Căn tính và Sứ mạng các Tu huynh trong Giáo hội – Giới thiệu

0
3313

Giới thiệu Văn kiện

Căn tính và Sứ mạng các Tu huynh trong Giáo hội

Vào ngày 04 tháng 10 năm 2015, trong khuôn khổ Năm Đời sống thánh hiến, Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ đã phát hành văn kiện bàn về “Căn tính và sứ mạng các Tu huynh trong Giáo hội”. Kế đó, văn kiện này được giới thiệu với các cơ quan truyền thông qua cuộc họp báo ngày 14 tháng 12 cùng năm. Như vậy là ba năm đã trôi qua, nhưng chắc ở Việt Nam ít người biết đến văn kiện này, một phần tại vì số các Tu huynh ở nước ta không đông lắm! Thực ra, như sẽ thấy sau, văn kiện này không chỉ dành riêng cho các Tu huynh mà thôi, nhưng cũng nhắm tới các tu sĩ (đặc biệt các nữ tu), và hơn nữa, còn được gửi đến toàn thể Dân Chúa.

Thế nhưng, một câu hỏi được đặt lên: Tu huynh là ai vậy? Trước khi đi vào nội dung văn kiện, thiết tưởng nên có đôi lời dẫn nhập về từ ngữ và lịch sử.

I. Từ ngữ: Tu huynh

Thuật ngữ « Tu huynh » xuất hiện chưa lâu lắm. Ở Việt Nam trước năm 1975, người ta thường nghe nói đến các « sư huynh La-san » (hoặc « Thầy dòng La-san »), nổi tiếng vì điều khiển nhiều trường trung học Công giáo. « Sư huynh » dịch bởi danh từ Frères tiếng Pháp, và tự nó chỉ có nghĩa là « anh/em » ; nhưng có lẽ tiếng « sư » (thầy) được thêm vào bởi vì các « anh » dạy học. Họ là những nam tu sĩ chuyên ngành dạy học, chứ không làm linh mục, phần nào cũng tương tự như các Sœurs (tiếng Pháp có nghĩa là chị/em), phần lớn chuyên dạy học hoặc chăm sóc bệnh nhân.

Nên biết là ngoài các sư huynh La-san, ở Việt Nam cũng có những nam tu sĩ không làm linh mục, thường được gọi là các « Thầy » (tương đương với các « Sư » bên Phật giáo) : có thể là « Thầy giảng » (cộng tác với các linh mục dạy giáo lý ở các giáo xứ), hoặc « Thầy giúp » (làm việc chân tay tại các tu viện). Tuy vậy, trong các ngôn ngữ châu Âu, « sư huynh » hay « thầy dòng » đều cùng một gốc, đó là frère (tiếng Pháp), brother (tiếng Anh). Hiểu như vậy, dịch là « tu huynh » sát nghĩa hơn.

Trên thực tế, ơn gọi tu huynh không thu hút nhiều ứng sinh, bởi vì, đối với nam giới, não trạng chung là đã đi tu thì phải làm linh mục, chứ không thì thiếu cái gì đó ! Điều này không chỉ xảy ra Việt Nam, mà hầu như trên toàn thế giới. Phải chăng nếu đi tu mà không làm linh mục là tu nửa vời ? Tại sao lại có những người đi tu mà không làm linh mục ?

Tuy nhiên, khi đọc lại lịch sư đời tu Kitô giáo, thì cần phải lật ngược câu hỏi : tại sao các tu sĩ lại làm linh mục ? Ơn gọi tu sĩ khác ơn gọi linh mục, tại sao lại nhập làm một ? Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta hãy ôn lại lịch sử Giáo hội.

II. Lịch sử

Có thể đặt câu hỏi như thế này : Từ khi nào các tu sĩ “gia nhập hàng giáo sĩ” ? và tại sao có những tu sĩ không làm giáo sĩ ? Khỏi nói, ai cũng biết là câu chuyện này dài dòng và ngoằn ngoèo[1]. Chỉ xin tóm tắt như sau :

1/ Vào lúc đầu, các đan sĩ là một hình thức thánh hiến giáo dân (khác với các giáo dân sống ngoài đời, cũng như khác với các giáo sĩ). Điều này vẫn còn được duy trì ở bên các Giáo hội Đông phương.

