Bí Tích Hôn Nhân – Phần I

0
1742


 

BÍ TÍCH HÔN NHÂN

 

PHẦN THỨ NHẤT

HÔN NHÂN TRONG KẾ HOẠCH ĐẤNG TẠO HOÁ

 

Trong phần này, chúng ta tìm hiểu hôn nhân như một định chế tự nhiên, theo ý định của Thiên Chúa.

 

Chương Một. Hôn nhân trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa

 

Niềm tin của Giáo hội được phát biểu trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng (số 48a): hôn nhân không phải là kết quả của một sự tiến hoá tự nhiên từ những hình thức sơ thuỷ, cũng chẳng phải là một định chế do xã hội lập ra, cũng không được thành lập và xoá bỏ tuỳ theo ý định của đôi vợ chồng. Vợ chồng tự do quyết định xây dựng một cộng đồng phu phụ: tuy nhiên, cộng đồng này không bắt nguồn từ ý định con người, nhưng bắt nguồn từ kế hoạch của Thiên Chúa, được mạc khải vào lúc tạo dựng nguyên tổ nhân loại.

I. Cựu ước

A. Trình thuật về tạo dựng

Khi được chất vấn về những lý do cho phép ly dị, Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách nại đến “thuở ban đầu” (in principio), và trưng dẫn hai đoạn Sách Thánh để hiểu biết ý định của Đấng Tạo hoá: St 1,27 và St 2,23 (x. Mt 19,4.8).

Khi tác giả chương 2 của Sách Sáng thế mô tả sự tạo dựng phụ nữ, ông đã cho thấy sự hấp dẫn của hai phái (nghĩa là tình yêu vợ chồng) như là một điều do Thiên Chúa an bài. Chính YHWH đã ban cho người nam tiên khởi một người bạn nữ, thì ông ta liền nhận ra rằng bà là người máu mủ của mình, và ông có thể thiết lập một tương quan thích hợp. Thế nhưng, bà ta không do ông chế ra, nhưng là do chính Thiên Chúa đã ban cho ông một “người trợ tá giống với ông” (câu 18) mà ông đang cần đến. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, người phụ nữ đầu tiên cũng thông dự vào phẩm giá và làm chủ vạn vật như ông Ađam.

Như vậy bối cảnh của những câu văn này là hôn nhân. Thiên Chúa giới thiệu người vợ cho ông Ađam, và ông hoan hỉ đón nhận: cả hai người bắt đầu cuộc sống vợ chồng.

Câu 24 chuyển từ đôi hôn nhân đầu tiên sang các đôi vợ chồng trải dài lịch sử. Khác với nguyên tổ, các đôi này có một cha một mẹ: “Vì thế người nam sẽ từ bỏ cha mẹ và sẽ kết hợp với vợ, và cả hai trở nên một thân xác”. Điều này sẽ xảy ra về sau, và chỉ là hệ luận (“vì thế”) của điều đã diễn ra vào hồi nguyên thuỷ. Các hậu duệ (nam nữ) của cặp vợ chồng nguyên thuỷ sẽ tiếp tục sống lại tình yêu của họ.

Những trang đầu của Kinh thánh cũng trình bày sự sinh con đẻ cái như là một hồng ân của Thiên Chúa, gắn liền với việc thiết lập hôn nhân: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo họ, có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và Thiên Chúa phán với họ: Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1,27-28). Giáo huấn với nhiều hình ảnh sống động của chương 2 trùng hợp với giáo huấn vắn tắt của chương 1. Vào buổi đầu, Thiên Chúa tạo dựng con người với hai phái nam nữ. Sự hiện hữu của phái tính được gán cho Thiên Chúa, và hậu nhiên, sự thiết lập hôn nhân nữa. Phái tính được nhìn như một giá trị tốt lành và lành mạnh bởi vì được Thiên Chúa ban cho hôn nhân. Xem Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 1605). Chân lý về việc Thiên Chúa là Đấng thiết lập hôn nhân cũng được khẳng định ở nhiều tác giả khác trong Cựu ước: Sách Tôbia, qua lời nguyện chúc lành (berakei) căn phòng tân hôn trong sách Tobia (chương 8). Sách Malaki, đặc biệt là 2,15, nhắc đến cặp vợ chồng đầu tiên như là nền tảng của định chế hôn nhân cùng với các đặc tính của nó.

II. Tân ước: Thái độ của Đức Giêsu đối với hôn nhân

Theo hiến chế về mạc khải Dei Verbum của công đồng Vaticanô II, Đức Giêsu mạc khải Chúa Cha không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc sống và hành động (số 4). Xét về định chế hôn nhân, Người đã “nói” cho đồng bào của mình về ý định của Thiên Chúa vào hồi nguyên thuỷ, cách riêng về mối dây bất khả ly. Bằng cuộc sống và hành động, Người đã đi dự một đám cưới ở Cana, cùng với các môn đệ (Ga 2,1-2). Sự hiện điện của Đức Giêsu tại tiệc cưới tiên vàn nói rằng việc cưới hỏi là điều tốt chứ chẳng phải xấu xa tội lỗi gì!

III. Các giáo phụ: bênh vực sự thánh thiện của hôn nhân

Các giáo phụ khẳng định hôn nhân bắt nguồn từ Thiên Chúa, đặc biệt trong ba bối cảnh: a) bảo vệ hôn nhân chống lại những sai lầm nhị nguyên; b) sự tốt lành của hôn nhân so sánh với đức trinh khiết; c) giáo huấn về một vợ một chồng và bất khả ly dị.

Trong thư thứ nhất gửi Timôtê, tác giả đã nhắc đến những “thần khí lừa dối và giáo huấn của ma quỷ” (1Tm 4,2), trong đó có việc ngăn cấm kết hôn (câu 3). Thật khó xác định bản chất của thuyết này: đó là thuyết nhị nguyên, hay là thuyết khổ chế? Sau thời các thánh tông đồ và các thế kỷ kế tiếp, ta thấy xuất hiện nhiều lạc thuyết (ngộ giáo, manikê) dựa theo chủ trương nhị nguyên. Thánh Irênê nói đến các nhóm Saturninô và Markiôn như là những người chủ trương phải kiêng cử việc kết hôn. Ông gọi họ là encratici, và cho thấy rằng họ đã làm trái ngược với Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên người nam và người nữ để nhân loại được bành trướng.

Trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, hiện tượng encratismus (tiết dục) hơi phức tạp; nó được quảng bá nơi các nhóm lạc giáo nhưng cũng gây ảnh hưởng trong nội bộ Hội thánh nữa. Nó không chỉ liên quan đến hôn nhân mà thôi, nhưng còn xuất hiện như một trào lưu khổ hạnh và khước từ thế giới.

Ông Clementê Alexandria đã dành trọn quyển III của sách Stromata để bảo vệ việc kết hôn và giao hợp, nhằm phản bác những ý kiến nhị nguyên hoặc chọn lựa khổ chế vì khinh thường hôn nhân.

Thánh Hiêrônimô vì đã đề cao đức trinh khiết cho nên bị ông Giovinianô tố cáo là coi rẻ hôn nhân. Đáp lại, thánh nhân nói rằng mình không khinh rẻ hôn nhân, khác với thái độ của Markiôn, Manikê và nhóm encratiti.

Thánh Augustinô giải thích rằng Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân. Ông cũng phải đương đầu với Giovinianô, và viết hai tác phẩm De bono coniugali và De sancta virginitate. Chống lại nhóm Manikê, thánh nhân bảo vệ sự thiện hảo của hôn nhân ngay từ nguyên thuỷ: hôn nhân là mối dây thứ nhất để liên kết xã hội. Hôn nhân là một thiện hảo không những vì sinh sản con cái mà còn vì siết chặt một xã hội tự nhiên giữa hai phái. Trong cuộc tranh luận với Eclana (theo nhóm Pelagiô), thánh Augustinô phải tự biện minh rằng mình không kết án hôn nhân. Ông viết tác phẩm De nuptiis et concupiscentia để phân biệt sự tốt lành của hôn nhân, và sự xấu của dục tình (concupiscentia) mà tội gây ra. Giả như con người không phạm tội, thì không có dục tình xác thịt; hôn nhân vẫn có nhưng sự sinh sản sẽ không bị mắc bệnh tật của dục tình.

Công thức chúc lành hôn nhân cổ điển nhất của phụng vụ Kitô giáo (thế kỷ V, Sacramentarium Veronense) là bằng chứng của đức tin Hội thánh về Thiên Chúa là tác giả hôn nhân.

Khi phải bảo vệ đặc tính nhất phu nhất phụ và bất khả ly của hôn nhân, các giáo phụ cũng lập luận dựa trên đạo lý về việc Thiên Chúa thiết lập hôn nhân vào lúc bình minh của lịch sử nhân loại.

Khi chú giải đạo lý của Mt 19 ngăn cấm sự rẫy vợ, ông Origene viết rằng chính Thiên Chúa đã liên kết hai người nên một; bởi vì Thiên Chúa đã kết hợp họ với nhau cho nên có một ân sủng cho những người được Ngài kết hợp. Thánh Gioan Kim Khẩu trong đoạn chú giải Mt 19,4-6, nhấn mạnh rằng Đức Kitô đã dạy hôn nhân một vợ một chồng và không thể chia lìa bằng cách quy hướng về việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ đầu tiên, và về chỉ thị “cả hai sẽ chỉ là một xác thể”. Chính Thiên Chúa đã ấn định những luật nền tảng của hôn nhân.

Thánh giáo hoàng Lêô Cả, để giải quyết trường hợp những bà tái hôn vì nghĩ rằng chồng đã chết nhưng thực ra chỉ bị làm tù binh rồi sau đó được trả về, thì trả lời rằng: chính Thiên Chúa đã kết hợp với chồng, và điều gì Thiên Chúa đã kết hợp thì con người không được phép tách riêng; vì thế các bà vợ phải trở về với người chồng hợp pháp.

IV. Các công đồng bênh vực sự tốt lành của hôn nhân

Nhiều công đồng đã phi bác những lạc thuyết đòi tẩy chay hôn nhân, hoặc là hạ giá nó.

Công đồng Gangra (khoảng năm 340-370) kết án nhóm Eustaxiô chống phá các đám cưới. Công đồng tuyên bố anathema cho những ai chủ trương rằng những người kết hôn sẽ không được vào Nước Thiên Chúa. Công đồng cũng tuyên bố anathema những người chọn lựa sự trinh khiết hoặc độc thân không do sự thánh thiện của hồng ân này nhưng vì gớm ghét hôn nhân.

Bên Tây-ban-nha, chủ trương tương tự của nhóm Priscillia đã bị công đồng Toledo kết án năm 447 và công đồng Braga năm 551.

Những thuyết nhị nguyên của thời các giáo phụ tái xuất hiện bên Tây phương vào thế kỷ XII, và đã bị nhiều công đồng phi bác: Toulouse (1119) và Lateranô II (1139).

Trong bản tuyên xưng đức tin của công đồng Latêranô IV (năm 1215) liên quan đến các bí tích, Giáo hội tuyên bố rằng không những các trinh nữ và những người tiết dục, mà cả những người kết hôn đẹp lòng Chúa cũng đáng đạt tới hạnh phúc trường sinh.

 

Chương Hai. Nội dung của kế hoạch Thiên Chúa

Từ auditus fidei đến intellectus fidei.

I. Bản chất sự kết hợp vợ chồng

Sự kiện hai người nam nữ gặp gỡ nhau chưa làm nên hôn nhân. Hai người quyết định sống chung với nhau một nhà cũng chưa phải là hôn nhân. Kể cả việc hai người giao hợp với nhau cũng chưa phải là hôn nhân. Hôn nhân đòi hỏi cái gì khác nữa.

Đặc trưng của sự “liên kết vợ chồng” ở chỗ hai người nam nữ trở thành “một xác thể” (una caro), theo thuật ngữ của Kinh thánh (St 2,24; Mt 19,6). Thuật ngữ không chỉ giới hạn vào sự giao hợp sinh lý nhưng còn muốn nói đến một sự liên kết bền vững giữa người nam và người nữ, bao hàm chiều kích thể lý cũng như tinh thần. Hôn nhân được thành hình qua sự đồng ý của hai người nam nữ, nhưng bản chất của hôn nhân thì vượt lên trên ý định của hai người, bởi vì nó gắn liền với bản tính con người. Như vậy, trong hôn nhân, ta thấy có hai yếu tố: ý chí của con người và bản tính thiên nhiên.

