Chúa Thánh Thần: Quà Tặng Của Đấng Phục Sinh

0
1172


Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

Chúa Thánh Thần là Đấng rất gần gũi với mỗi người nhưng chúng ta thường lãng quên Người. Có thể ví Chúa Thánh Thần gần gũi và quan trọng như không khí mà chúng ta hít thở mỗi giây phút nhưng ít khi chúng ta để ý đến không khí. Đúng như lời của nhà thần học Moltmann nói rằng, chúng ta lãng quên Chúa Thánh Thần, không phải vì Người ở xa, nhưng vì Người ở quá gần chúng ta. Bởi thế, cần khám phá lại dung mạo và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của người Kitô hữu.

Ý thức được điều này, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khuyến khích: “Kitô học và đặc biệt là Giáo Hội học của Công Đồng cần phải được tiếp nối bằng một cuộc nghiên cứu mới và một nền phượng tự mới đối với Chúa Thánh Thần, điều này có thể coi là một bổ túc thiết yếu cho giáo huấn của Công Đồng”.

Hưởng ứng lời mời gọi này của Đức Giáo Hoàng và với cố gắng khiêm tốn, trong khuôn khổ của bài này, người viết muốn suy tư về Chúa Thánh Thần như là Quà tặng của Đấng Phục Sinh qua ba hoạt động chính yếu của Người, bắt đầu bằng 3 chữ “S” cho dễ nhớ: Chúa Thánh Thần, Đấng ban Sự Sống, Sức Mạnh và Sai Đi.

1. Chúa Thánh Thần: Đấng ban sự sống

Trước hết, nói đến Chúa Thánh Thần là nói đến sự sống. Quả thế, Kinh Thánh nhiều lần dùng hình ảnh nước hay hơi thở (ruah) để nói về sự sống do Chúa Thánh Thần ban. Bởi lẽ, nước là biểu tượng của sự sống. Không có nước sẽ không có sự sống. Ở đâu có nước ở đó có sự sống. Triết học cổ đại xác định bốn yếu tố làm nên vũ trụ này đó là “thủy, hỏa, thổ, khí”. Trong đó, đã có ba yếu tố liên quan đến Chúa Thánh Thần (thủy, hỏa, khí) mà Kinh Thánh dùng để diễn tả về Người.

Lịch sử nhân loại minh chứng rằng các nền văn minh lớn trên thế giới đều gắn liền với những dòng sông: chẳng hạn như nền văn minh Lưỡng Hà gắn liền với dòng sông Tigris và Euphrates; nền văn minh Ai Cập gắn liền với dòng sông Nil hay nền văn minh Ấn Độ với dòng sông Hằng;v.v… Vì những dòng sông mang lại sự sống và làm cho đời sống con người phát triển. Bởi thế, người xưa quan niệm rằng những dòng sông cả này là những đối tượng thần linh ban phát sự sống trong các vùng đất lớn xung quanh.

Trong Kinh Thánh, nước hình ảnh được dùng nhiều lần như là biểu tượng để áp chỉ về Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống. Nếu không có Chúa Thánh Thần sẽ không có sự sống. Trái lại, ở đâu có Chúa Thánh Thần ở đó có sự sống.

Sách Sáng Thế minh chứng điều đó khi tường thuật về vai trò của Thần Khí trong công trình sáng tạo: “Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Đức Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2). Đó là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ngay từ khi Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ. Nhờ sự hiện diện và tác động của Thần Khí, sự sống mới xuất hiện.

Đối với con người, việc sáng tạo gắn liền với việc ban Thần Khí. Sách Thánh kể: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Adam được tạo dựng từ bùn đất, nhưng Adam chưa có sự sống; Thiên Chúa thổi hơi vào ông và ông liền có sự sống. “Thổi hơi” là ban Thần Khí sự sống. Nhờ Thần Khí đó, con người trở nên sống động, trỗi vượt trên mọi loài thụ tạo khác; con người được tham dự sự sống của Thiên Chúa.

