CẮT NGHĨA TỔNG LUẬN THẦN HỌC CHO CÁC THIẾU NHI – BÀI 13

0
95

BÀI 13: LÀM SAO CÓ THỂ BIẾT THIÊN CHÚA MỘT CÁCH TỐT NHẤT?

Trong Tin mừng Gioan 14:2 có đoạn chép: “Trong nhà Cha Thầy có rất nhiều chỗ ở”. Câu nói này được giải thích rằng, có những mức độ khác nhau ở sự sống đời sau. Trên thiên đàng, những người được Thiên Chúa ban phúc vinh nhiều hơn thì sẽ nhận biết Thiên Chúa một cách rõ ràng hơn. Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta có thể nhận biết Người. Nhưng khi được diện kiến Người trên thiên quốc, chúng ta mới hiểu biết Thiên Chúa trọn vẹn hơn bây giờ. Tuy vậy, nơi những người có diễm phúc được lên thiên đàng thì cũng có mức độ hiểu biết Thiên Chúa khác nhau.

Bạn có thể thắc mắc, một người cần làm gì để đạt được mức độ cao nhất trên thiên đàng. Tại sao những người khác không thể đạt đến mức độ vinh quang cao cả như vậy. Thánh Tôma dạy chúng ta rằng, trên thiên đàng Thiên Chúa hiện diện ở mức độ ngang bằng nhau với tất cả mọi người. Thiên Chúa bất biến không đổi thay theo mức độ.

Tuy nhiên, điều thay đổi khác biệt lại tuỳ thuộc vào khả năng của một người để chiêm ngắm và nhận biết Thiên Chúa. Một mặt Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khả năng này như ân sủng của Ngài. Mặt khác khả năng ấy còn dựa vào khuynh hướng hay thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa. Chính vì vậy, trên thiên đàng một vài người sẽ có chiếm hữu ánh sáng vinh quang lớn hơn so với những người khác.

Vậy đâu là điều tạo ra sự khác biệt? Thánh Tôma cho rằng người có lòng bác ái nhân hậu lớn hơn, hoặc có tình yêu Thiên Chúa lớn hơn thì tự nhiên khát vọng Thiên Chúa nhiều hơn, và người ngày sẽ nhìn thấy Thiên Chúa một cách rõ ràng hơn so với những người khác.

THÁNH TÔMA NÓI GÌ?

Với câu trong những hữu thể trông thấy yếu tính của Thiên Chúa, thì có hữu thể này trông thấy yếu tính của Thiên Chúa hoàn hảo hơn hữu thể kia không, thánh Tôma đã trả lời rằng: Đối với những người trông thấy yếu tính của Thiên Chúa, thì có người này trông thấy Thiên Chúa hoàn hảo hơn người kia. Sự hơn kém này không phải do một người có sự hoàn tương đồng với Thiên Chúa hơn là người khác, bởi vì việc trông thấy yếu tính của Thiên Chúa không được thực hiện bởi việc thấy những điều tương tự. Sự hơn kém là do năng lực trí năng của một người cao hơn người kia để trông thấy yếu tính của Thiên Chúa. Tuy nhiên năng lực nhận biết Thiên Chúa không phụ thuộc và trí năng thụ tạo tự nhiên, nhưng được ban cho bởi ánh vinh quang thiên đàng. Do đó, trí năng có nhiều ánh vinh quang hơn thì sẽ nhìn thấy Thiên Chúa một cách hoàn hảo hơn; người nào có nhiều đức mến hơn, sẽ có sự tham dự vào ánh vinh quang lớn hơn; bởi vì ở đâu có đức mến nhiều hơn, thì ở đó có nhiều khát khao hơn, và sự khao khát này trong một mức độ nào đó làm cho người khát khao có thể thích nghi và được chuẩn bị để đón nhận điều mình khát khao. (ST I, q.12, a.6)

SINH HOẠT THIẾU NHI

Mỗi bạn nhỏ sẽ tự làm cho mình năm “tấm thẻ ước mơ”. Trong mỗi tấm thẻ, các bạn nhỏ viết một điều yêu thích mà mình muốn có và muốn thực hiện. Ví dụ, một bạn nhỏ có thể biết: “Con muốn ăn tối ở cửa hàng gà rán”, hoặc “con muốn thức khuya hơn vào ngày cuối tuần”… Vào thời điểm thuận tiện, các bạn nhỏ sẽ “xuất trình” tấm thẻ của mình khi muốn phụ huynh thực hiện điều mình ước mơ. Không đơn giản chỉ như vậy, để ước mơ được thực hiện các bạn nhỏ phải chơi trò “quánh tù tì” (kéo – búa – bao) với phụ huynh, hoặc phụ huynh có thể giao cho bạn nhỏ này một công việc hay một nhiệm vụ để đổi lấy điều mơ ước được ghi trong tấm thẻ.

