A. N. Sherwin-White
Các tỉnh Đông phương của Đế quốc La mã ở Tiểu Á thuộc Syrie và Ai cập là những thao trường của Giáo hội tiên khởi. Trong những vùng này, giới thượng lưu và các văn sĩ suy tư và sáng tác văn chương bằng tiếng Hy lạp. Tuy nhiên, phần lớn dân lao động sống theo những qui tắc của những nền văn hóa cổ kính và nói những cổ ngữ xuất phát từ các nền văn minh Hittite, Ai cập, Babylon hay các nền văn minh tương tự, – vốn đã có hàng ngàn năm trước những cuộc chinh phục của Alexande, là những cuộc chính phục đã Hy lạp hoá Đông phương. Có những khu vực đền thờ biệt lập, được đặt dưới quyền kiểm soát của các tư tế quân chủ (monarques prêtres), được các nô lệ canh tác, và ở đó cúng có những nhóm “điếm thánh” (prostitues sacrees). Ở Syrie và trong những đồng bằng Iraq hiện nay (Mesapotamie, Babylon), bên kia biên giới La mã, các ngôn ngữ Semit (đặc biệt là tiếng Aram), cũng như những nghi thức phượng tự, các nền văn hoá, nhất là những tư tưởng tôn giáo của người Sêmit, chiếm phần ưu thế, mặc dù đôi khi bị pha trộn một lớp sơn Hy lạp. Hơn nữa, còn có những cộng đồng sử dụng hai ngôn ngữ (Communautes bilingues).
Hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô
I. NỀN VĂN MINH HY LẠP VÀ KITÔ GIÁO TIÊN KHỞI
Quốc gia Do thái ở Palestin, một quốc gia khép kín, theo độc thần giáo và bài trừ ngẫu tượng là điển hình độc nhất và có phần nào cực đoan về ý thức hệ Semít. Nhưng dưới cái nhìn của những người ham hiểu biết mọi khía cạnh, thì, trước hết, đó là một thế giới Hy lạp, với Hy ngữ là ngôn ngữ phổ thông và nền giáo dục Hy lạp là điểm then chốt của mọi tiến bộ. Có một nền văn minh khác xuất xứ từ Đông phương ở bên kia dãy núi Zagros, đó là nền văn minh của dân Iran xưa và tôn giáo nhị nguyên Mardéneenne của họ. Vì có phong thái nghệ thuật riêng, nên nền văn minh này đã vượt qua vùng Mesopotamie, tiến vào trong đế quốc Lamã, và đã du nhập việc thờ phượng Mithra, thần chiến tranh và những kiến thức cổ truyền của các thầy chiêm tinh. Nhưng về phương diện ngữ học, nền văn hoá này, để có thể phát triển hơn ở phía tây, phải lệ thuộc ngôn ngữ ưu thắng là tiếng Hy lạp. Có rất nhiều bức thư do những người dân bình thường nhất Ai cập – La mã là bằng chứng về sự xâm nhập liên tục của ngôn ngữ Hy lạp đến tận các làng mạc Syrie và Ai cập. Hơn nữa, Hy ngữ là ngôn ngữ duy nhất được sử dụng chung cho các miền Đông phương. Khi các nhà giảng thuyết Kitô giáo nhằm đến thế giới Do thái, thì ngôn ngữ Hy lạp là phương tiện thiết yếu để truyền bá sứ điệp Tin mừng. Các tư tưởng được diễn tả bằng tiếng Hy lạp dễ dàng lan rộng bởi một mạng lưới truyền thông thế giới đã được thiết lập trước. Hơn nữa, những nghi lễ và định thức của đời sống trong Giáo hội đã buộc phải phác hoạ và diễn tả bằng những hạn từ Hy lạp.
