LỊCH SỬ GIÁO HỘI HỌC- THẾ KỶ XX

0
1929

Phan Tấn Thành

——————————-

Thời các Giáo phụ

Thời Trung Đại – Cận Đại

——————————

THẾ KỶ XX

Thế kỷ XX đã được đặt tên là “thế kỷ của Giáo hội”[1]. Có thể hiểu câu nói này trong lịch sử tiến triển đạo lý: các thế kỷ IV-V là thời phát triển của đạo lý về mầu nhiệm Thiên Chúa và Đức Kitô, còn thế kỷ XX là thời phát triển đạo lý về Hội thánh, đặc biệt tại công đồng Vaticanô II. Bước tiến này đã được chuẩn bị trước đó nhờ nhiều nhân tố.

A. Khung cảnh lịch sử

       Công đồng Vaticanô I kết thúc đột ngột vì “Quốc gia giáo hoàng” đã bị nước Ý thôn tính. Giáo hoàng đã mất hết quyền hành của một quốc trưởng, nhưng dưới phương diện khác, lại tăng thêm uy tín về tinh thần, trước một Âu châu bị xâu xé do hai cuộc thế giới đại chiến. Thế nhưng sau kinh nghiệm đau thương ấy, lòng khao khát hợp nhất và hòa bình lại tăng thêm. Song song với tâm trạng ấy là phong trào đại kết bắt nguồn từ các giáo hội Tin lành với hàng trăm hệ phái: họ cảm thấy rằng sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là một sự phản chứng của công cuộc loan báo Tin mừng tại châu Phi và châu Á. Một dấu mốc của phong trào đại kết là việc thiết lập “Hội đồng đại kết các Giáo hội” (Conseil écuménique des Eglises) năm 1948.

B. Những phong trào dọn đường cho cuộc canh tân

       Từ cuối thế kỷ XIX đã nổi lên những phong trào góp phần canh tân Giáo hội (và đương nhiên cho Giáo hội học nữa).

       1/ Phong trào phụng vụ. Cuộc canh tân phụng vụ đã được khởi xướng từ vài đan viện Biển-đức, nhờ các nhà tiên phong như  Prosper Guéranger bên Pháp, Otto Casel bên Đức. Phong trào đã lôi kéo sự chú ý đến khía cạnh huyền nhiệm và tâm linh của Giáo hội. Phụng vụ là nơi biểu lộ mầu nhiệm Hội thánh như là thân thể của Đức Kitô: cộng đoàn cử hành phụng vụ biểu lộ các phần tử của Hội thánh vừa hữu hình vừa vô hình.

       2/ Phong trào Kinh thánh. Việc nghiên cứu Kinh thánh mở rộng chỗ đứng của Giáo hội trong lịch sử cứu độ. Hơn thế nữa, việc học hỏi Kinh thánh còn làm sáng tỏ vai trò của Giáo hội đối với thế giới, làm thay đổi mối tương quan giữa Đế quốc Rôma va Giáo hội vốn duy trì từ thời hoàng đế Constantinô.

       3/ Trở về nguồn. Việc nghiên cứu các giáo phụ đã làm sống lại ý thức về những khía cạnh huyền bí của Giáo hội, hòa hợp với các hình thức định chế và lịch sử của nó.

       4/ Phong trào đại kết bắt nguồn từ các Hội thánh Tin lành nhưng cũng gây vang âm cho Giáo hội Công giáo.  Phái Tin lành đặt nặng việc lắng nghe Lời Chúa trong Kinh thánh, và chú ý đến các đề tài cánh chung khi chú giải về Nước Trời.

       5/ Phong trào giáo dân đã gây ý thức rằng họ cũng là những thành phần sống động của Giáo hội; Giáo hội không chỉ gồm bởi hàng phẩm trật. Các giáo dân được khuyến khích tham gia vào việc làm chứng cho Chúa Kitô ở trong Giáo hội cũng như trong môi trường trần thế mà họ sinh sống.

       6/ Phong trào truyền giáo. Từ cuối thế kỷ XIX, nhiều dòng tu và hiệp hội được thành lập để mang Tin mừng đến châu Phi và châu Á. Điều này bó buộc phải suy nghĩ về sứ mạng của Giáo hội phải loan báo Tin mừng cho muôn dân. Nhiều câu hỏi cũng được nêu lên: hội nhập văn hóa (Giáo hội có gắn với một nền văn hóa cụ thể không?); ơn cứu độ của những người ở ngoài Giáo hội; giá trị các tôn giáo.

