Bản Tính Của Giáo Hội: Giáo Hội Là Nhiệm Thể Chúa Kitô

0
3071


GIÁO HỘI HỌC – ECCLESIOLOGY

(THẦN HỌC VỀ GIÁO HỘI)

Linh mục F. Gómez Ngô Minh, S.J.

***

***

DẪN NHẬP: GIÁO HỘI HỌC LÀ GÌ?

***

PHẦN I: NGUỒN GỐC GIÁO HỘI

CHƯƠNG I: GIÁO HỘI TRONG MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA (Ep. 1, 3-14)

CHƯƠNG II: CHIỀU KÍCH BA NGÔI CỦA GIÁO HỘI

CHƯƠNG III: CHUẨN BỊ GIÁO HỘI TRONG CỰU ƯỚC

CHƯƠNG IV: ĐỨC GIÊSU VÀ TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP GIÁO HỘI

CHƯƠNG V: GIÁO HỘI DUY NHẤT

***

PHẦN II: BẢN TÍNH CỦA GIÁO HỘI

CHƯƠNG VI: GIÁO HỘI LÀ DÂN THIÊN CHÚA

***

CHƯƠNG VII

GIÁO HỘI LÀ NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ

 

“Chúa Kitô tạo lập cách mầu nhiệm các em Ngài, tụ họp từ muôn nước thành thân thể Ngài, bằng cách thông truyềnThánh Thần cho họ. Trong thân thể ấy, sự sống Chúa Kitô tràn lan trên các tín hữu”.[1]

Dân mới ấy của Thiên Chúa đã được thiết lập nhờ hy tế Ðức Kitô, được nuôi dưỡng bằng thịt và máu của Ngài, sống bằng chính sự sống của Ngài và như là hiện thân của chính Ngài ở trong lịch sử. “Thân thể” là một hình ảnh biểu thị một khía cạnh của Giáo Hội, chứ không biểu trình toàn bộ Giáo Hội học. Công Đồng Vatican II đã dùng nhiều hình ảnh để chỉ về Giáo Hội, vì một hình ảnh hay một khái niệm không thôi thì không thể ôm trọn hết mọi chiều kích của mầu nhiệm Giáo Hội được. Nhưng hình ảnh cũng như ý niệm “Nhiệm thể” bắt nguồn từ Kinh Thánh và có khả năng làm nổi bật những khía cạnh quan trọng của Giáo Hội. Ðàng khác trong những thời gần đây hình ảnh này đã giữ một chỗ đứng ưu vị, tiếp theo sau lời của Ðức Giáo Hoàng Piô XII nói rằng: “Ðể diễn tả và định nghĩa Giáo Hội đích thực của Ðức Kitô… không một từ ngữ nào cao quý hơn, tuyệt hảo hơn, thần thiêng hơn là NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ”.[2]

I. CÔNG THỨC “NHIỆM THỂ”

Trong Kinh Thánh không đọc thấy công thức “Nhiệm thể Chúa Kitô”. Thánh Phaolô chỉ nói về “Thân thể Ðức Kitô”. Nói “thân thể” trước hết là ám chỉ đến thân xác của Ðức Giêsu sinh bởi Ðức Trinh nữ Maria và chết trên thập giá; kế đến là chỉ về Mình Thánh Chúa trong bí tích: “Này là Mình Ta” (Mc 14: 22; 1Cr 11: 24); sau cùng, thánh Phaolô dùng từ ngữ “thân thể” với ý nghĩa ẩn dụ, khi ngài viết: “Những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Ngài là Hội Thánh” (Cl 1: 24). Vì thế, thành ngữ “thân thể Ðức Kitô” nói lên ba điều: thân xác thể lý của Ðức Giêsu, Thánh Thể và Giáo Hội. Về sau, thần học đã tìm cách để phân biệt hai ý nghĩa đầu; nói về bí tích Thánh Thể, thần học thêm tĩnh từ “nhiệm mầu” để chỉ tính cách bí ẩn, huyền nhiệm, giấu kín. Thân thể này là tâm điểm của Giáo Hội, là nguồn sống, là dấu chỉ và là nguyên do của sự hiệp nhất.

Thời Trung cổ, bắt đầu có những tác giả áp dụng thành ngữ “Nhiệm thể” cho Giáo Hội.[3] Thánh Catarina thành Siena đã gọi phẩm trật là “nhiệm thể”.[4] Ở thế kỷ XII, “nhiệm thể” có nghĩa là Giáo Hội như một thực tế khác với thân xác thể lý của Ðức Giêsu, hoặc Mình Thánh trong bí tích. Tài liệu đầu tiên của huấn quyền dùng đến từ ngữ này là sắc chỉ Unam sanctam của Ðức Giáo Hoàng Bonifaxiô VIII ban bố năm 1302.[5] Ðể hiểu ẩn dụ này, thần học đã dựa theo hai thí dụ sau đây; trước tiên, thí dụ so sánh với thân xác thể lý: cũng như một thể xác có một đầu và nhiều chi thể khác nhau, nhưng chỉ là một cá vị, thì Giáo Hội cũng vậy; thứ hai là thí dụ so sánh với một xã hội: là một toàn thể duy nhất nhưng có nhiều thành viên, còn Giáo Hội thì có nhiều tín hữu; chỉ phải lưu ý, đối với thí dụ thứ nhất, là trong Giáo Hội nhiệm thể, mỗi “chi thể” vẫn giữ nguyên cá vị của mình.

Tuy nhiên, cả về phương diện xã hội, Giáo Hội, là một thực tại siêu nhiên, bởi vì các chi thể không những có một cùng đích chung, nhưng còn sống cùng một sự sống chung nhờ Thần Khí, và tham dự vào cùng một năng động thần thiêng do Ðức Kitô ban cho qua đức tin và đức ái. Xã hội học có thể phát hiện được nhiều điều xác thực về Giáo Hội; tuy nhiên, yếu tố “nhiệm mầu” vẫn mãi là đối tượng của chỉ một mình đức tin.

Ðức Giáo Hoàng Piô XII giải thích khái niệm “Nhiệm thể” như sau: “Bằng hạn từ ‘mầu nhiệm’ chúng ta có thể phân biệt thân thể xã hội của Giáo Hội mà Ðức Kitô là Ðầu và là chủ, với thân thể vật lý của Ngài… và với mọi thân thể tự nhiên khác, dầu là thể lý hay luân lý. Trong một thân thể tự nhiên, nguyên lý hiệp nhất phối hợp mọi thành phần đến nỗi chúng không còn có sự tồn hữu riêng biệt nữa. Trái lại, trong nhiệm thể năng lực kết hợp các chi thể, dầu rất thâm sâu, mà vẫn để cho mỗi chi thể có một cá vị riêng… Khó mà so sánh nhiệm thể với pháp thể [pháp nhân]: chúng ta thấy cả hai khác nhau một trời một vực. Vì trong cái mà người ta gọi là pháp nhân, nguyên lý hiệp nhất là cùng đích chung và sự cộng tác chung nhằm đến cùng đích ấy dưới quyền bính xã hội. Trong khi đó, nơi nhiệm thể mà chúng tôi đang đề cập đến, ngoài sự cộng tác chung này còn có một nguyên lý nội tại… đó là Thánh Thần”.[6]

II. MỘT SỐ TÊN GỌI GIÁO HỘI TƯƠNG TỰ NHƯ NHIỆM THỂ

Ngoài thành ngữ “thân thể Ðức Kitô” đọc thấy trong các thư của thánh Phaolô, còn có nhiều danh hiệu khác được Kinh Thánh dùng để chỉ về Giáo Hội.

