NHỮNG YẾU TỐ CỐT YẾU CỦA ĐỜI TU – MỤC IV. VÂNG PHỤC

0
6188

Phan Tấn Thành

 Cũng như đối với hai mục vừa qua, chúng tôi sẽ trình bày lời khuyên vâng lời dưới bốn khía cạnh: Khái niệm trải qua lịch sử, Kinh thánh, Thần học, Thực hành.

I. Khái niệm

Trong tiếng Việt, “vâng lời” (hay: nghe lời) có nghĩa là nghe theo lời của người nào đó: nghe không phải để cho lời lọt vào tai này và chui ra tai kia, nhưng là thuận nhận bằng cách đáp lại “Dạ vâng!”. Ta cũng thấy nội dung tương tự trong tiếng Latinh và Hy-lạp: tiếng Latinh obedire ghép bởi ob-audire (lắng nghe); tiếng Hy-lạp hypakouo bởi akouo cũng là chú ý lắng nghe.

Lãnh vực “vâng lời” chi phối nhiều mối tương quan khác nhau trong xã hội: con cái vâng lời cha mẹ, học trò vâng lời thầy, công dân phải tuân hành luật pháp. Ở đây chúng tôi chỉ dừng lại ở tương quan trong đời sống tu trì Kitô giáo. Lịch sử đã chứng kiến nhiều quan niệm về ý nghĩa và sự thực hành vâng lời. Có khi sự vâng lời được xét trong tương quan với Thiên Chúa, có khi được xét trong tương quan với Bề trên, với bản luật, với cộng đồng. Ngoài ra có tác giả thì coi sự vâng lời như một yêu sách của đời sống cộng đoàn hay của việc phối trí công tác tông đồ; có tác giả muốn lồng sự vâng lời trong việc thực tập nhân đức (chẳng hạn như đức khiêm nhường, yêu mến) hoặc việc từ bỏ bản thân, thậm chí nó được đồng hóa với chính việc hiến tế. Chúng ta hãy điểm qua các quan niệm ấy từ các ẩn sĩ cho tới các Dòng tu[1].

1/ Vâng lời của ẩn sĩ

Những đan sĩ đầu tiên đặt nặng việc tìm hiểu ý Chúa: “Lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi ?” Trong hành trình tu đức, đan sĩ cần một nhà dìu dắt, đức vâng lời được ví như thái độ của môn sinh đối với sư phụ. Nó mang tính cách sư phạm: người học trò non nớt cần phải biết nghe lời thầy dậy dỗ. Nó cũng có tính cách tu đức: người học trò không những cần hấp thụ những kiến thức trừu tượng mà còn phải thực hành nữa; vì thế ông thầy không ngại ra những bài tập thực-hành nhằm giúp cho môn sinh từ bỏ ý riêng, tập đức khiêm tốn. Chính trong bối cảnh đó, mà ta đọc thấy những bài học về việc trồng cây ngược, hay tưới cây gậy khô. Đó là những phương pháp sư phạm mà ta đọc thấy cả trong văn chương của đời tu trì Ấn giáo hay Phật giáo nữa[2].

 2/ Vâng lời của đan sĩ trong cộng đoàn

Đến khi xuất hiện đời sống cộng đoàn, thì sự vâng lời không chỉ được nhìn dưới khía cạnh tu đức mà thôi, nhưng còn trong khía cạnh tổ chức xã hội nữa: trong một cộng đồng, cần phải có người chỉ huy nếu không muốn sống cảnh hỗn loạn. Tuy nhiên, nguyên tắc sơ đẳng này cũng mang nhiều sắc thái khác biệt khi phân tích các bản luật cổ, tựa như của Pacomiô, Basiliô, Biển đức. Cả ba đều đề cao vai trò tu đức của sự vâng lời, nhưng mỗi vị nhấn mạnh tới một khía cạnh khác nhau, nhất là về vai trò của bề trên.

– a) Thánh Pacomiô muốn rằng toàn thể các đan sĩ sống trong đan viện phải đồng lòng hợp ý (koinonia) để khám phá ra ý Chúa. Chính Thiên Chúa là vị cai quản cộng đồng, chứ không phải là viện phụ.