Thiên Chúa ban Thần Khí cho con người như là chủ sự sống. Con người sống nhờ Thần Khí, nếu không con người sẽ yếu đuối và sẽ chết. Tác giả Thánh Vịnh diễn tả kinh nghiệm này khi viết: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi, lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trờ về cát bụi” (Tv 104,29).

Thần Khí Đức Chúa còn phục hồi sự sống cho con người, được diễn tả trong thị kiến của Edekiel về những bộ xương khô, không còn sự sống: “Người hãy bảo chúng: Các xương khô kia ơi, hãy nghe lời Đức Chúa. Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này với các xương ấy: Đây Ta sắp cho thần khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống… Tôi tuyên sấm như Người đã truyền cho tôi. Thần Khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên: Đó là cả một đạo quân lớn, đông vô kể” (Ed, 37,5-6.10).

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu chính là Người mạc khải cho chúng ta biết cách rõ ràng và mới mẽ về Chúa Thánh Thần như là Đấng ban sự sống. Người loan báo và hứa trong ngày Lễ Lều: “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hắng sống” (Ga 7,37-38). Thánh Gioan giải thích: “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7,39).

Cũng trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu loan báo cho người phụ nữ Samari biết về mạch nước đem lại sự sống đời đời khi Người nói: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-14). Hoặc khi Chúa Giêsu nói với Nicodemo “cần phải tái sinh trong Nước và Thánh Thần để được vào Nước Trời” (Ga 3,5). Mạch nước đó chính là Chúa Thánh Thần mà Chúa Kitô ban tặng cho chúng ta khi lãnh phép Rửa Tội. Nhờ đó, chúng ta được sống và trở thành con cái Thiên Chúa.

Như thế, nước lại xuất hiện trong mạc khải của Chúa Giêsu như là biểu trưng cho “Pneuma” (Thần Khí), cho sức lực đích thực của sự sống, sẽ làm thỏa mãn cơn khát sâu xa của con người khi ban cho họ cuộc sống trọn vẹn mà họ mong chờ, dù không biết đến.

Đức Kitô là Đấng mang đầy Thần Khí, sau khi phục sinh, Người là Đấng ban Thần Khí cho Giáo Hội. Thánh Gioan kể lại sự kiện này như sau: “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em! Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,19-20).

Qua biến cố này, có thể nói rằng Đức Kitô phục sinh như thể khai mở một cuộc sáng tạo mới, cuộc sáng tạo thứ hai và mang Chúa Thánh Thần đến cho các môn đệ. Nếu trong lần sáng tạo thứ nhất, Thiên Chúa “thổi hơi” vào Adam, ông liền có sự sống, thì trong lần sáng tạo thứ hai, Chúa Kitô Phục Sinh “thổi hơi” vào các môn đệ, các ông có sự sống mới của Chúa Thánh Thần. Qua đó, Chúa Kitô Phục Sinh ban Thánh Thần cho Giáo Hội, nghĩa là ban sự sống mới. Nhờ Thánh Thần, các môn đệ được tha tội và được quyền tha tội, vì tội là nguyên nhân làm cho con người phải chết.

Nơi khác, trong Diễn từ về Bánh hằng sống Chúa Giêsu hứa: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời và Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,54). Thuật ngữ “sự sống đời đời” không mang ý nghĩa như có người nghĩ – là cuộc sống sau cái chết, trong khi cuộc sống hiện tại chóng qua và không phải là sự sống đời đời. Sự sống đời đời chính là sự sống đích thực, đang được sống trong thời gian hiện tại và sẽ không chấm dứt với cái chết thể lý. Sự sống này được thánh Gioan gọi là Zoe, khác với bios sự sống sinh học, tự nhiên. Sự sống đó được Đấng Phục Sinh khai mở khi Người sống lại; là sự sống hoàn toàn mới, sự sống trọn vẹn và không bị hủy hoại, một cuộc sống không còn nằm dưới lề luật của cái chết và thay đổi.

