Chúa Nhật 31 Thường Niên, Năm B

0
1671

Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Bài đọc: Đnl 6,2-6; Hr 7,23-28; Mc 12,28b-34.

1/ Bài đọc I: 2 Như vậy anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, và anh em sẽ được sống lâu.

3 Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, đã phán với anh em.

4 Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất.

5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.

6 Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng.

2/ Bài đọc II: 23 Lại nữa, trong dòng tộc Lê-vi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó.

24 Còn Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi.

25 Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.

26 Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời.

27 Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.

28 Vì Luật Mô-sê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.

3/ Phúc Âm: 28 Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? “

29 Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.

30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.

31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.”

32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.

33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.”

34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! ” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: ĐÂU LÀ BỔN PHẬN QUAN TRỌNG NHẤT PHẢI LÀM ?

Con người bị lẫn lộn nhiều về câu hỏi này vì có quá nhiều bổn phận phải chu toàn trong cuộc sống này như: bổn phận đối với Chúa, Giáo Hội, quốc gia, xã hội, cha mẹ, vợ chồng, con cái, thân nhân và bạn hữu. Bổn phận nào trong những bổn phận này quan trọng nhất và tại sao? Sẽ có những câu trả lời khác nhau tùy thuộc vào sự hiểu biết về đời sống của mỗi người.

Các bài đọc hôm nay cho con người một câu trả lời rõ ràng và lý do tại sao phải làm như thế. Trong bài đọc thứ nhất, Môsê và tất cả những nhà lãnh đạo Do-thái thường xuyên nhắc nhở con cái Israel bổn phận quan trọng nhất của họ là đối với Thiên Chúa, “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.” Trong bài đọc thứ hai, tác giả của Thư Do-thái cho lý do tại sao con người phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, là vì tình yêu vô biên của Ngài cho con người qua sự kiện Ngài cho người con một của Ngài để cứu chuộc và để không ngừng cầu bầu cho con người. Trong Phúc Âm, khi một luật sĩ hỏi Chúa Giêsu đâu là giới răn quan trọng nhất, Ngài cho ông hai giới răn, thứ nhất yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự; thứ hai yêu người như chính bản thân ta vậy.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em.”

1.1/ Con người phải làm mọi cách để nhớ điều răn quan trọng nhất: Có hai điều con người phải làm từ giới răn này:

– Chỉ có một Thiên Chúa mà thôi: Con người không được thờ phượng bất cứ thần nào khác. Đây là giới răn tuy rõ ràng nhưng không dễ làm vì con người có khuynh hướng tạo những thần khác nhau để tôn thờ.

– Con người phải yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết linh hồn và hết sức: Họ không thể đặt bất cứ ai hay bất cứ vật gì trên Thiên Chúa. Nếu họ đặt quốc gia, xã hội, cha mẹ, vợ chồng, con cái, thân nhân hay bạn hữu trên Thiên Chúa, họ đã đảo ngược trật tự và vi phạm giới răn thứ nhất.

Vì con người dễ quên và thường hay bị cám dỗ bởi ba thù là ma quỉ, thế gian và xác thịt, ông Môsê đã truyền cho con cái Israel phải làm những điều sau đây, và những người Do-thái truyền thống vẫn giữ thói quen này đến bây giờ:

(1) Phải ghi nhớ nó trong lòng: Để nhớ bất kỳ điều gì, cách thức tốt nhất là lặp đi lặp lại cho đến khi thành thói quen hay bản tính thứ hai. Những tín hữu thường cầu nguyện ba lần một ngày vào những lúc cố định như sáng, chiều và tối. Những ẩn sĩ và tu sĩ thường cầu nguyện bảy lần một ngày để nhớ đến Chúa, cứ mỗi ba giờ.

(2) Phải ghi tạc vào lòng con trẻ của họ: Vì con người có khuynh hướng dễ quên, nên cần được thường xuyên nhắc nhở bởi những người có trách nhiệm. Môsê truyền cho con cái Israel, “Ghi tạc nó vào lòng con cái của các anh. Nói với chúng khi ở nhà cũng như khi ra ngoài đường, khi bận rộn cũng như lúc nghỉ ngơi” (Đnl 6,7). Đây là bổn phận đầu tiên của cha mẹ cho con cái; nếu họ không hoàn tất bổn phận này, họ sẻ phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa.

