Bối Cảnh Đương Thời Của Giáo Hội Học (1)

0
698


BỐI CẢNH ĐƯƠNG THỜI CỦA GIÁO HỘI HỌC [*]

Tác giả: Michael A. Fahey

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.

***

***

Viết tắt:

GH: Giáo Hội

LG: Lumen Gentium

GS: Gaudium et Spes

 

DẪN NHẬP

Khi trình bày một tường thuật tóm tắt về giáo lý của Công giáo Rôma về giáo hội, trước tiên ta phải đối diện với vấn đề là bắt đầu từ đâu. Một lối tiếp cận theo niên biểu đòi buộc bắt đầu với lời giảng dạy của Đức Giêsu như được ghi lại trong những sưu tập tin mừng về sứ vụ công khai của ngài. Từ đó trên bình diện lịch sử, ta sẽ đi theo sự tăng trưởng của giáo hội mới nảy sinh suốt kỷ nguyên tông đồ, đang khi tập trung vào sự tương tác của mình với xã hội dân sự và những cơ cấu chính trị mà từng thế kỷ tiếp nối nhau giúp nắn hình giáo hội. Lối tiếp cận theo niên biểu như thế có những giá trị của nó. Tuy nhiên, phương pháp được ưa chuộng trong chương này, một phương pháp được tán thưởng ngày một nhiều hơn do những thần học gia suy tư về thực tại giáo hội (những nhà giáo hội học) là tốt hơn nên bắt đầu với bối cảnh và thái độ đương thời của giáo hội. Lối tiếp cận này trước tiên xem xét lại những xác tín và tình cảm của các Kitô hữu ngày nay về giáo hội, ít nhất giữa những phần tử của giáo hội quốc tế của Chúa Kitô vốn diễn đạt những khoé nhìn của họ. Chỉ sau bản miêu tả ấy ta sẽ truy cứu ngược lùi lại những câu hỏi về nguồn gốc và sự tiến hóa lịch sử của giáo hội.
 
Bắt đầu với một miêu tả thẳng thắn về hiện trạng có thể tạo nên một ấn tượng rằng người viết phê phán, thậm chí, bất kính với những truyền thống linh thánh, cách riêng nếu người ta lên tiếng phê phán những sai lỗi của giáo hội. Nhưng những ghi nhận bình phẩm cũng có thể xuất phát từ một tình yêu GH mãnh liệt và có thể được khởi động do một ước muốn nóng bỏng muốn nhìn thấy giáo hội đáp ứng một cách hiệu quả hơn trước ơn gọi cao cả của mình. Thực vậy, phê bình về giáo hội, cách riêng khi vi?c phê bình ?y chừng mực và bao gồm một ý thức sâu sắc rằng mình thông phần vào những sai lỗi của giáo hội, có thể xây dựng rất nhiều. Phê bình không giống với chống đối (dissent), một hành vi người ta lo ngại trong vài miền giáo hội ngày nay và thông thường được phán xét chỉ là sự nóng nảy hay sự miễn cưỡng chấp nhận giáo huấn rõ ràng và chính thức của giáo hội. Phê bình có thể là một lời mời gọi ngôn sứ để giáo hội hiện thực mình đầy đủ hơn dưới sức mạnh của ân sủng.
 
Phương pháp bắt đầu nghiên cứu về GH từ một khởi điểm đương thời là phương pháp được dùng cách hiệu quả do vị linh mục và thần học gia người Pháp Jean Rigal. Cuốn sách L’Eglise: Obstacle et chemin vers Dieu (The Church As Obstacle and Path Toward God) bắt đầu thảo luận về GH như được một số người phê phán trong thế giới ngày nay: là áp bức, giáo điều, phẩm trật, vô khí lực, và xa cách với những thực tại tân tiến. Một thí dụ khác của lối tiếp cận này được tìm thấy nơi một tác phẩm có tính chất cộng tác được xuất bản do một vài học giả nổi bật công giáo Đức. Cuốn sách của họ bao gồm một bài tóm lược về lời phê bình sắc bén về GH do nhà sử gia Victor Conzemus. Một thần học gia Pháp khác, Henri Denis, bắt đầu khảo cứu GH bằng cách khảo sát tại sao ngày nay có sự “không mãn nguyện” với GH công giáo.
 
Người ta không luôn luôn tiếp nhận lời phê bình. Khi Antonio Rosmini, vị ngôn sứ của thế kỷ XIX về Công giáo được canh tân, viết cuốn Cinque piaghe della Chiesa (năm vết thương của GH), vào năm 1832 và xuất bản nó năm 1846 vào trước ngày tuyển chọn Đức Pio IX, phần thưởng ông được là phải đặt cuốn sách của mình trong Index của những Sách Cấm năm 1849 (Sau này, cuốn sách được lấy khỏi Index trước khi ông chết). Nhưng ngày nay không ai tranh cãi sự chính xác của bản tường trình đứng đắn của ông về năm vết thương mà gây khổ cho Công giáo thế kỷ XIX: sự chia rẽ giữa dân chúng và giáo sĩ ở việc thờ phượng công cộng; nền giáo dục không đầy đủ của giáo sĩ; các Giám mục không hiệp nhất; sự bổ nhiệm Giám mục được trao vào tay của chính quyền dân sự; những hạn chế về sử dụng tự do của GH đối với những sở hữu của mình. Chúng ta biết từ nhật ký của ngài, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, vị Giáo hoàng đã triệu tập công đồng để canh tân (aggiornamento), bị ấn tượng biết bao bởi lời phê bình có sức thuyết phục của Romini.
 