C. Những bước đầu của cuộc canh tân Giáo-hội-học

1/ Thần học về “Nhiệm thể” Chúa Kitô

       Vào thập niên 30, nhiều tác phẩm về Giáo hội được viết theo chủ đề “Nhiệm thể Chúa Kitô” muốn đánh dấu một sự chuyển biến đáng kể: cần phải vượt lên một cái nhìn về Giáo hội dưới khía cạnh hữu hình và định chế. Đề tài “Nhiệm thể” có lợi điểm là dựa trên Kinh thánh và các giáo phụ, và kết hợp cả chiều kích huyền nhiệm và lịch sử của Giáo hội, và nhất là quy chiếu về Đức Kitô là đầu và hôn phu (theo giáo huấn thánh Phaolô), cũng như với Thánh Linh (là “hồn” của thân thể này).

       Tuy nhiên, cũng không nên bỏ qua vài điểm bất cập của trào lưu này. Chẳng hạn như khi nói đến Chúa Kitô hiện diện “cách thân thể” nơi các tín hữu và trong Giáo hội cũng tương tự như trong bí tích Thánh Thể; hoặc khi nhấn mạnh đến Giáo hội như là “thân thể” theo nghĩa xã hội học (corporation, đội, đoàn). Đối lại, có người giải thích “thân thể huyền nhiệm” như là huyền bí (mystical), nghĩa là hoàn toàn thiêng liêng, tựa như tác động của ân sủng trong Hội thánh.

2/ Thông điệp Mystici Corporis

       Thông điệp này do Đức thánh cha Piô XII ban hành ngày 29-6-1943 thâu nhận những kết quả tích cực của phong trào canh tân, đồng thời cũng điều chỉnh những điểm bất cập.

       Thông điệp nhìn nhận rằng khái niệm “thân thể nhiệm mầu của Chúa Kitô” thật là thích hợp để hòa nhập hai khía cạnh của Giáo hội: định chế-hữu hình và huyền bí-nội tại. Những điểm chính của văn kiện có thể tóm tắt như sau:

a) Định nghĩa Giáo hội như là thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô. Khái niệm này làm nêu bật hai khía cạnh của Giáo hội: chiều kích xã hội-phẩm trật và chiều kích tâm linh-huyền nhiệm. Tác động của Chúa Kitô là “đầu” và tác động của Thánh Linh là “hồn” là hai nguyên ủy năng động của việc kiến tạo “thân thể huyền nhiệm”.

b) Giáo hội được định hình theo khuôn mẫu của mầu nhiệm nhập thể. Vì là “thân thể của Chúa Kitô”, Giáo hội mang những nét loại suy giống như mầu nhiệm nhập thể, tức là mang tính thần linh và nhân loại, hữu hình và vô hình.

c) Giáo hội Công giáo Rôma chính là (est) thân thể của Chúa Kitô. Khi bàn về các phần tử thuộc về thân thể Chúa Kitô, thông điệp tuyên bố rằng duy chỉ có các tín hữu Công giáo mới là phần tử.

D. Công đồng Vaticanô II

       Có thể nói được là tất cả các văn kiện của Công đồng đều bàn đến Giáo hội dưới những tương quan khác nhau: với Thiên Chúa (hiến chế về Mặc khải và về Phụng vụ), với thế giới (hiến chế Vui mừng và Hy vọng). Dù sao, văn kiện trọng tâm là hiến chế Lumen gentium về Hội thánh, từ đó các sắc lệnh được soạn ra để đi sâu vào những chi tiết, chẳng hạn như các hàng ngũ trong Hội thánh (sắc lệnh về giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo dân), hoạt động giáo dục và truyền giáo, tương quan với các giáo hội và tôn giáo khác.

       Hiến chế gồm 8 chương: 1/ Mầu nhiệm Giáo hội (số 1-8). 2/ Dân Thiên Chúa (số 9-17). 3/ Cơ cấu phẩm trật của Giáo hội và cách riêng là hàng giám mục (số 18-29). 4/ Các giáo dân (số 30-38). 5/ Ơn gọi phổ quát nên thánh trong Giáo hội (số 39-42). 6/ Các tu sĩ (số 43-47). 7/ Đặc tính cánh chung của Giáo hội lữ hành với sự kết hợp với Giáo hội thiên quốc (số 48-51). 8/ Đức Trinh nữ Maria Thánh mẫu Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm Giáo hội (số 52-69).

