Biến Cố Quang Lâm

0
7569

Phan Tấn Thành

Trích « Niềm Hy vọng hồng phúc » (Đời sống tâm linh XIV) trang 198-222.

Trong đầu óc của nhiều tín hữu, ý tưởng “quang lâm” thường được gắn liền với “tận thế” được hiểu như là ngày tận cùng của thế giới. Nó gây ra nỗi lo sợ chứ không phải là hy vọng. Tuy nhiên, đó là một hình ảnh lệch lạc về quang lâm. Niềm tin Kitô giáo tuyên xưng một biến cố tích cực hơn: Đức Kitô đến để tỏ lộ vinh quang phục sinh và thiết lập vương quyền của Thiên Chúa cách vĩnh viễn.

Vì thế chúng ta cần có một ý niệm chính xác về Quang lâm, qua việc tìm hiểu đạo lý được diễn tả trong Thánh kinh, các giáo phụ, huấn quyền, phụng vụ; sau đó, chúng ta sẽ phân tích ý nghĩa của niềm tin.

I. Thánh kinh

Quang lâm là gì? Tầm quan trọng của nó như thế nào? Có những dấu hiệu nào báo trước biến cố đó hay không? Chúng ta sẽ cố gắng tìm câu trả lời khi phân tích những đoạn văn Tân ước liên quan đến biến cố này.

A. Từ ngữ

Tân ước sử dụng nhiều từ ngữ để diễn tả biến cố: Quang lâm (Parousia), Ngày của Chúa (Jôm YHWH), Mặc khải (Apocalysis), Tỏ hiện (Epiphaneia). Những từ ngữ này không phải là hoàn toàn mới mẻ, bởi vì chúng đã được sử dụng trong Cựu ước. Điều mới mẻ nằm ở nội dung của nó.

1. Parousia

Parousia là từ ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp. Theo nguyên ngữ, nó chỉ có nghĩa là: đến, xảy đến (xuất phát từ động từ pareimi), cũng tương tự như là adventus trong tiếng La tinh (nghĩa đen là việc đến, và được đặt tên cho mùa phụng vụ; tiếc rằng dịch ra tiếng Việt là Mùa Vọng thì mất hết ý nghĩa).

Trong văn hoá Hy lạp, từ parousia được dùng để nói về việc các biến cố xảy đến; các vua đến thăm viếng nhân dân; và đôi khi cũng nói đến việc các thần linh đến (hạ giới) nhân các buổi lễ nghi tế tự.

Ta dịch từ parousia ra tiếng Việt là Quang lâm[1] vì Đức Kitô như vị vua sẽ đến thăm dân Ngài trong vinh quang, người trên đến thăm người dưới, nên mình cho là vinh dự. Thật vậy, Tân ước dùng danh từ parousia 24 lần theo nhiều nghĩa khác nhau,[2] nhưng phần lớn theo nghĩa chuyên môn chỉ đến biến cố Đức Kitô đến trong vinh quang[3] để hoàn tất lịch sử cứu độ. Biến cố này kèm theo nhiều sự kiện khác:

– Kết liễu thế giới (x. Mt 24,3.27.37.39; 1Tx 2,19; 3,13; 2Tx 2,1.8; 2Pr 3,4.12), và khởi điểm của tạo dựng mới;

– Người chết sống lại (x. 1Tx 4,15; 1Cr 15,23);

– Phán xét chung thẩm (x.1Tx 5,23; Gc 5,7-8; 1Ga 2,28).

Như vậy, Quang lâm là một tổng bộ gồm nhiều khía cạnh, mà tuy được phân chia để học hỏi, nhưng không được tách rời. Chúng ta có thể đọc một đoạn văn tiêu biểu 1Tx 4,13-18 mô tả đầy đủ nhất biến cố Quang lâm:

Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu. Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi. Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau.

Theo các học giả, thư thứ nhất gửi Thêxalônica là tác phẩm đầu tay của thánh Phaolô và cũng của cả Tân ước nữa (viết khoảng năm 50). Trong đoạn văn vừa trích, chúng ta nên phân biệt giữa đạo lý và hình thức văn chương.

Bối cảnh của đoạn văn này là các tín hữu Thêxalônica tiếc thương những thân nhân quá cố. Nỗi buồn này không những theo tâm tình tự nhiên gây ra do sự chia ly, nhưng còn do sự tiếc xót bởi vì người thân của họ sẽ không được vinh dự tiếp đón Đức Kitô trong ngày Quang lâm. Các tín hữu thời đó (cũng như thánh Phaolô) tin rằng biến cố Quang lâm đã gần kề, thậm chí còn hy vọng sống cho tới lúc ấy (x. 1Cr 15,51-52).

Vài lối mô tả quang cảnh Chúa quang lâm sử dụng hình ảnh ước lệ gặp thấy từ Cựu ước. Mỗi lần Chúa hiện ra thì có mây và tiếng kèn, chẳng hạn như trên núi Sinai (x. Xh 13,22; 19,16). Cũng tựa như khi các vua sắp lâm triều thì có vệ binh thổi kèn để loan báo, đến ngày tận thế các thiên sứ cũng thổi kèn để triệu tập toàn dân lại (x. Mt 24,29-31).

Nội dung của niềm tin nằm ở chỗ là tới ngày Quang lâm, Đức Kitô sẽ đến để đưa tất cả những người còn đang sống về ở bên Người mãi mãi, còn những người chết thì được sống lại và cùng hưởng hạnh phúc đó.

Tư tưởng tương tự cũng được nói ở 1Cr 15 mà chúng ta sẽ phân tích trong mục 3 (phục sinh thân xác): Vào ngày Quang lâm, chúng ta sẽ sống lại, được biến đổi, được đưa về với Đức Kitô và sau cùng kẻ thù bị tiêu diệt, vũ trụ được canh tân đặt dưới vương quyền của Chúa Cha (câu 23-28).

