Bảy ân huệ Thánh Linh – Dẫn Nhập

0
2155

Đời sống tâm linh tập XV, “Thánh Linh trong đời sống Kito hữu”,
Nhà xuât bản Tôn giáo, Hà Nội 2017, trang 166-299.

Các sách kinh nguyện và giáo lý cổ điển quen gọi là “bảy ơn Đức Chúa Thánh Thần”. Hạn từ “ơn” mang nghĩa khá rộng, bởi vì tất cả những gì Chúa ban đều đáng được gọi là “ơn”, xét vì đó là “ơn huệ” do ngài rộng lượng ban cho chúng ta chứ không phải là món nợ mà chúng ta có quyền đòi hỏi.[1] Tuy nhiên, từ “ơn” trong tiếng Việt được dùng để dịch hai danh từ khác nhau trong tiếng La tinh: gratiadonum (tiếng Anh: grace / gift; tiếng Pháp: grâce / don). Giữa hai từ này, có đôi chút khác biệt về ý nghĩa: xét theo nguyên gốc, gratia nói lên “lòng tốt, thiện cảm”, còn “donum” muốn nói đến “biếu tặng, tặng phẩm, món quà”. Món quà là một biểu hiệu của lòng tốt: muốn bày tỏ lòng yêu mến đối với ai, ta biếu họ một món quà.

Trong thần học, gratia được được dịch là “ân sủng”, và được phân chia thành nhiều loại: “ơn thánh sủng” (gratia sanctificationis) và “ơn đoàn sủng” (gratia specialis, hoặc charisma);[2] “ơn thường sủng” (gratia habitualis) và ơn “hiện sủng” (gratia actualis).[3] Đàng khác, mặc dù tất cả những gì Thiên Chúa ban đều có thể gọi là “quà tặng” (donum / gift), nhưng từ này được áp dụng riêng cho Thánh Linh theo ba cấp độ ý nghĩa: nghĩa rất rộng, nghĩa rộng, nghĩa chuyên môn.

1. Theo một nghĩa rất rộng, chính bản thân Thánh Linh là “quà tặng” (Spiritus Sanctus ut Donum: GLCG số 733). Trong thánh thi Veni Creator Spiritus, Thánh Linh được kêu cầu như là “Donum Dei Altissimi”. Trong lòng Ba Ngôi, Thánh Linh là Tình yêu trao ban giữa Cha với Con; Tình yêu trao ban ấy tuôn trào ra trên vũ trụ và nhân loại. Đặc biệt, Thánh Linh là “quà tặng” được ban cho nhân loại nhờ cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô (Lc 24,49; Cv 1,8; 2,38). Thánh Linh được ví như tình yêu trút đổ xuống tâm hồn chúng ta (Rm 5,5).

2. Theo một nghĩa rộng, tất cả mọi thứ ân huệ siêu nhiên đều được quy về Thánh Linh, nguyên ủy của việc thánh hóa: từ các nhân đức hướng Chúa (tin-cậy-mến) cho đến các sự soi sáng thúc giục nội tâm, tất cả đều là ân huệ Thánh Linh;[4] cách đặc biệt, các “đặc sủng” (charisma) cũng là những quà tặng của Thánh Linh cho các tín hữu.

3. Theo một nghĩa chuyên môn từ thời Trung cổ, thần học nói đến bảy ân huệ Thánh Linh (hoặc: bảy ơn Chúa Thánh Thần), được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo diễn tả như là: “những xu hướng thường xuyên giúp cho con người dễ dàng tuân theo sự thúc đẩy của Thánh Linh” (số 1830).[5] Trước khi phân tích nội dung của từng ân huệ ấy, chúng tôi xin trình bày sơ qua lịch sử thần học: nền tảng Kinh thánh, suy tư của các giáo phụ, giải thích của thần học Trung cổ.

A. Nền tảng Kinh thánh

Đạo lý về bảy ơn Chúa Thánh Thần dựa trên đoạn văn của Isaia 11,1-3:

Từ gốc tổ Giessê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Giavê sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Giavê. Lòng kính sợ Giavê làm cho Người hứng thú.

Tuy nhiên, ý nghĩa nguyên khởi của đoạn văn này nhắm đến các đức tính của vị Mêsia tương lai; kế đó, Tân ước áp dụng vào Đức Kitô; sau cùng, các giáo phụ mới áp dụng cho các Kitô hữu.

