HUYỀN BÍ KITÔ GIÁO – TÂN ƯỚC

0
1308

Nguồn: “Chiều kích huyền bí trong các tôn giáo”
trích trong Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập IV
(Tp. HCM: Nhà sách Đức Bà Hòa Bình,  2015), trang 185-290.

Mục I. Tân ước

Như đã nói trên đây, cụm từ “kết hiệp huyền bí” (unio mystica) không được sử dụng trong  các tác phẩm Tân ước. Tuy nhiên, các sách Tân ước đã mở đường cho truyền thống huyền bí Kitô giáo bằng cách cung cấp những nền tảng cho cuộc kết hiệp đó.

Trước tiên, Tân ước trình bày cho chúng ta một khuôn mẫu vô song của sự kết hiệp giữa Thiên Chúa với con người nơi đức Giêsu. Sự kết hiệp này diễn ra không những trên bình diện hữu thể (sự kết hiệp ngôi vị: unio hypostatica) mà còn trên bình diện tâm thức (đức Giêsu luôn kết hiệp ý muốn của mình với Chúa Cha). Tuy nhiên, đây là một cảm nghiệm độc nhất vô nhị, cho nên chúng tôi không muốn bàn rộng. Chúng ta hãy tìm hiểu những khuôn mẫu khác nằm trong tầm tay của con người, cách riêng những lời mời gọi con người hãy tiến đến sự kết hiệp với Thiên Chúa.

Trong các tác phẩm Tân ước, các nhà huyền bí Kitô giáo thường chú ý nghiền ngẫm thánh Phaolô và thánh Gioan. Chúng tôi cũng đi theo truyền thống này.

I. Thánh Phaolô

Qua các thư gửi các giáo đòan, thánh Phaolô đã đặt một nền tảng đạo lý cho huyền bí Kitô giáo, khi nói đến sự kết hiệp giữa các tín hữu với Đức Kitô. Chính thánh nhân cũng kể lại cảm nghiệm riêng của mình để cho các tín hữu bắt chước. Tuy nhiên, trước đó cần phải xác định ý nghĩa của từ “huyền bí” nơi thánh Phaolô, một đầu đề của nhiều cuộc tranh luận giữa các học giả trong thế kỷ XX[1].

A. Từ ngữ

1/ Huyền bí và Mầu nhiệm

Trong tiếng Hy-lạp và La-tinh, từ “huyền bí” (mystica) bắt nguồn bởi danh từ “mầu nhiệm” (mysterium). Tuy từ “mystica” không xuất hiện trong các thư của thánh Phaolô, nhưng danh từ mysterium (mầu nhiệm) được sử dụng 24 lần. Mầu nhiệm là gì? Theo các nhà nghiên cứu Kinh thánh, có sự thay đổi ý nghĩa của danh từ này từ những thư đầu tiên cho đến những thư cuối cùng.

1/ Trong những lá thư đầu tiên, từ “mầu nhiệm” ám chỉ một điều tối tăm khó hiểu trong chương trình của Thiên Chúa, chẳng hạn như: “mầu nhiệm thập giá” (1 Cr 1-3: tại sao Thiên Chúa lại ấn định ban ơn cứu độ qua cây thập giá, một sự điên rồ đối với thế gian?), “mầu nhiệm thân xác sống lại” (1Cr 15,51: làm thế nào người chết sống lại được?), “mầu nhiệm Israel” (Rm 11: tại sao dân Israel không chấp nhận đức Kitô?).

