Giáo Hội Địa Phương: Suy Tư Thần Học Trong Bối Cảnh Á Châu (3)

0
491


GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

SUY TƯ THẦN HỌC TRONG BỐI CẢNH Á CHÂU

Chuyển dịch: Ngô Minh

***

***

III. VIỆC PHÁT SINH, CUỘC SỐNG VÀ SỨ  MỆNH CỦA GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

1. Luần đề 5

Giáo Hội Địa Phương là một Giáo Hội hình thành  và được xây dựng qua cuộc gặp gỡ sâu đậm — có  sức làm cho cả hai bên nên phong phú thêm — giữa  Tin Mừng và một dân tộc có văn hóa cùng truyền  thống riêng. Theo cách nói thông thường của thần học  và Huấn quyền, thì điều đó được gọi là công cuộc  hội nhập văn hóa (inculturation). Công cuộc hội nhập văn  hóa này không phải chỉ đơn thuần là việc dùng  phương cách của văn hóa địa phương để biểu đạt Tin Mừng  và đức tin kitô mà thôi, nhưng còn bao gồm cả  việc tiếp xúc qua kinh nghiệm và am hiểu các thực tại  ấy, cũng như việc tiếp nhận chúng làm của mình  qua trung gian các tài năng văn hóa của một dân tộc  nữa. Kết quả là: một đàng, Giáo Hội địa phương  sẽ mang hình thái ghi đậm những nét đặc thù của  văn hóa địa phương; và đàng khác, văn hóa sẽ được  phúc âm hóa nhờ đời sống và hoạt động làm  chứng của Giáo Hội Địa Phương.

5.01    Hội nhập văn hóa là điều thiết yếu đối với việc  tự hiện thực hóa (self-realization ) và phát triển  của các Giáo Hội. Vì thế, trong khắp thế giới, đặc biệt  là trong các nước đang mở mang, hiện đang có nhiều  nổ lực nhằm thực hiện những cuộc thử nghiệm trong  công tác bản xứ hóa (to contextualize ) đời sống  và sứ mạng của Giáo Hội bằng cách đem đức tin và  văn hóa địa phương xích lại gần nhau hơn. Thật vậy, trong Đại  Hội lần đầu của FABC, các Giám mục Á Châu đã  miêu tả Giáo Hội Địa Phương như là “một Giáo Hội  nhập thể thực sự vào giữa lòng của một dân  tộc, là một Giáo Hội bản xứ và đã thành  công trong nổ lực hội nhập văn hóa. Cụ thể mà nói,  thì đó là một Giáo Hội hằng không ngừng lấy thái  độ khiêm hạ và yêu mến mà đối thoại với các truyền  thống, với các nền văn hóa cũng như với các tôn giáo,  và, tắt một lời, với hết thảy mọi thực tại cuộc  sống của người dân ở nơi Giáo Hội đang đâm rễ  sâu, và đang hân hoan tiếp nhận lịch sử cùng nhịp  sống của họ làm của mình” (số 12).

Đối với  các Giáo Hội Á Châu, công tác hội nhập văn hóa là  một công tác có tính cách vừa thách đố vừa gấp rút  xét vì quá trình kéo dài nhiều thế kỷ ghẻ lạnh  đối với văn hóa địa phương suốt trong dòng lịch sử  truyền giáo thời thuộc địa, cũng như xét vì bối cảnh  thức tỉnh văn hóa hiện đang bừng dậy tại nhiều dân tộc  Á Châu.

5.02    Nổ lực hội nhập hóa có thể rút được nhiều cảm  hứng từ những mẫu thái độ hành động của  hai cha Mattêo Ricci ở Trung Hoa và Roberto de Nobili ở  Ấn độ, cho dù trong thời đó, tầm hiểu biết của  hai vị về mối quan hệ giữa Tin Mừng và văn hóa  có còn hạn hẹp. Hai nhà truyền giáo vĩ đại này  tại Á châu, đã chủ yếu áp dụng phương pháp thích  nghi để cố gắng dùng ngôn ngữ cũng như những  ý niệm rút ra từ văn hóa của một dân tộc, mà  truyền đạt Tin Mừng và các chân lý mặc khải.  Công cuộc hội nhập văn hóa còn tiến sâu hơn việc thích  nghi bội phần, vì nó gồm hàm cả việc gặp gỡ giữa văn với Tin Mừng; và có một tầm bao quát  rộng hơn, vì nó xác định rõ tiến trình hình thành và  phát triển của Giáo Hội ở giữa lòng một dân  tộc.

5.03   Ngày nay, các nổ lực nhắm tới việc xây dựng những  Giáo Hội Địa Phương đích thực qua công trình hội nhập văn hóa,  đều lần bước theo nhãn quan, tinh thần và các kỹ  thuật Công đồng Vaticanô II đã đề ra, đặc biệt là  qua các văn kiện Lumen Gentium (GH), Gaudium  et Spes Ad Gentes (TG). Hiến  Chế về Giáo Hội (GH) nhìn mối quan hệ của Hội Thánh  với các nền văn hóa và các truyền thống theo nhãn  quan của mối hiệp nhất giữa toàn thể nhân loại  (mà Hội Thánh là bí tích/dấu chỉ), và của tính  chất hoàn vũ nơi Hội Thánh, trong đó, hết thảy  mọi phần tử cá biệt với những đặc nét văn hóa,  di sản và tài năng khác nhau, đều hiệp thông với  nhau (GH 13). Còn trong Hiến Chế mục vụ (MV),  thay vì giữ quan niệm hẹp hòi về văn hóa, coi đó đơn  thuần như là một nổ lực trau dồi trí lực qua đường  lối giáo dục và việc học tập các khoa nhân văn, v.v.,  để đối chiếu với người không học hành, không văn  minh và “dân bán khai” (Naturvoelker ), thì Công  đồng đã dựa theo các chiều kích lịch sử, xã hội  và nhân chủng học mà miêu tả văn hóa. Các  chiều kích này giữ một vai hết sức trọng yếu trong  việc tìm hiểu về mối tương quan giữa Giáo Hội Địa Phương  và các nền văn hóa. Và cuối cùng, qua Sắc Lệnh  về Truyền Giáo (TG), Công đồng quan niệm các Giáo Hội  Địa Phương như là những thực thể đang nảy sinh từ  cuộc gặp gỡ của Lời Chúa với các nền văn hóa  và các truyền thống của các dân tộc, và đồng  thời nhấn mạnh rằng cần phải tiếp tục đẩy mạnh công  cuộc hội nhập văn hoá vào trong các lãnh vực khác  nhau của đời sống và sứ mạng kitô (TG 19-22). 