Theo các nhà chú giải, ở đoạn văn này, ngôn sứ Isaia phác họa chân dung của vị vua lý tưởng thuộc dòng Đavít, được thần khí Chúa trang điểm với các đức tính lỗi lạc vựơt xa các tiền bối. Nên lưu ý vài điểm sau:

1. Chủ động của các hoạt động là “thần khí của Giavê” (ruah Yahweh). Trong bối cảnh thần học Cựu ước, “thần khí Giavê” chính là Thiên Chúa, Đấng vẫn lo liệu để cho Israel có những nhà lãnh đạo xứng đáng. Khác với những lần trước đây, Thần khí Giavê không chỉ “thổi lên” các vị cứu tinh, nhưng còn “ở lại” nơi vị ấy. Vị vua lý tưởng được trang điểm bằng các “thần khí” (chứ không phải là “ân huệ”). Tư tưởng này cũng gặp thấy nơi nhiều tác phẩm khác của Cựu ước (2Sm 7,11-12; Is 7,14; 9,5; Dc 6,12-13; Gr 23,56; 33, 15-16)

2. Các thần khí được xếp thành ba cặp: khôn ngoan và trí tuệ; mưu lược và hùng mạnh; hiểu biết và kính sợ Giavê. Ý nghĩa các đặc tính này là gì? Thật khó bắt được ý nghĩa chính xác của văn chương đương thời. Tạm thời có thể nói thế này. (a) Cặp thứ nhất (khôn ngoan và trí tuệ) xem ra muốn nói lên các đức tính trí tuệ của vị lãnh đạo: “khôn ngoan” (hokmah) hàm ngụ sự khôn khéo trong cách xử lý các công việc; “trí tuệ” (binah) nói đến kiến thức uyên bác. (b) Cặp thứ hai (mưu lược và hùng mạnh) nhắm đến những đức tính cần thiết trong thực hành: “mưu lược” (hetsah) ám chỉ khả năng lên kế hoạch để thực hiện chương trình của mình; “hùng mạnh” (geburah) được hiểu về sức mạnh tinh thần cũng như thể lý cần thiết để thi hành chính sách. (c) Cặp thứ ba (hiểu biết và kính sợ Giavê) xem ra mang tính cách tôn giáo: “hiểu biết”(dahath) hiểu ngậm là “hiểu biết về Thiên Chúa”, nghĩa là cảm nghiệm về Thiên Chúa nhờ nghiền ngẫm lời Chúa; “kính sợ Thiên Chúa” (yirath Yahweh) bao hàm lòng tôn kính phụng thờ Thiên Chúa. Khi kể ra 6 đức tính này, có lẽ ngôn sứ không muốn lập một bản danh sách đầy đủ, nhưng chỉ muốn diễn tả những điều mà ông cảm phục (hay mơ ước) đi từ những nhân vật lịch sử. Với một giả định như vậy, ta có thể nhận ra nơi cặp thứ nhất bức chân dung của vua Salomon, nổi tiếng về khôn ngoan; cặp thứ hai gợi lên hình ảnh của vua Salomon (vụ xử kiện hai thơ nhi) và vua Đavit (chiến thắng tướng Goliat); cặp thứ ba liên tưởng đến vua Giôsia, nhà vua tận tụy phụng thờ Thiên Chúa (2V 23,25).

3. Theo nguyên bản Do thái, ta thấy có 6 đức tính ghép từng đôi một; thế nhưng không hiểu vì lý do gì đức tính cuối cùng (kính sợ Giavê) lại được lặp lại ở câu 3 (“Lòng kính sợ Giavê làm cho Người hứng thú”). Có lẽ vì muốn tránh sự trùng hợp lặp lại, cho nên bản dịch Hy lạp (LXX) và La tinh (Vulgata) đã đổi “kính sợ Chúa” (yirath Yahweh) ở câu 2 ra là “hiếu thảo” (eusebia, pietas). Từ đó, có thể đếm được bảy đức tính. Trong Kinh thánh, số 7 là biểu hiệu của sự sung mãn (đang khi mà văn hóa Á-Đông đòi phải có 10 thì mới gọi là “thập toàn”)! Dĩ nhiên, theo văn bản, tất cả những đức tính vừa nói (dù 6 hay 7) đều ám chỉ về vị Mêsia, mà Kitô giáo áp dụng cho Đức Kitô. Điều này đã được thánh Luca chứng tỏ trong bài giảng ra mắt của Đức Giêsu tại hội đường Nazareth: “Người mở ra, gặp đoạn chép rằng ‘Thần khí Chúa ngự xuống trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi…’ Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe’” (Lc 4,17-18.21). Đối với các giáo phụ, việc nhận ra sự hiện diện bảy thần khí nơi Đức Kitô không phải là điều khó khăn, bởi vì sách Khải huyền đã nói đến bảy thần khí hiện diện trước ngai của Người (Kh 1,4;4,5;5,6).[6]

B. Bảy cấp độ đời sống tâm linh

Như vừa nói, bản văn của Isaia về Đấng Mêsia được Tân ước áp dụng cho Chúa Giêsu Tuy nhiên, kể từ thánh Augustinô (De sermone Domini, 1,4: PL 34,1234-1235) và Grêgôriô Cả (Moralia II,77: PL 75, 592), truyền thống Kitô giáo cũng áp dụng vào đời sống của mỗi tín hữu dưới ảnh hưởng của Thánh Linh. Qua bí tích Rửa tội, chúng ta đã chẳng được tham dự vào phép rửa của Đức Giêsu tại sông Giorđan, và được nhận làm nghĩa tử của Chúa Cha, nhờ ơn Thánh Linh đó sao (x. Lc 3,22; Rm 6,3-4)?