Vì thế, trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Constantinople (381), Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta tin và tuyên xưng rằng: “Chúa Thánh Thần là Đức Chúa và Đấng ban sự sống, Người phát xuất từ Chúa Cha, Người được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”.

2. Thánh Thần: Đấng ban sức mạnh

Trong Kinh Thánh, có nhiều trình thuật nói về sức mạnh đến từ Thiên Chúa, hay nói đúng hơn đến từ Thần Khí. Chúng ta chỉ cần đề cập một số bằng chứng nổi bật ở đây.

Sách Thủ Lãnh kể cho chúng ta nghe câu chuyện kỳ thú về Samson, một thủ lãnh của Israen cổ xưa. Khi ông đi tới vườn nho Timna ở xứ Philitin, có một con sư tử rống lên đòi xé xác ông. Thần Khí của Thiên Chúa ngự xuống trên Samson, ông đầy sức mạnh, liền lao vào xé xác con sư tử như xé một con dê con bằng bàn tay không (x. Tl 12,1-8).

Sau đó Samson bị “mỹ nhân kế” do nàng Đalila dụ dỗ, ông đã thổ lộ hết tâm can với nàng về sức mạnh của ông: “Nếu anh bị cạo đầu thì anh sẽ mất sức ngay, trở nên yếu nhược và như mọi người khác” (Tl 12,18). Thế là nàng cho ông ngủ trên đầu gối mình, rồi kêu người đến cạo bảy bím tóc trên đầu ông; nàng bắt đầu khống chế ông, và ông đã mất sức. Quân Philitin đến bắt ông, móc mắt và giải ông xuống Gaza rồi nhốt ông ở đó.

Khi làm lễ tế thần, quân Philitin đưa ông ra nhạo cười. Người ta cột ông vào hai cột đá đền thờ ở Gaza. Khi mọi người chế nhạo ông, Samson cầu nguyện, Thiên Chúa nhậm lời và ban cho ông sức mạnh trở lại, ông đã dùng hai tay xô đẩy cột đền thờ sập xuống, làm chết hết quân Philitin và ông cũng chết luôn ở đó (x. Tl 16,22-31). Sức mạnh này đến từ Thiên Chúa, hay chính xác hơn là đến từ Thánh Thần. Thiên Chúa ban sức mạnh Thánh Thần cho ông để chiến thắng kẻ thù.

Trường hợp của vua Saun cũng tương tự như thế (x. 1Sm 11,6-12). “Khi ông Saun từ ngoài đồng về theo sau đàn bò. Ông hỏi: ‘Có gì mà dân khóc vậy?’ Họ kể lại cho ông những lời người Giavết nói. Khi ông Saun nghe những lời ấy, thần khí của Đức Chúa nhập vào ông, và ông bừng bừng nổi giận. Ông bắt một cặp bò, xả thịt và gửi các sứ giả mang đi khắp lãnh thổ Israel với lời này: ‘Ai không theo Saun và Samuen ra trận, thì bò của nó sẽ bị như thế này’. Đức Chúa gieo kinh hoàng xuống trên dân, và họ đã ra trận, muôn người như một”. Câu chuyện này cho thấy rằng Thần Khí ban cho ông sức mạnh, lòng can đảm, khả năng để chu toàn sứ vụ. Nhờ sức mạnh đó và khả năng đó, không ai có thể kháng cự lại được Thần Khí, kể cả bản thân chính đương sự.

David cũng là một trường hợp đặc biệt. Sau khi Thần Khí Đức Chúa rời khỏi vua Saun, Samuen đến xức dầu cho David, “ngay từ đó trở đi, Thần Khí Đức Chúa nhập vào David” (1Sm 16,13). Nhờ sức mạnh đó, David chiến thắng tên khổng lồ tên là Goliát và chiến thắng cả quân Philitin (x. 1Sm 17,40 – 18,1-16tt). Nên khi ông về trình diện với vua Saun, các phụ nữ trong thành vui đùa ca hát rằng: “Vua Saun hạ được hàng ngàn, ông David hàng vạn” (1Sm 18,7).

