Chủ Nhật IV Mùa Vọng, Năm A

0
770

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IIs 7:10-14

 10 Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng:

11 “Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi
ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.”

12 Vua A-khát trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA.”

13 Ông I-sai-a bèn nói: “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít!
Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?

14 Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.

2/ Bài đọc IIRm 1:1-7

1 Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.

2 Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh.

3 Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.

5 Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.

6 Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.

7 Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh.
Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.

3/ Phúc ÂmMt 1:18-24.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.

19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.

20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.

21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”

22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:

23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đừng nghi ngờ hay bất tuân lệnh của Thiên Chúa.

Con người có khuynh hướng làm theo những gì mình suy nghĩ, và áp dụng những gì mình suy nghĩ vào cho Thiên Chúa. Nếu họ nghĩ chuyện đó không thể làm được, họ kết luận Thiên Chúa cũng không thể làm được. Khi suy nghĩ như thế, con người đã hạ Thiên Chúa xuống ngang hàng với con người; và như một hậu quả, con người bất tuân lệnh của Ngài, và dần dần, họ cũng chẳng cần đến Thiên Chúa.

Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những mẫu gương vâng lời và bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, vua Ahaz của Judah bất tuân lệnh Thiên Chúa đi cầu cứu với vua Assyria để xin sự bảo vệ; vì Vua không tin Thiên Chúa có sức mạnh đủ để bảo vệ Judah khỏi tay Ai-cập.

Trong Bài Đọc II, Phaolô, sau khi được Đức Kitô mặc khải trên đường đi Damascus, đã nhận ra Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô và cho mọi dân tộc. Kể từ đó, ông không ngừng rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Trong Phúc Âm, thánh Giuse không hiểu nổi cuộc thụ thai kỳ lạ của Đức Trinh Nữ Maria, nên toan lìa bỏ Đức Mẹ cách kín đáo; nhưng thiên thần hiện đến với Giuse trong giấc mộng, và cho ông biết sự thụ thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Thiên thần lặp lại lời tiên-tri của ngôn sứ Isaiah trong Bài Đọc I để soi sáng cho Giuse hiểu cuộc mang thai cách mầu nhiệm này. Khi tỉnh dậy ông làm theo ý định của Thiên Chúa và nhận Maria về nhà làm bạn mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đừng bất tuân lệnh của Thiên Chúa.

1.1/ Vua Ahaz bất tuân lệnh Thiên Chúa: Chúng ta phải hiểu hoàn cảnh lịch sử thì mới hiểu trình thuật của Isaiah hôm nay: Ahaz là vua Judah. Sau khi vương quốc miền Bắc bị rơi vào tay quân thù Assyria, ông sợ hãi và muốn sai sứ giả sang triều cống và cầu cứu với vua Assyria để được bảo vệ. Thiên Chúa sai tiên-tri Isaiah đến khuyên nhà vua không được làm như thế; Vua chỉ cần tin vào Thiên Chúa, Ngài có thể bảo vệ vương quốc Judah khỏi tay mọi quân thù. Vua không tin Thiên Chúa có thể bảo vệ, nên cứ sai sứ giả sang cầu cứu với vua Assyria. Khi biết Vua bất tuân lệnh Thiên Chúa, tiên-tri Isaiah vào hoàng cung để đối chất với vua Ahaz, và chúng ta có trình thuật của Isaiah hôm nay.

Một lần nữa Đức Chúa phán với vua Ahaz rằng: “Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.” Vua Ahaz trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa.” Đây là sự khiêm nhường giả tạo: Nếu muốn biết Thiên Chúa uy quyền thế nào, tại sao vua Ahaz không dám mở miệng xin. Lời của vua Ahaz chứng tỏ ông không kính sợ và làm theo ý Thiên Chúa; nhưng chỉ nhát đảm để rồi làm theo ý riêng mình. Hậu quả là toàn vương quốc miền Nam bị rơi vào tay quân đội của vua Babylon. Chúng phá hủy Đền Thờ và đem tất cả vua quan và dân chúng đi lưu đày.

1.2/ Lời tiên báo về hoàn cảnh của Đấng Thiên Sai ra đời: Tuy Ahaz không xin nhưng Thiên Chúa vẫn cho. Ông Isaiah bèn nói: “Nghe đây, hỡi nhà David! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Immanuel.” Động từ “làm phiền” đồng nghĩa với bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Dấu lạ vĩ đại của Thiên Chúa là Ngài sẽ ban cho nhân loại Đấng Thiên Sai qua sự mang thai mà vẫn còn đồng trinh của một trinh nữ (parthenos trong bản Hy-lạp, LXX, và almah trong bản Do-thái, MT).

+ Các học giả tranh luận: Từ almah chỉ được dùng ba lần trong Cựu Ước vừa có nghĩa tổng quát là một thiếu nữ, vừa có nghĩa là một trinh nữ; nếu muốn chỉ sự đồng trinh, người ta sẽ dùng danh từ betulah, xảy ra 14 lần trong Cựu Ước. Isaiah cũng dùng 3 lần danh từ betulah (Isa 23:12, 27:32, 47:1).

+ Ý kiến chúng tôi: Tiên-tri Isaiah muốn ám chỉ một trinh-nữ, vì ba lý do sau:

(1) Kinh Thánh: Hai lần khi bản MT dùng almah (Gen 24:43 và Isa 7:14), bản LXX đều dùng parthenos. Chỉ có một lần bản LXX dùng từ neanis để dịch almah là trong (Exo 2:8), khi chị của Moses được công chúa của vua Pharao sai đi mời mẹ của Moses đến. Chị của Moses trong trường hợp này cũng có thể là một trinh nữ, vì theo văn mạch là người vẫn còn nhỏ tuổi. Như thế, Isaiah có thể dùng từ đồng nghĩa ở đây, almah, để chỉ một trinh nữ.

