Giáo Hội Của Các Giáo Hội (1)

0
594


GIÁO HỘI CỦA CÁC GIÁO HỘI

Tác giả: J. -M. R. TILLARD, OP.

Chuyển ngữ: Đại Chủng Viện thánh Giuse Sài Gòn

***

***

LỜI TỰA

 

Khi phải đọc lại liền một mạch các văn kiện chính yếu của Công đồng Vat. II, đã có từ hơn hai mươi năm qua, rồi đem so sánh với những văn bản đã được công bố từ 1870, cũng như các văn bản còn trong dự thảo mà chưa thể đi đến chung cuộc, người ta ngạc nhiên bởi sự khác biệt không chỉ ở ngôn ngữ và cung giọng mà còn bởi xu hướng. Và điều ấy đã diễn ra, mặc dù Vat. II đã lĩnh hội những tuyên ngôn quan trọng của Vat. I một cách sâu sắc hơn là như người ta vẫn nghĩ tự phát.

Sự khác biệt ở chỗ là với Vat. II, thì sự hiệp thông, dù ít được nêu rõ, trình bày một chân trời trên đó nổi bật những khẳng định quan trọng về Giáo Hội và sứ vụ của Giáo Hội. Dù chưa minh nhiên và thường hòa lẫn với các lập trường của một khuynh hướng giáo hội học khác và được bảo lưu theo yêu cầu của một thiểu số còn lo ngại, việc chuyển hướng của tư tưởng Công giáo (Rôma) sang một cái nhìn cổ truyền của các Giáo phụ – luôn được xác định trong phụng vụ – được nhận thấy trong hầu hết các văn kiện, có thể chỉ trừ trong các văn kiện ít quan trọng.

Người ta ngạc nhiên vì, ngoại trừ những nghiên cứu tuyệt vời về ý niệm Koinônia, thì có rất ít công trình chuyên khảo dành cho việc phục hồi toàn bộ quan niệm về Giáo Hội xoay quanh sự hiệp thông. Hơn nữa, một đàng, điều này cho phép nắm bắt (xa hơn là một quan điểm thuần cơ chế) hữu thể ân sủng của Giáo Hội của Chúa, và đàng khác nó cống hiến cho nhiệm vụ đại kết một con đường quan phòng để hàn gắn lại sự hiệp nhất hữu hình.

Tác phẩm này, kết qủa của nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy và dấn thân đại kết, mang hoài bão bù đắp phần nào thiếu sót trên. Chúng tôi chân thành giới thiệu nó như đề tài thảo luận, với ý thức rằng nó không nói được tất cả và nó cần được xác định rõ thêm. Nhưng ngay từ cuốn sách đầu tiên của chúng tôi, L”Eucharistie Pâque de l”Église (Bí tích Thánh Thể – lễ Vượt Qua của Giáo Hội), xuất bản vào tháng 1.1964 trong tuyển tập “Unam sanctam”, chúng tôi đã có sự xác tín rằng khoa giáo hội học về hiệp thông (hay giáo hội học theo Bí tích của Thánh Thể, theo nghĩa rộng của thành ngữ này, tuy nó không phù hợp chính xác theo nghĩa của Afanassief), là khoa giáo hội học tương ứng nhất với cứ liệu Thánh Kinh và với những trực giác của những truyền thống quan trọng của Giáo Hội. Từ đó, chúng tôi không ngừng đào sâu cái nhìn này, vốn chưa hề được đánh giá đúng mức. Một trong những cựu giáo sư của chúng tôi tại Saulchoir cho rằng cái nhìn này “quá bí tích”.