– b) Thánh Basiliô quan niệm rằng mục tiêu của sự vâng lời là từ bỏ ý riêng để theo đức Kitô. Dĩ nhiên tiên vàn các đan sĩ phải vâng lời ý Chúa biểu lộ qua các điều răn trong Kinh thánh. Kế đó đan sĩ cũng phải vâng lời suy phục hết mọi người (miễn là điều truyền-khiến hòa hợp với ý Chúa) kể cả một người anh em nhỏ bé nhất trong cộng đoàn khi họ sửa bảo ta. Nói khác đi, Basiliô đề cao mối tương quan của cộng đoàn trong sự vâng lời. Dĩ nhiên đứng đầu cộng đoàn là Bề trên, nhưng Bề trên được ví như là “con mắt” chứ không phải là “cái đầu” của cộng đoàn. Tại sao vậy ? Bởi vì theo Basiliô, đức Kitô mới là đầu chỉ huy cộng đoàn; bề trên chỉ là con mắt, nghĩa là quan năng nhận định và hướng dẫn, nhận định đâu là điều Chúa truyền. Dù sao, kể cả khi nhấn mạnh đến bổn phận vâng lời, Basiliô không quên nhắc nhở rằng tu sĩ vâng lời để thực hành sự thương yêu, là giới răn quan trọng hơn cả.

– c) Sang Tây phương, ta thấy thánh Biển đức quan niệm sự vâng lời hơi khác; sự vâng lời được coi như phương thế thực tập đức khiêm nhường. Trong chương 7 của bản luật, thánh Biển đức đã trình bày các cấp độ của nhân đức vâng lời, gắn liền với nhân đức khiêm nhường và các nhân đức khác. Cấp một: vâng lời Thiên Chúa trong hết mọi sự, dù may mắn hay rủi ro. Cấp hai: từ bỏ ý riêng của mình để làm theo ý Chúa, bắt chước đức Kitô. Cấp ba: vâng lời bề trên vì lòng mến Chúa. Cấp bốn: nhẫn nại chịu đựng cả những điều trái ý bất công. Ở chương thứ 71, thánh Biển đức thêm cấp thứ năm là vâng lời cả các anh em mình. Dù sao thì sự vâng lời cần phải được tỏ ra cách đặc biệt đối với Viện phụ: Viện phụ là người thầy hướng dẫn môn sinh trên đường trọn lành; tu sĩ hãy vâng lời viện phụ vì là người thay mặt đức Kitô. Sự vâng lời không những chỉ giới hạn vào việc tuân hành điều mà bề trên truyền khiến nhưng còn phải hòa hợp ý chí của mình với ý của bề trên nữa. Sự vâng lời là một trong ba đối tượng mà đan sinh phải cam kết: vĩnh cư, cải hoán và vâng lời. Có điều đáng lưu ý là qua lời khấn “cải hoán” đan sinh cam kết sẽ tuân giữ luật lệ của dòng; còn lời khấn “vâng lời” nhằm cá nhân của viện phụ, vị thầy dẫn đường nhân đức và hiện thân của đức Kitô.

Từ đó, có thể nói rằng thánh Basiliô và thánh Biển đức đã tạo ra hai khuynh hướng trong quan niệm về sự vâng lời bề trên: đối với Basiliô, sự vâng lời bề trên nhằm tạo ra sự thông hiệp trong cộng đoàn; còn đối với Biển đức, sự vâng lời bề trên nhằm thực hiện sự hy sinh từ bỏ mình. Đối với Basiliô, bề trên là nhân tố xây dựng sự thông hiệp; đối với Biển đức, bề trên là người thay mặt Chúa. Nói khác đi, có hai quan niệm chính về vai trò của đức vâng lời: chiều ngang hoặc chiều dọc.

 3/ Vâng lời theo thánh Đaminh và thánh Inhaxiô.

 Hai khuynh hướng vừa kể càng nổi bật hơn nữa nơi truyền thống vâng lời của Dòng Đaminh và của Dòng Tên.