1. Ẩn Dụ Cây Nho

Thánh Gioan ghi lại một tên gọi đơn sơ hơn: “cây nho” (Ga 15: 1-11). Qua ẩn dụ này, Ðức Giêsu đã giải thích cho các môn đệ hiểu thế nào là kết hợp với Ngài, bằng cách nào sự sống nơi Ngài chuyển lưu qua họ, và sẽ sinh hoa quả như thế nào ở nơi họ.

“Ta là cây nho thật, và Cha ta là Người trồng nho”.[7] Trong thế giới siêu nhiên, sáng kiến hoàn toàn xuất phát từ Thiên Chúa; sự sống hoàn toàn phát sinh từ Ðức Kitô như nhựa từ thân nho. Ðể có thể sống, tuyệt đối cần phải kết hợp với Ngài. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ, vì cũng có những nhánh khô không chịu để nhựa lưu thông vào trong mình; số phận của chúng là “bị chặt đi và ném vào lửa”.

Vì thế Chúa dạy: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. Có sự tồn hữu trong nhau: Chúa ở trong các môn đệ và các môn đệ ở trong Chúa. Trong câu 7, Ðức Giêsu giải thích là sự “tương tại” ấy xảy ra qua Lời: “Nếu lời Thầy ở lại trong anh em…”, nói cách khác, đức tin sống động là mối dây liên kết căn bản giữa các tín hữu và Ðấng Mạc khải. Ðức Giêsu bảo lời Ngài “là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6: 63). Và hơn nữa: “Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11: 26). Sứ điệp Ðức Giêsu truyền rao không chỉ là một bộ kiến thức hay một tập cẩm nang của khôn ngoan kết tinh, nhưng là chính sự sống và là sự sống đời đời (x. Ga 17:3). Lý do là vì Ðức Giêsu đã thông truyền một sự hiểu biết của Thiên Chúa và thuộc về một mình Thiên Chúa (x. Mt 11:27): thông phần vào sự hiểu biết của Thiên Chúa là thông phần vào sự sống của Người. Thánh Gioan viết: “Ai tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ được trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1:12). Khi tin nhận lời Ðức Giêsu, tín hữu được sống sự sống của Ðức Giêsu, nghĩa là được tham dự vào địa vị làm con hay “tử tính” của Ngài.

Thật ra, sự sống này vốn là tình yêu: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9). Như nhánh cây hút nhựa từ thân cây, Kitô hữu cũng nhận được sự sống tình yêu nếu biết kết hợp với Thầy Giêsu. Và vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4:8), nên do việc kết hợp này, họ được tham dự vào chính bản tính của Thiên Chúa. Như thế, số phận của môn đệ là số phận của Thầy: Thầy trò đều có chung một niềm vui (x. Ga 15:11), một lòng thương (x. Ga 11:9-10), và cả hai đều được yêu thương bởi một Cha chung (x. Ga 16:27). Các môn đệ nhận được vinh quang của Chúa Con và mối hiệp nhất với Chúa Cha (x. Ga 17:22). Trong Cựu Ước, các tiên tri đã không thể tưởng tượng ra nổi một điều tương tự như vậy; Isaia có sấm ngôn: “Ta sẽ không cho ai khác vinh quang của ta” (Is 42:8). Song Ðức Giêsu nói: “Con ở trong họ và họ ở trong Con” (Ga 17:23). Một cách nào đó, các môn đệ được đưa vào trong sự thông hiệp của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ðó là thâm tình người Kitô có được đối với Ðức Giêsu. Chẳng thế mà thánh Phaolô quả quyết rằng: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20).

Qua ẩn dụ cây nho, thánh Gioan đã miêu tả chính thực tại mà thánh Phaolô gọi là thân thể Ðức Kitô. Thí dụ cây nho làm cho hiểu rõ mối dây mật thiết kết hợp tất cả Kitô hữu (những nhánh) với Ðức Kitô (thân cây), và với nhau. Các tín hữu sống như Ðức Kitô, và nhờ Ðức Kitô: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).

2. Hiền Thê Của Chiên Con

Cựu Ước đã so sánh tình thương của Yahweh đối với Israel như là tình yêu của Phu quân (thường là hay ghen) đối với người yêu của mình (x. Is 62:4-6; Hs 2:18; Ed 16:1-34).[8] Tân Ước cũng diễn tả Chúa Cha dọn tiệc cưới rất chu đáo cho Con Một (x. Mt 22:1-4).[9] Gioan Tẩy giả rất vui mừng vì Chú rể đã đến (x. Ga 3:29); rồi chính Ðức Giêsu tự giới thiệu mình là Chàng rể ấy, còn các tông đồ là những người bạn của Chàng rể (x. Mt 9:15). Sau cùng, sách Khải Huyền miêu tả lễ cưới cánh chung của Chiên Con trong Jerusalem thiên quốc, và vị Hiền thê chính là Giáo Hội (x. Kh 19:7-8; 21:2-9). Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Vatican II dùng hình ảnh này trong số 6e và 7h để bổ túc hình ảnh “nhiệm thể”. Vậy thì hình ảnh “hiền thê” giúp hiểu về Giáo Hội như thế nào?[10]

a. Một Mầu Nhiệm Hiệp Nhất

Theo thánh Phaolô, định chế tự nhiên của hôn nhân đã báo trước mầu nhiệm kết hiệp trong tình yêu giữa Ðức Kitô và Giáo Hội. Ám chỉ đến lời sách Sáng thế viết nói là vợ chồng trở nên một xương một thịt, ngài viết: “mầu nhiệm này thật là cao cả, tôi muốn nói về Ðức Kitô và về Giáo Hội” (Ep 5:31-32).[11] Trong hôn phối người nam và người nữ kết hợp với nhau một cách mật thiết nhất có thể có ở thế gian này, đến nỗi họ trở nên, một cách nào đó, xương thịt của nhau (x. St 2:23) trong cùng một thân thể duy nhất. Mối liên kết vợ chồng không chỉ diễn tả và thực hiện một tình yêu nhân loại tuyệt hảo, mà còn có thể nói là nó làm cho con người thành tựu hoàn hảo, như thể con người bị chia làm “hai nửa” và nhờ hôn phối, vợ chồng mới trở nên một con người toàn vẹn.[12]