A. Nền tảng tự nhiên: sự khác biệt và bổ khuyết giữa hai phái nam-nữ

Hôn nhân được thành hình với sự kết hợp giữa người nam và người nữ. Nền tảng của hôn nhân là hai người thuộc hai phái khác nhau. Mỗi phái đều là con người với đầy đủ phẩm giá và đặc tính. Tuy nhiên giữa hai bên có sự khác biệt, và sự khác biệt ấy chính là nam tính và nữ tính. Mỗi phái cảm thấy mình thiếu cái gì đó, và muốn hướng tới phái kia để được bổ túc và hỗ trợ. Khuynh hướng tự nhiên tìm đến phái kia và kết hợp với nhau là nền tảng của hôn nhân.

Giữa người chồng và người vợ có thể có những điểm chung nhau về tính tình, năng khiếu, sở thích. Nhưng sự khác biệt chính yếu giữa đôi bên là phái tính: nam và nữ là hai phái khác biệt, tuy hướng đến nhau để tìm cách bổ túc cho nhau.

Chúng ta có thể đi thêm một bước nữa. Người nam đã là “người đầy đủ” rồi; người nữ cũng là “người đầy đủ rồi”. Sự bổ túc mà hai bên cần đến nhau nhắm đến sự truyền sinh. Đọc lại Sáng thế 1,27-28; 5,1-3. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của mình (câu 1) và con người cũng phải sinh sản con cái theo hình ảnh của mình (câu 3), nghĩa là giống với hình ảnh Thiên Chúa mà mình mang ở trong mình. Thật thế, đời sống con người, để được phát triển, cần không những sự chăm sóc thể lý mà còn sự giáo dục; đứa trẻ cần một môi trường gia đình, trong đó nó được yêu thương và tôn trọng phẩm giá vì là hình ảnh Thiên Chúa.

Do đó, sự khác biệt và kết hợp giữa hai phái nam nữ hướng đến sự truyền sinh, nhưng khác với các động vật khác ở chỗ là không chỉ dừng lại ở hành vi giao hợp mà còn bao hàm khả năng thiết lập sự thông hiệp liên bản vị qua sự khác biệt và bổ túc giữa hai phái. Con người hơn động vật ở chỗ là hình ảnh Thiên Chúa; con người vừa là vật chất vừa là tinh thần. Hai phái bình đẳng với nhau xét về bản tính con người, nhưng bổ túc cho nhau xét về những khác biệt phái tính. Trình thuật chương 2 của sách Sáng thế nêu bật điều này khi kể lại việc Thiên Chúa tạo dựng bà Eva.

B. Vai trò của ý chí trong việc thiết lập hôn nhân

Hôn nhân được hình thành không chỉ do bản năng tự nhiên của hai phái tìm đến nhau, nhưng còn do một yếu tố quan trọng khác, đó là ý muốn của hai người quyết định tiến tới sự kết hợp với nhau. Nhờ ý muốn ấy, người chồng khẳng định rằng người đàn bà là vợ của mình, và người vợ cũng khẳng định rằng người đàn ông là chồng của mình. Do ý định ấy, hai người tự ràng buộc lẫn nhau bằng mối dây tình yêu và đồng thời cũng bằng mối dây công bình.

Như vậy, đoạn văn St 2,24 vừa cho thấy hai phái nam nữ khác biệt nhưng lại hướng về nhau, vừa cho thấy sự kiện hai người trở nên “một thể xác duy nhất” do một quyết định của ý muốn. Hôn nhân thành hình vừa do một “bản năng” tự nhiên, vừa do một quyết định tự do: điều đó khiến cho sự kết hợp hôn nhân vừa bền chặt (do thiên nhiên) vừa thân ái (do ý muốn). Chính vì nó hàm ngụ một sự trao hiến toàn thân, cho nên nó cũng đòi hỏi tính cách toàn thể và bền vững.

C. Định nghĩa hôn nhân

Từ những hàng suy tư vừa nói, chúng ta có thể điểm qua những định nghĩa hôn nhân trong lịch sử pháp lý và thần học.

Hôn nhân là một sự kết hợp bền vững giữa vợ chồng.

Từ thời Trung cổ, hôn nhân được giáo luật định nghĩa như sau: Matrimonium est viri et mulieris maritalis coniunctio inter legitimas personas, individuam vitae consuetudinem retinens.

Bộ giáo luật hiện hành (1983), dựa trên đạo lý của công đồng Vaticanô II (Gaudium et spes, 48a) đã đưa ra định nghĩa như sau về hôn nhân: “Matrimonialis foedus, quo vir et mulier inter se totius vitae consortium vitae constituit, indole sua naturali ad bonum coniugum atque ad prolis generationem et educationem ordinatum..” (C.1055 §1)

II. Tình yêu

Tình yêu giữ một vai trò căn bản trong hôn nhân. Hôn nhân là một cộng đồng tình yêu: tình yêu là động lực dẫn đến sự kết hợp vợ chồng, và là hồn nuôi dưỡng sự kết hợp ấy. Ở đây, chúng ta chỉ giới hạn vào một vài đặc điểm của tình yêu hôn nhân, nhìn dưới khía cạnh thần học.

Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế Gaudium et Spes số 49a, đã mô tả bản chất tình yêu hôn nhân như sau:

Tình yêu ấy có đặc tính nhân linh cao cả (eminenter humanus), bởi vì từ một nhân vị hướng đến một nhân vị khác bằng một tình cảm tự ý (voluntatis affectu), do đó tình yêu bao gồm sự thiện hảo toàn diện của con người (totius personae bonum). Nên tình vợ chồng có thể lồng vào những biểu lộ của thể xác và tâm hồn một phẩm giá đặc biệt, và khiến chúng trở nên cao quí như những yếu tố và dấu hiệu đặc thù của tình bạn vợ chồng (signa specialia coniugalis amicitiae).

Chúng ta hãy phân tích những đặc tính của tình yêu hôn nhân dựa theo đoạn văn ấy.

