Chúa Nhật VI – Năm B – Phục Sinh

0
192

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc ICv 10,25-26.34-35.44-48

25 Khi ông Phê-rô bước vào, thì ông Co-nê-li-ô liền ra đón và phủ phục dưới chân ông mà bái lạy.

26 Nhưng ông Phê-rô đỡ ông ấy lên và nói: “Xin ông đứng dậy, vì bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm.” 34 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. 35 Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. 44 Ông Phê-rô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa.

45 Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phê-rô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa, 46 bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Bấy giờ ông Phê-rô nói rằng: 47 “Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?” 48 Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giê-su Ki-tô. Sau đó họ xin ông ở lại ít ngày.

 2/ Bài đọc II1Ga 4,7-10

7 Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.

8 Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.

9 Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này:
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.

10 Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.

3/ Phúc ÂmGa 15,9-17

9 Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.

17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

———————

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa là tình yêu.

Thiên Chúa, chúng ta chưa thấy bao giờ, nói về tình yêu của Đấng chúng ta chưa thấy bao giờ còn khó khăn và trừu tượng hơn nữa; nhưng may mắn cho con người, Thiên Chúa chọn để bày tỏ tình yêu cho con người qua việc tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc, và thánh hóa con người.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh các công việc Thiên Chúa dùng để bày tỏ tình yêu của Ngài. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài cho Cornelius, viên sĩ quan Dân Ngoại, qua việc cho ông cơ hội để gia nhập đạo thánh Chúa. Trong Bài Đọc II, thánh Gioan sau khi định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” đã dẫn chứng tình yêu này qua việc Thiên Chúa ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài. Trong Phúc Âm, tình yêu Thiên Chúa được lan tràn qua Chúa Giêsu và đổ xuống trên các môn đệ của Chúa. Trước khi các môn đệ có thể yêu thương tha nhân, họ phải ở lại và được thấm nhuần tình yêu này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thi ân giáng phúc trước khi con người biết đáp trả hồng ân của Ngài.

1.1/ Thiên Chúa không thiên vị, nhưng yêu thương mọi người: Cornelius là sĩ quan Roma, thuộc về Dân Ngoại, nhưng biết kính sợ Thiên Chúa, cầu nguyện thường xuyên, và cư xử tốt lành với mọi người (Acts 10:2). Vì những điều tốt lành này, ông được một thị kiến thấy sứ thần của Thiên Chúa truyền lệnh cho ông đi mời Simon Phêrô đến nhà mình.

Sự kiện Phêrô, một người Do-thái, vào nhà ông Cornelius, một người Dân Ngoại, là một điều không bình thường; nhưng vì Thánh Thần truyền lệnh, cho nên ông phải đi (Acts 10:20). Khi ông Phêrô nhận ra sự sắp đặt của Thiên Chúa cho viên sĩ quan Dân Ngoại, ông lên tiếng nói: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.” Lý do là vì Chúa dựng nên tất cả và ban ơn xuống mọi người. Ai nhận ra hồng ân Ngài ban và sống ngay lành, Ngài sẽ tiếp tục ban ơn, và nhất là cho hiểu biết đạo thánh của Ngài.

1.2/ Thiên Chúa gởi Thánh Thần xuống trên những người trong nhà Cornelius: Khi “ông Phêrô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa.” Họ kinh ngạc vì họ tưởng chỉ có những người đã chịu Phép Rửa mới nhận được Thánh Thần. Nhưng Thiên Chúa không lệ thuộc vào truyền thống hay vào những gì con người tin tưởng, Ngài ban Thánh Thần cho những ai biết kính sợ và sống theo đường lối của Ngài.

Ông Phêrô nhớ lại biến cố trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các Tông-đồ được Chúa Thánh Thần hiện xuống như lưỡi lửa đậu xuống trên đầu các ông (Acts 2:3-10), bấy giờ ông Phêrô nói rằng: “Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?” Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô.

 2/ Bài đọc II: Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước khi chúng ta đáp trả tình yêu của Ngài.

 2.1/ Thiên Chúa là tình yêu: Thánh Gioan định nghĩa tình yêu cách ngắn gọn và đơn giản: “Thiên Chúa là tình yêu.” Vì yêu thương, Thiên Chúa làm mọi sự: tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc, thánh hóa, và chuẩn bị tương lai cho con người.

Yêu thương làm con người nên giống Thiên Chúa, vì Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài (Gen 1:26). Thánh Gioan diễn tả như sau: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.” Biết Thiên Chúa là biết yêu thương tha nhân và được sinh ra bởi Thiên Chúa.

Ngược lại, “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” Nếu Thiên Chúa là tình yêu, con cái của Ngài phải biết yêu thương. Ai từ chối không yêu thương, kẻ ấy không thể là con cái Thiên Chúa. Chúng ta có thể hiểu lý do tại sao Thiên Chúa dùng giới răn yêu thương để phán xét con người trong Ngày Tận Thế (Mt 25).

2.2/ Thiên Chúa biểu lộ tình yêu: Cách định nghĩa tình yêu của Gioan tuyệt vời, nhưng vẫn chỉ thuần tri thức; nhưng cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho con người thật cụ thể và đánh động tâm lòng của mọi người, ngay cả những con tim chai đá nhất: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.” Mỗi khi nhìn lên Thập Giá, con người cảm nhận được tình Thiên Chúa yêu thương họ, dù chưa một lần được nhìn thấy Ngài.

