Chúa Nhật XIII – Năm B – Thường Niên

0
419

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IKn 1,13-15; 2,23-24
13 Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. 14 Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu. 15 Quả vậy, đức công chính thì trường sinh bất tử. 23 Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt.
Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. 24 Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.

2/ Bài đọc II 2 Cr 8,7.9. 13-15
7 Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa. 9 Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.

13 Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. 14 Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, 15 hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu.

3/ Phúc ÂmMc 5,21-43
21 Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23 và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.”24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người. 25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, 26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. 27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. 28 Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” 29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” 31 Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ”Ai đã sờ vào tôi?” 32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. 33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. 34 Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” 35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” 36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” 37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39 Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” 40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. 41 Người cầm lấy tay nó và nói: “Talitha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” 42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có toàn quyền trên đau khổ và sự chết.

             Theo Sách Sáng Thế, Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành, và Ngài mong muốn cho mọi loài tồn tại; nhưng con người luôn phải đương đầu với đủ loại đau khổ và cái chết. Câu hỏi được đặt ra: Đâu là nguyên nhân của đau khổ và cái chết? Sách Sáng Thế tường thuật biến cố cám dỗ và sự sa ngã của con người trong vườn Địa Đàng. Vì con người lạm dụng quyền tự do để bất tuân lệnh Thiên Chúa và nghe lời quỷ dữ, nên tội lỗi và sự chết đã đột nhập vào thế gian và tác hại trên con người.

            Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh ý hướng và quyền năng của Thiên Chúa trong việc tạo dựng và quan phòng vũ trụ. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan xác quyết: Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành và tiền định cho muôn loài được trường tồn; nhưng quỉ dữ cám dỗ con người và là nguyên nhân của đau khổ và sự chết. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Corintô giúp đỡ Giáo Hội tại Jerusalem để duy trì sự sống trong trận đói đang xảy ra tại đây. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài có toàn quyền trên đau khổ và sự chết qua việc chữa lành người phụ nữ bị loạn huyết và cho con gái ông Jairus sống lại.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sáng tạo con người và cho họ được trường tồn bất diệt.

1.1/ Thiên Chúa muốn con người được sống trường sinh bất tử: Tác giả Sách Khôn Ngoan, dựa theo trình thuật tạo dựng thế giới và con người trong Sách Sáng Thế, quả quyết: Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành, không một loài nào là xấu hay mang những nọc độc trong người. Vì Thiên Chúa tạo dựng, nên mọi loài hiện hữu; nếu Thiên Chúa không tạo dựng, không loài nào có cả. Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, và muốn cho con người được sống trường sinh bất tử. Ngài không sáng tạo cái chết, cũng chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.

1.2/ Lý do tại sao con người phải chết: Tác giả Sách Khôn Ngoan ý thức rõ sự hiện hữu của cái chết và cố gắng đi tìm nguyên nhân của nó, vì Thiên Chúa không tạo dựng nên cái chết. Ông tìm ra nguyên nhân là: “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.”

            Sách Sáng Thế tường thuật rõ ràng cám dỗ của quỉ dữ và sự sa ngã của con người trong vườn Địa Đàng. Vì lý do này mà tội lỗi đã xâm nhập con người và làm cho họ phải chết. Sách Sáng Thế cũng tường thuật sự lan tràn của tội lỗi nơi con người: Cain giết Abel, em ông; Lụt Hồng Thủy là hậu quả của tội lỗi con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa quá nhiều; việc xây tháp Babel không thành vì Thiên Chúa làm cho con người không hiểu nhau…

            Không những nọc độc của tội lan tràn và cư ngụ trong con người, mà tất cả các tạo vật của Thiên Chúa đều bị ảnh hưởng bởi tội của con người. Trước khi phạm tội, con người sống chung với muôn thú. Sau khi phạm tội, chúng rời xa con người. Nọc độc của rắn lửa hay bò cạp, phản ứng hung hăng của muông thú, các thiên tai, động đất, bão lụt … đều là những hậu quả từ sự phạm tội của con người.

2/ Bài đọc II: Người tín hữu phải có tinh thần tương thân, tương ái.

