Các Chủ Trương Lầm Lẫn Trong Kitô Học Sau Công Đồng Vatican II

0
967


Vũ Văn An

 

Công đồng Vatican II chắc chắn là công đồng chú tâm vào bản sắc và sứ mệnh của Giáo Hội. Nó thúc đẩy các giáo hội địa phương mạnh dạn dấn thân vào cuộc đối thoại với các nền văn hóa, các điều kiện nhân bản, các Kitô hữu không phải là Công Giáo và các tín hữu của các tín ngưỡng khác, đồng thời mang lấy mọi hy vọng và sầu buồn của nhân loại, nhất là việc mưu tìm công lý, hợp tác và hòa bình.

Nhưng chính trong lúc theo đuổi dự án có tính giáo hội học ấy, Giáo Hội nhận ra nhu cầu phải hướng về Chúa Kitô. Muốn làm sáng bản sắc và sứ mệnh của mình, Giáo Hội phải qui chiếu vào con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu, Chúa của mình. Bởi thế, thời kỳ sau Công Đồng không những phong phú về giáo hội học, mà còn cả về Kitô học nữa. Những tình thế nhiều mặt mà các nhà truyền giáo gặp phải đã đem lại một mảnh đất mầu mỡ cho các suy tư đổi mới về Chúa Giêsu và tầm ý nghĩa của Người đối với thế giới. Các cuộc nghiên cứu đầy sáng tạo trong Kitô học, sau công đồng, đã thi nhau đua nở, nhưng không tránh khỏi nhiều khó khăn và hàm hồ dẫn tới những cái hiểu lầm lẫn về Chúa Kitô và sứ mệnh của Người. Bởi vậy, Tòa Thánh cũng như các hội đồng giám mục quốc gia đã cảnh báo tín hữu về các chủ trương có thể lầm lẫn này. Bài tham luận này sẽ chỉ ra một số chủ trương ấy, từng được các văn kiện giáo hoàng, các chỉ thị và thông cáo của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng như các nghiên cứu của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế nhận diện. Các hàm hồ này được tìm thấy trong các lãnh vực sau đây: a) một số phương pháp trong Kitô học, b) con người Chúa Giêsu Kitô, c) Chúa Giêsu Kitô và Mạc Khải của Thiên Chúa, d) ý nghĩa của cứu chuộc, và e) tính duy nhất và tính phổ quát của ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô.

CÁC KHÓ KHĂN TÌM THẤY TRONG MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP KITÔ HỌC

Phương pháp cho thấy một khung suy nghĩ (mindset) trong đó các dữ liệu được cấu hình (configured) hướng tới một kết luận. Các phương pháp trong thần học phần lớn xác định ra diễn trình nhờ đó, các dữ liệu đức tin được suy tư một cách có hệ thống. Các hàm hồ trong kết luận thường bắt nguồn từ các hàm hồ trong phương pháp sử dụng. Các nguồn tài liệu được bài này dựa vào đã nhận diện một số thiếu sót như thế về phương pháp học.

Một phương pháp chỉ biết vay mượn một cách không phê phán các quan niệm và giả định của các ý thức hệ như chủ nghĩa Mác và áp dụng chúng vào Kitô học nhất định sẽ đem lại một bức tranh phiến diện về Chúa Giêsu Kitô, trình bày Người về phương diện chính trị mà quên khuấy chứng tá mới mẻ của Tân Ước về con người và sứ mệnh của Người. Giáo huấn có thẩm quyền của Giáo Hội về Chúa Kitô cũng bị dán nhãn hiệu là áp đặt “các giai cấp quyền thế” lên trên “các giai cấp thấp bé” và do đó, thường bị làm ngơ.

Một Kitô học được thực hiện chuyên nhất “từ bên dưới” chắc chắn sẽ dẫn tới chủ nghĩa giản lược thần học. Một phương pháp chỉ có tính “thực nghiệm” cuối cùng sẽ trở thành chủ quan hoàn toàn, không thể đem lại một chỗ đứng đúng đắn cho sự thật khách quan và qui phạm trong mạc khải của Chúa Giêsu Kitô.

Trong cố gắng hội nhập Kitô học vào văn hóa, một số phương pháp kết cục đã giải thích ngôi vị của Lời Nhập Thể một cách hoàn toàn có tính phúng dụ. Thánh Truyền từng đến với ta dưới hình thức Hy Lạp và La Tinh dễ dàng bị bác bỏ vì những hạn từ Kitô học cổ điển như ngôi vị, bản tính, đền thay tội lỗi… không mang theo cùng một ý nghĩa đối với các nền văn hóa hiện đại như đã có đối với các nền văn hóa quá khứ.