Đó là nói tổng quát. Các giáo phụ còn muốn phân tích cụ thể hơn tương quan giữa từng ơn với cuộc sống của các tín hữu nữa. Một mô hình được sử dụng là thiết lập một hệ trật các ơn huệ Thánh Linh như một chiếc thang với bảy bậc. Thánh Augustinô quan niệm con đường tâm linh như một cuộc leo núi, mà chóp đỉnh là đạt đến đức cao minh và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Hành trình này cần trải qua bảy cuộc thanh luyện, dựa theo lời thánh vịnh 11: eloquia Domini, eloquia casta, argentum igne probatum terrae purgatum septuplum (lời Chúa phán là lời chân thật, như bạc nấu trong lò, đã bảy lần tinh luyện”.[7] Những cấp độ này được ví với các nhân đức và những tâm trạng mà con người cần thủ đắc nhờ các ơn của Thánh Linh, ngõ hầu bắt chước Chúa Kitô. Tuy nhiên, trong khi Đức Kitô đã đạt được tất cả bảy hồng ân, và đặc biệt là ơn cao minh, thì chúng ta phải bắt đầu từ bước sơ khởi, tức là lòng kính sợ Thiên Chúa. Trong bài giảng 346, thánh nhân nói như sau:

Khi đề cập đến bảy ân huệ Thánh Linh, ngôn sứ Isaia bắt đầu từ ơn cao minh để tới ơn kính sợ Chúa, tựa như khởi đi từ chỗ cao nhất xuống với chúng ta để dạy chúng ta đi lên. Ông khởi sự từ điểm mà chúng ta phải đến, và ông đến điểm mà chúng ta khởi đầu. Thật vậy, ông nói rằng ‘Thần khí Thiên Chúa đáp xuống trên Người, Thần khí cao minh và thâm hiểu, Thần khí chỉ giáo và hùng mạnh, Thần khí minh luận và sùng mộ, Thần khí kính sợ Thiên Chúa’ (Is 11,3). Cũng như Ngôi Lời khi nhập thể đã đi từ cao minh xuống cho đến kính sợ, không phải vì để tự sụt giảm nhưng là để dạy dỗ chúng ta; một cách tương tự như vậy, chúng ta cũng phải vươn lên, từ kính sợ cho đến cao minh, không phải bằng cách tự tôn lên nhưng nhờ sự tiến triển xét vì ‘kính sợ là khởi đầu của cao minh’ (Cn 1,7)… Như thế, cao minh được đặt ở hàng đầu vì là ánh sáng của linh hồn, và thứ hai là thâm hiểu, ra như để trả lời cho người hỏi: phải đi từ đâu để tới cao minh? Ông đáp: đi từ thâm hiểu. Và để đạt tới thâm hiểu? Đi từ chỉ giáo. Và để đạt tới chỉ giáo? Đi từ hùng mạnh. Và để đạt tới hùng mạnh? Đi từ sùng hiếu. Và để đạt tới sùng hiếu? Đi từ kính sợ. Vậy, phải đi từ kính sợ cho đến cao minh, xét vì ‘kính sợ Chúa là khởi đầu của cao minh’ (Cn 1,7).[8]

Đàng sau đoạn văn trên đây, chúng ta có thể nhận ra hình ảnh hành trình mà Đức Kitô đã trải qua để xuống với chúng ta (tức là sự hạ mình tự hủy), ngõ hầu nâng chúng ta lên cùng Thiên Chúa, theo như thánh Phaolô mô tả trong thư gửi các tín hữu Philipphê (2,4).

Một mô hình khác được thánh Augustinô sử dụng để trình bày sự thăng tiến của đời sống Kitô hữu là bài giảng trên núi: bảy ơn Thánh Linh được liên kết với các mối phúc thật, tuyệt đỉnh của đời sống trọn lành. Ngài nói:

Chân phúc thứ nhất bắt nguồn từ đức khiêm nhường: “Phúc thay những kẻ nghèo khó về tinh thần”, nghĩa là những kẻ không tự phụ, những kẻ tùng phục uy quyền Thiên Chúa, và sợ sẽ bị trừng phạt sau khi chết. Từ đó linh hồn học hỏi Kinh thánh, để tỏ ra hiền lành nhờ tinh thần thảo hiếu, ngõ hầu không bị khiển trách vì dốt nát mà trở nên cố chấp ươn ngạnh. Từ đó, linh hồn nhận ra mình đã bị trói buộc vào thế gian vì tội lỗi; vì vậy, ở cấp thứ ba, nhờ sự hiểu biết, linh hồn khóc lóc vì đã làm mất sự thiện tuyệt đối. Cấp thứ bốn là lao công vất vả để lôi kéo linh hồn ra khỏi những thú vui độc dữ. Vì thế, linh hồn đói khát sự công chính, và do đó, cần phải can đảm rất nhiều, bởi vì không dễ gì dứt bỏ sự quyến luyến điều mà mình bám víu vào. Ở cấp thứ năm, những ai kiên trì với lao nhọc sẽ nhận được lời khuyên bảo, bởi vì nếu thiếu sự giúp đỡ của quyền lực trên cao thì không ai có thể vượt thoát khỏi những khổ nạn cùng cực; và lời khuyên bảo chính đáng là cứu giúp sự yếu đuối của người dưới nếu muốn được người trên cứu giúp; vì thế: “Phúc cho người biết thương xót, vì họ sẽ được xót thương”. Cấp thứ sáu hệ tại sự thanh sạch tâm hồn dành cho kẻ nào có khả năng sự thiện tuyệt đối, nhờ có ý thức trong sạch và yên tĩnh. Cấp thứ bảy là chính sự cao minh, nghĩa là chiêm ngắm chân lý, khiến cho toàn thể con người được bình an, trở nên giống Thiên Chúa, vì thế mà kết luận được: “Phúc cho những kẻ hiếu hòa, vì sẽ được gọi là con cái của Chúa”.[9]