       Hiến chế không chủ trương bàn tất cả mọi đề tài Giáo hội học. Tuy nhiên ta có thể vạch ra một tiến trình như sau. Chương Một nói đến nguồn gốc của Giáo hội, đó là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chương Hai nói đến Dân Thiên Chúa như sự thể hiện kế hoạch ấy trong lịch sử. Chương Ba và Bốn bàn về cơ cấu phẩm trật, gồm các giáo sĩ và giáo dân. Chương Năm và Sáu nói đến bộ mặt tâm linh của Giáo hội, với các ân sủng đa dạng và cách riêng hàng tu sĩ. Chương Bảy nói đến chiều kích cánh chung của Giáo hội. Chương Tám bàn về Đức Maria. Thực ra vào lúc đầu, Đức Maria được bàn trong một lược đồ riêng, nhưng sau đó được nhập vào hiến chế về Giáo hội. Ta có thể xem Đức Maria như phần tử ưu tú của Giáo hội, một người đã đạt đến đích điểm cánh chung, mà Giáo hội đang nhắm tới.

       Hiến chế Lumen gentium sẽ được dùng làm sườn cho giáo trình của lớp này, và chúng ta sẽ có dịp phân tích nội dung chi tiết của nó. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn ghi nhận vài viễn tượng mà văn kiện mở ra cho việc học hỏi Giáo hội.

       1/ Viễn tượng mầu nhiệm

       Việc học hỏi Giáo hội cần được khởi đầu bằng việc tìm hiểu nguồn gốc của nó, tức là hai mầu nhiệm Tam Vị và mầu nhiệm Chúa Kitô. Đặt trong kế hoạch cứu độ, Giáo hội trở thành “bí tích”, nghĩa là “dấu chỉ và dụng cụ” của ơn cứu độ

a) Giáo hội là dụng cụ để chuyển thông ơn cứu độ nhân loại được biểu lộ ở mức tột đỉnh nơi biến cố Vượt qua. Vai trò này còn được diễn tả mối tương quan giữa “Giáo hội và Vương quốc”.

b) Khái niệm bí tích cũng diễn tả cấu tạo của Giáo hội, gồm bởi yếu tố hữu hình và vô hình, thần linh và nhân loại, huyền nhiệm và lịch sử.

       2/ Viễn tượng hiệp thông

       Khái niệm hiệp thông bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Tam vị, và trở thành cứu cánh tối hậu của lịch sử nhân loại. Sự hiệp thông trong Hội thánh bao hàm nhiều phạm vi:

       – Hiệp thông với Thiên Chúa Tam vị: Ecclesia de Trinitate

       – Hiệp thông bí tích: qua các bí tích, cách riêng là bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô thông ban Thánh Linh để xây dựng thân thể của Người.

       – Hiệp thông huynh đệ, giữa tất cả các phần tử của Giáo hội, được liên kết với nhau trong một đức tin và bí tích Thánh tẩy, cùng lãnh nhận một ơn gọi và một sứ mạng, trong sự đa dạng của đặc sủng.

       – Hiệp thông phẩm trật (communio hierarchica), giữa tất cả các giám mục với thủ lãnh là giáo hoàng, để cùng nhau thi hành sứ mạng đã được ủy thác cho tập đoàn các thánh tông đồ.

       – Hiệp thông giữa các giáo hội địa phương thành một Giáo hội duy nhất (communio ecclesiarum).

       3/ Viễn tượng Dân Thiên Chúa

       Khái niệm này nói lên tính cách lịch sử của Giáo hội:

       – Dân Thiên Chúa nêu bật sự thể hiện kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa trong lịch sử, được chuẩn bị từ đoàn ngũ những người công chính từ buổi khai thiên lập địa, trải qua lịch sử dân Isreal trong Cựu ước và nối tiếp trong dân của Tân ước.

       – Dân Thiên Chúa muốn nói rằng Giáo hội sống trong lịch sử nhân loại, mang những vết tích của văn hóa nhân loại, và chia sẻ số phận của nhân loại

       – Dân Thiên Chúa nói lên sứ mạng của Giáo hội đối với thế giới, bằng việc loan báo Tin mừng, trở nên chứng tá và men cho thế giới, để thanh luyện những gì là tiêu cực và thâu nhận những giá trị tích cực về cho Thiên Chúa.

       Ngoài ra, khái niệm Dân Thiên Chúa được đặt ở chương II muốn nói lên điều kiện chung của tất cả mọi tín hữu, trước khi có những phân biệt do phận vụ hoặc đặc sủng. Hệ luận là tất cả mọi tín hữu đều là “công dân” của Giáo hội, với bổn phận và nghĩa vụ giúp cho Giáo hội tăng trưởng trong sự thánh thiện cũng như trong sứ mạng làm chứng cho Tin mừng.