GH công giáo cùng với những cộng đoàn kitô hữu khác đã tìm thấy sự hiểu biết chính mình trước tiên từ mạc khải tin mừng được diễn tả trong Tân ước. Đối với một kitô hữu đây là cốt lõi của mạc khải TC. Nhưng người công giáo ngày nay biết họ cũng không khỏi bị ảnh hưởng do hậu quả của Phong Trào cải cách Tin lành và công đồng Trentô (1545-63), chỉ được triệu tập để đáp lại thách đố của những nhà Cải Cách sau nhiều trì hoãn. Hơn nữa, sự hiểu biết của những người công giáo ngày nay về giáo hội và cơ cấu GH vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ do những quyết định của Công đồng Vatican I (1869-70), sau khi những vấn đề tức thời mà công đồng nói đến đã trở thành xa đối với ý thức ngày nay. Rồi nhiều người công giáo hiện đại cũng đọc Tân ước và những bài chú giải về giáo hội trong ánh sáng của Vatican II (1962-65). Cách thức mà những người Kitô hữu thông minh suy tư về Giáo hội ngày nay cũng chịu tác động do ý thức lịch sử, do sự hiểu biết về sự phát triển văn chương của các bút tích Tân ước, và bằng những trực giác sinh ra trong những thăng trầm của hai cuộc chiến tranh thế giới với những trục trặc hệ quả về dân số và những cuộc bách hại tập thể.
 
Trong kinh Tin, GH được nhắc đến khi liệt kê những niềm tin vào những công trình của TC Ba Ngôi, đấng thánh hóa và thánh hiến cộng đoàn đức tin này. Bởi vì được bao gồm trong hành vi đức tin của người kitô hữu, GH tất yếu có một chiều kích của mầu nhiệm mà không bao giờ ta có thể hiểu thấu. Tập trung vào những khía cạnh hữu hình nhân loại của GH không có nghĩa là chối bỏ sự kiện rằng GH là một thực tại nhân loại-thần linh (nhân-thần), hay GH có một điều gì “hơn cái đập vào mắt”. [Dầu vậy,] Điều đập vào mắt vẫn gây xáo trộn và phiền phức.
 
MỘT GIÁO HỘI BỊ PHÂN RẼ (CHIA RẼ)
 
Tôi bắt đầu những suy tư của mình về GH với thực tại hiện hành của nó, mặc dù hiện trạng này bao gồm nhiều ẩn số. Không chỉ các giáo hội bên Đông bên Tây xa lạ nhau và sau hơn một ngàn năm, vẫn sống trong tình trạng nghi kỵ lẫn nhau, song từ thế kỷ XVI, chính các giáo hội Tây phương đã bị phân mảnh cách đáng buồn. Nhấn mạnh điều đó không phải là tìm cách đổ tội cho bất kỳ những nhóm đặc thù nào hay chối bỏ rằng Cải Cách giúp những người Kitô hữu đoạt lại ơn gọi của mình và sống theo Tin mừng hơn.
 
Nhưng sự kiện là những nghi kỵ, những kết án, và những sự tuyệt thông cứ sự (de facto) hay tâm lý đã chia rẽ thế giới công giáo và tin lành hằng bao thế kỷ. Cách riêng từ cuộc họp nổi tiếng năm 1910 của Hội Nghị Truyền Giáo Edinburgh, được coi như khởi điểm của phong trào đại kết hiện đại, thật đúng là đã có những nỗ lực phi thường để chữa lành những chia rẽ giữa các Kitô hữu vốn đã là và vẫn là một phản chứng đối với việc rao giảng Tin mừng. Trước tiên giữa những người Tin Lành, rồi giữa những người Chính Thống và Tin Lành, và bây giờ giữa những người Công Giáo và những Kitô hữu khác, phong trào đại kết hiện đại đấu tranh để vượt thắng sự ngu dốt và thành kiến mà các giáo hội Kitô hữu có về nhau. Sự vui lòng cộng tác và hỗ tương khai phá những khác nhau về giáo lý và văn hóa giữa những người Kitô hữu là dấu hiệu của thế kỷ này, và một cách ấn tượng hơn từ khi kết thúc Công Đồng Vatican II.
 
