Giáo Hội Địa Phương: Suy Tư Thần Học Trong Bối Cảnh Á Châu (5)

0
474


GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

SUY TƯ THẦN HỌC TRONG BỐI CẢNH Á CHÂU

Chuyển dịch: Ngô Minh

***

***

9. Luận đề 13

Qua những nét khác biệt về mặt văn hóa, các Giáo  Hội Địa Phương phản ánh công giáo tính (hoặc đặc tính phổ  quát) của Hội Thánh duy nhất Thiên Chúa đã thiết  lập; bởi vì, chính nhờ hành động chu toàn sứ  mạng của mình ở giữa cũng như đối với những  xã hội và những nền văn hóa khác biệt nhau trong  môi trường sống của mình, mà Hội Thánh hiện thực  hóa được bản chất của mình

13.01    Đặc tính phổ quát hoặc công giáo của Hội Thánh  thì hàm ngụ nhiều điều hơn là đơn thuần sự kiện Hội  Thánh triển dương rộng lớn về mặt địa dư. Hiến chế về Hội  Thánh nói rằng:

“Đặc tính phổ quát này, sáng chói nơi dân  Thiên Chúa, là một ân huệ do chính Chúa ban, nhờ đó  Hội Thánh Công Giáo không ngừng ra sức tìm những phương  cách hữu hiệu để quy tập toàn thể nhân loại, cùng  những gì tốt lành nơi họ, về dưới một Thủ lãnh  là Đức Kitô, vào trong niềm hiệp nhất với Thần Khí  của Ngài. Nhờ đặc tính công giáo ấy, mỗi phần  tử mang những ân huệ riêng của mình đến cho các  phần tử khác và cho toàn thể Hội Thánh; nhờ  đó, toàn thể và mỗi phần tử tăng triển nhờ  hiệp thông với nhau và nhờ cùng nhau nỗ lực  để tiến đến tình trạng viên mãn trong hiệp nhất” (GH  13).

Đặc tính công giáo chính là “tình trạng viên mãn  trong hiệp nhất” ấy.

3.02    Vừa đây, trong dịp kính mừng công trình của  hai thánh Xyrilô và Mêthôđiô là những vị đã  từng nêu gương nổi bật giữa các gương mẫu xuất  chúng nhất trong lịch sử Hội Thánh, của lòng hăng  say sống cũng như quảng bá ý niệm phong phú và  cụ thể ấy về công giáo tính, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô  II đã khai triển đoạn viết trên đây của Công đồng,  như sau:

“Hội Thánh là công giáo vì cả lý do này nữa: là vì Hội Thánh có khả năng trình bày  chân lý mạc khải, được chính Hội Thánh gìn giữ cho  toàn vẹn đúng như nội dung Thiên Chúa đã truyền ban,  trong mọi bối cảnh sống giữa loài người, với  một cách thức làm sao để mang chân lý ấy đến gặp gỡ  với những tư tưởng cao thượng và những nguyện  vọng chính đáng của mỗi cá nhân cũng như của  mỗi dân tộc. Hơn nữa, toàn bộ di sản của  những gì là tốt đẹp mà mỗi thế hệ truyền  lưu lại cho hậu thế, cùng với món quà vô giá của  sự sống: tất cả những điều ấy làm nên như là  một bộ tập hợp vĩ đại và muôn màu sắc của vô  số những mảnh cùng ghép lại thành bức tranh  thể khảm sống động của Đấng Toàn Năng, là  Đấng sẽ hiển linh trong huy hoàng sáng chói tột bực  lúc Quang lâm.

“Tin Mừng không làm cho ra nghèo nàn  hoặc là dập tắt hút đi những gì mà qua dòng  lịch sử của mình, mỗi quốc gia dân tộc cá thể  và mỗi nền văn hóa cá biệt đã chấp nhận và  giữ gìn lại ở trong đời sống, coi đó là những  giá trị của chân-thiện-mỹ. Ngược lại, Tin Mừng  ra sức thu nhận và phát huy tất cả các giá trị ấy,  mở rộng lòng mà hân hoan ứng dụng chúng vào  trong cuộc sống, và làm cho chúng nên hoàn hảo  nhờ bởi ánh sáng nhiệm mầu cao quý của mạc khải.

“Chiều kích cụ thể của công giáo tính, mà  Đức Kitô đã ghi khảm vào tận trong chính bản  chất của Hội Thánh, không phải là một điều gì  tĩnh, nằm chết một chỗ ở ngoài lề lịch sử,  độc điệu tẻ nhạt. Theo một ý nghĩa nào đó, thì cần  phải hiểu rằng đặc tính công giáo hằng tuôn trào  ra và tăng triển lên mỗi ngày tựa như một cái  gì mới phát nguồn từ niềm tin đồng tâm nhất trí của  hết thảy những ai tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi,  mà Đức Giêsu Kitô đã mặc khải và Hội Thánh  hằng tuyên giảng, nhờ quyền năng của Thần Khí.  Chiều kích ấy xuất phát một cách tự khởi từ tâm  tình ngưỡng mộ tôn trọng — là tâm tình đặc trưng  của tình thương huynh đệ — giữa mọi dân nước đối  với nhau, nước lớn cũng như nước nhỏ, cũng như  từ thái độ thành thực nhìn nhận đặc tính và quyền  lợi của hết mọi anh chị em trong đức tin” (Slavorum  apostoli, 18).

13.03    Các nguyên lý kiến tạo nên công-giáo-tính toàn  vẹn cũng đồng thời là những nguyên lý kytô  học, thần khí học và cả nhân chủng học nữa.  Công trình của Đức Kitô không phải chỉ có giới hạn  ở nơi việc hòa giải các tội nhân với Thiên Chúa  mà thôi, nhưng trên nguyên tắc, còn hòa giải  trọn cả nhân loại bị tha hóa nữa. “Thiên Chúa  đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện  ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà  làm cho muôn vật được hòa giải với mình, nhờ  máu Người đổ ra trên thập giá đem lại bình an…” (Cl  1,19-20). “Trước kia anh em là những người ở  xa, nhưng nay được kết hợp với Đức Kitô Giêsu, anh em đã  trở nên những người ở gần, nhờ máu Đức  Kitô đổ ra.

Thật vậy, chính Người là bình an của  chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái  và dân ngoại thành một; Người đã hy sinh thân  mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù  ghét; Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm có  những điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập  hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một  người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ  thập giá, Người đã làm cho hai bên được hoà  giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên  thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là  những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ  ở gần. Thật vậy, nhờ Người cả đôi bên chúng  ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng  Chúa Cha” (Ep 2,13-18). Vì thế, trong Đức Kitô “không  còn phân biệt Hy lạp hay Do thái, cắt bì hay không cắt  bì, man di, mọi rợ, nô lệ hay tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô  là tất cả và ở trong mọi người” (Cl  3,11). Công giáo tính của Hội Thánh là phương thế để  nhờ đó Hội Thánh trở thành “thân thể”  của Đức Kitô, “sự viên mãn của Đấng làm  cho tất cả được sung mãn mọi bề” (Ep 1,23).

