GIÁO HỘI HỌC – ECCLESIOLOGY
(THẦN HỌC VỀ GIÁO HỘI)
Linh mục F. Gómez Ngô Minh, S.J.
***
***
DẪN NHẬP
GIÁO HỘI HỌC LÀ GÌ?
I. LỊCH SỬ
Thành ngữ Giáo Hội học có nghĩa là học hỏi về Giáo Hội. Ngay từ đầu Giáo Hội đã suy nghĩ về mình, đã ý thức cũng như đã có một quan niệm về mình. Giáo Hội học khởi đầu với ngày lễ Ngũ Tuần. Từ khi có Giáo Hội, có ý thức về Giáo Hội, là có Giáo Hội học. Thật ra, Giáo Hội học đã có trước các sách Tân ước: mỗi Phúc âm phản ánh một cách quan niệm về Giáo Hội, tức là một dạng Giáo Hội học. Phúc âm Marco quan niệm về Giáo Hội theo một cách khác với Matthew; còn Luca thì lại hiểu Giáo Hội theo cách khác nữa. Các học giả đồng ý là Giáo Hội học của sách Công Vụ Tông Đồ khác với dạng Giáo Hội học của hai Thư gửi tín hữu Corinth; và trong văn bộ Phaolô, 1Cr phản ánh một quan niệm về Giáo Hội khác hẳn với cách nhìn của ba Thư Mục vụ. Tuy nhiên, tất cả đều đồng ý là theo chứng từ của Tân ước, Giáo Hội chỉ có một. Tương tự như Kitô học đã từng bước triển phát từ Marco đến Gioan, thì cũng thế, Giáo Hội học đã hình thành, phát triển và đạt dần tới mức hoàn chỉnh theo nhịp Giáo Hội tăng trưởng và suy tư về chính mình.
Có những tài liệu rất cổ xưa đã ghi lại nhiều suy tư về Giáo Hội, chẳng hạn như là sách Mục Tử của Herma, hoặc là các tác phẩm của thánh Clêmêntê Romanô, và nhất là của thánh Inhaxio Antiokhia. Trong khoảng các thế kỷ IV-VIII, các Giáo phụ đã viết nhiều về Giáo Hội; nhưng không một vị nào đã viết hẳn một thiên chuyên khảo, hay một sách về Giáo Hội. Các ngài thường đưa ra những suy tư về Giáo Hội khi giảng dạy về kinh Tin Kính: “Tôi tin kính… một Hội Thánh”. Các Giáo phụ không suy luận theo hệ thống, song giải thích Giáo Hội theo những hình ảnh của Kinh Thánh: Giáo Hội được so sánh với “địa đàng” (Iréne) và với Eva phát sinh từ cạnh sườn Adam (Hilario), với “tàu của Noah” (Cypriano), hoặc là được tượng trưng bởi Rebecca (Hilario), bởi “cô gái điếm Rahab” và căn nhà của cô (Origene), hay là bởi “người vợ ngoại tình” của Hoseaa (Iréne); Giáo Hội được coi như là “cung thánh” của Moses (Origene, Cyrilo Alexandria), như là Jerusalem (Origene), hoặc như là “áo không có đường khâu” của Ðức Giêsu (Augustin). Giáo Hội là “dòng dõi Abraham” (Iréne), là “đàn chiên duy nhất của đức tin” (Iréne) và đã trở nên “Giáo Hội của muôn dân” (Cyrilo Alexandria), là “tàu đức tin” (Gregorio Nazianze), là “hội các tín hữu” (Theodore Mopsuestia) và cũng là “nhà Thiên Chúa” (Cyrilo Jerusalem),v.v… Các Giáo phụ nhấn mạnh đến tính hiệp thông trong Giáo Hội, nhờ có Thánh Thần hiện diện và hành động; các ngài nghĩ về Giáo Hội địa phương, nhưng không bao giờ quên đi chiều kích phổ quát, và hằng nêu bật vai trò của Giám mục cũng như chính thống tính của giáo lý; đối với các ngài, Lễ Tạ Ơn là trung tâm điểm của Giáo Hội. Giáo Hội là Mẹ chúng ta. Chức Giám mục mang tính chất tập thể, với một nét độc đáo là vai trò đặc thù của Giám mục Roma.
Sau khi đế quốc Roma tan rã ở Tây phương, Giáo Hội đã từng trải qua một cơn khủng hoảng ghê gớm trong “thời Tối tăm”. Từ năm 882 cho đến 1049, đã có 42 Giáo Hoàng: mỗi vị tại ngôi chưa tới 4 năm! Giáo sĩ ít học, thiếu hẳn tinh thần; tệ trạng mại thánh dâng tràn nhan nhản. Hoàng đế và Giáo Hoàng, các vua chúa và các Giám mục ngang nhiên tranh nhau quyền hành. Ðể ủng hộ phe mình, các thần học gia của triều đình đã cố nêu bật quyền của hoàng đế ở trong Giáo Hội, cho rằng ngài là “Ðấng Chúa xức dầu”, là “Ðại diện Ðức Kitô”.
