Giáo Huấn Của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II Về Thần Học Tử Đạo

0
1588


Kottacka Chacko Lilly

Lời ngỏ: Nhân dịp kỷ niệm 25 năm đức Gioan Phaolô II phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam (19 tháng 6 năm 1988). Thật là cơ hội thuận tiện để tìm hiểu ý nghĩa thần học về sự tử đạo theo quan niệm của vị đại giáo hoàng đã ghi 1032 vị tử đạo vào hàng chân phước và 402 vị tử đạo vào sổ các thánh.  Bài này do Vũ An Tôn tóm lược luận văn tiến sĩ thần học của nữ tu Lilly Kottacka Chacko FCC (“Theological perspectives on the link between martyrdom and consecrated life”, PUST Roma 2009), được đăng trên Thời sự thần học số 54 (2011), trang 187-219.

***

Dẫn nhập

Trong thời gian gần đây, vấn đề “tử vì đạo” đã được đặt lại từ phía những người ngoài Công giáo cũng như từ phía Giáo Hội. Một đàng, chắc chắn các cảm tử quân của Hồi giáo được truy phong như người chết vì đạo, đang khi mà dư luận đặt tên là quân khủng bố. Phải chăng mọi phê phán trong lãnh vực này đều mang tính chủ quan, theo như cha Felix Wilfred đã nhận định:“Với những người này, họ là các vị tử đạo, với những người kia, họ là kẻ khủng bố; với tôn giáo này, họ là những anh hùng, còn với tôn giáo khác, họ là những kẻ cuồng tín cực đoan.”[1]? Đàng khác, ngay trong nội bộ Giáo hội Công giáo, nhiều ý kiến đã yêu cầu xét lại quan niệm “tử vì đạo”, không thể giới hạn vào những người đã chết để làm chứng cho đức tin, nhưng cần bao gồm cả những người hy sinh mạng sống vì tình yêu, vì công lý?

Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta cùng nhau tìm hiểu quan niệm về sự tử đạo trong giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II, là vị Giáo hoàng đã phong thánh cho rất nhiều chứng nhân tử đạo,[2] và cũng là vị được tác giả John A. Hardon đánh giá là vị Giáo hoàng bàn nhiều nhất về sự tử đạo.[3]

Trước hết, chúng ta sẽ nhắc lại vài khái niệm về thuật ngữ cũng như điểm qua vài nét về cuộc đời và tư tưởng của Đức Gioan Phaolô II để hiểu phần nào lý do ngài bàn nhiều về sự tử đạo. Kế đó ta sẽ lần lượt bàn về sự tử đạo theo quan điểm của Đức Gioan Phaolô II dưới cái nhìn về Nhân học, Thần học, Giáo hội học và Cánh chung học. Trong phần kết luận, chúng ta sẽ rút ra một vài nhận định từ quan điểm thần học ấy.

I. ĐÔI NÉT VỀ THUẬT NGỮ VÀ NGUỒN MẠCH CÁC GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC GIOAN PHAOLO II VỀ SỰ TỬ ĐẠO

Trước tiên, chúng ta hãy ôn lại những khái niệm thần học cổ truyền về tử đạo, từ đó chúng ta dễ nhận ra sự đóng góp của đức Gioan Phaolô II, đặc biệt nhờ việc trở về nguồn mạch Kinh Thánh, các giáo phụ, tuy đồng thời cũng đón nhận những trào lưu cận đại.

1. Tử đạo là gì?

a. Thuật ngữ

Dựa theo từ ngữ Hán Việt, “tử đạo” là chết vì đạo. Tuy nhiên, dựa theo ý nghĩa được dùng trong nguyên gốc Hy lạp “martys” thì có nghĩa là “làm chứng”. Các vị tử đạo làm chứng về điều gì? Trong Tân ước, các môn đệ được trao sứ vụ ra đi làm chứng về Đức Giêsu, về sứ vụ của Người [4], nhưng bằng lời nói, bằng việc rao giảng, chứ không là bị giết chết do sự thù ghét đức tin (odium fidei)[5] như những định nghĩa của giáo luật về sau. Tuy nhiên, dần dần từ “martyr” được dùng theo nghĩa hẹp: không còn bao gồm tất cả mọi hình thức chứng tá, nhưng chỉ giới hạn vào việc chứng tá bằng chính mạng sống của mình.

b. Các cấp độ tử đạo

Đức Bênêđictô XIV (1740-1758) lặp lại học thuyết cổ truyền về việc tử đạo như sau:  đó là sự tình nguyện chịu đau khổ hay sẵn lòng chết vì đức tin hay vì một hành vi nhân đức nào hướng tới Chúa[6]. Ngài đưa ra các cấp độ tử đạo khác nhau dựa trên mức độ làm chứng[7]: + Martyres designati: những người tuyên xưng đức tin và phải chịu những thương tích nặng hoặc nhẹ nhưng không bị kết án tử. + Martyres non consummati seu coronati: những người phải chịu cực hình vì đức tin trong nhà tù, cảnh lưu đày hay các nơi khổ ải nhưng chưa dẫn đến cái chết; + Martyres consummati seu coronati: những người chết trong cuộc bách hại hoặc ngay sau đó, và được “đội triều thiên tử đạo”; + Martyres vindicati: những người được Giáo hội chính thức tuyên dương là “tử đạo”. Tất cả những người vừa rồi đều có thể gọi là những vị “tuyên xưng đức tin” (confessores fidei); tuy nhiên, theo dòng thời gian, người ta phân biệt giữa “martyres” (những người đã chịu chết) với “confessores” (những người đã chịu cực hình, tù đày, nhưng sau đó được tha về). Ngoài ra, sau thời kỳ bách hại, tước hiệu “confessores” được áp dụng cho tất cả những ai sống đời thánh thiện, còn những người bị khổ hình vì đức tin thì được gọi là “chứng nhân” (testes) đức tin”.

Dù sao, đức Bênêđictô XIV đã đề ra ba điều kiện phải cứu xét trong vụ phong thánh tử đạo, đó là: a) cái chết; b) hoàn cảnh về phía người gây ra cái chết: vì thù ghét đức tin hay Giáo hội; c) động lực về phía người chịu chết: làm chứng cho đức tin.

Những khái niệm tương đương

+ Sự tử đạo và sự tự sát

Theo cách hiểu thông thường, các vị tử đạo là người đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho một chân lý tôn giáo hoặc tuân hành một mệnh lệnh xuất phát từ chân lý tôn giáo này. Như vậy, có thể coi sự tử đạo như là một thứ tự sát được tôn giáo cho phép không? Tác giả Brain Wicker đặt ra câu hỏi hóc búa cho trường hợp Samson trong Cựu ước (x. Tl 16,27): đó là một người tử đạo tự sát, hay kẻ khủng bố tự sát? Dựa vào quan điểm của thánh Augustinô và thánh Tôma Aquinô, ông biện mình cho cuộc  tự sát của Samson bởi vì do Thiên Chúa đã truyền.[8]

Tuy nhiên sự tử đạo không phải là sự tự sát. Sự tử đạo và sự tự sát giống nhau ở khía cạnh tự nguyện sẵn sàng chịu chết. Nhưng sự tử đạo, dù là tự nguyện đi nữa, nhưng vẫn có yếu tố bị cưỡng ép nhưng đồng thời nhắm tới giá trị cao cả nhất. Đây là hành động thà chọn cái chết còn hơn là phải từ bỏ niềm tin của mình. Hành vi tự sát tuy mang tính tự nguyện nhưng bị xem là tiêu cực, trong khi sự tử đạo được coi là tích cực và cao quý. Chúng ta cần phân biệt sự khác nhau giữa một bên là động lực và sự can đảm của các chứng nhân tử đạo Kitô giáo, và bên kia là sự cuồng tín, bị thúc đẩy bởi  cảm xúc chứ không do lý trí.

+ Chứng nhân tử đạo và nạn nhân

Như vậy phải chăng các chứng nhân tử đạo là nạn nhân theo một nghĩa nào đó không? Tác giả González Faus cho rằng: “Có chứng nhân tử đạo là vì có nạn nhân”.[9] Theo ông, Đức Giêsu là nạn nhân cao trọng nhất đã trở nên chứng nhân trung thành cho tình yêu. Người là Chiên Vượt Qua bị sát tế. Tất cả các chứng nhân tử đạo đều là nạn nhân, nhưng không phải tất cả các nạn nhân đều là chứng nhân tử đạo.

c.  Đề nghị một định nghĩa cho vấn đề tử đạo

Những ý kiến vừa nêu cho thấy rằng người ta đòi xét lại định nghĩa cổ truyền về việc tử đạo. Không thiếu những tác giả muốn mở rộng nhãn giới của việc tử đạo, theo nghĩa là không chỉ giới hạn vào những người bị giết để bảo vệ  đức tin, nhưng cả những người tình nguyện chết vì lòng bác ái, hay để bênh vực công lý. Xem ra Giáo Hội Công giáo cũng thiên về ý kiến đó khi tuyên bố cha Maximilianô Kolbe như vị thánh tử đạo, khi ngài hiến thân chịu chết thay cho một tù nhân khác.

