LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP
1/ Bài đọc I: Đn 7,9-10.13-14
9 Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an tọa.
Áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền.
Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng.
10 Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Người,
vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan. Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra.
13 Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện.
14 Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị;
muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người.
Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.
2/ Bài Đọc II: 2 Pr 1,16-19
16 Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người.
17 Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”.
18 Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người. 19 Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em.
3/ Phúc Âm: Mt 17,1-9
1 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! “6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ! “8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.
9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”
——————————————
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lịch sử làm chứng cho Đức Kitô.
Niềm tin của con người vào Đức Kitô là niềm tin có nền tảng lịch sử, chứ không dựa trên những chuyện hoang đường hay thêu dệt. Niềm tin này dựa vào lời của rất nhiều chứng nhân có thế giá trong lịch sử mà con người có thể kiểm duyệt và trí khôn con người có thể hiểu được.
Các Bài Đọc trong ngày lễ Chúa Biến Hình hôm nay muốn nói lên tiến trình lịch sử đó. Trong Bài Đọc I, tiên tri Daniel (khoảng 200 BC) được Thiên Chúa tỏ cho thấy qua các thị kiến, sự xuất hiện của Con Người sau triều đại của bốn đế quốc Assyria, Media, Persia, và Hy-lạp. Ngài tuy có dáng vẻ con người, nhưng có nguồn gốc từ trời. Ngài lãnh nhận vương quyền từ Chúa Cha, và sẽ thống trị mọi dân nước, vương quốc của Ngài sẽ tồn tại muôn đời. Trong Phúc Âm, trước khi Chúa Giêsu lên Jerusalem để chấp nhận Cuộc Tử Nạn, Ngài đem ba môn đệ Phêrô, Giacôbê, và Gioan lên núi để tỏ cho các ông thấy vinh quang và thánh ý của Thiên Chúa. Các ông đã được thấy ông Moses và ngôn sứ Elijah đàm đạo với Chúa Giêsu về những gì sắp xảy ra tại Jerusalem, và nhất là các ông được nghe thấy tiếng Chúa Cha làm chứng và khuyên bảo: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Trong Bài Đọc II, Phêrô làm chứng sự vinh quang và uy quyền của Chúa Giêsu bằng cách thuật lại kinh nghiệm mình đã được chứng kiến trên núi, và lời các ngôn sứ trong Kinh Thánh đã làm chứng cho Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị.
1.1/ Thị kiến về Chúa Cha, Đấng Lão Thành: Tiên-tri Daniel tường thuật thị kiến này sau thị kiến 4 con thú của trần gian: “Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an toạ. Áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền. Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng. Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan. Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra.”
+ Về phương diện lịch sử, hầu hết các nhà chú giải đều đồng ý thị kiến 4 con thú tượng trưng cho 4 đế quốc: Assyria, Media, Persia, and Greece; như đã được Daniel giải thích cho vua Nabuchanezzar về giấc chiêm bao của nhà vua: một tảng đá bay tới đập vỡ bức tượng làm bằng những kim loại khác nhau trong chương 2. Sau triều đại của 4 vương quốc này sẽ là triều đại của Con Người.
+ Thiên Chúa, Đấng Lão Thành, là Người điều khiển lịch sử của vũ trụ. Ngài có uy quyền trên tất cả vua chúa trần gian và mọi người. Ngài có thể cho một vua trần gian hùng mạnh để thiết lập một đế quốc; và có thể xóa tan đế quốc đó để thiết lập một triều đại mới. Khi Ngài đã quyết định, không gì có thể lay chuyển được. Sự kiện viên đá bỗng dưng bay tới đập nát bức tượng nói lên uy quyền thống trị của Thiên Chúa.
1.2/ Thị kiến về Con Người và sứ vụ được trao từ Đấng Lão Thành: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một con người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện.”
+ Con người này “đang ngự giá mây trời mà đến,” có nghĩa: nguồn gốc của ngài là từ trời, chứ không phải từ đất như bốn con thú trong đầu chương. Giống như 4 con thú tượng trưng cho vương quốc của trái đất, Con Người này tượng trưng cho vương quốc của Nước Trời.
+ Sứ vụ của Con Người: “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia, và ngôn ngữ, đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.” Con Người này sẽ làm vua toàn thể vũ trụ, không trừ một quốc gia nào cả. Quyền thống trị và vương quốc vĩnh cửu của Người ám chỉ Người sẽ sống muôn đời, và không một quyền lực của vũ trụ có thể thắng được quyền lực của Ngài.
2/ Bài Đọc II: “Lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm.”
Phêrô muốn chứng minh cho các tín hữu những gì ông nói về Đức Kitô không phải là chuyện hoang đường thêu dệt ra; nhưng có cơ sở nền tảng của hai nhân chứng: kinh nghiệm và Kinh Thánh.
2.1/ Kinh nghiệm được xem thấy Chúa biến hình của Phêrô: Bài Tin Mừng của Marcô bên dưới xác tín những gì thánh Phêrô nói ở đây: “Khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người.” Phêrô là một trong ba môn đệ đã được chứng kiến vinh quang biến hình của Đức Kitô.
Không những được xem thấy vinh quang của Đức Kitô; Phêrô còn được nghe thấy tiếng Chúa Cha làm chứng về Ngài như sau: “Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến.” Đây là lời chứng rất quan trọng cho niềm tin của các tông-đồ, vì nó giúp các ông đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa; nhất là trong biến cố tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.
