DOSTOYEVSKY VÀ VẤN NẠN VỀ THIÊN CHÚA

0
2425

Tôma Nguyễn Quốc Minh Tuấn, O.P.

Trích từ Thời sự Thần học số 78 (tháng 11/2017), trang 125-151

——————-

DẪN NHẬP

I – GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT TÁC GIẢ VÀ CÁC TÁC PHẨM CHÍNH

1/ Thân thế. 2/ Sự nghiệp. 3/ Tóm tắt các tác phẩm chính

II – DOSTOYEVSKY VÀ VẤN NẠN VỀ THIÊN CHÚA

1/ Sự đau khổ của con người. 2/ Gương mù của các Kitô hữu

III – KẾT LUẬN

———————-

DẪN NHẬP

Khi nhắc đến Fyodor Dostoyevsky,[1] chúng ta đang nhắc đến một nhà tư tưởng lớn của nước Nga ở thế kỷ 19, trong một xã hội đang rối ren và âm ỉ nhiều căng thẳng lúc bấy giờ. [2] Dostoyevsky là một triết gia thực thụ trong giới nhà văn nhưng vẫn giữ được khả năng tạo nên sự hồi hộp, bí ẩn của một nhà báo trinh thám thực thụ, tính hài hước trào phúng của một nghệ sĩ kịch nói xã hội và cả sự điên cuồng của kẻ vô thần ngang ngược chống đối Thiên Chúa. Nói về Dostoyevsky, Albert Einstein đã khẳng định : “Dostoyevsky đã giúp tôi suy tư nhiều hơn những nhà tư tưởng khác.”[3]  Nicholas Berdyaev, một giáo sư triết học của đại học Moscow, thì chứng nhận : khi trở về với niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Dostoyevsky là người đã khơi động và nâng dậy tâm hồn ông nhiều hơn bất kỳ tác giả hay triết gia nào.[4]  Nhiều người đã khẳng định rằng, cả hai tiểu thuyết, Anh Em Nhà KaramazovTội Ác và Trừng Phạt, đều là những tác phẩm vĩ đại từ trước đến giờ. Nhiều nhà tư tưởng Kitô giáo còn tuyên bố Dostoyevsky là thầy của họ, vì nhờ ông mà họ có được thêm nhiều chất liệu để suy tư cũng như mang lại cho họ nhiều giá trị quý giá trong sư nghiệp nghiên cứu những vấn đề liên quan đến Thiên Chúa và nhân loại

Một câu hỏi đặt ra ở đây là: Dostoyevsky thực sự có đức tin hay không? Có nhiều quan điểm trái chiều trả lời cho câu hỏi này. Nhiều người vẫn cho rằng Dostoyevsky không thực sự có đức tin bởi những tranh luận triết lý bài xích những điểm giáo lý trọng yếu của Thiên Chúa giáo chẳng hạn: sự hiện hữu của Thiên Chúa, tính bất diệt của linh hồn, Kitô học, Giáo Hội học, v.v… Thế nhưng, hẳn ai cũng phải công nhận điều này là, khi sáng tạo nên các nhân vật, tác giả không nhất thiết có cùng quan điểm hay tư tưởng giống nhân vật đó. Thật vậy, để có thể nắm được mục đích thực sự của Dostoyevsky, thiết nghĩ cần phải nhìn tổng thể một tác phẩm cũng như tổng thể các tác phẩm của ông. Như những gì được trình bày sau đây, có thể thấy được lịch sử cuộc đời ông, bao gồm những cuộc gặp gỡ, những biến cố, con người và cả những cảm nghiệm tâm linh, tất cả đi vào trong các tác phẩm một cách rõ ràng, làm lộ ra hành trình đức tin của một Kitô hữu đích thực, đó là con đường gập ghềnh, nhiều chông gai sỏi đá, nhưng cũng đầy hoa tin yêu; lắm lúc tối đen nhưng cũng rực lên một niềm hy vọng tươi sáng.

Và như vậy, Dostoyevsky là một người có đức tin.[5] Bài viết này là một nỗ lực để chứng minh điều đó qua việc xem xét cách thức mà Dostoyevsky dùng để giải quyết các vấn nạn về Thiên Chúa. Và còn một mục đích khác sâu hơn đó là đem lại một cái nhìn rõ ràng hơn về nước Nga, một đất nước Chính Thống Giáo, một xã hội ngập tràn tư tưởng về Thiên Chúa, chứ không phải vô thần như suy nghĩ thường tình (có lẽ do bị ảnh hưởng bởi giai đoạn lịch sử Liên Xô – Liên bang Xô-viết – của 100 năm về trước chăng?)

Để thuận tiện cho việc theo dõi, người viết sử dụng các bản dịch hiện có tại Việt Nam. Tuy một số tác phẩm đã được hiệu đính lại từ các bản dịch trước năm 75 dựa trên bản gốc tiếng Nga, thế nhưng vẫn có nhiều lỗi dịch thuật do hiểu không đúng về cơ cấu tổ chức cũng như một vài điểm thần học của Thiên Chúa giáo. Ở những điểm này, người viết xin mạn phép sửa lại để những ai có dịp đọc bài viết này có thể hiểu đúng, cũng như đọc thấy “quen mắt,” nghe “quen tai,” đồng thời sử dụng tên của các nhân vật theo các bản văn bằng tiếng Anh.

II – GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT ĐẠI VĂN HÀO FYODOR DOSTOYEVSKY

1. Thân thế

Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky (1821-1881) là đại văn hào nổi tiếng người Nga của thế kỷ 19. Ông sinh ngày 11 tháng 11 (lịch cũ[6] : 30 tháng 10) và mất ngày 9 tháng 2 (lịch cũ : 28 tháng 1) tại Moskva. Sinh trưởng trong một gia đình có 7 anh em, Dostoyevsky là con trai thứ hai. Cha của ông là Mikhail Andreyevich Dostoyevsky, một bác sĩ quân y sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm giáo sĩ thuộc Chính Thống giáo, và mẹ là Maria Nechayeva, con của một thương gia, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm nghề thương buôn. Cả hai ông bà đều thuộc về một gia đình quý tộc đa sắc tộc và tôn giáo, bao gồm Chính thống, Công giáo Latinh và Công giáo Đông phương.[7]

Với xuất thân như vậy, Dostoyevsky được thừa hưởng một gia sản đức tin sâu sắc và một nền giáo dục thắm đượm tinh thần tôn giáo. Ông được sinh ra và lớn lên trong lòng Giáo Hội Chính Thống Nga. Ông nội của Dostoyevsky là một vị Đại tư tế, chú là tư tế trong làng, và 3 người cô đều kết hôn với các tư tế. Chính bố của Dostoyevsky cũng có một khoảng thời gian gia nhập Chủng viện nhưng cuối cùng đã dừng lại, thoát ly gia đình và trở thành một bác sĩ quân y.[8] Dostoyevsky đã ghi nhận điều này : “Tôi xuất thân từ một gia đình có lòng đạo đức và sùng đạo… Trong gia đình tôi, ai cũng biết đến Tin Mừng khi còn nằm trong nôi.”[9] Quyển sách vỡ lòng đầu tiên thời thơ ấu của ông là 104 câu chuyện Kinh Thánh trích từ các sách Cựu ước và Tân ước, trong đó truyện ông Gióp là câu truyện gây ấn tượng nhiều nhất đối với Dostoyevsky. Ngoài ra mỗi tuần, ông còn được thụ huấn các bài học Kinh Thánh từ một vị Phó tế đến dạy tại nhà.[10] Và một món đồ chiến lược mà ông vẫn giữ bên mình cho đến khi qua đời, đó là bản sao chép các sách Tin Mừng mà ông nhận được từ tay 3 người phụ nữ trên đường đến nhà tù Siberia. Một trong ba người phụ nữ đó là Natalya Fonvizina. Bà là một người tri thức, thuộc gần như toàn bộ Thánh Kinh, đã từng đọc qua nhiều tác phẩm của các Giáo phụ Chính Thống cũng như các tác giả thuộc Công giáo và Tin Lành.[11]

