HUYỀN BÍ KITÔ GIÁO – THỜI TRUNG ĐẠI

0
2158

Nguồn: “Chiều kích huyền bí trong các tôn giáo”
trích trong Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập IV
(Tp. HCM: Nhà sách Đức Bà Hòa Bình,  2015), trang 185-290.

Mục III. Thời Trung đại

Trong lịch sử linh đạo Kitô giáo, vào thời các giáo phụ thì văn chương về đời sống tâm linh bên Đông phương dồi dào hơn bên Tây phương[1]. Tuy nhiên, sang thời Trung đại, thì tình hình xoay ngược lại, văn chương bên Tây phương dồi dào hơn Đông phương; một lý do chính là bởi vì nhiều giáo hội bên Bắc Phi và Trung đông đã bị xóa nhòa trước sự bành trướng của Hồi giáo. Vì thế trong mục này, chúng tôi chỉ chú trọng đến các tác giả bên Tây phương. Mặt khác, chúng tôi không lặp lại những gì đã viết trong tập II (“Những đường hướng linh đạo nổi bật trong lịch sử Kitô giáo”), nhưng chỉ phác họa những khuynh hướng nổi bật về thần học huyền bí, tạm xếp vào ba nhóm: huyền bí tâm tình (hoặc kết duyên); huyền bí hữu thể; huyền bí vô tri.

– “Huyền bí tâm tình” quan niệm rằng tình yêu là con đường tuyệt hảo nhất để kết hiệp với Thiên Chúa. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là thánh Bênađô, và những tác giả trường Saint-Victor. Nơi các nữ tu, khuynh hướng này đội tên là “huyền bí kết duyên”.

– “Huyền bí hữu thể” (hoặc “huyền bí bản thể”) được đại diện nơi Eckhart và trường phái sông Rhin.

– “Huyền bí vô tri” (hay vắng lặng) phản ánh thần học phủ định: Thiên Chúa vượt xa những cách thức hình dung của con người.

Chúng ta hãy điểm qua vài tác giả tiêu biểu của những khuynh hướng đó.

I. Huyền bí tâm tình và kết hiệp

Các giáo phụ là những đan sĩ: họ nhấn mạnh nhiều đến việc thực hành khổ chế và cầu nguyện như là phương thế chính yếu để đạt đến sự kết hiệp với Thiên Chúa. Thế nhưng khi phân tích bản chất của cảm nghiệm huyền nhiệm, xem ra các giáo phụ chú trọng đến “chiêm niệm”, nghĩa là một hành vi của trí tuệ.

Thánh Bênađô, viện phụ Claivaux của dòng Xitô (1090-1153) đánh dấu một khúc quặt: đối tượng của sự chiêm ngắm là các mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Sự kết hiệp với Thiên Chúa được diễn tả qua ngôn ngữ của tình yêu dựa theo sách Diễm ca[2].

1. Thánh Bênađô

Hành trình tâm linh được ví như một cuộc trở về với Thiên Chúa. Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, vì thế có khả năng kết hiệp với Ngài. Tiếc rằng do tội lỗi, con người đã xa lìa Thiên Chúa và không biết đường để trở về với Ngài. Chính trong tình trạng ấy mà Đức Kitô đến mở đường cho chúng ta về với Thiên Chúa, đồng thời để lại cho chúng ta một mẫu gương.

Khác với các đan sĩ Đông phương trình bày Đức Kitô trong hào quang phục sinh, thánh Bênađô chiêm ngắm đức Kitô bé nhỏ trong máng cỏ và mang thương tích trên Thập giá. Hài nhi trong máng cỏ Belem dạy chúng ta bài học về đức khiêm tốn, và thiếu nhi ở Nadarét vâng lời thân mẫu là bài học cho chúng ta về đức vâng phục. Đặc biệt là đức Kitô mình đầy thương tích trên Thập giá trở thành đầu đề cho sự chiêm niệm và lòng mộ mến của Bênađô. Nơi các thương tích của Đức Kitô, người tín hữu tìm gặp nơi an nghỉ: “đinh nhọn và những thương tích đều đồng thanh nói lên rằng Thiên Chúa đã hòa giải thế giới trong Đức Kitô. Lưỡi đòng đã xuyên qua linh hồn của Người và tiến sát đến trái tim của Người, ngõ hầu Người biết thương xót những tội lỗi của tôi. Bí mật của trái tim đã được tỏ lộ nhờ việc mở toang thân thể ra: nhờ đó mầu nhiệm cao cả của lòng Chúa thương xót được công bố”. Việc chiêm ngắm Đức Kitô trên thập giá cũng trở thành nguồn gốc của lòng sùng kính Thánh tâm, được phát triển từ thời Trung đại.

