Giáo Hội: “Một Thiên Đường Từ Trái Đất”

0
1075


Nobert BROX

 

LTS: Tác giả là nhà tiến sĩ Thần học và tốt nghiệp cao học môn Giáo phụ và Đại kết. Tác giả còn là giáo sư bộ môn Lịch sử Giáo hội cổ và Giáo phụ tại đại học Ratisbonne.

***

Các tài liệu gốc của Giáo hội cổ xưa vốn thường xuyên và rất nghiêm túc đề cập đến thừa tác vụ trong Giáo hội, vì, theo quan điểm xưa, như việc rao giảng Tin mừng, thừa tác vụ hoàn toàn thuộc về Giáo hội. Như thế, đó là một trong những cách loan báo chân lý của Đức Giêsu Nazareth. Khi các Kitô hữu, với tư cách là cộng đoàn, ra sức giúp đỡ, săn sóc và làm “thay hình đổi dạng” những nơi khốn cùng, đau khổ, lúc đó, họ đang “giảng không lời” cách có hiệu quả nhất (Xc. 1 Pr 3,1 tt).

Như một lời giảng về ý nghĩa thập giá là phục vụ, thì việc giúp đỡ tha nhân – với lý do siêu nhiên – là một chứng tá sống động của niềm tin Kitô giáo. Những người đương thời, tuy không phải là Kitô hữu, đều nhìn nhận các hoạt động này có tính thuyết phục cao. Còn đối với chính các Kitô hữu, đó chính là tác vụ, một tác vụ rao giảng ơn cứu độ đã khởi sự ngay từ cuộc sống này, vì lẽ sự nghèo khổ, khốn cùng, tang tóc và sự chết đã được tình yêu biến đổi. Điều này đã được các thánh giáo phụ diễn tả bằng những biểu tượng và những ý thức thần học mà chúng ta sẽ phần nào đề cập đến dưới đây. Và vì Giáo hội không thể miễn trừ việc thi hành tác vụ này, nên chức thừa tác luôn luôn và tất yếu phải có trong Giáo hội. Hơn nữa, Giáo hội sơ khai rõ ràng đã lo liệu để luôn có chức thừa tác này.

“NHÌN XEM HỌ THƯƠNG YÊU NHAU BIẾT CHỪNG NÀO”

Mọi người vẫn thường thán phục các Kitô hữu tiên khởi như thế. Tertullien (Apos. 39,7) – một người thích đề cập tới phản ứng của dân ngoại cũng như vẻ “kỳ dị và khác thường” của Kitô giáo trong đời sống xã hội xưa – thích trưng dẫn những lời lẽ trên, lời mà rõ ràng ông đã nghe từ miệng những người đương thời. Vậy điều gì đã gợi sự kinh ngạc thán phục cho những người không phải là Kitô hữu? Tertullien kể: Đó là việc người Kitô hữu dùng tiền của họ để nâng đỡ và chôn cất những người nghèo, cho cấp cho người mồ côi góa bụa, người không có trợ cấp, người rơi vào hoàn cảnh khốn cùng hoặc những Kitô hữu, vì đức tin, phải chấp nhận những công việc nặng nhọc, phải bị lưu đầy hoặc tù ngục. Một khởi xướng mang chiều kích xã hội và một tình yêu đồng loại có ý nghĩa luân lý và tôn giáo như thế là điều không có trong thời văn minh cổ đại. Có một số cá nhân quảng đại làm từ thiện, nhưng họ lại không quan tâm nhiều đến việc phân chia bình đẳng hoặc đến sự khốn khổ thực sự, và nếu có, chỉ là cho những người dễ thương hay thấy “thích hợp” với họ mà thôi. Ngược lại, người Kitô hữu nhấn mạnh vào tính cách bắt buộc nguyên thuỷ của điều họ coi như thừa tác vụ đối với con người mà không đặt điều kiện nào. Chỉ cần trưng dẫn một vài đoạn văn cổ cũng đủ để chứng minh tính cách trên, vì lẽ những đoạn văn này không thể được viết ra nếu chúng không phù hợp với thực tế.