(3) Phải đặt nó ở những nơi để kéo sự chú ý của con người: Môsê truyền, “Cuốn nó vào tay của anh như một dấu hiệu và đặt nó như một vương miện trên đầu của anh. Viết chúng trên cửa ra vào của nhà anh và trên cổng thành của anh.”

– Khi người Do-thái cầu nguyện, họ cuốn hai hộp đựng Shema chung quanh tay của họ.

– Họ cũng viết Shema trên thẻ kinh và cuốn trên đầu của họ trước khi cầu nguyện.

– Họ cũng viết chúng trên cửa nhà và cửa thành của họ: Vì mỗi người trong nhà đều phải ra vào cửa nhà nhiều lần trong ngày, họ sẽ nhớ đến Chúa mỗi khi nhìn thấy Shema. Thành phố xưa của người Do-thái thường chỉ có một cổng nơi mà mọi công dân trong thành đều phải dùng khi đi ra hay đi vào. Họ được nhắc nhở để nhớ đến Chúa khi nhìn thấy Shema.

1.2/ Phần thưởng cho những ai tuân giữ giới răn: Vì người Do-thái xưa chưa có một quan niệm rõ ràng về cuộc sống đời sau, nên họ nghĩ rằng ai tuân giữ giới răn của Chúa sẽ được thưởng những điều sau đây ở đời này: hạnh phúc, sống lâu, thịnh vượng và nhiều con cái. Môsê liệt kê hai phần thưởng Chúa sẽ ban cho con người trong đoạn văn này:

(1) Được sống một cuộc đời lâu dài: “Như vậy anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, và anh em sẽ được sống lâu.”

(2) Được thịnh vượng: “Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, đã phán với anh em.”

2/ Bài đọc II: “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.”

Tác giả của Thư Do-thái cho con người hai lý do tại sao họ phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, đó là: Chúa đã ban tặng Người Con duy nhất của Ngải để chết cho tội của chúng ta và để thường xuyên bầu chủ cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Để giúp cho độc giả có thể hiểu những điều này, ông so sánh chức tư tế Lê-vi của Cựu Ước với chức tư tế của Đức Kitô trong Tân Ước.

2.1/ Chức tư tế của Đức Kitô sẽ tồn tại muôn đời.

(1) Chức tư tế Lê-vi thay đổi thường xuyên vì họ là những con người phải chết, “Lại nữa, trong dòng tộc Lê-vi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó.”

(2) Chức tư tế của Đức Kitô sẽ không thay đổi: “Còn Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.”

2.2/ Chức tư tế của Đức Kitô hiệu quả hơn chức tư tế của Cựu Ước.

(1) Hy lễ của Đức Kitô chỉ xảy ra một lần và cho mọi người.

– Hy lễ của Lê-vi: Tất cả tư tế là tội nhân; vì thế, “mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân.”

– Hy lễ của Đức Kitô: “Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời… phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.”

(2) Chức tư tế của Đức Kitô được làm bởi lời thề của Thiên Chúa.

– Chức tư tế Lê-vi được thiết lập bởi lề luật: Họ là tất cả những ai thuộc chi tộc Lê-vi, và thầy thượng-tế được chọn theo luật: “Vì Luật Môsê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối.”

– Chức tư tế của Đức Kitô: “Còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.” Tác giả đã dùng Thánh Vịnh 110:4 để chứng minh lập luận của mình, “Chúa Thượng đã thề và không rút lời: “Con là Thượng Tế đến muôn đời theo phẩm hàm Melchizedek””

3/ Phúc Âm: Điều răn nào đứng đầu ?         

3.1/ Điều răn đứng đầu là: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.”

Có hơn 600 khoản luật trong Cựu Ước. Điều này có thể gây lẫn lộn ngay cả cho những người thông thạo về luật như các kinh-sư và Biệt-phái. Đây là lý do tại sao một nhà kinh sư, sau khi đã nghe Chúa Giêsu đối chất với người khác, đến gần người và hỏi: “Đâu là điều răn đứng đầu trong các điều răn?”

A/ Câu trả lời của Chúa Jesus: Ngài nhắc lại Shema, điều răn đứng đầu là: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.”

Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất: Do-thái Giáo và Công Giáo là hai tôn giáo độc thần; họ không chấp nhận đa thần. Một số người Do-thái đã phê bình Công Giáo không phải là độc thần vì họ thờ ba thần. Các tín hữu Công Giáo thờ một Chúa, nhưng trong ba ngôi vị là Cha, Con và Thánh Thần như đã được mặc khải trong Cựu Ước và xác nhận bởi Đức Kitô.

