Chúa Thánh Thần Trong Đời Sống Kitô Hữu (1)

0
3553


Học Viện Đaminh

DẪN NHẬP

Có thể nói, trong những năm gần đây, Hội Thánh mời gọi mọi Kitô hữu cùng học hỏi, suy niệm và sống lời tuyên xưng về Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Hội Thánh muốn làm nổi bật sự hiện diện và vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc thực thi ơn cứu độ của Thiên Chúa. Mặt khác, Hội Thánh cũng muốn làm cho mọi người mở lòng ra để Chúa Thánh Thần soi dẫn. Trong thực tế, từ xưa cho đến nay, chúng ta thấy rất ít tài liệu của các nhà thần học trình bày về các hoạt động của Chúa Thánh Thần cách rõ ràng và sống động, ngay cả nền thần học Tây phương cũng dành một chỗ rất khiêm tốn để nói đến các công trình của Ngài. Cho nên, nhiều người Kitô hữu hầu như vẫn chưa hiểu biết nhiều về vai trò Chúa Thánh Thần. Vì vậy, họ có vẻ xa lạ với Chúa Thánh Thần và hầu như chỉ biết có Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần nhưng chưa hiểu biết các công trình cũng như hoạt động của Ngài và Ngài có giúp gì cho đời sống người Kitô hữu hay không. Xem ra sự hiện diện của Ngài quá tế nhị, nhẹ nhàng, và chúng ta có cảm tưởng Ngài là vị Thiên Chúa bị quên lãng giữa Ba Ngôi.

Quả thực, người tín hữu chúng ta đôi khi không ý thức được Chúa Thánh Thần đang hiện diện, sống trong mình như hơi thở và thôi thúc chúng ta làm điều thiện, ban những ơn cần thiết để chúng ta chu toàn bổn phận, và chính Ngài làm cho chúng ta kết hợp thâm sâu với Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, qua những trang viết về “CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU” dưới đây, tổ thuyết trình muốn gây ý thức rằng: Chúa Thánh Thần là quà tặng của Thiên Chúa ban cho các Kitô hữu; đời sống của người Kitô hữu là sống trong ơn của Chúa Thánh Thần; đồng thời chúng ta cần biết mở rộng lòng mình để đón nhận các ơn của Ngài, và hãy để Ngài dẫn dắt chúng ta hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu của đời sống người Kitô hữu.

I. THÁNH THẦN – QUÀ TẶNG CỦA THIÊN CHÚA CHO CÁC KITÔ HỮU

1. Thánh Thần được hứa ban

a. Đức Giêsu hứa ban[1]

Đức Giêsu đã đảm bảo cho các môn đệ rằng Người sẽ sai tới họ Đấng Cha đã hứa. Như trong Tin mừng Luca, Đức Giêsu nói rằng: “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49); và trong sách Công vụ Tông đồ, thánh sử Luca cũng viết: “Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Đức Giêsu rằng: Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không? Người đáp: Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em” (Cv 1,6-8).[2]

Đặc biệt trong Tin mừng thứ tư, Đức Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ một cách rõ ràng hơn: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,15-17).

Lời hứa ban Đấng Paráclê[3] (Thánh Thần) nằm trong bối cảnh các môn đệ đang bị khủng hoảng vì sự ra đi của Đức Giêsu và đang xao xuyến sợ hãi trước thế gian thù ghét (14,1.27).[4] Việc “ở lại” của Đấng Paráclê nơi các môn đệ đã được tác giả Tin Mừng thứ tư trình bày rõ trong đoạn văn Ga 14,16-17 qua ba giới từ “meta,”[5] (me-ta: với), “para,”[6] (pa-ra: giữa) và “evn”[7] (en: trong) và động từ “me,nw”[8] (me-nô: ở lại) để nhấn mạnh tầm quan trọng việc “ở lại” mãi mãi của “Đấng Paráclê” trong cộng đoàn các môn đệ cũng như từng người tin qua mọi thời đại.[9]

b. Điều kiện để đón nhận[10]

Thế nhưng, để có thể đón nhận Đấng Paráclê, các môn đệ phải hội đủ những điều kiện: Theo mạch văn Ga 14,15-17 và Ga 16,7-11, tác giả đưa ra hai điều kiện. Về phía các môn đệ: Nếu các môn đệ “yêu mến Đức Giêsu” và “giữ các điều răn của Ngài” (Ga 14,15) thì Người sẽ can thiệp với Cha để Cha ban Đấng Pa-rác-lê cho họ. Về phía Đức Giêsu: Chỉ khi nào Đức Giêsu ra đi thì Đấng Paráclê mới đến với các môn đệ (Ga 16,7).[11] Hay qua cái chết trên thập giá của Đức Giêsu, Người đi về cùng Cha và Ngài sẽ gởi Đấng Paráclê đến với các ông.

2. Thánh Thần được trao ban[12]

Sau khi Đức Giêsu đi vào cuộc tử nạn, các tông đồ trở nên hoang mang, sợ sệt, đang tụ họp trong nhà Tiệc ly, thì chiều ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các ông, trấn an họ bằng việc ban bình an và cho các ông xem tay và cạnh sườn Người, và thổi hơi trao ban Thánh Thần cho các ông và nói: “Anh em hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần” (Ga 20,19-23).

Và 50 ngày sau, vào sáng ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ đang hội nhau lại trong nhà Tiệc ly và cùng cầu nguyện với Đức Maria, thân mẫu Đức Giêsu, để ban cho họ những đặc sủng của Ngài để họ mạnh dạn đi loan báo Tin mừng và xây dựng Giáo hội (Cv 2,1-4). “Ai nấy đều được ơn Thánh Thần và họ bắt đầu nói các thứ tiếng, tuỳ theo khả năng của Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4).

Thực ra, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ ngay khi Ngài hiện ra lần thứ nhất tại nhà Tiệc ly vào buổi chiều hôm Phục sinh. Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội ai, thì người ấy được tha, các con cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Còn ngày lễ Ngũ tuần chỉ là dịp Đức Giêsu ban Thánh Thần cho các ông một cách đặc biệt, với đặc sủng ngôn ngữ (Cv 2,4), đồng thời cũng là dịp giới thiệu Giáo hội cho muôn dân và chính thức sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

Khi nói đến việc Chúa Thánh Thần được trao ban cho các tín hữu, thánh Phaolô nói rằng Thần Khí “ngự” (Rm 8,9.11) hoặc “ngụ trong” (2Tm 1,14) mỗi Kitô hữu, bởi vì Người được “cử đến” (Gl 4,6; 1Pr 1,12) như một Đấng nào đó. Thư gửi tín hữu Êphêxô thậm chí còn cổ vũ người Kitô phải “thấm nhuần Thần Khí” tương tự như lúc họ say sưa vì rượu vậy (5,18), như thể đó là điều gì đó mà người Kitô phải có (Rm 8,9; 1Cr 7,40). Nhìn từ nhãn giới của Thiên Chúa, Thần Khí được “trao ban” (Rm 5,5; 2Cr 1,22), được “đổ tràn” như một chất lỏng (Cv 2,17; 1Cr 12,13; v.v.), được “ban xuống” (Gl 3,5) như một quà tặng.

Nói tóm lại, trước sự khủng hoảng của các môn đệ, Đức Giê-su đã hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ. Và sau khi Phục sinh và trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được sai đến với các môn đệ với điều kiện họ phải yêu mến Đức Giêsu và giữa các giới răn của Người. Chúa Thánh Thần không chỉ được ban cho các môn đệ nhưng cho tất cả những ai hội đủ những điều kiện ấy. Quả thật, đây là một quà tặng nhưng không của Thiên Chúa được ban cho các Ki-tô hữu.

II. TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN ĐỐI VỚI KITÔ HỮU

1. Thánh Thần hằng ở trong anh em

a. Thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần và Người ngự trong anh em (1Cr 3,16; Rm 8,9.11)

Trong Kinh Thánh, Thần Khí được ví như là hơi thở, là sự sống xuất hiện ngay từ khi vũ trụ được tạo thành. “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2). Chính nhờ Thần Khí, con người đầu tiên trở thành sinh vật có sự sống. Khi dựng nên Ađam, Thiên Chúa đã thở hơi vào thân xác bất động vừa được nhào nặn từ bùn đất, lập tức thân xác ấy sống động (St 2,7). Đối với Thiên Chúa, hơi thở của Ngài là một biểu tượng khả giác về sự hiện diện và quyền năng của Ngài, quyền mà Thiên Chúa dùng để phát ra lời được biểu hiện trong hơi thở. Hơi thở của Ngài là “nguồn” của mọi loài. Chúng sống được là nhờ sinh khí của Ngài (St 2,7; 6,17; Hc 3,9-21).[13]

Khi nói Thiên Chúa gửi Thần Khí của Ngài đến ngự trong lòng tín hữu, có ý ám chỉ chiều kích thâm sâu nơi mỗi con người được đánh động và được biến đổi. Do đó các tín hữu trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần. Như thánh Phaolô đã khẳng định: “Nào anh em đã chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em đó sao?” (1Cr 3,16). Như vậy, thân xác chúng ta là nơi Thiên Chúa cư ngụ vì đã được Chúa Thánh Thần thánh hóa, tẩy trừ những nhơ uế do tính xác thịt gây ra. Thân xác trở nên tinh tuyền thánh thiện xứng đáng là ngôi đền cho Thiên Chúa ngự. Thánh Thần được trao ban cho chúng ta, Thánh Thần đổ tràn đầy trong lòng chúng ta và chúng ta đón nhận Ngài như của đầu mùa, làm cho chúng ta trở nên thân mình của Đức Kitô.

Nói cách khác, Thánh Thần đưa chúng ta đến đồng nhất với Đức Kitô: “chúng ta có Thánh Thần chúng ta thuộc về Đức Kitô” (Rm 8,9). Vì thế, thân xác không phải là thứ ngục tù, xấu xa và đáng khinh bỉ. Nhưng ngược lại, thân xác ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và “Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em” (1Cr 6,20), cái giá đó chính là máu Đức Kitô và được Chúa Thánh Thần làm cho trong sạch và tươi trẻ để trở nên đền thánh nơi Thiên Chúa ngự, là chi thể trong thân mình của Đức Kitô là Giáo Hội (1Cr 6,15.19).

Về vấn đề tôn trọng thân xác, Công đồng Vaticanô II cũng khẳng định rằng:

Con người duy nhất với xác và hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế, nhờ con người, những yếu tố đó đạt đến tuyệt đỉnh của chúng và tự do dâng lời ca tụng lên Đấng Tạo Hóa. Vậy con người không được khinh miệt đời sống thể xác. Nhưng trái lại con người phải coi thân xác mình là tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Chúa tạo dựng và phải sống lại trong ngày sau hết… chính phẩm giá con người đòi hỏi con người ca tụng Thiên Chúa nơi thân xác mình chứ đừng để cho thân xác ấy nô lệ cho những xu hướng xấu xa của lòng mình.[14]

b. Thần Khí là Đấng soi sáng và khai mở

Thánh Phaolô nói rằng: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người ngự trong anh em, mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).

Trong hành trình tiến về nhà Cha có những lúc người Kitô hữu lạc hướng, mờ tối, vì thế cần sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để họ đi đúng hướng. Đó cũng chính là sứ mạng của Chúa Thánh Thần. Nếu người tín hữu bước theo sự hướng dẫn của Ngài thì sẽ đến được bến bờ bình yên. Dưới sự soi sáng của Thần Khí giúp, người tín hữu nhận ra đâu là thánh ý của Thiên Chúa, đâu là ý riêng của của con người. Thánh Thần giúp người tín hữu nhạy cảm với những giá trị thiêng liêng mà tự họ không thể nhận ra được. Ngài hướng người đến chân lý một cách đầy đủ và toàn vẹn hơn. Thánh Thần cũng dạy người tín hữu cách cư xử với anh em mình như lòng Chúa mong muốn.[15]

Hơn nữa, Chúa Thánh Thần còn là ân sủng đi vào tâm hồn con người. Trước hết và trên hết, Chúa Thánh Thần biểu lộ chính Ngài giúp người tín hữu trong sự yếu đuối của họ. Vì Ngài chính là ngọn lửa phá tan đi những tảng băng của hoài nghi, của thất vọng, của tranh giành quyền lực, của nghi kỵ, của hận thù và chia rẽ giữa con người với con người; Ngài chính là ngọn lửa sưởi ấm những tâm hồn băng giá, nguội lạnh và khô khan, những tâm hồn nghèo hèn và đau khổ; Ngài chính là ngọn lửa thiêu cháy những ngôn ngữ, chữ viết xúc phạm và phỉ báng Thiên Chúa, những lý lẽ lạc xa chân lý; Ngài hướng dẫn người tín hữu thực thi giới răn của Thiên Chúa một cách chu toàn và Ngài là Thầy dạy họ am hiểu Kinh Thánh một cách chuẩn mực nhất. Cuối cùng Ngài chính là Đấng kiến tạo sự Bình An và Hiệp Nhất.

c. Thánh Thần đến củng cố “con người nội tâm”[16]

Dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, con người nội tâm, tức là “thần thiêng” (spirituel), trưởng thành và thêm mạnh mẽ. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới biết rõ sự thật về con người. Trong Chúa Thánh thần, Đấng là hồng ân vĩnh cửu, Thiên Chúa khai mở cho con người, và hơi thở thầm kín của Chúa Thánh Thần lại làm cho tinh thần con người mở ra với Thiên Chúa, Đấng đã tự khai mở cho con người để cứu độ và thánh hóa con người. Chính vì vậy, Chúa Thánh Thần là Đấng đang sống trong mỗi người. Ngài không chỉ hiện hữu và giúp người tín hữu trong đời sống thể lý, mà còn hoạt động và giúp mỗi người cảm nhận sự sống thiêng liêng của Thiên Chúa. Chính nhờ Thần Khí mà người Kitô hữu mới hiểu được Thiên Chúa: “Khi Đấng bảo trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26).

Và cũng chính nhờ mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần, con người hiểu mình, hiểu chính nhân tính của mình. Vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự thật này cần được liên tục tái khám phá dưới ánh sáng của Đức Kitô, là khuôn mẫu cho mối tương quan với Thiên Chúa. Là hình ảnh của vị Thiên Chúa luôn trao ban, con người chỉ nhận được chính mình và hoàn thành bản thân khi biết tự trao ban và hiệp thông với người khác. Sự trưởng thành của con người bên trong bao hàm sự khám phá đầy đủ ý nghĩa của nhân tính. Khi thông ban cho con người trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa biến đổi thế giới của con người từ bên trong nơi trái tim con người.

Trong sứ điệp gửi các bạn trẻ nhân ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXIII tại Sydney – Úc  năm 2008, Đức Thánh Cha Benêđictô XVI nói rằng:

Quả thật, Chúa Thánh Thần, thần khí tình yêu của Cha và Con, là nguồn mạch sự sống thánh hóa chúng ta, “vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tuy nhiên, biết Thần Khí không thì chưa đủ; chúng ta phải đón tiếp Người như người hướng dẫn linh hồn chúng ta, như “Vị Thầy nội tâm”, Đấng đưa chúng ta vào Mầu nhiệm Ba Ngôi, bởi vì chỉ mình Người có thể mở lòng chúng ta đón nhận đức tin và cho phép chúng ta sống đức tin tròn đầy mỗi ngày. Chính Người thúc đẩy chúng ta đi đến với tha nhân, thắp lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu và làm chúng ta nên những người loan báo cho tình thương của Thiên Chúa.[17]

d. Chúa Thánh Thần cầu thay nguyện giúp

Thiên Chúa đã tuôn đổ Thánh Thần của Người trong lòng các Kitô hữu. Ngài trở thành lời cầu nguyện thay cho họ trước mặt Thiên Chúa vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Ngài cầu nguyện trong và cho người tín hữu: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Ápba, Cha ơi!” (Gl 4,6; x. Rm 8,16). Ở đây chính nhờ tác động của Thánh Thần mà xảy ra việc người Kitô hữu trở nên đồng thừa tự với Đức Kitô khi gọi Thiên Chúa là Cha của mình. Như thế, qua lời cầu nguyện của Chúa Thánh Thần phát xuất từ tâm can người Kitô hữu lời của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần nối kết người tín hữu với Thiên Chúa.

Hơn nữa, Chúa Thánh Thần vừa là lời ca ngợi vừa là động lực thúc đẩy con người hướng lòng lên Thiên Chúa vì tất cả “những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng” đều nhằm ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa (Ep 5,18-20; Cl 3,16-17).  Những lời ca ngợi này là lời của thụ tạo dâng lên Đấng Tạo Hóa, lời phàm nhân dâng lên Thiên Chúa tối cao, lời của người con thưa với Cha của mình, chính những lời ca ngợi của người tín hữu đem lại cho họ ơn cứu độ và hồng ân cao cả.[18] “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26).