2.2/ Kinh nghiệm của Phêrô được củng cố bởi lời các ngôn sứ: Ngoài kinh nghiệm cá nhân và lời chứng của hai tông-đồ Giacôbê và Gioan, Phêrô còn có lời chứng của Kinh Thánh qua lời các ngôn sứ. Ông quả quyết: “Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em.” Ngôn sứ đầu tiên chúng ta đã nhìn thấy trong Bài Đọc I hôm nay là Daniel; ngoài ra chúng ta còn thấy rất nhiều những chứng từ của các ngôn sứ khác như: Isaiah, Jeremiah, Ezekiel, Amos, Micah … nói về Đấng Thiên Sai.
Phêrô chú trọng đặc biệt về chứng từ của Kinh Thánh: Sách Lề Luật, Ngôn Sứ, và Thánh Vịnh, vì người Do-thái tin tưởng vào thế giá của những Sách này. Trong Bài Giảng trước dân chúng (Acts 3:12-26) và trước Thượng Hội Đồng (Acts 4:8-21), Phêrô quan tâm đặc biệt đến thế giá của Kinh Thánh nói trước về sự phục sinh của Đức Kitô. Nếu con người chịu khó tìm hiểu và học hỏi Kinh Thánh, họ sẽ được soi sáng để hiểu những gì còn tối tăm mù mịt nơi những đoạn văn khó hiểu vì toàn bộ Kinh Thánh đều được linh hứng bởi một Thánh Thần.
3/ Phúc Âm: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”
3.1/ Tại sao Chúa Giêsu mặc khải vinh quang của Ngài chỉ cho ba môn đệ? Để hiểu mục đích, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của các câu này trong nội dung và bối cảnh lịch sử của nó.
+ Sáu ngày sau: là sáu ngày sau lời tuyên xưng của Phêrô vào thần tính của Đức Kitô tại Carsarea Philippi, và sự kiện ông ngăn cản Chúa Giêsu đừng lên Jerusalem để phải đi ngang qua cuộc khổ nạn.
+ Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu đã gần kề. Hai điều quan trọng Chúa Giêsu muốn các môn đệ nắm vững: (1) Các ông phải biết rõ Ngài là ai. Điều này đã được giải quyết phần nào khi Phêrô đại diện cho các môn đệ tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (2) Cách thức Ngài giải phóng nhân loại là qua Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh. Điều này các tông-đồ chưa nắm vững, đó là lý do Phêrô kéo Chúa Giêsu ra một nơi và ngăn cản Ngài. Như hầu hết người Do-thái đương thời, các ông tin vào một Đấng Thiên Sai uy quyền sẽ dùng quyền năng để chinh phục và thống trị nhân loại. Các ông không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và chết trên Thập Giá. Vì thế, Chúa Giêsu muốn đưa ba tông-đồ lên núi để các ông xác tín mối liên hệ của Ngài với Thiên Chúa, con đường khổ nạn Ngài sắp phải đi qua theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, và cho các tông-đồ nhìn thấy vinh quang trước khi phải đương đầu với cuộc khổ nạn của Ngài.
+ Sự hiện diện của Moses và Elijah: Moses tượng trưng cho các Sách Lề Luật vì Thiên Chúa ban Thập Giới và các thánh chỉ qua Moses. Ông được coi là nền tảng của Lề Luật, và biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn vẹn, hoàn hảo. Elijah tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ. Tiên-tri Elijah được coi là ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ vì những lời rao giảng và uy quyền làm phép lạ, và biến cố hôm nay chứng tỏ Sách Ngôn Sứ phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự hoàn hảo của các lời tiên-tri về Đấng Thiên Sai.
+ Họ đàm luận với nhau về điều gì? Căn cứ vào những lời thắc mắc của các tông-đồ bên dưới, chúng ta có thể xác tín, chủ đề của cuộc đàm đạo là: biến cố Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Trình thuật của Lucas nói rõ chủ đề của cuộc đàm đạo là biến cố từ biệt sắp xảy ra tại Jerusalem (Lk 9:30-31). Như thế, cả hai: Lề Luật và Ngôn Sứ đều làm chứng và tìm thấy sự hoàn hảo của mình nơi Đức Kitô, nhất là trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Ngài.
3.2/ Lời truyền của Thiên Chúa Cha: Đây là lần thứ hai Chúa Cha làm chứng cho Đức Kitô là Người Con Một yêu dấu của Ngài; lần đầu xảy ra khi Chúa Giêsu được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tại sông Jordan. “Hãy vâng nghe lời Người” là một lời truyền tối quan trọng cho các môn đệ của Đức Kitô. Đối với các tông-đồ, Thiên Chúa muốn các ông phải vâng nghe những gì Đức Kitô đang mặc khải cho các ông, dù những điều này không phải những gì các ông muốn về Đấng Thiên Sai; nhưng lại là kế hoạch của Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Đức tin của chúng ta có được là do Thiên Chúa mặc khải và do lời chứng của những người có thế giá trong lịch sử ghi nhận lại.
– Con người không dễ chấp nhận con đường đau khổ và Thánh Giá; nhưng đối với chúng ta là những người có đức tin, đau khổ và Thánh Giá là kế hoạch Thiên Chúa dùng để cứu độ con người.