Nhưng không may, đằng sau những hy vọng lớn lao lại có nhiều vỡ mộng và ngờ vực chính mình (self-doubt) giữa những người Kitô hữu khiến thúc đẩy một nhà đại kết chuyên nghiệp xuất bản điều mà ông gọi là A Survival Guide for Ecumenically Minded Christians. Các giáo hội Kitô hữu còn xa lắm mới vượt thắng những khác biệt của họ. Các Kitô hữu tìm thấy một sự lưỡng lự đang gia tăng đối với bước tiến đại kết, cách riêng trên những bình diện chính thức. Chẳng hạn, trên những bình diện chính thức, có sự miễn cưỡng đáng kể để nhìn nhận những bí tích của các giáo hội khác hay cho phép việc chia sẻ thánh thể (hiệp lễ giữa các giáo hội, intercommunion). Ta có thể lý luận rằng những khác biệt còn tồn tại ngày nay giữa những giáo hội Kitô hữu là những thay đổi hợp pháp trong tính đa nguyên về thần học, phụng vụ hay giáo luật. Tuy nhiên những người lấy quyết định trong các giáo hội dường như chuyển động rất chậm chạp hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn giữa các giáo hội. Có phải chỉ bởi vì những rào cản này mà phải cần hàng thế kỷ để tháo gỡ nó đi hay không? Hay có phải thực sự có một sự không muốn thay đổi thái độ khi nó muốn có nghĩa là chấp nhận rằng đường lối của người ta thì không phải là đường lối độc nhất hay không?
 
Trong khi các giáo hội đồng ý về tầm quan trọng của việc tuyên xưng một GH duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, thì lại có những khác biệt liên quan đến những sự phân chia của chức vụ trong giáo hội thành Giám mục, linh mục, phó tế; vai trò của Giám mục như là sự sung mãn của tác vụ được thụ phong và là đấng kế vị các tông đồ; chức năng tối thượng của Đức Giáo hoàng; tính hiệu lực của việc cho phép phụ nữ tới tác vụ được thụ phong; những cắt nghĩa thần học về các bí tích, ơn cứu độ, và một vài mệnh lệnh luân lý. Sự đồng thuận vẫn gia tăng về một vài vấn đề. Một nỗ lực bắc ngang qua 50 năm tìm tòi đã dẫn các thần học gia trong giáo hội ghi nhận sự đồng ý căn bản về những bí tích khai tâm. Phép Rửa, Thánh Thể và Tác vụ – một văn kiện được xuất bản do một nhóm thần học gia Kitô giáo có nền tảng rộng khắp, gồm những người Công giáo Roma, dưới sự chỉ dẫn của Uỷ Ban Đức tin và Trật tự của Công Hội Thế Giới của các Giáo hội – là một thành tựu đáng kể.
 
Bất chấp phong trào hướng đến sự trao đổi đại kết, vẫn có hiện tượng rằng một giáo hội tuyên xưng đức tin biệt loại coi mình là “chính” giáo hội của Đức Kitô. Những hệ phái (denominationalism) vẫn còn là một sự kiện đời sống. Giữa một số nhóm Tin Lành có đặc tính bè phái hơn, không muốn có một sự chia sẻ và tương tác trong việc rao giảng Tin mừng. Nói cách khác, trên nguyên tắc họ là phản đại kết (antiecumenical).
 
Những vấn đề mới như là nữ giới được thụ phong linh mục, thậm chí Giám mục nữa đã đặt một sức ép trên cuộc đối thoại và hợp tác giữa các giáo hội. Thực vậy trên bình diện hữu hình, Giáo hội Đức Kitô không phải là một (duy nhất). Điều này khiến thật sự đặc biệt khó khăn cho một thần học gia có một sự tuyên tín biệt loại để viết về giáo hội theo một cách thức mà không có tính chất bè phái hay khải thắng (triumphalistic).
 
GIÁO HỘI HỌC SAU AUSCHWITZ
 
Một trong những lý do làm cho những Kitô hữu khó nói chuyện với nhau là ở một phạm vi rộng lớn, họ chưa đạt đến một sự hòa giải với những người Do thái. Giữa một số Kitô hữu một sự thay đổi mạnh mẽ đã xẩy ra trong nhận thức của họ về Do thái giáo và về mối liên hệ của Kitô giáo với những người Do thái. Đối với họ, một thần học Kitô giáo về giáo hội được nối khớp theo ánh sáng của một sự hiểu biết trồi hiện chầm chậm nhưng chắc chắn về mối liên hệ của giáo hội với Do thái giáo. Một sự đánh giá tích cực hơn về Do thái giáo đang phát triển, ít nhất trong một số thành phần, và tư duy mới đã trỗi dậy về cách thức những người Kitô hữu và Do thái phải vượt thắng những ác cảm lâu đời. Sự tái lượng giá này theo sau sự vạch trần cuộc thảm sát người Do thái (Holocaust) trong tất cả sự kinh hoàng của nó và sự ý thức đang tăng trưởng ít nhất giữa một số Kitô hữu rằng chính sách diệt chủng Đức Quốc Xã (Nazi) gián tiếp được trợ giúp bởi những thành kiến thâm căn cố đế của người Kitô hữu và những lý luận sai lạc về tội ác của dân Do thái đối với cái chết của Đức Giêsu, về một sự hủy bỏ giao ước được tưởng tượng ra của TC với Israel, và vì thế về những người Do thái đã hết là “dân TC” rồi.
 