A. Tình yêu nằm trong ý muốn

Trước hết, tình yêu là một hành vi “nhân linh”, nghĩa là hành vi của ý chí tự do (chứ không phải của bản năng xung động). Tình yêu phu phụ nằm trong ý chí chứ không phải nơi cảm xúc (tuy không loại trừ nó). Hai người nam nữ được thu hút đến với nhau do bản năng tự nhiên, nhưng đồng thời, vì là con người, họ hiểu biết lý do vì sao hai phái tìm đến nhau, cũng như ý nghĩa sâu xa của việc gặp gỡ (khác với sự giao hợp của động vật).

Thần học kinh viện phân biệt hai thứ tình yêu: vị kỷ và vị tha (amor concupiscentiae / amor benevolentiae). Tình yêu “vị kỷ” là yêu người khác vì ta, muốn họ như cái gì hữu ích cho ta. Tình yêu “vị tha” là yêu người khác vì họ, muốn điều tốt (bene volere) cho họ; nói khác đi, coi họ như “chủ thể” (nhân vị) chứ không như “đối vật” để cho mình chiếm đoạt và hưởng thụ. Tình yêu “vị tha” mới thật là tình yêu chân chính, nhìn nhận điều tốt ở nơi người khác, và muốn trao đổi với họ.

B. Tình yêu như tập quán

Trong ngôn ngữ thần học kinh viện, người ta phân biệt giữa actushabitus để nói đến hai khía cạnh của nhân đức: một bên là những hành vi nhất thời (actus, actualiter), bên kia là trạng thái bền bỉ (trở thành như “áo mặc vào người”, habitus), cái gì sở đắc rồi (habere). Đó là điều chúng ta muốn nói ở đây, chứ không hiểu theo nghĩa là “thói quen”. Theo thánh Tôma nhận xét, động vật có thể có “thói quen” bởi vì đồng hóa với bản năng; duy con người mới có “habitus”, bởi vì phải vận dụng trí tuệ và ý chí để tập luyện.

Bản văn của Gaudium et Spes mô tả tình yêu hôn nhân như là một trạng thái bền bỉ của ý chí (chứ không phải như một cảm xúc nhất thời, thoảng qua). Tình yêu hôn nhân, bao hàm một sự trao hiến bản thân, đòi hỏi một ý muốn gắn bó với người bạn cách lâu dài.

C. Tình yêu bằng hữu

Thánh Tôma không chỉ phân biệt giữa tình yêu “vị kỷ” và “vị tha” đã nói trên đây, nhưng trong tình yêu “vị tha” tác giả còn tăng thêm một cấp nữa, đó là “tình bạn” (amicitia). Tình bạn là một tình “vị tha”, nhưng còn thêm đặc điểm là có sự “hỗ tương” (tương quan hai chiều, có qua có lại), dựa trên sự chia sẻ một thiện hảo chung.

Thực ra, ở trên đời, có nhiều tình bằng hữu, nảy sinh từ nghề nghiệp, sở thích, chí hướng chung. Tuy vậy, ta không đưa những người bạn ấy về nhà để chia sẻ cuộc sống cùng với những tâm tư sâu đậm nhất. Tình bằng hữu vợ chồng khác biệt ở điểm ấy.

D. Tình yêu thắm thiết và toàn diện

Điểm độc đáo của tình yêu vợ chồng nằm ở chỗ “thắm thiết và toàn diện”, theo nghĩa là hai người khác giới yêu nhau về tinh thần cũng như thể chất. Tình yêu vợ chồng vừa thiêng liêng cao quý vừa được bày tỏ qua những dấu hiệu của thân thể. Tình bằng hữu giữa vợ chồng được đặt trên sự thông hiệp toàn diện giữa hai người, gồm khía cạnh thiêng liêng cũng như khía cạnh thân thể. Những hành vi ái ân thể xác cũng nằm trong bản chất của tình yêu vợ chồng, như hiến chế Gaudium et Spes đã nói (số 49a), bởi vì nhờ đó mà hai người trở nên một xác thể.

Sự trao ban toàn diện con người (tinh thần và thể xác) đương nhiên đòi hỏi sự độc hữu và chung thuỷ: đó là những đòi hỏi nằm trong bản chất của tình yêu hôn nhân. Tình yêu này loại trừ sự ngoại tình cũng như sự ly dị.

Những điều vừa nói được tông huấn Familiaris Consortio tóm lại ở số 13.

III. Thiết lập cộng đồng vợ chồng

Trong nhiều ngôn ngữ, “hôn nhân” (matrimonium, marriage) vừa ám chỉ sự “kết hôn” (sự thành lập hôn nhân) vừa ám chỉ “cộng đồng hôn nhân” (hai người nên vợ nên chồng). Sự “kết hôn” là nguyên nhân tạo ra “cộng đồng hôn nhân”. Để phân biệt hai khía cạnh ấy, thần học đã tạo ra hai thuật ngữ: matrimonium in fieri (sự kết hôn), và matrimonium in factum esse (cộng đồng vợ chồng). Sự kết hôn diễn ra trong giây phút: khi hai người nam nữ bày tỏ sự thoả thuận lấy nhau; cộng đồng là một thực tại kéo dài. Sự kết hôn là một “hành vi”; cộng đồng là một “thực trạng bền vững”.

Câu chuyện xem ra đơn giản, nhưng trong lịch sử thần học, một cuộc tranh luận lâu dài đã nảy lên liên quan đến thời điểm cấu tạo hôn nhân: từ lúc nào hôn nhân được thành hình?

A. Việc cử hành hôn lễ nơi người Do thái, Hy lạp, Rôma

1/ Đối với người Do thái, hôn nhân diễn ra qua hai chặng.

Chặng thứ nhất là thương lượng để kết hôn; chặng thứ hai, đưa vợ về nhà chồng. Việc thương lượng kết hôn được tiến hành bởi các gia trưởng (hoặc đại diện). Đối tượng thứ nhất của cuộc thương lượng là sự kết hôn của hai bạn trẻ; đối tượng thứ hai là của cải sẽ trao cho cô dâu.

Chặng thứ hai gồm những lễ nghi cử hành và những tiệc tùng, diễn ra trong một bầu khí tôn giáo, do gia trưởng chủ sự với những lời cầu nguyện và chúc tụng. Kế đó, cô dâu rời bỏ gia đình và được đưa về nhà chồng, khởi sự cuộc sống chung.