2/ Tuy nhiên, ở cuối thư gửi Rôma (16,25), có sự thay đổi ý nghĩa của danh từ “mầu nhiệm”. Nó không ám chỉ một điều gì tối tăm khó hiểu trong đường lối của Chúa, nhưng là tòan thể kế họach mạc khải. Nói cách khác, “mầu nhiệm” được dùng như đồng nghĩa với “Tin mừng”, nghĩa là ơn cứu độ được thực hiện nơi Đức Kitô. Trước đây, kế họach này không được loan báo, nhưng từ nay đã được thông truyền. Ý tưởng này được khai triển trong thư gửi Côlôxê và Ephêsô. “Mầu nhiệm” là Đức Kitô (Cl 1,26), bởi vì không những Người đến để mặc khải chương trình của Thiên Chúa Cha, nhưng còn vì chương trình đó được thành tựu ở nơi Người. Công trình giao hòa được hòan tất nhờ cái chết và sự phục sinh của Người: không những nhân lọai được ơn tha thứ và giao hòa với Thiên Chúa, mà cả những bức tường ngăn cách giữa Israel và dân ngọai cũng bị giật đổ. Từ nay tất cả nhân lọai họp nên một đoàn dân duy nhất trong Hội thánh, dưới quyền thủ lãnh của Đức Kitô (Ep 3,1-13).

Đối với thánh Phaolô, kế họach cứu độ nhân lọai nơi Đức Kitô là một “mầu nhiệm” bởi vì trước đây không được loan báo trong Cựu ước (Rm 16,25; Cl 1,23). Tuy nhiên, từ nay trở đi thì không những là mầu nhiệm này được tỏ lộ rồi, mà thánh Phaolô cảm thấy bổn phận phải loan báo cho muôn dân (chứ không được phép giấu kín). Hội thánh cũng tham gia vào công tác này: một đàng Hội thánh là nơi thể hiện mầu nhiệm giao hòa giữa muôn dân và mầu nhiệm liên kết với Đức Kitô (như hiền thê: Ep 5,32), đàng khác Hội thánh góp phần vào việc truyền bá Tin mừng không chỉ qua lời giảng mà còn bằng những hy sinh đau khổ nữa.

Tóm lại, nơi thánh Phaolô, “mầu nhiệm” không chỉ hiểu về điều huyền vi bí ẩn (của Thiên Chúa), nhưng còn được hiểu cách cụ thể về đường lối của Thiên Chúa được bộc lộ và thực hiện nơi Đức Kitô. Không thể nào nói tới “mầu nhiệm Thiên Chúa” mà bỏ qua đức Kitô được.

2/ Cảm nghiệm huyền bí

Như đã nói trên, cụm từ “cảm nghiệm huyền bí” không xuất hiện trong các thư của thánh Phaolô. Vì thế không lạ gì mà có vài tác giả cho rằng thánh Phaolô không hề biết đến cảm nghiệm huyền bí (Guenther Bornkamm, Hans Conzelmann). Thánh Phaolô là một ngôn sứ (propheta) chứ không phải là một nhà huyền bí (mysticus).

Đối lại với quan điểm này, một số học giả chủ trương rằng ta không nên dừng lại ở từ ngữ, nhưng cần phải đi thẳng vào thực chất. Dù thánh Phaolô không dùng từ ngữ “cảm nghiệm huyền bí”, nhưng nhiều đọan văn cho phép kết luận rằng ông đã biết đến thực thể đó, và đã cảm nghiệm nơi chính bản thân mình. Tuy nhiên, lập tức một câu hỏi được đặt lên: phải hiểu thế nào là “cảm nghiệm huyền bí”? Phải chăng đó là cảm nghiệm xuất thần (extasis)? Phải chăng đó là thị kiến “giác ngộ” khiến cho ông thông hiểu tất cả mọi lý lẽ cao siêu về Thiên Chúa? Câu trả lời không đơn giản.

a) Nếu hiểu cảm nghiệm huyền bí như là “xuất thần” thì ta chỉ thấy thánh Phaolô nhắc đến một lần (2Cr 12,1-4.7), và ông chẳng thích thú gì khi kể lại chuyện đó:

Phải tự hào ư? Nào có ích gì! Dù thế, tôi cũng xin nói về những thị kiến và mặc khải Chúa đã ban cho tôi. Tôi biết có một người môn đệ Đức Kitô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba – có ở trong xác hay không, tôi không biết, có ở ngòai thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng – trong thân xác hay ngòai thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết – và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà lòai người không được phép nói lại… Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.

