Chúa Nhật XIX Thường Niên, Năm A

0
627

Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc I: 1 V 19,9. 11-13

9 Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời ĐỨC CHÚA phán với ông: “Ê-li-a ngươi làm gì ở đây?”

11 Người nói với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt ĐỨC CHÚA. Kìa ĐỨC CHÚA đang đi qua.” Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan ĐỨC CHÚA, nhưng ĐỨC CHÚA không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng ĐỨC CHÚA không ở trong trận động đất.

12 Sau động đất là lửa, nhưng ĐỨC CHÚA cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu.

13 Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây?”

2/ Bài đọc IIRm 9,1-5

1 Có Đức Ki-tô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng:

2 lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi.

3 Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng cam lòng.

4 Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa;

5 họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men.

3/ Phúc Âm: Mt 14,22-33

22 Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.

23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.

24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió.

25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.

26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” và sợ hãi la lên.

27 Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”

28 Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.”

29 Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su.

30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”

31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”

32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay.

33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”

 —————————————–

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa hiện diện ở đâu trong cuộc đời chúng ta.

Nhìn lại quãng đời đã đi qua nhiều khi làm chúng ta kinh ngạc: Có những điều trước đây chúng ta không bao giờ nghĩ là mình có được, thế mà bây giờ lại có! Có những nơi không bao giờ chúng ta nghĩ mình có thể đặt chân đến đó, thế mà lại đến và sống ở đó! Có những trở ngại mà lúc phải đương đầu chúng ta nghĩ không thể vượt qua, thế mà lại vượt qua được… Suy nghĩ những điều này làm chúng ta tự hỏi: Lạ thật! Hình như có người nào điều khiển cuộc đời chứ không phải chính chúng ta, vì có điều chúng ta mong muốn lại không xảy ra, và có điều chúng ta không mong muốn lại xảy ra!

Những điều này không chỉ xảy ra cho chúng ta trong thời đại này, nhưng nếu theo dõi kinh nghiệm của người xưa được thuật lại trong các Bài đọc hôm nay, chúng ta có thể nhận ra những nét quen thuộc. Trong bài đọc I, tiên tri Elijah cảm thấy nhiệt thành hăng hái khi dự cuộc thi để làm chứng cho Đức Chúa trên núi Carmel; nhưng khi phải chạy trốn hoàng hậu Isabel, ông cảm thấy buồn tủi và trách Thiên Chúa sao để ông phải chạy trốn như vậy. Thiên Chúa hiện đến với ông trong làn gió nhẹ hiu hiu, để nhắc nhở cho tiên tri biết Ngài vẫn đang hiện diện với ông. Trong bài đọc II, mặc dù được Thiên Chúa dành đặc biệt để loan truyền Tin Mừng cho Dân Ngoại, thánh Phaolô vẫn dành thời gian để rao truyền Đức Kitô cho người Do-thái vì lòng yêu mến dân tộc của ông. Thánh Phaolô không thể hiểu lý do tại sao người Do-thái không tin vào Đức Kitô mặc dù các ngôn sứ đã nói về Ngài trong Kinh Thánh. Sau cùng, thánh Phaolô phải nhìn nhận Thiên Chúa có kế hoạch riêng cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho tông đồ Phêrô được đi trên mặt nước biển mà đến với Ngài; nhưng khi ông bắt đầu sợ hãi vì sóng gió nổi lên, ông bị chìm và kêu cầu Chúa cứu. Ngài đưa tay đỡ ông và trách: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”

——————————————-

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: thuật lại kinh nghiệm của tiên tri Êlijah, ông sống khoảng 960 BC.