Một phương pháp nghiên cứu chỉ hoàn toàn có tính lịch sử về Chúa Giêsu đã dẫn một số nhà thần học bác bỏ chứng tá Thánh Kinh nơi đức tin của các cộng đồng Kitô Giáo tiên khởi, không dành cho nó một chỗ đứng nào trong Kitô học. Một số lời nói và việc làm của Chúa Giêsu, như đã được Thánh Kinh thuật lại, đã bị tối thiểu hóa nếu không chứng minh được là thành phần trong “tiểu sử” của Người. Sự tiền hữu của Ngôi Lời bị coi là xa lạ đối với bản tính nhân loại của Chúa Giêsu. Thay thế cho chứng tá đức tin, một số giả định triết học và tâm lý học đã được sử dụng để “tái tạo” lại khuôn mặt lịch sử của Chúa Giêsu Kitô.

Những vấn đề được các văn kiện giáo hoàng, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng như Ủy Ban Thần Học Quốc Tế nhận diện này vốn ảnh hưởng tới việc giải thích các chủ đề then chốt của Kitô học. Ta sẽ xem một số vấn đề ấy.

MỘT SỐ HÀM HỒ VỀ NGÔI VỊ CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ

Chúa Giêsu là ai? Đấng được tuyên xưng là Kitô là ai? Một số câu trả lời, vì dựa vào các phương pháp học thiếu sót, nên đã rơi vào chỗ hàm hồ hoặc phản lại Truyền Thống Công Giáo.

Có luồng tư tưởng, vì tương phản “Chúa Giêsu lịch sử” với “Chúa Kitô đức tin”, đã đặt thành nghi vấn sự hợp nhất ngôi vị giữa Chúa Giêsu và Chúa Kitô.

Trong quan điểm duy giải phóng, việc nhấn mạnh tới kinh nghiệm đấu tranh cách mạng dành giải phóng người nghèo đã lưu ý tới “Chúa Giêsu lịch sử” nhiều hơn, vì chính Chúa Giêsu này, chứ không phải “Chúa Giêsu đức tin”, mới có thứ kinh nghiệm cách mạng ấy.

Trong phương thức hoàn toàn có tính “thực nghiệm”, người ta thường trình bày Chúa Giêsu như một người tốt không hơn không kém, cùng lắm là một tiên tri, một người đem phúc lợi lại cho người khác, một thứ “dụ ngôn của Thiên Chúa”. Nhưng thực ra, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật trong sự hợp nhất của Ngôi Vị Chúa Con. Ngay biến cố phục sinh cũng bị phương thức này coi là kinh nghiệm trở lại của các tông đồ dưới quyền lực của Chúa Thánh Thần hơn là sự kiện khách quan chứng minh Chúa Giêsu là Chúa vinh hiển và là Con Thiên Chúa.

Đứng trước các tôn giáo khác, một số người cho rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô nhưng Đấng Kitô không phải chỉ là Chúa Giêsu. Cách tiếp cận này làm dễ việc nhận ra sự hiện diện của Ngôi Lời trong các tôn giáo khác nhưng nó có nguy cơ đi trệch ra khỏi Tân Ước là sách quan niệm Ngôi Lời trong tương quan với Chúa Giêsu. Một dị bản của khuynh hướng này chủ trương phải tách biệt hành động cứu rỗi của Ngôi Lời tự tại với hành động của Ngôi Lời nhập thể, vì hành động đầu có tính bao quát hơn là hành động sau.

Phương pháp thuần túy có tính lịch sử tỏ ý hoài nghi đối với thần tính của Chúa Giêsu Kitô vì tín điều này không phát xuất từ mạc khải Thánh Kinh mà từ văn hóa Hy Lạp. Điều ấy cũng đúng đối với sự tiền hữu của Ngôi Lời, vì họ cho rằng nó phát sinh từ các nguồn có tính thần thoại, theo văn hóa Hy Lạp hay ngộ đạo hơn là từ mạc khải Thánh Kinh.

CHÚA GIÊSU KITÔ VÀ MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA

Các hàm hồ về ngôi vị của Chúa Giêsu Kitô đã có nhiều vang dội đối với việc hiểu Người như mạc khải của Thiên Chúa. Làm thế nào mạc khải của Thiên Chúa đã diễn ra nơi Chúa Giêsu?

