THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 84

0
3373

CHỦ ĐỀ : GIẢI THÍCH KINH THÁNH

LỜI GIỚI THIỆU

“Kinh Thánh là linh hồn của thần học” (Hiến chế Dei verbum số 24). Các đề tài của các số báo Thời sự thần học thường vẫn dành một bài về nền tảng Kinh Thánh (thí dụ như những số gần đây: Tuổi trẻ, Chiến tranh và Hòa bình, Chứng nhân[1]). Lần này, chúng ta không tìm hiểu một vấn đề cụ thể trong Kinh Thánh, nhưng chú trọng vào việc giải thích Kinh Thánh, nhân kỷ niệm 25 năm văn kiện “Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh” của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh (tuy được ký ngày 15/4/1993 nhưng mãi đến tháng 4 năm 1994 mới công bố). Trước khi giới thiệu nội dung của các bài viết, chúng tôi muốn lưu ý về các từ ngữ: “Kinh Thánh” và “giải thích”.

I. Các từ ngữ

1) Kinh Thánh – Thánh Kinh – Sách Thánh

– Trong nguyên bản Hy-lạp, Biblia có nghĩa là “những cuốn sách” (dùng ở số nhiều của biblion), nhưng sau đó được dùng như số ít (“quyển sách”) khi chuyển âm sang các ngôn ngữ Âu châu: Biblia (La-tinh và Tây Ban Nha), Bibbia (Italia), Bible (Pháp, Anh). Để tỏ lòng kính cẩn, đôi khi người ta thêm tính từ “thánh” (La Sainte BibleThe Holy Bible), x. 1Mcb 12,9; 2Mcb 8,23.
– Trong các ngôn ngữ Âu châu, một danh xưng thông dụng là Scriptura (La-tinh), Ecriture(Pháp), Scripture (Anh, hoặc Writing, Holy Writ), tự nó có nghĩa là “điều được viết ra” (“như đã chép rằng”: ut scriptum est), chứ không phải là “chữ viết”. Scriptura có thể dùng ở số ít hay ở số nhiều (tiếng Hy lạp: ἡ γραφή / αἱ γραφαί). “Secundum Scripturam (Scripturas)” quen dịch là “đúng như lời Kinh Thánh” (thí dụ trong kinh Tin kính đọc trong Thánh lễ Chúa nhật), nếu dịch sát thì phải nói: “như đã viết” (hoặc: “có lời chép rằng”)[2]
– Kinh Thánh gồm có hai phần chính: Cựu Ước và Tân Ước, nghĩa là Giao ước cũ và Giao ước mới. Thực ra trong các tiếng Âu châu, người ta nói đến Testamentum (La tinh), Testament (Pháp và Anh) có nghĩa là “di chúc”. Trong nguyên bản Do Thái, tiếng berit vừa có nghĩa là giao ước (song phương) vừa có nghĩa là chúc thư (đơn phương). Nhiều ấn bản Kinh Thánh gần đây bên Âu châu đã thay thế “Testament” thành Alliance (Pháp) hoặc Covenant (Anh).

2) Exegesis / Hermeneutica

Từ ngữ “giải thích” (danh từ hoặc động từ) trong tiếng Việt tương đương với nhiều từ trong ngôn ngữ Âu châu: interpretatio / hermenéutica / exégesis.
– “Interpretation” trong tiếng Anh và Pháp đều có gốc bởi tiếng Latinh Intepretatio có nghĩa là giải thích (gồm bởi “inter”: giữa; “pret” hoặc “prat”: làm cho biết). Từ đó chúng ta có từ “interprète”: người thông ngôn hay thông dịch, chuyển dịch.
– “Hermenéutica” gốc Hy lạp, bắt nguồn bởi ἑρμηνεύω (herméneúó) có nghĩa là phiên dịch (từ tiếng nước ngoài), thông dịch, diễn tả thành lời nói. Nó được chuyển dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ: thông diễn học / chú giải học / tương giải học.
– “Exégesis” bắt nguồn từ tiếng Hy-lạp ἐξήγησις gốc bởi động từ εχηγεομαι, gồm bởi tiếp đầu ngữ Ἐξ (ek hoặc ex) có nghĩa là “ngoài” và động từ ἄγω (ágo) có nghĩa là đưa ra, dẫn ra. Như vậy, theo nguyên ngữ exegesis có nghĩa là “đưa ra ngoài, lôi ra, kéo ra”; và được hiểu như là: hướng dẫn, dẫn đường, chỉ huy; và sau đó có nghĩa là tuyên bố, nói cho biết .
Trong lãnh vực giải thích Kinh Thánh[3], cả hai từ này được dùng như đồng nghĩa cho đến thế kỷ XVIII, khi mà “hermenéutica” mang những nghĩa khác nhau tùy theo trường phái triết học[4]. Ngày nay, “exégesis” thường được hiểu về việc phân tích bản văn nhằm khám phá điều mà tác giả muốn nói cho người đương thời (tiếng Việt cũng quen gọi là “chú giải”); “hermenéutica” nhằm khám phá điều tác giả muốn nói với chúng ta trong một khung cảnh khác biệt và với một ngôn ngữ mà người thời nay hiểu được[5].