Xét cẩn thận hơn và phê bình hơn vào lá thư của Phaolô gởi cho tín hữu Roma (cách riêng chương 9-11) và thần học về giao ước được tìm thấy trong KT Do thái đòi hỏi phải sửa sai trong giảng dạy và sùng mộ Kitô hữu. Tuyên ngôn của Vatican II về những tôn giáo không phải là Kitô hữu  – mặc dù nó thất bại để kết án một cách lừng lẫy mọi hình thức lịch sử của chủ thuyết bài Do thái giáo trong Kitô giáo; chủ thuyết này đôi khi đã hiện diện (có) nơi một vài nhà lãnh đạo của giáo hội – rõ ràng chống lại lời buộc tội rằng người Do thái phạm tội “giết Chúa” và thúc đẩy những người Kitô hữu phải hiểu rõ hơn những mối dây nối kết hai tôn giáo liên hệ với nhau.
 
Những Kitô hữu ấy có một sự hiểu biết sắc sảo về tội phạm cá nhân và tập thể trong việc sinh ra những thái độ thù hằn đối với người Do thái và họ cũng nhìn nhận tội quên sót của họ cách riêng suốt thời kỳ Đức Quốc Xã; những Kitô hữu ấy hiển nhiên cẩn thận tạo nên những tuyên bố to lớn về ơn gọi và vai trò của giáo hội, nhất là nếu được diễn đạt trong những hạn từ mang tính độc hữu (riêng một mình, exclusivistic). Đối với giáo hội học Kitô hữu ngày nay không thể nối kết sự hiểu biết về mình của giáo hội khi hoàn toàn không quan tâm đến ơn gọi luôn tồn tại của Israel dưới kế hoạch cứu độ của TC. Những người Kitô hữu cần phải thấy cách thức tôn giáo của họ được tháp vào cây nho vẫn là Israel, mà giao ước của họ, được khởi sự do TC ký kết với Abraham và các miêu duệ của ông, không bị hủy bỏ. Đức Giêsu là một người Do thái; Người và các môn đệ được nuôi dưỡng bằng những lời giáo huấn tôn giáo và thiêng liêng của Do thái giáo thế kỷ I; Kitô giáo vay mượn nhiều từ Kinh thánh Do thái giáo và những truyền thống thiêng liêng từ đức tin Do thái  – những sự kiện này cần được liên tục xác quyết lại. Ta phải chống lại những xác quyết độc hữu về ơn cứu độ qua một mình giáo hội mà thôi. Thậm chí, những xác quyết của Tân ước có tính khiêu khích về những người Do thái và Biệt phái, mà có thể hiểu được trên bối cảnh của những cuộc đấu tranh thế kỷ thứ I, cần phải được bối cảnh hóa trước khi diễn đạt một khoa giáo hội học quân bình.
 
KINH NGHIỆM VỀ VIỆC BỊ LOẠI RA NGOÀI LỀ (XÃ HỘI)
 
Một yếu tố khác thuộc về bối cảnh vốn quan hệ đến cách thức người ta bắt đầu suy tư một cách thần học trên bản chất của giáo hội là sự kiện rằng số người trong giáo hội ngày một gia tăng, tiên vàn nhưng không độc hữu từ một viễn cảnh Công giáo Roma, đã ý thức sắc bén họ bị những người có trách vụ trong giáo hội loại ra ngoài. Nói thực tế, họ thấy chính mình không thích hợp trong cách thức những người lãnh đạo giáo hội thiết lập những ưu tiên hay định hình những chiến lược mục vụ.
 
Ít nhất ở Bắc Mỹ, nhóm hữu hình nhất bị phiền não do sự không nhạy cảm này đối với những khát vọng và thâm tín của họ là những phụ nữ Kitô hữu, cách riêng trong giáo hội Công giáo. Nhiều phụ nữ nay diễn tả cách thẳng thừng hơn cách thức họ thấy chính mình bị lãng quên hay bị rập khuôn một cách tế vi nhưng hiệu quả do sự thiết lập của giáo sĩ. Chắc chắn điều này không đúng với tất cả các phụ nữ, nhưng ta không thể lờ đi tầm mức rộng lớn của sự kiện này. Một cách thức để những người gánh trọng trách cố bảo vệ mình khỏi phải đối phó với những tiếng nói này là phạm trù hóa những phụ nữ này thành “những người theo chủ nghĩa nữ quyền triệt để” (radical feminists), đầy những giá trị đáng nghi vấn về thuyết tục hóa hay duy vật tiêu thụ.
 
Mọi sự trong giáo hội cần dùng đến ngôn ngữ bao gồm (inclusive), không phân biệt giới tính (nonsexist), đấy là một kỳ vọng mạnh mẽ đang lớn lên, chứ không chỉ giữa những người phụ nữ mà thôi. Hy vọng nền tảng là những chiều bị quên sót của mạc khải Kitô hữu về TC, ơn cứu độ và ân sủng sẽ không bị lấp che. Những người phụ nữ công giáo muốn một tiếng nói lớn hơn theo cách thức mà giáo huấn của giáo hội được diễn đạt; trong việc lấy quyết định về những quan tâm mục vụ, phụng vụ, và giáo dục; trong việc tổ chức các chủng viện; trong việc giữ hàng giáo sĩ có trách nhiệm; và trong việc hình thành những ban tư vấn và điều chỉnh và những cuộc tham khảo trong giáo hội công giáo.
 