Giáo hội tiên khởi vì ưu tiên nhắm tới giới đô thị trước, nên văn minh Hy lạp là yếu tố quyết định trong các vùng dân ngoại như Antiokia, Epheso, Iconium, Thessalonnica. Những nơi từng đón nhận các lời giáo huấn và các thư của thánh Phaolô, cũng như các nơi hành quyết các vị tử đạo đầu tiên đều là những đô thị Hy lạp. Tổ chức nội bộ của các đô thị này không theo cùng một kiểu: đôi khi các vị quản thị và thẩm phán được bầu lại hàng năm, hoặc là các Hội đồng của những thành viên được bầu lại hay vĩnh viễn thực hiện vai trò của mình trên tất cả những sinh hoạt dân sự (được trao cho các thẩm phán) hoặc là những hội nghị của dân chúng tự do tiến hành chọn lựa những nhà lãnh đạo địa phương của họ. Việc phượng tự đối với các vị thần dân sự được giao cho các thẩm phán coi sóc. Họ tổ chức các cuộc lễ tôn giáo tốn kém. Các lễ nghi gồm những cuộc thi đấu thể thao, kịch nghệ và âm nhạc, mở rộng cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp toàn đế quốc. Các cuộc thi đấu diễn ra trong những dinh thự hoàn toàn được bài trí như sân vận động của đô thị và trong các rạp hát. Những nhà tắm công cộng, – vốn ngày càng được cải thiện hơn trong thời hoà bình và hưng thịnh của đế quốc, – là những nơi giải trí khiêm tốn hơn cho toàn thể công dân. Ngoài những sinh hoạt lành mạnh Hy lạp này – tuy dưới ảnh hưởng của La mã – còn xuất hiện những cuộc dấu gươm dữ dội và những cuộc chiến đấu với dã thú. Những trận đấu này đã diễn ra trong các hý trường mới và kích thích khán giả mặc sức thể hiện hunh tính của mình. Các quang cảnh thô tục dần dần lấn át những hài kịch cổ về phong tục.
Trong các thành phố, việc giáo dục được dành cho các trường của các văn sĩ – vốn là nhà ngưc pháp học, tu từ học và triết gia – là những người truyền bá tư tưởng nền tảng và tinh thần Hy lạp. Những trường học này chỉ là những túp lều nhỏ hay những phòng lớn, trong đó các nhà thông thái truyền bá kiến thức của mình và nhận được danh dự riêng hay thù lao của đô thị. Tuy nhiên, một vài đô thị còn trợ cấp để thiết những thư viện chung được đặt trong những dinh thự nguy nga, và người ta cũng thấy có nhiều nhà sách trong những đô thị ấy. Đôi khi các nhà trí thức nổi tiếng đương thời chu du trong các đô thị và để lại đó những bằng chứng về tài năng của họ qua các bài thuyết giảng công cộng. Trong môi trường này, các văn sĩ được đặc biệt ưu đãi. Dưới sự bảo trợ của vị vua địa phương và các nhà cầm quyền La mã, họ đã tích cóp của cải, đồng thời có thể đạt được những chức vụ cao trong nền quản trị của đế quốc. Cũng vậy, bất kỳ đạo lý, niềm tin hay công luận nào chỉ có thể đến được với giới thượng lưu với điều kiện là chúng được diễn tả trong một phong thái theo tinh thần và thể loại Hy lạp. Từ đó, những nhà minh giáo Hy lạp – như Origene chẳng hạn, buộc phải trình bày giáo huấn bằng ngôn ngữ được công chúng Hy lạp có học thức chấp nhận. Điều này giả thiết rằng: những tinh hoa của nền thần học Kitô giáo chấp nhận tính chuyên môn của triết học và thuận ngữ Hy lạp trước, rồi đến qui tắc tri thức là phải hoà hợp giữa sứ điệp Do thái – Kitô giáo với những ý niệm trừu tượng của tư tưởng và của khoa siêu hình Hy lạp.
II. QUYỀN LỰC LA MÃ
Trong các lễ hội, ngoài hội đồng dân sự và những khán giả quen thuộc, người ta còn thấy xuất hiện một tầng lớp mới: dân đen của đô thị, – mối lo ngại cho chính quyền dân sự và nhà cầm quyền La Mã, – vì cả hai cấp lãnh đạo này đều rất thiếu những lực lượng an ninh để ổn định trật tự công cộng. Các tính yên ổn không sử dụng những cơ quan an ninh quan trọng, còn các đô thị chỉ duy trì một số tối sự để thi hành các mệnh lệnh của nhà cầm quyền. Việc trừng phạt tội phạm phần lớn tuỳ thuộc vào những khởi tố của các nguyên cáo tư nhân, và những người này đệ trình lên toà án dân sự hay của tỉnh vốn là những người có trách nhiệm công bố và thi hành bản án.