13.04    Ngày Hiện xuống, Phêrô công khai xác nhận là  lời Thiên Chúa hứa đã thực sự ứng nghiệm: “Trong  những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta  trên mọi người phàm” (Cv 2,17). Luca cũng miêu  tả một hiện tượng được cầm như là một cuộc Hiện  xuống thứ hai, khi kể lại rằng: “các tín hữu thuộc  giới cắt bì đã cùng đi với Phêrô đến đó, đều kinh  ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thần Khí xuống trên cả  các dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người  này cũng nói tiếng lạ và tán dương Thiên Chúa”  (Cv 10,45-46). Và nếu bây giờ “Thần Khí Chúa chan  hòa càn khôn” (Kn 1,7), thì không thể coi là  bất chính việc nhận ra được hoạt động của Thần Khí mở  đường cho công cuộc loan Tin Mừng giữa những  người đã từng nghe Phaolô thuyết giảng tại  Athen, để kêu mời họ đi “kiếm tìm Thiên Chúa, may ra  dò dẫm mà họ tìm thấy được Người, tuy rằng  thực ra Người cũng chẳng ở cách xa bất cứ một  ai trong chúng ta” (Cv 17,27).

Vaticanô II nhận định rằng:  “Vì Đức Kitô đã chết cho mọi người, và vì thực  ra, mọi người đều được kêu gọi để đi về cùng một  tiêu đích tối hậu duy nhất, trong Thiên Chúa, cho nên, ta phải  cầm chắc rằng Thần Khí hằng ban cho mọi người có cơ hội  thông dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy, trong cách thức  mà chỉ có Chúa mới biết” (MV 22). Đức Gioan Phaolô  II dựa theo nhận định trên đây của Công đồng mà xây  dựng giáo thuyết của ngài về sự việc Thần Khí hiện  đang hoạt động ở trong thế giới, ở trong các cá nhân,  ở trong hết thảy những ai nhờ Người tác  động mà biết “phụng tự Thiên Chúa bằng tinh thần  và bằng sự thật, trong những ai đang hoạt động để  hiệp nhất toàn thể nhân loại nên một; và như vậy,  Hội Thánh cũng là bí tích, là dấu chỉ và là  khí cụ qua đó, Thần Khí của sự sống hiện diện và  hoạt động”, tại bất cứ nơi nào Hội Thánh đang sinh  hoạt (Dominum et vivificantem , 53-54,64).

13.05    Xét theo quan điểm nhân chủng học, thì công giáo  tính có nền tảng ở trong công trình tạo dựng vạn vật;  nhìn công trình ấy, Thiên Chúa đã thấy là những  tạo vật muôn màu muôn vẻ mà Ngài đã dựng  nên trong sáu ngày thì đều “rất tốt lành” (St  1,30). Thiên Chúa ra lệnh cho người nam và người  nữ là “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều,  cho đầy mặt đất, và hãy thống trị mặt đất” (St  1,28). Kết quả tiếp theo mệnh lệnh ấy là vô số những  công cuộc vĩ đại do xã hội và văn hóa loài người  làm ra, mang muôn hình thái và màu sắc rực rỡ. 

Theo Công đồng thì những thành quả kia của trí  khôn và tự do, của thiên tài và cố gắng loài  người, chẳng những không làm cho con người trở  thành “đối thủ cạnh tranh với Đấng Tạo Hóa, nhưng  ngược lại, các thắng lợi của loài người là  dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa cao cả, và là thành  quả phát nguyên từ ý định khôn lường của Người”  (MV 34). Nếu các thành tựu của loài người  cần phải được tinh luyện và chữa lành cho khỏi  mọi tỳ vết tội lỗi và khiếm khuyết, thì không  phải vì thế mà một thiên năng cảm nhận đích thực công giáo lại không nhận ra ngay được là ở trong “hoa  quả ruộng đất và lao công của con người”  như thế, có những yếu tố không phải là để hủy  bỏ, nhưng là để được nâng lên tới mức viên mãn  siêu việt, khi chúng được thu nhận vào trong mầu nhiệm  của Đức Kitô …, Và “hễ càng biết tôn  trọng những đặc nét của các nền văn hóa khác nhau  bao nhiêu, thì càng có sức để cổ xúy và biểu thị  hữu hiệu mối hiệp nhất trong nhân loại hơn bấy nhiêu”  (MV 54).

Chống lại mọi thành kiến trái nghịch khác,  Công đồng đã khẳng định rằng Hội Thánh không bao giờ  “bị ràng buộc một cách chuyên nhất và bất khả  phân ly với bất cứ một chủng tộc hay một quốc gia nào,  với bất cứ một lối sống đặc thù hoặc một tập tục cũ  hay mới nào” (MV 58). Trong chiều hướng đó, Đức  Gioan Phaolô II đã phát biểu thêm rằng: “Mọi cá nhân,  mọi dân nước, mọi nền văn hóa hay văn minh, đều đóng một  vai trò và có một chỗ đứng ở trong kế hoạch  nhiệm mầu của Thiên Chúa, và ở trong lịch sử  cứu độ phổ quát” (Slavorum apostoli , 29).

13.06    Vì các lý lẽ nêu trên đây, những khác biệt  dị đồng và những sắc thái đa dạng trong Hội Thánh  không phải là những gì làm cản trở  hoặc gây đe dọa cho sự hiệp nhất, nhưng là những nhân  tố cốt yếu của điều mà Đức đương kim Giáo Hoàng  gọi là “chiều kích cụ thể của công-giáo-tính”,  và đã miêu tả với những hình ảnh đầy thi  vị, “như là một bản đại hòa tấu được dệt thành  do nhiều hình thức phụng vụ khác nhau với đủ mọi thứ  tiếng nói trên thế giới cùng hợp lại trong một quy điển  phụng vụ duy nhất, hoặc như là một ca đoàn du dương  cất lên tiếng hát uyển chuyển của vô số quần chúng  nhân gian từ mọi nơi trên quả đất và trong mọi  thời đại lịch sử, hân hoan gióng cao muôn khúc ca nhịp  nhàng trầm bổng để ca tụng tán dương Thiên Chúa” (Slavorum  apostoli , 17).

13.07    Công đồng đã đưa ra nhiều cách phác họa ý nghĩa  được phục hồi của công giáo tính. Thí dụ: miêu tả  công giáo tính như là công cuộc của “Chúa Quan  Phòng đã muốn các Giáo Hội khác nhau, do các tông  đồ và những đấng kế vị thành lập tại nhiều nơi  khác nhau theo dòng thời gian, tụ họp lại thành  nhiều nhóm liên kết với nhau như trong cùng một hệ thống.  Các nhóm này có kỷ luật và phụng vụ riêng, thừa  hưởng di sản thần học cùng thiêng liêng riêng  mà vẫn không phương hại đến sự hiệp nhất đức tin  và bản chất duy nhất cũng như thần linh của  Hội Thánh phổ quát”. Rồi bằng một câu tuyệt diệu, Công  đồng đã đề cập đến các bước phát triển theo đường  hướng ấy: “Cùng sát cánh hướng về với hiệp nhất,  nên càng có những nét khác biệt nhau như thế, thì  các Giáo Hội Địa Phương càng minh chứng rõ ràng  đặc tính công giáo của một Hội Thánh không phân rẽ” (GH 23). Sau đó, trong Sắc lệnh về các Giáo Hội đông  phương, Công đồng đã nhắc lại niềm xác tín ấy, nói rằng:

“Các Giáo Hội này hiệp thông với nhau một  cách lạ lùng đến nỗi những sắc thái khác biệt  trong Hội Thánh không những không phương hại đến hiệp  nhất mà còn làm cho hiệp nhất tỏ rạng thêm.  Thật ra, Hội Thánh Công giáo hằng muốn bảo toàn hết  các truyền thống của từng Giáo Hội hay các lễ  chế riêng biệt, và đồng thời cũng hằng muốn thích  nghi nếp sống của mình với các nhu cầu khác nhau tùy  theo thời gian và nơi chốn” (ĐP2)

Công đồng còn nhắc lại như sau về một điểm đã được  đề cập đến ở trong Sắc lệnh về Hiệp Nhất:

“Ngay từ buổi đầu, các Giáo Hội Đông phương  đã theo những quy luật riêng được các thánh Giáo Phụ,  các Công đồng địa phương và cả các Công đồng chung  phê chuẩn. Vì các khác biệt về phong tục và tập quán  đã nhắc tới trên kia, chẳng những không mảy may  cản trở sự hiệp nhất, mà còn tăng thêm vẻ  đẹp của Hội Thánh và góp phần không nhỏ vào  việc chu toàn sứ mệnh của Hội Thánh nữa; thế  nên, để đánh tan mọi nghi ngờ, Thánh Công đồng tuyên  bố là: các Giáo Hội Đông phương có quyền tự trị theo  các kỷ luật riêng, miễn là biết ý thức rõ  về mối hiệp nhất thiết yếu của toàn thể Hội Thánh,  vì các quy luật riêng này phù hợp với bản chất  của tín hữu họ hơn và có đủ điều kiện hơn  để mưu ích cho các linh hồn. Tuân thủ cho trọn nguyên tắc  truyền thống này, – mà thực ra, không phải bao  giờ cũng được tôn trọng, – là đã ứng đáp  được một trong những điều kiện tiên quyết để tái lập  hiệp nhất” (HN 16).

13.08    Truyền thống đáng kính này về đặc tính công giáo  với muôn vàn sắc thái khác biệt nhau trong cùng một  Hội Thánh duy nhất, cũng đã khơi hứng cho Sắc Lệnh  về Hoạt Động Truyền Giáo. Văn kiện này có thể được  mệnh danh là sách giáo khoa để thực hiện công tác “công  giáo hóa” Hội Thánh một cách cụ thể. Sắc lệnh khuyến  dụ các tín hữu hãy quan tâm làm sao để tránh cho  Hội Thánh khỏi phải bị coi là một nhân tố xa lạ  tại trong các nền văn hóa và các xã hội của  họ (xem GH 31).

Đảm nhận phận vụ này là các kitô hữu sẽ  làm cho mầu nhiệm công giáo của Đức Kitô nên trọn:

“Đâm chồi nẩy lộc từ trong lòng đất mầu  mỡ đượm nhuần sương thiêng, hạt giống, tức là Lời  Chúa, hấp thu, biến đổi và tiêu hóa mầu mỡ ấy, để  sau cùng mang lại những hoa trái dồi dào. Thật  vậy, cũng hệt như trong chương trình Nhập Thể, các Giáo  Hội trẻ, một khi đã được đâm rễ vào trong  Đức Kitô và đã được xây dựng trên nền tảng các  tông đồ, thì có được sức năng kỳ diệu để hấp thu tất  cả những gì là phong phú nơi các dân nước đã  từng được trao cho Đức Kitô làm gia nghiệp (xem Cv 2,8).  Các Giáo Hội ấy sẽ biết rút ra từ những tập  quán và truyền thống, từ lẽ khôn ngoan và  nền văn hóa, từ những nghệ thuật và khoa học  của các dân tộc mình, tất cả những gì có thể  góp phần vào việc ca ngợi vinh quang của Đấng Tạo  Hóa, làm tỏ rạng ân sủng của Đấng Cứu Thế,  cũng như vào việc tổ chức đời sống kitô cho tốt  đẹp” (TG 22).

13.09    Như vậy, không có gì là nghịch lý khi đưa ra nhận  định nói rằng việc quan tâm trở lại kể từ thời  Công đồng, đối với thần học về Giáo Hội Địa Phương, cho thấy  là Vaticanô II đã thực sự phục hồi ý nghĩa của  đặc tính công giáo, coi nó như là “tình trạng viên  mãn trong hiệp nhất”. Vì đặc tính công giáo và  sắc thái địa phương không đối nghịch lẫn nhau. Sắc thái  địa phương chính đáng — nghĩa là sự việc đâm rễ  vào trong những thực tại khác biệt phong phú của  những gì là con người với muôn hình thái đa dạng  — là cuộc hiện thực hóa, là mức thành toàn  của đặc tính công giáo cụ thể. Hội Thánh duy nhất chỉ  đích thực và cụ thể là công giáo ở trong và  nhờ bởi thực trạng đa dạng của đông đảo các  Giáo Hội Địa Phương khác nhau; và các Giáo Hội Địa Phương  thì chỉ đích thực là công giáo ở trong niềm viên mãn  của cùng một mối hiệp thông duy nhất.

13.10    Thế nên, phân cách Hội Thánh phổ quát và các Giáo  Hội Địa Phương ra làm hai phía, và coi đó như là  những thực thể đối chọi nhau, là một việc làm  hết sức nhầm lẫn. Hội Thánh phổ quát chỉ có thể hiện  hữu sinh tồn ở trong và từ bởi các Giáo  Hội Địa Phương mà thôi, và các cộng đồng địa phương  sẽ không phải là những Giáo Hội, nếu không  phải là công giáo. Nơi nào có sự việc đối chọi  giữa hai thực thể ấy, thì nơi đó hẳn đang có một ngộ  nhận xảy ra.

Ngộ nhận cũng xảy ra những khi  đặc tính phổ quát được quan niệm không phải như là  công-giáo-tính cụ thể, song như là một thứ liên minh,  một chính sách đồng hóa về mặt hành chánh, cơ cấu tổ  chức hay chính trị; hoặc những khi tính chất địa phương được  quan niệm một cách ẹp hòi, nhuốm mùi vị chủng,  như là một cái gì chỉ thu gọn ở trong một dân nước,  một chủng tộc. Điều chủ chốt ở đây là cần  phải tìm lại cho được ý nghĩa cụ thể của tính chất  công giáo: không giống với tính chất hoàn vũ hay phổ  quát, tính chất công giáo không đối ngược lại với tính chất  cá biệt; nhưng ngược lại, nó duy trì, nâng cao và hòa  nhập những gì là cá biệt vào trong một mối hiệp  nhất lớn rộng và đầy đủ hơn, quanh một tâm điểm chung  là Chúa Kitô.
 
10. Luận đề 14

Từ tận trong tâm can của mình, các Giáo Hội Địa  Phương mang bản chất công giáo; điều đó có nghĩa là  các cộng đoàn này chỉ thực sự là những Giáo  Hội khi họ được cấu thành bởi sự kiện thông dự vào  trong mầu nhiệm Đức Kitô, là Đầu của toàn thể  Hội Thánh. Như vậy, trong Đức Kitô cùng Thần Khí của  Người, và nhờ những mối quan hệ của hiệp  thông phổ quát, về mặt thiêng liêng cũng như luật pháp,  các cộng đoàn ấy được liên kết với tất cả các Giáo  Hội Địa Phương khác, để cùng nhau hợp quần trong một Hội  Thánh duy nhất phổ quát.