b) Điều mà thánh Phaolô thường kể lại với tất cả tấm lòng tri ân là ơn gọi mà Thiên Chúa đã dành cho mình, khi chọn mình làm sứ giả Tin mừng Đức Kitô, Đấng mà trước đây mình đã chống cự. Kể từ ngày đó, một mối tương quan đã nảy sinh giữa Phaolô và Đức Kitô. Đây là một đặc trưng của cảm nghiệm huyền bí của Phaolô: không phải là cảm nghiệm đồng nhất với Thiên Chúa (Thượng đế, Đạo, Brahman), cho bằng hòa đồng với Đức Giêsu Kitô. Đây là một hồng ân trọng đại mà Chúa ban cho Phaolô; tuy nhiên, ông thâm tín rằng tất cả mọi Kitô hữu cũng nhận được hồng ân đó trong bí tích Thánh tẩy. Sự kết hiệp với Chúa Kitô là ơn gọi của hết mọi tín hữu. Nhằm giúp họ sống triệt để ơn gọi đó, thánh Phaolô kể lại cảm nghiệm bản thân ra như để cho thấy rằng cảm nghiệm huyền bí có thể thực hiện được.

B. Nền tảng sự kết hiệp huyền bí của người Kitô hữu

Trên đường rao giảng Tin mừng, ắt hẳn thánh Phaolô đã quen biết với nhiều tôn giáo huyền nhiệm ở vùng Địa Trung hải: họ đi tìm cách kết hiệp với các thần linh qua những nghi lễ huyền bí[2]. Nói khác đi, thánh Phaolô từng biết lòng khao khát của con người muốn vươn lên đến Đấng Tuyệt đối; nhưng ông muốn trình bày cho họ một con đường độc đáo, đó là chính Thiên Chúa đến gặp gỡ con người nơi Đức Giêsu Kitô. Đây là ý nghĩa của “mầu nhiệm” đã nói trên đây: cuộc tử nạn và phục sinh của đức Giêsu Kitô đã mở đường cho con người tiến đến gần Thiên Chúa. Đang khi chúng ta còn xa lạ với Thiên Chúa (thậm chí còn là thù nghịch với Ngài), thì chính Ngài đã ban Con Một cho chúng ta, ngõ hầu chúng ta được trở nên con cái của Ngài.

1/ Từ đó, đối với con người, điều quan trọng là đón nhận hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa trao ban nơi Đức Kitô, ngõ hầu được đến gần với Thiên Chúa. Hành vi đón nhận này được thánh Phaolô đặt tên là đức tin (Rm 5,2). Tin không chỉ là chấp nhận một chân lý, mà còn bao hàm thái độ tuân phục, tín thác, hy vọng nữa. Cũng cần thêm rằng, đức tin không chỉ là một hành vi thuần túy của con người mà cũng là hồng ân của Thiên Chúa nữa. Thực vậy, làm sao con người có khả năng tin và yêu mến Chúa, Đấng mà ta không thấy không tường? Chính vì thế mà thần khí của Thiên Chúa đã được đổ tràn xuống tâm hồn ta, ngõ hầu ta có khả năng yêu mến Chúa (Rm 5,5).

Đây là chìa khóa của thực tại huyền bí cuộc đời Kitô hữu: không phải là con người đi tìm gặp gỡ Thiên Chúa, cho bằng Thiên Chúa đến gặp gỡ con người. Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đã mời gọi con người đến với mình (xc. Rm 5,15; Ep 2,4-5). Để thực hiện chương trình đó, đức Kitô đã chịu chết vì chúng ta do tình thương dành cho chúng ta (Rm 5,8). Thánh Linh được đổ tràn xuống lòng ta để chúng ta có thể yêu mến Chúa như con thảo (Rm 8,15; Gl 4,6).