Trong những lần nhóm họp tại Roma, Thượng Hội Đồng Giám  mục Thế giới cũng đã chú trọng nhiều đến chủ  đề “hội nhập văn hóa”, đặc biệt là trong lần  họp để bàn về sứ mạng rao giảng Tin Mừng, và  qua Tông Huấn Evangelii nuntiandi ban hành tiếp sau  đó. Qua các cuộc viếng thăm mục vụ của ngài, nhất  là khi đi Á Châu và Phi Châu, và qua các bài  nói chuyện nhân dịp đó, Đ.G.H. Gioan Phaolô II cũng đã  nêu bật tầm thiết yếu của công tác hội nhập văn hoá  tại các Giáo Hội Địa Phương, cũng như của công trình  phúc âm hóa các nền văn hóa.

5.04    Chỉ khi nào Tin Mừng gặp gỡ được với văn hóa  của một dân tộc, thì lúc đó Giáo Hội Địa Phương mới thực  sự được khai sinh và thiết lập. Gặp gỡ nói lên  tính chất hai chiều và qua lại . Những truyền thống,  biểu tượng, cơ chế, phong tục, thái độ, v.v. khác nhau của  một dân tộc thì phát nguyên từ tâm hồn, từ tinh thần  của chính dân tộc ấy. Tin Mừng gặp gỡ với văn  hóa không phải đơn thuần bằng cách đón nhận những  hình thức và biểu tượng bề ngoài không thôi của  một dân tộc, nhưng là bằng cách tiến sâu vào trong  tinh thần và tâm hồn mà các hình thức và các  biểu tượng ấy diễn đạt và biểu thị. Khi văn hóa và  Tin Mừng đối thoại và gặp gỡ với nhau tận trong  “thâm cung tâm hồn” của một dân tộc, thì lúc đó  Giáo Hội Địa Phương đích thực có thể nẩy sinh lên. Một cuộc  gặp gỡ như thế cũng là một cơ hội làm quen  với vũ trụ quan của một dân tộc, tức là với  nguồn cội của các hình thái văn hóa. Cũng chính nhờ  vũ trụ quan ấy mà các phần bộ khác nhau trong một  nền văn hóa được liên kết lại với nhau một cách có cơ cấu  để làm nên một toàn bộ. Vũ trụ quan biểu hiện  ở trong cách thức tổ chức địa phương, ở trong các thể  chế, các cơ cấu, v.v. của một nhóm văn hóa.

5.05    Quan niệm mối tương quan giữa Tin Mừng và văn  hóa như là một cuộc gặp gỡ , là cùng  lúc nói lên sự việc văn hóa có quyền tự trị chính đáng  với bản sắc riêng của mình. Vì trong tư cách là  sản phẩm của trí tuệ con người tác động lên trên  thiên nhiên và sáng tạo ra nhiều dụng cụ, nhiều thể  chế, nhiều mối liên hệ trong xã hội, nhiều lối sống,  v.v… khác nhau, văn hóa thực sự là một thành phần  trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Ngoài ra,  văn hóa của dân tộc nào cũng nhằm tới một thiên  hướng chung, đó là: góp phần vào trong cuộc sống và  ích chung của gia đình nhân loại duy nhất, mỗi dân nước  theo một cách thức đặc thù. Mỗi văn hóa biểu lộ  theo một cách thức riêng, tính chất phong phú của bản  sắc loài người (huma-num ), và vì thế, cần  phải được tôn trọng và bảo dưỡng.

5.06    Từ những gì vừa trình bày trên đây, có  thể thấy rõ được rằng vì bắt nguồn từ kế hoạch Thiên  Chúa sáng tạo con người và thiên nhiên, nên văn hóa  phải được tôn trọng vì chính tiêu đích nội tại của  nó, chứ không phải chỉ được đơn thuần coi như là một  thứ phương tiện cho một cái gì khác. Cũng không được tách  riêng các cấu tố làm nên một nền văn hóa ra khỏi  tổng thể hữu cơ của chúng. Cho nên, công trình hội  nhập văn hóa không thể nào thuần túy là một tiến  trình chỉ biết kén chọn một số nhân tố đặc biệt nào  đó của văn hóa để làm như một trang phục tiêu biểu  khoác lên cho Tin Mừng. Hội nhập văn hoá theo kiểu ấy  chỉ có tính cách hoàn toàn bên ngoài và nông  cạn, vì không biết tôn trọng tâm hồn sâu thẳm bên trong  và tính chất cấu trúc của văn hóa.

5.07    Không những mỗi văn hóa mang lại cho chúng ta  một lối ngõ mới để tìm hiểu về con người, mà  còn mở ra nhiều con đường mới để thấu hiểu về  nguồn phong phú khôn lường của Tin Mừng nữa.  Khi Tin Mừng gặp gỡ với truyền thống, thì kinh nghiệm  và văn hóa của một dân tộc sẽ bừng dậy với  những tiềm năng quý giá còn chưa được phát hiện của  mình; nhiều khả năng và ý nghĩa vẫn còn ẩn  khuất cho tới lúc ấy, sẽ lộ diện rõ ra. Chính vì thế,  có một điều hết sức quan trọng cần phải làm, là  dựa theo tiềm năng văn hóa của mỗi dân tộc mà  giải thích Tin Mừng; nhờ vậy, Truyền thống kitô  sẽ được phong phú thêm.