Ðức Leo IX (1048-1054) đã khởi động và Ðức Gregorio VII (1073-1085) đã hoàn tất một cuộc cải cách – gọi là cuộc cải cách Gregorio, – nhằm đổi mới và giải phóng Giáo Hội cho khỏi ách chính quyền. Một quan niệm mới về Giáo Hội xuất hiện: Giáo Hội là một xã hội độc lập thuộc lãnh vực thiêng liêng, nằm trong quyền lãnh đạo của Giám mục Roma. Tình trạng tranh giành ấy đã khiến cho một quan niệm trở thành ý thức hệ, đó là: Giáo Hội được coi như là một đế quốc, có đầu là Giáo Hoàng, có thủ đô là Roma; rồi “đầu” được giải thích như là “nguồn”, là “nền tảng”; từ đó Giáo Hội được quan niệm như là một quốc gia, trong đó các giáo phận là “tỉnh”, còn Giám mục Roma là “Giám mục phổ quát” có trọn quyền hành trong Giáo Hội, và chia sẻ quyền bính ấy với các Giám mục khác, đơn thuần như là với những “phụ tá” của mình.
Thời Trung cổ, nhiều thần học gia đã từ chối không chịu nhận quan niệm này, coi đó như là một cái gì mới lạ. Ðối với chính quyền, Giáo Hội đã thắng cuộc, nhưng một cách quá đáng. Suốt hàng thế kỷ, nhiều trào lưu tư tưởng đã tranh hùng đối chọi với nhau: các giáo sĩ triều chống đối các dòng tu khất thực; Giáo Hội địa phương chống lại Giáo Hội phổ quát; các Giám mục chống Giáo Hoàng; phe cấp tiến chủ trương đổi mới chống đối phe bảo thủ truyền thống; phía bảo vệ tối thượng quyền của Công Đồng chung thì chống lại phía bênh vực địa vị đặc thù của Giám mục Roma. Ðồng thời, các vua chúa Công Giáo lại thường xuyên nhúng tay vào chuyện chi phối Giáo Hội.
Và giữa bối cảnh xáo động đó, những luận thuyết Giáo Hội học đầu tiên đã xuất hiện. Ða số các tác giả là những nhà giáo luật, và tâm điểm của nỗ lực suy tư là quyền bính: quyền bính trong Giáo Hội, và mối quan hệ giữa giáo quyền và chính quyền.
Các Công Đồng chung nhóm họp ở Ðông phương (các thế kỷ IV-IX) cũng như bên Tây phương (từ thế kỷ XII), đã không trực tiếp đề cập đến bản chất và cơ cấu của Giáo Hội, và mãi như thế cho đến thời Vatican I (1870). Thần học cũng vậy. Phải chờ cho tới thế kỷ 12 thì mới thấy được một tập sách nhỏ của Hugh thành Rouen († 1164) và một chương viết của Hugh St. Victor († 1141) trong cuốn sách bàn Về các Bí tích, lấy Giáo Hội làm chủ đề. Cuối thời Trung cổ, khi cuộc khủng khoảng Ðại Ly Khai xảy đến (từ năm 1378), khi mà cùng lúc thấy có hai, ba vị tự xưng là Giáo Hoàng, làm cho người ta không còn biết đâu là “Giáo Hội thật”, thì lúc đó những thiên chuyên luận về Giáo Hội mới xuất hiện. Các tác giả đầu tiên viết về Giáo Hội là những nhà giáo luật, chứ không phải là thần học gia. Vì cần phải đối diện và phản ứng với những khó khăn cụ thể của thời đại, những tác phẩm ấy đã chú tâm nhiều đến việc nêu bật các khía cạnh hữu hình của Giáo Hội, tức bàn đến thể chế và “quyền bính” của Giáo Hội trong quan hệ đối với những thể chế và quyền bính giữa xã hội. Chẳng hạn, trong thời Ðại ly khai, các tác giả đã ra sức tìm cách hồi phục Hiệp nhất của Giáo Hội và những cơ cấu có khả năng đưa dẫn đến tiêu đích ấy. Nỗ lực hồi phục càng trở nên bách thiết, khi mà lạc giáo Cathar và những trào lưu linh đạo duy linh quá khích gây ra mối nguy ly tâm chi rẽ, khi mà các vua các chúa cũng ngang nhiên tranh cãi với giáo phẩm. Thế kỷ XIV đã thấy xuất hiện một số tác phẩm viết về quyền bính của Giáo Hội, như cuốn De Regimine Christiano (1301-1302) của Joannes thành Viterbo, cuốn De Ecclesiastica Potestate của Gil thành Roma,và cuốn De Potestate Regis et Papae (1300) của Gioan thành Paris: Giáo Hội học chuyên khoa chào đời.
Cuộc cải cách Tin lành không thay đổi gì nhiều. Luther là người thừa kế tư tưởng nhập nhằng của thời Trung cổ. Ðối với ông, cả phần nhân tính lẫn thể chế của Giáo Hội đều đồi bại; mặt khác, ông dựa theo một nền triết học duy danh và một dạng linh đạo chủ quan; kết quả là Giáo Hội ông chủ trương là một dạng Giáo Hội nặng chủ quan tính và vô hình. Công đồng Trentô đã phản ứng chống lại quan niệm ấy. Và một lần nữa, bầu khí tranh luận đã khiến Giáo Hội học nhấn mạnh những khía cạnh ngược lại, tức là tính chất hữu hình và khách quan, cái “mắt thấy tai nghe”; điển hình cho khuynh hướng này là thánh Roberto Bellarmino (1552-1621).