2/ Ngòai ra, ta có thể ghi nhận thêm một đặc điểm nữa của đạo lý thánh Phaolô ở chỗ là sự kết hiệp huyền bí của người Kitô hữu không phải là kết quả của một tiến trình nỗ lực lâu dài, nhưng nó đã được thành tựu ngay từ khi lãnh bí tích rửa tội (Rm 6,3-5). Nhờ bí tích này, mỗi người tín hữu đã được kết nạp với Đức Kitô rồi, đã được trở nên một với Đức Kitô, đã được thông dự vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô, đã được biến đổi nên thọ tạo mới (2Cr 5,11). Nói cách khác, nhờ bí tích rửa tội, tất cả mọi Kitô hữu đều đã nên “thánh” rồi, cho dù sau đó họ sa ngã phạm tội, như trường hợp các tín hữu ở Corintô (1Cr 1,2; 2Cr 1,1). Vì thế, người Kitô hữu không cố gắng trở nên thánh, cho bằng cố gắng sống sự thánh thiện đang mang trong mình (xc. Ep 2,8-9), một thực tại sinh động đòi hỏi phát triển về nhiều phương diện (xc Cl 1,10; 2,19; Ep 2,21; 4,15), bao gồm cả việc hiểu biết đường lối của Thiên Chúa (Ep 1,17-19; Cl 1,9).

Ngòai bí tích rửa tội, một nguồn mạch khác đưa chúng ta đến việc thông hiệp với Đức Kitô là bí tích Thánh thể (1Cr 10,16-17).

C. Cảm nghiệm của thánh Phaolô

Các học giả ghi nhận rằng thánh Phaolô không nói đến sự kết hiệp với Thiên Chúa cho bằng kết hiệp với Đức Kitô[3].

Đọan văn sau đây thường được trưng dẫn như tiêu biểu nhất cho sự kết hiệp khắng khít giữa thánh Phaolô với Đức Kitô: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi nữa nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Thực ra, sự hiệp nhất với Chúa Kitô được phát biểu qua nhiều dụng ngữ khác nữa.

1/ “Tôi bị Đức Kitô chiếm đọat” (xc Pl 3,12). Mối liên hệ với Đức Kitô bắt đầu do chính Chúa chứ không phải do sáng kiến của Phaolô. Theo một kiểu nói văn chương, Phaolô đã bị “tiếng sét ái tình” trên đường đi Đamascô, khi ông truy nã các tín đồ của Đạo mới. Đức Kitô đã đến gặp Phaolô, đã tự mạc khải cho ông (Gl 1,14-15). Biến cố này ghi sâu vào tâm khảm của ông, khiến ông không tài nào quên được, và hễ có dịp là ông kể lại hồng ân cho người khác nghe (xc. 1 Cr 9,1;15,8; 2 Cr 4,6; Pl 3,7; Ep 3,8; 1 Tm 1,16).

2/ “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đọan văn này có thể được giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau. Có ý kiến cho rằng thánh Phaolô không nói đến cảm nghiệm riêng tư của mình, nhưng là điều kiện chung cho hết mọi Kitô hữu (xc. Col 3,3). Nhận xét này có thể đúng, nhưng chúng tôi không muốn dừng lại ở khía cạnh này. Ta tạm chấp nhận rằng thánh Phaolô kể lại kinh nghiệm riêng của mình; nhưng thử hỏi: ông muốn nói gì ở đây? Một điều chắc chắn là ông không quả quyết rằng mình đã mất nhân cách đến độ chỉ còn là “robot”, hình nộm để cho Chúa giật dây! Có lẽ ông cũng không muốn diễn tả một cảm giác lâng lâng vui thú của các cặp tình nhân (được kề bên nhau và sống chết có nhau), bởi vì trước đó (câu 19) ông đã viết rằng: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá”. Sự kết hiệp này nên được hiểu theo nghĩa tinh thần, đó là Đức Kitô trở thành lẽ sống cho Phaolô: vì yêu mến Chúa, ông sẵn sàng chịu đựng hết mọi gian lao để bày tỏ lòng quý mến Người, đặc biệt bằng cách cộng tác vào việc rao giảng Tin mừng, ngõ hầu Chúa Kitô được mọi người hiểu biết và yêu mến. Mối tình dành cho Đức Kitô cũng bao hàm mối tình dành cho Hội thánh, chi thể của Người (1Cr 12,12). Đức Kitô đã chẳng coi những cuộc bách hại các tín hữu như là sự bách hại chính Người đấy ư (xc Cv 9,4)? Cũng vì vậy mà thánh Phaolô chấp nhận chia sẻ sự đau khổ của Chúa Kitô qua việc chịu đựng những đau khổ với Hội thánh (xc. Cl 1,24).

