Thần bí và Ngôn sứ – Truyền thống Đa Minh: Chương 4

0
874

Thần bí và Ngôn sứ
Truyền thống Đa Minh

Richard Woods O.P.

Lớp Thần I, niên học 2020-2021 biên dịch.

——————–

Chương 4.

BIẾT THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG KHÔNG THỂ BIẾT:
BA CON ĐƯỜNG CỦA TÔMA AQUINÔ

Đừng kể thánh Augustinô, không có một nhân vật nào có tầm ảnh hưởng sâu xa đối với thần học Kitô giáo cho bằng Tôma Aquinô, vị tu sĩ người Ý trầm lặng từng được các học trò của ngài và cả thế giới biết đến với biệt hiệu “Con Bò Câm”. Thường thánh Tôma Aquinô được biết đến như một nhà triết học và thần học hơn là một văn sĩ tâm linh. Tuy nhiên, tiếp theo những nghiên cứu của cha M.-D. Chenu, cha Jean-Pierre Torrel đã cho thấy rằng sự nghiệp học thuật của thánh Tôma không thể nào tách rời khỏi đời sống tâm linh cá nhân của ngài, và đặt nền trên căn tính Đa Minh của ngài. Hơn nữa, giáo huấn của ngài chắc chắn dẫn đến việc thực hành tâm linh.1 Cha Torrell khẳng định:

không những con người thánh nhân không thể tách ra khỏi nhà triết học hay thần học, nhưng cả ba lĩnh vực biến ngài thành một “bậc thầy tâm linh”. Đối với Tôma, việc suy tư sâu xa về đức tin là một con đường dẫn đến sự thánh thiện, và điều này được chứng tỏ nơi các tác phẩm của ngài. Những ai đã nghiên cứu kỹ lưỡng học thuyết của ngài sẽ dễ nhận ra điều ấy, còn những ai chỉ quen biết ngài cách hời hợt thì không nhận ra. Quả là một sự thiệt thòi đáng kể, và đối lại, sẽ thu nhận một cảm nghiệm hữu ích nếu biết đọc các tác phẩm thánh Toma một cách khác.2

Từ đó, cha Torell muốn cho thấy rằng “thần học tràn ngập vào đời sống tâm linh hoặc, nếu muốn, vào đời sống thần bí.”3 Một thế hệ trước đó, cha Raymond Martin đã nhận xét tương tự như thế: ‘Không có đạo lý thần bí nào nhân bản hơn và thần linh hơn đạo lý tâm linh do vị tiến sĩ Thiên thần đã dày công nghiên cứu…. Thánh Tôma là lãnh tụ của Thần học thần bí.

CUỘC ĐỜI HỌC GIẢ

Sinh vào mùa đông năm 1225-1226, Tôma là người con thứ mười một và con trai út của Lãnh chúa Landulf Aquinô và Phu nhân Theodora, một gia đình quý tộc người Ý gốc Đức đặt cư sở tại Roccasecca, gần Napoli. Khi được năm tuổi, cha mẹ đã gửi cậu đến học tại trường dòng Biển Đức ở Monte Cassino gần đó, hy vọng rằng một ngày nào đó cậu sẽ trở thành viện phụ.

Khoảng năm 1239, khi Tôma được mười ba tuổi, Monte Cassino bị Hoàng đế Frederick II xâm chiếm và các tu sĩ bị trục xuất. Tôma trở về nhà, nhưng nhờ các thầy giáo tại đan viện, anh được gửi đi học tiếp tại Đại học Napoli. Tại đây, anh cảm thấy được thu hút vào triết học Aristote, mới được du nhập bởi một trong những vị giáo sư là Phêrô người Ireland. Tôma cũng đã gặp những tu sĩ Đa Minh và đã quen thân với Gioan San Giuliano. Người bạn này đã rủ anh vào Dòng khi thấy anh có cảm tình với lối sống tu trì mới mẻ, kết hợp giữa việc học hành với sự thanh bần của Phúc âm, giảng thuyết và nét đơn sơ Tin mừng.

Gia đình của Tôma đã hết sức ngỡ ngàng khi Tôma mặc áo dòng Đa Minh. Với hy vọng khiến cậu thay đổi ý định, các anh của cậu đã bắt giam và trong hơn mười lăm tháng đã cố gắng dùng nhiều cách để ép cậu đối ý. Giống như Con Bò bất kham, cậu thiếu niên chống lại mọi lời dụ dỗ từ bỏ cuộc cam kết mới của mình, và cuối cùng đã được giải thoát khỏi sự giam cầm nhờ sự can thiệp của bà mẹ.

Được gửi đến học viện của anh em Đa Minh tại Đại học Paris, Tôma đã hoàn thành năm tập của mình vào năm 1245. Anh sớm chịu ảnh hưởng của một trong những đầu óc sáng suốt nhất thời ấy là giáo sư Albertô Lauingen, người theo truyền thuyết đã nhanh chóng nhận ra được thiên tài của ‘con bò câm’ vĩ đại vỗn bị các sinh viên khác chế nhạo. Vào năm 1248, nhà triết học, thần học và khoa học vĩ đại người Đức đã chọn Tôma đi tháp tùng đến Cologne để thành lập một studium generale (trung tâm học vấn) mới, nơi mà nhanh chóng trở thành trụ sở của một trường đại học khác. Ở đó, người tu sĩ trẻ dòng Đa Minh đã hoàn thành chương trình đào tạo nền tảng, được thụ phong linh mục vào năm 1250, và được gửi trở lại giảng dạy ở Paris và trở thành Magister in Sacra Pagina – học hàm cao nhất thời ấy.

Không lâu sau, Tôma thấy mình bị cuốn hút vào các cuộc tranh luận với các giáo sư khác, phần lớn tập trung quanh việc sử dụng triết học Aristotle do Albertô, Tôma, và những người cấp tiến khác. Tôma cũng bị nghi ngờ vì cũng là một thành viên của Dòng Đa Minh, những người cùng với các tu sĩ Dòng Phanxicô và những tu sĩ hành khất khác, vốn bị các giáo sư bảo thủ và nhiều giám mục khinh thường.

Là một nhà tranh luận tài giỏi, Tôma đã đánh bại một trong số bộ óc nhạy bén nhất trong trường đại học trong cuộc tranh luận chính thức, bao gồm Giám mục tương lai của Paris, Etienne Tempier, và Tổng giám mục tương lai của Canterbury, John Pecham, cả hai đều đã vận động việc lên án đạo lý của Tôma tại Đại học Paris và Oxford sau khi ngài qua đời vào năm 1274. Tuy nhiên, mặc dù bận bịu với các cuộc tranh luận trong phần lớn sự nghiệp học thuật của mình, Tôma cũng có những người bạn và đồng minh quan trọng, trong đó Vua Louis IX nước Pháp và Giáo hoàng Urbanô IV.

