Bảy ân huệ Thánh Linh – ƠN KÍNH SỢ CHÚA

0
3401

Đời sống tâm linh tập XV, “Thánh Linh trong đời sống Kito hữu”,
Nhà xuât bản Tôn giáo, Hà Nội 2017, trang 166-299.

Mục 1: ƠN KÍNH SỢ CHÚA

Dựa theo lời Kinh thánh “kính sợ Chúa là khởi điểm của sự cao minh” (Tv 111,10), các tác giả tu đức đặt ơn kính sợ vào cấp bậc khởi đầu của hành trình tâm linh.

I. Từ ngữ

Danh từ timor tiếng La tinh có thể dịch sang tiếng Việt bằng nhiều danh từ (hoặc động từ): sợ hãi, sợ sệt, run sợ, khiếp sợ, hoảng sợ, kinh khiếp, kinh hoàng, kinh hãi, hãi hùng… Dĩ nhiên, có nhiều cấp độ khác nhau trong những cảm xúc vừa kể: có thứ sợ mà ta có thể dùng lý trí để phân tích đắn đo, có thứ hoảng hốt khiến cho ta không còn làm chủ được chính mình nữa. Ở đây, chúng tôi không muốn phân tích cái sợ dưới khía cạnh tâm lý, nhưng giới hạn vào cái sợ của con người đối diện với Thiên Chúa.

1. Nói chung, xét theo tâm lý tự nhiên, “sợ” là phản ứng của con người đứng trước một điều xấu cam go. Nó được triết gia Aristote xếp vào một trong những nộ dục: khi một điều xấu trở thành mối đe dọa thì gây ra “sợ hãi” và ta muốn tránh lánh; còn nếu cảm thấy mình có sức đương đầu thì ta cảm thấy “liều lĩnh” xông tới.[1] (Đối lại với “hy vọng” hoặc “thất vọng” nếu đối tượng là một điều tốt cam go).

Vấn nạn: Thiên Chúa đâu có đáng sợ, bởi vì Ngài là Đấng Toàn thiện chứ đâu phải là điều xấu? Xin thưa rằng: Thiên Chúa là sự thiện tuyệt đối, cho nên Ngài là đối tượng cho chúng ta trông mong, chứ không phải là đối tượng cho chúng ta sợ. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng ngài là Đấng uy nghiêm chính trực, không thể dung tha những tội lỗi nơi chúng ta. Vì thế mà chúng ta sợ sẽ bị Ngài trừng phạt.

2. Thật ra, đối với Thiên Chúa, thần học đã phân biệt bốn thứ sợ khác nhau nơi con người: sợ thế gian, sợ của nô lệ, sợ của con cái, sợ yêu thương.

a) Sợ thế gian. Nói đúng ra, những người này sợ thế gian hơn là sợ Chúa. Vì thế, họ thà phạm tội, còn hơn là chịu thiệt thòi ở đời này. Đó là thứ sợ của một tín hữu chối bỏ đức tin trước sự tra tấn của lý hình. Thật ra, điều này cũng xảy ra mỗi khi chúng ta phạm bất cứ một tội nào bởi vì chúng ta chiều theo một sở thích nào đó (tiền tài, địa vị, khoái lạc): chúng ta sợ mất những lợi lộc thế gian, hơn là sợ mất Chúa.

b) Sợ nô lệ. Khác với hạng người thứ nhất (sợ thế gian hơn là sợ Chúa), hạng thứ hai sợ Chúa, hay nói đúng hơn, họ sợ bị Chúa phạt. Thứ sợ này được ví với thái độ của người nô lệ, không dám làm trái ý ông chủ vì sợ bị đánh đòn. Giả như ông chủ không dọa trừng phạt, thì chưa chắc gì hắn sẽ tuân lệnh ông chủ. Nói cách khác, hắn sợ hình phạt hơn là sợ ông chủ. (Giả như không có hỏa ngục, chắc là tôi sẽ phạm tội).

