Khảo Luận Về Kitô Học: Đức Giêsu Kitô Chịu Chết (8/1)

0
1486


KHẢO LUẬN TRƯỜNG THIÊN VỀ ĐỨC KITÔ

 Tác giả: Lm. F.Gómez Ngô Minh, SJ.

***

***

CHƯƠNG VIII

 ĐỨC GIÊSU KITÔ CHỊU CHẾT

 

Qua kinh tin kính, chúng ta tuyên xưng: “Vì chúng ta, Ngài chịu đóng đinh vào thập giá dưới thời Phongxiô Philatô…” Từ khi Kitô giáo khai sinh cho đến nay, sự kiện này hằng không ngừng theo sát công cuộc truyền bá Phúc âm như một trở ngại không thể vượt qua, như một tai tiếng khó mà chấp nhận; nhưng Kitô giáo lại cho đó là “khôn ngoan tuyệt vời” (x. 1Cr 1:23). Sự kiện và lòng tin này là nét đặc thù nêu bật tính chất độc đáo và khác biệt của Kitô giáo so với hết thảy mọi tôn giáo khác. Ðể giải nghĩa thập giá, thần học đã phải gia công khám phá cho được một ý niệm mới về Thiên Chúa.

Sự việc Ðức Giêsu chết là một biến cố vừa lịch sử vừa siêu lịch sử; biến cố lịch sử, bởi có thể biết được nơi chốn, ngày tháng, động cơ, v.v. theo phương pháp của khoa học lịch sử; biến cố siêu lịch sử, bởi sự kiện ấy hàm dung một ý nghĩa mà chỉ nhận ra được với ánh sáng đức tin. Biến cố duy nhất ấy có hai mặt: chết đi và sống lại; hai mặt không thể tách rời nhau, để mỗi bên khỏi mất đi ý nghĩa. Thần học dùng cách biểu đạt nói rằng: Ðức Kitô đã “chết vào sự sống lại,” tức là coi sự chết tựa như ngưỡng cửa dẫn vào sự sống mới. Tính cách xem như tiêu cực của sự chết, thực ra là một chiều kích tuyệt vời của khía cạnh tích cực. Trong Tân Ước, biến cố chết đi và cuộc sống lại của Ðức Giêsu bao giờ cũng đi đôi trong cùng một công thức tuyên xưng (x. 1Cr 15; 1Tx 4:14; 1Pr 3:18t; Rm 4, v.v.).

I. BIẾN CỐ LỊCH SỬ

Tài liệu gốc nói về biến cố ấy là bốn Phúc âm với bốn trình thuật về cuộc tử nạn và sống lại của Ðức Kitô.[1] [1] Các phần khác trong Tân Ước không cho biết thêm gì mới, nhưng chỉ củng cố những điều Phúc âm ghi lại. Ngoài Kitô giáo, có một ít tài liệu Do thái và lịch sử Rôma ám chỉ đến cuộc Ðức Giêsu chịu tử hình thập giá.[2] [2]

Về phương diện lịch sử, đó là sự kiện chắc chắn: Ðức Giêsu đã bị thái thú Rôma đóng đinh trên một thập tự.[3] [3] Các môn đồ của một vị Thầy mà họ yêu mến, đã chẳng có thể bịa đặt nổi một chuyện như vậy, bởi đó là chuyện hết sức nhục nhã. Trong thời ấy, án phạt tử hình kiểu như thế làm hổ thẹn không chỉ cho tội nhân mà còn cho bất cứ ai có liên hệ với tội nhân;[4] [4] dù vậy, Kitô giáo không bao giờ phủ nhận sự kiện, vì thực sự, mọi việc đã xảy ra như thế. Không chỉ có bằng chứng của bốn Phúc âm và toàn bộ Tân Ước không thôi, mà còn có tài liệu làm bằng của sử gia Rôma là Tacitus,[5] [5] còn có quyển Talmud của Do thái ám chỉ đến.[6] [6] Một sự kiện chắc chắn thứ hai là Ngài đã bị kết án do hai tòa Do thái và Rôma, dù là vì những lý do khác nhau. Tân Ước có khuynh hướng cho rằng trong vụ xử án này, tội nặng nhất là tội của các lãnh tụ Do thái, và biện giải cho nhà cầm quyền Rôma. Gioan ghi lời của Ðức Giêsu nói với Philatô: “Kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn” (Ga 19:11; x. Lc 22:4-5; Cv 3: 13; Mc 15:10; Mt 27:18).[7] [7] Hiện nay, có một số học giả muốn tha bổng cho phía Do thái và đổ hết tội vạ lên đầu Philatô.[8] [8] Phongxiô Philatô là kẻ dữ, đã bị dân Do thái tố cáo, rồi bị tổng trấn Xiri là Vitellius sa thải và buộc đi Rôma để hầu toà. Tuy nhiên, toà Công nghị Do thái (Sanhedrin) không phải là không có trách nhiệm đối với vụ án tử của Ðức Giêsu.[9] [9] Còn về ngày tháng, lịch sử thường nhận là ngày thứ sáu, mồng 7 tháng 4 năm 30; một số ít sử gia khác thì cho là thứ sáu, mồng 3 tháng 4 năm 33. Theo Gioan, trong lịch Do thái thời đó là “ngày áp lễ” Vượt qua, tức ngày 14 tháng Nisân (x. Ga 19:31), nhưng theo Tin mừng Nhất lãm thì ngày đó là ngày 15 Nisân, tức chính ngày lễ Vượt qua (x. Mc 14:12-17tt).[10] [10] Hai ý kiến đều có thể đúng, lịch sử không biết chắc chắn.

Một dữ liệu thứ ba cần phải nghiên cứu, đó là lý do tại sao Ðức Giêsu bị kết án.[11] [11] Khi suy luạân về sự việc Ðức Giêsu bị án chết, các học giả thường rút kết luận tùy theo thành kiến hay quan điểm riêng của họ. Thời xưa có khuynh hướng đổ tội cho Do thái; còn ngày nay thì đổ tội cho Rôma. Cả hai đều sai lầm nếu không chịu chấp nhận điều hiển nhiên này: chính vì cuộc sống của Ngài mà Ðức Giêsu đã bị giết chết. Theo Phúc âm thì nhiều vụ xung đột đã xảy giữa Ðức Giêsu với các nhóm nắm quyền hành trong xã hội Do thái thời đó; nhiều hoạt động của Ðức Giêsu đã khiến giới cầm quyền đâm ra nghi kỵ, thậm chí còn ghét Ngài; và cũng đã có những lần họ tố cáo Ngài phạm thượng hoặc xúc phạm đến Ðền thờ, v.v. Nếu đã có một “phong trào Giêsu,” qua việc hàng loạt những đám đông lớn hào hứng theo Ngài, thì cũng có thể có sự việc công an của Hêrôđê và Philatô “quan tâm” theo dõi. Thoạt đầu, có thể nghĩ rằng những động cơ thúc đẩy quyền bính Do thái và Rôma thì khác nhau; và cả hai đều có cớ để mà tống khứ Ðức Giêsu. Theo Tin mừng, Philatô kết án Ðức Giêsu vì tội tự xưng là vua dân Do thái; còn tòa Sanhêđrin thì kết tội Ngài nói phạm thượng. Trong cả hai trường hợp, án lệnh đưa ra như thế không phải là sự ngẫu nhiên hoặc là điều nhầm lẫn đáng tiếc: đó là hậu quả “hợp lý” của những gì Ðức Giêsu đã nói và đã làm.

a) Về phương diện chính trị, có bằng chứng gì chống lại Ðức Giêsu không?