Thánh Bênađô cũng say mê rao giảng thánh danh Giêsu, nơi mà linh hồn lãnh nhận ánh sáng và sức mạnh. “Mọi thứ lương thực của linh hồn đều trở thành khô khan, nếu không được rưới bằng dầu này… Mỗi khi tôi nói đến con người Giêsu, tôi thấy Người hiền lành khiêm nhường, nhân từ và đầy tràn tốt lành thánh thiện. Người cũng là Thiên Chúa tòan năng đến chữa lành tôi bằng gương sáng và bổ dưỡng tôi nhờ sự nâng đỡ. Tất cả những điều vừa nói đều được gợi lên mỗi khi tôi nghe nói đến Danh thánh Giêsu”.

Dù sao lòng tôn sùng nhân tính Đức Giêsu chỉ là một trạm trên hành trình huyền bí chứ chưa phải là đích điểm. Việc chiêm ngắm đức Giêsu bé nhỏ ở hang đá và mang thương tích trên thập tự chỉ là những phương tiện để giúp cho giác quan của con người “phàm tục” được  lôi kéo khỏi dính bén vào trái đất và dẫn đến lòng yêu mến Chúa Giêsu. Lòng yêu mến này cũng có cấp độ của nó, từ cảm xúc đến tinh thần. Thánh Bênađô diễn tả ba cấp độ của huyền bí dựa theo hình ảnh ba cách hôn Chúa (In Cantica Canticorum, s.1-9,n.3).

Thứ nhất là hôn chân Chúa, tương ứng với trình độ các hối nhân. Thứ hai là hôn tay Chúa, tương ứng với trình độ những người đã mang lại nhiều hoa trái của sự hóan cải. Thứ ba là hôn miệng Chúa, tượng trưng cho sự kết hiệp cao cấp nhất. Trình độ này tương ứng với việc Thánh Linh được phú ban cho linh hồn, đốt cháy bừng lửa sốt mến. Nhờ cái hôn này, linh hồn trở nên một với Chúa, không phải theo nghĩa là tan biến trong Chúa nhưng là thông hiệp về ý muốn và hòa hợp nhờ đức mến.

Thánh Bênađô không chỉ suy tư về cảm nghiệm huyền bí, nhưng đã được diễm phúc thưởng thức nó. Cảm nghiệm này được mô tả như một cuộc thăm viếng của Đức Kitô ngự đến trong linh hồn. Linh hồn cảm thấy an bình tuyệt đối, hầu như yên nghỉ. Tác giả thú nhận rằng những giây phút ấy không dài lâu, nhưng để lại ảnh hưởng lâu dài trong cuộc sống.

2. Viện phụ Guillaume de St Thierry (k.1095-1148)

Nguyên là viện phụ dòng Biển đức nhưng sau đó chuyển sang dòng Xitô nhờ quen biết thánh Bênađô, cha Guillaume cũng được coi như đại biểu cho khuynh hướng huyền bí tâm tình. Tuy nhiên, khi chú giải sách Diễm ca, tác giả tỏ ra vài điểm khác biệt với Bênađô.

Cha Guillaume bàn đến ba cấp độ của sự hòan hảo (Epistola ad fratres de Monte Dei). Cấp độ thứ nhất là “động vật” (animalis), trong đó cảm xúc còn mạnh; cấp thứ hai là “lý trí” (rationalis) giảm bớt cảm giác và thiên về lý trí; cấp thứ ba là “thần khí (spiritualis), dưới tác động của Thánh Linh.

