Dẫn Nhập Tin Mừng Theo Thánh Gioan: Bố Cục Tác Phẩm (3)

0
530


DẪN VÀO TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN

Tác giả: Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh, OP.

***

***

BỐ CỤC SÁCH TIN MỪNG THỨ TƯ

 

1. THỨ TỰ CỦA BẢN VĂN

Khi đọc sách Tin Mừng thứ tư, chúng ta thấy thứ tự các sự việc nhiều khi khó hiểu. Chỗ khó hiểu hơn hết là các chương IV, V, VI và VII. Ở chương IV, Đức Giê-su tránh xung đột với nhóm Pha-ri-siêu miền Giu-đê và, do đó, Người về hoạt động ở miền Ga-li-lê (4,1-3,43). Người vừa về Ga-li-lê thì, theo chương V, Người lại quật lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ (5,1). Nhưng, theo chương VI, thì Người đang ở Ga-li-lê, dường như Người không có lên Giê-su-sa-lem (6,1). Sau hết, ở chương VII, Người còn lên Giê-ru-sa-lem một lần nữa và tranh luận với dân Do-thái về chuyện Người đã chữa anh tê liệt (7,19-24; Xc. 5,8-18), dường như Người chẳng gặp sự chống đối nào cả.
 
Chỗ khó thứ hai là thứ tự các chương XIV và XV-XVII. Ở cuối chương XIV, Đức Giê-su nói: “Hãy đứng dậy! Ta đi khỏi đây nào!”. Nhưng, ở đầu chương XV, chúng ta không thấy Người và các môn đệ ra đi; trái lại, Người còn nói một bài dài đến ba chương (XV, XVI và XVII) không liên hệ gì đến chương XIV và, đến chương XVIII, chúng ta mới thấy Đức Giê-su và các môn đệ đi ra… Trong sách, còn nhiều chỗ khó hiểu khác nữa.
 
Vì thế, các nhà nghiên cứu, công giáo và không công giáo, giả thuyết rằng thứ tự đầu tiên của sách Tin Mừng thứ tư đã bị xáo trộn vì có một số tờ, số đoạn bị sắp sai chỗ. Và họ cũng đề nghị nên sắp lại một vài chỗ như sau:
 
1) 3,21; 3,31-36; 3,22-30; 4,1; v.v…
 
2) 4; 6; 5; 7; v.v…
 
3) 9; 10,19-29; 10,1-18; 10,30; v.v…
 
4) 12,36a; 12,44-50; 12,36b-43; 13; v.v…
 
5) 13,31a; 14,32-16,33; 13,31b-14,31; 17; v.v…[1]
 
Các nhà Thánh Kinh còn đưa ra một lối cắt nghĩa khác. Những dị thường của bản văn có thể là do cách sáng tác và xuất bản. Các đoạn văn của sách Tin Mừng thứ tư không cùng một loạt. Sách ấy là một công trình dài hạn, gồm nhiều đoạn được viết, rồi sửa, thêm, lập lại và biên soạn qua nhiều giai đoạn khác nhau. Chẳng hạn, hai chương XV và XVI là phần thêm và là dị bản của diễn văn sau bữa tiệc ly: có thể là tác giả đã bỏ hai chương ấy xen vào sách sau chương XIV mà không bận tâm đến mạch văn.
 
Nhưng cũng có thể là chính tác giả đã không coi lại bản văn lần cuối cùng trước khi xuất bản. Và, lúc chết, tác giả đã để lại tác phẩm thế nào, các môn đệ đã xuất bản y như vậy. Vả lại, tác giả còn để lại những mảnh văn. Vì không muốn đánh mất những mảnh ấy, các môn đệ đã giữ lấy hoặc bỏ xen vào sách mà không quá bận tâm đến mạch văn. Có lẽ đó là trường hợp của Ga 12,44-50, một đoạn văn không ghi ngày, chỗ, cả thính giả cũng không. Và Ga 3,31-36, cũng vậy.

2. BỐ CỤC

Sách Tin Mừng thứ tư phức tạp và phong phú: chỉ đếm những bố cục các nhà Thánh Kinh đưa ra, là đủ thấy:
 
– Bố cục dựa trên niên biểu và địa dư.
 
– Bố cục văn kịch từng màn đưa đến cuộc Thương khó.
 
– Bố cục dựa trên số tốt, như số 3 và số 7.
 
Như vừa nói trên, sách Tin Mừng thứ tư không phải là cuốn sách được viết cùng một loạt: nhiều đoạn mới được xen vào sau và, trong nhiều chỗ, thứ tự của các đoạn cũng không chắc là như lúc đầu. Vì những lẽ ấy, tất cả những bố cục nói trên đều hữu lý ít nhiều.
 