2. Jôm YHWH (ngày của Chúa)

Chúng ta sẽ tìm hiểu các cách thức diễn tả, nguồn gốc và ý nghĩa của thuật ngữ này.

a) Xét về hình thức của từ ngữ

Khi phân tích tất cả các bản văn Cựu ước tiếng Hípri, từ jôm xuất hiện kèm theo một tên riêng duy nhất YHWH (Giavê) và không bao giờ thấy từ Adonai, Elohim hay một đại từ danh xưng khác chỉ về Đức Chúa đi kèm theo. Đây là một trường hợp tiêu biểu: “Này đây Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các người, trước khi Ngày của Đức Chúa (Giavê) đến, ngày trọng đại và huy hoàng” (Ml 3,23).

Ta thấy vài sự dị biệt về từ ngữ ở trong Tân ước tiếng Hy lạp. “Ngày của Chúa” (hêmera tou Kyriou: 1Tx 5,2; 2Tx 2,2; 1Cr 5,5) cũng còn được gọi là “Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô” (1Cr 1,8); “Ngày của Đức Giêsu Chúa chúng ta” (2Cr 1,14); “Ngày của Đức Kitô” (Pl 1,10; 2,16); “Ngày của Con Người” (Lc 17,22.24.26), “Ngày ấy” (1Cr 3,13; Rm 2,16; 2Tm 1,18; 4,8; vv), “Ngày trọng đại” (Gđ 6; Kh 6,17; 16,14). Sự khác biệt giữa Cựu ước và Tân ước nằm ở chỗ chủ thể được chuyển từ Thiên Chúa (Ngày của Giavê) sang Đức Kitô (mặc dù còn vài đoạn văn duy trì lối nói cũ, chẳng hạn 2Pr 3,12: “Ngày của Thiên Chúa”). Ngày của Đức Kitô là ngày Người đến để phán xét (x. 1Cr 1,8; 3,13; 5,5; Pl 1,10; 2,16; 2Tm 1,18), kết thúc công trình cứu chuộc (x. Pl 1,6; 2Tm 4,8 …), chiến thắng sự dữ (x. Lc 17,24).

b) Xét về nguồn gốc và ý nghĩa

Có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc của thành ngữ “Ngày của Chúa” có khác nhau. Có người cho rằng thành ngữ “ngày của Chúa” thuộc về một vài truyền thống dân gian, trông mong ngày Chúa đến để bảo vệ Israel khỏi tay quân thù. Một ý kiến khác cho rằng nguồn gốc của thành ngữ này đó là ngày đầu tiên của năm, một ngày lễ tôn kính Giavê lên làm Vua.[4] Thực ra, hạn từ “Ngày của Giavê” xét như lần can thiệp cuối cùng của Thiên Chúa vào lịch sử (x. Lc 17,24; Ga 8,56) bao gồm nhiều ý nghĩa khác nhau trải qua nhiều giai đoạn lịch sử dân tộc Israel:

– Đối với Amos, đó là ngày trừng phạt Israel về sự chai đá cứng lòng, ngày của tối tăm, than khóc, tàn sát, kinh hoàng (x. Am 2,13-16; 5,18-20; 8,9-10.13).

– Vào thời lưu đày, “ngày của Giavê” biến thành nguồn hy vọng, bởi vì sự trừng phạt của Thiên Chúa sẽ giáng xuống những kẻ đàn áp Israel (Babylonia, Ai cập). Vì thế “Ngày của Giavê” sẽ mang lại sự phục hưng thịnh vượng cho Israel (x. Is 11,1; 12,1; 30,26; Gl 4,1).

– Sau thời lưu đầy, “ngày của Giavê” trở thành ngày xét xử, ban thưởng kẻ lành và trừng trị kẻ ác.

c) Xét về lối diễn tả

Tương ứng với sự thay đổi quan điểm về bản chất “Ngày của Giavê” là sự thay đổi trong lối diễn tả bằng nhiều hình ảnh khác nhau:

– Ngày của Chúa kèm theo những xáo trộn trong vũ trụ: động đất, nhật thực, chiến tranh (x. Am 5,18-19; 8,9; Ge 2,1-2; 3,3; 4,15-16; Is 13,6-9; Xp 1,14-18).

– Ngày của Chúa mang lại những phúc lành, thịnh vượng, an bình, đồi nương chảy tràn sữa và mật (x. Am 9,11-14; Ge 4,18-21).

– Ngày canh tân giao ước tình yêu giữa Chúa và dân Người (x. Gr 31,31-34; Ed 36,23-30).

Cần phân biệt nội dung và lối diễn tả. Thí dụ khi mô tả cảnh Đức Giêsu chết trên thập giá, Mátthêu nói đến “mặt trời ra tối tăm”, nhưng cảnh tượng này thực tế có lẽ không xảy ra (khi đối chiếu với Luca và Gioan); một cách tương tự như vậy, thánh Phêrô (x. Cv 2,16-22) trưng dẫn những đoạn văn nói đến những dấu lạ trên trời (mặt trời ra tối tăm, mặt trăng hoá máu) để mô tả biến cố Ngũ Tuần, song kỳ thực chẳng có hiện tượng nào kỳ lạ xảy ra trong vũ trụ.

Hai từ ngữ kể trên đây (parousia, jôm YHWH) mang nghĩa chuyên môn, dành riêng cho biến cố Đức Kitô quang lâm và kết thúc lịch sử. Biến cố này còn được diễn tả với hai từ ngữ khác nữa, đó là: epiphaneiaapocalypsis, tuy không thuần túy dành riêng cho việc quang lâm.