Đang khi thánh Bênađô đặt nhân tính Chúa Giêsu làm trọng tâm của đời sống tâm linh, thì cha Guillaume cho rằng việc nhìn ngắm nhân tính Đức Kitô thuộc về cấp một, và chỉ có tính cách tạm bợ, trước khi chuyển sang cấp hai. Ở cấp này, linh hồn phải biết lọai trừ các hình ảnh khả giác, và tập trung vào “hình ảnh Thiên Chúa”. Sang cấp thứ ba, con người khát khao được biết Chúa y như Chúa, trong khả năng của lòai thọ tạo. Đôi khi Thiên Chúa ban cho con người được cảm nghiệm kết hiệp với Ngài. Đây là một tác động của Thánh Linh, mang lại cho linh hồn được hưởng tình yêu của Thiên Chúa, nghĩa là thông dự vào chính tình yêu giữa Ba ngôi Thiên Chúa. Ở cấp độ này, giác quan và lý trí hòan tòan ngưng họat động. Tình yêu do Thánh Linh trút đổ khiến cho linh hồn được hưởng nếm phần nào hạnh phúc bất diệt trên thiên đàng. Tiếc rằng cảm nghiệm huyền bí như vậy không kéo dài, bao lâu ta còn ở trên đời này.

3. Trường Saint-Victor

Đặc trưng của linh đạo trường Saint-Victor là kết hợp đời sống cầu nguyện với việc học hành[3]. Họ đã cố gắng diễn tả và phân tích những cảm nghiệm bằng những ngôn ngữ thần học, đặc biệt là cha Richard (trong hai tác phẩm: De preparatione animi ad contemplationem; De gratia contemplationis.

Hành trình tâm linh bắt đầu với việc cải hóan, thanh luyện linh hồn với việc dứt bỏ tội lỗi, và chuẩn bị chiêm niệm bằng việc đọc sách thánh, cầu nguyện và thực hành các nhân đức.

Theo tác giả, sự chiêm niệm Kitô giáo không giống như sự chiêm niệm của các triết gia, bởi vì do Thánh Linh ban cho những người kính mến Chúa. Nói cách khác, sự chiêm niệm không chỉ là hành vi của lý trí mà còn bao gồm cả tâm tình nữa. Nhờ tác động của Thánh Linh, linh hồn được nâng  cấp để chiêm ngắm những đối tượng của đức tin (Mầu nhiệm Chúa Ba ngôi, mầu nhiệm Thánh thể). Cũng chính nhờ tác động này mà linh hồn được biến đổi ngõ hầu có khả năng yêu mến Chúa Kitô và phục vụ Người trong tha nhân.

4. Huyền bí kết hôn

Trong luồng khuynh hướng “huyền bí kết hiệp” vào thời Trung đại, ta phải dành riêng một đọan cho các phụ nữ dưới dạng “huyền bí kết hôn” (Brautmystik giao duyên): sự kết hiệp với Thiên Chúa được diễn tả qua cuộc kết hôn thiêng liêng với linh hồn (đó là chưa kể đến vài tác giả (chẳng hạn Julian Norwich) gọi Thiên Chúa hoặc Đức Kitô là “mẹ”).

Khác với phái nam diễn tả sự kết hiệp huyền nhiệm bằng phạm trù trừu tượng (hợp nhất, đồng nhất, vô tri),  thực tại huyền bí ở nơi phái nữ mang sắc thái của tình cảm, thậm chí của thân xác. Cuộc kết hiệp diễn ra trong khung cảnh của buổi cầu nguyện hoặc chiêm ngắm. Sự hợp nhất với Chúa Giêsu được diễn tả không những qua phạm trù “kết hôn” mà còn qua thị kiến về việc “xỏ nhẫn”, hoặc “trao đổi trái tim”. Ngòai ra, cuộc đối thọai với Thiên Chúa còn kèm theo nhiều hiện tượng khả giác, tựa như “xuất thần, mang dấu thánh”.