c) Sợ mất Chúa. Hạng thứ ba tránh phạm tội vì sợ mất Chúa. Đây là thứ sợ của người con yêu mến Chúa như là cha, và không muốn bị tách rời khỏi kẻ mà mình yêu mến. Tuy rằng nó cao hơn cấp độ thứ hai, nhưng vẫn còn bất toàn, bởi vì mối tình đối với Chúa vẫn còn gắn với phần thưởng hoặc hình phạt.

d) Sợ làm mất lòng Chúa. Đây là thứ sợ của người con hiếu thảo: họ tuân hành ý muốn của Cha vì muốn làm hài lòng Cha, chứ không phải vì hình phạt hoặc phần thưởng. Họ có thể nói rằng: “Giả như không có thiên đàng, con vẫn mến Chúa; giả như không có địa ngục, con vẫn sợ Chúa”.

Ân huệ “kính sợ Chúa” không thể nào áp dụng cho hạng thứ nhất hoặc hạng thứ hai, nhưng có thể áp dụng cho hạng thứ ba (mặc dù còn bất toàn), và chỉ phù hợp với hạng thứ tư.[2]

II. Bản chất

Chúng ta hãy tìm hiểu bản chất của ơn kính sợ và những công hiệu của nó.

A. Khái niệm

1. Nền tảng Kinh thánh

a) Cựu ước

Chúng ta có thể gặp thấy nhiều thứ tâm trạng sợ hãi khác nhau của con người đối với Thiên Chúa.

– Có thứ sợ hãi khiến cho con người muốn tránh mặt Thiên Chúa vì thấy mình tội lỗi. Điển hình nhất là hai nguyên tổ đã trốn chạy Thiên Chúa sau khi phạm tội (St 3,10). Chúng ta có thể xếp vào loại này sự sợ hãi vì “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” dành cho kẻ phạm tội.

– Có thứ sợ hãi khi con người đối diện với Đấng Cực thánh, như những trường hợp thần hiện: ông Giacob ở Bethel (St 28,17), ông Môsê trước bụi gai (Xh 3,6), ông Isaia trong đền thờ (Is 6,5). Đối lại với tâm trạng đó, Thiên Chúa trấn an: “Đừng sợ!”.

– Có thứ “kính sợ” mà Kinh thánh đã muốn cho con người phải khắc ghi trước mặt Thiên Chúa: “Hỡi Israel, Thiên Chúa, Đức Chúa của anh em có đòi hỏi anh em điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng hết dạ, giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em hôm nay, để anh em được hạnh phúc?” (Đnl 10, 12-13). Qua bản văn này cũng như nhiều bản văn tương tự, lòng kính sợ Thiên Chúa được Kinh thánh hiểu như là tôn kính, vâng phục và nhất là yêu mến. Đây là sự kính sợ đáng được khuyến khích và cầu xin: “Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời” (Tv 19,10), “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan. Sáng suốt thay kẻ thi hành như vậy” (Tv 111,10). “Phần con đây, nhờ tình Chúa bao la, được bước vào nhà Chúa; con hết lòng kính sợ, hướng về đền thánh mà phủ phục tôn thờ” (Tv 5,8).

b) Tân ước

Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Cha nhân hậu, nhưng cũng cảnh báo rằng “hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10,28).

Các sách Tin mừng ghi lại các “chân phúc” trong các lời giảng của Chúa Giêsu, nhưng cũng không bỏ qua những “khốn thay” (nghĩa là “vô phúc”). Điều này khá rõ rệt ở Luca ghi lại bốn cái “khốn” (Lc 6, 24-26) liền với bốn cái “phúc”, hoặc cái “khốn” dành cho những thành phố không đón tiếp Tin mừng (10,13-15). Mátthêu gom những lời “khốn” dành cho các kinh sư và người Pharisiêu vào một chương (Mt 23,13-37).