2/ Lễ kết hôn của dân Hy-lạp cũng có những điểm tương đồng với người Do-thái, gồm hai chặng. Trước tiên là sự cam kết (engúesis), rồi đến đám cưới (gámos).

Trong chặng thứ nhất, nhà gái (người cha) cam kết với nhà trai là sẽ gả vợ, và sẽ rước dâu; đôi bên cũng thoả thuận về của hồi môn.

Sau một thời gian sau, diễn ra lễ cưới: cô gái được trao cho chàng rể; chàng rể dẫn vợ về nhà mình. Đám rước diễn ra trong bầu khí lễ hội tưng bừng, và không thể thiếu nghi thức tôn giáo (hy lễ dâng lên các thần của gia tộc, tiệc cưới, tắm rửa đôi tân hôn, đội triều thiên lên đầu). Người Hy-lạp không đặt nặng các công thức trao đổi sự thỏa thuận kết hôn; điều này được hiểu ngậm qua các cử chỉ.

3/ Người Rôma cũng phân biệt hai giai đoạn: hứa hôn (sponsalia) và kết hôn (nuptiae).

Lễ cưới chính thức mang tính cách lễ hội với nhiều phong tục tôn giáo: tế lễ thần gia tiên, bữa tiệc (thường là bên nhà gái), rước dâu về nhà trai (domum deducere); về đến nhà trai và được dẫn vào trong nhà, vào đến tận phòng the, vv. Các nghi lễ hứa hôn và kết hôn diễn ra theo tục lệ chứ không theo một quy định pháp lý nào. Đối với pháp luật, các nghi lễ ấy không phải là cốt yếu của sự cấu tạo hôn nhân. Điều quan trọng là ý định trở thành vợ chồng (affectio maritalis). Yếu tố cấu thành hôn nhân là sự thoả thuận (consensus). Điều này được phát biểu qua thành ngữ: Nuptias non concubitus sed consensus facit. Tuy nhiên sự thoả thuận không được biểu lộ qua một công thức ngắn gọn vào một lúc chính xác như ngày nay, nhưng được suy đoán qua suốt tiến trình cử hành (hứa hôn, kết hôn), qua những cử chỉ và nghi lễ (đặc biệt là việc rước dâu, domum deductio, được các luật gia chú trọng cách riêng).

B. Việc kết hôn trong những thế kỷ đầu tiên của Hội thánh

Các Kitô hữu không du nhập một hình thức mới nào trong việc kết hôn. Tuy ý thức hiệu lực bất khả ly của hôn nhân dựa theo Kinh thánh cũng như tính cách thánh thiêng của nó, nhưng họ không thấy ngại ngùng gì khi tiếp nhận những tập tục cổ truyền trong lễ nghi kết hôn, ngoại trừ những lễ nghi có thể mang tính thờ ngẫu tượng (chẳng hạn cúng tế các gia tiên, bói toán) mà họ biết rằng không phải là cốt yếu của việc nên vợ nên chồng.

Các Kitô hữu chấp nhận dễ dàng tục ngữ Rôma: Nuptias non concubitus sed consensus facit, bởi vì nguyên tắc này giúp cho sự phân biệt rõ ràng giữa hôn nhân và ngoại hôn (hoặc chỉ là ăn ở với nhau không giá thú).Theo quan điểm của người Rôma, hôn nhân hình thành không phải do sự giao hợp (cho dù thường xuyên đi nữa) hoặc do sự chung sống với nhau, nhưng là ý định kết hôn, nghĩa là affectio maritalis. Điều cốt yếu nằm ở ý muốn trở thành vợ chồng, còn các nghi lễ bên ngoài chỉ dùng để biểu lộ ý muốn đó mà thôi. Vì thế dần dần người ta cũng đặt nặng vấn đề thoả thuận về của hồi môn cho cô dâu, bởi vì nó là dấu hiệu cho thấy ý muốn lấy bà làm vợ chứ không làm nàng hầu. Từ đó, có câu tục ngữ nullum sine dote fiat coniugium.

Dù sao, tuy chấp nhận học thuyết của luật Rôma, nhưng Giáo hội đi xa hơn một bước, theo nghĩa là một đàng nhìn nhận rằng sự thoả thuận làm nên hôn nhân, nhưng đàng khác, sư thỏa thuận ấy mang tính bất khả ly. Điều này khác với quan niệm Rôma, bởi vì họ chấp nhận rằng hôn nhân kéo dài bao lâu còn affectio maritalis. Đối với Giáo hội, affectio maritalis là nguyên nhân cấu thành hôn nhân, nhưng nó không thể trở thành nguyên nhân chấm dứt hôn nhân.

Các ý kiến của các giáo hoàng vào thời giáo phụ: giáo hoàng Lêô Cả đã trả lời vấn nạn của giám mục Narbonna; giáo hoàng Nicôla I trong phúc thư cho hoàng thân Bulgari.

C. Cuộc tranh luận thời Trung cổ giữa các học thuyết “thoả thuận” và “giao hợp”

Vào thế kỷ XII đã nảy ra cuộc tranh luận giữa các giáo sư thần học và giáo luật: từ lúc nào dây hôn nhân được thành lập?

Nghi vấn được đặt ra nhằm tìm câu giải đáp cho một vài tình huống khúc mắc. Sau khi đã hứa hôn và trước khi sống chung với nhau, thì có thể thay đổi ý định và lấy người khác được không? Hoặc nếu đã hứa hôn thì có thể đi tu được không, và người ở ngoài đời sẽ có thể kết bạn không? Trong cuộc tranh luận này, người ta cũng đem ra bàn cãi hôn nhân của Đức Mẹ với thánh Giuse: có thật là hôn nhân không, bởi vì hai người không ăn nằm với nhau?

Ông Gratianô và trường phái Bologna chủ trương rằng: sự thoả thuận sẽ sống chung với nhau mãi mãi chưa đủ để cho hôn nhân được hoàn hảo; cần phải có sự “hoàn tất” (consummatio) qua sự giao hợp vợ chồng thì hôn nhân mới ratum (bền vững).