Vì thế, con đường dẫn đến sự kết hiệp huyền nhiệm không phải là sự vươn lên khỏi thế giới khả giác hoặc lao vào đêm tối, cho bằng qua đời sống cầu nguyện, cách riêng lòng sùng kính Thập giá Đức Kitô, Thánh tâm, Thánh thể.

Những nhân vật tiêu biểu của nhóm này thuộc về nhiều Dòng tu khác nhau, và sống cách xa nhau xét về thời gian và không gian[4]. Những cảm nghiệm xuất thần của họ được chính đương sự hay các thư ký thuật lại.

– Hildegard Bingen (1098-1179), Elizabeth Schonau (1129-1164) thuộc dòng Biển-đức sống vào thế kỷ XII, ở Đức.

– Mechthild Magdeburg (k.1207-1282/94) và Gertrud Hefta (1256-k.1302) thuộc dòng Xitô, sống vào thế kỷ XIII cũng bên Đức.

– Angela Foligno (k.1248-1309), sống vào thế kỷ XIII tại Italia, chịu ảnh hưởng của Dòng Phan-sinh.

– Catarina Siena (k.1347-1380), sống tại Italia vào thế kỷ XIV, một thành viên của Dòng Đaminh.

Khi đọc lại tiểu sử và các tác phẩm của các phụ nữ vừa nói, chúng ta nhận thấy ảnh hưởng của những tác giả nam giới được mời làm linh hướng hoặc giảng thuyết: chẳng hạn ảnh hưởng của thánh Bênađô đối với các nữ tu Xitô, hoặc của thánh Phanxicô đối với thánh Angela Foligno.

Dù sao, thiết tưởng không nên chỉ giới hạn “huyền bí tâm tình” vào nữ giới. Một đàng chúng ta có thể xếp vài nam nhân trong khuynh hướng này, điển hình là thánh Phanxicô Assisi, một người say mê chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá và nhận được các dấu thương tích trên cơ thể như dấu hiệu của sự đồng hóa với Thầy mình. Đàng khác, có những tác giả huyền bí nữ giới đáng được kể vào khuynh hướng “hữu thể” dưới đây, chẳng hạn như chị Hadewijch Anvers (k.1200-k.1260) và nhóm beguines. Hadewijch một đàng chủ trương rằng linh hồn cần phải trở về với Thiên Chúa là Tình yêu đang ngự ở trong linh hồn; nhưng đồng thời cũng đòi hỏi linh hồn phải lột bỏ chính mình.

II. Huyền bí hữu thể

Khuynh hướng huyền bí “kết hiệp” hoặc “tình yêu” diễn tả sự kết hiệp với Thiên Chúa qua việc yêu mến. Khuynh hướng huyền bí “hữu thể” diễn tả sự kết hiệp ở phạm vi hữu thể hoặc bản thể (Wesensmystik, Seinsmystik: mystica essentiae, ontologica).

Những tác giả tiêu biểu nhất cho khuynh hướng này được mệnh danh là “trường phái sông Rhin”, với ba tu sĩ dòng Đaminh (Eckhart, Tauler, Suso) cộng thêm với cha Ruysbroeck[5].

1. Meister Eckhart (1260-1328)

Học thuyết về huyền bí được Eckhart trình bày trong các bài giảng bằng tiếng Đức[6], với giọng văn nảy lửa và nhiều kiểu nói đầy tương phản. Tác giả phân biệt giữa “Thiên tính” (bản tính Thiên Chúa: Gottheit) và “Thiên Chúa” (Gott). “Thiên tính” được gọi là Nhất, tượng trưng cho Nền (Đáy: Abgrund), nguyên ủy của Ba ngôi; còn “Thiên Chúa” là Tạo hóa. “Thiên-tính” trở thành “Thiên Chúa” nhìn về phía các thọ tạo, nghĩa là Thiên Chúa mà ta có thể hiểu biết được. Thực ra, Thiên-tính vốn là tuyệt đối, cho nên không thể nào hiểu biết được cũng chẳng có thể đặt tên được. Thậm chí Eckhart nói rằng Nhất là “hòan tòan hư vô”, nghĩa là đối nghịch với tất cả những gì hiện đang có hoặc có thể biết được.