            Bối cảnh lịch sử của Bài Đọc II là Phaolô muốn tổ chức cuộc lạc quyên để giúp các tín hữu tại Jerusalem, đang chịu một nạn đói dữ dội. Thánh Phaolô muốn các tín hữu Corintô hiểu lý do tại sao họ phải đóng góp; ông muốn họ rộng lượng giúp đỡ các anh/chị/em đang lâm cảnh túng thiếu.

2.1/ Chúng ta phải giúp đỡ mọi người trong cảnh túng thiếu: Ngài cho họ ít là hai lý do để đóng góp:

            (1) Đã nhận lãnh nhưng không, cũng phải cho đi nhưng không: Ngài nói: “Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa.” Thánh Phaolô muốn các tín hữu biết ngài đã hy sinh rất nhiều thời gian, tài năng, và sức khỏe để giúp các tín hữu Corintô có đức tin và hiểu biết về Thiên Chúa. Để trả ơn, họ phải hăng hái đóng góp cho các tín hữu tại Jerusalem.

            (2) Gương của Đức Kitô: Ngài nói: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” Ví dụ: Chúa chọn mang kiếp phàm nhân để chịu đau khổ, hầu mang lại ơn cứu độ cho con người. Chỉ cần một ơn cứu tử này thôi, con người có hy sinh tất cả những gì mình có cũng chưa báo đền được. Đó là chưa kể biết bao ơn lành Đức Kitô mang lại cho con người qua cái chết của Ngài.

2.2/ Tha nhân sẽ giúp lại khi chúng ta lâm cảnh khốn khó: Con người ích kỷ thường kiếm đủ mọi lý do để biện minh cho việc từ chối đóng góp: phải mua cái này, đang cần cái kia, phải để dành cho con cái ăn học, cần tiết kiệm để lo cho tuổi già hay khi bệnh tật … Thánh Phaolô biết rõ những điều này, nên ngài cắt nghĩa: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu.”

            Lịch sử xoay vần, không ai sung sướng mãi, cũng như không ai khổ cực mãi. Kinh ngiệm của biến cố 30 tháng tư năm 1975 là một trường hợp điển hình: Cả thế giới xúc động về những đau khổ của người tỵ nạn Việt-nam phải đổ xô ra biển cả để tìm đường sinh sống, nên đã giúp đỡ đồng bào ta có nơi ăn, chốn ở, và định cư nơi quốc gia đệ tam. Giờ đây, hầu hết chúng ta đã ổn định cuộc sống, chúng ta phải góp phần phát triển các quốc gia đã giúp đỡ chúng ta: những người bản xứ nghèo, những người di dân mới tới, những đồng bào bị thiên tai bão lụt trong nước. Làm ngơ trước những nhu cầu này là vô ơn với Thiên Chúa và những người ân nhân của chúng ta. Hơn nữa, cuộc đời chúng ta chưa hết, mọi sự khó đếu có thể xảy ra, ai sẽ giúp đỡ khi chúng ta lâm nạn?

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu có toàn quyền trên sự chết và sự đau khổ.

3.1/ Chúa làm cho con gái ông Trưởng Hội Đường Jairus được sống lại: Trình thuật Chúa chữa con gái của ông được xen kẽ bởi trình thuật Chúa chữa người đàn bà bị loạn huyết. Chúng ta sẽ phân tích 3 phản ứng trong trình thuật này:

            (1) Phản ứng của ông Jairus Trưởng Hội Đường: Niềm tin của ông được biểu lộ qua hành động ông sụp xuống dưới chân Ngài và khẩn khỏan nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” Là một Trưởng Hội Đường, ông Jairus phải là người có danh giá và địa vị; thế mà ông lại sụp lạy công khai một nhà rao giảng mà các kinh sư và luật sĩ khinh thường. Thấy niềm tin và lòng thương xót của ông dành cho con, Chúa Giêsu chấp nhận về nhà ông để chữa lành em bé.