Chính tại Paris vào năm 1259, Tôma bắt đầu soạn kiệt tác đầu tiên của mình, cuốn Summa contra Gentiles: tổng luận chống ngoại giáo, với ý định như một cuốn cẩm nang dành cho các nhà truyền giáo làm việc với những người ngoài Kitô giáo. Cùng năm đó Ngài đã chuyển đến Napoli để giảng dạy tại trường đại học, rồi, từ năm 1261 đến năm 1265, giảng dạy tại Orvieto, dinh của Giáo hoàng Urbanô IV, nơi ngài sáng tác, theo yêu cầu của đức thánh cha, bản kinh phụng vụ Lễ Mình Máu Thánh Chúa, một bản văn thi phú trang nhã nhất và đạo đức thâm thúy nhất trong tất cả các tác phẩm của Tôma.

Tại Rôma vào năm 1264, lúc này đã 38 tuổi, Tôma bắt đầu biên soạn bộ sách Summa Theologiae, Tổng luận Thần học đồ sộ của mình, tác phẩm nhằm giới thiệu cho các sinh viên mới bắt đầu học. Tác phẩm đã chiếm lấy phần lớn thời gian của ngài cho đến khi qua đời mười năm sau đó. Trong thập kỷ này, ngài cũng giảng dạy tại Viterbo và từ năm 1269 đến năm 1272, trong nhiệm kỳ thứ hai, ngài trở lại Paris với tư cách là Giáo sư chủ nhiệm (Magister regens) vào một thời kỳ đặc biệt quan trọng. Các giáo sư triều của trường đại học đã mở ra một cuộc tấn công nghiêm trọng khác chống lại Dòng Đa Minh và Phanxicô, cũng như khơi lên những tranh luận mới chung quanh học thuyết Aristotle.

Tôma đã dành sự quan tâm sâu sắc trong cả hai cuộc tranh luận, nhưng vào cuối năm 1272 ngài đã trở lại Napoli để giảng dạy. Tại đó, vào ngày 6 tháng 12 năm 1273, ngài bị một cơn đột quỵ khiến ngài bị khiếm khuyết một phần khả năng nói và không thể viết. Được Đức giáo hoàng triệu tập dự Công đồng hoàn vũ tại Lyon, với hy vọng hợp nhất Kitô giáo giữa Đông và Tây, Tôma đã lên đường sang Pháp vào đầu năm sau. Có lẽ vì bị bệnh, ngài phải di chuyển bằng việc cưỡi một con la, và ngài đã chạm đầu vào một cành cây rũ xuống mà những người đồng hành của ngài đang đi bộ không chú ý. Lúc đầu, ngài có vẻ không hề hấn gì, nhưng dần dần có dấu hiệu cho thấy ngài đã bị chấn thương ở đầu, có lẽ là tụ máu dưới màng cứng.

Khi tình trạng trở nên trầm trọng hơn, Ngài đã được đưa đến nhà của bà chị Francesca. Nhận thấy cái chết đang cận kề, Tôma yêu cầu được đưa đến một nhà dòng. Tại đan viện Xitô ở Fossanuova, ngài đã qua đời vào ngày 7 tháng 3 với sự hiện diện của các tu sĩ thân thiết, cả Phanxicô và Đa Minh, cũng như các đan sĩ và một số thân nhân.

Trong vòng ba năm, đối thủ cũ của Tôma, Giám mục Etienne Tempier và Edward Kilwardby O.P. Tổng Giám mục Canterbury, đã đưa ra hơn một trăm mệnh đề rút từ các tác phẩm của ngài và lên án là lạc giáo vì nhiễm thuyết Aristotle. Tại Oxford, sự lên án năm 1277 được lặp lại vào năm 1284 bởi John Pecham, người kế nhiệm của Kilwardby,.

Những người ủng hộ Tôma đã phản công kịch liệt. Năm 1309, Dòng Đa Minh tuyên bố đạo lý của Tôma là giáo huấn chính thức của Dòng. Đến năm 1315, tất cả các học viện và các tu viện lớn đều buộc phải lưu trữ toàn bộ các bản sao hoàn chỉnh các tác phẩm của ngài. Hai năm sau, hồ sơ đã được thu thập để xúc tiến việc phong thánh cho ngài, và vào ngày 14 tháng 7 năm 1323, Giáo hoàng Gioan XXII đã ghi danh Tôma vào hàng ngũ các vị thánh. Năm 1325, Giám mục Paris hủy bỏ bản án năm 1277. Tôma chưa bao giờ được chính thức ‘khôi phục’ tại Oxford. Tuy nhiên, vào năm 1567, ngài được tuyên bố là Tiến sĩ Hội thánh. Và vào năm 1880, Giáo hoàng Lêô XIII đã tuyên phong thánh Tôma là bổn mạng của tất cả các trường đại học Công giáo.

HOA TRÁI CỦA SỰ CHIÊM NIỆM

Giống như người thầy của mình là thánh Albertô Cả, Tôma phủ đầy các kệ sách với các tác phẩm của ngài về Kinh thánh, thần học và triết học. Tôma được xem là tác giả đích thực của hơn một trăm tác phẩm được gán cho ngài, có tác phẩm gồm nhiều tập. Mặc dù rất nổi tiếng với những cuốn sách giáo khoa khổng lồ của mình, Summa contra gentilesSumma theologiae chưa hoàn thành, nhưng lẽ ra tiên vàn Tôma cần được coi như một học giả Kinh thánh.5 Ngài không sáng tác tác phẩm nào về tâm linh theo lối nhìn thời nay. Giống như những người tiền nhiệm của mình trong các Giáo hội Hy Lạp và La Tinh, ngài đã không coi điều đó là cần thiết, bởi vì một nền tâm linh sâu sắc đã được thấm nhuần tất cả mọi tác phẩm của ngài. Các bài chú giải của ngài về các sách Tin mừng, đặc biệt là Tin mừng của Gioan, bao gồm những đóng góp tuyệt vời nhất của ngài, và các bài thánh ca về Thánh thể, đặc biệt là Pange LinguaLauda Sion, được mến chuộng trên khắp thế giới.

Thánh Tôma đã sử dụng quyển De divinibus nominibus: về các danh xưng Thiên Chúa và các tác phẩm khác của Dionysius, cho thấy rằng ngài am tường học thuyết của ông, bất chấp hướng đi theo thuyết Tân Platon

ĐỜI SỐNG TÂM LINH CỦA TÔMA

Đời sống thánh thiện cá nhân của Tôma đã được anh em cùng Dòng và công chúng nhìn nhận, đến nỗi, cũng giống như thánh Đa Minh, đã nảy ra sự tranh giành giữa các đan sĩ và các tu sĩ chung quanh việc lưu giữ thi hài của các vị, do tâm thức thời ấy quý trọng di tích các thánh.

Trong tác phẩm viết vào một thế hệ sau khi ngài qua đời, Bernarđô Gui (1279-1331), một sử gia uy tín nhất của Dòng, đã ghi lại như sau.