II. Nội dung

1. Số báo được mở đầu với bài Lịch sử giải thích Kinh Thánh của linh mục Phan Tấn Thành. Chúng ta sẽ theo dõi những cách thức mà Cựu Ước giải thích chính bản văn Cựu Ước, và kế đó cách thức Tân Ước giải thích Cựu Ước. Trong khi trình bày các phương pháp giải thích, chúng ta cũng có cơ hội làm quen với những khuôn mặt nổi bật trong lịch sử Giáo hội đã đề ra những quy tắc giải thích, và cuối cùng, điểm qua các văn kiện Huấn quyền trong thế kỷ XX và XXI.

2. Vào lúc được thành lập vào năm 1902, Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh là một cơ quan của Huấn quyền để giám sát việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, vai trò của cơ quan này đã được thay đổi sau cuộc cải tổ năm 1971 dưới thời đức thánh cha Phaolô VI. Qua bài Lịch sử Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh, giáo sư Miren Junkal Guevara Llaguno giới thiệu tất cả các văn kiện của Ủy ban này từ khi thành lập đến nay.
Trong khuôn khổ của một số báo, chúng tôi chỉ có thể giới thiệu bốn văn kiện được coi là căn bản, dựa theo thứ tự nội dung chứ không theo thứ tự thời gian phát hành, đó là: “Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh” (1993), “Linh hứng và chân lý trong Kinh Thánh” (2014), “Kinh Thánh Do Thái trong Kinh Thánh Kitô giáo” (2001), “Kinh Thánh và luân lý” (2008).

3. Đâu là đặc trưng của khoa giải thích Kinh Thánh theo quan điểm Công giáo, so sánh với khoa giải thích Kinh Thánh về phía Giáo hội Tin lành, về phía đạo Do Thái, về phía các nhà nghiên cứu sử học? Dựa theo văn kiện “Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo hội” của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh năm 1993, giáo sư Peter Williamson rút ra hai mươi Nguyên tắc chú giải Kinh Thánh theo quan điểm Công giáo.

4. Sau ba bài mang tính khái quát, các bài tiếp theo đi vào vài khía cạnh cụ thể. Trước hết, giáo sư Mark Reasoner trình bày văn kiện Ơn linh hứng và chân lý của Sách Thánh: Lời xuất phát Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa để cứu độ thế giới, phát hành năm 2014.

5. Giải thích Cựu Ước. Người Kitô hữu đọc Cựu Ước như thế nào? Cách hiểu của người Kitô có trung thực với nguồn gốc trong truyền thống Do Thái không? Những câu hỏi này được trả lời trong văn kiện Dân tộc Do Thái và Sách Thánh của họ trong Thánh Kinh Kitô giáo, phát hành năm 2001, qua sự giới thiệu của linh mục Giuseppe Ghiberti.

6. Giải thích luân lý. Kinh Thánh chỉ chứa đựng mặc khải liên quan đến đức tin mà thôi, hay còn là mẫu mực để ta biết cách hành động theo ý Chúa? Ta có thể tìm thấy các quy tắc luân lý trong Kinh Thánh không? Phải giải thích thế nào về sự thay đổi giáo huấn luân lý của Hội thánh trải qua dòng lịch sử? Linh mục Giuseppe De Virgilio theo dõi vấn đề qua các văn kiện của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh, cách riêng là văn kiện được phát hành năm 2008: Kinh Thánh và luân lýNhững nguồn gốc Kinh Thánh của hành động Kitô hữu.