(2) Văn mạch: Hơn nữa, theo văn mạch, Thiên Chúa muốn cho con người một dấu lạ vĩ đại – nếu một thiếu nữ có chồng mà sinh con là chuyện thường tình xảy ra, đâu còn gọi là dấu lạ nữa.

(3) Truyền thống: Khi thánh sử Matthew trích dẫn lời ngôn sứ Isaiah, ông dùng từ parthenos, có ý muốn nói một trinh nữ.

2/ Bài đọc II: Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh.

Để hiểu bắt đầu trình thuật của Thư Rôma hôm nay, một người phải nhớ lại biến cố ngã ngựa của Phaolô trên đường đi Damascus. Trước đó, Phaolô không tin Đức Kitô cần thiết trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và ông cũng không tin Dân Ngoại có thể được cứu độ. Như phần đông người Do-thái, ông tin chỉ cần giữ Lề Luật là đủ để được cứu độ, và ơn cứu độ chỉ dành cho người Do-thái. Nhưng sau khi được Đức Kitô mặc khải, Phaolô thay đổi niềm tin hoàn toàn: ông tin và được chọn để rao giảng Đức Kitô cho Dân Ngoại. Đây là hai điều mà Phaolô đề cập tới trong trình thuật hôm nay.

2.1/ Phaolô được kêu gọi để rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô: Ông xác tín niềm tin vào Đức Kitô, vào Tin Mừng Đức Kitô rao giảng, và vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng của ông: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.”

2.2/ Tin Mừng được loan truyền cho tất cả Dân Ngoại: Phaolô tin Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa có hai giai đoạn: (1) Thiên Chúa chọn dân tộc Do-thái để chuẩn bị cho Đức Kitô ra đời, và (2) khi Đức Kitô đến, Tin Mừng Cứu Độ được mở rộng đến các Dân Ngoại. Phaolô được tuyển chọn bởi chính Đức Kitô để loan báo Tin Mừng cho Dân Ngoại: “Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các Dân Ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ. Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giêsu Kitô. Kính gửi tất cả anh em ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.”

3/ Phúc Âm: Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ.

3.1/ Cuộc thụ thai khó hiểu của Maria: Thánh-sử Matthew tường thuật cuộc thụ thai của Maria: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.”

Theo trình thuật này, một người có thể nhận ra ngay hai điều quan trọng:

(1) Maria mang thai không phải bởi Giuse: Khi Giuse định tâm lìa bỏ Maria cách kín đáo, ông xác nhận điều này, vì Giuse là người công chính.

(2) Maria mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần: Hai lần trong trình thuật hôm nay, thánh sử Matthew đề cập đến sự thụ thai là do bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Lần đầu bởi chính thánh-sử, và lần thứ hai bởi sứ thần của Thiên Chúa.

3.2/ Sự việc xảy ra để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaiah: Khi Giuse đang toan tính như vậy, thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Trình thuật nhấn mạnh: “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Immanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”” Mặc dù là trong giấc mơ, nhưng sứ thần Thiên Chúa muốn Giuse được củng cố bởi lời của ngôn sứ Isaiah, đã được loan báo hơn 600 năm trước. Vì thế, khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón Maria về nhà.

3.3/ Tranh luận về vấn đề đồng trinh của Đức Mẹ: Từ thời Giáo Hội sơ khai đến nay, thời nào cũng có những người không tin vào tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đối với họ, một phụ nữ không thể sinh con mà còn đồng trinh. Chúng ta có thể căn cứ vào 5 lý chứng sau đây để xác tín vào sự đồng trinh của Đức Mẹ:

(1) Lời ngôn sứ Isaiah đã tiên báo gần 600 năm trước khi Đức Kitô sinh ra. Chúng ta đã phân tích từ ngữ và văn mạch trong Bài Đọc I.

(2) Trình thuật của Tin Mừng Matthew hôm nay hai lần nói tới việc thụ thai của Chúa Giêsu là do ý định của Thiên Chúa và do quyền năng của Chúa Thánh Thần.

(3) Chính Giuse, chồng của Maria cũng xác nhận việc thụ thai là không do ông; vì thế, ông toan tính lìa bỏ Maria cách kín đáo.

(4) Thiên Chúa có uy quyền làm mọi sự: không điều gì Ngài không thể làm được.

(5) Việc thụ thai như thế nên làm; vì Đức Kitô là Thiên Chúa thánh thiện, không thể vương vấn tội nhơ.

Ai tiếp tục chất vấn sự đồng trinh của Đức Mẹ, người ấy cũng chẳng khác gì vua Ahaz, luôn nghi ngờ uy quyền của Thiên Chúa. Những người này chỉ tin vào sự lý luận khôn ngoan của mình và tiếp tục “làm phiền” Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Con người chúng ta bị giới hạn rất nhiều trong sự hiểu biết; vì thế, chúng ta đừng bao giờ ngoan cố trong sự cố chấp của mình, nhưng phải biết mở lòng để đón nhận mặc khải của Thiên Chúa.

– Chúng ta cũng đừng bao giờ áp dụng những gì chúng ta suy luận vào cho Thiên Chúa, vì Ngài rất khác và uy quyền hơn chúng ta gấp bội. Khi không hiểu mặc khải của Thiên Chúa, chúng ta hãy khiêm nhường xin Thánh Thần soi sáng, thay vì kiêu ngạo cho là chuyện không thể xảy ra.

Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1579:ch-nht-iv-mua-vnga&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here