Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội Là Gì?

0
2594


Đ.V.

 

Chữ viết tắt

– HTXH: Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội

– GHXH: Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội

– GS: Hiến chế Gaudium et Spes

– GLCG: Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo

***

Có lẽ, cổ súy việc tìm hiểu và thực hành Giáo huấn Xã hội (GHXH) hay Học thuyết Xã hội Công giáo (HTXH) được nói nhiều lần dưới triều đại Giáo Hoàng của Đức Gioan – Phaolô II. Điều này xem ra có vẻ lạ thường và nghịch lý. Nhiều người nói: “Đâu cần lắm phải biết GHXH thì tôi mới là người “Công giáo tốt”, “Trước đây khi chưa có GHXH, xứ đạo tôi không vì thế mà không làm việc từ thiện, có lẽ còn làm nhiều nữa là khác. Tin Mừng đủ là kim chỉ nam cho người Công giáo rồi!”. Những câu nói này không có gì sai cả, nó phản ảnh một nhận thức về sứ mệnh của Giáo Hội từ khi Giáo Hội xuất hiện bên dòng lịch sử nhân loại, Giáo Hội là người dẫn dắt mọi người tìm chân lý bằng đời sống tâm linh và siêu nhiên, và Giáo Hội luôn nhấn mạnh con cái Chúa hoàn thiện giới luật yêu thương theo Tin Mừng.

Hơn hai ngàn năm Giáo Hội xuất hiện, không chỉ “bên dòng” lịch sử nhân loại mà Giáo Hội còn “song hành” với lịch sử nhân loại. Giáo Hội không đứng bên ngoài như một giám sát viên. Giáo Hội quan tâm và dấn thân với nhân loại để chia sẻ “vui mừng và hy vọng, buồn sầu và đau khổ con người cũng là vui mừng và hy vọng, buồn sầu và đau khổ của môn đệ Chúa Kitô” (GS,1)“Con người là con đường đầu tiên và con đường chính của Giáo Hội, con đường chính Chúa Kitô vạch ra, con đường mãi mãi phải xuyên qua mầu nhiệm Nhập thể và Cứu độ.” (Gioan-Phaolô II, Redemptor Hominis, 14).

Bạn sẽ không ngạc nhiên tại sao Giáo Hội tha thiết kêu mời mọi thành phần Dân Chúa và cả người thiện chí (Tóm lược HTXH, 12) đến với GHXH. Thực tế, Giáo Hội tìm cách làm sáng tỏ các sinh hoạt của con người trong Xã hội để hướng con người thực hiện mọi sinh hoạt trong cuộc sống phù hợp với Tin Mừng. Vì thế, “Giáo Hội phải làm cho tiếng nói của mình vang dội đến mọi người về “những điều mới mẻ” (resnovae) tiêu biểu của thời hiện đại, bởi vì Giáo Hội có nhiệm vụ mời gọi mọi người làm tất cả những gì có thể được, để hướng đến một nền văn minh đúng nghĩa, càng ngày càng nhắm tới sự phát triển toàn diện của con người trong tình liên đới.” (Lời Giới thiệu, TLHTXH, 3).

CÓ GÌ KHÁC BIỆT GIỮA GIÁO HUẤN XÃ HỘI VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI?

Trước khi trả lời thắc mắc GHXH là gì, chúng tôi thấy cần nói rõ hai thuật ngữ “Học thuyết Xã hội” (doctrine social)“Giáo huấn Xã hội” (enseignement social), cả hai được dùng một cách không phân biệt, cả hai đều chỉ cùng một thực tại. Huấn Quyền sử dụng cả hai xen kẽ trong những văn kiện long trọng cũng như thông thường. “Học thuyết” nhấn mạnh đến khía cạnh lý thuyết của vấn đề hơn, và “giáo huấn nhấn mạnh đến khía cạnh lịch sử và thực tiễn, nhưng không có sự khác biệt. Trong tác phẩm Dẫn Nhập Vào Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội, phần Mở Đầu, Lm. Phan Tấn Thành, OP. giải thích hai thuật ngữ này “Thực ra, theo tầm nguyên tiếng La-tinh. Doctrina bởi động từ docere: giảng dạy, dạy bảo; vì thế doctrina có thể hiểu là việc giảng dạy, hoặc điều giảng dạy (so sánh tiếng Anh: động từ to teach, teaching, hoặc tiếng Pháp enseigner, enseignement).

GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI LÀ GÌ?

Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội có một lịch sử lâu dài bắt đầu vào ngày lễ Hiện Xuống khi các Tông Đồ nhận được quà tặng của Chúa Thánh Thần, đi vìng quanh thế giới rao giảng Tin Mừng. Thuật ngữ GHXH mới có gần đây, điều này không có nghĩa các nguyên tắc của GHXH không được áp dụng trong thời các tông đồ. Ai đó nghĩ rằng GHXH hình thành từ thông điệp Xã hội nổi tiếng “Rerum Novarum” (Tân Sự) của Đức Leo XIII năm 1891, nghĩ như vậy là không đúng. Từ xa xưa, thời Cựu Ước, chúng ta tìm thấy những văn bản về GHXH, đặc biệt ở tiên tri Giêrêmia, ông mạnh mẽ chỉ trích những sai lầm của thời đại. Thời Tân Ước, qua việc làm và lời dạy của Chúa Giêsu, và có nhiều GHXH ở Tông Đồ Công Vụ cũng như Thư các Tông đồ. Lúc Giáo Hội chính thức hiện diện cùng nhân loại, các Giáo Phụ, đến lượt các ngài, nói và viết nhiều về đề tài Xã hội đều thấm nhuần tinh thần Phúc Âm như Thánh Basil (329 – 379), Thánh Gioan Kim Khẩu (344 – 407) đã nghiên cứu các vấn đề sử dụng của cải chung. Thánh Augustine (354 – 430) đưa ra các nguyên tắc chiến tranh chính đáng, vấn đề chiến tranh này gây nhiều tranh cãi và sau này vẫn còn là vấn đề được nhiều nhà Thần học lớn quan tâm. Thánh Thomas Aquinas (1225 – 1274) viết một tiểu luận về chính trị cho vị vua tương lai của đảo Chypre.

Thời Phục hưng, nổi bật nhất là vị tu sĩ Dòng Đaminh, Francisco Vitoria (1492 – 1546), nhà Thần học và Luật học nổi tiếng này đã lên tiếng một cách đặc biệt, nói đến quyền của dân bản địa châu Mỹ và những lập luận của ông là nguồn gốc của luật pháp quốc tế.

Rồi những thế kỷ về sau nhiều cá nhân, tập thể dấn thân đem tinh thần Phúc Âm vào môi trường Xã hội, đáng ghi nhớ như: Jacques-Bénigne Bossuet (1627 –1704), Giám mục người Pháp, nhà Thần học và nhà giảng thuyết thời danh; Thánh Vicent de Paul (1581 – 1660) vị Tông đồ của lòng bác ái;… Và một vấn đề Xã hội khác được Huấn Quyền quan tâm: Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV (1675 – 1758), qua Thông điệp “Vix pervenit” (1745) đã lên án việc cho vay nặng lãi.

Thế kỷ XIX, XX, năm 1832, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI trong Thông điệp “Mirari Vos”, lên án chủ nghĩa “Duy Tự Do”. Trong năm 1864, trong lúc ở Pháp khôi phục quyền đình công, thì ở London, Kark Marx (1818 – 1883) thành lập Quốc tế cộng sản đầu tiên, ở Roma Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố Thông điệp “Quanta cura” (1864) kết án chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa tự do. Năm 1878, một năm sau khi Karl Marx phát hành cuốn sách phê bình kinh tế chính trị của tư bản bằng tiếng Đức – Das Kapital. Kritik der politischen konomie (Le Capital. Critique de l’économie politique), Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã lên án chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Xã hội trong Thông điệp “Quod Apostolici”. Cuối cùng, vào năm 1891, Đức Lêô XIII ban hành Thông điệp “Rerum Novarum”, một thông điệp xem xét xã hội đương thời dưới nhiều góc cạnh và đưa ra nhiều giải pháp hợp với đạo lý, đặc biệt với giới lao động. Ngoài những phản bác những sai lầm của chủ nghĩa xã hội và tư bản tự do, Đức Lêô XIII đặt nền tảng cho một xã hội dựa trên công bằng xã hội và thúc đẩy một “trật tự xã hội Kitô giáo” trong đó các cơ quan trung gian nên đóng vai trò bổ trợ, khẳng định quyền tư hữu, bảo vệ gia đình và cộng đồng vì những tương quan xã hội,…