Như vậy, mối liên hệ giữa bảy ơn và bảy chân phúc được phân phối như thế này: 1) Kính sợ / Khó nghèo trong tinh thần. 2) Sùng hiếu / Hiền lành. 3) Minh luận / Khóc lóc. 4) Hùng mạnh / Đói khát công chính. 5) Chỉ giáo / Thương xót. 6) Thâm hiểu / Trái tim trong sạch. 7) Cao minh / Hiếu hòa. Phải chăng chân phúc thứ tám (những kẻ bị bách hại vì công lý) trở thành thừa thãi hay sao? Thánh Augustinô trả lời rằng: không phải như vậy, bởi vì chân phúc này tóm lại tất cả, khi cho thấy rằng điều hoàn hảo nhất là nước trời; như thế chân phúc thứ nhất và thứ tám gặp nhau, và kiện toàn các chân phúc khác.

Dù sao, mối quan tâm của các giáo phụ không phải là phân tích chính xác mối liên hệ giữa mỗi ơn Chúa Thánh Thần với mỗi chân phúc cho bằng nêu bật mối liên hệ giữa hành trình tâm linh của người tín hữu với Chúa Kitô: nhờ bảy ơn huệ, Thánh Linh tác động trong tâm hồn chúng ta, nhằm dẫn đưa chúng ta nên hoàn hảo giống Chúa Kitô, Đấng đầy tràn Thánh Linh và cũng là Đấng đã dạy cho chúng ta con đường Bát phúc.

C. Bảy ân huệ với bảy nhân đức

Bước sang thời Trung cổ, các nhà thần học muốn liên kết bảy ân huệ Thánh Linh với bảy nhân đức. Một vài vấn nạn đã được nêu lên: nếu đời sống tâm linh của chúng ta được xây dựng trên bảy nhân đức, – gồm ba nhân đức hướng Chúa (tin; cậy; mến) và bốn nhân đức trụ (khôn ngoan; công bình; hùng mạnh; tiết độ), – thì tương quan giữa bảy nhân đức và bảy ân huệ như thế nào: chúng trùng hợp với nhau hay là khác biệt? Nếu khác biệt, thì vai trò của các ân huệ như thế nào? Các ân huệ có cần thiết cho đời sống tâm linh không?

1. Ông Petrus Lombardus cho rằng các ân huệ và các nhân đức cũng giống như nhau (Sententiae, III, d. 34,3); nhưng ý kiến của ông thuộc về nhóm thiểu số, bởi vì, nói chung, kể từ thế kỷ XII, các nhà thần học đều nhìn nhận sự khác biệt giữa các nhân đức và các ân huệ.

2. Nếu các ân huệ khác với nhân đức, thì tương quan giữa đôi bên như thế nào? Ta thấy có sự tiến triển giữa các nhà thần học.

a) Lúc đầu, có những ý kiến cho rằng các ân huệ thấp hơn nhân đức. Con người tội lỗi cần được biến đổi nhờ các ân huệ thì mới có thể thực hành các nhân đức. Như vậy, vai trò của ân huệ là xua đuổi tội lỗi. Đây là ý kiến của Anselme de Laon, Hugues of St. Victor.

b) Dần dần, bắt đầu từ Stephen Langton, các tác giả cho rằng các ân huệ cao hơn các nhân đức, bởi vì các ân huệ nói lên sự trọn lành của đời sống Kitô hữu: chúng nâng cao đời sống người tín hữu lên cấp độ thần linh. Ý kiến này trở thành phổ thông với Philippe le Chancelier (khoảng 1235). Nhằm chứng tỏ điều này, các nhà thần học (khởi đi từ thánh Anselmô cho đến Guillaume d’Auxerre) thiết lập mối tương quan giữa bảy ân huệ với bảy nhân đức như sau:

– Năm ân huệ liên quan đến đời sống hoạt động (kính sợ, nhằm tránh sự dữ; sùng hiếu và minh luận, nhằm làm điều thiện; hùng mạnh và chỉ giáo, nhằm vượt qua những khó khăn)

– Hai ân huệ còn lại (thâm hiểu và cao minh) liên quan đến đời sống chiêm niệm.

