Giáo hội và các dân tộc bản địa ở Á châu

0
1630

Sebastian Karotemprel

Năm 2017 không chỉ là kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức ASEAN (8/8/1967), nhưng còn kỷ niệm 10 năm ngày tuyên ngôn của Liên Hợp quốc về những quyền lợi của các dân tộc bản địa (UN Declaration of the Rights of Indigenous Peoples UNDRIP) được biểu quyết ngày 13/9/2007[1]. Các dân tộc này chiếm một tỉ lệ đáng kể trong tổng số dân cư tại Á châu nói chung và tại Đông Nam Á nói riêng. Dưới khía cạnh truyền gíao, các dân tộc này dễ đón nhận Tin mừng hơn là các dân tộc đa số. Không lạ gì mà các dân tộc bản địa đã được các giám mục châu Á quan tâm, chẳng hạn như tại Thượng hội đồng giám mục khóa đặc biệt dành cho Á châu (Roma 1998, x. tông huấn Ecclesia in Asia, các số 7; 34; 50), và các đại hội của Liên hiệp các Hội đồng giám mục Á châu (FABC, chẳng hạn như khóa họp tại Xuân Lộc năm 2012 số 22). Tài liệu sau đây được soạn cho đại hội khóa VII (năm 2000), do cha Sebastian Karotemprel SBD (1933-2014), giáo sư Học viện Thánh Tâm tại Shillong (Ấn độ) và đại học Urbaniana (Roma), từng là thành viên của Ủy ban thần học quốc tế hai nhiệm khóa. Bài được đăng trên FABC Papers n.92g,  “The Indigenous / Tribal Peoples and a New Church in Asia”.

Tóm tắt. 1) Nhập đề. 2) Các dân tộc bản địa. 3) Một khái niệm về các dân tộc bản địa. 4) Bản đồ các dân tộc bản địa. 5) Công cuộc loan báo Tin mừng tại các dân tộc bản địa. 6) Những vấn đề, thách đố và cơ may cho cuộc loan báo Tin mừng. 7) Kết luận

Viết tắt: DTBĐ = Dân tộc bản địa.

—————————–

1. NHẬP ĐỀ

Từ công đồng Vaticanô II, Hội thánh tại Á châu đang trên tiến trình đổi mới. Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) là một nhân tố lớn trong tiến trình này. Thượng hội đồng giám mục khóa đặc biệt về Á châu (từ 18/4 đến 14/5 năm1998) là một thời điểm rất quan trọng trong việc đổi mới của Giáo hội tại Á châu. Tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Asia của đức thánh cha Gioan Phaolô II (6/11/1999) đã mở ra một giai đoạn mới cho cuộc đổi mới bên trong Giáo hội và trong công tác phục vụ các dân tộc Á châu.

Trong số đông đảo  các dân tộc Á châu, các DTBĐ có mối tương quan đặc biệt đối với đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Một con số đáng kể các DTBĐ đã đón nhận Tin mừng, và còn tiếp tục như vậy. Vì thế, cần phải suy xét về sứ mạng của Giáo hội đối với các dân tộc bản địa, và các phạm vi cần được đổi mới trong lãnh vực này.

2. CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA / THỔ DÂN

Trước khi đề cập đến sứ mạng của Giáo hội đối với các DTBĐ, cần phải giải thích các từ ngữ.  Trong quá khứ, nhiều thuật ngữ đã được sử dụng để gọi các dân tộc bản địa: các thổ dân / bộ lạc (Tribal Peoples), bản địa (Indigenous Peoples), tôn giáo vật linh (Animists), dân tộc bán khai / hoang sơ (Primal Peoples), dân tộc truyền khẩu (Peoples of Oral Tradition), các dân tộc không có chữ viết (Pre-literate Peoples), các dân tộc thiểu số về ngôn ngữ và văn hóa (Linguistic and Cultural Minorities), các dân tộc theo tôn giáo cổ truyền (Peoples of Traditional Religion). Những từ ngữ này mang ý nghĩa khiếm khuyết, hoặc khinh miệt, hoặc không được chính xác theo quan điểm xã hội học. Mặt khác, không có từ ngữ nào được quốc tế đồng thanh chấp nhận. Chẳng hạn như thuật ngữ “dân tộc bản địa” (indigenous peoples) đã được Liên Hợp quốc sử dụng nhưng bị chính quyền Ấn độ và Bangladesh bác bỏ bởi vì nó kèm theo quyền tự quyết. Tại vài nơi, “thổ dân” có nghĩa là kém văn minh. Từ “tôn giáo vật linh” không phản ánh trung thực tín ngưỡng của các dân này.  Đôi khi họ được gọi là “dân tộc thiểu số”, nhưng trên thực tế họ có thể là một số đông tại vùng đang cư ngụ, hoặc đã có thời mà họ là đa số ở nơi đó [2].

3. MỘT KHÁI NIỆM VỀ CÁC DTBĐ

Mặc dù không có một từ ngữ nào diễn tả được thực chất của các DTBĐ, nhưng không thể nào phủ nhận sự hiện diện của họ trên thế giới ngày nay. Chúng ta tạm hiểu đặc tính “bản địa” ám chỉ một tâm thức, một cách tổ chức xã hội, một vị trí địa lý, một thế giới quan đặc biệt, một nhân sinh quan đặc biệt, một khối các giá trị điều khiển lối sống, một cách thức liên lạc với thiên nhiên và thế giới thần linh.

Tiếc rằng, không có một từ ngữ nào diễn tả được hết tất cả những ý nghĩa vừa kể. Vì thế, chúng ta bắt buộc phải tiếp tục sử dụng từ ngữ bất toàn để ám chỉ thực chất với một nội dung rất phong phú[3].

a. Tổ chức xã hội

Trong tổ chức xã hội, các DTBĐ được chia thành gia đình, làng, tộc, bộ lạc. Họ gắn bó chặt chẽ với nhau nhờ những quy định của truyền thống, những cấm kỵ và tục lệ. Trong thể chế độ sắc tộc, cộng đồng giữ vị trí ưu tiên hơn các cá nhân. Tuy vậy các cộng đồng sắc tộc cũng mang tính dân chủ trong cách đối xử với nhau.