Con người chúng ta bắt nguồn từ Bản tính Thiên Chúa, Bản tính mà Eckhart gọi là “Hư vô”. Chúng ta đã hiện hữu trong Ngài từ muôn thuở, trước khi có sự tạo dựng. Nếu xét như là thọ tạo, hữu hạn, tách rời khỏi Thiên Chúa, thì con người chẳng còn gì là chân thực, chẳng còn gì là tình yêu. Tất cả mọi thọ tạo đều là hư vô, khi đối chiếu với Hữu thể nguyên ủy. Thế nhưng Thiên Chúa hiện hữu trong mọi vật, và bao bọc chúng bằng tình thương. Nhờ cảm nhận tình thương đó mà nảy sinh ra nơi con người lòng khao khát: con người khao khát kết hiệp với Thiên Chúa, tìm lại hình ảnh nguyên thủy của mình, nghĩa là Hữu thể hằng hữu.

Để đạt tới mục tiêu đó, con người cần phải ra khỏi thế giới, lột bỏ hết mọi thọ tạo, từ bỏ bản thân và thậm chí từ bỏ luôn cả Thiên Chúa xét như là một Đấng nào khác với mình. Con người phải tìm cách nên một với Thiên Chúa, thi hành ý muốn của Ngài kể cả khi phải chấp nhận đau khổ, và thậm chí xuống hỏa ngục nếu Ngài muốn như vậy. Chừng nào con người đã lột bỏ hết mọi sự và trở nên nghèo khó, thì Thiên Chúa sẽ nghiêng mình xuống. Ngài sẽ ban ân sủng cho nó, đưa nó về với mình. Hơn thế nữa, lúc đó không còn là Thiên Chúa ở trong con người nữa, nhưng là con người ở trong Thiên tính.

Vì thế, sự kết hiệp không dừng lại ở cấp độ hiểu biết và yêu mến, nhưng tiến đến sự hợp nhất: con người được kết hiệp với Thiên Chúa về bản tính. Ở trong con người của ta, khả năng có thể kết hiệp được với Thiên Chúa là “Đáy”, một nơi mà không ai thấm nhập được, và chỉ dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi. Chính ở nơi đó diễn ra sự kết hiệp giữa bản tính linh hồn và bản tính Thiên Chúa: cả hai trở nên một.

Mầu nhiệm này cũng còn được giải thích như là việc sinh hạ của Ngôi Lời trong linh hồn. Theo Eckhart, nếu không có sự phân biệt giữa “ý tưởng” và “bản thể” ở nơi Thiên Chúa, thì linh hồn cũng không khác gì Thiên Chúa, bởi vì linh hồn là ý tưởng của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, nếu như Ngôi Lời chỉ là một với Chúa Cha, thì cũng có thể đồng hóa các tín hữu với Đức Kitô, xét vì họ cũng là con Thiên Chúa.

Học thuyết của Eckhart có nhiều điểm khó hiểu, và bị tố cáo là phiếm thần. Sau khi qua đời, một văn kiện của đức thánh cha Gioan XXII (bula In agro dominico, 27/3/1329) đã tuyên bố 17 mệnh đề sai lầm và 11 mệnh đề hàm hồ. Thực ra đầu đề của cuộc tranh luận này không chỉ giới hạn vào lãnh vực thần học nhưng còn bị chi phối bởi màu sắc chính trị đương thời. Đặt trong lãnh vực phê bình đạo lý, có người chỉ trích Eckhart là chịu ảnh hưởng của học thuyết tân-Platon hơn là của Kinh thánh.

Nên biết là ngày nay, trong lãnh vực đối chiếu, học thuyết của Eckhart đã được sử dụng như một mẫu về phía Kitô giáo để so sánh với các học thuyết của Ấn giáo và Phật giáo[7]. Tuy nhiên, một vấn nạn được đặt ra: học thuyết của Eckhart có thể coi như tiêu biểu cho đạo lý về huyền bí Kitô giáo không?

2. Joannes Tauler (k.1300-1361)

Trong các bài giảng, cha Tauler cố gắng diễn tả học thuyết của Eckhart cách đơn giản hơn, nhờ dựa trên những cảm nghiệm và những đọan văn Kinh thánh.