Bổn phận của con người với Thiên Chúa: Chỉ có một điểm khác biệt giữa Shema và tường thuật của Marcô là “hết trí khôn” trong Marcô. Như thế nào là mến Chúa:

(1) Hết lòng (kardía): Truyền thống Semit coi trái tim là chỗ của tình yêu, một loại cảm nghĩ đặc biệt và tất cả cảm xúc. Người yêu mến Thiên Chúa hết lòng không được đặt cảm xúc của anh cho bất kỳ điều gì trước Thiên Chúa.

(2) Hết linh hồn (psychè): Thánh Thomas nói, “Linh hồn là nguyên lý đầu tiên của dinh dưỡng, cảm giác, di chuyển nơi chốn cũng như sự hiểu biết của chúng ta.” Người yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn phải đặt Thiên Chúa làm trung tâm điểm của mọi hoạt động của mình, dù ăn uống, nghỉ ngơi hay học hỏi.

(3) Hết trí khôn (dianoía): Nhiều người cho trí khôn là chỗ của các hoạt động trí tuệ. Trí khôn nên được bao gồm như hoạt động chính của linh hồn. Người yêu mến Thiên Chúa hết trí khôn phải nghiền ngẫm những lời dạy của Thiên Chúa đêm ngày.

(4) Hết sức (ischús): Danh từ này có thể được phiên dịch là khả năng, năng lực, sức mạnh hay quyền năng. Sức mạnh cần thiết để làm việc, nhất là trong lúc khó khăn. Người yêu mến Thiên Chúa hết sức phải dùng năng lực của mình để làm công việc của Thiên Chúa. Anh ta phải sống động và lạc quan, không được buồn sầu và bi quan.

B/ Câu lập lại của kinh sư:

(1) Ông ta đồng ý với Chúa Jesus về chủ nghĩa độc thần và Thiên Chúa của Israel: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.”

(2) Ông không bao gồm “với hết trí khôn” và dùng “hiểu biết” (súnesis) cho “linh hồn”: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực.” Hiểu biết là một trong các hoạt động của linh hồn, nhưng không phải là tất cả.

3.2/ Điều răn thứ hai là:

A/ Câu trả lời của Chúa Jesus: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Sau Thiên Chúa là đến con người; con người phải yêu mến tha nhân vì những lý do sau đây: Thứ nhất, mọi người là con của một Chúa và là anh chị em với nhau. Thứ hai, tất cả các tín hữu là những chi thể của một thân thể Đức Kitô; khi một phần thân thể đau, toàn thân phải chịu đựng. Thứ ba, Chúa Jesus đã báo trước là bất cứ những gì chúng ta làm cho một kẻ bé mọn nhất là làm cho chính ngài và ngược lại; vì thế, chúng ta phải yêu mến và giúp đỡ nhau. Sau cùng, khi tất cả mọi người góp phần xây dựng thế giới, cuộc sống của mỗi người sẽ tốt đẹp hơn. Ngược lại, nếu mỗi người chỉ lo cho chính họ, thế giới sẽ nghèo nàn và mất trật tự.

B/ Câu lập lại của kinh sư: “Yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Ông ta nhấn mạnh đến con người phải đặt tha nhân lên trên của cải vật chất, ngay cả các lễ vật và hy sinh cho Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là nếu có ai cần được giúp đỡ để sinh sống, chúng ta cần phải dùng những của cải vật chất được dùng cho Thiên Chúa để giúp đỡ người ấy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Rất nhiều lần trong cuộc sống chúng ta đã vi phạm điều răn thứ nhất nhưng chúng ta đã không để ý tới chúng. Chúng ta cần thật lòng với chính mình bằng cách cẩn thận xét mình xem nếu chúng ta đã thật lòng chu toàn bổn phận của chúng ta với Thiên Chúa, đặc biệt trong cách chúng ta dùng thời gian của Ngài ban.

– Nhiều lần chúng ta đã vi phạm điều răn thứ hai khi chúng ta đánh giá những của cải vật chất của chúng ta hơn phẩm giá con người và nhu cầu của họ. Chúng ta cần giúp đỡ người khác, không chỉ với của cải vật chất nhưng còn với kiến thức và thời gian của chúng ta để mở trí tha nhân và đưa họ đến với Chúa.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here