Nói khác đi, trong giai đọan hiện tại, sự kết hiệp với Đức Kitô không thể nào tách rời khỏi việc chia sẻ vào cuộc khổ nạn của Chúa. Thánh Phaolô thú nhận rằng mình mang những sự đau khổ của Chúa trong thân mình (2Cr 1,5; 4,10). Thiết tưởng không nên hiểu những sự đau khổ này theo nghĩa đen của các “thương tích trên thân thể” (xc. Gl 6,16) cho bằng những vất vả nhọc nhằn của họat động truyền giáo (2 Cr 11,23-28). Dĩ nhiên, đau khổ và cái chết không phải là tất cả, xét vì chúng chỉ là một phần trong mầu nhiệm Vượt qua mà thôi. Dù vậy, sự kết hiệp với Đức Kitô phục sinh khải hòan thuộc về tương lai hơn là hiện tại (xc. Rm 6,5.8; 2Cr 4,14; 13,4; Cl 3,4); trong hiện tại, chúng ta muốn trở nên giống Chúa Kitô trong cái chết, với niềm hy vọng mai sau sẽ cùng được sống lại với Người (Pl 3,10-11).

3/ “Trong Đức Kitô”. Thuật ngữ này (in Christo) xuất hiện khỏang 160 lần trong các thư của thánh Phaolô, tuy không phải chỉ dành riêng cho cảm nghiệm cá nhân, nhưng còn cho tất cả mọi tín hữu. “Trong Đức Kitô” có nghĩa là gì? Hẳn là giới từ “trong” không ám chỉ một khoảng không gian, địa lý (như khi nói: “trong nhà”, “trong mình”)[4]. Có lẽ nên hiểu theo nghĩa tinh thần: Đức Kitô trở nên một lý tưởng cho cuộc sống, có khả năng thu hút tất cả mọi tài năng, nghị lực của ta. Đức Kitô đã yêu ta và đã hiến mạng vì ta (Gl 2,20). Đáp lại, ta cũng muốn yêu mến Người và để cho Người chiếm đọat. Chúng ta còn có thể vạch ra nhiều chiều kích khác nữa trong đạo lý về thần bí của thánh Phaolô. Tuy nhiên, một điều không thể nào bỏ qua được là sự kết hiệp với Đức Kitô chỉ đạt được mức sung mãn ở thế giới bên kia, khi các tín hữu được đưa về sống bên Chúa mãi mãi (1Tx 4,17). Dù sao, Phaolô thâm tín rằng Đức Kitô yêu thương chúng ta, và không gì tách chúng ta khỏi tình thương đó, dù sống hay chết (xc Rm 8,38.39).

II. Thánh Gioan

Trong lịch sử đời sống tâm linh Kitô giáo, tác phẩm của thánh Gioan đã trở thành sách gối đầu giường cho những tâm hồn muốn sống kề bên Chúa, tựa như người môn đệ đã tựa đầu vào lòng Chúa Giêsu (Ga 13, 25) và đã chứng kiến cảnh lưỡi đòng đâm thấu cạnh sườn của Người (Ga 19,35), nhất là vì thánh Gioan đã dám dùng từ “tình yêu” (agape) để định nghĩa Thiên Chúa (1Ga 4,8.16)[5].