2. Sự nghiệp[12]

Dostoyevsky khởi đầu sự nghiệp khi còn khá trẻ, 24 tuổi, tuy nhiên xét ra như thế vẫn còn khá “trễ” vì ông bị tốn khá nhiều thời gian để theo học ngành Kỹ thuật quân sự ở Saint Petersburg theo lệnh của người bố dẫu đó không phù hợp với thiên hướng của ông chút nào. Dostoyevsky chuyển sang làm văn học sau khi thôi làm kỹ sư và khởi đầu bằng việc dịch thuật các tác phẩm tiếng Pháp sang tiếng Nga. Năm 1845, chính xác là vào khoảng cuối năm 1844, ông chính thức từ giã nghề dịch và bước vào lĩnh vực văn học với tác phẩm đầu tiên mang tên Những kẻ bần hàn, được xem là quyển tiểu thuyết xã hội đầu tiên ở Nga. Tác phẩm này được đăng thành từng phần trên tập san Sovremennik và Dostoyevsky ngay lập tức trở nên nổi tiếng. Chính Vissarion Belinsky, nhà phê bình văn học nổi tiếng thời bấy giờ, đã tiên báo Dostoyevsky sẽ là một đại văn hào vĩ đại. Tuy nhiên, những tác phẩm tiếp theo, bao gồm tiểu thuyết và truyện ngắn, lại không được như vậy và người ta bắt đầu nghi ngờ lời tiên báo của Belinsky.

Tháng 12 năm 1860, sau 5 năm đi tù, 5 năm làm binh nhì, và 3 năm kết hôn, Fyodor Dostoyevsky trở về kinh đô Saint Petersburg, bắt tay vào xuất bản một loạt các tạp chí văn học như Thời Đại và Kỷ Nguyên với người anh trai Mikhail nhưng không thành công. Quá chán nản, Dostoyevsky chìm sâu vào trầm uất và bài bạc. Ông thua rất nhiều, người ta kể rằng ông đã hoàn tất tác phẩm Tội Ác và Trừng Phạt với một sự gấp gáp điên cuồng vì mong mỏi khoản tiền trả trước của nhà xuất bản. Cuối cùng, ông thật sự rỗng túi. Trong tuyệt vọng, ông đã viết Con Bạc để đáp ứng mong muốn của nhà xuất bản Stellovsky, khi họ tuyên bố sẽ tranh chấp quyền tác giả tất cả các sáng tác của Dostoyevsky nếu ông không viết tiếp cho họ.

Từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1863, Dostoyevsky làm một chuyến hành trình khác đến Tây Âu. Ông gặp được mối tình thứ hai là bà Polina Suslova ở Paris, và gần như mất hết tiền của vào trò cờ bạc ở Đức (Wiesbaden và Baden-Baden). Dostoyevsky trở về nước Nga sau cái chết của người vợ đầu (1864) và anh trai Mikhail (1865). Thời gian này, vì tiếp tục vướng vào cờ bạc, ông mắc nợ rất nhiều và phải sáng tác để trả nợ, nhưng không vì thế mà ông dễ dãi với những sáng tác của mình.

Năm 1864 xuất hiện cuốn Bút Ký Dưới Hầm. Năm 1865, Dostoyevsky bắt đầu viết Tội Ác và Trừng Phạt, một trong những tác phẩm quan trọng nhất của ông. Tội Ác và Trừng Phạt được đăng từng kỳ trên tờ báo Người Đưa Tin Nga.

Vì nhu cầu viết nhanh hơn, theo lời khuyên của một người bạn, ông quyết định tuyển một thư ký. Đó là Anna Grigorievna Snitkina, một cô gái rất trẻ, mới 20 tuổi. Năm 1867, Dostoevsky kết hôn với Anna và cùng nhau đi du lịch châu Âu. Thời gian này ông sáng tác cuốn Thằng Ngốc.

Dostoyevsky trở lại Saint Petersburg vào năm 1871 và liên lạc với các nhóm bảo thủ. Trong hai năm 1871 và 1872, ông viết tác phẩm Lũ Người Quỷ Ám. Sức khỏe của ông luôn yếu kém sau những năm lao tù tại miền Siberia, chứng bệnh động kinh thêm nặng và thời gian này ông còn mắc bệnh lao phổi, rồi căn bệnh trở thành ung thư phổi.

Năm 1880, ông xuất bản cuốn Anh Em Nhà Karamazov. Đó là cuốn tiểu thuyết cuối cùng và được xem là lớn của ông. Với tác phẩm này, Dostoevsky được toàn thế giới công nhận là một trong những đại văn hào nước Nga.

3. Tóm tắt các tác phẩm chính

Dostoyevsky cống hiến cho nền văn học Nga rất nhiều tác phẩm hay và đặc biệt trong đó có bốn kiệt tác đó là: Tội Ác và Trừng Phạt, Thằng Ngốc, Lũ Người Quỷ Ám, và Anh Em Nhà Karamazov. “Tội Ác và Trừng Phạt” và “Anh Em Nhà Karamazov” thuộc vào số mười tác phẩm bất hủ của thế giới.

1- Tội Ác và Trừng Phạt[13]

Tội Ác và Trừng Phạt xoay quanh lệnh truyền: “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13 ; Đnl 5,17) và chú giải cho quan niệm Tân Ước về sự vận hành của lương tâm. Nó cho thấy một người bị tra tấn về tinh thần, bị dày vò triền miên vì tội ác đã phạm cho tới khi ra đầu thú. Tác phẩm tập trung vào nhân vật Raskolnikov, một sinh viên nghèo vì không có tiền ăn học nên phải nghỉ ngang. Do đời sống thiếu thốn, hàng ngày chứng kiến nơi cái xóm trọ toàn dân nghèo với bao cảnh đời lầm than, cùng quẫn, lại bị tiêm nhiễm bởi triết lý người hùng khi mơ tưởng một ngày sẽ được như Napoléon Bonaparte, Raskolnikov tự coi mình là phi thường, thường xuyên khép kín lòng mình, bơi mải miết trong những suy tư đơn độc, nung nấu những căm uất về tình trạng bất công, phi nghĩa của xã hội và tìm kiếm lối thoát bằng sức lực của cá nhân mình. Những lý do đó đã khiến chàng, trong một lần nọ, đã quyết định đến nhà mụ cầm đồ Alyona Ivanovna giàu nứt khố đổ vách, lạnh lùng lấy búa bổ vỡ đầu mụ và cướp tiền bạc, châu báu. Sau khi mở được két tiền, quay ra chàng gặp ngay em gái mụ cầm đồ, Elizabet. Vì quá hốt hoảng, Raskolnikov vung búa đập chết luôn ả.

Raskolnikov tin rằng đứa em gái đáng thương Dunya và bà mẹ tội nghiệp của mình xứng đáng với số tiền mà anh trộm được hơn là mụ chủ tiệm cầm đồ đáng khinh bỉ kia. Đối với Raskolnikov, thế gian bao gồm hai hạng người: hạng thứ nhất là những kẻ bình thường, và hạng thứ hai là những trang anh hùng hào kiệt (như Napoléon), người vượt lên trên những luật lệ thông thường. Raskolnikov thực hiện hành vi giết người trong tâm thức phân loại nạn nhân như thế, kẻ bị giết thuộc về nhóm người không xứng đáng sống trong xã hội.