Đã có nhiều ý kiến đưa ra những định nghĩa mới về sự tử đạo. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ giới hạn định nghĩa ngắn ngọn của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo như sau: “Tử đạo là chứng từ cao quý nhất cho chân lý đức tin, bởi vì làm chứng ngay cả bằng cái chết. Các vị tử đạo làm chứng cho Đức Kitô, Đấng đã chịu chết và sống lại; vị tử đạo liên kết với Đức Kitô bằng đức ái. Vị tử đạo làm chứng cho chân lý đức tin và cho đạo lý Kitô giáo. Vị tử đạo đón nhận cái chết bằng một hành vi của đức can đảm.”[10]

So với quan niệm cổ truyền, định nghĩa của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo muốn nêu bật động lực của vị tử đạo là lòng yêu mến Chúa Giêsu, và muốn gắn bó với Người cho đến chết. Dù sao, những chiều kích khác nhau của việc tử đạo sẽ được phân tích rõ hơn qua các bài viết của đức Gioan Phaolô II. Trước khi đi vào nội dung, chúng tôi xin trình bày sơ lược cuộc đời của ngài cũng như bối cảnh của những suy tư về việc tử đạo.

2. Cuộc đời Đức Gioan Phaolô II

a.  Tuổi thơ

Karol Wojtyla sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice, Ba Lan. Ngài được chào đời sau khi thân mẫu Emilia Kaczorowska từ chối lời khuyên phá thai của bác sĩ.[11] Ngài mất mẹ và anh khi còn nhỏ, và mất cha khi hai mươi tuổi. Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã khiến con đường học hành của ngài tại Đại học Jagiellonian bị dang dở.

Kinh nghiệm khi phải sống dưới thời Phát xít trong thế chiến thứ hai đã khiến ngài luôn khao khát đấu tranh cho quyền con người và thúc đẩy công bằng xă hội. Là một người yêu sân khấu và thơ ca, ngài đã truyền tải những thao thức và rung động của mình vào các vở kịch và thơ.

b. Tư tưởng

Việc biên soạn luận án tiến sĩ Thần học Đức tin theo thánh Gioan Thánh Giá và luận án Triết học vềtriết gia người Đức Max Scheler, đã giúp Karol Wojtyla đào sâu những tư tưởng thần học và nhân học về sự tử đạo.

Chẳng những tư tưởng của ngài được hình thành qua sách vở, chính cuộc ðời ðầy sóng gió của ngài cũng góp phần không nhỏ qua việc ðịnh hình giáo huấn về việc tử đạo. Thông thường, cuộc đời của chứng nhân tử đạo là dấu chỉ của sự chống báng. Cũng thế, theo George Weigel, Đức Gioan Phaolô II đã trở nên “dấu chỉ bị chống báng” trong thế giới hiện đại.[12] Nhiều nhà tư tưởng và chính trị chống lại tư tưởng của ngài… Ngài đã đấu tranh chống lại những nguy hiểm của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa khoái lạc, trào lưu tục hoá, thuyết vô thần, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa vị kỷ, trào lưu bảo căn, sự lãnh đạm, sự sợ hãi, sự thù hận và chiến tranh. Tóm lại, ngài chống tất cả những gì gây tổn hại đến con người và phẩm giá của họ.[13]

Khi giảng tĩnh tâm mùa chay (7-13/3/1976) cho Đức Phaolô VI và giáo triều, hồng y Wojtyla đã chọn chủ đề chính là “Dấu chỉ bị chống báng”;[14] ngài nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở tiền tuyến trong cuộc đấu tranh đầy khó khăn cho phẩm giá của con người”.[15]

Hơn nữa, do đã kinh qua vết thương chí tử của cuộc mưu sát và sự che chở nhiệm mầu của bàn tay Thiên Chúa trong cuộc đời, nên Đức Gioan Phaolô II hiểu rõ chiều kích thánh thiêng và yếu tố con người trong khái niệm sự tử đạo. Chính ngài chia sẻ về cuộc mưu sát 13/5/1981 rằng, “đó là bằng chứng của ơn thánh”.[16]

3. Bối cảnh các giáo huấn về sự tử đạo

a.  Các tác phẩm của Karol Wojtyla / Đức Gioan Phaolô II

Trước khi làm Giáo hoàng, Karol Wojtyla đã viết một số tác phẩm nổi tiếng, như Tình yêu và Trách nhiệm (1960), Cá vị hành động (1970), and Cá vị và cộng đoàn…, đặt nền tảng cho sự khai triển  chiều kích nhân học về tử đạo.

Trong cương vị Giáo hoàng, các tác phẩm của ngài bàn về các chứng nhân tử đạo và sự tử đạo rõ ràng và quyết liệt hơn. Trong tác phẩm Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, ngài  nói máu các chứng nhân tử đạo là “nền tảng của thế giới mới, châu Âu mới và nền văn minh mới”.[17] Trong tác phẩm Đứng dậy, nào chúng ta đi, Đức Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta “làm chứng cho sự thật, dù phải trả giá, dù phải đổ máu, như chính Đức Kitô”.[18]

Mặc dù trong cương vị giáo hoàng, ngài không viết văn kiện riêng nào về tử đạo, nhưng trong hầu hết các Thông điệp, Tông thư, Tông huấn… ngài đều nhắc đến sự tử đạo.[19] Tác giả John A. Hardon nhận xét: “Chưa có triều đai giáo hoàng nào trong lịch sử bàn nhiều về sự tử đạo hơn Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Thông điệp Evangelium vitae của ngài dành cả ngàn từ hoặc hơn để nhắc đến sự tử đạo trong thời đại chúng ta”.[20]

b.  Các bài giảng

Phần lớn các giáo huấn về sự tử đạo diễn ra trong những dịp tôn phong chân phước và phong thánh các chứng nhân tử đạo. Theo thống kê của Văn phòng Báo chí Toà Thánh, trong triều đại Giáo hoàng của mình (1978 -2005), Đức Gioan Phaolô II đã tôn phong 1.338 chân phước tử đạo và phong thánh cho 402 chứng nhân tử đạo.[21] Tất cả diễn ra trong 147 nghi lễ phụng vụ, trong đó ngài đã trình bày ý nghĩa của việc tử đạo trong bài giảng lễ cũng như trong những buổi tiếp kiến tiếp theo.

4. Nguồn mạch các giáo huấn về sự tử đạo

Giáo huấn về việc tử đạo lấy từ bốn nguồn mạch chính: Kinh Thánh, các giáo phụ, thánh Tôma Aquinô, các nhà thần học cận đại.

a. Kinh Thánh

Đối với Đức Gioan Phaolô II, Kinh thánh chính là nguồn mạch hứng khởi và là phương tiện để giáo huấn về sự tử đạo. Qua các bài giảng của ngài những dịp phong chân phước và phong thánh, chúng ta có cảm giác ngài có thể giải thích toàn bộ Tin mừng dưới ánh sáng của sự tử đạo. Những đoạn văn Tân ước thường được trích dẫn là các dụ ngôn về người mục tử nhân lành (Ga 10,1-10), hạt lúa mì (Ga 12,24-25), muối và ánh sáng trần gian (Mt 5,13-15), bài giảng trên núi, giới răn thương yêu, vv. Ngoài ra, thần học của thánh Phaolô  (dấu hiệu của sự chiến thắng quyền lực thế gian, lòng nhiệt thành phục vụ Chúa Kitô, hy lễ đền tội, vv) có ảnh hưởng sâu sắc trên quan điểm của ngài.

b. Các Giáo phụ

Ngoài nguồn mạch Kinh thánh, giáo huấn của các giáo phụ cũng là cơ sở để Đức Gioan Phaolô II xây dựng nên ngôi nhà thần học của mình. Trong các giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II, người ta nhận thấy phảng phất đó đây quan niệm của thánh Ignatius Antioch Sự tử đạo là bắt chước Đức Kitô chịu đóng đinh.;[22] Thánh Polycarp  Smyrna cổ vũ tôn kính các chứng nhân tử đạo như những môn đệ của Đức Kitô;[23] còn giám mục Eusebius gọi các chứng nhân tử đạo là “những người thi đua mô phỏng Đức Kitô”.[24]

Bên cạnh đó, người ta còn thấy quan niệm về Sự tử đạo là hành vi bí tích. Các giáo phụ như Tertullian, Augustine, Origen… coi sự tử đạo là phép rửa bằng máu;[25] thánh Ignatius Antioch cho rằng, chính chứng nhân tử đạo phải trở nên Bí tích Thánh Thể. [26]