Vậy chúng ta có thể nói rằng: chính những thực hành mang chiều kích xã hội của nhóm tôn giáo mới này – vốn là người Kitô hữu – làm mọi người ngạc nhiên. Chẳng hạn Athennagore, một Kitô hữu gốc Hy lạp thế kỷ II viết: “Nơi chúng tôi, các bạn có thể thấy những người thất học, thợ thủ công và goá phụ, những người chắc chắn không thể dùng lời để diễn tả những thiện hảo của Kitô giáo, nhưng nhất định có thể chứng tỏ điều đó bằng hành động; bởi vì họ không chỉ nói, nhưng tỏ cho mọi người thấy những hành động tốt: Không trả đũa khi bị đánh đập, không kiện cáo khi bị bóc lột, giúp đỡ những ai kêu xin họ, và yêu người đồng loại như chính mình vậy”. Nói cách khác, đời sống Kitô giáo được thực hiện và loan truyền “rất chính xác”, bằng cả lời nói nhưng những hành động và những thiên hướng vô vụ lợi có tính thuyết phục hơn. Một câu nói ý nghĩa của Minusius Filix, cuối thế kỷ II như sau: “Chúng tôi không dám nói những điều gì to lớn, nhưng chúng tôi hành động”. Những người nghèo khổ, bệnh tật và gặp tai ương hoạn nạn, những người góa bụa và mồ côi luôn được coi là những người đáng được đón nhận[1]. Hơn nữa, kể cả những khách lạ, những người chết (với việc chôn cất họ), những người bị bách hại và những tù nhân cũng được coi như thế (Aristide Lactane). Mặt khác, các tác giả Kitô giáo còn nhấn mạnh đến thái độ này: “Họ không thích khoe khoang với mọi người những việc làm tốt đẹp họ đã thực hiện, họ chỉ cốt làm sao đừng để bị ai chú ý”. Như thế, đó chính là thừa tác vụ – xét như là một thực hành theo đúng nghĩa của từ ngữ, nhưng đồng thời nó cũng có giá trị tự nội.

Tác vụ nơi đời sống hằng ngày là thế. Nếu các Kitô hữu trung thành với bổn phận thực hành cụ thể để thể hiện niềm tin của mình, cả trong những lúc khủng hoảng cực độ, thì chính họ sẽ “nổi bật hơn” so với những người chung quanh – vốn không biết đến những bổn phận như thế. Những lời lẽ của Eusebe dưới đây là một bằng chứng và đã gây một ấn tượng mạnh vào đầu thế kỷ IV, dưới triều hoàng đế, lúc đó đang xảy ra một thảm hoạ đói và dịch hạch. Eusebe viết: “Lòng nhiệt thành thích đáng dưới mọi khía cạnh và sự sùng đạo của người Kitô hữu khi ấy đã được tỏ ra cho dân ngoại bằng những dấu hiệu rõ ràng. Vì họ là những người duy nhất đã chứng tỏ lòng trắc ẩn và tình yêu đối với con người bằng một hành động tức khắc, khi thảm hoạ xảy ra. Một số người suốt ngày bận rộn săn sóc những kẻ hấp hối và chôn cất những người chết – đã có hàng ngàn người không được ai săn sóc đến – một số khác lo tụ họp đông đảo những người bị đói khắp thành phố vào một chỗ và phân phát đủ loại bánh cho họ. Việc họ làm đã được kể lại nơi mọi người và người ta đã tán dương những người này là những người đạo đức và kính sợ Thiên Chúa thực sự, bởi vì những hành động của họ đã chứng minh điều đó”.