Thật kỳ lạ, “vị cứu tinh” của Raskolnikov lại là một thiếu nữ nghèo tên là Sonya, đã bán thân làm gái điếm để nuôi gia đình đang phải sống trong cảnh bần cùng và bệnh tật. Một trong những yếu tố kinh điển của tác phẩm được dựa trên đoạn Tin Mừng kể về việc anh Lazarus hoàn sinh: Raskolnikov, kẻ giết người, được cô gái điếm khiêm nhường Sonya nâng dậy.

Cuối cùng, với sự truy đuổi của thám tử Porphyry và lời thuyết phục nhẹ nhàng của Sonya, Raskolnikov đã ra đầu thú. Đứng trước vành móng ngựa, tòa án cho rằng thần kinh đương sự bị kích động bất ngờ trong chốc lát nên được miễn tội chết mà chỉ bị kết án 8 năm khổ sai, đày biệt xứ ở Siberia. Sonya, người con gái đau khổ với trái tim tràn ngập lòng bác ái của Chúa tự nguyện gắn bó mãi mãi với người yêu nơi cùng trời cuối đất.

2- Gã Khờ[14]

Tác phẩm Gã Khờ bắt đầu với một nhân vật theo kiểu mẫu Đức Kitô, một con người lý tưởng. Tuy nhiên, cũng như Don Quixote, con người liêm chính và chu đáo này (hoàng thân Myshkin) thường bị xem là thằng ngốc. Cách nào đó Myshkin bị lạc lõng trong xã hội, nhưng chàng lại là một người khiêm tốn, chất phác, rất thân thiện và ngây thơ. Myshkin cũng mắc phải căn bệnh động kinh như Dostoyevsky. Tuy nhiên, chàng lịch thiệp, tử tế và hơn thế, chàng có đầy đủ phẩm chất của một hướng đạo sinh.

Myshkin bị thu hút bởi chân dung Nastasya Filippovna, một người phụ nữ xinh đẹp. Khi trở về từ một nhà điều dưỡng ở Thụy Sĩ, chàng tạo lập mối quan hệ với gia đình Epanchin, và cuối cùng một vấn đề nảy sinh là chàng sẽ kết hôn với con gái Aglaya hay không. Tuy nhiên, Myshkin vẫn bị cuốn hút bởi Nastasya đang đau khổ về tinh thần. Tuy nhiên, trong đám cưới của cô với Prince Myshkin, một tên trinh thám giàu có tên là Rogozhin đã mang Nastasya đi. Cuốn sách kết thúc kỳ lạ – với Hoàng tử Myshkin và Rogozhin (kẻ giết cô) ngồi trong cùng một phòng đau buồn bên cạnh thân xác của người phụ nữ. Tuy nhiên, cuối cùng, nhân vật mang kiểu mẫu của Đức Kitô ấy đã sụp đổ và quay trở lại với tình trạng bất xứng trước đây của chàng (cả thể chất và tinh thần).

3- Lũ Người Quỷ Ám[15]

Lũ Người Quỷ Ám là cuốn tiểu thuyết chính trị của Dostoevsky nhằm vào những kẻ cách mạng theo chủ thuyết hư vô. Stepan Verkhovensky là một người tự do quý phái của những năm 1840. Người con bị bỏ rơi của ông, Petr, là một kẻ phiến động theo chủ thuyết hư vô những năm 1860. Petr Verkhovensky ngưỡng mộ một thanh niên tên là Stavrogin, học trò của cha mình. Stavrogin là một nhân vật bí ẩn, điềm tĩnh, lạnh lùng được các nhân vật khác trong tiểu thuyết tập trung vào. Ngoài Petr, Stavrogin còn có ảnh hưởng lên Kirillov (một người trí thức tuyên bố mình là thần và tự tử) và Shatov (người muốn thoát khỏi nhóm các nhà cách mạng và do đó bị ám sát).

Tất cả các nhà cách mạng đều bị bắt vì tội giết Shatov – ngoại trừ chất xúc tác chính là Petr Verkhovensky đã trốn sang Châu Âu. Bị vỡ mộng cách mạng, cha của Petr so sánh tình hình lúc bấy giờ với câu chuyện Tin Mừng được thuật lại trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm kể về việc Đức Giêsu cho phép bầy quỷ nhập vào đàn heo (từ đó trở thành tựa đề của tác phẩm).

Các cuốn sách của Dostoevsky lần đầu tiên được xuất bản, nhưng một phần của tác phẩm không được in. Đây là lời thú nhận của Stavrogin về vụ hiếp dâm một cô gái tuổi vị thành niên khiến cô tự tử, và cuối cùng cũng khiến chính Stavrogin phải tự tử theo. Với nội dung như thế, cho nên phần này đã không được chấp nhận trong thể loại “tiểu thuyết gia đình,” một dạng thức của “tiểu thuyết giáo dục.”

Qua Lũ Người Quỷ Ám, Dostoyevsky tin rằng con người dù sa đọa đến đâu vẫn có thiện căn và cơ may được cứu chuộc. Tác phẩm này mang tính lý giải chứ không lên án. Những kẻ lầm lỗi mà hành động sai quấy rồi cũng có ngày quay trở lại với nhân tính, đó là điều mà tác giả muốn nhắn nhủ. Họ chỉ bị “quỷ ám” hiện thời, chứ không mãi mãi là “ma quỷ.”

4- Anh Em Nhà Karamazov

Anh Em Nhà Karamazov là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Dostoyevsky, một trong những ứng viên hàng đầu cho vị trí danh dự là tác phẩm vĩ đại nhất của thế giới. Qua việc mô tả cuộc đời của 4 anh em nhà Karamazov, tác giả đưa ra các chủ đề thần học và triết học. Hai nhân vật đáng nhớ nhất là Alyosha, đại diện cho lớp người tin vào Đức Kitô, muốn đặt tình yêu Kitô giáo vào thực tiễn; và Ivan, người hung hăng quyết tâm bảo vệ thuyết bất khả tri và chủ nghĩa vô thần.

Mặc dù theo chính tác giả, Alyosha là nhân vật chính không chỉ của tác phẩm Anh Em Nhà Karamazov mà còn của cả ba tác phẩm lớn được liệt kê trên đây, thế nhưng nhân vật này gần như là một sự trình bày tổng hợp toàn bộ các nhân vật chính trong tất cả các tác phẩm tiểu thuyết của ông. Gia đình Karamazov có bốn anh em: Ivan là một trí thức vô thần, Dmitri là một kẻ lăng nhăng cảm tính, Alyosha đáng yêu nhất trong số các anh em và là một đan sĩ khấn tạm, Smerdyakov là đứa con ngoài giá thú bị đối xử như một kẻ tôi tớ trong nhà.

Fyodor Pavlovich Karamazov là một ông bố trụy lạc và vô trách nhiệm. Ông hoàn toàn bỏ lơ những người con và gần như xây dựng một hậu cung cho riêng mình trong nhà. Dmitri giống bố nhất nhưng cũng là người ghét bố nhất vì cả hai bố con cùng đem lòng yêu thương một người phụ nữ là Grushenka. Vì Dmitri đã đe dọa sẽ giết Fyodor và ăn cắp tiền của ông để cho Grushenka, nên anh bị buộc tội giết bố của mình. Tuy nhiên, Smerdyakov, đứa con thứ tư bị coi là người hầu trong nhà, mới là kẻ giết người thực sự.

Trong rất nhiều chương của tác phẩm có một chương trình bày luận chứng thuộc vào hàng những lập luận vĩ đại nhất chống lại Thiên Chúa trong nền văn học do Ivan Karamazov đưa ra. Ngoài việc kể ra các hành vi hung bạo gây ra cho những đứa trẻ vô vọng, tội nghiệp, Ivan còn trình bày một sự kiện kinh điển liên quan đến những cơn cám dỗ của Đức Kitô. Chương đó có tên là “Viên Đại Pháp Quan.” Ngoài ra còn một chương được độc giả hết tình khen ngợi đó là chương “Các chuyên viên y khoa và một quả óc chó.”