Thêm nữa, một điều mà người ta không thể không nói đến trong việc tử đạo là: Các chứng nhân tử đạo nên hạt giống của Giáo hội. Điều này đã được Tertullian quả quyết: “Máu các Kitô hữu là hạt giống”.[27] Nương theo đó, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại lời của ông trong Tông huấn Giáo hội tại Á Châu: “Và ước gì máu các vị tử đạo Á châu bây giờ và mãi mãi là hạt giống hứa hẹn một sự sống mới cho Giáo hội tại mọi chân trời góc biển của lục địa này”.[28]

c. Thánh Tôma Aquinô

Nói về nguồn mạch các giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II, người ta không thể không nói đến ảnh hưởng của tư tưởng thánh Tôma Aquinô. Tư tưởng của thánh Tôma Aquinô về sự tử đạo đã mang lại cho Đức Gioan Phaolô II các nhìn sâu sắc hơn để triển khai đề tài tử đạo của ngài, đặc biệt là sự liên hệ giữa các chiều kích thần học và nhân học về sự tử đạo. Theo thánh Tôma, sự tử đạo là một hồng ân của Thiên Chúa và thánh nhân coi đức tin như nguyên nhân của sự tử đạo và đức ái là nhân đức chỉ đường.[29]

d. Công đồng Vaticanô II

Từng là một thành viên và có những đóng góp không nhỏ cho Công đồng Vaticanô II, Đức Gioan Phaolô II đã chịu ảnh hưởng không ít bởi các văn kiện của Công đồng. Theo đó, Công đồng đã trình bày sự tử đạo dưới cái nhìn quy Kitô; cái chết cứu độ của Đức Giêsu là nguyên tắc có tính quy phạm để phân biệt sự tử đạo Kitô giáo.

Tác giả González Faus tóm tắt các giáo huấn Công đồng, sau khi nhận định về sự ảnh hưởng của tư tưởng thánh Tôma Aquinô trên các văn kiện công đồng như sau:[30]

+ Sự tử đạo là sự đồng hoá với cái chết của Đức Kitô. Khi tử đạo, người môn đệ đồng hóa với Thầy mình, Ðấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới, và người môn đệ nên giống Người trong việc đổ máu;[31]

+ Công đồng coi sự tử đạo ‘như một ân huệ lớn lao’. Một số người được Thiên Chúa kêu gọi để làm chứng bằng cách đổ máu.[32]

+ Sự tử đạo là một bằng chứng cao cả về đức ái.

e. Quan điểm thần học đương đại

Đức Gioan Phaolô II dường như tán thành các vấn đề được khơi lên bởi các thần học gia đương đại. Các thần học gia Karl Rahner, Jon Sobrino, A. Chandler,… đã nới rộng cách lý giải sự tử đạo ngày nay. Sự thay đổi này đề cập ba yếu tố: nguyên nhân tử đạo, động lực của các chứng nhân tử đạo và điểm cốt lõi trong khái niệm sự tử đạo.

Jon Sobrino giải thích Giáo hội ngày nay bị bách hại là do bênh vực cuộc sống của người nghèo, lên án sự bất công và cổ vũ việc thực thi công lý.[33]

Động lực của các chứng nhân tử đạo ngày nay không chỉ hướng về trời nhưng còn là hướng về thế gian; không chỉ hướng đến tương lai nhưng còn là hiện tại. “Làm sao đức tin có thể phụng sự Thiên Chúa, nếu trước tiên nó không phục vụ con người?”[34]

Các chứng nhân tử đạo thời nay có thể bị giết “bởi kẻ ghét đạo” hoặc “vì nhân danh đức tin” hoặc “vì lòng trắc ẩn nảy sinh từ đức tin”.[35]

Tóm lại, trong phần này, chúng ta đã rảo qua những định nghĩa về sự tử đạo và bối cảnh hình thành nên quan điểm thần học về việc tử đạo nơi Đức Gioan Phaolô II. Tại đó, ta nhận thấy, Đức thánh cha không định nghĩa lại việc tử đạo cho bằng ngài đã kín múc và khơi lại nguồn mạch thần học này có sẵn nơi Kinh thánh, truyền thống, văn kiện huấn quyền và cả những suy tư mới. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa Đức Gioan Phaolô II chẳng làm gì khác ngoài chuyện lặp lại những điều đã có. Trong các phần kế tiếp ta sẽ xem những triển khai mới mẻ của ngài về việc tử đạo. Trước hết, chúng tôi sẽ trình bày chiều kích thần học (nghĩa là xét trong tương quan với Thiên Chúa) và nhân học (nghĩa là những giá trị nhân bản). Kế đó chúng tôi sẽ bàn đến chiều kích Giáo hội và Cánh chung của việc tử đạo.

II. CHIỀU KÍCH THẦN HỌC VÀ NHÂN CỦA VIỆC TỬ ĐẠO

Sự tử đạo là một hồng ân của Chúa cùng với sự đáp trả của con người. Sự tử đạo vừa đề cao ơn thánh của Thiên Chúa vừa đề cao phẩm giá con người. Chính Thiên Chúa đã gieo những hạt mầm của các nhân đức tin cậy mến trong tâm hồn người tín hữu, và hạt mầm ấy đã trổ sinh hoa trái tốt lành là trao ban sự sống.[36]

1.  Chiều kích Ba Ngôi về Tử đạo

Theo Đức Gioan Phaolô II, sự tử đạo là kết quả của hành vi thiên linh kết hợp cùng hành vi nhân linh. Vì thế, ngài luôn mở đầu các bài giảng trong các thánh lễ tuyên phong các chân phước và các thánh tử đạo bằng lời ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi.[37]

a. Sự Tử đạo là hồng ân của Chúa Cha và là sự đáp trả lời mời gọi nên thánh

Hiến chế Tín Lý Về Giáo Hội, Lumen Gentium, xem sự tử đạo là ân ban của Thiên Chúa, Đấng Thánh Thiện không ngừng kêu gọi mọi người thông dự vào sự thánh thiện của Người.[38] Vì vậy, người ta nhận thấy hình ảnh các chứng nhân, qua hành vi của mình, họ thờ phương Thiên Chúa trong Thần khí và Sự thật.[39] Và như Đức Kitô đã đổ máu để bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa, các chứng nhân, qua sự can trường của mình, cũng bày tỏ cùng lòng thương xót ấy.[40]

Các chứng nhân tử đạo có được đức tin mãnh liệt không phải do họ, nhưng là ân ban của Thiên Chúa, qua họ đến với Giáo hội của Người.[41] Họ được Chúa Cha chọn lựa để thi hành thánh ý của Người. Thánh ý đó mở rộng ra trên cuộc đời họ.[42] Do đó, việc tử đạo của họ không phải là chấm dứt sự sống nhưng mở ra cho họ sự sống mới.

b. Việc tử đạo dưới viễn ảnh của Đức Kitô

Trong các bài giáo huấn về sự tử đạo, Đức Gioan Phaolô II không ngừng khẳng định sự tử đạo của các thánh nhân là một hoạ ảnh của việc tử đạo của Đức Giêsu trong Lễ Vượt Qua.[43] Nói như vậy để thấy rằng Đức Gioan Phaolô II đã tiếp nối giáo huấn của Vaticanô II về vấn đề này.[44]

Nơi Đức Giêsu, ta thấy Người là vị tử đạo siêu vượt. Người là khuôn mẫu của mọi chứng nhân.[45] Mỗi khi lãnh phúc tử đạo, các chứng nhân trở nên đồng dạng với Đức Kitô bị đóng đinh.[46] Hơn nữa, cuộc đời của họ còn được chúc phúc để trở nên Tấm Bánh được bẻ ra.[47]

c. Sự tử đạo nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần

Trong Tin mừng Gioan, Đức Giêsu đã khẳng định Thánh Thần sẽ đến làm chứng cho Người (Ga 15,26). Thần khí nào không tuyên xưng Đức Kitô không đến từ Thiên Chúa (x. 1Ga 4,2). Trái lại, đối với các chứng nhân tuyên xưng Đức Kitô, hẳn là Thần Khí Thiên Chúa tác động nơi họ.[48]

Việc tử đạo là một lối diễn tả hùng hồn nhất cuộc hiến tế của Đức Giêsu. Tự bản thân, những chứng nhân không thể thực hiện được chuyện này nếu không được Thánh Thần thánh hiến. Đức Gioan Phaolô II nói: “Nơi đâu có Thánh Thần thánh hoá (x. Rm 1,4) tuôn đổ thì những gì nghịch với sự thánh thiện sẽ bị phá huỷ”.[49] Hơn thế nữa, Thánh Thần hoàn tất việc thánh hoá và thiên hóa con người.Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng, Thần Khí Thiên Chúa không những diệt trừ tội lỗi mà còn thánh hoá con người.