Trong bối cảnh ấy, thánh Phaolô nói: “Chồng là đầu của vợ, cũng như Ðức Kitô là đầu của Giáo Hội – chính Ngài là vị cứu tinh của thân thể Ngài” (Ep 5:23). Ðức Kitô mà không có Giáo Hội thì như đầu mà không có thân mình: sự viên mãn của Ðức Kitô là Giáo Hội (x. Ep 1:23).

b. Một Mầu Nhiệm Cộng Tác

Vợ chồng kết hợp với nhau là để hợp tác nhằm truyền lưu sự sống. Ðức Kitô là Adam mới, tổ phụ của nhân loại mới (x. Rm 5: 12-19; 1Cr 15: 2). Muốn quảng diễn ý tưởng này của thánh Phaolô, các Giáo phụ đã gọi Giáo Hội là Eva mới. Thánh Augustinus viết: “Câu này (St 2: 23) đã được thốt lên một cách nhiệm mầu, như để phác họa một hình bóng tiên báo về Giáo Hội tương lai sẽ được tạo thành từ cạnh sườn của vị Phu Quân đang thiếp ngủ, lúc chết (trên thánh giá). Tuy nhiên, Phaolô cũng đã nói về Adam: ‘Ông là hình ảnh của Adam tương lai’; còn về Giáo Hội thì sao? Hãy nghe, hãy hiểu, hãy chú ý: Giáo Hội sẽ đạp nát đầu con rắn…”.[13] Phép Rửa là việc tắm gội tinh luyện vị Hôn Thê; nhờ đó, chính Ðức Kitô chuẩn bị sẵn cho mình một Giáo Hội tinh luyện, không tì ố, không vết nhăn… (x. Ep 5:26-27). Qua Giáo Hội, Ðức Kitô dùng phép Rửa để tái sinh những con cái Thiên Chúa. Trong lòng Giáo Hội, Lời sẽ sinh hạ những tín hữu mới. Thánh Âugutino â đã so sánh Ðức Maria với Giáo Hội như sau: “Con của Ðức Maria, Hôn Phu của Giáo Hội đẹp hơn mọi con cái loài người. Ðức Giêsu đã biến Giáo Hội nên giống mẹ Ngài. Ngài đã trao Giáo Hội cho chúng ta như một người mẹ, và giữ Giáo Hội lại cho chính mình như một trinh nữ. Như Ðức Maria, Giáo Hội cũng được đồng trinh vĩnh viễn và được phong nhiêu vô tận. Ðiều mà Ðức Maria nhận được theo xác thịt thì Giáo Hội lại nhận được theo Thần Khí. Ðức Maria sinh một Con duy nhất, Giáo Hội sinh nhiều con cái, nhưng nhờ người Con duy nhất này, họ sẽ trở nên một”.[14]

c. Một Mầu Nhiệm “Tùng Thuộc

Thánh Phaolô khuyên những người vợ hãy tùng phục chồng mình như Giáo Hội tùng thuộc Ðầu mình là Ðức Kitô. “Ðầu” ở đây tượng trưng cho uy quyền. Quyền uy không căn cứ trên sự lệ thuộc pháp lý, nhưng trên một quan hệ sinh động, hiện sinh và hữu thể. Ðức Kitô đã cứu chuộc hôn thê Ngài (x. Ep 5: 23). Ngài là “chủ” của Giáo Hội; Ðức Kitô là Ðầu, nên Ngài chi phối thân thể. Xưa, người vợ thuộc về chồng mới có cơm ăn áo mặc; Giáo Hội cũng tùng thuộc vào Ðức Kitô như vậy. “… Ðức Kitô nuôi nấng và chăn sóc Hội Thánh” vì yêu thân xác mình (x. Ep 5:29). Ðức Kitô là chủ chiên, nên đàn chiên thuộc về Ngài, Ngài dẫn dắt và chăn nuôi họ. Giáo Hội không làm chủ của chính mình, không tự quản tự trị; nhưng là tùng thuộc Ðức Kitô để tồn tại, để hoạt động, để sinh hoa trái. Tuy nhiên, tùng thuộc không phải như tôi tớ thuộc về chủ, song như vợ thuộc về chồng, nghĩa là vì và trong tình yêu.

d. Một Mầu Nhiệm Hy Vọng

Thánh Phaolô diễn tả việc tông đồ của mình như là công tác nhằm trang điểm hầu Giáo Hội trở thành hiền thê trong trắng cho Ðức Kitô (x. 2Cr 11:2). Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng có những hôn phu hôn thê bất trung. Tuy nhiên, trong trường hợp Ðức Kitô và Giáo Hội, lòng thủy chung của Phu quân còn mạnh hơn những vụ bất trung dại dột của Hôn thê nhẹ dạ (x. Hs 2). Tình yêu của Phu quân khiến cho Giáo Hội luôn luôn có thể quay về cải thiện: “chớ mắc cỡ… người ta rẫy vợ cưới lúc còn trẻ sao?… Ta bỏ ngươi một lúc thôi… rồi lại yêu thương ngươi vĩnh viễn” (Is 54:4-8). Sau mọi thử thách, niềm vui của ngày cưới sẽ tỏa ngời mãi mãi (Is 61:10; 62:4). Giáo Hội không bao giờ suy đồi bại hoại đến độ phải thất vọng: lòng thương của Chúa vẫn mãi sẵn sàng tha thứ và đổi mới.

Sống giữa lịch sử, Giáo Hội hằng chờ đợi Ðức Kitô tái hồi; đặt biệt là phải cử hành Lễ Tạ ơn “cho đến khi Chúa lại đến”. Tương lai không phải là một mối đe dọa, mà là một niềm hy vọng. Từ thời sơ khai, Giáo Hội đã từng nguyện cầu: Maranatha! Xin Chúa hãy đến! (1Cr 16:22); và Kinh Thánh kết thúc với lời kêu lên của Thần Khí và Hôn thê: “Xin hãy đến!” (Kh 22:17). Là Hôn thê của Ðức Kitô, Giáo Hội phải lo sao cho niềm hy vọng này hằng mãi sống động trong thế giới.

III. THÂN THỂ

Trong thế giới Hy Lạp, “thân thể” là thành ngữ rất quen thuộc, được dùng để chỉ về một xã hội. Thánh Phaolô đã viết các thư của ngài trong môi trường văn hóa ấy. Ðiều mới lạ là ngài đã gọi Giáo Hội là thân thể của Ðức Kitô.

