Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội: Trong Lãnh Vực Kinh Tế

0
1210


Bình Hòa, OP.

 

 

Download Tài liệu: Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa

 

 

A. HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VỀ KINH TẾ

Chúng ta không thể đồng hóa Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội với kinh-tế-học. Giáo Hội không đề xướng một lý thuyết kinh-tế-học cũng không bênh vực một chủ nghĩa kinh tế nào hết. Qua Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, Giáo Hội muốn nhắc nhở tất cả những người có trách nhiệm với nền kinh tế quốc gia và quốc tế về vài yêu sách luân lý của hoạt động kinh tế.

I. Kinh tế học và trật tự luân lý

Trước đây, Max Weber, một nhà-xã-hội học người Đức (1881-1961), chủ trương rằng, kinh tế học là một khoa học thực nghiệm, phát biểu các định luật dựa trên sự quan sát các hiện tượng, do đó phải được trung lập khỏi mọi giá trị luân lý, đối tượng của các khoa học quy chuẩn. Nhưng ngày nay người ta biết rằng kinh tế học không phải là một môn học trung lập nữa. Trên bình diện quốc gia hay quốc tế, chúng ta biết là các chính sách kinh tế bị chi phối bởi những đường lối chính trị của các chính phủ: kinh tế chỉ là một phương tiện để thực hiện một mục tiêu nào đó. Thêm vào đó, kinh tế không thể nào tách lìa khỏi luân lý, xét vì nói cho cùng mục tiêu của kinh tế nhằm để phục vụ hạnh phúc cho con người, xét như từng cá nhân cũng như xét như tập đoàn. Dĩ nhiên, quan niệm về hạnh phúc giả thiết một quan niệm về luân lý. Vì thế, chủ trương của Max Weber muốn một nền kinh tế thoát ly khỏi mọi giá trị luân lý không thể chấp nhận được. Thử lấy một thí dụ cỏn con thì rõ: Một xí nghiệp nào đó nhận thấy rằng việc chế tạo đồ giả mang lại một mối lợi khổng lồ. Điều đó có lẽ sẽ xảy ra nhưng chỉ ngắn hạn; nhưng về lâu về dài, khách hàng sẽ tẩy chay đồ giả, và điều nguy hiểm hơn nữa là xí nghiệp bị tan vỡ do chính các nhân viên không còn tin tưởng nhau nữa khi họ e ngại rằng những mối quan hệ nội bộ cũng giả tạo giống như mặt hàng mà xí nghiệp sản xuất.

Giáo Hội nhìn nhận rằng, khoa kinh tế học có một phương pháp riêng của nó, với những định luật riêng của nó, thí dụ như định luật về nguyên nhân và hậu quả của nạn lạm phát. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng những định luật của kinh tế học không có tính chất cứng nhắc như định luật toán học, nhưng tùy thuộc không nhỏ vào tâm lý và phong tục của con người. Một biện pháp ngăn ngừa lạm phát có thể là hữu hiệu ở một nước kỹ nghệ nhưng lại không thể áp dụng ở một nước nông nghiệp. Hơn thế nữa, những biện pháp ấy không thể trái ngược với công bằng nếu không muốn gây ra xáo trộn trật tự xã hội; thí dụ biện pháp ngăn ngừa lạm phát không thể chỉ giới hạn vào việc cắt giảm những chương trình trợ cấp xã hội cho người nghèo hay người già, đang khi tiếp tục những thứ công phí có tính cách phô trương. Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội không vạch ra một chương trình hoạt động kinh tế nhưng muốn nói lên những yêu sách của trật tự luân lý mà các chuyên gia kinh tế phải để ý khi thảo ra kế hoạch.[1]

II. Những nguyên tắc căn bản của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội về hoạt động kinh tế

Có thể tóm lại vào hai nguyên tắc sau:

1. Nguyên tắc căn bản điều khiển tất cả các hoạt động kinh tế là phẩm giá của con người

Như chúng ta đã biết, dựa theo mặc khải Kitô giáo, phẩm giá cao quý nhất của con người hệ tại việc được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được kêu gọi chia sẻ hạnh phúc với Ngài. Niềm thâm tín này đưa tới việc tôn trọng các quyền lợi của con người, đặc biệt là quyền được hành động có trách nhiệm và tự do. Tuy người ngoài Kitô giáo hay người vô tín ngưỡng không đồng ý với người Kitô hữu về ơn gọi và định mạng siêu việt của con người, nhưng chắc rằng họ sẽ đồng ý về việc nhìn nhận phẩm giá của con người ở chỗ hành động có trách nhiệm và tự do. Áp dụng vào lãnh vực hoạt động kinh tế, sự tự do được diễn tả qua quyền được có sáng kiến hoạt động để tìm cách phát triển bản thân, gia đình, xã hội.[2]