Từ những dẫn chứng trên, chúng ta biết được tác vụ của các Kitô hữu, trong những hoàn cảnh bình thường cũng như khác thường, là gì. Chắc chắn rằng, mọi người có thể biết được Kitô giáo là gì qua những thực hành cụ thể của người Kitô hữu. Các Kitô hữu đầu tiên biết rằng việc họ làm đã gây ngạc nhiên và có ảnh hưởng ít nhiều. Về điểm này, cũng có những bằng chứng đến từ phía những người ngoại đạo. Một số thì chế diễu (như Lucien, thế kỷ II), còn một số khác lại tỏ ra cảm kích. Một bằng chứng “ngoạn mục” nhất là phản ứng của hoàng đế Julien (361-363), một hoàng đế ngoại giáo mà người Kitô hữu còn gọi là “tên phá đạo”. Từ thời niên thiếu, vị hoàng đế này đã chứng kiến Kitô giáo bị căm ghét. Ông cũng biết việc Giáo hội qua tâm đến những người nghèo và tác vụ của Giáo hội là gì. Những gì ông đã học được từ thời niên thiếu trong nền giáo dục Kitô giáo đã ghi dấu ấn trên ông mãi mãi, và khi lên ngôi hoàng đế, ông đã dự tính truyền đạt tinh thần Kitô giáo cho dân tộc mình qua sự tiếp tay của các tư tế ngoại giáo. Ông biết rõ và có chủ đích là du nhập cách thực hành bác ái của các Kitô hữu, chứ không phải du nhập đạo Kitô giáo, vào vương quốc của ông. Đồng thời ông khuyến khích sự “cạnh tranh” với các Kitô hữu: “Chúng ta cần ghi nhận điều này: yếu tố thuận lợi nhất cho tà đạo (tức Kitô giáo), đó là lòng từ thiện đối với khách lạ, lo chôn cất kẻ chết và cung cách sống hoàn toàn ngay chính. Ta nghĩ rằng, mỗi một đức tính như thế phải được chúng ta thực hành với một lòng nhiệt thành ngay thật”[2]. Vô tình, cuộc chiến chống Kitô giáo lại trở thành một lời xác nhận. Theo những ý nghĩ của Julien, cuộc phục hưng tôn giáo Roma cổ thời có lẽ thành công được là nhờ việc học theo tác vụ của Kitô giáo. Ông đòi các tư tế phải giúp đỡ những người nghèo, thậm chí cả thù địch nữa, quan tâm đến những tù nhân, tỏ lòng hiếu khách – đó là những việc thuộc tác vụ Kitô giáo[3]. Tất cả những điều ấy, ông đã không lấy từ truyền thống ngoại giáo và lại còn mô tả Kitô giáo cách méo mó với chủ đích làm cho Kitô giáo không còn được nhìn nhận đúng với bản chất của mình. Qua đó, chúng ta thấy được tác vụ của Giáo hội cổ thời là một chuyện bình thường, nhưng lại gây ngạc nhiên hay để lại những ấn tượng sâu sắc đối với công luận của thế kỷ IV. Điều này cho thấy xã hội ngoài Kitô giáo còn thiếu sót rất lớn và không hề biết đến các giá trị tương tự như thế. Julien đã viết: “chúng ta phải quan tâm đúng mức tới điểm này và qua đó tìm cách chữa trị. Thực vậy, theo ý ta, thì những người nghèo khổ chưa được các tư tế của chúng ta biết đến và quan tâm, còn những tên Galilê vô đạo (tức các Kitô hữu) lại chú ý tới họ (những người nghèo khổ), và chúng đã chuyên cần thực thi lòng thương người… Với cách thức như thế, những kẻ mê hoặc trẻ em đã lừa dối nạn nhân của mình bằng ổ bánh ngọt”[4]. Qua những lời vu khống này, lại một lần nữa, chúng ta nhận thấy cách ứng xử “lạ lùng” đấy tính xã hội trong tác vụ của Giáo hội xưa đã có tác động lôi cuốn biết bao.