Mỗi sắc tộc họp thành một đơn vị xã hội chặt chẽ. Mặc dầu có những đặc tính chung tạo nên một danh xưng chung, nhưng sự cô lập về địa lý, ngôn ngữ và hành chánh khiến họ không có một kế hoạch hoạt động chung giống như các xã hội tiến bộ. Sự cô lập giữa các sắc tộc đôi khi đưa đến các cuộc giao tranh và thanh lọc sắc tộc; từ đó từ ngữ “sắc tộc” (hoặc bộ lạc) dễ gợi lên hình ảnh tiêu cực.

b. Một thế giới quan khác biệt

Các DTBĐ có một thế giới quan khác biệt với các dân tộc khác. Họ tiếp xúc với thế giới thần linh, mà họ nhìn nhận một vị thượng đế. Họ trông mong về thế giới bên kia để được gặp gỡ tổ tiên. Đời sống luân lý của họ được điều hành bởi những lệnh cấm, nhằm xoa dịu cơn giận của các thần linh và các tổ tiên. Nhiều DTBĐ có những truyền ký liên quan đến tình trạng sa ngã từ tình trạng “ân sủng” hoặc “hạnh phúc” nguyên khởi, và mong chờ sự cứu độ.

c. Gắn bó với thiên nhiên

Các DTBĐ sống liên kết với thiên nhiên và trái đất. Thiên nhiên và trái đất mang tính linh thiêng. Điều này giải thích vì sao họ coi vài ngọn núi, rừng, sông, tảng đá, vv. như là linh thiêng, và đáng sợ. Đối với họ, thần linh cách nào đó hoạt động trong thiên nhiên.

d. Truyền khẩu

Một đặc trưng nữa của các DTBĐ là truyền khẩu, khác với lưu truyền bằng chữ viết. Sự khôn ngoan và gia sản của tổ tiên được truyền lại cho hậu thế bằng truyền khẩu qua những truyền kỳ, thần thoại, biểu tượng. Vì thế triết lý sống của họ không được diễn đạt qua các ý niệm hoặc hệ thống triết học, nhưng qua các câu chuyện, các hành vi biểu trưng.

e. Kế thừa và quyền bính

Các DTBĐ có những đường lối thừa kế và nối nghiệp khác nhau, được điều hành tùy theo mẫu hệ, phụ hệ trong gia đình. Các luật lệ thừa kế tuân theo hệ thống tổ chức gia tộc. Việc thi hành quyền bính và trách nhiệm gia đình cũng được quy định bởi một hệ thống riêng của các DTBĐ.

Cuộc sống của các DTBĐ mang đậm những nét của các quan điểm vừa kể; điều này khiến cho họ khác với các dân tộc hoặc tín đồ của các tôn giáo quen gọi là cổ điển. Ngoài ra, các nhân tố, tựa như sự sinh tồn, thiếu chữ viết, xa cách địa lý, khiến cho họ ít giao lưu với các dân tộc khác, để thay đổi nếp sống. Điều này thường đưa đến tình trạng bị loại trừ về xã hội, kinh tế và văn hóa, và thậm chí đưa đến tình trạng bị khai thác về quân sự, chính trị và kinh tế.

4. BẢN ĐỒ CÁC DTBĐ TẠI Á CHÂU

Theo ông Barrett, vào cuối năm 1999, trên thế giới có khoảng 260 triệu người theo đạo “bản địa”[4]. Tuy nhiên, con số này không bao gồm những DTBĐ đi theo các đạo khác, tựa như Ấn giáo, Hồi giáo, Kitô giáo. Trong khoảng không gian trải dài từ Pakistan cho đến Philippines, có những vùng tập trung đông đảo các DTBĐ.

a. Vấn đề thống kê

Không thể nào có những con số chính xác về các DTBĐ tại Á châu vì lý do khó thiết lập bản thống kê tại những vùng xa xôi hẻo lành, lại còn chuyện tráo trộn các dữ kiện nhằm mục tiêu chính trị hoặc tôn giáo. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng, do nhiều nhân tố tựa như di dân, hòa đồng văn hóa, tiến trình kinh tế, chính trị, hành chánh, nhiều DTBĐ đã vượt qua lằn ranh của các “sắc tộc” để trà trộn giữa người “kinh”. Tuy vậy, họ vẫn duy trì vài nét riêng biệt của sắc tộc về nhân văn và tâm lý.

b. Sự hiện diện của các DTBĐ tại Á châu

Nước Pakistan có khoảng một triệu người DTBĐ, nghĩa là chưa đến 1% dân số. Ngược lại, Ấn độ có đến hàng trăm triệu người DTBĐ, đa số sống tại “vòng đai sắc tộc” ở mạn Bắc và Đông Bắc. Miền Bắc Myanmar và Thái Lan có một số đáng kể các DTBĐ. Indonesia là một quốc gia có một số đáng kể các DTBĐ cũng như số người vượt qua lằn ranh giữa “sắc tộc” và “kinh”. Thật là khó nắm được con số chính xác các DTBĐ bởi vì các nguyên tắc và phương pháp xác định dân số thay đổi từ nước này qua nước khác, và không hẳn là hoàn chỉnh.

Philippines có khoảng độ bảy triệu DTBĐ, tức là 10% dân số. Ở Đài Loan, con số những DTBĐ rất thấp. Các thống kê của chính phủ Thái Lan cho biết số các DTBĐ ở miền Bắc khoảng một triệu người. Ở Bangladesh dân số các DTBĐ chiếm 1%, nghĩa là khoảng 1.2 triệu người. Số DTBĐ ở Nhật bản ít ỏi, cách riêng tại Okinawa.

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng khoảng độ 10% dân số Á châu thuộc các DTBĐ. Số ước lượng này gần sát với ước tính của David Barrett, một chuyên gia trong ngành thống kê truyền-giáo-học. Con số này lên cao hơn nếu chúng ta tính cả những dân tộc có nguồn gốc bản địa nhưng theo dòng thời gian đã được xếp vào các nhóm cao hơn[5].