– a) Dòng Đaminh chú trọng tới sự thông hiệp. Các tu sĩ được gọi là “anh em” (fratres). Bề trên ví như “anh trưởng” (prior, prius inter pares), do anh em bầu ra cáng đáng công việc chung. Các tu sĩ Dòng Đaminh chỉ khấn vâng lời Bề trên Cả chiếu theo Hiến pháp. Tuy nhiên bề trên không nắm trong tay hết mọi quyền hành: không những hiến pháp đã dự trù nhiều cấp độ bề trên khác nhau, các chức vụ khác nhau, nhưng còn đòi hỏi các bề trên phải tham khảo cộng đoàn trong các vấn đề hệ trọng. Ngoài ra thánh Đaminh cũng muốn rằng Hiến pháp không buộc thành tội, cũng như bề trên có quyền chước chuẩn Hiến pháp khi nó làm ngăn trở việc học hành hay việc tông đồ. Dù sao, sự vâng lời được lồng trong việc mưu tìm ích chung của cộng đồng. Cả bề trên lẫn bề dứơi cần bàn thảo để tìm biết ích chung, tuy rằng quyết định sau cùng vẫn thuộc bề trên: người tu sĩ cúi đầu vâng phục bề trên vì ích chung, dù biết rằng có thể bề trên dốt hơn mình.

– b) Thánh Ignaxiô quan niệm khác hẳn về sự vâng lời: tu sĩ không những chỉ suy phục ý chí mà cả phán đoán mình theo bề trên nữa. Thánh Ignaxiô lồng sự vâng lời trong chiều hướng tông đồ: một đạo quân hữu hiệu cần được tổ chức quy củ, dưới sự điều động của tướng lãnh. Do đó, Dòng Tên tập trung mọi quyền hành vào tổng hành dinh: các chức vụ đều do Bề-trên-cả bổ nhiệm, chứ không còn do anh em bầu nữa. Các mối liên hệ hàng ngang biến đi, nhường chỗ cho các liên hệ hàng dọc: các tu sĩ phải tường trình lương tâm với bề trên. Đối lại, bề trên không phải tường trình cho công hội hay công nghị gì hết. Sự vâng lời phải dần dần đào tạo cho người tu sĩ biết từ bỏ ý riêng; sự vâng lời được đặt gần với đức tin: tu sĩ phải tập nhìn thấy Chúa hiện diện nơi bề trên.

Nói được là tất cả các Dòng thành lập trong các thế kỷ gần đây đều chịu ảnh hưởng của Dòng Tên. Văn chương tu đức không ngừng lặp đi đi lặp lại rằng “cần phải biết vâng lời bề trên như vâng lời Chúa”, “cần học biết vâng lời tối mặt, chứ không xét đoán lệnh truyền”, vân vân. Dĩ nhiên, chuyện lý tưởng đó không phải lúc nào cũng tương ứng với thực tế xét vì không phải lúc nào ý bề trên cũng trùng hợp với ý Chúa!

4/ Thời cận đại

Những năm sau công đồng Vaticano II cho thấy một phản ứng ngược lại. Nhiều Dòng đã giáng các “bề trên” (supérieur) xuống hàng “phụ trách” (responsable); có nơi đặt ra một “ban điều hành” (collegium), nghĩa là giao việc điều khiển cho một tập đoàn để tránh sự độc đoán cá nhân. Người ta đi từ một thái cực này sang thái cực khác: từ chỗ toàn thể đạo quân phải suy phục một đầu (thống soái) tới chỗ có bao nhiêu quân thì có bấy nhiêu đầu.

 Thực ra chúng ta phải nhìn nhận rằng lịch sử Dòng tu chịu ảnh hưởng không nhỏ của điều kiện văn hóa xã hội đương thời. Tính chất dân chủ của Dòng Đaminh phản ánh không ít khung cảnh văn hóa thế kỷ XII-XIII tại Âu châu, thời đại của các công xã: ta thấy trong Giáo hội, các công nghị công đồng họp liên miên (ba công đồng hoàn vũ được triệu tập trong thế kỷ XII và công đồng trong thế kỷ XIII); tại một số đại học, chính các sinh viên đứng ra bầu viện trưởng và thuê giáo sư. Thánh Inhaxiô ra đời vào thời đại quân chủ chuyên chế tại Âu châu; trong Giáo hội quyền bính tập trung vào Giáo triều Rôma, khiến cho vai trò các công đồng chung hay công đồng miền trở nên thừa thãi (phải chờ ba thế kỷ mới có một công đồng hoàn vũ, từ Trentô đến Vaticanô I). Ngày nay cũng vậy, trong khi xã hội đề cao phẩm giá tự do của con người cũng như quyền được tham gia vào công quyền, chắc chắn quan niệm về quyền bính và sự vâng phục trong Giáo hội và các Dòng tu cũng chịu ảnh hưởng. Về tổ chức Giáo hội, bộ giáo luật đã dự trù rất nhiều cơ quan hội đồng tư vấn đủ mọi cấp: thượng hội đồng Giám mục, công nghị giáo phận, hội đồng linh mục, hội đồng mục vụ, vân vân.