Những hoạt động khác của chính quyền trung ương như việc thu thuế, giữ nhiều chức vụ chung được các quản trị viên đô thị đảm nhiệm. Vì vậy, những tỉnh biệt lập, dù giàu hay nghèo, đều ở rất xa tầm kiểm soát của nhà cầm quyền Rôma và đời sống dân chúng trong vung đó cũng thoát khỏi sự dò xét. Chính quyền chỉ nhận ra những thay đổi xã hội, những rối loạn và những chuyển biến trong chính trị, kinh tế hay trí thức, khi chúng đã đến giai đoạn “hết thuốc chữa” rồi, lúc đó đã quá trễ để phản ứng hay đàn áp tập thể. Các phong trào hầu như chỉ hoạt động được là nhờ những phe nhóm xã hội hay nghi lễ của những hiệp hội tôn giáo tư nhân. Những hiệp hội này được công khai khuyến khích vì chúng mang lại cho quần chúng lao động một hình thức sinh hoạt đoàn thể khiêm tốn khiến họ tránh được cơn cám dỗ “xen mình” trực tiếp vào đời sống chính trị của đô thị. Có một điều cần ghi nhận là: người dân – kể cả công dân La mã – thường xuyên và coi trọng lòng trung thành với chính quyền địa phương.
Thánh Phaolô đã tự hào về tư cách là công dân thành Tarse, một thành phố không nổi tiếng lắm, hơn là tự hào về tư cách công dân La mã của mình. Nhưng vẫn có những hội đồng tỉnh, gồm những đại biểu của đô thị. Theo định kỳ, những hội đồng này nhóm họp thành những hội nghị bầu cử trong những thut phủ của các tỉnh khác nhau. Những hội đồng này tổ chức việc thờ phượng hoàng đế – vì hoàng đế với tư cách là thủ lãnh quốc gia nắm giữ những quyền lực của các thần linh. Những hội đồng này còn là cầu nối giữa các tỉnh của La mã, đề cử lên hoàng đế La mã những sứ giả có trách nhiệm tường trình cho Ngài những lời ca thán của dân địa phương. Là thành viên của những hội đồng này, đó là một tước vị rất được ưa chuộng trong các tỉnh. Chặng hạn những “Asiarques” đã giúp đỡ thánh Phaolô ở Êphêsô. Tất nhiên, những cơ chế như thế đã làm kiểu mẫu cho Giáo hội sơ khai. Các Giáo hội của thánh Phaolô, vốn là những Giáo hội dân sự, đã được thiết lập như một hạt nhân bên trong một đô thị có sẵn.
Cũng như mỗi đô thị chỉ có một vị lãnh đạo, thì Giáo hội địa phương cũng chỉ có “một viên giám thị” hay “giám mục”. Khi nảy sinh nhu cầu phải bàn bạc thì những Giáo hội này đã rập theo kiểu mẫu của các hội đồng tỉnh La mã. Trong những hội nghị tỉnh hay những hội đồng khác, các giám mục của mỗi đô thị riêng biệt là đại diện hợp pháp của Giáo hội.
III. NHỮNG DỮ KIỆN XÃ HỘI
Trong các đô thị, quyền lực thuộc về tầng lớp giàu có. Sự thịnh vượng của đô thị là do bởi đất đai, một hình thức đầu tư thường xuyên và duy nhất trong thời cổ: các thương gia phát đạt, các chủ ngân hàng và các chủ xướng làm ân phát đạt, cuối cùng cũng quay trở lại đầu tư đất đai để đảm bảo an toàn cho những lợi tức mà họ đã thu được trong công việc làm ăn. Những hàng hoá hữu dụng và xa xỉ của đời sống hằng ngày là sản phẩm làm từ vật liệu nông nghiệp chưa chế biến, hay tiểu công nghệ kim loại và đồ sành được cung cấp do những dân quê, thợ thủ công và các thương gia, qua trung gian các xưởng và xí nghiệp tư nhân hay do những xưởng nhỏ sử dụng không quá hai mươi nhân công vốn là những nô lệ hay những nô lệ đã được giải phóng. Một vài đô thị nổi tiếng vì một sản phẩm đặc biệt, chẳng hạn nghề bạc ở Êphêsô. Cũng có những trung tâm buôn bán, giao dịch lớn như Đamas và Alexandrie, nhưng phần đông các thành thị chỉ dành một khu vực giới hạn cho những nghề thiết yếu. Do đó quyền ưu tiên kinh tế gắn liền với đất đai và các sản phẩm từ đó. Đô thị sống nhờ đất đai, đất đai thuộc quyền sở hữu của các công dân và gồm những khu vực lớn được các thợ nông nghiệp và những chủ trại khai khẩn, còn những miếng đất nhỏ thuộc về các nông dân. Phần lớn thợ nông nghiệp được tuyển lựa từ những người tự do hơn là các nô lệ.