1.1/ Lý do tiên tri Elijah phải chạy trốn: Để hiểu Bài đọc hôm nay, chúng ta cần đọc trở lại ít chương nữa trong Sách Các Vua, quyển I, chương 18. Ông là tiên tri duy nhất của Chúa còn sót lại và nhiệm vụ của ông là khôi phục niềm tin vào Thiên Chúa đã mất trong Israel. Để thực hiện điều này, ông đã bảo Vua Akhab sai triệu tập tòan thể con cái Israel trên núi Carmel. Tại đây, ông đã thách thức 450 tiên tri của Baal để dự cuộc thi xem coi Chúa nào là Chúa thật bằng cách mỗi bên xẻ một con bò tơ, xẻ thịt ra rồi đặt trên củi, nhưng không châm lửa. Bên nào kêu xin thần của bên ấy, thần nào đáp lại bằng cách khiến lửa từ trời xuống đốt cháy thịt, thần đó là Thiên Chúa; và họ đã chấp nhận dự thi. 450 tiên tri của Baal kêu xin suốt từ sáng tới trưa mà không có lửa, nhưng khi một mình tiên tri Êlijah kêu cầu Thánh Danh Chúa, thì Ngài đã khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi cả củi lẫn thịt.

Tòan dân thấy vậy thì sấp mặt xuống đất và nói: “Yahvê chính là Thiên Chúa!” Êlijah truyền bắt trói tất cả các tiên tri của Baal, mang xuống núi và cắt cổ họng hạ sát họ tại đó. Vì biến cố này mà hòang hậu Isabel ra chiếu chỉ bắt giết Êlijah để đền mạng cho các tiên tri bị hạ sát của bà, và Êlijah phải tìm đường chạy trốn từ Bắc xuống Nam, và trèo lên núi Hôreb nơi Thiên Chúa đã trao Thập Giới cho Môisen. Phần vì sợ hãi mệt mỏi, phần vì đường xa đói khát làm ông nản chí, ông mong được chết và nói: “Lạy Đức Chúa! Đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.” Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời Đức Chúa phán với ông: “Elijah ngươi làm gì ở đây?” Ông thưa: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh nung nấu con, vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ còn sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng sống con.” Người nói với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa.”

1.2/ Thiên Chúa hiện đến với ngôn sứ Elijah: Có tất cả 4 sự kiện xảy ra được tường thuật hôm nay.

(1) Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão.

(2) Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất.

(3) Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa.

(4) Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Êlijah lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Êlijah, ngươi làm gì ở đây?”

Rất nhiều lần trong cuộc đời, nhất là những lúc phải đương đầu với bao nhiêu thử thách khó khăn, chúng ta kêu van Chúa để Ngài giúp chiến đấu; nhưng không thấy bóng dáng Ngài đâu! Nhiều lúc quá mệt mỏi vì cố gắng xây dựng, chúng ta cũng đã phải thốt lên như Êlijah: “Chúa ơi! Quá đủ rồi! Không còn sức để đi tiếp nữa!” Nhưng sau những lúc ấy, khi cuộc đời bình an trở lại, chúng ta nhận ra kết quả của những gì chúng ta làm, chúng ta nhận ra ai đã giúp chúng ta chiến đấu trong khi mọi người bỏ rơi chúng ta! Ngài đúng là một Thiên Chúa ẩn mình! Chúng ta có thể nhận ra Ngài trong tiếng gió hiu hiu, nhưng chưa bao giờ được thấy mặt Ngài!

2/ Bài đọc II: thuật lại kinh nghiệm của Thánh Phaolô, gần 2000 năm trước chúng ta.

 2.1/ Thánh Phaolô muốn rao giảng Tin Mừng cho cả Do-thái cũng như cho Dân Ngoại: Thánh Phaolô, người sống cả ngàn năm sau tiên tri Êlijah, cũng cùng tâm trạng này. Ngài đã trở lại và trở thành tông đồ cho Dân Ngọai sau biến cố ngã ngựa và bị mù trên đường đi Damascus để bắt bớ những tín hữu theo đạo. Lòng nhiệt thành vì muốn cho mọi người hiểu và tin vào Chúa Kitô, ngài đã không quản ngại bất cứ một khổ cực nào để loan truyền Lời Chúa. Mặc dù gặt hái được nhiều thành công nơi Dân Ngọai, nhưng ngài phải đương đầu với rất nhiều chống đối và bắt bớ từ những người Do Thái đồng hương của ngài.

Trong trình hôm nay, ngài đã thành thực chia sẻ: “Có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng.” Chúng ta đã biết Đức Kitô quan trọng thế nào cho cuộc đời Thánh Phaolô, thế mà ngài có thể thốt lên những lời tâm huyết này vì quá khao khát ơn Cứu Độ cho người Do Thái đồng hương của ngài.