Trong nền thần học giải phóng, kinh nghiệm nền tảng của Chúa Giêsu là cuộc đấu tranh giải phóng người nghèo. Việc nhận thức thực sự về Thiên Chúa và về Nước của Người chỉ diễn ra trong cuộc đấu tranh giải phóng này. Bản tính “bản vị” làm mạc khải của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu bị hạ tầng, nhường chỗ cho việc nhấn mạnh tới cuộc giải phóng chính trị kia.

Vì quá tha thiết trong việc cổ vũ cuộc đối thoại liên tôn, một số nhà thần học đưa ra lý thuyết cho rằng mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô không đầy đủ hoặc không hoàn hảo; nó cần được bổ túc bằng mạc khải nơi các tôn giáo khác. Tính dứt khoát và trọn vẹn của mạc khải Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu quả đã bị phương thức này xâm hại.

Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã cảnh báo một mưu toan, vì muốn hội nhập văn hóa, đã thay thế mạc khải của Thiên Chúa nơi con người Chúa Giêsu Kitô bằng một trực giác vô hình vô dạng về Thiên Chúa. Ở đây, một lần nữa, bản tính ngôi vị Thiên Chúa và mạc khải của Chúa Giêsu đã bị lâm nguy.

Ý NGHĨA CỦA CỨU CHUỘC

Sứ mệnh của Chúa Giêsu được mô tả nhiều cách. Một hình ảnh quan trọng trong Thánh Kinh là hình ảnh cứu chuộc. Ở đây, một số hiểu biết có tính bất cập đã được nhận diện.

Quan điểm duy giải phóng có khuynh hướng trình bày Chúa Giêsu như biểu tượng cho việc thành tựu cuộc đấu tranh của những người bị áp bức. Ơn cứu rỗi chỉ còn là cuộc giải phóng khỏi áp chế chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế, không nói chi tới việc giải phóng khỏi tội lỗi. Cái chết của Chúa Giêsu thường được giải thích hoàn toàn theo nghĩa chính trị; trong khi giá trị cứu rỗi gần như bị làm ngơ.

Các phương thức có tính hiện sinh và “từ bên dưới” thì thích quan niệm ơn cứu chuộc nơi Chúa Giêsu Kitô như một diễn trình nhân hóa (hominization) nhiều hơn là diễn trình thần hóa những con người nhân bản. Ý niệm thần hóa bị coi là ý niệm của những người theo văn hóa Hy Lạp; ý niệm này dẫn ta trốn chạy trần gian và bác bỏ các giá trị nhân bản, trong khi chỉ có ý niệm nhân hóa mới thành toàn được những gì là nhân bản. Khuynh hướng này quả đã không tôn trọng thực tại thần hóa tìm thấy trong Tân Ước.

TÍNH DUY NHẤT VÀ TÍNH PHỔ QUÁT CỦA ƠN CỨU RỖI NƠI CHÚA GIÊSU KITÔ

Điều hiển nhiên là vấn đề đặc biệt này thường gặp thấy trong các cuộc đối thoại liên tôn nhiều nhất. Đứng trước các tôn giáo vốn cũng có các cứu thế học và các nhân vật cứu thế riêng, làm thế nào ta quan niệm được các chủ trương phổ quát và tuyệt đối của Kitô Giáo về ơn cứu rỗi nơi Chúa Giêsu? Trong khi cố gắng trả lời câu hỏi hóc búa này, một số lý thuyết đưa ra đã vượt ra ngoài các niềm tin cốt lõi của Kitô Giáo.

Số 4 của văn kiện “Dominus Jesus” đã cho ta thấy bản tóm tắt các bất ổn của các lý thuyết trên: “Ngày nay, việc Giáo Hội không ngừng công bố truyền giáo đang gặp nguy cơ do các lý thuyết duy tương đối gây ra. Các lý thuyết này nhằm mục đích biện minh cho chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo, không những về phương diện thực tế mà còn cả trên nguyên tắc nữa. Do đó, họ chủ trương rằng một số sự thật nay không còn đứng vững được nữa; thí dụ, tính dứt khoát và sự trọn vẹn của mạc khải Chúa Giêsu Kitô, bản chất đức tin Kitô Giáo so với bản chất tín ngưỡng nơi các tôn giáo khác, bản chất linh hứng của Sách Thánh, sự hợp nhất ngôi vị giữa Ngôi Lời Vĩnh Cửu và Chúa Giêsu Thành Nadarét, sự hợp nhất của nhiệm cục Ngôi Lời Nhập Thể và Chúa Thánh Thần, tính duy nhất và tính phổ quát trong mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, vai trò trung gian cứu rỗi phổ quát của Giáo Hội, tính bất khả phân của Nước Thiên Chúa, nước Chúa Kitô, và Giáo Hội, và việc tồn hữu của Giáo Hội duy nhất do Chúa Kitô thiết lập trong Giáo Hội Công Giáo”. Phạm vi của các bất ổn này, vì thế, khá rộng, ta nên tập chú vào một số vấn đề có tính Kitô học thực sự.