Ngoài ra, các chứng nhân còn được Thánh Thần tăng sức để làm chứng cho Tin mừng. “Như đã biến đổi các môn đệ đầu tiên thành những Tông đồ can đảm rao giảng lời Thiên Chúa, Thánh Thần vẫn tiếp tục chuẩn bị các chứng nhân Tin mừng trong thời đại chúng ta”.[50] Đức Gioan Phaolô II nói thêm, sức mạnh bên trong và lòng dũng cảm siêu nhiên cho sự tử đạo là một hồng ân đặc biệt được Chúa Thánh Thần ban cho những ai nghe theo Người. Đức Giêsu hứa: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

2. Chiều kích nhân học của việc tử đạo

Trong chiều kích nhân học, chúng ta sẽ khám phá thấy giá trị lớn lao mà các chứng nhân phải trả.[51]

a. Sự cao trọng của sự sống con người

Các vị tử đạo là những chứng nhân của sự sống trong nền văn hoá sự chết.[52] Cái chết của họ là lời khẳng định cho việc tôn trọng sự sống.[53]

Sự xả thân của các chứng nhân còn cho thấy nơi họ chan chứa tình yêu để chết cho sự sống.[54] Họ tha thiết gắn bó với sự sống vĩnh cửu, cho nên họ cố gắng bảo vệ bằng mọi giá. Ngoài ra, sự tử đạo còn là hành vi tôn vinh phẩm giá con người.[55]

b. Cổ võ những giá trị nhân loại trong việc tôn vinh Luật Chúa

Trong các bài giáo huấn, Đức Gioan Phaolô II cho thấy có sự liên hệ chặt chẽ giữa đức tin và luân lý.[56] Không thiếu những chứng nhân thể hiện điều ấy bằng giá máu của mình.[57] Họ sẵn sàng hy sinh đề bảo vệ chân lý luân lý.

Đang khi suy tư về giá máu mà Đức Ki-tô đổ ra để cứu độ con người, Đức Gioan Phaolô II cũng cho thấy các vị tử đạo cũng là những người nỗ lực bảo vệ quyền con người.[58]

Ngoài ra, vì các chứng nhân tử đạo cảm nghiệm được sự tự do đích thực là gì, nên họ không còn bị ràng buộc bởi các động cơ cá nhân hay vinh quang trần thế. Họ hy sinh chính sự sống của mình để bảo vệ sự tự do Thiên Chúa ban và đề cao phẩm giá con người. Theo Đức Gioan Phaolô II, sự tự do mà chúng ta có rất tạm bợ và giới hạn; nó như một hạt mầm cần được vun trồng và nuôi dưỡng.[59]Thế giới hôm nay cần những chứng nhân tử đạo của tình yêu, công lý, hoà bình và tha thứ – những con người dám từ bỏ cái tôi để xây dựng xã hội loài người.

c. Xây dựng xã hội công bằng

Đức Gioan Phaolô II quả quyết, chiến tranh không giải quyết được sự hận thù giữa các dân tộc.[60] Ngài còn nhấn mạnh đến vai trò của tôn giáo và niềm tin trong việc xây dựng một xã hội hoà bình. Không chỉ các giáo phái Kitô giáo mà tín hữu của tất cả các tôn giáo khác cũng là “những nhân chứng về một vì Thiên Chúa của công lý và hoà bình”. [61] Nhiều bậc tử đạo đã minh chứng họ có thể yêu thương kẻ thù của mình.

Với những chiến sĩ đã đổ máu để bảo vệ tổ quốc, Đức Gioan Phaolô II đã từng nói: “Đây là lúc chúng ta tưởng nhớ tất cả những nạn nhân này và trao cho họ tước hiệu mà họ đáng được hưởng. Họ là những chứng nhân tử đạo, nhiều người trong họ không có tên tuổi, ‘như những người lính vô danh trong ý muốn cao cả của Thiên Chúa’ (TMA n.37)”.[62]

Trong các tác phẩm và bài giảng, ngài cũng không quên những nạn nhân vô tội của chiến tranh: “Máu của biết bao nhiêu người vô tội đã đổ ra trong thế kỷ XX, vì một chế độ chính trị xã hội nào đó đi ngược lại những nguyên tắc xây dựng hoà bình của Đức Kitô… máu người vô tội đã đổ xuống trước mắt chúng ta! … để xây dựng nền hoà bình đích thực.”[63]

Thần học và nhân học của Đức Gioan Phaolô II về phúc tử đạo có thể tóm gọn lại như sau, phúc tử đạo là đức tin diễn ra hành động. Việc tử đạo không phải là cái gì rủi ro xui xẻo xảy ra trên đời, nhưng là hệ luận của một cuộc đời sống trọn cho Đức Kitô. Vị  tử đạo không sống cho chính mình nhưng sống vì nhân loại và vì vinh quang Thiên Chúa. Cần phải có sức mạnh của Thánh Thần thì con người mới có thể vượt khỏi bản thân như vậy. Chính ở điểm này mà vị tử đạo chứng tỏ phẩm giá cao quý của con người.

III. CHIỀU KÍCH GIÁO HỘI HỌC VÀ CÁNH CHUNG HỌC VỀ PHÚC TỬ ĐẠO

Sau khi đã lược qua chiều kích thần học và nhân học của việc tử đạo, giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu chiều kích Giáo hội  và cánh chung, những chiều kích giúp phân biệt việc tử đạo trong Kitô giáo với việc tử đạo nơi các tôn giáo khác. Trước khi là Giáo hội của các vị tử đạo (ecclesia martyrum) thì Giáo hội tự bản chất là một chứng nhân (ecclesia martyr): có một mối liên lạc hỗ tương giữa các vị tử đạo và Giáo hội. Các vị tử đạo nhận được sức mạnh từ Giáo hội, nhờ đức tin và các bí tích; đồng thời các vị tử đạo giúp cho Giáo hội được vững mạnh kiên cường.

1. Chiều kích Giáo hội

Tác giả R. Fisichella có viết: “Giáo hội được sinh ra, sống động và phát triển, dựa trên nền tảng là cuộc hiến tế của Đức Kitô.”[64]Điều ấy có nghĩa là theo gương Thầy, tất cả các Tông đồ, ngoại trừ thánh Gioan, đều lãnh phúc tử đạo,[65]và tất cả các vị giáo hoàng trong suốt bốn thế kỷ đầu, cũng đều đổ máu vì đức tin.[66] Nhìn từ thực tế ấy, Đức Gioan Phaolô II đã quả quyết: “Giáo hội của Thiên Chúa được sinh ra nhờ ân sủng của Người, ân sủng được diễn tả trong cách thức tuyệt vời là sự tử đạo.”[67]Như vậy ta thấy các cộng đoàn Kitô hữu luôn lưu truyền chiều kích giáo hội của sự tử đạo. Đó là nét cao quư, bởi họ đã sống cho và nhờ Giáo hội qua dấu chỉ tình yêu mà họ diễn tả.[68]

a. Máu của các chứng nhân tử đạo xây dựng Giáo hội

Ông Tertullianô đã từng nói: “Máu của các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh Giáo hội.” Trong thực tế, các vị tử đạo đã không ngừng rao giảng về Tin mừng và lấy máu đào làm chứng cho điều mình rao giảng. Theo Đức Gioan Phaolô II, “Giáo hội trong mỗi khúc quanh của lịch sử vẫn bén rễ sâu qua lời chứng của các vị tử đạo.”[69] Bởi vì, như ngài nói, nhờ gương mẫu mà họ đã chiến thắng giữa mọi thời, mọi dân nước, mọi ngôn ngữ, dân Thiên Chúa được kiện cường hơn trong niềm tin. Những giọt máu đào của các vị tử đạo được ví như những viên gạch xây dựng nên toà nhà của Thiên Chúa.[70]

Để cụ thể hoá khía cạnh xây dựng Giáo hội của các chứng nhân, ta thấy việc tử đạo góp phần tạo nên sức sống cho Giáo hội, và cũng là ánh sáng, là dấu chỉ của Giáo hội.