 Trong các Dòng tu, dựa theo Sắc lệnh canh tân đời tu của công đồng Vaticano II (số 14), Bộ giáo luật cũng đòi thiết lập những cơ quan nhờ đó các phần tử có thể tham gia vào việc cai trị trong Dòng (điều 632-633). Nhưng nhất là bên cạnh thần học về sự vâng lời nảy ra thần học về quyền bính. Điều 618 của bộ giáo luật nhắc nhở các bề trên hãy hành sử quyền bính trong tinh thần phục vụ; ngoan ngoãn với ý Chúa, xúc tiến sự vâng phục tự nguyện, vui lòng lắng nghe người thuộc quyền. Điều 619 thêm rằng các bề trên hãy tìm cách xây dựng trong đức Kitô một cộng đoàn huynh đệ, trong đó mọi người tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.

Điều thú vị là nữ tu Maria “ncilla nhận thấy có hai quan niệm về quyền bính và vâng lời trong các văn kiện của Toà thánh[3].

– a) Nói chung, hầu hết các văn kiện Tòa thánh theo quan điểm của thánh Inhaxiô, nhấn mạnh sự suy phục ý chí (thí dụ Sắc lệnh công đồng Vaticanô II về Dòng tu số 14). Nền tảng thần học của nó là Giáo hội phẩm trật. Mọi quyền bính từ trên ban xuống: từ đức Kitô thông qua các tông đồ, chuyền sang Giáo hòang chảy xuống bề trên. Vì thế, ý bề trên là ý Chúa. Thêm vào đó, sự vâng lời còn có giá trị hy sinh (từ bỏ ý riêng).

– b) Tuy nhiên, tông huấn “Chứng tá Phúc Âm” của đức Phaolô VI trình bày một quan điểm khác về sự vâng lời. Sự vâng lời được đặt trong bối cảnh bác ái thương yêu trong cộng đòan huynh đệ (số 23). Quyền bính được coi như một dịch vụ (Lc 22,26‑27; Ga 13,17: được trưng dẫn ở số 24). Đức Kitô không xuất hiện như nguyên ủy của quyền bính nhưng là gương mẫu của sự phục vụ (Mt 20,28). Việc tìm ra ý Chúa không phải là một đặc sủng của bề trên mà thôi, nhưng còn qua sự tham khảo của tất cả cộng đòan nữa. Hiểu như vậy, sự vâng lời không còn phải là “suy phục ý chí của bề trên” (submissio, subjectio voluntatis) nhưng là “chấp nhận lệnh của bề trên” (obtemperans, consentio, số 27), nghĩa là nhận ra lý lẽ, mối liên hệ với công ích. Hậu nhiên, sự bất tuân lệnh là một điều xấu, không chỉ tại vì “bám theo ý riêng”, nhưng là vì gây thiệt hại cho công ích (số 28).

II. Kinh thánh

Khi nói về sự khiết tịnh và khó nghèo, chúng ta có thể phân biệt những hình thức đặc sủng khác nhau trong Hội thánh: không phải ai ai cũng có ơn gọi sống độc thân vì Nước trời; không phải ai ai cũng có ơn gọi từ bỏ hết tài sản để đi theo đức Kitô. Đến lúc bước sang sự vâng lời thì khó trưng dẫn những bản văn Kinh thánh nói tới một đặc sủng riêng biệt. Giáo huấn về sự vâng lời được áp dụng cho hết mọi người, tuy dù có những sự phân loại dựa theo vị trí và hoàn cảnh, tỉ như ngoài sự vâng lời đối với luật Chúa còn có sự vâng lời đối với quyền bính hợp pháp trong xã hội và Giáo hội: con cái vâng lời cha mẹ, công dân tuân giữ luật pháp quốc gia, người tín hữu vâng phục giáo quyền, vân vân