TẠO MỘT THIÊN ĐƯỜNG TỪ TRÁI ĐẤT

Hơn ai hết, thánh Gioan Kim Khẩu, với tư cách là linh mục và Giám mục trong một thành phố lớn, đã đẩy mạnh vấn đề xã hội và đã rút ra những hệ luận áp dụng Giáo hội. Chẳng hạn, thánh nhân đã nhận thấy cần phải phân phối lại tất cả những của cải của các Kitô hữu, nhờ đó sẽ không còn những người nghèo nữa. Người đã đưa ra những giải pháp thực tế được khởi hứng bởi tình yêu trong xã hội được Kitô hoá. Người đưa ra một ẩn dụ “hơi khoa đại” về chuyện thiên đường trên mặt đất: “Thiên Chúa phán; ta đã tạo thành trời và đất, ta cũng ban cho người năng lực sáng tạo, hãy làm cho đất hoá thành trời. Quả thực, con có thể làm được chuyện đó”[5]. Và đó là điều đã xảy ra trong đời sống mới của các Kitô hữu, của Giáo hội; Nơi đó, “chúng tôi làm cho mặt đất hoá thành một thiên đường”[6]. Xem ra nói như thế là “không tưởng”, nhưng thánh Gioan Kim Khẩu đã có một hình ảnh khả thi nếu như các Kitô hữu dám quyết định sống tình yêu triệt để và Giáo hội cũng thực hiện tác vụ của mình cách triệt để. Một khả năng: trong vấn đề giàu nghèo, việc bán quyền sở hữu đất đai, nhà cửa và những của cải khác của mọi người đủ bảo đảm đời sống 50.000 người nghèo khổ tại Constantinople bấy giờ. Lại một lần nữa, thánh Gioan Kim Khẩu bình luận: “Vậy ra các bạn không thể biến mặt đất thành một thiên đường hay sao?”[7]. Việc phục vụ nhau, tức tác vụ, làm biến đổi mặt đất cho thấy là ơn cứu độ đã bắt đầu, chứ không chỉ là một dấu chỉ của ơn cứu độ (chắc hẳn đây cũng không phải là toàn bộ lời hứa của Tin mừng). Thánh Gioan Kim Khẩu đã giành cho việc thực hành tác vụ của Giáo hội một tính cách cao cả như thế. Bởi vậy, thánh nhân đã coi tác vụ là một tiêu chuẩn của Giáo hội và là bản chất của người Kitô hữu, song song với tiêu chuẩn đạo lý chân truyền. “Tác vụ và đạo lý chân truyền đều là sự thực hiện cụ thể của bản chất Kitô hữu”[8], “không chỉ bằng đức tin, mà bằng cả đời sống nữa”[9]. Chúng ta nhớ lại giám mục Firmilien của miền Cesaree tại tiểu Á, trong những cuộc tranh cãi sôi nổi về việc rửa tội cho những người lạc giáo vào giữa thế kỷ III. Người đã nêu cao “Luật của chân lý và của hoà bình”[10]. Như thế, Người đã nhận thấy tính thống nhất và nền tảng của Giáo hội trong đạo lý chân truyền và trong trong việc thực hành những gì thuộc bản chất Kitô hữu (ở đây là hòa bình). Trong quá trình dần dần “học thuyết hóa” Kitô giáo, nhất là vào thế kỷ IV và V, sự cân bằng giữa đạo lý chân truyền và việc thực hành nói trên bị suy giảm rất nhiều trong quan niệm về Giáo hội hat ít là trong cách người Kitô hữu thời xưa hiểu về Giáo hội.

Những đối tượng cộng đoàn chăm sóc trong khi thi hành tác vụ là ai? Gl 6,10 được coi như một qui tắc trong hoàn cảnh xưa kia: trên nguyên tắc cộng đoàn phải phục vụ hết mọi người, nhưng trong thực tế sự phục vụ này chủ yếu tập trung nơi các Kitô hữu, nơi tình liên đới trong nội bộ Giáo hội. Sỡ dĩ có chuyện này là vì các kitô hữu sống trước thời Constantin thường bị cô lập về mặt xã hội, thêm vào đó là sự hạn chế của những phương tiện hữu dụng thời xưa. Nhưng vẫn có những luật trừ, nhất là trong những trường hợp xảy ra tai hoạ, khi đó tình thế đã hoàn toàn đổi khác, đế quốc nâng đỡ giáo hội về mặt vật chất, thì việc các Kitô hữu giúp đỡ lẫn nhau cũng bị giảm sút. Lý do là vì cần xem xét lại cho đúng về nguyên nhân và mức độ túng quẫn, giai cấp xã hội và tuổi tác[11]. Va lerien de Cemele (khoảng 460) lại nói hoàn toàn khác: “Tại sao bạn lại lo lắng tìm hiểu xem người xin bạn giúp đỡ là Kitô hữu hay Do thái, là người lạc giáo hay dân ngoại, là công dân Rôma hay dân Mandi, là người tự do hay kẻ nô lệ? Nơi đâu có người nghèo khổ, người ta không được quyền đặt nghi vấn về bản thân người nghèo đó. Khi loại trừ những con người mà bạn cho là không đáng giúp đỡ, bạn phải làm sao để cùng lúc đừng xua đuổi cả Con Thiên Chúa!”[12]. Trong vấn đề này, chắc chắn chỉ có lý chứng của hai tác giả, Origene và Valerien, và họ đã làm theo thánh Basilio (+ 379): “Ai xin, bạn hãy cho” (Mt 5,42)[13]. Lời này muốn nói rằng: đối với những người xin bạn giúp đỡ, một đàng, bạn phải tỏ ra hoàn toàn rộng rãi bằng một tình yêu không gian dối, đàng khác, bạn cũng cần cẩn thận kiểm chứng về sự nghèo khổ của nó nữa. Xét theo nguyên tắc, tác vụ không có một giới hạn nào.