Nơi thánh Tôma, thói quen cầu nguyện đã được phát triển một cách lạ thường. Ngài dường như có khả năng nâng tâm trí lên với Thiên Chúa như thể là ngài không còn bị ngăn cản bởi gánh nặng của thân thể. Ban đêm, khi thân xác của chúng ta đòi hỏi được nghỉ ngơi để hồi sức, ngài đã trỗi dậy sau một giấc ngủ ngắn, nằm phủ phục trên mặt đất và cầu nguyện. Chính trong những đêm cầu nguyện đó, ngài sẽ học điều ngài sẽ viết hay đọc vào ban ngày.6

Cha Bernarđô Gui trích dẫn lời khai của nhân chứng mục kích trạng thái thần bí sâu xa của Tôma, khi ngài xuất thần, khuôn mặt đẫm nước mắt, và cũng như lòng sùng kính sâu xa của cá nhân ngài đối với Bí tích Thánh Thể.7 Vào một thời buổi chưa thành tập tục, Tôma đã dâng thánh lễ hàng ngày và thường tham dự một thánh lễ thứ hai, trong đó ngài giữ vai giúp lễ.

Trích dẫn Processus canonizationis (Án phong thánh) tại Napoli, và Cuộc đời của Bernard Gui, cha William Hinnebusch nhận xét rằng:

Bản thân Tôma là một người chiêm niệm, người có tình yêu và kiến thức lỗi lạc về những điều mà mình viết. Những điều này đến với ngài do ơn trên ban xuống hơn là do chính ngài thủ đắc được qua nghiên cứu và làm việc. Trước mọi công việc quan trọng, dù là tranh luận, giảng dạy, viết lách hay đọc cho người khác viết, ngài đều dành thời gian cầu nguyện. Tình yêu nồng nhiệt của ngài dành cho Thiên Chúa đã bộc lộ qua lời cầu nguyện nhiệt thành trước Tượng Chịu Nạn, qua tình yêu mãnh liệt đối với Bí tích Bàn thờ. Kiến thức thần bí của ngài về những điều thần linh và khát vọng nồng nàn được kết hợp với Chúa đã đưa ngài vào trạng thái xuất thần. Trải nghiệm thần bí của ngài đạt đến cao độ vào cuối đời đến nỗi tất cả những gì ngài đã viết xem ra ‘chỉ là rơm rác.’ Điều đó khiến ngài phải dừng bút, ngài đã thú nhận rằng mình không thể viết thêm được nữa.8

Nhiều học giả, tựa như James Weisheipl, giải thích hiện tượng như là tai biến não, tuy nhiên, điều đó không loại trừ khả năng một kinh nghiệm thần bí đã xảy ra trước, trong hoặc sau đó. Trước đó, tức là trước ngày 6 tháng 12, theo một nhân chứng, tu sĩ Dominico Ceserta, người phụ trách nhà nguyện của tu viện,

Khi cầu nguyện trước Tượng Chịu Nạn vào đầu tháng 12 năm 1273, [Tôma] đã có một thị kiến báo trước cái chết ba tháng sau đó. Tâm thần ngây ngất và thân thể được nâng lên lên trước cấy thánh giá, anh thấy Chúa bị đóng đinh nói với ngài: ‘Tôma, con đã viết khá về Ta. Con mong muốn điều gì làm phần thưởng cho công lao của mình ?’ Câu trả lời thốt ra từ đôi môi ngài tiết lộ rằng cả cuộc đời tìm kiếm sự khôn ngoan dưới mọi hình thức đã được thúc đẩy bởi sự tìm kiếm không ngừng Đấng khôn ngoan vĩnh cửu: “Lạy Chúa, Không chi khác ngoài chính Ngài”.9

BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT THIÊN CHÚA

Tôma xây dựng đạo lý của mình về đời sống thiêng liêng dựa trên sự hiểu biết của mình về con người và sự hiểu biết của mình về Thiên Chúa và mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Trong Tổng Luận Thần Học, Tôma bắt đầu với Thiên Chúa, chắc hẳn là do ảnh hưởng của kinh Tin Kính các thánh tông đồ. Nhưng dưới mặt khác, thiết tưởng nên bắt đầu từ thế giới con người, tức là ‘nhân học hướng thần’ (theological anthropology) của Tôma, chiếm một phần lớn trong bộ Tổng luận.

Sự Thánh Thiện Toàn diện

Trước hết, Tôma quan niệm con người như một hữu thể thiêng liêng gồm bởi tinh thần và thể xác, mặc dù một khi tâm trí hoặc linh hồn đã hiện hữu thì nó có thể hoạt động và tiếp tục hiện hữu tự lập khỏi thân xác (tuy một bất toàn). Về mặt này, Tôma là theo chủ nghĩa nhị nguyên ôn hòa, không giản lược thực tại hoặc kinh nghiệm tinh thần vào các chức năng vật lý, hoặc coi thân xác như một phụ trợ không cần thiết của tâm trí. Vì thế, sau khi chết, linh hồn là con người bất toàn và đòi hỏi kết hợp với thể xác để được hạnh phúc tối thượng; Tôma xác nhận một cách chắc chắn điều này là mục đích của niềm tin Kitô giáo về thân xác phục sinh.

Các quan năng và hoạt động của con người được chia thành “tinh thần thuần tuý” (trí tuệ và ý chí, được diễn tả cách chính yếu qua trí tuệ và tình yêu), “cơ bản vật lý” (cảm giác và các chức năng và hành vi của thân thể ), “hỗn hợp” (trí tưởng tượng và trí nhớ). Trên thực chất, tất cả các hoạt động của chúng ta đều biểu hiện toàn diện sự thống nhất của con người, một quan điểm đối lập trực tiếp với thuyết nhị nguyên Descartes hay thậm chí là thuyết song hành tâm – sinh lý. Đối với Tôma, cũng như các chiều kích thể lý và tâm lý của con người được tổ chức và tích hợp theo hình thức và chức năng của chúng, thì đời sống tinh thần cũng cần có sự hài hòa nội tại của nó, một đời sống không trùng lặp hay phản chiếu đời sống tâm – sinh lý, nhưng hoàn thành hay ‘kiện toàn’ nó. Các quan năng luân lý và và trí tuệ được phát triển bên trong do những thói quen bắt nguồn từ kinh nghiệm và được hướng dẫn bởi lương tâm và các quy tắc tập quán và luật pháp bên ngoài.

Về mặt tâm linh, cơ cấu con người được nâng cao nhờ ân sủng thần linh được vận hành nhờ các nhân đức hướng Chúa là tin cậy mến. Những “ơn huệ Thánh Linh”, “các mối phúc”, và “các hoa trái thần khí”, mà Tôma hấp thụ từ Kinh thánh và thần học tâm linh truyền thống của Kitô giáo, kiện toàn “thần khí luận” (pneumatology) làm năng động cấu trúc đời sống tâm linh, đạt đến đỉnh điểm với sự thân mật khắng khít với Thiên Chúa ở đời này và hạnh phúc bất tận đời sau.