3. Epiphaneia

Trong các thư mục vụ (gửi Timothê và Titô) danh từ epiphaneia thay thế danh từ parousia. Danh từ epiphaneia trong văn hoá Hy lạp được dùng để ám chỉ các sự hiển linh (các vị thần hiện ra) hay các cuộc xuất hiện của các vua (ngày chào đời) hay là du hành tới một nơi nào. Trong Tân ước, từ epiphaneia vừa được dùng cho ngày Chúa “hiển linh”, ngày Chúa “xuất hiện” trong vinh quang như Đấng cứu độ viên mãn (x. 1Tm 6,14; 2Tm 4,1.8; Tt 2,13, trùng hợp với parousia) vừa dùng cho việc Ngài “xuất hiện” trong thế gian qua nhập thể của Đức Giêsu (x. 2Tm 1,10). Từ đó phụng vụ đặt tên cho lễ “Chúa Hiển Linh”. Về sau, để tránh lẫn lộn, các giáo phụ phân biệt hai lần Chúa đến.[5]

4. Apocalypsis

Apocalypsis theo nguyên ngữ có nghĩa là “vén màn” (mặc khải). Nó được hiểu về nhiều nghĩa:

– Mặc khải một chân lý (Lc 2,32), một mầu nhiệm (Rm 16,25).

– Mặc khải một thị kiến, một cảm nghiệm huyền bí (Gl 1,12; 2Cr 12,1.7).

– Sự hiển hiện của Đức Kitô vào lúc quang lâm (2Tx 1,7; 1Pr 1,7.13; 4,13), tỏ lộ quyền xét xử của Thiên Chúa (Rm 2,5).

Ở 1Cr 1,7 thánh Phaolô nói đến niềm hy vọng “vào sự mặc khải của Đức Giêsu Kitô”, được hiểu về mặc khải vinh quang trong “Ngày của Chúa” nói ở câu kế tiếp (câu 8).

B. Những dấu hiệu của ngày Quang lâm

Từ lâu rồi, mỗi khi nghe nói đến Quang lâm (tận thế), một câu hỏi thường nảy ra trong đầu: Chừng nào Chúa đến? Có dấu hiệu gì để biết là Chúa sắp đến không? Tâm trạng đó đã thấy ngay từ trong Tin mừng Mátthêu thuật lại việc các môn đệ tới gặp riêng Đức Giêsu và thưa: “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ những sự việc ấy sẽ xảy ra, và điềm gì báo trước cuộc Quang lâm của Thầy và báo trước tận thế” (Mt 24,3).

Trải qua lịch sử, người ta cố gắng tìm tòi trong Tin mừng để kê khai các “điềm” tiên báo tận thế. Chúng ta có thể kê ra bảy điềm (theo thánh Mátthêu) hoặc bốn điềm (tổng hợp Tân ước).

1. Bảy điềm báo

Dựa vào chương 24 của Mátthêu, chúng ta có thể đếm được 7 điềm.

(i) Các ngôn sứ giả: “Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta là Đấng Kitô’ và họ sẽ lường gạt được nhiều người… Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt nhiều người” (Mt 24,11; Mc 13,6).

(ii) Chiến tranh: “Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã” (Mt 24,6).

(iii) Tai ương: “Sẽ có những cơn đói kém, và những trận động đất ở nhiều nơi” (Mt 24,7).

(iv) Bách hại: “Bấy giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy” (Mt 24,9).

(v) Mất đức tin, bỏ đạo: “Vì tội ác gia tăng cho nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi” (Mt 24,12).

(vi) Tin mừng sẽ được giảng đến khắp cùng trái đất: “Tin mừng này về Vương quốc sẽ được loan báo khắp thế giới, để làm chứng cho tất cả các dân ngoại được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng” (Mt 24,14).

(vii) Vũ trụ xáo trộn: “Ngay sau những cơn gian nan ấy, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời” (Mt 24,29-30).

Chúng ta thấy bản liệt kê này không có khả năng thuyết phục vì ba lý do:

a) Nhiều hiện tượng đã và đang xảy ra đều đều trong lịch sử (chẳng hạn: chiến tranh, loạn lạc, mất mùa).

b). Những điềm được nói ở chương 24 của Mátthêu không chỉ áp dụng cho ngày tận thế mà còn cho cuộc tàn phá Giêrusalem nữa (xem thêm: Mc 13,1-37 // Lc 17,20-18,8; 21,5-38).

c) Cần phải lưu ý đến giọng văn khải huyền được sử dụng khi mô tả “Ngày của Giavê”.[6]

2. Bốn điềm báo

Chúng ta có thể thiết lập một danh mục khác ngắn hơn, rút xuống còn 4 điềm, dựa theo nhiều chỗ trong Tân ước: a) Đức tin ra nguội lạnh (Lc 18,8); b) Quỷ vương xuất hiện (2Tx 2,1tt); c) Tin mừng sẽ được giảng cho khắp muôn dân (Mt 24,14); d) Dân Israel sẽ trở lại (Rm 11,25tt). Đâu là giá trị của các điềm báo ấy?

a) Đức tin ra nguội lạnh. Điều này dựa theo kết luận của dụ ngôn nói về quan toà bất chính và bà goá quấy rầy (Lc 18,1tt: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”). Tuy nhiên, xem ra đây không phải là điềm tiên báo cho bằng lời khuyến dụ hãy kiên tâm, cho dù công lý của Thiên Chúa chậm đến. Thánh Phaolô cũng nói tới hiện tượng chối đạo (apostasia) trước ngày Quang lâm (x. 2Tx 3,2), nhưng đây không hẳn là một “điềm”.

b) Quỷ vương xuất hiện. Hiện tượng một kẻ “Phản Kitô” (Antichrist) sẽ xuất hiện được nhiều tác phẩm Tân ước nhắc đến (x. 2Tx 2,1tt; 1Ga 2,18-22; 4,1-4; 2Ga 7-9; Kh 13-17). Tuy nhiên nhân vật này (cũng còn gọi là Tên Phản loạn, tên gian ác, hư hỏng) đôi khi được hiểu về một cá nhân sẽ đến (như trong 2Tx), đôi khi được hiểu về một nhóm (như trong thư của Gioan). Hơn thế nữa, theo thánh Gioan “nhiều tên Phản Kitô đã xuất hiện rồi” có lẽ ám chỉ phái ngộ giáo không nhìn nhận Đức Kitô nhập thể. Trong sách Khải huyền (13,1-10), xem ra tên Phản Kitô là đế quốc Rôma. Chính vì căn cước của Phản Kitô thay hình đổi dạng như vậy, cho nên nhiều nhà chú giải Thánh kinh cho rằng đây là biểu tượng của tất cả mọi lực lượng chống đối vương quyền của Thiên Chúa trong dòng lịch sử.