Như thế, qua những trường hợp các thủ lãnh, Cựu Ước đã minh chứng cho chúng ta thấy rằng Thần Khí là sức mạnh được ban cho họ để thi hành sứ vụ của mình. Nhờ Thần Khí ngự xuống trên họ và ở lại trong họ, các vị lãnh đạo được chọn để hướng dẫn dân tộc trên bước đường lữ hành giữa dòng lịch sử.

Trong Tân Ước, chúng ta có rất nhiều bằng chứng về sức mạnh của Thần Khí tác động lên những con người được Thiên Chúa tuyển chọn. Ở đây, chúng ta chỉ cần trưng dẫn một số trường hợp điển hình.

Trước hết, chúng ta phải nói tới trường hợp Đức Maria, một trinh nữ được Thiên Chúa ban tràn đầy ân sủng của Thánh Thần trong cuộc đời Mẹ, đặc biệt nơi biến cố Nhập Thể của Con Chúa. Trong khung cảnh truyền tin, thánh Luca kể lại lời sứ thần Gabriel nói với Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Elisabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng mang thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì mà không thể làm được” (Lc 1,35-37). Thánh Luca nói tới quyền năng Đấng Tối Cao tác động trên Đức Maria, nhờ đó Người Con được thụ thai trong lòng Đức Maria và được sinh ra mà không cần có sự cộng tác của người đàn ông. Quyền năng đó chính là sức mạnh của Chúa Thánh Thần thực hiện những điều không thể thành có thể. Nhờ quyền năng và sức mạnh đó, Con Thiên Chúa nhập thể làm người và ở giữa loài người. Quyền năng ấy biểu thị sức năng động của Thần Khí, luôn được trao ban để hoàn thành sứ vụ cũng như để hoàn tất việc cứu độ; và nơi nào có Thần Khí, thì nơi đó có Thiên Chúa hiện diện.

Kế đến, chúng ta phải đề cập đến trường hợp có một không hai trong lịch sử cứu độ, đó chính là Đức Giêsu, Đấng xuất hiện như một con người của Thần Khí. Thánh Gioan cho thấy rằng: “Thánh Thần hằng ngự trên Người” (Ga 1,32). Thánh Luca miêu tả về Đức Giêsu bằng những lời này Người “tràn đầy Thánh Thần” (Lc 4,1). Đức Giêsu luôn được Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn trong mọi bước đi và hành động xuyên suốt chặng đường thi hành sứ vụ của mình. Nhờ sức mạnh của Thánh Thần, Đức Giêsu rao giảng, làm phép lạ và trừ quỷ. Đặc biệt, nhờ sức mạnh Thánh Thần, Người bước vào cuộc tử nạn trên thập giá. Theo thánh Gioan, đó là “giờ của Chúa” đã đến và là giờ cứu độ, giờ vinh quang được thực hiện (x. Ga 13,1; 17,1): Chúa Giêsu đầy Thần Khí và trước khi tắt thở, Người phó thác thần khí của Người trong tay Chúa Cha để ban cho Giáo Hội. Nhờ sức mạnh của Thánh Thần, Thiên Chúa Cha đã phục sinh Người và cho Người chỗi dậy từ cõi chết để toàn thắng sự chết và được vinh hiển (x. Rm 6,4).

Đức Giêsu Phục Sinh trở thành Người ban Thánh Thần cho Giáo Hội trong biến cố Ngũ Tuần. Sách Công Vụ Tông Đồ kể lại một bằng chứng hùng hồn về sức mạnh của Chúa Thánh Thần: Khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, các môn đệ rơi vào tình trạng thất vọng não nề, sợ sệt và không còn một sức mạnh nào nữa. Nhưng khi Chúa Thánh Thần ngự xuống, họ trở thành những người đầy sức mạnh, can đảm và hăng say rao giảng Chúa Kitô phục sinh. Họ có khả năng nói tiếng lạ, làm phép lạ, chữa lành bệnh tật và nhất là hoán cải lòng người trở về với Thiên Chúa. Sức mạnh đó là sức mạnh nhờ Chúa Thánh Thần mang lại như sách Công Vụ Tông Đồ miêu tả: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-11).