1. Nguồn Gốc Của Ẩn Dụ Này

Các nhà chú giải đưa ra nhiều giả thuyết về ẩn dụ nói trên. Có kẻ cho rằng ẩn dụ bắt nguồn từ một thần thoại gốc Ấn độ và Ba tư, về “Anthropos” (= con người), và đã được ngộ giáo thuyết tu sửa; nhưng hiện nay, giả thuyết này đã bị bác bỏ. Có người khác lại nghĩ rằng thánh Phaolô đã chịu ảnh hưởng của nền triết Stoa. Theo trường phái này, con người và thần linh hợp thành một thân thể duy nhất là thế giới: “Chúng ta chỉ là chi thể của một đại thể”.[15] Tư tưởng này đã rất thịnh hành trong đế quốc Roma. Cứ một toàn bộ có tính cách xã hội (ví dụ quân đội) thì được gọi là một “thân thể”.Nemenius Agrippa đã phổ biến một ngụ ngôn về các thành phần của một quốc gia hợp tác với nhau như những cơ quan của một thân thể. Ða số các nhà chú giải nghĩ là Phaolô xử dụng cách nói bình dân; ngôn ngữ của trường phái Khắc kỷ lúc đó đã trở thành rất phổ thông rồi. Vị tông đồ đã có thể lấy cách nói ấy để trình bày thần học của mình.

Là một nhà trí thức Do Thái, Phaolo âu cũng có thể dựa theo những mô mẫu của Cựu Ước. Tư tưởng Do Thái quen “tóm gọn” cả một tập thể vào trong tổ tiên của họ; vì vậy, Phaolô quan niệm Ðức Kitô như Adam mới, như một “cá vị tập thể” (personalité corporative, corporate personality).[16] Ngoài ra, còn có tư tưởng về “nhóm còn lại” của Israel, được cô đọng kết tinh thành một nhân vật duy nhất như gặp thấy dưới hình bóng “Con Người” trong sách tiên tri Ðanien. Chắc hẳn Phaolô đã từng quen thuộc với cách quan niệm như thế; tuy nhiên, tư tưởng của ngài tỏ ra rất là đặc thù, độc đáo và thường dựa vào kinh nghiệm Kitô của mình.

Sau cùng, còn có người nghĩ rằng Phaolô đã dựa vào kinh nghiệm trong cộng đoàn Thánh Thể mà suy ra ý niệm về “thân thể Ðức Kitô”. Trong 1Cr 10:16-17, ngài viết: “Khi ta cùng bẻ bánh thánh, đó chẳng phải là dự phần vào thân thể Ðức Kitô sao?”. Vì chỉ có một tấm bánh, “nên tuy nhiều người, tất cả chúng ta cũng chỉ là một thân thể”. Khi dự tiệc tế tự ngoại giáo, người tham dự “hiệp thông với ma quỷ” (1Cr 10:20). Tương tự như thế, khi người Kitô ăn thân thể của Chúa thì cũng trở nên một với Ngài. Nhờ kinh nghiệm này, Phaolô đưa đà suy tư từ ý nghĩa cá nhân lên ý nghĩa tập thể: vì cả cộng đoàn ăn thân thể Chúa, nên Giáo Hội là một với Ngài, là thân thể của Ngài.

2. Thần Học Của Các Thư Lớn

Hai thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Corinthians và thư gửi cho giáo đoàn Roma được gọi là những “thư lớn”. Các thư này dùng hình ảnh thân thể để chỉ về các tín hữu sống trong trật tự, tùng phục và tinh thần tương thân tương ái, như các chi thể của một thân thể vậy. Dĩ nhiên, nói lên như thế không nhằm đơn thuần biểu trình ý nghĩa xã hội học, nhưng nhất là để nêu bật chiều kích cùng ý nghĩa thần học tiềm ẩn của sự kiện.

a/. 1Cr 6:12-20

Bản văn này gọi các Kitô hữu là chi thể của Ðức Kitô, và do đó hành vi của họ có thể làm vinh dự hoặc gây ô nhục cho chính Chúa. Ðàng khác, nhờ Thần Khí lưu ngụ trong họ, họ trở nên đền thánh, và vì đã được mua chuộc bằng giá máu của Ngài, nên họ thuộc về Thiên Chúa.[17]

b/. 1Cr 10:14-22

Khi ăn Mình Chúa là dự phần vào thân thể Ngài; vì chỉ có môt tấm bánh và tất cả chia sẻ cùng một bánh ấy, nên dù nhiều người, thì tất cả cũng chỉ là một thân thể. Trong câu 16, “thân thể” là thể xác cá nhân của Ðức Giêsu; trong câu 17, “thân thể” có nghĩa là gì? Là một “tập thể” hay “thân thể của Ðức Kitô”? Ý nghĩa không rõ ràng cho lắm. Vì có từ “koinonía” (thông hiệp) được dùng đến trong câu, nên có thể là thánh Phaolô đã muốn hiểu “thân thể” theo hai ý nghĩa: thông hiệp với Ðức Kitô và với nhau trong cùng một cộng đoàn như trong một thân thể.

c/. 1Cr 12:12-30

Ðoạn này dùng ngụ ngôn của Mennius Agrippa để nhắn nhủ cộng đồng Corinthians phải biết sống thống nhất và hợp nhất với nhau. Các bộ phận, tuy nhiều và khác nhau, thì cũng chỉ là một con người; xã hội nào rồi cũng vậy. Nhưng thánh Phaolô còn vượt quá bình diện tự nhiên này để tiến lên bình diện siêu nhiên: chúng ta là một thân thể không chỉ vì là thành viên của một tập đoàn, nhưng vì được chịu cùng một phép rửa trong cùng một Thần Khí. Trong Giáo Hội, các bộ phận chỉ là “một” trong Ðức Kitô. “Anh em là thân thể Ðức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12:27); một sự hiệp nhất có tính cách chức năng: những nhiệm vụ, dù khác nhau, nhưng có chung cùng một mục đích (xây dựng thân thể) và cùng một nguồn gốc (ân huệ của Thần Khí).[18]

d/. Rm 12:3-8

Ý nghĩa của đoạn này cũng tương tự như đoạn trên kia: chúng ta liên đới với nhau, như những bộ phận trong một thân thể. Các đặc sủng và tài năng khác nhau đều phải bổ túc cho nhau và giúp đỡ nhau: đó là ý nghĩa minh nhiên. Nhưng Phaolô lại viết thêm: “trong Ðức Kitô”, là nguồn liên đới siêu nhiên. Từ ý tưởng này đến ý tưởng “thân thể Ðức Kitô” chỉ còn một bước nhỏ, và mấy năm sau thánh Phaolô đã đi xong chặng cách ấy.