14.01    Một cộng đoàn địa phương sống đức tin, thì dự phần  vào trong niềm viên mãn của Đức Kitô và Thần  Khí Người. Vương quyền của Đức Kitô và quyền năng  của Thần Khí vượt lên trên mọi tính cách riêng biệt và  hòa nhập tất cả chúng vào trong cùng một niềm  viên mãn của hiệp nhất. Vì thế, hết thảy mọi  Giáo Hội cũng chỉ là một Hội Thánh duy nhất, bởi  vì có thể nói lại với mọi Giáo Hội những gì Phaolô đã  từng nói với cộng đoàn Ephêxô: “Chỉ có một thân  thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã nhận được ơn  kêu gọi để chia sẻ cùng một niền hy vọng. Chỉ có  một Đức Chúa, một niềm tin, một phép rửa, chỉ có một  Thiên Chúa, là Cha của mọi người, Đấng ngự trên  mọi người, giữa mọi người, và trong mọi người”  (Ep 4,4-6). Và chính nhờ vào nền tảng của  ơn hiệp nhất ấy, mà tín hữu Ephêxô gắn bó với bổn  phận tuân theo lời chỉ bảo của tông đồ dạy rằng:  “Hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí  đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau”  (câu 3).

Mối giây gắn bó một Giáo Hội Địa Phương lại thành  một Thân Thể trong cùng một Thần Khí, cũng chính là  mối giây gắn bó Giáo Hội ấy với các Giáo Hội Địa Phương  khác, tức là với chính Hội Thánh Công giáo duy nhất.  Thế nên, tính chất công giáo không phải chỉ là một  danh xưng để chỉ một thuộc tính ngoại tại và thứ yếu của  Giáo Hội Địa Phương, nhưng thực sự là cấu tố làm cho  bản chất của Giáo Hội ấy nên toàn vẹn, như là  Thân Thể của Đức Kitô.

14.02    Nếu đã có mối nguy nhầm lẫn công-giáo-tính với  một hình thức phổ quát độc điệu nào đó, thì cũng  có mối nguy bóp méo biến dạng công-giáo-tính trở thành  một thái độ duy cá biệt mang nặng khuynh hướng phân rẽ,  đưa đến chỗ phản bội sự duy nhất của niềm viên  mãn công giáo. Mối nguy phân rẽ này, Tân Ước  cũng đã vén mở cho thấy ở trong các Giáo Hội  Địa Phương đầu tiên. Tông đồ Phaolô đã phải đối phó  với những mối chia rẽ ở trong các Giáo Hội tại  các nơi như Corintô, Galata, và Ephêxô. Tại thành Ephêxô  này, có thể những lời kêu gọi hợp nhất mà  Phúc Âm thứ tư tha thiết gióng lên, cũng chỉ là  để ứng đối với một tình thế đang bị nguy cơ ly khai đe dọa.  Trong hầu hết mọi thời đại của lịch sử Hội Thánh,  cũng đã thấy có những mối đe dọa ly khai còn  rộng lớn hơn thế nữa, và thường thì các cuộc ly  khai đều xảy ra chỉ vì người ta lo nhấn mạnh quá nhiều  đến những đặc nét chủng tộc, văn hóa hay quốc gia,  đến độ chối bỏ mất đi niềm hiệp nhất công giáo.

14.03    Vì thế, từ thời Tân Ước trở về sau, trong  các Giáo Hội đã thấy xuất hiện những thừa tác  vụ phụng sự hiệp nhất, có trách nhiệm gìn giữ cho các  cộng đoàn sống liên kết với nhau trong đức tin tông truyền  và trong tình yêu thương đối với nhau. Việc xuất hiện chức  vụ giám mục và vai trò đặc biệt của Giám mục  Roma cho thấy nhu cầu cần phải tiếp tục vai trò liên  kết hiệp nhất của các Tông đồ, nghĩa là của những  Vị sáng lập Hội Thánh. Do đó, Vaticanô II đã gọi các  Giám mục là “nguyên lý và là nền tảng  hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo Hội Địa Phương”,  và Giám mục Roma là “nguyên lý và là nền  tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa  các Giám mục cũng như giữa các tín hữu” (GH 23).

Phận vụ của các vị là làm những người  phục vụ hữu hình cho niềm hiệp nhất trong đức tin và  đức mến, tức là cho niềm hiệp nhất mà chính Thần  Khí là nguyên lý vô hình. Phận vụ ấy là dấu chỉ của  giây liên hệ mật thiết giữa hai nguyên lý thần linh và  nhân loại. Không đâu Hội Thánh biểu thị sắc thái vừa  địa phương mà vừa là công giáo rõ cho bằng  ở trong Thánh Thể; trong đó, cùng một lúc, cộng đoàn  cầu nguyện cho được hiệp thông với Giám mục địa phương và  với Giám mục Roma.

14.04    Trong khi trình bày giáo lý về tập thể tính (collegiality ),  Vaticanô II đã cố tìm cách diễn đạt trách nhiệm của  phận vụ nói trên đây đối với mối hiệp nhất tại địa phương  cũng như phổ quát trong toàn cầu, làm sao cho cân  xứng với tính chất công giáo thật sự cụ thể mà Công  đồng vừa phục hồi lại. Công đồng dạy rằng: “Vì gồm  nhiều thành viên khác nhau, nên đoàn thể các Giám  mục thể hiện tính cách đa dạng và tính chất phổ quát  của Dân Thiên Chúa; nhưng đồng thời, vì quy tụ dưới  một (người đứng đầu) vị thủ lãnh duy nhất, nên  đoàn thể các Giám mục biểu hiện niềm hiệp nhất của  đàn chiên thuộc về Đức Kitô” (GH 22). Rồi Công  đồng nói tiếp: “Mỗi Giám mục đại diện cho Giáo hội  mình, còn tất cả các Giám mục cùng với Giáo Hoàng  thì đại diện cho toàn thể Hội Thánh, trong một mối liên  kết hoà bình, yêu thương và hiệp nhất” (GH  23).

Nếu các Giáo Hội Địa Phương khác nhau cùng biểu dương  sáng chói đặc tính công giáo của một Hội Thánh không  phân rẽ, thì đó chỉ vì tất cả đều có cùng một  khát vọng chung, khát vọng hiệp nhất. Nếu có những Giáo  Hội Địa Phương duy trì các truyền thống cá biệt của mình  một cách chính đáng, thì cũng có “Tòa Thánh Phêrô  chủ trì toàn bộ cộng đoàn đức ái, và bảo  quản các dị biệt chính đáng cùng đồng thời lưu  tâm để những gì là khác biệt không phương hại, nhưng  trái lại, còn sinh ích cho hiệp nhất nữa” (GH 13). Cũng như Giám mục Roma có nhiệm vụ bảo quản  những nét cá biệt của các Giáo Hội Địa Phương, thì  cũng vậy, các Giám mục địa phương “có nhiệm vụ phát  huy và bảo vệ sự hiệp nhất đức tin cùng kỷ  luật chung của cả Hội Thánh, cùng dạy cho các  tín hữu biết yêu mến toàn bộ Nhiệm Thể Đức Kitô”  (GH 23).