Chúa Thánh Thần tiếp tục ban sức mạnh của Người cho Giáo Hội qua những con người được Người tác động và cư ngụ. Ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần ban sức mạnh cho chúng ta qua các bí tích, đặc biệt là qua bí tích Thêm sức. Khi lĩnh nhận bí tích này, chúng ta được ban bảy ơn cả: đó là ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn thông minh, ơn khéo liệu, ơn mạnh bạo, ơn đạo đức và ơn kính sợ Đức Chúa Trời (x. Is, 11,1-2). Đây là bảy ơn cả của Chúa Thánh Thần ban, giúp chúng ta có sức mạnh đạt tới ơn cứu độ và xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội Người.

3. Thánh Thần: Đấng sai đi

Để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại, Chúa Cha đã xức dầu và sai Chúa Con đến với nhận loại qua việc nhập thể làm người. Cũng thế, để hoàn tất chương trình cứu độ, Chúa Cha cũng sai Chúa Thánh Thần đến với Giáo Hội qua các dấu chỉ hữu hình và qua các hoạt động của Người trong lịch sử cứu độ. Sứ mạng của Chúa Thánh Thần là hiện tại hóa, gìn giữ cho nguyên vẹn, hoàn tất và đưa đến mức viên mãn sứ mạng cứu độ của Đức Kitô (x. Ga 15,26; 16,13-15). Cả hai sứ mạng thực hiện và hoàn tất một chương trình cứu độ duy nhất như thánh Irénée ví rằng: Đức Kitô và Thần Khí như hai bàn tay của Chúa Cha dùng để thực hiện một chương trình cứu độ duy nhất.

Cùng với Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô đã thiết lập Giáo Hội và ủy thác sứ vụ truyền giáo cho Giáo Hội. Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Trong Tin Mừng Matthew, sứ mạng này cũng được trình thuật rất rõ ràng: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

Sứ vụ của Giáo Hội là để tiếp tục sứ vụ Con Chúa và sứ vụ của Chúa Thánh Thần như Công Đồng Vatican II nói: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo; vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha”.[1] Chúa Thánh Thần chính là Đấng làm cho Giáo Hội trở thành truyền giáo và được sai đi.

Nguồn gốc công cuộc truyền giáo của Giáo Hội được trao ban từ việc đổ tràn Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống: “Anh em sẽ có sức mạnh Thánh Thần, Đấng ngự trên anh em và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy từ Giêrusalem, trong tất cả miền Giudea, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Khi nói về sứ vụ này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại:

“Quả thế, nếu từ lúc khai sinh trong thế giới, ngày lễ Hiện Xuống Giáo Hội bắt đầu sứ vụ truyền giáo, sứ mạng đó được thực hiện nhờ công cuộc Chúa Thánh Thần. Và, ngay lập tức chúng ta có thể thêm rằng Giáo Hội luôn mãi là như thế: Giáo Hội luôn ở trong tình trạng truyền giáo (in statu missionis). Truyền giáo là bản tính của Giáo Hội, là đặc tính riêng cấu thành Giáo Hội Đức Kitô, Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội mang tính truyền giáo từ khi Giáo Hội khai sinh”.

Trong Tông huấn Evangelii nuntiandi (năm 1975), Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khẳng định: “Tin mừng hóa không bao giờ có thể nếu không có hoạt động của Chúa Thánh Thần”. Quả thế, nếu rõ ràng Chúa Thánh Thần có một vị trí quan trọng trong tất cả lịch sử Giáo Hội, “nhất là Người hoạt động trong sứ vụ loan báo Tin mừng, thì Người là tác nhân chính của việc Tin mừng hóa”.