Thay vì bàn về “đáy của linh hồn” như Eckhart, cha Tauler nói đến con người “nội giới”. Khác với con người “ngọai giới” bị lôi cuốn và chi phối bởi ngọai vật và cảm xúc, con người “nội giới” sống khiêm tốn trước mặt Chúa. Đức khiêm nhường giúp cho con người chuyển hướng từ “ngoại giới” sang “nội giới”, trải qua năm chặng “vượt ngục”. Thực vậy, để có thể tiến đến việc sống kết hiệp với Thiên Chúa, con người ngọai giới cần được giải thóat ra khỏi năm cái “ngục thất”: ràng buộc với thọ tạo; tự ái; quá dựa vào lý trí đến nỗi khó chấp nhận đức tin; chiều theo lòng đạo đức tình cảm; tự mãn, nghĩa là tìm mãn nguyện cho sở thích hơn là đi tìm cách làm theo ý Chúa.

Dĩ nhiên, ta cần phải có ơn Chúa giúp thì mới có thể vượt qua các ngục thất đó. Một phương thế đặc biệt để tiến đức là chiêm ngắm năm dấu thương tích của Chúa Giêsu, như là năm cánh cửa mở ra để ta được đến gần Thiên Chúa. Các dấu thương tích dạy cho chúng ta biết sống phó thác và chịu đựng đau khổ, biết khinh chê thế gian và từ bỏ chính mình.

Sau khi đã thoát ly khỏi các ngục thất, con người được dẫn vào đường huyền bí, với nhiều chặng khác nhau. Lúc đầu linh hồn cảm thấy vui thích bởi vì cảm thấy mình được gần gũi Chúa. Tuy nhiên tình trạng này không kéo dài lâu, bởi vì tiếp đó linh hồn cảm thấy như rơi từ trời xuống vực thẳm: nó bị chao đảo giữa “biết” và “không biết”, giữa an tĩnh và rối lọan, giữa tín thác và sợ hãi. Nguyên nhân của tình trạng này là tại vì tuy linh hồn đã rời khỏi địa giới nhưng vẫn chưa vào thiên giới. Những sự đau khổ nhằm giúp thanh luyện linh hồn, để con người cũ hòan toàn chết đi, nhờ đó Thiên Chúa có thể ngự trị hòan tòan. Linh hồn trải qua cơn tối tăm, nhằm tiêu hủy những hình ảnh về Thiên Chúa còn gắn với thế giới hữu hình, bởi vì Thiên Chúa là Đấng đơn nhất, vô hình vô thể. Linh hồn có cảm tưởng đi vào cõi tối tăm, nhưng kỳ thực nó được Thiên Chúa đưa vào cõi sáng nhờ việc kết hiệp với Ngài.

Cha Tauler thêm rằng cảm nghiệm kết hiệp như vậy rất ngắn ngủi (ngắn hơn một kinh Kính mừng), nhưng để lại ấn tượng lâu dài, đó là những hoa trái của sự tiến triển các nhân đức.

3. Henri Suso (k.1295-1366)

Từ kinh nghiệm cuộc đời đã từng trải qua nhiều đau khổ, Henri Suso giải thích học thuyết của Eckhart một cách tình tứ hơn. Sự kết hiệp huyền bí không được diễn tả qua các phạm trù “đáy linh hồn” hoặc “con người nội tại”, nhưng là kết duyên với Đấng Khôn ngoan (Cao minh: Sapientia), nghĩa là Chúa Kitô, đặc biệt dưới hình thức Thụ nạn. Thực vậy, đang khi mà cha Tauler cho rằng sự kết hiệp với Thiên Chúa chỉ diễn ra chớp nhóang, thì các bút tích tả lại cuộc đời cha Suso thuật lại nhiều cuộc xuất thần kéo dài cả tiếng đồng hồ. Mặt khác, cha Suso cũng thú nhận rằng con người khó mà gặp gỡ một Thiên Chúa hòan tòan vô hình vô thể, theo lối diễn tả của Eckhart. Vì thế chúng ta cần một hình ảnh của Thiên Chúa, đó là chính đức Giêsu: khởi đầu từ đức Giêsu như là người, để đến với Đức Kitô là Thiên Chúa.