Nhờ liên hệ chặt chẽ với công cuộc đại kết, nên chúng tôi có được những hoàn cảnh để khám phá thấy trong đó một xác nhận hiển nhiên về tầm quan trọng của khoa giáo hội học hiệp thông này. Chúng tôi ngày một tin tưởng mạnh hơn rằng chỉ nhờ khoa giáo hội học này mới cho phép phá vỡ bức tường của hiểu lầm, ngờ vực, tự ái, tham vọng đã đóng kín các truyền thống Giáo Hội khác biệt. Điều này đã rõ ràng, nhất là từ khoảng 15 năm nay, đối với Giáo Hội Chính thống và Đông phương, và bây giờ cũng đang thể hiện nơi một số khối xuất thân từ Cải Cách. Không phải ng  u nhiên mà Uỷ Ban Đức Tin và hiến chế của Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội đã dần dần nhận thấy được dẫn dắt bởi tính hợp lý của chính công trình nghiên cứu của mình, đến suy tư về bản tính của sự hiệp thông. Chính vì thế, chúng tôi tin là khẩn thiết phải trình bày dưới nhan đề “Giáo Hội của các Giáo Hội” những điều cơ bản và những hệ kết của khoa giáo hội học hiệp thông.

Chúng tôi không có tham vọng bàn sâu về một chủ đề có tầm mức như thế trong một tác phẩm quá vắn tắt. Hơn nữa, kinh nghiệm đã cho chúng tôi biết giáo hội học chắc chắn vẫn còn là vấn đề gai góc nhất trong các tranh luận đại kết. Ngoài ra, xoay quanh vấn đề đó đã xảy ra sự chia cắt Kitô giới ra làm hai khối, khối các Giáo Hội kỳ cựu thường được gọi là “Công giáo” và khối gọi là “Thệ phản”.

Vì vậy công việc của chúng tôi rất khiêm tốn: đó là vạch ra, với mục đích để thảo luận thêm về sau, quan niệm vốn đã là gốc rễ của điều khoản tín biểu Nicée – Constantinople : “Chúng tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Công trình này cũng hàm chứa một giới hạn khác. Đó là trong thực tế, từ việc nghiên cứu của mình, chúng tôi có được ý thức sâu sắc về một điều hiển nhiên: trên hết không ai có thể suy tư về chủ đề này mà tách rời độc lập được với những giả định của truyền thống đức tin riêng của mình. Chúng tôi sẽ không thoát được quy luật đó. Suy tư của chúng tôi rõ ràng là của thần học gia Công giáo. Dầu vậy chúng tôi sẽ cố gắng – theo một phương pháp thiết thân của mình – đặt mình bên ngoài những cuộc bút chiến, trong niềm hy vọng cung cấp đường hướng bao quát cho những nghiên cứu về giáo hội học, mà hiện nay nhiều môi trường đại kết đã cảm nhận được nhu cầu.

J. -M. R. TILLARD, OP.

F  ultés dominicaines

96 Empress, Ottawa.

***

Mục lục

Lời tựa

Chương I: GIÁO HỘI THIÊN CHÚA TRONG KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA


          I. Giáo Hội được mạc khải như sự hiệp thông

          II. Giáo Hội Thiên Chúa, “mầu nhiệm” (Ep 3, 6) , “hiệp thông” thần linh

          III. Giáo Hội Thiên Chúa và Nước Thiên Chúa

Chương II: GIÁO HỘI CỦA THIÊN CHÚA, DÂN CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỰ HIỆP THÔNG

          I. Giáo Hội của Thiên Chúa, toàn vẹn cây ô-liu được ghép vào (Rm 11, 16-24)

          II. Giáo Hội của Thiên Chúa, Dân của niềm tin

          III. Giáo Hội “Bí tích” đức tin

Chương III: PHỤC VỤ HIỆP THÔNG

          I. Những thừa tác vụ phục vụ sự hiệp thông của các Giáo Hội

          II. Giáo Hội của Thiên Chúa, thừa tác viên cứu độ

Chương IV: SỰ HIỆP THÔNG HỮU HÌNH CỦA CÁC GIÁO HỘI

          I. Tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa

          II. Vị Giám mục Giáo Hội Roma

          III. Ngoài sự hiệp thông hữu hình

Phần kết luận