c) Tin mừng được rao giảng tới khắp cùng thế giới. Dấu chỉ này có thể được giải thích nhiều cách, và vì thế khó được nhìn nhận như “điềm” tiên báo Quang lâm. Thực vậy, thế nào là “khắp cùng thế giới” bởi vì hạn từ “thế giới” (oikoumene) đôi khi được Tân ước đồng hoá với đế quốc Rôma (x. Lc 2,1). Thánh Phaolô trong thư gửi Rôma quả quyết rằng “Tin mừng đã được rao giảng khắp thế giới rồi” (Rm 10,18). Ngày hôm nay, quả thực Tin mừng đã được loan báo cho muôn dân rồi, nhưng vẫn chưa tận thế. Hay là ta cần phải chờ cho tất cả mọi người phải tin nhận Chúa Kitô nữa?[7]

d) Israel sẽ trở lại. Cách riêng, đối với dân tộc Israel, việc dân tộc này chấp nhận Tin mừng được thánh Phaolô suy nghĩ suốt chương 11 của thư Rôma. Thánh Phaolô không chủ ý nói tới một điềm báo cánh chung, nhưng chỉ muốn nêu bật rằng Thiên Chúa trung tín giữ lời đã hứa: Dù Israel cố chấp đi nữa, Thiên Chúa vẫn cương quyết thi hành giao ước. Sau cùng, toàn thể dân Israel sẽ quay về với Chúa và cùng hợp với dân ngoại thành một dân tộc duy nhất như từ thuở nhân loại khai sinh (Rm 15,7-12).

Tóm lại, chúng ta hơi “thất vọng” khi truy tầm những điềm tiên báo ngày Quang lâm. Nhưng có lẽ chúng ta hiểu chưa đúng vấn đề. Tân ước loan báo ngày Quang lâm không phải để kích thích óc hiếu kỳ của chúng ta, nhưng là nhắm mục tiêu huấn giáo.

3. Bài học của ngày Quang lâm

Trước câu hỏi của các môn đệ về thời điểm tận thế, các tác giả Tân ước xem ra ghi lại hai lập trường khác nhau của Đức Giêsu.[8]

Một đàng Ngài từ chối trả lời, đồng thời cảnh giác họ:

Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi. Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến (Mc 13,32-33).

Có lẽ bởi vì Ngài muốn nói rằng ngày Quang lâm xảy đến không thể được đo lường bằng thời gian lịch sử và quy luật tiến triển; Parousia tự nó không có ngày tháng. Điều cần thiết không phải là đi tìm các câu trả lời về triết lý và thần học lịch sử, mà tốt hơn là sống “tỉnh thức”. Nói cách khác, khi loan báo Quang lâm, Thánh kinh muốn chúng ta tìm ra một cách ứng xử thích đáng, đó là: tỉnh thức (x. Mc 13,33.35.37; Mt 24,44; 25,13), cầu nguyện (x. Lc 18,8b; 21,36), hăng say trong việc bác ái (x. Mt 24,12; 25,40) và trong công cuộc truyền giáo (x. Mt 25,19).

Đàng khác, chính Đức Giêsu đã loan báo các dấu hiệu sẽ xảy ra. Điều này có nghĩa rằng trong Ngài, Thiên Chúa vừa hành động cách trực tiếp vừa hành động cách gián tiếp qua trung gian “Con Người”. Ngài là telos (mục đích), sự viên mãn của mọi thực tại, đồng thời là peras (biên cương, giới hạn) cái kết thúc của thời gian lịch sử. Việc Ngài quang lâm là sự giải thoát con người cách tự do, tuy nhiên nó không thành tựu nếu không có con người.

Thật vậy, các tín hữu Thêxalônica mong mỏi Chúa Quang lâm, và họ buồn phiền nếu vắng mặt trong buổi lễ hội đó! Tiếc rằng, họ đi đến thái độ cực đoan, đó là chỉ ngồi chờ Quang lâm và lãng quên công việc làm ăn! Vì thế thánh Phaolô thúc giục họ hãy trở về với việc bổn phận “ai không làm việc thì đừng ăn” (2Tx 3,10). Dù sao, có thể nói được là thánh Phaolô đã để lại một huấn giáo luân lý mang tính cách quang lâm, nghĩa là các tín hữu được thúc gịuc hãy sống làm sao cho phù hợp với niềm tin và hy vọng vào Chúa Quang lâm. Nó đòi buộc ta phải hoán cải, từ bỏ ngẫu tượng, khước từ sự tối tăm, tiết độ, thi hành đức Tin-Cậy-Mến (x. 1Tx 1,9-10; Rm 13,11-14).

Thêm vào đó, niềm hy vọng vào Chúa Quang lâm mang lại niềm vui (x. 1Tx 2,19; Rm 12,12, và nhất là Pl 4,4-5: “Anh em hãy vui lên… vì Chúa đã đến gần”). Niềm vui này sẽ nâng đỡ các tín hữu đang chịu đau khổ vì những bách hại. Họ được mời gọi hãy vui lên bởi vì một khi đã chia sẻ sự đau khổ của Đức Kitô, thì chắc chắn cũng được tham dự vào vinh hiển của Ngài (x. Rm 5,3-5; 2Cr 1,3-7, và nhất là Rm 8,18; và 1Pr 4,13).