Hẳn nhiên những nhân tố trên đây ảnh hưởng đến công cuộc loan báo Tin mừng tại Á châu. Điều này cũng ảnh hưởng đến khuôn mặt của các giáo hội địa phương xuất hiện tại các quốc gia có các DTBĐ. Phương pháp loan báo Tin mừng, cách tổ chức giáo hội, việc hội nhập văn hóa trong lãnh vực phụng vụ và thần học, các khuôn mẫu linh đạo và tu trì cần phải nghiên cứu những quan điểm và văn hóa của các DTBĐ.

5. CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG CHO CÁC DTBĐ

Tại vài nước Á châu, việc loan báo Tin mừng cho các DTBĐ đã được thực hiện từ các thế kỷ XVI và XVII. Đó là trường hợp của Timor và một vài đảo của Indonesia như là Flores. Tại Ấn độ, Myanmar và Thái lan, việc truyền giáo cho các DTBĐ bắt đầu từ thế kỷ XIX.

Nói chung, trong các thế kỷ XVI – XVIII, hầu như nỗ lực truyền giáo nhắm đến các dân tộc lớn tại Á châu, hoặc giai cấp tiện dân (dalit) ở Ấn độ. Chỉ từ thế kỷ XIX-XX, các thừa sai mới khám phá sự hiện hữu của các cộng đồng DTBĐ và đến giảng đạo cho họ.

Cuộc gặp gỡ giữa Giáo hội và các DTBĐ đã được giải thích khác nhau bởi các sử gia ngoài Kitô giáo, các nhà xã hội học, các nhà thần học, các sử gia, và do chính các DTBĐ. Để được công minh, cần phải lắng nghe tất cả các ý kiến ấy ngõ hầu có thể giải thích khách quan về cuộc gặp gỡ giữa Tin mừng và các DTBĐ.

a. Những khía cạnh tích cực và tiêu cực của cuộc gặp gỡ

Mặc dù có những thiếu sót, thất bại và đôi khi cả những thái độ tiêu cực đối với văn hóa địa phương, nhưng phải nhìn nhận rằng những gì mà các DTBĐ có được ngày hôm nay là nhờ cuộc gặp gỡ của họ với đức tin Kitô giáo và Giáo hội. Mặt khác, các thừa sai đã hành động dựa trên những tiền đề thần học và truyền-giáo-học của thời đại. Hậu quả là họ đã không quan tâm đúng mức đến văn hóa địa phương và đến việc du nhập các biểu tượng văn hóa vào đời sống, phụng vụ và thần học Kitô giáo. Nói chung, các khuôn mẫu của Giáo hội, phụng vụ, thần học, linh đạo và tổ chức đều chịu ảnh hưởng của Tây phương, và điều này dễ hiểu. Họ đã không đặt nặng việc đối thoại với các văn hóa địa phương, truyền khẩu, triết lý và vũ trụ quan của người địa phương.

Về mặt tích cực, nhiều vị thừa sai đến các quốc gia Á châu đã bênh vực quyền lợi của các DTBĐ. Tin mừng đã gieo men mới gây ra tác dụng sâu xa không chỉ trong phạm vi tín ngưỡng mà còn về toàn diện cuộc đời của các DTBĐ. Cuộc gặp gỡ của các DTBD Á châu với Tin mừng đã cứu vãn họ, không những thoát khỏi cảnh lầm than mà còn khỏi bị hủy diệt. Đó là trường hợp của các DTBD ở Trung Ấn độ như họ đã nhìn nhận. Giáo hội đã trở thành dụng cụ của trời cao đến cứu họ.[6]

b. Ủng hộ căn tính bản địa

Giáo hội nhiều lần đã bảo vệ để các DTBD khỏi mất căn tính của mình, hoặc giúp cho họ thoát khỏi tình trạng bị loại trừ về kinh tế, chính trị và văn hóa. Dĩ nhiên là một khi một tộc  người được hòa nhập vào cộng đồng lớn hơn, thì họ sẽ mất đi căn tính của sắc tộc. Điều này xảy ra trong vấn đề ngôn ngữ. Các DTBĐ thường không có chữ viết. Sự kiện không có chữ viết mang theo nhiều hệ lụy, bởi vì chữ viết và văn chương là những nhân tố lớn trong việc bảo vệ căn tính của sắc tộc.

Nhờ việc du nhập chữ viết vào các ngôn ngữ các DTBĐ và tạo ra những cấu trúc ngữ pháp và ngữ văn, các thừa sai đã góp phần vào việc duy trì và củng cố cho căn cước của các DTBĐ.  Cũng vậy, nhờ việc tạo ra một văn chương tôn giáo và lịch sử mà căn tính của bộ tộc được thiết lập vững bền.

Thông thường, các cộng đồng dân tộc lớn áp đặt ngôn ngữ của mình trên các nhóm thiểu số như là một công cụ để đồng hóa. Nhờ được hưởng nền giáo dục ở mọi cấp từ tiểu học đến đại học, các DTBĐ có khả năng chống lại những mưu toan của các cộng đồng lớn muốn hủy diệt căn tính của mình.

c. Ý thức mới về chính trị và xã hội

Giáo dục đã mang lại cho các DTBĐ một ý thức chính trị. Hậu quả là các DTBD ở Ấn độ đã tạo ra những tiểu bang BĐ, đảm nhận trách nhiệm làm chủ vận mệnh của mình. Để có thể có những đơn vị hành chính, chính trị và kinh tế, các DTBĐ trước đây sống tách rời khỏi cộng đồng đa số và sống tách rời nhau, giờ đây đã xích lại gần nhau. Nhờ vậy, các cuộc tranh chấp và xung đột giữa các bộ tộc, tuy chưa được loại bỏ hoàn toàn, nhưng đã bắt đầu giảm bớt.