Trước khi kết thúc các tác giả của trường phái sông Rhin, chúng tôi xin thêm hai chú thích.

a/ Ba tác giả nổi tiếng nhất của trường phái sông Rhin thuộc Dòng Đaminh. Họ là đại biểu cho khuynh hướng “huyền bí hữu thể”. Tuy nhiên, không thể nói ngược lại là khuynh hướng huyền bí hữu thể là đặc trưng của dòng Đaminh. Nói cách khác, các tu sĩ dòng Đaminh thuộc về nhiều khuynh hướng khác nhau, điển hình là quan điểm của thánh Tôma Aquinô về sự kết hiệp với Thiên Chúa khác biệt với Eckhart, tuy dù cả hai đều thụ giáo thánh Albertô. Một câu hỏi thường được nêu lên là: thánh Tôma Aquinô có phải là một nhà huyền bí không? Các học giả đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Dù sao, có hai sự kiện không thể nào chối cãi:

+ Một. Các sử gia đều thuật lại nhiều lần thánh Tôma nhận được thị kiến khi cầu nguyện, nhờ đó Người được soi sáng trong việc giải thích các mầu nhiệm đức tin. Một thị kiến cuối cùng diễn ra 3 tháng trước khi qua đời đã khiến cho Người ngưng viết sách, bởi vì thấy chúng chỉ là rơm rác so với thị kiến vừa lãnh nhận.

+ Hai. Thánh Tôma đã để lại cho Giáo hội những nguyên tắc đạo lý nhằm phân định thực tại huyền bí chân chính của Kitô giáo. Cha William Johnston S.J. nêu ra ba nguyên tắc quan trọng hơn cả[8]:

[i] Giữa Thiên Chúa và lòai thọ tạo có sự đồng nhất xét về sự “hiện hữu” (existentia), nhưng đồng thời có sự khác biệt xét về “bản tính” (essentia).  Ở nơi các thọ tạo thì có sự phân biệt giữa “bản tính” và “hiện hữu”; còn nơi Thiên Chúa thì bản tính và hiện hữu như nhau; vì thế sự hiện hữu của chúng ta thì có hạn, còn sự hiện hữu củaThiên Chúa thì tuyệt đối. Chính tính cách  đồng nhất và khác biệt này chi phối lối tư duy của chúng ta về Thiên Chúa: chúng ta có thể hình dung phần nào Thiên Chúa khởi từ những kinh nghiệm của thế giới hữu hình, nghĩa là những gì hiện hữu (phương pháp lọai suy); nhưng đồng thời, những vật hiện hữu quanh ta thì có giới hạn cho nên không cân xứng với  Đấng vô hạn. Vì thế tư tưởng và ngôn ngữ của lòai người  rất thiếu thốn khi diễn tả Thiên Chúa: chúng ta biết Thiên Chúa “không phải là gì” – nghĩa là không mang những bất tòan của các thọ tạo (đường lối phủ định) – hơn là biết Thiên Chúa là gì (đường lối khẳng định).

[ii] Việc hiểu biết Thiên Chúa không chỉ lệ thuộc vào khả năng tư duy, mà còn vào nếp sống của ta nữa. Thiên Chúa không chỉ là một ý tưởng trừu tượng, nhưng còn là một Ai đó. Đành rằng “vô tri bất mộ”, nhưng cũng có thể nói ngược lại “vô mộ bất tri”: một khi đã yêu mến ai thì ta muốn tìm hiểu người đó. Việc tìm hiểu Thiên Chúa được thúc đẩy bởi lòng yêu mến, được phú bẩm trong con tim mỗi người, bởi vì ai ai cũng khao khát Chân Thiện Mỹ.