Nhìn theo nhãn quan này,  thì Giáo Hội Địa Phương cũng có thể được coi như là  một hình thức đầy mới mẻ và sáng tạo của công  trình tái hiện tại hóa (reactualization ) và tái giải  thích (reinterpretation ) Tin Mừng và đức tin. Cách  tái giải thích này không phải là một bước  cắt đứt dứt khoát với Truyền thống, nhưng là một tiến  trình liên tục tiếp diễn theo cấu trúc của nó, bởi  vì quá khứ sẽ được kinh nghiệm hiện tại của một Giáo  Hội Địa Phương tái thủ đắc (repossessed ) và phục  hoạt (reactivated ) trở lại. Còn Truyền thống  và di sản của quá khứ, thay vì gây cản trở,  thì sẽ trở thành nguồn trợ lực cho đời sống  ngày nay của Giáo Hội Địa Phương, trong đó, Chúa Phục  Sinh và Thần Khí của Ngài đang cư ngụ và hoạt  động.

5.08    Chỉ khi nào Tin Mừng và đức tin được cảm  nghiệm và thấu hiểu qua các vốn liếng văn hóa của  một dân tộc, thì lúc đó cuộc gặp gỡ nói trên mới thực  sự trở thành sâu đậm được. Đó không những là  một nguyện vọng, mà còn là một điều thiết yếu  nữa. Bởi vì, hễ đã sinh ra làm người  ở trong một bối cảnh lịch sử và một truyền  thống nhất định, thì con người không thể nào nhận thức  được chân lý, không thể nào hiểu biết và cảm  nghiệm được thực tại cuộc sống —kể cả Tin Mừng  và đức tin— mà không nhờ đến trung gian của  một nền văn hóa cụ thể. Nói cách khác, việc thực sự thấu  hiểu Lời Chúa và thái độ đáp ứng thiết thực bằng  lòng tin chỉ có thể xẩy ra được ở giữa một dân  tộc, qua vốn liếng văn hóa họ có: đó chính là cách thức  biểu hiện của những kinh nghiệm và những truyền  thống riêng họ. Các kinh nghiệm và truyền thống này  là những tiêu chuẩn đối chiếu để dựa theo đó mà  giải thích, tiếp nhận và hấp thu các kinh nghiệm và  các biến cố mới. Nói cách khác, những dữ liệu, tức  là những biến cố và kinh nghiệm mới sẽ được  tổ chức hoặc — nói cho đúng hơn — được tổ chức lại,  được tái cấu trúc theo thiên tư và lề lối tư tưởng  riêng của một nhóm hoặc một dân tộc. Điều này cũng  có thể được áp dụng cho trường hợp gặp gỡ giữa  Tin Mừng với văn hóa của một nhóm, của một quốc  gia hoặc một dân tộc.

5.09    Nếu Tin Mừng và văn hóa gặp gỡ nhau như thế,  thì hình thái cụ thể của Giáo Hội Địa Phương tất cũng  phải khuôn rập theo các điều kiện văn hóa của dân  tộc ở nơi Giáo Hội đâm rễ. Sự việc Giáo Hội Địa  Phương mặc lấy xương thịt của thân mình văn hóa một dân  tộc sẽ làm cho Giáo Hội ấy mang những nét biểu  trưng đặc thù khác biệt với các Giáo Hội khác. Như vậy,  mỗi Giáo Hội Địa Phương sẽ mang ấn tín nền văn hóa  của nơi mình đang nhập thể vào. Thế nên, các nền văn  hóa khác nhau thế nào, thì các Giáo Hội Địa Phương cũng  khác biệt nhau như vậy, cho dù hết thảy mọi Giáo Hội  đều chia sẻ cùng một Tin Mừng, cùng một đức  tin, cùng một lễ tạ ơn, v.v. Như vậy, niềm hiệp thông  hoàn vũ giữa các Giáo Hội cũng chính là  việc thông dự vào trong thực trạng đa dạng của các  nền văn hóa và các truyền thống khác biệt nhau. Trong  bài nói chuyện ngày 21 tháng, 1984, Đ.G.H. Gioan Phaolô  II đã nhận định rằng: “Khó mà diễn đạt chính  mình cho rõ ràng và sâu xa hơn được: Hội Thánh  Hoàn Vũ được giới thiệu như là một mối hiệp thông  giữa các Giáo Hội (cá biệt), và một cách gián tiếp,  như là một cộng đồng các quốc gia, các ngôn ngữ,  các nền văn hóa …” (Documentation Catholique số  1989 (1985) 167-172).

5.10    Trong tiến trình Giáo Hội Địa Phương tự hiện thực hóa  chính mình (self-realization ) bằng phương thức hội nhập  văn hóa, cần phải lưu ý đến hai khía cạnh này: thứ  nhất, có mang hình thái cụ thể của một nền văn hóa nào  đó, thì Tin Mừng mới được nhận ra; vì Tin Mừng không  phải là một thực thể trừu tượng, mà là  một thực tại cụ thể, được thể hiện nơi lòng tin mà  một dân tộc đã tiếp nhận và nói lên qua bối cảnh  văn hóa của mình. Vì vậy, trong thực thế, khi một dân  tộc gặp gỡ với Tin Mừng, thì cùng lúc, cũng  gặp gỡ luôn với một nền văn hóa khác đã được thấm  nhuần bởi đức tin. Do đó, có tác giả đã thích  dùng từ “hòa nhập văn hóa”( interculturation ) hơn là từ “hội nhập văn hóa” (inculturation ). Trong văn kiện này, chúng tôi dùng thành ngữ  “hội nhập văn hóa” như là một ý niệm bao hàm  cả sự kiện “các nền văn hóa gặp nhau” nữa.

