Quan Tấn, OP.
Công Đồng Vatican II đã trình bày về Đức Giêsu một cách khẳng quyết: “Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4,15).[1] Ngày nay, người ta có vẻ hình dung Đức Giêsu là một người phương Tây hơn là một người Châu Á. Vì thế, những cách thức chúng ta nghiên cứu, những kiến thức chúng ta lãnh nhận về Đức Giêsu, những lối suy nghĩ chúng ta áp dụng vào cuộc sống cũng mang phong thái rất “Tây”. Người ta nói rằng, kỷ nguyên thứ I của Kitô giáo là Châu Âu; kỷ nguyên thứ II là Châu Mỹ và Châu Phi; kỷ nguyên thứ III là của Châu Á. Điều này cũng được thể hiện rõ nét hơn trong Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo Hội Tại Á Châu, 1999) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gởi các giám mục, lịnh mục và phó tế, nam nữ tu sĩ sống đời sống thánh hiến và toàn thể giáo dân giới thiệu Đức Giêsu cho người Á Châu. Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, chúng ta phải tìm lại gương mặt đích thực của Đức Giêsu, tức là một Đức Giêsu của người Châu Á hay nói chính xác hơn Đức Giêsu là một người Do Thái đích thật. Trong khuân khổ bài viết này, chúng tôi không có tham vọng nói tất cả mọi mặt về con người của Đức Giêsu lịch sử, nhưng chúng ta chỉ đề cập đến một vài nét chính yếu về Ngài, một người Do Thái. Tức là chúng ta cùng tìm hiều về Đức Giêsu là con cháu Abraham, Người mà Đức Chúa đã hứa ban qua dòng giõi vua Đavid. Là một người Do Thái, Đức Giêsu đã tuân giữ đạo Do Thái ra sao và Ngài đã thi hành luật pháp Do Thái như thế nào. Sống trong đất nước Israel thời đầu Kỷ nguyên với tình hình chính trị đầy bất ổn, quan điểm của Giêsu về vấn đề này như thế nào. Đó là những vấn đề chúng ta trình bày trong bài viết này.
1. Đức Giêsu là con cháu Abraham
Đức Giêsu đã được sinh trong thời ông Augusto làm hoàng đế và ông Quirinô làm tổng trấn xứ Syria (x. Lc 2,1-2). Điều này cho thấy Đức Giêsu đã thực sự hiện diện trong lịch sử của con người. Đức Giêsu không những là một người Do Thái nhưng Ngài còn thuộc về dòng dõi của ông Abraham và dòng dõi vua Đavid (Lc 1,32). Đức Giêsu thuộc về một dân được Thiên Chúa tuyển chọn và tổ phụ của Ngài là ông Abraham. Để chứng minh điều này thật sự là đúng, chúng ta cùng lần lại với bản gia phả của Đức Giêsu.
Trong bộ Kinh Thánh, chúng ta thấy có hai thánh ký kể lại gia phả của Đức Giêsu một cách rõ ràng nhất, đó là Thánh Matthew và Thánh Luca. Tuy hai gia phả này không hoàn toàn trùng khớp với nhau nhưng chúng có một số nhân vật chung như Thánh Giuse, Zrubavel, Đavid và Abraham (x. Mt 1, 1-16; Lc 3,23-38). Thánh Matthew khởi đầu Tin Mừng bằng hai tổ phụ Đavid và Abraham. Nên Matthew gợi cho người đọc nhận ra rằng nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cho Abraham và vua Đavid. Đức Giêsu là con của Đavid, tức Ngài là “Đấng Kitô”; cũng vậy, Đức Giêsu là con của Abraham nên Ngài thừa kế lời hứa.