Tại Thượng Hội Đồng Giám mục Công giáo Rôma năm 1987 với đề tài “vai trò của người giáo dân”, Hồng y người Ái nhĩ Lan, Tomas O’Fiaich giáo phận Armagh, Ái nhĩ Lan, ghi nhận rằng phẩm trật của giáo hội công giáo cần phải bắt đầu “đánh thức người khổng lồ đang ngủ” là giáo dân và ghi nhận rằng “thuyết nữ quyền” không còn được coi là một thứ điên khùng trung lưu hay là một sự lầm lạc của dân Mỹ nữa. Giới tính (sexism) không phải là một vấn đề của phụ nữ. Nó cũng là một quan tâm của người nam.
 
Sắc bén hơn nữa là nhận thức rằng những người có trách nhiệm bỏ lơ những kẻ không có quyền và bị đàn áp. Nhận thức này lớn lên giữa những người nghèo và bị bách hại của thế giới này và giữa những người cam kết chọn lựa ưu tiên làm việc cho những kẻ bị đàn áp. Dù ý thức lớn dần này có được lần tới nhiều hình thức của thần học giải phóng đang triển nở bên Châu Mỹ Latinh, Phi châu, Vùng Caribê, và giữa những kẻ bị kỳ thị trong những quốc gia giầu có, hoặc ý thức này có được lần tới kinh nghiệm của những cộng đoàn Kitô hữu cơ bản hay tới việc hội nhập văn hóa và bối cảnh hóa của thần học hay không, thì những kết quả là rõ ràng: bất kỳ ai lãng quên những trực giác của người nghèo, kẻ bị áp bức, hay những nạn nhân đều có nguy cơ làm tổn hại đến việc diễn đạt một khoa giáo hội học bị nghèo nàn. Bất kỳ khoa giáo hội học nào không bén nhạy với những vấn đề này không thể hiểu những quan tâm đặc biệt của suy tư hiện tại về giáo hội cách thích đáng.
 
Một nhóm đông người cảm nhận mình bị loại ra bên lề do xã hội và giáo hội bởi vì họ là người nghèo của thế giới. Đối với họ, nhiều điều mà Vatican II và những văn kiện giáo hoàng nói về “thế giới hiện nay” vang lên khá rỗng bởi vì không tương xứng với kinh nghiệm biệt loại của họ. Nhiều người bị thua thiệt về kinh tế đã ý thức sâu xa về TC và đức tin Kitô hữu tồn tại ngay giữa sự bất công. Do vậy, các thần học gia viết về kinh nghiệm của sự nghèo đói và đau khổ trong thế giới thứ ba nhấn mạnh rằng làm thần học phải nảy sinh từ một cam kết ưu tiên vì những người đấu tranh cho tự do. Họ lý luận rằng nhiều người trong thế giới thứ nhất không biết về cách thức những của cải từ thế giới thứ ba sinh lợi cho họ với cái giá là gián tiếp lụy phục một trật tự xã hội bất công. Họ kêu nài phải canh tân phương pháp luận trong thần học mà sẽ bao gồm một sự phân tích có phê phán về những cơ cấu lớn hơn của sự đàn áp. Xa hơn điều này, họ cảm thấy rằng những miêu tả tổng quát về “giáo hội ngày nay” loại bỏ kinh nghiệm của chính họ. Vì thế họ kỳ vọng rằng phải chú ý hơn đến những kinh nghiệm kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, và tôn giáo. Những phát ngôn viên của họ chống lại một sự khái niệm hóa trừu tượng về TC được thực hiện bên ngoài cuộc đấu tranh cho tự do của họ trong lịch sử. Giữa những người Kitô hữu và những người khác cũng gia tăng một ý thức về chính trái đất như tặng phẩm của tạo dựng, và về nhu cầu phải kính trọng môi trường và tạo thành. Những quan tâm này làm thành những đòi hỏi mới mẻ cho khoa giáo hội học ngày nay.
 
Sự bất an tương tự được tìm thấy giữa những người chịu khổ vì chủ nghĩa chủng tộc (racism), thậm chí của những người đi đạo nữa. Người ta đổ tội cho Giáo hội trong một vài vùng và quốc gia vì những thực hành phân biệt kỳ thị tế vi (hoặc không tế vi) mà tác động, chẳng hạn, tới những người được gọi tới tác vụ được thụ phong, những người nâng lên chức vụ cao hơn, và cách thức tiền bạc được phân phối cho những dự phóng của những nhóm đặc thù.
 
