Fr. Joseph Nguyễn Hiển, OP.
Phụng vụ những ngày lễ về Đức Trinh Nữ Maria, Đấng cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa đã xuất hiện từ những buổi đầu của phụng vụ trong cả Giáo hội Đông lẫn Tây phương với lòng tôn kính đặc biệt[1]. Những ngày lễ này được phát triển theo thời gian bởi lòng tôn kính của các tín hữu với Đấng Alma Redemptoris Mater, vốn được đầy ơn sủng trước mặt Thiên Chúa (salutifera Virgo). Các lễ về Đấng đầy ơn sủng trải dài trong tất cả năm phụng vụ. Những kinh nguyện (kinh cầu) về Đức Maria đã không ngừng phát triển do lòng tôn kính của tín hữu[2]. Sách lễ Roma đã có một phần riêng về Đức Trinh Nữ, bên cạnh những lễ đặc biệt được cử hành trong năm phụng vụ. Trong nghi thức phụng vụ các thánh, Đức Nữ Trinh luôn được đặt một vị trí cao trọng hơn tất cả.
Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu hình ảnh Đức Maria Trinh Nữ trong phụng vụ Mùa Vọng.
I.- SỰ CHỜ ĐỢI CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA
Giáo hội không ước mong gì hơn là thiết lập cách cố định trong năm phụng vụ về sự thống trị của Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng hoả ngục và sự chết. Chính vì thế, vào đầu của mỗi năm phụng vụ, trong thời gian Mùa Vọng, Giáo hội lo lắng hướng tâm hồn con cái mình về ngày trở lại trong vinh quang của Đấng Cứu Độ, và ước mong điều ấy được thực hiện. Tuy nhiên, Mùa Vọng thúc đẩy chúng ta cử hành một cách sốt sáng những biến cố quan trọng trải dài trong năm phụng vụ và lễ đầu tiên mà chúng ta kể đến đó là Giáng Sinh.
Vì vai trò đặc biệt của Đức Marie Nữ Trinh trong biến cố mầu nhiệm này, Giáo hội đã làm nổi bật vai trò này của Đức Maria trong phụng vụ Mùa Vọng[3]. Qủa thật, Đức Maria giữ biểu tượng không thể tách rời với Đấng Emmanuel, đến độ chúng ta có thể nói cách rõ ràng rằng, Đức Maria là một hiện thân của Mùa Vọng. Có lẽ thật khó khăn để hình dung về những gì là sự chờ đợi của Đức Maria, nhất là khi mà người đã mang trong cung lòng mình người Con mà người phải sinh ra cho thế giới, để trở nên Đấng Cứu Độ. Vậy, ai ở giữa những tạo vật đã chẳng đợi chờ, ước muốn và chuẩn bị cho sự trở lại của Đấng Cứu Độ như mẹ của Đấng Cứu Độ? Điều rõ ràng là, ai có nhiều phẩm chất hơn Đức Maria để giới thiệu chúng ta trong mầu nhiệm của Noël, và giúp chúng ta có khả năng để cử hành với tất cả niềm vui một lễ, được coi như một trong lễ quan trọng nhất trong các lễ của Giáo hội?
Thông thường, Mùa Vọng được khai mở ở đền thờ Đức Maria, còn gọi là Đền thờ Đức Bà cả (Sainte-Marie Majeure) của thành phố Roma. Tại nơi đây sẽ cử hành thánh lễ đại triều vào ngày Chuá nhật thứ nhất dưới sự chủ tọa của Đức Giáo hoàng. Trong lễ khai mạc, Giáo hội đặt tất cả các tín hữu dưới sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria. Vào cuối những giờ kinh nguyện, Giáo hội kêu tên người như “Mẹ rất kính của Đấng Cứu Độ”, Alma Redemptoris Mater, và xin người giúp nâng đỡ dân của mẹ: succurre cadenti surgere qui curat populo. Rất nhiều người đã bị tác động bởi lời cầu nguyện phụng vụ, những lời đối đáp mà Giáo hội dành để vinh ca Đức Nữ Trinh từ đầu Mùa Vọng cho đến lễ Giáng Sinh[4].
Phần lớn những lời nguyện này được soạn một cách kỹ càng và biểu tỏ lòng tôn kính cao nhất. Một số trích đoạn được giành cho biến cố truyền tin, một biến cố đặc biệt trong lịch sử con người. Điều này được diễn tả bởi vì nó bày tỏ sự tự do của Đức Trinh Nữ, Đấng đón nhận thông điệp của Sứ Thần và sự thụ thai trong sự trinh nguyện vẹn tuyền được thực hiện sau đó. Một Eva mới điều khiển một cách nào đó tất cả mầu nhiệm cứu độ của chúng ta và làm cho phát triển luôn mãi. Chính vì vậy, lời đối đáp suscipe verbum trở thành lời đối đáp tuyệt vời mà chúng ta tin rằng loài người đã dùng để cầu xin Đức Trinh Nữ đón nhận cách nhanh chóng thông điệp của Sứ Thần.