1/ Tiên vàn Kinh thánh nói đến sự vâng lời đối với Thiên Chúa, chủ tể vạn vật. Con người là thụ tạo chứ đâu phải là bá chủ của vũ trụ. Vì thế, vậy con người cần phải biết tuân theo chỉ thị của Đấng đã tạo tác nên mình. Sự tuân phục luật lệ của Thiên Chúa không làm hạ giá con người, nhưng mang lại sự sống cho con người. Thực vậy, luật của Thiên Chúa không phải là cái tròng đè lên đầu lên cổ của con người, nhưng chính là luật cấu tạo nên sự sống của con người. Nếu ai đó tự bóp nghẹt mũi để tỏ ra ý chí tự chủ của mình không muốn lệ thuộc vào không khí, thì ắt là chúng ta sẽ cười chê thái độ ngu xuẩn của hắn! Một cách tương tự như vậy, khi con người muốn vùng lên chống lại luật Thiên Chúa vì muốn khẳng định sự tự quyết, thì thái độ ấy cũng điên rồ không kém. Những trang đầu của Kinh thánh đã thuật lại cho ta kinh nghiệm đau thương đó: nguyên tổ loài người muốn dành quyền định đoạt điều lành điều dữ theo ý mình; và rồi họ đã chuốc cái chết cho mình cũng như cho con cháu. Khi con người muốn đạp đổ trật tự mà Tạo hóa đã đặt ra thì chẳng mấy chốc con người cũng quay ra hục hặc chém giết nhau. Đó là điều mà sách Sáng thế nhận xét qua sự tích Cain với “bel, hoặc tháp Babel.

2/ Ngoài thái độ vâng phục căn bản của hết mọi người có đối với Đấng Tạo hóa, Kinh thánh còn nói đến sự vâng phục của Israel đối với giao ước. Đây không phải là sự vâng phục của nô lệ với chủ nhân, nhưng là sự trung thành chung thủy của tình yêu. Các ngôn sứ nhiều lần kêu gọi sự vâng phục của Israel bằng những từ ngữ ái ân vợ chồng!. Thực vậy, Thiên Chúa được so sánh như là như người cha, người mẹ (Is 1,2; 66,12), như là như gã si tình đem lòng thương yêu Israel, khi nàng chỉ là một cô gái bơ vơ lạc lõng giữa đường (Ed 16; Hs 2). Sự vâng phục được đặt trong bối cảnh của tình yêu. Cũng vì vậy, mà các ngôn sứ đã không ngừng chỉ trích việc tuân giữ lề luật cách máy móc, hình thức (thí dụ Is 1,11-17): Thiên Chúa muốn hiến lễ của tình yêu vâng phục chứ không phải lễ tế chiên bò (Tv 40,7.9; 1 Sam 15,22).

3/ Tân ước nối dài tư tưởng đó. Dĩ nhiên ngoài sự vâng phục lề luật Chúa nói chung, thánh Phaolo đã định nghĩa đức tin như là một sự vâng lời (Rom 1,5; 16,26), tuân nhận những gì Chúa đã mạc khải cho con người. Tác giả của lá thư gửi dân Do thái đã trình bày những gương sống động của đức tin khởi đầu từ “braham như là những tấm gương của sự vâng phục (Dt 11,8). Dĩ nhiên tấm gương vâng phục nổi vượt hơn cả là chính đức Kitô. Chính tác giả của thư gửi dân Do thái đã đặt trên môi của Người khi bước vào trần gian những lời của thánh vịnh 40: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội Chúa không đòi. Con liền thưa: Này con xin đến – trong sách có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Dt 10,5-7). Chính nhờ sự vâng phục mà đức Kitô đã nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời (Dt 5,8-9). Khi giở Phúc âm, ta có thể thấy tất cả cuộc đời của đức Kitô từ đầu cho đến cuối diễn ra trong sự vâng phục Chúa Cha: từ lúc thiếu thời ở Nazareth Người đã thao thức với những công việc mà Cha ủy thác (Lc 2,49), hay khi bị ma quỷ cám dỗ trên sa mạc muốn lật ngược kế hoạch của Chúa (Lc 4,8) cho tới lúc bị thử thách trong vườn Cây dầu (Lc 22,42), đức Kitô luôn lấy ý Chúa làm kim chỉ nam, làm lương thực cho cuộc đời (Gn 4,34; 5,30; 6,38; 8,27; 12,27-28; 17,4). Thánh Phaolo đã tóm lại tất cả cuộc đời dương thế của đức Kitô như thế này: “Người đã vâng lời cho đến chết, chết trên Thập giá” (Pl 2,8). Chính sự vâng phục của Người đã mang lại sự cứu độ cho nhân loại cũng như trước đây sự bất tuân của “dong đã gây diệt vong cho loài người (Rom 5,19). Dù sao đi nữa, đừng ai quên rằng sự vâng phục của đức Kitô là sự vâng phục của một người con thảo hiếu với tình yêu mến: việc làm theo ý Cha, tuy có cam go, nhưng được nuôi dưỡng bởi lòng thán phục cảm tạ (Lc 15,7.10).