d. Bản địa hóa các Giáo hội địa phương

Công cuộc truyền giáo tại Á châu đã nảy sinh nhiều giáo hội địa phương tại các DTBĐ. Trải qua nhiều thế hệ, các giáo hội do các thừa sai điều khiển đã dần dần chuyển sang tiến trình có thể gọi là “bản địa hóa”. Các giáo hội địa phương đã đi vào con đường hội nhập văn hóa trong nhiều lãnh vực: phụng vụ, huấn giáo, cơ cấu, tổ chức, sự tham gia của giáo dân, vv. Việc “bản địa hóa” các cơ quan lãnh đạo, hàng giáo sĩ và tu sĩ đã mang lại nhiều sắc thái “bản địa” trong các giáo hội địa phương. Việc “bản địa hóa’ Giáo hội cũng ảnh hưởng đến căn tính của bản địa và mối tương quan với cộng đồng đa số. Các cộng đồng đa số đã bắt đầu nhìn nhận cho các cộng đồng sắc tộc được bình đẳng trong lãnh vực giáo dục, y tế, hoạt động chính trị, vv. Các cộng đồng đa số không thể nào làm ngơ sự hiện hữu của các DTBĐ nữa.

e. Nhìn nhận phẩm giá của các DTBĐ

Trước đây, các cộng đồng bản địa hoặc là hoàn toàn không được nhắc đến, hoặc được lưu trữ trong bảo tàng viện nhân văn, hoặc trở thành đối tượng cho các cuộc khai thác thương mại, làm công rẻ tiền trong những xí nghiệp của cộng đồng đa số, hoặc làm công cho các chủ nhân Á châu. Họ thường bị xua đuổi khỏi lãnh thổ của mình, hoặc phải chứng kiến những cuộc khai thác rừng rú hay các hầm mỏ. Cuộc giao tranh tại Đông Timor là một thí dụ. Người ta cho rằng có nhiều giếng dầu khí ở ngoài khơi của đảo, vì thế quyền lợi kinh tế của cộng đồng đa số không cho phép các DTBĐ được độc lập.

Khi đến với các DTBĐ, Giáo hội, bằng lời nói và việc làm, nhìn nhận và ủng hộ phẩm giá, sự bình đẳng và nhân quyền của các DTBĐ. Cho đến nay, có lẽ chưa có tôn giáo nào tỏ ra quan tâm đến các DTBĐ. Chúng tôi nghĩ rằng đây là thành quả độc đáo của cuộc gặp gỡ giữa Tin mừng và các DTBĐ. Việc “sắc tộc hóa” Giáo hội là một lời công bố hùng hồn về phẩm giá và sự bình đẳng của tất cả mọi dân tộc. Một thí dụ điển hình là giám mục Carlos Filipe Ximenes Belo[7] và Giáo hội Công giáo tại Đông Timor. Giáo hội là một trong số ít lực lượng xã hội ủn hộ phẩm giá của các DTBĐ và quyền lợi của họ.

f. Một thế giới quan “Công giáo”

Cuộc gặp gỡ với Tin mừng đã giúp cho các DTBĐ đẩy mạnh tiến trình ra khỏi sự cô lập của bộ lạc. Giáo hội là một cộng đồng quốc tế, và bất kỳ ai trở thành phần tử của Giáo Hội thì đương nhiên được đưa vào tiếp xúc với một cộng đồng quốc tế, và hậu nhiên, với những truyền thống nghìn năm về kiến thức, khuôn mẫu quản trị, triết lý, nghệ thuật, ngoại giao, và nhiều nguồn lực mà không có thể chế nào trên thế giới có thể sánh được.

Giáo hội mang đến một thế giới quan mới, không phải để thay thế nhưng là để bổ túc cho thế giới quan của DTBĐ. Điều này ảnh hưởng đến ý thức về bộ lạc và những tương quan giữa các thành viên với nhau và với các nhóm đa số, gây ra một tiến trình tương tác ở nhiều cấp độ.

g. Hỗ trợ việc hiện đại hóa

Đặc biệt trong hai thế kỷ gần đây, các DTBĐ đã phải đương dầu với một tiến trình hiện đại hóa với những hệ quả tính cực cũng như tiêu cực. Tiến trình hiện đại hóa vốn luôn tác dụng trong lịch sử và sẽ còn tiếp tục mãi. Đó là một tiến trình tất nhiên. Không cộng đồng nào có thể tránh né tiến trình ấy.

Trong những thế kỷ gần đây, tiến trình hiện đại hóa bất thần ập xuống các DTBĐ với một mãnh lực khác thường. Đương đầu với tiến trình hiện đại hóa là một việc khó khăn, cách riêng đối với những cộng đồng sinh sống cô lập. Đứng trước các trào lưu hiện đại hóa, các cộng đồng có nguy cơ xóa nhòa những giá trị tôn giáo và văn hóa của mình. Giáo hội đã giúp cho các DTBĐ có thể đương đầu với sức mạnh lôi cuốn của hiện đại hóa mà không hoàn toàn mất sự quân bình văn hóa, xã hội, tín ngưỡng của mình.

Trong nhiều trường hợp, Giáo hội cũng có thể đã góp phần cách miễn cưỡng vào tiến trình hiện đại hóa, nhưng đồng thời đã trang bị cho các DTBĐ một tổng bộ các giá trị mới hay bổ túc để bảo vệ các giá trị tín ngưỡng và văn hóa cổ truyền, tuy không phải lúc nào cũng thành công. Giáo hội đã cung cấp cho các DTBĐ một cộng đồng mới để họ gia nhập, một nền văn hóa mới để họ sinh sống, nhờ đó họ có thể giảm thiểu những hệ quả tiêu cực của việc hiện đại hóa. Dĩ nhiên là không cơ quan nào, kể cả Giáo hội, có thể kiểm soát tất cả các lực lượng tác dụng vào tiến trình hiện đại hóa, chẳng hạn, chính phủ, các ý thức hệ, các triết lý sống, các phương tiện truyền thông và các nhân tố xã hội khác.