Một hậu quả khác nữa là quyền tư hữu. Dĩ nhiên, quyền tự do sáng kiến phải tôn trọng công ích và quyền lợi của tha nhân. Do đó, sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào hoạt động kinh tế không những gây tổn hại cho chính hiệu năng sản xuất nhưng còn làm thiệt hại cho tự do và sự phát triển của nhân vị. Trong lãnh vực này, Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội đề ra nguyên tắc hỗ trợ (subsidiarité) phát biểu như sau: “Nhà nước và xã hội ở cấp bậc cao không được xen vào nội bộ của một xã hội ở cấp dưới bằng việc thay thế sáng kiến và trách nhiệm của nó; nhưng là hỗ trợ nó trong trường hợp cần thiết và giúp đỡ nó để phối hợp hoạt động của mình với các thành phần khác trong xã hội nhằm đạt tới ích chung”.[3]

2. Bên cạnh nguyên tắc về phẩm giá con người, một nguyên tắc khác không kém phần quan trọng là chiều kích xã hội của con người

Không những con người cần tới xã hội để sinh sống (nhờ có xã hội con người mới có thể sinh tồn), nhưng nhất là con người phát triển nhân vị của mình nhờ những mối tương quan với tha nhân. Nói khác đi, con người cần đến xã hội không phải chỉ vì cần đến cơm ăn áo mặc, nhưng con người trở thành người hơn nhờ việc sống thắm thiết những liên hệ với cộng đồng xã hội. Từ đó, con người có bổn phận phải đóng góp vào lợi ích chung của xã hội, cách riêng qua việc phát triển nhân đức liên đới (solidarité).[4] Trong chiều hướng đó, quyền tư hữu cần được hòa hợp với ý định của Thiên Chúa muốn ban các tài nguyên dành cho hết mọi người.[5]

Hai nguyên tắc căn bản vừa nói mang theo rất nhiều hậu quả luân lý cho những hoạt động kinh tế. Chúng ta hãy lấy một tỉ dụ ở vấn đề sản xuất.

Sản xuất

Hoạt động kinh tế nhằm tới việc cung cấp những sản phẩm và dịch vụ đáp lại những nhu cầu của đời sống con người.[6] Tuy nhiên, ta không thể giới hạn các nhu cầu ấy hoàn toàn vào lãnh vực vật chất. Con người có những nhu cầu vật chất nhưng cũng có những nhu cầu văn hóa và tinh thần nữa.[7] Từ Thông điệp Populorum Progressio của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội càng ngày càng nhấn mạnh tới sự phát triển toàn diện con người. Điều này chi phối chính sách phát triển của toàn thể một dân tộc mà các nhà lãnh đạo quốc gia và quốc tế phải quan tâm đến trong việc thảo kế hoạch cũng như trong việc giáo dục nhân dân. Con người có những nhu cầu ăn mặc, nhà ở, sức khỏa, an sinh nhất là khi đau yếu tuổi tác. Những nhu cầu ấy trở thành quyền lợi căn bản của con người. Ngoài ra con người còn có những quyền tự do trong lãnh vực văn hóa tinh thần: cần phải tổ chức những dịch vụ và cơ cấu để thoả mãn những nhu cầu ấy nữa. Chính sách sản xuất phải nhằm phục vụ con người chứ không phải chỉ để trục lợi hay củng cố quyền hành. Một thí dụ đã được Thông điệp Populorum Progressio tố cáo [8] là tại các quốc gia đang thiếu nhà thương và nhà trường, người ta đã dành ngân sách khổng lồ vào binh bị hoặc những công trình tuyên truyền cho chế độ.

Ngày nay, vào thời đại khoa học kỹ thuật, công việc sản xuất mang kích thước quốc tế. Hơn một lần, Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội của Gíao hội đã lên tiếng báo động vì những nước giàu đang muốn áp đặt một khuôn mẫu tiêu thụ của họ sang các nước nghèo. Ngoài việc khai thác rẻ tiền nhân công ở các nước nghèo, những nước giàu còn muốn xuất cảng một lối sống nặng về hưởng thụ vật chất. Họ tạo ra những nhu cầu giả tạo nơi các dân tộc nghèo để cũng đua đòi như các nước giàu để tiêu thụ những hàng hóa đắt tiền mà nước giàu sản xuất. Những nhu cầu vật chất giả tạo ấy không những làm kiệt quệ nền kinh tế còn yếu kém của nước nghèo, mà còn làm dân chúng tại đây bị tha hóa do sự đảo lộn nấc thang các giá trị.

Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng trong lãnh vực sản xuất, dù trong bình diện quốc gia hay quốc tế, Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội đòi hỏi những người hữu trách phải lưu ý tới một trật tự luân lý nhằm phát triển con người toàn diện. Mặt khác, Giáo Hội không phải chỉ giới hạn vào việc kêu gào trách móc. Qua những phần tử của mình, cách riêng là các giáo dân tham gia vào hoạt động kinh tế. Giáo Hội tin tưởng rằng những nguyên tắc nói trên sẽ có cơ hội ứng dụng. Ngoài ra, như Thông điệp Redemptoris Missio đã nhấn mạnh.[9] Giáo Hội cộng tác vào công cuộc phát triển con người một cách độc đáo qua việc huấn luyện các lương tâm. Kể cả tại những nước kỹ nghệ tiên tiến, sự đào tạo lương tâm lại càng cần thiết khi mà thực tại cho thấy rằng mức sống vật chất dồi dào không nhất thiết đem lại hạnh phúc cho con người. Sự giáo dục lương tâm không những nhằm tạo ra một ý thức đúng đắn về nấc thang các giá trị và nhu cầu, nhưng đồng thời cũng kêu gọi cải hoán, thay thế một não trạng khai thác bóc lột tha nhân để làm giàu bằng não trạng liên đới chia sẻ với tha nhân những tài sản mà mình có, những tài sản vật chất lẫn tài sản tinh thần.

B. GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH VỀ LAO ĐỘNG

I. Lịch sử vấn đề

Trải qua lịch sử nhân loại, đã có nhiều triết học và tôn giáo bàn đến ý nghĩa và gía trị của Lao động (hay sự làm việc). Văn chương bình dân nước ta cũng không thiếu những câu tục ngữ về sự làm việc. Chúng ta nhận thấy không những là có những quan điểm khác nhau về sự làm việc, mà còn có những cách đặt vấn đề khác nhau tùy theo hoàn cảnh xã hội; thí dụ trong xã hội nông nghiệp trước đây, người ta cho rằng người lao động đích danh là bác nông phu chân lấm tay bùn; còn trong xã hội kỹ thuật ngày nay, bác nông dân ấy chỉ đóng góp phần rất nhỏ vào kinh tế quốc gia. Sự biến đổi điều kiện xã hội cũng có ảnh hưởng đến quan điểm của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội về lao động. Chúng ta hãy lượt qua những văn kiện chính thì rõ.

1. Trong thông điệp Rerum Novarum, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII nói tới điều kiện của người thợ trong xã hội kỹ nghệ Âu châu cuối thế kỷ XIX, phải chịu lắm cảnh bất công. Thông điệp nhấn mạnh rằng, không thể coi lao động như một món hàng có thể đánh giá theo luật cung cầu; lao động gắn liền với con người, vì nó bộc lộ tài năng và kiện toàn con người. Lao động cần thiết cho con người cũng như cho gia đình, vì thế lương bổng cần phải để ý tới các yếu tố đó.

2. Bốn mươi năm sau, tình trạng của người công nhân không mấy tiến bộ hơn. Đức Giáo Hoàng Piô XI phải lên tiếng lần nữa để bàn về những tiêu chuẩn xác định lương bổng công bằng. Thông điệp Quaragesimo Anno cũng xét lao động trong tương quan với quyền tư hữu, tư bản, trật tự xã hội.

3. Với Thông điệp Mater et Magistra, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tiến thêm một bước khi bàn tới việc các công nhân được tham gia vào việc điều hành xí nghiệp, nhờ đó xí nghiệp ngày càng có tính cách nhân bản hơn vì sẽ biến thành một cộng đoàn với những chức phận khác nhau. Ngài cũng nhấn mạnh rằng, giá trị cao quý của con người nằm ở chỗ tài nghệ, làm chủ được nghề nghiệp của mình, chứ không phải ở chỗ tài sản mà mình sở hữu.

4. Công Đồng Vatican II, trong Hiến chế Gaudium et Spes,[10] đã mở rộng quan điểm lao động đến toàn thể những hoạt động của con người trong thế giới, và như vậy không chỉ giới hạn trong những xí nghiệp kỹ nghệ. Hai năm sau, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Thông điệp Populorum Progressio, cũng đả động tới Lao động hiểu theo nghĩa rộng ấy, và tố cáo nguy cơ là con người có thể trở thành nô lệ cho lao động thay vì làm chủ nó.[11]

