CẮT NGHĨA TỔNG LUẬN THẦN HỌC CHO CÁC THIẾU NHI – BÀI 16

0
191

BÀI 16: Ý TƯỞNG LÀ GÌ?

Bạn đã từng có ý tưởng tuyệt vời nào chưa? Hay bạn đã từng nói chuyện với một ai đó mà bạn không thể nắm bắt được ý tưởng của họ? Chắc chắn bạn đã trải qua những điều tương tự như vậy. Vậy ý tưởng là gì? Ý tưởng có liên hệ thế nào với Thiên Chúa?

Hiểu được “ý tưởng” là gì cũng là cách thức chúng ta rèn luyện những suy tư trừu tượng. Nói một cách khác, chúng ta phải nghĩ về những điều bên ngoài thế giới vật lý, những điều nằm ngoài nhận thức giác quan. Rõ ràng chúng ta thấy được sự khác biệt giữa việc suy nghĩ về chiếc bánh Pizza như một khái niệm trong đầu, và việc thưởng thức chiếc bánh Pizza có mùi vị thơm ngon mà chúng ta có thể cầm và bỏ vào miệng. Một cái là khái niệm trong đầu, vô hình, và nằm ngoài nhận thức giác quan. Cái kia thì hữu hình và cảm nhận được bằng giác quan.

Trong bài học này chúng ta tìm hiểu “ý tưởng” về vạn vật hiện hữu trong trí của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ xem xét những gì được cho là yếu tính của sự vật trong một tư duy trừu tượng, cái mà thường được miêu tả trong triết học như là “tính chất của cái cây”, “tính chất của con chó”, khi chúng ta nói về yếu tính của một cái cây, hay của một con chó. Đơn giản thôi, cái ý tưởng trừu tượng về về cái cây hay con chó, chỉ xuất hiện ở trong đầu ta. Nó không phải là một con vật hay đồ vật hữu hình có cơ thể vật lý và cảm nhận được bằng giác quan. Điều đặc biệt, chỉ có những thụ tạo có lý tính mới có thể nhận biết về “những ý tưởng”.

THÁNH TÔMA NÓI GÌ?

Với câu hỏi có các ý tưởng không, thánh Tôma đã trả lời rằng: Nhất thiết phải có những ý tưởng trong trí  của Thiên Chúa. Vì hạn từ “ ý tưởng” (idea) trong tiếng Latinh là “forma” (mô thể). Vì vậy ý tưởng thường được hiểu là những mô thể của sự vật, hiện hữu ngoài chính các sự vật. Vậy mô thể của một vật hiện hữu ngoài chính vật ấy thì có thể có một hoặc hai chức năng : hoặc là mô thể này chính là mô hình của vật mà nó được gọi là mô thể , hoặc là nguyên lý cho sự hiểu biết về vật đó, như các mô thể của các sự vật có thể được nhận biết, thì được cho là ở trong chủ thể  hiểu biết chúng. (ST I, q.15, a.1)

SINH HOẠT THIẾU NHI

Một người sẽ là quản trò. Bạn cần chuẩn bị bút và giấy cho trò chơi sinh hoạt này. Đầu tiên, quản trò hãy chọn ra một số danh từ chung chẳng hạn: chó, cây, hoa… mà không phải là con chó nhỏ màu đen ở đằng kia, cây ổi cao ở ngoài vườn, hay bông hoa hồng trước mắt.

Tiếp đến, các bạn nhỏ được tách biệt xa nhau để không được nhìn thấy bức tranh của người khác. Mỗi người sẽ vẽ một bức tranh về danh từ mà người quản trò vừa nói. Mỗi người chỉ vẽ điều mình được nghe một lần thôi. Ví dụ: Người quản trò nói “nhà” thì chỉ vẽ một ngôi nhà duy nhất mà không phải là vẽ ba hoặc bốn ngôi nhà.