4/ Từ gương sống đó, ta cũng hiểu được yêu sách mà đức Kitô đặt ra cho những ai muốn theo Người. Người muốn cho họ không phải chỉ dạ dạ vâng vâng ngoài miệng nhưng thực sự thi hành ý Cha trên trời (Mt 7,21). Phàm ai làm theo ý Cha thì sẽ trở thành anh em với Người (Mc 3,35). Chúng ta không tìm thấy trong Kinh thánh một câu văn nào nói tới lời khuyên vâng lời dành riêng cho tu sĩ, khác với sự vâng lời dành cho các tín hữu nói chung. Tuy nhiên, một khi tu sĩ đã đặt lý tưởng đời mình nơi việc đi theo và bắt chước đức Kitô, thì đương nhiên họ phải cố gắng họa sát sự tuân phục mà Người đã sống và đã dạy: vâng phục vì thảo hiếu với Chúa Cha, vâng phục vì phục vụ Nước Trời.

5/ Ngoài những đoạn văn về sự vâng phục, thiết tưởng cũng nên thêm những đoạn văn khác nói về quyền bính trong Giáo hội. Quyền hành được trao để phục vụ chứ không phải để thống trị (Mc 10,42-45). Quyền hành được trao để nhận chân các đặc sủng chứ không phải để dập tắt chúng (1 Tx 5,19-21).

III. Thần học

Ở đây chúng ta chỉ nói đến giá trị thần học của đức vâng lời trong đời sống thánh hiến, chứ không đến các lãnh vực khác (tỉ dụ sự tuân phục trong hàng ngũ quân đội).

Dựa theo các văn kiện của Giáo hội (DT số 14, CT số 23-29, H” số 13, TH số 91), ta có thể kể ra bốn chiều kích sau đây: 1/ chiều kích hướng Chúa, xét trong mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa; 2/ chiều kích Kitô, bắt chước gương vâng phục của Người; 3/ chiều kích tu đức, trong việc tập luyện các nhân đức; 4/ chiều kích Hội thánh, nhằm phục vụ cộng đồng và công tác tông đồ.

A. Chiều kích hướng Chúa

Kinh thánh trình bày sự vâng lời như thái độ căn bản của con người trước Thiên Chúa, cũng như tội lỗi được coi như là sự bất tuân đối với lệnh Chúa truyền. Cách riêng sự vâng lời là thái độ căn bản của người tín hữu: tin có nghĩa là vâng nghe Chúa, đáp lại tiếng gọi của Chúa.

   Trong đời thánh hiến, nhiều lần chúng ta bàn đến đức vâng lời trong khung cảnh của mối liên hệ giữa tu sĩ với bề trên mà quên đi điều cốt yếu, đó là mối liên hệ với Thiên Chúa. Tu sĩ không khấn hứa vâng lời cá nhân của bề trên, song là vâng lời Thiên Chúa mà bề trên là đại diện. Những bản luật cổ truyền như của Basiliô, Biển đức, đều đặt chiều kích hướng Chúa ở hàng đầu: vai trò của bề trên là giúp cho các tu sĩ biết tìm ra ý Chúa; sự tuân giữ luật dòng nhằm giúp tu sĩ tuân giữ luật Chúa. Dĩ nhiên, bản luật tối thượng mà tu sĩ phải lo tuân hành là Phúc âm.

B. Chiều kích Kitô

Tân ước đã tóm lược cuộc đời của đức Kitô vào tiếng “vâng lời”: Người đã vâng phục cho đến chết (Pl 2,8). Nhờ sự vâng phục của Người mà nhân loại được cứu rỗi, cũng như trước đây nhân loại đã mất ơn nghĩa với Chúa tại sự bất tuân phục của ông “đam (Rm 5,19). Kề sát với đức Kitô chúng ta cũng kể đến đức Maria, với tâm tình luôn suy phục Thiên Chúa, biểu lộ qua lời đáp FI”T cùng sứ thần Gabriel lúc truyền tin: “Này đây là nữ tì của Thiên Chúa, xin cho lời Ngài xảy đến nơi tôi” (Lc 1,38). Maria được ca ngợi là có phúc không phải bởi vì cưu mang và sinh hạ đức Kitô cho bằng vì đã lắng nghe và tuân hành lời Chúa (Lc 11,27-28).