II. Niềm tin của Hội thánh

Từ thời các giáo phụ, Hội thánh luôn tuyên xưng đạo lý về việc Chúa Kitô sẽ đến trong vinh quang. Niềm tin này được phát biểu trong các kinh Tin Kính, trong các cuộc cử hành phụng vụ, các lời tuyên bố của Huấn quyền. Tuy nhiên, cũng nên ghi nhận rằng niềm tin đó không được duy trì cùng một tâm trạng: Từ chỗ náo nức trông mong thuở ban đầu chuyển sang thái độ khiếp sợ vào thời Trung cổ.

A. Tín biểu

Các tín biểu cổ điển đều chứa đựng lời tuyên xưng Đức Kitô sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, và đặt ở cuối phần thứ hai: “Đức Giêsu Kitô… xuống thế làm người… chịu chết và phục sinh… lên trời… và sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Tín biểu Nixêa- Constantinopolis (đọc trong Thánh lễ ngày Chúa nhật) còn thêm: “Nước Người sẽ không bao giờ cùng”.

B. Phụng vụ

Trong các buổi cử hành phụng vụ, niềm tin vào Chúa quang lâm được phát biểu cách đặc biệt khi cử hành Thánh Thể. Thực vậy, các bản văn Tân ước đã cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc cử hành Thánh Thể và biến cố Quang lâm.

Trình thuật về việc thiết lập Thánh Thể nói rõ đây không phải là bữa “Tiệc ly” để chia tay, nhưng là bữa tiệc hướng tới cuộc hội ngộ trong Nước Chúa. Thực vậy, khi trao chén rượu được chúc phúc, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy bảo cho anh em biết: Từ nay Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29).[9] Hoạ lại tư tưởng đó, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Côrintô rằng: “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết, cho tới ngày Chúa lại đến” (1Cr 11,26).

Vì thế chúng ta không ngạc nhiên gì khi cử hành Thánh Thể, các tín hữu khẩn nài Maranatha: “Lạy Chúa, xin đến”. Câu này (bằng tiếng Aram) đã xuất hiện trong Tân ước (1Cr 16,22; Kh 22,20) có thể giải thích theo hai nghĩa: hoặc là một lời tuyên xưng đức tin (maran/ atha: Chúa chúng ta đã đến); hoặc là lời khẩn cầu (marana/tha: Lạy Chúa chúng con, xin hãy đến). Nhưng với sách Didakhê (10, 6) ý nghĩa đã được xác định: đó là lời khẩn cầu: “Xin Chúa hãy đến” ở đây trên bàn thờ này cũng như đến để đưa chúng con về với với Chúa.

C. Lịch sử Giáo hội

Trong lịch sử Giáo hội, niềm tin vào Chúa quang lâm đã trải qua nhiều lúc thăng trầm.

1. Thời các giáo phụ

Nói chung, các tín hữu vào thời các giáo phụ vẫn còn duy trì niềm mong đợi biến cố Quang lâm. Sách Điđakhê (Giáo huấn của Mười Hai Tông đồ) ra đời vào khoảng thế kỷ II (năm 90-160) chương cuối cùng (ch. XVI) mang dấu ấn cánh chung khải huyền rất rõ. Sách nói đến thái độ phải tỉnh thức trong khi mong chờ Chúa đến lần thứ hai, những dấu hiệu xảy ra trước lúc tận cùng và ba dấu chỉ của chân lý sẽ diễn ra vào lúc Chúa quang lâm.

Xét về ý nghĩa từ ngữ, các giáo phụ cũng xác định hơn. Trong Tân ước, từ parousia ám chỉ việc Đức Kitô đến vào cuối lịch sử. Thánh Inhaxiô Antiôkia áp dụng từ này cho cả mầu nhiệm Nhập thể nữa (Thư gửi Philadelphia 9,2). Vì thế, để khỏi lẫn lộn, thánh Giustinô phân biệt giữa hai lần Chúa đến: Lần thứ nhất nơi mầu nhiệm Nhập thể và lần thứ hai vào tận thế. Sự phân biệt này còn được duy trì trong phụng vụ, đặc biệt là trong Mùa Vọng (Adventus trong tiếng La tinh có nghĩa là “đến, xảy đến”).

Mặt khác, thuật ngữ “Ngày của Chúa” (Dies Domini) không chỉ được hiểu về ngày tận thế nhưng còn ám chỉ “Chúa nhật”, ngày đầu tuần lễ, tưởng niệm biến cố Phục sinh. Có lẽ tục lệ này bắt nguồn ngay từ thời Tân ước, như đọc thấy trong Sách Khải huyền (Kh 1,10).[10]

2. Thời Trung cổ

Dần dần, biến cố Quang lâm không còn là đối tượng của niềm mong đợi nữa. Có lẽ vì người ta ngóng chờ hoài mà không thấy Chúa đến cho nên không muốn “mỏi cổ” nữa. Thay vào đó là tâm trạng tò mò, như ta thấy trong một tác phẩm của thánh Augustinô (Thư 199, de fine saeculi) cảnh báo các tín hữu hãy duy trì đức tin tinh tuyền và đừng phôi pha những chi tiết hoang đường về điềm báo tận thế.

Một sự thay đổi đáng kể nhất từ thời Trung cổ là tâm trạng sợ hãi. Đang khi các Kitô hữu tiên khởi mong mỏi Chúa Quang lâm như “mong mẹ đi chợ về”, thì càng ngày các tín hữu càng sợ mỗi khi nghe nói đến biến cố mà họ coi là tận thế. Tại sao vậy? Trong số những lý do trưng ra để giải thích, Joseph Jungmann và Karl Adam cho rằng lý do là vì hình ảnh của Đức Kitô đã bị thay đổi. Thật vậy, trong Tân ước, Đức Kitô được giới thiệu như “trung gian giữa Thiên Chúa với nhân loại”, là “thượng tế” (với những lối diễn tả đầy nhân tính trong thư gửi Do thái), là “kẻ bào chữa” (1Ga 2,1), “lang quân” (sách Khải huyền). Nhưng vào thời giáo phụ và cho tới thời Trung cổ, khi những cuộc tranh luận Kitô học càng lúc đề cao thiên tính của Đức Kitô (Ngài “đồng bản thể với Chúa Cha”), thì hình ảnh của Ngài càng ngày càng xa vời nhân loại. Vì thế các tín hữu cảm thấy khiếp run khi trình diện trước toà Chúa phán xét.[11]

Một lý do nữa có lẽ là từ thời Trung cổ, người ta nhấn mạnh đến “cánh chung cá nhân” hơn là “cánh chung phổ quát”, vì thế đề tài Quang lâm giảm mất tầm quan trọng.