Quan điểm của thánh Tôma về sự hài hòa giữa các quan năng và hoạt động của con người không có gì là độc đáo. Tuy vậy, nên nêu bật vài nét đặc biệt trong đạo lý của ngài rất hệ thống và toàn bộ. Trước hết, không giống như nhiều người đương thời, Tôma duy trì sự tôn trọng cân bằng và lành mạnh đối với thân xác trong đạo lý tâm linh của mình, bao gồm các lĩnh vực được chú trọng vào thời nay tựa như chế độ ăn uống và dinh dưỡng, tập thể dục, vệ sinh và tình dục. Thứ hai, trái với xu hướng đang lên vào thời đại của ngài là đặt ý chí lên trên lý trí, Tôma dành ưu tiên cho trí tuệ khi bàn về kinh nghiệm trần thế cũng như về hạnh phúc vĩnh cửu. Tuy nhiên, thứ ba, tình yêu theo cả nghĩa thông thường và nghĩa thần học đều có tầm quan trọng lớn lao trong sơ đồ của Tôma về những sự vật. Giống như những đồng nghiệp thuộc dòng Phanxicô là Bonaventura và Duns Scotus, ngài nhấn mạnh rằng trong cuộc sống lữ hành ở đời này, thì tình yêu kết hợp chúng ta chặt chẽ với Chúa hơn là tri thức, bởi vì tri thức không có khả năng đạt được thị kiến trực tiếp (dù bất toàn đi nữa) về Thiên Chúa.10 Ở đây, Tôma không chỉ xây dựng yếu tố phủ định trong thần học và tâm linh Kitô giáo trong việc đạo lý của mình, mà giống như Bonaventure, tác giả Đám mây vô tri và Meister Eckhart, ngài còn đặt tình bạn thần linh và nhân bản vào trung tâm của đời sống tâm linh.

Mặc dù ngài luôn nhấn mạnh về tính ưu việt của trí tuệ, nhưng Tôma không phải là một nhà duy lý hiểu theo các triết gia thời Khai sáng sau này. Ngài coi trí tuệ vượt trội hơn ý chí, không phải là “tốt hơn”, mà là “cao hơn” xét cách khách thể bởi vì gần với bản tính Thiên Chúa hơn. Tuy vậy, đối với Tôma, nói rằng “Thiên Chúa là tình yêu” thì không kém chính xác so với nói rằng “Thiên Chúa là chân lý”, và ngài chủ trương rằng đức mến giữ ưu thế trong việc kết hợp với Thiên Chúa ở đời này và đời sau.

Mầu Nhiệm Thiên Chúa

Yếu tố thứ hai hỗ trợ đạo lý tâm linh của Tôma là thần học nền tảng của ngài, đó là giáo huấn của ngài về bản tính Thiên Chúa và mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, đặc biệt là cách thức chúng ta có thể biết và nói một cách có ý nghĩa về Thiên Chúa. Ở đây, Tôma dựa theo các đề tài của những vị tiền nhiệm vĩ đại Hy Lạp và La tinh của mình, đặc biệt là Dionysius.11

Đối với Tôma, cũng như đối với hầu hết các nhà thần học thời Trung cổ, các giới hạn của cuộc thảo luận về việc biết và định danh cho Thiên Chúa đã được ấn định bởi câu châm ngôn của Augustinô, “nghĩ về Thiên Chúa thì đúng hơn là nói về Thiên Chúa; và bản tính củaThiên Chúa thì đúng hơn là điều ta nghĩ về ngài” (Verius enim cogitatur Deus quam dicitur, et verius est quam cogitatur)’12 Bởi thế, con đường thần học phủ định của Tôma có ba chiều kích hoặc cấp độ riêng biệt dù đan xen với nhau: cấp thứ nhất, ngôn ngữ hoặc cách thức diễn tả; cấp thứ hai, tâm lý học và nhận thức luận; và, cấp thứ ba, bản thể học và thần học. Nói một cách ngắn gọn, các từ ngữ không đủ để diễn tả điều tâm trí nắm bắt Thực tại thần linh, là điều vượt quá mọi khái niệm.

Dù vậy, đối với Tôma, khi nói tới việc biết Thiên Chúa thì sự khiếm khuyết của từ ngữ và tư tưởng không phải là tuyệt đối. Cho dù việc chúng ta đặt danh xưng cho Thiên Chúa là điều không cân xứng bởi vì ngài là Đấng vẫn vô danh và không một danh nào diễn tả đúng bản chất thần linh, nhưng chúng ta đi đúng hướng với vô số danh xưng dựa trên nhận thức của chúng ta về những phẩm chất thần linh vốn có trong thụ tạo cũng như được mặc khải trong Kinh thánh.

Tuy dù cam go, nhưng khi nghĩ đến cách chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của điều gọi là ‘Thiên Chúa’, tức là đặt tên cho Chúa một cách chính xác và tích cực, thì đối với Tôma, đây không chỉ đơn thuần là một thao tác của trí tuệ nhưng còn kèm theo hệ luận luân lý và thần bí. Như Jacques Maritain đã nói về ‘Năm con đường’ thời danh của Tôma để nhận ra Thiên Chúa,

… chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa không phải là bắt ngài phải để cho chúng ta nắm bắt, cũng không phải là định nghĩa hoặc điều khiển Ngài, cũng không phải là thao túng các ý tưởng không xứng hợp với một đối thể như vậy, cũng như không phán đoán bất cứ điều gì ngoại trừ sự lệ thuộc triệt để của chúng ta vào Ngài. Tiến trình mà lý trí chứng minh Thiên Chúa hiện hữu đương nhiên đặt lý trí vào thái độ tôn thờ và thán phục.13

Đối với Tôma, cũng như với Bonaventura, Eckhart, và truyền thống thời trung cổ từ Anselmô đến Ockham, con đường thông thường từ suy luận thần học đến cầu nguyện không chỉ liên tục, mà còn hỗ tương. Nhưng đối với Tôma, như chúng ta sẽ thấy, ngay cả khi không có sự chiêm niệm thấu suốt đi nữa, chúng ta vẫn biết đôi chút về Thiên Chúa, không phải bất chấp những giới hạn của thần học phủ định áp đặt, nhưng là chính do các giới hạn ấy.

Sự Siêu Việt của Thiên Chúa

Trong nhiều khảo luận về việc biết và không biết Thiên Chúa, Tôma thường bắt đầu bằng cách nêu bật sự siêu việt của Thiên Chúa, sự cách biệt muôn trùng giữa Thiên Chúa và mọi vật khác. Đối với Tôma, Thiên Chúa không phải là một hữu thể tối cao, vì Thiên Chúa hoàn toàn không phải là “một” hữu thể giống như mọi hữu thể. Tuy nhiên, Thiên Chúa là Hiện hữu tối cao, là căn nguyên của mọi hiện hữu, là nguyên lý cứu cánh cho sự hiện hữu của mọi vật. Bởi đó, không có sự cân xứng nào giữa sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiện hữu của bất cứ thứ gì khác. Sự Thực hữu của Thiên Chúa vượt quá tất cả các phạm trù của bản thể cũng như tư duy bởi vì nó là cội nguồn vào bao trùm mọi sự. Do đó, ‘Thiên Chúa được coi là không có danh, hoặc không thể đặt tên, bởi vì bản tính của Ngài vượt quá những gì chúng ta hiểu về Ngài và ý nghĩa của những danh xưng mà chúng ta sử dụng”.14