Khi các bạn nhỏ đã vẽ xong những từ mà quản trò đọc. Hãy quy tụ họ lại và so sánh những bức tranh vẽ. Các bạn nhỏ sẽ rất bất ngờ vì chỉ với một từ danh từ chung được đọc lên, mà mỗi bức tranh đều sẽ có những điểm độc đáo hoặc khác biệt nhau hoặc có nét tương đồng với nhau.

Nào bây giờ chúng ta có thể thảo luận về sự khác biệt giữa trừu tượng và cụ thể trong hoạt động của trí tuệ khi nhận biết sự vật!

PHIÊU LƯU NGOÀI TRỜI

Trong hoạt động này, chúng ta sẽ nhận ra trí hiểu của mình sẽ phân biệt thế nào giữa điều trừu tượng và điều cụ thể. Bây giờ mọi người cùng nhắm mắt lại. Chỉ duy nhất quản trò được mở mắt. Nhiệm vụ của quản trò là xác định một vật trong tự nhiên. Khi đã xác định được đối tượng ấy thì quản trò sẽ gọi tên sự vật này bằng một danh từ chung chẳng hạn: Ngôi nhà.

Tiếp đến những người đang nhắm mắt sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về ngôi nhà mà quản trò đã thấy, chẳng hạn: Ngôi nhà đó to hay nhỏ? Nó ở bên dưới thung lũng hay bên đồi thông?… Quản trò sẽ trả lời tất cả những câu hỏi cho đến khi những người nhắm mắt đã hình dung được ngôi nhà này. Sau đó, tất cả mở mắt và quan sát ngôi nhà ấy. Có thể những người bị bịt mắt này sẽ ngạc nhiên vì ngôi nhà ấy rất giống với ngôi nhà mà mình hình dung trong đầu, hoặc buồn cười vì ý tưởng của họ về ngôi nhà khác một trời một vực.

Hoạt động này giúp bạn hiểu được khái niệm về “ý tưởng” qua đó bạn cũng sẽ hiểu hơn về nội dung bài học của chúng ta.

NGẪM NGHĨ

Khi đầu bạn nảy lên một “ý tưởng” nào đó, hãy tạ ơn Chúa vì bạn có thể thực hiện điều này. Bởi vì “hành vi suy tư” và việc hình thành những ý tưởng chỉ có ở những thụ tạo có lý trí. Động vật thì không có lý trí và không có khả năng hiểu được các ý tưởng. Vì khả năng này không có trong bản tính của các loài động vật. Khả năng này chỉ dành riêng cho những thụ tạo có trí năng như con người và thiên thần (và cả Thiên Chúa nữa).

Nhưng Thiên Chúa không hiểu những ý tưởng như cách thức của con người. Những ý tưởng của Thiên Chúa về vạn vật hiện hữu trong trí năng của Người trong một “nhìn thoáng” hoặc trong một chốc lát, vượt trên thời gian. Nhiệm vụ của chúng ta là tìm hiểu về ý tưởng của vạn vật như những ý tưởng đã hiện hữu trước tiên nơi Thiên Chúa. Vì vậy, khi bạn nói “tôi có một ý tưởng này…” thì hãy nhớ đây chính là đặc ân, một món quà Thiên Chúa đã ban tặng. Những chú chó, chú mèo, hay những chú sâu  không có ý tưởng như chúng ta. Chúng chỉ cảm nhận được những thứ xung quanh qua giác quan, chứ chúng không có lý trí để nhận biết. Biết những ý tưởng là một phần của những gì khiến chúng ta giống như Thiên Chúa. Đó không phải là chuyện tầm thường đâu. Đó là một điều tuyệt vời!

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã dựng nên con như một thụ tạo có lý trí. Con xin hết lòng tán dương vì Chúa đã dựng nên con theo hình ảnh của Chúa, và được giống như Chúa khi con có thể nhận biết ý tưởng về vạn vật. Xin Chúa giúp con sử dụng trí hiểu và ý muốn của mình để phụng sự, tôn vinh và chúc tụng Chúa mãi đến muôn đời. Amen.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here