2/ Bên Tây phương, từ thế kỷ VIII, bắt đầu hiện tượng « giáo-sĩ-hóa » (clericalizzazione) các đan sĩ. Tuy vậy, tại nhiều nơi, các viện phụ vẫn chỉ là “giáo dân” (và điều khiển cả các đan sĩ có chức thánh), bởi vì trong nội bộ đan viện không có sự phân biệt phẩm trật.  Mãi đến thế kỷ XI, với cuộc cải tổ của Giáo hoàng Grêgôriô VII (1050-1080), các chức vụ cai quản mới được gắn liền với chức thánh. Kể từ đó, các đan sĩ “không giáo sĩ” có cảm tưởng là sự tận hiến của mình còn bất toàn ! Sự ngăn cách giữa hai hạng đan sĩ sẽ còn tăng thêm do những yếu tố khác, như sẽ thấy dưới đây.

3/ Nguồn gốc của các “conversi”.  Tự nó, « conversi » có nghĩa là cải hoán. Bất cứ người tín hữu nào cũng được kêu gọi phải « hoán cải » để được vào Nước Trời. Cách riêng, các đan sĩ Biển đức phải khấn « hoán cải liên lỉ » (conversio morum). Tuy nhiên, theo dòng thời gian, ý nghĩa của từ này đã biến đổi, đến nỗi chỉ còn dành cho các đan sĩ không linh mục.

a) Thực ra, ngay từ đầu, đan viện đã chấp nhận những « giáo dân » đến sống trên lãnh thổ của mình, mặc dù họ không phải là đan sĩ : họ có thể là những oblati (các thiếu nhi đến trọ học « nội trú », chứ không có ý định đi tu), những donati (những người đến làm « việc công quả », chứ không khấn dòng).

b) Sang thế kỷ XI-XII, khi hiện tượng giáo-sĩ-hóa đã thành phổ cập, các đan viện Chartreux và Xitô nhận các đan sĩ conversi. Họ là đan sĩ (có lời khấn), nhưng không làm giáo sĩ vì thiếu điều kiện học thức (thường vì là nông dân đã lớn tuổi). Họ chuyên lo việc lao động tay chân. Các đan sĩ giáo sĩ chuyên chú vào việc phụng vụ và học hành ; các conversi thay thế việc dự kinh nhật tụng bằng việc « lần chuỗi » (kinh Lạy cha hoặc kinh Kính mừng). Điều đáng nói là họ sống thành một khu vực riêng, và không tham dự vào việc quản trị cộng đoàn.

4/ Vào buổi đầu của các dòng « hành khất » (ra đời vào thế XIII), chưa có sự phân biệt giữa các thành phần giáo sĩ và không giáo sĩ. Điều này rõ rệt nơi dòng Phan-sinh, khi mà tổng quyền Elia (từ năm 1232 đến 1239) không phải là linh mục. Tuy nhiên, do nhu cầu hoạt động tông đồ, các dòng này trở thành « giáo sĩ ». Dù sao, tại các dòng này, ta thấy có ba hạng người : a) giáo sĩ, chiếm phần đa số ; b) các « trợ sĩ », những người giúp đỡ các giáo sĩ trong công tác tông đồ hoặc các công việc trong nhà ; họ là tu sĩ, nhưng không có quyền bầu cử và ứng cử ; c) các giáo dân (một thiểu số) sinh sống và làm việc ở tu viện nhưng không khấn ; đây là vết tích của các donati của các đan viện xưa.