“Hãy đón nhận, lạy Mẹ Maria, thông điệp mà Sứ Thần của Thiên Chúa truyền cho mẹ: mẹ sẽ mang thai và sinh hạ trong cùng một lúc : một Thiên Chúa và một con người, và nhờ đó mẹ được công bố là được chúc lành giữa mọi người nữ. Mẹ sẽ sinh một con trai, nhưng không làm giảm hại sự trinh nguyên vẹn tuyền của mẹ; mẹ sẽ mang thai, nhưng vẫn là một người mẹ luôn luôn tinh tuyền”[5].
Tất cả vạn vật ở đây hướng mắt về Đức Trinh Nữ: đang đợi chờ, hối thúc người thưa hai tiếng “Xin Vâng”-Fiat. Lời xin vâng này sẽ trở thành nguồn niềm vui vô tận cho tất cả thọ tạo. Trong một lời đối đáp khác, Giáo hội giới thiệu cho chúng ta Đức Maria như rơi vào tình trạng sợ hãi, bối rối[6] bởi sự chiếu sang rạng ngời từ trên cao mà do thông điệp của Thiên Chúa gởi đến : et expavescit Virgo de lumine. Kế đến, lấy lại lời của Sứ Thần, Giáo hội đến lượt của mình dường như muốn bảo đảm với Đức Maria Nazareth rằng : “Lạy Mẹ, xin đừng sợ, mẹ đã tìm được ân huệ bên Thiên Chúa : này đây, mẹ sẽ mang thai và sinh hạ Đấng sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”[7].
II.- TIẾN GẦN LỄ GIÁNG SINH
Giống như Giáo hội tại Tây Ban Nha và Italia[8], Giáo hội Roma, trước lễ Giáng sinh, không quên làm nổi bật mầu nhiệm của việc thu thai trinh nguyên. Nhưng Giáo hội đã đề cập bằng một cách thức rất đơn giản và kín đáo, đó là vào ngày thứ tư của Bốn Mùa[9], ngày lễ thường nhật và rất phổ biến ngày xưa : Missus est[10]. Trong đó, trong bài đọc của ngày hôm đó, chúng ta nghe những lời công bố nổi tiếng của ngôn sứ Isaia về một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ người con[11], bài Tin mừng của thánh lễ nói đến việc Thiên Chúa thực hiện việc diệu kỳ này[12].
Giáo hội khẳng định cách rõ ràng rằng, Đức Trinh Nữ Maria, vì sự tươi đẹp không tỳ vết và sự trinh trong vẹn tuyền đã là tạo vật duy nhất ở dưới thế gian này có thể đón nhận Con của Thiên Chúa, và sinh hạ ra cho thế giới này một Đấng Emmanuel. Đó là lý do, tại sao phụng vụ Mùa Vọng và Noël thực hiện một cách thật sống động trong ánh sang của sự tinh tuyền của Đức Maria và giới thiệu người cho chúng ta về sự thánh thiện tròn đầy của mẹ.
Sau khi đã tưởng nhớ sự cưu mang thai nhi trong sự trinh nguyên của Đức Maria, Giáo hội cũng trong ngày thứ sáu của tuần lễ của tháng 12 cử hành một cách đơn sơ về biến cố đặc biệt liền đó trong công trình của ơn cứu độ chúng ta, đó là cuộc thăm viếng của Đức Trinh Nữ đến nhà người chị họ Elisabeth. Vừa tiếp nhận sự cưu mang hài nhi, được thực hiện bởi quyền năng của Thánh Thần, Đức Trinh Nữ đã được thúc đầy bởi đức ái của Đức Kitô để vội vã lên đường : cum festinatione, đến thăm người họ hang Elisabeth cũng đang mang thai một hài nhi Gioan Baotixita, nhờ đó, Đức Giêsu có thể gặp gỡ Gioan Baotixita. Qủa vâỵ, nhờ Đức Maria, Đức Giêsu đến với Gioan; nhờ Đức Maria, Đức Giêsu tác động trên Gioan và thánh hiến Gioan.
Chính trong khi nhận thức được sự ảnh hưởng đặc biệt của mầm giống trong cung lòng mình, Nữ Trinh đầy ơn sủng (salutifera Virgo), như cách gọi của thánh Léon[13], đã trao cho thế giới báu vật duy nhất bảo lãnh cho ơn cứu độ[14].
Cũng thế, khi xếp đặt hai sự kiện gần nhau (Truyền Tin và Thăm viếng) trong bầu khí của Mùa Vọng, hai biến cố này thuộc về chu kỳ lễ Noël, làm tăng một cách trực tiếp điều phấn khởi cho việc chuẩn bị ngày lễ. Nhờ sự hân hoan này, chúng ta cũng hiểu rõ hơn sự đối nghịch hiện diện giữa hai biến cố, biểu tỏ dưới hai khía cạnh của sự đợi chờ của Đức Trinh Nữ Maria.
Trong khi biến cố Truyền Tin được thực hiện và làm nổi bật sự khôn ngoan của Eva mới trong việc gìn giữ sự trinh nguyên, và sự vâng phục của Người. Trong một biến cố đầy ánh sáng, cuộc Thăm Viếng đặt lời cầu xin lòng cảm thương của Đức Trinh Nữ, sự vội vàng của đức ái của người để trao Đức Kitô cho chúng ta và cũng để phục vụ cho ơn cứu độ của chúng ta.