Tại lễ phong chân phước Frelichowski, Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Máu của các chứng nhân đã đổ xuống trên mặt đất và trở nên dưỡng chất cho sự phát triển và mùa gặt.”[71] Qua các cuộc bách hại và đổ máu, Giáo hội không những không yếu đi mà còn mạnh mẽ hơn. Tại lễ phong chân phước cho 44 vị tử đạo, ngày 5/3/2000, Đức Gioan Phaolô II đã chỉ cho thấy sự đóng góp của các vị tử đạo trên đất nước Brazil ra sao. Ngài nói: “Các vị tử đạo đã tưới gội mảnh đất quê hương, làm cho đất phì nhiêu hầu sản sinh ra những Tín Hữu Mới.”[72]

Chẳng những góp phần tạo nên sức sống cho Giáo hội, các vị tử đạo còn “toả rạng trước chúng ta như ngọn đèn soi Giáo hội và nhân loại, bởi họ được tiếp nhận ánh sáng của Đức Kitô để chiếu soi nơi tối tăm.”[73]Trong thư gửi cho Hồng y Maria Martini nhân dịp kỷ niệm 750 năm cuộc tử đạo của thánh Phêrô tử đạo, Đức Gioan Phaolô II đã chỉ cho thấy cách thức mà cuộc tử đạo ấy vẫn còn chiếu toả ánh quang cho nhiều người dân ngoại.[74] Điều này thôi thúc người Kitô hữu thời này vượt qua những thử thách và gắn kết đức tin mật thiết hơn vào Giáo hội.

Ngoài ra, khi Đức Gioan Phaolô II nói hay viết về các chứng nhân hay việc tử đạo, ngài thường nhấn mạnh đến giá trị “dấu chỉ”. Ngài định nghĩa “dấu chỉ” là “điều có thể thấy của cái không thể thấy”.[75] Trong Tông huấn Giáo hội tại Âu Châu, ngài cổ võ tín hữu chiêm ngắm và bắt chước các vị tử đạo, những đấng được xem như những “dấu chỉ hùng hồn và cao quý.”[76] Nhận định về cách thức mà Đức Gioan Phaolô II nói về khía cạnh dấu chỉ, tác giả R. Fischella đã viết: “Đức Thánh Cha đã nêu bật lời chứng vì tình yêu qua việc sử dụng phạm trù dấu chỉ như là một lối diễn tả ngôn ngữ và thần học thích hợp nhất.”[77]Những hình ảnh người ta thường thấy trong giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II về các dấu chỉ của việc tử đạo, sáng lên dấu chỉ của tình yêu, sự thánh thiện, ơn cứu độ, sự chống báng, đặc biệt là dấu chỉ của sự hiệp nhất.

b. Máu của các chứng nhân tử đạo với sự hiệp nhất Giáo hội

Sắc Lệnh của Công đồng Vatican II về sự hiệp nhất, Unitatis Redintegratio, thúc đẩy người Công giáo nhìn nhận sự phong phú nơi thân mình Đức Kitô và một số hành động tích cực nơi những anh em ly khai, những người cũng mang danh là chứng nhân của Đức Kitô, có lúc họ cũng đổ máu vì niềm tin.[78] Hoạ theo điều này, Đức Gioan Phaolô II đã không ngừng đối thoại với những Giáo hội khác hòng mưu cầu sự hiệp nhất. Ngài nhận thấy rằng sự hiệp nhất trong Giáo hội có thể đạt được nếu những “nguyên tắc của việc tử đạo” như là tình yêu vô vị lợi, tự hiến tế chính mình được tháp nhập vào trong mối tương quan giữa các giáo hội. Ngài giải thích: “Các vị tử đạo đã chiếu toả dấu chỉ của niềm hy vọng vào tiến trình hiệp nhất.”[79] Máu của họ cũng là “nguồn sức sống cho sự hiệp nhất của Giáo hội.”[80] Tiếng kêu của Đức Giê-su, “Xin cho họ nên một” (Ga 17,21), lại vang lên trong Thông điệp Ut Unum Sint, đã được các vị tử đạo làm cho sống động và họ đã trở thành những “chứng nhân siêu hạng của tình yêu.”[81]

Thêm nữa, vào ngày 23/05/1665, khi tiếp phái đoàn đến từ Bulgaria viếng thăm Roma dịp đại lễ kính hai thánh Cyril và Methodius, Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng ngoài việc trở nên các dấu chỉ của sự hiệp nhất trong Đức Kitô, các vị tử đạo còn như muốn nhắn nhủ chuyện khác, rằng lời chứng của họ không giới hạn trong một không gian đức tin chật hẹp nào. Ngài nói: “Chúng ta kính cẩn trước sự hiệp nhất nơi các vị tử đạo và các thánh, điều đó là bằng chứng cho thấy còn có nhiều con cái của Giáo hội và cộng đoàn hội thánh khác, mà đời sống gương mẫu của họ đã trở thành gia sản chung cho mọi Kitô hữu.”[82]

Trong quan điểm thần học của mình, Đức Gioan Phaolô II còn nói thêm rằng, sự tử đạo được xem như là cách hiểu về sự “hiệp thông trọn vẹn” trong Giáo hội.[83] Ngài giải thích, “Sự hiệp thông trở nên hoàn hảo trong lối mà chúng ta nhận ra tính cách cao trọng của cuộc đời chan chứa ân sủng, đó là làm chứng cho đến chết, và tự hiến để lôi kéo những ai đang ở xa trở về (x. Ep 2,13).”[84]Kể ra vô số các chứng nhân đức tin trong các Giáo hội, Đức thánh cha đã hỏi: “Bất chấp thảm kịch phân rẽ chúng ta, những người anh chị em này đã giữ vững sự gắn bó sắt son với Đức Kitô và Thiên Chúa Cha đến mức đổ máu. Chẳng lẽ giữa những tâm hồn mà tôi đã kêu mời “đối thoại hoán cải” lại không có sự gắn bó ấy sao?”[85] Câu hỏi của Đức Gioan Phaolô II đã trở thành lời chất vấn cho những ai, đang khi nhìn lên mẫu gương các thánh tử đạo, lại lấp đầy tâm hồn bằng những thái độ thù hằn, khích bác. Những người này cần phải mở ngỏ cho niềm hy vọng vào một thân mình Đức Kitô không bị chia cắt. Điều này sẽ được thấy rõ trong chiều kích cánh chung của sự tử đạo.

2. Chiều kích cánh chung của phúc tử đạo

Dựa theo chương 7 của Hiến chế Lumen Gentium,  Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định về chiều kích cánh chung của Giáo hội lữ hành, và trong tác phẩm “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, ngài đã nhấn mạnh rằng cần có một quan niệm đúng đắn về cánh chung: đó không phải là những chuyện tương lai xa vời, nhưng đã khởi đầu trong lịch sử nhờ cuộc phục sinh của Đức Kitô.[86] Nhãn quan cánh chung của Đức Gioan Phaolô II được bén rễ sâu nơi giáo lý về niềm hy vọng Kitô giáo. Chúng bao gồm cả đối tượng mà niềm hy vọng hướng về và hệ quả mà niềm hy vọng sản sinh. Hy vọng cánh chung là con đường đi tới tương lai, con đường tiến về đời sau, vượt qua những giới hạn, tăm tối hay bất công của hiện tại. Đối với Đức Gioan Phaolô II, cánh chung học không chỉ là một phần trong giáo lý của Giáo hội, xa hơn, chiều kích cánh chung phải trở nên một lời rao giảng của mọi Kitô hữu, của mỗi người cụ thể và của toàn Giáo hội.

a. Niềm hy vọng cánh chung làm cho các chứng nhân tử đạo nên kiên cường

Theo Đức Gioan Phaolô II, “Chỉ có niềm hi vọng đến từ niềm tin vào cuộc phục sinh mới mang lại cho chúng ta sự đáp trả trong nếp sống hàng ngày xứng với tình yêu vô biên của Thiên Chúa.”[87] Ngài còn khẳng định rằng: “Việc tử đạo là một cuộc nhập thể vĩ đại nhất của Tin mừng về niềm hy vọng.”[88] Trong cuộc phục sinh của Đức Kitô, nhân loại tìm thấy sự tròn đầy đích thực của cuộc sống. Niềm hy vọng cánh chung trong lời hứa của Thiên Chúa và phần thưởng muôn đời được ban tặng, khiến các vị tử đạo can đảm và vui tươi đón nhận mọi khổ đau và bách hại. Trong Tông huấn Ecclesia in Europa, Đức Gioan Phaolô II đã nói rõ ba khía cạnh của “Tin mừng về niềm hy vọng”, được diễn tả qua việc tử đạo. Qua những lời chứng ấy, Tin mừng về niềm hy vọng được loan báo, cử hành và phục vụ.[89]

Trong việc loan báo Tin mừng về niềm hy vọng, trích lại lời Tông đồ Phêrô, Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng các vị tử đạo đã thực hiện việc loan báo về niềm hy vọng nơi chính bản thân họ (x. 1Pr 3,15). Việc tử đạo là lời loan báo về niềm hy vọng chắc chắn vào cuộc phục sinh và tương lai vĩnh tồn. Đức thánh cha nhắc nhở: “… ‘Hy vọng vào lời hứa phục sinh’ khiến ta thấu hiểu chút ít về mầu nhiệm đau khổ và sự chết. Chúng giúp người tín hữu có khả năng tín thác hoàn toàn vào kế hoạch của Thiên Chúa.”[90]