Quyền bính Rôma đã tỏ ra bối rối.[12] [12] Philatô đã truyền lệnh ghi tội vạ như sau trên đỉnh thập tự: “ Giêsu Nadarét vua dân Do thái.”[13] [13] Chi tiết này là hoàn toàn chắc chắn về phương diện lịch sử. Có kẻ cho rằng Ðức Giêsu là một nhà cách mạng, đứng đầu một nhóm du kích “nhiệt tâm” (zelót). Hẳn là không; tuy nhiên, hoạt động của Ngài đã có thể xem ra như vậy dưới con mắt đa nghi của công an Rôma. Họ quen quét sạch những nhóm như vậy. Mặt khác, trong xã hội Do thái, tôn giáo và chính trị chỉ là một; vì vậy, hành vi “tôn giáo” của Thầy Giêsu chắc hẳn bị coi là một cuộc vận động “chính trị.” Không ai nghi ngờ về sự việc Ðức Giêsu là người ái quốc, hằng để tâm lo lắng cho số phận của đồng bào mình. Muốn đổi mới tình trạng xã hội của dân tộc, tất phải phê bình những ai có trách nhiệm; và đồng thời phải đề xuất những biện pháp cải thiện (biện pháp có thể là chính trị hay tôn giáo, nhưng đối với người Do thái thì cả hai chỉ là một; không thể nào họ phân biệt được giữa hai phạm vi). Theo Phúc âm, trước tòa Rôma – vì lý do hiển nhiên – các lãnh tụ Do thái chỉ tố cáo Ðức Giêsu về những tội chính trị. Mc 15:2 thuật là Ngài bị tố cáo về “nhiều tội,” nhưng trọng nhất là tộâi “tự xưng là vua dân Do thái.” Theo Ga 19:12-16 lời buộc tội này khiến Philatô phải nhượng bộ.[14] [14] Lc 23:2 còn ghi thêm một vài tội chống đế quốc: “sách động dân chúng và ngăn cản nộp thuế.” Ðức Giêsu đã từng bị liên lụy vào một chuyện thuế má (x. Mc 12:13-17tt); nhưng Ngài đã chẳng làm gì có thể gọi là  phạm pháp. Sự kiện Ðức Giêsu bị treo giữa “hai tên cướp” (x. Mc 15:27) – cách gọi những quân du kích – cũng ám chỉ đến lý do “an ninh quốc gia” của vụ án.[15] [15] So sánh Thầy Giêsu với tên Barabba, kẻ phiến loạn đã từng gây nhiều vụ nổi dậy (x. Mc 15:6tt), là Philatô đặt cả hai tội phạm trên cùng một bình diện. Dù sao, trong cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa Philatô và các thượng tế, Ðức Giêsu đã bị lợi dụng để làm cái cớ, với kết quả là Ngài trở thành nạn nhân của hai phía đối địch thù ghét nhau.

b) Trách nhiệm của Công nghị Do thái cũng thật là lớn

Có người tưởng rằng tòa này là tòa án tôn giáo, tương tự như tòa án của Giáo hội; nghĩ thế là lầm lớn. Ðế quốc Rôma chủ trương để cho các giới cầm quyền địa phương (của các dân tộc) có được tối đa quyền tự trị; ở Giêrusalem, Công nghị Do thái có quyền rất rộng về mặt tôn giáo/tư pháp.[16] [16] Tân Ước gán tội trước hết cho tòa này, và nhấn mạnh nhiều tới điểm này, có lẽ là vì các tác giả đã biên soạn trong thời quyền bính Do thái đang gây nhiều khó dễ cho Giáo hội (x. 1Tx 1:14-16). Sau này, suốt bao thế kỷ nhiều kitô hữu đã tố cáo dân Do thái nói chung vì tội “sát thần,” với kết quả là đã dấy lên thái độ bài Do thái gây nhiều khổ đau cho dân tộc này (x. NKTG 4). Sau thế chiến thứ hai, vì tội ác của chế độ xã hội chủ nghĩa quốc gia chống người Do thái, nhiều học giả ở Tây phương đã làm như bị dày vò bởi một thứ mặc cảm tội lỗi và muốn bào chữa cho quyền lợi của Do thái. Tuy nhiên, bằng chứng Tân Ước nêu ra thật quá rõ, cho thấy là Ðức Giêsu cũng đã bị kết án vì cả lý do tôn giáo nữa.

Thái độ của Ðức Giêsu đối với Luật, đối với ngày Sabát, đối với “các tội nhân,” v.v. đã khơi dậy nhiều cuộc tranh luận với giới biệt phái và luật sư. Những lần trừ quỷ được họ giải thích như là ma thuật hoặc tệ hơn nữa, như là những hành động của tay sai quỷ vương Bêendêbun (x. Mc 3:22tt). Khi Ðức Giêsu tha tội (x. Mc 2:7tt) hoặc cố giãi bày quan hệ của mình với Thiên Chúa (x. Ga 10:36), Ngài bị tố cáo là phạm thượng.[17] [17] Mà hình phạt dành cho tội phạm thượng là tử hình. Ngoài ra, tòa Công nghị Do thái cũng phụ trách cả vấn đề an ninh dân sự; thế thì chẳng có gì là lạ: một khi đã chứng kiến thái độ, lời dạy và hành động của Thầy Giêsu, thì làm sao họ lại không cho là Ngài nuôi ý đồ chính trị (thời ấy, đối với dân Do thái, tôn giáo và chính trị chỉ là một), và vì thế, đối với họ, Ngài quả là một mối nguy cho toàn dân. Nhận xét Caipha long trọng đưa ra (x. Ga 11:47tt) đã được coi là chí lý, và lập tức trở thành lý do tinh vi biện minh cho án quyết giết Ðức Giêsu: chỉ vì “đại sự” quốc gia…

Hiện giờ, có người đặt vấn đề về phiên tòa nói trên của Công nghị Do thái. Bốn Phúc âm đều trình thuật về sự việc Ðức Giêsu bị điệu ra trước tòa án của Thượng hội đồng Do thái (x. Mc 14:53tt; Ga 18:13tt); tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng những thủ tục xét xử được Phúc âm kể lại nghịch với Mishna.[18] [18] Dù sao, lúc ấy chưa hẳn quy chế ấy (Mishna, biệt phái) thực sự hiện hành; trái lại, dường như Thượng hội đồng tiến hành vụ án theo luật Sađuxê. Quyết định giết Ðức Giêsu là do thượng tế Caipha thuộc phái Sađuxê, đưa ra (x. Ga 11:50). Ðội lính đến bắt Ðức Giêsu ở Ghếtsêmani là thuộc quyền chỉ huy Do thái (x. Mc 14:43tt). Tại tòa, Ðức Giêsu bị kết án phạm thượng và vì thế đáng phải chết (x. Mc 14:64tt). Tại sao lại phạm thượng? Vì dù chỉ là người phàm mà Ðức Giêsu lại tự đặt mình ngang với thần thiêng: ngự bên hữu Thiên Chúa; đó là điều loài người không được phép. Ðã kết án rồi, họ có thể giết Ngài không? Họ cho là không (x. Ga 18:31), nhưng sau này chính họ lại kết án rồi xử tử Stêphanô (x. Cv 7:58) và Giacôbê (x. Cv 12:2). Trong trường hợp Ðức Giêsu, có lẽ họ muốn đóng đinh Ngài trên thập giá để tận diệt trọn bộ phong trào từ trong trứng nước; nhưng quyền đóng đinh lại nằm trong tay một mình Philatô; vì thế, họ nộp Ngài cho tòa dân ngoại.[19] [19] Các tông đồ sẽ nhắc lại cho dân Do thái rõ là họ đã nộp Ðấng Công chính cho quan Philatô (x. Cv 2:23; 3:13; 13:28). Rốt cuộc, trong việc này, vai trò của Thượng hội đồng là vai trò quyết định chủ yếu.