Với Công Đồng Vatican I (1870), Giáo Hội học cổ điển đã đạt tới mức phát triển tột đỉnh. Trong Giáo Hội thời đó, thấy có hai khuynh hướng: ở Pháp vẫn còn có tư tưởng gallicano, chủ trương bênh vực những đặc quyền của Giáo Hội quốc gia; ngược lại, chủ hướng ultramontano thì gom hết mọi quyền hành trong Giáo Hội vào trong tay của Giám mục Roma. Thực ra, đã muốn giữ thế quân bình và đi theo con đường trung dung, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử (ý thức hệ duy lý, trào lưu tục hóa, chiến tranh ở Ý đã chiếm mất lãnh địa và thủ đô Roma của Giáo Hoàng…) ngăn trở, nên Công Đồng thấy cần phải củng cố địa vị của Giáo Hoàng.
Hội Thánh biểu hiện qua hai thể dạng: qua thể dạng của một pháp nhân tập đoàn, với những quyền lợi và đặc ân, có phẩm trật làm hiện thân; và qua thể dạng của công cụ làm trung gian cho chân lý và ân sủng đối với các giáo hữu. Lối biểu hiện này có thể gây ngộ nhận để cầm “Giáo Hội” và khối giáo dân như là hai thực tại. Giáo lý Công Đồng Vatican I ghi đậm những điểm tích cực vàng son sau đây: đã cố nhấn mạnh đến hiệp nhất tính của Giáo Hội, chống lại những chủ nghĩa quốc gia và chủng tộc; đã nêu bật tính chất cá biệt của Giáo Hội là một cộng đồng tôn giáo chứ không là một hội đoàn chính trị, độc lập đối với các quyền bính thế tục; và đã mạnh mẽ cổ võ tinh thần truyền giáo. Tuy nhiên, cũng không thiếu những điểm khiếm khuyết: coi “quyền bính” là nhân tố cốt lõi của Giáo Hội học, và đã dựa vào giáo luật hơn là thần học; dành ưu tiên cho những yếu tố pháp lý mà không lưu tâm cho đủ đến những yếu tố mầu nhiệm; có khuynh hướng tập trung mọi quyền quyết định về Roma, và lấy Roma làm tiêu chuẩn hay mô mẫu cho mọi cơ cấu mọi sinh hoạt trong Giáo Hội; cường điệu đề cao các giá trị pháp luật, và đặc biệt ưu đãi thái độ vâng phục – đức vâng lời, – đối với phẩm trật.
Vào giữa thế kỷ XIX, do tác đông của phong trào lãng mạn, và nhất là nhờ những đóng góp của thần học gia Johann Adam Mưhler (1796-1838), Giáo Hội học bắt đầu nhìn đến những khía cạnh khác; thần học gia này định nghĩa Giáo Hội như là “Con Thiên Chúa hằng tiếp tục hiện diện ở giữa loài người, trong hình dạng con người; Ngài hằng tiếp tục đổi mới, dù mãi mãi vẫn nguyên vẹn là chính mình, điều đó muốn nói rằng Giáo Hội là cuộc nhập thể thường xuyên và trường kỳ của Con Thiên Chúa”.[1] Với những quan niệm khác nhau, một số nhà thần học lừng danh đã đào sâu khái niệm về Giáo Hội. Trong số các thần học gia này, nổi bật hơn cả là Matthia Scheeben (1835-1888), H. Newman (1801-1890), F. Pilgram (1819-1890), C. Passaglia (1827-1859), J.B. Franzelin (1816-1886),…
Trong thế kỷ XIX và XX, một số biến cố và trào lưu trí thức đã trở thành hoặc là những yếu tố xúc tác, hay là những đóng góp lớn cho việc canh tân Giáo Hội học. Tại Âu châu, một vũ trụ quan mới xuất hiện; xã hội bỏ rơi đi nhiều giá trị tôn giáo, còn Giáo Hội thì bị tước mất những đặc ân đã từng hưởng. Một phần lớn của xã hội hoặc là bỏ Giáo Hội hoặc là không còn theo những chỉ thị tôn giáo nữa; có khi người Công Giáo chỉ là thiểu số. Nhưng đồng thời lại thấy mọc lên trong Giáo Hội những dòng tu và những tu hội mới, cũng như những phong trào giáo dân rất sống động, chẳng hạn như là: Công giáo tiến hành, Thanh lao công,v.v… Những Giáo Hội địa phương được hồi phục, còn các vùng truyền giáo thì chứng kiến việc khai sinh các Giáo Hội trẻ. Và mới lạ hơn nũa là sự việc phong trào đại kết đã thành công trong việc giúp cho tẩy bỏ được nhiều thành kiến, và đem lại một lối nhìn mới về các Giáo Hội không Công Giáo để từ đó nhận ra và chấp nhận những gì hay đẹp đúng nơi các Giáo Hội khác.
Trong thế kỷ XX, dù thần học có dành ưu tiên cho Kitô học, thì cũng thấy xuất hiện vô số những tác phẩm chuyên luận về Giáo Hội. Ðồng thời, một cách thật lạ lùng, cảm thức về Giáo Hội cũng đã đâm sâu và lớn rộng ở giữa lòng cộng đồng các tín hữu. Thật vậy, việc Công Đồng Vatican II chọn Giáo Hội làm chủ đề chính, đã giúp cho các giáo hữu ý thức rõ hơn mình là thành viên chủ động của Giáo Hội. Các văn kiện của Vatican II vén mở cho thấy rõ hai chủ hướng sinh hoạt: một là đối nội, hướng về với mầu nhiệm của Giáo Hội; hai là đối ngoại, với những quan hệ mà Giáo Hội có đối với thế giới và xã hội loài người, đặc biệt là đối với các Kitô hữu và các tôn giáo khác. Ðã có rất nhiều tác phẩm viết về Giáo Hội học thực tiễn, nhưng cũng không phải là hiếm các tác phẩm bàn về Giáo Hội học hệ thống, nêu bật các đặc tính của bản chất Giáo Hội, như là “bí tích”, “nhiệm thể”, “dân Thiên Chúa”, “hiệp thông”, “cộng đoàn tạ ơn”,v.v… Phải nhận là Giáo Hội học thời nay phong phú và đượm đầy ý vị hơn hẳn thời xưa.