3. Công đồng Vaticanô II

Với việc trở về Thánh kinh và các giáo phụ, đề tài Quang lâm được công đồng Vaticanô II đặt lại đúng chỗ, nghĩa là trở thành đối tượng của niềm hy vọng Kitô giáo: Biến cố Quang lâm không đồng nghĩa với “tận thế” (hình ảnh kinh hoàng của thể văn khải huyền) nhưng là sự hoàn tất kế hoạch cứu độ, sự thiết lập vĩnh viễn của Vương quyền Thiên Chúa (LG 48-49). Công đồng cũng tái khám phá chiều kích cánh chung của cuộc cử hành phụng vụ (SC 8).

Sự thay đổi não trạng này cũng phản ánh trong các bản văn phụng vụ. Các Kinh nguyện Tạ ơn được soạn ra sau công đồng Vaticanô II đều thêm chiều kính cánh chung trong phần tuyên xưng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến”. Thánh lễ không phải chỉ “kính nhớ” (tưởng niệm một biến cố quá khứ) cuộc Vượt qua của Đức Kitô, nhưng còn “vọng về” (trong tương lai) biến cố Quang lâm. “Giờ đây, chúng con tưởng nhớ Con Cha đã chịu khổ hình để cứu độ muôn người, đã sống lại diệu huyền và lên trời vinh hiển; đồng thời mong đợi Người lại đến, chúng con dâng lên Cha hy lễ hằng sống và thánh thiện này ¼” (Kinh Tạ ơn số III). “Giờ đây cử hành tưởng niệm công trình cứu chuộc, chúng con kính nhớ Đức Kitô đã chịu chết và xuống cõi âm ty, chúng con tuyên xưng Người sống lại và lên trời ngự bên hữu Cha, và đang khi chờ đợi Người vinh quang ngự đến” (Kinh Tạ ơn số IV).

Sau kinh Lạy Cha, chúng ta cũng bày tỏ niềm mong chờ ngày hồng phúc: “¼ Đang khi chúng con mong chờ ngày hồng phúc, ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc chúng con ngự đến”.

Sách GLCG bàn đến biến cố Quang lâm ở các số 668-677, khi giải thích lời tuyên xưng: “Người sẽ đến trong vinh quang”. Mặc dù kể ra những dấu hiệu loan báo ngày Quang lâm gần kề theo các chứng từ của Tân ước, nhưng ngày Quang lâm vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hội thánh chỉ bước vào vinh quang Nước Trời sau cuộc Vượt qua cuối cùng theo gót Đức Kitô. Thiên Chúa sẽ toàn thắng những cuộc nổi loạn của sự dữ dưới hình thức cuộc phán xét chung thẩm.

III. Suy tư thần học

Trong quá khứ, mỗi khi nghe nói tới Quang lâm, người ta thường liên tưởng đến một biến cố kết liễu lịch sử và thế giới với những thảm hoạ quả là rùng rợn. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng chủ thể của Quang lâm là Đức Giêsu Kitô: Đức Kitô sẽ đến.

Mặt khác, kinh Tin Kính đặt lời tuyên xưng Đức Kitô Quang lâm để kết thúc công trình cứu chuộc, khởi đầu từ khi Con Thiên Chúa làm người. Vì vậy, để nắm bắt ý nghĩa của biến cố Quang lâm, chúng ta cần lồng nó trong toàn thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Tiếp đó, chúng ta sẽ bàn đến vài chi tiết khác liên quan đến biến cố này.

A. Quang lâm và mầu nhiệm Đức Kitô

Chúng ta đừng quên rằng “Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một”: Người là Ngôi Lời hằng hữu của Thiên Chúa, đã đi vào lịch sử nhân loại với mầu nhiệm Nhập thể để thiết lập vương quyền của Thiên Chúa ở trần gian. Tuy nhiên, khi còn tại thế, Người đã tự hủy mình (kenosis), chấp nhận thân phận nô lệ và thậm chí đã chịu chết cách nhục nhã trên Thập giá.

Với cuộc Phục sinh, Người đã toàn thắng sự chết. Khi lên trời, Người đã nhận lãnh vinh quang đã có từ muôn thuở. Tuy nhiên, đối với chúng ta, vinh quang ấy chưa được tỏ rạng. Biến cố Quang lâm sẽ là cuộc “mặc khải” toàn vẹn thân thế của Đức Kitô. Đó là điều hàm ngụ trong từ ngữ “quang lâm, mặc khải”: Tiên vàn nó nhắm đến Đức Kitô, tỏ lộ vinh quang của Người (Mc 14,63; Ga 17,5).

Việc tỏ lộ vinh quang của Đức Kitô cũng là lúc hoàn tất công trình mà Người đã khởi sự khi đi vào lịch sử nhân loại, nghĩa là thiết lập triều đại của Thiên Chúa, khi mà mọi quyền lực của sự dữ sẽ bị dẹp tan: tội lỗi, bệnh tật, sự chết. Hiểu như vậy, ta thấy vì sao các môn đệ tiên khởi trông ngóng biến cố Quang lâm. Họ mong được giải thoát khỏi sự dữ, họ mong được sống lại và chia sẻ vinh quang với Đức Kitô.