Matthew muốn chứng minh Đức Giêsu là con của Đavid. Vì vậy, tác giả xếp đặt 3 loạt tên gọi, mỗi loạt 14 tên, dù đã phải bỏ một ít tên trong lịch sử Israel. Theo truyền thống Do Thái, giữa Abraham và Đavid, đã có 14 thế hệ; có lẽ vì thế, Matthew xếp đặt để hai loạt (giai đoạn) khác cũng gồm có 14 thế hệ cho bằng nhau. Mặt khác, theo số học Do Thái, 14 là con số tượng trưng cho Đavid, bởi họ thường dùng chữ để viết số, và bởi “Đavid” viết bằng tiếng Hipri là DVD (họ không ghi nguyên âm); mà: D=4, V= 6, D=4, thế nên, DVD=14.[2] Thánh Matthew đã trình thuật lại gia phả của Đức Giêsu theo dòng tộc Đavid. Điều này muốn minh chứng Đức Giêsu là “Con vua Đavid”, là Đấng Mesia, Đấng mà Kinh Thánh đã tiên báo. Không những thế, Thánh Phaolô cũng khẳng định Đức Giêsu là người Do Thái, thuộc dòng dõi Đavid (Rm 1,3; 9,5). Thư Do Thái cũng minh chứng Đức Giêsu thuộc dòng dõi Abraham, chi tộc Giuđa (7,14).
2. Đức Giêsu với đạo Do Thái[3]
Khi nói tới đạo Do Thái, chúng ta không thể nào tách rời yếu tố chủng tộc ra khỏi yếu tố tôn giáo. Toàn thể dân tộc Do Thái đều theo một tôn giáo duy nhất, tôn giáo dựa trên mạc khải của Thiên Chúa. Do đó, một điều không thể phủ nhận là Đức Giêsu cũng đã thực hành tôn giáo truyền thống của cha ông mình, tức là đạo Do Thái. Ngài đã thực hành tôn giáo một cách nghiêm túc và thậm chí vượt trên những điều luật đòi hỏi. Chẳng hạn, tuy luật chưa buộc Đức Giêsu (trẻ Do Thái vị thành niên: Xh 23,14; 34,23; Đnl 16,16) phải về Giêrusalem để tham dự lễ Vượt Qua, nhưng Ngài vẫn thi hành một cách sốt mến (Lc 2, 41-50). Ngài không xem đó là một sự tự nguyện, nhưng như là một bổn phận (Lc 2,49).
Các sách Phúc Âm cho chúng ta thấy, Đức Giêsu sống đạo thiên về lề lối biệt phái; vì thế, Ngài nghiêm túc giữ những ngày lễ, viếng đền thờ theo Luật (x. Ga 7:2tt); mặc dù Đức Giêsu không phải nộp thuế tôn giáo cho đền thờ, nhưng Ngài vẫn thực hiện nhiệm vụ đó chỉ để khỏi gai mắt cho những người thu thuế (Mt 17:24tt); Ngài tôn trọng phong tục và quyền bính của giáo sĩ (Mt 8:4; Lc 17:14), cũng như công nhận quyền giáo huấn chính thức của họ (Mt 23:2-3).[4] Ngài là một giáo dân thường hay tham dự một cách chủ động vào các nghi thức phụng tự tại hội đường (Lc 4:16t; Mc 1:21).[5] Các sách Phúc Âm, nhất là phúc am theo Thánh Matthew, cho chúng ta thấy Đức Giêsu rất thuộc và thông thạo về Kinh Thánh Cựu ước. Ngài thường hay trích dẫn Kinh Thánh để dạy dỗ dân chúng (Mt 5,21.27.31.33.38.43). Đọc bài giảng trên núi, ta thấy hầu hết nội dung được lấy lại trong phần Cựu ước (Mt 3,3-12). Cũng như người Do Thái thời ấy, Đức Giêsu cũng có sự hiểu sai Kinh Thánh do khoa chú giải Do Thái thời đó. Thí dụ, đoạn Ga 10:34tt (theo giả thuyết cho rằng những lời ấy là của Đức Giêsu), Đức Giêsu dùng đến lối chơi chữ, mà vì từ “theós” (thần) có hai nghĩa, cho nên câu kết luận có vẻ như là ngụy biện; trong đoạn Mc 12:36tt, Đức Giêsu giả thiết lời “Chúa tôi” đọc thấy trong Tv 110, ám chỉ đến Đấng Mesia; còn khoa chú giải ngày nay thì cho rằng lời “Chúa tôi” chỉ về nhà vua thời ấy; dù sao, dân Do Thái thời ấy đã nghĩ như vậy, tất Đức Giêsu cũng không nghĩ khác.[6]