Mặc dù về mặt pháp lý, Dmitri không phạm tội giết người, nhưng anh đã bị bồi thẩm đoàn buộc tội. Giống như Raskolnikov và Dostoevsky, Dmitri bị kết án đi tù ở Siberia. Xét ở khía cạnh nào đó, cả bốn anh em đều đồng phạm trong vụ án giết bố này.

III – DOSTOYEVSKY VÀ VẤN ĐỀ VỀ THIÊN CHÚA

Đối với Dostoyevsky, vấn nạn về Thiên Chúa không phải nằm ở chuyện nhìn nhận chân lý về Người, nhưng là giải quyết các nghi vấn có liên quan. Và nguồn mạch đầu tiên của nghi vấn vốn quấy rầy Dostoyevsky đó là trận chiến nhằm hòa giải cuộc xung đột giữa một bên là bằng chứng về sự đau khổ trong thế giới này và bên kia là ý niệm về một Thiên Chúa đầy lòng yêu thương.

1. Sự đau khổ trong thế giới

Dostoyevsky đã thể hiện cuộc xung đột ấy nơi Ivan Karamazov : “Tôi chối bỏ không phải là Chúa Trời, chú [Alyosha] nên hiểu điều đó, mà là thế giới do Chúa Trời tạo ra, tôi không chấp nhận thế giới của Chúa và không thể thuận tình chấp nhận được.”[16] Anh Em Nhà Karamazov, quyển tiểu thuyết mà Dostoyevsky dùng để giải quyết cách rõ ràng và dứt khoát nhất những vấn nạn về Thiên Chúa, đã được xếp đặt để “đức tin đấu lại với chủ nghĩa vô thần.”[17] Đức tin được nhận biết trước tiên hết nhờ vào “tình yêu hành động” mà Alyosha đã thể hiện với các anh em của mình, tuy nhiên về cơ bản Zosima, vị đan sĩ niên trưởng, mới được xem là nguyên mẫu của tình yêu ấy mà qua đó Dostoyevsky “bắt buộc người ta phải thừa nhận rằng, Kitô giáo thuần túy lý tưởng không phải là một điều gì đó trừu tượng, nhưng khả thể ngay trong tầm tay, và còn điều nữa là, Kitô giáo chính là lũy sắt thành đồng để Nga quốc chống lại mọi xấu xa và sự dữ tồn tại trên miền đất này.”[18] Cả Alyosha và Zosima đều là những hình mẫu về lòng tốt và thiện tính lý tưởng được tìm thấy nơi các tu sĩ, và tuyến nhân vật này đã mang lại nhiều thành công hơn cho Dostoyevsky so với các tuyến nhân vật khác trong các tác phẩm trước đó. Chẳng hạn hoàng thân Myshkin trong Gã Khờ, cuối cùng vẫn là một gã khờ được khắc họa thêm bằng tính đơn sơ ngu ngốc hơn là một lòng tốt và thiện tính nền tảng được tìm thấy nơi một người tín hữu có đức tin mạnh mẽ.

Đức tin, vốn được diễn tả chủ yếu nơi Alyosha, đã bị chống đối bởi lời tố cáo đầy tính triết lý mà người anh Ivan dành cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, như Mochulsky giải thích, cách tiếp cận và sự phòng thủ của chủ nghĩa vô thần nơi Ivan “hệ tại việc anh ta nhân danh tình yêu nhân loại mà chối bỏ Thiên Chúa, để rồi từ đó trở thành một luật sư biện hộ chống lại Đấng Tạo Hóa vì đã tạo ra tất cả những đau khổ trong thế giới này.”[19] Cuộc chiến tư tưởng giữa hai anh em nhà Karamazov thể hiện cho cuộc xung đột bên trong nội tâm con người : “Điều khủng khiếp là cái đẹp không chỉ đáng sợ, mà còn bí ẩn nữa. Ở đây ma quỷ và Thiên Chúa giao tranh với nhau, mà chiến trường là trái tim con người.”[20] Ivan cố gắng đánh bẫy Alyosha bằng hai luận điểm : thứ nhất là sự đau khổ của những kẻ ngây thơ, vô tội; và thứ hai là quan niệm về tự do, mà cơ bản là tự do ý chí.

Sự đau khổ của trẻ em là điều phi lý và bất công nhất đối với Ivan, cũng như với tâm trí của Alyosha. Ivan đã có màn độc thoại trong đó anh kể ra những ví dụ ghê sợ về việc tra tấn trẻ em để thử thách Alyosha xem cậu có thể hòa giải được giữa một bên là những lạm dụng như thế và một bên là Thiên Chúa giàu lòng yêu thương không. Ivan tập trung trở lại vào dẫn chứng này với hy vọng lôi cuốn lòng nhân từ của Alyosha :

“Chú [Alyosha] hãy tưởng tượng là chính chú sẽ dựng nên tòa nhà vận mệnh của nhân loại nhằm mục đích cuối cùng là đem lại hạnh phúc cho con người, rút cuộc sẽ đem lại sự bình yên cho họ, nhưng muốn vậy điều cần thiết không sao tránh khỏi là phải hành hạ chỉ một sinh vật nhỏ xíu thôi, chính đứa bé đã tự đấm ngực ấy, và lấy những giọt nước mắt không được đền bù của nó làm nền móng để dựng nên tòa nhà ấy thì chú có bằng lòng làm kiến trúc sư với điều kiện đó không, nói đi và chớ nói dối !”[21]

Alyosha phản biện và bảo vệ niềm tin của mình bằng cách nói về Đức Kitô, Đấng đã chịu khổ hình thập giá vì con người. Suy luận từ ý tưởng này, Alyosha giải thích rằng ‘mỗi người đều liên đới trách nhiệm với nhau.’ Đã là tín hữu thì đều chung chịu những hành vi tội ác và kéo theo đó là những đau khổ đi kèm, hệt như tất cả chúng ta đều phải chịu tội nguyên tổ của Ađam và Eva thuở xa xưa. Gibson mở rộng những nhận xét của Alyosha bằng lời giải thích sâu xa hơn : “Nếu chúng ta cảm nhận đủ tâm và đủ tầm về tình liên đới trách nhiệm ấy, chúng ta sẽ có thể hủy diệt đi mọi đau khổ cho thế hệ tương lai.”[22]

Đáp lại lời biện hộ của Alyosha, Dostoyevsky đã viết ra một chương được đánh giá là phân đoạn sâu sắc nhất trong tác phẩm, thâu tóm một tư tưởng có thể coi là sắc sảo nhất chưa từng có của những người theo chủ nghĩa vô thần, đó là “bài thơ” của Ivan nói về Viên Đại Pháp Quan. Khi quan sát cuộc tranh luận về sự tự do của ý chí này, độc giả sẽ vấp phải một vấn nạn khác về Thiên Chúa, cũng là một trong những nguyên lý chính yếu của chủ nghĩa vô thần kinh viện. Ivan lên án Đức Kitô vì đã làm cho con người sa ngã, hoài nghi và rốt cuộc đánh mất niềm tin bằng một lối tư duy đáng kinh ngạc :

“Bởi vì bí nhiệm của sự hiện hữu con người không phải chỉ là sống, mà là sống để làm gì […] Đáng lẽ chiếm lấy tự do của con người, Chúa lại cứ tăng thêm mãi ! Hay Chúa quên rằng con người quý trọng sự yên ổn và thậm chí cả cái chết hơn là tự do lựa chọn trong sự nhận thức thiện ác ? […] Như vậy, chính bản thân Chúa đã sắp đặt cho nước Chúa sụp đổ và đừng đổ lỗi cho ai nữa.”[23]