            (2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài muốn ông Jairus phải tiếp tục tin tưởng, ngay trong khi vừa nghe hung tin về cái chết của con gái mình: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Để dạy các môn đệ luôn tin tưởng và can đảm đối diện với cái chết, Ngài không cho ai đi theo mình, trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan.Người bắt tất cả những kẻ không có lòng tin ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói: “Talitha qum,” nghĩa là: “Này bé, hãy trỗi dậy đi!” Lập tức em bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Mọi người hiện diện sững sờ, kinh ngạc. Đức Giêsu ngiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

            (3) Phản ứng của những người chung quanh: Họ không tin Chúa Giêsu có uy quyền làm cho người chết sống lại. Vì thế, có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Khi thấy Chúa Giêsu và các môn đệ tiến vào nhà và Ngài bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Họ chế nhạo Người.

3.2/ Chúa chữa lành một bà bị băng huyết 12 năm: “Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.”

            (1) Phản ứng của bà bị băng huyết: Bà đã nghe đồn về Chúa Giêsu, và đây là cơ hội ngàn năm một thuở để Bà xin Chúa cứu. Tại sao Bà không can đảm đến xin Ngài chữa lành mà lại sờ vào tua áo của Ngài? Có ít nhất hai lý do ngăn cản Bà: Thứ nhất, đây là thứ bệnh đàn bà, có lẽ Bà cảm thấy xấu hổ khi phải thú nhận bệnh của Bà trước đám đông chăng? Hơn nữa, Bà cũng muốn tránh cho Chúa khỏi phải trở nên không sạch, vì Lề Luật ngăn cấm không cho đụng tới những người có bệnh như thế. Thứ hai, Chúa Giêsu đang bận rộn trên đường đi chữa bệnh, và cả một đám đông chen lấn theo sau Ngài; làm sao một phụ nữ yếu đuối như Bà có thể chen lại đám đông? Vì thế, Bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Với niềm tin đó, Bà chạy theo và sờ vào tua áo Chúa; tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.

            (2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngay lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” Và Đức Giêsu ngó quanh để tìm người đã làm điều đó. Đây là giây phút giao linh giữa người được tin và người tin. Giống như tình yêu, hai kẻ yêu nhau không cần phải nói; chỉ một hành động được làm từ một trong hai người, họ có thể hiểu tình yêu người khác dành cho mình. Người đàn bà loạn huyết sợ phát run lên, vì Bà không ngờ hành động bí mật của Bà bị phát hiện. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Tưởng rằng Ngài sẽ la mắng Bà, nhưng Chúa Giêsu nói với Bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

            Trình thuật này phải giúp chúng ta tin tưởng vững mạnh vào Ngài khi mang bệnh phần hồn cũng như phần xác. Chúa thấu hiểu sức mạnh của lòng tin chúng ta dành cho Ngài, và Ngài sẽ ban ơn cần thiết để chữa lành. Ngài cũng thấu hiểu mọi bí mật trong tâm hồn chúng ta; vì thế, chúng ta hãy thú nhận và đừng giấu diếm chi cả. Chúng ta sẽ hưởng được bình an thực sự khi làm như thế.

            (3) Phản ứng của các môn đệ: Các môn đệ dùng sự suy nghĩ của con người để thưa với Chúa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ”Ai đã sờ vào tôi?” Khi nói như thế, các môn đệ đã tỏ vẻ khinh thường Thầy mình, và không hiểu những gì xảy ra trong lãnh vực đức tin. Phản ứng của Chúa Giêsu hôm nay phải dạy chúng ta biết thận trọng khi phán xét những điều thuộc lãnh vực tinh thần. Đừng bao giờ lấy sự khôn ngoan con người để phán xét những sự thuộc về Thiên Chúa; nhưng phải biết khiêm nhường và lấy đức tin để hiểu những sự thuộc về Thiên Chúa và phán xét tha nhân.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Thiên Chúa có toàn quyền trên sự chết và sự đau khổ
– Chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ sự sống và tiêu diệt sự chết.
– Để bảo vệ sự sống, chúng ta phải can đảm sống theo nền “văn minh tình thương” và loại bỏ nền “văn hóa sự chết,” như lời ĐGH Gioan-Phaolô II kêu gọi.

Nguồn: https://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2795:ch-nht-13-thng-nien-nm-b&catid=25&Itemid=27

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here