Vì là người Do Thái sống trong bối cảnh xã hội và văn hoá thời đó, đặc biệt là giữa những người đạo đức, Đức Giêsu tỏ ra hơi bài ngoại. Thí dụ khi người đàn bà Liban, ở thành Tyrô, đến gặp Ngài, Đức Giêsu gọi bà là “chó” như dân Do Thái quen gọi dân ngoại (x. Mc 7:24-30). Tương tự như vậy, Đức Giêsu gọi vua Herod là “con cáo” (x. Lc 13:32); ông ta là người lai và là tay sai của đế quốc Rôma. Khi phái gửi các môn đồ đi rao giảng, Ngài truyền chỉ họ “đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari” (Mt 10:5). Cách chung, thái độ của Ngài đối với những người ngoại quốc xem ra khá tiêu cực: họ quá lo lắng kiếm tìm những nhu cầu vật chất của thế gian này (x. Mt 6:32), còn các lãnh tụ của họ thì chuyên chế tai ngược (x. Mt 20:25). Lẽ ra Ngài cũng phải ý thức là đồng bào mình đâu có tốt gì hơn.[7]
3. Đức Giêsu với luật pháp Do Thái
a/. Luật cắt bì
Nhiều dân tộc coi việc cắt bì – dấu chỉ thuộc về một cộng đoàn – thường là lúc gia nhập vào một cộng đoàn những người trưởng thành hoặc lúc lập gia đình. Dường như Israel đã nhận cắt bì như một tục lệ cổ xưa, vì đã có nhiều bản văn rất cổ đã đề cập đến việc cắt bì và nhắc đến việc sử dụng dao cắt bằng đá (Xh 4,24; Gs 5,2-9). Dân Israel xem cắt bì như là dấu chỉ của giao ước.[8] Nghi thức cắt bì chắc chắn có ý nghĩa tôn giáo: người ta cắt bì do lệnh truyền của Đức Chúa (Gs 5,2-3). Đặc biệt Đức Chúa đã giao ước với ông Abraham: “mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì. Các ngươi phải chịu cắt bì nơi bao qui đầu: đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với các ngươi. Sinh được tám ngày, mọi con trai của các người sẽ phải chịu cắt bì, từ thế hệ này tới thế hệ khác, kể cả nô lệ sinh trong nhà… người đàn ông con trai không được cắt bì nơi bao qui đầu, sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ: nó đã phá vỡ giao ước của Ta” (St 17,9-14). Luật pháp ấy đã được duy trì và thực thi suốt chiều dài lịch sử của dân Israel. Mà Đức Giêsu là người Do Thái, nên Ngài cũng đã chu toàn theo đúng mọi luật lệ Do Thái, tức là Ngài đã được làm lễ cắt bì khi đủ tám ngày (Lc 2,21).
b/. Luật dâng con đầu lòng
Sau khi dân Israel được Đức Chúa cứu thoát khỏi Ai cập, thì Ngài đã phán với ông Môsê: “Hãy thánh hiến cho ta mọi con so, mọi con đầu lòng, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay là thú vật, nó thuộc về Ta. Ngươi phải nhượng lại cho Đức Chúa mọi con đầu lòng của loài người và mọi con đầu lòng của loài vật trong đàn vật của ngươi… vì thế mà cha dâng cho Đức Chúa mọi con so giống đực” (Xh 13,1-2.12-15). Kế đến luật Môsê còn qui định việc thanh tẩy người đàn bà sau khi sinh con trai được tám ngày cùng với các lễ vật là cặp chim gáy hay hai bồ câu tơ (Lv 12,2-4; Ds 6,9-10). Thánh Luca cho chúng ta thấy việc thực thi luật ấy đã được chu toàn, tức là Đức Giêsu – con trai đầu lòng – đã được đem lên Giêrusalem để tiến dâng cho Đức Chúa theo đúng như luập pháp Do Thái (Lc 2,22-24).