Cuộc sống hàng ngày của mỗi người Kitô hữu tuy có những khác biệt về hoàn cảnh sống, lúc vui lúc buồn, lúc thành công lúc thất bại…, nhưng chung qui đời sống của họ là kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi bằng lời cầu nguyện và bằng chính cuộc sống chứng tá của mình. Chúa Thánh Thần làm cho người Kitô hữu trở về và sống đúng với căn tính của mình. Căn tính của họ là hiệp thông với Thiên Chúa bằng chính lời cầu nguyện. Họ được kêu gọi đến với Thiên Chúa là “Cha”, đồng thời hiệp thông với mọi người và thực hiện các đòi hỏi của đức tin trong tình nghĩa anh em tương ái lẫn nhau. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 2672) dạy rằng có bao nhiêu người cầu nguyện thì có bấy nhiêu cách cầu nguyện, nhưng chỉ có một Thánh Thần, Đấng tác động trong mọi người và cùng với mọi người. Được thông hiệp nhờ Chúa Thánh Thần, khi người Kitô hữu cầu nguyện, họ được cầu nguyện trong Đức Kitô.[19]

2. Thánh Thần là Đấng ban sự sống

Khi mới chào đời, yếu tố cần thiết nhất cho cuộc sống con người là hơi thở. Một khi không thở được, lập tức đứa trẻ chết ngay và người ta gọi nó là đứa chết ngạt. Nó sẽ không có khai sinh, không có tên gọi và bị xem như không hiện hữu trên đời. Chính nhờ hơi thở mà người ta phân biệt người sống với người chết.

Hơi thở cũng giống như các bí tích là sự sống của người Kitô hữu vì đời sống của họ bắt đầu bằng các bí tích và kết thúc bằng bí tích. Qua các bí tích, Chúa Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ trong đời sống người Kitô hữu. Nhờ mầu nhiệm tử nạn Phục Sinh của Đức Kitô, con người được đồng hóa với bản tính Thiên Chúa trở nên con của Ngài. Nơi mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần được mạc khải như là Đấng ban sự sống. Nhân danh mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, Giáo hội loan báo sự sống và đồng thời loan báo Đấng ban sự sống, trong sự hiệp thông mật thiết với Chúa Thánh Thần và khiêm tốn phục vụ Ngài.[20]

Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, con người khám phá ra chiều kích thần linh của mình để có thể thoát khỏi những ràng buộc xuất phát từ việc tuyệt đối hóa vật chất. Nhờ Chúa Thánh Thần, con người mới hoàn thành người trọn vẹn và có thể sống trong tự do của con cái Chúa. Dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, con người thần thiêng trưởng thành và thêm mạnh mẽ. Chỉ Chúa Thánh Thần mới biết rõ sự thật về con người. Trong Chúa Thánh Thần, Đấng là hồng ân vĩnh cửu, Thiên Chúa khai mở cho con người, cho tinh thần con người đồng thời hơi thở thầm kín của Chúa Thánh Thần lại làm cho tinh thần con người mở ra với Thiên Chúa, Đấng đã tự khai mở cho con người để cứu độ và thánh hóa con người.[21]

a. Thần Khí tái sinh[22]

Mọi người kể cả những người được coi là công chính, đều cần có sự sống mới, sự sống thần linh. Sự sống do Ađam không đủ, vì đó là sự sống cũ đưa tới cái chết. Sự đổi thay trên bình diện tự nhiên không đủ để mang lại ơn cứu độ. Con người cần phải tái sinh và đó là công việc của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu khẳng định với Nicôđêmô: “Ai không sinh bởi nước và Thần Khí, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa” (Ga 3,5-6).

Trong thư Rôma, thánh Phaolô mô tả tình trạng hư mất của con người rõ ràng và sống động hơn cả. Trạng thái ấy là một trạng thái vô vọng (Rm 1,23; 3,9.18). Con người không thể thay đổi tình trạng đó nên Thiên Chúa phải can thiệp để cứu chữa và thay đổi tận gốc lòng dạ con người. Sự thay đổi tận gốc tâm hồn con người là sự thay đổi sâu xa và toàn diện, giống như tái sinh cho một đời sống mới. Qua bí tích Rửa tội, người Kitô hữu được sinh ra cho sự sống mới bởi nước và Thần Khí (Ga 3,5). Sự tái sinh này làm cho con người không còn thuộc lãnh vực xác phàm nữa, mà thuộc lãnh vực Thần Khí: “Sự gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, và sự gì sinh bởi Thần Khí là Thần Khí” (Ga 3,6).

Qua Phép rửa, với nước (chất thể) và Thần Khí (Thiên Chúa), người Kitô được tái sinh để mặc lấy một thể dạng hiện hữu mà truyền thống thiêng liêng gọi là “Thần Khí – thiêng liêng” hoặc “thần nhân,” tức là dạng cách hiện hữu bao hàm cả yếu tố thần linh lẫn nhân loại. Thánh Gioan đã làm nổi bật khi cho rằng: “phàm ai được Thiên Chúa sinh ra thì không phạm tội, vì mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 3,9); còn thánh Phaolô thì quả quyết như sau: qua Phép rửa, người tín hữu được dìm vào cái chết của Đức Kitô để cũng được sống lại như Ngài, và nhờ đó, có khả năng “sống một đời sống mới” (Rm 6,4); nói cách khác, “những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” và – nếu đã là như vậy, thì – “đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tị nhau” (Gl 5,24-26).[23] Bởi thế, có sinh bởi Thần Khí mới được vào Nước Thiên Chúa, vì đó không phải là nước thế gian mà là Nước Trời thuộc lãnh vực thần thiêng. Sự tái sinh này là một sự thay đổi tận gốc do Chúa Thánh Thần thực hiện. Chính Chúa Thánh Thần chuẩn bị và hoàn tất việc tái sinh này.

Công việc chuẩn bị của Chúa Thánh Thần là soi sáng và thuyết phục để con người nhận ra mình là kẻ có tội. Không ai có thể được cứu độ, nếu không nhận ra thân phận tội lỗi của mình. Nhờ  Chúa Thánh Thần, con người nhận ra mình cần ơn cứu độ, và tin tưởng hướng tâm hồn lên Đức Kitô Cứu Thế. Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là điều kiện cần thiết để được cứu, và niềm tin ấy là hoa quả của Thánh Thần (Ga 5,22; 1Cr 1,9). Con người có niềm tin viên mãn cũng là con người đầy Thánh Thần (Cv 6,5; 11,24). Sứ vụ của Thánh Thần là củng cố, làm cho niềm tin phát triển và trở nên viên mãn. Tiến trình tái sinh cũng là tiến trình canh tân đổi mới của Chúa Thánh Thần (Tt 3, 5). Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Con Thiên Chúa và là Ađam mới.

b. Thần Khí thánh hóa

Thánh hóa hay phát triển và nuôi dưỡng là công việc của Chúa Thánh Thần. Mỗi người Kitô hữu được mời gọi lớn lên trong ân sủng và hiểu biết hơn nữa về Đức Kitô, Chúa chúng ta và Đấng Cứu Thế (2 Pr 3,18). Thần học coi tác động thánh hóa như là “sứ mạng vô hình” chính yếu của Thánh Thần. Cha không thể được sai đi, nhưng lại đến cùng với Con, trong sức tác động của Thần Khí, bởi vì mọi hoạt động đều phát xuất từ tình yêu: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).[24]

Nếu Chúa Thánh Thần là sợi dây tình yêu của đời sống Ba Ngôi, thì Người cũng là trung tâm của toàn thể đời sống người Kitô hữu. Quả thế, Yves Congar cho thấy rằng qua phụng vụ, và các Bí tích, Chúa Thánh Thần bày tỏ vai trò của mình như là một người thực hiện, người thánh hóa, người hướng dẫn và cùng hành động với chúng ta, Ngài ban các ân sủng và quà tặng của Ngài cho chúng ta. Chúa Thánh Thần không xuất hiện như một Người “xa lạ” nhưng là Đấng cư ngụ, hành động và thánh hóa chúng ta (1Cr 3,16); một cách tuyệt vời theo cách nói của Thánh Agustinô, Người là Thiên Chúa “intimior intimo meo et superior summo meo” (mật thiết hơn cả chính con với con và vượt hẳn hơn chính con). Theo chiều hướng đó, J. Moltmann cũng nói: “Như thế, Thánh Thần của Thiên Chúa gần gũi với chúng ta hơn tất cả những gì mà chúng ta gần gũi với chính mình… Chúng ta biết rất ít về Chúa Thánh Thần bởi vì Người quá gần với chúng ta, chứ không phải là Người ở quá xa chúng ta”.[25]

