định rằng Cha và Con chỉ là một (x. Ga 10:30) và vì thế trong Thiên Chúa, Con không kém gì Cha, hoặc Cha cũng không cao trọng hơn Con. Thực tế hơn: quả chúng ta đã được cứu rỗi do Ðức Giêsu. Hơn nữa, thực trạng “đồng bản tính” ấy là một ý niệm rất cách mạng trong khái niệm về Thiên Chúa. Trái với quan niệm Hy lạp cho rằng Thiên Chúa là apatheia (phi thiên hướng, phi khổ lụy), Thiên Chúa của Kitô giáo có thể chịu khổ. Ðiểm cốt lõi trong cuộc tranh luận nằm ở chỗ Ariô cho rằng Thiên Chúa không thể chịu khổ; mà Ðức Giêsu đã chịu khổ; thế nên, Ðức Kitô không phải là Thiên Chúa. Với tín điều Nixêa minh định, người kitô dám nói như Téctullianô: “Thiên Chúa chết,” hoặc như Moltmann: “Thiên Chúa bị đóng đinh.” Còn về mặt cứu độ học, thánh Athanasiô, đối phương số một của Ariô, đã nhắc đi nhắc lại rằng nếu Ðức Kitô không phải là Thiên Chúa thật, thì chúng ta đã không được cứu độ, mà cũng chẳng được “thần hóa,” tức là không có được khả năng trở thành nghĩa tử trong Con Một. Vậy, phải nhận là Nixêa đã giải phóng Kitô giáo khỏi gông cùm triết lý Hy lạp, bởi gông cùm ấy chính là học thuyết Ariô.

Cuối cùng, có thể nói tín điều là kết điểm của một giai đoạn tranh luận, nhưng đồng thời cũng là khởi điểm của những khám phá mới, của những vấn đề mới đặt ra cho bước tiến của thần học.

Giáo hội mong rằng một khi nhờ tín điều, chúng ta biết Thiên Chúa hơn, thì cũng sẽ yêu mến Người hơn, để phụng sự Người chí tình hơn.