Không biết Thiên Chúa

Thần học phủ định, – tức là việc nhìn nhận rằng Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là “hơn” mà còn luôn luôn vượt ra ngoài những phạm trù tư tưởng của con người -, đã bảo vệ phẩm giá của lý trí con người cũng như công tác thần luận, một công việc dễ bị rơi vào sự kiêu căng nếu chưa muốn nói là thờ ngẫu tượng. Như Tôma nói: “Chính vì lý trí của con người không tương xứng với yếu tính của Thiên Chúa cho nên yếu tính của Thiên Chúa vượt qua lý trí của chúng ta và không thể biết được: do đó ta đạt đến đỉnh cao nhất của sự hiểu biết về Thiên Chúa khi biết rằng mình không biết Thiên Chúa, xét vì ta biết rằng đó là Thiên Chúa vượt trên bất cứ điều gì mình nghĩ về Ngài.”15

Vì vậy, “không biết” là một cách để biết rằng Thiên Chúa là Đấng không thể biết được. Theo quan điểm của Tôma, sự hiểu biết tiêu cực tạo ra những kết quả tích cực:

…trong việc hiểu biết Thiên Chúa, tâm trí con người tiến hành bằng ba cách, mặc dù nó không đạt được sự hiểu biết về bản tính (Thiên Chúa như thế nào: quid est), mà chỉ về sự hiện hữu của Ngài (có Thiên Chúa: an est). Thứ nhất, bằng cách biết rõ hơn quyền năng của Thiên Chúa trong việc tạo dựng mọi vậtự. Thứ hai, bằng cách biết Ngài là nguyên nhân của nhiều hiệu quả tuyệt vời, bởi vì chúng mang một số điểm giống như Ngài, và càng làm tăng thêm việc ca ngợi khen sự vĩ đại của Ngài. Thứ ba, bằng cách biết rằng Ngài vượt xa tất cả mọi vật mà ta thấy như những hiệu quả của Ngài. Vì thế, Dionysius nói rằng chúng ta biết Chúa như là nguyên nhân của mọi sự vật, bằng con đường siêu việt và con đường phủ định.16

Nói về Thiên Chúa

Chống lại Rabbi Moses Maimonides và những nhà tư tưởng Kitô giáo tựa như Alan de Lille, – những người cho rằng không lời nào của chúng ta nói về Thiên Chúa thực sự diễn tả Thực tại Thiên Chúa mà chỉ là những con trỏ chỉ đến những gì hoàn toàn không thể biết được -, thánh Tôma khẳng định rằng một vài thuật ngữ, dựa trên những điều chúng ta hiểu biếtThiên Chúa trong công trình sáng tạo, cũng như những điều được Thiên Chúa mặc khải trong Kinh thánh, thực sự ám chỉ Thiên Chúa, tuy không cân xứng,. Những thuật ngữ ấy bao gồm: bản tính, một, đẹp. Nhưng mặc dù những từ ngữ ấy ám chỉ một điều gì đó về Thiên Chúa, thì thánh Tôma nhắc nhở rằng đúng hơn chúng cho ta biết rằng Chúa không phải là gì hơn là Chúa là gì.17

Đối với Tôma, cũng như đối với Dionysius cách đó bảy trăm năm về trước, thần học phủ định được hình thành dựa trên và nhất thiết phải điều chỉnh thần học khẳng định. Nó cung cấp cho chúng ta một số kiến thức về Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh tốt nhất, các lĩnh vực thần học của chúng ta còn mờ nhạt:

… ý tưởng về sự phủ định luôn dựa trên một khẳng định: như được chứng minh bởi thực tế là mọi mệnh đề phủ định đều được chứng minh bằng một khẳng định: do đó, trừ khi nào trí tuệt con người biết điều gì đó tích cực về Thiên Chúa, nó sẽ không thể phủ nhận bất cứ điều gì về Ngài. Và nó sẽ không biết gì nếu không có gì mà nó khẳng định về Chúa được xác minh một cách tích cực về Ngài. Do đó, theo Dionysius (Những Danh Xưng Của Thiên Chúa, 13), chúng ta phải hiểu rằng những thuật ngữ này biểu thị bản tính Thiên Chúa, mặc dù một cách phiến diện và không hoàn hảo….

Do đó, chúng ta kết luận rằng mỗi thuật ngữ này biểu thị bản tính Thiên Chúa, không phải là toàn diện nhưng không hoàn hảo. … Lời giải đáp cho câu hỏi này được xác nhận bởi lời của Dionysius (Những Danh Xưng của Thiên Chúa, 1): “Bởi vì tất cả mọi thứ được bao gồm trong bản tính Thiên Chúa một cách đơn thuần và không có giới hạn, cho nên thật phù hợp để Ngài được ca ngợi và đặt tên dựa trên các vật ấy: đơn thuần, bởi vì các sự hoàn hảo có trong các thụ tạo bằng nhiều hình thức khác nhau đều được quy về Thiên Chúa xét theo bản chất đơn thuần của Ngài; và không có giới hạn, bởi vì không có sự hoàn hảo nào nơi các thụ tạo cân xứng với bản tính Thiên Chúa, để cho phép tâm trí dựa theo sự hoàn hảo đó để định nghĩa bản tính của Thiên Chúa.”18

Vì thế, đối với Tôma, không có gì sai lầm khi khẳng định rằng ‘trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa; và không trung loan báo việc tay người làm (Tv 19,1; x. Tv 97,6), hoặc trong kinh nghiệm hàng ngày về tình yêu và lòng trắc ẩn, chúng ta thấy khuôn mặt của Đấng siêu việt. Nhưng những sự hiểu biết đó luôn giới hạn và bất toàn.

BA CON ĐƯỜNG BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT VỀ THIÊN CHÚA CỦA TÔMA

Như vậy, Tôma kế thừa (và phát triển) những trực giác của truyền thống Kitô giáo cổ đại liên quan đến ba cách hiểu và nói về Thiên Chúa siêu việt. Cách thứ nhất là qua con đường “khẳng định” hoặc “tích cực” (via positiva), cho phép chúng ta đưa ra những tuyên bố rõ ràng nhưng giới hạn về Thiên Chúa, chẳng hạn như Chúa hiện hữu, Chúa tốt lành, v.v. Thứ hai là qua con đường “phủ định” (via negativa hoặc remotionis), nghĩa là loại bỏ những gì là bất toàn trong các khái niệm ấy. Khi chúng ta bắt gặp sự hiện hữu, sự thiện hảo và sự khôn ngoan trong những sự vật chung quanh ta thì chúng không thể nào thuộc về Thiên Chúa theo cùng một nghĩa, nhưng chúng phản ánh Đấng Tạo hóa của chúng. Cách thứ ba, thông qua con đường “siêu việt” (via eminentiae), vượt lên trên sự khẳng định và phủ định, dựa trên sự xác tín rằng những ưu phẩm phản ánh cách loại suy ở trong kinh nghiệm của chúng ta về loài thụ tạo, thì phải hiện hữu nơi Thiên Chúa theo một cách thức cao xa hơn nhiều, không thể lường được.18