Từ việc loan báo, ta còn nhận thấy các vị tử đạo là “công dân của sự sống và cho sự sống” đã cử hành “Tin mừng về niềm hy vọng” nơi chính việc tử đạo. Đức Gioan Phaolô II đã lưu ý rằng việc hiến dâng mạng sống của họ là sự biểu lộ cao trọng nhất của lễ vật thánh thiện, sống động và được Thiên Chúa chấp nhận. Đó là cách thức xứng hợp để thờ phượng (x. Rm 12,1).[91]

Nhìn vào mẫu gương các chứng nhân xuất hiện trong suốt dọc dài lịch sử, Đức Gioan Phaolô II c̣n nhận thấy “việc tử đạo còn là cách thức phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội lớn lao nhất.”[92] Các chứng nhân, những người vững mạnh trong niềm hy vọng, đã kiện cường niềm cậy trông cho những người khác.[93] Họ phục vụ dân Thiên Chúa, những kẻ đánh mất đức tin trong những mâu thuẫn cuộc đời để rồi tìm đến bờ vực của sự tự vẫn, cái chết êm dịu, huỷ hoại thân thể… Các chứng nhân đã gia tăng niềm tin cho họ.

b. Cuộc chiến giữa sự sống và cái chết

Đức thánh cha, người có kinh nghiệm sâu sắc trong đời mình về cuộc chiến khốc liệt giữa thiện và ác, giữa “văn hoá sự sống” và “văn hoá sự chết”, đã cảnh báo rằng chúng ta chẳng những “đối mặt” mà còn “lạc giữa” cuộc chiến này.[94] Ngài nhấn mạnh rằng nửa sau thế kỷ 20, cuộc tranh đấu giữa mysterium iniquitatis [mầu nhiệm của sự gian ác] (x. 2Tx 2,7) và mysterium pietatatis [mầu nhiệm của đạo thánh] (x. 1Tm 3,16) đã trở nên dữ dội, khiến cho dung mạo Giáo hội càng khắc sâu nét tử đạo.[95] Trong tác phẩm “Ký ức và căn tính”, Đức Gioan Phaolô II đã nhìn vào sự sụp đổ của hai chế độ độc tài – Chủ nghĩa quốc xã tại Đức và Chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô – là những thể chế đã gây ra biết bao cuộc tử đạo, phản ánh mầu nhiệm của sự gian ác: là minh chứng cho cuộc tranh đấu giữa thiện và ác. Ngài nói: “Cách thức mà sự ác nảy sinh từ đất tốt là một mầu nhiệm.”[96]

Trong cuộc đấu tranh giữa sự sống và cái chết, các vị tử đạo đã vượt qua sự sợ hãi và kinh hoàng của cái chết bằng niềm tin vững chắc vào cuộc trỗi dậy của Chúa. “Giống như những anh hùng hiên ngang bước ra đấu trường, những vị tử đạo Kitô giáo bày tỏ sự khinh rẻ cái chết, sẵn sàng đương đầu mà không nao núng.”[97] Thêm nữa, để cổ võ niềm tin hòng có thể đối mặt với cuộc tranh đấu hiện sinh này, Đức Gioan Phaolô II đã giải thích: “Thật sự, chẳng có gì có thể giúp chúng ta đương đầu với cuộc chiến khốc liệt giữa sống và chết ngoài chuyện ta cần gìm sâu đức tin vào Con Thiên Chúa, “Đấng đã trở người phàm và đã đến giữa con người để họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Đó là niềm tin vào sự phục sinh của Chúa, Đấng đã vượt qua cái chết; đó là niềm tin vào giá máu Đức Kitô mà tiếng kêu còn mạnh thế hơn cả máu Abel. Giá máu ấy cũng mang lại niềm hy vọng và hồi phục lại hình ảnh đích thực cho nhân loại.”[98]

c. Sự viên mãn cánh chung

Nhắc lại từ ngữ mà các tín hữu đầu tiên dùng để gọi phần thưởng cánh chung dành cho các vị tử đạo, Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Giáo hội gọi ngày đón nhận ngành lá tử đạo là dies natalis (ngày sinh). Thực vậy, nhờ công nghiệp của cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, cái chết của các vị tử đạo là một ngày sinh ra trên trời.[99] Đối với Đức thánh cha, giữa hai sự kiện sinh ra và chết đi không phải là hai điều nghịch lý, nhưng là hai mặt của cùng một sự kiện. Nhờ cuộc nhập thể của Thiên Chúa vào trong thân xác và nhờ cái chết trên thập giá, thân xác đã đi vào vương quốc của Thiên Chúa và được vinh hiển qua sự Phục sinh.[100]

Vào ngày 14/03/2001, tại lễ phong chân phước cho 233 vị tử đạo trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, suy niệm về thư Philípphê 3,21, Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Chúa Giêsu sẽ biến đổi thân xác chúng ta nên giống thân thể sáng láng của Người. Qua các vị tử đạo, Người đã bày tỏ dấu chỉ và lời báo trước về sự phục sinh vinh hiển, nơi ấy chúng ta cũng được mời gọi đến chung hưởng. Điều đã thành toàn nơi Đức Giêsu, là Đầu, thì cũng sẽ thành toàn nơi chúng ta là chi thể của Người.”[101] Trong cuộc phục sinh, thân xác đầy thương tích của các vị tử đạo được tôn vinh. Qua cuộc tử đạo, họ đã làm chứng cho ơn cứu độ thân xác nhân loại. Điều này Đức Giêsu Kitô đã mặc khải đầy đủ trên thập giá. Thay vì dùng thân xác của mình như một vũ khí, Người đã dùng nó như một quà tặng. Người đã để thân xác của mình đi đến cuối con đường của bạo lực, ghét ghen và thù oán. Thân xác của Người trở thành hiến vật và giao hoà cho toàn thể nhân loại. Người đã hiến thân xác cho nhân loại để cổ võ tình yêu và sự tha thứ dành cho kẻ thù. Thân xác phục sinh của Đức Giêsu mặc khải lời mời gọi thiết tha nhất dành cho nhân loại.[102]

Ngoài ra, Đức Gioan Phaolô II còn xem cái chết của các vị tử đạo là dấu hiệu khải thắng. Ngài nói: “Đây là một cuộc khải thắng vượt thắng tất cả sự coi khinh và ghen ghét dành cho con người và cho chiều kích thiêng thánh nơi con người – một cuộc hiển thắng giống như của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô trên đồi Calvary.”[103] Qua đó cho thấy Đức thánh cha đã xem cuộc tử đạo là một phần thưởng dành cho những kẻ sống đời tín trung và thánh thiện.

KẾT LUẬN

Có thể nói Đức Gioan Phaolô II đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khơi gợi những suy tư thần học về sự tử đạo trong Giáo hội.[104] Nhãn quan của ngài về sự tử đạo không dừng lại ở những sự kiện diễn ra trong quá khứ mà còn trải rộng trong giây phút hiện tại và hướng đến tương lai. Đấy không chỉ đơn thuần là thần học nhưng là nhân học thần học; cũng không chỉ là giáo hội học nhưng là cánh chung giáo hội học. Đối với ngài, chiều kích thần học và nhân học của sự tử đạo như hai mặt của đồng tiền, được hình thành trong Giáo hội lữ hành, tiến bước về thành Giêrusalem trên trời với niềm hy vọng cánh chung. Theo Đức Gioan Phaolô II, cả bốn chiều kích trên không tách lìa nhau, nhưng ngài đã khéo léo xâu kết chúng trên cùng một sợi chỉ qua phương thức phân tích và tổng hợp của mình.

Sở dĩ Đức Gioan Phaolô II có thể có những quan điểm sáng rõ về thần học tử đạo đến thế, có thể nói vì cuộc đời ngài đã kinh nghiệm sâu sắc về chuyện này. Ở phần đầu, qua những nét khái quát về cuộc đời, đã cho thấy ngài phải đương đầu với các cuộc bách hại bằng niềm tin ra sao, đối phó với chúng bằng lòng yêu mến như thế nào, và niềm hy vọng đã nuôi dưỡng bền bỉ bằng cách nào. Có thể nói những suy tư thấu đáo của Đức Gioan Phaolô II về các vị tử đạo, một mặt vừa tôn vinh các vị, mặt khác cũng cho thấy quá khứ bi thương nhưng hào hùng của vị cha chung của chúng ta.