[iii] Con đường đưa chúng ta đến kết hiệp với Thiên Chúa là tình yêu, không phải là một tình yêu tự nhiên, nhưng là tình yêu siêu nhiên, nghĩa là chính Thiên Chúa, Đấng mà thánh Gioan tông đồ định nghĩa là “Tình yêu” (Agape). Tình yêu được Thánh Linh trút đổ xuống tâm hồn chúng ta: Tình yêu này liên kết chúng ta với Thiên Chúa cả về ý muốn lẫn hiểu biết, tuy sự hiểu biết này vượt quá phạm vi của trí tuệ. Dù sao, sự kết hợp với Thiên Chúa dù chặt chẽ đến mấy đi nữa vẫn không thể xóa bỏ khỏang cách giữa Ngài với thọ tạo.

b/ Khuynh hướng huyền bí bản thể cũng gặp thấy nơi phái nữ, điển hình là bà Hadewijch Anvers (k.1200-k.1260), Beatrice de Thenis (hay Nazareth, k.1200-1268), Margarete Porete (+1310) và nhóm beguine.

III. Huyền bí vô tri

Thời Trung cổ, tác phẩm của Đionysiô Areopagita (được dịch sang tiếng latinh và được phổ biến nhờ Gioan Scotus Eriugena (k.800-870/880), và nói được là ảnh hưởng trên tất cả các nhà thần học kinh viện. Tuy nhiên, khi trình bày về Thiên Chúa, các nhà thần học sử dụng đường hướng “tích cực” hoặc “khẳng định” (theologia kataphatica, affirmativa) dựa theo nguyên tắc lọai suy: ngôn ngữ của lòai người có thể khả năng diễn tả Thiên Chúa, tuy cách bất tòan.

Thần học “phủ định” (theologia apophatica, negativa) phản ánh nơi các tác giả của khuynh hướng huyền bí hữu thể (như Eckhart, Tauler), và nhất là nơi một tác phẩm vô danh tựa đề là The Cloud of unknowing (mây vô tri)[9]. Tác giả chủ trương rằng ta chỉ có thể gặp gỡ Thiên Chúa bằng cách lọai bỏ hết mọi hình ảnh và ý niệm. Việc khước từ hình ảnh và ý niệm được đặt tên là “mây vô tri” (không biết), bởi vì khi con người đã lọai bỏ hết những khí cụ hiểu biết thì ra như nó đi vào “mây tối”, và chỉ còn ngọn giáo của tình yêu dẫn dắt mà thôi.

Tác giả cũng nhấn mạnh rằng tình trạng này không diễn ra ngay từ buổi đầu của hành trình tâm linh. Trong giai đọan đầu, con người cần phải học biết ghét tội và yêu mến Chúa nhờ việc suy gẫm. Dần dần Thiên Chúa mới dẫn con người tới gần Ngài, qua màn đêm giác quan. Linh hồn cần phải kiên nhẫn vượt qua đêm tối, và lọai bỏ các hình ảnh tư tưởng về Thiên Chúa. Tác giả cũng cho biết rằng thời gian thanh luyện này kéo dài suốt đời, tuy nhiên thỉnh thỏang Thiên Chúa cũng xé qua màn đêm, và ban cho linh hồn cảm nghiệm một tia sáng, hé mở những mầu nhiệm của Ngài. Dù sao, đối với tác giả, bản chất của sự kết hiệp huyền bí không hệ tại các cảm nghiệm, nhưng là sự kết hiệp với ý muốn của Chúa.

——————————————————–

[1] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 258.

[2] J. Leclercq, L=experience mystique d=après S. Bernard de Clairvaux, in: Studia Missionalia 26 (1977) 59-71.

[3] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 184-186.

[4] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 175-180; 218 (Angela Foligno); 249-252 (Catarina Siena).

[5] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 232-241.

[6] Các tác phẩm của Eckhart được viết bằng tiếng Latinh và bằng tiếng Đức, gồm những bài giảng và khảo luận.

[7] Thí dụ: Rudoph Otto, West-Oestliche Mystik, 1924, so sánh Eckhart với Sankara; D.T. Suzuki và Ueda Shizuteru đối chiếu “Vô” của Eckhart với Thiền.

[8] W. Johnston, Teologia mistica. La scienza dell=amore, Ed. Appunti di Viaggio, Roma 2001, p.60-74.

[9] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 241.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here