Chế độ nô lệ là một căn bệnh địa phương, nhưng khó mà xác định mức thang tỉ lệ. Những gia đình giàu có sử dụng nhiều nô lệ, nhưng hình như chế độ nô lệ không đe doạ kinh tế nghiêm trọng đối với người lao động tự do là những người cộng tác với những thợ nô lệ trong các xưởng thủ công nhỏ. Dần dần, các nô lệ được đối xử nhân đạo hơn. Những nô lệ phục vụ trung thành được phóng thích hoặc tưởng thưởng. Người nô lệ cũng được kể vào số cộng đoàn gia đình vợ con của người chủ, người nô lệ đã được giải phóng được hưởng quyền độc lập như thợ bình thường, có khi còn thoải mái hơn nữa. Nên lưu ý rằng phần lớn những nhân viên trẻ của các viên chức để quốc là những người được phóng thích khỏi hoàng gia. Không có hàng rào ngăn cách giữa những người tự do và những người đã được giải phóng. Vì vậy, chế độ nô lệ không là một chướng ngại đặc biệt đối với luân lý Kitô giáo, thậm chí nó có thể được chấp nhận như thư thánh Phaolô gởi cho Philêmôn đã làm chứng điều đó.
Một bữa tiệc nhiều thế hệ – Một bức tranh treo tường, tại Pompeii (thế kỷ 1 AD)
Đời sống làng mạc dần dần hoạ theo đời sống đô thị, tuy ở mức độ nhỏ hơn. Nhưng đôi khi có những khác biệt về văn minh giữa đô thị và làng mạc. Văn hóa Hy lạp hoặc văn hóa La tinh trong các tỉnh phía tây chiếm ưu thế trong các đô thị, trong khi đó, kiểu mẫu nguyên thuỷ của phong tục và ngôn ngữ Celta, Aram, hay Anatole được duy trì trong những làng quê chung quanh. Tuy nhiên các hạn từ “thành phố” và “đô thị” dễ làm cho người ta lầm lẫn. Dọc theo suốt những khu vực địa trung hải thuộc đế quốc La mã, những nhóm người làm nghề nông hay thợ thủ công dần dần tập trung lại thành những làng mạc đông đúc hay những thị trấn nhỏ, gồm ba đến bốn ngàn cư dân hoặc hơn nữa thay vì là những thôn xóm nhỏ và những ngôi nhà biệt lập như ở vùng Bắc Âu. Những làng mạc này qui tụ bên sườn đồi vì để tích trữ nước và phòng thủ. Do hiếm đất đai phì nhiêu trong đồng bằng, những ngôi làng này được xem như thành thị kiểu văn minh Hy lạp hay La tinh. Tuy nhiên, những làng mạc này vừa qui tụ những cư dân canh tác đất đai, vừa qui tụ giai cấp trưởng giả giàu có. Những tầng lớp thượng lưu của đô thị sử dụng phần thặng dư của cải để mặc sức tô điểm cho đô thị bằng những công trình mỹ lệ, những buổi lễ công cộng, đời sống xã hội, cũng như cho sự xa xỉ riêng tư và cuộc sống truỵ lạc. Bên cạnh đời sống hưởng thụ khoái lạc ở La mã, vốn bị các tác giả châm biếm thời xưa tố giác, phần lớn các cư dân của đế quốc vấn sống theo những phong tục gia đình – vốn là những qui ước cổ kính, và là nền tảng căn bản cần thiết cho sự sống còn của họ, trong khi đó, họ vẫn hưởng thụ được những hội hè công cộng của các đô thị lớn lân cận. Tuy nhiên, ngoài những nghi lễ chính thức và công cộng thờ các thần Hy lạp, mọi tầng lớp xã hội còn tìm được nguồn nâng đỡ trong những nghi lễ cởi mở và thân mật thuộc các giáo phái Ai cập, Syrie và Babylone. Các lễ nghi này cản ngăn cách giữa Hy lạp và không Hy lạp, La mã và các tỉnh.