C. Tu đức

Ngay từ lúc xuất hiện đời tu trì, các tác phẩm tu đức đã nhấn mạnh đến chiều kích tu đức của sự vâng lời: trên đường tiến đức, người tu sĩ cần được một ông thầy lão luyện hướng dẫn để biết tìm ra ý Chúa. Dần dần, các tác giả khai triển thêm mối liên hệ giữa đức vâng lời với vài nhân đức cụ thể, chẳng hạn: thánh Biển đức gắn đức vâng lời với khiêm nhường, thánh Phanxicô thì coi vâng lời như hình thức thực hiện khó nghèo qua việc từ bỏ ý riêng.

Với sự phát triển của thần học, vị trí của đức vâng lời trong đời thánh hiến được nêu bật với các giá trị như sau:

1/ Giá trị hiến tế. Theo thánh Tôma “quinô, khi khấn vâng lời, tu sĩ dâng cho Thiên Chúa điều cao quý nhất của con người, đó là ý chí tự do, quyền định đoạt về đời sống (II-II, q.186,7). Cách riêng sự vâng lời không chỉ họa lại gương khiêm tốn vâng phục của đức Kitô, nhưng còn thông dự vào sự hiến dâng của Ngài nữa: “Cha không nhận lễ toàn thiêu của chiên bò, thì này đây con xin đến để làm theo ý Cha” (Dt 10,9). Cũng như đức Kitô đã hoàn tất việc cứu độ nhân loại qua sự đau khổ và vâng phục (Dt 5,8), người tu sĩ qua hy lễ vâng phục cũng đóng góp vào sự cứu chuộc thế giới như vậy (H” số 13).

2/ Giá trị nhân bản. Sự vâng lời mang giá trị giải thoát con người khỏi sự nô lệ của chính bản ngã. Thực vậy, ai cũng mang trong mình khuynh hướng đặt mình làm trung tâm vũ trụ. Đối lại với khuynh hướng ấy, sự vâng lời nói lên thái độ phục thiện, khi nhìn nhận rằng chân lý không nằm trong tay của mình; con người cần thoát ra bản ngã của mình để đi tìm chân lý khách thể. Con người chấp nhận tìm hiểu, học hỏi dưới sự hướng dẫn của người khác. Hiểu như vậy, ta thấy sự vâng lời giúp ta trở thành con người tự do hơn, theo nghĩa là thoát khỏi nô lệ của bản ngã chủ quan.

3/ Sự vâng lời của tu sĩ cần được đặt trong nhãn giới của đức tin, cậy, mến, nghĩa là với những động lực siêu nhiên, chứ không phải chỉ theo thị hiếu tình cảm. Sự vâng lời cũng liên hệ tới hai lời khuyên khiết tịnh và khó nghèo, xét vì nó nằm trong kế hoạch tổng quát của việc từ bỏ mình, dâng hiến và yêu mến. Cách riêng,như ta đã biết, nghĩa vụ tối thiểu của lời khuyên khó nghèo là tùy thuộc bề trên trong việc định đoạt xử dụng tài sản.

4/ Sự vâng lời cần thiết để kiến tạo cộng đoàn. Chúng ta sẽ trở lại điểm này trong mục kế tiếp, khi bàn về tình huynh đệ. Ở đây chỉ nên lưu ý rằng các tác giả nói đến hai mô hình tổ chức cộng đoàn, với những hệ luận khác biệt về quyền bính: cộng đoàn chiều dọc và cộng đoàn chiều ngang. Cộng đoàn chiều dọc quan niệm quyền bính ở chóp bu, còn cộng đoàn chiều ngang thì cổ võ sự thoả thuận.

D. Chiều kích Hội thánh

Mặc dầu mỗi người chúng ta cần phải lui về nội tâm để tìm hiểu ý Chúa đối với riêng mình (chúng ta biết rằng Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta một kế hoạch riêng biệt, không ai giống ai), nhưng trong lịch sử cứu rỗi, Thiên Chúa nhiều lần bày tỏ ý định của Ngài qua các ngôn sứ, qua cộng đoàn. Vì thế, nhờ sự vâng lời các người thay mặt Chúa trong Hội thánh mà ta có thể tìm thấy ý của Chúa.