7. “Lắng nghe – Giải thích – Quyết định”. Số báo về giải thích Kinh Thánh được khép lại với một câu chuyện mang tính thời sự thần học, đó là Tông huấn Hậu thượng hội đồng về giới trẻ “Christus vivit” của Đức thánh cha Phanxicô, được ban hành ngày 25/3/2019, trong đó “giải thích” là một từ khóa cho đường hướng mục vụ của Giáo hội và không chỉ dành riêng cho giới trẻ.

* * *

Nhân tiện, chúng tôi xin nhắc lại vài bài viết trong Thời sự thần học liên quan đến việc giải thích Kinh Thánh

Số 70 (tháng 11 năm 2015) “Phục vụ Lời Chúa”, đặc biệt là các bài của Emili Marles Romeu, Đức Kitô Lời Thiên ChúaTừ Dei Verbum đến Verbum Domini (trang 11-31); Joy Philip Kakkanattu, Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh (trang 32-57); Ignacio Chuecas, Những đường hướng nghiên cứu Cựu Ước hiện nay (trang 58-76); Fernando Ramos, Nghiên cứu Kinh Thánh Tân Ước. Toàn cảnh lịch sử và những hàm ý đối với thần học hệ thống (trang 77-103).

Lê Minh Thông, Phương pháp đọc Kinh Thánh: Đi tìm ý nghĩa câu chuyện, số 54 (tháng 11 năm 2011), trang 27-64

Trung tâm Học vấn Đa Minh

_________

[1] Số 80: “Giới trẻ trong Kinh thánh”. Số 81: “Kinh thánh và những cuộc chiến của Thiên Chúa”; “Hòa bình theo Kinh thánh”. Số 82: “Chứng tá trong Kinh thánh”.

[2] Thuật ngữ “Sacra Scriptura” không có trong Kinh thánh Hipri mà chỉ được sử dụng trong bản dịch LXX (1Sbn 15,15; 2Sbn 30,5; Er 6,18) và từ đó chuyển sang Tân Ước. Tân Ước dùng từ Scriptura (số ít) hơn 50 lần (Mc 12,10; Lc 4,21; Ga 2,22; Rm 11,2; Gl 3,8.22,vv.) hoặc Scripturae (số nhiều) (Mt 21,42; 22,29; 26,54; Mc 12,24; 42,49; Lc 24,27.32.45; Ga 5,39; vv.) để ám chỉ toàn bộ các sách Cựu Ước. Về sau, các giáo phụ áp dụng thuật ngữ này cho Tân Ước nữa.
[3] Việc giải thích bản văn đã được đặt ra từ cổ thời trong giới luật học: giải thích và áp dụng một khoản luật. Di tích còn thấy trong bộ giáo luật 1983, về quy tắc giải thích ở điều 17-18, (và cơ quan có thẩm quyền nói ở điều 16).
[4] Điển hình là: F. Schleiermacher (+1834), W. Dilthey (+1911), R. Bultmann (+1976), M. Heidegger (+1976), H.. Gadamer (+2002).
[5] Prosper Grech, “Ermeneutica”, in: Nuovo Dizionario di Teologia Biblica, Paoline, Cinisello Balsamo 1988, p.464.

————————————–

TRONG SỐ NÀY

LỜI GIỚI THIỆU 7

LỊCH SỬ VIỆC GIẢI THÍCH KINH THÁNH
Phan Tấn Thành 13

LỊCH SỬ ỦY BAN GIÁO HOÀNG VỀ THÁNH KINH
Miren Junkal Guevara Llaguno 59

VIỆC GIẢI THÍCH KINH THÁNH : NHỮNG NGUYÊN TẮC CÔNG GIÁO
Peter S. Williamson 80

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VĂN KIỆN ƠN LINH HỨNG VÀ CHÂN LÝ CỦA SÁCH THÁNH CỦA ỦY BAN GIÁO HOÀNG KINH THÁNH (2014)
Mark Reasoner 110

DÂN TỘC DO THÁI VÀ SÁCH THÁNH CỦA HỌ TRONG KINH THÁNH KITÔ GIÁO
Giuseppe Ghiberti 140

KINH THÁNH VÀ LUÂN LÝ: MỘT DỰ ÁN THÔNG DIỄN
Giuseppe De Virgilio 166

CHRISTUS VIVIT : TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TUỔI TRẺ
Phan Tấn Thành 196

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here