Ngược lại, trường phái Paris chủ trương rằng sự thoả thuận giữa đã thiết lập hôn nhân rồi. Ông Petrus Lombardus chứng minh rằng sự hợp nhất ý chí giữa hai người nam nữ đã là bí tích của sự hợp nhất giữa Đức Kitô và Hội thánh, là sự kết hợp của tình yêu. Sự thoả thuận của hai vợ chồng là nguyên nhân tác thành duy nhất của hôn nhân; những gì còn lại chỉ là “trang trí” (ad decorem sacramenti) chứ không thuộc về bản chất. Trên nguyên tắc, kể cả sự chứng kiến của Giáo hội (coram Ecclesia) cũng không thuộc về bản chất, nhưng chỉ là yếu tố cần thiết để có thể minh chứng rằng hai bên đã lấy nhau.

D. Những can thiệp của huấn quyền

Hai sắc lệnh (litterae decretales) của giáo hoàng Alexanđer III (1159-1181) và Innocentê III (1198-1216) đã làm sáng tỏ vấn đề.

1/ Gíam mục giáo phận Salernô viết thư hỏi giáo hoàng Alexander rằng: hai người đã hứa hôn nhưng chưa giao hợp; người đàn bà có được phép đi lấy người khác không, và nếu đã lấy ông này thì có buộc phải trở về với người đàn ông thứ nhất không? Giáo hoàng trả lời rằng nếu đã bày tỏ công khai sự thoả thụân kết hôn rồi thì không được phép làm phép cưới lần thứ hai nữa.

Đạo lý ấy được giáo hoàng Innocentê III tái khẳng định: sự thoả thuận làm nên sự kết hôn; nếu sự thoả thuận thì tất cả những điều khác, kể cả sự giao hợp, chẳng ích lợi gì cho việc kết thành hôn nhân.

2/ Sang thế kỷ XII, lại thêm một ưu tư cho các giám mục: làm thế nào để bảo đảm cho tính cách công khai của sự thoả thuận kết hôn? Làm cách nào để tránh những sự kết hôn lén lút? Làm cách nào để kiểm chứng các ngăn trở giữa đôi nam nữ sắp cưới, cách riêng là ngăn trở họ hàng? Làm thế nào ngăn chặn những chuyện kết hôn của vị thành niên mà cha mẹ không hay biết? Làm thế nào biết được sự kết hôn được tự do, chứ không bị cưỡng ép?

Giáo hội đã đưa ra nhiều biện pháp. Công đồng Lateranô IV (1215) truyền phải rao hôn phối tại nhà thờ, và chờ đợi một thời gian xem có ai tố cáo ngăn trở nào không. Tuy nhiên, các nhà thần học và giáo luật cho rằng các đôi hôn nhân lén lút vẫn thành hiệu tuy rằng bất hợp pháp. Công đồng Firenze (1439) tuyên bố rằng nguyên nhân tác thành của hôn nhân là những lời thỏa thuận kết hôn. Công đồng Trentô mới cương quyết khẳng định rằng việc trao đổi sự thoả thuận kết hôn cần phải được diễn ra trước mặt cha xứ hoặc linh mục được sự uỷ quyền của cha xứ, cùng với hai chứng nhân thì mới thành hiệu (ad validitatem). Nói khác đi, sự thoả thuận là nguyên nhân cấu thành hôn nhân; nhưng sự thoả thuận cần phải được biểu lộ theo thể thức pháp định thì mới thành hiệu. Điều này được tiếp nhận vào các bộ giáo luật 1917 và 1983 (đ.1108). Chúng ta sẽ trở lại điểm này khi bàn về nghi thức cử hành bí tích.

E. Những kết luận về đạo lý

Khi đọc lại lịch sử về việc cấu tạo hôn nhân, ta thấy rõ ràng rằng hôn nhân không phải chỉ là một sự kiện thuần tuý của hai người nam nữ chung sống với nhau, cho dù lâu năm và đã có con cái. Hôn nhân đòi hỏi sự thoả thuận: solus consensus facit matrimonium. Hai vợ chồng khác với hai tình nhân ở chỗ họ quyết định gắn bó với nhau. Sự thoả thuận không chỉ là khởi đầu của một sự chung sống, mà còn là một “hành vi nhân linh, qua đó đôi vợ chồng trao hiến và lãnh nhận lẫn nhau” (GS 48a). Hành vi này tạo ra một tình trạng mới mẻ, khác với sự quen biết nhau trước đó: họ cam kết trao thân gửi phận cho nhau suốt đời.

Tuy rằng sự thoả thuận là nguyên nhân tác thành hôn nhân, nhưng bản chất hôn nhân không hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý định của hai người. Đúng ra, họ chấp nhận cho mình sự dây kết hợp do Thiên Chúa ấn định: họ để cho Thiên Chúa “ràng buộc” mình (Mt 19,6). Như vậy, trong việc kết hôn, có yếu tố “tự nhiên” (dựa trên bản chất của sự vật) và có yếu tố “tự do” (ý chí chấp nhận sự kết hợp). Công đồng Vaticanô II, khi nói đến hôn nhân tự nhiên, đã gọi sợi dây liên kết là “thánh thiêng”, không tuỳ thuộc vào sự định đoạt của loài người (GS 48a).

Giao ước hôn nhân có ảnh hưởng đến xã hội bởi vì nó tạo ra gia đình. Vì thế xã hội (và Giáo hội) có quyền đòi hỏi một thể thức cử hành ngõ hầu nó mang tính cách công khai và tránh được những sự khiếm khuyết. Đó là lý do mà Giáo hội đòi hỏi thể thức pháp định như điều kiện hữu hiệu của sự kết hôn, mặc dù vẫn khẳng định rằng sự thoả thuận là nguyên nhân tác thành của hôn nhân.

IV. Những cứu cánh của hôn nhân

Gaudium et Spes 48a nói rằng hôn nhân có nhiều cứu cánh, và cụ thể, công đồng nói rằng: “Tự bản chất, định chế hôn nhân và tình yêu vợ chồng hướng tới việc sinh sản con cái, được coi như chóp đỉnh”. Công đồng cũng thêm rằng sự sinh sản không phải là cứu cánh duy nhất của hôn nhân, bởi vì “tình yêu hỗ tương giữa vợ chồng cũng cần được bộc lộ chính đáng, được triển nở và trưởng thành” (GS 50e).