Mặc dù biết rằng “tình yêu trọn hảo thì đẩy lui sự sợ hãi” (1Ga 4,18), nhưng bao lâu tình yêu còn bất toàn, thì sự kính sợ vẫn còn cần thiết. Đừng kể sự sợ hãi hình phạt mà các thánh Tông đồ không bỏ qua trong các lời huấn dụ (chẳng hạn lời cảnh cáo người giàu ở Gc 5,1-5), nhưng các ngài nhấn mạnh đến sự sợ hãi của con cái, sợ làm mất lòng cha mẹ mình (Rm 8,15). Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Philippê như sau: “Anh em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ” (Pl 2,12).

  1. Ân huệ Thánh Linh

Chúng ta tạm định nghĩa ơn “Kính sợ Chúa”[3] như sau.

Kính sợ là ân huệ của Thánh Linh, nhờ đó người công chính cảm thấy cung kính trước tôn nhan Thiên Chúa, ước ao suy phục ý Chúa và tránh xa tội lỗi vì sợ mất lòng Chúa.

Khi đối chiếu với các ân huệ khác, ơn kính sợ được xếp ở cấp độ thấp nhất bởi vì xem ra nó mang tính tiêu cực hơn là tích cực, theo nghĩa là nó không phản ánh một ưu phẩm siêu việt của Thiên Chúa (tựa như cao minh, thâm hiểu, chỉ giáo), nhưng chỉ là một phản ứng của con người trước nhan Ngài. Khi đối diện với Đấng Cực Thánh, các thụ tạo (kể cả các thiên sứ) suy phục tôn thờ, vì cảm thấy sự thấp hèn của mình. Đây là tâm tình “kính sợ” được Kinh thánh nhiều lần mô tả khi con người được Thiên Chúa mặc khải, chẳng hạn như ngôn sứ Isaia (Is 6,5) và kể cả Đức Maria nữa (Lc 1,29-30). Hiểu như vậy, ta có thể nói rằng đó là một ân huệ mà Thánh Linh ban cho chúng ta. Nói đúng ra, Thánh Linh mặc khải cho chúng ta biết sự thánh thiện và uy nghi của Thiên Chúa. Một khi đã nhận ra sự thánh thiện đó, con người cảm thấy gớm ghét những tội lỗi, bởi vì thấy nó trái ngược với Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Lòng kính sợ ở đây là hiệu quả của lòng yêu mến Chúa, khác với sự sợ hãi của kẻ nô lệ. Chúng ta không sợ Chúa, nhưng mà sợ rằng mình có thể xa cách Thiên Chúa do bản tính yếu đuối của mình.

Bản chất của ơn huệ này sẽ được sáng tỏ hơn khi được đối chiếu với các nhân đức và chân phúc nói dưới đây.

B. Những nhân đức liên hệ

Như đã thấy trong mục dẫn nhập, thánh Tôma gán một ân huệ Thánh Linh với một nhân đức, ra như muốn nói rằng Thánh Linh đến hỗ trợ việc thực hành nhân đức một cách siêu nhiên. Đối với ơn kính sợ Chúa, thánh Tôma gắn với hai nhân đức: đức hy vọng (cậy) và đức tiết độ. Mặt khác, các nhân đức đều có liên hệ chặt chẽ với nhau, cho nên ta cũng có thể móc nối ơn kính sợ với đức thờ phượng và đức khiêm nhường nữa.

1. Hy vọng. Hy vọng là một tâm tình tự nhiên của con người khi nhìn về tương lai: con người nuôi dưỡng nhiều hy vọng (cũng như thất vọng). Tuy nhiên, khi nói đến hy vọng như là một nhân đức hướng Chúa, thì nó mang một bản sắc riêng, được định nghĩa ở Sách GLCG số 1817:

Đức hy vọng (cậy) là nhân đức hướng Chúa, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng của Thánh Linh, chứ không vào sức mạnh của chúng ta.