5. Sau cùng, với Thông điệp Laborem exercens (1981), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn tổng hợp và đào sâu tất cả giáo huấn của Giáo Hội về lao động. Cách riêng, ngài nhấn mạnh đến một vài nấc thang giá trị cần phải tôn trọng, tỉ như: con người có giá trị hơn là lao động;[12] nhân vị có giá trị hơn là sự vật, và lao động có giá trị hơn là tư bản;[13] mục tiêu phổ quát của tài sản thì đứng trên quyền chiếm hữu chúng;[14] phẩm giá con người ở trên của cải.[15] Những nguyên tắc ấy dần dần càng ngày càng nổi bật hơn trong Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội trải qua những biến chuyển hoàn cảnh xã hội. Thông điệp Centesimus Annus cũng đã nói rõ điều đó.[16] Trước đây, yếu tố quan trọng của sự sản xuất là đất đai, kế đó là tư bản, nhưng ngày nay yếu tố tất định chính là con người, nhờ tài năng tổ chức của mình…. Ngoài ra, trước đây người ta đặt nặng quyền sở hữu tài sản vật chất, nhưng ngày nay còn có thứ tài sản khác quan trọng hơn nhiều, đó là kiến thức khoa học, kỹ thuật nghĩa là chính khả năng của con người chứ không phải là nguồn lợi vật chất. Chính vì thế, cần phải chú trọng đến con người như chủ thể của hoạt động kinh tế.

II. Vài nguyên tắc của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội về lao động

Lao động là gì? Đã có nhiều triết gia hay luật gia cố gắng tìm cách định nghĩa nó. Có người chỉ coi công việc chân tay nặng nhọc mới là lao động; có người cho rằng chỉ có người đi làm công cho người khác mới là lao động; có người chỉ coi là lao động khi sản xuất được cái gì hữu ích. Các văn kiện xã hội của Giáo Hội không tìm cách định nghĩa lao động theo tiêu chuẩn triết lý hay pháp luật, nhưng hiểu lao động theo nghĩa rất rộng, bao gồm tất cả các hoạt động của con người: Lao động chân tay cũng như lao động trí óc (thí dụ: thảo kế hoạch, điều hành),[17] từ những nông dân, thợ mỏ thợ nề cho đến các nhà khoa học, bác sĩ, y tá và không quên các bà nội trợ.[18] Nhưng nhất là các văn kiện vạch ra giá trị của Lao động cũng như những yếu sách của nó:

1/. Lao động kiện toàn con người, vì nhờ Lao động mà con người phát triển tài năng của mình.[19]

2/. Lao động cấp dưỡng cho gia đình.[20]

3/. Lao động xây dựng xã hội.[21]

4/. Lao động chinh phục vũ trụ, ghi dấu bàn tay con người trên vũ trụ.[22]

Tưởng cũng nên biết, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một vị Giáo Hoàng đầu tiên đã có kinh nghiệm trực tiếp với xã hội chủ nghĩa, đã dám đối chiếu quan niệm về lao động của Kitô giáo với quan niệm của Marx. Marx nói tới ba khía cạnh của Lao động:

a/. Khía cạnh chủ thể, xét như là hoạt động của con người;

b/. Khía cạnh khách thể, nghĩa là đối thể hoạt động;

c/. Khía cạnh công cụ, nghĩa là phương tiện dùng để hoạt động.

Trong Thông điệp Laborem exercens, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chỉ phân biệt có hai khía cạnh: chủ thể và khách thể; khía cạnh thứ ba của Marx được gộp vào trong khía cạnh khách thể.

Lao động nhìn dưới khía cạnh chủ thể [23] là chính con người, chủ thể của lao động. Chỉ có con người, chủ thể tự do, mới biết làm việc; chứ động vật hay máy móc không biết làm việc. Lao động dưới khía cạnh khách thể là những tài sản, cơ sở, dụng cụ, phương tiện, công cuộc,… dùng vào sự làm việc hoặc là kết quả của nó.[24] Trong hệ trật các giá trị, cần phải xếp Lao động chủ thể lên trên Lao động khách thể,[25] tài năng của con người đứng trên công cụ vật chất; con người chế ra công cụ chứ không phải ngược lại.

Ngoài ra cũng cần nên thêm linh đạo về lao động. Lao động là một phương thế cộng tác với Đấng Tạo Hóa.[26] Lao động là một phương thế hoạ lại cuộc đời lao công của Đức Kitô,[27] cách riêng qua việc hy sinh đau khổ để cứu độ.[28] Lao động là phương thế cộng tác với Chúa Thánh Thần trong công tác thánh hóa và canh tân vũ trụ.[29]

III. Quyền lợi và bổn phận làm việc

1. Quyền làm việc

Ngày nay, hầu hết các bản Hiến pháp và Tuyên ngôn quốc tế đều nhìn nhận quyền làm việc. Đây là một quyền lợi mới được nhìn nhận trong thế kỷ XX khi nạn thất nghiệp bành trướng trong các nước kỹ nghệ. Các văn kiện của Giáo Hội đòi hỏi quyền này kể từ năm 1941.[30] Tuy nhiên, trên thực tế, trong các nền pháp chế hiện hành có ba lối giải thích quyền làm việc.