Nói cách tổng quát, ơn kính sợ được ví như cửa vào; ơn thâm hiểu và cao minh thuộc về phạm vi hiểu biết Thiên Chúa (hiểu biết và cảm nghiệm); bốn ân huệ còn lại chi phối phạm vi hoạt động, giúp phân định (minh luận và chỉ giáo) và hành động (sùng hiếu và hùng mạnh).[10]

3. Với thánh Tôma Aquinô, sự xếp đặt các ân huệ Thánh Linh trở thành ổn định, mặc dù chính tác giả cũng có những do dự trong việc phân phối các ân huệ Thánh Linh với các nhân đức. Dù sao, thiết tưởng không phải là thừa khi theo dõi sự tiến triển này, bởi vì qua đó ta có thể biết được những cách thức phân loại khác nhau về các ân huệ.

– Trong Scriptum super sententiis (d.34, q.1, a.2, viết khoảng năm 1255-1255), tiêu chuẩn phân chia là đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm (tương ứng với các nhân đức “trí tuệ” và các nhân đức “thực hành”).[11]

a) Thuộc đời sống chiêm niệm: Cao minh, Thâm hiểu, Minh luận, Chỉ giáo.

b) Thuộc đời sống hoạt động: Sùng hiếu, Hùng mạnh, Kính sợ.

– Trong phần luân lý tổng quát của Summa Theologiae (I-II, q.68, a.4, viết năm 1271), các ân huệ được phân chia dựa theo các quan năng của con người.

a) Trong trí tuệ. (1) để thấu hiểu chân lý: thâm hiểu. – (2) để phán đoán đúng đắn: cao minh, về những sự thần linh; minh luận, về các thụ tạo; chỉ giáo, về cách cư xử.

b) Trong ý muốn. (1) trong tương quan với người khác (Thiên Chúa, cha mẹ, tổ quốc): sùng hiếu. – (2) trong tương quan với bản thân: Hùng mạnh, chống lại sự sợ hãi các nguy hiểm; Kính sợ, chống lại dục tình rối loạn.

Nhìn dưới quan điểm này, tác động của Thánh Linh bao trùm toàn thể các quan năng của con người (trí tuệ và ý muốn): 1/ Trí tuệ con người được kiện toàn nhờ ơn thâm hiểu để hiểu biết chân lý, ơn cao minh để phán đoán những thực tại thần linh, ơn minh luận để phán đoán các thực tại thụ tạo; ơn chỉ giáo để biết cách cư xử cụ thể. 2/ Các cảm xúc và ước muốn được kiện toàn nhờ ơn sùng hiếu trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân; nhờ ơn hùng mạnh để chống lại sự sợ hãi các nguy hiểm; nhờ ơn kính sợ, để chống lại sự rối loạn của nộ dục.

– Trong phần luân lý chuyên biệt của Summa Theologiae (II-II, q.8-9.19.45-46.52.121.139; viết năm 1271-1272), khi đi vào từng nhân đức cụ thể, các ân huệ được phân phối theo một thứ tự khác, nghĩa là dựa theo các nhân đức “hướng Chúa” và các nhân đức “nhân bản”.

a) Các nhân đức hướng Chúa: thâm hiểu và minh luận (tin); kính sợ con thảo (cậy); cao minh (mến).

b) Các nhân đức nhân bản: chỉ giáo (khôn ngoan); sùng hiếu (công bình); hùng mạnh (hùng mạnh); kính sợ (tiết độ).

Thật ra, cách phân phối bảy ân huệ dựa theo các nhân đức không trái ngược với lối phân phối dựa theo các quan năng của con người, bởi vì các nhân đức kiện toàn các quan năng của con người. Trên bình diện tự nhiên, trí tuệ được hướng dẫn bởi đức khôn ngoan; ý chí bởi đức công bình; các nộ dục bởi đức hùng mạnh; các tham dục bởi đức tiết độ. Trên bình diện siêu nhiên, lý trí được hướng dẫn bởi đức tin; ý chí bằng đức hy vọng và đức mến.

Cách phân phối bảy ân huệ theo bảy nhân đức muốn nói rằng các ân huệ đến kiện toàn các nhân đức. Theo quan điểm của thánh Tôma, Thiên Chúa đã gọi chúng ta nên thánh, sống xứng với chức phận là con cái của Ngài. Chúa cũng đã ban cho chúng ta các nhân đức để chúng ta có thể thực hiện ơn gọi đó, cách riêng là ba nhân đức hướng Chúa. Tuy vậy, xét về phía con người, những hành vi của chúng ta còn bị hạn chế bởi khả năng của bản tính con người. Trong bối cảnh ấy, các ân huệ Thánh Linh được ban, ngõ hầu các khả năng của chúng ta được tăng cường để có thể thực hiện các hành vi “thần linh”. Các ân huệ Thánh Linh giúp chúng ta trở nên ngoan ngoãn hơn để cho ngài hướng dẫn. Hình ảnh khá cổ điển được dùng để so sánh con người dưới tác động của nhân đức và dưới tác động của ân huệ là người chèo thuyền vượt biển. Người ấy có thể chèo chống với sức lực của mình: thật là vất vả và chậm chạp; đó là giai đoạn tu đức. Nhưng khi Thánh Linh đổ đầy ơn soi sáng và sức mạnh, thì thấy tâm hồn được mở rộng như chiếc buồm được căng lên (x. Tv 119,32), nhờ thần khí Chúa dẫn dắt (x. Tv 143,10); chiếc thuyền lướt nhanh trên gió. Đó là giai đoạn huyền bí. Hình ảnh này dựa trên đoạn Tin mừng Mc 6,48, thuật lại việc Chúa Giêsu đến gặp gỡ các môn đệ đang vất vả chèo chống vì gió ngược.[12]