II. HIỆN TRẠNG CỦA GIÁO HỘI HỌC
Văn hóa là một yếu tố cơ bản của Giáo Hội học; nhưng bao giờ văn hóa cũng biến đổi, và biến đổi ngày càng nhanh. Mấy thập kỷ trước đây, những công cụ nhận thức luận thường không có nhiều (chỉ có chẳng hạn như: lịch sử, xã hội học và triết lý về con người); hiện nay thì khác, ngày càng có thêm nhiều những công cụ giúp cho nỗ lực nhận thức (như: phân tích xã hội và chính trị, tâm lý học tập thể, nhân học văn hóa, hiện tượng học, khoa chú giải, triết lý về những giá trị và văn hóa, triết lý về ngôn ngữ, triết lý về tôn giáo, lịch sử các tôn giáo,v.v…). Kết quả là ngày nay, Giáo Hội học mang một hình thái phức tạp và đa dạng hơn. Và bởi văn hóa thay đổi nhanh chóng, nên nhà thần học hẳn thầm e rằng ngôn ngữ và tư tưởng của mình sẽ sớm trở thành lỗi thời; hoặc là những phạm trù mình dùng, sẽ không được phần lớn các độc giả lĩnh hội, thậm chí còn bị phê bác, tẩy chay. Khi những giá trị, phong tục, phạm trù, cơ cấu xã hội thay đổi, thì sẽ dựa vào đâu mà trình bày hay giảng dạy những chân lý từng đâm rễ sâu ở trong một truyền thống lâu đời. Hơn nữa, khi khái niệm cả về “chân lý”, lẫn về “tuyệt đối”, đều bị mờ nhạt đi — nếu không nói là đã bị dứt khoát chối bỏ đi — thì giáo thuyết chỉ còn được coi như là giả thuyết, và nếu các tác giả còn dám lên tiếng, thì cũng chỉ để khiêm tốn đưa ra những kết luận coi như tạm thời, rút tỉa được từ những nỗ lực nghiên cứu của mình.
Trong thập kỷ 60 của thế kỷ XX, đã có ý kiến đề nghị rằng, trong một thế giới tục hóa như hiện nay, tốt nhất là thần học nên tạm giữ thái độ lặng thinh; nhưng làm thế là phản bội Lời Chúa. Ðiều thiết yếu thần học phải làm là cố nói cho được ngôn ngữ của môi trường mình sinh sống và hoạt động, đồng thời tránh dùng những biệt ngữ bí truyền chỉ dành để thông đạt hiểu biết trong những nhóm nhỏ. Tuy nhiên, cần lưu ý là còn có một mẫu từ vựng phát nguyên từ truyền thống Kitô giáo nói chung, và từ truyền thống Công Giáo nói riêng, mà người Kitô, và cách riêng, những ai có ơn gọi lãnh đạo để rao giảng Tin Mừng cho xã hội của mình, cần phải biết đến. Còn đối với nội dung, thì dù giáo lý về Giáo Hội có phức tạp hoặc khó hiểu đến mấy, thần học gia cũng phải ra sức mà thành thực trình bày theo đúng như mình đã tìm hiểu và biết được. Ðó chính là góp phần tích cực xây dựng cho văn hóa ngày nay; bởi có thế, văn hóa ngày nay mới tránh khỏi được thái độ quá khích một chiều. Chắc hẳn, việc phải làm trước hết là trung thành với Lời Thiên Chúa, bởi xác tín rằng, dẫu mình chỉ là khí cụ vụng về, thì Lời ấy vẫn có dư đầy sức năng để soi sáng và cảm hóa tất cả những ai chịu lấy thiện chí mà lắng nghe.
Thánh Phaolô đã nói về “mầu nhiệm tội ác” đang hoạt động trong thế giới. Con mắt của đức tin sẽ nhận ra ảnh hưởng của sự ác ấy nơi nhiều tầng lớp xã hội ngày nay. Nhưng chính ở giữa xã hội này, Giáo Hội đang đứng thẳng như là “dấu chỉ bị chống báng”, và như là “bí tích cứu độ” cho muôn dân. Giáo Hội đóng giữ một vai trò hết sức trọng yếu và cần thiết ở trong xã hội tiên tiến này. Giáo Hội có sứ mệnh làm thuốc chữa lành những gì tội ác làm cho hư hỏng đi. Thần Khí dùng Giáo Hội như là công cụ để làm cho xã hội thấm nhuần sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi, hầu nhờ đó mọi sự sẽ được thật sự đổi mới. Vì thế, những suy tư về mầu nhiệm Giáo Hội không phải là một mớ lý luận trừu tượng mông lung, nhưng là một việc làm cụ thể, có tính cách then chốt đối với chính bản thân nhà thần học cũng như đối với môi trường trong đó nhà thần học sinh hoạt. Vì là chi thể của thân thể Ðức Kitô, nên khi nói về Giáo Hội là một phần nào, nhà thần học biểu đạt chính mình. Nhà thần học ý thức rằng Giáo Hội là nơi mình tin, mình sống, mình hy vọng; là nơi mình uống nước của Thần Khí, mình lãnh nhận ơn gọi và sứ mạng; là thầy dạy cho mình Lời Chúa, là mẹ sinh mình ra trong Ðức Kitô. Nhà thần học ở trong Giáo Hội, chứ không ở trên hay ở ngoài Giáo Hội. Giáo Hội học không phải là một lối giải thích duy lý của một hiện tượng tôn giáo là Giáo Hội; nhưng là nỗ lực tìm hiểu và đào sâu về mầu nhiệm sống động, thần bí, siêu nhiên của Nhiệm thể Chúa Kitô: là “thần học về Giáo Hội”.