6. NHỮNG VẤN ĐỀ, THÁCH ĐỐ VÀ CƠ MAY CHO CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG

Các vấn đề mà DTBĐ phải đương đầu thay đổi tùy theo nơi mà họ đang ở, và những điều kiện xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị của họ. Vì thế những vấn đề và cơ may cho cuộc loan báo Tin mừng khác nhau tùy mỗi quốc gia Á châu.

a. Chuyển nhượng và Khai trừ

Xét về mặt kinh tế, văn hóa và chính trị, những cộng đồng lớn tiếp tục xua đuổi các DTBĐ ra khỏi chỗ ở tự nhiên của mình đến những khu vực biên cương xa hơn nữa xét về địa lý và văn hóa. Vì thế sự chuyển nhượng đất đai rất thường xảy ra. Các công ty với số vốn đầu tư dồi dào mua đất đai của các DTBĐ là nguồn tư bản điền thổ và dụng cụ thương mại, đưa đến những cuộc di dân với mức độ rộng lớn. Các DTBĐ ít biết đến tầm mức chuyển nhượng và di dân đang xảy ra.

Giáo hội có thể trở thành cơ quan gây ý thức cho các DTBĐ tại địa phương của mình. Giáo hội có thể cung cấp những hỗ trợ pháp lý để ủng hộ cuộc tranh đấu của các DTBD. Giáo hội có thể quy tụ các DTBĐ đang tản mác thành những tác nhân biết liên kết cách hữu hiệu để khởi động những tố quyền chống lại tiến trình chuyển nhượng và di dân.

b. Khai thác văn hóa và Áp đặt

Một số những DTBĐ đang là nạn nhân của việc khai thác văn hóa và áp đặt. Các cộng đồng lớn không lúc nào cũng nhìn nhận những giá trị của các nền văn hóa bản địa. Xét vì văn hóa bộ lạc còn sơ khai, cho nên chúng bị xem là không hợp tiêu chuẩn và không có cơ hội để phát triển.

Bên cạnh việc khai thác văn hóa là việc áp đặt văn hóa. Ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật và chữ viết của cộng đồng lớn thường được áp đặt lên các DTBĐ trái với ý muốn của họ. Hậu quả là ngôn ngữ và các tác phẩm nghệ thuật của họ không còn cơ may để phát triển.

Giáo hội có thể kêu gọi lương tri của các cộng đồng lớn, và nâng đỡ các DTBĐ trong việc bảo vệ quyền lợi của họ. Giáo hội có thể giúp thăng tiến văn hóa của các sắc tộc bằng cách nân đỡ các hạ tầng cơ sở, nhờ việc giáo dục, nghiên cứu, xuất bản các tác phẩm văn chương của họ.

c. Sự loại trừ chính trị

Tại vài nước Á châu, các DTBĐ bị đối xử như các công dân hạng hai, hoặc không được nhìn nhận như công dân, vì thế không được hưởng quyền công dân. Đôi khi họ bị nghi ngờ là thù địch của quốc gia, nguy hại cho chiến lược hoặc môi sinh.

Ở vài quốc gia, các DTBĐ được hưởng vài đặc quyền, chẳng hạn như được dành một số ghế tại quốc hội hoặc chính phủ, hoặc các cơ sở của nhà nước. Ở nơi khác, thì các DTBĐ không được hưởng những đặc ân đó vì những lý do kỹ thuật. Tình trạng kỳ thị này khiến cho họ cứ ở mãi trong tình trạng lạc hậu về chín trị, văn hóa và kinh tế.

Nhiều quốc gia Á châu đã thiết lập những ủy ban chính phủ nhằm bảo vệ và thăng tiến các nhóm thiểu số. Giáo hội có thể hoạt động trong các ủy ban ấy để giúp cho các dân tộc hiểu biết nhau, xóa bỏ các thành kiến hoặc hình ảnh tiêu cực giữa các bên.

Giáo hội cũng có thể gây ý thức cho các DTBĐ biết về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình chiếu theo hiến pháp và luật pháp mỗi nước. Giáo hội có thể ủng hộ tinh thần cho những cuộc tranh đấu của họ để đòi những quyền lợi về pháp luật và kinh tế.

d. Khai thác và kỳ thị kinh tế

Tại những nơi mà các DTBĐ là thiểu số, thì họ phải chịu nhiều thiệt thòi do những hình thức khai thác và kỳ thị kinh tế. Các mảnh đất giàu mỏ quặng dễ bị chiếm đoạt mà không được bồi thường tương xứng. Rất ít lợi nhuận được tái đầu tư vào các dự án nhắm giáo dục và phát triển các DTBĐ.  Nhiều công trình xây đập hoặc khu công nghệ được thiết kế trên những vùng đất mà các DTBĐ đang cư ngụ. Điều này dẫn đến việc di chuyển các làng mạc của họ. Các quyền lợi của các DTBĐ bị giày xéo bởi những phe nhóm tài phiệt hoặc quân sự được chính phủ hậu thuẫn.

Giáo hội có thể tham gia các tổ chức thiện nguyện để ủng hộ quyền lợi của các DTBĐ, vì nhắm đến ích lợi chung cho hết mọi người. Giáo hội có thể giúp vào việc soi sáng và huấn luyện lương tâm của các chính phủ, các cơ quan tài chính, các doanh nhân, để họ mở rộng tầm nhìn xa hơn các lợi ích kinh tế. Nhân vị phải là khởi điểm và đích điểm của tất cả mọi dự án kinh tế, công nghệ và chính trị.

e. Vai trò trung gian và hòa giải

Thường có những nghi ngờ và kình địch sâu xa giữa các DTBĐ với nhau và với cộng đồng thống trị. Tại vài miền Á châu, những vụ xung đột giữa các bộ lạc và những phong trào ly khai không phải là điều họa hiếm. Những cuộc nổi dậy và vụ bạo động là biện pháp cuối cùng của một vài DTBĐ hoặc nhóm thiểu số.

Giáo hội có thể đóng vai trò trung gian và hòa giải khi nào có thể được. Đôi bên có thể được thuyết phục hãy nhìn đến những lợi ích dài hạn nhờ dung hòa các quan điểm và ích lợi, hơn là các sự giao tranh. Những lợi ích của các công trình công nghệ và phát triển cần phải hòa hợp với các quyền lợi của những thành phần yếu ớt và sự thăng tiến con người. Do đó, sứ mạng tinh thần của Giáo hội làm trung gian và hòa giải sẽ được mở rộng sang lãnh vực chính trị và kinh tế.