Theo quan niệm chúng tôi, muốn phác họa hoặc, nói đúng hơn, khám phá bố cục của sách Tin Mừng thứ tư, thiết tưởng phải bắt đầu từ điểm khách quan nhất: đó là đặc tích của sách. Mà, như đã nói trên, đặc tính ấy là loan báo Tin Mừng. Nên bố cục của sách, trước hết, phải là bố cục nhằm việc loan báo Tin Mừng, phải là bố cục của sứ mệnh đầu tiên.
 
Trong khung cảnh Tin Mừng được loan báo, các sách Tin Mừng nhất lãm đã khai triển những sinh hoạt của Đức Giê-su tại miền Ga-li-lê và thu gọn các sinh hoạt của Người tại Giê-ru-sa-lem vào trong một tuần và kết thúc tuần bằng cuộc Thương khó. Đằng khác, các tác giả trình bầy đời sống công khai của Chúa Giê-su mỗi người theo phương diện của mình: thánh Mát-thêu trình bầy đời sống của Người qua năm bài giảng để trình bầy năm khía cạnh chính yếu của Nước Trời. Thánh Lu-ca thì trình bầy qua những hành trình chính yếu của Đức Giê-su.
 
Còn thánh Gio-an thì chỉ trình thuật các sinh hoạt của Đức Giê-su tại Ga-li-lê vào chương VI. Tất cả các yếu tố quan trọng của các sinh hoạt này, là: Đức Giê-su làm phép lạ giữa những đám đông theo Người (6,2.5); thiên hạ hy vọng Người là Đấng Cứu độ vì thấy phép lạ Người làm (6,14 tt); dân chúng không hiểu Người nổi (6,26), còn đa số môn đệ cũng hiểu lầm nên lẩm bẩm (6,41), bỏ cuộc và ra đi (6,52.60.66) nhưng các tông đồ thì lại tin xưng (6,67-69), nên Đức Giê-su tiên báo cho các ngài cuộc Thương khó (6,70 tt).
 
Ngoài ra, sách Tin Mừng thứ tư tập chung tất cả trình thuật của mình vào các sinh hoạt của Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem. Mà các nét chính của trình thuật là các ngày lễ phụng vụ Do-thái, là: ba lễ Vượt Qua (2,13; 6,4; 11,55), một lễ không được xác định, có lẽ là lễ Ngũ tuần (5,1),[2] một lễ Lều (7,2) và một lễ Cung hiến (10,22).
 
Những lễ ấy như là những móc nối, những khâu thiết yếu của sách Tin Mừng thứ tư.
 
Hoạt động công khai được một tuần, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt qua (2,13). Trong đại lễ này, Người thanh tẩy Đền thờ, để nói rằng chính thân xác Phục Sinh, thân xác “Vượt qua” của Người, mới là Đền thờ thực sự. Dân Do-thái bắt đầu tranh luận (2,18.20).
 
Nhân dịp một đại lễ (5,1), có lẽ là lễ Ngũ tuần, Đức Giê-su lại lên Giê-ru-sa-lem. Năm ấy, lễ ấy rơi vào ngày Sa-bát. Dù vậy, Người đã chữa một anh tàn tật, để dạy rằng dù là ngày Sa-bát, Người vẫn làm việc theo gương Chúa Cha là Đấng luôn luôn điều hành và xét xử vũ trụ.[3] Nhưng dân Do-thái không chịu hiểu và bắt đầu chống đối (5,16.18).
 
Trong dịp một lễ Vượt qua sắp đến (6,4), Đức Giê-su làm bánh hóa nhiều để nuôi dân chúng và, đồng thời, dạy rằng bánh lễ Vượt qua Người sắp ban tặng mới là bánh ban sự sống. Nghe vậy, dân chúng tranh luận (6,52), môn đệ cũng xầm xì (6,66).
 
Rồi đến lễ Lều (7,2) Kỷ niệm những năm tổ tiên It-ra-en sống trong Sa mạc (Lv 23,42-43). Trong những ngày lễ ấy có nghi thức múc nước ở hồ Si-lo-a và nghi thức chưng đèn. Nhân dịp ấy Đức Giê-su nói Ngài là nguồn nước (7,37-39), là ánh sáng (8.12,9,1-41) và, theo truyền thống[4] lễ này còn nhắc lại chuyện tổ phụ Áp-ra-ham vui mừng khi nghe I-xa-ác sẽ ra đời (St 17,17; 21,6) và, vì thế, niềm vui mừng chờ mong Đấng Cứu độ là một điểm nổi của ngày lễ (Đnl 16,13-15). Nhân dịp lễ Lều nói trên, Đức Giê-su dạy rằng Người là nguồn vui ấy (8,56)[5] và, đồng thời, mặc khải Người là ai (8,58). Lần này, dân chúng định ném đá Người, nhưng Người đã tránh đi (8,59).
 