II. GIẢI THÍCH VỀ CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU

Các môn đồ sửng sốt, không hiểu được tại sao Thầy mình lại bị giết trên thập giá. Ðến hai thế hệ sau, các môn đồ vẫn còn vật lộn với cớ vấp phạm ấy (x. 1Cr 1:23). Phúc âm Máccô quan niệm cuộc khổ nạn và tử nạn của Ðức Giêsu như là thí dụ điển hình và bi thảm nhất của sự việc Thiên Chúa im hơi lặng tiếng; không một ai thấy ra được ý nghĩa gì.[20] [20]

Truyền thống Do thái tuyệt nhiên không nói gì đến một Ðấng Thiên sai (Messiah) bị dân từ chối, kết án và giết đi.[21] [21] Sau Phục sinh, cộng đoàn môn đồ mới ý thức ra là thập giá phải có một ý nghĩa; nhưng ý nghĩa đó là gì? Trước hết, họ coi thập giá như một cuộc thử thách Ðấng Thiên sai phải trải qua, và việc sống lại như bằng chứng Ngài đã thắng cuộc. Ðào sâu và tiến xa hơn, họ lồng biến cố ấy vào trong “mầu nhiệm cứu độ,” tức muốn nói rằng: “Ðức Giêsu đã bị nộp, theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước” (Cv 2:23; 4:28). Thành ra cuộc tử nạn không phải là vô lý, không phải là dấu chứng của bất lực, trái lại, đó là “sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1:24); nói khác đi: là một phương thức cứu độ. Dựa vào các tiền đề như thế, Luca kết luận rằng: “Ðức Kitô phải chịu khổ hình như thế” (Lc 24: 26). Ðể đạt đến được lòng tin kiên vững này, ắt họ đã phải cần đến ánh sáng đức tin và ơn trợ giúp của Thần Khí: kết luận như thấy trên đây là bởi trên xuống, chứ không thể là kết quả của nỗ lực suy tư tự nhiên. Các bản văn tường thuật cuộc tử nạn đều có chứa đựng một dạng thần học giải thích về biến cố. Mc đặt nền tảng cho một học thuyết thần học về kế hoạch cứu độ: Ðức Giêsu biết trước số phận khổ đau ấy (x. Mc 14:8.18-21.27-31). Với thái độ chấp nhận hoàn toàn tự do (x. Mc 8:31; 14:42), Ngài đã chịu khổ như người công chính vô tội (x. Mc l4:55). Thêm vào đó, các tác giả Mc và Mt phát hiện một tầm trọng yếu vũ trụ quan tiềm ẩn ở trong biến cố (x. Mc 15:33; Mt 26:52t); quả thế, đó là trận chiến giữa Thiên Chúa và Satan (x. Mt 16:23; Lc 22: 3.31.52; Ga 14:30). Chung cục, cuộc tử nạn là giờ phút quyết định của lịch sử cứu độ, lúc mà các lời tiên tri (x. Tv 22; 41; 69; 87; Is 53; Dcr 13) được ứng nghiệm.[22] [22]

Bấy giờ mới hiểu tại sao điên rồ của thập giá chính là khôn ngoan khôn ví của Thiên Chúa (x. 1Cr 1:23tt); bởi lẽ sự kiện lịch sử ấy chính là yếu tố cấu tạo nên mầu nhiệm Ðức Kitô và kế hoạch cứu độ (x. Pl 2:8). Hơn nữa, Con Thiên Chúa bị giết chết trên thập tự là trường hợp điển hình và tiêu biểu nhất trong các “đường lối” khôn lường của Thiên Chúa, của khôn ngoan sâu thẳm không ai dò cho thấu (x. Rm 11:33). Kinh Thánh cho thấy phong cách hoạt động của Thiên Chúa đối với loài người theo dạng nghịch lý, như Phaolô đã cắt nghĩa cho tín hữu Côrintô (1Cr 1:26tt). Thập giá cho thấy Thiên Chúa dùng một vật ô uế nhất là xác chết (x. Lv 21:11), làm nguyên nhân thanh luyện loài người. Vật bị nguyền rủa đối với Luật (x. Ðnl 21:22-23), thì Thiên Chúa đã dùng để mà chuộc lấy con người cho khỏi bị nguyền rủa (x. Gl 3:13). Lòng ghen tương thù hận đã giết chết Ðức Kitô, thì Thiên Chúa đã dùng để phá hủy sự thù ghét (x. Ep 2:14.16) và để mạc khải tình thương vô biên của Người đối với thế gian (x. Ga 3:16), v.v.

Vậy, trong dạng Kitô học cao của ngài, Gioan đã có thể kể cuộc tử nạn như là hành trình vinh quang: từ lúc khởi sự (“Tôi là”: Ga 18:5) cho đến giờ kết thúc (“Ngài trao Thần Khí”: Ga 19:30), Ðức Kitô đã bước lên nơi “nâng cao” (Ga 3:14.15; 8:26; 12:32).[23] [23] Trong khi Mc diễn tả kinh nghiệm của con người Giêsu, thì Ga lý giải về ý nghĩa và kết quả mang lại cho chúng ta. Thực vậy, đối với Gioan, cuộc tử nạn là giờ trở về với Chúa Cha (x. Ga 13:1). Trong Phúc âm thứ tư, ý niệm “giờ” giúp cho hiểu tấn bi kịch thập giá. Văn chương khải huyền Do thái đã quan niệm “giờ” như là lúc quyết định của lịch sử, khi Thiên Chúa can thiệp để diệt trừ sự dữ trong lịch sử (x. Ðn 11:35.40.45). Giờ ấy là giờ của Ðức Giêsu; và vì “giờ” là thành tố trong kế hoạch Thiên Chúa, nên không gì và không ai có thể thay đổi “định mệnh” ấy được, dù là Mẹ Maria cũng không (x. Ga 2:4), các kẻ thù cũng không (x. Ga 7:30; 8:20). Ðó là giờ Con Người phải bị nộp trong tay kẻ tội lỗi (x. Mt 26:45), và vì thế, là giờ ghê sợ đến nỗi Ðức Giêsu đã cảm thấy hãi hùng xao xuyến (x. Mc 14: 33) và quay về với Abba Cha Ngài xin cho được miễn, nhưng tùy ý Cha. Ngài vâng lời và chấp nhận ý ấy (x. Mc 14:36; Ga 12:27; Pl 2:8), vì, dù bên ngoài xem ra “là giờ của quyền lực tối tăm” (x. Lc 22:53), nhưng thật sự là giờ phát sinh nguồn suối ơn cứu độ, tựa như khi sắp sinh con thì người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình, nhưng sau khi sinh thì vui mừng bởi có được một sự sống mới (x. Ga 16:21). Chết đi là điều kiện để hạt giống sự sống nẩy sinh (x. Ga 12:24).