VƯỢT QUÁ ÂU CHÂU VÀ BẮC MỸ
 
Bởi vì quá nhiều chất liệu được xuất bản về thần học về giáo hội được viết bên Bắc Mỹ và Âu châu, nên không ngạc nhiên rằng dân chúng trên những lục địa khác nhìn các Kitô hữu ở vùng Bắc Đại Tây Dương như đang thực thi một thứ độc quyền không lành mạnh về cách thức giáo hội được cảm nhận. Một cảm nhận đang lớn lên, nhất là giữa những Kitô hữu ở Phi châu và Mỹ Latinh, và tới một mức giữa những Kitô hữu Á châu rằng một sự thống lãnh như thế tạo nên một viễn cảnh dứt khoát sai lạc về bản chất của giáo hội. Những Kitô hữu này cảm thấy rằng họ được tin mừng hóa do những người được đánh dấu sâu đậm bởi một nền thần học hậu-phong trào Cải Cách vốn rất ít thích đáng cho khung cảnh của chính họ.
 
Một trong những hội thảo đáng chú ý mới đây diễn tả sự chưng hửng này đã được Hiệp Hội Đại Kết của các Thần Học Gia thuộc Thế giới thứ ba (EATWOT) được thiết lập ở Dar es Salaam, Tanzania, năm 1976 và đã xuất bản một loạt những nghiên cứu và những xác quyết đồng thuận về Giáo hội học mà đang là một thách đố cho phương Tây. Sau năm lần hội họp giữa nhau, các thần học gia của thế giới thứ ba này mời những đại biểu của thế giới thứ nhất tới Geneva cho khóa họp năm 1983. Vấn đề được nhận diện như là sự áp đặt của khoa nhân học phương Tây trên dân chúng của thế giới thứ ba và những khái niệm về bản tính con người dựa trên cá nhân chủ nghĩa, ganh đua, và đấu tranh vì quyền lực. Nhiều điều này bị phê phán là sự thống trị của nền văn hóa mới theo sau chủ nghĩa thực dân giữa những vị truyền giáo xa xưa.
 
ĐẶT VÀO BỐI CẢNH (CONTEXTUALIZATION)
 
Walbert Buhlmann, một linh mục Thụy sĩ nhiều năm phục vụ giáo hội ở châu Phi vùng sub-saharan, xuất bản vào những thập niên 1970 một tác phẩm quan trọng liên quan đến “việc xuất hiện của giáo hội thứ ba” (nghĩa là để nói lên tầm quan trong đang lớn lên của các giáo hội thuộc thế giới thứ ba, cách riêng ở vùng Nam Bán cầu). Trong cuốn sách về “giáo hội thứ ba”, ông chỉ rằng vào khoảng năm 2000 Kitô giáo sẽ được phân phối theo lối sau đây: 58% Kitô hữu  sẽ là một phần của thế giới thứ ba, và 42% sẽ là những phần tử của thế giới thứ nhất và thứ hai. Theo những định nghĩa của Buhlmann, giáo hội thứ nhất là giáo hội mà thiết thân với giáo hội “sinh ra trước tiên” ở Trung Đông; giáo hội thứ hai là giáo hội bên Âu châu và Bắc Mỹ. Giữa những người công giáo Roma, sự phân phối địa dư sẽ còn ấn tượng hơn: 30% các phần tử của giáo hội sẽ là ở Bắc Mỹ và Âu châu; 70% sẽ ở Phi châu, Nam Mỹ, Á châu và Châu Đại Dương.
 
Ta ghi nhận một trạng huống bối cảnh khác đang thay đổi: Ở Hoa Kỳ, một số lớn người Công giáo nay là người nói tiếng Tây Ban Nha, đến từ những văn hóa biệt loại khác thường được gộm lại thành “Hispanic”. Dân số này đang gia tăng đã thay đổi cách thức mà GH học được hiểu trong Bắc Mỹ.
 
Đồng thời chủ thuyết tân thủ cựu (neoconservatism) là một yếu tố xã hội khác đang phát triển rộng khắp giữa giáo dân công giáo và những người trong phẩm trật. Hạn từ chủ thuyết tân thủ cựu được dùng để miêu tả một não trạng có tính quốc tế, giữa các hệ phái được tìm thấy khác nhau trong những lục địa hay giáo hội khác nhau. Nói chung, những người tân thủ cựu công giáo là những tín hữu vốn phê phán rằng một số người trong giáo hội đang đe dọa sự toàn vẹn tín lý và những cơ cấu giáo hội; họ đang làm giảm nhẹ nền tảng vững chắc của truyền thống chân chính bởi vì nhiệt tâm rồ dại và những nhấn mạnh có chọn lựa  hay sự ngu dốt. Những người tân thủ cựu có được một cảm thức về truyền thống chính xác, tự tín nhưng không mấy lịch sử. Thật tiêu biểu, họ nhấn mạnh giá trị của những thể chế được thiết lập và có được một quan điểm cảnh giác và thận trọng về tính đa nguyên thần học. Chiến lược mục vụ của những người tân thủ cựu là cố gắng chuyên cần bảo vệ các người tín hữu đơn sơ khỏi bị quấy rối do những suy lý thần học vô trách nhiệm. Trong giáo hội công giáo Roma, những người tân thủ cựu bày tỏ quan tâm về những thay đổi được xét là không đáng ao ước theo sau Vatican II: sự tham gia rộng lớn hơn của giáo dân vào phụng vụ, sự bất đồng quan điểm thần học, sự quyết đoán rành rọt do những hội đồng giám mục quốc gia và miền, sự suy giảm ơn gọi đến đời linh mục và những dòng tu. Họ lý luận rằng giáo hội, cách riêng phẩm trật, đã khoan nhượng quá nhiều sự đa biệt và quá nhiều trệch đường khỏi giáo lý đúng đắn, cách riêng do những nhà thần học. Họ lý luận, đời sống GH đã xao nhãng những quan tâm thiêng liêng và phóng đại sự hội nhập văn hóa đặc thù quá mức của Tin mừng. Họ cảm thấy, học thuyết và thực hành xã hội của Kitô giáo, trong nhiều phần của thế giới, trở nên tràn đầy ý thức hệ Marxit qua thần học giải phóng. Hơn nữa, đang khi những cuộc đối thoại đại kết chính thức có thể đáng ao ước, thì những người tân thủ cựu cảm thấy rằng bất kỳ những kết luận thần học nào không được tiến hành quá vội vàng và tất cả những đề xuất nảy sinh từ những cuộc đối thoại hai chiều phải được đệ trình cho những vị hữu trách thích hợp để cứu xét nghiêm nhặt.
 