14.05    Tiếp theo sau nhiều thế kỷ dài sống quen với  hình thức tổ chức tập quyền độc dạng gây cơ nguy làm  mờ đục các chiều kích cụ thể của công giáo tính đi,  nếu có một vài tình trạng giằng co căng thẳng gặp thấy  trong khi tiến hành cuộc phát huy cảm thức về “niềm  viên mãn trong hiệp nhất” của Hội Thánh mà  Công đồng đã phục hồi lại được, thì đó là chuyện  rất dễ hiểu. Những tình trạng căng thẳng ấy đã  xuất hiện rõ hầu như trong mọi kỳ họp Thượng Hội  Đồng Giám mục kể từ sau Công đồng. Nhìn theo ánh sáng  của khoa giáo hội học về ”Một Hội Thánh duy nhất trong  nhiều Giáo Hội” mà chúng tôi đã đặc biệt căn  cứ vào giáo huấn của Công đồng để trình bày ở  đây, thì sẽ nhận ra rằng mối nguy trầm trọng còn đang  đe dọa nhiều nhất hiện nay, là quan niệm coi hoặc đối  xử với các thực trạng căng thẳng ấy như thể là những  thái cực đối nghịch giữa “các Giáo Hội Địa Phương”  và “Hội Thánh Hoàn Vũ,” và dồn trách  nhiệm đối với các Giáo Hội kia lên trên vai của chỉ một  mình các Giám mục địa phương; còn trách nhiệm đối với  Hội Thánh Hoàn Vũ thì lại để trọn lên tr6en vai của  chỉ một mình Giám mục Roma mà thôi. Giáo huấn của  Công đồng về hiệp thông công giáo không cho phép quan niệm  theo kiểu những thái cực đối nghịch nói trên đây, bởi  lẽ, Hội Thánh toàn thể chỉ hiện hữu ở trong  và từ bởi các Giáo Hội Địa Phương; còn các  Giáo Hội Địa Phương thì chỉ khi biết hội nhập và lưu lại  ở trong niềm hiệp thông hoàn vũ, mới được trở  thành thực sự là Giáo Hội. Và chỉ khi biết quy  hướng về với hiệp nhất, thì các khác biệt mới thật sự thực  hiện được tình trạng viên mãn trong hiệp nhất đích thực.  Rồi cùng lúc, giáo huấn của Công đồng về tập thể  tính của hàng giám mục cũng đã ngăn ngừa  một quan niệm không đúng đắn trong cách thức phân bổ trách  nhiệm giữa các Giám mục và Giám mục Roma, bởi  lẽ những thủ lãnh của các Giáo Hội Địa  Phương không phải chỉ đại diện riêng cho các cộng đoàn  đức tin của các vị mà thôi, nhưng còn cho cả  Hội Thánh toàn thể nữa; và vị thủ lãnh  của Hội Thánh Toàn Vũ chưa có thể chủ trì  một Hội Thánh thực sự toàn vẹn được, bao lâu Hội Thánh  ấy chưa thực sự là công giáo một cách thiết thực và  cụ thể.
 
11. Luận đề 15

Những mối dây hiệp thông và liên đới giữa  các Giáo Hội Địa Phương và giữa các Giám mục của  họ được thể hiện qua các Hội đồng Giám mục. Về phương diện  lịch sử và thần học, các Hội đồng này bắt nguồn  từ những bước phát triển trong các cơ cấu Hội Thánh  thời sơ khai. Các Hội đồng Giám mục là những khí  cụ đặc biệt cần thiết và hữu hiệu đối với công  tác cổ xúy sứ mệnh của Hội Thánh tại mỗi dân nước  và trong vùng Á Châu, cũng như đối với nổ  lực để thể hiện các chiều kích cụ thể của công giáo  tính.

15.01    Những mối dây hiệp thông và liên đới giữa  các Giáo Hội Địa Phương đòi phải được thể hiện một  cách cụ thể bằng những cơ cấu có tính cách cố định của  việc hợp tác và liên đới giữa các Giám mục. Một  hình thức hiện hành của cơ cấu ấy là các Hội  đồng Giám mục trong một nước, một miền hoặc trong cả  một lục địa.

15.02    Xét về mặt lịch sử và thần học, những hình  thức Hội đồng giám mục như vậy bắt nguồn từ những  bước phát triển trong các cơ cấu Hội Thánh thời sơ khai.  Vào hầu như cùng một thời với cách quan niệm chức  giám mục theo thể chế quân chủ được chấp nhận ở  khắp nơi trong mọi Giáo hội, các Giám mục đã bắt đầu  nhóm họp với nhau trong các Hội đồng miền (regional synods ),  để bàn thảo và lấy ý kiến chung về những  vấn đề cần phải giải quyết. Như vậy, các Hội đồng  đã phát nguồn từ ý thức về nhu cầu cần phải  sống tinh thần hợp tác, liên đới và hiệp thông ở  trong Hội Thánh.

Hơn nữa, Công đồng còn dạy rằng:

“Do sự an bài của Chúa Quan Phòng,  theo dòng thời gian, các Giáo Hội khác nhau … đã  tụ họp lại thành nhiều nhóm liên kết với nhau như trong  cùng một hệ thống. Các nhóm này có kỷ luật riêng,  phụng vụ riêng, và thừa hưởng di sản thần  học cùng thiêng liêng riêng mà không phương hại đến  sự hiệp nhất đức tin cũng như bản chất duy nhất và  thần linh của Hội Thánh phổ quát. Một số trong các Giáo  Hội ấy, nhất là những Giáo Hội cổ xưa do các Giáo  chủ lãnh đạo, đã như các bà mẹ trong đức tin,  sinh ra nhiều Giáo Hội khác như là con cái của mình,  và cho đến ngày nay, các Giáo Hội ấy vẫn còn  liên kết với nhau bằng mối dây đức ái mật thiết trong đời  sống bí tích và trong sự tôn trọng quyền lợi cùng  nghĩa vụ lẫn nhau. Các Giáo Hội Địa Phương tuy có khác  nhau như thế, nhưng cũng đều quy hướng về với hiệp nhất,  cho nên càng minh chứng rõ ràng hơn tính chất công  giáo của một Hội Thánh không phân rẽ” (GH 23).

15.03    Cuối cùng, từ những thời xa xưa, đã  thấy có những Giáo Hội cá thể (individual Churches ) với di sản phụng vụ, thần học, tu đức và kỷ luật  riêng: di sản ấy mang những nét cá biệt dính liền  với những trạng huống văn hóa cũng như lịch sử  của một dân tộc, và được thể hiện qua một lối sống  đạo thính ứng cho riêng từng Giáo Hội theo luật lệ riêng  (xem Schema Codicis Iuris Canonici Orientalis , 1988, điều  27,2). Công đồng ca tụng về “mối hiệp thông kỳ diệu”  của các Giáo Hội này, và tỏ lòng kỳ  vọng mong sao cho các truyền thống của họ được bảo  toàn “trọn vẹn và nguyên tuyền” (ĐP 2).  Hơn nữa, Công đồng đã long trọng nói lên ước nguyện  muốn cho nguyên tắc cổ truyền về việc tôn trọng quyền tự  trị của các Giáo Hội ấy, được tuân thủ nghiêm chỉnh  hơn, chứ không phải là một cách lơ là như đôi  lúc vẫn thấy ở trong quá khứ (xem HN 16).