Có khuynh hướng tìm cách tránh né các ý niệm duy nhất, phổ quát và tuyệt đối khi đề cập tới ơn cứu rỗi nơi Chúa Giêsu Kitô. Có lý thuyết, đúng hơn, đã gán một giá trị qui phạm cho việc Chúa Giêsu làm trung gian cứu rỗi vì con người và cuộc sống của Người đã mạc khải tình yêu Thiên Chúa cách rõ ràng và dứt khoát hơn cả. Nhưng lý thuyết mệnh danh là Kitô học bất qui phạm lại không coi Chúa Giêsu như trung gian duy nhất và độc chiếm của ơn cứu rỗi. Đối với Kitô hữu, Người có thể là con đường thoả đáng dẫn tới Thiên Chúa, nhưng Người không độc quyền trong lãnh vực này. Người mạc khải thần linh song song với các nhân vật mạc khải và cứu thế khác. Như thế, Chúa Giêsu là bậc thầy giữa các bậc thầy khác, chỉ có điều khác: Người là bậc thầy thông sáng, ngộ đạo, giải thoát nhất.

Để hoà giải tính phổ quát của ơn cứu rỗi nơi Chúa Kitô với sự kiện đa nguyên tôn giáo, một số người đã đề xuất rằng: có một nhiệm cục giá trị về Ngôi Lời trường cửu bên ngoài Kitô Giáo song song với nhiệm cực cứu rỗi nơi Ngôi Lời Nhập Thể chỉ dành cho Kitô hữu. Nhiệm cục trước có giá trị phổ quát hơn, dù nhiệm cục sau trọn vẹn hơn. Phương thức này có khuynh hướng tách Ngôi Lời Thiên Chúa ra khỏi Đấng đã thành xác phàm và đưa ra hai nhiệm cục cứu rỗi tách biệt nhau.

Lại có những nhóm đề xuất nhiệm cục Chúa Thánh Thần với phạm vi phổ quát hơn nhiệm cục Ngôi Lời Nhập Thể. Nhưng đức tin Kitô Giáo vốn tin rằng việc nhập thể cứu rỗi của Ngôi Lời là một biến cố của Ba Ngôi, nên hành động của Chúa Thánh Thần không nằm ngoài hay không song song với hành động của Chúa Giêsu Kitô.

Phần lớn các hàm hồ dẫn tới sai lầm đã phát sinh từ cuộc gặp gỡ truyền giáo của Giáo Hội với các nền văn hóa, các nỗi bất công, các tôn giáo và luồng tư tưởng đề cập tới nhân loại và lịch sử. Các vấn nạn mà các thực thể này đặt ra cho đức tin Kitô Giáo cần được xử lý bằng một tính sáng tạo vốn thường trực nằm ngay trong chân lý về Chúa Giêsu Kitô.

 

Tài liệu hướng dẫn:

Đức Phaolô VI, Evangelii nuntiandi (1974); Đức Gioan Phaolô II, Redemptor hominis (1979), Dominum et vivificantem (1986), Redemptoris missio (1990), Ecclesia in Asia (1999); Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị về Một Số Khía Cạnh của Thần Học Giải Phóng (1984), Thông Báo liên quan tới Các Tác Phẩm của Cha Anthony de Mello, S.J. (1998), Tuyên Ngôn Dominus Jesus (2000), Thông Báo về Cuốn Sách của Jacques Dupuis (2001); Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Các Câu Hỏi Chọn Lựa về Kitô Học (1980), Thần Học, Kitô Học, Nhân Học (1983), Ý Thức của Chúa Kitô về Chính Người và Sứ Mệnh của Người (1985), Kitô Giáo và Các Tôn Giáo Thế Giới (1996).

Phóng dịch tham luận Some Ambiguities And Difficulties That Could Lead To Erroneous Positions in Christology: A Survey Of Opinions After Vatican II, của giáo sư nay là tân hồng y Luis Antonio G. Tagle, trong cuộc hội thoại tháng 9 năm 2001 về Kitô học do Bộ Giáo Sĩ tổ chức.