Do đó, chúng ta tiến gần nhất đến việc diễn đạt chính xác quan niệm này về Thiên Chúa Siêu Việt khi chúng ta không chỉ nói rằng Thiên Chúa yêu thương mà thôi, nhưng còn nói rằng Thiên Chúa là Tình yêu’ (1 Ga 4: 8, 16), hoặc Thiên Chúa là Thiện và Mỹ, hoặc, theo các triết gia, Thiên Chúa không chỉ hiện hữu nhưng ngài chính là sự hiện hữu. Nhưng thánh Tôma khắng định cách độc đáo rằng:

Trí tuệ con người nhận được sự trợ giúp rất lớn lao trong việc nâng cao kiến thức này khi ánh sáng tự nhiên của lý trí được củng cố bởi một sự soi sáng mới, tựa như ánh sáng của đức tin và những linh ân cao minh và thâm hiểu, nhờ đó tâm trí được cho là vượt lên chính mình trong sự chiêm niệm, bởi vì nó biết rằng Thiên Chúa ở trên tất cả những gì lý trí hiểu một cách tự nhiên.20

Tuy nhiên, cuối cùng, dung nhan của Thiên Chúa vẫn nằm ngoài thị kiến của người phàm, và chúng ta biết đôi chút về Thiên Chúa, dù trực giác hay suy tư, đều được nhìn thấy qua một tấm gương mờ tối, như thánh Phaolô nhấn mạnh. Chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa cách chân thực hơn trong cầu nguyện, Bí tích và phục vụ.

HỌC THUYẾT TÂM LINH CỦA TÔMA

Mặc dù trong các tác phẩm của thánh Tôma không có cuộc thảo luận sâu rộng nào về đời sống tâm linh ngoài những gì liên quan đến tất cả mọi Kitô hữu, nhưng ngài đã dành một phần của Tổng Luận Thần Học cho các vấn đề thời sự liên quan đến linh đạo của các dòng hành khất, đang bị tấn công hầu như liên tục bởi các giáo sĩ giáo phận tại Đại học Paris. Phần này chứa đựng những trực giác của Tôma về đời sống tâm linh Kitô giáo nói chung, mặc dù có vài khía cạnh mang tính cách phòng vệ và luận chiến.21

Trước tiên, ngài xem xét các khía cạnh đặc biệt của đời sống tâm linh vốn thu hút sự chú ý của dân chúng vào thời ấy cũng như thời nay: ơn tiên tri, sự xuất thần, làm phép lạ, ơn nói tiếng lạ và ân sủng của lời, đặc biệt là việc rao giảng (về vấn đề này, chúng tôi sẽ nói thêm dưới đây). Đáng ngạc nhiên là thánh Tôma coi những ân sủng ngoại thường này, tuy họa hiếm, nhưng vẫn nằm trong kinh nghiệm Kitô giáo bình thưởng. Do đó, ngài không chấp nhận lối phân chia hai hướng tiếp cận với Thiên Chúa, một hướng chung cho tất cả cộng đoàn, một hướng riêng cho thiểu số ưu tuyển.

Kế đó, thánh Tôma giải quyết các vấn đề khác nhau nảy sinh từ sự căng thẳng giữa hoạt động và chiêm niệm. Sau cùng, ngài phát triển đạo lý của mình về những hàng ngũ khác nhau của cuộc sống, thảo luận về bản chất của sự phát triển tâm linh, đặc biệt là trong các hàng ngũ giám mục và tu sĩ. Mối quan tâm chính của Tôma là chỉ ra các hoạt động đặc trưng của các dòng hành khất, giảng thuyết và dạy học, từ bỏ lao động chân tay để học hành, và sống nhờ khất thực, đều phù hợp với quan niệm truyền thống về đời sống tu trì. Nhưng sự biện hộ của ngài cũng chứa đựng những lời dạy có liên quan đến tất cả các Kitô hữu, đặc biệt là tính ưu việt của lối sống “hỗn hợp” hoặc nếp sống tông đồ (vita apostolica), được xem như vượt trội hơn cả hai hình thức sống thuần túy chiêm niệm và thuần túy hoạt động, như giám mục Diego de Acabes và thánh Đa Minh đã nhận ra vào bảy mươi năm trước đó.

Vì đây không chỉ là những chủ đề đặc trưng trong các tác phẩm của Tôma, mà chúng còn thể hiện một bản liệt kê về sự đóng góp của ngài đối với linh đạo Đa Minh cũng như di sản mà ngài đã nhận được từ đó.

DI SẢN TRƯỜNG TỒN

Học thuyết tâm linh của Tôma, hay có thể nói là linh đạo của học thuyết Tôma, vẫn mãi là một di sản lâu dài trong nhiều thế kỷ tới. Đối với Dòng Giảng Thuyết, ảnh hưởng của ngài rất sâu sắc đối với cả những người theo sát tinh thần của ngài cũng như những người có tinh thần phóng khoáng. Trong số các văn sĩ tâm linh và các nhà giảng thuyết Đa Minh đi theo Tôma, chúng ta có thể gặp những tên tuổi như là Meister Eckhart, John và Gerard Sterngassen, Nicholas Strassburg, John Tauler, Henry Suso và Joannes a Sancto Tôma (Jean Poinsot), đó là mới chỉ đề cập đến một số nổi bật. Ở ngoài Dòng, Tôma được trích dẫn bởi tác giả của Đám mây vô tri, các nhà thần bí Carmelô của thế kỷ XVI và XVII, và nhiều tác giả vĩ đại của Dòng Tên.

TÔMA TU SĨ ĐA MINH

Khi tìm hiểu những đề tài chính yếu của dòng Đa Minh trong giáo huấn thánh Tôma, ta thấy ngài không chỉ kết nạp các đề tài ấy vào học thuyết tâm linh của ngài, mà chúng còn trở thành những trụ cột của đạo lý của mình. Xét cho cùng, những bộ tổng luận vĩ đại của ngài chủ yếu được viết cho các thành viên của Dòng, đặc biệt là các anh em trẻ.

Ưu tiên của việc Giảng thuyết

Trong Tổng luận thần học, xuyên suốt trong mục bàn về việc chiêm niệm và sự trọn hảo của đời sống tu trì, thánh Tôma nhấn mạnh tầm quan trọng của sứ vụ rao giảng, nhìn thấy trong đó những nền tảng để khẳng định tính ưu việt của những dòng hỗn hợp, nghĩa là kết hợp giữa hoạt động và chiêm niệm, ở trên những dòng chỉ thuần túy chiêm niệm (hoặc chỉ thuần tuý hoạt động). Trọng tâm của lập luận của ngài là sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố như cầu nguyện, đời sống chung và việc nghiên cứu Kinh thánh.