c/. Đời sống cầu nguyện
Trong đời sống hằng ngày của Đức Giêsu tại Nazareth, Ngài đã sống đúng như một người Do Thái thực thụ. Ngài đã thuộc rất nhiều về Cựu ước nên trong khi rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa, Ngài đã thường trích dẫn về Cựu ước (Mt 5,21.27.31.38.43; 13,14-15). Ngài đã thường lui tới các hội đường để cầu nguyện. Cầu nguyện là một đặc nét chính yếu của người Do Thái.
Phúc Âm cho thấy rõ điều Ngài hằng làm trong suốt cuộc sống trần thế của mình. Ngài cầu nguyện trong hoang địa, và cầu nguyện dài ngày (Mc 1:35; Lc 5:16). Trong thời gian giảng dạy, Ngài thường đi riêng ra nơi thanh vắng mà cầu nguyện (Mt 14:23); có khi Ngài thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa (Lc 6:12). Ngài tham dự các nghi thức phụng vụ nơi hội đường; nhưng cũng khuyên vào phòng riêng, đóng cửa lại mà cầu nguyện với Cha trên trời (Mt 6:5-7); hẳn đó là thói quen của Ngài. Đức Giêsu cầu nguyện trước bữa ăn hoặc trước khi làm phép lạ, và những lúc thấy lòng hân hoan vì ân huệ lạ lùng Chúa Cha ban xuống (Lc 10:21). Cầu nguyện là phương cách chống lại cơn cám dỗ (Lc 22:40.46); vì bị cám dỗ, nên Ngài cũng phải cầu nguyện, như thư Do Thái ngầm chỉ (Dt 5:7). Trong vườn Cây dầu và trên thập giá là những lúc Ngài cầu nguyện mà lòng đầy sầu muộn thiêng liêng. Hơn nữa, trong cầu nguyện, Đức Giêsu đã sâu xa cảm nghiệm được Thiên Chúa là Cha mình: Abba! Hẳn là kinh nghiệm này khác với cảm nghiệm của người thường, và đôi khi, qua đó, Ngài đã có thể hưởng được ánh vinh phúc (như lúc biến hình trên núi); nhưng, thường thì Ngài gặp gỡ với Cha qua bức màn của đức tin. Đức Giêsu không những siêng năng cầu nguyện mà Ngài còn dạy các môn đồ phải cầu nguyện không ngừng (Lc 18:1; 21:36). Vì thấy Ngài cầu nguyện với một thái độ và cung cách đặc thù, các môn đồ đã xin Ngài dạy cho biết cầu nguyện (Lc 11:1). Cầu nguyện biểu hiện lòng tin chân thành; nên Đức Giêsu bảo: khi cầu nguyện “anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11:24). Hẳn là Ngài đã cầu cho nhân loại nói chung, cho các môn đệ nói riêng (Ga 17), và cho cả những kẻ giết mình (Lc 23:34).[9]
4. Đức Giêsu với tình hình chính trị của đất nước Do Thái[10]
Vấn đề chính trị thời Đức Giêsu và sự căng thẳng kéo theo giữa chính trị và tôn giáo không thể hoàn toàn tách rời nhau. Không một Giáo hội nào có thể hoàn toàn thoát khỏi khuynh hướng chính trị về các hoạt động và sự ảnh hưởng của nó mặc dù một vài Giáo hội trong lịch sử đã làm cho chính trị thành một mối quan tâm thiết yếu. Chẳng hạn, Even Dietrich Bonhoeffer, người được nhiều người xem như là một trong những vị thánh của thế kỷ XX, đã dính líu đến vụ âm mưu lật đổ Hitler bằng bạo lực.