D. Tu đức và huyền bí

Dựa theo lối trình bày của thánh Tôma, người ta thường ví tác động của Thánh Linh như giai đoạn “huyền bí” (mystica), đối lại với giai đoạn “tu đức” (ascetica) của các nhân đức. Thực ra, Thánh Linh hiện diện và tác động trong tất cả mọi tín hữu; nhưng trong giai đoạn đầu, ra như Ngài tôn trọng sự tự do của chúng ta, để cho chúng ta hoạt động, còn trong giai đoạn hai, Ngài giữ vai trò tích cực hơn mặc dù không làm mất sự tự do của chúng ta. Đúng hơn, chúng ta ngoan ngoãn hơn để cho Ngài dẫn dắt. Xét về từ ngữ, có lẽ nên nói đến các “thúc đẩy” (motus / motion) thì chính xác hơn là các “quà tặng” (donum / gift). Bảy ân huệ là bảy cách thế mà Thánh Linh tác động nơi các tín hữu. Trở lại với hình ảnh trên đây, Thánh Linh được ví như gió: gió thổi buồm, đẩy chiếc thuyền chạy nhanh hơn, nhưng không thay thế chiếc thuyền và cánh buồm. Các ân huệ không thay thế các nhân đức (nhất là đức mến). Ngoài ra cũng cần nhấn mạnh rằng không phải là người tín hữu được Thánh Linh dẫn dắt sẽ không còn phải gặp thử thách, không còn phải chiến đấu. Duy có điều là họ tin tưởng vào sức mạnh của Thánh Linh nên vượt qua dễ dàng hơn, cũng tựa như các môn đệ vượt qua cơn sóng khi họ ý thức Chúa ở với họ.

Như vừa nói, giai đoạn hoạt động của các nhân đức được ví với chặng tu đức; giai đoạn hoạt động của các ân huệ được ví với chặng huyền bí. Điều thú vị là đã có tác giả so sánh bảy ân huệ Thánh Linh với bảy khuynh hướng huyền bí của Kitô giáo trải qua lịch sử:[13]

  1. Huyền bí của các nhà khổ hạnh: nổi bật nơi họ là ơn hùng mạnh giống như các ngôn sứ xưa kia, can đảm làm chứng cho Chúa Kitô đến nỗi sẵn sàng hy sinh mạng sống. Các nhà khổ hạnh muốn tiếp nối chí khí của các thánh tử đạo qua việc chấp nhận những gian truân thử thách của đường tu đức như dấu hiệu của việc chia sẻ vào cuộc Tử nạn của Đức Kitô.
  2. Huyền bí của đời đan tu cộng đoàn: họ chúc tụng Thiên Chúa cách riêng nhờ việc cử hành phụng vụ, biểu hiện ơn kính sợ.
  3. Huyền bí tâm tình phát triển từ thời Trung đại, dưới những hình thức sùng kính mến yêu đặc biệt dành cho Đức Kitô, biểu lộ ơn sùng hiếu.
  4. Huyền bí chiêm niệm đào sâu nội dung đức tin, tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa; đây là hậu quả của ơn cao minh.
  5. Huyền bí suy tư là đặc trưng của các nhà thần học tìm hiểu các mầu nhiệm mặc khải và tìm cách diễn tả đạo lý. Đây là mục tiêu của ơn thâm hiểu.
  6. Huyền bí khải huyền cũng là một hình thức diễn tả mầu nhiệm kết hiệp với Thiên Chúa ở cõi bất diệt nhưng với ngôn ngữ ẩn dụ, khi thì dưới hình ảnh đe dọa khi thì dưới hình ảnh tương lai không tưởng. Các thực tại thế trần ra như vô giá trị khi đối chiếu với thực tại vĩnh cửu. Có thể coi đây như hiệu quả của ơn minh luận.
  7. Huyền bí hoạt động tông đồ nhìn nhận những dấu chỉ và khát vọng của thời đại và tìm cách đáp ứng. Biểu hiệu của ơn chỉ giáo.

Sau khi đã có khái niệm tổng quát về các ân huệ Thánh Linh, giờ đây, chúng ta đi tìm hiểu từng ân huệ một. Về thứ tự xếp đặt, có ít là hai khuynh hướng: từ trên xuống dưới, hoặc từ dưới lên trên.