Trong một cuốn sách dành để nghiên cứu những lý do tại sao nhà thần học giải phóng người Braxin là Leonardo Boff bị im tiếng một lát do Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican, Harvey Cox, mà gốc rễ của ông thuộc về truyền thống GH Baptist, đối nghịch hai loại chiến thuật mục vụ trong GH Công giáo Roma ngày nay; một được tiêu biểu trong lối tiếp cận của Bộ Giáo lý đức tin của Vatican dưới sự chủ tịch của Hồng Y Giuse Ratzinger, và một loại khác được tìm thấy nơi những người như Boff. Cox lý luận rằng Ratzinger tán thành một “sự tái tập trung” của GH về phương diện tri thức và phụng vụ trong quê cha đất tổ ngày xưa của nó (là Âu châu) và Đức Hồng Y cổ xuý một sự “khôi phục” Đế chế Kitô giáo về văn hóa mà trong đó những diễn đạt thần học và những giả định triết học của chúng thì rõ ràng và minh bạch. Trái lại, Boff được coi là tán thành “một sự ly tâm” mà nhờ đó tin mừng bén rễ trong một sự đa biệt của những nền văn hóa tạp nham và triển nở một cách đặc biệt giữa những người nghèo. Cox lý luận, những lực lượng mạnh mẽ tại những Thượng hội đồng Giám mục quốc tế mới đây và ở Vatican nay đang chọn khuôn mẫu “tái tập trung”. Dù sự phân biệt dễ dãi này đúng hay sai, và nó dường như cũng có một sự vững chắc nào đó, thì sự kiện là đây: đường lối GH Công giáo hiện nay được ghi dấu do một chiến lược “khôi phục”.
 
Việc Giáo hoàng chỉ định nhà thần học và Hồng Y người Đức là Giuse Ratzinger làm chủ tịch Bộ Giáo Lý Đức Tin đã kiện cường những nhãn quan tân thủ cựu. Ratzinger chia sẻ với những người tân thủ cựu một sự lượng giá khá bi quan về GH Công giáo sau công đồng Vatican II, như rõ ràng từ cuộc phỏng vấn ngài được xuất bản năm 1985 dưới tựa đề The Ratzinger Report. Vatican hỗ trợ hiệp hội đạo đức là Opus Dei – mà được thành lập năm 1928 do Josemaria Escriva de Balaguer (1902-75) và được Đức Gioan Phaolô II nâng lên bình diện là “cấp bậc cá nhân” nhờ đó trao cho nó một sự độc lập nào đó với các Giám mục địa phương – được coi là nâng đỡ cho những sở thích tân thủ cựu. Opus Dei, cũng có một ngành cho nữ giới và một cho các linh mục (Tu hội Thánh Giá dành cho linh mục), ảnh hưởng đáng kể trong những giới Vatican; ngay cả vị Giám đốc [lo về] những liên hệ công cộng của Vatican,  Joakim Navarro-Vals, là một thành viên giáo dân của tổ chức này. Vatican cũng tỏ ra nâng đỡ những tổ chức quốc tế của giáo dân có tính cách bảo thủ như Communione e Liberazione, một phong trào được thừa nhận như một thí dụ về chủ nghĩa tân thủ cựu trên phương diện thể chế.
 
Một câu hỏi thường được người ta đặt ra ngày nay là tại sao những người Công giáo Roma tân thủ cựu được thúc đẩy một cách mãnh liệt đặc trưng trong những nỗ lực của họ để bảo vệ GH. Tại sao họ sở hữu sự đảm bảo như thế trong sự đúng đắn của nhãn quan họ? Sự mãnh liệt của những nỗ lực của họ là dễ hiểu dưới ánh sáng của niềm xác tín của họ rằng những hệ quả của việc xao nhãng đáp trả sẽ là một sự suy thoái nghiêm trọng của những giá trị Kitô hữu. Sự tự tín của họ phản ánh việc huấn luyện và giáo dục Công giáo đúng nghĩa mà họ nhận được trước kia theo một phương pháp dạy dỗ vốn nhấn mạnh đến những tuyệt đối thể và những chân lý không thay đổi.
 