15.04    Không một kiểu mẫu nào trong các hình thức cổ  xưa dùng để thể hiện mối hiệp thông giữa các Giáo  Hội trong cùng một miền, hoặc tình liên đới giữa các  Giám mục trong vùng, có thể được coi là hoàn toàn  giống đúng với cơ chế hiện hành của các Hội đồng  Giám mục. Nhưng dù sao, các hình thức ấy cũng chỉ cho  thấy một hướng đi để theo đó mà tìm kiếm một căn bản  thần học cho cơ chế của các Hội đồng Giám mục. Đúng  thế, Vaticanô II đã coi các Hội đồng Giám mục có liên  hệ trước tiên với các tổ chức quy tập nhiều Giáo Hội thời  xưa: “Cũng thế, ngày nay các Hội đồng Giám mục  có thể góp phần bằng nhiều thể cách khác nhau và hữu  hiệu để cụ thể hóa tinh thần tập thể (giữa giám mục  đoàn)” (GH 23). Còn trong Sắc lệnh về nhiệm  vụ mục vụ của các Giám mục, thì sau khi nhắc nhở  lại những mẫu gương liên đới giữa các Giám mục  trong các Hội đồng hay Công đồng địa phương, Công đồng cũng  đã khuyên là hãy nên chính thức công nhận các  Hội đồng Giám mục (xem GM 36-37).

15.05    Muốn xây dựng căn bản cho một nền thần học về  các Hội đồng Giám mục, thì chỉ cần nêu lên ở đây một  số điểm xem ra vững chắc về phương diện thần học. Thứ  nhất: ngày nay, cả các thần học gia lẫn các giáo  luật gia đều nói đến những cấu tố chủ yếu của  Hội Thánh mà chính Đức Kitô và các tông đồ đã  thật sự để lại cho chúng ta, nhưng còn cần phải được  thể hiện (hiện thực hóa) qua nhiều hình thái khác nhau, tùy  vào những thời điểm và những hoàn cảnh  khác nhau. Những mẫu gương hiệp thông giữa các  Giáo Hội trong cùng miền nêu trên đây, minh họa rõ  về điểm này. Nếu thế, thì có thể dùng các thuật  ngữ cổ truyền de jure divino (thuộc thần luật) và de jure ecclesiastico (thuộc giáo luật) mà nói rằng  các Hội đồng Giám mục là thuộc lãnh vực giáo luật,  nhưng lại có căn bản ở trong thần luật.

Cần phải lưu ý đến điểm này là dù trên nguyên  tắc, việc phân biệt giữa những gì thuộc thần luật  với những gì thuộc giáo luật, xem ra hết sức rõ ràng  và chính xác, thì thường là rất khó (và có  lúc không thể nào) mà phân biệt cho được trong cuộc  sống thực tế và trong các cơ chế cụ thể của Hội  Thánh, những gì thuộc thần luật và những gì (chỉ)  là thuộc giáo luật.

15.06    Thứ hai: liên quan tới uy thế và vai trò của  Hội đồng Giám mục theo tư thế là những dấu chứng  của tập thể tính (của giám mục đoàn), cần phải  lưu ý là Công đồng Vaticanô II hiểu từ ngữ và  thực thể “tập thể tính” theo hai ý nghĩa hẹp và  rộng. Tập thể tính theo nghĩa hẹp bao hàm hoạt động của  toàn bộ giám mục đoàn trên khắp thế giới, cùng  hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, khi bàn  thảo về đề tài này (xem GH 22-23), Công đồng đã  kể ra nhiều trường hợp trong đó, tập thể tính của  giám mục đoàn được hiểu theo một ý nghĩa rộng hơn; nếu  thế, thì trong thực tế, Công đồng hiểu “tập thể tính”  một cách loại suy, và đến một mức độ nào đó, như  là một khái niệm còn chưa xác định hẳn. Vì vậy, khái  niệm này cũng có thể bao gồm được cả thể chế  hiện hành của các Hội đồng giám mục nữa.

15.07    Căn cứ vào những điểm vừa được bàn đến  (15.05, 15.06), sau đây, chúng tôi xin trình bày những  đường nét đại cương của một nền thần học về Hội  đồng Giám mục:

Chỉ khi nào việc tự cấu thành chính mình (own self-constitution)  như là mầu nhiệm của Đức Kitô, đạt tới mức độ thực  sự trở thành một thái độ dấn thân ứng đáp cho những  yêu cầu và thách đố gặp thấy nơi các xã hội và  các nền văn hóa, trong đó mình đã được Lời Đức Kitô  và ơn của Thần Khí làm phát sinh nên, thì lúc đó,  Hội Thánh mới thực sự là công giáo một cách thiết thực  và cụ thể. Trong tiến trình ấy, Hội Thánh thu nhận, duy  trì, cổ vũ và hòa nhập vào trong niềm viên  mãn của hiệp nhất, những di sản xã hội,  lịch sử và văn hóa của các dân tộc trong nơi mình  sinh trưởng. Những mối dây liên đới tự nhiên giữa  các cộng đoàn và các truyền thống đó không bị tiêu  tán đi, song được đón nhận vào trong niềm hiệp thông của  Hội Thánh.

Thật sự thì chính những mối dây liên đới ấy  phần lớn đã từng làm nền móng cho các tổ chức  quy tập nhiều nhóm Giáo Hội thời xưa mà Công đồng  không ngớt đề cao. Vì vậy, trong cùng một Hội Thánh duy  nhất, không những có hai mối hiệp thông mà thôi:  tức là hiệp thông cá thể trong trong giáo phận và  hiệp thông phổ quát trong khắp thế giới, nhưng còn có  những hình thức hiệp thông trong từng miền với những  dây liên hệ nối kết về phương diện tự nhiên, cũng như  về mặt lịch sử và văn hóa nữa. Và như thế,  chính ở trong các hình thức hiệp thông xưa và nay như  thế giữa các Giáo Hội cá thể, cần phải khám phá  cho ra nền tảng thần học đích thực của những hình  thái hiệp thông và hợp tác, tương tự như trong trường  hợp hiện hành của các Hội đồng Giám mục.

15.08    Nếu những gì Công đồng dạy liên quan đến tính chất  công giáo cụ thể được đón nhận một cách nghiêm chỉnh, thì  thế tất giáo huấn ấy cũng phải được thể hiện ra  trong thực tế bằng những hình thức biểu đạt thích đáng  về mặt pháp lý. Hội đồng Giám mục hẳn là một trong  các hình thức biểu đạt ấy. Và nếu Bộ Giáo luật mới  đã nới rộng rất nhiều vai trò của các Hội đồng  ấy, thì chính là để cho các Giáo Hội Địa Phương trong một  miền riêng biệt, đảm nhận trách nhiệm nhiều hơn đối với  công tác làm cho Hội Thánh được hiện thực hóa ngay ở  trong những bối cảnh và trạng huống riêng biệt  của họ.