5/ Vào thời cận đại, có hai hiện tượng đáng ghi nhận :

a/ Một đàng là sự thành lập các dòng giáo sĩ, trong đó các tu sĩ giáo dân được coi là « trợ sĩ » (coadiutor) cho hàng giáo sĩ, và giữ một địa vị thấp kém. (Thí dụ trong Dòng Tên, các trợ sĩ không khấn trọng).

b/ Đàng khác, sự xuất hiện những dòng « giáo dân », dấn thân vào một hoạt động tông đồ chuyên biệt (giáo dục, y tế, v.v…). Trong các dòng này, tất cả các tu sĩ đều tham gia vào sinh hoạt và điều hành hội dòng, nhưng họ không làm giáo sĩ. Họ được gọi là các « frères» (brothers).

 6/ Tóm lại, có nhiều hình thức « tu sĩ không linh mục » mà ta không nên lẫn lộn khi so sánh giữa các dòng.

a/ Đan sĩ trong các dòng tu cổ điển (chẳng hạn bên Đông phương) : ơn gọi đan tu được coi như sự thánh hiến đầy đủ rồi, vì thế họ không màng đến việc làm giáo sĩ. Tất cả các đan sĩ tham gia vào mọi sinh hoạt cộng đoàn, gồm cả việc quản trị.

b/ Conversus trong các dòng đan tu vào thời Trung cổ : họ chỉ là « nhân công », chứ không tham gia vào sinh hoạt của cộng đoàn. Họ không đi côrô, và sống trong khu vực riêng biệt. Tình trạng này cũng tương đương với các oblati hoặc donati trước đây.

c/ « Trợ sĩ » (cooperator hoặc auxiliarius) trong các dòng giáo sĩ : họ thực sự là tu sĩ, nhưng ơn gọi của họ là « người giúp việc » cho các giáo sĩ. Chiếu theo giáo luật, họ không thể làm bề trên.

d/ « Trợ tá » (coadiutor) trong Dòng Tên. Họ có cam kết vĩnh viễn với Dòng, nhưng về phía Dòng, họ chỉ là tu sĩ “khấn tạm”. Đây là một đặc trưng của Dòng Tên: sau năm tập, các tu sĩ không có khấn tạm nhưng khấn trọn đời luôn. Tuy nhiên, về phía Dòng, lời khấn đó chỉ có giá trị tạm thời, theo nghĩa là họ có thể bị loại. Mãi sau một thời gian sau khi thụ phong linh mục, họ mới được gọi trở về Năm tập ba, và khấn trọng. Kể từ lúc đó, Dòng không thể trục xuất họ. Nhưng các “trợ tá” không được hưởng điều kiện này.

e/ Các dòng giáo dân (chẳng hạn như: các tu sĩ dòng thánh Gioan Thiên Chúa; các sư huynh Lasan): các tu sĩ là thành phần trọn vẹn của Dòng, với đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ. Họ được đào tạo chuyên môn để thi hành “đặc sủng” của Dòng (giáo dục, y tế).

7/ Chính vì thế, tìm ra một danh xưng để gọi chung tất cả các “tu sĩ không linh mục” thật là khó khăn[2]. Tông huấn Vita consecrata (số 60-61) đề nghị gọi là frater (frère tiếng Pháp, brother tiếng Anh, hermano tiếng Tây-ban-nha, fratello tiếng Ý), nhằm nêu bật ý tưởng rằng các tu sĩ là dấu chỉ của tình huynh đệ (fraternitas) mà Chúa Giêsu muốn mang lại cho thế giới.

Dù nói gì nữa, ơn gọi các “tu huynh” trong Giáo hội đang gặp khó khăn. Chỉ cần đọc các số thống kê thì đủ rõ.  Trong vòng 50 năm từ khi bế mạc công đồng Vaticano II (1965-2015):

– Số các nữ tu từ 961.264 xuống còn 522.436 (mất đi 438.828 người, nghĩa là 45,65%)

– Số các nam tu từ 329.799 xuống còn 199.254 (mất đi 130.545 người, nghĩa là 39,58%). Trong số này các “tu huynh” sụt từ 49.002 xuống 16.378 người, nghĩa là mất 66,58%[3].