VIỆC TỔ CHỨC TÁC VỤ

Như thế, Giáo hội xưa đã thiết lập việc phục vụ tha nhân như một định chế để Giáo hội thường xuyên thực hành và không được quên lãng. Dựa trên một số tiêu chuẩn, việc giúp đỡ vô thời hạn đối với một số góa phụ được chọn (không phải mọi góa phụ đều được chọn) trong cộng đoàn là một hình thức cố cựu của thể chế phục vụ nói trên[14]; về phần những phụ nữ được sống theo một “qui chế” riêng như thế, họ lại được giao cho một số chức vụ trong cộng đoàn. Từ giữa thế kỷ thứ II, nhiều bằng chứng cho thấy có những cuộc quyên góp vào ngày Chúa nhật để có điều kiện giúp đỡ người nghèo[15]. Tầm quan trọng của tác vụ còn được biểu lộ trong việc vị giám mục quy định các phương tiện, nghĩa là Đức Giám mục có thể gây quĩ và trưng dụng một số đất đai để canh tác hoa màu. Ngoài những cuộc quyên góp thường kỳm còn có của dâng cúng khác cung cấp các phương tiện, cũng như những khoản tiền tiết kiệm có được nhờ những ngày chay tịnh. Như thế mọi Kitô hữu, trừ những người vô sản hoàn toàn, đều tham dự vào tác vụ bằng những đóng góp của mình, tác vụ đó được vị giám mục thường xuyên và chính thức bảo đảm.

Giáo hội vào thời đế quốc có sự tương trợ mang tầm mức xã hội, đồng thời có phát triển tương xứng, điều này cũng phù hợp với mong muốn của nhà nước bấy giờ. Thời ấy, các giám mục nắm quyền sử dụng rất nhiều phương tiện và lập ra tổ chức từ thiện. Như thế, một phương tiện đã trở thành khả thi tương tự như phương sách của thánh Basilio. Thánh nhân đã lập ra một ngôi làng để tiếp nhận những người đau yếu, nghèo khổ, khách ngoại kiều, và tại nơi đó, người cũng đã thiết lập một xưởng thợ[16]. Ngoài ra người ta còn thấy có những viện dưỡng lão và các bệnh xá là những cơ sở rất thường được đài thọ bằng các của dâng cúng. Bắt đầu từ thế kỷ IV, các đan viện cổ có tham gia vào công tác xã hội của Giáo hội cũng được biết đến.

ĐỨC KITÔ TRONG NHỮNG NGƯỜI NGHÈO

Tác vụ giúp đỡ những người nghèo khổ không phải chỉ là một việc nhân đạo “đời thường”. Giáo hội gặp gỡ Đức Kitô nơi những người nghèo. Việc Đức Kitô hiện diện nơi những người nghèo thường bị lãng quên, vì vì thế việc phục vụ tương xứng cũng thường bị lãng quên. Gregorie de Nysse khuyến cáo: “Đừng khinh thường những người hèn kém, làm như thế họ không còn chút phẩm giá nào. Hãy nhìn kỹ những người đang hiện diện nơi đây, lúc ấy bạn sẽ khám phá ra phẩm giá của họ: họ phần nào là hiên thân của Đấng Cứu độ chúng ta. Bởi vì, trong tình yêu, Đấng cứu độ chúng ta đã mang thân phận một con người nghèo, và như thế, những ai không có lòng thương người và không biết quan tâm tới người nghèo phải xấu hổ”[17]. Vậy đoạn Tin mừng Mt 25,35-46 trở thành cụ thể cho người Kitô hữu ở chỗ nào? Thánh Gregorio trả lời vắn tắt: “Đối với bạn, Người (tức Đức Kitô) là khách lạ, trần trụi, đói khát, đau yếu, tù đầy, và tất cả những gì đã được nói trước trong Tin mừng. Không quê hương và trần trụi, Người lang thang giữa chúng ta, đau yếu và thiếu thốn ngay những nhu cầu quan yếu nhất”. Như vậy, các giáo phụ đã nói đến những người nghèo như là “nơi” Đức Kitô đang hiện diện và qua đó, các giáo phụ tuyên bố rằng tác vụ đối với người nghèo chính là phục vụ Đức Kitô. Thánh Gregorio de Nysse đã nói: “Khi nào có thời giờ, chúng tôi muốn viếng thăm Đức Kitô, săn sóc Người, cho Người ăn, cho Người mặc, tiếp đón Người, tôn trọng Người… bởi vì Đấng Toàn Năng muốn lòng nhân từ chứ không phải lễ tế (Hs 6,6; Mt 9,13) và lòng nhân từ quý hơn ngàn vạn chiên béo tốt (Da 3,40), chúng tôi muốn đem đến cho Người lòng nhân từ ấy qua những người nghèo khổ, qua những người hiện đang bị nhận xuống bùn đen”. Trong những người nghèo, Đức Kitô có ở đó.[18]