Thông điệp “Rerum Novarum” là tiếng nói chính thức của Giáo Hội kêu gọi người kitô hữu dấn thân vào việc xã hội, góp phần kiện toàn những suy tư dài lâu của nhiều cá nhân, tập thể về quan điểm xã hội Kitô giáo. Thông điệp này được xem là đầu nguồn của GHXH. Kể từ đó cho đến hôm nay, Huấn Quyền không ngớt cập nhật những vấn đề xã hội để lên tiếng. Thật vậy, Giáo Hội với sứ mệnh của mình, có quyền và nghĩa vụ can thiệp vào các vấn đề xã hội khi có nhu cầu. Có ba lý do sau:

1. Thiên Chúa muốn cứu độ, Giáo Hội phải công bố sứ điệp cứu độ này cho tất cả các dân tộc.

2. Giáo Hội, thông qua sứ mạng của mình, là “Mẹ và nhà giáo dục lương tâm con người”; do đó, Giáo Hội phải hướng dẫn tất cả mọi người sống theo những gì xét thấy phù hợp với Tin Mừng, và những gì trái ngược với Tin Mừng.

3. Giáo Hội phải xem sự hiệp nhất và bác ái là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Vì vậy, Giáo Hội phải tố cáo bạo lực, bảo vệ đức tin, luân lý và phẩm giá con người, chính bởi vì “Tình yêu này thúc đẩy sự hoạt động tích cực để tất cả những ai thành thật coi trọng ích lợi của con người đều muốn góp phần của mình” (HTXH, 6).

Vì vậy, Giáo Hội luôn tự nhận biết quyền can thiệp này ở lĩnh vực trần thế, tùy theo nhiều cách khác nhau theo các tình huống lịch sử. Nếu Giáo Hội thừa nhận quyền xem xét lĩnh vực trần thế, điều này không phải Giáo Hội củng cố quyền lực, nhưng để soi sáng, hướng dẫn con người chu toàn nghĩa vụ của mình, thậm chí một cách cụ thể bằng những việc từ thiện, và điều này được thực hiện vì lý do chức vụ cũng như thẩm quyền của Giáo Hội. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo (GLCG) nhắc nhở chúng ta rằng: “Trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, Giáo Hội chỉ đưa ra một phán đoán luân lý ‘khi các quyền căn bản của con người hoặc phần rỗi các linh hồn đòi hỏi’” (x. GS 76,5). Về mặt luân lý, Giáo Hội có sứ mạng khác với chính quyền: Giáo Hội quan tâm đến các khía cạnh trần thế của công ích, vì chúng qui hướng về Sự Thiện tối thượng, là cứu cánh tối hậu của chúng ta. Giáo Hội cố gắng phổ biến những lập trường đúng đắn đối với của cải trần thế và với các quan hệ kinh tế xã hội (GLCG, 2420).

Đến đây, chúng ta đã thấy thẩm quyền của Giáo Hội trong các vấn đề xã hội; có thể định nghĩa thẩm quyền đó bằng cách nói rằng: Giáo huấn hay Học thuyết xã hội của Giáo Hội là một tập hợp các chân lý đạo đức và tôn giáo, một tập hợp các nguyên tắc và tập hợp các giá trị, một hệ thống các giá trị được tin tưởng, tôn trọng, bảo vệ, yêu thương và thực hiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Những giá trị này là yếu tố cơ bản của con người đã được Thiên Chúa dựng nên, theo hình ảnh và hoàn toàn giống Ngài; do đó, con người và những gì trong xã hội liên quan đến con người là trọng tâm chính của GHXH. “Học thuyết xã hội Công giáo trình bày ở đây là một thành phần thiết yếu của toàn bộ giáo lý, mà Giáo Hội luôn rao giảng về đời sống con người.” (Gioan XXIII, Mater et Magistra, 222).

Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo tóm tắt HTXH: “Học thuyết xã hội của Giáo Hội đề ra những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán, những đường hướng hành động: Bất kỳ thể chế nào chỉ căn cứ vào các yếu tố kinh tế để quyết định những mối tương quan xã hội, đều nghịch với bản chất của con người và của các hành vi nhân linh ” (GLCG, 2423). Nói cách khác, “Giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề xã hội không phải là một “đường lối thứ ba” giữa chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa tập thể Mácxít, cũng không phải là một giải pháp khả thể trong những giải pháp ít triệt để hơn, nhưng giáo huấn đó là một loại riêng. Đó cũng không phải là một ý thức hệ, nhưng là một cách trình bày chính xác những kết quả của sự suy tư nghiêm chỉnh, về những thực tại phức tạp của cuộc sống con người trong xã hội và trong bối cảnh quốc tế, dưới ánh sáng đức tin và truyền thống Giáo Hội. Mục đích chính là giải thích các thực tại trên, bằng cách xét xem chúng có phù hợp hay không với các đường hướng của giáo huấn Tin Mừng về con người và về ơn gọi, vừa có tính cách trần thế, vừa có tính cách siêu việt của con người. Như vậy, giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề xã hội có mục đích hướng dẫn cách ăn ở, cách cư xử của người Kitô hữu, vì thế, nó không nằm trong lĩnh vực ý thức hệ mà trong lĩnh vực thần học, đặc biệt thần học luân lý.” (Gioan – Phaolô II, Sollicitudo Rei Socialis, 41).

Các chủ đề chính GHXH là: công bằng xã hội và liên đới, quyền sở hữu và phân chia tài sản, gia đình, lao động, quyền và bổn phận con người liên quan đến cuộc sống xã hội dân sự, nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội, đoàn thể, kinh tế, quan hệ quốc tế, chiến tranh, văn hóa. GHXH dựa trên nền tảng của luật tự nhiên và của mạc khải, sự khôn ngoan của con người và Tin Mừng. Hai trụ cột bổ sung như hai mặt của một đồng xu. Như vậy tạo thành một giáo lý chân chính trong xã hội, Giáo Hội có mục đích duy nhất giúp con người phát huy nhân phẩm của mình hợp với Tin Mừng, nhằm mục đích xây dựng nền văn minh tình thương, Đức Gioan-Phaolô II thường nhấn mạnh GHXH là một công cụ của việc truyền giáo.

Mục đích của Giáo Hội không phải tạo ra một xã hội con người hoàn hảo, nhưng để hướng dẫn con người vì đã được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, sống Tin Mừng một cách cụ thể giữa xã hội trần thế.

Giáo huấn xã hội, một phương thế giúp người tín hữu chu toàn luật Yêu thương của Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Tất cả những chủ đề chính được đề cập ở cuốn Tóm lược HTXH sẽ khó thực hiện nếu vắng bóng “luật vàng” này.

Giáo huấn xã hội cung cấp cho chúng ta những tiêu chuẩn sống phù hợp với Tin Mừng và GHXH giúp chúng ta sống đức tin, đức cậy và đức mến.

Ba nhân đức đối thần này có thể vẫn là từ ngữ chết nếu chúng ta không thể hiện cách sống trong mối quan hệ với những người khác. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, thiện chí chưa đủ, không phải cứ nói: “Lạy Chúa, lạy Chúa” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).

Cuối cùng, chúng ta biết rằng GHXH hay HTXH của Giáo Hội đã hình thành và được xem như một phần bộ môn thần học luân lý. Vì vậy, việc nghiên cứu, học tập phải đặt nó vào việc thực hành, và việc triển khai GHXH không phải chỉ có ở thời Đức Gioan-Phaolô II, công việc phổ biến này đã có từ ước muốn của nhiều vị Giáo Hoàng trước đó và rõ ràng nhất là ở Thông điệp của Đức Gioan XXIII: “Trước tiên, chúng tôi muốn xác nhận lại rằng, Học thuyết xã hội Kitô giáo là một phần trong toàn bộ quan niệm Kitô giáo về nhân sinh. Chúng tôi hân hoan nhận thấy học thuyết ấy đã được giảng dạy từ lâu trong các học viện khác nhau, và nay nhấn mạnh rằng, cần phải phổ biến trong các giáo trình thường xuyên, và được trình bày có hệ thống trong tất cả các chủng viện, các trường Công giáo ở mọi cấp. Nó phải được đưa vào trong chương trình đào tạo tôn giáo của các họ đạo và các nhóm tông đồ giáo dân; nó phải được truyền bá bằng những phương tiện truyền thông hiện đại: nhật báo và tập san định kỳ, các tác phẩm bình dân hoặc có cách tính khoa học, truyền thanh, truyền hình” (Mater et Magistra, 222-224).