Dẫu không thể quên phần đóng góp lớn lao của một số nhà tư tưởng (như Gioan và Phaolô) cho nỗ lực suy tư nói trên; tuy nhiên, phải nói cho rõ rằng  môi trường đã làm nẩy sinh những ý niệm mới ấy là chính “cộng đoàn tạ ơn” sống trong hoàn cảnh bị đàn áp.[24] [24] Thật là điều lạ lùng: có rất nhiều bài tụng ca về cuộc tử nạn của Ðức Giêsu đã được ghi lại trong các bức thư của Tân Ước, đặc biệt là Pl 2:6-11; 1Tm 3:16; 1Pr 1:19-21; 2:21-14; 3: 18-22. Giáo hội cử hành Thánh Lễ để “loan truyền Chúa đã chịu chết, cho tới ngày Ngài lại đến” (1Cr 11:26). Như Phaolô đã cắt nghĩa, ai tham dự vào bữa ăn tạ ơn và ăn thịt cùng uống máu Chúa, là tham dự vào cái chết của Ngài. Phụng vụ Tạ ơn là một cách diễn trình trở lại vụ kiện qua đó, thế gian phán xét Ðức Kitô, và ngược lại, cũng diễn trình vụ kiện qua đó, Ðức Kitô phán xét thế gian. Ai sống như Ðức Kitô thì kết án thế gian, ai sống theo thế gian thì kết án Ðức Kitô; ấy là kinh nghiệm kitô sơ khai (x. 1Cr 11:28-32; Dt 6:6).

Hơn nữa, trong Phụng vụ Tạ ơn, Kinh Thánh được đọc lên và giải thích, như là nguồn sự thật và ánh sáng mang lại ý nghĩa cho lịch sử. Theo kiểu mẫu cử hành của nghi thức Do thái, hình như trong ngày áp lễ vượt qua, cộng đồng kitô cũng đọc ký thuật về cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu. Trong bối cảnh ấy – và nhất là khi họ đang sống giữa cơn bách hại (x. Cv 4:3tt; 5:18; 6:12tt v.v.; 1Tx 2: 14tt; 1Pr 3:13-17, v.v.) – kỷ niệm được gợi lên sống động, làm cho họ nghiệm thấy được sâu xa và thấm thía, thân phận của Ðức Giêsu cũng như ý nghĩa thâm thúy của biến cố ấy.

a) “Theo Kinh Thánh”

Công thức tuyên tín cổ xưa nhất được ghi lại trong 1Cr 15:3-5, khẳng định rằng các biến cố chết và sống lại của Ðức Kitô đã xảy ra “đúng như lời Kinh Thánh.” Như thế là muốn nói Ðức Giêsu đã chết theo kế hoạch Thiên Chúa, bởi vì ý định cứu độ của Thiên Chúa đã được ghi chép trong Sách thánh. Lúc đầu, chỉ nói chung là “Kinh Thánh,” mà không trích dẫn xuất xứ (x. Lc 24:27). Ðể tìm cho thấy được những lời cụ thể, các môn đồ đã phải vượt quá “văn tự” để đạt tới “tinh thần” của văn bản. Và như thế, họ nhận ra là các bạn hữu của Thiên Chúa, đặc biệt là các ngôn sứ, đều đã phải chịu số phận bi đát (x. 1V 19:10; Nhm 9:26). Ðức Giêsu đã nhận chịu số phận đó. Ngài ý thức điểm này rất sớm (x. Mt 5:12) và không tìm cách để tránh né (Mt 23: 37tt). Lúc đầu, các môn đồ đã không hiểu, họ sợ hãi (x Mc 10: 32); nhưng hiện giờ, trong cơn bách hại và đàn áp, họ đã ý thức được rằng sống cảnh ngộ ấy là chia sẻ số phận của Thầy mình (x. Mt 10:25). Số phận của người công chính thì đầy cay đắng, khó nhọc (x. Kn 2:10-12), mà có ai công chính cho bằng Ðức Giêsu: Ngài chẳng có tội (x. 2Cr 5:21). Do ý định nhiệm mầu, chính Thiên Chúa “trao nộp” người công chính cho kẻ ác (x. G 16:11; Ed 23:28); có lẽ đó là ý nghĩa của Mc 9:31 (parađíđotai, “sẽ bị trao nộp,” biểu đạt theo dạng bị động, cho hiểu ngầm chủ từ chính là Thiên Chúa): bởi yêu thương, Chúa Cha “đã chẳng tha Con Một, nhưng đã trao nộp vì chúng ta” (Rm 8:32). Bao nhiêu điều ăn khớp với nhau như thế đã làm cho Giáo hội sơ khai suy nghĩ. Ðức Giêsu đã được công nhận như là Ðấng công chính, “Ðấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1:24), và sau Phục sinh các tông đồ đã nhắc lại dữ kiện này cho dân chúng (x. Cv 3:14). Mà Ðấng công chính ấy lại sống trong một xã hội Tt 3:3 miêu tả như là “ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ganh tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau,” thì làm sao lại không bị trở thành nạn nhân của thế giới ấy, vì sự hiện diện của Ngài là một lời kết án đập mạnh vào lương tri (x. Kn 2:10-20). Lĩnh hội rõ sự kiện này, Gioan đã ví Ðức Giêsu như là bia của lòng căm ghét (x. Ga 7:7; 15:18.24-5), như ánh sáng bị kẻ gian ác không ưa thích (x. Ga 3:20). Kinh Thánh đã ghi lại nhiều tỷ dụ, như Abel là nạn nhân của Cain ghen ghét (x. St 4:1-8), như Giuse bị các anh khử trừ (x. St 44), như Ítraen bị Ai cập thù ghét (x. Tv 105: 25), như các tiên tri (x. 1V 22:8) bị bách hại, làm như bị Thiên Chúa bỏ rơi; chính Giêrêmia cũng đã cảm nghiệm như thế (x. Gr 17:15tt). Mệnh phận của Ðức Giêsu ăn khớp trọn vẹn với khuôn mẫu ấy.

Vốn gồm toàn là người Do thái, cộng đoàn kitô đầu tiên đã phải dựa vào Kinh Thánh (Cựu Ước) để củng cố đức tin và biện giải sự kiện Ðức Giêsu cho đồng bào mình; vì thế, họ cố tìm cho ra những đoạn Kinh Thánh có sức dẫn chứng. Trong phần ký thuật về cuộc tử nạn, Mc đã ám chỉ đến Kinh Thánh cách chung (x. Mc 14:21.49) và minh nhiên trích dẫn Dcr 13:7 (x. Mc 14:27), nhưng cũng đã mặc nhiên ám chỉ đến nhiều câu, nhiều đoạn trong Kinh Thánh (x. Mc14:18. 24.34.62; 15:34). Sau đó, Mt và Lc đã trích dẫn Cựu Ước nhiều hơn.[25] [25]

Như vậy, Kinh Thánh đã đưa dẫn Giáo hội sơ khai đến chỗ khám phá ý nghĩa của biến cố xem ra vô lý ấy. Thoạt đầu, biến cố được đón nhận qua lòng tin thuần túy, như là ý định của Thiên Chúa; rồi sau đó mới nhận ra rõ là toàn bộ Kinh Thánh (hoặc “tinh thần” của Kinh Thánh) đã tiên báo và làm chứng về biến cố thập giá (x. Mc 9:12tt; Lc 24:26); và cuối cùng, chính những lời Kinh Thánh, đặc biệt là Is 53 và Tv 22, đã trở thành một thứ đường nét dẫn đạo trong việc tường thuật về cuộc tử nạn và các biến cố liên hệ (x. Mt 27:46; Ga 12:38; Lc 18:31; Cv 8:32; 1Pr 2:22-23; v.v.). Nếu theo kế hoạch Thiên Chúa, Ðấng Thiên sai phải chịu khổ nhục như thế, thì thập giá chính là khí cụ cứu độ; thế nên, chẳng những không làm cho hổ thẹn (x. 1Cr 1:20-25), thập giá còn mang lại cả một niềm hãnh diện lớn lao (x. Gl 6: 14), và đó là con đường chúng ta phải hiên ngang dấn bước vào (x. Dt 13:13).