5.11    Điều thứ hai cần lưu ý là không phải bao giờ  Tin Mừng cũng cần gặp cho được một văn hóa thuần  nhất; có thể xẩy ra là Tin Mừng gặp gỡ với những  nhóm thuộc nhiều bộ tộc khác nhau, thuộc nhiều tiếng nói  hoặc văn hóa khác nhau, nhưng lại sống trong cùng một  nơi. Chính thế, tại nhiều nước ở Á châu, chúng ta  thấy có những nhóm thuộc các chủng tộc và văn  hóa khác nhau ở trong cùng một Giáo Hội Địa Phương.  Thực trạng ghép mảnh gồm nhiều ngôn ngữ, văn hóa  và chủng tộc như thế làm cho Giáo Hội Địa Phương  càng trở nên phong phú hơn nhiều.

Tiến trình hội nhập  văn hóa có bổn phận phải quan tâm đến thực trạng này,  cũng như cần phải lưu ý đến đà biến hóa và  phát triển của các nhóm ấy, vì họ thực sự là những  thành phần của một miền hoặc một quốc gia. Trong trường  hợp có đụng độ xảy ra giữa các bản sắc chủng  tộc hay văn hóa khác nhau, Giáo Hội Địa Phương có thể đóng  vai trung gian giảng hòa và hợp nhất, bằng cách  cố công làm mối giây hiệp thông giữa những nền  văn hóa và truyền thống khác nhau; nhờ đó, Giáo Hội  sẽ hình thành bản sắc riêng của mình, tức là  bản sắc đặc thù của một Giáo Hội Địa Phương. Trong  những môi trường có nhiều bộ tộc, có nhiều thứ ngôn  ngữ và nhiều ảnh hưởng văn hóa khác nhau cùng  sinh hoạt với nhau, thì tác vụ hội nhập văn hoá cũng  còn bao gồm cả việc cổ vũ xây dựng cho tinh thần  hòa hợp và thông hiệp nữa.

5.12    Nếu Giáo Hội Địa Phương là thành quả của  tác động qua lại giữa Tin Mừng và văn hóa, thì  nói rằng văn hóa ảnh hưởng đến hình thái của  Giáo Hội Địa Phương là chưa nói cho đầy đủ: còn  cần phải nói thêm là Tin Mừng cũng ảnh  hưởng đến cả văn hóa nữa. Là Lời Thiên  Chúa, Tin Mừng làm nổi bật và nâng cao văn hóa,  nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều thách đố cho một  số giá trị, thể chế, phong tục, lối sống, v.v… của văn  hóa. Các văn hóa cũng mang nặng dấu vết tội lỗi  của loài người, và vì thế có thể tích chứa  những nhân tố phá hoại bản tính loài người  và làm cho con người ra nô lệ.

Ngày nay, sứ  mạng phúc âm hoá của Giáo Hội Địa Phương cần phải  nhằm tới công tác cải biến văn hóa từ bên trong,  như men trong bột. Đ.G.H. Phaolô VI đã nhấn mạnh đến tầm  trọng yếu của công cuộc biến cải các nền văn hóa  nhờ Tin Mừng, khi ngài viết như sau trong Tông huấn  Evangelii nuntiandi : “Điều trọng yếu là phải  biết lấy Tin Mư2ng mà biến cải việc khai hóa con người  và các nền văn hóa, không phải là bằng cách  tô sơ một lớp sơn để làm cảnh mà thôi, nhưng là  cố tiến sâu đến tận gốc rễ sống còn của đời  con người. Không còn nghi ngờ gì nữa: hố phân  cách Tin Mừng xa khỏi văn hóa chính là nguyên do  gây ra thảm cảnh của thời đại chúng ta đang  sống, hệt như đã từng thấy trong các thời đại  khác. Vì vậy, cần phải ra sức bằng mọi cách để đảm  bảo cho công tác đưa Tin Mừng vào trong văn hóa  hoặc đúng hơn là vào trong các nền văn hóa được trọn  vẹn. Các nền văn hóa cần phải được phục hưng qua một  cuộc gặp gỡ với Tin Mừng” (EN20).

5.13    Phương thức cụ thể được dùng để thực hiện công cuộc  đưa Tin Mừng vào trong các nền văn hóa, chiếm giữ  một tầm trọng yếu rất lớn. Tin Mừng chỉ có thể cải  biến được văn hóa, khi nào có những người tin  và sống theo sự chỉ đạo của Tin Mừng để từ  đó, lấy chính cuộc sống của mình mà làm chứng  cho nó. Ngoài ra, công cuộc phúc âm hóa vừa nói cũng  cần phải tiến hành cẩn trọng để tránh cho khỏi  mọi hình thức huênh hoang đắc thắng, và hơn nữa, cần  phải tiến hành như một công tác phục vụ văn hóa,  với thái độ khiêm nhu và với ý thức rõ rằng cả  Tin Mừng nữa cũng có thể thu nhận được nhiều điều  từ văn hóa để nhờ đó mà thấu hiểu được văn  hóa và tiếp thu nó làm của mình. Công đồng Vaticanô  II đã công nhiên thừa nhận điểm này.
 
2. Luận đề 6

Giáo Hội Địa Phương là một Giáo Hội đang sống qua tiến  trình hội nhập văn hoá hằng trường kỳ tiếp diễn  ở giữa lòng lịch sử; bởi vì, một đàng,  Giáo Hội là một cộng đồng đức tin không ngừng lớn  lên, và đàng khác, văn hóa cũng lại luôn luôn  biến hoá đổi thay. Ngày nay, đường lối mà một  Giáo Hội Địa Phương phải theo đuổi để tự hiện thực hóa  chính bản thân mình, là ra sức giải đáp cho thiết  thực những thách đố của các thế lực mới xuất hiện  trong dòng lịch sử; đó cũng chính là những  gì đang khai sinh ra tiến trình hiện đại hóa (modernization),  cũng như đang ảnh hưởng sâu đậm đến mọi lãnh  vực và khía cạnh trong đời sống của một dân tộc.