a/. Theo hiến pháp Liên xô 1977 dưới chế độ Lênin, quyền làm việc có nghĩa là quyền được Quốc gia bảo đảm cho một chỗ làm việc; do đó người công nhân không thể bị sa thải dù từng cá nhân hay là cả tập thể. Ngày nay, ít ai hiểu quyền làm việc theo nghĩa này, bởi vì nó sẽ tiêu diệt sáng kiến cá nhân cũng như khiến các cơ cấu kinh tế trở thành cứng nhắc.

b/. Một số nước Tây phương hiểu quyền làm việc là quyền được hưởng một mức lương tối thiểu để sinh sống nhờ công việc làm. Nhà nước sẽ đứng ra bảo đảm cho các công nhân mức lương ấy.

c/. Trước nạn thất nghiệp càng ngày càng lan rộng, nhiều quốc gia nhấn mạnh đến phương tiện sinh sống. Theo đó, dù người công nhân kiếm được việc làm hay không, họ cũng cần có tiền để sống. Nhà nước phải liệu cấp dưỡng món tiền tối thiểu ấy.

Dù cắt nghĩa thế nào về quyền làm việc dưới khía cạnh pháp lý đi nữa, quyền làm việc còn mang theo một chuỗi những quyền lợi khác được Thông điệp Laborem Exercens quảng diễn: quyền được đồng lương tương xứng,[31] quyền được làm việc trong điều kiện xứng với nhân phẩm (thí dụ: ngoài việc bảo đảm khung cảnh vệ sinh, cần làm sao để con người cảm thấy làm việc có ý thức chứ không như cái máy);[32] quyền được tham gia vào việc quản trị xí nghiệp;[33] quyền lập nghiệp đoàn;[34] quyền di cư. Ngoài ra, quyền làm việc cũng cần phải nhìn nhận cho các bà nội trợ, các người tàn tật. Tại những nước Âu châu, vấn đề nghiệp đoàn cũng kéo theo vấn đề đình công, sự tham gia của các người Kitô giáo vào những nghiệp đoàn với những màu sắc chính trị khác nhau. Quyền làm việc thường cũng đi đôi với quyền nghỉ ngơi, quyền cấp dưỡng an ninh xã hội, hưu bổng,.v.v…

2. Bổn phận làm việc[35]

Bổn phận làm việc là một điều được các văn kiện xã hội nói tới ngay từ đầu,[36] dựa theo Kinh Thánh (x. 1Tx 4,10-11; Ep 4,27-28) và truyền thống Giáo Hội. Sự làm việc là một phương tiện để kiếm ăn nuôi sống cho mình và cho gia đình, phát triển các tài năng của mình, tránh cảnh nhàn cư, đóng góp vào việc kiến thiết xã hội. Tuy nhiên, khi diễn đạt ra pháp lý, người ta thấy luật pháp của các quốc gia lúng túng khi muốn chế tài nghĩa vụ làm việc. Chỉ có các nước độc tài mới dám đề ra sự lao động cưỡng bách.

Nên biết là nghĩa vụ làm việc thì khác với nghĩa vụ của công nhân. Nghĩa vụ của công nhân phát sinh từ hợp đồng mà người thợ đã ký kết với cá nhân hay xí nghiệp. Từ hợp đồng đó nảy ra những quyền lợi và nghĩa vụ luân lý và pháp lý mà đôi bên phải thi hành theo như đã cam kết.

C. GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH VỀ QUYỀN TƯ HỮU

Quyền tư hữu, một vấn đề gai góc của những vấn đề xã hội, nguồn gốc của sự phân chia thế giới thành hai khối ý thức hệ tư bản và cộng sản. Vấn đề quyền tư hữu liên can tới rất nhiều vấn đề kinh tế khác như lao động, thị trường, xí nghiệp. Chúng tôi chỉ xin trình bày đại cương sự tiến triển của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội về tư hữu và một vài hệ luận luân lý.