Kinh Thánh không chỉ chứa đựng những lời có sức chứng dẫn, mà còn nêu ra nhiều mẫu tiên trưng để chỉ về Ðức Kitô. Gọi là “tiên trưng” (type, typology) một biến cố, một nhân vật hoặc một điều nào đó được coi như đầy ý nghĩa để mà giải thích một biến cố, một nhân vật hoặc một điều khác sẽ đến trong tương lai lịch sử cứu độ.[26] [26] Tỷ dụ: toàn bộ trình thuật về cuộc xuất hành giúp cho hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của Thánh tẩy bàn đến trong 1Cr 10:1-11. Xh 12:5 nói đến “con chiên không tỳ ố” chịu sát tế để cứu dân Thiên Chúa; cũng vậy, Ðức Giêsu đã trở thành “chiên lễ Vượt qua của chúng ta” (1Cr 5:7). Sách Khải huyền giới trình Ðức Kitô qua hình dạng “Con Chiên đã bị giết” (Kh 5:12, v.v.). Gioan giới thiệu Ðức Giêsu như là“Con Chiên Thiên Chúa xóa tội trần gian” (Ga 1:29). Trên núi sọ, Ngài chết im lìm như con chiên (x. Cv 8:32). Nhưng kế hoạch Thiên Chúa phát xuất từ nguồn vĩnh cửu (x. Ep 1:3tt), vì thế con chiên này được hiểu như làø “con chiên vẹn toàn, vô tì tích, Thiên Chúa đã chọn từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên” (1Pr 1:19); và hơn nữa, đã “bị giết” từ thuở tạo thiên lập địa (x. Kh 13:8). Khi chiêm niệm những tỷ dụ ấy trong Cựu Ước, Giáo hội hiểu rõ thêm về mầu nhiệm Ðức Kitô. Theo cung cách ấy, Phúc âm đã lấy nhân vật Giôna ở trong bụng cá để tượng trưng cho Ðức Kitô nằm trong mồ (x. Mt 12:41). Gioan so sánh rắn đồng cứu dân bị rắn độc cắn trong sa mạc (x. Ds 21:8) với Ðức Kitô bị treo lên thập giá (x. Ga 3:14). Còn nhiều nhân vật khác cũng được dùng làm tiên trưng để giúp nhận ra và hiểu về công tác cứu độ của Ðức Kitô, như Ađam, Isaac, Giuse, v.v…

b) Tự Hiến Dâng Chính Mình

Liên quan với tiến trình nhận thức trên đây là việc coi biến cố Canvê như là một cuộc dâng lễ vật: Ðức Giêsu tự hiến dâng chính mình lên Thiên Chúa làm lễ đền tội. Nguồn xuất xứ của ý niệm này là phụng vụ: “Ðây là mình Thầy hiến tế vì anh em” (1Cr 11:24; Lc 22:19), “Ðây là máu Thầy đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26:28). Người Con đã tự phó mình vào tay Chúa Cha, bởi Người “chẳng tha, lại trao nộp Ngài vì hết thảy chúng ta” (Rm 8:32). Những công thức dưới dạng bị động như đọc thấy trong Mc 9: 31tt; 10:33tt; 14:21tt; Lc 24:7, đều ám chỉ cho thấy Thiên Chúa là chủ từ của động tự “nộp,” và vì thế cuộc tử nạn mang một ý nghĩa nhiệm mầu, chỉ hiểu ra được trong ánh sáng của Thiên Chúa. Các nhân vật loài người hay quỷ thần đều không hiểu mình làm gì (x. 1Cr 2:8); tất cả chỉ hành động trên bình diện nông cạn; mặt thực sâu thẳm của biến cố diễn tiến ở trong Thiên Chúa. Ý niệm kia mang lại một cách cái nhìn mới về Thiên Chúa: Chúa Cha giết Con ư? Chúa Con chết đi ư? Thiên Chúa là như thế nào?

Theo đà suy tư ấy, Thư Do thái giải thích sự chết của Ðức Giêsu như là lễ hy sinh Thượng tế dâng lên Thiên Chúa một lần cho tất cả, để loài người được dứt khoát cứu chuộc (x. Dt 9:12). Tột đỉnh của cứu độ học là đấy, như sẽ thấy sau đây.

c) “Vì Tội Lỗi Chúng Ta”

Nói cách khác, Ðức Kitô đã chết “vì tội lỗi chúng ta,” như đã được ghi lại ở trong công thức tuyên tín xưa nhất (x. 1Cr 15:3). Ðức Giêsu chết để đền tội và cứu chuộc loài người: đó là thâm tín điển hình của Kitô giáo, thâm tín đã được thánh Phaolô đặc biệt đào sâu, khai triển và giới thiệu, cũng như đã được ngụ ý trong hình bóng “con chiên Thiên Chúa xóa tội trần gian” (Ga 1:29), và có mặt trong toàn bộ Tân Ước, bắt đầu từ trình thuật về hài nhi Giêsu (x. Mt 1:21; Lc 1:77).

Công thức Tân Ước dùng để trình bày tư tưởng này là “cho chúng ta” hoặc tương tự: hyper hemôn, hoặc hyper pollon với ý nghĩa là “thay cho” hoặc “vì” chúng ta, “cho” hoặc “vì” tất cả; cũng có chỗ dùng giới từ antì tức “thay vì.” Những công thức này xuất hiện trong truyền thống từ những thời rất xưa, như thấy được trong 1Cr 15:3-5 và trong trình thuật về bữa tiệc ly (x. 1Cr 11:24; Lc 22:19): “Ðây là máu Thầy, máu Giáo ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14:24). Ý nghĩa này bắt nguồn từ chính Ðức Giêsu, như thấy được qua lời Ngài nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc (antì) muôn người” (Mc 10:24tt). Hẳn đó là lối diễn đạt quen thuộc đối với độc giả Tân Ước, vì trong văn hóa Hy lạp và Rôma, “chết vì tổ quốc” hay “vì người bạn” được coi như là chuyện thông thường; cả đến việc “thí mạng sống” vì ai (nhất là vì tổ quốc) cũng có thể mang một ý nghĩa tôn giáo: được coi như một lễ tế xá tội để làm nguôi lòng các thần linh.[27] [27]

Ðể giải thích sự việc này, truyền thống thần học đã dùng đến thuật ngữ đền tội thế chân. Truyền thống Do thái đã biết đến ý niệm ấy, đặc biệt là từ thời bắt đạo dữ dội hồi thế kỷ 2 trước CN. Những người công chính chết vì đạo tất có ảnh hưởng rất lớn trên toàn dân. Trình thuật về các anh em Macabê nêu bật điểm này (x. 2Mcb 7:37tt; sách 4Mcb, ngụy thư của thời ấy, trình bày về điểm này rõ hơn nữa). Giáo hội đã tìm thấy hạt giống của tư tưởng thần học này ở trong phần đệ nhị Isaia (x. Is 42:1-4; 49:1-6; 50:4-9; nhất là 52:13-53:12): “Ngài đã bị đâm thâu vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Ngài đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53:5).