2.2/ Thánh Phaolô không hiểu nổi lý do nhiều người Do-thái không tin Đức Kitô: Vì họ đã được thừa hưởng các đặc ân dành cho Israel mà Dân Ngọai không có: Họ là người Israel, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa. Họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ.

Tuy nhiên, Thiên Chúa đã có kế họach của Ngài và con người không thể hiểu kế họach đó: Chính vì sự cứng lòng tin của họ mà Dân Ngọai được nghe Tin Mừng và được sát nhập vào làm Dân Chúa. Chính Thánh Phaolô đã thú nhận: Sau cùng Chúa sẽ cứu Israel! Khi nào chuyện ấy sẽ xảy ra? Thời gian là của Chúa và không ai biết được ngày ấy ngọai trừ Chúa.

3/ Phúc Âm: Chúa truyền cho Thánh Phêrô đi trên biển để đến với Chúa.

Phép lạ trên Biển Hồ hôm nay được tường thuật sau phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi 5000 người ăn bởi hấu hết các Thánh Ký. Chúa Giêsu muốn các tông đồ tiếp tục công việc thường nhật nên Ngài bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng vì họ muốn tôn người làm vua (trình thuật của Gioan). Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió.

3.1/ Các tông đồ sợ hãi khi nhìn thấy có người đi trên mặt nước biển và tiến về phía các ông: Các tông đồ là dân chài, nên có thể không sợ hãi nhiều vì sóng gió; nhưng khi thấy có người đi trên mặt biển thì các ông kinh hoàng vì không người nào có thể đi trên biển ngọai trừ quyền lực siêu nhiên; nhưng Chúa Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”

Sợ hãi và hồ nghi là bản năng của con người, nhưng một khi đã được lý trí soi sáng cho biết điều gì đáng tin và không nên sợ, con người cần vượt thắng những bản năng này. Phêrô có lý do để tìm ra Sự Thật khi yêu cầu: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu.

3.2/ Sự sợ hãi làm cho Phêrô bắt đầu chìm: Phêrô đã đi được trên mặt nước nên ông không nên hồ nghi và sợ hãi nữa vì ông đã biết rõ người đứng trước mặt là Chúa Giêsu và uy quyền của Ngài có thể cho ông đi trên mặt nước, điều mà con người không thể làm được. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”

Đời mỗi người chúng ta là một cuộc hành trình trên biển như Phêrô: có lúc bình an, có lúc sóng gió, có lúc lật thuyền gần chìm. Khi nào chúng ta có lòng tin vững mạnh vào Chúa thì chúng ta sẽ bước đi bình an giữa muôn ngàn sóng gió; nhưng nếu chúng ta hồ nghi sự hiện diện hay uy quyền của Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ chao đảo vì sóng gió. Những lúc như vậy, chúng ta có cảm tưởng như không thấy sự hiện diện của Chúa hay Người đang để chúng ta chiến đâu một mình; nhưng thực ra Chúa vẫn đồng hành ngay bên và sẵn sàng cứu vớt khi gần bị chết chìm.

——————————————

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Qua các bài đọc và kinh nghiệm cá nhân, chúng ta đã học được bài học quá khứ: bàn tay Chúa luôn ở với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời.

– Tương lai đi đâu, đến chỗ nào, gặp ai, làm gì, chuyện gì sẽ xảy ra, lúc nào, thành công hay thất bại… chúng ta mù tịt; nhưng như tổ phụ Abraham, chúng ta cứ thẳng đường tiến tới, vì chúng ta đã có kinh nghiệm quá khứ: bàn tay Thiên Chúa không bao giờ rời chúng ta.

– Chúng ta hãy sống giây phút hiện tại cách an bình và làm tất cả những gì có thể. Không than thân trách phận khi phải đương đầu với quá nhiều đau khổ. Không nóng lòng chất vấn Chúa khi đã quá cố gắng mà chưa nhìn thấy kết quả. Không kết án cũng chẳng tiên đoán điều gì sẽ xảy ra cho ai vì cuộc đời còn dài, và cuộc đời mỗi người nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here