Trước hết, như cha Hinnebusch nói với chúng ta:

Trong Tổng Luận Thần Học, Thánh Tôma bàn luận về những ơn huệ đặc biệt mà thánh Phao-lô đã nói trong Thư thứ nhất gửi Côrintô, chẳng hạn như ơn làm phép lạ hoặc nói tiên tri {Summa theol., II-II, q. 177). Thánh Phaolô đã xếp ơn giảng dạy (gratia sermonis et sapientiae, et scientiae) (I Cr 12, 8) vào số đó. Đây là một ơn huệ đặc biệt đôi khi được ban cho người giảng thuyết, thầy dạy hoặc văn sĩ, không phải vì lợi ích thiêng liêng cho cá nhân, nhưng còn để đương sự có thể hướng dẫn hiệu quả hơn những người lắng nghe mình, thúc đẩy họ nghe lời Chúa cách say mê và phấn khởi, khiến họ yêu thích lời giảng và mang ra thực hành. Theo thánh Tôma, ngay cả các phụ nữ, dù không giảng dạy như giám mục và linh mục, cũng có thể nhận được ân sủng này khi họ dạy lời Chúa…22

Chiêm niệm và khó nghèo tinh thần

Trong Tổng Luận Thần Học, thánh Tôma giải quyết một số vấn đề liên quan đến khái niệm về sự chiêm niệm, vừa là trọng tâm của linh đạo Đa Minh vừa là cốt lõi cuộc tranh luận với các giáo sĩ triều tại Đại học Paris.23

… Công tác của đời sống hoạt động thì có hai loại. Một là phát xuất từ sự chiêm niệm sung mãn, chẳng hạn như dạy dỗ và giảng thuyết …. Và công tác này xuất sắc hơn là chiêm niệm đơn thuần. Bởi vì cũng như soi sáng thì tốt hơn là chỉ sáng mà thôi, cho nên trao cho người khác những gì đã chiêm niệm thì tốt hơn là chỉ chiêm niệm mà thôi. Công tác của đời sống hoạt động bao gồm toàn thể các công việc bên ngoài, chẳng hạn như bố thí, tiếp khách, và những công việc tương tự, thì kém xuất sắc hơn các công tác chiêm niệm, trừ những trường hợp cần thiết, như đã nói ở trên (q.182, a.l). Do đó, trong các dòng tu, đứng hàng đầu là những dòng hướng đến việc dạy dỗ và giảng thuyết, là những công tác gần nhất với sự hoàn thiện của giám mục, tuy dù, giống như trong những điều khác, “phần cuối của cái thứ nhất thì được nối kết với phần đầu của cái thứ hai,” như Dionysius đã phát biểu (Những Danh Xưng Của Thiên Chúa, 8). Vị trí thứ hai thuộc về những người hướng đến sự chiêm niệm, và vị trí thứ ba thuộc về những người chuyên lo các hoạt động bên ngoài.

Như vậy quá rõ ràng, và trong khi tranh luận với các giáo sĩ triều, không có gì ngạc nhiên khi điều này được viết bởi thành viên của một dòng hỗn hợp. Nhưng Tôma còn liên kết việc giảng thuyết và chiêm niệm với sự nghèo khó Tin Mừng trong một động thái vẫn còn đáng ngạc nhiên hơn nữa. Ngài đã đặt câu hỏi (II-II, q. 188, a. 7), “Liệu sự trọn hảo tu trì có bị suy giảm đi bởi việc sở hữu những tài sản chung không?” Và ngài trả lời.

Rõ ràng là một dòng tu được thành lập với mục đích chiêm niệm và trao cho người khác hoa trái của sự chiêm niệm bằng cách dạy dỗ và giảng thuyết, đòi hỏi phải quan tâm nhiều hơn đến những điều tâm linh hơn là một dòng chỉ được thành lập để chiêm niệm. Do đó, thật thích hợp với một dòng tu như thế khi chấp nhận một thứ nghèo khó nào đỡ gây bận tâm hơn cả … điều này được thực hiện bằng cách họ lo liệu những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống vào một thời buổi thích hợp. Điều này, Chúa của chúng ta, Đấng Sáng lập đức nghèo khó, đã dạy bằng tấm gương của Ngài. Ngài có một túi tiền mà Ngài giao cho Giuđa quản lý, trong đó giữ những của được dâng cho Ngài, như đã nói ởGioan 12,6.

Tính ưu việt của Chân lý và mối dây Đức ái

Thánh Tôma không chỉ viết ba tập sách lớn về Chân lý (De veritate), nhưng ý niệm về chân lý còn lan tỏa trong mỗi tác phẩm của ngài. Điều này phát sinh do sự say mê của ngài với Chân lý thần linh, không chỉ đơn thuần theo nghĩa triết học, mà nó đã trở thành phương châm nổi tiếng nhất của Dòng. Và, như Josef Pieper nhắc nhở chúng ta, đối với Tôma, chân lý liên quan đến tất cả Thực Tại bao trùm vạn vật.

Cuối cùng, liên quan đến vai trò của đức ái trong tác vụ chiêm niệm, một điểm mà Eckhart sau này sẽ trích dẫn (và trên thực tế, nói rõ hơn) từ giáo huấn của Tôma, ngài đã nói rất rõ ràng:

Đôi khi một người được mời gọi rời bỏ đời sống chiêm niệm để đến với những công việc của đời sống hoạt động do một vài nhu cầu của đời sống hiện tại, nhưng chưa đến nỗi bị buộc phải từ bỏ hoàn toàn việc chiêm niệm… [và ở đây ngài dẫn lời của thánh Augustinô]: “nếu điều đó bị áp đặt lên chúng ta, chúng ta phải chấp nhận nó bởi vì đức ái đòi hỏi như vậy …” [de Civ. Dei, xix, 19]. Do đó, rõ ràng là khi người nào được mời gọi từ đời sống chiêm niệm sang đời sống hoạt động, thì điều ấy không làm giảm bớt mà còn tăng thêm.24

KẾT LUẬN

Cuối cùng, đối với Tôma (và, chắc ngài đồng ý, đối với tất cả mọi người) Thiên Chúa không phải là một đối tượng để suy tư hoặc nghĩ đến, lại càng không phải để tranh luận bất tận, cho bằng như một Sự hiện diện cần được tìm kiếm. Nghệ thuật của việc tìm kiếm như vậy là hoạt động chiêm niệm, và kết cục của nó là sự kết hợp thần bí, ở đời này và đời sau.

Tôma và một người đương thời, Meister Eckhart, cũng là một đệ tử của thánh Albertô Cả, dường như thường coi như tượng trưng cho những khía cạnh đối lập trong bộ mặt triết học của Albertô, giữa Aristoteles và Tân Plato. Dưới một vài khía cạnh, họ khác nhau trong cách tiếp cận. Ở các khía cạnh khác, đạo lý của họ khá giống nhau. Nhưng khi mô tả chiều kích chiêm niệm của đời sống Kitô giáo, và sự hiệp nhất của đức ái, thì họ càng gần gũi với nhau, như chúng ta sẽ thấy tiếp theo.