Như đã thấy, rất sớm, truyền thống kitô đồng nhất hóa Ðức Giêsu với Người Tôi trung trong Isaia (x. Cv 3:13.26; 4:27.30; 8:32-33). Có thể đó là cách hiểu của chính Ðức Giêsu hoặc là của Phêrô (x. 1Pr 2:22-24; 3:18). Phúc âm nhất lãm đã tiếp nhận ý niệm này (x. Mc 10:45tt), lộ hiện rõ ở trong truyền thống riêng của Mt 8:17; 12:18-21, và ở trong Lc 22:37. Gioan cũng dùng nguồn liệu ấy, đặc biệt ở trong chương 10.  Phaolô cũng vậy: xin xem Rm 4:25; 15:21. Ðó là tỷ dụ điển hình về một nét của “giáo lý chung” trong Giáo hội.

Nói Ðức Kitô chết vì tội lỗi là muốn nói Ngài đã “vác lấy” gánh nặng của tội lỗi, và vì thế đã phải lãnh trách nhiệm và chịu tội, bởi theo quan niệm Do thái, tội lỗi và hình phạt thì đi đôi, không thể tách rời khỏi nhau được. Ngài vô tội, nên tội lỗi ấy là tội con người phạm, nhưng bởi vì Ngài là thành phần của gia đình nhân loại tội lỗi, nên Ngài ở trong thế liên đới với các tội nhân và phải gánh vác tội lỗi. Hơn nữa, vì Ngài là Ađam mới, tức là Ðầu của gia đình, nên Ngài nhận lấy trách nhiệm của tất cả, và “trở thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5:21), trở thành “đồ bị nguyền rủa” theo Luật (Gl 3:13); thế nên, Ngài đã nhận chịu chết (x. Ga 19:7; Lc 24:26).[28] [28]

Dùng phép ẩn dụ theo phụng vụ ở Ðền thờ, Tân Ước hiểu sự chết của Ðức Kitô như là hành động xá tội (expiation, Hylạp: hilasterion), “nơi xá tội” (Rm 3:25), tức muốn nói Ðức Kitô trở thành lễ vật dâng lên Thiên Chúa trên bàn thờ thập giá, ngõ hầu đền tội cho chúng ta, làm cho Thiên Chúa “nguôi giận,” thương xót và thứ tha cho chúng ta. Ðó là chủ đề của Thư Do thái: “Ngài trở thành một vị Thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân” (Dt 2:17; x. 9:26.28; 10:22; v.v.). Tư tưởng này cũng xuất hiện ở trong 1Ga 2:2.4.10.[29] [29]

Phép ẩn dụ phổ quát nhất là chuộc tội, hoặc mua lại (redemption), gặp thấy ở nhiều nơi trong Tân Ước (chẳng hạn Rm 3:24; Cl 1:14; Ep 1:7) với hai ý nghĩa: loài người trở nên tự do và trở thành tôi tớ (sở hữu) của Chúa. “Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em” (1Cr 6:20; x. 7:23; Gl 3:13; 4:5); “giá” ấy là máu của Ðức Kitô (x. 1Pr 1:18; 2:9; Tt 2:14). Thần học phương tây đã lấy ý niệm này – sẽ được khải triển thêm sau – làm nền tảng cho Cứu độ học.

d) Giao Ước Mới

Nhìn mầu nhiệm trong một nhãn giới khác, Tân Ước cũng đã hiểu sự chết của Ðức Giêsu trên thập giá như là hy lễ thiết lập giao ước mới với Thiên Chúa. Trong Lễ Tạ Ơn, lời của Ðức Giêsu được nhắc lại: “máu của giao ước” (Mt 26:28; Mc 14:24), “của giao ước mới” (Lc 22:10; 1Cr 11:25). Như Cựu Ước (x. 2Cr 2: 14) đã được ký kết bằng máu của lễ vật (x. Xh 24:8), thì Tân Ước cũng vậy. Thư Do thái khai triển rộng chủ đề này: trích dẫn Gr 31:31-34, tác giả giới trình Ðức Kitô trong tư thế là Thượng tế vĩnh viễn, dâng hiến chính mình lên Thiên Chúa để thiết lập một giao ước mới (x. Dt 8:8–10:31) bằng máu Ngài (x. Dt 9:12. 14;12:24), là “máu giao ước” (Dt 10:29), “máu giao ước vĩnh cửu” (Dt 13:20).[30] [30] Trong hy lễ này, tư tế và hy lễ chỉ là một; vả lại, là tư tế theo một cách thức mới, Ðức Kitô dâng tiến hy lễ chỉ một lần là đủ, và vì thế, ký kết một giao ước tốt hơn, bởi là giao ước vĩnh viễn và phổ quát. Hy lễ thập giá của Ðức Kitô đã làm cho những lời hứa của Kinh Thánh ứng nghiệm, đã thiết lập một quan hệ đặc biệt giữa Thiên Chúa và loài người, tức là mối kết nghĩa giao hảo như giữa Cha với con cái.

Ðức Kitô chết đem lại cho chúng ta lợi ích gì? Nói chung là ơn tha thứ, ơn hòa giải với Thiên Chúa và với nhau: xưa kia là người ở xa, bây giờ chúng ta được ở gần với Chúa và với nhau (x. Ep 2:12-14). Tích cực hơn, người kitô được trở thành con cái Thiên Chúa, và nhờ thế, được kế thừa các lời hứa (x. Rm 8:17; Gl 3:29; Dt 6:12; v.v.). Xưa kia không phải là một dân, bây giờ là dân riêng của Thiên Chúa (x. 1Pr 2:9-10), được Người chọn làm nơi cư ngụ như là Ðền thờ (x. 2Cr 6:16).

e) Ðâu Là Xuất Xứ Của Cách Giải Thích Ấy?

Về phương diện thuần túy lịch sử, vấn đề sôi nổi này không tìm thấy được câu giải đáp. Có kẻ chủ trương cho rằng Ðức Giêsu đã không hiểu gì trước về tương lai, không ý thức chút gì về ý nghĩa của cuộc khổ nạn nhục nhằn ấy, và rằng các tông đồ (nhất là Phaolô và Gioan) và Giáo hội sơ khai đã dựng đứng lên ý nghĩa và thần học về thập giá. Nhưng, vấn đề là nếu Ðức Giêsu đã không ý thức gì, thì toàn bộ đời sống của Ngài sẽ mất hết ý nghĩa, đức tin kitô giáo sẽ trở thành thần thoại, và như thế thì sẽ không giải thích được lịch sử cũng như thực kiện Kitô giáo. Nghĩ rằng Thiên Chúa đã dùng Ðức Giêsu như là một người vô ý thức trong vai trò chủ chốt, trung ương và phổ quát của lịch sử cứu độ, là lăng nhục chính Thiên Chúa, bởi cho là Người đã lạm dụng Ðức Giêsu! Ðiểm then chốt trong sứ điệp Ðức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ con người qua quyền tự do của con người. Nếu Ðức Giêsu đã không hiểu mình làm gì, tức không thể tự do góp phần thực thi công cuộc cứu độ, thì sứ mệnh của Ngài chẳng có được ý nghĩa gì. Tuy nhiên, tích cực chứng minh Ðức Giêsu đã biết, đã hiểu, và đã ý thức về sứ mạng của mình thì là cả một vấn đề hết sức gai góc, gai góc do tự bản chất của sự việc và vì thiếu tài liệu (xin xem phần viết trước đây bàn đến vấn đề tự ý thức về mình nơi Ðức Giêsu).