6.01    Tiếp theo nhận định về sự việc Giáo Hội Địa Phương nẩy  sinh nên từ cuộc gặp gỡ với văn hóa, luận đề này  sẽ đứng từ một quan điểm năng động để thử nhìn  về cuộc gặp gỡ ấy, quan niệm rằng văn hóa là một  thực tại không ngừng biến hóa theo những bước phát  triển trong xã hội. Chúng tôi sẽ đặc biệt lưu ý tới  tiến trình hiện đại hóa, vì đây là một hiện tượng có  ảnh hưởng sâu đậm đến cả văn hóa lẫn xã  hội. Và tất cả những điều đó lại đều có tác  dụng đối với cách thức các Giáo Hội Địa Phương tại Á  châu hiểu về chính mình, cũng như về cuộc sống và  sứ mạng của mình.

6.02    Văn hóa là một thực tại không phải là tĩnh  nhưng là động: nó liên tục phát triển, tiến hóa và  biến đổi do những nhân tố từ bên trong cũng như  bên ngoài. Nền văn hóa nào cũng đều có biến  đổi; có khác thì chỉ khác ở chỗ biến đổi ấy có quy  mô và nhanh chóng hay không. Một trong những sức mạnh  đổi thay đáng kể nơi một nền văn hóa, là sự việc gặp  gỡ với các nền văn hóa khác. Khi tiến trình biến đổi  qua việc gặp gỡ như thế không còn có mặt nơi một  nền văn hóa nữa, thì nền văn hóa ấy sẽ bị cô lập  và tàn lụi dần đi, như thường thấy xẩy ra đối  với nhiều nền văn hóa và văn minh trong quá khứ. Nét  xuất sắc nổi bật ở nơi các nền văn hóa trường tồn  tại Á châu không phải biểu hiện đơn thuần ở nơi  tính cách cổ xưa của chúng, nhưng còn ở cả  sự kiện này nữa: trải qua biết bao thiên niên  và thế kỷ, các nền văn hóa ấy đã biết biến  hóa và hấp thu những yếu tố mới để tạo cho mình có  khả năng thích nghi và ứng đáp với những thách  đố và thăng trầm thiên hình vạn trạng xảy đến trong  lịch sử.

Tại Á châu cũng như ở bất cứ nơi  nào khác, công cuộc hội nhập văn hóa đòi hỏi  Giáo Hội Địa Phương phải biết lớn lên nhờ biết lắng  nghe, nhận thức và ứng đáp đà diễn biến của  văn hóa. Nếu chỉ coi công tác hội nhập văn hoá như là  một việc cần phải làm một lần cho tất cả, và  quên đi tác động hỗ tương đối với văn hóa không ngừng  diễn biến ấy, thì không thể nào Giáo Hội tránh cho  khỏi bị vong thân và trở thành xa lạ đối với  những hoài bão, những khát vọng và chờ  mong của quần chúng được. Đó là những gì mà  kinh nghiệm của các Giáo Hội tại nhiều nơi trên thế giới  đã để lại làm bài học cho chúng ta.

6.03    Có một điều lạ trong văn hóa ngày nay, đó là  sự việc văn hóa biến đổi một cách đại quy mô chưa từng  thấy. Và tốc độ của đà biến đổi này lại  càng tăng thêm gấp bội bởi sức hối thúc của  tiến trình hiện đại hóa với những hậu quả của  riêng nó. Nói đến hiện đại hóa tức là nói đến tiến  trình biến đổi mau lẹ trong xã hội xảy ra do ảnh  hưởng của khoa học tân thời, của kỹ thuật  và kỹ nghệ hóa, của những phương tiện truyền  thông tân kỳ và công tác đô thị hóa, cũng như  của những hệ thống mới trong các lãnh vực giáo  dục, kinh tế và chính trị: tất cả những nhân tố  ấy đã tác động sâu xa đến nền văn hóa, đến các thể  chế, đến lối sống, v.v. cổ truyền. Và còn sâu xa  hơn nữa, tiến trình hiện đại hóa đã biến đổi cả  đến những thái độ sống và những giá trị, cũng  như cả đến ý thức của những cá nhân và những  nhóm nữa. Những đổi thay và biến hóa ấy, ai mà  không thấy hiện rõ mồn một ngay tại giữa các độ  thị Á Châu, là những thành phố hiện đang bành  trướng với một nhịp độ kinh hoàng, do hiện tượng di dân  tập thể và đô thị hóa đồng loạt.

6.04    Tại Á Châu, việc gặp gỡ giữa các nền văn  hóa cổ truyền và trào lưu hiện đại hóa đã làm  phát sinh ra vô số những trạng huống và những  phản ứng rất khác biệt nhau. Trong một vài xã  hội và một vài lãnh vực sinh hoạt tại Á Châu,  đà hiện đại hóa tiến hành sát cánh với các nền  văn hóa và lối sống cổ truyền. Trong các xã hội  ấy, vì đã quá quen sống trực diện với những mâu thuẫn,  nên người Á Châu cứ thản nhiên sống lối sống  hàng hai: tân tiến cũng chọn, cổ truyền cũng ôm.  Có một thái độ phản ứng khác, đó là cố vứt bỏ  cho xong văn hóa cổ truyền đi — vứt cả chì lẫn  chài — và lấy kiểu sống tân tiến mà thay vào  đó. Còn có nơi thì cứ khăng khăng chống cự lại với lối  sống hiện đại và các giá trị mới, để tiếp tục bảo  vệ văn hóa, thể chế, lối sống, v.v. cổ truyền. Cũng  có những nơi đã biết chuyển dịch các phong thái và  giá trị cổ truyền vào trong các hệ thống, các công cụ,  v.v. hiện đại; hay ngược lại, đem cái mới chồng chéo lên  trên cái cũ. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận  được rằng tại Á Châu, giữa các phản ứng khác  nhau đối với đà hiện đại hóa, trội nhất là ước vọng  thẳm sâu mong sao thu hoạch được những lợi ích của  nền văn hóa hiện đại, mà vẫn không đánh mất đi bản  sắc của di sản cổ truyền mình thừa hưởng, với  những giá trị và lý tưởng hằng bao nhiêu năm tha  thiết ấp ủ tận trong đáy lòng.