3. Nhiệm Thể Trong Các Ngục Trung Thư

Các thư viết cho tín hữu các giáo đoàn Philiphê, Colossae, Epheso và cho Philêmôn thường được gọi là ngục trung thư, vì thánh Phaolô viết các thư ấy lúc ngài bị giam trong ngục tù. So với các thư trước, thì trong hai thư gửi cho giáo hữu Epheso và Colossae, ngài bước một bước dài trong giáo thuyết về Thân thể Ðức Kitô. Trong 1Cr 12, chưa thấy được “đầu” khác với các chi thể khác như thế nào; trong khi trong Cl và Ep, đầu giữ một địa vị đặc thù. Ngoài ra, trong Cr và Rm tông đồ chú ý đến các cộng đoàn địa phương, còn đối với Cl và Ep, trọng tâm là Hội Thánh toàn thể. Ý tưởng căn bản của Phaolô nằm gọn trong câu Ep 1:22: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Ðức Kitô và đặt Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh”. Có thể tóm tắt ý nghĩa như sau: Ðức Kitô là sự viên mãn của Thiên Chúa; Giáo Hội là sự viên mãn của Ðức Kitô; vũ trụ là sự viên mãn của Giáo Hội. Nói cách khác: Ðức Kitô là Ðầu của Giáo Hội, Giáo Hội là thân thể Ngài; vũ trụ phục tùng Ðức Kitô qua Giáo Hội.[19]

a. Chúa Kitô Là Ðầu Của Hội Thánh

Nhiều lần thánh Phaolô đã gọi Ðức Kitô là “Ðầu”. Hậu cảnh của ẩn dụ này không phải nơi nào cũng như nhau; vậy cần phải xem xét văn mạch và ý niệm tiềm ẩn trong văn bản thì mới hiểu được tư tưởng của vị tông đồ. Sau đây là những bản văn chính viết về chủ đề Ðức Kitô là “Ðầu”:[20]

Ðầu: Ep 4:15-16: “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Ðức Kitô vì Ngài là Ðầu. Chính Ngài làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Ngài làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái”.

Ðầu mọi thiên phủ và uy linh: Cl 2:10: “Trong Ngài anh em được sung mãn: Ngài vốn là đầu mọi quyền lực thần thiêng”.

Ðầu của Hội Thánh: Ep 1:22: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Ðức Kitô và đặt Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh”.

Ðầu của thân thể Giáo Hội: Cl 1:18: “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”.

Ðức Kitô là đầu nghĩa là gì? Theo quan niệm Do Thái, đầu tượng trưng cho quyền bính và uy thế trong gia tộc (x. Xh 6:14), hoặc trong chi tộc (x. Ds 30:2), trong quân đội (x. Tl 11:8tt), hoặc trong quốc gia (x. Is 8:7). Theo quan niệm Hy Lạp, đầu là nguồn gốc của sức sống cho thể xác. Vì thế, Chúa Kitô là thủ lãnh và nguồn sống của Giáo Hội, chính vì “Ngài là đầu mọi quyền lực thần thiêng và anh em được viên mãn trong Ngài” (Cl 2:10).Vì vậy, muốn hiểu Giáo Hội (và chúng ta) thì cần phải tìm hiểu về Ðức Kitô trước đã.

b. Ðức Kitô Là Viên Mãn Của Thiên Chúa

Tín điều đầu tiên: “Ðức Giêsu là Chúa” (Cv 2:36; Pl 2:11) hàm chứa việc “mọi gối phải bái quỳ trước Danh Ngài”. Lý do tối hậu là vì Ngài là Thiên Chúa (x. Ga 20:28), và vì thế là “đầu hết và cuối hết, alpha và ômêga” (Kh 22:13) cũng như Ngài là “Vua các vua và Chúa các chúa” (Kh 19:16). Còn trong kế hoạch cứu độ, Chúa Cha đã để Ngài nắm trọn tối thượng quyền trên mọi sự (x. Cl 1:18-19).

Vì Ðức Kitô vừa là đầu của vũ trụ vừa là đầu của Giáo Hội, nên dây liên kết của Giáo Hội với thế giới phải đi qua Ðức Kitô. Ngài vừa là trung gian sáng tạo vừa là cứu cánh của mọi tạo vật, và cả hiện giờ Ngài đang làm cho mọi sự tồn tại; và chính với chức năng này mà Ngài là đầu của Giáo Hội (Cl 1:15-18).[21]

Hơn nữa, “Thiên Chúa đã vui lòng “cho tất cả viên mãn tích tụ ở nơi Người” (Cl 1:19): “viên mãn” (plếrôma) nghĩa là gì?[22] Có thể có hai ý nghĩa: cái làm đầy và cái được làm đầy: Ðức Kitô được tràn đầy thần tính, bởi vốn là Thiên Chúa, và đem chia sẻ sự viên mãn ấy với những ai ở trong Ngài. Ðức Kitô có tất cả: thần tính, nhân tính, là Tạo hóa và tạo vật; là trưởng tử mọi thụ sinh, là trưởng tử của các kẻ sống lại từ cõi chết; trong cương vị viên mãn ấy, Ngài là trung gian của việc sáng tạo và của công trình cứu độ: mọi sự có nhờ Ngài, bất cứ ai được cứu rỗi là đều nhờ Ngài…

c. Ðầu Làm Cho Thân Thể Sống Ðộng

Ðầu chuyển thông “những mạch sống” cho khắp thân thể, làm cho nó lớn lên và tăng trưởng (x. Ep 4:15-16). Ðầu cũng có chức năng kết hợp các chi thể làm một cơ thể, như là một “hiệp đồng cơ năng” vì lợi ích của toàn thân. Do đó, những nhiệm vụ khác nhau (tông đồ, ngôn sứ, giảng viên, chủ chăn,v.v…) đều hợp tác để xây dựng một thân thể duy nhất (Giáo Hội). Thần Khí là nguyên lý hợp nhất những khác biệt giữa các chi thể và tác dụng trong mỗi chi thể. Mọi năng lực trong Giáo Hội đều từ Ðầu phát xuất cả: mọi ân sủng đều là ân sủng của Ðức Kitô Ðầu và có tiềm lực “Kitô-hóa”. Chủ thể của các bí tích là Ðức Kitô; Chủ chăn duy nhất là Ðức Kitô,v.v…

d. Ðầu (Thủ Lãnh) Ðiều Hành Và Quản Trị Thân Thể

Tối thượng quyền của Ðức Kitô không chỉ là một vinh tước, nhưng được thể hiện qua việc điều hành và quản trị Giáo Hội. Ep 5:24 ghi nhận: “Giáo Hội tùng phục Ðức Kitô”, tức là để Ngài tác động và hướng dẫn mình. Như Ðức Giêsu vâng phục Chúa Cha, thì cũng thế, các môn đệ phải vâng phục Ðức Giêsu (x. Ga 14:23tt). Nếu quyền bính nào cũng do bởi Thiên Chúa mà có (x. Rm 13:1), và phải vâng phục chủ ông mình như Chúa Kitô (x. Ep 6:5), thì huống chi là trong Giáo Hội: “Ai nghe các con là nghe Ta” (Lc 10:16). Trong thân thể (Giáo Hội), mọi quyền bính đều bởi Ðầu mà ra. Ðầu (Ðức Kitô) không thiếu vắng, thế nên những “đại diện” của Ngài không có quyền xử thế như chính mình là chủ thật được (x. Mt 24:45-51), mà phải biết ý thức và tự coi mình chỉ là khí cụ của Chủ chăn duy nhất. Mặt khác, toàn cộng đoàn và mọi tín hữu cũng phải biết tùng phục các đại diện hữu hình của Ðầu vô hình.