Mục đích của trò chơi này là giúp các bạn nhỏ tập trung vào điều mình đang ước muốn, vì vậy mà các bạn nhỏ được yêu cầu phải ghi ước muốn của mình ra những tấm thẻ một cách cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt các bạn nhỏ cảm nhận được khát vọng của mình, và biết cách biến khát vọng của mình thành hiện thực (bằng cách hoàn thành công việc mà phụ huynh giao).

Cuối cùng, bạn hãy liên kết trò chơi này với nội dung của bài học. Chúng ta khát vọng Thiên Chúa ở mức độ nào? Chúng ta làm gì để thực hiện khát vọng ấy của mình? Chúng ta phải làm sao thể nuôi nấng những khát vọng thánh thiện hướng về Thiên Chúa?

PHIÊU LƯU NGOÀI TRỜI

Hôm nay thời tiết chỗ bạn ở thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau ra ngoài, bạn bắt đầu ghi lại năm điều đầu tiên bạn nhìn thấy đang chuyển động. Chẳng hạn, đó có thể là một chú ong thợ đang mải mê công việc hút mật, hoặc đó là một chú mèo con đang vươn mình trong nắng sớm, thậm chí đó còn có thể là một bác hàng xóm vừa đi qua… Bên cạnh đó, bạn thử đoán xem mỗi vật hay những người bạn thấy đang “khao khát” điều gì? Tiếp đến, bạn hãy hoá thân mình vào vị trí của họ để hình dung tại sao họ lại phải di chuyển? Họ sẽ đi tới đâu? Làm thế nào mà qua sự di chuyển hay hành động mà chúng ta biết được một khát khao cụ thể nào đó nơi một người hoặc một con vật? Nếu không có khát vọng làm việc này, việc kia thì nơi mỗi người hay mỗi con vật có chuyển động không?

Bạn hãy nhớ lại ở bài học trước chúng ta đã nói về “bản năng” và về việc theo đuổi mục đích nơi mỗi sinh vật cụ thể nói riêng và cách mà thế giới này vận hành để đạt đến mục đích của nó nói chung. Bây giờ bạn hãy suy nghĩ để thấy những chuyển động chúng ta thấy trong cuộc sống có liên quan gì đến những khát vọng nơi mỗi người chúng ta, đặc biệt là những khát vọng quy hướng về Thiên Chúa hay không?

NGẪM NGHĨ

Chúng ta thực sự có thể kiểm soát mức độ ước muốn Thiên Chúa nơi chúng ta không? Câu trả lời là vừa có vừa không. Chúng ta không thể buộc chính bản thân mình để thích một người chẳng quen thuộc gì. Tương tự chúng ta cũng không thể buộc bản thân mình phải khao khát và yêu mến Thiên Chúa như cách chúng ta cần làm.

Nhưng nếu bạn đọc qua bài học này và bắt đầu yêu mến, khao khát và ước muốn được nhận biết Thiên Chúa, được sống trong ánh quang vinh trong thiên đàng, thì ngay lúc này đây ân ủng của Thiên Chúa đang hoạt động trong tâm hồn của bạn. Chính bạn đang bước đi trên một hành trình đầy ắp tình yêu và khát vọng được hiểu biết Thiên Chúa hơn ngay trong tâm hồn mình.

Bạn thân mến! Cầu nguyện là cách bạn có thể biến những điều mình khao khát thành hiện thực. Bên cạnh đó, ước mong để có được sự khao khát Thiên Chúa mãnh liệt cũng là một dạng ân sủng đến từ Thiên Chúa. Đó cũng là một món quà mà một người có thể mở ra trong niềm vui sướng. Nếu bạn đáp lại ân sủng này bằng việc cầu xin cho mình có được sự khao khát để nhận biết Thiên Chúa nhiều hơn, chẳng lẽ Thiên Chúa lại không ưu ái và trân trọng những lời nguyện xin chân thành của bạn hay sao?

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, con muốn được khao khát Ngài hơn nữa. Xin Chúa ban cho con ân sủng để con khao khát Chúa nhiều hơn. Xin cho niềm khao khát của con đủ lớn để con thể nhận biết và cảm nghiệm được Chúa trong ánh vinh quang rực rỡ nhất như cách mà Chúa đang khao khát chính con. Amen.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here