Ngòai nội dung chứa đựng nhiều lời kêu mời con người tiến đến sự kết hiệp với Thiên Chúa, lối hành văn của tác giả đòi hỏi người đọc phải chăm chú nghiền ngẫm thì mới khám phá ra ý nghĩa thâm thúy của nó. Thực vậy, tác giả ưa dùng nhiều biểu thức (hình ảnh, ý tưởng) khó lòng nắm bắt nếu chỉ đọc lướt qua, hoặc những từ ngữ mang hai ý nghĩa. Đó chẳng phải là thể văn phổ thông trong các “mật giáo” đó sao? Có những từ vừa mang nghĩa đen vừa mang nghĩa ẩn dụ, thí dụ như: “nước” (xc. 4,10.14), “bánh” (xc. 6,35.48.51-58), “ánh sáng” (xc. 8,12; 9,5), “giờ” (xc. 2,4; 4,21; 5,25; 12,23); có từ mang hai nghĩa hòan tòan trái ngược, chẳng hạn như động từ “treo lên” (xc. 3,14; 8,28; 12,32) vừa ám chỉ hình phạt treo trên thập tự, vừa là nâng cao (tôn vinh). Đôi khi tác giả cho thấy rằng có người đã hiểu sai lời của Chúa (xc. 2,20-21; 3,3-5; 4,10; 20,14-16), vì thế người đọc nên chú ý cẩn thận ngõ hầu nắm bắt được ý nghĩa sâu xa của mặc khải.

Như đã nói trước đây, thánh Gioan đã đặt nền tảng cho sự kết hiệp huyền bí Kitô giáo ở chỗ khẳng định rằng Thiên Chúa đã đến gặp gỡ con người nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời làm người. Sự kết hiệp giữa đức Giêsu với Thiên Chúa khắng khít đế nỗi đức Giêsu dám nói rằng “Tôi với Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Trong bối cảnh tôn giáo Do thái, một lời tuyên bố như vậy quả là phạm thượng! Nguyên việc đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa đã đủ để bị kết án tử hình rồi (xc Ga 5,16-18), phương chi là đồng hóa mình với Thiên Chúa? Thế nhưng, những lời tuyên bố như vậy không chỉ thốt ra do ngẫu hứng, nhưng được nhăc đi nhắc lại  nhiều lần: “Cha ở trong Tôi và Tôi ở trong Cha” (10,38). “Các con hãy tin Thầy đi: Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy” (14,10). “Lạy Cha, xin cho họ trở nên một, bởi vì Cha ở trong con và con ở trong Cha” (17,21).Đây không phải là những tuyên ngôn tự cao tự đại, nhưng là một nguồn mạch ân huệ mở toang cho mọi người. Thực vậy, bởi vì đức Kitô ở trong Cha, cho nên Người có khả năng mời gọi chúng ta hãy đến với Người ngõ hầu cùng được chia sẻ hạnh phúc “ở trong Thiên Chúa” như vậy.  Đức Kitô đã được Thiên Chúa trao ban cho tòan thể nhân lọai, ngõ hầu họ được sự sống vĩnh cửu (xc 11,25).

Cũng như thánh Phaolô, thánh Gioan không dùng từ ngữ “huyền bí” để gọi sự kết hiệp với Thiên Chúa Tuy nhiên chúng ta không nên dừng lại ở cấp độ từ ngữ nhưng hãy đi vào thực chất của nó. Ngòai ra, cũng cần thêm là thánh Gioan mô tả sự kết hiệp như cuộc gặp gỡ trong ý thức và yêu mến. Chúng ta không thấy những từ ngữ nói đến “xuất thần, thị kiến” khi đề cập tới sự kết hiệp này. Mặt khác, chống lại những trường phái ngộ đạo khinh rẻ thân xác, thánh Gioan nhấn mạnh đến mầu nhiệm Nhập thể, nghĩa là Đức Giêsu là Thiên Chúa thực, và cũng là người thực, có hồn có xác: Thiên Chúa đến gặp gỡ con người trong điều kiện sinh sống cụ thể của con người.

Từ những tiền đó đó,  chúng ta hãy điểm qua vài đọan văn mời gọi con người đến kết hiệp với Đức Kitô; kế đó, chúng ta thử tìm hiểu những điều kiện để đạt đến tình trạng kết hiệp.