4. Giáo Hội: Thân Thể Và Sự Viên Mãn Của Ðức Kitô

Kinh nghiệm trên đường Damas ghi đậm dấu vết trên toàn bộ thần học của thánh Phaolô. Lúc ấy ngài nghe Ðức Giêsu phán: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta” (Cv 9:24), và thoáng thấy, một cách nào đó, các Kitô hữu là chính Ðức Kitô! Từ đó, ngài suy ra ý niệm về Giáo Hội như là thân thể, và còn hơn nữa, như là chính Ðức Kitô (x. 1Cr 12:12). Ý nghĩa căn bản là Giáo Hội được đồng nhất hóa với Ðức Kitô, chia sẻ cùng một số phận, cùng một sứ mệnh. Thứ hai: trong Giáo Hội có nhiều thành phần khác nhau, mà vẫn là một thân thể duy nhất. Thứ ba: mọi chi thể phải kết hợp với Ðầu và qua Ðầu, phải liên kết với nhau. Thứ tư: những chức năng khác nhau để giúp thân thể vạän hành và hoạt động là do bởi Ðầu mà phát sinh, chứ không bởi thân thể. Cuối cùng, Giáo Hội chưa hoàn tất, vẫn còn đang lớn lên, và đang hướng về với Chúa Kitô.

Giáo Hội cũng là “viên mãn” (plerôma) của Ðức Kitô.[23] Một đàng vì Giáo Hội “được tràn đầy” mọi ơn phong phú của Ðức Kitô, những ơn cần phải được biểu lộ ra trong thế giới và phải được tiếp tục triển khai ra trong lịch sử để hoàn tất Ðức Kitô, tức là sứ mệnh của Ngài. Ðàng khác, dựa theo thánh Tôma, Ðức Giáo Hoàng Piô XII viết: “Một cách nào đó, có thể nói rằng Giáo Hội là phần bổ túc của Ðức Kitô, và Ngài tự hoàn thành chính mình về mọi phương diện trong Giáo Hội”.[24] Thánh Tôma viết: “Giáo Hội là sự viên mãn của Ðức Kitô, theo nghĩa là tất cả những gì là tiềm năng trong Giáo Hội, bằng một cách nào đó, đã được hoàn tất trong các chi thể của Hội Thánh Ngài”.[25] Các Giáo phụ Hy Lạp nói cho rằng công trình Nhập thể hoàn tất, khi vinh quang của Ðầu lan tỏa qua mọi chi thể. Thánh Augustinus cũng quan niệm tương tự như vậy: “Chúa Kitô toàn diện (totus Christus), Ðầu và các chi thể trong sự viên mãn của Giáo Hội… sự viên mãn của một con người”.[26]

Giáo Hội là lãnh vực thuộc toàn quyền Ðức Kitô, nghĩa là tràn đầy quyền năng cứu độ của Thiên Chúa; qua Giáo Hội Ðức Kitô thống trị trên thế giới và đưa dẫn nhân loại về với Chúa Cha: đó là sự viên mãn của chức năng trung gian. Là Chúa tể cần khôn (x. Ep 1:20-23), là Ðầu của Giáo Hội, Ðức Kitô thu hợp mọi sự thành một dưới quyền bính Ngài (x. Ep 1:10): đó là giáo lý của Vatican II về Giáo Hội, xác quyết Giáo Hội là “bí tích hiệp nhất”.[27] Ðàng khác, Ðức Kitô đã truất phế các quyền lực thần thiêng (một quan niệm hay một lối diễn đạt bình dân dựa theo thần thoại ngộ giáo) (x. Cl 2:15; Ep 1:21) và nhờ Giáo Hội, Ngài thống trị chúng (x. Ep 3:10): Thân thể Ðức Kitô là môi trường của tự do (x. Cl 2:16-22).

IV. LINH HỒN CỦA NHIỆM THỂ

“Ðể chúng ta không ngừng canh tân trong Người (x. Ep 4:23), Người đã cho chúng ta thông dự vào Thánh Thần của Người, là chính Ðấng duy nhất hiện hữu nơi Ðầu cũng như trong các chi thể, và hằng làm cho sống động, liên kết cũng như thúc giục toàn thân, khiến các thánh Giáo Phụ đã ví tác động của Chúa Thánh Thần với công việc mà linh hồn, nguyên lý của sự sống, hoàn thành nơi thân xác con người”.[28]

Khi hiểu Giáo Hội là một “thân thể”, thì đương nhiên sẽ đặt câu hỏi: “linh hồn” của Giáo Hội ở đâu? Nhưng rồi câu trả lời cũng được tự nhiên tìm thấy: linh hồn của Thân thể Ðức Kitô là Thần Khí của Ðức Kitô![29] Ðừng quên là ở đây phép ẩn dụ đang được dùng đến để biểu đạt. Dù thần học có thể nói rằng tương quan giữa Thánh Linh và Giáo Hội giống như tương quan giữa hồn và xác; nhưng, vì đây là phạm vi mầu nhiệm, nên cần phải nói rõ ngay là lối diễn đạt thần học dùng đến trên đây là lối diễn đạt theo phép loại suy, và vì thế phần tương dị thì lớn hơn hẳn phần tương đồng.

1. Giáo Lý Kinh Thánh

Trong Kinh Thánh, vai trò của Thánh Linh trong Giáo Hội được quan niệm là tương tự như vai trò của linh hồn trong thể xác.[30] Trước tiên, Ngài là nguyên lý hiệp nhất của cộng đoàn và của toàn thể Hội Thánh (x. 1Cr 12:12-24; Ep 4:3-4), vì Ngài là nguyên lý hiệp nhất của đức tin (x. Ga 14: 16.17.26) và của thể chế (x. Cv 20:28; 1Cr 12). Thần Khí là nguyên lý sự sống của Giáo Hội, vì mọi Kitô hữu đã được sinh ra bởi Ngài qua Phép rửa (x. Ga 3:5; Tt 3:5), và Ngài hằng cư ngụ trong họ (x. Rm 8:9; 1Cr 6:19) làm cho họ sống (x. Gl 5:25). Trong thân thể Giáo Hội, Thần Khí là nguồn xuất phát của mọi đoàn sủng và, qua chúng, của những “cơ năng” (nhiệm vụ) khác nhau (x. 1Cr 12:4t; Rm 12:4-8; Ep 4:11). Thật ra, Thần Khí đóng cùng một vai trò trong các chi thể cũng như nơi Ðầu (x. Rm 8:9-11). Một xác không hồn là một thây ma. Giáo Hội cũng như mỗi chi thể mà không có Thần Khí thì cũng chẳng khác chi những thây ma: chẳng làm gì được, chẳng còn là gì về mặt siêu nhiên, trong kế hoạch cứu độ.