III. QUAN ĐIỂM MỚI
Vậy thì cần phải nói về Giáo Hội cho thời nay. Cho đến thời Công Đồng Vatican II, Giáo Hội học thường rập khuôn theo quan điểm xã hội-pháp luật, như đã từng thấy từ thế kỷ XVI. Sau Công Đồng chung, những sáng kiến trong phạm vi này đã được đề ra dưới rất nhiều dạng: khi thì dựa theo quan điểm “hiệp thông”, khi thì dóng theo kiểu mẫu “bí tích”; có tác giả này thì dựa vào thần học “sứ điệp Tin Mừng” (kerygma), có người khác lại dùng đến linh hứng “thần linh” (charismatica); lại còn có nhiều dạng Giáo Hội học với nhiều trọng tâm và danh xưng khác nhau, như: Giáo Hội học “thánh thể” (eucharistica), Giáo Hội học “cánh chung” (eschatologica), Giáo Hội học “thập giá” (staurologica), Giáo Hội học “thiên sai” (messianica), Giáo Hội học “thần khí” (pneumatologica),v.v… Mỗi quan điểm hay phương pháp đều có công tích cực đóng góp phần mình để giúp cho chúng ta hiểu thêm về những khía cạnh đa dạng của mầu nhiệm Giáo Hội; bởi nếu chỉ khăng khăng dựa theo chỉ một phương diện mà thôi để tìm hiểu, thì sẽ gặp phải cái nguy là bỏ sót mất đi những vẻ những nét những khía cạnh không nhận ra được từ phương diện chỉ có một chiều như thế.
Giáo Hội học phải được trình bày sao cho có hệ thống, nhưng cũng không nên quá chặt chẽ. Một thực tại vừa bí nhiệm vừa sống động tất phải cần đến một phương pháp mềm dẻo, biết múc lấy những gì cần từ nguồn suối chú giải Kinh Thánh, cũng như từ những nguồn suối lịch sử, thần học, triết lý, xã hội học, khoa đối chiếu các tôn giáo,v.v… Không một tác giả nào có thể hiểu biết hết được tất cả, không một cuốn sách nào có sức bao hàm toàn diện trọn cả khoa Giáo Hội học được. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày về quá trình hình thành của Giáo Hội, về một số khía cạnh của mầu nhiệm Giáo Hội; rồi tiếp đó, sẽ bàn đến những cơ cấu có tính cách vừa xã hội vừa lịch sử của Giáo Hội, cũng như sẽ đề cập đến những quan hệ Giáo Hội có đối với thế giới. Những phạm vi khác nhau này không thuộc cùng một mức độ như nhau về mặt tính chất thần học; cho nên những luận đề hoặc khẳng định trình tả sẽ không có cùng một mức độ giá trị như nhau về mặt chân lý: có khi là tín điều, có khi là giáo lý chung, và cũng có khi chỉ là những ý kiến riêng của cá nhân các tác giả. Ngoài những chứng dẫn rút từ Kinh Thánh hoặc từ các văn kiện của huấn quyền, sẽ còn có những tác phẩm khác, được giới thiệu nhằm minh họa cho rõ thêm hơn về một số điểm, hoặc là để giúp cho việc nghiên cứu được sâu rộng phong phú hơn.
IV. LỊCH SỬ HAY HỆ THỐNG?
Khi trào lưu Nouvelle théologie xuất hiện (trong thập kỷ 1940), thì trong Giáo Hội, cuộc tranh luận lại tiếp tục diễn ra, và lần này là giữa phía những người chỉ trích hệ thống thần học Kinh Viện và cổ vũ thần học thực chứng, và phía kia những người nhấn mạnh đến việc cần thiết phải có một nền thần học hệ thống. Dù sao, trong Giáo Hội học cả hai phương diện ấy đều cần thiết cho lẫn nhau như hai chân của một thân mình. Giáo Hội vừa là mầu nhiệm vừa là biến cố, vừa do thần khởi vừa do con người cấu thành; vì thế khía cạnh lịch sử mang một tầm trọng yếu rất lớn. Ở đây, chúng tôi giả thiết như là các độc giả đã từng có dịp làm quen với những nét chính trong lịch sử của Giáo Hội. Như các dân khác, dân Chúa cũng có một lịch sử cụ thể, rất quang vinh mà cũng thật ô nhục, với những thành công vô số cũng như với những thất bại ê chề, đánh dấu bởi những đặc tính văn hóa và tôn giáo cá biệt mà các thành viên cần phải biết đến, cần phải bảo toàn và yêu mến như là những gì làm nên bản sắc thâm cố của mình. Sở dĩ chúng ta học lịch sử là vì muốn biết Giáo Hội là gì, bởi vì các biến cố trong lịch sử ấy một phần nào, miêu tả cho thấy bản chất của Giáo Hội. Tuy nhiên, tiêu chí cơ bản để hiểu biết về Giáo Hội là Lời Chúa, là mạc khải.