Bên cạnh đó, chứng từ của Chúa Thánh Thần không là chứng từ bên ngoài, mà là chứng từ nội tâm. Bình an và lòng mến là hai dấu chỉ quan trọng nhất của chứng từ Thần Linh. Sự thay đổi con người cụ thể của chúng ta trong cuộc sống thường ngày là kết quả hoạt động của Chúa Thánh Thần bên trong. Thánh Thần được ví như Lửa, vì Ngài sưởi ấm tâm hồn chúng ta, làm cho trái tim chúng ta bừng cháy lửa yêu mến Thiên Chúa. Người soi sáng tâm trí chúng ta, xóa tan bóng tối do tội lỗi và ác thần. Người thanh tẩy đền thờ, làm cho sạch mọi rác rưởi và nhơ bẩn của con người cũ; Người trang hoàng và làm cho đền thờ xinh đẹp, xứng đáng một nơi thờ phượng Thiên Chúa. Người như ngọn lửa toàn thiêu, lan rộng và đốt cháy mọi nơi mọi chỗ trong con người ta. Nhờ Thánh Thần, chúng ta thiêu hủy, giết chết dục vọng của xác thịt; hằng ngày chúng ta phải chiến thắng các mãnh lực của con người cũ và chỉ có Chúa Thánh Thần mới bảo đảm chiến thắng trong từng ngày sống của chúng ta. Ngoài bình an và lòng mến là hai dấu chỉ quan trọng bên trong thì ấn tích cũng được quy gán cách đặc biệt cho Thần Khí. Bởi vì Thần Khí được gọi là “Đấng xức dầu” và “ấn tín”, nên ấn tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức thánh là những hiệu quả đặc biệt phát sinh từ sức tác động của Thánh Thần, Đấng “đóng ấn tín” lên các linh hồn qua một dạng cách hiện diện đặc thù. Có như thế thì khi tội nhân đánh mất ơn thánh sủng, ấn tích kia vẫn giúp giữ được một mối liên hệ với Thánh Thần, Đấng hằng ra sức thực hiện những tác động để cứu giúp tội nhân đó.[26]

Trong tác vụ thánh hóa, Chúa Thánh Thần cũng làm cho ta lớn lên và trở thành chứng tá của Chúa Kitô Phục Sinh: chúng ta dám chịu thử thách và bách hại khi bị những thế lực vô thần chống đối Tin Mừng và tìm cách bêu xấu; chúng ta cũng có thể chịu chết để làm chứng cho niềm tin vào Chúa Phục Sinh của chúng ta trong thế giới hôm nay.

c. Thần Khí làm cho chúng ta được vinh hiển

Ngoài việc tái sinh và thánh hoá chúng ta, Chúa Thánh Thần còn làm cho chúng ta được hưởng vinh quang bất diệt. Kinh Thánh diễn tả hoạt động này của Chúa Thánh Thần bằng nhiều thành ngữ khác nhau: chúng ta được niêm ấn bởi Thánh Thần (Ep 1,13-14; 2Cr 1,21-22); Chúa Thánh Thần phục sinh thân xác chúng ta và Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được vinh hiển. Chúng ta được ghi dấu ấn bởi Thánh Thần. Ấn tín là dấu hiệu bảo đảm được ghi khắc trên con người chúng ta, khiến Thiên Chúa Cha nhận chúng ta làm con cái, đồng thừa tự với Đức Giêsu. Ấn tín ấy là Chúa Thánh Thần trong tâm hồn chúng ta. Chúa Thánh Thần là nguồn mạch sự sống. Ngài là Thần Khí tác sinh (Ga 6,63). Ngài làm cho các bộ xương khô được phục hồi sự sống (Ed 37,1-14). Như Người đã Phục Sinh thân xác Đức Giêsu, Người sẽ phục sinh thân xác chúng ta (Rm 8,11). Ngày Đức Kitô trở lại, Chúa Thánh Thần sẽ lôi kéo chúng ta khỏi sự chết, phục sinh toàn diện con người chúng ta.

Thần khí vinh hiển là một danh hiệu có thể đọc thấy trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ: “Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1Pr 4,14).

Như vậy Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được vinh hiển. Người sẽ làm cho Đức Kitô được vinh hiển và thông báo cho các môn đệ tất cả những gì thuộc về Đức Kitô: “Ngài sẽ làm Ta được vinh hiển, vì Ngài sẽ lấy của Ta, mà thông báo cho các ngươi” (Ga 16,14). Như đã làm cho Đức Kitô được Phục Sinh vinh hiển, Chúa Thánh Thần cũng sẽ làm cho chúng ta được sống lại vinh quang. Trong Chúa Thánh Thần, con người và thân xác chúng ta không còn nô lệ sự hư nát, nhưng sẽ sáng láng vinh hiển, thông phần vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa Ba Ngôi (1Cr 15,42-45).

Nói tóm lại, không có Chúa Thánh Thần, chúng ta chẳng làm được gì. Nhờ Chúa Thánh Thần, cuộc đời của mỗi người Kitô hữu đồi thay đổi toàn diện. Những con người ham lợi, sợ hãi, chậm hiểu, chậm tin đã trở thành những chứng nhân nhiệt thành, tận tâm, vị tha, bất khuất. Thánh Thần làm người Kitô hữu hiểu mầu nhiệm Đức Giêsu, nghĩa là hiểu giáo huấn, sự nghiệp, bản thân Đức Giêsu. Ngài giúp chúng ta hiểu những điều Đức Giêsu đã dạy về Nước Thiên Chúa, về con đường trở nên toàn thiện, về ý nghĩa thập giá và phục sinh của Ngài. Thánh Thần còn đến ngự trong tâm hồn các Kitô hữu, nhờ đó tâm hồn được tràn đầy sự sống thần linh và trở thành đền thánh của Thiên Chúa.

3. Thánh Thần – Điều luật mới cho người Kitô hữu

Trong tác phẩm “Các sách Ngôn sứ”, tác giả Nguyễn Ngọc Rao trình bày rằng:

Luật xưa đã thành vô hiệu vì sự thất trung của Israel, nên không có sức hướng dẫn đời sống tôn giáo của dân Thiên Chúa nữa. Nó có quá nhiều luật lệ và nghi thức bên ngoài. Sự giữ luật cứ chữ và vụ nghi thức đã bóp nghẹt tinh thần, không khơi lên được trong thâm tâm người tín hữu sự tận hiến sâu thẳm và chân tình. Hơn nữa vì thiếu nguyên lý căn bản là ơn thánh, nên việc giữ luật như vậy là bất khả thi ( Rm 7,7-8; 8,3). Vì thế, Giêrêmia nhân danh Đức Chúa loan báo một giáo ước mới, một lề luật mới được ghi khắc vào trái tim con người thay vì giao ước cũ khắc ghi trên đá…[27]

Tân ước hiểu luật mới được khắc ghi vào trái tim người tín hữu đó chính là Thánh Thần. Quả vậy, Thần Khí là nguồn mạch của đời sống Kitô giáo, Thần Khí là chuẩn mực hướng dẫn đời sống Kitô hữu, bởi vì bản thân Ngài là lề luật Tân Ước.[28] Đây là luật “nội tại”: Thánh Thần chính là nội tâm của Thiên Chúa đã được đổ tràn trong  tâm lòng của các tín hữu. Thánh Gioan Tông đồ gọi là “dầu từ Đức Kitô và dầu của Đức Kitô”: “Phần anh em, dầu mà anh em lãnh nhận từ Ðức Kitô ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa. Nhưng vì dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự” (1Ga 2,27). Còn thánh Phaolô thúc giục các tín hữu: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25).[29] Quả vậy, Thiên Chúa ban Thánh Thần xuống lòng các tín hữu để Thánh Thần trở nên giới luật, trở nên tiêu chuẩn cho các tín hữu:[30] Luật tự do và yêu thương.

a. Thánh Thần – Luật tự do

Nhờ Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu được tự do vì “ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do (2Cr 3,17). Thật vậy, khi ban giới luật nội tâm bằng việc đổ tràn Thánh Thần của Ngài trong tâm hồn tín hữu, Thiên Chúa mời gọi họ khám phá ra chính mình trong sự tự do là  con cái của Ngài thay vì làm nô lệ cho sự yếu đuối của chính mình. Thánh Phaolô nhắc nhở: “thưa anh em, anh em đã được gọi để được hưởng tự do” (Gl 5,13).