6.05    Việc gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại  đặt Hội Thánh trước một thách đố hết sức to lớn (MV 56).  Trong một bài nói chuyện với Ban Cố Vấn đặc trách Văn  hóa của Tòa Thánh, Đức Gioan Phaolô II nêu rõ  đặc nét của tình trạng đổi thay và biến hoá ngày  nay như sau:

“Đứng trước một nền văn hóa mới đang lên, dĩ  nhiên là mọi tín hữu cũng như mọi người thiện  tâm thiện chí, đều có bổn phận phải biết sống can đảm  và sáng suốt. Những đổi thay về mặt xã hội và  văn hóa, những cuộc chính biến, những mầm mống ý  thức hệ, thái độ tự vấn về tôn giáo, thái độ dò dẫm  đối với nền luân lý đạo đức: tất cả đều chỉ cho thấy  một thế giới đang thời thai nghén, đang độ kiếm tìm lẽ  sống và hướng đi, kiếm tìm một tổng thể toàn vẹn,  một cuộc canh tân có tính cách ngôn sứ” (L”Osservatore  Romano, English edit. Dec. 16 1985).

Đó là những nhận định hoàn toàn đúng đối với  hiện trạng tại Á Châu. Chỉ khi nào biết ứng đáp thích  đáng những cảnh huống phức tạp trong các nước Á  châu, thì lúc đó các Giáo Hội tại lục địa này mới có  thể trở nên những Giáo Hội Địa Phương đích thực được.

6.06    Trong khi ra sức để ứng đáp như vậy, trước hết Hội Thánh  cần phải nhìn nhận và tiếp thụ giá trị của cả  truyền thống lẫn văn hóa, cũng như vai trò trọng  yếu mà tiến trình hiện đại hóa đang đóng giữ. Một  thái độ thủ thế tất sẽ không đóng góp được gì cả  cho đà phát huy của Giáo Hội Địa Phương và cho việc  chu toàn sứ mạng mà ngày nay Thiên Chúa đang ủy  thác cho Giáo Hội. Gia sản của các nền văn hóa và  các truyền thống Á Châu phải được tích cực cổ xúy  và phát huy, vì Thiên Chúa và Thần Khí của Ngài  đã từng hoạt động mạnh mẽ trong lịch sử các  dân tộc Á Châu. Những biểu hiện văn hóa muôn hình  thái của chúng phản ánh bản thể chân-thiện-mỹ  của Thiên Chúa. Hệt như vậy, tiến trình hiện đại hóa  cũng nói lên sự kiện Thiên Chúa hằng có mặt ở trong  lịch sử hiện đại của chúng ta. Do đó, Giáo Hội Địa  Phương phải biểu thị một thái độ hết sức cởi mở  — như công đồng Vaticanô II đã từng nêu cao —  đối với các nền văn hóa các dân tộc cũng như đối với  thế giới hiện đại và các bước phát triển của nó.

6.07    Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes đã miêu tả  rõ về một trong những vấn đề cốt tuỷ gặp phải  tại Á Châu cũng như tại các nơi khác, với những  lời lẽ như sau: “Phải làm thế nào để  có thể phát huy sức sống và đà phát triển của  một nền văn hóa mới, mà không đánh mất đi lòng trung  thành sinh động đối với di sản của truyền thống?”  (MV 56). Các Giáo Hội Địa Phương tại Á Châu có bổn  phận phải ứng đáp thỏa đáng cho ưu tư và ước vọng  kia, là những tâm tư hiện đang trải rộng trong khắp  Á Châu. Khi ứng đáp như thế, Giáo Hội cần phải lưu  ý đến sự kiện này là nếu chỉ chồng chéo lên trên  những gì đã có, những nhân tố mới lấy từ  bên ngoài hoặc rút ra từ một quá trình dị sinh (phát  sinh từ giống loài khác = heterogenetic ), thì không  thể nào có một cuộc thay đổi thực sự sâu rộng và  lâu bên nơi một nền văn hóa được.

Trong một nền văn hóa  hay trong một xã hội, một cuộc đổi thay chỉ xảy đến,  lúc nào nó phát sinh từ nội giới của chính nó,  tức là do một tiến trình trực sinh (phát sinh thẳng từ  giống loài của mình =orthogenetic ). Cuộc gặp gỡ  giữa truyền thống và hiện đại phải tiến hành  thế nào để tiến trình thay đổi văn hóa phát động từ  nội giới, có đủ khả năng dùng óc sáng tạo mà  đáp ứng những yêu cầu thích nghi của tân thời,  và dùng tài khéo léo tổng hợp mà làm  cho cả tân thời nữa cũng trở thành  của riêng mình.

6.08    Muốn đóng góp để kiến tạo một công trình phối hợp hài  hòa giữa truyền thống và hiện đại, thì Hội Thánh  tại Á Châu cần phải biết lấy óc phê bình mà  phân định. Vì các nền văn hóa Á Châu vẫn còn  tỏ ra khá mập mờ, chưa dứt khoát; điều đó muốn nói  rằng bên cạnh vô số những lý tưởng, nhãn giới  và giá trị cao siêu, chúng vẫn còn ngang nhiên  chứa chấp nhiều nhân tố đàn áp và phi nhân; chẳng  hạn như là thảm trạng phân biệt đẳng cấp tiếp tục  đi ngược lại với quyền bình đẳng giữa mọi con người,  hoặc là thái độ kỳ thị phụ nữ, v.v.