Ðiều mà Giáo Hội học lịch sử nhằm tới tất không phải là để kể lại những biến cố dệt nên mẫu truyện đời của một tổ chức gọi là Giáo Hội, nhưng là để thấu rõ Giáo Hội đã hiểu về mình như thế nào trong suốt dòng lịch sử: hiểu một cách rõ ràng qua những tác phẩm viết về Giáo Hội; hoặc hiểu một cách mặc nhiên qua những biến cố đượm đầy ý nghĩa. Có thể bắt đầu với lịch sử của Israel trong Cựu Ước (hoặc với lịch sử của nhân loại nói chung, hay của một dân tộc nói riêng), rồi tiếp theo là với lịch sử dân Chúa trong Tân Ước, và lưu ý xem hoạt động của Thiên Chúa trong tiến trình thực hiện kế hoạch của Người đã từng được nhận thức như thế nào. Riêng đối với Giáo Hội, các giai đoạn lịch sử thường được phân chia theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như: thời các Giáo phụ, thời Kinh Viện và thời Tân Đại.
Các tác giả cũng phân chia Giáo Hội học hệ thống theo những cách khác nhau. Ðiển hình là cách chia theo bốn đặc tính của Giáo Hội; có tác giả khác thì trước tiên bàn về hữu thể của Giáo Hội, rồi sau đó trình bày về mối quan hệ của Giáo Hội đối với những thực tại khác. Còn ở đây, chúng tôi xin trình bày Giáo Hội học qua nỗ lực trả lời cho ba câu hỏi sau đây: Giáo Hội đã hình thành như thế nào? Giáo Hội là gì? Giáo Hội làm gì?.
V. PHƯƠNG PHÁP CỦA GIÁO HỘI HỌC
Thần học đã đổi mới vì đã canh tân ngôn ngữ, nội dung và phương pháp. Ðối với phương pháp trong Giáo Hội học, các nhà thần học giải phóng đã có công đáng kể, vì họ là những tác giả đầu tiên đặt vấn đề một cách minh nhiên đối với việc xét lại phương pháp gọi là “từ trên xuống” – đơn thuần dựa vào Kinh Thánh, Truyền thống và huấn quyền mà giải thích bản tính của Giáo Hội, – thường được dùng đến trước đó trong khoa Giáo Hội học, bằng cách nêu rõ những khuyết điểm của phương pháp ấy; và mặt khác, các tác giả này chủ trương là phải dùng đến phương pháp gọi là “từ dưới lên”, tức là dựa vào các khoa học nhân văn, nhất là vào kỹ thuật phân tích xã hội học và chính trị học mà tìm hiểu quá trình hình thành và bản chất của Giáo Hội.
Những cuộc tranh luận sôi nổi kia đã giúp cho mọi phía rút ra một số kết luận được coi như là vững chắc: phương pháp “từ dưới lên” quả là rất hữu ích cho nỗ lực tìm hiểu của Giáo Hội học, đặc biệt là cho công tác chỉ đạo hoạt động mục vụ. Hữu ích nữa là vì phương pháp ấy đã thực sự góp phần để gột bỏ tính cách bí nhiệm (có kẻ còn cho là “thần thoại”) và siêu nhiên thái quá trong cách quan niệm và lối dùng ngôn ngữ khi biểu trình về Giáo Hội, cũng như đã mạnh dạn nêu bật những khía cạnh nhân loại của Giáo Hội và vị trí cùng vai trò của giáo dân. Vấn đề là một phương pháp thuần túy “từ dưới lên” sẽ không hẳn thích đáng để giải thích mầu nhiệm của Giáo Hội. Chắc hẳn là phải nhờ đến Kinh Thánh, nhờ đến ánh sáng của Thần Khí tỏa chiếu từ truyền thống thì mới thấu hiểu được chân lý tiềm ẩn trong sứ điệp, trong các bí tích, đoàn sủng, sứ mệnh,v.v… của Giáo Hội. Vì thực tại của Giáo Hội thì phức tạp (vừa hữu hình vừa vô hình, mang tính chất thần-nhân, ở trong lịch sử nhưng lại có tính cách cánh chung,v.v…); vì thế, phương pháp Giáo Hội học dùng đến cũng không thể thoát khỏi cái vòng phức tạp đó. J.B. Mondin đề nghị một trình tự sáu giai đoạn trong cách xử lý thực tại kia.[2]
1. Giai đoạn kinh nghiệm
Khi nghiên cứu bất cứ một điều, nhà thần học thường dựa vào kinh nghiệm đức tin của mình mà tiến hành công tác; thì khi tìm hiểu về Giáo Hội cũng vậy. Nhà thần học hằng ý thức mình là tín hữu, vì cộng đoàn giáo hội đã sinh mình ra làm con cái Thiên Chúa, và đã cũng như đang nuôi dưỡng đức tin của mình; cũng như ý thức rằng chính nhờ tham dự vào niềm tin của cộng đoàn, nhờ lãnh nhận các bí tích, mà đức tin của mình được đâm rễ vào trong truyền thống sống động của cộng đoàn, và mình hiểu được các công thức tuyên tín theo cùng một ý nghĩa như các anh chị em đã từng cấu tạo nên chúng trong quá khứ, và cũng hệt như các anh chị em đang tuyên xưng chúng trong hiện tại. Trong niềm tin ấy, nhà thần học nhận ra Thần Khí soi dẫn Giáo Hội, và để Thần Khí ấy điều phối cuộc sống cũng như sinh hoạt của mình. Khi sống đạo trong cộng đoàn, tất nhà thần học đã quen thuộc với cách hiểu ý nghĩa của những biểu tượng mà người ngoài thường coi như là xa lạ, bí ẩn; và khi làm công tác của mình là nhà thần học minh nhiên miêu tả cách thức cộng đoàn mặc nhiên tự hiểu về mình. Khiêm tốn, nhà thần học nhận thức rõ rằng mình không phải là người sáng lập nên Giáo Hội, cũng như không phải là ân nhân của Giáo Hội, và sống một niềm biết ơn sâu xa đối với Thiên Chúa vì ân huệ lớn lao Người ban là Giáo Hội. Kinh nghiệm đóng giữ một vai trò hết sức quan trọng ở trong thần học, vì “đối tượng” thần học nghiên cứu, không phải là một điều nằm trong tầm xử lý của con người, nhưng chính là “Ðấng” tiếp đón con người. Những điều kiện đưa dẫn tới kinh nghiệm này nằm trong tầm tay xếp đặt không phải là của con người, nhưng là của ơn trên; con người không chất vấn, nhưng trái lại, phải lắng nghe; và học hỏi tất phải trả lời. Thần học không cốt tại ở chỗ trình bày tư tưởng của con người, nhưng là ở chỗ trung thành giải thích Lời của Chúa.