Khi giải thích nguyên nhân vì sao Dostoyevsky lại tập trung cao độ vào vấn đề tự do, Berdyaev chỉ ra rằng:“Đối với Dostoyevsky, đức công chính của Thiên Chúa và sự công chính của con người phải được nhìn dưới chiều kích tự do…”[24] Tự do này được định nghĩa sâu xa hơn :

“Tự do chọn lựa điều thiện là điểm khởi đầu, một tự do ít ỏi vốn thúc đẩy khả năng phạm tội ; tự do trong Thiên Chúa là cùng đích, một tự do lớn lao trong sự bao bọc của Thiên Chúa […] Phẩm giá của con người và phẩm giá của đức tin đòi buộc phải nhìn nhận hai sự tự do này, tự do lựa chọn chân lý và tự do trong chân lý […] Thế nhưng tự do chọn điều thiện, mà chỉ mình nó là đúng, lại đưa đến hậu quả là giải phóng sự dữ. Đó là bi kịch mà Dostoyevsky đã nhìn thấy và nghiên cứu, đồng thời cũng hàm chứa mầu nhiệm của Kitô giáo”[25]

Và kết quả là lý lẽ đó đã bác bỏ luận cứ của Ivan, vì nếu sự dữ cần đến tự do hơn con người để nó và đau khổ có thể xuất hiện, thì như vậy không thể lên án Thiên Chúa. Tuy nhiên, cũng cần đến tự do vì nhờ đó chúng ta mới có thể đánh giá hết được tình yêu của Thiên Chúa bằng cách chọn lựa tình yêu ấy. Bạn không thể có một thế giới vừa tự do vừa tốt lành được, vì sự bất toàn của kiếp người không cho phép tồn tại một thế giới như vậy. Berdyaev kết luận : “Thế giới này đầy tràn tội lỗi và sự ti tiện chính vì nó đặt nền tảng trên sự tự do. Tuy nhiên, tự do đó lại góp phần tạo nên phẩm giá toàn vẹn của con người và thế giới này.”[26]

Thế nhưng, trong khuôn khổ bản văn, Dostoyevsky không trả lời về nghịch lý vĩ đại của tự do ý chí bằng cách tranh luận, nhưng bằng các hành động của Alyosha. Gibson đồng ý với điều này, ông giải thích : “Câu trả lời phải chuyển bước từ lý thuyết sang thực hành, và Dostoyevsky cuối cùng cũng phân biệt giữa tình yêu nồng nhiệt vốn chỉ cam chịu mà không làm gì, với tình yêu hành động vốn có sức mạnh cứu rỗi thế giới.”[27] Thành công của tình yêu hành động nơi Alyosha được nhìn thấy trong những cuộc tương tác với Kolya, một cậu bé khoảng 14 tuổi, và với những người bạn học của cậu. Trước khi Ilyusha, một người bạn trẻ trung, mạnh mẽ và trung thành, qua đời, Alyosha đã thực hiện một cuộc hòa giải giữa cậu bé thất bại này với Kolya, người bạn “anh hùng” cùng trường của Ilyusha. Mặc dù hành động này tự thân đã đủ để thể hiện được tình yêu tuyệt vời rồi, thế nhưng Dostoyevsky lại xem xét tình huống đó một cách sâu sắc hơn bằng cách chỉ ra có một sự thay đổi căn bản nào đó trong quan điểm của Kolya và xem đó như là kết quả trực tiếp bắt nguồn từ ảnh hưởng của Alyosha. Trong lần gặp gỡ đầu tiên với Alyosha, “vị đan sĩ của thế giới,” Kolya thách thức : “Chắc anh phải đồng ý rằng, chẳng hạn, Kitô giáo chỉ phục vụ người giàu và quyền quý, để trói buộc giai cấp thấp hèn trong sự nô lệ, phải không nào ?”[28] Tuy vậy, ở đám tang của Ilyusha, Kolya lại hào hứng thốt lên rằng : “Ôi, phải chi đến một ngày tôi có dịp hy sinh cho sự thật,”[29] lời này vang vọng lại hành động của Đức Kitô và chứng minh cách rõ ràng rằng, tình yêu hành động của Alyosha đã cứu rỗi cậu bé, và còn điều nữa là, tình yêu ấy thực sự là sự đáp trả lời mời gọi mà Thiên Chúa dành cho người Kitô hữu rằng, hãy gánh lấy và hãy cùng mang vào mình tội lỗi của trần gian.

Mặc dù Dostoyevsky luôn kiểm nghiệm những hoài nghi tôn giáo của mình và biến cuộc xung đột ấy thành tiếng nói của các nhân vật, thế nhưng rõ ràng cuối cùng ông vẫn kiên quyết tin tưởng vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Để ý đến kết cục và tình trạng của các nhân vật khi kết thúc tác phẩm, chúng ta thấy được cách tỏ tường rằng, các vai “chính thiện” hay vai dễ thương đều được quy hướng về Thiên Chúa, còn các vai “ác tà” đều nổi lên chống lại Đấng Toàn Năng. Tác phẩm Anh Em Nhà Karamazov kết thúc có hậu với Alyosha, Mitya và Kolya, là những người đã tin mà chúng ta luôn có cảm tình yêu mến, thông cảm ; còn Smerdyakov độc ác, nham hiểm cuối cùng phải tự kết liễu cuộc đời, vốn cũng là hành vi chống lại Thiên Chúa mạnh mẽ nhất. Kirillov và Nikolai trong Lũ Người Quỷ Ám cũng chuốc lấy kết cuộc như vậy, đây cũng là những nhân vật đáng chê trách nhất trong tác phẩm này. Dostoyevsky liên kết cách rõ ràng giữa một bên là những người hùng có đức tin mạnh mẽ và một bên là những nhân vật phản diện theo chủ nghĩa vô thần (và chủ nghĩa xã hội) để cho thấy kết luận mà ông muốn đưa ra.

Trong nhiều đoạn văn cũng cho thấy có những mưu mẹo nho nhỏ được đặt ra nhằm đánh bẫy tâm trí của Dostoyevsky và vì thế cũng đánh bẫy tâm trí các nhân vật của ông, chẳng hạn thuyết siêu nhân, gương mù của các Kitô hữu bất xứng, những khối tài sản dư thừa trong Giáo Hội, chiến thắng của tội lỗi và lời mời gọi cống hiến trọn vẹn hết mình cho “ánh sáng.”

Trong một bức thư gởi cho N. L. Ozmidov vào năm 1878, Dostoyevsky viết :

“Giả sử không có Thiên Chúa và cũng chẳng có sự bất diệt của linh hồn. Vậy bây giờ hãy nói cho tôi biết, tại sao tôi lại phải sống công chính và làm điều thiện trong khi chết là hết ? […] Và nếu như vậy, sao tôi lại không đi cắt cổ người khác, ăn trộm hay cướp bóc gì đó, miễn sao khéo léo và nhanh nhẹn để khỏi bị tóm là được ? […]”[30]

Đây là một dạng thuyết siêu nhân, được mô tả lần đầu tiên nơi nhân vật Raskolnikov trong Tội Ác và Trừng Phạt. Thuyết này phát xuất từ mối hoài nghi vào sự hiện hữu của Thiên Chúa cùng với thói kiêu ngạo ngang tàng. Nó cho phép Raskolnikov sát hại hai người phụ nữ và có khả năng là cả một bào thai, mà không có bất kỳ sự xúi giục nào. Tự xem mình là một hữu thể cao cấp hơn, Raskolnikov cho rằng mình phải có quyền lấy đi mạng sống của những kẻ vô dụng và kém cỏi. Cũng với lối lý luận như thế, Kirillov đưa ra một kiểu thách thức Thiên Chúa, và đang khi chuẩn bị tự tử, y giải thích : “Nếu có Chúa, thì hết thảy ý chí là của Người và tôi không thể làm cái gì ráo. Nếu không có Chúa, thì tất cả ý chí là của tôi và tôi phải thi hành ý chí của riêng tôi, ý chí tự do của tôi.”[31] Sự ngạo mạn đáng ngạc nhiên này bắt nguồn từ sự thiếu vắng hoàn toàn niềm tin vào Đức Kitô, thay vào đó là niềm tin vào chính bản thân mình : “[…] Nếu anh tự tử, anh sẽ trở thành Chúa – tôi nói vậy có phải không ? Phải, tôi sẽ trở thành Chúa.”[32]