Sự tự do này ở bên trong tâm hồn, nên không chỉ loại bỏ những bó buộc bên ngoài của luật cũ chi phối (x. Rm 7,6), mà còn có sức giải thoát con người khỏi những vướng mắc của tội lỗi. Tự do trong Thánh Thần không  phải muốn làm gì thì làm, nhưng phải làm theo điều Thiên Chúa muốn, đó là điều Kinh Thánh luôn khẳng định. Tự do trong Thần Khí giúp con người luôn hướng về Thiên Chúa với một ý chí tự do được giải thoát khỏi áp lực bên trong lẫn bên ngoài. Nhưng tự do nếu không có ân sủng thì cũng chỉ là một thứ tự do để thỏa mãn nhu cầu xác thịt và dục vọng. Đó là một thứ tự do trói buộc, một thứ tự do dẫn đến cái chết. Trong tác phẩm “Hiểu và sống mầu nhiệm Thánh Thần Thiên Chúa, tác giả F.X. Durrwell giải thích sự tự do này như sau:

Ai “bước đi theo Thần Khí”, Đấng tràn đầy trong tâm lòng họ, chẳng qua là vâng phục một quy luật của chính trái tim họ. Vẫn biết người ấy làm theo một ý “Người Khác”, theo thánh ý Thiên Chúa, nhưng “Người Khác” ấy lại ở trong thâm tâm họ, vì Chính là nỗi khát vọng của con người. Tựu trung là họ làm điều mình thích. Vì luật nội tại ấy là sức mạnh, nó giải thoát người Kitô hữu khỏi những lực lượng thù địch và khỏi sự yếu đuối của chính mình trong đó họ bị tù hãm. Không ai tự do cho bằng người mà tất cả bổn phận quy về có một việc: làm theo lòng mình ao ước và có đủ sức để làm.[31] Khi lề luật đồng nhất với Thánh Thần, mà Thánh Thần vốn là tự do thì việc suy phục lề luật và sự tự do cũng như nhau.[32]

Để hiểu được sự cao quý của luật tự do, ta có thể so sánh hai góc độ khác nhau của hai Giao ước, hai Điều luật.[33]

– Đối với người Do Thái của giao ước cũ, tự do gắn liền với Lề Luật: Tự do là nhờ Lề Luật. Điều này được một thầy rabbi Dothái giải thích khi ông giới thiệu tự do của dân liên quan đến lễ Vượt Qua: “Sự việc giống như một nhà vua kia giải thoát người con mình khỏi ngục tù, rồi nói với nó: Kể từ hôm nay, hằng năm con hãy cử hành một ngày lễ; ngày đó là ngày con ta từ vực sâu tối tăm được dẫn đến sự sáng; từ xiềng xích gông cùm được dẫn đến sự sống; từ kiếp nô lệ đến đời sống tự do; từ cuộc sống bị áp bức đến ơn cứu độ”.

Cũng vậy, Thiên Chúa đã giải thoát dân Israel khỏi tù ngục, khỏi cảnh nô lệ để cho họ được tự do: “Hạng tù đày, Người trả lại tự do hạnh phúc” (Tv 68,7), “Người ra tay cứu họ thoát ngàn nỗi gian truân:  đưa ra khỏi cảnh tối tăm mù mịt và đập tan xiềng xích gông cùm” (Tv 107,14). Họ được tự do vì họ được làm con của Thiên Chúa và được sống dưới Lề Luật của Thiên Chúa thay vì sống dưới ách gông cùm: Anh em là những người con của Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Đnl 14,1) và “Ông Mô-sê lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: Tất cả những gì Ðức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hànhtuân theo” (Xh 24,8). Như vậy, dân của Giao ước cũ cũng ý thức họ là con của Thiên Chúa, được Thiên Chúa cho hưởng sự tự do dựa vào việc tuân giữ luật.

– Trong khi đó, đối với người được lãnh nhận Thần Khí, lãnh nhận Đức Giêsu Kitô trong tâm hồn mình, thánh Phaolô quả quyết: người đó sống trong Giao ước mới thực hiện trong Máu Đức Giêsu Kitô: Giờ đây, anh em thuộc về một người khác, tức là thuộc về Ðấng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết” (Rm 7,4).

Bởi thế, họ là Con cái của Thiên Chúa vì họ mang hình ảnh Thiên Chúa nhờ lãnh nhận và được tái sinh bởi Thần Khí của Đức Kitô. Từ đó, họ được đồng thừa tự với Đức Kitô (x. Rm 8,15; Gl 4,4-7) và được tự do. Tự do này không chỉ hệ tại đối với Lề Luật từ bên ngoài nhưng nay, chúng ta không còn bị Lề Luật ràng buộc nữa” (Rm 7,6), mà còn được tha thứ khỏi mọi tội lỗi. Vì thế, thay vì ban Lề Luật, Thiên Chúa đã đổ Thần Khí của Người vào tâm khảm họ, cụ thể trong thư Rôma đã nói Luật của Thần Khí ban sự sống trong Ðức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8,2).

Vậy, nhờ Thánh Thần tác sinh, người tín hữu được hưởng tự do của con cái Thiên Chúa thì hãy để cho Thánh Thần hướng dẫn mà sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa (x. 1Tx 4,1).[34]

Sống đẹp lòng Thiên Chúa là sống yêu thương. Cho nên, luật tự do không tách rời với luật yêu thương.[35]

b. Thánh Thần – Luật yêu thương

Thánh Augustinô gọi Thánh Thần là “Đấng Yêu Thương, Đấng được yêu thương và Tình Yêu”.[36] Tân Ước thường xuyên nối kết, thậm chí đồng nhất hai từ ngữ Thánh ThầnTình yêu,[37] mặc dù đây không phải là gia tài của Cựu Ước. Tương quan này, tuy không hiển nhiên trong nhiều nhiều đoạn Kinh Thánh, nhưng chắc chắn có, vì phát xuất từ kinh nghiệm của đời sống Kitô giáo.[38]

Đoạn minh nhiên hơn cả là trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tuôn đổ là một thuật ngữ của Kinh Thánh thường được dùng để chỉ ân sủng hay Thánh Thần được ban cho các tín hữu một cách tràn trề. Nhờ Thánh Thần Thiên Chúa cũng là tình yêu của Thiên Chúa được ban cho các tín hữu làm cho họ “sẽ không phải thất vọng” (Rm 5,5). Sự hiện diện của Thánh Thần bảo đảm ơn cứu độ, mà hiện sủng chỉ là khai ân.[39]

Nhiều đoạn khác, tuy không minh nhiên bằng, nhưng cũng cho thấy rằng Tình Yêu là một sắc thái đặc biệt của Ngôi Vị Thánh Thần. Tín hữu Côlôxê được thánh Phaolô khen ngợi vì lòng mến của họ trong Thánh Thần (x. Cl 1,8). Gần như có một sự tương đương gần như đồng nghĩa giữa hai thành ngữ “trong Thánh Thần” và “trong Lòng Mến”. Các tín hữu sống trong Thánh Thần và trong Lòng Mến (Rm 8,4.14 và Ep 5,2; Rm 15,16 và Ep 1,4).[40]

Thánh Thần là một mãnh lực di chuyển hoạt bát trong tâm can các tín hữu (Rm 5,5; 2Cr 1,22), tận ở tâm điểm sâu thẳm mà con người được thai nghén cho tình yêu”.[41] Tất cả những gì thuộc lĩnh vực đức ái là do Thánh Thần. Thánh Thần không chỉ đối lập với xác thịt (Gl 5,17) như sức mạnh đối ngược với yếu đuối, mà còn là Tình Yêu, là sự cởi mở vô hạn đối với sự ích kỷ và “hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái” (Gl 5,17-23). Cho nên người tín hữu sống trong Thánh Thần là sống nhờ và sống “vì tình yêu của Thánh Thần” (Rm 15,30). Giáo hội kinh nghiệm mạnh mẽ rằng Đức Kitô đã biến lửa đỏ Thánh Thần thành hình ảnh tình yêu sôi bỏng, nên Giáo hội khẩn cầu Thánh Thần: “Xin Ngài đổ trên tâm can các tín hữu của Ngài, xin thắp lửa tình yêu Ngai trong họ”.[42]

Như vậy, “Agapê” là danh từ nòng cốt của nền luân lý Kitô giáo. Lòng mến là dấu tích của Thánh Thần trong các tâm hồn tín hữu, và cũng như Thánh Thần, lòng mến chứa đựng trọn cả lề luật: Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Hãy yêu mến…” (Gl 5,14; x. Rm 13,9). Lòng mến đúc kết tất cả sự trọn lành, vì nó là dấu ấn của Thánh Thần trong các tâm hồn. Điều này khiến cho Đức mến trở thành nguồn mạch mọi nhân đức: “Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7).