Thêm nữa, ta cũng nhận thấy những giáo huấn về tử đạo của Đức Gioan Phaolô II không được xây trên một nền tảng mới phát kiến nào. Tất cả đã có đó trong Thánh kinh, trong tư tưởng các giáo phụ, trong truyền thống và các văn kiện của Giáo hội. Điều mới mẻ mà Đức thánh cha làm được đó là ngài đã đưa những tư tưởng này ra khỏi góc khuất bị người ta lãng quên, và đã gieo vào đó những sự mới mẻ của thời cuộc. Chúng khiến người nghe như bị thôi thúc để noi gương các vị tử đạo, làm chứng cho niềm tin của mình.

Một nét đặc sắc khác ta dễ thấy trong lối nhìn về nhân học của Đức Gioan Phaolô II, đó là tính kép có nơi hành động của con người. Kín múc truyền thống Thomis, Đức thánh cha đã cho thấy con người, một mặt vừa là chủ thể của hành động, mặt khác vừa là đối tượng chịu tác động của hành động ấy. Điều này được thấy rõ nơi các vị tử đạo. Nơi các vị này, những hành vi họ thực hiện là những hành vi mang giá trị Tin mừng, mong muốn xây dựng một xã hội nhân văn, tự do, công bình, chân thật. Thế nhưng họ lại phải hứng chịu hệ quả của những hành vi đó bởi những thế lực ác thần ganh ghét. Và để làm chứng cho nỗ lực đích thực của mình, họ đã phải đổ máu.

Và người ta không thể quên những triển khai táo bạo của Đức Gioan Phaolô II về mối liên hệ giữa việc tử đạo và vấn đề đại kết. Những triển khai ấy đã tạo nên những chất vấn trong lối nhìn nhận giá trị của việc tử đạo. Ra như nhiều người đã lãng quên vai trò quan trọng của các chứng nhân trong việc thiết lập một trật tự thế giới mới cũng như sứ điệp mà cái chết của họ mang lại. Điều quan trọng hơn sau những cuộc tưởng nhớ là nỗ lực thực thi mong ước mà các vị tử đạo đã hiến thân.

Cuối cùng, trong những bài giáo huấn của mình, Đức Gioan Phaolô II thường hướng mọi người chiêm ngắm chân dung Đức Maria, Đấng là nguồn trợ lực và gương mẫu cho mọi cuộc tử đạo. Nơi Mẹ, người ta nhận ra tính cách mới mẻ của việc tử đạo. Dưới chân thập giá, tuy không đổ máu, nhưng Mẹ vẫn xứng đáng lãnh nhận ngành lá tử đạo. Chính vì thế, nơi Mẹ, tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo vẫn được người đời ca tụng. Để kết thúc bài viết này, xin được noi theo lời Đức Gioan Phaolô II, dâng lên lời khẩn khoản nài xin: “Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, xin giúp con trở nên chứng nhân tử đạo bằng cách làm chứng trong mọi hoàn cảnh, cho tình yêu Đức Kitô, Đấng mà chúng con tôn thờ.”[105]

 


[1] F. Wilfred, “Martyrdom in Religious Tradition”, Concilium, vol. 39, 2003, 75.

[2]X. Holy See Press Office, “Statistics on the Pontificate of John Paul II”, , 17/06/05. Như sẽ nói sau, đức Gioan Phaolô II đã tuyên phong 1338 chân phước và 402 vị thánh tử đạo.

[3]J. Hardon, “Our Times: The Age of Martyrs”,  http://www.therealpresence.org/eucharist/mir/martyrs.htm.

[4] X. Lc 24,48; Cv 1,8.

[5]O. Semmelroth, “Martyrdom”, Sacramentum Mundi An Encyclopedia of Theology, vol.III, 417.

[6]Benedict XIV, De Servorum Dei Beatificatione et Beatorum Canonizatione, 1839-1841, Lib. III, cap II, I.  voluntaria mortis perpessio sive tolerantia propter Fidem, vel alium virtutis actum in Deum relatum.

[7] J. Sherman, The Nature of Martyrdom, op. cit., 6-9.  Tác giả đã trích lại lời của Đức Benedict XIV, De Servorum Dei Beatificatione et Beatorum Canonizatione, L.III, c.XI, trong Opera Omnia, vol. 1.

[8]B.Wicker, “Conflict and Martyrdom after 11 September 2001”, Theology, vol. 106, 2003, 160.

[9]G.  Faus, “Witness to Love, Killed by Hatred of Love”, Concilium, vol. 39, 2003, 64.

[10] GLHTCG, 2473.

[11]X. R. Allegri, John Paul II: A Life of Grace, M. Williamson, tr., Servant Books, Ohio, 2005, 3.

[12]G. Weigel, Witness to Hope: The Biography of John Paul II, Cliff  Street Books, New York, 1999, 6.

[13] X. R. Allegri, John Paul II: A Life of Grace, M. Williamson, tr., Servant Books, Ohio, 2005, 4.

[14] X. G. Williams, The Mind of John Paul II, Origins of His Thought and Action, The Seabury Press, New York, 1981. The twenty-two meditations, given by Cardinal Wojtyla at the Lenten retreat, are published under the title Sign of Contradiction, Seabury, New York, 1979.

[15] Wojtyla, K., Sign of Contradiction, op. cit., 139.

[16]X. John Paul II, Memory and Identity, Weidenfeld & Nicolson, London, 1988, 179.

[17]John Paul II, Crossing the Threshold of Hope, V. Messori, ed., J. Mc Phee & M. Mc Phee, tr.,  Alfred E. Knof, New York, 1994, 177.

[18]John Paul II, Rise Let us be on Our Way, W. Ziemba, tr., Warner Books, New York, 2004, 191.

[19] X. Redemptoris Missio, 11;  Veritatis Splendor, 90-94;   Vita Consecrata, 24, 86, 93;  Ut Unum Sint,84;   TERTIO Millennio Adveniente, 37;  Ecclesia In Europa, 13;  Ecclesia In Asia, 37;  Christifideles Laici, 39;  Fides Et Ratio, 32, Orientale Lumen, 1 8,19.

[20]J. Hardon, “Our Times: The Age of Martyrs”, <http://www.therealpresence.org.>, op. cit.

[21]X. Holy See Press Office, “Statistics on the Pontificate of John Paul II”, , 17/06/05.

[22]Ignatius, Letter to the Magnesians, 5, The Fathers of the Church, R. Deferrari, et al. eds., G. Walsh, tr., vol. 1, Catholic University of America, Washington, 1969, 97.

[23]X. The Martyrdom of St. Polycarp, 1, 2, The Acts of the Christian Martyrs, H. Chadwick, ed., H. Musurillo, tr., vol. 2, Clarendon Press, Oxford, 1972, 13.

[24]Eusebius, Ecclesiastical History, 5, 2,  The Fathers of the Church, R. Deferrari, et al. eds., R. Deferrari, tr., vol. 19, Catholic University of America, Washington, 1969, 287.

[25]X. L. Bouyer, The Spirituality of the New Testament and the Fathers, Burns & Oates, New York, 1963, 206.

[26]Ibid, 202.

[27]Tertullian, Apology, 50, 13, The Fathers of the Church, H. Dressler, et al. eds., R. Bresmann, tr., vol. 10, The Catholic University of America, Washington, 1950, 125.

[28]Ecclesia In Asia, 49.

[29]X. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, II-II, q. 124.

[30]X. G. Faus, “Witness to Love, Killed by Hatred of Love”, Concilium, op. cit., 60.

[31]X. Lumen Gentium, 42.

[32]X. Lumen Gentium,42, 50;  Gaudium Et Spes,20.

[33] X. J. Sobrino, The True Church and the Poor, Maryknoll, New York, 1981, 173.

[34] X. B. Chenu, et al. eds., The Book of Christian Martyrs, J. Browden, tr., Crossroad, New York, 1990, 15.

[35]X. J. Sobrino, “Our World: Cruelty and Compassion”, Concilium, op. cit, 16-17

[36]John Paul II, Homily for the Beatification of the 44 Martyrs of Brazil (5 March 2000), OR (E), 8 March 2000, 9

[37] X. Tertio Millennio Adveniente, 55.

[38] X. Lumen Gentium, 42.

[39]X. O. Semmelroth, “Martyrdom”, Sacramentum Mundi An Encyclopedia of Theology, op. cit., 418.

[40] X. John Paul II, Homily for the Beatification of Bernhard Lichtenberg and Karl Leisner (23 June 1996), op. cit., 1., Homily for the Beatification of Eight Spanish Martyrs (7 March 1999), op. cit., 1.

[41] X. John Paul II, Homily for the Beatification of the Martyrs of the French Revolution (1 October 1995), L’ Osservatore Romano (English), 4 October 1995, 1.  X. JOHN PAUL II, Address to the Permanent Deacons and their Families during Jubilee Celebration in Rome (19 February2000), L’ Osservatore Romano (English), 23 February 2000, 3.

[42] X. John Paul II, Rise Let Us be on Our Way, W. Ziemba, tr., Warner Books, New York, 2004, 191, 199.