Giáo hội cũng cần phải giao hòa giữa những giai tầng của xã hội, khi sự kình địch có thể xảy ra giữa những thành phần tiến bộ của các DTBĐ đã trở thành Kitô hữu, và những thành phần còn lại vẫn tiếp tục thực hành tín ngưỡng cổ truyền. Bằng lời nói và hành động, Giáo hội cũng cần trấn an rằng thế giới quan và các giá trị cốt lõi của các họ sẽ không bị thay thế với những thế giới quan và giá trị khác; trái lại chúng được tôn trọng và duy trì nơi các phần tử theo Kitô giáo. Nhờ vậy, sẽ tránh được những căng thẳng trong nội bộ các sắc tộc hoặc những phong trào chống đối Kitô giáo.

f. Các giá trị của Kinh thánh và các giá trị của văn hóa thiên nhiên

Có nhiều giá trị của văn hóa các DTBĐ rất gần gũi với thế giới quan và những giá trị của Kinh thánh. Hiệp thông và các giá trị cộng đồng là cốt lõi của các DTBĐ. Hiệp thông bên trong bộ tộc hoặc trong nhóm, hiệp thông với trái đất và thiên nhiên nói chung, hiệp thông với các ông bà tổ tiên, hiệp thông với thế giới các thần linh, hiệp thông với Chúa Tể càn khôn là những đặc trưng của nhiều DTBĐ tại Á châu và nhiều nơi khác.

Truyền thống Do-thái và Kitô giáo, được phản ánh nơi Cựu và Tân ước, coi trọng những giá trị của các văn hóa thiên nhiên. Trong các văn hóa thiên nhiên, cái siêu việt hòa quyện với cái hữu hình, và đôi bên không tách rời nhau. Vì thế, Giáo hội cần thích nghi với DTBĐ trong đường lối suy tư và sinh hoạt, nghĩa là một cộng đồng hiệp thông giữa các phần tử, nặng về chiều ngang hơn là chiều dọc, một cộng đồng trong đó tất cả mọi người đều được lắng nghe và trân trọng. Cộng đồng Kitô hữu tại DTBĐ cần trở thành một cộng đồng có chia sẻ tham gia hơn là một cộng đồng hệ trật cao thấp.

g. Các biểu tượng bộ tộc và phụng vụ Kitô giáo

Thế giới quan của DTBĐ không được diễn tả qua những ý niệm trừu tượng của triết lý và thần học. Các DTBĐ diễn tả những tư tưởng tôn giáo và tâm linh qua những câu chuyện, thần thoại và biểu tượng. Đây cũng là phương tiện truyền thông tâm tình tôn giáo cho nhau.

Các giáo hội địa phương Á châu giữa các DTBĐ còn rụt rè để du nhập những yếu tố của văn hóa sắc tộc vào việc cử hành phụng vụ và bí tích. Chúng ta còn sử dụng những khuôn mẫu phụng vụ và biểu tượng của Tây phương khó hiểu đối với các DTBĐ. Chưa có những nghiên cứu, học hỏi, và áp dụng những yếu tố của văn hóa và biểu tượng DTBĐ vào phụng vụ Kitô giáo.

Cho dù trong quá khứ, có những hoàn cảnh lịch sử biện minh cho việc du nhập phụng vụ Rôma cho các DTBĐ, ngày nay các lý do ấy không còn nữa. Các giáo hội địa phương tại Á châu cần phải cố gắng nhiều hơn nữa theo hướng vừa nói, chứ không thể chỉ dừng lại ở các vũ điệu khi nhập lễ và tiến dâng lễ vật. Việc áp đặt cấu trúc của phụng vụ Rôma như là nền tảng cho các cuộc hội nhập văn hóa thiết tưởng không ích lợi trong tiến trình lâu dài.

Phụng vụ Kitô giáo không chỉ hội nhập vào các nền văn hóa thiên nhiên, nhưng còn phải du nhập các DTBĐ vào các giá trị phổ quát. Hội nhập văn hóa bao gồm không những là hội nhập đức tin và phụng vụ Kitô giáo vào các văn hóa địa phương, mà còn là hội nhập các văn hóa địa phương vào văn hóa phổ quát. Đây là một tiến trình giao lưu hai chiều. Nhờ vậy các DTBĐ được hỗ trợ để vươn lên khỏi bộ tộc của mình, và nhận thấy mình ở trong một cộng đồng “phổ quát”, công giáo.

h. Thần học và hội nhập văn hóa

Tại Á châu, thần học vẫn còn lệ thuộc vào các khuôn mẫu và phạm trù của Tây phương. Đã có vài tác giả cố gắng sử dụng những khuôn mẫu và phạm trù của các văn hóa lớn tại Á châu, tựa như Ấn độ và Trung hoa. Nhưng cũng cần phải bắt đầu suy tư thần học trong bối cảnh của các DTBĐ.

Thần học cần được thực hành trong bối cảnh của DTBD hơn là trong bối cảnh Tây phương. Cần ưu tiên dành chỗ cho việc thuật chuyện và truyền khẩu. Để được như vậy, chúng ta cần phát triển một ngôn ngữ thần học DTBĐ.

i. Chăm sóc các di dân sắc tộc

Nhiều người thuộc các DTBĐ đã phải rời bỏ các chỗ ở xưa để chuyển sang các vùng khác, hoặc trong nước hay ngoài nước. Nhiều khi họ không đủ khả năng để đương đầu với những hoàn cảnh mới về kinh tế và văn hóa. Họ cần một chốn an cư để gặp lại khung cảnh văn hóa, tôn giáo, luân lý của mình, và tìm cách thích nghi vào hoàn cảnh mới.