Luật yêu thương đồng thời cũng chính là “hạnh phúc. Tự nó đã là phần thưởng: ai yêu thương, người ấy không đòi hỏi gì hơn là cứ được yêu thương. Người Do Thái ví lề luật Môi sê với cái ách; Đức Giêsu tuyên bố ách của Ngài êm ái, gánh của Ngài nhẹ nhàng (Mt 11,29). Sức nặng của nề luật gọi là tình yêu, ôm mang lấy người Kitô hữu khi họ ôm mang lấy nó.[43]

4. Thánh Thần – mối dây hiệp nhất[44]

Công đồng Vaticanô II định rằng: “Thần Khí là nguyên lý hiệp thông”.[45] Điều này được Sách GLHTCG, số 738 giải thích: “Tất cả chúng ta đã lãnh nhận cùng một Thần Khí duy nhất là Thánh Thần, chúng ta hiệp nhất với nhau và với Thiên Chúa” (x. Rm 5,5).

a. Thánh Thần nối kết các Kitô hữu với Thiên Chúa[46]

Trong chương 8 thư gửi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô nhắc đến sự thật của đời sống tâm linh là sau khi được rửa tội, người Kitô hữu không những được rửa trong Thánh Thần mà còn được Thánh Thần hiện diện trong người ấy ( Rm 8,11) để gắn kết người ấy với Đức Kitô và làm cho họ thuộc về Đức Kitô, vì “Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô(Rm 8,9).

Thật vật, chính Chúa Thánh Thần làm cho các Kitô hữu hướng về Chúa Kitô, hiểu biết cuộc đời, giáo huấn và mầu nhiệm Chúa Kitô cách sâu xa. Chúa Thánh Thần dẫn đưa các Kitô hữu vào mối thân tình với Chúa Kitô bằng cách giúp họ lắng nghe, tin tưởng và muốn làm đẹp lòng Chúa Kitô và trở nên một với Chúa Kitô. Sự hiệp thông nên một này đã được Chúa Kitô nói đến bằng hình ảnh sống động: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho… Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,1-4). Những lời giản dị đó hé mở tính cách huyền nhiệm của sự hiệp thông giữa Chúa Giêsu và các môn đệ – những người được thanh tẩy – một sự hiệp thông tích cực và đem lại sự sống mà qua đó các Kitô hữu không còn thuộc về cá nhân mình nữa nhưng thuộc về chính Chúa,[47] như cành nho là một với cây nho mà sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo mô tả là “nên một Thân Thể”, trong đó “Chúa Thánh Thần như là nhựa sống cho cây nho của Chúa Cha, sinh hoa kể quả nơi các ngành nho”.[48] Hiệp thông nên một với Đức Kitô đến nỗi nói như thánh Tông Đồ: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).Nếu nhờ Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu được gắn kết nên một với Đức Kitô thì cũng nhờ Chúa Thánh Thần, họ được chia sẻ sự sống, gia nghiệp và vinh quang với Ngài, điều mà thánh Phaolô gọi là “được đồng thừa kế với Đức Kitô”. Đức Kitô là Con Thiên Chúa nên người tín hữu cũng được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa.

Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa… Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Ðức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người (Rm 8,14-17).

Như vậy, chính trong Đức Kitô, nhờ ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần, mà người Kitô hữu được hiệp thông với Chúa Cha,[49] và tham dự vào sự hiệp thông của Ba Ngôi.[50] Thánh Athanasiô viết: “Phần chúng tôi, nếu không có Thần Khí, chúng tôi trở nên xa lạ với Thiên Chúa và sống xa cách Người; trái lại, nếu chúng tôi dự phần vào Thần Khí, chúng tôi kết hợp với Thiên Chúa” (Diễn từ chống bè phái Ariô, III,24; Thư gửi Sarapion, I,14).[51]

Từ sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với Thiên Chúa lập tức tạo ra sự hiệp thông mà họ sống với nhau như “anh em”.[52] Sự nên một của các Kitô hữu là sự phản ánh và tham dự kỳ diệu vào đời sống yêu thương thắm thiết của Thiên Chúa Ba Ngôi, hay nói cách khác sự hiệp nhất của Chúa Con với Chúa Cha trong ân sủng Chúa Thánh Thần là mẫu mực và là nguồn mạch hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau trong Giáo hội. Thánh Cyprianô nói rằng: “Giáo hội là một dân được hiệp nhất lại nhờ sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần” (Kinh Lạy Cha, 23; x. LG 4). Trong đời sống thâm sâu và vĩnh cửu của Thiên Chúa Ba Ngôi, Thần Khí là mối giây hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con, thì cũng vậy, trong Giáo hội, Thần Khí là hồng ân khôn tả của Chúa Cha, hiệp nhất mọi người đã được thanh tẩy thành một thân thể duy nhất.[53]

b. Hiệp nhất giữa các Kitô hữu trong Giáo hội: Một thân thể với nhiều chi thể[54]

Trước khi tự hiến làm lễ vật tinh tuyền trên thánh giá, Đức Giêsu đã cầu xin cùng Chúa Cha cho các tín hữu: Xin cho “tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21). Công đồng Vaticanô II cho rằng: sự hiệp nhất này chỉ có thể được thực hiện  trong Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là Thần Khí của Đức Kitô, “Đấng đến hoàn tất công trình của Đức Kitô và xây dựng thân mình của Đức Kitô. Chính vì thế, Thánh Thần không ngừng được gọi là nguyên lý sự sống của thân thể tức là Giáo hội”.[55]

Thật vậy, khi lãnh nhận Phép rửa, các tín hữu trở thành các phần tử trong Giáo hội. Giáo hội là thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô. Cho nên, tuy có “nhiều thành phần” nhưng các thành phần lại trong “một thân mình duy nhất”.[56] Công việc hiệp nhất này là của Chúa Thánh Thần.

Trước hết, “Nhờ Thánh Thần, Đức Giêsu đã kêu gọi và đoàn tụ dân của Giao Ước Mới, tức là Giáo Hội trong cùng một đức tin, đức cậy và đức mến như Thánh Tông Ðồ dạy: ‘Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẽ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa’ (Ep 4,4-5)”.[57] Cho nên, “bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Ðức Kitô, đều mặc lấy Ðức Kitô… tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô” (Gl 3,27-28).

Kế đến, Chúa Thánh Thần hiệp nhất họ trong một “tinh thần”. Điều này được thánh Cyrilô d’Alexandria quả quyết khi ngài suy nhiệm và chú giải Tin mừng Gioan:

Vì tất cả chúng ta đã lãnh nhận cùng một Thần Khí duy nhất, tức là Thánh Thần, nên có thể nói tất cả chúng ta được hòa trộn với nhau và với Thiên Chúa. Quả thực, dù chúng ta là nhiều và sống tách biệt, dù Chúa Kitô làm cho Thần Khí của Chúa Cha và của riêng Ngài cư ngụ nơi mỗi người chúng ta, Thần Khí đó vẫn chỉ là một và bất khả phân. Như thế bởi chính mình, Ngài quy tụ tinh thần của mỗi người vào mối hiệp nhất và làm cho họ nên một thực thể duy nhất trong Ngài… Thần Khí duy nhất và bất khả phân của Thiên Chúa ngự trong tất cả mọi người, hướng dẫn mọi người đến chỗ hiệp nhất thiêng liêng.[58]

Hiến chế Lumen Gentium (số 4) nói rõ thêm rằng:

Chính Thánh Thần hợp nhất thân thể bằng thần lực Ngài và bằng sự liên kết tinh thần các chi thể lại với nhau; như thế Ngài làm phát sinh và thúc bách đức ái giữa các tín hữu. Vì thế, nếu một chi thể nào đau đớn thì tất cả các chi thể khác đều bị đau đớn; và nếu một chi thể nào được vinh dự thì tất cả các chi thể khác cùng chung vui (x. 1Cr 12,26).[59]

Và, Chúa Thánh Thần làm nên sự hiệp nhất trong việc xây dựng một thân thể duy nhất. Chúa Thánh Thần ban ân sủng cho các tín hữu trong những khả năng, phận vụ khác nhau để họ hướng về, xây dựng và làm triển nở Giáo hội.[60] Thánh Phaolô viết: “Chúng ta được rửa tội trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1Cr 12,13) và tuy “Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần, có nhiều chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa, có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng hoàn thành mọi sự trong mọi người” (1Cr 12,3).