Tình hình chính trị của đất nước Do Thái thời Đức Giêsu thật là lộn xộn, và bát nháo. Lúc ấy, dân tộc Do Thái chịu sự cai trị của đế quốc Rôma. Nhưng tình hình trong nước không được yên ổn, luôn xảy ra những cuộc nổi dậy. Theo Thánh Luca, Đức Giêsu sinh ra nhằm vào lúc tiến hành một cuộc kiểm tra dân số. Hồi năm 6 trước công nguyên, một cuộc kiểm tra như vậy đã làm dấy lên một vụ nổi dậy; quân Rôma đè bẹp cuộc nổi dậy, và 2000 người Do Thái bị đóng đinh vào thập tự. Hồi Đức Giêsu ở tuổi thanh niên, ông Giuđa xứ Galilê củng đã nổi loạn: ông bị bắt và bị xử tử trên thập giá. Quân du kích vẫn tiếp tục hoạt động lẻ tẻ, và trong các năm 46-48, hai anh em của Giuđa là Giacôbê và Simon, cũng bị xử hình thập giá dưới quyền tổng trấn Tiberio Alexandre, cháu của triết gia Pilo Alexandria. Các nhóm nổi dậy này được gọi là “Sicarii”, có nghĩa là thích khách, quân giết người hay ám sát; chắc hẳn Đức Giêsu đã biết đến những cuộc khủng bố của các nhóm này (x. Lc 13,1). Trong cuộc nổi dậy cuốn cùng (năm 63-64), quân Rôma đã đến đánh dẹp và chiếm Giêrusalem, phá hủy Đền thờ và phân tán dân Do Thái ra những vùng nước ngoài.
Bên cạnh đó, đất nước Do Thái có 5 đảng phái chính trị chính hoạt động đan xen nhau. Đó là Herod, Zealot, Pharisieu, Sadoc và Essene[11]. Vấn đề đặt ra là Đức Giêsu thuộc đảng phái chính trị nào?. Theo Tin Mừng Luca, người ta đã tố cao Đức Giêsu rằng: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Caesar, lại còn xưng mình là Mesia, là vua nữa” (Lc 23,2). Ở một chỗ khác, Đức Giêsu đã khẳng định với tổng trấn Philato rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra, Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18,36). Nhưng có một sự kiện chắc chắn và được chứng thực rõ ràng nhất về Đức Giêsu Nazareth, là việc Ngài đã bị quan tổng trấn người Rôma là Pontio Philato xét xử và kết án và hành hình vì tội mưu phản (Lc 23,2-25). Có người cho Đức Giêsu thuộc đảng phái Zealot hoặc là Ngài phát động một phong trào nào đó giống với phong trào của phái này. Khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem, người ta cứ nghĩ rằng, đã đến thời Ngài đánh đuổi đế quốc Rôma và khôi phục lại vương quốc Israel nên Ngài được dân chúng chào đón như một vị vua (Mt 21,1-9).
Ở một cực khác, chúng ta lại thấy có những người cho rằng, Đức Giêsu hoàn toàn vô tội đối với những tội trạng chính trị. Ngài không hề muốn xúi dục dân chúng nổi loạn, Ngài bảo họ nộp thuế, Ngài là một người theo chủ nghĩa hoà bình và Ngài tự xưng mình là Đức Mesia “tinh thần” hay là vua “tinh thần” của dân Do Thái. Ngài rao giảng một thông điệp thuần túy tinh thần và tôn giáo. Các nhà lãnh đạo Do Thái vì muốn giết Ngài đã bịa đặt những tội trạng chính trị gán cho Ngài, chứ Ngài hoàn toàn liên hệ gì đến chính trị.