Sự vâng lời trong Hội thánh lại cần thiết hơn nữa đối với những ai muốn phục vụ công tác tông đồ trong Hội thánh: các công tác cần được phối trí và ủy thác bởi những nhà cầm quyền Giáo hội. Không ai được phép tự tiện coi sáng kiến riêng tư của mình như là hoạt động tông đồ nếu thiếu sự thông hiệp với Giáo hội qua sự tuân phục những người lãnh đạo trong Giáo hội.

IV. Thực hành

Chúng ta thấy rằng trải qua lịch sử, việc thực hành lời khuyên vâng lời đã mang nhiều dạng thức khác nhau, tuỳ theo đặc sủng của mỗi dòng và môi trường văn hoá của mỗi thời đại. Ở đây, chúng tôi chỉ xin ghi nhận vài điểm thuộc khía cạnh tu đức và huyền bí.

A. Khía cạnh tu đức

1/ Trong việc thực hành nhân đức vâng lời, ngoài những đặc tính kèm theo việc chấp hành lệnh của bề trên (tựa như: mau mắn, vui tươi, bền bỉ, đơn sơ, vân vân), các tác giả còn liệt kê ba cấp độ: a) tuân hành bề ngoài; b) suy phục ý chí; c) thuận nhận cả về phán đoán.

Một điều đã gây ra nhiều tranh cãi giữa các nhà thần học là: tu sĩ chỉ cần “nhắm mắt” tuân hành, hay được phép “lý luận” nữa ?

– Có trường phái khẳng định nhắm mắt thi hành, và họ dùng những thuật ngữ như là “vâng lời tối mặt”, “vâng lời như xác chết” (perinde ac cadaver).

– Có trường phái chủ trương rằng vâng lời là một hành vi sáng suốt, có trách nhiệm. Vì thế khi nhận thấy lệnh truyền phi lý hoặc trái luật thì không buộc phải tuân theo.

Thực ra cuộc tranh cãi này không chỉ giới hạn vào bản chất của đức vâng lời, nhưng còn liên quan đến nhiều vấn đề luân lý khác nữa, chẳng hạn như về bản chất của luật pháp (hành vi của lý trí hay ý chí), bản chất của lương tâm (chủ quan hay khách quan). Chúng tôi xin miễn đi vào những cuộc tranh luận này.

2/ Dù sao, trong đời sống Kitô hữu, chúng ta cần phân biệt nhiều cấp độ vâng lời.

– Trong lãnh vực đạo lý, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo cũng như Bộ giáo luật (BGL) đã phân biệt nhiều cấp độ giáo huấn cũng như cấp độ thuận nhận về phía tín hữu: một đạo lý được tuyên bố như tín điều thì khác với một đạo lý được trình bày với quyền giáo huấn thông thường (GLCG số 888-892; 2032-2040; BGL đ. 749-754).

– Trong lãnh vực kỷ luật và mục vụ, các tu sĩ có bổn phận vâng lời các mục tử, cũng như các tín hữu khác (BGL đ. 678).

3/ Lời khấn vâng lời chỉ ràng buộc tu sĩ với những bề trên hợp pháp của mình, chứ không phải với bất cứ ai khác (BGL đ. 601; YT 17). Ngoại trừ Đức Thánh Cha, vị chủ chăn tối cao trong Giáo hội (BGL đ. 590 ‘1), không giám mục nào được giáo luật nhìn nhận như là bề trên của các tu sĩ, có thẩm quyền ra lệnh nhân danh lời khấn vâng lời (BGL đ.586 ‘2).

B. Khía cạnh huyền bí

Qua lời khấn dòng, người tu sĩ muốn tiến đến đức ái trọn hảo. Lý tưởng này được diễn tả qua việc hoà hợp ý muốn và tình yêu của con người với Thiên Chúa. Đỉnh cao của đường thánh thiện là luôn luôn tuân hành ý Chúa. Đức vâng lời nhắm tới mục tiêu đó.

——————–

[1] AA.VV. Obedienza, in: “Dizionario degli Istituti di Perfezione” vol.VI, col.494-551.

[2] Xc. Đời sống tâm linh tập V trang 56-57.

[3] Soeur Marie Ancilla, L=obéissance religieuse dans les documents officiels de l=Eglise. Une obéissance ignatienne? in: Vie Consecrée 67 (1995) 358-373.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here