Đàng khác, cho dù có góp phần lớn lao và kỳ  diệu vào trong tiến trình nhân đạo hóa xã hội loài  người, thì trào lưu hiện đại cũng vẫn còn  chất chứa nhiều mâu thuẫn sâu xa. Nó đang xói mòn  một số các giá trị hằng được quý mến trong các xã hội  Á Châu, gây nên cảnh đem đồi phong bài tục làm  thương mãi, đưa tới chỗ dựng lên một guồng máy bất  nhân khổng lồ chưa từng thấy nhằm bóc lột những đám  dân nghèo yếu. Trào lưu hiện đại hóa cặp song đôi  với hiện tượng kỹ nghệ hóa tiên tiến, đang gây hại trầm  trọng đến môi sinh thiên nhiên ở Á Châu. Nạn nhân  là những tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội,  chẳng hạn như là các người dân bộ lạc và các  thuyền chài phải sống nhờ vào các lâm sản  và hải sản. Đà kỹ nghệ hóa hiện đại cũng  đang đè nặng nhiều nhất lên trên vai của các phụ  nữ Á Châu vì phải chịu cảnh di dịch từ nơi  này đến nơi khác, chịu bóc lột và bị đem ra làm  mồi cho mãi dâm.

6.09    Trong bối cảnh gặp gỡ như thế giữa truyền  thống và hiện đại, Giáo Hội Địa Phương cần phải biết  lấy óc phê bình mà phân định bằng cách ý thức cho tỉnh  táo rằng cả truyền thống lẫn hiện đại đều có những  ưu và khuyết điểm của chúng. Giáo Hội có bổn phận  phải góp phần vào trong tiến trình biến hóa hướng  tới một nền nhân bản mang bản sắc Á Châu thực  sự: đó là thành quả gặt hái được từ cuộc  gặp gỡ và phối hợp hài hòa giữa các yếu  tố hay đẹp nhất tìm thấy ở trong văn hóa cổ truyền và  trong trào lưu hiện đại. Như thế, qua sự việc tích cực  dự phần vào trong dòng lịch sử quá khứ và  hiện đại của các dân tộc Á Châu, bởi biết lấy  óc phê bình mà đồng nhất hóa mình với truyền thống, và  văn hóa, với những khát vọng và hoài bão  họ đang ấp ủ, Hội Thánh sẽ mang bản sắc Á  Châu thực sự. Hình thái của các Giáo Hội Địa Phương Á  Châu ngày mai sẽ tùy thuộc vào tiến trình hội  nhập văn hóa đang thành hình hôm nay ngay trong bối cảnh  gặp gỡ giữa truyền thống và trào lưu hiện  đại tại Á Châu.
 
3.  Luận đề 7

Muốn tự hiện thực hóa chính mình tại Á Châu, thì Giáo  Hội Địa Phương cần phải biết thắt nối những mối quan  hệ mới với những tín đồ láng giềng thuộc các tôn giáo  khác, và cần phải biết dấn thân vào trong các  hoạt động nhằm mục đích cổ xuý công lý, nhân phẩm và  nhân quyền, cũng như vào trong công tác thực thi một  cách thiết thực, lòng thương đặc đãi (preferential  love) đối với người nghèo.

7.01    Để có thể triển nở một cách trọn vẹn (hiện thực  hóa chính mình = self-realization ) ngay trong môi trường  sống của mình, thì các Giáo Hội Địa Phương tại Á Châu  cần phải lưu ý cách riêng tới hai lãnh vực hoạt động  đặc biệt quan trọng, đó là: đối thoại hội  nhập văn hóa . Hai mối quan tâm này (như bản tuyên  ngôn của FABC I đã khẳng định với những lời  lẽ hết sức mạnh mẽ) phải là cốt tủy của  đời sống và sứ mạng các Giáo Hội này. Nếu Hội  Thánh là bí tích của mối hiệp thông với Thiên Chúa  và của tình liên đới giữa loài người (HT  1), thì hết thảy mọi Giáo Hội Địa Phương ở trong phần  đất Á Châu này của thế giới, cũng phải  biết giao hảo với những người láng giếng chung  quanh đây hệt theo cách thức mà các Giáo Hội này  cụ thể cảm nghiệm về chính mối hiệp thông và chính  tình liên đới ấy trong truyền thống tôn giáo của mình. 

Đối thoại với các tôn giáo khác là một việc làm  gắn bó mật thiết với tiến trình hội nhập văn hóa mà  các Giáo Hội Á châu chúng tôi theo đuổi, bởi vì tại  nhiều dân nước Á Châu, kinh nghiệm tôn giáo và tín  ngưỡng cũng như việc hành đạo đều là những  gì làm nên linh hồn cho văn hóa. Tôn giáo và văn  hóa gắn bó khăng khít với nhau đến nỗi không thể nói  tới một bên mà không đề cập đến bên kia được. (Vấn  đề này đã được bàn tới trong các Luận đề chúng tôi đưa ra, liên quan đến Việc đối thoại giữa  các tôn giáo ).

7.02    Với hàng triệu triệu người sống với hai bàn  tay trắng, thiếu thốn ngay cả đến những nhu yếu phẩm  cơ bản nhất, như: thức ăn, nước uống, nhà ở, phần  đông các dân nước tại Á Châu chúng tôi đều mang nặng  dấu vết của nghèo khổ và bần cùng tập thể.  Theo gương mẫu mầu nhiệm Nhập Thể, các Giáo Hội Địa Phương  chúng tôi cần phải lấy tinh thần liên đới mà chia  sẻ thực sự số phận của những người nghèo  đói, của những người bị bỏ rơi ngoài lề  xã hội và của những người bị bóc lột.  Công tác loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn  (Lc 4,18), đòi hỏi các Giáo Hội Địa Phương chúng tôi  phải trở nên Giáo Hội của người nghèo.  Chúng tôi vui mừng nhận thấy những cố gắng mới trong  việc đẩy mạnh tình liên đới đối với người nghèo,  và cả trong hành động quả cảm của một  số anh chị em quyết sống đồng nhất hóa thực sự với họ. Tuy  nhiên, chúng tôi cũng hết sức đau lòng mà nhận  rằng nhiều thể chế hoặc cơ sở của các Giáo Hội chúng  tôi vẫn còn phản ánh quá rõ giàu sang  và quyền thế, và thường xảy ra là các  trường học, các bệnh viện, v.v. của chúng tôi hầu  như chỉ có giúp ích cho những người giàu có không  thôi. Lối sống của một số người lãnh đạo các  Giáo Hội, của một số linh mục và tu sĩ, không biểu  thị được tinh thần bình dị và từ bỏ của Tin  Mừng.