A. Lời mời kết hiệp

Tột điểm của sự hợp nhất giữa Đức Kitô với Thiên Chúa được diễn ra qua những thuật ngữ: “ở trong” (Cha ở trong Thầy, Thầy ở trong Cha: 14,10) hoặc “là một” (Thầy với Cha là một: 10,30). Vì thế không lạ gì mà thánh Gioan không ngần ngại tuyên xưng rằng “Đức Kitô là Thiên Chúa” (xc. 1,1; 20,28.31).

Đến khi diễn đạt sự hợp nhất giữa các môn đệ với Đức Kitô thì thánh Gioan sử dụng một thuật ngữ riêng, đó là “ở lại” (6,56; 8,31; 15,6.7). Theo như cha Xavier Léon-Dufour[6] nhận xét, Đức Kitô luôn luôn “ở trong” (in) Chúa Cha, nhưng điều này không thể nào áp dụng cho chúng ta được.  Sự kết hiệp của chúng ta với Đức Kitô không dựa trên bản tính bẩm sinh hoặc mang tính cách bền vững. Chúng ta vốn “ở ngòai” Đức Kitô, và Người mời chúng ta hãy đạt đến lý tưởng là “ở lại” nơi Người: đây vừa là một lời mời “hãy tiến tới” vừa là một lời mời “hãy trung tín”. Thực vậy, chúng ta luôn gặp nguy cơ sẽ xa lìa Người.

Bước đầu tiên để thiết lập mối tương quan với Đức Kitô là “tin”. Các học giả nhận xét rằng trong Phúc âm thứ bốn, tác giả không hề nói đến “đức tin” (pistis, một danh từ trừu tượng hoặc mang thể tĩnh), nhưng sử dụng động từ “tin” đến 98 lần (pisteuin, động từ mang tính cách năng động và bao hàm sự tiến triển). “Tin” đức Kitô không phải là chấp nhận một đạo lý, nhưng là “đến với” Người (5,40; 6,35.37); “tiếp đón” Người (1,12; 5,43), “đi theo” Người (8,12;10,5), “lắng nghe” tiếng Người (10,1-5), “chấp nhận” lời chứng của Người (3,11). Việc “tin” cũng dẫn đến việc “biết” (6,69; 8,31-32), “nhìn thấy” (6,40;12,44-45; 14,8-9).

B. Những điều kiện để kết hiệp với Đức Kitô

Đức Kitô mời chúng ta hãy “ở lại” nơi Người. Làm thế nào thực hiện điều đó?

1/ Ở chương 6, trong bài giảng về bánh hằng sống, Chúa Giêsu nói: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong họ” (Ga 6,56). Thọat tiên xem ra chỉ cần lãnh bí tích Thánh thể là đủ để ở lại trong đức Kitô. Tuy nhiên mạch văn của đọan 6 còn đòi hỏi hơn thế nhiều. “Ăn thịt và uống máu” có nghĩa là tin vào Chúa Giêsu, như ta đọc thấy ở câu tiếp đó: “ai ăn Ta” (6,57). Khi ta tiếp nhận Đức Kitô nhờ đức tin thì một cuộc trao đổi diệu kỳ diễn ra: không những là chúng ta được ở lại trong Người, mà chính Người chuyển ban sự sống thần linh cho ta: “như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (6,57).

2/ Ở đầu chương 15, thánh Gioan dùng hình ảnh cây nho và cành nho để giải thích mối liên hệ giữa Đức Kitô và các môn đệ:

Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người sẽ chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người sẽ cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn (15,1-2).