15.09    Các Hội đồng Giám mục của một nước hoặc một miền  — và có thể kể thêm vào đó cả những Liên  hiệp các Hội đồng Giám mục trong một vùng lớn rộng hoặc  là trong một lục địa (thí dụ: FABC, CELAM, CCEE, SECAM,  AMECEA, v.v.) — là những cơ cấu hiện đang tỏ  ra đặc biệt hữu hiệu và hữu ích cho thời đại  này, cả trên bình diện lý thuyết lẫn trong bình  diện thực hành. Đức Phaolô II đã nhận định về các  Hội đồng Giám mục và coi đó là những tổ chức  “rất cần thiết, rất hữu ích, và đôi lúc không  thể thiếu được”, bởi vì, những Hội đồng như thế  ứng đáp thích đáng cho những đòi hỏi của thời  đại và tỏ ra thực sự là khí cụ hữu hiệu để  đảm bảo cho hoạt động của các Giám mục có được  sự hiệp nhất cần thiết” (Phần mở đầu văn kiện của  Bộ đặc trách về các Giám Mục: “ Theological and Juridical  Status of Episcopal Conferences ”).

15.10    Các Hội đồng Giám mục làm cho các Giám mục có  cơ hội gặp gỡ và học hỏi nghiên cứu — trong  tư thế là một cơ cấu tập thể (collegial body ) —  về các vấn đề và hoàn cảnh chung mà mỗi  giáo phận đang gặp phải, cũng như có dịp để bàn  thảo một cách sâu rộng hơn và với những dữ  kiện đầy đủ hơn, về các vấn đề ấy, để rồi nhờ Thần  Khí hướng dẫn mà đạt tới chỗ thỏa thuận một  cách chắc chắn và mau lẹ hơn, về những gì được coi  như là một quyết định chung, hoặc là một hành động  chung nếu hoàn cảnh cho phép và nếu các vị muốn.  Cho dù còn có nhiều vấn đề cần phải giải  quyết trong phương cách tiến hành, thì không ai có thể  phủ nhận được những lợi ích do các Hội đồng Giám  mục mang lại.

15.11    Để kết thúc phần bàn thảo về Hội đồng Giám  mục, chúng tôi xin được lưu ý đến nhận định đánh giá rút  ra từ kinh nghiệm sống của Liên Hiệp các Hội đồng  Giám mục Á Châu (FABC), mà Kỳ họp khoáng  đại lần thứ ba của Liên hiệp (Bangkok-Sampran 1982) đã  đưa ra trong bản tuyên ngôn cuối cùng.

Bản tuyên ngôn đã nêu ra một số những ích lợi  của FABC, như sau:

– Việc quen biết và hiểu nhau, cũng như  sống tình bạn và có những mối dây liên đới sâu đậm  giữa các Giám mục Á Châu đối với nhau đã tăng  triển thêm nhiều;
– Tinh thần chia sẻ suy tư mục vụ và truyền  giáo, chia sẻ nhận định về những lập trường cần  phải có, về cách xử sự, về các chương trình và  sáng kiến, cũng như chia sẻ cả đến nhân sự, khả  năng chuyên môn và những tài nguyên hoặc phương  tiện khác;
– Việc cùng nhau giải quyết những vấn  đề và những khó khăn chung, cũng như cùng nhau  tiến dần tới chỗ có một lập trường đồng nhất hơn  trong cách nhìn về cuộc sống và tương lai, trong cách nhận  định các giá trị và các thứ bậc ưu tiên cho các dự án;
– Thái độ đóng góp đối với công tác suy tư đối  với việc phân định và chọn lựa trong các lãnh vực  thần học và mục vụ, đang tiến hành trong các Giáo  Hội tại các lục địa khác , cũng như đối với đường  hướng tư tưởng và những phương sách hành động  của các cơ chế hành chính trung ương của Hội  Thánh ;
– Và (cần phải nhấn mạnh đặc biệt đến)  mức hiểu biết cao rộng hơn cũng như lòng quý trọng  sâu đậm hơn đối với ý nghĩa cùng vai trò của Tòa  Thánh Phêrô trong Hội Thánh Công giáo Hoàn vũ.
15.12 Bản tuyên ngôn của FABC III kết thúc với  những lời lẽ như ghi lại sau đây, vén mở cho  thấy một công tác khác — có lẽ là bất ngờ  — mà các Hội đồng Giám mục và Liên hiệp các  Hội đồng Giám mục Á Châu quyết định thực hiện để phục  vụ Hội Thánh và thế giới:

“Sứ điệp của cuộc họp mặt lịch sử giữa  các Giám mục Á Châu, vào năm 1970, đã nói đến  việc “hợp tác để liên kết thế giới mới của Á Châu  lại thành một đại gia đình quy tập hết mọi dân nước sống  trong phần đất này của thế giới, không phải đơn  thuần bằng những mối liên hệ về mặt địa dư không thôi,  nhưng còn bằng cả những mối dây cảm thông  và trọng kính lẫn nhau, cùng những mối dây  cao quý của tình huynh đệ và yêu thương nữa”.

“Mong rằng trong một cách thức nhỏ bé nào  đó, Hội Thánh tại Á Châu trở thành bí tích – tức  là dấu chỉ và là khí cụ (xem GH 1; MV 40)  – của mối hiệp nhất ấy giữa các dân tộc chúng ta:  đó chắc chắn là một trong những hoài bão mà  FABC hằng tha thiết ấp ủ trong lòng, và chúng  tôi thâm tín rằng trong nhiệm ý của Chúa, những năm  vừa trôi qua không phải là khoảng thời  gian vô nghĩa đối với việc thể hiện niềm khát vọng ấy”.

15.13 Hội Thánh không hiện hữu cho riêng mình, không sống cho một mình mình, nhưng là để làm người tôi tớ  phục vụ cho công cuộc cứu độ của Đức Kitô trong lịch  sử, ngõ hầu Nước Thiên Chúa trị đến: Nước Thiên Chúa  đang hiện diện, nhưng đồng thời cũng đang đến gần.  Giáo Hội Địa Phương đảm nhận cùng một ơn gọi và  cùng một sứ mệnh ấy, ở tại nơi và ở vào  thời điểm mà Thiên Chúa đã đặt định: tại đó,  Giáo Hội có bổn phận phải mang hy vọng và tình thương  mà “tuôn đổ cho tràn đầy mọi khoảng trống”;  tại đó, Giáo Hội có bổn phận phải thu góp các di sản  của đất nước và dân tộc mình, để rồi cùng với  hết thảy mọi Giáo Hội Địa Phương trên khắp thế giới,  nắn đúc nên mối hiệp thông giữa mọi dân tộc, là  mối hiệp thông hiện đang lớn lên ở giữa lòng  lịch sử loài người, và đó cũng chính là  những gì Thiên Chúa đã hứa ban cho con tim và cho  bàn tay của những con người thiện chí sống khắp  nơi trong thế giới.
 
KẾT LUẬN
 
1.    Uỷ ban Cố vấn Thần học của FABC chúng tôi  xin đề xuất các luận đề trên đây gửi đến các Giám mục  và các Hội đồng Giám mục, đến các trường thần học  và chủng viện, cũng như đến các thần học gia và  các sinh viên thần học, như là một khởi điểm suy  tư chung về Giáo Hội Địa Phương , đặc biệt là về Giáo  Hội Địa Phương tại trong bối cảnh Á Châu. Chúng tôi  mong rằng nhiều cộng đoàn kitô sẽ lưu tâm tìm hiểu,  có lẽ là lần đầu tiên, về ý nghĩa và tầm trọng  yếu của Giáo Hội Địa Phương trong đà tiến triển đổi  thay của những trạng huống mà Hội Thánh đang phải  trải qua tại những đất nước của chúng ta. Chúng  tôi xin nhắc lại điểm này: chúng tôi không hề có chủ  ý đề xuất các trang viết này như là “câu giải  đáp cuối cùng” cho các vấn đề đang nghiên cứu và  các quan điểm đang có. Đây chỉ là những lineamenta (điểm dự thảo) nêu lên để bàn luận, và có hay  lắm thì cũng không hơn không kém, chỉ là một instrumentum  laboris (tài liệu nghiên cứu). Điều chúng tôi ước mong  tha thiết nhất là được thấy khai diễn ra một cuộc  thảo luận thật sự, để giúp chúng ta đẩy mạnh việc nghiên  cứu tìm hiểu thêm về Giáo Hội Địa Phương, trong những bối  cảnh và ở vào thời điểm lịch sử mà  chúng ta đang sống.