III.- LỄ TRUYỀN TIN NGÀY 25 THÁNG 3
Biến cố Truyền Tin cho Đức Trinh Nữ Maria được cử hành hai lần trong năm phụng vụ : Truyền Tin trong Mùa Vọng và lễ Truyền Tin vào ngày 25 tháng 3.
Lễ Truyền Tin vào ngày 25 tháng 3, có nguồn gốc ở Đông Phương, được cử hành cách trọng thể ở Roma vào nửa cuối thế kỷ thứ 7 (hoặc giữa thế kỷ 6-7) dưới danh hiệu : Annunciatio Domini[15]. Những trước tác đầu tiên về lễ này trong nghi chú trong sách lễ giáo triều (Liber Pontificalis) dưới thời Đức Giáo hoàng Sergius I (687-701), người gốc Sicile, văn hóa Hy lạp[16]. Thời Công đồng Vatican 2, tên gọi của ngày lễ được bày tỏ qua tước hiệu Annuntiatio beatae Mariae Virginis, xuất hiện vào năm 1969. Từ đó, tước hiệu này được dùng để nói về lễ Truyền Tin.
Truyền thống Giáo hội Đông Phương nghi thức byzantin mặc dù không chứng nhận bất kỳ một lễ nào về Đức Maria trong mùa chay ngoại trừ ngày thứ bảy, nhưng Công đồng “in Trullo” năm 692, điều 52 đã thực hiện một ngoại lệ về lễ Truyền Tin và xác định lễ này được cử hành ngay cả trong thời gian Tam nhật Thánh (Triduum pascal)[17].
Những bài đọc của ngày lễ và của kinh nguyện nhắm vào việc làm nổi bật mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa trong cung lòng Đức Trinh Nữ. Một câu trong thánh vịnh 39 Tunc dixi : ecce venio được trích dẫn trong phần nhập lễ và đối đáp trước khi bước qua bài đọc thứ hai làm nổi bật ý nghĩa của ngày lễ. Bài đọc giáo phụ trong giờ Kinh Sách trích thư của thánh Léon cả gởi cho Flavius, giáo chủ của Constantinople triển khai về thần học Nhập Thể mà Công đồng Chalcédoine đã quyết định như một tín điều[18].
KẾT LUẬN
Trong kinh nguyện Tiền tụng của ngày lễ chúng ta đọc rằng : “Cũng như Thiên Chúa đã không hủy bỏ lòng thương xót của Người đối với dân, và con người cũng không bị huỷ diệt bởi phẩm giá của nó. Trong khi suy niệm về Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, Giáo hội cử hành biến cố này đã không quên đến Đấng đã “tiếp nhận bằng niềm tin (Đấng trở nên người phàm), và đã cưu mang Đấng ấy với tất cả sự dịu dàng trong cung lòng tinh tuyền của mình”[19].
Viết theo:
Berlière (dom), « La messe d’or », Questions liturgiques et paroissiales, 1920, p. 210 ss.
Cabrol Fernand, Le livre de la prière antique, cinquième édition, Tours, Mame et Fils, 1919.
Chavase Antoine, Le sacramentaire Gélasien (Vaticanus Reginensis 316), Paris, Tournai, Desclée & C°, 1957
Daniélou J., « Les Quatre-Temps de Septembre et la Fête des Tabernacles », La Maison Dieu, 46/1956. tr. 114-136.
Flicoteaux E., (dom), Fêtes de gloire : Avent, Noël, Epiphanie, chương IV : « L’attente de la Vierge Mère », Paris, Cerf, coll. « L’esprit liturgique » 1, 1951.
Flicoteaux E., (dom), « Notre-Dame dans la liturgie de l’Avent », trong La vie Spirituelle, 12/1926, p. 286.
Flicoteaux E., (dom), Mystères et fêtes de la Vierge Marie, Paris, Cerf, coll. « L’esprit liturgique » 12, 1955.
Jounel Pierre, Le Culte des saints dans les basiliques du Latran et du Vatican au douzième siècle, Rome, Ecole française de Rome, 1977.
Lejay P., « Ambrosien (Rit) », trong Henri Leclercq, Fernand Cabrol, Dictionnaire d’archéologie chrétienne et de liturgie, t. 1, Paris, Letouzey et Ané, 1907, trang 1393
Martimort A.G. et alii, L’Eglise en prière, vol. 4 : La liturgie et le temps, novelle édition, Paris, Desclée, 1983.
Mercenier E. et Bainbridge Grégoire (dom), La prière des églises de rite byzantin, vol. II, 1er partie : Fêtes fixes, Chevetogne, coll. « Irénikon », 1965.
Morin G., L’Origine des Quatre-Temps, trong Revue bénédictine, 1987, tr. 337-346.
Vogel Cyrille, Introduction aux sources de l’histoire du culte chrétien au Moyen Age, Centro Italiano di studi sull’alto medioeve, Spoleto, 1966.