Điều này đã được Công đồng Vaticanô II khẳng định lại cách rõ ràng. Sắc lệnh Hiệp Nhất viết rằng: “Chúa Thánh Thần ngự trong lòng các tín hữu, đổ đầy ơn và cai trị Giáo Hội, Ngài thực hiện sự thông hiệp kỳ diệu ấy nơi các tín hữu, và liên kết tất cả trong Chúa Kitô cách mật thiết đến nỗi Ngài chính là Nguyên Lý Hiệp Nhất Giáo Hội. Ngài phân phát các ân sủng và phận vụ để nhờ có nhiều chức vụ khác nhau mà Giáo Hội Chúa Kitô nên phong phú. ‘Nhờ đó, các thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của đức Kitô’ (Ep 4,12-13)”.[61] Và Hiến chế Lumen Gentium khẳng định: Thật vậy, tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một thân thể; cũng thế, các tín hữu hợp thành một thân thể trong Chúa Kitô (1Cr 12,12). Trong việc xây dựng thân thể Chúa Kitô, cần có nhiều chi thể với phận vụ khác nhau. Chỉ có một Chúa Thánh Thần ban những ân sủng khác nhau để làm ích cho Giáo Hội theo sự sung mãn của Ngài và tùy nhu cầu của công việc (1Cr 12,1-11). Trong các ân sủng ấy, ơn ban cho các Tông Ðồ đứng hàng đầu: chính Chúa Thánh Thần đặt dưới quyền các ngài cả những người lãnh nhận những ơn đặc biệt (x. 1Cr 14).[62]

Như vậy, sự hiệp thông trong Giáo hội là một đặc ân, một đặc ân vĩ đại của Chúa Thánh Thần nên các tín hữu cần biết ơn, và đồng thời sống theo với ý thức trách nhiệm sâu sắc. Điều này được thể hiện cách vững chắc qua sự tham dự của các tín hữu vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội.[63]

Tuy nhiên, ta nói rằng “Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất” không có nghĩa đó là một sự co cụm, đóng khung, mà là một sự mở ra. Chúa Giêsu khẳng định: Thánh Thần cũng như gió, muốn thổi đâu thì thổi. Cho nên, ở đây ta hiểu rằng Chúa Thánh Thần đến để đem muôn người tản mác về một mối dù họ là “Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà” (Gl 3,28), hay nói cách khác Ngài đến để hướng dẫn và thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng cho mọi người.

c. Hướng dẫn và thúc đẩy việc truyền giáo

Trong Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo, Công đồng Vaticanô II nói rằng: “Thiên Chúa muốn mời gọi mọi người tham dự vào sự sống của Ngài, không những chỉ từng cá nhân không liên lạc gì với nhau, mà Ngài còn liên kết họ thành một dân duy nhất, trong đó đoàn tụ mọi con cái đã tản mác khắp nơi… Ý định của Thiên Chúa nhằm cứu rỗi toàn thể nhân loại…”[64] Bởi vậy, các tác giả Tin Mừng đều ghi lại lệnh truyền của Chúa Kitô Phục Sinh cho các môn đệ của Người, đó là “Lệnh truyền giáo”: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20; x. Mc 16,15-18; Lc 24,46-49; Ga 20,21-23). Thánh Gioan còn ghi rõ hơn: “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Như vậy việc truyền giáo gắn liền với Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu cho toàn thể sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội nói chung và các Kitô hữu nói riêng.

Cũng trong Sắc lệnh về Hoạt động Truyền Giáo, Công đồng Vaticanô II nói tiếp:

Ðể hoàn thành việc đó, Chúa Kitô đã sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha đến để Ngài thực hiện công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Giáo Hội bành trướng thêm mãi. Dĩ nhiên là Chúa Thánh Thần đã hành động nơi trần gian trước khi Chúa Kitô được vinh hiển, nhưng trong ngày Hiện Xuống, Ngài đã ngự xuống trên các Tông Ðồ để ở lại với họ muôn đời (x. Ga 14,16): Giáo Hội công khai ra mắt dân chúng, Phúc Âm bắt đầu được phổ biến giữa muôn dân nhờ lời giảng dạy, và sau hết tiên báo sự hợp nhất các dân tộc trong tính cách công giáo của đức tin, nhờ Giáo Hội Tân Ước (x. Cl 1,13; Cv 10,38) nói mọi thứ tiếng, thấu hiểu và bao gồm mọi ngôn ngữ trong tình bác ái, và như thế đã thắng vượt sự phân tán do tháp Babel… Chính Chúa Giêsu trước khi hiến mạng sống mình cho thế gian một cách tự do, đã xếp đặt chức vụ Tông Ðồ và hứa sai Chúa Thánh Thần đến hầu chức vụ và việc sai ban Chúa Thánh Thần liên kết với nhau, để công trình cứu chuộc luôn luôn đem lại kết quả khắp nơi. Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần… đổ dần vào lòng các tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa Kitô. Ðôi khi Chúa Thánh Thần lại chuẩn bị một cách hữu hình cho hành động truyền giáo, cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo sát và hướng dẫn vậy.[65]

Trong Thông điệp Redemptoris Missio, Đức Gioan Phaolô II nhắc lại: Chúa Thánh Thần ban cho người tông đồ tinh thần tông đồ truyền giáo của Chúa Giêsu để sai đi rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu. Đồng thời, Chúa Thánh Thần cũng đồng hành với người tông đồ để nhắc nhở và gợi ý cho người tông đồ những điều phải làm và phải nói.[66]

Với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, lời rao giảng của người tông đồ truyền giáo sẽ không còn là một lý thuyết trừu tượng, nhưng là loan tryền một kinh nghiệm sống, có sức đánh động tâm khảm của người thành tâm thiện chí:

Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống… Chúng tôi đã thấy và chúng tôi làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi… Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Ðức Giêsu Kitô, Con của Người (1Ga 1,1-3).

Bên cạnh đó, Chúa Thánh Thần cũng tác động trong tâm hồn người nghe để họ có thể hiểu và đón nhận Tin Mừng ơn Cứu Độ.[67]

Như vậy, bản chất của Giáo hội cũng như của các tín hữu là truyền giáo, vì truyền giáo là Thánh Ý của Chúa Cha, là lệnh truyền của Chúa Con và là sự thúc đẩy bằng ân sủng và tình thương của Chúa Thánh Thần.[68] Qua truyền giáo, sự hiệp nhất được nên trọn vẹn.

 

(còn tiếp)

 


[1] Gioan Phaolô II, Thông điệp Dominum et Vivificantem, 1998, số 3.

[2] Wilfrid Harrington, Nouvelle – Introduction A La Bible, Bản việt ngữ “Dẫn vào Kinh Thánh nói chung” (dịch giả, nơi xuất bản, nhà xuất bản và năm xuất bản không rõ), tr. 39-40. 

[3] Trong các Tin mừng, danh từ “para,klhtoj” (Paráclê) chỉ xuất hiện 4 lần trong Tin Mừng thứ tư (14,16.26; 15,26; 16,7). Riêng câu 14,16, tác giả sử dụng cụm từ “Đấng Paráclê khác” (a;llon para,klhton) nhằm muốn so sánh sứ vụ trần thế của Đức Giê-su với Đấng Paráclê. Còn trong các câu 14,26; 15,26; 16,7, tác giả sử dụng cụm từ “o` para,klhtoj” (ho Paráclê) để chỉ một nhân vật xác định: “Đấng Paráclê”. Ngoài ra, Tin Mừng thứ tư còn đồng hoá giữa các tên gọi “Đấng Paráclê khác” (14,16) – “Thần Khí sự thật” (14,17; 15,26; 16,13) – “Đấng Pa-rác-lê” (14,26; 16,13a) – “Thánh Thần” (14,26) nhằm xác định “Đấng Paráclê khác” ở 14,16 chính là “Đấng Paráclê” ở 14,26; 15,26; 16,7. Ngoài ra, trong Tin Mừng thứ tư, hoạt động của Đấng Paráclê nằm trong bối cảnh pháp lý (Đức Giêsu và những kẻ chống đối). Hoạt động này được thể hiện ở hai yếu tố rất độc đáo: Đấng Paráclê sẽ làm cho các môn đệ biết sự thật về thế gian, và biết mạc khải của Đức Giêsu qua việc “dạy”, “làm cho nhớ lại” (14,26), “nói” và “loan báo” (16,13). Với những nhiệm vụ này, không có ngôn ngữ nào diễn tả hết ý nghĩa khi chuyển dịch hạn từ “para,klhtoj”, nên chúng ta để nguyên ngữ từ đó và tạm phiên âm nó ra Tiếng Việt là “Paráclê”. X. Lê Minh Thông, Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật – trong Tin Mừng thứ tư (Hà Nội: Tôn Giáo, 2010), tr. 66-152.