[43] X. John Paul II, Homily for the Beatification of Martyrs of the French Revolution (1 October 1995), op. cit., 1.

[44]X. John Paul II, Homily for the Beatification of the Martyrs of the French Revolution (1 October 1995), op. cit., 1.

[45]X. John Paul II, Homily for the Canonization of Maximilian Kolbe (10 October 1982), L’ Osservatore Romano (English), 18 October 1982, 12.

[46] X. John Paul II, Homily for the Canonization of Edith Stein (11 October 1988), L’ Osservatore Romano (English), 14 October 1988, 1. 

[47] John Paul II, Message for World Mission Sunday (22 February 2005) L’ Osservatore Romano (English), 16 April 2005, 1., Homily for the Beatification of 44 Martyrs (5 March 2000), op. cit., 1.

[48] X. John Paul II, Homily for the Beatification of Eight Spanish Martyrs (7 March 1999), op. cit., 3.

[49] John Paul II, General Audience (22 July 1998), op. cit., 7.

[50] John Paul II, Message for the World Mission Sunday (28 May 1996), L’ Osservatore Romano (English), 13 December, 1996, 3.  

[51]X. R. Royal, The Catholic Martyrs of the Twentieth Century,Crossroad,New York, 2000, 3.

[52] X. John Paul II, Homily for the Beatification of Bernhard Lichtenberg and Karl Leisner (23 June 1996), op. cit., 1.

[53]Ibid.

[54] X. John Paul II, Homily for the Canonization of Edith Stein (11 October 1988), op. cit., 1.

[55] X. John Paul II, Homily for the Beatification of Father Frelichowski (7June 1999), L’ Osservatore Romano (English), 16 June 1999, 2.  X. Dominum et Vivificantem, 60

[56]Veritatis Splendor, 91.

[57]X. Veritatis Splendor,91-93.

[58] X. John Paul II, Homily for the Canonization of Maximilian Kolbe (10 October 1982), L’ Osservatore Romano (English), 18 October 1982, 1.

[59] X. Ibid.

[60] X. John Paul II, Address to the Diplomatic Corps Accredited to the Holy See (12 January 2004), L’ Osservatore Romano (English), 21 January 2004, 1.

[61]  Ibid,

[62] John Paul II, Homily for the Mass for the Martyrs of the Second World War at Bydgoszcz (7 June 1999), L’ Osservatore Romano (English), 16 June 1999, 7.

[63] John Paul II, Homily for the Beatification of Father Frelichowski (7 June 1999), L’ Osservatore Romano (English), 16 June 1999, 2.

[64] X. R. Fisichella, “Martyr”, Dictionary of Fundamental Theology,  R. Latourelle, ed., Crossroad, New York, 1990, 620.

[65] X. G. Jeffrey, The Signature of God, Frontier Research Publications, Canada, 1996, 254-257.

[66] X. J. Hardon, “Our Times: The Age of Martyrs”, <http://www.therealpresence.org>, op. cit., 29/03/08.

[67]Christifideles Laici, 39.

[68] X. R. Fisichella, “Martyr”, Dictionary of Fundamental Theology,  op. cit., 621

[69]Incarnationis Mysterium, 13.

[70] “Martyrdom: Believer’s Witness to God’s Love”, <http://www.columba.edu/cu/auustie/a/unique 7: html>, 29/3/05.

[71] John Paul II, Homily for the Beatification of Father Frelichowski (7 June 1999), L’ Osservatore Romano (English), 16 June 1999, 2.

[72] John Paul II, Homily for the Beatification of 44 Martyrs (5 March 2000), L’ Osservatore Romano (English), 8 March 2000, 9.

[73] Ecclesia in Europa, 13.  X. Angelus Address (25 August 1996), L’ Osservatore Romano (English), 28 August 1996, 8.

[74] X. John Paul II, Thư gửi hồng y Carlo Maria Martini nhân 750 năm kỷ niệm cuộc làm chứng của thánh Phêrô tử đạo (25/03/2002) trong L’ Osservatore Romano (01/05/2002). Thánh Phêrô tử đạo là một tu sĩ dòng Đaminh, bị sát hại ngày 06/04/1252. Trích lời của thánh Catharine thành Siena viết về cuộc tử đạo của thánh Phêrô, Đức Gioan Phaolô II nói: “Tâm hồn nung nấu nhiệt tâm bảo vệ đức tin, được thiêu đốt bởi tình yêu thiêng thánh, người mãi luôn là ‘ngọn đèn soi chiếu đêm đen cho nhiều dân ngoại’.”

[75] X. John Paul II, General Audience (29 Sept 1982), L’ Osservatore Romano (English), 4 October 1982, 12.

[76] X. Ecclesia In Europa, 13.

[77] R. Fisichella, “Martyr”, Dictionary of Fundamental Theology,  R. Latourelle, ed., Crossroad, New York, 1990, 628.

[78] X. Unitatis Redintegratio, 4.

[79]Ecclesia In Europa, 13.

[80] John Paul II, Angelus Address (25 August 1996), L’ Osservatore Romano (English), op. cit., 8.

[81] X. Ut Unum Sint, 90, 103.

[82] John Paul II, Address to the Official Delegation from Bulgaria Visiting Rome to Celebrate the Feast of Sts. Cyril and Methodius (23 May 1996), L’ Osservatore Romano (English), 28 June 1996, 4.

[83]  Đức Gioan Phaolô II phân biệt hai khái niệm “hiệp thông trọn vẹn” (full communion) và “hiệp thông từng phần” (partial communion). Sự hiệp thông trọn vẹn không đòi hỏi hoàn toàn đồng nhất về truyền thống giáo luật, phụng vụ, thần học và tu đức.

[84]Ut Unum Sint, 84. X. John Paul II, Apostolic Letter for the Fourth Centenary of the Union of Brest (12 November 1995), 8.

[85]Ut Unum Sint, 83. Đức thánh cha định nghĩa đối thoại đại kết như là “đối thoại hoán cải” (x. Ut Unum Sint, 35) với hai chiều kích “ngang” và “dọc”. Đối thoại chiều ngang là đối thoại giữa các giáo hội và cộng đoàn Hội thánh. Đối thoại hoán cải thuộc về chiều dọc, diễn ra giữa những người tin vào Thiên Chúa. Đây là một nét căn bản trong đối thoại đại kết. (x. Ut Unum Sint, 82).

[86] X. John Paul II, Crossing the Threshold of Hope, V. Messori, ed., J. Mc Phee & M. Mc Phee, trs.,  Alfred E. Knof, New York, 1994, 179.

[87] X. John Paul II, Bài giảng tại lễ phong Chân phước 108 vị tử đạo trong Đệ nhị thế chiến (13/06/1999), op. cit., 13.

[88]Ecclesia In Europa, 13.

[89] X. Ecclesia In Europa, 13.

[90]Evangelium Vitae, 67.

[91]  X. Ecclesia In Europa, 13.

[92] John Paul II, Homily for the Beatification of 27 Greek Catholic Martyrs (27 June 2001), L’ Osservatore Romano (English), 4 July 2001, 6.

[93] X. J. Pico, “The Hope Born of the Martyr’s Love”, Concilium, vol. 39, 2003, 134.

[94] X. Veritatis Splendor, 28.

[95] X. John Paul II, Apostolic Letter of the Union of the Greek Catholic-Church of Romania with the Church of Rome (7 May 2000), 7.

[96] John Paul II, Memory and Identity, Weidenfeld & Nicolson, London, 1988, 3.  

[97] C. Straw, “A Very Special Death”: Christian Martyrdom in its Classical Context”, Sacrificing the Self: Perspectives on Martyrdom and Religion, M. Cormack, ed., Oxford University Press, New York, 2000, 39.

[98] John Paul II, Message for the World Mission Day (11 June 1995), L’ Osservatore Romano (English), 21 June 1995, 3.

[98] X. Veritatis Splendor, 28.

[99] John Paul II, Angelus Address (26 December 2003), in OR (I), 28 December 2003, 8.  X. F. Murphy, “Martyrium”, New Catholic Encyclopedia, B. Marthaler, et al. eds., vol. 9, Mc Graw-Hill, Washington, 1967, 231.

[100]  X. A. Sicari, “God Enters into Flesh and Flesh Enters into God”, Communio, vol. 17, 1990, 4.

[101] Ibid.

[102] X. S. Porteous, “What Value have Martyrs in a Secular Society?” Congregation for the Clergy- Smart CD- the Document, 28/05/2004.  X. Veritatis Splendor, 89.

[103] Ibid.

[104] X. R. Spiazzi, “Historical Memory and Theological Conscience of Martyrdom as a Dimension of Mission”, Omnis Terra, vol. 266, 1996, 95.

[105] John Paul II, Angelus Address (26 December 2003), op. cit., 8.