Số 2090 nói thêm rằng: “đức hy vọng cũng là việc sợ xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa và sợ bị trừng phạt”. Đối tượng của đức hy vọng là hạnh phúc vĩnh cửu. Người tín hữu tin chắc mình sẽ đạt đến đối tượng ấy, dựa trên quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, chứ không dựa vào sức lực của mình. Tiếc rằng con người có xu hướng tự cao tự đại, tưởng chừng như mình có thể làm được hết mọi sự, ngay cả trong việc đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu. Ơn kính sợ Chúa sẽ mang lại cho ta một nhận thức đúng đắn về khả năng của mình trước mặt Chúa, nhờ vậy ta sẽ chỉ nương tựa vào sự trợ giúp của Ngài để đạt được đời sống bất diệt. Nói cách khác, ơn kính sợ kiện toàn đức hy vọng (đức cậy).[4] Thật vậy, một khi ý thức tính mỏng dòn của mình, linh hồn chỉ biết chạy đến nương tựa vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, “như trẻ thơ nép mình vào lòng mẹ”: nếu không có Chúa, chúng ta không thể nào chống cự lại những quyến rũ của thế gian, không có khả năng để sống đức hạnh. Kinh nghiệm về những lần sa đi ngã lại mở mắt cho ta thấy điều đó. Mặt khác, một khi đã có đặt hy vọng vào Thiên Chúa cùng với lòng kính sợ Ngài, thì con người không còn sợ gì ai trên đời này nữa. “Hạnh phúc thay người kính sợ Chúa… họ sẽ không bao giờ lay chuyển, họ không lo phải nghe tin dữ, hằng an tâm và tin cậy Chúa, luôn vững lòng không sợ hãi chi và rốt cuộc coi khinh lũ địch thù” (Tv 112,6-8).

2. Tiết độ. Ơn kính sợ giúp chúng ta tránh tất cả những gì có thể làm mất lòng Chúa. Vì thế, ân huệ này ảnh hưởng đến tất cả những gì khiến cho chúng ta xa cách Chúa, dẹp bỏ những thú vui đưa chúng ta đến việc phạm tội. Theo nghĩa này, nó cũng giúp ta sửa sang những xáo trộn nội tâm gây ra bởi những khoái cảm xác thịt; đó là đối tượng của đức tiết độ,[5] theo như định nghĩa của sách GLCG (số 1809):

Tiết độ là nhân đức giúp chúng ta điều tiết sức lôi cuốn của những thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng những của cải trần thế. Nó giúp ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế các ham muốn trong giới hạn của sự lương thiện. Người tiết độ quy hướng các thèm muốn giác quan của mình về điều thiện, giữ được sự khôn ngoan lành mạnh và không chiều theo sức mạnh của mình mà bước theo các dục vọng của trái tim mình.

3. Thờ phượng.[6] Nhân đức này giúp cho chúng ta biết tôn thờ Thiên Chúa cho phải đạo. Nhân đức này được kiện toàn nhờ ơn kính sợ, khi gieo vào tâm hồn ta thái độ cung kính giống như các thiên sứ hầu cận trước thánh nhan, khiến các ngài tung hô: “Thánh, thánh, thánh, Thiên Chúa các cơ binh” (Is 6,3). Nhờ ơn kính sợ, Thánh Linh gợi lên cho ta tâm tình thảo hiếu giống như con cái, vừa cung kính vừa yêu mến Cha nhân hậu vô biên. Chúng ta sẽ trở lại với nhân đức này khi bàn đến ơn sùng hiếu.