Tóm lại, Quang lâm là sự tỏ hiện rõ ràng, trực tiếp và phổ quát của con người Đức Kitô, đầy quyền năng và ở trong địa vị làm Chúa, làm vua của một vương quốc vĩnh cửu. Đồng thời Quang lâm cũng là một biến cố cụ thể, kết thúc trọn vẹn lịch sử của chúng ta, chứ không được quan niệm như cuộc gặp gỡ của một cá nhân với Chúa trong giờ chết.[12]

B. Ý nghĩa những điềm báo hiệu quang lâm

Một khi đã mất cái nhìn tổng quát về Quang lâm như là mầu nhiệm về Đức Kitô, người ta chỉ nhìn biến cố này như là “tận thế” và băn khoăn lo âu nó tới gần, chứ không phải do niềm trông mong nhớ nhung như thuở ban đầu. Chúng ta sẽ tóm tắt những suy tư về ý nghĩa các điềm báo, thời gian và nơi chốn Chúa quang lâm.

1. Trải qua lịch sử, nhiều người đã miệt mài tìm kiếm trong Thánh kinh các điềm báo về Quang lâm (tận thế). Chúng ta đã điểm qua vài điềm (có thể là 4 hoặc là 7). Chúng ta cũng đã phân tích ý nghĩa của các điềm đó. Chúng không nói lên điều gì chính xác cả, hoặc bởi vì vẫn xảy ra mọi nơi mọi thời (chiến tranh loạn lạc), hoặc bởi vì chỉ là một hình thức văn chương khải huyền (mặt trời ra tối tăm), hoặc có thể hiểu theo nhiều nghĩa (Tin mừng được loan báo khắp thiên hạ). Dấu hiệu “Phản Kitô” (Quỷ vương) cũng rất mơ hồ: Thánh Gioan coi đó như một tập thể và đã xuất hiện ngay từ thế kỷ I; còn thánh Phaolô thì xem ra hiểu về một cá nhân. Sách GLCG (số 675-676) cho rằng nó tượng trưng cho các cơn cám dỗ muốn đi tìm một quan điểm Mêsia giả hiệu, nghĩa là mong muốn thiết lập Nước Thiên Chúa hoàn toàn thế tục ở dưới trần này.

Thiết tưởng trước những “điềm lạ” đang diễn ra xung quanh, chúng ta đừng quá ngạc nhiên, vì nó cho thấy điều kiện thường xuyên của thế giới này. Mỗi thế hệ phải cảm thấy các dấu lạ này và áp dụng cho mình. Tuy nhiên, cũng đừng đánh mất tính nhạy bén trước các điềm báo hay dừng lại não trạng khải huyền, nhưng hãy giúp người khác biện phân theo niềm hy vọng cánh chung và sống một cuộc đời “tỉnh thức” và có tinh thần trách nhiệm.

2. Lịch sử Giáo hội cũng cho biết rằng nhiều nhân vật hay giáo phái còn khẳng định chắc chắn ngày giờ tận thế. Thánh Hippôlytô Rôma (+235) và nhiều tác giả ở Syria đã tiên đoán vào năm 500. Nhiều ý kiến lại dự đoán vào năm 1000. Họ lý luận rằng đối với Thiên Chúa, một ngày cũng tựa một ngàn năm (2Pr 3,8), và do công trình tạo dựng xảy ra năm 4000 TCN, nên Đức Kitô sẽ trở lại vào đầu thiên niên kỷ thứ VI của trái đất, tức là vào năm 1000. Thánh Vinh-sơn Ferrer tiên báo vào năm 1412…

Tất cả những lời tiên báo về thời sau hết đều sai lầm. Chúng ta nên lưu ý đến nhận xét của thánh Tôma Aquinô: “Điều mà Chúa Giêsu đã không muốn tỏ cho các thánh Tông đồ thì Ngài cũng chẳng mặc khải cho những người khác. Vì thế những ai muốn tính toán thời khắc từ xưa đến nay thì đều sai lầm. Thật vậy, theo như thánh Augustinô cho biết (De civitate Dei, lib. XVIII, c. 52), vài người cho rằng thời gian từ khi Chúa Giêsu lên trời cho đến lúc Người quang lâm là 400 năm; người khác thì tính ra 500, người khác thì 1000. Dĩ nhiên là họ đã tính trật hết. Và cả những ai cứ tiếp tục tính toán thì cũng sẽ trật luôn”.[13]

Công đồng Latêranô V (14/1/1516) đã khuyến cáo: “Chúng tôi ra lệnh rằng các nhà giảng thuyết không được phép rao giảng hay khẳng định như là chắc chắn về những điều xấu xa sắp xảy đến, sự xuất hiện của Phản-Kitô, ngày phán xét. Chân lý (Đức Kitô) đã dạy rằng: Các con đừng bận tâm muốn biết về thời giờ mà Chúa Cha đã dành riêng cho một mình Ngài. Và chúng tôi biết rằng cho đến nay những người quả quyết về điều này đều là giả dối, và vì thế, gây nhiều khó khăn cho những nhà giảng thuyết chân chính”.[14]

3. Nếu đã khó dự đoán chừng nào Chúa sẽ đến, thì lại càng khó nói rằng Chúa sẽ quang lâm ở đâu. Vào thế kỷ II, ông Montanô loan báo Đức Kitô sắp quang lâm tại bình nguyên thị xã Pepuza miền Phrygia, Tiểu Á! Như đã nói, biến cố Quang lâm vượt lên trên những ý niệm về không gian và thời gian. Dù sao, chúng ta không nên tưởng tượng rằng từ ngày Thăng thiên, Chúa Giêsu đã “biến” khỏi địa cầu, và đến lúc nào đó thì Người “trở lại”. Không phải thế, Người hứa ở lại với chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20), cách riêng trong cộng đoàn cầu nguyện (Mt 18,20) và nơi Bí tích Thánh Thể (Ga 6,54). Đặc biệt Tin mừng thứ tư nhấn mạnh rất nhiều đến việc Người “ở lại” với chúng ta và mời chúng ta hãy ở lại với Người (x. Ga 15,4-10). Nói cách khác, Người không đi nghỉ nơi xa, rồi lúc nào đó trở về. Người vẫn hiện diện ở giữa chúng ta cách “huyền nhiệm”, và chúng ta mong đợi lúc mà Người sẽ “hiển linh”, biểu lộ vinh quang Phục sinh cho chúng ta được thông hưởng.