E. Sau Vaticanô II

      Cũng như mọi Công đồng khác, việc tiếp nhận Công đồng Vaticanô II không dễ dàng gì. Một bên tố cáo những hậu quả tai hại của Công đồng, làm tan rã đời sống và đạo lý cổ truyền[2]. Bên kia, người ta yêu cầu triệu tập Công đồng Vaticanô III[3] để bổ túc cho những thiếu sót của Vaticanô II trong việc canh tân[4].

      Bình thản mà nói, Công đồng đã ảnh hưởng rất lớn đến một giáo-hội-học mới. Vì thế cần phải chờ đợi thời gian và kiên nhẫn để có thể tiếp nhận[5]. Một phần của sự khó khăn nằm ở chỗ là trong công đồng có những khuynh hướng giáo-hội-học khác nhau, tìm cách thỏa hiệp với nhau; vì thế người ta có cảm tưởng là các văn kiện đã tạo ra nhiều viễn cảnh đứng kề nhau nhưng chưa được ăn khớp với nhau, đưa đến những cách giải thích khác nhau. Dĩ nhiên, việc áp dụng các quyết nghị của Công đồng cũng không kém phức tạp.

      Ở đây chúng tôi chỉ muốn dừng lại ở các văn kiện chính thức của Huấn quyền, nhằm đào sâu thêm giáo huấn của Công đồng.

      1/ Các văn kiện Giáo hoàng

      Các văn kiện về Giáo hội rất nhiều, chỉ có thể điểm qua vài văn kiện tiêu biểu:

      – ĐGH Phaolô VI, thông điệp Ecclesiam suam đang lúc Công đồng còn đang nhóm họp, vạch ra những vòng tương quan của Giáo hội, đưa tới các cấp độ đối thoại.

      – ĐGH Gioan Phaolô II, thông điệp Redemptor hominis (vừa chú trọng đến Chúa Kitô, vừa chú trọng đến con người); thông điệp Redemptoris missio (đặt lại vấn đề truyền giáo trong bối cảnh mới); thông điệp Ut unum sint (sự hợp nhất Giáo hội).

      Ngoài ra, trong loạt bài huấn giáo nhân buổi tiếp kiến thứ tư hàng tuần, Đức Thánh Cha đã dành 137 bài (từ ngày 17-7-1991 cho đến ngày 30-8-1995) để giải thích bản tính và sứ mạng của Giáo hội.

      Hơn nữa, dựa theo hướng đi của hiến chế Gaudium et spes, các giáo hoàng đã viết nhiều văn kiện về giáo huấn xã hội: Giáo hội không chỉ quan tâm đến các chuyện nội bộ nhưng còn có sứ mạng đem Tin mừng vào các thực tại trần thế nữa.

      2/ Các Thượng hội đồng giám mục

      Nhờ định chế Thượng hội đồng giám mục[6], quy tụ đại diện các giám mục trên thế giới, Giáo hội có cơ hội đào sâu thêm những góc cạnh chỉ mới được phớt qua ở Công đồng. Chúng ta có thể điểm qua đề tài vài khóa họp chính:

      – Việc loan báo Tin mừng trong thế giới hôm nay (1974); Việc huấn giáo vào thời đại hôm nay (1977)

      – Giáo hội, trong Lời của Chúa, cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô, nhằm ơn cứu độ thế giới (1985, đúc kết thành quả 20 năm kết thúc Công đồng)

      – Các hàng ngũ trong Giáo Hội: giáo dân (1987), linh mục (1990), đời sống thánh hiến (1994), giám mục (2001).

      – Giáo hội tại các châu lục: châu Âu (1991; 1999), Phi (1994; 2009), Mỹ (1997), Á (1998), Đại dương (1998).

      Kết quả của các khóa họp Thượng hội đồng thường được công bố qua các Tông huấn hậu thượng hội đồng

      3/ Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo

      Các số 748-962 giải thích tín biểu bàn về Hội thánh. Có thể bổ túc thêm với phần bàn về Phụng vụ và bí tích.