Giáo hội tại nơi đi và Giáo hội tại nơi đến có thể giữ vai trò quyết định để giúp đỡ những di dân giải quyết những vấn đề văn hóa, kinh tế, xã hội. Những cuộc hợp tác, trao đổi thông tin, và chăm sóc mục vụ sẽ giúp ích rất nhiều.

j. Loan báo Tin mừng cách mới mẻ cho các DTBĐ

Các DTBĐ có những thế giới quan và giá trị giống với thế giới quan và các giá trị của Kinh thánh. Vì thế họ cởi mở với việc loan báo Tin mừng.

Hằng chục triệu người DTBĐ đã đón nhận việc loan báo Tin mừng về ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu và Hội thánh của Người. Tất cả các giáo hội địa phương cần phải dành ưu tiên cho việc truyền giáo cho các DTBĐ bởi vì, hơn các dân tộc khác, họ đã tích cực đón nhận sứ điệp Tin mừng. Điều này đòi hỏi rằng các giáo hội tại Á châu cần dành ra nhiều nhân lực và tài nguyên cho việc loan báo Tin mừng cho các DTBĐ trên đất nước của mình. Đây là một thách đố truyền giáo cho các giáo hội Á châu cần nhìn xa hơn biên cương chật hẹp của các giáo xứ và giáo phận của mình.

Các tôn giáo khác, chẳng hạn như Ấn giáo và Phật giáo, vào nguyên thủy không có ý định truyền giáo, nhưng nay đã lên đường truyền giáo, và họ sử dụng những phương  pháp giống như chúng ta. Ấn giáo đã truyền giáo bằng việc giảng thuyết, và các công tác bác ái xã hội, chăm sóc bệnh nhân, những dự án phát triển và giáo dục. Việc truyền giáo cũng được thực hiện bằng cách giải thích các tôn giáo bản địa như là một hình thái của Ấn giáo. Đứng trước nỗ lực truyền đạo của các tôn giáo khác, các Kitô hữu không có lý do gì để biện minh cho sự lơ là trong việc cống hiến sứ điệp Tin mừng cứu độ cho các DTBĐ.

k. Vai trò của các giáo dân trong các Giáo hội sắc tộc

Ai cũng biết rằng các xã hội sắc tộc thường mang tính cách bình đẳng. Họ vốn quen quyết định sau khi đã thảo luận trong làng, hoặc bộ lạc. Phần lớn không có giai cấp tư tế với quyền bính tinh thần hoặc môi giới với các thần linh.

Mặc dù Giáo hội là một cộng đồng phẩm trật và tư tế, nhưng trong những lãnh vực không thuộc chức thánh thì cần phải xét lại. Tại Thượng hội đồng giám mục dành cho châu Âu vào tháng 10 năm 1999, hồng y Carlo Martini đã yêu cầu xét lại vài chức vụ có thể trao cho các giáo dân trong các buổi cử hành phụng vụ. Các giáo dân và cách riêng là giới trẻ đã và đang giữ một vai trò quan trọng trong công việc loan báo Tin mừng và huấn giáo, đặc biệt là trong các buổi cầu nguyện ở tư gia và chia sẻ Lời Chúa. Họ cũng góp phần quan trọng trong việc xếp đặt và tổ chức các lễ hội dân gian, chẳng hạn như rước kiệu, cũng như việc điều hành giáo xứ.

Các giáo sĩ và tu sĩ cần phải thích ứng với não trạng bình đẳng của người DTBĐ trong các lãnh vực không thuộc về chức thánh. Trong các cộng đoàn của các sắc tộc, cần để cho các giáo dân thi hành những chức vụ đã quen làm theo truyền thống.

7. KẾT LUẬN

Đang khi toàn thể Giáo hội tại Á châu đang tìm cách đổi mới trong đời sống và sứ vụ, các giáo hội địa phương cần phải thực sự trở thành bản địa xét về mặt văn hóa. Xét vì nhiều giáo hội địa phương gồm bởi những DTBĐ, các giáo hội ấy cần phải hấp thụ những giá trị căn bản của dân tộc vào đời sống và hoạt động thường nhật của mình.

Các Giáo hội giữa những DTBĐ thực sự trở nên địa phương, khi mà quan niệm về Giáo hội, các biểu thức đức tin, thần học, huấn giáo, phụng vụ và đời sống Kitô hữu thực sự được hội nhập vào văn hóa. Đồng thời các Giáo hội cần duy trì những giá trị “công giáo” nghĩa là phổ quát và những yếu tố của truyền thống Giáo hội. Nhờ vậy, các giáo hội địa phương vừa là thực sự công giáo vừa là thực sự bản địa. Đây là kết quả của một cuộc trao đổi hai chiều làm cho đôi bên được phong phú. Đức tin “công giáo” của Giáo hội, những công thức đức tin, các biểu tượng của phụng vụ và đời sống “công giáo” sẽ nâng đỡ các giáo hội địa phương. Đồng thời, các giáo hội địa phương sẽ có những đặc điểm riêng và sẽ đóng góp cho Giáo hội hoàn vũ.

————————————————

Phụ thêm

Ban biên tập xin bổ túc thêm với vài ghi nhận về từ ngữ, thống kê các DTBĐ.

A. Từ ngữ

1/ Dân tộc “thiểu số” (minority) và “bản địa” (indigenous).

Hai từ này không đồng nghĩa. Nói chung, các “dân bản địa” là một “thiểu số” trong một quốc gia; nhưng không phải tất cả các nhóm “thiểu số” đều là “bản địa”. Thí dụ người Việt Nam ở Campuchia là “thiểu số” nhưng không phải là “bản địa”, bởi vì người Việt có gốc ở Việt Nam, và họ sang Campuchia vì lý do di dân mà thôi. Thế nhưng sự thực phức tạp hơn nhiều, bởi vì người Kmer ở Việt Nam vừa là thiểu số vừa là bản địa, xét vì họ đã cư ngụ tại đất này từ lâu rồi, trước khi người Việt đến Nam bộ. Mặt khác, một sắc tộc có thể cư ngụ trên lãnh thổ của nhiều quốc gia khác nhau, chẳng như tộc Mong có mặt ở Việt Nam, Lào, Thái.