Vì lý do gì?  Phải chăng cuộc khủng hoảng ơn gọi là hậu quả của cuộc khủng hoảng về căn tính? Có lẽ đó là lý do của văn kiện mà Bộ Đời sống thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ phát hành, sau nhiều năm nghiên cứu, theo đề nghị của tông huấn Vita consecrata (25 tháng 3 năm 1996).

III. Trình bày nội dung văn kiện

 Sau bốn điều dẫn nhập, Văn kiện được chia làm ba phần chính.

A) Trong phần thứ nhất, văn kiện đặt ơn gọi Tu huynh trong bối cảnh của Giáo-hội-học hiệp thông (số 5-11).

Trước đây, người ta thường tách biệt ơn gọi tu sĩ ra khỏi ơn gọi Kitô hữu nói chung. Văn kiện này khởi đi từ ơn gọi chung cho các Kito hữu nói chung, dựa trên bí tích Thánh Tẩy, để từ đó khám phá nét riêng của ơn gọi tu sĩ, như một dấu hiệu thúc đẩy toàn thể Giáo Hội đi theo Đức Kitô.

B) Phần thứ hai dài hơn cả, đi sâu vào căn tính và sứ mạng của Tu huynh.

Tu huynh muốn họa lại chân dung Đức Kitô như là “người anh”, đơn sơ, tốt lành, gần gũi dân chúng, quảng đại, vui tươi. Đặc trưng ơn gọi các tu huynh là tình huynh đệ. Đề tài này được khai triển dưới ba chiều kích của Giáo hội: mầu nhiệm – hiệp thông – sứ mạng, đã được phác thảo trong tông huấn Vita consecrata (Confessio Trinitatis, Signum fraternitatis, Servitium caritatis).

1. Mầu nhiệm: Tình huynh đệ, món quà chúng ta lãnh nhận (số 13-20)

Ơn gọi được nhìn trong tương quan Thiên Chúa Ba ngôi, là sự đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa. Văn kiện chú ý đến sự thánh hiến bản thân như việc thực hành chức tư tế phổ quát. Việc dâng hy tế thiêng liêng mang tính cách toàn diện: trong khi cử hành phụng vụ cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Dù sao, ơn gọi là một ân huệ của Thiên Chúa hơn là một cố gắng của con người. Điều này cũng được áp dụng cho tình huynh đệ nói riêng: đây là một cảm nghiệm về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho ta.

2. Hiệp thông: Tình huynh đệ, món quà để chia sẻ (số 21-26)

Có thể coi như chiều kích đối nội của ơn gọi. Tu huynh kiến tạo tình huynh đệ phục vụ từ cộng đoàn của mình. Cộng đoàn là nơi các tu sĩ muốn chia sẻ những ân huệ đã nhận lãnh, để phục vụ Vương quốc Thiên Chúa. Đồng thời cộng đoàn cần được xây dựng mỗi ngày, nhờ sự hiệp lực của mỗi thành phần, cùng với sự hỗ trợ của ơn trên. Điều này cho thấy sự cần thiết của một linh đạo.

3. Sứ mạng: Tình huynh đệ, món quà để trao tặng (số 27-31)

Từ cảm nghiệm tình yêu huynh đệ trong cộng đoàn, Tu huynh muốn chia sẻ tình huynh đệ với những người bé mọn, theo gương Đức Giêsu “Người Mục tử Nhân Lành” tìm kiếm người anh em thất lạc, quan tâm đến ơn cứu độ toàn diện của con người. Tất cả nhằm đến việc xây dựng một thế giới của những người con cái Thiên Chúa và sống tình huynh đệ với Chúa Kitô. Có sự liên hệ chặt chẽ giữa cộng đoàn và sứ mạng. Tuy nhiên, không nên đồng hóa sứ mạng với một công việc cụ thể, nhưng cần được nhìn trong bối cảnh rộng lớn hơn của sứ mạng loan báo Tin mừng.