Người Do Thái không hề phân biệt giữa chính trị và tôn giáo. Những vấn đề ngày nay chúng ta phân thành chính trị, xã hội, kinh tế hay tôn giáo thì người Do Thái đều quy về Thiên Chúa và luật pháp của Ngài. Không thể quan niệm được là có một vấn đề thuần túy thế tục. Chỉ đọc thoáng qua riêng Cựu ước thôi, chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Bối cảnh ấy cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu cũng mong muốn Israel được giải phóng khỏi ách thống trị của Rôma, và nhất là của tội lỗi. Đây là một cách thức thực hiện hoàn toàn mới mẻ khác hẳn với những gì phái Zealot, phái Pharisieu, phái Sadoc hoặc bất kỳ ai mong muốn. Ngài bắt tay vào việc giải phóng Israel khỏi ách thống trị bằng cách thuyết phục Israel hoán cải. Nếu chính Israel không có sự hoán cải trong thâm tâm, thì không thể giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc dưới bất cứ hình thức nào. Đó từng là thông điệp của tất cả các ngôn sứ, kể cả Gioan Tẩy Giả. Nếu các ngươi không hoán cải, tất cả các ngươi sẽ bị tiêu diệt (Lc 13,3-5). Đức Giêsu muốn một sự thay đổi ảnh hường đến mọi ngóc ngách của cuộc sống và đạt tới những điều tự phụ căn bản nhất của người Do Thái và người Rôma. Ngài mong muốn một thế giới khác hẳn về vật chất, đó là vương quốc của Thiên Chúa. Một phương cách không những giải phóng Israel khỏi ách thống trị mà còn giải hòa với người Rôma là yêu thương kẻ thù của mình, “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả má bên này, thì hãy giơ cả má kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh em thì đừng đòi lại (Lc 6,27-30). Một cách triệt để hơn, cách thức Đức Giêsu thực hiện phải làm cho người ta sửng sốt thốt lên: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60), đó là Đức Giêsu đã tự hiến chính mạng sống mình để cứu độ mọi người. “Thật tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống… Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,53-58).
Kết luận
Được sinh bởi Đức Maria, Đức Giêsu quả thực là một người đồng phận với chúng ta, không những bởi vì Ngài có một thân xác và một linh hồn như chúng ta, nhưng còn bởi vì Ngài thuộc về một đại gia đình nhân loại, thuộc dòng dõi Adam, rồi đến Abraham, Isaac, Giacob và trải qua các thế hệ nối tiếp nhau, Ngài cũng xuất thân từ dòng dõi vua Đavid xét theo huyết nhục (Rm 1,3; Lc 1,27).[12] Đức Giêsu được lớn lên trong bối cảnh tôn giáo Do Thái, nên thừa hưởng một nền tôn giáo đích thực. Ngài tham dự các buổi cầu nguyện trong hội đường, lên Giêrusalem vào các ngày lễ Vượt Qua, Ngài cũng mang tính bài ngoại. Ngài còn chu toàn mọi bổn phận theo như luật pháp Do Thái như chịu phép cắt bì, được dâng lên cho Thiên Chúa cùng với các lễ vật qui định, Ngài thực hành các việc ăn chay và cầu nguyện một cách nghiêm túc. Dù sống trong một xã hội bị đô hộ, nhưng cách hành sử của Ngài không giống như các đảng phái Herod, Sadoc, Zealot,… Ngài thực hiện một cách khác, cách ấy thiên về “một nước không thuộc thế gian này”. Ai muốn đạt được nước ấy phải hoán cải tâm hồn, yêu thương kẻ thù, và cầu nguyện cho những người bắt bớ anh em. Ngài không những dạy ta làm điều ấy, mà Ngài đã thi hành trước để là mẫu gương cho chúng ta noi theo bằng cách hy sinh chính mạng sống mình.
[1]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số22.
[2]FELIP GOMEZ, S.J, Kitô Học, vol 1, East Asian Pastoral Institute, Manila, 2002. tr. 151
[3]PHAN TẤN THÀNH, Về Nguồn, tập 2, chân lý 1998, tr. 22-27; FELIP GOMEZ, S.J, Kitô Học, vol 1, tr. 174-181.
[4] Ibid., tr. 174.
[5]CHARLESWORTH, J.H., Jesus within Judaism, Garden City 1988; VERMES, G., The Religion of Jesus the Jew, London: SCM 1993
[6]FELIP GOMEZ, S.J, Kitô Học, vol 1, tr. 203.
[7]Ibid., tr. 181-182
[8]Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, I&II, Phân khoa Thần học Giáo Hoàng Học viện Piô X, Đà lạt.