– Từ trên xuống dưới, nghĩa là từ những ân huệ cao cấp, rồi đi xuống. Thứ tự này phần nào phản ảnh lối trình bày của bản văn Isaia: 1) Cao minh, 2) Thâm hiểu, 3) Minh luận, 4) Chỉ giáo, 5) Sùng hiếu, 6) Hùng mạnh; 7) Kính sợ.

– Từ dưới đi lên, họa theo lối trình bày của thánh Augustinô về các cấp bậc của đường trọn lành: để đạt đến cao điểm là “cao minh”, chúng ta cần khởi hành từ “kính sợ Chúa” (initium sapientiae timor Domini). Đó cũng là thứ tự mà chúng tôi sẽ theo trong những mục sắp tới: khởi đi từ ơn kính sợ Chúa, rồi dần dần tiến lên cao với các ơn: hùng mạnh, chỉ giáo, minh luận, thâm hiểu, cao minh. Nên biết cách xếp đặt này phần nào dựa theo thứ tự của các nhân đức: từ nhân đức điều hành tham dục (tiết độ), lên nhân đức điều hành nộ dục (hùng mạnh), rồi đến nhân đức điều hành ý chí (công bình), lý trí (khôn ngoan), cho tới ba nhân đức hướng Chúa (tin, cậy, mến): các ân huệ cũng theo thứ tự như vậy.[14]

Dù đi từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên, chúng ta đừng bao giờ quên rằng tất cả bảy ân huệ đều do cùng một Thánh Linh. Vì thế, các ân huệ không tác động rời rạc nhưng tương tác với nhau.

Khi trình bày mỗi ân huệ, chúng tôi sẽ theo một thứ tự gồm bốn điểm chính như sau: 1/ Từ ngữ. 2/ Bản chất. 3/ Chân phúc tương ứng. 4/ Thực hành (xét dưới hai khía cạnh: tiêu cực là các nết xấu; và tích cực là các phương thế chuẩn bị).

Như vậy, chúng ta có một cái nhìn tổng quát về “đời sống tâm linh” Kitô giáo, hoặc quan điểm Kitô giáo về con đường nên thánh: Thánh Linh giúp đỡ chúng ta thực hành các nhân đức và các chân phúc (phúc thật). Các chân phúc không chỉ là những lý tưởng sống trên đời này để đạt đến hạnh phúc chân thực nơi cõi vĩnh hằng, nhưng còn họa lại cho ta chính bức chân dung của Chúa Giêsu (GLCG 1717).[15]

Như đã nói trên đây, sự liên kết giữa các ân huệ với các chân phúc đã bắt đầu từ thánh Augustinô, tuy sự liên hệ về nội dung không lúc nào cũng dễ nhận ra. Theo một vài tác giả, mối liên hệ hoàn toàn ngẫu nhiên, bởi vì dựa trên thứ tự liệt kê trong các bản văn Kinh thánh. Thứ tự các ân huệ dựa theo bản văn của Isaia (11,2): cao minh, thâm hiểu, chỉ giáo, hùng mạnh, sùng hiếu, minh luận, kính sợ. Thứ tự các chân phúc dựa bản văn Mátthêu (5,3-9): khó nghèo, hiền hậu, khóc lóc, đói khát công chính, thương xót, con tim thanh sạch, xây dựng hòa bình. Chân phúc thứ tám (bách hại vì công chính) tượng trưng cho sự sung mãn, ám chỉ tình trạng của các môn đệ Chúa Giêsu sống trên đời này, cho nên được đặt ra ngoài sự so sánh. Điều thú vị là khi ráp hai bản danh sách vào với nhau, thì có sự đảo ngược các ân huệ, nghĩa là các ân huệ đi từ kính sợ đến cao minh, còn các chân phúc đi từ khó nghèo đến xây dựng hòa bình.

Tuy nhiên, theo thánh Tôma, các chân phúc được xếp đặt không phải cách ngẫu nhiên, nhưng theo một thứ tự luận lý (Summa Theologiae, I-II, q.69, a.3-4). Thiên hạ đặt hạnh phúc nơi xác thịt, hoạt động, hoặc chiêm ngắm. Chúa Giêsu đã cảnh giác chúng ta về những hạnh phúc giả tạo và chỉ cho thấy đâu là hạnh phúc đích thực. Do đó, các chân phúc cũng theo một thứ tự từ thấp lên cao:

– Ba chân phúc đầu tiên vạch trần những hạnh phúc giả tạo, đồng thời đề ra những phương thế đích đáng để được hạnh phúc. Thứ nhất, chống lại hạnh phúc đặt ở tiền tài danh vọng, Chúa Giêsu khuyến khích sự chừng mực, thậm chí sự từ bỏ. Đó là chân phúc “tinh thần khó nghèo”, có thể hiểu về đức khó nghèo cũng như đức khiêm nhường. Thứ hai, để giúp giải thoát khỏi nộ dục, chân phúc thích hợp là “hiền lành”. Thứ ba, để giúp giải thoát khỏi tham dục, chân phúc thích hợp là “khóc lóc”.