C) Phần thứ ba đề cập đến việc đào tạo (số 32-40)

Việc đào tạo không chỉ dừng lại ở giai đoạn sơ khởi nhưng còn kéo dài suốt đời (đào tạo thường xuyên). Kể cả những người đã nghỉ hưu sau thời gian hoàn tất một công tác của nghề chuyên môn vẫn không được nghỉ hưu dưới cái nhìn của sự thánh hiến. Các vị cao tuổi có thể trở thành các vị thầy sự sống nhờ kinh nghiệm cuộc đời. Mặt khác, việc đào tạo cũng đặt ra cho toàn dòng, theo nghĩa là cần xét lại đặc sủng sáng lập trong những hoàn cảnh mới của thời đại.

IV. Vài nhận xét

Như đã nói trên đây, ngày nay khi nói đến Tu huynh (theo nghĩa là nam tu sĩ không làm linh mục), ta cần phải phân biệt nhiều hạng: a) đan sĩ trong các dòng đan tu cổ truyền; b) các tu sĩ trong những dòng tu giáo sĩ; c) các tu sĩ trong dòng tu giáo dân.

Xem ra văn kiện này thích hợp hơn cả với hạng thứ ba này, vì trình bày giá trị của ơn gọi thánh hiến tự nó, đặt nền trên bí tích Thánh tẩy. Các tu sĩ thực hành chức tư tế phổ quát qua việc dâng hiến cuộc đời để phục vụ Nước Chúa. Họ xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn và phục vụ nhân loại trong những nhu cầu vật chất và tinh thần, đặc biệt là người nghèo. Xét dưới khía cạnh này, các nữ tu hoạt động bác ái xã hội cũng tìm thấy điều rất hữu ích trong văn kiện này.

Vấn đề trở thành phức tạp hơn khi bàn đến vai trò của các Tu huynh trong các dòng giáo sĩ hoặc dòng “hỗn hợp”: họ chia sẻ sứ mạng cùng với các giáo sĩ, với những hình thức khác, và họ không được tham dự hoàn toàn vào việc quản trị cộng đoàn chiếu theo quy định hiện hành của bộ giáo luật (x. điều 588 §2). Bộ Đời sống thánh hiến hứa sẽ can thiệp để giải quyết sự khó khăn này.

Vài lưu ý về việc dịch thuật

  • Frère/ Brother tùy theo văn mạch, có khi dịch là “tu huynh” có khi là “người anh em”.
  • Identité / Identity: căn tính (tuy cũng có thể dịch là “bản sắc”). Một cách tương tự như vậy, Mission được dịch là “sứ mạng” (tuy cũng có thể dịch là “sứ vụ”).

Gò vấp, ngày 3 tháng 11 năm 2018, lễ thánh Tu huynh Martino de Porres O.P.

Phan Tấn Thành

———————-

[1] Xem : J. Bonduelle, “Convers” in: Dictionnaire de Droit canonique, vol.IV (1949), 562-587. J. Dubois, « Converso : in : Dizionario degli Istituti di Perfezione, vol.III (1976) 110-120).

[2] Trước đây gọi là “tu sĩ giáo dân” (religiosi laici, tiếng Anh: lay brother); nhưng thuật ngữ này không thích hợp xét vì trong Giáo Hội, “hàng ngũ tu sĩ” (status religiosorum) khác với “hàng ngũ giáo dân » (status laicorum).

[3] Các con số trích từ hai cuốn sách của cha A. Pardilla, I religiosi ieri, oggi e domani, Ed. Rogate Roma 2007 ; Le religiose ieri, oggi e domani, Libreria editrice Vaticana 2008. Cf. Riccardo Benotti, I numeri della vita religiosa a 50 anni dal Concilio, https://agensir.it/chiesa/2016/09/23/i-numeri-della-vita-religiosa-a-50-anni-dal-concilio-perche-la-crisi-non-e-ancora-alle-spalle/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here