C. Linh đạo quang lâm

Để kết luận, chúng ta nên ghi nhận linh đạo của Quang lâm được diễn tả trong Kinh Thần vụ. Những đoạn văn của các giáo phụ về thái độ của người tín hữu đối với biến cố Quang lâm được trích đọc ở giờ Kinh Sách Mùa Vọng.

1. Ý nghĩa của việc Chúa đến

– Hai cuộc giáng lâm của Đức Kitô (Thánh Cyrillô Giêrusalem, Giáo huấn tiền thanh tẩy, 15,1-3): Chúa nhật I.

– Anh em hãy tỉnh thức: Chúa sẽ lại đến (Thánh Ephrem, Chú giải về sách Tin mừng tổng hợp, 18,15-17): Thứ Năm tuần I.

– Đặc tính cánh chung của Hội thánh lữ hành (Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Hội thánh, 48): Thứ Ba tuần II.

2. Chuẩn bị đón Chúa đến

– Ý nghĩa Mùa Vọng (Thánh Carôlô Borromêô, Thư mục vụ): Thứ Hai tuần I.

– Ngôi Lời của Thiên Chúa sẽ ngự đến giữa chúng ta (Thánh Bênađô, Bài giảng năm mùa Vọng): Thứ Tư tuần I.

– Khát vọng được ngắm nhìn Thiên Chúa (Thánh Anselmô, Proslogion, cap.1): Thứ Sáu tuần I.

– Chúa ngự đến lần thứ nhất, chúng ta đừng chống lại, để khi Chúa ngự đến lần thứ hai, chúng ta khỏi sợ hãi (Thánh Augustinô, Chú giải thánh vịnh, 95,14): Chúa Nhật XXXIII Thường niên.

———————————————————-

[1] Có khi cũng được dịch là “Cơ-đốc phục lâm”.

[2] Chẳng hạn, thánh Phaolô vui mừng thấy ông Stêphanô, Photunatô, Akhaicô đến thăm (1Cr 16,17); Khoảnh khắc thánh Phaolô đến tìm gặp các tín hữu (Pl 1,26). Danh từ parousia được thánh Phaolô sử dụng nhiều hơn các tác giả khác trong Tân ước (14 trên 24 lần).

[3] Từ parousia được các tác giả Tân ước dùng để nói đến cuộc Quang lâm của Đức Kitô (4 lần trong Mátthêu; 7 lần trong Phaolô; 2 lần trong Giacôbê; 2 lần trong II Phêrô; 1 lần trong I Gioan) chỉ trừ một lần nói đến parousia của Quỷ vương (Phản Kitô; 2Tx 2,9). Còn chính Đức Giêsu dùng thuật ngữ khác (elthein) để nói về mình, đó là: “Khi Con người đến” (Mc 13,26; 14,62; Mt 10,23; 16,27; 24,44; 25,31; Lc 12,40; 18,8) để ứng nghiệm sách Đaniel 7,13.

[4] Xem Mario Cimosa, Il giorno del Signore e l’escatologia nell’Antico Testamento, trong: DSPB 16, Borla, Roma 1997, tr. 20-24.

[5] Một từ ngữ tương tự là phanerosis (bởi động từ phanerô) có nghĩa là xuất hiện, tỏ hiện, được dùng để nói đến việc quang lâm: “Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người” (Cl 3,4). Tuy nhiên, từ này cũng được dùng để nói đến việc Đức Kitô nhập thể (xuất hiện trong xác phàm: 1Tm 3,16; Hr 9,26; 1Pr 1,20; 1Ga 1,2) hoặc phục sinh (xuất hiện cho các môn đệ: Mc 16,12-14; Ga 21,14).

[6] Xem những chú thích về chương này trong bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

[7] Dựa theo ý kiến của thánh Tôma, trong Summa Theologica, I-II, q.106, a.4, ad 4m: “Potest intelligi praedicatio evangelii in universo orbe cum pleno effectu, ita scilicet quod in qualibet gente fundetur ecclesia. Et ita nondum praedicatum est evangelium in universo orbe. Sed hoc veniet consummatio mundi”.

[8] Xem J. Ratzinger, Eschatology, tr. 194-195; Cánh chung học, tr. 237-238.

[9] Điều này được lặp lại trong tất cả Tin mừng Nhất lãm. “Thầy bảo thật anh em: Chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mc 14,25). “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa ¼ Từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Nước Thiên Chúa đến” (Lc 22,16-18).

[10] X. chú thích ở bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, và Sách GLCG số 1166 tt và 2171tt.

[11] X. J. A. Jungmann, Die Stellung Christi im liturgischen Gebet, Munster 1925; K. Adam, Christus unser Bruder, Regensburg 1950.

[12] Xem Ủy ban Thần học Quốc tế, Một vài vấn đề hiện nay liên quan đến cánh chung luận, số 2.1.

[13] Summa Theologica, Supplementum, q. 77, art. 2, c.

[14] Mandantes omnibus qui hoc onus praedicationis sustinent quique in futurum sustinebunt, ut tempus quoque praefixum futurorum malorum, vel Antichristi adventum, aut certum diem iudicii praedicare vel asserere nequaquam praesumant, cum Veritas dicat: Non est vestrum nosse tempora vel momenta, quae Pater posuit in sua potestate; ipsoque qui hactenus similia asserere ausi sunt, mentitos ac eorum causa reliquorum recte praedicantium auctoritati non modicum dectractum fuisse constet. N.P. Tanner (ed), Decrees of the Ecumenicals councils, Vol. I. Nicea to Lateran V, Sheed and Ward, London,1990, p. 637.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here