2.    Cũng như trong phần mở đầu văn kiện này, chúng  tôi đã nêu lên một số các “dấu chỉ của thời  đại” (MV 4.44) trong môi trường Á Châu hiện  đại, và đã thử miêu tả sứ mệnh của Hội  Thánh ngày nay trong bối cảnh biến hóa sâu rộng theo  đà phát triển như đã thấy, thì bây giờ, trong phần  kết thúc này, chúng tôi cũng xin trở lại với  chính những mối quan tâm ấy.

3.    Như chúng tôi đã lưu ý trên đây, trong kỳ họp đầu  tiên, FABC đã coi việc xây dựng Giáo Hội Địa Phương  như là tiêu điểm hiện thời của sứ mệnh Hội Thánh  tại Á Châu. Nhận định ấy vẫn còn thích đáng cho  ngày nay. Cũng vẫn còn thích đáng việc đặt  công tác đối thoại ba chiều làm ưu tiên hàng đầu  trong các dự án: đối thoại với các nền văn hóa dân tộc,  với các truyền thống tôn giáo và với những cảnh  trạng bần cùng và áp bức. Theo chúng tôi thì không  những vẫn thức thời, mà trong giai đoạn hiện  tại này, chương trình hành động ấy còn trở  nên cấp thiết hơn cả trong thời mới được đề xuất  ra, tức là cách đây ngoài 15 năm.

4.    Các Giáo Hội Địa Phương tại Á Châu cần phải ý  thức ngày càng rõ ràng hơn về trách nhiệm  chủ động của mình đối với công trình Hội Thánh đang  theo đuổi nhằm tự hiện thực hóa chính mình ở giữa  loài người. Cần phải làm sao để cho “ý  thức mình là Hội Thánh” thấm nhập ngày càng  sâu đậm hơn vào trong hết mọi tầng lớp của các cộng  đoàn kitô chúng ta. Càng ngày việc xây dựng tinh  thần “hiệp thông và tham dự” cũng như việc  cổ xúy “công tác truyền giáo và phục vụ” trong  thế giới càng phải được coi như là bổn phận dấn  thân của toàn Dân Chúa, nhưng đặc biệt — và  với những lý do ngày càng thúc bách hơn — là  của giới giáo dân. Kiên nhẫn tìm kiếm và trung  thành đáp ứng tác động đầy sáng tạo của Lời  và Thần Khí hằng hiện diện trong cuộc sống mỗi ngày  của các cộng đoàn chúng ta, phải là một cố  gắng liên lỉ không chỉ là của một mình hàng giáo  phẩm, mà là của tất cả chúng ta.

5.    Sở dĩ phải làm như vậy, là vì sứ mệnh của  Hội Thánh, khuôn rập theo kế hoạch mà Chúa của lịch  sử đã đề ra, đòi hỏi như thế. Trong thập kỷ  80, chúng ta đã từng chứng kiến những cuộc đổi  thay vĩ đại ở trong nhân loại, làm phát sinh nên những  biến cố mà ít năm trước đây không ai ngờ là có  thể xẩy ra được. Và bây giờ, chúng ta đã có thể  mường tượng nhận ra được thế giới của thiên niên  thứ ba đang hiện rõ ra đằng trước mắt, với những khát  vọng tự do và tình liên đới bừng lên như những  dòng suối mới mang theo đầy hy vọng cho con người, với  những cơ cấu còn mới mẽ và còn phải  khắc phục nhiều trở ngại mới xác định được hình thái  rõ rệt của mình. Tin Mừng sẽ có mặt hay không  ở trong thời đại mới này, với những xoay chuyển  bất ngờ và những khác biệt muôn hình thái của  nó: đó điều tất sẽ tùy thuộc rất nhiều ở sự  việc các Giáo Hội Địa Phương có chu toàn sứ mệnh của  mình trong chính thời điểm lịch sử mình đang sống đây  hay không. Giữa bối cảnh như thế, chúng ta có cơ hội  để thấu hiểu được phần nào ý nghĩa về tầm trọng yếu  của Giáo Hội Địa Phương và của công tác hội nhập  văn hóa; những ai không thấu hiểu nổi điểm này, thì  cũng chẳng có thể ứng đối thích đáng được với những  dấu chỉ của thời đại và với nhịp đập trong con  tim thổn thức của các dân nước chúng ta.

6.    Chắc hẳn chúng ta phải biết ơn Chúa vì đã cho chúng  ta ngày nay cảm nghiệm được “luồng đại phong của  Thần Khí” đang ồ ạt thổi mạnh vào trong các Giáo Hội  chúng ta. Vì đây là một thời điểm biệt đãi cho  việc suy tư thần học và phân định tại các địa phương, cho  công cuộc hợp tác và phục vụ, cho công trình xây dựng  Giáo Hội Địa Phương đích thực tại phần đất này của  thế giới. Đây là lúc cần phải dùng đến những  sáng kiến táo bạo cho công tác mục vụ và truyền giáo,  để đáp trả cho lời của Đức Kitô, Chúa chúng ta,  giờ đây đang kêu mời chúng ta đứng sát bên Người:  giờ đây là chính lúc, bằng không biết bao nhiêu cách  thức đầy sức sáng tạo, Người đang tiếp tục thích nghi  chính con người của mình với nếp sống của bản  tính nhân loại, và đang nắn nên hình thái cho tương lai  của mỗi dân nước chúng ta.

7.    Chỉ còn một điều là chúng ta phải cầu xin cho  biết lắng nghe và vâng theo Thần Khí, để Ngài dẫn  dắt chúng ta với sức năng sáng tạo của Ngài, và  để chúng ta nhận được tràn đầy nghị lực can đảm và  tinh thần dấn thân, là những ân huệ Ngài ban cho.  Có vậy mới mong được rằng thiên niên thứ ba của lịch  sử kitô giáo sẽ phản ánh ngày càng rõ  hơn, Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta, và sẽ  thể hiện trung thực bản chất đích thực của Hội Thánh,  một Hội Thánh của mọi dân tộc, một Hội Thánh làm  tôi tớ phục vụ cho Nước Thiên Chúa. Có vậy, chúng ta mới  mong góp được phần mình vào trong công trình làm cho  “danh Thiên Chúa cả sáng dưới đất cũng như trên  Trời”, và vào trong thế giới hiệp thông ấy,  một thế giới đang lớn dần lên như là một ân huệ xuất  phát từ lòng bàn tay của Thiên Chúa Cha, Con  và Thần Khí, và như là một tác vụ đặt ngay ở  giữa lòng nhân loại để gửi đến cho mọi người  thiện chí đang sống ở khắp nơi trên mặt đất.