Trong nhiều đô thị Hy lạp, việc di dân rõ ràng đã tạo nên những nhóm kiều bào Do thái có thế lực, sống theo sách Thánh và tụ họp thành những cộng đoàn được các kỳ mục lãnh đạo. Những kiều dân chỉ được dung thứ “một cách vừa phải” bởi dân cư Hy lạp là những người vốn coi cách sống kiều dân như xa lạ và khó hoà đồng. Các nhà cầm quyền đô thị đã phá huỷ những tổ chức Do thái bằng những cuộc bách hại bộc phát. Tuy nhiên, chính quyền La mã lại đặc biệt bảo vệ các tổ chức đó. Những nhà trí thức Hy lạp, dù không hoà nhập được với phong tục Do thái, nhưng dần dần cũng phải thừa nhận tính cách khắt khe của độc thần Do thái giáo. Các cuộc trở lại đạo của những người Hy lạp đã được ghi nhận và dân Do thái sống ở Ai cập có một vai trò rất quan trọng. Một xã hội, trong đó “những người Do thái và Hy lạp” – như kiểu nói của sách Công vụ – chia sẻ cùng một đời sống, diễn tả một “đất phúc” thuận lợi cho việc tăng triển của một hình thức Do thái mới. Những kiều bào Do thái mang lại những nền tảng rất thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động Kitô giáo trên khắp các miền Đông phương – và ngay cả La mã, trong khi đó sự lan truyền của Do thái giáo giữa lòng xã hội đã dọn đường cho một độc thần giáo thoát khỏi tập quán Do thái giáo truyền thống và mệt mỏi, chẳng hạn việc cắt bì, ngày sabbat, những thức ăn kiêng là những điều từng làm cho mọi người ngoại giáo ác cảm.
Hệ thống xã hội thay đổi này bắt buộc phải nhận cách tổ chức xã hội của La mã, được thể hiện trong tổ chức mỗi tỉnh gồm một người lãnh đạo và ba hay bốn phụ tá thuộc tầng lớp thượng lưu mang trọng trách phân xử và kiểm soát thuế được, được một văn phòng các ký lục hỗ trợ trong thủ phủ của tỉnh. Chính quyền La mã bắt buộc thần dân các tỉnh đóng thuế và thi hành quân dịch trong đội quân dự bị. Sau 25 năm quân dịch, những người này được nhận quyền công dân La mã cho bản thân và gia đình. Ngược lại, các nhà quí tộc cùng nhận địa vị công dân La mã tương tự bằng việc phục vụ trong đô thị. Pháp luật luôn dành một ưu tiên nào đó kèm theo những lợi ích đặc biệt cho công dân La mã, – nhưng giá trị tích cực của điều này còn tuỳ vào năng lực của các cá nhân.
Những người tham vọng có thể giành được những chức vụ chỉ huy trong quân đội La mã, rồi dần dần được thăng cấp vào việc phục vụ đế quốc; thường thường con cái họ trở thành các nghị viện La mã. Như thế, xuất hiện một đẳng cấp quốc tế gồm những người mà sự nghiệp của họ vượt ra ngoài nền chính trị dân sự mà đi vào tận trong những tầng lớp cao cấp của chính thể La mã. Trong số những dân tỉnh thành có địa vị công dân La mã, chẳng hạn như thân sinh của thánh Phaolô ở Tarse, người ta thấy xuất hiện một nhóm quan trọng gồm những kiều dân chính thức hay dòng dõi của họ, có địa vị công dân La mã ở Ý, đất mẹ của dân La mã. Những người này đi theo một vài cộng đoàn kiều dân có tổ chức, được thành lập ngay từ ban đầu bởi những quân nhân đã giải ngũ thuộc các tỉnh phía Đông, chẳng hạn như Beyrouth ở Syrie, Philippes và Corinthe ở Hy lạp. Tuy không chiếm ưu thế hơn nhưng nền văn hóa của họ góp phần vào việc hoàn tất những yếu tố La mã hoá khác nhau. Từ đó phát sinh một cảm thức bị phụ thuộc vào một tổ chức thống nhất mà trung tâm là La mã và đứng đầu là hoàng đế. Không kể những khó khăn mà người ta cảm thấy khi phải xác định cường độ hay phẩm chất của điều nói trên, cảm thức đó phát xuất từ những giáo huấn của thánh Giacôbê “hãy kính trọng nhà vua”. Tuy nhiên, đối với mọi cá nhân, trừ một số ít được đặc ân gia nhập vào guồng máy hành chính La mã, thì thứ bậc La mã và quyền thị dân vốn đi liền theo đó chỉ có tầm quan trọng thứ yếu đối với đời sống cộng đồng, trong đó họ sống và làm việc. Nhưng những sai lầm trong cách cai trị có thể gây ra những thái độ khác nhau. Trong xã hội Hy lạp có văn hóa đã có nhiều bất mãn ngầm chống lại sự thô vụng nhất thời của nhà cầm quyền La mã. Những tầng lớp thượng lưu của Alexandrie cảm thấy oán hận vì phải thần phục người La mã, và những người dân Celtes ở phương bắc cũng như dân cư ở Judee đôi khi đã nổi loạn công khai. Tuy nhiên, cách chung, xã hội ở tỉnh không bị thống trị hình như đã biết phân biệt giữa sự nghiêm khắc của những viên chức địa phương với sự rộng lượng của hoàng đế mà họ dễ dàng nại tới để giải quyết các vụ việc.