Tuy nhiên, thuyết này đã bị Dostoyevsky bác bỏ trong tiến trình khai triển cốt truyện. Raskolnikov không thể sống với chính mình sau vụ giết người. Mặc dù với một lập luận méo mó, anh ta đã tự biện minh được cho hành vi hung ác của mình, thế nhưng cơ bản Raskolnikov không thể xóa đi được cảm thức về đúng và sai. Ban đầu, anh ta cố gắng tiếp tục sống, hả hê với mánh lới tài tình của mình, và từ kinh nghiệm bản thân, anh tự cho mình là một siêu nhân. Tuy nhiên, cô gái khiêm nhường Sonya đã đánh bại lý trí của Raskolnikov bằng cách đưa anh trở về với cõi lòng sâu thẳm, để rồi ở đó, Raskolnikov nhận ra mình có tội, thú nhận mình đã thực hiện một hành động hung ác, và cuối cùng là cần được thứ tha. Dostoyevsky đánh tan thuyết siêu nhân bằng cách xử phạt các nhân vật có liên hệ tới thuyết này một hình phạt hết sức nặng nề, đó là sự dày vò, dằn vặt, đau khổ trong tinh thần cho đến khi nhận ra được ánh sáng và chân lý của Đức Kitô.

2. Gương mù của các Kitô hữu

Một yếu tố rắc rối khác mà Dostoyevsky đưa ra trong các tác phẩm của mình, vốn có thể làm suy yếu đức tin của người tín hữu, đó là gương mù của các Kitô hữu bất xứng. Các chuỗi sự kiện trôi vào các đoạn văn có thể làm rung chuyển nền móng của đức tin. Ví dụ, Adelaida Ivanovna “Rút cuộc nàng bỏ chồng trốn đi với một anh chàng chủng sinh nghèo kiết xác, để lại cho Fyodor Pavlovich thằng Mitya mới lên ba.”[33] Ngay lập tức chúng ta phải đặt câu hỏi : một chủng sinh lại cùng vợ của người khác, lại còn là một bà mẹ trẻ, cao bay xa chạy sao ? Dostoyevsky đẩy sự căng thẳng này xa thêm bằng việc phát triển các tuyến nhân vật như Rakitin trong Anh Em Nhà Karamazov. Rakitin là một đan sĩ nhưng thậm chí chống đối Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn các nhân vật vô thần khác trong quyển tiểu thuyết này. Khi Alyosha đang trải qua khoảng thời gian đau buồn vì cái chết của người anh, Rakitin đáp lại bằng cách khuyến khích và giới thiệu các trò tiêu khiển đầy cám dỗ như ăn uống, nhậu nhẹt, và cô nàng Grushenka. Thêm vào đó, Rakitin còn được biết là vẫn tiếp tục gây ra nhiều rắc rối và khơi lên những câu chuyện tầm phào, một Iago[34] hòa nhã, nhẹ nhàng. Có lẽ các Kitô hữu “ma quỷ” và bất chính ấy là nguyên nhân gây ra các vấn nạn của Dostoyevsky, như ông viết trong các tiểu thuyết của mình, trong một nỗ lực xem xét và làm cho họ phải nín lặng.

Chưa hết, đối với Dostoyevsky, những cản trở như thế không chỉ giới hạn trong giới tu sĩ, nhưng còn mở rộng đến cả sự hiện hữu của Giáo Hội (cách đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo Rôma) cùng với những khối tài sản dư thừa trong đó. Có một lời phê bình liên tục về đời sống tu sĩ danh tiếng, và sự tháo thứ của đời sống đó trong những bữa ăn. Khi xô đổ bữa ăn của Cha Bề trên, Fyodor Pavlovich đã làm một tràng đả kích dài, kết án toàn bộ tổ chức của nhà dòng :

“[…] Không, thưa các đan sĩ thánh thiện, hãy đức hạnh trong đời sống, làm lợi cho xã hội, chứ không phải là giam mình trong tu viện ăn bánh mì có sẵn và chờ đợi sự ân thưởng ở trên kia – như vậy còn khó hơn […] Quý vị lại còn đưa ra cả hai chai rượu này nữa chứ, hê-hê-hê ! Nhưng ai cung phụng tất cả những thứ này ? Người nông dân Nga, người lao động đã bằng hai bàn tay chai sần của mình kiếm từng đồng từng xu đem đến đây, bòn của gia đình và của nhu cầu nhà nước !”[35]

Một khi Dostoyevky đã thiết lập một tri thức về chân lý trong các nhân vật của mình, thì vấn nạn kế tiếp về Thiên Chúa nổi dậy, đó là việc bảo vệ chân lý đó và không phải bỏ đi.

Niềm tin tuyệt đối được đòi hỏi, như được thấy nơi lời tuyên xưng của Tikhon trong tác phẩm Lũ Người Quỷ Ám. Nikolai, một nhân vật khủng khiếp đã lạm dụng tình dục một bé gái, nhưng lại không phải là một kẻ vô thần, mặc dù điều đó có vẻ thích hợp hơn. Thay vào đó, “cả hai dục vọng [ao ước làm điều chính đáng và muốn làm điều ác] không cái nào đủ mạnh để điều khiển tôi.”[36] Bằng việc thờ ơ với điều thiện và điều ác, Nikolai vứt bỏ luôn tầm quan trọng của câu hỏi về Thiên Chúa. Sẽ thích hợp hơn khi định nghĩa những người vô thần là những người xem sự hiện hữu của Thiên Chúa đủ là một vấn nạn để họ xem xét và xác định niềm tin của mình.

Thêm vào đó, một đức tin sai lầm đặt nền tảng trên những giả thuyết không chính xác rõ ràng là khó giải quyết. Như Đấng Toàn Năng đã biểu lộ cho dân chúng thấy rất nhiều phép lạ, Dostoyevsky chỉ ra rằng, những biểu lộ đó có thể đặt nền móng cho đức tin của dân chúng đồng thời biến đức tin ấy thành một hình thức giải trí. Trong Anh Em Nhà Karamazov, nguyên lý Thiên Chúa chỉ tồn tại khi bạn tin tưởng vào Người đã được dựng nên qua những ca chữa bệnh của Cha Zosima, “sự rung chuyển do mong chờ phép lạ chữa bệnh nhất định sẽ diễn ra và do bản thân sự tin tưởng hoàn toàn rằng nó sẽ diễn ra. Và phép lạ đã diễn ra dù chỉ trong giây lát.”[37] Hơn nữa, vì thân xác của vị đan sĩ niên trưởng bắt đầu thối rữa sau khi ngài qua đời, (thay vì vẫn nguyên vẹn thuần khiết), nên những lời chỉ trích nặng nề bắt đầu ập xuống đan viện, và nhiều người đã mất đức tin, vì họ phụ thuộc vào sự hiện diện của một phép lạ.