Chủ thuyết tân thủ cựu khác biệt với phong trào “truyền thống” rối loạn và triệt để được kết giao với sự chống đối của Tổng Giám mục Marcel Lefebvre; ông phê phán rằng những quyết định của Vatican II về tự do tôn giáo, tính tập đoàn, và đại kết là những đầu hàng đối với những mục tiêu trần tục là tự do (liberté), bình đẳng (égalité), và tình huynh đệ (fraternité).
 
SỰ BẤT MÃN
 
Những ai theo dõi báo chí và truyền hình đều biết đến sự khó chịu và bất mãn giữa những người công giáo về tư cách lãnh đạo trên cấp thế giới và địa phận. Nhiều người nhận thức một sự cố gắng để cổ xuý những thái độ có tính chất phổ quát trong việc cai quản giáo hội. Một nhận thức đang lớn lên rằng bước hướng tới sự tự lập trong vùng nơi các giáo hội địa phương mà được tán thành ở công đồng Vatican II dần dần được thay thế bằng một chính sách tập quyền vốn kiểm soát cách riêng qua việc chỉ định các Giám mục và bằng việc cố gắng làm giảm bớt địa vị của các Hội Đồng Giám Mục theo bình diện thần học. Cái gọi là Tuyên Ngôn Cologne, một sự phê bình loại biệt do một số thần học gia Âu châu về những thủ tục đang được dùng để chọn các Giám mục, nhất là ở Châu Âu là một thí dụ của tâm trạng này; những phản ứng tương tự trước những vấn đề mà đã khai triển ở Nam Mỹ, nhất là ở Braxin, cũng có thể được ghi nhận. Trong những ngày trước kia, nhà thần học người Thụy sĩ là Hans Urs von Balthasar diễn tả tâm trạng này như một “tình cảm chống Roma” (anti-Roman affect) từ phía của một số người Công giáo.
 
Trong một số phần của thế giới những người công giáo đã hết bị ảo tưởng và rúng động do những buộc tội về sự lạm dụng tài chánh và tình dục do một số linh mục Công giáo Roma, một số đã được chứng thực như tội phạm trước tòa án. Trong một số nơi điều này tự nhiên dẫn tới một sự xa cách khỏi quyền lãnh đạo Công giáo. Nó cũng nêu lên những vấn nạn về những nguyên tắc khả tín và liên quan đến sự thực hành chính thống (orthopraxis) của GH.
 
PHƯƠNG PHÁP LUẬN MỚI
 
Trong những thập niên mới đây GH học cũng chịu ảnh hưởng bởi sự du nhập phương pháp phê bình lịch sử, cách riêng khi phương pháp đó được dùng để giải thích KT, những tài liệu lịch sử của các công đồng và sự phát triển của các học thuyết. Khi những lãnh vực thần học và GH học trở nên càng phức tạp hơn, thật không ngạc nhiên để thấy rằng những khảo luận đầy đủ về GH học nay hiếm được soạn thảo do những cá nhân thần học gia. Giữa một số những thần học gia công giáo có uy thế lãnh đạo của thế kỷ này – Bernard Lonergan, Karl Rahner, Hans Urs von Balthasar, thậm chí tới một mức nào đó Yves Congar – không có một GH học bao quát được cố gắng soạn thảo. Thay vì, chúng ta được cống hiến những suy tư loại biệt về những vấn đề được xác định nhỏ hẹp về GH học, quaestiones disputatae. Những cố gắng cho một GH học bao quát một cách tiêu biểu được trở thành những tác phẩm mang tính chất cộng tác (tập thể).
 
Một sinh viên lanh lợi về GH sẽ cần phân định khôn ngoan trong việc đánh giá những tình huống GH. Chỉ bởi vì một thần học gia ở dưới đám mây của sự nghi ngờ vào một giai đoạn thời gian nào đó không có nghĩa rằng người đó đã đọc sai các dấu chỉ thời đại hay làm sai lạc một chân lý loại biệt liên quan đến GH. Nếu ngày nay, kinh nghiệm của GH công giáo trong 50 năm qua có thể dạy chúng ta một bài học đặc biệt, thì có thể rằng ở đây và lúc này có lẽ có những trực giác thích hợp cho GH mà đã bị quên lãng trong những lời dạy dỗ của GH chính thức. Những chân lý bị quên lãng này có thể không được ưa thích hay bị coi là nghi ngờ do những người có thẩm quyền và có lẽ được giữ cho sống động chỉ trong những túi nhỏ của GH. Một cách có thể tưởng tượng được, những trực giác này một ngày kia có thể được báo trước thậm chí trong lời dạy chính thức như những dấu chỉ sống động của một sự sống lành mạnh của GH. Sự nghịch lý này không cần phải làm cho những người vốn nhìn GH như một dân lữ hành hay một GH lưu trú ngạc nhiên.

 

———

[*] By Michael A. Fahey, trong Systematic Theology, vol. II,  ed. F. Fiorenza and J. Galvin (Minneapolis: Fortress Press, 1991), p. 4-71.