[9]FELIP GOMEZ, S.J, Ibid., tr. 177.
[10]ALBERT NOLAN, Đức Giêsu Trước Khi Có Kitô Giáo, Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, 1998, tr. 185-202; PHAN TẤN THÀNH, Về Nguồn, tập 2, chân lý 1998, tr. 25-27; FELIP GOMEZ, S.J, Ibid., tr. 182-186; SEÁN P. KEALY, C.S.SP., Jesus and Politics, The Liturgical Press, Collegeville, Minnesota.
[11]Phái Herod là phái nịnh thần phò tá nhà vua Herod, nhất là dưới triều Antipa. Họ là những người ích kỷ cầu vinh bị dân chúng oán ghét. Số đảng viên ít ỏi và không có ảnh hưởng là bao.
Phái Zealot do ông Juđa người xứ Gaunalitidê lập ra và năm 6 hoạc 7 sau công nguyên, là một phái chính trị nhằm khôi phục nền tự chủ. Phái này có những hành động chính trị như: làm cách mạng sát hại những người thờ ơ phản động; không chịu nộp thuế cho La mã; cố tình bài ngoại, nên ông và nhiều người đã bị tử hình; và cuộc khởi loạn năm 66 đã đem nước Do thái đến kiếp diệt vong năm 70.
Đảng Pharisieu có lẽ được thành lập từ thời Lưu đày. Nhiều người cho rằng lưu đày là hình phạt của Chúa vì dân đã quên Chúa. Do đó, họ biết giác ngộ và quyết tâm ăn ở trung thành với Chúa. Lúc đầu, họ sống đạo đức lẻ tẻ tách biệt, vì thế họ có tên là Pharisieu hay Biệt phái. Về sau, vì đế quốc Syria độc ác nên họ quay sang làm chính tri với mục đích bài ngoại và giúp nhà Macabe khôi phục lại độc lập. Khi Herod lên nắm chính quyền, họ không ủng hộ nhà vua nên bỏ chính trị trở về tôn giáo cũ. Họ quý trọng Thánh Kinh và Truyền Thống và đôi khi quý trọng Truyền Thống hơn cả Thánh Kinh. Dựa vào tục lệ, họ bắt người ta giữ nhiều điều rất tỉ mỉ, nhất là những điều phải giữ trong ngày hữu lễ.
Đảng Sadoc đốc bắt nguồn bởi tiếng Sadoc, tên của một thầy thượng tế từ đời các vua. Các người trong đảng hầu hết là những người tuyền chọn ở hàng tư tế thượng cấp. Họ lập thành đảng vào thời Ba tư. Đến thời La mã đô hộ, đảng này có thế lực rất mạnh về chính trị và tôn giáo. Đảng này khác với đảng Pharisieu vì họ khinh thị truyền thống, không tin Chúa quan phòng, không tin hồn bất tử, không tin người chế sống lại. Do đó họ dựa trên luật Levi để chất vấn Chúa (Mc 12,18-27). nhóm này chỉ nhận Ngũ kinh của ông Mose.
Đảng Essene: từ Essene có nghĩa là nhiệm nhặt, tinh khiết, thinh lặng. Không ai biết rõ đảng phái này thành lập từ khi nào và ở đâu. Tuy nhiên sau ki đào được tu viện Qumran gần Biển Chết, người ta thấy rằng đảng phái này gồm một số đông người tụ họp với nhau để sống nhiệm nhặt, ít nhất từ thế kỷ II TCN. Người ta cho rằng thánh Gioan Tẩy Giả thuộc đảng này. Nhóm này nhận Ngũ Kinh ông Mose và theo thuyết triết lý Pythagore, chủ trương linh hồn tiền hữu và luân hồi. Họ không tin xác loàn người sống lại. Trong hành vi, họ còn giữ những cổ truyền nhiệm nhặt hơn người Pharisieu, nhất là trong việc tắm gội.
[12]Mầu Nhiệm Đức Kitô, phần I, Lm. Lâm Văn Sĩ dịch, TTHVĐM 2006, tr. 48.