4. Khiêm tốn. Khi đối diện với Thiên Chúa uy nghi thánh thiện, con người cảm thấy mình bé nhỏ và tồi tàn; đó là nền tảng của đức khiêm tốn. Thật vậy, con người thích thổi phồng mình quá mức, từ đó sinh ra kiêu căng; ngược lại, đức khiêm tốn giúp chúng ta nhận ra sự thật, dựa trên quy tắc của lý trí. Hơn thế nữa, ơn kính sợ còn đặt chúng ta đối diện với thực tại siêu nhiên: Thiên Chúa là tất cả, thụ tạo là hư vô; vì thế con người chỉ nhìn cắm vào vẻ cao sang danh dự của Thiên Chúa, chứ không dám vênh vang vì những chuyện nhỏ nhen của mình.

Ngoài bốn nhân đức vừa kể trên đây, ơn kính sợ Chúa cũng tác động trên nhiều nhân đức khác nữa, chẳng hạn như: khiết tịnh, hiền lành (kiềm chế những cơn nóng giận), từ tốn (chống lại tất cả những nết xấu là con đẻ của kiêu căng: khoa trương, giả hình, ngoan cố, cãi cọ, bất tuân)[7].

C. Những công hiệu

Mặc dù được xếp ở cấp bậc thấp nhất, nhưng ơn kính sợ Chúa cũng mang lại rất nhiều ích lợi cho đời sống tâm linh.

1. Ý thức sống động về sự cao cả của Thiên Chúa, từ đó nảy ra tâm tình tôn kính, thờ lạy và khiêm tốn. Như đã nói trên đây, khi đối diện với Đấng Cao cả, con người là thụ tạo cảm thấy mình là nhỏ bé; tệ hơn nữa, nếu con người là một tội nhân thì lại càng khiêm tốn biết mấy, khi so sánh sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự xấu xa của mình. Thánh Gioan Thánh giá ước ao được chịu đau khổ như hình phạt tội lỗi của mình. Trước khi đặt chân vào một thị trấn nào, thánh Đaminh quỳ gối nài van Chúa đừng phạt dân cư vì tội mình đang mang trên mình. Lòng tôn kính Thiên Chúa cao cả cũng được diễn tả thái độ cung kính đối với những đồ vật thánh thiêng, chẳng hạn như thánh đường, các ảnh tượng.

2. Gớm ghét tội lỗi và thành thực thống hối nếu đã phạm tội.

Nhờ ơn kính sợ, linh hồn không bao giờ dám phạm tội làm mất lòng Chúa. Mặt khác, nhằm dẫn đưa linh hồn đến kết hiệp với Thiên Chúa, Thánh Linh không ngừng thanh luyện linh hồn để cảm thấy phần nào sự khủng khiếp của hình phạt dành cho những kẻ lìa xa Chúa. Điều này giải thích được “đêm tối tinh thần” mà đôi khi các linh hồn trải qua trên hành trình tâm linh: họ cảm thấy mình bị trầm luân muôn đời vì tội lỗi của mình. Chính trong cảnh khốn cùng ấy, họ mới cảm nghiệm được đức hy vọng, “bất chấp sự tuyệt vọng” (Rm 4,18). Thánh Luy Gonzaga ngất xỉu khi đi xưng tội, mặc dù đó chỉ là đôi ba tội nhẹ. Thánh Alphongsô Liguori cũng cảm thấy như vậy khi nghe người khác nói lộng ngôn xúc phạm đến Thiên Chúa.

3. Tỉnh thức để tránh xa mọi dịp tội. Nhờ ơn kính sợ Chúa, các linh hồn không sợ điều gì trên đời cho bằng phạm tội. Đối với họ, sự dữ duy nhất trên đời này là tội lỗi, vì nó làm cho con người xa Chúa. Không lạ gì mà họ mau chóng tránh xa các dịp tội, những nguy cơ có thể gây cho họ làm mất lòng Chúa. Họ cố gắng duy trì lương tâm trong trắng trước mặt Chúa.