I. Sự tiến triển của Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội về tư hữu

Những suy luận về tư hữu đã bắt đầu từ xa xưa: chúng ta đã thấy những quan điểm về tư hữu trong Kinh Thánh và các Giáo phụ, cũng như trong các cổ luật Rôma và Germanic. Thánh Tôma Aquinô đã tổng hợp quan điểm thần học Kitô giáo về tư hữu ở sách Tổng luận Thần học.[37] Theo luật tự nhiên, hết các tài sản được dành cho cả nhân loại; nhưng luật thực tại có thể trao cho tư nhân được quản trị và sử dụng chúng. Thánh Tôma Aquinô cho thấy rằng, khi tài sản nào được trao cho tư nhân quản trị, thì họ coi sóc kỹ lưỡng hơn; mặt khác, sự quản trị tư sản là cơ hội để con người bộc lộ tài năng tự do của mình, và cũng là cần thiết cho sự ổn định tương giao xã hội. Tuy những lạm dụng tư hữu thời nào cũng có, và những đòi hỏi phân phát đồng đều tài sản cho mọi người không thiếu trong lịch sử, nhưng những cải cách quan trọng nảy sinh vào từ cuối thế kỷ XIX, với cuộc cách mạng kỹ nghệ với hố phân chia hai giai cấp tư bản và vô sản. Như chúng ta đã biết chủ nghĩa cộng sản chủ trương xóa bỏ quyền tư hữu, chuyển quyền sở hữu sang tay tập thể. Chính quan điểm đối lập về quyền tư hữu đã phát sinh hai chủ nghĩa tư bản và cộng sản. Dù sao, chúng ta cũng đừng quên rằng, trong vòng 100 năm qua, cả hai chủ nghĩa đều có sự tiến triển; và Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội cũng tiến triển. Chúng ta hãy lượt qua những giai đoạn chính.

1. Thông điệp Rerum Novarum bênh vực quyền tư hữu như là một quyền lợi tự nhiên của con người. Lao động là nguồn gốc của tư hữu trên những tài sản hưởng dụng cũng như trên những tài sản bền vững, nhờ đó con người có phương tiện bảo đảm cho tương lai bản thân cũng như của gia đình. Hậu nhiên, sự truất hữu quyền tư hữu là một điều bất công.[38] Cũng nên biết, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII bênh vực tư hữu như một quyền lợi tự nhiên của con người, chứ không đả động tới chế độ tư bản hay sự phân phối chênh lệch các tài nguyên.

2. Đức Giáo Hoàng Piô XI trong Thông điệp Quadragesimo Anno mở rộng ra đến các chiều kích khác nhau của tư hữu.[39] Tất cả các tài sản đã được Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại; do đó cần phải thiết lập một trật tự thế nào để đạt được mục tiêu đó. Mối liên hệ giữa con người với tài sản vừa có chức phận tư nhân vừa có chức phận xã hội. Vai trò của chính quyền là phải dung hợp hai chức phận đó để không rơi vào chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể. Thông điệp mở cửa cho quan điểm “công bằng xã hội” (justitia socialis) cũng như việc quốc hữu hóa vài thứ tài sản.

3. Trong những Sứ điệp truyền thanh, Đức Giáo Hoàng Piô XII vẫn tiếp tục bảo vệ quyền tư hữu như cái gì thuộc về phẩm giá và tự do của con người, cũng như là điều kiện bảo đảm cho gia đình. Tuy nhiên, quyền đó không có tính cách tuyệt đối. Dù sao, xem ra Đức Giáo Hoàng Piô XII chỉ nhìn thấy quyền tư hữu của các cá nhân, nhưng chưa nhận ra vấn đề tư hữu của các công ty tư bản với khối lợi tức tính lũy kếch sù.

4. Chiều kích mới của vấn đề tư hữu được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII chỉ ra trong Thông điệp Mater et Magistra,[40] mở đường cho Công Đồng Vatican II; thí dụ như: chế độ an ninh xã hội được du nhập ở nhiều quốc gia; sự phân biệt giữa những nhà tư bản (cổ phần) và những cơ quan quyết định, hoặc giữa những chủ nhân và các chuyên gia trong các công ty. Nói khác đi, tư sản không chỉ hoàn toàn gắn liền với nhân phẩm mà còn kéo theo nhiều yếu tố khác nữa.

5. Sau Công Đồng Vatican II, với Thông điệp Populorum Progressio, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI mở rộng nhãn giới hơn nữa trước sự chênh lệch giữa các dân tộc. Tư hữu không phải là cái gì cứng nhắc gắn liền với nhân phẩm, nhưng cần phải được lồng trong mục tiêu phổ quát của các tài sản được dành cho toàn thể nhân loại.

6. Từ khi chế độ cộng sản sụp đổ, nhân loại đứng trước một nguy cơ mới: tất cả dành cho nền kinh tế thị trường. Xem ra giá trị tối cao là tư bản, và con người lẫn lao động đều phải hy sinh cho thị trường. Thông điệp Centesimus Annus đã báo động nguy cơ đó.

Như thế, trải qua những biến chuyển xã hội trong một thế kỷ vừa qua, Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội về tư hữu cũng tiến triển với sự bổ túc của những chiều kích khác nhau của tư hữu. Chúng ta có thể tóm lại như sau:

II. Những chiều kích của tư hữu

Ta có thể nói tới hai chiều kích chính: chiều kích nhân bản và chiều kích xã hội.