2. Theo Truyền Thống: Thần Khí Là Linh Hồn Của Giáo Hội

Những lý chứng về điểm này thì vô kể.[31] Ở đây, chỉ xin đan cử một vài thí dụ. Bên Ðông phương, thánh Gioan Kim khẩu viết: “Sự duy nhất của Thánh Linh là gì? Như trong thân thể chỉ có một tâm linh ở mọi chi thể và làm cho tất cả thành một; Thánh Linh cũng hoạt động tương tự như thế ở trong Giáo Hội. Ngài đã được ban cho để kết hợp mọi dị biệt giữa những chủng tộc hoặc phong hóa khác nhau: kẻ già với người trẻ, người giàu với kẻ nghèo, hạng nhỏ bé với hàng lớn mạnh, nam giới với nữ giới, mọi người trong Giáo Hội nên một, được nối kết chặt chẽ với nhau hơn cả trong một thân thể duy nhất”.[32] Bên Tây phương, thánh Augustinus còn miêu tả minh nhiên hơn: “Hãy thử xem các chi thể của chúng ta: thân thể do nhiều chi thể hợp thành; nhưng chỉ có một tâm linh hiện tồn và hoạt động trong mọi chi thể… Tâm linh chúng ta như thế nào, nghĩa là linh hồn chúng ta đối với các chi thể mình thế nào, thì Thánh Linh cũng như vậy đối với các chi thể của Ðức Kitô, đối với thân thể Ðức Kitô là Giáo Hội”.[33]

3. Giáo Huấn

Trong Thông điệp Divinum illud (năm 1897), Ðức Giáo Hoàng Leo XIII, đã đề cập đến chủ đề này và kết thúc với câu viết như sau: “Nếu cần rút gọn mà nói thì chỉ phải lưu ý rằng nếu Ðức Kitô là Ðầu của Giáo Hội, thì Thánh Thần là Linh hồn của Giáo Hội”.[34] Ðặc biệt, trong Mystici Corporis (năm 1943) Ðức Giáo Hoàng Piô XII cũng đã khai triển tư tưởng này: vì Thánh Thần là “Thần Khí của Ðức Kitô” hoặc “Thần Khí của Con” (Rm 8:9; 2Cr 3:17; Gl 4:6), ắt hẳn cũng là “linh hồn của Giáo Hội”.[35] Công Đồng Vatican II đã phê chuẩn giáo lý này: “Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần hợp nhất toàn thể Giáo Hội bằng niềm hiệp thông và việc thực thi tác vụ, ban phát cho các ơn phẩm trật và đoàn sủng khác nhau, để, tựa như linh hồn, chuyền sức năng sinh động cho các định chế trong Giáo Hội…”.[36] Thánh Linh là nguyên lý trực tiếp của sức sống trong Giáo Hội. Ðức Kitô (Ðầu) chuyển thông Thánh Linh của Ngài để thánh hóa thân thể. Hiến chế Lumen Gentiumđã diễn tả hoạt động của Thánh Linh bằng ba động từ căn bản: vivificat (“làm sống động”), unificat (“thống nhất”)movet (“thúc giục”). Kinh Tin kính tuyên xưng: “Thánh Thần là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống”.[37] Công Đồng đã nói lên lại niềm xác tín này trong nhiều lần và nhiều đoạn của các văn kiện.[38]

Thánh Linh cũng là nguyên lý tăng trưởng của Giáo Hội. Ngài luôn canh tân Thân thể Ðức Kitô khiến Giáo Hội tiến phát lên mãi trong lịch sử loài người cho đến khi đạt sự viên mãn trong Thiên Chúa.[39] Là linh hồn của hoạt động truyền giáo, Thánh Linh làm cho Giáo Hội phát triển lớn mạnh.[40] Hơn nữa, Ngài còn “thúc đẩy” Giáo Hội cộng tác với Ngài trong việc rao truyền Tin Mừng, đến nỗi lòng nhiệt thành truyền giáo được coi là dấu chỉ khả giác của sự việc Thánh Linh thực sự hiện diện trong Giáo Hội; và ngược lại, khi thấy một Giáo Hội không còn để tâm cho lo cho công tác ‘phúc-âm-hóa’ môi trường xã hội của mình nữa, thì có thể có lý để nghi ngờ là không biết Giáo Hội ấy còn sống theo Thánh Linh hay không…

Tuy nhiên, cần phải biết dùng đến điểm giáo lý này cho cẩn thận, vì Thánh Linh và Giáo Hội không phải và cũng không bao giờ trở nên một “ngôi vị” độc nhất: Chúa Ngôi Ba đã không nhập thể vào trong Giáo Hội! Hơn nữa, khác với “linh hồn”, Thánh Thần có thể hoạt động từ ngoài thân thể.

KẾT LUẬN

Thần học về Nhiệm thể giúp cho hiểu khía cạnh “nhiệm mầu” của Giáo Hội. Dù Vatican II có nhận ra một sự tương tự nào đó so với mầu nhiệm nhập thể,[41] nhưng cũng đã cố tránh khai triển giáo lý theo chiều hướng và cách kiểu ấy, và cũng đã tránh dùng lối nói Giáo Hội là Ðức Kitô “kéo dài” ra trong lịch sự,[42] bởi rốt cuộc Giáo Hội chỉ là một tạo vật. Ðàng khác, quan niệm thánh Phaolô nói lên trong hai thư Colossae và Epheso, không hoàn toàn ăn khớp với cơ cấu trần thế của Giáo Hội. Nhưng là cái gì rộng hơn, là hiện thân của mầu nhiệm cứu độ và canh tân vũ trụ: Giáo Hội cụ thể là môi trường trong đó, mầu nhiệm ấy tỏ hiện rõ ràng nhất.

Là thân thể Ðức Kitô, Giáo Hội trước hết là một thực thể thuộc về Ngài, và như Ngài là một, thì Giáo Hội cũng là duy nhất. Tuy nhiên, những chi thể khác nhau, tức những chức năng và nhiệm vụ khác nhau, là yếu tố cấu tạo thân thể: độc nhất tính và đa dạng tính đều thuộc bản chất của thân thể này. Là thân thể của Ðức Kitô vinh hiển, Giáo Hội là bí tích của Ngài ở giữa lòng lịch sử loài người.

Nói cho đúng ra, “nhiệm thể” là Thánh Thể; Giáo Hội và bí tích này “tương thuộc” với nhau. Giáo Hội cử hành Thánh Lễ là hiện thực hóa chính bản chất của mình: kết hiệp với Ðầu trong sự khác biệt của các chi thể (giáo phẩm và giáo dân), và đồng thời kín múc nhựa sống từ nguồn mạch trường sinh.

Nhiệm thể thì rộng lớn hơn Giáo Hội hữu hình, và còn tiếp tục lớn lên mãi cho đến khi đạt đến mức viên mãn Chúa Cha đã ấn định từ muôn thuở. “Ðức Kitô toàn thể”, “Adam mới” này chỉ có thể đạt tới mức hoàn hảo toàn vẹn khi mọi chi thể của Ngài đã được tháp nhập vào thân thể Ngài. Giáo Hội có một chiều kích cánh chung, và chiều kích ấy sẽ thành tựu trọn vẹn khi Ðức Kitô quang lâm với hết mọi chi thể – đích danh hay vô danh – của Ngài, những kẻ mà chỉ một mình Thiên Chúa biết lòng tin của họ.