4. Cắt đứt mọi quyến luyến với các thụ tạo. Thực ra đây là một công hiệu của ơn minh luận (giúp ta đánh giá mọi vật trong viễn ảnh vĩnh cửu, như sẽ nói sau), nhưng cũng có thể xem như một công hiệu của ơn kính sợ. Thật vậy, một khi linh hồn đã được một tia sáng để nhận ra vẻ uy nghi cao cả của Thiên Chúa, tất nhiên sẽ coi những cái vĩ đại trên trần thế này chỉ là rơm rác (x. Pl 3,8).

III. Chân phúc tương ứng: nghèo khó trong tinh thần

Dựa theo thánh Augustinô, thánh Tôma Aquinô bàn đến các ơn huệ Thánh Linh không những trong tương quan với nhân đức được nó kiện toàn, mà còn trong tương quan với các chân phúc, cũng là chóp đỉnh của sự trọn lành Kitô giáo. Theo thánh Tôma Aquinô, ơn kính sợ tương ứng với chân phúc thứ nhất: “Phúc cho người nghèo trong tinh thần, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).[8] Thế nào là “nghèo trong tinh thần”? Ta có thể hiểu theo nhiều nghĩa:

a) Nghèo trong tinh thần muốn nêu bật khía cạnh “tinh thần”, đối lại với “vật chất”, có nghĩa là không phải tất cả những người nghèo khó túng cực đều đương nhiên có phúc (hoặc không phải những người có tài sản đều là vô phúc). Cần hiểu khó nghèo theo nghĩa tinh thần, nghĩa là không bám víu vào tiền tài, không tham lam. Đôi khi cũng được dịch là “tinh thần khó nghèo”, hoặc “tâm hồn khó nghèo”.

b) Nghèo trong tinh thần cũng có nghĩa là không tham vọng, kiêu căng. Theo nghĩa này, nghèo không chỉ xét trong tương quan với tài sản vật chất, mà còn mở rộng đến thái độ nội tâm. Người nghèo là người khiêm tốn, không hống hách tự mãn. Người nghèo là người dựa vào quyền năng của Thiên Chúa, do đó luôn tuân theo ý Chúa.

c) Nghèo trong tinh thần còn có thể hiểu là cái nghèo do thần khí thúc đẩy, tức là nhấn mạnh đến tác động của Thánh Linh (hai nghĩa trên nhấn mạnh đến cố gắng con người). Thánh Linh thúc đẩy chúng ta khước từ tất cả mọi sự để đi theo Chúa Kitô.[9]

Thiết tưởng cả ba nghĩa vừa nói đều có thể liên kết với ơn kính sợ Thiên Chúa.

Lý do của sự tương ứng có thể được giải thích như thế này. Ơn kính sợ không gây ra tâm tình sợ hãi Thiên Chúa (đó là sự sợ hãi nô lệ), nhưng là sợ sẽ mất Chúa, sợ sẽ xa cách Ngài. Vì thế, điều mà chúng ta muốn cất khỏi lòng là ý chí lệch lạc của mình, khuynh hướng chiều theo tội lỗi. Cái gì nuôi dưỡng khuynh hướng ấy? Thánh Gioan tông đồ đã thu gọn vào ba dục vọng: dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt, và thói cậy mình có của (1Ga 2,16). Vì thế lòng kính sợ Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta thoát ly khỏi ba mối dục vọng: chúng ta không tìm cách tâng bốc chính mình (kiêu căng), hoặc khoe khoang những gì mình có (tiền bạc, chức vị): đó chính là khó nghèo trong tinh thần, hiểu như là hủy diệt tinh thần kiêu ngạo (thánh Augustinô), hoặc như là khinh chê các của cải tạm bợ dưới sự thúc đẩy của Thánh Linh (thánh Ambrôsiô và Giêrônimô).

IV. Thực hành

Chúng ta có thể xét tới hai khía cạnh: tiêu cực và tích cực. Tiêu cực là những tật xấu cần bài trừ; tích cực là những phương thế để nuôi dưỡng ơn kính sợ.