Nói đến cứu cánh hôn nhân có nghĩa là tìm hiểu những cứu cánh nội tại của nó, quyết định bản chất của nó (finis operis). Cứu cánh này khác với những mục tiêu hoặc ý định của những người kết hôn.

A. Sinh sản và giáo dục con cái

Trong chương đầu tiên của sách Sáng thế, việc sáng tạo người nam người nữ được gắn liền với việc sinh sản những sự sống mới, những con người mới cũng mang hình ảnh Thiên Chúa. Sự khác biệt và bổ khuyết giữa hai phái nam nữ để trở thành hình ảnh Thiên Chúa bao hàm khả năng và khuynh hướng thiết lập sự hiệp thông giữa hai chủ thể. Sự hiệp thông này là một đòi hỏi của việc sinh sản con cái của loài người (khác với động vật). Thực vậy, con người được sinh ra không thể nào tự mình phát triển hết các khả năng của mình được: một đàng nó cần được chăm sóc về thể lý, cách riêng là của bà mẹ trong những năm đầu tiên; đàng khác, nó cần được giáo dục và đón nhận, yêu thương. Đứa con cần đến một gia đình được xây dựng trên cộng đồng bền vững của cha mẹ. Vì thế, cứu cánh của hôn nhân không chỉ là sinh sản con cái mà thôi nhưng còn kèm theo việc giáo dục con cái nữa.

Cứu cánh truyền sinh quyết định bản chất của chính cộng đồng vợ chồng cũng như các đặc tính của nó. Hôn nhân là một cộng đồng vợ chồng bởi vì nó được cấu trúc để đón tiếp sự sống mới cũng như giúp cho nó được phát triển. (FC 28).

B. Sự tương trợ giữa vợ chồng

Trong trình thuật chương 2 sách Sáng thế về việc tạo dựng cặp vợ chồng đầu tiên, ta thấy vai trò của người phụ nữ không chỉ là sinh sản con cái nhưng còn mang lại sự trợ lực cho một người giống như mình (x. St 2, 18.20). Từ đó thần học công giáo đặt sự “tương trợ” (trợ giúp lẫn nhau: mutuum adiutorium) như là một cứu cánh của hôn nhân (x. Bộ giáo luật 1917, điều 1013§1; thông điệp Casti Connubii). Bộ giáo luật 1983 không sử dụng thuật ngữ ấy nữa, nhưng thay thế bằng “sự thiện hảo của vợ chồng” (bonum coniugum).

Sự phát biểu của cứu cánh này gặp nhiều khó khăn: “tương trợ” hoặc “thiện hảo của vợ chồng” là gì?

1. Thánh Tôma diễn tả cứu cánh này như là “sự phục vụ lẫn nhau trong những công việc nhà cửa” (mutuum obsequium sibi a coniugibus in rebus domesticis impensum: Sum.Theol. Suppl. Q.41, a.1,c). Nói đến “việc nhà”, tác giả không hiểu về bất cứ công việc gì trong nhà (mà người giúp việc cũng có thể làm được), nhưng hiểu về sự sống với nhau (vita domestica) bao hàm một sự thân mật không chia sẻ (individua vitae consuetudo), sự thân mật đặc biệt của vợ chồng. Sự thân mật đem lại cho họ một phúc lộc mà họ không tìm thấy ở đâu khác.

2. Hiến chế Gaudium et Spes, ở số 48a, tuy không sử dụng từ ngữ “cứu cánh”, nhưng phát biểu về tương quan vợ chồng như sau: “Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ ‘không còn là hai, nhưng là một thể xác’ (Mt 19,6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn”. Sang số 50, công đồng nói đến “cứu cánh” của hôn nhân; tuy không sử dụng thuật ngữ “tương trợ” nhưng tìm cách diễn tả một cách thức khác: “Hôn nhân không phải chỉ được thiết lập để mưu sự truyền sinh mà thôi, nhưng chính đặc tính giao ước bất khả phân ly giữa hai người và lợi ích con cái đòi hỏi tình yêu hỗ tương của hai vợ chồng phải được phát biểu, thăng tiến và nẩy nở cách chính đáng. Cho nên, ngay trong trường hợp không có con như hằng tha thiết mong mỏi, hôn nhân vẫn tồn tại như một cuộc sống chung và vẫn giữ được giá trị cùng đặc tính bất khả phân ly của mình”. Như vậy hôn nhân không chỉ nhắm đến việc sinh sản và giáo dục con cái mà thôi; sự kết hợp vợ chồng còn nhắm đến việc tăng trưởng tình yêu giữa hai người nữa.

3. Trước công đồng Vaticanô II, trong một bài diễn từ dành cho các nữ hộ sinh ngày 29-11-1951, đức Piô XII đã diễn tả cứu cánh này như là sự làm giàu bản vị, trí tuệ, tâm linh. Đôi vợ chồng giúp đỡ nhau dưới nhiều khía cạnh: kinh tế, văn hoá, sức khoẻ, vv. nhằm tăng trưởng tình yêu.

C. “Remedium concupiscentiae” có phải là cứu cánh?

Bộ giáo luật 1917 và Casti Connubii có nói đến điểm này, nhưng Hiến chế GS và Bộ Giáo luật 1983 không đả động đến nữa. Phải hiểu thế nào?

Nền tảng Kinh thánh: 1Cr 7,1-2: “Đàn ông không gần đàn bà là điều tốt, nhưng để tránh hiểm hoạ dâm ô thì mỗi người hãy có vợ có chồng?”. Hôn nhân giúp tránh phạm tội tà dâm. Nhưng đó có phải là một cứu cánh không?

Thánh Tôma khẳng định là một cứu cánh, tuy không theo nghĩa là để tránh sự gian dâm, nhưng là để điều tiết dục tình (concupiscentia) đã bị thương tổn sau tội nguyên tổ. Vết thương hệ ở chỗ là dục tình không còn tuân theo chỉ thị của lý trí, dẫn đến sự rối loạn. Hôn nhân là một phương thuốc để giúp con người điều khiển dục tính trong khuôn khổ của một định chế tự nhiên.