Ở đây sự liên kết giữa các môn đệ với Đức Kitô không khép kín lại, nhưng mở rộng đến Chúa Cha và đến các môn đệ với nhau. Một đàng, các môn đệ được mời gọi hãy hợp nhất đức Kitô để sinh hoa trái; đàng khác, Chúa Cha cũng can thiệp vào mối liên kết đó. Thọat tiên xem ra Chúa Cha đối xử với các môn đệ dường như là họ đã nên một với đức Kitô rồi. Sự thực không hẳn như vậy, bởi vì chính đức Kitô không chỉ mời gọi các môn đệ hãy ở lại trong Người, nhưng còn nhắc đến nguy cơ họ có thể xa lìa Người: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (15,4). Đàng khác, việc “ở lại” mang tính cách hỗ tương (xc. câu 7: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong anh em..”), tuy biết rằng dù Chúa là chủ động (sở dĩ chúng ta có khả năng ở lại trong Đức Kitô là vì Người đã đến với chúng ta trước).

Nếu ở chương 6, việc “ở lại” được gắn liền với lòng tin thì ở chương 15, việc ở lại được gắn với lòng yêu mến:

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Ngài (15,9-10).

Thọat tiên xem ra sự “ở lại” tùy thuộc vào lòng trung thành của chúng ta với việc tuân giữ giới răn Chúa; nhưng nếu đọc kỹ hơn, ta nhận thấy rằng nguyên ủy của sự “ở lại” là chính tình thương của Chúa Cha: cũng như tình thương đó tràn xuống Đức Kitô và liên kết Đức Kitô với Chúa Cha, thì cũng chính tình thương đó liên kết Đức Kitô với các môn đệ, và rồi liên kết các môn đệ với nhau: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (13,34).

C. Biết và mến

Mối tương quan với Đức Kitô bắt đầu từ việc “tin” Người, và tiến đến chỗ “ở lại” trong Người: nó mang hình thức của một cuộc gặp gỡ thân mật, càng lúc càng “biết” nhau hơn, càng lúc càng “mến” nhau hơn. Thánh Gioan được mệnh danh là “tông đồ của tình yêu”, bởi vì ông nói nhiều về tình yêu: Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa yêu thương nhân lọai, Chúa Giêsu yêu thương chúng ta; chúng ta được mời gọi hãy đón nhận tình yêu của Chúa và diễn tả qua việc yêu thương nhau. Đồng thời, thánh Gioan cũng là “tông đồ của hiểu biết” nữa: sự kết hiệp với Thiên Chúa cũng được diễn tả qua sự hiểu biết, không phải là một thứ hiểu biết bằng ý niệm, nhưng là “quen biết nhau”: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha sai đến là Giêsu Kitô” (17,3). Sự biết này không dựa vào giác quan hay lý trí, nhưng là một hồng ân từ trên ban (10,14), đặc biệt là nhờ Thánh linh, Đấng được phái đến để giúp các môn đệ nhớ lại các lời của Chúa, khám phá nội dung thâm sâu của chúng (14, 17.25-26). Nhờ Thánh linh dìu dắt, các tín hữu được dẫn đưa đến chân lý trọn vẹn là chính Đức Kitô (16,13).

—-

[1] R. Penna, Problemi e natura della mistica paolina, in: La Mistica  (a cura di E. “ncilli), Città Nuova, Roma 1984, vol.I, 181-221.

[2] Xc. Về Nguồn, tập II, trang 31.

[3]  Trong tiếng Đức, Christusmystik hơn là Gottesmystik (“lfred Wikenhauser).

[4] Nên biết là trong các thư của thánh Phaolô,  giới từ “trong” cũng được sử dụng cho những khung cảnh khác nữa, chẳng hạn:  “sống trong thần khí, trong tội lỗi, trong xác thịt” (Rm 6,1-2; 7,5)..

[5] B. Maggioni, La mistica di Giovanni Evangelista, in: La Mistica  (a cura di E. “ncilli), Città Nuova, Roma 1984, vol.I, 223-250.Truyền thống nhìn nhận thánh Gioan tông đồ cũng là tác giả của sách Khải huyền, nhưng ở đây chúng tôi chỉ nghiên cứu Phúc âm thứ bốn mà thôi.

[6] X. Léon-Dufour, Ouvertures johanniques sur la mystique, in: Christus 41 (1994)  180-188.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here