[4] Sđd., tr. 18-20.

 [5] Trong tin Möøng thöù tö, caùch duøng “eivmi,  + meta,” (ôû vôùi) dieãn taû vieäc Ñöùc Gieâsu ôû vôùi caùc moân ñeä, caùc moân ñeä ôû vôùi Ñöùc Gieâsu vaø Ñöùc Gieâsu ôû vôùi Cha. X. Sđd.,  tr. 272.

[6] Khi giôùi töø “para,” (giöõa) ñöùng tröôùc moät töø ôû taëng caùch: “para,+ taëng caùch” thì coù nghóa: “beân caïnh”, “gaàn beân”, “vôùi’. X. Sđd.,  tr. 273.

[7] Trong Tin Möøng thöù tö, caùch duøng giôùi töø “evn” (en: trong) dieãn taû caùc töông quan hieäp thoâng: “Ñöùc Gieâsu – Chuùa Cha” vaø “Ñöùc Gieâsu – caùc moân ñeä”. Nhö vaäy, giôùi töø “evn” (trong) ôû caâu 14,17c: “Ngöôøi (Thaàn Khí söï thaät) seõ ôû trong anh em (evn u`mi/n e;stai)” ñöôïc hieåu theo nghóa töông quan hieäp thoâng giöõa Ñaáng Paraùcleâ vaø caùc moân ñeä. X. Sđd.,  tr. 275.

[8] Tác giả sử dụng động từ “me,nw” (me-nô: ở lại) (14,17b), chia ở thì hiện tại, nhằm cho thấy lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ sau biến cố Phục sinh là Đấng Paráclê sẽ ở với họ: “Người (Đấng Paráclê) ở lại giữa anh em” (14,17b). Sự “ở lại” của Đấng Paráclê trong động từ này có thể diễn ra trong cả hai giai đoạn: Trước biến cố Thương khó, khi tin vào Đức Giêsu, các môn đệ đã được sinh ra bởi nước và Thần Khí như Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô ở 3,3.5. Nhưng để đón nhận trọn vẹn quà tặng Thần Khí, các môn đệ phải chờ đến sau biến cố Đức Giêsu được tôn vinh (7,39), nghĩa là sau biến cố Phục sinh. X. Sđd.,  tr. 278-284.

[9] X. Sđd.,  tr. 272-284.

[10] X. Sđđ., tr. 51-54.

[11] X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Dominum et Vivificantem, 1998, số 24; X. Bài 17: Hãy Nhận Lấy Thánh Thần; http://vietcatholic.com/News/PdfHandler.ashx?id=24324

[12] X. Gioan Phaolô II, Thông điệp Dominum et Vivificantem, 1998, số 24 và 30; X. Bài 17: Hãy Nhận Lấy Thánh Thần; http://vietcatholic.com/News/PdfHandler.ashx?id=24324; X. Bài 33: Thần Linh: Bảo Chứng của Niềm Hy Vọng Cánh Chung; http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/1caotinh/33mach.htm.; X. Thánh Thần được trao ban cho Giáo Hội; http://www.simonhoadalat.com/Suyniem/BaiGiang/GiangLeChuaNhat/NamA/LeHienXuong.htm

[13] X. Norberto, Thiên Chúa Ba Ngôi, dịch giả không rõ (nơi xuất bản không rõ: nhà xuất bản không rõ, 2000), tr. 52.

[14] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et spect, số 14.

[15] Bùi Văn Đọc & Võ Đức Minh, Chúa Thánh Thần Đấng Ban Sự Sống (Tp. HCM: Tp. HCM, 1997), tr. 349.

[16] Gioan Phaolô II, Thông điệp Dominum et Vivificantem (1998) số 58-60.

[17] Sứ điệp của Đức Thánh Cha bênêđictô XVI gửi các bạn trẻ nhân ngày giới trẻ thế giới lần thứ XXIII tại Sydney- Úc (2008).

[18] X. Sách lễ Roma, Kinh Tiền tụng IV (2007), tr. 473.

[19] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Bản dịch của Tổng Giáo Phận Sài Gòn (1993), số 2672.

[20] Bùi Văn Đọc & Võ Đức Minh, sđd., tr. 179.

[21] Sđd., tr.180.

[22] Bùi Văn Đọc và một số linh mục, Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh (Hà Nội: Tôn giáo, 1999), tr. 30.

[23] Thần Khí với đời sống thiêng liêng, Hợp tuyển thần học, số 45.

[24] Sđd., số 45.

[25] Moltmann, Lo Spirito della Vita. Per una pneumatologia integrale (Queriniana: Brescia, 1994), tr. 183.

[26] Thần Khí với đời sống thiêng liêng, Hợp tuyển thần học, số 45.

[27] Nguyễn Ngọc Rao, Các Sách Ngôn Sứ (Tp. HCM: Chân lý, 2006), tr. 216-217.

[28] Luật mới là chính bản thân Thánh Thần (x. St. Thomas, Com.in Rom. 8. lect. I)

[29] F.X. Durrwell, Bản Việt ngữ Hiểu Và Sống Mầu Nhiệm Thánh Thần Thiên Chúa, Vũ Văn Thiện chuyển dịch (Hà Nội: Tôn Giáo, 2004), tr. 195-196.

[30] Bùi Văn Đọc & Võ Đức Minh, sđd., tr. 97.

[31] F.X. Durrwell, sđd., tr. 197.

[32] Sđd., tr. 200.

[33] Bùi Văn Đọc & Võ Đức Minh, sđd., tr. 92-94.

[34] Bùi Văn Đọc & Võ Đức Minh., tr. 96.

[35] F.X. Durrwell, sđd., tr. 200.

[36] Augustinô, De Trinitate 8,14.

[37] Durrwell, sđd., tr. 39.

[38] Bùi Văn Đọc & Võ Đức Minh, sđd., tr. 440.

[39] Sđd., tr. 441.

[40] Durrwell, sđd., tr. 40.

[41] Sđd., tr. 40.

[42] Trong Ca vịnh Veni Creator của Phụng vụ Lễ Hiện xuống, Giáo hội tung hô Thánh Thần là:  “Suối nước sinh sống, lửa đỏ, lòng mến, và sự xức dầu Thánh Thần”. X. Durrwell, sđd., tr. 43.

[43] Durrwell, sđd., tr. 200-201.

[44] Bùi Văn Đọc &Võ Đức Minh, sđd., tr. 348.

[45] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Hiệp nhất, 1960, số 2.

[46] M. Martinez, True Devotion to the Holy Spirit (Sophia Institute Press, 1957), tr. 197.

[47] Paul Tigpen tuyển lọc, Suy niệm về Thánh Linh, Martin Lưu & các người khác chuyển dịch, Tủ sách Ngàn năm Thứ Ba (nhà xuất bản không rõ: nơi xuất bản không rõ, 1998), tr. 108-109.

[48] Sách Giáo lý hội Thánh Công Giáo, sđd., số 1108.

[49] Paul Tigpen, sđd., tr. 109.

[50] Bùi Văn Đọc &Võ Đức Minh, sđd., tr. 277.

[51] Conseil de Présidence du Grand Jubilé de l’An 2000, L’Esprit Saint Remplit L’Univers (Éd. Mane, 1997), bản Việt ngữ Thánh Thần chan hòa vũ trụ,  tr. 214 – 215.

[52] Paul Tigpen, sđd., tr. 109.

[53] Conseil de Présidence du Grand Jubilé de l’An 2000, sđd., tr. 106.

[54] Stanley M.Horton, What the Bible says about the Holy Spirit (Gosple publishing house, 1986), tr. 214-219.

[55] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, số 21.

[56] Conseil de Présidence du Grand Jubilé de l’An 2000, sđd., tr. 104.

[57] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Hiệp nhất, 1960, số 2.

[58] Cyrilô, Chú giải Tin Mừng Gioan, XII,11.

[59] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, 1964, số 4.

[60] F.X. Durrwell, sđd., tr. 43.

[61] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Hiệp nhất, 1964, số 2.

[62] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, 1964, số 4.

[63] Gioan Phao lô II, Tông huấn Kitô giáo dân Christifideles Laici, 1988, số 18,20.

[64] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo, 1965, số 2-3

[65] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo, 1965, số 4.

[66] Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, 1990, số 75.

[67]  Sđd., số 75.

[68] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo, 1965, số 5.