A. Tiêu cực

Trên đây, chúng ta đã thấy ơn kính sợ kiện toàn hai nhân đức: hy vọng và tiết độ. Dưới mặt trái, các tật xấu trái nghịch với hai nhân đức vừa rồi thì cũng trái nghịch với ơn kính sợ. Cách riêng, thánh Tôma vạch ra hai tật: kiêu ngạo (nghịch với đức khiêm nhường, một thành phần của tiết độ), tự phụ (nghịch với đức hy vọng).

  1. Đối nghịch với ơn kính sợ Chúa là tội kiêu ngạo. Ơn kính sợ gây cho con người ý thức sự hèn kém của mình trước mặt Thiên Chúa uy nghi cao cả; ơn kính sợ còn đưa con người hạ mình sâu xa hơn là đức khiêm nhường tự nhiên nữa. Vì thế, ơn huệ này chống lại tội kiêu ngạo.[10] Thánh Grêgôriô Cả đã vạch ra bốn hình thức chính của kiêu ngạo: a) Quy chiếu về cho mình những điều tốt lành nhận được do Thiên Chúa. b) Nghĩ rằng Chúa ban những điều ấy do công trạng của mình. c) Khoe khoang những điều mà mình không có, hoặc dù có đi nữa nhưng không đến mức như vậy. d) Ước mong cho mình được nổi bật và coi rẻ người khác.
  2. Một cách gián tiếp, ơn kính sợ Chúa cũng trái nghịch với tội tự phụ,[11] nghĩa là dựa vào lòng nhân từ của Thiên Chúa cách lệch lạc, không đếm xỉa đến sự công minh của Ngài, thiếu tôn trọng đối với Ngài.

B. Tích cực

Chúng tôi muốn nói đến những phương thế để vun trồng ơn kính sợ Chúa. Trước hết, chúng ta nên nhớ rằng đây là “ân huệ” mà chúng ta chỉ có thể nài xin Chúa ban, chứ không thể rèn luyện. Dù vậy, chúng ta có thể chuẩn bị tâm hồn ngõ hầu ân huệ gặp môi trường thuận tiện để tác động. Đừng kể những phương thế chung cho mọi ân huệ (hồi tâm, thanh luyện tâm hồn, trung thành với những hứng khởi, cầu nguyện…), chúng ta có thể kể ra ở đây những phương thế thích ứng cách riêng với ơn kính sợ.