Hơn nữa, nền thống trị La mã có một tầm quan trọng về phương diện trí thức. Cách chung La mã không đóng góp gì cho đời sống của các tỉnh Đông phương, vì nền văn hoá riêng của nó bắt nguồn sâu xa trong văn hoá Hy lạp. Nhưng La mã đẫ đề ra một khía cạnh độc đáo trong lãnh vực luật dân sự và pháp luật học, đó là việc áp dụng hợp lí những luật lệ để giải quyết những phức tạp lớn và những trường hợp liên quan đến giai cấp xã hội, quyền tư hữu và thái độ xã hội. Những nhà cầm quyền La mã đã áp dụng luật lệ địa phương trong những cộng đồng ở các tỉnh: người ta lại đến những trạng sư và những luật gia có tiếng là thành thạo. Điều này cho phép mở những trường học địa phương dành cho việc thành lập môn luật học La mã và cho việc đào tạo các trạng sư của các tỉnh. Khoa luật học La mã thâm nhập trong các tỉnh Đông phương và một vài luật gia nổi tiếng nhất La mã cũng có nguồn gốc Hy lạp Đông phương. Từ đó, trong những thế kỷ thứ I và thứ hai sau công nguyên, sinh hoạt trí thức của Đông phương không những gồm tu từ học và triết học Hy lạp, mà còn có luật học La mã với những ý niệm về quy ước luật pháp và giải nghi học. Điều này củng cố mẫu mực được đề ra do kiểu cai trị dân sự và các tỉnh, đồng thời ủng hộ cho cách tổ chức trong đời sống Giáo hội, đặt lên trên mệnh lệnh và kỷ luật. Cũng từ đó hình thành nên một bộ giáo luật phức tpạ và lược đồ mang tính chất định chế rõ nét trong đời sống Giáo hội và kỷ luật xã hội.
Có một miền sử dụng ngôn ngữ La tinh đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Giáo hội sơ khai, đối lại với ảnh hưởng Hy lạp, đó là Phi châu La mã (gồm Tunisie và Algêrie ở phía Đông). Ở đây, văn chương La tinh và văn minh La mã dựa trên hệ thống đô thị Ý, được thiết lập do cuộc thực dân rộng lớn của Ý – La mã và sự đồng hoá nhanh chóng đối với dân bản xứ có nguồn gốc Ấn – Âu vốn là một dân tộc, trong quá khứ, đã thấm nhiệm những yếu tố văn minh Sêmit trong suốt một thời kỳ dài của nền thống trị Carthage (600 – 146 trước công nguyên). Phi châu là một miền gồm những đô thị và những làng nhỏ dần dần đón nhận những thứ bậc và phong tục giống như những đô thị Ý, đến nỗi theo các nhà chuyên môn, Phi châu đã trở nên một miền thuộc La mã. Trong khi ở phía Đông, chỉ có những cá nhân mới mua được đẳng cấp La mã, thì, ở Phi châu, đa số các làng mạc đều chịu ảnh hưởng La tinh và La mã về mọi mặt. Từ đó phát sinh ngay một cảm thức về sự đồng nhất với La mã. Chính vì thế mà vào năm 200 sau Chúa giáng sinh, Tertullien đã có thể khẳng định rằng: các Kitô hữu Phi châu là người La mã, và sau đó, thánh Augustin đã áp dụng cách hoàn toàn tự nhiên ý nghĩa loại suy giữa đế quốc La mã với thành đô Thiên Chúa.