1. Xét theo chiều kích nhân bản, tư hữu là một quyền lợi của con người

Chính nhờ quyền tư hữu mà con người phát triển phẩm giá của mình như là chủ thể tự do, chiếm giữ và sử dụng các đồ vật và tài sản.[41] Từ đó, ta thấy rằng, nhân phẩm của con người bị thương tổn khi thiếu thốn những của cải tối thiểu nhất để sinh sống. Tuy nhiên, nhân phẩm của con người cũng bị thương tổn không kém khi con người chỉ biết chạy theo tài sản, tích lũy chúng, trở thành nô lệ cho chúng.[42]

2. Chiều kích xã hội của tư hữu

Khi mới ra đời, Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội đã bênh vực quyền tư hữu như là một quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm để đối lại với chủ thuyết cộng sản phế bỏ quyền này. Nhưng dần dần, với sự tiến triển của thời gian và của các khoa xã hội học, đạo lý về quyền tư hữu đã được bổ túc với chiều kích xã hội. Thông điệp Quadragesimo Anno,[43] Mater et Magistra [44] đã ghi nhận điểm đó, và được Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” phát biểu như sau: “Thiên Chúa đã dành trái đất và tất cả các tài nguyên của nó cho hết mọi người và mọi dân sử dụng. Vì thế, các tài nguyên Chúa tạo dựng cần phải đến tay mọi người dưới sự hướng dẫn của công bằng và sự tháp tùng của bác ái. Dù các hình thức tư hữu có thế nào đi chăng nữa tùy theo sự thích ứng của những thể chế hợp pháp của các dân tộc vào những hoàn cảnh thay đổi, nhưng không bao giờ được làm mất đi việc dành các tài sản cho hết mọi người”.[45] Thông điệp Centesimus Annus cũng lặp lại điều này.[46]

Chính vì chiếu theo chiều kích xã hội của tài sản nên Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội cho phép sự truất hữu trong một vài trường hợp; thí dụ như những khu đất đai không cày cấy trồng trọt hoặc những tài sản làm ngăn trở cho sự thịnh vượng chung.[47] Dĩ nhiên, sự truất hữu (hay sung công) cũng phải tuân theo những quy tắc luân lý; thí dụ như phải nhằm tới lợi ích quốc gia chứ không phải chỉ để thủ lợi cho một thiểu số nào. Mặt khác, nếu trong quá khứ đã có lúc người ta chỉ biết hai giải pháp cực đoan giữa tư sản và sung công, nhưng ngày nay người ta thấy còn có nhiều giải pháp giữa hai thái cực ấy, nhất là một khi hai khái niệm Nhà nước và Xã hội không còn gắn liền với nhau.[48]

III. Những khía cạnh mới của tư hữu

Trong những xã hội cổ truyền, vấn đề tư hữu chỉ giới hạn tới mảnh vườn, cái nhà, cái cày cái cuốc với cặp trâu bò. Nhưng trong những xã hội tân tiến kỹ nghệ hiện nay, quan niệm về tư hữu được nới rộng rất nhiều.

1. Sở hữu chủ của tài sản không nhất thiết là một cá nhân. Trong các nền kinh tế tư bản hiện nay, chủ nhân của những công ty xí nghiệp lớn là có thể là những nhóm tài phiệt nhưng cũng có thể là những nhóm cổ phần trong đó kể cả các công nhân cũng đóng góp.

2. Vấn đề giàu nghèo càng ngày càng mang tính chất quốc tế, đến nỗi thế giới chia thành hai khối Bắc (giàu) và Nam (nghèo), với những nhịp độ sản xuất khác nhau. Các nước nghèo sản xuất không đủ để trả tiền lãi chứ chưa nói tới chi việc hoàn lại vốn.

3. Bên cạnh khối tài sản vật chất, ngày nay người ta nói tới tư sản tinh thần (thí dụ chất xám): chính những đầu óc chuyên gia nhờ kiến thức hiểu biết và tài quán xuyến của họ, với những dự án và kế hoạch của họ, có thể ảnh hưởng đến cả chính sách kinh tế và phát triển của một quốc gia hay của toàn thể nhân loại.

4. Từ đó, các kế hoạch kinh tế không phải chỉ nhằm tăng gia những tài sản và dịch vụ vật chất, nhưng còn phải nhắm tới việc khuếch trương những tài sản tinh thần, tóm lại trong tiếng “văn hóa”.