  1. Suy niệm về sự cao cả của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài chỉ bằng một lời truyền của ngài (St 1,1), Đấng uy nghiêm khiến cho các triều thần thiên quốc phải kính sợ (Kinh Tiền tụng), nhưng đồng thời cũng là Đấng đã làm nên những việc kỳ diệu đáng ca ngợi chúc tụng.
  2. Hãy đến gần Thiên Chúa với lòng hiếu thảo của con cái, nhưng đồng thời với tất cả tấm lòng kính cẩn. Thiên Chúa là cha của chúng ta, nhưng Ngài cũng là Đấng quyền uy cao cả. Tránh cảnh “gần chùa gọi bụt bằng anh”.
  3. Năng suy gẫm về sự xấu xa của tội lỗi để biết kinh tởm nó. Đành rằng ơn kính sợ Thiên Chúa không phải là sự sợ sệt như kẻ nô lệ (sợ hình phạt của chủ), nhưng việc suy gẫm sự xấu xa của tội lỗi cũng giúp chúng ta tránh đừng phạm tội kẻo làm mất lòng Chúa. Điều này cũng thúc đẩy chúng ta tránh xa các tình cảnh có nguy cơ dẫn đến việc phạm tội.
  4. Tìm cách cư xử hiền từ và khiêm tốn đối với tha nhân. Một khi đã nhận ra lòng từ bi nhân hậu mà Thiên Chúa đã dành cho ta, qua việc tha thứ mười ngàn yến vàng, thì lẽ nào ta lại yêu sách ngặt nghèo đòi món người đồng nghiệp của ta phải trả nợ một trăm quan tiền (x. Mt 18,23-35). Chúng ta hãy tha thứ những sự xúc phạm mà người khác đã gây ra, hãy đối xử nhã nhặn tử tế với hết mọi người, với tâm tình hiền hậu và khiêm tốn, với sự thâm tín rằng giả như họ nhận được những ơn lành giống như Chúa đã đoái thương ban cho chúng ta thì ắt là họ sẽ trở nên khá hơn chúng ta nhiều lắm. Điều này lại càng đúng hơn nữa nếu ta đã có lần phạm tội trọng, đáng phạt trầm luân muôn đời, thế nhưng Chúa đã thương xót cứu ta ra khỏi cảnh khốn cùng ấy: điều này buộc ta phải khiêm tốn suốt đời, không bao giờ dám lên mặt với ai hết!
  5. Khẩn khoản nài xin Thánh Linh ban cho ta được ơn kính sợ Thiên Chúa. Như đã nói trên đây, vì chúng ta đang bàn về một “ân huệ” của Thánh Linh, cho nên chúng ta chỉ biết khiêm tốn và kiên trì cầu nguyện. Các thánh vịnh gợi cho chúng ta rất nhiều lời cầu khẩn như vậy: “Kinh hãi Chúa, con rùng mình sởn ốc, quyết định Ngài làm cho con những sợ cùng lo” (Tv 119,120), “Xin thực hiện cho tôi tớ Ngài đây lời đã hứa, để người người kính sợ Thánh Danh” (Tv 119,38).

Trong mục này, chúng ta đã tìm hiểu ơn “kính sợ Chúa”. Ngay từ đầu, chúng ta thấy có cái sợ xấu (sợ thế gian) và có cái sợ tốt (sợ của người con hiếu thảo). Trong mục tới chúng ta sẽ còn thấy một cái sợ xấu khác, đó là cái sợ của nhút nhát, lười biếng, cần được chinh phục nhờ nhân đức hùng mạnh, và nhất là “ơn hùng mạnh”.

———————————-

[1] X. ĐSTL VIII (Nhân sinh quan Kitô giáo) trang 138. Nên biết là trong các ngôn ngữ châu Âu có nhiều từ ngữ khác nhau để ám chỉ sự sợ hãi, chẳng hạn như: crainte / peur (Pháp); fear / awe (Anh); timor / miedo (Tây ban nha); timore / paura (Ý). Khi nói về ân huệ Thánh Linh, người ta chỉ dùng danh từ thứ nhất.

[2] Summa Theologiae, II-II, q.19, a.8-10.

[3] Có khi cũng được dịch là “úy kính”.

[4] Summa Theologiae, II-II q.19 a.9 ad 1 et 2. X. ĐSTL XII trang 331-335. Tập XIV của ĐSTL được dành cho “Niềm hy vọng hồng phúc”.

[5] Summa Theologiae, II-II q.141 a.3 ad 3.

[6] Trong tiếng La tinh, nhân đức này được gọi là religio, nhưng khi chuyển sang tiếng Việt, nó dễ bị lẫn với “tín ngưỡng / tôn giáo”. X. ĐSTL XII, trang 155. Sách GLCG số 2095-2122.

[7] X. Summa Theologiae, II-II, q.132 a.5

[8] X. Summa Theologiae, II-II, q.19 a.12.

[9] Về những ý nghĩa của sự khó nghèo, xem ĐSTL VI (Những hình thức tu trì Kitô giáo), trang 269-290 (Lời khuyên Phúc âm).

[10] X. ĐSTL XII, trang 250-252.

[11] Praesumptio: tự phụ, ngạo mạn; đây là một tội trái nghịch với đức cậy (hy vọng). Xc. ĐSTL XII, trang 337. Sách GLCG 2092.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here