Thiên Chúa yêu thương con người trước: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” Thiên Chúa yêu thương con người khi họ vẫn còn là những tội nhân; Ngài không đợi cho con người trở nên tốt lành, đáng yêu rồi mới yêu thương họ. Nếu Ngài chờ đợi như thế, con người sẽ không có cơ hội, vì làm sao con người có thể gột rửa tội lỗi mình để trở nên đáng yêu? Con người chỉ có thể cảm nhận sau khi Thiên Chúa tỏ tình yêu của Ngài, và đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa bằng cách loan truyền tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân, và yêu thương mọi người.

3/ Phúc Âm: Thiên Chúa chọn và sai chúng ta đi làm việc cho Ngài.

 3.1/ Giới luật yêu thương

(1) Nguồn cội của tình yêu: Tình yêu phát xuất từ Chúa Cha, lan truyền qua Chúa Con, và được trao tặng cho các Tông đồ, như Chúa Giêsu mặc khải: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Điều quan trọng là các môn đệ phải ở lại trong tình thương này, trước khi có thể làm cho tình thương này lan rộng tới tha nhân. Sau khi đã ở lại trong tình yêu này, Chúa Giêsu mới tiếp tục truyền như trong câu 12: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Điều này cũng có nghĩa: Nếu không ở lại trong tình thương Thiên Chúa, chúng ta không thể yêu nhau bằng tình yêu Thiên Chúa; và không thể đạt được mức độ trọn lành như Thiên Chúa đòi hỏi như yêu kẻ thù, yêu đến chết, và sẵn sàng tha thứ tất cả lỗi lầm của tha nhân.

(2) Giữ các điều răn là ở lại trong tình thương Thiên Chúa: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” Chúa Giêsu không chỉ dạy dỗ, nhưng còn làm gương sáng. Ngài không đòi hỏi các ông điều gì Ngài không làm; ví dụ: yêu đến nỗi hy sinh tính mạng, tha thứ cho kẻ thù, vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự đến nỗi phải chết. Ngài khuyến khích các ông để các ông có can đảm theo chân Ngài: Nếu Ngài đã làm được, các ông cũng sẽ làm được.

Giữ các giới răn và ở lại trong tình yêu Thiên Chúa không phải là một sự ép buộc như giữ những luật lệ của con người; nhưng là bí quyết để tìm được niềm vui trọn vẹn: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”

 3.2/ Chúa Giêsu gọi và chọn các môn đệ: Như trong hai bài đọc trên, Chúa Giêsu luôn luôn là người bắt đầu. Ngài gọi và chọn 12 Tông-đồ, chứ không có ai là người tình nguyện theo Ngài cả. Trong cuộc đời rao giảng của Chúa, nhiều người cũng tình nguyện theo Chúa, nhưng Ngài không cho theo. Cũng thế, trong ơn gọi làm linh mục và tu sĩ: con người không tự mình làm linh mục hay tu sĩ, nhưng qua lời mời gọi và sự lựa chọn của những người đại diện Thiên Chúa.

(1) Ngài gọi các môn đệ để trở thành bạn hữu: Tình yêu đòi hỏi sự tự do và ngang hàng giữa hai chủ thể (nói theo kiểu VN, phải môn đăng hộ đối). Con người có tự do nhưng không thể ngang hàng với Thiên Chúa, vì con người chỉ xứng đáng làm đầy tớ của Ngài; nhưng có một sự trao đổi kỳ lạ ở đây. Thiên Chúa, qua Con Ngài là Chúa Giêsu đã khiêm nhường hạ mình cho bằng con người, để mặc lấy thân phận con người, để yêu thương con người, và để nâng con người lên hàng bạn hữu: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” Thiên Chúa đã hoàn thành điều này qua Mầu Nhiệm Nhập Thể.

Không những chỉ chọn con người là bạn hữu, nhưng còn là bạn nghĩa thiết tâm giao. Thông thường, con người chỉ dám hy sinh tính mạng cho người bạn nghĩa thiết. Chúa Giêsu là bạn nghĩa thiết của con người vì Ngài dám hy sinh tính mạng để cho con người không phải chết, như chính Ngài đã tuyên bố: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Khác với con người chỉ có một hay vài bạn tâm giao, Chúa Giêsu muốn có rất nhiều bạn nghĩa thiết, nên Ngài mở rộng đến mọi người: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” Hy sinh tất cả cho tha nhân là cách trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hoàn thành điều này qua Mầu Nhiệm Cứu Độ.

(2) Ngài chọn các ông để được sai đi: Tình yêu Thiên Chúa không giữ lại trong một số người hay một dân tộc, nhưng luôn mở rộng và cho đi đến mọi người. Chúa Giêsu chọn 12 Tông-đồ và một số môn đệ để yêu thương, dạy dỗ, và sai đi: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.” Tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu, các Tông-đồ cũng chọn các môn đệ để yêu thương, dạy dỗ, và sai đi để yêu thương, dạy dỗ, và sai đi rao giảng Tin Mừng. Sứ vụ này vẫn tiếp tục cho đến thời đại chúng ta đang sống, và sẽ còn kéo dài cho tới Ngày Tận Thế.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa luôn là Người bắt đầu trong mọi sự việc, chúng ta chỉ là người nhận ra và đáp trả lại tình yêu của Ngài.

– Nguồn căn bản nhất trong các hoạt động của Thiên Chúa và của chúng ta là tình yêu. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, lan rộng qua Đức Kitô, và đổ xuống trên con người. Chúng ta phải ở lại trong tình yêu này trước khi có thể yêu thương tha nhân bằng tình yêu Thiên Chúa.

– Để nhận ra tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải giữ các giới răn Chúa Giêsu truyền dạy và phải sẵn sàng hy sinh ngay cả tính mạng cho tha nhân, như Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha và sẵn sàng hy sinh tính mạng cho con người.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-vi-phc-sinh-nm-b/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here