 

 

 


[1]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 7a.

[2] Thông điệp Mystici Corporis: AAS 35 (1943), pp. 199. Xem tác phẩm của Louis Bouyer, L’Église de Dieu, corps du Christ et temple de l’esprit, Paris 1970; Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 782-795.

[3] Xem De Lubac, H., Corpus mysticum. L’Eucharistie et l’Église au Moyen Âge, Paris: Aubier (2e éd.) 1949.

[4] “Hãy nhìn coi gương mặt của Hiền thê ta bị biến dạng như thế nào; gương mặt nàng bị lờ lói vì ô uế, lòng tự ái, kiêu căng và tham lam của những kẻ sống… trong Kitô giáo là thân thể phổ quát. Tôi cũng nói như thế về nhiệm thể Giáo Hội, tức là những thừa tác viên của Giáo Hội..”. trong Libro della divina dottrina, c. 14, trong Scrittori d’Italia, Bari 1912, tr. 33.

[5]Đức Giáo Hoàng Bonifaxiô VIII, Sắc chỉ Unam sanctam, 1302: DS 870.

[6] AAS 35 (1943) 221t.

[7] Xem: George, A., “Jésus. La vigne véritable (Jn 15: 1-17)” trong Logos 2 (Tokyo 1960) 148-167.

[8] Stienstra, N., YHWH is the Husband of His People, Kampen: Pharos 1993.

[9] Các nhà chú giải không đồng ý với nhau về ý nghĩa Giáo Hội học của dụ ngôn này.

[10] Fekkes, J., “‘His Bride Has Prepared Herself’: Revelation 19-21 and Isaia Nuptial Imagery”, Journ.of Bibl. Lit. 109 (1990), pp. 269-287.

[11] Xem Batey, R.A., New Testament Nuptial Imagery, Leida: Brill 1971.

[12] Xem Cerfaux L., La théologie de l’Église (3e éd.) 272-275; Best, E., One Body in Christ, London: SPCK 1955.

[13] Enarrationes in Psalmos, 103.6, PL 37.1381.

[14] Sermo 195.2, PL 38.1018.

[15] Seneca, Epistola 95.51.

[16] Xem Robinson, J.A.T., The Body (2nd ed.), London 1977.

[17] Guénel, V., (ed.), Le corps et le corps du Christ dans la première Épỵtre aux Corinthiens. Congrès de l’ACFEB, Tarbes 1981, Paris: Cerf 1982.

[18] Xem Havet, J., “Christ collectif ou Christ individuel en 1Cor 12,12?”, Ephem. Theol. Lovan. 23 (1947) 499-520; idem, “La doctrine paulinienne du ‘Corps du Christ’ Essai de Mise au point”, trong Deschamps, A., et alii (eds), Littérature et théologie Pauliniennes, Paris 1960, 184-216; Ramaroson, L., “’L’Eùglise, corps du Christ’ dans les écrits pauliniens”, Sciences Eccl. 30 (1978) 129-141.

[19] Xem Schnackenburg, R., The Epistle to the Ephesians. A Commentary, Edinburgh:T&T Clark 1991, đặc biệt “Appendix: The Church in the Epistle to the Ephesians” trg. 293-310; Usami, K., Somatic Comprehension of Unity: The Church in Ephesians, AB 101, Roma 1983.

[20] Xem Schlier, H., “Kephalê, anakephalaiomai” trong Theol. Dict.of the New Test. III, 673-682.

[21] Muốn tìm hiểu về các văn bản này, xin xem Aletti, J.N., Colossiens 1,15-20. Genre et exégèse du texte. Fonction de la thématique sapientielle, AB 91, Roma 1981.

[22] Xem Feuillet A., “Plérôme” trong Diction. Bibl. Supplément, VIII, 1972, 18-40.

[23] Về điểm này xin xem Benoýt, P., “Corps, tête et plérôme dans les épỵtres de la captivité”, Revue Biblique 63 (1956) 5-44; de la Potterie, I., “Le Christ, Plérôme de l’Église”, Biblica 58 (1977) 500-524; Mersch, E., Le Corps Mystique du Christ, II, ch. iv.

[24] Mystici Corporis, 230, DS 3813.

[25] Thánh Tôma, In Ephes. I, lect. 8.

[26] Sermo 341, PL 39. 1493.

[27]Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 1a.

[28] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 7g.

[29] Thánh Piô X gọi Thánh Thể là “linh hồn của Giáo Hội” (DS 3364).

[30] Xin xem: Haya-Prats, G., L’Esprit force de l’Église. Sa nature et son activité d’après les Actes des Apôtres, Paris: Cerf 1975.

[31] Xin xem: S. Tromp, De Spiritu Santo anima corporis mystici: testimonia selecta ex SS.Patribus, Roma 1932 (hai cuốn).

[32] In epistulam ad Ephesios homiliae 9.3, PG 62.72.

[33] Sermo 268.2, PL 38.1232.

[34]Ðức Giáo Hoàng Leo XIII, Thông điệp Divinum illud, năm 1897: DS 3328.

[35]Ðức Giáo Hoàng Piô XII, Mystici Corporis, năm 1943: DS 3807tt.

[36]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 4.

[37] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 7g.

[38] Thí dụ: “Nhờ Thánh Thần, Chúa Cha hồi sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi” (LG 4). Nhờ Ngài Ðức Kitô “làm sống động toàn thân” (LG 7); “làm sống động toàn thể cơ cấu” của Giáo Hội (LG 8a); vì Ngài là “Chúa và là Ðấng ban sự sống” (13a), “ban sự sống cho giáo dân” (34a), “cho các môn đồ” (48b), “cho Dân Chúa” (AA 29c), “cho các thừa tác viên” (PO 12c); “cũng chính Người sẽ làm sống động thân thể hay hư nát của anh em nhờ Thánh Thần Người ở cùng anh em” (GS 22d).

[39] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 7g,h.

[40]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 5.

[41] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 8a: “Nhờ phương thức loại suy xác đáng, chúng ta có thể ví Giáo Hội với mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể; thực vậy, nhân tính được Ngôi Lời Thiên Chúa mặc lấy hầu phục vụ Ngài như cơ quan cứu rỗi sống động, và kết hợp với Ngài cách bất khả phân ly, thì cũng thế, toàn thể cơ cấu xã hội của Giáo Hội phục vụ Thần Khí của Chúa Kitô, Ðấng làm cho Giáo Hội sống động để toàn thân thể được lớn lên (x. Ep 4;16)”.

[42] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 52a: “Mầu nhiệm cứu độ thần linh này được mạc khải cho chúng ta và vẫn tiếp tục trong Giáo Hội, Giáo Hội mà Ðức Chúa đã lập nên làm thân thể Ngài…”.