5. Vấn đề phân phối đồng đều các tài nguyên trên thế giới cũng áp dụng vào các tài sản tinh thần. Vì vậy nó cũng bao gồm việc tạo điều kiện để các dân tộc nghèo cũng được chia sẻ vào những kho tàng kiến thức và kỹ thuật của nhân loại. Mặt khác, không thiếu những nước tuy nghèo về vật chất nhưng có một gia sản văn hóa tinh thần rất phong phú, và họ cần phải giữ gìn cũng như phát triển. Chính nhờ sự phát triển những giá trị tinh thần ấy họ sẽ không bị tha hóa khi chạy theo những tài sản vật chất và trở thành nô lệ của chúng.

Bên cạnh những nguyên tắc luân lý về tư hữu với những áp dụng vào trường hợp khác nhau. Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội không quên nhắc nhở sự cần thiết phải hoán cải nội tâm như là điều kiện để thực hiện công bằng. Thêm vào danh sách của các nhân đức cổ truyền,[49] đã thêm một nhân đức mới: nhân đức liên đới (vertu de solidarité), lấy từ Thông điệp Sollicitudo rei socialis.[50]

 

 

 


[1] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, các số 2426-2436.

[2]Ibid., số 2429.

[3]Ibid., số 1883.

[4]Ibid., số 1939-1942.

[5]Ibid., số 2402-2406.

[6]Ibid., số 2426.

[7]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), số 64.

[8]Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc), Ngày 26-03-1967, số 53.

[9]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu độ), Ngày 04-03-1979, số 58-59.

[10]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), 1965, số 33-39.

[11]Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (Phát triển các dân tộc), Ngày 26-03-1967, số 27-28.

[12]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem exercens (Lao động của con người), Ngày 14-09-1981, số 6.

[13]Ibid., số 12.

[14]Ibid., số 14.

[15]Ibid., số 20.

[16]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (Bách chu niên), Ngày 01-05-1991, số 32.

[17]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem exercens (Lao động của con người), Ngày 14-09-1981, số 14.

[18]Ibid., số 9.

[19]Ibid., số 9d; 20.

[20]Ibid., số 10 a.b.

[21]Ibid., số 8-10c; Thông điệp Centesimus Annus (Bách chu niên), Ngày 01-05-1991, số 31-32.

[22]Ibid., số 4; Ibid., số 31

[23]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (Lao động của con người), Ngày 14-09-1981, số 6.

[24]Ibid., số 5.

[25]Ibid., số 6.7.8.9.10.13.18.24…

[26]Ibid., số 25.

[27]Ibid., số 26.

[28]Ibid., số 27.

[29]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), 1965, số 39; Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (Lao động của con người), Ngày 14-09-1981, số 27.

[30]Đức Giáo Hoàng Piô XII, kỷ niệm 50 năm thông điệp Rerum Novarum; Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình trên thế giới), Ngày 11-04-1963, số 18; Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens (Bát thập niên), Ngày 14-05-1971, số 14.

[31]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), 1965, số 67; Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (Lao động của con người), Ngày 14-09-1981, số 19.

[32]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (Lao động của con người), Ngày 14-09-1981, số 15; Thông điệp Centesimus Annus (Bách chu niên), Ngày 01-05-1991, số 35,39,41.

[33]Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (Hiền mẫu và Tôn sư), Ngày 15-05-1961, số 91; Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), 1965, số 68; Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (Lao động của con người), Ngày 14-09-1981, số 14.

[34]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (Lao động của con người), Ngày 14-09-1981, số 20; Thông điệp Centesimus Annus (Bách chu niên), Ngày 01-05-1991, số 15.

[35]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, các số 2427-2436.

[36]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (Lao động của con người), Ngày 14-09-1981, số 16b.

[37]Thánh Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học II-II, q.66, a.2

[38]Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự), Ngày 15-05-1891, số 4-9.

[39]Đức Giáo Hoàng Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno (Tứ thập niên), Ngày 15-05-1931, số 46. 48. 49.

[40]Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (Hiền mẫu và Tôn sư), Ngày 15-05-1961, số 104-106.

[41]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (Bách chu niên), Ngày 01-05-1991, số 43.

[42]Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình trên thế giới), Ngày 11-04-1963, số 19; Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến vấn đề xã hội), Ngày 30-12-1987, số 28; Thông điệp Centesimus Annus (Bách chu niên), Ngày 01-05-1991, số 41.

[43] Đức Giáo Hoàng Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno (Tứ thập niên), Ngày 15-05-1931, số 46.

[44]Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra (Hiền mẫu và Tôn sư), Ngày 15-05-1961, số 19.

[45]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), 1965, số 69.

[46]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (Bách chu niên), Ngày 01-05-1991, số 31.

[47]Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình trên thế giới), Ngày 11-04-1963, số 24.

[48]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, các số 2402-2406.

[49]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, các số 1939-1942.

[50]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến vấn đề xã hội), Ngày 30-12-1987, số 40.