7.03    Năm 1974, FABC I đã kêu gọi các Giáo Hội Địa  Phương Á Châu xúc tiến công tác đối thoại với người  nghèo:

“Trong rất nhiều nước tại Á Châu, đối thoại  với người dân có nghĩa là Giáo Hội đang đối thoại  với người nghèo. Cuộc đối thoại này phải hình  thành theo cái mà người ta gọi là một công  trình “đối thoại bằng chính cuộc sống”. Điều đó đòi  hỏi cần phải có kinh nghiệm thực sự và hiểu biết  đích xác về đời sống nghèo túng… của không biết  bao nhiêu người trong các dân nước chúng ta. Chúng tôi  tin chắc rằng tiếng của Đức Kitô còn đang vang vọng  ra từ cảnh thiếu thốn bần cùng vật chất của  các dân nước chúng ta, cũng như từ tiềm năng khủng  khiếp của con người họ, và từ khát vọng của  lòng họ mong sao cho có được một thế giới nhân đạo và  huynh đệ hơn, để gióng lên một lời kêu gọi khẩn thiết  gửi đến các Giáo Hội Á Châu” (FABC I,19,  20, 22).

7.04    Cách tiến hành công cuộc hội nhập văn hóa ngay ở  giữa môi trường sống của người dân như thế,  sẽ mở rộng đường cho Giáo Hội Địa Phương tiến bước  đến tận cùng chân trời của Nước Chúa. Nước Chúa  thì mênh mông rộng lớn hơn Hội Thánh, và Hội Thánh chỉ  là khí cụ của Nước Chúa. Và như vậy, Giáo Hội  Địa Phương bước vào trong một thế năng động có đầy sức  để đẩy mạnh công cuộc rao giảng Tin Mừng, và đạt  tới mức thành tựu của chính bản thân mình nhờ  biết mang nhân phẩm, công bằng và tự do đích thực đến  với cuộc sống của những người nghèo khổ và  của những kẻ bị áp bức. Chúng tôi xin nhắc lại  sau đây lời của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới,  nhóm họp năm 1971: “Chúng tôi nhận thức rõ rằng hoạt  động cho công bằng và tham dự vào trong công cuộc  biến cải thế giới là những hoạt động làm  nên một trong những chiều kích cấu thành của việc  rao giảng Tin Mừng”.

7.05    Văn hóa thì gắn bó rất mật thiết với các lãnh vực  xã hội và chính trị. Ngày nay, người ta nhận  thấy là càng ngày văn hóa càng chiếm giữ  một vai trọng yếu hơn trong bình diện xã hội chính trị.  Thế nên, trong tiến trình hoàn thành chính mình qua công  tác hội nhập văn hóa, các Giáo Hội Địa Phương phải hết  sức lưu ý đến hai khía cạnh sau đây:

Thứ nhất , trong  nhiều xã hội hoặc dân nước chúng ta, thường có hai  loại văn hóa: văn hóa của những lớp người nắm  giữ quyền hành về mặt chính trị và kinh tế, và  văn hóa của những từng lớp yếu thế vô quyền.  (Đô hộ văn hóa đi đôi với đô hộ chính trị và kinh tế,  và là một yếu tố chủ yếu để củng cố nền  đô hộ này. Đô hộ chính trị và kinh tế thì coi thường,  nếu không nói là xóa bỏ văn hóa của dân nghèo  và của những bị gạt ra ngoài lề xã hội).  Nếu muốn “đối thoại bằng chính cuộc sống” với người  nghèo tại Á Châu, thì Giáo Hội Địa Phương phải  biết lưu tâm đặc biệt đến “truyền thống nhỏ bé”  của các từng lớp dân nghèo yếu thế vô quyền  này. Không nên nhầm lẫn đồng nhất hóa việc hội nhập văn hóa với hành động oa nhập vào trong văn hóa của  các từng lớp thống trị nắm giữ quyền hành ở  trong một xã hội; nhưng trái lại, cần ý thức rõ là  việc hội nhập văn hóa phải trở thành một tiến  trình qua đó, Giáo Hội Địa Phương sống liên đới với người  nghèo, với truyền thống và phong tục, với lối sống  và cách thức suy nghĩ, v.v. của họ.

7.06    Và điểm thứ hai cần lưu ý là: không nên  khoán trắng tiến trình hiện đại hóa cho riêng các lớp người  nắm quyền hành trong xã hội để rồi họ giữ trọn  độc quyền mà lèo lái hầu trục lợi cho riêng mình.  Có được thanh lọc qua mối quan tâm đối với những người  nghèo và những người bị xô đẩy ra ngoài  lề cuộc sống tại các xã hội Á Châu, thì công cuộc  hiện đại hóa mới được giải độc cho khởi những  tác dụng bất nhân, và mới có thể đứng trong tư thế sẳn  sàng để phục vụ chính nghĩa công bình và tự do được.  Cho nên, đối với chúng tôi, tiến trình hội nhập văn hóa  còn phải bao gồm cả nổ lực này nữa: nổ  lực đem các thách đố mà tiến trình hiện đại hóa đặt  ra, lồng vào trong cuộc thoại với vô số những người  nghèo khổ và yếu thế vô quyền đang sống ở giữa  chúng ta.