Bởi vậy, “tác vụ là phục vụ Đức Kitô, Đấng mà chính Ngài và qua trung gian những người nghèo khó vẫn còn cần đến sự giúp đỡ. Đức Kitô được mặc y phục trong những người nghèo khổ, được thăm viếng trong những kẻ yếu đau, được nuôi dưỡng trong những kẻ đói khát, được tiếp đón trong những kẻ không nhà không cửa”[19]. Vào thế kỷ V, Salvien de Marseille đã hiểu rằng “tất cả những đau khổ thuộc đủ loại của vô số con người đều tập trung nơi Đức Kitô, đồng thời Đức Kitô mang trong mình mọi đau khổ. Tất cả những đau khổ của thế giới là cuộc khổ nạn của Đức Kitô và Đức Kitô là tổng cộng tất cả những người nghèo khổ”[20]. Và trong niềm xác tín đó, với tư cách một linh mục, ông đã đi gặp một Kitô hữu rất giàu và có địa vị xã hội, để ngăn cản người này đừng làm cho một con nợ khốn khổ của y càng thêm nghèo mạt, nhưng ông đã không thành công[21]. Ông đã coi việc trợ giúp như thế đối với những người nghèo như là tác vụ của mình đối với những người đau khổ. Ông đã hoàn toàn thất vọng khi thấy rằng các linh mục và các giám mục, vì những lý do không chính đáng, đã không cư xử đúng mức với những người đau khổ, bởi vì chính các linh mục của Chúa đã không dám chống lại bạo lực của những kẻ vô đạo (những người giàu và những người nắm quyền lực)? Bởi vì phần lớn các vị đã “làm thinh, hoặc chẳng có đem lại thay đổi gì cả khi họ lên tiếng…”. Chính Salvien đã phê bình cách đối xử bất công, tàn nhẫn, đánh thuế cao và chiếm đoạt đất đai, các đặc ân phi xã hội của giới giàu, vô số lợi tức dành cho hàng giáo sĩ và những kẻ có quyền sở hữu[22], sự gia tăng quá độ của những chi phí công cộng không cần thiết, chúng chẳng giúp ích gì cho người nghèo.

Như thế, bổn phận của người Kitô hữu cũng như sự cần thiết của các tác vụ đã khởi đi từ chính sự suy thoái của Giáo hội. Salvien đã làm như thế trong tình thế tuyệt vọng của thời đại mình. Cũng như các Kitô hữu sáng suốt khác của những thế kỷ đầu, ông đã đấu tranh, bất chấp những phản đối, để cho Giáo hội (ở vùng Gaulê và Aquitaine) nhớ đến những người nghèo và nhớ đến tác vụ của mình, ngõ hầu: “mặt đất trở thành một thiên đường”. Bởi vì, là Kitô hữu đúng nghĩa tức là “kết hợp với con người”[23]. Chúng có thể diễn tả hình ảnh thiên đường dương thế theo một cách khác: Đó là tác vụ tìm cách chấm dứt hoả ngục mà trái đất đã tạo nên cho nhiều con người.

 


[1] Polycarpe, Pl 6,1

[2] Ep. 39, Weis.

[3] Ep. 48, Weis.

[4] Ep. 48, 305. BC, Weis.

[5] In ep I

[6] In Mt. hom. 43

[7] In Acta Apost

[8] In Gen. Ser. I,3

[9] In Ionh Hom. 67

[10] Cyrien Ep. 75,24

[11] Origene, Co Ser. in Mt 61

[12] hom 7,4 PL 52,715 BC

[13] Hom. in Ps 14,1

[14] 1 Tm 5,3-16; Polyc Phil 4,3

[15] Justin, Apol. I, 67

[16] Gregori de Zazianze, Or 43,63; Basilio Ep. 94, 142-144

[17] Or. I, ed Avan Heck Leyde, 1964

[18] Salvien, Escl. IV

[19] Jerome, Ep. 130,14

[20] Ecc1.II 4.7

[21] Gub IV 15

[22] Gub V 5

[23] Lact. Div. Inst. 6,10,2