– Tiếp theo là hai chân phúc thuộc về những hoạt động, mang tính tích cực, chuẩn bị đưa đến hạnh phúc qua việc phục vụ tha nhân, qua những hành động theo nghĩa vụ hoặc những hành động hoàn toàn vị tha. Đó là ý nghĩa của chân phúc “đói khát công lý” và “thương xót”.

– Cuối cùng là hai chân phúc thuộc về việc chiêm ngắm, hoặc là nhắm kiện toàn bản thân, hoặc là kiện toàn tương quan với tha nhân, ta có hai chân phúc “trái tim trong trắng” và “xây dựng hòa bình”.

Cũng như thánh Augustinô, chân phúc dành cho kẻ bách hại nằm ở ngoài danh sách này, vì phần nào nó bao gồm tất cả.

Sau đây là sự liên kết và thứ tự giữa các ân huệ, nhân đức, và chân phúc:

  1. Kính sợ → tiết độ và hy vọng → khó nghèo trong tinh thần
  2. Hùng mạnh → hùng mạnh → đói khát công chính
  3. Sùng hiếu → công bình → hiền hậu
  4. Chỉ giáo → khôn ngoan → thương xót
  5. Minh luận → đức tin → khóc lóc
  6. Thâm hiểu → đức tin → con tim thanh sạch
  7. Cao minh → đức mến → xây dựng hòa bình

———————————

[1] Từ “ơn” (hoặc “ân”) thường được ghép với một từ khác với ý nghĩa tương đương: ơn huệ, ơn ban, ơn lộc, ơn phúc, hồng ân… Trong các ngôn ngữ Âu châu, còn một danh từ khác để ám chỉ “ơn” là: faveur (Pháp), favour (Anh), favor (Tây ban nha).

[2] Xem GLCG số 1999; 2000; 2024.

[3] Xem GLCG số 2000.

[4] Nên biết là các “quà tặng” cũng được Tân ước quy gán cho Chúa Cha (Gc 1,17) hoặc cho Chúa Kitô nữa (Ep 4,7).

[5] Việc đặt tên “ân huệ” (dona) cho các đặc tính nói ở Isaia 11,2-3 xem ra bắt đầu từ thế kỷ IX với Amalarius de Metz, Haymon de Halberstadt, Paschasius Radbertus, Rabanus Maurus. X. Jacques de Blic, “Pour l’histoire de la théologie des dons avant saint Thomas,” Revue d’ascétique et de mystique 22 (1946) 160-161.

[6] Nên biết là trong sách Khải huyền, con số 7 được sử dụng nhiều lần: bảy ngọn đèn (1,12); bảy ngôi sao (1,16), bảy ngọn đuốc, (4,5), bảy dấu ấn (5,1.5), bảy con mắt và bảy sừng của Con Chiên (5,6). Vào thời Trung cổ, người ta thích dùng số 7 trong nhiều thực tại đời sống Kitô hữu: 7 nhân đức, 7 bí tích, 7 mối thương người về phần xác và 7 mối thương người về phần hồn. Thậm chí các mối tội đầu cũng được quy về 7 (mặc dầu nguồn gốc của nó bên truyền thống đan tu Đông phương là 8). Chúng ta đừng vội trách là giả tạo, bởi vì con số 7 xem ra bắt nguồn từ chính Tân ước. Trong Tin mừng Matthêu, người ta đếm được 7 lời nguyện của Kinh Lạy Cha (Mt 6,9), 7 dụ ngôn (13,3), tha thứ 77 lần 7 (18,22), 7 lần chúc dữ người Pharisêu (23,13), và thậm chí khi thiết lập gia phả Đức Giêsu (7×2 thế hệ).

[7] De sermone Domini in monte, 2, 25, 87. Nên lưu ý là nếu muốn dịch sát bản Vulgata, thì phải viết: “Lời Chúa phán là lời thanh tịnh, được tôi luyện bảy lần”.

[8] Sermo 347.

[9] De sermone Domini in monte, Lib. I, 3, 10.

[10] Nên ghi nhận là việc dịch thuật các từ ngữ trong tiếng Việt không thống nhất, chẳng hạn như: sapientia thường được dịch là “khôn ngoan”, nhưng chúng tôi gọi là “cao minh” vì những lý do sẽ được giải thích khi phân tích mỗi ân huệ.

[11] Sự phân biệt giữa các nhân đức “trí tuệ” và “luân lý” bắt nguồn từ Aristote. X. ĐSTL XII (Các nhân đức Kitô giáo), trang 24; 50.

[12] X. Joannes a Sancto Thoma (1589-1644), Los dones del Espíritu Santo y la perfección cristiana, CSIC, Madrid 1948, p.166-167.

[13] P. Guilluy, Mystique, in: “Catholicisme” vol.IX (1986), 931-961.

[14] Về cách xếp đặt thứ tự các nhân đức, x. ĐSTL XII, trang 375-376.

[15] X. ĐSTL XIV (Niềm Hy vọng hồng phúc), trang 166.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here