      4/ Vài văn kiện của Bộ Giáo lý đức tin

      Sau Công đồng, không thiếu những khó khăn được gợi lên cho việc giải thích các văn kiện. Bộ Giáo lý đức tin không chỉ lên tiếng để giải thích mà còn để tố giác những sai lầm. Trong các văn kiện này, có thể nhắc đến:

  • Tuyên ngôn “Mysterium ecclesiae”, về một vài sai lầm liên quan đến đạo lý về Hội thánh (24-06-1973).
  • Tuyên bố về hai quyển sách của giáo sư Hans Kȕng (15-2-1975)
  • Tuyên ngôn “Inter insigniores” về việc tiếp nhận phụ nữ vào chức tư tế thừa tác (15-10-1976)
  • Thông báo về cuốn sách “Iglesia: Carisma y poder. Ensayo de Eclesiología militante” của cha Leonardo Boff, O.F.M., (11-03-1985).
  • Thư “Communionis notio”gửi các giám mục về vài khía cạnh của Giáo hội nhìn như sự hiệp thông (28-05-1992).
  • Nhận xét về “Vị trí tối thượng của người kế vị thánh Phêrô trong mầu nhiệm Hội thánh”, (31-10-1998).
  • Lưu ý về thuật ngữ “Các Giáo hội chị em”, (30-06-2000).
  • Tuyên ngôn “Dominus Iesus” về sự duy nhất và ơn cứu độ phổ quát của Đức Giêsu Kitô và Hội thánh (06-08-2000).
  • Trả lời cho một vài câu hỏi liên quan đến đạo lý về Hội thánh (29-06-2007).
  • Ghi chú về vài khía cạnh của việc loan báo Tin mừng (3-12-2007)
  • Thư “Iuvenescit Ecclesia” về tương quan giữa các ơn phẩm trật và đặc sủng đối với đời sống và sứ mạng của Hội thánh (15-5-2016).

Kết luận
Những khuôn mặt khác nhau của Giáo hội trải qua lịch sử

            Sau khi nhìn lại Giáo-hội-học trải qua lịch sử Giáo hội, nhiều tác giả muốn tóm lại thành vài “khuôn mẫu” (models, paradigms). Cha Avery Dulles trình bày sáu mô hình[7]: ‘định chế’, ‘hiệp thông huyền nhiệm’, ‘bí tích’, ‘loan báo’, ‘phục vụ’. Heinrich Fries[8] nêu bật sáu hình ảnh trải qua sáu giai đoạn lịch sử: 1/ mầu nhiệm (3 thế kỷ đầu); 2/ đế chế (sau Constantinô); 3/ tuyên xưng (cận đại); 4/ định chế (khai sáng); 5/ thống nhất (Vaticanô I); 6/ toàn diện (thế kỷ XX). Dĩ nhiên, các mô hình chỉ nói lên một điểm nhấn vào mỗi thời kỳ, nhưng thực tại thì phức tạp hơn nhiều. Dù sao, chính nhờ ôn lại lịch sử, mà thời nay người ta nhận thấy sự cần thiết của một cái nhìn toàn diện. Đó là điều mà chúng ta cố gắng thực hiện trong phần thứ hai.

—————————————–

[1] Tên một cuốn sách của Otto Dibelius (1880-1967) xuất bản năm 1927: Das Jahrhundert der Kirche: Geschicht, Betrachtung, Umschau und Ziele, trong đó ông tiên đoán rằng Giáo hội Tin lành ở Đức sẽ được tự do hơn, khỏi sự kiềm chế của chính quyền. X. Y. Congar, «Le siècle de l’Église», in L’Église de saint Augustin à l’époque moderne, Cerf, Paris, 1970, p. 459ss.

[2] J. Sainz y Arriaga, Sede vacante, Editores Asociados, México 1973. D. von Hildegard, Das trojanische Pferd in der Stadt Gottes, Regensburg 1968. L. Bouyer, La décomposition du catholicisme, Paris 1968.

[3] D. Tracy-H. Kűng-B. Metz (eds ), Towards Vatican III.  The Work that needs to be done, Dublin 1978.

[4] N. Greinacher-H. Kȕeng (eds.), Katholische Kirche – Wohin? Wider den Verrat am Konzil. Piper, Munchen-Zurich, 1986.

[5]  G. Alberigo (ed.), Les Églises après Vatican II. Dynamisme et perspectives, Beauchesne, Paris 1981. Cuốn sách này cho thấy những vấn đề chính được đặt ra cho GHH.

[6]  X. bài Các Thượng hội đồng Giám mục. Thời sự thần học số 54 (tháng 11 năm 2011), trang 65-95.

[7] A. Dulles, Models of the Church, expanded ed., Doubleday Image, New York, 2001. Bản dịch tiếng Việt của LM Đaminh Nguyễn Đức Thông: Các mô hình Hội thánh, NXB Đồng Nai, Biên Hòa 2018.

[8] H. Fries, Mutamenti dell’immagine di chiesa ed evoluzione storico-dogmatica, in Mysterium salutis, vol.7, Brescia 1972, pp.267-346.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here