Chính Chúa Thánh Thần Đấng làm cho Giáo Hội ý thức rõ hơn về bản tính chính yếu truyền giáo của mình. Giáo Hội được sai đến với tất cả mọi người, mọi dân tộc, để mang mọi người tới niềm tin vào Đức Kitô bằng lời nói và các phương tiện khác của ơn cứu độ. Giáo Hội phải nhập thể trong thế giới, nhưng vẫn luôn ý thức rằng Giáo Hội không thuộc về thế giới, để thiết lập một cuộc đối thoại đích thực về ơn cứu độ với thế giới.

Cách tương tự Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội trong việc thực hiện sứ vụ truyền giáo của mình, ngõ hầu khi loan báo Tin Mừng, Giáo Hội trung thành cách không sai lầm với Lời Chúa và với con người. Như thế, Chúa Thánh Thần hiệp nhất Giáo Hội trong tình yêu để Giáo Hội trở thành dấu chỉ khả tín của tình yêu Thiên Chúa cho loài người; Chúa Thánh Thần thánh hóa, thanh tẩy, làm trẻ trung và đổi mới Giáo Hội, nhằm giải phóng Giáo Hội khỏi mọi vết nhăn và bóng tối, hầu Giáo Hội bày tỏ mình với thế giới với khuôn mặt của Hiền Thê Đức Kitô. Chúa Thánh Thần làm cho mỗi tín hữu thành chủ thể sống động của việc Tin Mừng hóa, trở thành một nhà truyền giáo.

Chúa Thánh Thần đã luôn đồng hành với Giáo Hội trong sứ vụ truyền giáo. Người là linh hồn của công cuộc truyền giáo. Nếu không có Chúa Thánh Thần, truyền giáo trở thành tuyên truyền. Nhưng có Chúa Thánh Thần, truyền giáo trở thành một lễ Hiện Xuống mới. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định cách rõ ràng rằng: “Chúa Thánh Thần là tác nhân chính (protagonist) của tất cả sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội”.

Đến lượt mình, Chúa Thánh Thần cũng sai mỗi người chúng ta đi lên đường truyền giáo. Nhờ bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta cũng được xức dầu cùng một Thánh Thần và được sai đi như là sứ giả và chứng nhân của hòa bình. Ngày hôm nay, thế giới đang cần đến bình an và ơn cứu độ của Chúa Kitô; xung quanh chúng ta nhiều người vẫn còn chưa nhận biết Chúa và Tin Mừng. Chúng ta được mời gọi ra đi để truyền giáo và làm cho mọi người trở thành môn đệ của Chúa.

Như thế, qua dòng lịch sử, Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và trong chúng ta qua những hoạt động chính yếu là ban sự sống, ban sức mạnh và sai đi. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động trong chúng ta, ban cho chúng ta sự sống và sức mạnh của Thiên Chúa để chúng ta chu toàn tốt sứ vụ loan báo Tin mừng cho con người hôm nay.

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Yves Congar, Je crois en l’Esprit Saint. Tome I. L’Esprit Saint dans l’Économie, révélation et expérience de l’Esprit; Tome II. “Il est Seigneur et Il donne la vie”, Cerf, Paris 1979; Tome III. Le Fleuve de Vie (Ap 22,1) coule en Oriente et en Occidente, Cerf, Paris 1980.

2. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen GentiumSắch lệnh Ad Gentes.

3. Filipe Gómez Ngô Minh, SJ., Chúa Thánh Thần. Một dạng tổng lược thần học về Chúa Thánh Thần, NXB. Antôn & Đuốc sáng 2009.

4. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth. Phần I: Từ phép rửa nơi sông Giordan đến lúc hiển dung, tái bản lần 1, NXB. Tôn giáo, 325.

5. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemtoris missio, 07/12/1990.

 

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 2.