Ngày nay, người ta xem điều này như đã được bao gồm trong cứu cánh vừa nói trên đây, cho nên không cần phải tách ra một mục riêng nữa. Tuy nhiên, vợ chồng vẫn cần cảnh giác để giữ cho tình yêu được cao thượng, không coi người phối ngẫu như một món đồ hưởng lạc!

D. Sự liên hệ và hệ trật giữa các cứu cánh

Hai cứu cánh nói trên có liên hệ với nhau, hay là biệt lập? Hai vợ chồng có thể lấy nhau (và có quan hệ) để tương trợ lẫn nhau chứ không muốn có con cái? Nếu hai cứu cánh có liên hệ với nhau, thì cái gì là ưu tiên?

Thánh Tôma cho rằng việc sinh sản và giáo dục con cái là cứu cánh chính yếu (primarius); sự tương trợ vợ chồng được coi là cứu cánh thứ yếu (secundarius). Tại sao vậy? Bởi vì cứu cánh thứ nhất nhắm đến ích chung (bonum commune), còn cứu cánh thứ hai nhắm đến ích cá nhân (ST, Suppl., q.67,a.1,ad 4). Ý kiến này trở thành đạo lý chung của Giáo hội (Bộ giáo luật 1917, Casti Connubii).

Sau thông điệp này, vài tác giả (Herbert Doms, Bernardin Krempel) đòi đặt lại vấn đề, và gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi. Doms cho rằng ý nghĩa của hôn nhân là sự kết hợp giữa hai vợ chồng, và là một cứu cánh tự nó đã đủ, không cần phải liên kết với việc sinh sản con cái. Còn theo Krempel, hôn nhân chỉ có một cứu cánh, đó là sự hiệp thông sự sống giữa vợ chồng.

Ý kiến của hai tác giả đã bị Toà thánh phản bác: nghị định của bộ Thánh Vụ (nay là bộ Giáo lý đức tin) ngày 10-4-1944 tái khẳng định hai cứu cánh (chính yếu và thứ yếu của hôn nhân); đức thánh cha Piô XII trong diễn văn dành cho các nữ hộ sinh (29-10-1951). Tình yêu của vợ chồng nhắm đến việc sinh sản và giáo dục con cái.

Khi soạn thảo hiến chế Gaudium et Spes, người ta đặt lại vấn đề: có nên xếp lại cứu cánh chính yếu và thứ yếu không? Công đồng không muốn bàn đến vấn đề này.

Sau công đồng, nhiều nhà chú giải hiến chế cho rằng công đồng đã thay đổi ý kiến cổ truyền về hệ trật các cứu cánh. Thật ra, công đồng không muốn thảo luận vấn đề, chứ không phải đã thay đổi lập trường của Giáo hội. Các từ ngữ “cứu cánh chính yếu” và “thứ yếu” xem ra khó hiểu. Tuy vậy, số 50 đã nói rằng tình yêu voẹ chồng hướng đến việc hợp tác với tình yêu của Đấng Tạo hoá.

Thật ra cả hai cứu cánh đều là nội tại và cốt yếu của hôn nhân, không phải là song song (đến nỗi có thể lựa chọn một trong hai) nhưng liên hệ mật thiết với nhau. Thánh Tôma nói đến hai cứu cánh dựa trên tiêu chuẩn ích chung (của xã hội) và ích của đôi vợ chồng, chứ không phải dựa theo mục tiêu chọn lựa của họ.

V. Những thiện hảo (bona) của hôn nhân

Thánh Augustinô đã trình bày học thuyết về ba thiện hảo của hôn nhân, và được thần học Trung cổ cũng như huấn quyền lấy lại để trình bày bản chất hôn nhân.

1/ Fides: trung thành (fidelitas) giữa vợ chồng (không ngoại tình)

2/ Proles: đón nhận và dưỡng dục con cái

3/ Sacramentum: chung thuỷ (indissolubilitas, không ly dị)

Đạo lý này đề cao sự tốt lành của hôn nhân, chống lại những thuyết nhị nguyên, coi thân xác và kết hôn là xấu xa. Thực ra ba điều tốt của hôn nhân cũng là một cách thức để diễn tả cứu cánh hôn nhân, đó là: một bên là “con cái” (một điều tốt, biện minh cho việc kết hôn); và bên kia là những yêu sách của tình yêu vợ chồng (trung tín với nhau và chung thuỷ, để bảo vệ sự bền vững của dây hôn nhân).

VI. Những đặc tính (proprietates) của hôn nhân

Hai đặc tính căn bản của hôn nhân là: duy nhất và bất khả ly. Điều này đã được khẳng định trong những bản văn Sách Sáng thế “từ buổi đầu”, và được Chúa Giêsu lặp lại (Mt 19,4.8).

Ở đây chúng ta chỉ bàn vắn tắt. Vấn đề lịch sử và những cuộc tranh luận sẽ được nói rộng hơn trong phần Hai (chương Năm).

A. Sự duy nhất

Kế hoạch nguyên thuỷ của Thiên Chúa đã được phát biểu ở St 2,24.

Sự đa thê (polyginia) hay đa phu (polyandria) đều đi ngược với kế hoạch ấy. Huấn quyền nhiều lần lặp lại điều này: ĐGH Innocentê III (1204), Công đồng Trentô, Công đồng Vaticanô II (GS 48a).

Sự duy nhất là một yêu sách của:

1/ Tình yêu vợ chồng: sự trao hiến trọn vẹn bản thân. Tục đa thê làm hạ phẩm giá phụ nữ.

2/ Sự thiện hảo của con cái. Phẩm giá của con cái đòi hỏi phải được sinh ra như hoa trái của tình yêu trao ban của cha mẹ. Sự giáo dục cũng đòi hỏi công tác chung của cha mẹ.

B. Sự bất khả ly

Truyền thống Giáo hội đã dựa trên St 2,24 và Mt 19,6 để khẳng định tính bất khả ly của hôn nhân.

Vợ chồng có quyền tự do để kết hôn, nhưng không thể tự ý tháo cởi dây hôn nhân, bởi vì là một định chế đã được Thiên Chúa thiết lập. Vaticanô II (GS 48a) đưa ra hai lý do để bênh vực đặc tính này:

1/ Sự trao hiến toàn thân của đôi bạn.

2/ Thiện ích của con cái. Sự giáo dục con cái đòi hỏi sự hợp nhất giữa cha mẹ.