2. Giai đoạn chú giải
Hiện nay, khoa chú giải đang bao hàm tất cả. Theo một số tác giả (Heidegger, Gadamer, Ricoeur,…), thì mọi kinh nghiệm hiểu biết đều nằm trong lãnh vực chú giải. Dù không tán đồng với học thuyết ấy, thì nhà thần học cũng ý thức rằng bao giờ mình cũng có bổn phận phải giải thích các bằng chứng của quá khứ. Vì Giáo Hội là một thực tại lịch sử, thế nên, muốn hiểu những nhân vật, những văn kiện cùng những biến cố ngày xưa, thì cần phải dựa vào một số nguyên tắc và kiến thức về bối cảnh của các sự kiện ngày trước mà tìm hiểu và giải thích. Chỉ có thể hiểu biết được về Giáo Hội (quá khứ cũng như hiện tại) qua những di tích lịch sử mà khoa chú giải cắt nghĩa và diễn trình qua ngôn ngữ và văn hóa ngày nay.
3. Giai đoạn hiện tượng
Ở đây, thiết nghĩ cũng chẳng cầàn phải theo những giả thuyết hiện tượng học quá khích (theo kiểu Husserl); tuy nhiên, nhiều tác giả (như Scheler, Merleau-Ponty, Levinas,…) đã đề xuất một số những quy tắc giúp tránh cho khỏi thái độ ngây thơ đối với đối tượng, chẳng hạn như là đối với Giáo Hội. Ðã gọi là học hỏi thì tất cần phải cởi bỏ những thành kiến; đó không phải là chuyện dễ. Nhà thần học phải lấy ánh sáng đức tin và lý trí mà thu thập một cách khách quan bao nhiêu có thể, mọi dữ kiện cũng như mọi tài liệu liên quan đến Giáo Hội. Ðối với công tác này, các ngành khoa học nhân văn, như xã hội học, tâm lý tập thể, nhân chủng học văn hóa,v.v… là những công cụ rất hữu ích. Những phương thức phân tích này giúp cho hiểu biết về các cộng đồng địa phương, vào một thời điểm cụ thể của lịch sử.
4. Giai đoạn triết lý
Truyền thống Kinh Viện gọi triết lý là “tôi tớ của thần học”, và thực sự triết lý là công cụ đặc thù cũng như có hiệu năng nhất của nỗ lực suy tư về thực tại. Nếu không đào sâu đến tận gốc của hữu thể, thì khó mà hiểu được gì về mầu nhiệm cứu độ. Trước hết, vì triết lý luyện cho lối suy nghĩ nên chính xác và hữu hiệu, cũng như giúp cho ý thức rõ về khả năng cùng giới hạn của trí lực; rồi triết lý còn dạy cho biết nghiên cứu hầu nắm vững chân lý tự nhiên, phát nguồn từ Ðấng Tạo Hóa, và dọn đường để đón nhận chân lý siêu nhiên, do Ðấng Mạc Khải thông ban. Nhờ đào sâu đối tượng của mình, triết lý đã khám phá ra được phương cách loại suy về khái niệm hữu thể, tức là lấy thực tại tự nhiên làm nhịp cầu hầu đi đến chỗ hiểu biết về thực tại siêu nhiên, và dùng phạm vi nội tại để bước sang thế giới siêu việt. Trong lãnh vực Giáo Hội học, triết lý về xã hội đóng một vai trò đặc biệt: bộ môn này đã minh chứng cho thấy rằng trong bất cứ xã hội nào, thì bao giờ ý thức hệ và ảo tưởng cũng có tương quan biện chứng đối với nhau; như thế có nghĩa là cả hai lực lượng bảo thủ và cách mạng đều cần thiết. Bộ môn xã hội học văn hóa nghiên cứu về “linh hồn” của xã hội, tức là văn hóa: một dân tộc không văn hóa thì giống như một xác thể không hồn; “linh hồn” này có những chức năng như là ngôn ngữ (biểu tượng), phong tục (đạo đức), thể chế (chính trị), và những giá trị (luân lý). Nhờ các chức năng này, một dân tộc diễn tả đặc tính và những nét cá biệt của mình qua văn chương, mỹ thuật, triết lý, tôn giáo, lề luật,v.v…
5. Giai đoạn thần học
Một khi đã thu lượm được từ trong lịch sử, Kinh Thánh và kinh nghiệm, những dữ liệu cần thiết, thần học sẽ lấy những phạm trù triết học mà đào sâu ý nghĩa của mầu nhiệm Giáo Hội. Là đối tượng của đức tin, mầu nhiệm chỉ có thể hiểu được một phần nào nhờ loại suy đức tin.Ðối tượng đức tin đến với chúng ta qua Kinh Thánh, Truyền thống và Huấn quyền của Giáo Hội. Hễ đã có thần học về Giáo Hội tất phải có thần học về Lời Chúa, dựa vào ý thức mà dân Chúa có về mình như thấy được trong các uyên nguyên: Kinh Thánh, tác phẩm các Giáo phụ, phụng vụ, truyền thống và sinh hoạt của Giáo Hội. Suy tư “từ trên xuống”, thần học nhìn lên mầu nhiệm Ba Ngôi như được phản ánh qua niềm tin của Giáo Hội, và nhờ đó mới thoáng thấy được Giáo Hội là gì, hàm dung những chân lý nào, và đã lãnh nhận sứ mạng như thế nào.