—————–

Chú thích

Chương 4:
BIẾT CÁI KHÔNG BIẾT CỦA THIÊN CHÚA:
BA CON ĐƯỜNG CỦA THÁNH TÔMA AQUINÔ

1. Những nguồn tài liệu về cuộc đời, đạo lý và linh đạo thánh Tôma Aquinô: James A. Weisheipl O.P, Friar Thomas d”Aquino: His Life, Thought, and Works (Washington, DC: The Catholic University of America Press, rev. ed., 1983); Jean-Pierre Torrel, Saint Thomas Aquinas, Vol. I: The Person and His Work (Washington, DC: The Catholic University of American Press, 1996); Vol. II; Spiritual Master (2003). Về thần học tâm linh của thánh Tôma, xem thêm: Simon Tugwell Albert and Thomas: Selected Writings (New York: Paulist Press, 1988). Benedict Ashley (ed), Thomas Aquinas: The Gifts of the Spirit – Selected Spiritual Writings, (Hyde Park, NY: New City Press, 1996). Robert Barron: Thomas Aquinas: Spiri­tual Master (New York: Crossroad, 1996).

2. Torrell 1996, xxi.

3. Sđd.

4. Townsend 1934, 47.

5. Thánh Tômae đã viết chú giải sách Gióp, Các thánh vịnh 1-54; sách Isaia, Giêrêmia, Ai ca, Tin mừng Mátthêê, Gio-an và hầu hết các thư Phao-lô, cùng với bộ Catena aurea về những bình giải của các Giáo phụ Hy Lạp và Latinh về bốn bốn sách Tin mừng, cùng với hai bài giảng xuất sắc về giá trị và phạm vi của Kinh thánh. Những chú giải này được viết trong những giai đoạn khác nhau, một số khi đang còn là sinh viên, chẳng hạn Reportationes” (Ashley 1990, 37).

6. Trích Hinnebusch 1965, 89

7. Sđd., 89-90.

8. Hinnebusch 1973, 303-304.

9. Sđd., 304. Xem James A. Weisheipl, Friar Thomas d”Aquino, 1974 biên tập, 315-316, 322-323.

10. Vì những giáo huấn của thánh Tôma về sự kết hiệp với Thiên Chúa như một hoạt động của đức mến, và hệ quả trước hết là sống bác ái trong cuộc sống, xem ST I—II, q. 27, a. 2, ad 2, và II-II, q. 27, a. 4.

11. Đoạn văn quan trọng về sự hiểu biết và nói về về Thiên Chúa nằm trong phần thứ nhất của Summa Theologiae (q.12 và q.13), cô đọng những điều đã trình bày và triển khai trong quyển De divinis nominibus. Xem Brian Davies O.P, The Thought of Thomas Aquinas (Oxford and New York: Clarendon Press, 1992), tr. 43, và tr. 59-79. Xem thêm De Potentia; Commentary on Boethius” De Trinitate, De Veritate

12. De Trinitate, VII, iv, 7.

13. The Degrees of Knowledge, trích tromg Journet 1948, 65.

14. ST I, q 13, a. 1 ad 1. Brian Davies nhận xét rằng “chúng ta có thể nói về Thiên Chúa và chúng ta hiểu mình nói gì, chúng ta chẳng thể hiểu được cái thực tại làm cho những phát biểu của chúng ta đúng. Những từ ngữ như “tốt lành” hay “khôn ngoan” thực sự là đặc tính của Thiên Chúa, nhưng chúng “không biểu hiện tương xứng bản tính của Ngài” (Davies 1992, 62).

15. De Potentia, 7, 5 and 14.

16. Thánh Tôma Aquinô, Faith, Reason and Theology, Questions I-IV of his Commentary on the De Trinitate of Boethius, dịch, dẫn nhập và chú thích bởi Armand Maurer (Toronto: Pontifical Institute of Mediaeval Studies, 1987), q. I, a 2. Hereafter: Boethius. Trong bài luận xuất sắc của mình về tri thức phủ định của thánh Tôma, Josef Pieper đã lưu ý về đoạn này, tôi biết không có cuốn sách giáo khoa nào về tư tưởng Tôma có chứa những ý niệm mà thánh Tôma sử dụng trong tập chú giải của ngài về cuốn De Trinitate của Boethius; đó là, có ba cấp độ trong tri thức của chúng ta về Thiên Chúa: thấp nhất là biết về Thiên Chúa tác động trong công trình tạo dựng; thứ hai là nhìn nhận về Thiên Chúa được phản chiếu trong các hữu thể thieng liêng; thứ ba và cũng là cấp độ cao nhất là nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Không thể biết, tamquam ignotum. Hoặc suy xét câu nói này trong Quaestiones Disputatae: “Đây là giới hạn của tri thức về Thiên Chúa: biết rằng mình chẳng biết gì về Thiên Chúa” “quod (homo) sciat se Deum nescire” (Pieper 1967, 69).

17. Trong truyền thống cổ điển, mười ba ưu phẩm của Thiên Chúa: duy nhất, đơn thuần, toàn thiện, tốt lành, vô biên, phổ tại, bất biến, vĩnh cửu, khôn ngoan, yêu thương, công bằng , thương xót và quan phòng. Một số, nhưng không phải tất cả trong những ưu phẩm này thực chất là phủ định mặt đối lập của chính ưu phẩm đó, chẳng hạn như: duy nhất, đơn thuần, vô biên và bất biến. Xem Joumet 1948, 60.

18. De Potentia, 5.

19. Để có bản tóm tắt ngắn gọn những giáo huấn của thánh Tôma xem Journet 1948. Để thảo luận đầy đủ hơn xem Davies 1992, chương 4.

20. In Boethius, Maurer biên tập, a. 2.

21. Những bàn luận này có trong ST II-II, q. 171-189. Những đoạn văn chọn lọc trong Tugwell 1988. Xem thêm: Thomas Aquinas: The Gifts of the Spirit: Selected Spiritual Writings, Benedict Ashley O.P biên tập và dẫn nhập, (Hyde Park, NY: New City Press, 1996).

22. Hinnebusch 1965, 70-71.

23. Những đoạn văn quan trọng nhất ở trong ST II-II, q. 180-182 và 188, a. 6-7.

24. ST, q. 182, a.1, ad 5. So sánh với những điều sau đây, trích từ khẩo luận On Charity của thánh nhân: “Có những người đã đạt tới cảnh giới cao nhất của đức ái như thế, đến độ thậm chí bỏ qua việc chiêm niệm Thiên Chúa, mặc dù họ rất thích thú, ngò hầu có thể phục vụ Thiên Chúa qua việc cứu rỗi những người khác và điều thiện toàn này có trong con người Phao-lô (xem Rm. 9:3 và Plm. 1:23). Đó cũng là điều thiện hảo mà các mục tử, người thuyết giảng hay bất cứ ai muốn mang ơn cứu độ cho tha nhân phải mặc lấy. Do đó, họ nên tượng trưng nơi những thiên thần trên thang Gia-cóp, đi lên bằng sự chiêm niệm, đi xuống bằng sự ước ao ơn cứu độ cho con người” (De caritate, a. 11, ad 6. trích bởi Hinnebusch 1965, 76-7.) Xem thêm ST II-II, q. 182, a. 2, and Expos. in Canticum cant. ii.

25. Ví dụ, xem Richard Woods O.P, “I am the Son of God”: Eckhart and Aquinas on the Incarnation”, Eckhart Review, June 1992, 27-46.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here