Vấn nạn cuối cùng về Thiên Chúa được Dostoyevsky gợi ra đó là sự thôi thúc liên tục của tội lỗi và kéo theo đó là hành vi phạm tội. Mitya thú nhận cũng đồng thời tuyên xưng rằng : “Cho dù tôi vẫn đi theo quỷ, nhưng tôi vẫn là con cái của Ngài, ôi Chúa Trời, tôi yêu Ngài, tôi cảm thấy niềm vui sướng mà thiếu nó thì thế gian này không đứng vững và không tồn tại.”[38] Ở đây, mối nguy hiểm chỉ nằm ở việc bảo vệ chiều kích Thiên Chúa là Cha, Đấng chúng ta phải suy phục, dẫu chúng ta có thể sai lầm nhiều lần.

Mặc dù xuyên suốt các tác phẩm của Dostoyevsky, ta thấy rõ được sự căng thẳng của ông trong việc nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và nỗ lực bảo vệ niềm tin đó, thế nhưng kết luận cuối cùng của ông cho tất cả những căng thẳng đó thì không có gì phải nghi ngờ : với tư cách là con người, chúng ta cố gắng lý trí hóa Thiên Chúa, khơi lên những gì được cho là mâu thuẫn, thế nhưng với tư cách là người tin, chúng ta sẽ được ân sủng trợ giúp để bù vào những gì còn thiếu sót. Anh Em Nhà Karamazov khép lại với niềm hy vọng phục sinh chính là lời tuyên xưng đức tin hùng hồn của Dostoyevsky vào mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô. Những cuộc tranh luận lý trí sắc sảo mà Dostoyevsky viết ra làm cho ta có cảm tưởng tác giả đã đánh mất đức tin của mình, thế nhưng, những việc làm và sức mạnh của tình yêu hành động đã bác bỏ tất cả những nghi ngờ liên quan đến nền tảng đức tin của Dostoyevsky. Chúng ta, những độc giả của ông và cũng là chứng nhân của những cuộc tranh luận này, chúng ta bị đưa vào vị trí như viên Đại Pháp Quan, một người tiếp cận đức tin bằng tư duy và lý luận. Tuy nhiên, để có thể nhận ra được mục đích thực sự của Dostoyevsky, chúng ta phải nhớ lại và hưởng ứng với dung mạo Đức Kitô mà ông đã phác ra:

“Ông ta [viên đại pháp quan] thấy người tù [Đức Kitô] vẫn lẳng lặng nghe ông ta với vẻ hết sức thấm thía, và xem ra không muốn bác bẻ gì hết. Ông già muốn Chúa nói với ông ta điều gì, dù là cay đắng, đáng sợ. Nhưng Chúa bỗng lẳng lặng đến gần ông già và dịu dàng hôn lên cặp môi tái nhợt của ông lão chín mươi. Đấy là tất cả câu trả lời.”[39]

IV – KẾT LUẬN

Người ta vẫn tưởng chín năm tù đày, bị sống trong một bầu khí tràn đầy bạo lực, bi kịch, đau khổ và tuyệt vọng, sẽ giết chết tư tưởng và đức tin của Dostoyevsky, thế nhưng ngược lại, những năm tháng đó lại tạo nên kỳ tích cho cuộc đời ông. Đó là một cuộc hồi sinh thực sự, một phép rửa thực sự thanh tẩy trí lòng, biến Dostoyevsky trở thành một người trưởng thành, một nhà văn, một nhà tư tưởng và một người có đức tin mạnh mẽ. Các tác phẩm hậu-Siberia đã cho thấy điều đó cách rõ ràng : chính trong cái chết, con người lại được phục sinh và trở thành chứng nhân cho Đấng làm chủ cả sự sống lẫn sự chết.

Nhìn vào nước Nga, ta cũng thấy được một chút gì đó giống với cuộc đời Dostoyevsky. Người ta nói rằng, Nga đã được rửa tội nhưng không được soi sáng. Thật vậy, cho đến thế kỷ 19, phong trào Khai Sáng rất thường xung đột với niềm tin tôn giáo : phần đông người nông dân vẫn giữ niềm tin cổ truyền, trong khi những người học vấn càng cao, thậm chí đạo gốc, lại bác bỏ niềm tin ấy và trở thành những kẻ vô thần. Chernyshevky[40] và Dobroliubov[41] là ví dụ điển hình, cả hai đều xuất thân từ những gia đình có truyền thống tư tế, nhưng lại trở thành những người vô thần sau khi học xong Chủng viện ! Tuy nhiên, thực ra, trước khi cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 diễn ra, chủ nghĩa vô thần đã tràn ngập phần đông dân chúng rồi. Nga, một đất nước sống theo niềm tin Chính thống, thế nhưng lại là nơi diễn ra cuộc Cách mạng của chủ nghĩa vô thần. Điều này cho thấy sự trống rỗng trong đời sống tâm linh của đại bộ phận người Nga vốn xuất phát từ cả hai phía đạo và đời. Để rồi, sau Thế Chiến II, chủ nghĩa vô thần đã trở thành một tôn giáo của Liên Bang Xô-viết.

Thế nhưng nước Nga đã trở lại. Chủ nghĩa vô thần sụp đổ vì đã đánh mất niềm tin nơi người dân, và Chính Thống giáo hồi sinh cách mạnh mẽ : số người tín hữu tăng lên rất nhanh, các thánh đường, tu viện và trường thần học được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, sự hồi sinh ấy vẫn chỉ ở bình diện số lượng bên ngoài, người dân trở lại đạo như một mốt thời trang để theo kịp sự hồi sinh của tôn giáo mà thôi. Vẫn còn cần thời gian và nhiều yếu tố khác để Nga có được một cuộc canh tân thực sự từ bên trong mà một trong những yếu quan trọng đó chính vai trò của Giáo Hội Chính Thống. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, Chính Thống giáo phải trở nên Giáo Hội của Nước nhà, chứ không phải của Nhà nước, bằng cách phá đi vỏ bọc của mình để đến gần với người dân, học hỏi ngôn ngữ của họ, đồng thời mạnh dạn đối diện với các đòi hỏi của xã hội và giải quyết chúng cách thỏa đáng và triệt để.

—————–

[1] Có nhiều cách viết tên của nhà văn này nhưng phổ biến nhất là: Dostoevsky hoặc Dostoyevsky. Trong bài này, người viết sử dụng cách thứ hai.

[2] Lúc bấy giờ, có một sự căng thẳng giữa một bên là triều đình Nga Hoàng, với chủ trương “Chuyên chế, Chính Thống giáo và Quốc gia” duy trì chế độ nông nô làm kiềm hãm nền kinh tế của Đế quốc, với phong trào đòi cải cách chế độ chuyên chế và bãi nô của các tầng lớp sĩ quan có học thức xuất phát sâu xa từ cuộc chiến tranh Napoleon (1812-1815). Mặc dù chế độ nông nô đã bị xóa bỏ (1861), nhưng sự thực nó được hoàn thành không với mục đích chính là vì nông dân, nhưng căng thẳng cách mạng không giảm bớt, lại còn thêm cuộc chiến giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (1870). (x. Nicholas V. Riasanovsky, A History of Russia (ấn bản lần thứ 6), Oxford University Press, USA (1999), phần lịch sử Đế quốc thế kỷ 19)

[3] William Leatherbarrow, Fedor Dostoevsky, Boston: Twayne Publishers (1981), tr. 169.

[4] Nicholas Berdyaev, Dostoevsky, New York: Meridian Books (1957), tr. 7.

[5] Ở đây người viết dùng chữ đức tin, tức là không chỉ tin Thiên Chúa (credere Deo), mà còn bao gồm hai chiều kích tin tưởng và phó thác (credere Deum và credere in Deum).