2/ Danh xưng “thiểu số” cũng có thể được áp dụng vào nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Xét theo số lượng, họ là một số ít người (so với đại đa số), nhưng “số ít” có thể hiểu về nhân chủng (thí dụ: các sắc tộc ở Tây nguyên Việt Nam), hoặc về tôn giáo (thí dụ: các Phật tử ở Malaysia, các tín đồ Hồi giáo ở Philippines).

B. Thống kê

Việc thiết lập thống kê rất là khó khăn, không chỉ vì lý do kỹ thuật (có những vùng khó tiếp xúc), nhưng còn vì lý do khái niệm. Chỉ cần lấy Việt Nam làm thí dụ thì đủ rõ. Nước Việt Nam gồm có 54 dân tộc, kể cả dân tộc Việt (người Kinh). Phải chăng điều đó muốn nói rằng dân Việt cũng là một dân tộc bản địa, một “sắc tộc”, tương đương với người Kmer, Chăm?

Vấn đề này cũng được đặt ra có các quốc gia khác, nơi mà câu hỏi được nêu lên không chỉ là sự phân biệt giữa “đa số” và “thiểu số”, mà còn liên quan đến tiêu chuẩn để được nhìn nhận như là “sắc tộc”. Một thí dụ: tại Việt Nam, ngoài 54 “dân tộc” được chính thức nhìn nhận, còn một số “dân tộc” mới được khám phá (Pa Kô, Nguồn, Arem, Tà Mun)[8]

Để có một khái niệm về các DTBĐ ở ĐNA, chúng tôi xin trưng dẫn theo tài liệu của Gerard Clarke, From Ethnocide to Ethnodevelopment? Ethnic Minorities and Indigenous Peoples in Southeast Asia[9]. Tỉ lệ giữa các ĐTBĐ với tổng số dân cư thay đổi tùy quốc gia.

1. Brunei, trên tổng số dân cư 314.000 (1997), các DTBĐ chiếm 66.000 (21%), đông nhất là người Hoa (47.000), phần còn lại thuộc các sắc tộc bản địa.

2. Myanmar (Birmania), trên tổng số dân cư 45.5 triệu (1996), các DTBĐ chiếm 16.5-5 triệu (34-53%), đông nhất là các sắc tộc Karen, Shan, Mon (mỗi tộc hơn kém 4 triệu)

3. Campuchia, trên tổng số 9.8 triệu (1998), các DTBĐ chiếm 575.000 (6%), đông nhất là người Chăm (200.000)

4. Indonesia, trên tổng số dân cư 197.000 triệu (1997), các DTBĐ chiếm 99.46 triệu (50%), đông nhất là các tộc Sundanese (29 triệu), Madurese (9.2 triệu), Minang (4.7 triệu)

5. Lào, trên tổng số dân cư 4.5 triệu (1995), các DTBĐ chiếm 1.8 triệu (40%), đông nhất là Phuthai (440 000), Khamu 389 000), Hmong (231 168)

6. Mã Lai, trên tổng số dân cư18.3 triệu (1991), các DTBĐ chiếm 7.7 triệu (42%), đông nhất là Hoa (5.3 triệu), Ấn (1.6 triệu)

7. Philippines, trên tổng số dân cư 68.6 triệu (1995), các DTBĐ chiếm 7.06 triệu (10.5%), đông nhất là Moro Muslims (3.5 triệu), Lumad (1.5 triệu), Igorot (1 triệu).

8. Singapore, trên tổng số 3.1 triệu, các DTBĐ chiếm 663.400 (21.4%), gồm người Mã Lai (434.000) và Ấn (229.400).

9. Thái Lan, trên tổng số 60.8 triệu (1998), các DTBĐ chiếm 1,4 triệu (2,3%), trong đó đông nhất là Mã lai (700.000), Karen (402 000) Hmong (126 000) Lahu (78 000).

10. Việt Nam, trên tổng số 75,3 triệu (1996), các DTBĐ chiếm 10.9 triệu (14%).

[1] Tuyên ngôn gồm 46 điều. Ngoài việc khẳng định những quyền lợi căn bản của con người và sự bình đảng giữa các dân tộc, văn kiện nhấn mạnh đến quyền tự quyết và tự trị, quyền tham gia vào đời sống chính trị, quyền bảo về văn hóa (qua cơ sở giáo dục, truyền thông), quyền cư ngụ trên lãnh thổ, quyền bình đẳng trong cách đối xử. Có thể đọc bản văn bằng tiếng Việt tại địa chỉ: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Tuyen-ngon-ve-quyen-cua-cac-dan-toc-ban-dia-2007-276380.aspx

[2] Chú thích của người dịch. Về vấn đề từ ngữ, xin coi Phụ lục.

[3] Chú thích của người dịch. Các bản văn pháp lý của LHQ dùng từ ngữ “dân tộc bản địa” (indigenous peoples), nhưng ở Việt Nam, có lẽ từ ngữ “dân tộc” hay “sắc tộc” (ethnic peoples) quen thuộc hơn.

[4] David B. Barrett and Todd M. Johnson, “Annual Statistical Table on Global Mission: 1999”, in IBMR, 23 (1999), pp. 24-25.

[5] Chú thích của người dịch. Về thống kê và cách phân loại các DTBD, xin coi Phụ lục

[6] X. Đức TGM Telesphore Toppo, Phát biểu tại Thượng hội đồng giám mục, khóa đặc biệt dành cho châu Âu, in: L’Osservatore Romano, 6 October, 1999, p.9.

[7] Chú thích của người dịch. Đức Cha Carlos Filipi Ximenes Belo SDB, giám quản tông tòa Dili, đã được giải Nobel Hòa Bình năm 1996 vì công tác hòa giải tại Đông Timor.

[8] Xem “Các dân tộc Việt Nam hiện nay”: https://vi.wikipedia.org/wiki/Các dân tộc Việt Nam (truy cập 12/8/2017)

[9] Bài viết đăng trong Third World Quarterly, Vol. 22, No. 3 (Jun., 2001), pp. 413-436.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here