Một số lời nguyên văn Ðức Giêsu đã nói có thể soi sáng cho vấn đề trên đây. Trước hết là lời Ngài nói về “giá chuộc” đọc thấy ở trong Mc 10:45tt. Chắc hẳn là Ðức Giêsu đã hiểu về đời mình như là của một sứ giả được Thiên Chúa sai đi; vào chính lúc lâm nguy, Ngài đã nói lên ý nghĩa của sứ mệnh ấy, sứ mệnh “hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người.” Trong ngày cuối cùng, khi không còn nghi ngờ gì được nữa về hồi chung cục, thì trong bữa tiệc ly, Ngài đã nói về “giao ước nhờ máu mình” (Lc 22:20), “đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26:28tt). Ðiều mà thần học khẳng định chỉ là kết luận rút từ các dữ liệu tiền đề nêu trên đây. Ðức Giêsu cũng đã ám chỉ về cuộc tử nạn của Ngài khi nói đến “một phép rửa Ngài sắp chịu” (Mc 10:38), và đã đánh giá rất cao ý nghĩa của phép rửa ấy (x. Lc 12:50). Sau này, hướng theo lối ngã ấy, thánh Phaolô sẽ giải thích phép rửa của chúng ta như là cuộc dìm mình vào trong cái chết của Ðức Kitô (x. Rm 6:3-11).

Mặt khác, các môn đệ không làm gì khác hơn là hồi tưởng lại những gì họ đã thấy nơi Thầy mình, tức là những thái độ, hành động và lời nói của Thầy về sứ mệnh của Ngài, v.v. mà suy nghĩ trong ánh sáng của kinh nghiệm phục sinh. Bao giờ Ðức Giêsu cũng coi cuộc đời và sứ mệnh của mình như chỉ là một; mục đích là làm cho vương quyền Thiên Chúa đến. Lúc nào và cách nào, đó là chuyện của Chúa Cha; Ngài hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Người. Ngài quen cầu nguyện trước những quyết định quan trọng; trước ngày chịu chết, Ngài cầu nguyện lâu giờ và thống thiết với Abba, Cha mình, giao phó toàn thân mình cho Người (Mc 14:38tt). Ngài ý thức rất rõ biến cố ấy quả là chung quyết đối với sứ mệnh của mình cũng như đối với kế hoạch của Chúa Cha.

Một điểm chắc chắn trong cuộc đời Ðức Giêsu là Ngài đã hiến trọn thân mình để phục vụ một mục đích duy nhất là làm cho vương quyền Thiên Chúa đến (x. Lc 22:27). Nhưng trong khi phục vụ như thế, những kẻ có quyền đã ghét Ngài. Cả nhà chức trách tôn giáo nữa cũng đe dọa Ngài. Việc phục vụ chủ yếu là tha tội; nhưng khi phục vụ như thế, Ngài cũng bị tố cáo là phạm thượng (x. Mc 2:1-12), và chính lời tố cáo này đã làm cho Ngài phải chịu án tử; thế mà Ngài vẫn không rút lời. Mặt khác, Ðức Giêsu đòi hỏi những ai muốn theo Ngài phải hy sinh mọi sự, cả đến mạng sống (x. Mc 8:34-5tt); hẳn là vì Ngài đã từng sẵn sàng làm như thế khi thực thi sứ mệnh của mình. Trong khi vâng lời Cha Ngài và chu toàn sứ mệnh, chính quyền cho Ngài là “tên bịp bợm” (Mt 27:63; Ga 7:12), và quyền bính tôn giáo coi Ngài như là “kẻ bị quỷ vương ám” (Mc 3:22; Ga 7:20; 8:48), như là mối nguy cho quốc gia dân tộc (x. Ga 11:47tt). Ý thức về tình trạng không mấy thuận lợi này, Ðức Giêsu đã từng tạm tránh ra hoàng địa (x. Ga 11:54). Hẳn Ngài đã tự hỏi: tại sao vậy? Gẫm suy lịch sử Kinh Thánh, Ngài nhận ra đó là phận mệnh của Tôi tớ Giavê, của các bậc công chính, của các tiên tri. Trước hậu cảnh này, Ngài đã có thể thốt ra những lời tương tự như đọc thấy trong Mc 9:31;10:45; 14:24. Cái chết của Ngài có cùng một ý nghĩa như cuộc sống, như sứ mệnh của Ngài vậy. Tuy nhiên, Ngài ý thức là mình lớn hơn tiên tri, là bản thân và sứ mệnh của mình không thể tách khỏi nhau, và thế nào rồi sứ mệnh ấy cũng phải thành tựu. Khi giải thích về cuộc tử nạn của Ðức Giêsu, các môn đệ chỉ đơn thuần thu gặt những gì chính Ngài đã gieo.
 

*   *   *
Như vậy, đức tin đã nhận ra ý nghĩa của thập giá, và thay vì chỉ thấy đó là dụng cụ cực hình nhục nhã, thì hiểu rằng dụng cụ ấy đã trở thành phương thế cứu độ. Xã hội Do thái và La Hy đã nhắm mắt làm ngơ không muốn thấy cảnh ghê gớm ấy; nhưng bây giờ mọi người “sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu” (Ga 19: 37), vì vết thương ấy đã trở nên nguồn sự sống trường cửu (x. Ga 19:34). Trên thập giá, Ðức Giêsu đã biến đổi cây khô của tử vong bị nguyền rủa (x. Gl 3:0) thành cây sự sống trường cửu (x. Kh 22:2.14.19). Từ nay thập giá sẽ đứng hiên ngang trên nóc mọi thánh đường, các hoàng đế sẽ đặt nó trên mũ miện, hàng triệu triệu người sẽ hãnh diện đeo nó trên mình như là biểu tượng của lòng tôn thờ, yêu thương và tín trung đối với Ðấng đã chịu đóng đinh để cứu độ nhân trần.

Có nguy hiểm là một khi “đã hiểu,” thì e rằng cái “chướng tai” của thập giá sẽ biến mất, và sẽ lấy một ý nghĩa – hoặc tệ hơn nữa, một chủ nghĩa – để thay thế cho sự kiện Ðức Giêsu đã bị ám hại do chính đồng bào mình, do chính những người mình đến để cứu giúp. Vì vậy, cần phải dồn toàn lực để chú tâm nhìn kỹ vào chính bản thân Ðức Giêsu: Ngài giải phóng ta, nhưng là bằng một cuộc giải phóng qua thập giá, chứ không phải qua một phương cách nào khác. Con Thiên Chúa làm người sống liên đới với chúng ta, một mối liên đới chịu đóng đinh. Từ nay, mỗi khi một con người “bị đóng đinh” bởi tội lỗi, bởi bất công, áp bức, v.v. là mỗi lần Con Thiên Chúa, một cách nào đó, bị treo lên thập giá trở lại. <đúng vậy >

 


[1] [1] Xin xem Charpentier, E., La Passion selon les quattre Évangiles, Paris 1981;  Hendrickx, H., The Passion Narratives of the Synoptic Gospels, London: Geoffrey Chapman 1984; Senior, D., The Passion of Jesus in the Gospel of Mark, Minneapolis: M. Glazier 1984; …Matthiew, 1985; …Luke, 1998; …John 1991.