[6] Lịch Julius, hay như trước đây phiên âm từ tiếng Pháp sang là lịch Juliêng, được Julius Caesar giới thiệu năm 46 TCN và có hiệu lực từ năm 45 TCN. Lịch Julius được duy trì sử dụng cho đến tận thế kỷ 20 ở một số quốc gia và hiện vẫn còn được một số nhà thờ Chính thống giáo sử dụng. Lịch mà chúng ta đang sử dụng là lịch Gregory, còn gọi là Tây lịch, do đức Grêgôriô XIII đưa ra vào năm 1582. Theo đó, cuộc cách mạng nổi tiếng đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Nga Xô-viết, Cách Mạng Tháng Mười, được lấy mốc thời gian và đặt tên theo lịch Julius (24-25/10/1917), trong khi theo lịch Gregory (Tây lịch) thì cuộc cách mạng này diễn ra từ 7-8/11/1917.

[7] Nguồn gốc gia đình của Dostoyevsky bắt đầu từ một người Tartar tên là Aslan Chelebi thuộc dòng họ Murza. Năm 1389, ông này đã rời bỏ Golden Horde để gia nhập vào quân đoàn của Dmitry Donskoy, công tước đầu tiên của Muscovy, đang nổi lên chống lại sự cai trị của người Mông Cổ trong khu vực thời bấy giờ. Về sau, vào năm 1509, hậu duệ của Aslan Chelebi là Daniil Irtych được ban tước quý tộc và được cấp đất ở Pinsk, thuộc Belarus ngày nay, như một sự thưởng công cho lòng trung thành phục vụ năm xưa. Từ đó trở đi, dòng dõi của Aslan Chelebi lấy tên là “Dostoyevsky” theo tên của một ngôi làng ở Pinsk được gọi là Dostoïevo (x. Dominique Arban, Dostoïevski, Seuil, 1995, tr. 5).

[8] Leonid Petrovich Grossman, Dostoyevsky: A Biography His Life and Work , Indiana : Bobbs-Merrill Co (1975), tr. 5.

[9] Joseph Frank, Dostoyevsky : A Writer in his time, New Jersey  : Princeton University Press (2009), tr. 43.

[10] Ibid., tr. 44.

[11] Ibid., tr. 74.

[12] Wikipedia, Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky: Những năm chính trong sự nghiệp, https://vi.wiki-pedia.org/wiki/Fyodor_Mikhaylovich_Dostoyevsky, truy cập ngày 30/09/2017.

[13] Ở Việt Nam có hai bản dịch, một của Trương Đình Cử với tựa đề là Tội Ác và Trừng Phạt, in năm 1973 tại Khai Trí, Sài Gòn; bản dịch thứ hai là của Cao Xuân Hạo, in lần đầu tại nhà xuất bản Văn học. Tập 1: 462 trang, 19 cm in năm 1982, tập 2: 436 trang, 19 cm in năm 1983. Tựa đề ban đầu của bản dịch của Cao Xuân Hạo cũng là Tội Ác và Trừng Phạt, thế nhưng khi phát hành, người biên tập đã sửa lại thành Tội ác và trừng phạt. Theo Cao Xuân Hạo thì đó là “một lỗi ngữ pháp kếch xù,” “đầu đề đáng xấu hổ.” Trong các lần tái bản sau tựa đề được sửa thành Tội Ác và Trừng Phạt.

[14] Ở Việt Nam có hai bản dịch, một của dịch giả Phạm Xuân Thảo, xuất bản năm 1973, tuy nhiên bản dịch này được dịch từ ngôn ngữ trung gian (tiếng Pháp) nên có nhiều sai lệch so với nguyên tác. Về sau, bản dịch được Đoàn Tử Huyến hiệu đính lại dựa trên bản tiếng Nga (1989) và xuất bản lại vào năm 2002 tại NXB Văn Học, Hà Nội.

[15] Dịch giả Nguyễn Ngọc Minh, NXB Văn Học, Hà Nội, 2011.

[16] Dostoyevsky, Anh Em Nhà Karamazov, bd. Phạm Mạnh Hùng, Hà Nội : NXB Lao Động (2006), Quyển V, Chương III, tr. 363.

[17] Denis Dirscherl, Dostoevsky and the Catholic Church, Chicago : Loyola University Press, (1986) tr. 112.

[18] A. Boyce Gibson, The Religion of Dostoevsky, Philadelphia : The Westminster Press (1973), tr. 169.

[19] Konstantin Mochulsky, “The Brothers Karamazov” trích trong Fyodor Dostoyevky, The Brothers Karamazov, bd. Constance Garnett, bt. Ralph E. Matlaw, New York : W.W. Norton & Company, Inc. (1976) Tr. 85.

[20] Dostoyevsky, Anh Em Nhà Caramazov, ibid, Quyển III, chương 3, tr. 168 (có hiệu đính bởi người viết).

[21] Dostoyevsky, Anh Em Nhà Caramazov, ibid, Quyển V, Chương 4, tr. 378-379.

[22] A. Boyce Gibson, ibid., tr. 179.

[23] Dostoyevsky, Anh Em Nhà Caramazov, ibid., Quyển V, Chương 5, tr. 393.

[24] Nicholas Berdyaev, Dostoievsky, bd. Donald Attwater, New York : Sheed and Ward Inc. (1934), tr. 24.

[25] Nicholas Berdyaev, ibid, tr. 68-69.

[26] Nicholas Berdyaev, Dostoievsky, bd. Donald Attwater, New York : Sheed and Ward Inc. (1934), tr. 85.

[27] A. Boyce Gibson, ibid, tr. 176.

[28] Dostoyevsky, Anh Em Nhà Caramazov, ibid, Quyển X, Chương 6, tr. 841 (có hiệu đính của người viết).

[29] Dostoyevsky, Anh Em Nhà Caramazov, ibid, Phần kết, Chương 3, tr. 1152 (có hiệu đính của người viết).

[30] Dostoyevsky, Selected Letters of Fyodor Dostoyevsky, bt. Frank và Goldstein. U.S.A. : Rutgers University (1987), tr. 446.

[31] Dostoyevsky, Lũ Người Quỷ Ám, bd. và hđ. Đoàn Tử Huyến, Hà Nội : NXB Văn Học (2011), Phần III, Chương 6, tr. 715

[32] Dostoyevsky, Lũ Người Quỷ Ám, ibid, Phần III, Chương 6, tr. 712

[33] Dostoyevsky, Anh Em Nhà Caramazov, ibid, Quyển I, Chương 1, tr. 12.

[34] Một nhân vật phản diện hư cấu trong tác phẩm Othello của Shakespeare.

[35] Dostoyevsky, Anh Em Nhà Caramazov, ibid, Quyển II, Chương 8, tr. 138-139.

[36] Dostoyevsky, Lũ Người Quỷ Ám, ibid, Phần III, Chương 8, tr. 779.

[37] Dostoyevsky, Anh Em Nhà Caramazov, ibid, Quyển II, Chương 3, tr. 71.

[38] Dostoyevsky, Anh Em Nhà Caramazov, ibid, Quyển III, Chương 3, tr. 166.

[39] Dostoyevsky, Anh Em Nhà Caramazov, ibid, Quyển V, Chương 5, tr. 406.

[40] Nikolay Gavrilovich Chernyshevsky (1828–1889) là một nhà triết học cách mạng, nhà triết học duy vật, nhà phê bình, và nhà xã hội học người Nga (được xem như là một nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng ). Ông là người lãnh đạo phong trào dân chủ cách mạng của những năm 1860, và có ảnh hưởng đến Vladimir Lenin , Emma Goldman , nhà văn chính trị Serbia và nhà xã hội học Svetozar Marković.

[41] Nikolay Alexandrovich Dobrolyubov (1836–1861) là nhà phê bình văn học Nga, nhà báo, nhà thơ và nhà cách mạng dân chủ. Dobroliubov là người sáng tạo thực sự trong việc sử dụng một tác phẩm văn học để đưa ra những lời chỉ trích về những vấn đề đạo đức, xã hội và chính trị.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here