6. Giai đoạn đối thoại
Triết lý tân đại suy nghĩ về con người theo ý niệm nhân vị, tức như là một bản ngã trong thế đối thoại với tha nhân, Trong thông điệp Ecclesiam suam, Ðức Phaolô VI đã dùng hình ảnh “lời nói, sứ điệp và cuộc tọa đàm” để giới thiệu Giáo Hội, tức là muốn miêu trình Giáo Hội đang sống trong thế đối thoại với thế giới. Lịch sử cứu độ là sáng kiến Thiên Chúa đề xuất nhằm đối thoại với nhân loại; Giáo Hội có bổn phận phải noi theo gương Thiên Chúa Cha trong cách cư xử với thế giới. Nhà thần học ý thức rằng Giáo Hội không sống khép kín trong chính mình, song là thường xuyên sống trong tương quan với Ðức Kitô là Ðầu của mình, với Thiên Chúa Ba Ngôi mà Giáo Hội là đền thờ, cũng như với thế giới mà Giáo Hội được sai đến để làm dấu chỉ và làm bí tích cứu độ. Vì thế, nhà Giáo Hội học phải biết nói thứ tiếng của thế giới, biết chú ý đến những vấn đề cũng như thách đố gặp thấy ở giữa xã hội loài người, và cố sức giải đáp chúng cho thỏa đáng. Giáo Hội sinh sống ở trong thế giới, lắng nghe thế giới, và dấn thân hoạt động nhằm mang lại ơn cứu rỗi cho thế giới, bằng cách chia sẻ gia sản thiêng liêng của mình cho thế giới.
Tóm lại
Các “giai đoạn” trên đây không nhất thiết phải tiến hành kế tiếp nhau; trong khi làm công tác nghiên cứu của mình, nhà thần học phải đối thoại với thế giới và suy tư và dùng phương thức triết lý mà suy tư về kinh nghiệm của mình. Hình ảnh của Giáo Hội sẽ phản ánh tình trạng phối hợp những cấu tố xuất phát từ hai phía, tức là từ phía nhân bản và từ phía thần linh, từ thiên nhiên và từ ân sủng, từ quá trình diễn tiến của lịch sử và từ tác động soi dẫn của Thần Khí. Rút kinh nghiệm từ quá trình phát triển của Kitô học, Giáo Hội học đã ra sức lưu ý để tránh cho khỏi rơi vào cạm bẫy của hai hình thức “lạc giáo”, là: Nestôriô chủ trương chia tách hai nhân tố kia ra khỏi nhau, và nhất tính giáo đem các nhân tố ấy trộn lẫn với nhau. Tương tự như thế, khi “pha trộn” vào giữa thế giới, Giáo Hội phải là như muối giữ nguyên vị mặn; nếu bị nhạt đi hoặc nhiễm vị của thế giới thì Giáo Hội không còn ích lợi gì nữa. Nếu bị tục hóa, Giáo Hội sẽ mất đi tính chất “tiên tri” để có thể nhân danh Chúa Kitô mà kêu mời thế giới hối cải. Nếu quá thiêng liêng xa vời, Giáo Hội sẽ không “nhập thế” được và mất đi khả năng tiếp xúc với con người cụ thể. Giáo Hội học phải làm sao để giữ cho được thế quân bình giữa hai thái cực ấy. Mặt khác, Giáo Hội học cũng còn phải giữ cho vững thế quân bình giữa hai chiều kích “thần khí học” và “Kitô học”; tức là để nói cho cụ thể một đàng thì nhấn mạnh đến tự do như gió muốn thổi đâu thì thổi, còn đàng kia thì nêu bật thể chế mà Ðấng sáng lập đã để lại; dĩ nhiên là cả hai chiều kích đều bổ túc cho nhau. Cuối cùng, Giáo Hội học mang tính chất lịch sử và văn hóa, tức là phản ánh tình trạng sinh sống và hoạt động của tác giả ở trong Giáo Hội và ở trong xã hội, với những kinh nghiệm cụ thể và những giới hạn riêng.
[1] Xem. Himes, Michael J., Ongoing Incarnation. Johann Adam Mưhler and the Beginning of Modern Ecclesiology, Crossroad Publ. 1997.
[2] Mondin, G.Battista, La Chiesa primizia del regno, Bologna, EDB 1989, tr. 16.