Sau đó là lễ Cung hiến (10,22), nhắc lại sự thanh tẩy Đền thờ sau khi bị vua An-ti-ô-khô Ê-pi-phan xâm phạm (Xc. 1 Mcb 4,36-59) và, do đó, nhắc lại lần giải phóng dân tộc năm 164/163 Xc.n. Nhân dịp lễ Cung hiến này, Đức Giê-su còn đương đầu với dân Do-thái. Không chấp nhận lời Người, họ lại định ném đá (10,31). Họ càng quyết tâm giết Người khi thấy Người cho ông La-da-rô sống lại và khơi dậy niềm tin nơi dân chúng. Theo tinh thần ngày lễ, họ đã quyết tâm như thế, kẻo đế quốc Rô-ma đem quân dẹp loạn, giết hại đồng bào. Nhưng, trên bình diện thiêng liêng, thế là Đức Giê-su được thánh hiến và chịu chết cho dân khỏi bị Thiên Chúa công minh trừng phạt (10,36; 11,51).
 
Tiếp đến là lễ Vượt qua (11,55). Trong đại lễ này, Đức Giê-su chịu chết và chết như Con Chiên Vượt qua, vì họ không đánh dập một xương nào (19,36).
 
Sau hết là ngày Phục sinh (20,1), lễ Vượt qua của Giao ước mới, đem lại cho loài người chiến thắng tử thần (20,8-9) và sự sống vĩnh cửu (20,31).
 
Như thế, chúng ta có thể đưa ra một bố cục:
 
Lời tựa (1,1-18)
 
I. Đức Giê-su hoạt động (1,19 – 12,50)
 
1. Lễ Vượt qua đầu tiên.
 
          Sự sống vĩnh cửu (1,19 – 4,54)
 
2. Lễ Ngũ tuần (?)
 
          Cuộc chống đối thứ nhất (5,1-47)
 
3. Lễ Vượt qua
 
          Cuộc chống đối thứ hai (6,1-71)
 
4. Lễ Lều
 
          Cuộc chống đối thứ ba (7,1 – 10,21)
 
5. Lễ Cung hiến
 
          Nghị án giết Đức Giê-su (10,22 – 11,54)
 
6. Lễ Vượt qua
 
          Thi hành nghị án (11,55 – 19,42)
 
II. Giờ của Đức Giê-su (13,1 – 20,29)
 
          a) Tiệc ly (13,1 – 17,26)
 
          b) Thương khó (18,1 – 19,42)
 
7. Phục Sinh (20,1-29)
 
Kết thúc (20,30-31)
 
Phụ chương (21,1-25)
 
Như vậy, đối với chúng ta, là bảy lễ. Tại sao bảy lễ? Có phải chăng thánh Gio-an chơi số như người ta chơi chữ? Nói cách khác, theo biểu tượng Do-thái, thì số bảy là số viên mãn. Mà, qua bảy ngày đại lễ, Đức Giê-su đã sống, đã hoạt động và đã thực hành nhiệm vụ cứu độ một cách vẹn toàn. Nên có thể đó là ý nghĩa thánh Gio-an muốn nói bằng cách trình bày sứ vụ cứu độ của Đức Giê-su qua bảy ngày lễ. Chúng ta càng có lý để kết luận như thế, khi nhớ rằng thánh Gio-an thường dùng biểu tượng mà nói lên ý nghĩa.
 
Dầu sao, từ một sơ đồ như trên, chúng ta phải đi đến kết luận này, là: cho đến nay, Do-thái giáo được diễn tả bằng những hình thức hoặc những tổ chức, như: Đền thờ, ngày Sa-bát, các đại lễ, nghi lễ và hy lễ. Thì, từ nay, nhờ Đức Giê-su, đạo ấy phải đi đến tột điểm là phượng thờ theo thần khí và sự thật (4,24). Nền phụng tự ấy, chính Đức Giê-su là hiện thân. Và, muốn đạt tới tột điểm ấy, con người phải tái sinh, thay đổi não trạng và đường hướng.


[1] BJ. 1953, trg. 26.

[2] Xc BJ, 1536, a.

[3] Xc. BJ, 1953, a.

[4] Xc. D. Mollat, Jean, trong BJ 1953, trang 33.

[5] Xc. BJ, 1953, 33.