[2] [2][2] Sử gia Tacitus, trong Annales, và sách Dothái Talmud. Hồi giáo vẫn còn phủ nhận sự việc Ðức Kitô chết trên thập giá, vì Kinh Coran dạy: “Chúng không giết Ngài, chúng không đóng đinh Ngài” (iv, 158), xem Ajijola, A.A.D., The Myth of the Cross, Lahore: Islamic Publ. 1975; Meynet, R., Passion de Notre Seigneur Jésus Christ, Paris 1993.

[3] [3][3[3]] Về tước hiệu của Philatô: ngày xưa người ta gọi ông là Procurator, nhưng năm 1961, các nhà khảo cổ Ý đã phát hiện tấm bia ở Xêdarêa có khắc câu: Pilatus Praefectus Iudaeae… Tước hiệu Procurator ở Paléttin chỉ bắt đầu từ năm 42 dưới triều hoàng đế Clauđiô.

[4] [4] Hengel, M., La crucifixion dans l’Antiquité et la folie du message de la croix, Paris 1981; bằng tiếng Anh, M. Hengel, Crucifixion in the Ancient World and the Folly of the Message of the Cross, Augsburg: Fortress 1994.

[5] [5] Tacitus, Annales xv, 44.

[6] [6] “Y [Ðức Giêsu] đã dùng phép ma thuật và lừa dối dân Ítraen. Nên y bị treo ngày trước lễ vượt qua,” b. Sanhedrin 43a. Nên chú ý bản văn này đồng ý với Gioan về ngày Ðức Giêsu chết trên thập giá.

[7] [7] Weatherly, J. A., Jewish Responsibility for the Death of Jesus in Luke-Acts, Sheffield 1997.

[8] [8] Thí dụ: Cohn H. H., The Trial and Death of Jesus, London 1972; Crossant, J. D., Who killed Jesus?, San Francisco: Harper 1995. Xin xem thêm, Maccoby, H., Judas Icariot and the Myth of Jewish Evil, London: P. Halben 1992.

[9] [9] Bammel, E. (ed), The Trial of Jesus. Cambridge Studies in honor of C.F.D. Moule, London: SCM 1970; Sloyan, G.S., The Crucifixion of Jesus. History, Myth, Faith, Minneapolis: Fortress 1995.

[10] [10] Bishop, J., The Day Christ Died, San Francisco: Harper & Row 19772; Lohfink, G., The Last Day of Jesus, Notre Dame: Ave Maria Press 1984.

[11] [11] Xin xem Wright, N.T., Jesus… “Reasons for Jesus’ Crucifixion,” tt. 540-611; Légasse, S., Le Procès de Jésus, (2 cuốn), Paris 1994-5.

[12] [12] Xin xem chương 5 của thiên khảo luận này, tựa đề: “Ðức Giêsu và đời sống chính trị nước nhà.”

[13] [13] Bammel. E., “The ‘titulus’” trong Bammel, E. & Moules, C.F.D. (eds) , Jesus and the Politics of His Day, Cambridge UP 1984,  pg. 353-64.

[14] [14] Nhiều năm sau, những người Do thái ở xa, ở Tessalônica, vẫn còn gán cho Phaolô và Sila về “tội” này (x. Cv 17:7).

[15] [15] Xin xem Horsley, R. A., Jesus and the Spiral of Violence: Popular Jewish Resistance in Roman Palestine, San Francisco: Harper & Row 1987.

[16] [16] Xin xem Harvey, A. E., Jesus and the Constrains of History, Philadelphia: Fortress 1982, tt. 25tt.

[17] [17] Xin xem Evans, C. A., “In what sense ‘Blasphemy’? Jesus before Caiphas in Mark 14: 61-4,” trong Lovering, E. (ed), SBL 1991 Seminar Papers, Atlanta: Scholars 1991, 215-234.

[18] [18] Mishnah là một tuyển tập lề luật Do thái được soạn ra hồi thế kỷ 2-3; xem Bonsirven, J., Textes rabbiniques des deux premiers siècles chrétiens pour servir à l’intelligence du Nouveau Testament, Rome 1955.

[19] [19] Trong lịch sử, chính quyền Do thái cũng đã đóng đinh thập giá các đồng bào của họ: xin xem Zias, J. và Charlesworth, J. H., “Crucifixion: Archeology, Jesus and the Dead Sea Scrolls,” trong Charlesworth (ed), Jesus and the Dead Sea Scrolls, N.Y.: Doubleday 1992, 79-91, 273-289.

[20] [20] Xin xem Matera, F. J., Passion Narratives and Gospel Theologies, New York: Paulist 1986; Green, J. B., The Death of Jesus: Tradition and Interpretation in the Passion Narrative, Tuebingen: Mohr 1988.

[21] [21] Xin xem Dahl, N. A., “Messianic Ideas and the Crucifixion of Jesus,” trong Charlesworth, J. H. (Ed), The Messiah, Minneapolis: Fortress 1992, tt. 382-403.

[22] [22] Xem Mt 26:15; 27:9tt; Mc 14:18-21.24.27.49; Lc 22:37; Ga 19:28.31-37.

[23] [23] De la Potterie, Ign., La passion de Jésus selon l’évangile de Jean, Paris: Cerf 1986; Ford, J. M., “Jesus as Sovereign in the Passion according to John,” Bibl.Theol.Bull. 25(1995) 110-117. 

[24] [24] Padovese, L., Lo scandalo della Croce. La polemica anticristiana nei primi secoli, Roma: ed. Dehoniane 1988.

[25] [25] Rose, A., “L’influence des Psaumes sur les annonces et les récits de la Passion et de la Résurrection dans les évangiles,” trong Le Psautier, Louvain 1962, tt. 297-356; Gundry, R.H., The Use of the O.T. in St. Matthew’s Gospel, Leiden 1967.

[26] [26] Xin xem Daniélou, J., Sacramentum futuri, Études sur les origines de la typologie, Paris 1950; Earl Miner, (ed.), Literary Uses of Typology from the Late Middle Ages to the  Present,  Princeton: Princeton UP, 1977.

[27] [27]   Xin xem Hengel, M., The Atonement, Philadelphia: Fortress 1981, ch. I; hoặc là The Cross and the Son of God, London: SCM Press 1986; Ternant, P., Le Christ est mort “pour tous”. Du Serviteur Israel au Serviteur Jésus, Paris 1993.

[28] [28] Xin xem B. Hudson McLean, The Cursed Christ. Mediterranean Expulsion Rituals and Pauline Soteriology, Sheffield Academy Press 1996.

[29] [29] Xin xem Lyonnet, S., “De notione expiationis” trong Verbum Domini 36 (1958) 129-146.

[30] [30] Vanhoye, A., “La Nuova Alleanza nell’epistola agli Ebrei,” trong La Nuova Alleanza. Annali Adoratori 79 (1974) 147-164; 205-214.